Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

Chương 9: Giã từ vũ khí (2)



Một cuộc chiến tranh dài
Tập III
Chương 9: Giã từ vũ khí
(2)

Trở lại trường, Tân được ông hiệu trưởng vui vẻ đón tiếp và tỏ ra hài lòng khi nghe cậu xin hợp tác với nhà trường. Ông lật một quyển sổ to tướng ra đọc và suy tính một lúc rồi nói:
- Tạm thời tôi xếp cho anh mười giờ dạy ở các lớp đệ tứ và đệ tam. Năm đầu, anh dạy cho quen đi rồi sang năm tôi sẽ xếp cho anh dạy các lớp thi tú tài thù lao cao hơn. Anh đồng ý chứ?
Tân gật đầu cám ơn. Ông hiệu trưởng hẹn với cậu hai hay ba hôm nữa sẽ đến nhận thời dụng biểu và tuần sau thì bắt đầu lên lớp. Cậu về nhà báo tin cho Bạch Mai biết và ra ngay bến xe đò.
May quá, xe đi Cần thơ vẫn còn. Đến xế chiều thì cậu về đến Tây đô, quê nhà của Thùy Liên thân yêu. Xuống xe đò, cậu nhảy ngay lên xe lôi, đốc thúc đạp nhanh về quân y viện. Người lính gác cổng vui vẻ cho cậu vào ngay. Anh ta cũng báo cho cậu biết Thùy Liên hôm nay làm việc ở phòng hồi sinh. Cậu đến phòng nầy, ông y tá ở đó cho hay Thùy Liên đang trong phòng giải phẫu. Cậu ra ngồi đợi trên băng đá, mỗi lúc một sốt ruột hơn.
Cuối cùng, nàng cũng xuất hiện trên hành lang, tay cầm một chai máu đi kế cận một giường đẩy, bên trên một người nằm nhắm mắt, khăn trắng phủ từ cổ đến chân.
Tân gọi:
- Thùy Liên.
Nàng ngước lên nhìn thấy Tân, đôi mắt mở to đầy ngạc nhiên và hân hoan. Nàng gật đầu, nở nụ cười thật tươi, hai hàm răng trắng muốt như bạch ngọc. Nàng khẽ bảo:
- Anh Tân, chờ em một tí.
Nàng tiếp tục bước theo giường và khuất sau khung cửa của phòng hồi sinh. Tân đứng im nhìn hai cánh cửa kính đóng lại, đầu óc ngây ngất vì nụ cười và giọng nói của người yêu.
Cậu ngồi xuống ghế đá, mắt hướng thẳng về phòng hồi sinh và chờ đợi, nỗi sốt ruột mỗi phút một tăng dần.
Cậu đứng bật dậy khi cánh cửa vừa mở và Thùy Liên, trong bộ áo khoác trắng toát bước ra. Nàng đi nhanh về phía cậu. Suýt nữa, cậu đưa cả hai tay ra ôm choàng lấy người yêu nếu Thùy Liên không dừng lại đúng lúc. Nàng nhoẻn miệng cười:
- Anh đợi có lâu không?
- Lâu lắm, anh tưởng cả thế kỷ trôi qua rồi.
- Anh cố đợi một lát nữa. Vừa mới hết chai máu thì em rút ống và chạy ra ngay với anh. Có lẽ anh ta sắp hết mê rồi. Lúc nào anh ta tỉnh hẳn, em mới được ra đây với anh.
- Anh ta là ai vậy?
- Một thượng sĩ sư đoàn Dù mới vừa nhảy xuống để giải vây cho đồn bảo an ở Sóc trăng thì trúng ngay lựu đạn bọn chúng phóng tới. Bị miễng đạn ghim cùng mình mà vẫn dẫn trung đội xung phong diệt một toán Việt cộng mới ngã xuống. Bác sĩ vừa giải phẫu gắp ra gần một chục mảnh đạn ghim lỗ chỗ khắp bụng và hai đùi.
- Có nguy hiểm đến tính mạng không?
- Lủng một lỗ ở ruột vá lại rồi. Mất máu nhiều, may mà đưa về đây kịp. Em phải vào canh cho đến khi anh ta tỉnh hẳn thì giao cho y tá trực rồi về nhà.
Nàng nhìn người yêu một cách đằm thắm:
- Anh Tân, chốc nữa anh về nhà với em nhé. Anh chở em về bằng xe đạp của em. Đạp nổi không?
- Được, anh có thể chở em đi một vòng quanh địa cầu.
- Thôi đi, lúc nào anh cũng nói giỡn chơi. Xa anh, em cứ nhớ cách nói của anh, em quay quắt vì nhớ anh. Thôi, anh chịu khó ngồi chờ em một chốc nữa nhé.
- Lâu không?
- Độ nửa giờ thôi, cục cưng của em.
Nàng quay lui và bước vội vào phòng.
Khoảng hơn nửa giờ sau, nàng trở ra, tha thướt trong chiếc áo dài màu hồng. Tân đứng bật dậy, đứng im trố mắt nhìn. Nàng đến gần, mỉm cười:
- Sao anh nhìn em sững vậy?
- Em đẹp quá làm anh cứ tưởng không phải là Thùy Liên.
Mặt nàng e thẹn:
- Em không phải là Thùy Liên đâu, anh đừng đi theo em. À, anh nhận được thư em chưa?
- Nhận được rồi anh mới dám xuống đây chứ.
- Anh Tân, thôi mình ra lấy xe đi.
Hai người bước song song trên con đường trải sỏi. Thùy Liên đi sát bên Tân, thỉnh thoảng cánh tay của nàng chạm nhẹ vào cánh tay người yêu.
Nàng vào một gian nhà khá rộng nhận xe và trao lại cho Tân dẫn ra cổng. Cậu ngồi lên yên, nàng vén áo ngồi phía sau. Tân nhấn bàn đạp, chiếc xe thong thả lăn bánh trên đường. Trời hôm nay đẹp, đường phố cũng đẹp, cả thế gian nầy đều tuyệt đẹp trong cái nhìn của hai người.
Một bàn tay dịu dàng áp vào lưng Tân làm cho cả người cậu rung động. Cậu ưỡn ngực, hít đầy không khí vào, đạp xe nhanh về phía trước, lòng vui sướng tột cùng vì cái báu vật vô giá sau lưng mình.
- Anh Tân, đến đầu cầu thì anh ngừng cho em xuống nhé.
Tân ngừng đạp cho xe chậm dần và ngừng hẳn. Cậu quay mặt lui:
- Đến nhà em rồi phải không?
- Chưa, còn phải đi cặp bờ sông khoảng hai trăm mét nữa. Đường hơi xấu, với lại em không dám ngồi chung xe với anh, hàng xóm quen biết họ nhìn thấy thì xấu hổ lắm.
- Em sẽ là vợ anh thì xấu hổ gì?
- Nhưng bây giờ, em đã là vợ anh đâu. Em đi trước, anh dẫn xe theo sau nhé.
- Như một tiểu đồng theo hầu một đại tiểu thư vậy.
Nàng quay lui, cười thật xinh:
- Nầy, tiểu đồng đi hầu đại tiểu thư thì phải ngoan ngoãn và im lặng không được nói năng gì cả nghe chưa?
- Xin tuân lệnh!
Hai người khúc khích cười, chầm chậm bước tới. Ráng chiều đổ xuống con sông làm cho mặt nước long lanh sáng rực. Qua một khúc quanh, Thùy Liên rời bờ sông, đi thêm một đoạn ngắn rồi xoay người lại, vẻ mặt đột nhiên hơi căng thẳng:
- Anh Tân, tới nhà rồi. Mình vào nhé.
Tân ngạc nhiên:
- Tới nhà rồi thì vào, em còn muốn đi đâu nữa?
Nàng cười bẽn lẽn rồi bước vào một chiếc cổng thô sơ, băng qua một sân hẹp. Một con chó vàng từ phía sau phóng tới vẫy đuôi mừng nhưng khi thấy Tân lẽo đẽo theo sau, nó quay lại sủa ồm ồm.
Một người đàn bà xuất hiện ở cửa. Thùy Liên bước nhanh tới, nắm tay bà, giọng hấp tấp:
- Má, má. Anh Tân!
Tân dựng xe xong cúi đầu chào:
- Thưa bác!
Bà đăm đăm nhìn Tân vài giây rồi cười vui vẻ:
- Cậu Tân xuống chơi đó hả, vào nhà đi cậu.
Bà hướng mặt vào, gọi to:
- Ông nó ơi, có khách.
Bà quay lại Thùy Liên:
- Liên, con đưa cậu Tân lên nhà trên đi, ba con đang nằm xem sách trên đó.
Thùy Liên lại gần Tân:
- Anh Tân, anh lên nhà gặp ba em đi. Ba mong thấy mặt anh lắm đó.
Liên nói xong thì tươi cười rồi bước vào gian nhà lớn, Tân lẽo đẽo theo sau.
Cậu được ông đón tiếp thật ân cần. Ông là một mẫu người trí thức thực sự nên hai người đàn ông nhanh chóng bắt chuyện với nhau một cách khá thoải mái. Ngược lại, bà là một mẫu người nhà quê hiền lành, chất phác, thích ngồi nghe hơn là bắt chuyện với người khác.
Đột nhiên có tiếng chó ăng ẳng mừng chủ. Cả nhà nhìn ra cổng. Thùy Liên reo lớn:
- Chị Hai qua chơi hả?
- Chơi gì? Tao đến coi mặt thằng em rể tương lai đây.
Thùy Liên đỏ mặt:
- Chị Hai ăn nói kỳ cục vậy? Nhưng tại sao chị biết tin mà đến?
- Chú Năm Ký đạp xe ngang qua nhà gọi chị ra bảo rằng chú vừa mới gặp em đi trước và một chàng trai nào đó đi theo sau. Chị đoán ngay là cậu Tân chớ không ai khác nên vội tắt bếp chạy đến đây ngay.
Thùy Liên cười khúc khích:
- Chị Hai lầm rồi, đây không phải là anh Tân.
Chị trố mắt:
- Chớ ai?
- Chú tiểu đồng của em đó.
- Cái gì? Mày nói cái gì, tao không hiểu.
Tân vội giải thích:
- Dạ, khi nãy vào đây, Thùy Liên không dám để em chở đi xe đạp mà bảo em phải đi sau rồi gọi em là tiểu đồng theo hầu đại tiểu thư.
Chị Hai cười ha hả:
- Hai đứa tụi bây thiệt là quá quắt lắm; mới quen nhau mà đã dám đóng kịch để chọc hàng xóm rồi. Cậu Tân!
- Dạ.
Tân quay sang đối diện với chị. Chị nhìn thẳng vào đôi mắt của Tân và nói:
- Con Liên đã nói chuyện với chị về em. Chị cũng mong gặp em để cho biết mặt mũi thế nào. Tính chị không thích dài dòng, chị nghĩ sao nói vậy, em đừng phiền lòng hay ngạc nhiên nghe.
Tân vội vã đáp lời:
- Thưa chị, Thùy Liên có nói em nghe chút ít về …
- Về cái gì?
- Dạ về tính bộc trực của chị. Em rất quý những người bộc trực. Theo em, người bộc trực là người có tâm hồn trong sáng và có lòng tin với người đối diện.
Chị Hai cười ha hả:
- Được, ăn nói như thế thì xứng đáng làm rể nhà nay rồi.
Thùy Liên dẫy nẩy:
- Chị Hai, chị đừng nói chơi, nói giỡn nữa, em chạy trốn bây giờ.
Chị Hai cười hì hì:
- Chơi giỡn gì, nói thiệt đó. Để chị hỏi tiếp cậu Tân vài điều mà chị muốn biết cho rõ.
Sau đó Tân phải trả lời thực nhiều câu hỏi của chị. Cậu có cảm tưởng rằng chưa bao giờ phải khai lý lịch đầy đủ như lần nầy. Tuy nhiên, không khí gia đình thực cởi mở, mọi người tỏ ra có thực nhiều cảm tình với Tân.
Bỗng nhiên, chị Hai la lớn:
- Ủa, má bỏ đi đâu rồi?
Từ dưới bếp, có tiếng trả lời:
- Ngồi chơi đi, tao lo cơm nước để cậu Tân cùng ăn với cả nhà cho vui.
Chị Hai vụt đứng lên, nói lớn:
- Ái dà, con cũng phải về lo cơm nước. Mới vo gạo xong, nghe nói cậu Tân xuống nên chạy tới dây liền. Anh Trị và hai đứa nhỏ chắc cũng sắp về tới rồi.
Chị quay lại hỏi Tân:
- Cậu về đây chơi lâu không?
- Dạ, nội ngày mai em phải về Sài gòn vì có hẹn với một trường tư thục.
- Rồi tối nay cậu ngủ đâu?
- Dạ, em ra Cần thơ ở phòng trọ hay ở nhờ phòng vãng lai của tiểu khu cũng được.
- Ừ nhỉ, cậu còn là sĩ quan mà, hết phép giải ngũ mới hết là sĩ quan. Nè, trước khi về, chị nói em nghe như vầy.
- Dạ, em nghe.
- Hai đứa em quen nhau thì chị mừng lắm. Ba má cũng mừng. Ai cũng muốn tụi bây tính chuyện với nhau. Tuy nhiên, dục tốc bất đạt. Lo chuyện làm ăn và mọi chuyện cần thiết khác cho đàng hoàng rồi tiến tới. Thời buổi sống khó khăn nầy, phải chuẩn bị cho kỹ, đừng có hấp tấp, mà cũng đừng trì hoãn quá lâu, có thể làm ngắn cái tuổi xuân của mình đi và phụ lòng mong đợi của ba má. Em có đồng ý với chị không?
- Dạ, em đồng ý.
- Còn Liên thì sao?
Thùy Liên đỏ mặt:
- Em không biết, mọi việc tùy anh Tân.
Chị cười ha hả, chào ông cụ rồi ra về. Hai cậu trai đi học cũng vừa về tới nhà, khoanh tay chào Tân một cách lễ phép.

Sau bữa cơm, trời đã tối hẳn, Tân xin tạm biệt gia đình. Ông cụ hỏi:
- Cháu về Cần thơ bằng cách nào?
- Dạ, cháu đi bộ.
- Xa lắm mà.
- Trong quân đội, cháu đã quen đi bộ trên những đoạn đường dài.
Thùy Liên chen vào:
- Không được đâu anh Tân. Anh lấy xe đạp em mà về Cần thơ.
- Rồi ngày mai em đi làm bằng cách nào?
Thùy Liên đáp nho nhỏ:
- Sáng mai, anh đến đây chở em đi, anh không thích à?
Tân vội vã gật đầu:
- Được được, anh làm theo ý em.
Cậu chào ông bà rồi dẫn xe ra. Trời đã tối từ lâu, con hẻm đen thui không một bóng người. Tân quay lui thấy Thùy Liên đi theo sau. Cậu dừng lại:
- Thùy Liên, em vào đi, trời tối lắm. Em theo anh ra ngoài kia, đến lúc anh đi rồi, làm sao em về một mình được?
- Em đưa anh đi vài thước rồi trở lại.
Nàng tiến lên đi song song với cậu trong bóng tối. Được một khoảng ngắn, nàng dừng lại, Tân dừng theo. Cậu nghe tiếng gọi nho nhỏ:
- Anh Tân!
Tân quay sang. Hai bàn tay của nàng dịu dàng áp vào mặt cậu. Cậu khẽ cúi xuống, hai đôi môi gắn chặt vào nhau, gây nên cảm giác cực kỳ đê mê. Một tay cậu vịn xe đạp, tay kia ôm lấy lưng của nàng siết mạnh vào ngực mình, ngây ngất vì hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ gương mặt người yêu.
Rồi Thùy Liên vụt thụt lùi lại, hai đôi môi rời nhau ra. Cậu nghe giọng nàng run rẩy:
- Anh Tân, em yêu anh. Thôi anh về đi.
Nàng quay lui và phút chốc bóng dáng yêu kiều của nàng khuất sau cửa cổng. Tân đứng ngẩn ngơ trong một phút. Cậu nghe trong không gian vẫn còn ngào ngạt hương thơm của đôi môi, của mái tóc người con gái. Cậu nuốt mạnh nước bọt rồi dẫn xe lầm lũi đi. Mắt cậu quen dần với bóng đêm, con đường làng hiện ra lờ mờ. Sau một khúc quanh, mặt nước sông Bình thủy như một dải bạc, chạy dài đến chiếc cầu bê tông trắng toát in hình lồ lộ dưới ánh đèn đường. Cậu đạp xe một mạch thẳng về phòng trọ ở kế cận bến xe.

