Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Chương 6: Quân trường (1)



Một cuộc chiến tranh dài
Tập II
Chương 6: Quân trường
(1)

Bước vào quân trường là bắt đầu ngay những ngày vất vả. Ngày đầu lãnh quân trang và vũ khí. Khoác bộ quân phục vào người, ai cũng thích thú với ý nghĩ đã trở thành người quân nhân thực thụ. Niềm hãnh diện ngời lên trong những đôi mắt trẻ trung của họ. Sau đó là những ngày mệt nhọc với những bài học quân phong quân kỷ, những buổi tập đi đứng ngoài trời, dưới cái nắng thiêu đốt của mùa hạ. Mồ hôi ướt đẫm quân phục, mồ hôi rơi lả tả xuống thao trường.
Hai tuần lễ nhọc nhằn trôi qua. Hôm nay là chúa nhật, ngày thăm viếng đầu tiên của gia đình các tân khóa sinh. Mọi người đều dậy thực sớm, ăn mặc chỉnh tề, nôn nao chờ đợi. Riêng Tân thì vẫn thản nhiên vì cậu biết chẳng có ai đến thăm mình. Một tuần trước đây, quân trường cho phép viết thư về nhà để báo tin ngày thăm viếng lần đầu, mọi người cắm cúi trên trang giấy còn Tân thì đi thơ thẩn trên những con đường quanh khu nhà ở của sinh viên. Bây giờ, trong lúc mọi người ra phía trước cổng để chờ đón thân nhân thì cậu xuống quán ngồi uống nước một mình. Cậu nhớ lại những năm ở tù, trong những ngày thăm nuôi, cậu cũng lang thang cô độc như giờ nầy. Cảnh cô đơn cứ lặp đi lặp lại mãi trên con đường đời của cậu. Buổi trưa, sau khi cơm nước xong, Tân ghé xuống câu lạc bộ mua mấy tờ báo và về phòng.
Khi mặt trời xế bóng, ngày thăm viếng chấm dứt, khóa sinh bịn rịn từ giã người thân và lần lượt về phòng. Tân đang nằm trên giường thì nghe tiếng gọi thực to của Bính:
- Anh Tân, cả buổi sáng anh đi đâu? Em về phòng tìm anh hai lần mà không gặp.
- Em tìm anh làm gì? Hôm nay có ai đến thăm Bính không?
- Có ba em, chị Mai và thằng Bình. Ba em và chị Mai muốn gặp anh nhưng em tìm không ra.
- Nhưng tại sao ba em và Bạch Mai biết anh ở đây?
- Chính em nói. Cả hai người đều sửng sốt. Chị Mai nghe nói có anh ở đây thì mặt mày tái mét. Ba em thì mừng rỡ lắm, hỏi thăm tíu tít. Ông trách em tuần trước, viết thư về nhà không báo cho ông biết anh nhập ngũ chung với em. Thực tình em rất lười viết thư nên chỉ báo một cách vắn tắt cho gia đình biết ngày giờ thăm viếng, cách thức đến trường mà thôi, chứ không nói gì khác.
- Bác trai còn nhớ đến anh à?
- Nhớ chứ. Ba em bảo em đi tìm anh để ông chúc mừng.
Tân cười:
- Nghe anh bị động viên thì phải buồn cho anh chứ sao lại mừng?
Bính cười theo:
- Vâng đúng vậy, trong hoàn cảnh của anh, bị gọi nhập ngũ là một điều đáng buồn vì phải từ giã cuộc sống sung sướng của giáo sư để nhận chịu sự cực nhọc và nguy hiểm của người lính. Em nói như thế và ba em bảo rằng ông chúc mừng cho anh cũng có lý do.
- Lý do thế nào?
- Trước đây ba em có hoạt động cho Việt minh và suýt nữa đi tù, anh có biết không?
- Có, anh vẫn còn nhớ. Lúc còn sống, má em đã kể anh nghe chuyện đó. Sau khi suýt bị Tây bắt, bác trai thôi hoạt động nhưng vẫn giữ nhiều cảm tình đối với kháng chiến. Trước đây anh có thể đến và thân thiết với gia đình em cũng chính là nhờ cái cảm tình của bác với người làm cách mạng.
- Đó là chuyện xưa cũ, còn bây giờ cảm tình đó không còn nguyên vẹn nữa, nhất là từ sau khi Việt cộng thành lập Mặt trận Giải phóng miền Nam, thổi bùng ngọn lửa chiến tranh để chiếm cho hết cả nước. Ba em cho rằng gây trở lại cuộc chiến tranh trên đất nước nầy là điều sai lầm, là tội ác của người cộng sản. Ba em muốn tất cả những người đã từng tham gia cách mạng trước kia đều có quan điểm như ông thì đương nhiên chiến tranh tàn lụi và dân mình sẽ được hưởng thái bình. Vì vậy khi nghe anh nhập ngũ, ông mừng rỡ vì tìm được người đồng quan điểm.
Tân thở dài:
- Bác muốn anh từ giã cộng sản cũng phải vì trong thời gian anh hoạt động cho họ anh đã có tội rất lớn đối với gia đình em.
Bính đặt tay lên vai bạn:
- Anh lại nhắc lại chuyện của chị Mai nữa rồi. Anh không nên đeo mãi trong lòng cái mặc cảm tội lỗi đó. Ba em và cả gia đình em không có ý trách anh đâu. Em biết, ba em đã suy nghĩ rất nhiều và đã nhận ra cái sai của người cọng sản. Sau đó, mỗi lần thấy có ai tỏ ra có cùng quan điểm với mình thì ba em mừng rỡ. Càng gặp được nhiều người như thế thì ba em càng yên tâm với nhận định của mình. Đó là tâm lý bình thường của con người và không liên quan gì đến việc rủi ro của chị Mai, anh không nên mặc cảm về vấn đề đó nữa nhé.
- Cám ơn em. Bác trai còn nói gì thêm nữa không?
- Có. Ông bảo rằng, trước đây ông tham gia kháng chiến là để giành độc lập. Bây giờ thì ông thấy rõ mục đích của những người làm cách mạng ở Việt nam không chỉ vậy thôi mà còn muốn tiến xa hơn nữa, đó là áp đặt chế độ cộng sản lên đất nước nầy. Chính vì chỗ đó mà dân mình phải chịu đựng chiến tranh lâu dài. Cũng cùng là thuộc địa của thực dân mà những nước trong vùng đều đã độc lập, thái bình chứ đâu có phải bị chia cắt và đau khổ như Việt Nam mình đâu.
- Thế ý kiến của em thế nào?
- Em nhớ trước đây lâu lắm em có nói vấn đề nầy với anh rồi. Lúc ấy, em còn nhỏ nên chỉ lặp lại ý kiến của ba em. Từ đó em luôn suy nghĩ và đến bây giờ, em hoàn toàn đồng ý với ba em. Hai cha con mà nói chuyện vơi nhau thì luôn luôn tâm đắc. Em thường bắt đài phát thanh Hà nội để xuyên qua sự tuyên truyền, đoán biết ý đồ của họ. Em nghe họ luôn luôn kể công đối với đất nước. Thực ra họ làm hại cho tổ quốc và dân tộc chứ không phải là có công.
- Tại sao vậy?
- Điều đó quá rõ. Hiện nay trên thế giới đang có cuộc đối đầu giữa hai khối tư bản và cộng sản. Cuộc đối đầu đó rất nguy hiểm nên hai ông khổng lồ không dám trực tiếp chạm trán nhau mà chỉ xúi đàn em đụng nhau ở một vài vùng trên thế giới để thử sức và thử vũ khí. Những người cộng sản Việt Nam mang cả Tổ quốc mình ra làm cái chỗ thử sức đó của hai anh khổng lồ, trong khi những nước khác thì vội xa lánh bằng cái phong trào gọi là “Không liên kết”. Đó, lãnh tụ của người ta khôn ngoan như thế cho nên người dân của họ được nhờ, trong khi người cộng sản Việt Nam thì làm ngược lại. Họ không phải là những người có tội hay sao? Em cho rằng sau nầy lịch sử sẽ công minh lên án điều đó.
- Thôi, ở Việt Nam bây giờ, chính trị như là một mê lộ trong đó trắng đen, phải trái lẫn lộn nhau, thực đáng chán. Anh em mình chuẩn bị đi ăn cơm. À, anh Thảo đâu không thấy nhỉ?
Bính cười thực dễ thương:
- Hôm nay có ông thầy của anh ấy lên thăm người em ở đại đội Bảy nên anh Thảo cũng ngồi vào nói chuyện suốt ngày. Hết giờ thăm viếng, hai anh rủ nhau xuống câu lạc bộ, bảo em ghé về đây mời anh xuống đó.
Bính đưa tay chỉ một giỏ xách ở chân giường:
- Có thức ăn của chị Mai đưa vào nữa. Chị ấy đã thức suốt đêm rồi để nấu nướng những thứ nầy. Nghe nói có anh trong nầy, chị mừng lắm, nhắc đi nhắc lại rằng những thứ nầy hai anh em phải dùng chung. Bây giờ chúng mình đi, anh Thảo và người bạn đang đợi dưới đó.


* *
*


Sau một tháng tập luyện đầy khó nhọc, anh em đã quen với đời sống quân ngũ nên giai đoạn tân khóa sinh được tuyên bố kết thúc. Một buổi lễ đơn giản nhưng thực trang nghiêm và cảm động được tổ chức tại vũ đình trường vào đêm thứ bảy, dưới quyền chủ tọa của đại tá chỉ huy trưởng. Tất cả các bạn trẻ đều được gắng huy hiệu alpha và trở thành người sinh viên sĩ quan thực thụ. Sáng sớm hôm sau, một đoàn xe buýt đưa họ về Sài gòn để dạo chơi trong một ngày chúa nhật.
Trong ánh nắng rực rỡ của buổi ban mai đẹp trời, những chàng trai hân hoan đi dạo trên đường phố thân yêu mà họ đã từ giã để lên đường nhập ngũ.
Ngày phép qua nhanh. Khi thành phố lên đèn, họ tạm biệt để trở về quân trường, tiếp tục những ngày tập luyện gian khổ. Kể từ khi trở thành sinh viên sĩ quan, chương trình càng thêm nặng, càng thêm gấp rút để sau khi mãn khóa có đủ kiến thức và đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ của cấp chỉ huy ngoài chiến địa. Trong các môn học, chiến thuật là môn chiếm nhiều thì giờ nhất. Môn nầy luôn luôn được huấn luyện ngoài các bãi tập, trong các làng quê chung quanh trường.
Rất nhiều lần, bài học chiến thuật kéo dài suốt ngày rồi lấn qua đêm. Buổi chiều, nhà bếp dùng xe chở thức ăn ra tận nơi. Sau bữa cơm là một giờ nghỉ ngơi để chờ đêm đến. Đó là lúc vui thích nhất trong những ngày tập luyện. Mặt trời chìm hẳn sau những hàng cây rậm rạp, không khí mát dịu, gió chiều rì rào lay động cành lá. Khung cảnh làng quê thực êm đềm và nên thơ. Sinh viên được nghỉ ngơi thoải mái, một số nằm kê đầu trên báng súng, ngửa mặt nhìn bầu trời xanh lơ, cao thăm thẳm, một số khác tụm năm tụm ba chuyện trò vui vẻ hay kể cho nhau nghe những tâm sự riêng của mình.
Từ khi vào quân trường đến nay, Tân, Bính và Thảo càng ngày càng thân thiết nhau hơn. Ba người bạn cùng thuộc về một trung đội, nằm kế bên nhau, chia sẻ với nhau từng điếu thuốc, từng món thức ăn. Những buổi chiều nghỉ ngơi ngoài bãi, ba anh em bao giờ cũng ngồi riêng một nơi trò chuyện. Tân chú ý rất nhiều những điều mà Thảo nói về miền Bắc vì ở đó, anh Vinh của cậu đang sống.
Một hôm, cậu hỏi Thảo:
- Từ khi vượt biên đến nay anh có dịp nào nhận được tin tức của gia đình không?
- Làm sao nhận được? Cùng một đất nước mà ngày nay như hai quốc gia riêng biệt.
Bính nói thêm:
- Hai quốc gia coi nhau như hai kẻ thù không đội trời chung.
Thảo thở dài:
- Đó là điều thực đau lòng. Tuy nhiên đối với riêng tôi thì đất nước mình vẫn là một, miền Bắc vẫn luôn luôn nằm trong quả tim của tôi. Tôi nhớ miền Bắc vô cùng. Cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn nằm mơ thấy mình đang sống ở miền Bắc. Khổ nỗi, giấc mơ nào cũng rơi vào thời điểm gia đình tôi bị đấu tố.
Bính lại giải thích theo thói quen của mình:
- Thời gian khủng khiếp đó đã in quá sâu vào tâm trí của anh, nó tràn ngập cả tiềm thức và vô thức của anh rồi.
Thảo gật đầu:
- Anh Bính nói đúng, thời gian đấy vô cùng khủng khiếp, nó sẽ ám ảnh tôi suốt đời. Nhiều hôm, sau giấc chiêm bao, tôi không dám ngủ lại, phải đốt đèn lên, chống mắt mà thức tới sáng.
- Anh có buộc phải chứng kiến cha mẹ mình bị đấu tố hay không?
- Không, cũng may lúc đó tôi đang học ở thị xã, cách làng tôi khá xa. Ở miền Bắc lưu thông tệ lắm chứ không phải như trong nầy đâu. Cách nhau vài mươi cây số là kể như xa lắm rồi, cả nhiều tháng hay một năm mới về nhà một lần. Nếu ở tại quê thì hoặc tôi chịu bị đấu tố chung với gia đình, hoặc bị bắt phải đứng trong hàng ngũ bọn mắng chửi và ném đá vào cha mẹ tôi. Tuy không chứng kiến nhưng tôi vẫn hình dung rõ ràng sự chịu đựng của cha mẹ mình trong ngày khủng khiếp đấy.
Thấy hai bạn mình im lặng chăm chú nghe, Thảo nói tiếp:
- Tôi hình dung được thảm cảnh ấy vì tôi và các bạn học sinh cùng lớp được dẫn đi tham gia cuộc đấu tố ở một làng gần thị xã, trên sân của đình làng.
Bính nói ngay:
- Thế là các vị thần của làng buộc phải tham gia cuộc đấu tố.
Thảo mỉm cười nói tiếp:
- Khi bọn học sinh chúng tôi đến nơi thì sân đình đã đông nghịt người. Tôi chen vào và hoảng sợ thấy cả một gia đình bị trói giữa sân, chung quanh là một vòng người xô đẩy nhau. Một ông lãnh đạo xã cầm một tờ giấy đưa ra trước mắt rồi, vừa đánh vần vừa đọc lời buộc tội. Cứ xong một đoạn, ông ta ngẩng lên thì, trong đám đông, có nhiều tiếng la ó chửi rủa tục tĩu vang lên. Cuối cùng ông ta cũng chấm dứt được bài diễn văn sặc mùi máu. Tiếng la ó lại nổi lên to hơn. Một người dùng đá ném vào, vài người khác bắt chước làm theo. Tôi thấy rõ ràng ông già bị một hòn đá đập vào trán, đưa hai tay ôm đầu và gục xuống. Sau đấy, ông già bị tuyên án tử hình và bị bắn chết ngay chiều hôm ấy.
Tân cảm thấy gai ốc nổi khắp mình. Cậu nói:
- Thực là kinh khiếp. Thế mà trong Nam mình đâu có biết.
Bính nói:
- Có chứ. Nhiều người trốn từ miền Bắc vào kể lại. Rồi người ta dựng thành một bộ phim nữa. Tuy nhiên, đa số người dân trong nầy không tin. Họ bảo đấy chỉ là chuyện bịa đặt để bôi nhọ cộng sản.
Thảo gật đầu:
- Không tin cũng phải. Suốt bao nhiêu năm, có một phóng viên độc lập nào được bước lên đất miền Bắc đâu. Chỉ nghe thuật lại thôi thì làm sao tin được những chuyện như thế còn có thể xảy ra trong thời đại văn minh nầy được.
Tân tiếp lời:
- Cảnh xử án đó thì đúng là của thời trung cổ; ngày nay, có lẽ chỉ còn trong các bộ lạc hoang sơ chưa có chút ánh sáng văn minh nào. Nhưng tại sao người ta đưa học sinh đi xem cảnh tàn ác đó?
- Không phải đi xem mà đi học tập thực tế. Lúc đấy chuyện học văn hoá bị khựng lại vì cán bộ cấp trên về bắt học tập chủ trương cải cách ruộng đất của đảng và nhà nuớc. Học sinh cũng được khuyên trở về đia phương vận động với gia đình và bà con mình tố cáo địa chủ trong làng.
Tân ngạc nhiên:
- Lúc đó trong làng anh cũng vẫn còn địa chủ à?
Thảo cười:
- Làm gì còn. Trước đấy, khi cộng sản chưa chiếm được miền Bắc, còn có một số người sở hữu ruộng đất và cho tá điền thuê với cái giá vừa phải chứ chẳng có ác ôn gì cả. Sau hiệp định Genève, phần lớn các điền chủ bỏ hết tài sản, di cư vào Nam. Số còn ở lại thì xin hiến đất cho nhà nước. Tuy nhiên, vài người cũng còn tiếc của do ông cha để lại nên không hiến hết mà giữ lại một ít để cho gia đình trực tiếp canh tác hoặc cho người khác thuê lại với giá rẻ. Những người đấy là đối tượng bị đấu tố trước tiên. Họ bị giết hay bị hành hạ cho đến chết, đất đai bị tịch thu, miếng nào ngon lành thì giao lại cho cán bộ canh tác. Vì vậy cán bộ thi hành rất tích cực.
- Giết hết những người đó rồi thì thôi đấu tố?