Sáng hôm sau, cậu thức dậy thực sớm, khi trời chưa sáng. Cậu rửa mặt thay đồ xong, ra ngồi ngoài quán nước. Ngoài đường những người đi bán sớm qua lại rộn ràng trong tiếng động ồn ào của máy xe, của tiếng người cười cười, nói nói với nhau.
Tân điểm tâm xong nhưng vẫn ngồi tại chỗ để chờ trời sáng hẳn mới bước ra khỏi quán và gò lưng đạp xe về Bình thủy. Từ xa, cậu đã thấy Liên đứng trên cầu nơi cao nhất, tà áo xanh bay phất phới trong gió sớm. Tân dừng xe ở đầu cầu, nhìn nàng đăm đăm.
Liên vội vã đến gần, trông thấy người yêu vẫn đứng yên. Nàng mỉm cười:
- Anh lại nhìn em như thế rồi.
- Em không thích anh ngắm em sao?
- Thích nhưng em thấy ngượng lắm. Anh Tân, sáng nay em phân vân mãi, không biết nên chọn màu áo nào để mặc. Anh có thích màu xanh nầy không?
Tân vội vã trả lời:
- Thích, thích lắm, màu áo nào của em anh cũng thích. Hình như bất cứ chiếc áo dài nào dù tầm thường đến đâu đi nữa cũng trở nên đẹp rực rỡ nếu được khoác lên cơ thể của em. Cứ mỗi lần gặp em là anh thấy em đẹp hơn lần gặp trước.
Nàng mỉm cười e thẹn:
- Anh Tân, anh cứ nịnh em mãi như thế, không sợ em trở thành mụ đàn bà tự cao tự đại hay sao?
- Không, anh không sợ vì anh biết chắc em trở thành người vợ hiền và ngoan của anh.
Mặt nàng hồng lên. Nàng vén áo ngồi vào yên sau của xe đạp, một tay vịn vào lưng của người yêu. Giọng nàng nho nhỏ thực dễ thương:
- Em sẽ cố gắng được như lời anh nói.
Tân sung sướng nhấn bàn đạp cho xe vọt nhanh tới. Thùy Liên hỏi:
- Anh ăn sáng chưa?
- Xong rồi, anh ăn trong khi chờ đợi trời sáng. Anh sẽ ghé tiệm cho em điểm tâm nhé.
- Không cần đâu, sáng thức dậy má pha sữa cho em uống rồi. Tí nữa, em có phần ăn sáng mà quân y viện dành cho mọi nhân viên. Sao anh đạp nhanh vậy? Còn sớm mà anh.
Tân đạp chậm lại, quay mặt lui hỏi:
- Anh cũng hơi lấy làm lạ là tại sao em ra đón anh sớm thế.
Thùy Liên cười:
- Tại chị Hai đó. Trời chưa sáng chị đã qua tìm em để hỏi tiếp về anh rồi đốc thúc em sửa soạn cho sớm để anh đến chở đi thong thả cho đỡ mệt. Chị Hai mới gặp anh lần đầu mà có vẻ….
- Có vẻ thế nào Thùy Liên?
Nàng nói nhỏ:
- Có vẻ thương anh.
Tân cười:
- Thế là không còn ý định thuê du đãng cạo đầu anh nữa phải không?
Thùy Liên vuốt nhẹ lưng người yêu:
- Hôm nọ viết thư, lặp lại lời nói của chị Hai em cứ sợ anh giận. Nhưng em rất muốn anh biết trước tính tình chị Hai.
- Em làm vậy là đúng. Vả lại, những lời nói giỡn chơi như thế của người trực tính như chị Hai thì chẳng có gì đáng để giận.
- Anh Tân, ba má cũng bằng lòng anh rồi đó.
Tân tỏ vẻ mừng rỡ:
- Thế à? Liên, chúng mình sẽ sống với nhau, chúng mình sẽ có hạnh phúc và anh muốn tất cả người thân của em đều hài lòng và cùng chia sẻ hạnh phúc với mình. Tiếc rằng, anh không còn người thân nào nữa để vui mừng với hạnh phúc của chúng mình.
Thùy Liên úp mặt vào lưng của Tân, giọng đầy xúc động:
- Anh Tân, em yêu anh vô cùng!
Đến quân y viện, Tân dừng lại, bước xuống trao xe cho Thùy Liên. Cậu nhìn nàng bằng cặp mắt đam mê:
- Phải chi mặt trời vỡ tan!
Nàng ngạc nhiên ngẩng lên nhìn:
- Anh nói gì vậy?
- Phải chi bây giờ mặt trời vỡ tan, bóng tối bao trùm như đêm rồi ở Bình thủy, anh lại được hôn em để từ giã.
Nàng e thên, nói lí nhí:
- Anh lại ăn nói quàng xiên rồi. Thôi anh về đi, em phải vào nhận việc. Hôm nay sẽ vất vả lắm vì ngày hôm qua thương binh tới tấp được chở về và đưa lên bàn mổ.
Thùy Liên nói thế nhưng cứ đứng yên tại chỗ chứ không vào cổng. Nàng nói tiếp:
- Anh Tân, em vẫn yêu nghề của em nhưng ngày nào em cũng phải chứng kiến cảnh những con người ưu tú của miền Nam rên la quằn quại vì các vết thương mà chiến trường gây ra trên cơ thể họ, em khổ lắm. Điều đó đang tiến dần đến mức cuối cùng khả năng chịu đựng của một người con gái yếu đuối như em.
Tân cảm động:
- Thùy Liên, anh sẽ cưới em, đưa em về Sài gòn, làm việc một nơi nào đó không có tiếng rên la đau đớn của thương binh, em nhé.
Thùy Liên cúi mặt đáp nho nhỏ:
- Em mong sớm được như thế.
- Nhất định phải sớm được như thế. Ngay bây giờ, anh trở về Thủ đô, nổ lực làm việc để có đủ điều kiện cưới em và đưa em về Sài gòn sống chung với anh.
Thùy Liên mỉm cười:
- Thôi anh ra xe đi, em vào làm việc. Chào anh yêu.
- Chào em, hôn em.

Tạm biệt người yêu xong, Tân chưa vội ra bến xe mà chậm rãi đi dạo trên phố rồi lần ra bến Ninh kiều. Cậu tìm đến đúng cái quán mà cậu cùng Thùy Liên đã ngồi vào một buổi chiều kỳ diệu để tỏ tình với nhau. Cậu khao khát có nàng bên cạnh giờ nầy để được nắm bàn tay bé nhỏ và mềm mại trong tay mình. Cậu ngồi tại đó khá lâu mới đứng dậy đi về bến xe.
Ngày hôm nay, xe khá đông nên mất nhiều thì giờ ở hai phà Bassac và Mỹ thuận, chiếc xe lại chạy quá chậm nên khi vào bến Sài gòn thì trời sắp tối.
Vừa xuống xe, cậu lên ngay taxi về thẳng nhà Bạch Mai. Lúc đi, cậu đã gởi chìa khoá nhà của mình tại đây vì sợ đi đường đánh rơi mất. Như thường lệ, cửa sắt trước tiệm đã đóng lại nhưng còn chừa một khe hở nhỏ. Cậu đẩy cho khe rộng ra và lách vào.
Thiếu tá Thế là người đầu tiên trông thấy, la to:
- Anh Tân về rồi kìa. Thế nào? Người đẹp Tây đô có khỏe không?
- Cám ơn anh, Thùy Liên khỏe mạnh.
- Sao rồi, hai người làm cái trò gì dưới đó suốt từ ngày hôm qua đến giờ?
Bạch Mai ngắt lời:
- Thôi đi ông thiếu tá. Chuyện riêng của người ta mà anh hỏi theo kiểu công an hỏi cung vậy. Anh Tân rửa ráy và ăn cơm. Em vừa dọn ra xong, cả nhà nhắc đến anh thì anh về. Hay quá.
Tân vào buồng tắm, rửa mặt rửa tay và ngồi vào bàn. Bác Tư hỏi:
- Cháu có gặp ba má cô Liên không?
- Dạ có.
- Ông bà thế nào?
- Ông là kỹ sư công chánh, một người trí thức đúng nghĩa, bà là một phụ nữ miền Nam hiền lành chất phác.
Thiếu tá Thế chen lời:
- Thế ông bà chịu nhận chàng rể tương lai chưa?
Tân ngồi im mỉm cười. Thế nói tiếp:
- Trông cái vẻ mặt tươi rói của anh thì tôi biết ngay là anh được vợ rồi. Ý kiến của ông bà thế nào thì tôi cũng dư sức đoán được. Chàng rể mặt mày sáng sủa, tốt nghiêp đại học sư phạm, ăn nói chững chạc, ông bà già bằng lòng là cái chắc rồi. Có phải không người hùng?
Bác Tư cười:
- Chuyến nầy thì đúng người hùng gặp giai nhân rồi.
Thiếu tá Thế buông đũa, vỗ tay đôm đốp, cười ha hả:
- Thấy chưa, tới ba mà bữa nay cũng nói một câu bất hủ như thế thì quả thực mối lương duyên nầy tuyệt vời. Xúc tiến cho nhanh đi “bác tài”.
Bạch Mai cũng góp vào:
- Em cũng mong anh Tân làm đám cưới để em xem chị Liên đẹp đến cỡ nào.
Thế quay qua nhìn vợ:
- Đẹp đến cỡ em là cùng.
Bạch Mai lườm chồng:
- Anh cứ nói bậy.
Tân nhìn Bạch Mai và mỉm cười:
- Anh Thế nói đúng đó.
- Đàn ông các anh cùng vô phe nhạo báng mụ già nầy.
Thế cười to:
- Cái mụ già nầy, nếu được tung ra ngoài thế giới thì tổng thống Mỹ và chủ tịch Liên xô sẽ mở kho vũ khí nguyên tử choảng nhau để giành mụ già đó về làm đệ nhất phu nhân.
Bạch Mai nhìn chồng mỉm cười:
- Hai ông tổng thống và chủ tịch lo đánh nhau, không ngờ bị một anh thiếu tá quèn phỏng tay trên mất.
Thế lại vỗ tay:
- Hay hay, anh không ngờ em nói hay đến thế, Bạch Mai ạ.
Tân cười vui:
- Tôi cũng bái Bạch Mai làm sư phụ.
Bạch Mai chỉnh liền:
- Sư phụ sao được, sư mẫu chứ.
- Ừ nhỉ, bạch sư mẫu.
Bữa cơm kết thúc trong tiếng cười, Tân ra về với nỗi vui rộn rã trong lòng.

Hôm sau cậu trở lại trường tư. Ông hiệu trưởng trao cho cậu thời dụng biểu và dặn:
- Tuần tới, anh bắt đầu dạy. Thứ hai anh không có giờ nhưng tôi cũng mời anh vào dự lễ chào cờ đầu tuần, để tôi giới thiệu cho các em học sinh biết.
Tân ra khỏi trường, ghé qua nhà sách mua một số sách giáo khoa rồi về nhà ngồi soạn bài dạy mấy ngày liên tiếp.
Sáng thứ hai, cậu ăn mặc rất chỉnh tề, đến trường dự lễ chào cờ. Sau khi lá quốc kỳ đã được kéo lên, ông hiệu trưởng bước đến bục thuyết trình, mời Tân đứng dậy rồi nói vào máy vi âm:
- Các em thân mến, tôi hân hạnh giới thiệu với các em, thầy Tân, một giáo sư mới về hợp tác với nhà trường và phụ trách môn sử địa ở một số lớp. Thầy Tân đã tốt nghiệp đại học sư phạm cách đây nhiều năm, đã là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa và vừa từ giã chiến trường trở về đây chưa đầy một tháng.
Ông ngừng nói. Cả trường im phăng phắc, nhiều học sinh phía sau nhóng cổ lên cao để nhìn. Tiếng nói đầy hấp dẫn của ông hiệu trưởng tiếp tục vang lên trong loa:
- Suốt những năm tháng vừa qua, trong lúc các đồng nghiệp của thầy được ở chốn bình yên, ngày ngày lên bục giảng, trong lúc những học trò của thầy được sung sướng ngồi trong những lớp học an lành thì thầy cùng đồng đội phải lặn lội từ chiến trường nầy đến chiến trường khác. Máu của thầy đã một lần đổ xuống mảnh đất quê hương của chúng ta. Hôm nay, thầy Tân về đây với các em, mang theo hai phần thưởng quí giá của quân đội, một huy chương anh dũng bội tinh và một huy chương chiến thương bội tinh.
Ông hiệu trưởng ngưng lại, nhìn Tân nơi vị trí dành cho giáo sư rồi quay lại các hàng ngũ học sinh, nói tiếp:
- Các em thân mến, lịch sử Việt Nam là một lịch sử oai hùng với biết bao nhiêu chiến tích lừng lẫy. Ở một số lớp, lịch sử oai hùng đó sẽ được một giáo sư có đủ tư cách trình bày và giảng dạy cho các em. Giáo sư đó chính là thầy Tân của các em vậy.
Cả trường như nổ tung vì tiếng vỗ tay và tiếng hét hoan hô của đám nam sinh. Tân hoảng hốt ngồi im trố mắt nhìn mọi người, dường như không ý thức được hết những gì đang xảy ra chung quanh mình. Cậu không hiểu tại sao ông hiệu trưởng lại đề cao mình đến thế.
Buổi lễ kết thúc. Học sinh lần lượt vào lớp, các thầy cô vào phòng giáo sư. Nhiều người đến bắt tay Tân. Một người hỏi cậu cảm tưởng trong buổi đầu tiên trong trường học, cậu đáp vội vàng:
- Tôi rất vui sướng và hạnh phúc được trở về sống trong môi trường giáo dục của miền Nam tự do nầy.
Tân nói xong thì ra về.
Ngày hôm sau, Tân bắt đầu cuộc đời dạy học của mình ở hai lớp đệ tam. Vì hồi hộp và bỡ ngỡ nên lời giảng không được suôn sẻ và mạch lạc. Tuy nhiên học sinh vẫn ngồi im phăng phắc trong suốt mấy giờ học. Mấy ngày hôm sau thì bài giảng khá hơn rõ rệt.
Tuần lễ đầu tiên trôi qua nhanh chóng và nhẹ nhàng đối với Tân. Hôm nào có giờ dạy, Tân cũng đến trường rất sớm.
Vào giờ đầu tiên của mình ở tuần lễ thứ nhì, Tân vẫn là giáo sư có mặt tại trường sớm hơn tất cả thầy cô khác. Văn phòng đã mở cửa nhưng chưa có ai làm việc, phòng giáo sư vắng tanh, trong sân trường lác đác vài mươi học sinh mà thôi. Tân dẫn xe đạp vào nhà xe và ra đứng thơ thẩn dưới mái hiên trường. Từ ngoài cổng, ông hiệu trưởng lái xe hơi vào. Ông bước xuống bắt tay Tân:
- Chào anh Tân, anh đến sớm vậy.
- Tôi luôn luôn dự phòng thời gian sợ gặp phải trục trặc trên đường đến trường. Tôi tự nhủ, trong bất cứ trường hợp nào cũng không được đến trễ để học sinh phải chờ đợi.
- Đó là tác phong của quân nhân phải không?
- Vâng, đúng vậy. Trong quân đội, việc đi trễ là điều khó tha thứ. Thí dụ, trong một cuộc hành quân phối hợp, sự trễ nãi của một cánh quân có thể gây thảm họa cho cánh quân khác.
Ông hiệu trưởng nhìn Tân một cách vui vẻ:
- Quả thực, quân đội là trường học tốt nhất để dạy cho thanh niên có tác phong của một con người vừa dũng cảm, vừa văn minh.
Ông nhìn đồng hồ và nói:
- Còn hơn hai mươi phút nữa mới tới giờ học. Mời anh vào phòng của tôi uống nước.
Tân bước theo sau ông hiệu trưởng. Hai người ngồi xuống ghế. Ông hiệu trưởng nói:
- Tuần rồi, các giờ dạy của anh đều thành công.
Tân ngạc nhiên và vui thích:
- Vậy à? Cám ơn ông hiệu trưởng. Nhưng tại sao ông hiệu trưởng biết mà có nhận xét như thế?
Ông hiệu trưởng cười:
- Nếu tôi ngồi đây mà không biết dưới lớp các anh dạy dỗ thế nào thì làm sao ban quản trị chịu trả lương hiệu trưởng cho tôi?
- Nhớ hôm đầu mới đến đây, nghe ông hiệu trưởng nói về chuyện đối phó với học sinh trường tư, phải dạy như một nghệ sĩ mới vừa lòng học sinh, tôi chán nản muốn bỏ cuộc. Bây giờ, qua những buổi dạy đầu tiên, tôi thấy các em đều ngoan ngoãn dễ thương. Tôi chỉ lo truyền đạt kiến thức chứ không phải quan tâm đến việc làm vui lòng các em.
Ông hiệu trưởng nhìn thẳng vào mắt Tân:
- Quả thực anh không biết lý do thành công trong những giờ dạy đầu tiên của anh à?
Tân lắc đầu. Ông hiệu trưởng cười và giải thích:
- Ngay hôm đầu tiên gặp gỡ, tôi biết anh là người có tài nhưng quá cương trực nên có thể gặp khó khăn trong nghề nghiệp. Tôi rất muốn anh hợp tác với nhà trường, một phần vì mến anh, phần khác vì cần giữ được lời hứa với bạn tôi là anh Thế. Tuy nhiên, tôi biết rằng, anh không sẵn lòng làm vừa lòng học sinh như mọi giáo sư tư thục khác. Do đó, tôi phải giúp anh lợi dụng cái ưu thế lớn nhất của anh mà đa số không có.
- Có phải ông hiệu trưởng muốn nói tới quá khứ của tôi trong quân ngũ?
- Đúng thế. Anh phải biết rằng ở bất cứ trường trung học nào, lớp đệ tam là lớp khó dạy nhất. Về tâm lý, các em sắp đến tuổi trưởng thành nên có khuynh hướng muốn người khác để ý đến mình. Các em vừa đủ lớn về thể xác để bày trò quấy phá, nhưng chưa đủ lớn về tư cách để có tự kiểm soát hành vi của mình. Đệ tam cũng là lớp chưa đi thi nên các em không phải chịu áp lực căng thẳng của chương trình học. Vì vậy các em đã làm khổ biết bao nhiêu thầy cô. Nhưng với anh thì khác. Trong cái nhìn của các em, anh bước vào lớp trong tư thế của một con người mà các em phải hết lòng kính nể vì anh đã đổ máu mình ngoài chiến trường để bảo vệ đất nước. Tuổi trẻ nào mà không ngưỡng mộ những con người can trường, đã từng xông pha trận mạc. Anh hiểu rồi chứ.
- Vâng, bây giờ thì tôi hiểu rồi. Cả tuần lễ nay tôi vẫn thắc mắc mãi về việc ông hiệu trưởng giới thiệu tôi quá kỹ trong buổi lễ chào cờ. Ông hiệu trưởng đã làm như thế để tạo tư thế cho tôi trong những ngày đầu tiên của quãng đời dạy học của tôi.
Ông hiệu trưởng cười với chan chứa cảm tình:
- Không, cái ưu thế đó là của anh chứ tôi nào có tạo ra. Tôi chỉ làm công việc giới thiệu cho các em học sinh thấy được mà thôi.
- Cám ơn ông hiệu trưởng. Bây giờ tôi xin phép chuẩn bị xuống lớp.
Ông hiệu trưởng đứng dậy bắt tay Tân.

Chiều hôm đó, trong lá thư cho người yêu, Tân đã kể lại công việc dạy học của mình trong tuần lễ đầu tiên. Sau khi nhắc lại lời ông hiệu trưởng, cậu viết thêm cảm tưởng của mình:
“Em yêu,
“Chiến tranh đã gây cho anh quá nhiều đau khổ nhưng nhờ đó anh được sự mến thương và kính nể của mọi người, nhất là các học sinh của anh. Anh cám ơn chiến tranh, cám ơn quân đội, cám ơn bốn năm quân dịch, cám ơn những ngày tháng lang thang trên chiến trường cùng đồng đội của anh!”


*
* *


Một tháng trôi qua nhanh chóng. Tân từ trong văn phòng nhà trường bước ra với món tiền lương tháng đầu tiên cồm cộm trong túi quần một cách dễ chịu. Món tiền to hơn là Tân nhẩm tính. Cậu không ngờ ông hiệu trưởng đã xếp cậu vào nhóm giáo sư lãnh thù lao, tính theo giờ, cao nhất trong trường. Cậu dẫn xe đạp ra và, thay vì về nhà, cậu đến một cửa hàng sang trọng ở đường Tự do, mua hai chai dầu thơm mắc tiền, ghé quán ăn cơm trưa rồi về nhà. Buổi chiều, cậu qua nhà Bạch Mai sớm hơn mọi ngày. Nàng đang ngồi trong của tiệm vắng khách. Cũng như thường lệ, thấy cậu nàng tỏ vẻ mừng rỡ:
- Anh Tân, em đang ngồi buồn, mong có ai đến để tán chuyện gẫu.
- Bạch Mai tán gẫu với tôi được không?
- Sao lại không?
- Nhưng trước khi tán gẫu, anh phải nói với Bạch Mai điều nầy trước đã.
Bạch Mai mở tròn đôi mắt:
- Chuyện gì mà anh nói có vẻ quan trọng vậy?
- Anh tặng Mai món quà.
Tân trao cho nàng chai nước hoa đựng trong một cái hộp tuyệt đẹp. Bạch Mai cầm lấy và sửng sốt:
- Anh Tân, sao anh có thứ nầy mà tặng em. Hàng sang trọng nhất của Pháp đây, chỉ có bán ở tiệm mỹ phẩm “Isabelle” trên đường Tự do mà thôi.
- Sao em biết rành vậy?
- Em trông thấy vài lần rồi. Em thích lắm, nhưng nhìn thấy giá là em thụt lại ngay.
Nàng rơm rớm nước mắt:
- Anh mua tặng em phải không? Tại sao anh làm như thế? Anh nghèo lắm mà.
Tân cười vui vẻ:
- Anh vừa lãnh tháng lương trường tư đầu tiên, anh thấy cần phải dùng vào việc gì xứng đáng nhất.
- Mua quà cho em là việc làm xứng đáng nhất à?
- Đúng rồi, không gì xứng đáng hơn nữa, đối với anh.
- Cám ơn anh. Em cảm động lắm, em sắp khóc đây rồi. À, thế anh có định tặng quà cho chị Thùy Liên không?
- Có
- Em hơi tò mò, anh đừng bắt lỗi em nhé. Anh tặng cho người đẹp của anh cái gì đó?
- Cũng y như em. Cửa tiệm còn đúng hai chai, anh mua cả hai.
Bạch Mai chớp đôi mắt đẹp với hàng mi cong và dài:
- Anh quí em cũng ngang hàng với Thùy Liên của anh à?
- Quí Bạch Mai hơn Thùy Liên chứ.
Mặt nàng thoáng ửng hồng:
- Tại sao vậy?
- Tại vì…. Thôi, đừng hỏi vớ vẩn nữa. Nói chuyện khác đi.
- Thế anh gởi quà cho chị Liên bằng cách nào?
- Anh có ba ngày liên tiếp không có giờ dạy nên sáng mai anh về trường trung học Long an rồi thẳng đường về Cần thơ.
Bạch Mai cúi nhìn chăm chỉ những hoa văn in trên chiếc hộp xinh đẹp, nói nho nhỏ:
- Phải rồi, anh về thăm chị ấy đi. Hơn một tháng rồi, chắc chắn chị Liên nhớ anh quay quắt. À, anh cho em gởi quà cho chị Liên nhé?
Tân ngạc nhiên:
- Em tặng quà cho Thùy Liên à? Quà gì?
- Em nhờ anh trông cửa tiệm cho em một chốc, em ra phố Phan đình phùng mua một xấp vải cho chị Liên may áo dài. Anh thích em mua cho chị ấy màu gì?
Tân có vẻ lúng túng:
- Anh chẳng biết. Có lần Liên cũng hỏi anh như thế.
- Rồi anh trả lời thế nào?
- Anh bảo màu gì Liên mặc cũng đẹp.
Giọng Bạch Mai nhỏ lại buồn buồn:
- Đối với anh, Thùy Liên lúc nào cũng đẹp.
Rồi nàng trở lại vui vẻ:
- Da chị Liên trắng lắm phải không?
Tân gật đầu.
- Mắt chị Liên đen nhay nháy phải không?
Tân lại gật đầu. Bạch Mai mỉm cười:
- Thế thì màu hồng nhạt là hay nhất. Anh trông cửa tiệm giúp em độ nửa giờ.
Nàng nói xong đến mở tủ lấy một số tiền cho vào giỏ xách, vội vàng đi ra cửa.


*
* *



Chiếc xe đò đỗ ngay trước cửa trường trung học Long an. Tân vào thẳng văn phòng. Ông hiệu trưởng vội vàng đứng dậy bắt tay:
- Chào anh Tân. Hai hôm nay, tôi muốn gởi thơ cho anh mà không biết đề địa chỉ nào.
- Có chuyện gì vậy, thưa ông hiệu trưởng?
- Nhiều chuyện cùng lúc. Hai tháng lương giáo sư, truy lãnh lương sai biệt trong hai năm, sự vụ lênh thuyên chuyển về trường trung học Võ trường Toản. Anh ngồi chơi một chút rồi rồi qua tài vụ lãnh tiền và đến phòng hành chánh lãnh sự vụ lệnh cùng chứng chỉ ngưng lương. Tôi dặn làm gấp cho anh rồi đó. Anh ngồi uống nước đi.
- Cám ơn ông hiệu trưởng, tôi xin đi lãnh tiền và giấy tờ ngay để về Cần thơ cho sớm.
- Anh về Cần thơ hả? Có lẽ về thăm gia đình?
- Không, tôi không có gia đình, cũng chẳng con bà con dưới đó.
- Thế anh về Cần thơ làm gì? À, tôi đoán ra rồi. Anh đã từng đóng quân ở Cần thơ và đã tìm ra cái xương sườn bị thất lạc của anh dưới đó, đúng không?
Ông hiệu trưởng cười ha hả một cách thoải mái và nói tiếp:
- Không biết Cần thơ là cái xứ gì mà thanh niên nào xuống đó cũng bị chụp vào một cái lưới tình mềm mại mà khó gỡ. Nhất là Bình thủy cái nơi nổi tiếng sản sinh ra người đẹp. Con gái Bình thủy, nghe nói xinh tuyệt vời.
Tân há hốc nhìn ông hiệu trưởng. Ông quay lại hỏi to:
- Có đúng vậy không, thiếu úy Tân.
Tân mỉm cười gật đầu. Tự nhiên cậu cảm thấy hân hoan. Thùy Liên của cậu đích thị là con gái Bình thủy rồi. Cậu đứng dậy từ giã ông hiệu trưởng và xuống văn phòng.
Số tiền cậu lãnh được khá lớn, không nhét hết vào túi được. Cậu cho tất cả tiền bạc cùng giấy tờ vào cái bao vải đựng quà của Thùy Liên rồi ra đường đón xe. Mãi đến quá trưa, cậu mới đón được chiếc xe đò cũ kỹ, phải dừng lại sửa hai lần. Cậu về đến Cần thơ thì đã xế chiều nên thuê xe lôi đến ngay quân y viện.
May mắn thay, vừa hết giờ làm việc, Thùy Liên đi ra với chiếc áo dài màu trắng. Nàng đứng sững lại khi nhìn thấy Tân. Cậu bước vội đến:
- Thùy Liên!
- Anh Tân, anh đến lâu chưa?
- Vừa mới đến.
Cậu bắt tay người yêu rồi nhận lấy xe đạp dẫn ra khỏi cổng. Hai người ngồi lên, chiếc xe từ từ lăn bánh. Tân vừa đạp vừa quay mặt lui sau:
- Liên, cả nhà bình thường cả phải không?
- Dạ, bình thường cả. Ba má, chị Hai nhắc anh luôn.
- Còn em?
Nàng lấy tay vuốt nhẹ vào lung người yêu:
- Em không thèm nhắc đến anh đâu.
Nàng cười nho nhỏ, nói tiếp:
- Lúc nào cũng nhớ đến anh thì còn nhắc làm gì nữa.
- Liên, anh có việc nầy muốn nói riêng với em, về nhà có đông người e bất tiện.
- Vậy, anh tìm quán nước nào sạch sẽ và vắng khách thì mình xuống.
Tân chỉ tay về phía trước:
- Quán kia trông được.
Sau khi ngồi xuống ghế và gọi nước uống, Tân cởi cái bao vải mà cậu đang máng trên vai xuống, mở miệng bao lấy ra hai món đồ và nói:
- Quà của em đây. Anh tặng em chai nước hoa, Bạch Mai tặng em một áo dài. Liên sung sướng cầm hai món quà lên, ôm vào ngực. Tân vỗ bao vải, nói tiếp:
- Còn đây là hai tháng lương và món tiền truy lãnh sai biệt. Anh sẽ trả cho Bạch Mai để bớt một phần món nợ mua nhà.
Liên nhìn cậu:
- Tiền anh vừa lãnh nhiều hay ít so với món nợ?
- Vừa đúng phân nửa số nợ. Phân nữa còn lại, anh sẽ trả hết trong vòng một năm với hai đầu lương vừa trường công lẫn trường tư của anh.
- Lương thì phải để cho anh tiêu xài chứ.
- Không, anh chỉ tiêu xài một phần rất nhỏ thôi. Anh cố tằn tiện để sớm trả hết nợ rồi tổ chức đám cưới với em. Khi em về với anh thì mình chẳng còn nợ nần gì cả, có như thế hạnh phúc của mình mới trọn vẹn. Em có mong sớm về sống chung với anh không?
Liên e thẹn gật đầu. Nàng bỗng đột ngột ngẩng lên:
- Anh Tân, nếu có cách nào đó trả nợ được ngay thì anh có muốn chúng mình xúc tiến hôn nhân trước thời hạn một năm mà anh dự trù không?
- Muốn chứ, nhưng làm thế nào được. Số tiền nầy chỉ trả được phân nửa nợ. Sau đó tháng nào trả tháng đó chứ có trường nào cho lãnh trước một lượt đâu.
Liên nắm chặt bàn tay người yêu:
- Anh Tân, em có để dành được một món tiền kha khá, gần như toàn bộ tiền lương của em trong hai năm rồi. Em sống ở nhà không phải tốn kém gì cả; em muốn đóng góp mà ba má không chịu. Quân y viện lại cho em ăn sáng và ăn trưa miễn phí do sự tài trợ của quân đội.
Tân lắc đầu một cách cương quyết:
- Không được, tiền của em để dành thì em giữ lấy. Nợ mua nhà thì riêng anh phải lo.
Liên bóp chặt tay người yêu, giọng nói như muốn khóc:
- Anh Tân, sao anh không cho em góp phần vào? Cái nhà đó không phải là tổ ấm cho cả hai đứa sau nầy hay sao? Em chỉ là một người khách đến ăn nhờ ở đậu trong nhà của riêng anh hay sao? Nàng buông tay, nhìn ra đường, nét giận hờn hiện rõ trên khuôn mặt yêu kiều.
Tân rối rít:
- Liên, Thùy Liên, anh xin lỗi em. Anh không nghĩ như thế đâu. Em thực sự là chủ nhân căn nhà đó, không phải sau nầy mà ngay từ giờ phút nầy.
Thùy Liên quay nhìn cậu với nét mặt dịu lại:
- Vậy thì bây giờ anh đã chịu nhận phần đóng góp của em hay chưa?
- Chịu chịu, anh không dám từ chối nữa.
Nàng mỉm cười:
- Tiền của em đang gởi ở ngân hàng. Ngày mai em đi rút tất cả ra và gởi về cho anh theo đường bưu điện. Anh đồng ý chứ?
- Được được, anh nghe theo tất cả ý kiến của em, vì em là đại tiểu thư còn anh là tiểu đồng. Chuyện tiền bạc, tính như thế là ổn rồi. Vài hôm nữa, ngôi nhà hoàn toàn là của chúng mình. Từ nhỏ đến giờ, anh chưa hề vay tiền của ai nên từ hai tháng nay món nợ mua nhà làm cho anh lo lắng không lúc nào yến ổn, dù Bạch Mai rất tốt đối với anh. Bây giờ thì anh được giải tỏa khỏi mối lo đó rồi. Lương hàng tháng của anh sẽ được dành dụm để tổ chức hôn lễ của chúng ta và chuẩn bị cho cuộc sống chung của mình. Anh vui mừng lắm.
Thùy Liên nhìn Tân một cách âu yếm:
- Em cũng vui mừng như anh vậy.
Tân ngồi thẳng dậy:
- Thùy Liên, còn một chuyện khác có lẽ còn quan trọng hơn nữa.
- Chuyện gì vậy anh?
- Anh vừa nhận được sự vụ lệnh thuyên chuyển về trường Võ trương Toản ở Sài gòn. Trường nầy nằm sát bên nha trung học, đối diện với sở thú qua một con đường. Anh sẽ tìm cách xin cho em về một bệnh viện dân sự nào đó. Chúng ta cùng làm việc ở Sài gòn, con cái chúng ta sẽ ra đời và lớn lên ở thủ đô, có đầy đủ phương tiện học hành để trở thành những công dân hữu ích của đất nước.
Thùy Liên chăm chú nghe, trong đôi mắt ngời lên niềm hạnh phúc. Nàng bảo nhỏ:
- Anh Tân, em sung sướng lắm, em yêu anh.
Hai bạn trả tiền ra khỏi quán, Tân hăng hái chở người yêu về nhà. Ba má của Liên tiếp đón Tân thật ân cần. Một cách tình cờ, cả gia đình anh chị Hai cũng có mặt ở đó. Sau bữa cơm tối thực vui vẻ, chị Hai không cho Tân đạp xe về nhà trọ ở Cần thơ. Chị bảo cậu về nhà mình để nghỉ. Tân sung sướng nhận lời ngay.
Sáng hôm sau, cậu đạp xe đưa Thùy Liên đến quân y viện rồi trở về Sài gòn.
Ba hôm sau, cậu nhận được món tiền khá lớn do Thùy Liên gởi lên. Tân gộp cả hai số tiền của mình và của người yêu thì vừa đủ trả cho Bạch Mai.
Việc dạy học của cậu tiến triển tốt đẹp. Sau hai tháng dạy trường tư, cậu nhận thêm giờ của trường công, trở nên rất bận rộn với việc dạy dỗ. Tuy thế, cậu vẫn cố thu xếp để thỉnh thoảng về Cần thơ thăm người yêu. Hôn lễ chưa thể xúc tiến sớm được. Hai bạn thỏa thuận hoãn đến kỳ hè sắp tới.
Trong khi chờ đợi, Tân muốn tổ chức một lễ hỏi, như một sự công bố chính thức tình yêu của đôi bạn trẻ với bà con, hàng xóm và bạn bè của Thùy Liên. Làm như thế cũng là để ngăn ngừa sự dị nghị rất hay xảy ra trong dư luận của dân quê, có thể phương hại ít nhiều đến danh giá của gia đình người con gái.
Thùy Liên đem ý kiến nầy của người yêu thưa lại với cha thì ông bác bỏ ngay tức thì. Theo ông, chiến tranh đang tàn phá quê hương, hầu hết dân quê đang cơ cực lầm than nên lễ nghi rườm rà và tốn kém không thích hợp với tình hình bất ổn hiện tại. Hôn nhân cốt ở tình yêu và lòng thành của hai trẻ.
Tuy vậy, ngày Tết năm đó, Tân đưa bác Tư và Bạch Mai về thăm gia đình Thùy Liên, mang theo nhiều quà biếu Tết. Hàng xóm và bà con nghe tin đến chúc mừng khá đông. Cuộc thăm viếng thông thường bỗng nhiên mang tính chất của một lễ nghi tiền hôn nhân.
Trên chiếc bàn giữa gian nhà, bốn người đàn ông ngồi nói chuyện, một bên là bác Tư và Tân, bên kia là cha và bác của Thùy Liên. Ngay cửa bếp đi lên có kê một bộ ván. Những người đàn bà ngồi trên đó chuyện trò.
Thùy Liên mặc chiếc áo bà ba màu xanh lá mạ, trông nàng y như một thôn nữ yêu kiều. Nàng bưng nước lên, nhẹ nhàng đặt trên bàn rồi khép nép quay lui xuống bếp. Bác Tư nhìn nàng mỉm cười trong khi Bạch Mai theo dõi từng cử chỉ của người con gái. Có lúc nàng cảm thấy tự hổ thẹn khi có ý so sánh sắc đẹp của Thùy Liên với mình.
Đợi một lúc khá lâu không thấy Thùy Liên trở lên, Bạch Mai nhìn ra ngoài, chợt thấy thấp thoáng tà áo xanh lá mạ trong khu vườn bên kia sân. Nàng vội bước ra ngoài, băng qua sân, khẽ gọi:
- Chị Thùy Liên,
Thùy Liên quay lại. Hai người cùng đến gần nhau. Mai hỏi một cách thân mật:
- Chị Liên làm gì vậy?
- Dạ em đi hái chanh vào làm nước mắm để ăn trưa. Luôn tiện xem có trái cây nào chín thì hái làm quà cho bác và anh chị.
Thùy Liên ngưng lại vài giây rồi nói tiếp:
- Chị đừng gọi Liên bằng chị nhé. Chắc chắn, em nhỏ tuổi hơn chị mà. Xin lỗi chị. Có phải chị là Bạch Mai không?
Bạch Mai cười;
- Phải, nhưng sao Thùy Liên biết?
- Em đoán ra từ lúc chị mới bước vào cổng. Chị có biết tại sao không?
- Thùy Liên đoán ra tôi, có lẽ vì anh Tân đã gởi thơ báo trước.
- Không phải. Trong thư, anh Tân chỉ nói có bác xuống thăm ba em mà thôi.
- Phải rồi, tôi không định đi vì anh Thế làm việc ở tổng tham mưu đến chiều ba mươi mới được nghỉ, còn tôi thì gần Tết rất bận rộn việc mua bán. Cuối cùng tôi cũng thu xếp được để xuống đây thăm hai bác và Thùy Liên. Anh Tân không báo tôi xuống, thế sao Thùy Liên đoán ra tôi?
Thùy Liên cười tủm tỉm:
- Gần như cả xóm nầy đều biết hôm nay người thân của anh Tân xuống thăm ba má em. Bữa nhận được thư của anh Tân, ba em có nói với bác Ba của em, thế là bà con ai cũng biết. Nhà quê mình thì hay để ý đến công chuyện của người khác, nhưng không có ý xấu đâu, khác với thành phố đèn nhà ai nấy sáng. Vì vậy khi bác Tư và chị vừa xuống xe ở đầu cầu Bình thủy là thằng Đẩu, em cô cậu của em, chạy ào vào nói rằng thấy có một người đàn bà rất đẹp đi sau cùng. Em đoán là chị chớ không ai khác. Đến khi chị bước vào cổng thì em đinh ninh chị là Bạch Mai rồi.
Bạch Mai mỉm cười. Không giấu được vẻ hãnh diện:
- Tại sao người đàn bà đẹp phải là Bạch Mai? Thôi, tôi biết rồi, có lẽ anh Tân viết thơ nói trăng, nói cuội về tôi nhiều lắm phải không?
- Không, anh Tân chỉ nói chị là ân nhân đã giúp cho anh ấy có nhà, có cửa để ổn định sự sống ngay từ lúc mới rời quân ngũ. Nhưng em biết, Bạch Mai hẳn phải đẹp lắm.
Bạch Mai thắc mắc thực sự:
- Tại sao vậy?
Thùy Liên lại cười tủm tỉm:
- Lúc anh Tân bị thương ở chiến trường đưa về quân y viện thì đã bất tỉnh vì mất nhiều máu. Lập tức anh ấy được đưa vào phòng mổ, vừa vô máu, vừa chụp thuốc mê rồi giải phẫu gắp viên đạn ra. Chính em đưa anh Tân về phòng hồi sinh. Vừa mới hơi tỉnh dậy là anh Tân đã gọi ngay tên Bạch Mai.
Bạch Mai cảm thấy hơi thở mình bỗng nhiên trở nên dồn dập vì xúc động. Giọng nhỏ nhẹ của Thùy Liên vẫn tiếp tục làm cho Bạch Mai càng cảm động hơn:
- Em biết trong suốt thời gian anh Tân lang thang trên chiến trường, ngoài vũ khí và hành trang của người chiến sĩ, anh Tân còn mang theo hình bóng của một người.
Bạch Mai nhìn Thùy Liên một cách dịu dàng nhưng giọng nói đầy trách móc:
- Liên, tại sao em lại kể chuyện đó với chị? Em không biết hiện nay chị đang sống với chồng con hay sao?
- Em xin lỗi đã làm phật lòng chị.
- Không, chị không phật lòng đâu, nhưng chị không hiểu tại sao em nhắc lại chuyện đó quá rõ ràng như thế. Có lẽ em nói đúng, anh Tân có nghĩ nhiều đến chị, nhưng kể từ khi có em thì anh Tân không còn nghĩ đến ai khác nữa. Em còn nghi ngờ tình yêu của anh Tân với em à?
Thùy Liên mỉm cười một cách tự tin:
- Không đâu chị Mai ạ. Em không nghi ngờ chút nào tình yêu của anh Tân đối với em. Em cho rằng anh Tân giữ lại hình bóng chị trong một thời gian sau khi chị đã có chồng con thì cũng không có gì gọi là vi phạm đạo lý. Cuộc đời anh Tân là một chuỗi ngày cô đơn với gian khổ chồng chất, tâm hồn đáng thương của anh ấy cần một bóng mát thực hiền hòa. Đó là một nhu cầu hoàn toàn trong sạch, tinh khiết, không có gì đáng trách. Đó cũng là cái tính chất lãng mạn rất đáng yêu của anh Tân. Chị Bạch Mai, chị có đồng ý nghe em nói tiếp không?
- Em nói đi, chị thích nghe lắm chứ.
- Em rất quí chất lãng mạn vì đó là tính chất của con người nhạy cảm và giàu lòng khoan dung nên khi em nghe anh Tân nhắc đến tên chị lúc vừa trở lại với sự sống, em bỗng có ý gặp chị để xem chị thế nào mà khắc sâu trong tim anh Tân đến thế. Rồi em mong mỏi chị là một người đàn bà thực đẹp để cho hài hòa với bức tranh lãng mạn mà em vừa mới bắt gặp nơi tâm hồn anh Tân. Và, bây giờ thì em thỏa mãn, hoàn toàn thỏa mãn. Có lẽ chị cũng hiểu rằng khi mình thỏa mãn về điều gì thì rất mong muốn bày tỏ với ai đó có thể hiểu được sự thỏa mãn của mình.
Bạch Mai mỉm cười:
- Nhưng nếu hôm nay, em gặp một Bạch Mai xấu như ma quỉ thì em sẽ có cảm tưởng như thế nào?
- Em không biết, vì nó có xảy ra như vậy đâu.
- Thùy Liên, chị rất xúc động vì câu chuyện của em. Chị cũng thừa nhận với em rằng anh Tân đã đem đến cho chị mối tình đầu vô cùng tha thiết nhưng cũng vô cùng cay đắng vì trắc trở. Cho đến nay chị vẫn tôn quí mối tình đầu nầy. Chị vẫn mong muốn anh ấy tìm được một hạnh phúc mà chị đã không thể đem đến được. Bây giờ, gặp em rồi thì chị biết ước mong của chị đang thành sự thực. Em là người con gái toàn vẹn vừa thể chất lẫn tâm hồn. Chị không thể nào sánh với em được. Thùy Liên!
- Dạ.
- Từ rày về sau, em không được nhắc đến chuyện giữa chị với anh Tân nữa nhé.
Thùy Liên cười:
- Chị yên tâm. Em chỉ nói một lần với chị thôi là đã thỏa mãn lắm rồi. Đó vĩnh viễn là chuyện quá khứ còn chuyện tương lai là em phải cố gắng đem lại hạnh phúc cho anh Tân để bù cho cái dĩ vãng đáng thương của anh ấy.
- Chị mừng cho anh Tân được gặp em.
- Cám ơn chị. Bây giờ em mang chanh vào và phụ với má lo bữa ăn.
- Đi, chị cùng vào làm bếp với em.