- Chưa đâu. Phải tiếp tục tìm người khác để đưa ra xử. Cuộc đấu tố cần kéo dài thêm nữa, có lẽ cho đến khi nào gây được tâm lý hoảng loạn ở nông thôn miền Bắc mới thôi. Ở nhiều địa phương, đảng và nhà nước đề ra chỉ tiêu về số người bị đưa ra đấu tố, không đủ thì không được. Thế là tha hồ cho người ta trả thù cá nhân với nhau. Người ta lập ra những tòa án và nhiều người tưởng tượng ra những tội lỗi trong quá khứ để gán cho nạn nhân của họ.
Tân nhíu mày:
- Tại sao nhân dân ngoài đó nhẫn tâm thế.
Bính vội cải chính:
- Có lẽ không phải nhân dân muốn đấu tố đâu. Những người cộng sản luôn luôn lạm dụng từ nhân dân để biện minh và rêu rao hành động của họ.
Thảo tiếp lời:
- Đúng vậy. Đa số dân chúng bị lùa ra chứng kiến nhưng họ không thực sự tham gia đấu tố. Họ im lặng đứng nhìn. Chỉ có một số la hét mà thôi. Đấy là những chuyên viên đấu tố mà đảng và nhà nước phái về, đấy là những người có thù oán với nạn nhân, và đau đớn hơn cả, đấy còn là đám học sinh loi choi bị cán bộ và nhà trường kích động.
- Người ta nỡ dạy cho trẻ em làm chuyện độc ác như thế à?
- Sao lại không? Trong lúc trẻ em miền Nam được dạy lòng nhân ái thì trẻ em miền Bắc được huấn luyện về giai cấp đấu tranh ngay từ khi mới bước chân vào lớp học. Rồi chúng ta chờ xem; chỉ qua một thế hệ thôi, tâm tính con người ở hai miền sẽ khác hẳn nhau. Không biết mai sau thống nhất rồi hai miền có thể sống với nhau được hay không? Không như miền Nam, miền Bắc đang sản xuất ra những người sẵn sàng nhúng tay vào tội ác.
Tân ngắt lời:
- Chuyện thống nhất còn xa vời lắm, chưa nên bàn đến. Hiện giờ, tôi còn thắc mắc về việc đấu tố ở miền Bắc. Anh bảo sau khi cộng sản chiếm được miền Bắc rồi không còn địa chủ ác ôn nữa thế thì bày ra đấu tố để làm gì?
- Đấu tố là một phần của cải cách ruộng đất. Người cộng sản nói đấy là cuộc cách mạng để đem lại công bằng cho nông dân.
Bính lắc đầu:
- Cộng sản nói thì không thể tin được.
- Phải. Tôi đã suy nghĩ nhiều về điều nầy. Theo tôi, mục đích của đấu tố không phải vì lợi ích của nông dân mà ngược lại. Người ta chủ trương thu hết ruộng đất vào tay của đảng và nhà nước. Người cộng sản biết rằng nông dân thường nặng óc tư hữu, ai cũng muốn có một mảnh ruộng riêng của mình, nên lấy mất đất đai của họ là điều nguy hiểm vì họ có thể nổi loạn. Thế là bày ra trò đấu tố, đem hàng trăm ngàn người ra làm vật hi sinh để cho nông dân run sợ không còn dám bảo vệ quyền tư hữu đất đai nữa.
Tân ngạc nhiên:
- Vậy là đấu tố, thực chất không phải là đánh địa chủ mà là trấn áp nông dân, thành phần chủ lực đã giúp cho họ thành công trong cách mạng Mùa Thu?
- Đúng như thế.
Bính nói một cách tức giận:
- Thực là xảo quyệt và tàn ác.
Thảo thở dài:
- Dù sao, người cộng sản cũng đã thành công. Phong trào đấu tố quả thực đã đạt được mục đích là triệt tiêu óc tư hữu của nông dân nhưng đồng thời cũng gây quá nhiều xáo trộn ở miền Bắc và làm bất mãn nhiều người, nhất là tầng lớp trí thức. Thế là người ta cho ngưng lại, giả bộ phê bình kiểm điểm, và để thoa dịu nỗi uất ức trong nhân dân, người ta đổ hết mọi tội lỗi cho một người gánh chịu. Ai cũng biết rằng chủ trương đấu tố là chủ trương của cả tập thể lãnh đạo chứ có riêng ai nên việc đổ lỗi là một màn kịch vụng về rất đáng khinh bỉ. Vỡ kịch thô bỉ đấy hạ màn rồi nhưng nỗi đau vẫn còn nhức nhối không nguôi. Trong hàng trăm ngàn người làm vật hi sinh có cả cha mẹ tôi.
Thảo ngưng nói, mím chặt môi để ngăn nước mắt. Tân hỏi:
- Tại sao ba má anh bị đấu tố? Có thù oán với ai không?
- Không. Bố mẹ tôi hiền lành lắm nhưng bị bí thư xã đưa ra đấu tố.
Bính hoảng kinh:
- Trời đất. Bị bí thư xã đưa ra đấu tố thì nguy rồi. Có lẽ lại bị tử hình.
- Không bị tử hình vì ông nội tôi mới thực sự là địa chủ, còn bố tôi lại có công với cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông giúp việc cho ủy ban kháng chiến hành chánh ở địa phương; quê tôi là vùng giải phóng trong suốt thời kỳ ấy.
- Thế bị đấu tố vì lý do gì?
- Bố tôi tuy không phải là địa chủ chính cống nhưng bị kết án là thừa hưởng của cải mà đời trước cướp được của nông dân. Bố tôi không trực tiếp mang nợ máu đối với nhân dân nhưng phải gánh món nợ đấy do ông tôi để lại. Tên bí thư bảo rằng, trong người bố tôi, trong từng giọt máu, từng thớ thịt đều có con vi trùng địa chủ ẩn núp. Vì vậy, tuy không xử tử nhưng phải cô lập bố mẹ tôi, không ai được tiếp xúc với hai con người mang đầy vi trùng địa chủ đấy. Họ buộc bố mẹ tôi giao nhà, giao vườn lại cho ủy ban và dẫn nhau ra sống trên một cái chòi trên miếng đất hoang ở cuối làng.
- Còn em gái anh đâu?
- Nó không bị mang ra đấu tố.
- Tại sao vậy? Nghe nói thông thường, nếu bị đấu tố thì cả gia đình đều bị xử vì cùng chung hưởng quyền lợi của địa chủ.
- Tên bí thư xã không đưa em gái tôi ra vì nó đẹp nhất làng. Người ta nói lại với tôi rằng chính tên đó ve vãn em tôi mặc dầu hắn đã có vợ con rồi.
Tân ngắt lời:
- Bí thư mà cũng như thế à? Tôi nghĩ rằng ông ta phải có một chút gì đó gọi là đạo đức cách mạng chứ.
Thảo cười khẩy:
- Đạo đức cách mạng à? Đấy là điều mà người cộng sản rêu rao ngoài cửa miệng. À vâng, trong miền Nam, các cán bộ còn giữ một chút đạo đức cần thiết để có thể ẩn núp trong dân. Một khi đã chiếm được chính quyền rồi, như ở ngoài miền Bắc, thì người ta chẳng cần giữ đạo đức nữa mà nghĩ đến việc hưởng thụ cho bõ công gian khổ bấy lâu. Muốn được hưởng thụ cho nhiều, người ta hết sức phấn đấu để được kết nạp vào đảng và cố ngoi lên một chức vụ càng cao càng tốt. Ngoài những đặc quyền đặc lợi công khai được gọi là chính sách, họ còn được hưởng bao nhiêu là thứ khác nên càng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của họ và sau cùng chỉ lo thỏa mãn nhu cầu cá nhân của mình thôi.
Bính tiếp lời:
- Bản tánh con người đều là thế cả chứ có riêng gì ở miền Bắc.
Thảo nói tiếp:
- Vâng, ở đâu cũng vậy, sự ham muốn hưởng thụ cá nhân hủy hoại đạo đức. Ở miền Nam, cái bản năng đấy bị pháp luật chế ngự còn ở miền Bắc, vào được đảng rồi thì không còn sợ pháp luật nữa vì đảng đứng trên pháp luật mà. Chỉ trích đảng viên có thể bị chụp mũ chống đảng, thế là tiêu đời. Vì vậy, tên bí thư đã có vợ con còn ve vãn em tôi, nhiều người trông thấy nhưng chẳng dám nói gì.
Tân cười:
- Còn thái độ cô em của anh thì thế nào?
- Nó không dám phản đối và tìm cách lánh mặt. Nó có người yêu rồi.
- Ai đó? Có lẽ một anh chàng đẹp trai nào đó trong làng?
- Không phải. Đó là một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Chúng nó quen nhau trong một dịp tình cờ nào đấy mà tôi không rõ.
- Anh có gặp người thanh niên tốt số đó chưa?