Sau khi ăn và nghỉ trưa xong, bác Tư, Mai và Tân được Thùy Liên và ba má đưa đi thăm vài nhà bà con trong làng cho đến hết buổi chiều. Sáng hôm sau, đúng ba mươi Tết, ba người ra Cần thơ và về Sài gòn.


*
* *


Không khí ngày Tết thực vui vẻ. Theo thông lệ của những năm trước, hai bên tham chiến đều tuyên bố tạm ngưng cuộc huynh đệ tương tàn để người dân được hưởng vài ngày bình yên ngắn ngủi. Từ ba mươi Tết trở đi, tiếng pháo nổ dòn thay cho tiếng súng. Dân chúng dạo chơi với những bộ áo quần đẹp nhất, còn quân nhân thì tạm thời buông súng để vui xuân với gia đình hay với đồng đội ở nơi đang đồn trú. Cuộc hưu chiến, tuy không chánh thức thành văn bản nhưng vẫn được hai bên tuân thủ khá nghiêm chỉnh nên không có những cuộc đụng độ nào đáng kể trong thời gian nầy.
Vừa hết hạn hưu chiến theo thỏa thuận ngầm, cuộc chiến năm mới lập tức bùng nổ, ác liệt hơn cả năm cũ. Súng nổ, đạn bay, khói lửa mịt mùng. Những thân người ngã xuống, từng đoàn người chạy loạn, nét mặt hốt hoảng mà lòng còn luyến tiếc những ngày Tết bình yên ngắn ngủi.
Tuy nhiên, cảnh chiến tranh thực sự chỉ diễn ra ở thôn quê. Trong các thành phố lớn, đặc biệt là thủ đô, cuộc sống vẫn ồn ào náo nhiệt, người ta vẫn làm việc và ăn chơi như không hề biết cuộc nội chiến đang tràn lan trên mọi nẻo quê hương.
Sinh hoạt trong các thành phố gia tăng cường độ khi những đoàn quân lính ngoại quốc lần lượt đổ vào giúp cho miền Nam thêm sức mạnh để chống lại sự xâm lăng của miền Bắc. Những gương mặt lạ lẫm xuất hiện mỗi ngày một nhiều hơn trong các thành phố và trong các thôn làng. Qua tin tức chiến sự ở các báo chí, ở đài phát thanh, đài truyền hình, người ta được biết thêm những trận đánh ác liệt giữa những toán quân tinh nhuệ của cộng sản với những chiến binh gan dạ thuộc quốc tịch Mỹ, Đại hàn, Thái lan, Úc, vân vân.
Chính vì sự có mặt của các toán quân ngoại quốc nầy mà các cơ quan truyền thông và văn nghệ của cộng sản đã tung ra một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ, biến cuộc chiến tranh xâm lược của cộng sản thành cuộc xâm lăng của đế quốc Mỹ. Sự tuyên truyền đó đã đạt được khá nhiều thành công trong dư luận quốc nội cũng như quốc tế.
Trong khi đó, không quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa mở nhiều đợt oanh tạc ngày càng sâu vào lãnh thổ miền Bắc. Bom đạn chở từ Mỹ và từ miền Nam ra đã gây nhiều tổn thất cho cộng sản, nhưng cũng không tránh được những thiệt hại vô cùng to lớn cho đồng bào vô tội đã chịu quá nhiều điều đau khổ trong những năm sống dưới chế độ khắc nghiệt. Điều nầy làm rớm máu những quả tim của rất nhiều người đang sống trong Nam.
Tân là một trong số những người đó. Chiến tranh trong Nam làm cho cậu đau khổ, chiến tranh lan ra miền Bắc càng làm cho cậu đau khổ hơn. Cậu nghĩ nhiều đến anh Vinh, nhớ lại biết bao nhiêu kỷ niệm với anh ở quê miền Trung ngập tràn khói lửa, ở thành phố Mỹ tho khá êm đềm và ở đô thành Sài gòn ồn ào náo nhiệt. Mười bốn năm rồi, anh đã ra đi biền biệt; ở miền Bắc xa xôi đó, anh làm sao vượt qua bao nổi gian truân và bây giờ làm thế nào tránh được từng khối bom đạn khổng lồ từ trên trời rơi xuống!
Trong trường học, đề tài bàn bạc của giáo sư trong giờ chơi, hầu hết là về tình hình chiến sự ở hai miền Nam Bắc. Tuy nhiên, các lớp học vẫn tiến hành bình thường. Học sinh vẫn đùa giỡn vui chơi trong sân trường và chăm chỉ ngồi nghe giảng bài trong lớp học. Đối với Tân, nhà trường và lớp học không chỉ là nơi cậu làm việc để kiếm sống mà chính là nơi cậu tìm được nguồn vui to lớn, tìm được những giờ phút quên đi cuộc chiến tranh bạo tàn đang dày xéo hai miền Nam Bắc. Cậu tìm thấy được sự vui thú trong các bài giảng, sự gắn bó với đám trẻ, tuy đôi khi nghịch ngợm nhưng đáng yêu vô cùng.
Một hôm, cậu ngồi nhìn các em cắm cúi làm bài thi lục cá nguyệt, những mái tóc bất động, những khuôn mặt cúi sát trên bàn, những đôi mắt đờ đẫn nhìn qua cửa sổ, những bàn tay cầm bút lướt nhanh trên trang giấy…. Cậu chợt nghĩ không bao lâu nữa, những đứa trẻ hồn nhiên và dễ thương nầy sẽ lớn lên, rời ghế nhà trường để ra chiến địa, súng trong tay, xông vào giết nhau với những đứa trẻ cũng vừa mới rời ghế nhà trường ở miền Bắc và bị cộng sản đẩy vào miền Nam nầy. Cậu cảm thấy mắt mình cay cay, cậu biết nước mắt mình có thể ứa ra nếu cứ tiếp tục ngồi nhìn các em cắm cúi làm bài.
Cậu bước ra hành lang, nhìn lên bầu trời rộng mênh mang. Tình cờ, hướng cậu đang nhìn là hướng chính Bắc. Cậu biết rõ vì cậu đang là giáo sư sử địa. Cậu hình dung, cách đây hơn một ngàn cây số về hướng đó, hàng hàng lớp lớp học sinh phải rời ghế nhà trường, mang tuổi trẻ thơ ngây miền Bắc vào bắn giết với tuổi trẻ thơ ngây của miền Nam. Các em chưa hề có một mảy may thù hận nhau. Nếu không có cuộc chiến tranh do cộng sản gây nên thì khi gặp nhau, các em hai miền sẽ nắm tay nhau ca hát.
Tân trở vào phòng học, với tâm trạng u ất nặng nề. Cậu nhìn đồng hồ, chán nản khi thấy còn cả hơn một giờ nữa thì buổi thi của các em mới chấm dứt. Tân không muốn ngồi nhìn các em để cho những ý nghĩ buồn thảm đè nặng tâm hồn. Cậu mở cặp lôi ra một quyển vở còn giấy trắng, rút viết ra, ghi trên đầu trang giấy: “Thùy Liên yêu quí của anh”.
Gương mặt xinh tươi của người yêu hiện ra trong trí tưởng tượng như một dòng nước mát làm cho tâm hồn cậu dịu lại. Cây bút trong tay bắt đầu chạy nhanh, chạy thực nhanh, diễn tả từng ngỏ ngách của tâm tình cậu trong buổi gác thi hôm nay cùng nỗi phẩn uất và đau đớn vì cuộc chiến tranh đang mỗi ngày một ác liệt thêm lên. Cậu kết thúc lá thư vừa vặn với tiếng chuông báo hiệu hết giờ.
Tân gởi thư đi, đúng một tuần lễ sau thì nhận được thư phúc đáp của Thùy Liên:

Anh yêu,

Sáng nay, em nhận được thư anh muốn mở ra đọc tức thì nhưng không được vì em phải vào phòng giải phẫu ngay. Từ phòng giải phẫu, em trở về phòng hồi sinh với một thương binh là thiếu úy địa phương quân . Cậu ấy vừa tỉnh dậy và biết rằng mình đã vĩnh viễn mất đi một cánh tay rồi. Cậu không rên rĩ nhưng nước mắt cứ chảy tràn ra. Cánh tay còn lại bị buộc chặt nên em phải lấy bông gòn lau nước mắt giùm cậu rồi quay lại dùng khăn tay lau nước mắt của chính em. Cậu ấy còn trẻ lắm, vừa tròn hai mươi tuổi và mới ra trường chưa đầy ba tháng. Em không biết nói câu gì để an ủi nhưng có lẽ cách em lau nước mắt là cách an ủi hay nhất cho người sĩ quan trẻ đáng thương nầy. Cậu nhìn em, cố mỉm cười rồi lắp bắp cám ơn em. Nói xong, cậu ấy nhắm mắt lại. Em nhìn hồi lâu, thấy cậu ấy vẫn nằm im, hơi thở đều đều. Em nghĩ rằng cậu ấy đã ngủ rồi nên mở thư ra đọc, trong khi vẫn coi chừng chai nước truyền dịch cho cậu.

Đó là lá thư anh viết trong giờ gác thi. Em hi vọng tìm được trong thư anh niềm phấn khởi đề cân bằng với nỗi u ám hiện tại chung quanh em. Không ngờ lá thư của anh lại quá buồn, tâm trạng anh còn não nề hơn em hiện giờ nữa. Thì ra, chiến tranh trùm bức màn đen tối lên mọi nơi chứ không riêng ở chiến trường. Vì vậy, anh đã từ giã và xa hẳn chiến trường nhưng tâm hồn vẫn tiếp tục u ám vì ảnh hưởng của chiến tranh.

Em đọc một mạch xong hết lá thư anh, nhìn thấy cậu thương binh còn ngủ say nên em tìm giấy bút viết cho anh ngay bên giường thương binh.

Anh yêu ơi,

Anh bảo rằng em là chỗ dựa tình cảm gần như duy nhất của anh, anh bảo rằng em là nguồn an ủi cũng gần như duy nhất của anh trong hiện tại. Em hãnh diện về điều đó, hãnh diện vì sự tín nhiệm của anh, nhưng em lo lắng, sợ không đủ khả năng để làm chỗ dựa, để làm nguồn an ủi cho cái tâm hồn quá nhạy cảm của anh. Có một điều mà em tự khẳng định rằng mình sẵn có và hi vọng có thể thay thế mọi đòi hỏi của anh nơi em, đó là tình yêu tha thiết của em đối với anh, một tình yêu mà em tin rằng không thua bất cứ tình yêu nào mà một người con gái có thể dành cho người yêu của mình.

Thôi, anh hãy bằng lòng bao nhiêu đó đi. Em là một đứa con gái yếu đuối và học hành còn kém xa anh quá nhiều thì em đâu có đủ khả năng nâng đỡ tâm hồn anh như anh mong muốn. Tất cả những gì mà em có thể làm là dâng hiến cho anh tình yêu trọn vẹn ngày hôm nay và thân xác trinh bạch vào ngày nên vợ nên chồng của chúng ta.

Anh yêu,

Ảnh hưởng của cuộc chiến tranh tàn khốc nầy, anh và em, hai chúng mình đành phải cùng chung chịu đựng với tất cả đồng bào ruột thịt của hai miền. Thế hệ của chúng ta đã bị kết án bởi một đấng thiêng liêng nào đó. Có lần anh đã nói với em ý nghĩ đó làm cho em phải băn khoăn mất nhiều ngày. Anh cũng bảo rằng chỉ thế hệ mình bị kết án thôi, còn con cháu mình sẽ thoát khỏi vì chiến tranh rồi phải chấm dứt chứ không thể kéo dài vô tận.

Em không biết con cháu mình có được huởng hòa bình như anh nói không. Chiến tranh là sản phẩm đắc ý nhất của người cộng sản. Họ không dám gây chiến tranh toàn diện vì còn sợ kho vũ khí của “bọn tư bản giẫy chết” nên họ gây ra chiến tranh cục bộ khắp nơi. Chừng nào không còn cộng sản nữa thì mới mong hoà bình được vững bền và điều may mắn đó không biết con cháu mình có được trông thấy hay không? Ý nghĩ nầy càng làm cho nỗi buồn phiền trong lòng em sâu đậm hơn.