- Chưa bao giờ, tôi đi học xa, ít về nhà nên chỉ nghe nói lại thôi. Tên bí thư biết điều đấy nên sẵn dịp, hắn đưa cha mẹ tôi ra đấu tố để dằn mặt con Hải Đường, em gái tôi. Sau đó hắn tính dàn cảnh cứu mạng bố mẹ tôi để lấy lòng em tôi nhưng không ngờ con Hải Đường sợ quá bỏ trốn lên Hà nội ngay trước khi bố mẹ tôi bị lôi ra xét xử.
- Nhưng ai dám nhận cô ấy trong khi gia đình đang bị đấu tố?
- Dì Huệ, em ruột của mẹ tôi. Tôi có hai người dì đều là công nhân cả. Dì Lan làm việc ở Thanh hóa, ban đêm về quê dẫn con Hải Đường trốn lên tỉnh rồi đưa ngay ra Hà nội giao cho dì Huệ. Hai dì đều biết rằng bảo bọc cho con Hải Đường là điều nguy hiểm nhưng vì là cháu ruột của mình thì đành chấp nhận. Thế là tên bí thư trút tức giận lên đầu bố mẹ tôi, buộc phải ra ở ngoài chòi hoang vắng vẻ. Trong làng, có nhiều bà con và xóm giềng còn nặng tình cảm với ông bà, nên chờ đêm tối trời lén đi ra, đứng từ xa quăng vào những đồ dùng như muối, xà phòng, vân vân. Hai ông bà cắn răng chịu đựng, mong có ngày được “khoan hồng” và gặp lại con cái. Nhưng cái tên bí thư ấy chẳng chịu buông tha. Nó cho người rình rập để ngăn cản sự tiếp tế cho bố mẹ tôi. Có đứa còn tàn nhẫn phá phách, nhổ bỏ cả khoai sắn và rau cải của ông bà trồng chung quanh căn chòi. Có người quen kể cho tôi nghe rằng trông thấy hai ông bà già lủi thủi sống với nhau như….
Thảo dừng lại, nuốt nước bọt nhiều lần để ngăn nước mắt. Bính hỏi bằng giọng thì thào:
- Như cái gì anh Thảo?
- Như hai bóng ma, như hai tội đồ đáng ghê tởm bị người đời xa lánh.
Thảo lại ngừng nói trong nghẹn ngào, đưa tay áo nhà binh lên lau nước mắt rồi nói tiếp:
- Mẹ tôi chịu đựng không nổi. Bà lâm bệnh rồi chết. Cha tôi bó chiếu chôn mẹ tôi bên hè nhà. Sau đấy ông treo cổ tự tử.
Thảo nói tới đó, không tự chế được nữa, lấy hai tay che mặt, khóc thút thít. Hai người bạn cũng rưng rưng nước mắt. Cả ba anh em cùng ngồi im lặng một lúc khá lâu.
Trời đã tối, cảnh vật hiện ra lờ mờ dưới bầu trời màu xám. Bỗng tiếng còi rít vang lên cùng tiếng hô to:
- Đại đội Năm tập họp.
Thế là bài học chiến thuật “Phục kích ban đêm bắt đầu”.
Đại đội chia làm hai. Một toán phục kích ở một khúc quanh dẫn vào làng. Phần còn lại giả làm địch quân nhởn nhơ đi trên đường, chuyện trò vui vẻ tiến dần đến địa điểm phục kích và lập tức bị toán kia hạ gục ngay tức thì. Sau đó hai toán đổi vai trò cho nhau, qua một địa điểm khác, lặp lại bài thực tập.
Buổi học chấm dứt vào lúc mười giờ đêm, đại đội tập họp rồi lếch thếch trở về. Anh em lặng lẽ băng qua cầu Bến Nọc, lẫm lũi đi thành hai hàng trên con đường đất đỏ gồ ghề. Mặt trăng khuyết một mảnh, nhô lên khỏi ngọn cây, ánh sáng nghiêng soi bóng những người binh sĩ của quân trường, tay cầm súng đứng im lìm rải rác hai bên đường cho đến tận cửa sau của quân trường, để giữ an ninh cho sinh viên sĩ quan trên đường về trường.


*
* *




Sau bốn tháng luyện tập bộ binh căn bản, sinh viên sĩ quan sẽ qua một cuộc thi trắc nghiệm và dựa vào đó, một số sẽ được chuyển đi học các trường của các binh chủng chuyên môn. Mọi người bàn tán xôn xao. Ai cũng mong được đi binh chủng để trong tương lai ít đối đầu với hiểm nguy. Suốt từ sáng đến chiều, sinh viên phải trả lời nhiều trăm câu trắc nghiệm bao hàm kiến thức của tất cả các ngành nghề trong quân đội. Hôm sau, tất cả anh em được nghỉ ngơi một ngày.
Các câu lạc bộ luôn luôn đầy sinh viên. Họ vừa ăn uống, vừa bàn bạc về cuộc trắc nghiệm vừa qua. Ba người bạn của chúng ta cũng trong số đó. Bính hỏi Tân:
- Anh hi vọng được đi học binh chủng chuyên môn không?
Tân gật đầu:
- Có nhiều hi vọng đi học truyền tin. Trước đây, anh có đọc một số sách điện tử nên có một số khái niệm căn bản đủ để trả lời phần lớn những câu hỏi về ngành nầy.
- Thế thì mừng cho anh. Em chẳng biết làm thứ gì cả nên chắc chắn giai đoạn hai tiếp tục học làm sĩ quan bộ binh ở đây rồi. Nếu anh em mình phải xa nhau thì cũng đáng buồn.
Bính quay sang Thảo:
- Còn anh? Anh có hi vọng đi học binh chủng chuyên môn không?
Thảo lắc đầu:
- Không. Tôi đã có ý định đi tác chiến từ lúc xin nhập ngũ. Suốt ngày hôm nay, tôi chẳng khoanh một chữ nào trong các câu hỏi trắc nghiệm.
Thấy hai bạn nhìn mình một cách ngạc nhiên, Thảo giải thích:
- Tôi đã nhất quyết chọn biệt động quân. Tôi đã có hỏi chuẩn úy trung đội trưởng. Muốn về binh chủng biệt động quân thì phải ở lại đây học bộ binh giai đoạn hai. Tôi thích binh chủng nầy vì thường xuyên phải đảm đương những nhiệm vụ khó khăn trên chiến trường.
Tân nói:
- Đi tác chiến với những đơn vị thiện chiến đó thì mau thăng chức lắm.
- Tôi không quan tâm đến chuyện thăng chức đâu. Tôi đã nguyện hiến dâng cuộc đời mình cho hai mục tiêu. Một là giải phóng miền Bắc để tìm lại em gái tôi. Hai là bảo vệ miền Nam để đền đáp công ơn tất cả những người đã yêu thương và cưu mang tôi từ ngày tôi thoát khỏi gông cùm cộng sản đến nay.
Tân gật đầu:
- Tôi hiểu lòng căm thù của anh đối với những người đã giáng tai họa khủng khiếp xuống cho gia đình anh. Ra chiến trường, anh sẽ giết cho nhiều người để thỏa mối căm thù đó.
Thảo lắc đầu:
- Không, tôi không nghĩ như thế đâu. Nhớ tới tai họa mà bố mẹ tôi phải gánh chịu, tôi vừa đau đớn, vừa căm thù. Nhưng những kẻ mà tôi căm thù chính là những kẻ đã chủ trương cuộc đấu tố dã man. Bọn đấy đang sống trong những tòa nhà kiên cố ở miền Bắc, có kẻ hầu người hạ, chứ đâu phải là những người cầm súng phía bên kia chiến tuyến. Những người mà tôi sẽ đối đầu ngoài mặt trận cũng là những nạn nhân đáng thương, bị nhà cầm quyền miền Bắc xua vào Nam để thực hiện công cuộc xâm lăng. Thân phận họ còn bi đát hơn chúng ta nhiều.
- Tại sao lại bi đát hơn? Tôi nghe nói họ vào đây với nhiều khí thế lắm, vì vậy họ rất gan dạ, có khi thất trận và đến đường cùng rồi mà vẫn không đầu hàng.
- Nỗi bi đát là chỗ đấy. Đi xâm lăng mà không hiểu rằng mình xâm lăng, đi gieo chiến tranh tang tóc cho đồng bào mình mà cứ ngỡ rằng mình đi làm nghĩa vụ. Những con người như thế thì không đáng thương sao? Vì vậy nghĩ đến chuyện sau nầy phải bắn giết tàn sát lẫn nhau với những người ấy thì tôi không vui thích tí nào. Chắc chắn trong số đấy, có không ít những bạn bè cùng trường, cùng lớp với tôi trước đây. Nhiều đêm tôi chiêm bao thấy mình còn ngồi học chung với những bạn bè đấy. Giật mình tỉnh giấc, bỗng thấy khát khao được gặp lại nhau để nhắc lại những chuyện vui buồn của một thời xa xưa. Ngày mai có thể tôi sẽ gặp lại họ nhưng không phải để nhắc lại thời thơ ấu nữa đâu.