Chai nước dinh dưỡng sắp cạn, em tạm dừng bút để đi dẹp. Em sẽ cố gắng rút kim ra thực nhẹ để không làm mất giấc ngủ của cậu thương binh. Lúc ngủ, gương mặt cậu trông bình thản như đứa trẻ thơ, nhưng khi thức dậy, ý thức về tấm thân tàn tật suốt đời sẽ làm cho tâm hồn cậu quằn quại như bị đày xuống chín tầng địa ngục.

Anh yêu ơi,

Em thấy cơ thể mệt mỏi, tinh thần rã rời vì hôm nay, từ sáng sớm đến giờ, em chưa hề được nghỉ ngơi một phút nào lại phải chia sẻ nỗi buồn đau với rất nhiều thương binh từ mặt trận được chở về.

Thôi, em xin ngừng bút. Có thể em sẽ mang lá thư nầy về nhà viết tiếp. Cũng có thể em kết thúc tại đây và chiều nay sẽ bỏ vào thùng thư trên đường về nhà.

Hôn anh.

Người yêu bé nhỏ của anh




*
* *


Sài gòn bước vào mùa nắng nóng, Tân rất mệt nhọc với những giờ dạy ở trường công và trường tư. Ngoài ra cậu còn phải gấp rút chuẩn bị để, ngay khi bắt đầu nghỉ hè, tổ chức hôn lễ với Thùy Liên. Sau đó không lâu, cậu phải tham gia hội đồng thi tú tài lần đầu tiên trong đời. Tháng vừa rồi, có một giáo sư trường tư bị gọi nhập ngũ, nhà trường khẩn khoản mời cậu dạy thêm những giờ mà giáo sư ấy để lại, nhưng cậu cương quyết từ chối vì ngày hôn lễ đã gần kề. Thù lao nhà trường cũng khá, tuy nhiên bây giờ tiền bạc không còn quá cần thiết như lúc cậu mới giải ngũ. Cậu không phải là người quen ăn chơi phung phí nên tiền lương của hai trường một lúc cứ tích lũy thêm dần. Sau chín tháng dạy học cậu đã sắm thêm được nhiều món, cộng thêm với một số đồ dùng mà Bạch Mai mua tặng, căn nhà bây giờ có khá đầy đủ tiện nghi hiện đại, có phần sang trọng hơn những căn nhà chung quanh.
Cậu thường đi chầm chậm từ phòng khách đến bếp và ngược lại rồi gật gù hài lòng. Món đồ gây ấn tượng nhiều nhất cho cậu là chiếc giường rất đẹp với tấm nệm dày đến mười phân. Chính trên chiếc giường nầy, cậu và Thùy Liên sẽ được một đêm tân hôn kỳ diệu. Cậu đang chơi vơi trong sự tưởng tượng giây phút tuyệt vời sắp đến, bỗng nhiên rơi tòm vào một nỗi xót xa khi nhớ rằng chiếc giường sang trọng nầy đã do Bạch Mai chọn lựa, trả tiền và đích thân thuê xe chở về tận nhà để biếu cậu. Cậu lắc đầu, cố xua đuổi một cái gì đó cứ bám vào một chỗ sâu xa nhất của tâm hồn và thỉnh thoảng hiện ra khuấy đảo tâm tư của cậu. Cậu lặp lại lời nói của Bạch Mai: “Một người có thể cùng lúc giữ cho mình hai tình yêu, một để sống mà làm tròn nghĩa vụ, và một để giấu kín mà tôn thờ”.

Sự chịu đựng mùa nóng nực kết hợp với nỗi lo toan cho tương lai làm sức khoẻ có phần sa sút, cậu ốm đi thấy rõ. Có hôm, cậu cảm thấy đuối sức, tưởng chừng như không kết thúc nổi giờ dạy cuối cùng của một ngày. Cậu nhớ lại, trong những năm tháng trong quân ngũ, cậu chưa bao giờ thấy sức khỏe mình suy giảm thế nầy. Ý nghĩ đó làm cho cậu quay về quá khứ, sống lại những ngày tháng hào hùng trên chiến địa, lòng dạ cồn cào nỗi nhớ thương đồng đội cũ của mình.

Khi trận mưa đầu mùa mang sấm chớp và những giọt mưa nặng hạt ào ào trút xuống rửa sạch bầu không khí bụi bặm của Sài gòn thì năm học kết thúc. Khóa thi tú tài thứ nhất sẽ bắt đầu mười ngày sau đó. Trong thời gian ngắn ngủi nầy, Tân phải hoàn tất lễ nghi hôn nhân, cùng là đi hưởng tuần trăng mật. Do đó chương trình phải sắp đặt thật chi li, tính toán cho chính xác từng ngày từng giờ.
Theo dự trù, cậu phải dự lễ bế giảng và phát thưởng của trường tư ngày hôm trước và ngày hôm sau dự lễ ở trường công. Sau khi dự lễ xong, cậu cùng họ nhà trai sẽ lên đường đi Cần thơ ngay. Phái đoàn có độ mười người gồm bác Tư, thiếu tá Thế, Bạch Mai và vài người bạn thân thiết, sẽ đến Cần thơ vào xế trưa, nghỉ lại tại khách sạn và sáng hôm sau mang lễ vật đến nhà gái để làm lễ rước dâu. Sau đó hai họ sẽ trở về Sài gòn ngay để kịp dự buổi tiệc tại nhà hàng lúc sáu giờ chiều.
Hầu hết mọi việc cần chuẩn bị, từ in thiệp mời, đến thuê xe và mua sắm lễ vật trước ngày xuất phát đều do Bạch Mai lo liệu và hoàn tất một cách mỹ mãn.
Không bao lâu, đến ngày khởi hành. Ba giờ chiều, phái đoàn đến Cần thơ. Trong khi mọi người đi dạo xem thành phố thì Tân ngồi xe lôi về Bình thủy.
Nhà Thùy Liên trang hoàng thực đẹp, ngoài sân bàn ghế ngổn ngang. Theo phong tục cổ truyền, lúc trưa nay vừa có một bữa tiệc lớn gọi là cuộc nhóm họ nhà gái. Khách mời là bà con láng giềng.
Khi Tân bước vào nhà, tiệc đã tàn từ lâu nhưng bàn ghế ngoài sân, trong nhà chưa dọn dẹp xong. Thùy Liên trông thực xinh đẹp mặc dù hơi bơ phờ vì mệt nhọc. Cậu ngồi nói chuyện một lúc với nàng rồi về Cần thơ.
Sáng hôm sau, lúc tám giờ, tại nhà của Thùy Liên, hôn lễ được cử hành một cách giản dị nhưng nghiêm trang. Đến chín giờ, mọi người lên xe để về Sài gòn; cô dâu và chú rể ngồi riêng trên chiếc xe hoa, hai họ ngồi chung trong một xe lớn chạy phía sau.
Xe qua bắc Cần thơ mất hơn một giờ nên phải phóng nhanh trên con đường lộ băng ngang qua tỉnh Vĩnh long. Phong cảnh hai bên đường thực đẹp với cánh đồng bát ngát, những đám lúa chín vàng xen lẫn những miếng ruộng lúa xanh rờn. Một con kinh êm ả chạy dọc theo bên đường.
Xe tiếp tục tăng tốc làm cho gió từ bên ngoài thổi vào ào ào. Trên nhiều đoạn, mặt đường đầy hang lỗ, xe xóc mạnh, Thùy Liên phải bám chặt vào tay chồng, đầu tựa vào vai. Tân quay nghiêng, âu yếm nhìn mặt vợ mới cưới, nói sát vào tai nàng cho át tiếng gió vù vù:
- Đường xấu quá, em có mệt không?
- Không, em không mệt. Với anh thì em có đủ sức để đi đến nơi tận cùng thế giới.
Tân cười sung sướng:
- Nơi tận cùng thế giới xa lắm, kiếp nầy mình đi không tới đâu.
- Không tới thì kiếp sau, em sẽ cùng anh đi tiếp. Em nhất định sống bên anh, không để anh lang thang cô đơn như trong quá khứ nữa. Từ nay, em vĩnh viễn là bạn đồng hành của anh.
Tân siết mạnh cơ thể mềm mại của người yêu, đặt vào môi nàng một cái hôn mạnh và nhanh. Cậu ngẩng đầu lên nhưng vẫn nhìn nàng một cách say đắm.
- Thùy Liên, cuối cùng, mỗi người đều được Thượng đế nhân từ ban cho một phần thưởng. Riêng anh thì Ngài đã quá ưu ái ban cho anh một phần thưởng quí giá hơn tất cả những phần thưởng mà Ngài ban cho những người khác trên thế gian nầy.
Nàng úp mặt vào vai chồng, cười khúc khích:
- Nhưng anh phải nhớ rằng, Thượng đế chỉ ban thưởng một lần thôi nhé. Anh đừng bao giờ đòi hỏi Thượng đế ban thưởng lần thứ hai nữa, nghe anh.
Tân mỉm cười, vuốt má người yêu:
- Thượng đế làm gì còn món thứ hai để ban thưởng cho anh nữa. Ban cho anh thế nầy, Thượng đế đã rốc hết túi của Ngài rồi. Anh chỉ được ban thưởng một lần thôi và nhất định giữ phần thưởng nầy mãi mãi.
- Anh Tân, em sẽ theo anh từ kiếp nầy đến kiếp khác.
Tân siết chặt bày tay người yêu, giọng nói trở nên bỡn cợt:
- Em nói như thế, nhưng kiếp sau anh không còn là con người nữa thì em có chịu đi chung với anh không?
- Không phải con người là cái gì? Miễn là có chân và di chuyển được là em sẽ theo anh.
- Có chân và di chuyển được? À, à, giả tỉ anh đầu thai làm con bò để kéo xe thì sao?
Thùy Liên. cười khúc khích:
- Anh làm con bò thì nhất định phải là bò đực. Em sẽ là con bò cái để cùng kéo xe với anh.
- Vậy hả? Thực là thú vị, thỉnh thoảnh anh sẽ vắt sữa con bò cái đó.
Cậu đưa tay chạm vào ngực của người yêu. Thùy Liên vội vã đẩy ra, liếc nhìn về người tài xế đang lái xe một cách chăm chỉ. Mặt nàng ửng hồng, nàng nói khẽ:
- Anh Tân, ngồi yên, đừng táy máy. Tới đâu đây rồi?
Tân nhìn ra ngoài:
- Tới thị xã Vĩnh long rồi.
Quả thực, xe đang chạy trên đường phố đông đúc, hai bên phố xá tấp nập kẻ mua người bán. Tân nhìn đồng hồ, Thùy Liên hỏi:
- Mấy giờ rồi anh? Liệu có trễ không?
Tân lắc đầu, nói to:
- Mới mười một giờ, không trễ đâu. Chúng ta mời khách đến nhà hàng lúc sáu giờ chiều. Từ đây về tới Sài gòn chỉ còn độ một trăm ba mươi cây số và chúng ta có đến bảy giờ đồng hồ nữa thì lo gì. Qua bắc Mỹ thuận rồi, đường đi khá tốt, ban ngày rất an ninh, chỉ ngại kẹt bắc Mỹ thuận thôi.
Xe gặp đèn đỏ dừng lại ở ngã tư đường. Người tài xế cũng tham gia góp ý:
- Còn rộng thì giờ lắm. Nếu kẹt bắc thì thông thường cũng chỉ nội trong hai giờ đồng hồ; như thế ba giờ chiều cũng về đến Sài gòn, anh chị và hai họ còn nhiều thì giờ nghỉ ngơi trước khi ra nhà hàng.
Thùy Liên nghe nói thì yên tâm.
Xe ra khỏi thành phố Vĩnh long và thẳng đường về bến bắc. Bỗng người tài xế nói to như hét:
- Thôi chết, kẹt công voa nhà binh rồi. Không biết đoàn xe quân sự nhiều hay ít đây. Có lẽ nhiều lắm vì từ chiếc xe trước mặt mình đến bến bắc còn rất xa.
Tân ngồi thẳng lưng nhìn về phía trước. Người đứng lố nhố bên những chiếc xe hàng, xe hành khách và, tai hại thay, một dãy xe vận tải quân sự chở đầy lính đậu thành một hàng dọc ngay giữa đường!
Một người cảnh sát mặc đồng phục trắng, cầm gậy ra lệnh cho xe đậu vào lề đường. Người tài xế mở cửa xe bước xuống. Qua cánh cửa sổ mở rộng, tiếng người tài xế hỏi đáp với người khác vọng vào rõ ràng:
- Kẹt xe dài lắm phải không?
- Dài lắm. Còn hơn một trăm xe nhà binh và cả mấy trăm xe dân sự nữa. Có thể tới tối may ra mới qua được. Qua rồi thi đành nằm lại bên đó chứ đâu có dám chạy tiếp. Hôm qua Việt cộng mới đắp mô giữa khoảng Cai lậy với Vĩnh kim. Thôi quay lui đi.
- Quay lui? Quay lui đi ngả nào?
- Đâu còn đi ngả nào được nữa. Về Vĩnh long tìm chỗ ngủ, mai đi tiếp.
Thùy Liên nhìn chồng, hoảng hốt:
- Anh Tân, làm sao bây giờ? Về Vĩnh long ngủ qua đêm thì chiều nay khách đến nhà hàng dự tiệc cưới mà không có mình thì làm sao? Còn ai ở Sài gòn để giải quyết không?
Tân lắc đầu:
- Không có ai cả. Anh ở đây và toàn thể họ nhà trai đang đi xe sau. Em ngồi đây, để anh ra ngoài xem tình hình ra sao.
Cậu xuống xe thì thiếu tá Thế cũng vừa bước đến. Tân hỏi ngay:
- Nguy quá, làm sao đây anh Thế?
Thế cũng tỏ ra lo lắng:
- Tôi cũng chưa biết làm sao đây. Không biết toán quân nào đang di chuyển qua sông. Để tôi ra phía trước tìm bộ chỉ huy xem sao.
- Tôi đi theo anh được không?
Thế nhíu mày suy nghĩ một phút rồi nói:
- Một mình tôi đi là đủ rồi. Anh nên ngồi lại với Thùy Liên. Thiên hạ đang tò mò nhìn kìa. Để cô dâu ngồi một mình cũng tội. Chú rể vào ngồi giữ gìn người đẹp đi.
Thế nói xong cười to rồi bước nhanh lẫn vào đám đông người đứng lố nhố. Tân trở vào xe, đóng cửa và ngồi sát bên vợ. Hai người im lặng nhìn ra bên ngoài. Hôm nay khô ráo, mặt trời đang lẫn vào một đám mây to làm cho không gian dịu lại.
Mười lăm phút trôi qua, Tân cảm thấy thật sốt ruột. Bỗng cậu chụp lấy bàn tay Thùy Liên, nhóng cổ trố mắt nhìn về phía trước:
- Trời ơi, em Liên, nhìn kìa.
Thùy Liên hoảng hốt:
- Gì vậy anh?
- Anh Thế cùng đi với ai đó giống trung úy Bá lắm.
- Trung úy Bá là ai?
- Là đại đội trưởng của anh khi anh còn ở đơn vị tác chiến. Đúng rồi, trung úy Bá. Em ngồi đây nhé.
Tân mở cửa xe phóng xuống. Một sĩ quan với ba bông mai vàng bước nhanh đến. Tân và ông ta ôm chầm lấy nhau rồi buông ra. Bá hỏi vội vàng:
- Tân cưới vợ, đang đưa dâu về Sài gòn phải không?
- Dạ phải. À, tôi nhớ rồi, trung úy lên đại úy lâu lắm rồi, thế mà tôi cứ quen miệng gọi là trung úy.
- Vâng, lên lon được hơn một năm rồi.
- Nhưng anh có lệnh đi học tham mưu cao cấp mà.
- Không có người thay thế nên cứ phải đợi mãi.
Bá lùi một bước, ngắm Tân và cười:
- Lịch sự quá chừng. Chẳng còn một dấu vết nào của anh chàng thiếu úy lem luốc trên chiến trường nữa.
- Lâu nay, đơn vị mình thế nào?
- Bình thường, vẫn tiếp tục quần nhau với giặc trên các chiến trường đồng lầy. Tháng trước, tiểu đoàn mình vừa thắng một trận rất to ở Giồng riềng Rạch giá, tiểu đoàn thiệt mất ba đứa con, đổi lại gần một trăm xác Việt cộng bỏ lại trên chiến điạ. Riêng đại đội mình xưa kia thì không bị thiệt hại gì cả.
Bá quay lại nhìn vào xe, nói lớn:
- Đâu, cô dâu đâu, cho Bá này ngắm nhìn dung nhan một chút nào.
Tân mở rộng cửa xe, cười to:
- Thùy Liên ra đây trình diện đại úy Bá.
Thùy Liên dịu dàng bước xuống xe. Đại úy bước tới một bước:
- Hân hạnh chào cô dâu, bà thiếu úy Tân của chúng tôi.
Thùy Liên tươi cười, khuôn mặt đẹp rực rỡ:
- Em chào đại úy.
Nàng đưa tay ra. Đại úy nắm nhẹ lấy, trịnh trọng đưa lên môi rồi buông ra. Thùy Liên mỉm cười:
- Thưa đại úy, anh Tân thường nhắc đến đại úy và tất cả các anh trong đại đội.
Bá đáp lại bằng giọng thực cảm động:
- Dĩ nhiên rồi. Ở đơn vị, anh em cũng nhắc đến anh Tân luôn. Tình cảm của những người cùng chung số phận ngoài chiến trường thì sâu đậm vô cùng.
Bá bỗng ngẩng lên:
- Kìa đại úy Châu, tiểu đoàn trưởng đến kìa.
Tân hỏi nhanh:
- Đại úy Châu tiểu đoàn phó mới lên chức phải không?
- Phải rồi, đại úy Ân tiểu đoàn trưởng trước kia lên thiếu tá và về tiểu khu Châu đốc rồi.
Đại úy Châu đến gần, giọng oang oang:
- Chào thiếu úy Tân, à không giáo sư Tân. Chào cô dâu. Cô dâu tên là gì hả chú rể?
Tân đáp:
- Chào đại úy, dạ vợ tôi tên là Thùy Liên.
- Thùy Liên? Chà, cái tên rất xứng với con người. Nè, tôi đến đây là muốn hỏi Thùy Liên câu nầy: “Tại sao Thùy Liên dám bắt cóc thiếu úy Tân của chúng tôi. Đại úy Bá lên tiểu đoàn phó thì thiếu úy Tân phải chỉ huy đại đội, nhu cầu quân vụ quan trọng như thế mà dám bỏ đi hay sao?”. Tôi định hỏi câu đó, bây giờ thấy mặt cô dâu thì không phải hỏi nữa.
Bá cười:
- Tại sao không hỏi nữa, đại úy?
- Hỏi chi nữa? Cô dâu thế nầy thì thiếu úy Tân bỏ chúng mình đi là đúng quá đi rồi. Nguyên cả quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng không thể giữ chân thiếu úy Tân được. Có phải vậy không cô Thùy Liên?
Thùy Liên bẽn lẽn đứng sát vào người yêu:
- Đại úy nói như thế thì oan cho em lắm. Chính anh Tân bắt cóc em chứ em làm sao bắt anh ấy được.
Đại úy Châu cười ha hả:
- Hay lắm, thế thì hai người đều có tội hết. Thôi bây giờ, lên đường.
Tân ngạc nhiên:
- Đi đâu vậy đại úy?
- Xuống phà về Sài gòn chứ đi đâu?
Thiếu tá Thế tự nãy giờ đứng yên, bây giờ mới giải thích:
- Khi nãy tôi đến bến phà, định mượn cái chức thiếu tá tổng tham mưu nầy để xin bộ chỉ huy hành quân cho xe mình qua phà cùng với đoàn quân xa để kịp về Sài gòn. Không may, bộ chỉ huy vừa qua sông chuyến trước rồi. Tôi thấy hai đại úy đây nên hỏi thăm mới biết là tiểu đoàn cũ của anh Tân đang về dự hành quân hỗn hợp ở Đồng tháp mười. Vừa mới nghe nói phía sau có xe rước dâu của anh Tân, hai đại úy bảo tôi trở lui ngay để đưa hai xe của mình vượt qua tất cả đoàn xe quân sự lẫn dân sự xuống phà ngay lập tức. Thôi cô dâu và chú rể lên xe hoa đi. Mời hai đại úy lên chiếc xe sau để Thế nầy giới thiệu với hai họ nhà trai và nhà gái.
Hai chiếc xe nổ máy rồi vượt qua đoàn xe bất động, gồm vô số xe nối đuôi nhau thành hai dãy dài như bất tận. Xe tiến gần đến bến, trước mặt là một chiếc phà to tướng đang trôi lênh bềnh trên mặt nước.
- Chết, bị lính chận lại rồi. Mời hai đại úy lên giải quyết đi.
Tiếng nói của bác tài xế làm Tân giật mình. Cậu nhìn ra phía trước, thấy một toán lính đứng bít cả con đường, vài người dăng tay ra hiệu cho xe ngừng lại.
Tân vội vàng bảo người tài xế:
- Không sao đơn vị cũ của tôi đó. Ngừng lại đi.
Cậu quay sang Thùy Liên:
- Em Liên, trung đội của anh đang đứng trước mặt kìa. Trời ơi, họ kia kìa. Trung sĩ Hy, hạ sĩ Cung, thằng Quí, thằng Tá…. Em ngồi đây, anh xuống với họ một chút.
Tân mở cửa xe bước xuống. Cả bọn chạy ào lại vây chặt lấy cậu trước đầu xe hoa. Số người mỗi lúc một đông hơn, cả đại đội đều xúm xít lại mỗi người một tiếng, ồn ào như cái chợ. Có tiếng hét to:
- Tụi bây tránh ra, tao tặng quà cưới cho thiếu úy của tao.
Một người hùng hục từ phía sau lách đám đông xông vào. Đó là binh nhất Kiện, tay ôm một rổ đựng đầy trái cây mà người ta bán ở hai bên bến phà. Nó tiếp tục la to:
- Thiếu úy mạnh giỏi không?
- Cám ơn em, tôi vẫn thường luôn.
- Thiếu úy có nhớ tụi em không?
- Có chứ, nhớ nhiều lắm.
- Đây là quà cưới của em tặng cho thiếu úy. À không, quà cưới phải trao cho cô dâu mới được.
Thùy Liên bước ra khỏi xe nhận chiếc rổ trái cây, tay run run vì xúc động.
Phà đã cặp bến, đám đông tản ra hai bên để xe lăn bánh xuống cầu.
Qua sông xong, xe phóng nhanh trên con đường quang đãng, gió lại thổi vào vù vù qua khung cửa kính.
Tân quay sang Thùy Liên và ngạc nhiên thấy nàng im lặng đôi mắt rưng rưng nhìn về phía trước. Tân nắm tay nàng, âu yếm:
- Em đang suy nghĩ gì vậy?
Thùy Liên đáp, giọng như muốn khóc:
- Cái cảnh đồng đội cũ đến mừng anh làm em cảm động quá chừng. Em đang hình dung những con người đầy vẻ yêu đời, tràn trề tình cảm như thế, sắp sửa lao vào chiến trận, nơi mà sự sống và sự chết gần nhau trong gang tấc. Một vài người trong số họ sẽ trở về trên cáng cứu thương như những người mà em gặp hằng ngày trong quân y viện.
Nàng lấy khăn chặm vào mắt và gục đầu vào vai chồng, giọng nói dễ thương của nàng lẫn trong tiếng gió:
- Anh Tân, em đang hạnh phúc bên anh nhưng em biết rằng hạnh phúc đó không thể nào toàn vẹn được nếu chiến tranh vẫn còn ác liệt. Nghĩ đến chuyện sau ngày cưới phải trở về quân y viện để mỗi ngày phải chứng kiến hậu quả ghê rợn của chiến tranh, em lo lắng lắm.
- Em hãy cố gắng về quân y viện làm việc một thời gian ngắn nửa thôi. Nhất định em phải về sống gần anh. Anh đang nhờ nhiều người hỏi thăm cách thức xin chuyển em về làm việc tại một bệnh viện dân sự ở Sài gòn.
- Em mong được về một viện dân y. Ở đó hàng ngày em vẫn phải tiếp xúc với bệnh nhân, vẫn phải săn sóc và anh ủi họ nhưng em không phải chứng kiến nỗi đau đớn quằn quại của những con người mới vài giờ trước đó còn là những thanh niên cường tráng, hiên ngang trên chiến địa.
Tân vỗ nhẹ vào má người yêu:
- Nhất định em sẽ rời khỏi quân y viện để về sống với anh. Tuy nhiên bây giờ thì mình hãy tạm thời gác chuyện đó lại để lo việc trước mắt. Nên quên đi vài bữa cuộc chiến tranh đáng nguyền rủa nầy nghe em.
Nàng ngẩng lên, mỉm cười:
- Em vâng lời anh để được hạnh phúc với anh. Suốt đời em sẽ vâng lời anh để được mãi mãi hạnh phúc với anh.
Tân cúi xuống hôn nhẹ vào mắt người vợ mới cưới của mình.