Thảo thở dài và nói tiếp:
- Nếu ngày nào đấy tôi ngã gục trên chiến trận thì đấy là sự đền ơn đầu tiên và sau cùng cho miền Nam của chúng ta. Nếu tôi còn sống sót qua cuộc chiến tranh nầy thì tôi ước được đi học trở lại để trở thành một nhà văn hay một triết gia, ngửa cổ ra mà gào thét cho toàn thể nhân loại hiểu được thân phận của con người Việt Nam trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn nầy.
Tân nắm lấy bàn tay rắn rỏi của Thảo và bóp nhẹ trong tay mình:
- Anh Thảo, tôi hiểu anh. Tâm trạng của anh não nề lắm, lúc nào cũng làm cho người nghe chực rơi nước mắt. Thôi chúng ta về phòng nghỉ ngơi, sáng mai ra bãi tập sớm.


*
* *


Một tuần lễ sau, kết quả trắc nghiệm được đưa về trường. Đúng như dự trù, Tân nằm trong danh sách được chọn đi học trường truyền tin tại Vũng tàu. Thảo và Bính ở lại trường, học cho hết khóa bộ binh. Tân mừng vì được đi học ngành mà mình mong muốn nhưng cũng buồn vì sắp xa cách hai người bạn thân của mình. Giai đoạn một còn kéo dài trong một tuần lễ nữa. Sau đó sinh viên sẽ được gắn huy hiệu alpha một gạch để chuyển sang giai đoạn hai. Tân cảm thấy bồi hồi mỗi khi nghĩ đến giờ chia tay.
Sáng thứ hai, mọi người đều uể oải sau một ngày nghỉ phép. Tuy nhiên, sau lệnh tập họp của đại đội trưởng, sinh viên vội vàng nai nịt, chuẩn bị lên đường. Sáng nay đại đội sẽ tập tác xạ đại liên suốt ngày ngoài sân bắn. Theo chương trình, đây là buổi tập bắn cuối cùng của những người được chọn đi binh chủng chuyên môn. Nghĩ đến đó, Tân hăng hái ra sân trước hơn tất cả mọi người. Môn tác xạ vốn là môn mà cậu ưa thích nhất. Điểm thi bắn của cậu luôn luôn cao nhất đại đội.
Khi anh em đã hàng ngũ chỉnh tề và đợi lệnh xuất phát thì người trung sĩ trực văn phòng vội vã đạp xe đến và dừng trước hàng quân. Anh chào trung úy đại đội trưởng và trao một mảnh giấy. Trung úy đọc xong, khẽ nhíu mày và gọi to:
- Sinh viên sĩ quan Phạm bá Tân
Tân giật nẩy người, vội đứng nghiêm:
- Có mặt.
- Về phòng thay quân phục màu vàng đi trình diện an ninh quân đội. Nhanh lên, xe đang đợi ở văn phòng chỉ huy trưởng.
Tân bước ra khỏi hàng, mặt trắng bệch, đưa tay chào trung úy và vào phòng. Cả đại đội tò mò nhìn theo. Một giọng nói thì thầm vừa lo lắng, vừa thương hại:
- Chết thằng Tân rồi. Bị an ninh quân đội gọi về điều tra là tiêu đời.
Một giọng khác cãi lại như để binh vực:
- Tao thấy nó hiền khô và đứng đắn lắm, chắc chẳng làm gì để bị điều tra đâu. Biết đâu nó có gốc to được người thân gọi về chơi như là một cách đi phép đặc biệt vậy.
- Chuyện vớ vẩn. Bà con nào mà lại nhờ tới an ninh quân đội gọi về đi phép. Gan to như thiên lôi cũng chẳng dám nhờ cơ quan đó như thế. Chắc là thằng Tân gặp chuyện rắc rối quan trọng rồi.
Sau lệnh của đại đội trưởng, anh em thôi bàn cãi, im lặng lên đường.
Tân về phòng, vội vàng thay áo quần và theo viên trung sĩ đến văn phòng, tại đó một chiếc xe Jeep đang đậu sẵn. Theo ngón tay chỉ của trung sĩ, cậu bước lên ngồi vào băng sau, rán giữ bình tĩnh để đợi người ta tra chiếc còng vào tay. Nhưng không, người tài xế thản nhiên ngồi vào ghế và khởi động máy xe. Một thượng sĩ già bước lên ngồi vào ghế trước, quay lui nhìn cậu và mỉm cười một cách hiền lành. Nụ cười làm cậu yên tâm phần nào.
Xe từ từ ra khỏi cổng, phóng nhanh về hướng Sài gòn. Qua khỏi cầu Thị nghè rồi qua khỏi sở thú, đến một ngã tư, xe rẽ vào một khu kín đáo với vài dãy nhà thâm thấp khuất sau bức tường cao nghệu.
Tân hồi hộp bước xuống. Cậu hiểu rằng mình đang ở trong lãnh địa của an ninh quân đội, cái nơi mà chỉ nghe nói đến cũng đủ làm cho mọi quân nhân phải e sợ.
Viên thượng sĩ bảo nhỏ:
- Theo tôi.
Ông ta đi thẳng đến một dãy nhà, quay lại bảo:
- Chờ một chút.
Ông vào một phòng mở rộng cửa. Độ một phút sau, ông trở ra, nói:
- Vào đi.
Tân bước vào. Căn phòng không rộng lắm, chỉ có một bàn duy nhất ở sát vách sau. Phía trước bàn, đối diện cửa sổ là một bộ xa lông, tuy không sang trọng nhưng sạch sẽ với những tấm nệm dày bọc vải bông trông vui mắt.
Một trung úy ngồi sau chiếc bàn ngẩng lên nhìn. Tân đứng nghiêm, đưa tay chào và xưng danh cùng số quân để trình diện rất đúng tác phong sinh viên sĩ quan.
Ông trung úy đưa tay chào lại và nói:
- Anh ngồi xuống ghế đi. Tôi muốn gặp anh một chốc rồi xe sẽ đưa anh trở lại quân trường để tiếp tục học.
Tân nghe giọng nói dịu dàng nên cảm thấy yên tâm. Cậu thở ra nhè nhẹ, ngồi ngay ngắn xuống ghế. Không gian khá tĩnh mịch. Tiếng xe chạy ngoài đường Nguyễn bỉnh Khiêm nghe văng vẳng xa xa. Phòng bên có tiếng máy đánh chữ gõ lóc cóc. Trên trần, chiếc quạt máy chạy vù vù làm cho gian phòng mát mẻ dễ chịu.
Ông trung úy xếp gọn hồ sơ trên bàn, mở hộc rút ra một xấp giấy đựng trong một bìa màu hồng rồi đến ngồi trên ghế đối diện với Tân. Ông lên tiếng, giọng rõ ràng nhưng không có vẻ gay gắt chút nào:
- Trong lý lịch, anh có khai một thời gian bị ty Cảnh sát Đặc biệt Miền Đông bắt. Tôi muốn biết thêm vài chi tiết về lời khai nầy. Anh nên thành thực với tôi, anh có đồng ý không?
- Vâng, thưa trung úy, tôi xin hết sức thành thực. Bây giờ tôi đã trở thành một quân nhân rồi, chẳng có lý do gì không thành thực nữa.
- Tốt lắm. Câu hỏi thứ nhất, anh nghe cho kỹ. Khi đó, anh bị bắt có oan không?
- Thưa trung úy, không oan chút nào. Lúc bấy giờ, tôi đang hoạt động cho Việt cộng.
Ông trung úy nhướng người ngồi thẳng dậy:
- Anh hoạt động cho cơ quan nào, biết không?
- Biết. Cho một tổ chức của đảng Lao động Việt Nam gọi tên là đoàn Thanh niên Cứu quốc nay đổi tên là đoàn Thanh niên Lao động.
- Công tác chính yếu của anh là gì?
- Công tác dân vận, nghĩa là vận động sinh viên học sinh tham gia biểu tình, rải truyền đơn chống chính phủ.
- Lúc bị bắt anh có khai điều đó với nhân viên điều tra không?
Tân lắc đầu:
- Không, tôi không khai.
- Tại sao?
- Vì lúc đó tôi còn là cán bộ của cộng sản, tôi còn vướng lời thề thà chết chứ không khai.
Ông trung úy gật đầu, ngồi im suy nghĩ một chút rồi nói:
- Đáng tiếc là lúc đó anh đã không hợp tác với cơ quan điều tra để phá vỡ tổ chức của cộng sản, tuy nhiên tôi phải công nhận rằng anh đã hành động dũng cảm. Tuổi trẻ phải là như thế. Chịu đựng và hi sinh cho lý tưởng là rất đáng khen. Điều tai hại là lúc đó anh đã nhận sai cái lý tưởng của mình. Nhưng thôi, tôi không đào sâu chuyện đúng sai nầy vì tôi là sĩ quan an ninh chứ không phải sĩ quan tâm lý chiến. Anh nghe tôi hỏi tiếp đây. Anh có bị Catinat tra tấn hay không?
- Có nhưng ít so với những người khác. Tôi chỉ bị đánh hai lần bằng chày vồ mà thôi.
- Chức vụ anh lúc đó trong tổ chức của Việt cộng là gì?
- Bí thư chi đoàn, đang được xây dựng để kết nạp đảng.
- Ghê nhỉ, tuổi trẻ mà tài cao. Anh bị bắt trong trường hợp nào?
- Tôi cố tình hớ hênh nên bị tổng nha cảnh sát bắt đưa vào Catinat.
Ông trung úy nhướng mày lên nhìn một cách ngạc nhiên:
- Tại sao lại cố tình hớ hênh? Anh nói gì thế?
- Trung úy ngạc nhiên cũng phải. Đây là sự thực, xin trung úy hãy tin lời tôi. Đây cũng là điều tôi muốn giữ kín tự bấy lâu nay. Tôi muốn bị bắt vào tù vì đã quyết định dứt khoát từ bỏ hoạt động cho Việt cộng. Xin trung úy cho phép tôi giải thích thêm thì trung úy mới có thể tin rằng đó là sự thực.
Ông trung úy ngồi thẳng dậy:
- Được anh cứ trình bày đi, tôi sẵn sàng nghe anh, còn tin hay không thì khi anh nói xong tôi mới định được. Anh nói đi.
- Thưa trung úy, lúc đó công tác của tôi là vận động học sinh, kích động bầu máu nóng của họ. Tôi núp trong bóng tối và thúc đẩy họ đi biểu tình trước họng súng của cảnh sát dã chiến. Khá đông học sinh nghe lời tôi, trong đó phần lớn là nữ sinh. Tôi biết các bạn theo lời xúi giục của tôi vì ham vui và có nhiều cảm tình với tôi chứ không hẳn là do giác ngộ cách mạng.
- Đúng, tôi công nhận tướng mạo và giọng nói của anh dễ gây cảm tình nơi người khác. Anh nói tiếp đi.
- Trong cuộc vận động nầy, đã có nhiều học sinh, vì nghe lời chúng tôi mà bị bắt và nghe nói bị tra tấn nữa. Tuy các anh chị em bị bắt không thuộc về cơ sở của tôi nhưng cũng làm cho tôi xót xa và lo lắng. Tôi biết mình đang tham gia vào một công việc thất đức nên nỗi xót xa biến thành sự đau khổ cứ lớn lên dần trong lòng tôi, đến một lúc tôi không còn chịu đựng được nữa. Tôi quyết định vào tù để chấm dứt công việc đang làm cho tôi đau khổ.
Ông trung úy nhíu mày:
- Tại sao anh lại dùng đến giải pháp ở tù? Tại sao anh không bỏ đi tỉnh khác hoặc giản dị hơn, chia tay với Việt cộng?
- Trung úy chưa hiểu được tình cảnh của tôi lúc đó. Đi tỉnh khác không được vì tôi chẳng có bà con hay quen biết với ai cả, lấy gì mà sống. Ở Sài gòn, tôi đang sống nhờ tiền đi dạy học. Nếu ở lại tại thành phố nầy mà không tiếp tục hoạt động cho họ thì không thể nào sống yên ổn được. Tôi đã lỡ thề trung thành với họ rồi, họ sẽ đeo tôi tới cùng, không dễ dàng buông ra đâu. Hơn nữa, tôi biết mặt nhiều người trong số họ và cả tổ chức của họ nữa.
Ông trung úy gật đầu;
- Vâng tôi hiểu. Nếu cần, họ có thể ám sát anh để bảo toàn bí mật.
- Chuyện đó có thể xảy ra hay không thì tôi không biết được. Nhưng có điều chắc chắn là tôi không thể từ giã họ một cách đơn giản được. Lúc đó tôi nghĩ chỉ có hai cách để giải quyết, một là chết, hai là đi ở tù.
- Và anh đã chọn cách đi ở tù?
- Đúng ra là tôi chọn cả hai.
Ông trung úy ngạc nhiên:
- Sao? Anh chọn cả cái chết nữa à?
- Vâng, tôi chấp nhận cái chết, chịu đựng đến đòn tra tấn cuối cùng để khỏi phải mang tiếng là kẻ phản bội. Nhưng may mắn người ta không tra tấn nhiều nên tôi còn giữ được mạng sống cho đến ngày nay.
- Tại sao người ta không tra tấn anh nhiều?
- Có lẽ vì thấy tôi còn nhỏ tuổi nên xem thường, và vì tôi bị bắt mà không có tài liệu nào cả. Còn một lý do nữa cũng quan trọng là lúc đó bót Catinat có quá đông người mới bị các nơi giải đến, các phòng khai thác làm việc không xuể nên người ta phải sớm kết thúc hồ sơ của tôi.
- Thôi được rồi, tôi cho thông qua chuyện cũ. Bây giờ tới chuyện hiện giờ. Tại sao anh chịu đi trình diện nhập ngũ?
- Kể từ lúc ở tù ra, tôi không còn là người của tổ chức Việt cộng nữa. Tôi chính thức là một công dân của miền Nam. Quân dịch là bổn phận, lệnh động viên là pháp luật. Tôi phải làm bổn phận và tuân theo pháp luật.
Ông trung úy nhìn Tân và nói bằng một giọng rất nghiêm nghị:
- Bây giờ, anh thực sự là công dân của miền Nam rồi. Miền Nam chính là Tổ quốc của anh. Ai xâm phạm vào Tổ quốc thì anh phải chống lại. Anh có đồng ý như vậy không?
- Đồng ý.
- Thế thì anh phải có bổn phận tố cáo mọi hành vi, mọi tổ chức nào có phương hại đến Tổ quốc, đến đồng bào của anh. Anh hãy cho tôi biết những người trước đây cùng tổ chức với anh hiện nay ở đâu.
Vẻ mặt trung úy trở nên lạnh lùng. Ông với tay lấy cây viết lật sổ ghi chép ra, chờ đợi lời khai của Tân. Cậu mím môi, cố dằn cơn xúc động. Cậu hít vào và thở ra một hơi dài. Một cảm nghĩ bất cần đời dậy lên trong lòng. Cậu không muốn tỏ thái độ thách thức với ông trung úy nầy nhưng cậu cũng chẳng có gì phải sợ sệt. Cậu cảm thấy hào khí trong lòng mình dâng lên nên trả lời một cách rắn rỏi:
- Thưa trung úy, tôi đã trình bày với trung úy rồi. Từ khi ra tù đến nay, tôi từ bỏ mọi sự liên hệ với Việt cộng. Tôi đã vạch một lằn ngang thực rõ ràng giữa quá khứ và hiện tại. Cho đến bây giờ tôi vẫn hài lòng với quyết định đó. Tôi xin mọi người đừng bắt tôi phải nhắc lại quá khứ nữa.
- Có lẽ anh ghê tởm quá khứ của anh nên không muốn ai nhắc đến nữa, phải không?
Tân nghe cả người như nóng ran lên. Cậu ngồi thẳng dậy và đáp lời một cách rõ ràng và dứt khoát:
- Trung úy nghĩ về tôi như thế không thực sự đúng đâu. Tôi không bao giờ ghê tởm hay thù ghét quá khứ của tôi. Tôi cũng không cho rằng mình đã sai lầm trong quá khứ. Không, ngay bây giờ và cả về sau nầy nữa, tôi luôn luôn kính trọng quá khứ vì tôi đã hành động như một người yêu nước không thể ngồi yên khi thực dân Pháp trở lại đô hộ đất nước mình. Cách mạng Tháng Tám làm cho tâm hồn trẻ thơ của tôi bay bổng lên và tôi đã hành động theo cái cảm xúc chân thành và cao cả đó. Kể từ khi bị bắt vào tù, tôi tự coi đã hoàn tất đoạn đuờng mà người yêu nước phải đi và tôi nhận ra rằng cộng sản Việt Nam đang kéo dài con đường vinh quang đó vào một nẻo sai lầm và tội lỗi. Vì vậy, tôi đã từ bỏ Việt cộng bằng sự suy nghĩ chín chắn. Đó không phải là sự bỏ cuộc do hèn nhát, do đầu hàng, do cầu an hưởng lạc. Tôi biết những đồng chí cũ của tôi đã gán cho tôi những từ còn hèn hạ hơn nữa. Dù vẫn còn rất nhiều cảm tình với họ, tôi không cần để tâm đến những lời phê phán đó. Điều đáng sợ nhất là mình tự khinh mình, người khác làm sao hiểu được tâm tình và ý nghĩ thầm kín của mình được.
Cậu dừng lại một chút rồi nói tiếp, trong khi trung úy vẫn lắng tai chăm chú nghe.
- Thưa trung úy, tôi đã trình bày khá dài dòng để xin trung úy hiểu cho rằng từ gần sáu năm rồi tôi đã dứt khoát cắt ngang quá khứ của mình và cố gắng tránh xúc phạm đến những gì mà mình đã thề nguyền trong quá khứ. Bây giờ trung úy buộc tôi phải khai trở lại các đồng chí cũ để trung úy bắt họ. Điều đó có nghĩa là trung úy không cho phép tôi cắt đứt quá khứ, nghĩa là phải trở lại cái ngày đầu tiên tôi bị bắt vào Catinat. Ngày đó tôi đã thề không trở thành kẻ phản bội. Không lẽ bây giờ tôi lại vi phạm lời thề đó sao?