*
* *





Bữa tiệc cưới diễn ra thân mật với một số khách mời không đông lắm. Sau tiệc cưới, họ nhà gái từ Cần thơ lên nghỉ lại tại khách sạn; họ nhà trai ở Sài gòn thì ai về nhà nấy. Riêng cô dâu và chú rể về tổ ấm của mình. Đêm đó trong căn nhà nhỏ, đôi uyên ương tưởng như lạc vào chốn bồng lai.
Sau một tuần trăng mật tại Đà lạt, Thùy Liên trở về Cần thơ còn Tân bắt đầu tham dự hội đồng thi. Chỉ sau ba ngày chia tay, những lá thư bay từ Sài gòn về Cần thơ và ngược lại mang theo biết bao nhớ nhung, biết bao yêu đương nồng thắm.
Thùy Liên đã trở lại làm việc ở quân y viện. Nàng vẫn chăm chỉ và cần mẫn thoa dịu các vết thương của những chiến sĩ sa cơ từ mặt trận gửi về. Tuy vậy, ngày ngày nàng vẫn mong được sớm rời khỏi nơi đây để về Sài gòn chung sống với người chồng yêu quí. Tân cũng mong cuộc sống chung của vợ chồng, không kém gì Liên. Cậu đã cố sức tìm người để nhờ cậy việc tìm cho Thùy Liên một nhiệm sở tại Sài gòn. Tuy nhiên, bạn bè cũ thì chẳng còn ai nữa để mà lui tới, bạn bè mới thì chỉ là những giáo sư trong hai trường mà cậu đang dạy, họ chẳng giúp được gì. Cậu đã đến thẳng những bệnh viện ở thành phố nhưng không được kết quả cụ thể nào. Cuối cùng trong một bữa cơm chiều, thiếu tá Thế nói với cậu:
- Tôi đã nhờ bạn bè lo cho việc thuyên chuyển của Thùy Liên. Các nơi đều hứa suông, riêng tổng y viện Cộng hòa cho biết sẵn sàng nhận Thùy Liên về.
Tân tỏ vẻ băn khoăn:
- Thùy Liên muốn đi khỏi quân y viện Cần thơ để tránh tiếp xúc với thương binh. Bây giờ về tổng y viện Cộng hòa thì vợ chồng được sum họp nhưng Thùy Liên lại tiếp tục chứng kiến sự trở về của chiến sĩ trên cáng cứu thương. Thùy Liên đã quá đau khổ vì sự chứng kiến nầy.
- Nhưng trong tổng y viện cũng có những phòng không trực tiếp săn sóc thương binh như phòng hành chánh nhân viên lo giấy tờ, phòng dược liệu lo nhận và cấp phát thuốc, vân vân. Thùy Liên cứ làm đơn xin chuyển về tổng y viện trước đã, sau đó tôi sẽ tìm cách xin cho cô nàng vào những phòng không phải “chiến đấu” đó.
- Vâng, cám ơn anh, ngay tối hôm nay, tôi sẽ viết thư hỏi ý kiến Thùy Liên.
Vài hôm sau, Tân nhận được thư trả lời của Thùy Liên. Nàng đồng ý đề nghị của thiếu tá Thế và đã nạp đơn xin thuyên chuyển gởi cho ban lãnh đạo quân y viện Cần thơ. Nàng cho hay bác sĩ giám đốc lấy làm tiếc nếu Thùy Liên rời khỏi nơi nầy. Tuy nhiên vì lý do sum họp với chồng nên bác sĩ phải nhận và chuyển đơn ngay về Sài gòn.
Việc thuyên chuyển nhân viên giữa hai quân y viện là thuộc phạm vi nội bộ của quân đội, cộng thêm với sự theo dõi gởi gắm của thiếu tá Thế ở bộ tổng tham mưu nên chỉ trong vòng một tháng sau, cục quân y đã ra quyết định thuyên chuyển.
Tân được điện báo của Thùy Liên vào lúc kỳ thi tú tài vừa kết thúc nên lập tức, cậu lên xe về Cần thơ ngay để giúp Thùy Liên sửa soạn và chuyển đồ đạc về Sài gòn.
Quân y viện tổ chức tiệc chia tay với Thùy Liên, tất cả sĩ quan và nhân viên dân chính đều tham dự. Tân cũng được mời đến. Trong bữa tiệc, một thiếu tá đã đứng tuổi tự giới thiệu là bác sĩ Chí đến mời Tân nâng ly. Ông tỏ ra là người vui vẻ cởi mở. Ông nói với Tân:
- Thùy Liên là một y tá giỏi và có đầy đủ phẩm chất của người có khả năng thoa dịu các vết thương do chiến tranh gây ra, những vết thương trên cơ thể lẫn trong tâm hồn. Rất nhiều thương binh đã nói với tôi rằng vào đây được Thùy Liên săn sóc là một điều may mắn, giảm bớt nỗi đau mà họ đã gặp phải trên chiến trường. Thùy Liên về tổng y viện Cộng hòa thì vẫn tiếp tục nhiệm vụ cao cả của mình nhưng toàn thể nhân viên và thương bệnh binh của quân y viện Cần thơ vẫn rất tiếc khi phải chia tay với Thùy Liên.
Thiếu tá cười một cách vui vẻ và nói tiếp:
- Có một điều anh em chúng tôi tò mò muốn biết nhưng không dám hỏi vì sợ xâm phạm vào đời tư của người khác.
Tân đáp lời một cách lịch sự:
- Xin thiếu tá cứ hỏi, không có gì ngại. Tôi cũng đã từng là quân nhân, tuy đã cởi chiến y rồi nhưng cái chất nhà binh vẫn còn tồn tại trong người. Đã là võ biền với nhau thì sự thành thật và thẳng thắng được đặt lên hàng đầu.
Thiếu tá bác sĩ tỏ vẻ mừng rỡ:
- Thế à, anh cũng từng là quân nhân à? Anh là….
- Dạ, tôi là thiếu úy Tân, khóa Mười bốn Thủ đức, mới được giải ngũ hơn một năm nay. Tôi trở về dạy học tại Sài gòn.
- Hay quá. Rất hân hạnh được nhận anh là người đồng hội đồng thuyền với chúng tôi. Bây giờ xin gởi đến chiến hữu thắc mắc của chúng tôi, đặc biệt là của các bác sĩ trẻ mới ra trường và mới được đồng hóa thành bác sĩ quân y. Chắc anh biết trước đây, cô Thùy Liên có người yêu là sĩ quan chứ?
- Vâng, tôi biết. Không phải người yêu mà là chồng chưa cưới. Đó là thiếu úy Tạo, tử trận tại vùng Ba Chiến thuật.
Thiếu tá Chí cười:
- Đúng rồi. Sau cái tang đó thì cô Thùy Liên trở thành hoa không có chủ, ong bướm bèn vờn tới. Trong quân y viện nầy có ít nhất hai trong số những con ong đó, một trung úy và một đại úy đều là bác sĩ quân y, cũng bảnh trai, con nhà giàu học giỏi, nhưng chẳng làm cho người đẹp lưu tâm đến. Ai cũng cho rằng người đẹp khép kín lòng mình để sống với hình bóng xưa cũ. Không ngờ, đùng một cái, cách nay hai tháng, đồng nghiệp ở đây nhận được thiệp hồng của người đẹp làm nhiều người chới với muốn đâm đầu xuống sông Bassac, mà sợ bị cảm lạnh nên thôi.
Thiếu tá Chí dừng lại cười to rồi vỗ vai Tân một cách thân mật:
- Và đây là câu hỏi chính thức. Nghe nói anh ở mãi tận Sài gòn, không cùng quê quán, cũng chẳng phải là đồng nghiệp của cô Thùy Liên. Thế thì anh làm cách nào chiếm được quả tim của người đẹp?
Hỏi xong, thiếu tá Chí cười to làm cho vài người khác quay lại nhìn, Tân đáp lại một cách vui vẻ:
- Làm cách nào? Chính tôi cũng không rõ. Hình như tôi chẳng làm gì cả.
- Thôi đi. Chẳng làm gì cả mà qua mặt được bao nhiêu người để chinh phục được người đẹp. Không lẽ con ong nằm gác tay lên trán ngủ khò rồi cái hoa bay tới gặp con ong sao? Thế thì anh quen với cô Thùy Liên vào dịp nào, hay là có ai đó lắm tài ba làm môi giới?
Tân nhíu mày như suy nghĩ:
- Môi giới?
Cậu vỗ hai tay đánh bốp một cái rồi nói:
- Đúng rồi. Có môi giới. Đó là Việt cộng.
- Trời đất, đừng nói giỡn chơi kiểu đó nhé.
- Thiệt mà thiếu tá.
Tân đưa tay chỉ vào vai:
- Đây nè, Việt cộng tặng một viên kẹo đồng vào chỗ nầy để người ta mang tôi về đây gặp Thùy Liên.
Thiếu tá Chí ngạc nhiên:
- Anh đã là thương binh tại đây à? Xin lỗi, thương binh đông quá nên tôi không biết mặt và nhớ hết được. Thế thì nhờ có Việt cộng tặng cho viên đạn mà anh được vợ đẹp rồi. Muốn được vợ đẹp thì phải ăn đạn của Việt cộng. Nếu đó là qui luật thì chắc chắn các bác sĩ ở đây chả dám đâu, thà chịu lấy vợ xấu còn hơn.
Hai người cười ha hả một cách sảng khoái.

Hôm sau, trên đường về Sài gòn, Tân sực nhớ mẫu đối thoại với thiếu tá Chí nên bật cười làm Thùy Liên ngạc nhiên:
- Anh cười chuyện gì vậy?
- Anh nhớ câu chuyện vui giữa anh với thiếu tá Chí.
- Anh quen với bác sĩ Chí à?
- Không quen, nhưng khi hai người đối diện nhau mà khám phá ra rằng đều có máu nhà binh trong người thì lập tức thân thiết với nhau. Chiến tranh đẻ ra nhiều điều kỳ lạ. Kỳ lạ nhất, có lẽ là cái máu nhà binh, vừa vô cùng hung ác, lại vừa cực kỳ thân ái.
Thùy Liên nhìn chồng:
- Hung ác với kẻ thù và thân ái với đồng đội. Em nghĩ rằng, với đồng đội, hẳn nhiên người lính có lòng thân ái rồi nhưng với kẻ thù thì không luôn luôn hung ác đâu.
Tân gật đầu:
- Em nói đúng, máu nhà binh chỉ hung ác với kẻ thù nào hung ác mà thôi. Có lẽ em cũng từng nghe nói đến những câu chuyện về những người lính ở hai bên chiến tuyến, lợi dụng lúc chiến trường im tiếng súng để trao nhau một điếu thuốc hay một nụ cười.
- Có, em có nghe nói. Cảnh đó đẹp và cảm động quá anh nhỉ? Lúc còn cầm súng anh có muốn được dịp trao đổi nụ cười, điếu thuốc với lính Việt cộng không?
- Có chứ. Không phải riêng anh mà có lẽ nhiều người khác cũng muốn như thế.
Tân lắc đầu, nói tiếp:
- Nhưng khó có dịp như thế lắm. Mình cười với họ chứ họ không cười với mình đâu.
- Chắc vì cán binh Việt cộng bị đầu độc quá nặng về lòng căm thù và bị cấp trên của họ kềm chế quá gắt gao, phải không anh?
Tân im lặng gật đầu, mặt thoáng buồn.