Tân ngừng lại. Trung úy khẽ nhíu mày và nói:
- Tôi đồng tình với những điều anh trình bày. Tuy nhiên anh phải hiểu rằng, đối với chúng tôi, tấn công vào tổ chức bí mật của địch là đòi hỏi trên hết. Có lẽ anh cũng có nghe thiên hạ đồn rằng an ninh quân đội có những biện pháp có thể bẻ gãy ý chí của những kẻ gan lỳ nhất. Thú thực với anh, ở đây chúng tôi có những món còn ghê gớm hơn thiên hạ đồn nữa. Không biết rồi anh có giữ được đến cùng sự kiên cường của anh không.
Tân lắc đầu, không chút nao núng:
- Tôi không thể nói trước là có chịu đựng được hay không. Trước đây, tôi có thể vững tâm về sự chịu đựng của mình với những đòn tra tấn của Catinat. Lúc đó tôi đang có khí thế hừng hực của tuổi mười tám, cái tuổi dũng mãnh nhất của con người. Từ đó đến nay đã gần tám năm rồi, tôi đâu còn khí thế xưa kia và cũng chẳng còn lý tưởng chính trị để hỗ trợ cho khí thế đó nữa. Tuy nhiên, nhất định trung úy cũng chẳng được gì nếu áp dụng biện pháp nào đó để khai thác tôi.
- Tại sao vậy?
- Rất giản dị. Trung úy nhớ rằng tôi đã bị bắt cách nay gần tám năm rồi. Ngay sau khi tôi bị bắt, các đồng chí của tôi đã trốn hết để đề phòng trường hợp tôi không chịu nổi sự tra tấn. Sau đó các tổ chức có liên quan đến tôi đều thay đổi để bít đường điều tra khai thác của cơ quan an ninh. Trong thời kỳ tiếp theo, do sự hoạt động rất hữu hiệu của cơ quan an ninh, nhiều tổ chức của Việt cộng bị vỡ và xoá sổ. Tôi biết điều đó vì thấy rất nhiều cán bộ tầm cỡ bị bắt vào ở tù chung với tôi và tôi có nói chuyện với họ. Sau khi ra tù, tôi thấy dân chúng sống một cách bình thản chứ không nay phản đối, mai xuống đường như trong những năm vừa ký xong hiệp định Genève. Điều nầy chứng tỏ một cách rõ ràng hoạt động của Việt cộng đã suy giảm quá nhiều và không còn dấu vết nhỏ nhoi nào của tổ chức xưa kia mà tôi đã từng tham gia nữa. Vì vậy, bây giờ, trung úy muốn khai thác tôi thì cũng chẳng ích lợi gì. Dù có muốn đi nữa, tôi cũng không biết khai điều gì với trung úy.
Ông trung úy dựa ra sau ghế một cách thoải mái và mỉm cười vui vẻ:
- Thôi đủ rồi. Tôi thấy anh có ý tưởng khác với đa số những người mà tôi đã gặp nên tôi dọa để thử lòng anh đó thôi. Hôm nay tôi mời anh đến không phải với mục đích khai thác chuyện cũ của anh mà chỉ để xác minh thêm vài chi tiết. Bảng khai lý lịch của mỗi người thì quá sơ lược nên khi có liên quan đến Việt cộng thì phải khai lại cho đầy đủ, thế thôi. Anh cũng đừng nên lo lắng gì. Tất cả lý lịch sinh viên sĩ quan đều qua tay an ninh quân đội xét duyệt. Hồ sơ nào được thông qua thì chúng tôi gởi về trường để sinh viên sĩ quan tiếp tục được huấn luyện.
- Còn trường hợp của tôi thì sao?
- Chẳng sao cả. Tôi sẽ trình cho cấp trên phê duyệt cho anh. Tôi tin rằng anh đã thành thực với tôi và tin rằng anh đã có kinh nghiệm và đã trưởng thành để không bị Việt cộng dụ dỗ theo vào con đường có tội đối Tổ quốc một lần nữa. Bây giờ anh hãy về trường và vài tháng nữa sẽ là sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Anh không nên mặc cảm về quá khứ của mình. Cứ an tâm học hành như mọi sinh viên khác và sau nầy làm bổn phận như mọi sĩ quan của quân đội.
- Cám ơn trung úy. Tôi nghe theo lời khuyên của trung úy.
- Còn điều nầy nữa, đáng buồn cho anh. Với lý lịch có tì vết, mọi sinh viên sĩ quan đều không được theo học những ngành cần phải được bảo vệ. Đó là nguyên tắc nghiêm ngặt của quân đội, phải được áp dụng cho tất cả mọi người, không trừ ai cả.
Tân nói qua hơi thở:
- Vâng, tôi hiểu. Có lẽ trung úy cũng đã biết tôi được chọn học trường truyền tin?
- Biết chứ. Sau kỳ trắc nghiệm để phân binh chủng, danh sách được quân huấn gởi ngay cho chúng tôi. Hồ sơ của các sinh viên được chọn phải xếp riêng để duyệt xét kỹ lưỡng. Anh thuộc nhóm mười người được điểm cao nhất trong kỳ trắc nghiệm nhưng bây giờ, tên anh bị rút khỏi danh sách sinh viên theo học trường truyền tin ở Vũng tàu.
Ông nhìn Tân, có vẻ thương hại:
- Tôi chia buồn với anh và nhắc lại đó là nguyên tắc, không ai dám vượt qua. Ngoài chuyện đó ra, anh có muốn tôi giúp anh điều gì khác không?
Tân đáp với giọng cương quyết:
- Cám ơn trung úy. Tôi bằng lòng ở lại học giai đoạn hai tại trường Võ khoa Thủ đức và sẽ là một sĩ quan bộ binh. Tôi sẽ ra chiến trường để thực sự chia sẻ nỗi đau khổ của đồng bào miền Nam do chiến tranh gây ra.
Ông trung úy cười rạng rỡ:
- Thế mới đúng là tư cách của trai thời loạn. Tôi thích những người dám làm và dám ăn nói như anh. Thôi anh trở về trường đi. Xe đang đợi sẵn ở gần cổng. Tôi đưa anh ra.
Trung úy đứng dậy, Tân đứng dậy theo. Cậu lưỡng lự một giây và nói:
- Trung úy có thể cho tôi nói lời cuối cùng trước khi chia tay không?
- Được, anh cứ nói.
- Nghe nói đến an ninh quân đội, không nhiều thì ít, ai cũng sợ hãi. Nhưng, cuộc nói chuyện sáng nay với trung úy sẽ để lại trong lòng tôi cảm tình sâu đậm đối với cái nơi mà mọi người e sợ nầy.
Trung úy vỗ vai cậu một cách thân mật:
- Tốt lắm, cám ơn anh. Mỗi người trong chúng ta đều có một chức vụ riêng để thi hành. Nhưng bất cứ ở đâu chúng ta cũng muốn đối xử với nhau bằng sự thân ái. Đó là tình người miền Nam mà chúng ta cần bảo vệ, đừng để miền Bắc mang quân vào xóa sạch nó đi.
Tân đứng nghiêm, hai gót chân chạm vào nhau. Cậu đưa tay chào rồi quay lui ra khỏi phòng, đến cổng, lên xe và trở về trường.

Tân vào phòng, cảm thấy là lạ vì gian nhà vắng vẻ, nghe rõ bước chân cậu dậm trên nền gạch. Cậu sực nhớ cả đại đội đều ra trường bắn, chiều mới về.
Sau khi tắm xong, Tân đói bụng nhưng cậu biết rằng nhà bếp đã đưa tất cả cơm và thức ăn của đại đội ra bãi tập. Cậu xuống câu lạc bộ, ăn đĩa cơm rồi trở về phòng, leo lên giường nằm nhắm mắt một cách thoải mái. Chưa bao giờ cậu được nằm trong gian phòng tĩnh mịch vào giờ làm việc như thế nầy. Cậu nhắm mắt lại và nhanh chóng ngủ thiếp đi.
Tân thức dậy, đồng hồ chỉ ba giờ chiều. Cậu nghĩ đến các bạn giờ nầy đang phơi mình ngoài bãi tập. Mệt nhọc, nắng nóng làm cho mọi người thèm ngủ một cách lạ lùng. Giờ học nào sĩ quan cán bộ cũng không ngừng đi vòng quanh để đánh thức những người ngủ gục. Sinh viên thích nhất là môn chiến tranh chính trị, không phải vì nội dung mà vì giờ học môn nầy luôn luôn diễn ra trong rạp chiếu bóng của quân trường. Ánh sáng trong phòng thì lờ mờ, các hàng ghế đặt sát nhau, sĩ quan không thể nào kiểm soát được, anh em tha hồ ngủ gục.