*
* *


Về đến Sài gòn, hai vợ chồng son dành trọn ba ngày để rong chơi trên các phố. Sau đó thiếu tá Thế dùng xe Jeep của tổng tham mưu đưa Thùy Liên đến trình diện tại tổng y viện Cộng hòa. Nhờ sự quen biết của thiếu tá, Thùy Liên được nhận ngay về khoa dược và được phân công quản lý kho thuốc của tổng y viện. Nàng được nghỉ phép tiếp thêm một tuần lễ nữa. Tuy nhiên, hai vợ chồng không được rong chơi vì Tân phải đi tham dự hội đồng thi tú tài khóa hai tại Sài gòn.
Từ sáng sớm, Thùy Liên đã dậy nấu nước, pha cà phê và lo bữa ăn sáng cho chồng. Chưa bao giờ Tân được săn sóc như thế. Bây giờ cậu mới biết thế nào là hạnh phúc gia đình.
Sau một tuần lễ nghỉ ngơi, Thùy Liên bắt đầu nhận nhiệm vụ. Công việc khá nhẹ nhàng. Khuôn viên của tổng y viện Cộng hòa rất rộng, phòng chứa thuốc tách biệt hẳn với những dãy phòng điều trị nên Thùy Liên tránh được nỗi khổ tâm, không phải chứng kiến tận mắt thương binh và tử sĩ được chuyển từ mặt trận về. Tuy nhiên, mỗi khi nghe tiếng trực thăng xè xè hạ xuống sân dùng làm bãi đáp trong tổng y viện, lòng nàng lại nhói đau.
Kỳ thi tú tài khóa hai chấm dứt không bao lâu thì ngày khai trường lại đến. Sáng sáng, Tân đạp xe chở vợ ra trạm xe buýt đi Gò vấp rồi thẳng đường đến trường.
Hai tháng sau, cậu mua được xe gắn máy nên mỗi ngày đưa đón vợ tận cổng tổng y viện Cộng hòa. Các ngày chúa nhật, chiếc xe cũng đưa vợ chồng dạo chơi ở ngoại ô, đến Biên hoà, có khi ra tận Vũng tàu. Đó là những ngày vô cùng hạnh phúc của hai người.

Một hôm nằm trên giường, Thùy Liên kéo tay chồng áp vào bụng mình, thủ thỉ:
- Anh Tân, hình như em….
Tân nhỏm ngay dậy, giọng vừa ngạc nhiên vừa hân hoan:
- Thùy Liên, em nói sao? Mình sắp có con rồi phải không?
Thùy Liên sung sướng gật đầu. Tân đỡ vợ dậy, siết chặt vào lòng. Thùy Liên nắm tay chồng:
- Anh Tân, anh thích có con không?
Tân sốt sắng đáp ngay:
- Sao lại không? Anh thích lắm chứ.
Tân đáp xong, im lặng ngẩn người ra. Thùy Liên thủ thỉ:
- Anh Tân, anh suy nghĩ gì vậy.
- Anh đang suy nghĩ về đứa con của chúng mình. Khi giọt máu của mình trở thành một đứa bé ra góp mặt với đời thì điều đó có nghĩa là cuộc sống của mình được kéo dài thêm một kiếp nữa. Hạnh phúc của chúng mình không chấm dứt trong kiếp sống nầy đâu.
Thùy Liên dúi mặt vào ngực chồng:
- Em yêu cái tính hay triết lý của anh lắm. Tư tưởng của anh vừa sâu sắc lại vừa hồn nhiên. Nầy anh Tân, ngày mai, anh đưa em đi khám cho biết chắc chắn là em có thai hay chưa. Nếu có rồi thì phải giữ gìn cẩn thận.
Tân đáp vội vã:
- Vâng vâng, mình phải giữ gìn hết sức cẩn thận. Từ nay đi đường, anh sẽ chở em đi rất chậm, cố nhìn cho kỹ để tránh những chỗ dằn xóc. Mình sẽ đi chơi gần thôi, không đi xa nữa. Phải giữ gìn thật cẩn thận đứa con của chúng mình. Đi khám ở đâu tốt và gần em nhỉ?
- Theo em thì mình nên đến bác sĩ ở nhà bảo sanh Từ Dũ.
- Trong chỗ em làm có nhiều bác sĩ lắm, có thể nhờ khám trong đó để khỏi đi xa có được không?
Thùy Liên bật cười:
- Tổng y viện Cộng hòa chỉ nhận điều trị thương bệnh binh thôi, chẳng ai biết gì về chuyện thai nghén và sinh nở của đàn bà.
Tân cười hề hề:
- Anh cứ tưởng hễ bác sĩ thì khám gì cũng được.
- Thế anh là giáo sư sử địa, cử anh đi chấm thi môn toán hay lý hóa được không?
- Ừ nhỉ, anh kém hiểu biết quá không thể nào bằng vợ cưng của anh được.
Thùy Liên sung sướng úp mặt vào ngực chồng.
Chiều hôm sau, Tân chở vợ đến bảo sanh viện Từ Dũ. Đúng là tin mừng cho hai vợ chồng trẻ. Mừng thì mừng thật nhưng Thùy Liên cũng phải trải qua những ngày nhọc nhằn khổ sở mà người đàn bà nào cũng phải chịu đựng trong lần mang thai đầu tiên.
Ngày qua ngày, sự nhọc nhằn và chịu đựng của Thùy Liên kéo dài đến giáp Tết. Hai vợ chồng đành bỏ dự định về Cần thơ ăn Tết với ba má và chị em. Cũng may, ngày hai mươi tám tháng chạp, chị Hai từ Cần thơ lên thăm. Nghe em gái sắp có con, chị mừng rỡ nói to với em rể:
- Sắp làm cha rồi đó, sướng chưa?
Rồi chị nhìn quanh và nói với Tân bằng giọng rất nghiêm trang:
- Nầy cậu, cậu có nghĩ rằng mình đang thực sự có một gia đình không?
- Dạ có chứ. Từ khi được sống chung với Thùy Liên thì đúng là em có một gia đình rồi.
Chị lắc đầu:
- Chưa đúng lắm đâu. Gia đình Việt Nam không phải chỉ có người sống thôi mà còn có cả tổ tiên và người khuất mặt nữa. Tết nhất rồi mà nhà em lạnh tanh, chẳng thấy thờ cúng gì cả.
Tân sững sờ nhìn chị rồi cúi đầu, nói nho nhỏ:
- Chị Hai, đó đúng là lỗi của em. Em nhớ khi mới ra trường sư phạm, em cứ đinh ninh mình được đi dạy nên dự định có chỗ ở là lập bàn thờ ba má em. Rồi em bị động viên, lang thang nơi nầy nơi nọ, dần dần quên đi ý định của mình. Bây giờ chị nhắc em mới nhớ. Quả thực em có lỗi với ba má em.
Chị Hai hỏi:
- Chớ con Liên về đây mà không nói chuyện thờ cúng với em à?
Thùy Liên phụng phịu:
- Em có biết gì đâu. Từ nhỏ đến bây giờ, em đâu có hề cúng kiến. Chuyện đó trong gia đình ba má làm hết, em chẳng bao giờ nhúng tay vào.
- Thôi được rồi. Bây giờ hai vợ chồng em có gia đình riêng rồi đó, lo việc thờ cúng tổ tiên đi. Đó là cái gốc của xã hội đông phương, đừng để cho mất đi. Hai đứa sắp có con rồi thì cần giữ cái gốc đó cho vững hơn. Có nghe chưa?
Hai vợ chồng vâng dạ.
Ngay buổi chiều, Tân cùng vợ đi mua sắm, một phần gởi chị Hai sáng mai mang về biếu cha mẹ, một phần để trang hoàng cho bàn thờ mới thiết lập trong nhà.

*
* *


Từ vài ngày qua, pháo nổ lẻ tẻ khắp nơi trong thành phố. Ai cũng bảo năm nay dân chúng miền Nam ăn Tết to hơn những năm trước. Điều đó đúng và dễ hiểu. Mặc dù đang chịu đựng cuộc chiến tranh phá hoại của cộng sản, nền kinh tế miền Nam tiếp tục phát triển, hầu hết mọi người được sống sung túc hơn. Mặt khác, Mỹ và đồng minh tham gia vào cuộc chiến ngày càng sâu, càng tích cực hơn. Họ đưa vào miền Nam, không phải chỉ lính thôi mà còn tiền bạc, máy móc, dụng cụ và hàng hóa tiêu dùng. Điều nầy góp một phần quan trọng vào việc giữ vững nền kinh tế và nâng cao mức sống của dân chúng.
Kinh tế mà khá thì ngày Tết người ta càng tiêu pha nhiều, nhà nào cũng mua pháo để sẵn nhiều hơn năm trước. Theo thông lệ, mọi người đều chờ đợi đến giờ hưu chiến mới bắt đầu cho pháo nổ.
Nhiều người nghe đài Hà nội và đài Giải phóng thì biết rằng Mặt trận giải phóng đơn phương tuyên bố ngưng chiến đến bảy ngày, thời hạn dài hơn những năm trước. Tin đó được lan truyền ra làm cho ai cũng mừng khấp khởi. Trong lúc đó, thời hạn mà chính phủ Việt Nam Cộng hòa công bố ngắn hơn nhiều nhưng người ta không quan tâm lắm vì sự chết chóc chỉ khởi đầu từ những cuộc tấn công của Việt cộng mà thôi.
Trưa ba mươi, khi mặt trời đứng ở đỉnh đầu, bắt đầu giờ hưu chiến chính thức của cả hai bên, mọi nhà đều làm lễ rước ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Pháo bắt đầu nổ rang, toàn thể miền Nam đang thực sự bước vào cái Tết cổ truyền, thực sự được hưởng vài ngày hòa bình ngay giữa lòng cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn.
Ôi hòa bình! Ôi ước mơ của cả một dân tộc đã chịu vô vàn đau khổ!
Tân bước ra trước nhà, nhìn dọc theo hai chiều của con hẻm, lửa lóe lên, tiếng nổ đì đùng, xác pháo văng tung toé. Khói trắng mang mùi thuốc súng khét nghẹt lan tỏa ra một cách nhanh chóng. Tân bước vào nhà, khép cửa lại.
Thùy Liên đang lúi húi dọn bàn thờ. Nàng gom bớt bánh và trái cây sang một bên và đặt vào đó một mâm cơm. Nàng quay lại thì thấy Tân đứng im, mắt đăm đăm nhìn vào bàn thờ. Nàng bưóc đến tựa đầu vào vai chồng, thủ thỉ:
- Anh Tân, anh đang nghĩ gì vậy, nói cho em nghe đi.
- Thùy Liên, em cho anh hạnh phúc, em cho anh cuộc sống bình yên, em cho anh tổ ấm đầu tiên của cuộc đời.
- Em yêu anh. Em luôn luôn suy nghĩ làm thêm một cái gì đó cho anh vui lòng. Bây giờ anh đốt nhang đèn lên cúng ông bà đi.
Tân nhìn chiếc bàn thờ đã được Thùy Liên trang hoàng thực đẹp, cậu ngậm ngùi:
- Anh không hiểu ông bà gồm những ai để khấn vái.
Thùy Liên ngẩng lên nhìn chồng:
- Từ trước tới nay, anh chưa hề khấn vái ông bà lần nào sao?
Tân lắc đầu, nàng hỏi tiếp:
- Anh có cúng giỗ cho ba má không?
Tân lại lắc đầu.
- Anh có nhớ ngày mất của ba má không?
Tân vẫn lắc đầu. Thùy Liên bắt đầu rơm rớm nước mắt:
- Anh Tân, vậy thì hôm nay, mình cúng ba má. Em đề nghị mình lấy ngày hôm nay làm ngày giỗ ba má cho đến khi nào anh tìm được một cách chính xác ngày mất của ông bà. Anh có đồng ý với đề nghị của em không?
Tân gật đầu:
- Phải, hôm nay là ngày giỗ đầu tiên của ba má. Thùy Liên, chính nhờ có em mà chiều nay anh được sống gần với linh hồn ba má sau hai mươi năm xa cách.
Tân đốt nhang đèn lên. Hai vợ chồng cúi lạy một cách thành khẩn rồi đứng im nhìn những sợi khói trắng mỏng manh bốc lên tỏa hương thơm khắp nhà.
Nét mặt Thùy Liên trông rất rạng rỡ. Nàng quay sang nhìn chồng một cách âu yếm:
- Anh Tân, em vừa mới xin ba má chấp nhận em là con dâu của ba má. Anh có nghĩ rằng ba má hài lòng với lời cầu xin của em hay không?
Tân cười:
- Khi nãy, anh đang cúi lạy thì nghe ba má nói nhỏ vào tai anh: “A, cái thằng Tân khù khờ nầy mà tìm được cho ba má một đứa con dâu vừa đẹp, vừa nết na!”
Thùy Liên đưa hai tay áp vào hai bên má của chồng;
- Lúc nào anh cũng khôi hài được.
- Anh đoán rằng ba má có đúng nhận xét đó.
- Lúc nào anh cũng tìm cách nịnh em.
Hai vợ chồng đứng yên một lúc khá lâu, cho đến khi nhang cháy còn phân nửa, Tân nói với vợ:
- Anh vái tạ ba má xong mình bắt dầu ăn trưa em nhé. Em đang có mang, cần nghỉ ngơi cho nhiều.
Tiếng pháo bên ngoài không còn giòn giã nữa, thỉnh thoảng chỉ có một tràng đì đẹt xa xa. Tân mở rộng cửa, ánh sáng rực rỡ bên ngoài tràn vào. Thùy Liên chậm rãi mang từng món thức ăn từ bàn thờ xuống chiếc bàn duy nhất trong phòng, Hai vợ chồng ngồi sát bên nhau, vui vẻ dùng bữa cơm đầu tiên của cái Tết Mậu Thân.
Tân đang ăn, bỗng ngừng lại thẩn thờ nhìn ra sân. Thùy Liên âu yếm:
- Sao anh ngồi vậy. Thức ăn em nấu hôm nay anh ăn không ngon à?
- Ngon lắm chứ. Anh đang hạnh phúc. Nhờ có em anh mới được một cái Tết cổ truyền với ba má anh. Ông bà vẫn còn một người con nữa.
- Anh Tân, em nhớ rồi. Anh Vinh của anh! Không biết ngoài Bắc, anh Vinh có thờ cúng ba má không nhỉ?
Tân lắc đầu:
- Không đâu. Ngoài đó không còn bàn thờ ông bà, chỉ có bàn thờ Tổ quốc, với hình ông lãnh tụ dù ông ấy vẫn còn sống. Nếu có thì người ta treo thêm hình Các Mác và Lê nin để thờ chung.
- Sao anh biết?
- Lúc anh còn học ở quân trường Thủ đức thì có hai người bạn thân, người thứ nhất là Bính, em trai của Bạch Mai đã tử trận mà em đã biết. Người thứ hai là anh Thảo từ ngoài Bắc vượt biên vào. Chính Thảo đã kể chuyện ngoài đó cho anh nghe.
- Cộng sản bắt dân dẹp bàn thờ Tổ tiên để thay bằng bàn thờ cụ Hồ à?
- Không bắt buộc một cách chính thức đâu, nhưng dân biết ý muốn của họ là như thế nên phải làm để họ vui lòng, có thế mới sống với họ được. Anh đã từng là Việt cộng nên hiểu cộng sản khá rõ. Khi lãnh tụ của họ muốn thi hành một điều gì đó thì cán bộ phải thực hiện cho bằng được không cần biết đúng hay sai. Cán bộ không bắt buộc dân làm điều này điều nọ mà chỉ vận động thôi. Tuy nhiên, xuyên qua lời nói và thái độ có bề ngoài mềm mỏng, ai cũng thấy được bên trong lấp ló những lưỡi dao sắc bén dễ sợ. Vì vậy ai cũng đành “tự nguyện” thi hành theo sự “vận động” của cán bộ cho yên thân.
- Thế là ở miền Bắc, với đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, họ sẽ lần lượt phá vỡ hết truyền thống văn hóa, phá vỡ phong tục tập quán của người Việt Nam và thay vào đó bằng cái văn hóa Mác Lê và phong tục tập quán của Liên xô, có phải không?
- Anh không rõ lắm nhưng suy luận theo logic thì ắt phải như vậy.
- Tội nghiệp cho anh Vinh của anh!
Tân lắc đầu buồn bã:
- Có lẽ giờ nầy anh Vinh đang là một cán bộ cao cấp của đảng, nên chẳng cần chúng ta tội nghiệp đâu.
Thùy Liên ngạc nhiên về cái giọng gần như hằn học của chồng khi nói tới người anh ruột của mình. Nàng ngập ngừng:
- Anh Tân, anh không còn thương anh Vinh nữa sao?
- Sao em lại hỏi anh như thế? Lúc nào, anh cũng thương nhớ anh Vinh. Một trong những ước mơ lớn nhất của anh là được gặp lại anh Vinh.
Tân thở ra một hơi dài:
- Trong biết bao năm trời, chỉ có hai anh em thương yêu nhau. Bây giờ, hai miền cách biệt với hai đường lối đối nghịch, hai chế độ tìm cách tiêu diệt nhau.
Thùy Liên an ủi:
- Biết đâu, cũng như anh trong nầy, anh Vinh ngoài đó cũng nhận ra sự sai lầm của cộng sản mà đành ngậm đắng nuốt cay sống cho qua ngày.
Tân lắc đầu:
- Anh nghĩ rằng khó có thể như thế được. Anh Vinh còn giữ mối thù cha rất sâu sắc và nhất định theo cộng sản đến cùng.
- Thế anh cũng căm thù như anh Vinh chứ?
- Lúc ba bị Tây bắn chết thì anh còn quá nhỏ để biết thế nào là căm thù.
- Nhưng từ nhỏ anh đã theo Việt minh rồi kia mà, không phải là vì căm thù sao?
- Không, anh hoạt động cho Việt minh vì thấy anh Vinh cũng đang làm như thế. Rồi từ Việt Minh anh chuyển đổi thành Việt cộng như đi trên một con đường liên tục mà người ta đã vạch sẵn ra cho anh. Rõ ràng, trước đây, anh theo công sản là do số phận dun rủi, cộng với óc lãng mạn của tuổi trẻ, ảo tưởng về một thế giới đại đồng, về một thiên đàng cộng sản.
- Có nghĩa là anh đến với chủ nghĩa cộng sản bằng những ý nghĩ thơ mộng chứ không phải bằng lòng căm thù?
- Đúng vậy. Cộng sản tìm cách khêu gợi lòng căm thù để lôi cuốn quần chúng. Nhưng lại có biết bao nhiêu người chạy theo cộng sản không phải bằng căm thù.
Thùy Liên cười và ngắt lời:
- Mà bằng lãng mạn tiểu tư sản như đồng chí Tân chẳng hạn.
Nghe vợ gọi mình là đồng chí, Tân cười to:
- Quả là như thế, thưa nữ đồng chí. Tức cười hơn nữa là có người theo cộng sản qua sự cảm thông thân phận con người mà triết thuyết hiện sinh vạch ra cho họ.
Thùy Liên tỏ ra ngạc nhiên:
- Em nhớ có đọc một bài báo của một giáo sư ở Đại học Văn khoa bảo rằng cộng sản ghét thuyết hiện sinh lắm mà.
- Đúng vậy, cộng sản chống lại triết thuyết đó một cách quyết liệt. Họ gọi đó là một triết lý phản động.
- Tại sao là phản động, anh?
- Thuyết hiện sinh đề cao giá trị siêu việt của con người, đề cao tính độc đáo riêng của từng cá nhân trong khi cộng sản cho con người chỉ là sản phẩm của xã hội nghĩa là ba tỉ người hiện nay chỉ là ba tỉ đồ vật do các nhà máy khổng lồ là các xã hội sản xuất ra. Các đồ vật đó thì có sẵn tính chất do từng mảng của xã hội ấn định. Cái mảng tư sản thì nhất thiết phải xấu xa, cái mảng vô sản thì nhất thiết phải tốt lành, vân vân. Theo cộng sản, con người chẳng có gì là ưu việt, chỉ có đảng là ưu việt thôi. Đề cao cá nhân con người như thuyết hiện sinh ắt phương hại đến giá trị tuyệt đối của chủ nghĩa xã hội, đến quyền lãnh đạo độc tôn của đảng.
- Em cũng nghe nói triết thuyết hiện sinh đề cao đạo đức cá nhân và khuyên người ta hướng về một đấng thiêng liêng ở ngoài thế gian nầy phải không?
Tân gật đầu:
- Đúng vậy. Vì thế, người cộng sãn rất ghét thuyết hiện sinh. Họ phủ nhận đấng thiêng liêng, bài bác đạo đức cá nhân, công kích lòng khoan dung và đề cao lòng căm thù.
- Vì vậy, những người chạy theo cộng sản không phải bằng căm thù thì thường không giữ được sự trung thành với họ, có đúng không?
- Đúng trong đa số trường hợp. Vì vậy, không những cộng sản truyền bá và kích động lòng căm thù trong nhân dân mà còn luôn luôn gợi lại và nuôi dưỡng lòng căm thù cho những người đã theo họ kể cả cán bộ và đảng viên. Lúc đầu, lòng căm thù có tính giả tạo nhưng họ nhồi nhét mãi thì thành ra căm thù thật sự.
- Thế tại sao, theo họ trong bao nhiêu năm mà anh không căm thù để trở thành đảng viên cốt cán của họ?
Tân nhìn vợ một cách âu yếm:
- Có lẽ, trong anh không có chỗ nào để lòng căm thù có thể bám vào được. Anh chỉ thích sự yêu thương chứ không thích căm thù.
Thùy Liên xích ghế qua, ngã đầu vào vai chồng:
- Vì vậy em mới yêu anh. Em nhớ những ngày làm việc ở quân y viện Cần thơ, có rất nhiều người muốn theo đuổi em nhưng em không mảy may xúc động, thế mà khi nhìn anh nằm trên giường bệnh, em lại thấy bâng khuâng. Trong đôi mắt của anh vừa có nét đau khổ của một triết gia, vừa có vẻ thơ ngây của một trẻ nhỏ. Anh có biết điều đó không?
Tân lắc đầu:
- Không, anh không hề biết và cũng chưa nghe ai nói như thế. Có lẽ em là người duy nhất thấy được điều đó.
Tân ngừng lại một chút, cúi xuống nhìn mặt vợ:
- Em mệt rồi phải không? Anh lý luận quá nhiều làm em mệt? Thôi anh không nói nữa.
Thùy Liên ngồi thẳng dậy:
- Không đâu, anh cứ nói đi, em thích nghe lắm. Lý lẽ của anh chứng tỏ anh bằng lòng xã hội mà chúng ta đang sống, làm cho em vui sướng thực nhiều.
- Nhưng anh thấy em mệt rồi.
- Vâng, em cũng hơi mệt vì em làm việc liên tục từ sáng đến giờ và vì…. con của anh trong bụng em; nó hư lắm, nó hành mẹ nó mấy tháng rồi. Mệt thì mệt, em vẫn thích nói chuyện với anh.
- Thôi được rồi, em vào giường nằm đi, anh dọn dẹp xong sẽ vào nói chuyện tiếp với em.
- Em cùng làm việc chung với anh rồi cùng đi nằm.
Hai vợ chồng dọn dẹp xong một cách nhanh chóng rồi vào giường. Thùy Liên gối đầu lên cánh tay của chồng, thủ thỉ:
- Anh Tân, chúng ta may mắn sống ở xã hội miền Nam tốt đẹp. con chúng ta cũng được sống trong xã hội tốt đẹp nầy.
- Ngay bây giờ thì miền Nam chưa hẳn là một xã hội tốt đẹp. Còn nhiều điều đáng phàn nàn lắm. Tuy nhiên bản chất của chế độ là tốt đẹp vì thực sự được xây dựng trên căn bản tôn trọng quyền sống và quyền tự do của mọi người. Vì vậy, dần dần những điều xấu xa sẽ bị loại bỏ. Có lẽ, phải kết thúc cuộc chiến tranh nầy thì mới nói đến sự xây dựng một xã hội hoàn toàn tốt đẹp được.
- Thế hệ chúng mình lớn lên trong chiến tranh và phải chịu đựng đau khổ. Anh và em cùng cầu xin con chúng ta sẽ lớn lên trong một xã hội thanh bình và tốt đẹp như anh mong muốn. Anh nhé?
Tân âu yếm gật đầu. Thùy Liên nói tiếp qua hơi thở:
- Con của chúng mình đây.
Nàng cầm tay chồng đưa lên bụng mình. Bàn tay Tân lần qua hai lớp áo và áp vào làn da mịn màng của chiếc bụng đã bắt đầu nhô cao của người bạn đời vô cùng yêu quí của mình.