Tân phì cười một mình khi nhớ lại giờ học của một ngày vào tuần trước trong rạp chiếu bóng đó. Bài học là “nghệ thuật nói trước đám đông”, dạy cho sinh viên cách ăn nói để sau nầy có thể thuyết phục đồng bào theo về với chính nghĩa. Giảng viên là một đại úy ngành tâm lý chiến, thuyết trình rất lưu loát và hấp dẫn. Sau gần một giờ đồng hồ thao thao bất tuyệt đến khản cổ, đại úy ngừng lại hỏi to:
- Các anh có hiểu không? Ai có thắc mắc gì về bài học, thì cứ phát biểu.
Đại úy nhắc lại lần thứ hai vẫn thấy im lặng. Thì ra mọi người đều ngủ cả. Ông hét to đánh thức mọi người dậy và tuyên bố kết thúc bài học về nghệ thuật nói trước đám đông.
Tân lại phì cười, ngồi nhỏm dậy nhìn quanh rồi nằm xuống cố dỗ giấc ngủ trở lại cho bõ những lúc thèm giấc ngủ ban ngày.
Mặt trời ngả dần về hướng tây, những bóng cây trải dài trên mặt đất. Từ cổng sau, có tiếng hát quân hành nổi lên ồn ào. Sinh viên từ bãi tập bắt đầu về tới trường.
Tân vùng dậy, ra hàng hiên đứng nhìn. Từng trung đội đi qua, mọi người mặt mũi bơ phờ, áo ướt đẫm mồ hôi nhưng bước đi vẫn đều dặn theo nhịp quân hành. Từ một khúc quanh, trung đội của Tân hiện ra. Mọi người chăm chú nhìn cậu. Tân toét miệng cười và đưa tay vẫy chào. Trung đội dừng lại trước phòng, “nghiêm nghỉ” ba lượt rồi hét to hai tiếng “cố gắng” mới được giải tán. Hơn một chục anh em chạy vội đến gần Tân. Một người hỏi to:
- Mày đi trình diện an ninh quân đội và về lúc nào vậy?
- Lúc mười hai giờ trưa.
- Họ gọi mày về dưới đó làm gì?
- Chẳng có gì quan trọng. Chỉ bổ sung lý lịch thôi.
- Vậy mà suốt ngày nay, tụi tao cứ lo lắng cho mày. Thằng Ký còn quả quyết an ninh quân đội gọi mày là “go away” luôn rồi, không trở về học tập với anh em nữa đâu. Nó còn bảo rằng mày sẽ được máy bay thả ra Bắc để làm lính cụ Hồ chứ không cho làm lính Cộng hòa. Nghe nó nói y như chuyện thiệt nên tụi tao bàn với nhau gói đồ đạc của mày lại cất cho kỹ, sau nầy gặp mày ngoài chiến trường thì đưa ra cho mày chuộc lại.
Cả bọn cười ồn ào vui vẻ rồi vào phòng, chỉ có Thảo và Bính còn đứng lại. Thảo hỏi với vẻ lo lắng:
- Anh về Sài gòn phải không? Có chuyện gì thế?
- Dài lắm, tí nữa tôi sẽ kể lại cho mà nghe.
- Có gì đáng lo không?
- Xong rồi, chẳng có gì đáng lo. Thôi hai người đi tắm đi. Hôm nay ba anh em mình không đến nhà cơm mà xuống câu lạc bộ để ăn mừng.
- Bị an ninh quân đội gọi, sao lại ăn mừng?
- Ăn mừng thực sự. Thôi đi tắm nhanh lên.
Nửa giờ sau, ba anh em đến quán ăn và ngồi vào một bàn ở một góc phòng. Bính lên tiếng trước:
- Bây giờ anh nói đi. Ăn mừng cái gì?
- Tôi được giữ lại học bộ binh giai đoạn hai tại quân trường nầy.
Bính đứng dậy, sửng sốt:
- Tại sao lại có chuyện như thế? Đó là tin buồn chứ ăn mừng gì được?
- Vâng, cũng có phần buồn cho tôi nhưng không nhiều lắm. Còn vui là ba đứa chúng mình cùng học chung đến cuối khóa. Bởi vậy mới ăn mừng.
Thảo gật đầu:
- Tôi hiểu rồi. Ngày nay, thấy tôi cứ thắc mắc và lo âu mãi về việc anh bị gọi về an ninh quân đội nên Bính có kể cho tôi nghe anh đã từng hoạt động cho cộng sản, từ thời còn Việt minh và sau đấy bị bắt đi tù.
Tân mỉm cười:
- Anh có ngạc nhiên về quá khứ của tôi không?
- Chẳng ngạc nhiên gì cả. Hầu hết bọn trẻ cùng lứa tuổi với mình đều như nhau, đều lao vào cách mạng. Điều đấy cũng dễ hiểu. Khi mình vừa biết bắt đầu nhìn ra cuộc đời thì cách mạng Tháng Tám ào tới như một cơn lốc xoáy, vừa dũng mãnh vừa huy hoàng. Cả một dân tộc đều bị cuốn vào cơn lốc ấy chứ không riêng bọn mình. Chính tôi cũng đã tham gia đội thiếu nhi Cứu quốc rồi đoàn thanh niên Cứu quốc của cộng sản trong nhiều năm. Bính kể với tôi rằng anh là một cán bộ thuộc về loại tầm cỡ của Việt cộng. Thế mà anh nhận ra sự sai trái của họ, nên từ bỏ để về với hàng ngũ quốc gia. Đối với một người biết suy nghĩ sâu xa như anh thì đấy là một điều tất yếu chứ chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Bính tiếp lời với vẻ bực tức:
- Anh Tân đã nhận ra lẽ phải nên đã can đảm từ bỏ cộng sản và đã tuân lệnh nhập ngũ rồi, bây giờ cấm anh đi học truyền tin như những người khác. Tại sao lại phân biệt đối xử như thế?
Thảo giải thích một cách ôn tồn:
- Không phải phân biệt đối xử đâu. Mình phải thông cảm cho trách nhiệm to lớn của những người làm công việc giữ gìn an ninh cho cả quân đội chứ. Binh chủng truyền tin nắm tất cả các tin tức mật của quân đội. Vì lý do đấy mà người ta không cho anh Tân đi học ngành nầy thì cũng là hữu lý. Ngay như tôi đây, nếu qua trắc nghiệm được chọn học truyền tin thi cũng sẽ có thể bị bác vì lý do đã sống ở miền Bắc sau 1954, dù tôi được bộ xã hội công nhận là nạn nhân của cộng sản.
Bính vẫn chưa hết lo lắng:
- An ninh quân đội còn có biện pháp nào bất lợi cho anh nữa không?
- Không, ngoài việc buộc tôi học tiếp bộ binh, chẳng còn biện pháp nào nữa. Ông trung úy của an ninh quân đội đã giải thích cho tôi y như anh Thảo vừa nói đó. Trung úy nói chuyện với tôi một cách ân cần, an ủi tôi, xác nhận tôi có đầy đủ tư cách của một công dân và sắp tới có đủ tư cách của một sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trung úy khuyên tôi không nên mặc cảm về quá khứ của mình.
Thảo chắc lưỡi rồi gật gù và nói:
- Miền Nam thực là vô cùng độ lượng. Tôi sống nhiều năm ở vùng cộng sản nên tôi không tưởng tượng được có một nhà cầm quyền độ lượng như miền Nam nầy. Ở miền Bắc, nếu thực sự anh có tham gia tổ chức chống chế độ thì chắc chắn anh không còn cơ may để sống sót, nói chi đến chuyện làm lại cuộc đời. Chỉ cần bị nghi ngờ có tư tưởng chống đối mà chưa có hành động cụ thể nào cũng bị trù dập suốt đời, không phải riêng anh mà đến ba đời liên tiếp.
Bính chen lời:
- Theo kiểu tru di tam tộc thời trung cổ.
- Đúng vậy, cộng sản áp dụng lại rất nhiều biện pháp dã man thời trung cổ. Bị nghi ngờ hay kết tội oan cũng phải cắn răng mà chịu.
- Không kêu oan được à?
- Không được. Anh kêu oan thì anh càng chết sớm.
- Tại sao vậy?
- Ở miền Bắc, mọi việc đều do đảng lãnh đạo, không từ một việc nhỏ nhặt nào. Nghi ngờ anh, kết tội anh, tất cả đều do sự lãnh đạo của đảng. Kêu oan đồng nghĩa với việc cho rằng đảng sai lầm, đảng kém sáng suốt. Thế là tiêu đời anh rồi. Chỉ có việc nhận tội, nhận tội và nhận tội, dù thực tình anh không có tội, rồi sau đấy vật nài xin lượng khoan hồng của đảng. Miền Bắc là như thế. Còn ở miền Nam nầy, chỉ cần buông con dao đồ tể là thành Phật như mọi chúng sinh khác. Tôi liều sinh mạng, vượt rừng, vượt núi để vào Nam, thực không uổng công chút nào.
Tân cười vui vẻ:
- Thôi, mọi việc ổn cả rồi. Bây giờ, mình uống mỗi người một chai để mừng anh em mình còn gần gũi nhau cho đến ngày mang lon chuẩn úy trên vai.


*
* *