Chiều ba mươi, Bạch Mai mời hai vợ chồng sang nhà dùng cơm tất niên. Cửa tiệm đã đóng từ trưa, hàng hoá dọn dẹp gọn gàng. Một chiếc bàn và tám cái ghế được đặt ra giữa nhà, kế bên là một cành mai, bông vàng nở rộ. Bạch Mai và Thùy Liên ngồi kế nhau, thân mật như hai chị em ruột. Đối diện là Tân và thiếu tá Thế. Bác Tư và hai cháu ngoại ngồi cuối bàn.
Tân hỏi Thế:
- Anh nghỉ Tết được mấy ngày?
- Cũng như mọi năm, được ba ngày rưỡi, từ trưa ba mươi đến hết mồng ba. Sáng nay, tôi vào tổng tham mưu dự tất niên với anh em rồi về phụ với Bạch Mai dọn dẹp cửa hàng vừa mới xong. Bây giờ thì nghỉ ngơi cho hết ba ngày Tết, sáng mồng bốn trở lại nhiệm sở.
- Vì nguyên tắc các anh phải vào cho có mặt mồng bốn rồi tiếp tục ăn Tết chứ đâu có việc gì làm phải không?
- Úi chao, đâu có được sướng như ở cơ quan dân sự các anh. Tổng tham mưu là đầu não của quân đội mà. Năm nào cũng vậy cứ mồng bốn, bảnh mắt ra là đã có báo cáo Việt cộng đánh chỗ nầy chỗ nọ. Hình như ba ngày Tết đồng bào cho họ ăn nhiều quá nên vừa hết Tết phải nhào đi đánh ngay để tiêu bớt thức ăn cho nhẹ bụng.
- Thế bên mình có mở ngay hành quân vào mồng bốn không?
- Không, chỉ lo đối phó thôi. Các đơn vị đều cho hầu hết binh lính đi phép để sum họp với gia đình trong ngày Tết cổ truyền, sáng mồng bốn không thể nào tập họp đủ binh sĩ để mở các cuộc hành quân. Vả lại, chúng ta đâu có gấp đánh nhau đâu. Tết thì để cho đồng bào yên ổn thêm được ngày nào hay ngày ấy.
Tân cười:
- Ngược lại, Việt cộng mong cho mau hết Tết để đánh nhau.
- Đúng vậy, họ quá hiếu chiến. Những người cộng sản, miệng thì kêu gọi hòa bình nhưng bụng thì cứ nghĩ chuyện gây chiến. Có một lần tôi đã nói với anh như thế rồi.
- Trong ba ngày Tết, ở tổng tham mưu có lính ứng chiến không?
- Có, nhưng không nhiều lắm đâu. Đi phép gần hết, chỉ thay nhau trực mà thôi. Giờ nầy trở đi trong đó vắng teo rồi. Chỉ có chú lính gác cổng là còn mang súng, còn tất cả sĩ quan trực xúm lại ăn uống rượu chè. Tôi nghĩ rằng bên phía Việt cộng cũng thế thôi. Hiếu chiến thực nhưng đánh nhau cả năm cũng mệt mỏi chứ, ba ngày Tết nghỉ ngơi vài bữa ai mà không thích. Bên đó cũng gồm những con người như bên mình vậy thôi.
- Trong mấy ngày Tết có chỗ nào vi phạm lệnh ngưng bắn không?
- Mấy năm rồi các lực lượng của họ thi hành lệnh ngưng bắn khá nghiêm túc, không có sự vi phạm nào đáng kể. Họ công bố trên đài phát thanh cho cả thế giới biết rồi thì phải thi hành, đâu có thể nói một đường làm một nẻo, trắng trợn một cách thái quá được.
Bữa cơm tất niên thực vui vẻ và đầm ấm. Ăn xong, trước khi ra về, Tân móc ra hai bao màu đỏ đựng tiền lì xì đưa cho hai đứa bé.
Bạch Mai cũng trao cho Liên một gói nhỏ. Thùy Liên cười:
- Em lớn rồi mà cũng được tiền li xì à?
Bạch Mai đáp ngay:
- Đâu có phải lì xì cho Thùy Liên. Dì Mai lì xì cho cháu bé trong nầy.
Bạch Mai sờ nhẹ vào bụng Thùy Liên làm cho nàng đỏ mặt.
Ra khỏi cửa, Thùy Liên khoát tay chồng chầm chậm bước trên đường đầy xác pháo. Đường phố vắng người và xe cộ, chỉ còn những đứa trẻ chạy tung tăng, tìm nhặt những viên pháo chưa nổ, nhét đầy túi.
Về đến nhà, Tân mở cửa, hai vợ chồng bước vào rồi khép cửa lại. Thùy Liên ôm chầm lấy người yêu:
- Anh Tân, em không ngờ có ngày hạnh phúc đến thế nầy.
Tân cúi xuống, hai đôi môi áp chặt vào nhau. Thùy Liên rên rỉ:
- Anh Tân, em sung sướng lắm nhưng anh ôm em mạnh quá. Anh không nhớ con chúng mình trong bụng em à?
Hai người rời nhau ra. Thùy Liên nói:
- Em đã chuẩn bị lễ vật để anh cúng giao thừa rồi đó. Anh nhớ dậy trước nửa đêm nhé.
- Không, anh sẽ thức để đợi giao thừa. Đây là cái Tết đầu tiên mà anh có được một tổ ấm diệu kỳ. Anh phải cúng giao thừa với tất cả sự thành tâm để cám ơn trời đất đã cho anh được gặp em.
Thùy Liên cười sung sướng:
- Em cũng thức đến giao thừa để cám ơn trời đất đã cho em được gặp anh!
Tuy nói thế, nhưng mới hơn mười giờ, Thùy Liên đã ngáp dài. Nàng vào giường và ngủ thiếp đi ngay sau đó. Từ ngày có em bé trong bụng, Thùy Liên thường đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng.
Tân đứng cạnh giường, im lặng nhìn khuôn mặt mỹ miều của Thùy Liên áp trên chiếc gối trắng tinh, cậu ngỡ đang trông thấy người đẹp ngủ trong rừng ở tập truyện cổ tích của thời thơ ấu. Cậu nhẹ nhàng buông màn rồi bước ra ngoài.
Cậu ngồi vào bàn lôi ra một tập giấy và một cây bút. Cậu thừ người suy nghĩ một chút rồi cúi xuống, ngòi bút lướt nhanh trên trang giấy trắng.
Một tràng pháo nổ xa xa, tiếp theo nhiều tràng pháo khác gần hơn, càng lúc càng dồn dập. Tân liếc nhìn đồng hồ, đặt bút xuống bàn và đi vào buồng. Cậu vén màng, ngồi vào giường đưa tay sờ vào má người yêu. Thùy Liên hé mở mắt ra, mỉm cười. Nàng hỏi:
- Sắp đến giao thừa rồi phải không anh?
Tân gật đầu. Nàng từ từ ngồi dậy:
- Em ngủ ngon quá, được gần hai tiếng đồng hồ rồi. Anh ngủ hay thức.
- Anh thức và ngồi viết say sưa. Thì giờ qua mà không hay.
- Anh viết gì vậy?
- Anh bắt đầu ghi lại cuộc đời của anh để sau nầy dành tặng cho các con của chúng mình.
Thùy Liên mỉm cười:
- Chuyện đời của anh đầy sóng gió, sau nầy các con đọc, chúng nó sẽ cảm động lắm.
Nàng bước xuống giường và nói tiếp:
- Bây giờ em chuẩn bị lễ vật cho anh cúng giao thừa. Anh phụ giúp em đi.
Tân mở cửa, bưng một bàn nhỏ ra sân. Thùy Liên đặt lên đó một bình hoa, một lư nhang, một đĩa bánh rồi đứng nhìn chồng đốt nhang và khấn vái.
Tiếng pháo nổ rền đinh tai điếc óc, khói và hơi thuốc súng tràn ngập làm cho Thùy Liên gần như ngạt thở. Nàng vội bước vào nhà. Tân vào theo, khép cửa lại, mở quạt máy chạy với vận tốc tối đa. Bên ngoài tiếng pháo vẫn nổ rền như tiếng sấm liền lạc nhau không dứt.
Nửa giờ sau, tiếng pháo giảm dần. Thùy Liên nhìn chồng:
- Quá giao thừa rồi. Bây giờ là năm mới, năm Mậu Thân. Em mừng anh thêm một tuổi. Em chúc anh, trong năm mới, luôn luôn khoẻ mạnh và yêu đời.
- Cám ơn em. Anh mừng em năm nay được trở thành người mẹ trẻ tuyệt vời.
Thùy Liên cười sung sướng:
- Thôi anh đi dẹp bàn cúng, rồi mình đi ngủ.
Hai vợ chồng vào giường nhưng chưa ngủ ngay mà nằm nói chuyện rù rì đến hai giờ khuya mới thôi.
Sáng mồng một, tiếng pháo đốt rất gần làm hai người giật mình thức dậy. Thùy Liên nhìn chồng mỉm cười:
- Bây giờ là bình minh thứ nhất của năm mới rồi đây. Hôm nay, anh có định đi chơi không?
- Em thích đi đâu?
- Em ngại ra đường gặp pháo nổ lắm. Anh nghe kìa. Mới sáng mà người ta đã đốt nhiều quá.
- Thế thì mình cứ nằm nhà rồi chiều nay qua chúc Tết bác Tư và anh chị Thế.
Suốt buổi sáng và buổi trưa, Tân vẫn đóng kín cửa, sợ khói thuốc pháo bên ngoài tràn vào. Đến chiều, gần tắt nắng, hai người ăn mặc đẹp đẽ qua nhà Bạch Mai.
Bạch Mai ôm chầm lấy Thùy Liên:
- Chà năm mới trông Liên xinh đẹp quá chừng. Vào đây.
Tân hỏi:
- Anh Thế đâu Bạch Mai?
- Anh ấy không có nhà, từ trưa, có người đến gọi vào tổng tham mưu rồi.
- Có lẽ vào chúc Tết mấy ông tướng trong đó.
Bạch Mai lắc đầu:
- Không phải đâu. Nghe nói Việt cộng tấn công vào nhiều nơi nên sĩ quan tổng tham mưu phải vào trình diện nhiệm sở.
Tân sửng sốt:
- Việt cộng tấn công? Mới bắt đầu thời hạn hưu chiến mà. Họ tấn công ở đâu?
- Em không rõ lắm. Ông trung sĩ đến gọi anh Thế chỉ nói qua loa thôi. Hình như đánh tại Nha trang, Qui nhơn và vài nơi ở Cao nguyên.
- Lạ nhỉ? Họ công bố lệnh ngừng bắn, cả thế giới đều biết mà.
Thùy Liên lo lắng:
- Họ tấn công các thành phố, có thể vào đến Sài gòn không anh?
Tân cười:
- Em đừng lo. Vài nhóm du kích vô kỹ luật nào đó quấy phá thôi.
Bạch Mai cãi lại:
- Không. Hình như họ đánh thực sự đó anh ạ. Nếu du kích quấy phá thì chẳng phải triệu tập quân nhân vào tổng tham mưu làm gì. Nhưng có lẽ chẳng triệu tập được mấy người đâu. Người ta đi phép về quê ăn Tết cả rồi. Tuy nhiên, Thùy Liên đừng lo, họ không vào đây đâu. Khi nãy, ông trung sĩ nói Sài gòn vẫn yên tĩnh. Nếu vào thì họ đã vào lúc giao thừa rồi. Lúc đó pháo nổ ran, họ đưa cả sư đoàn vào thì cũng chẳng ai biết. Anh Tân và Thùy Liên ngồi chơi đi, đợi anh Thế về thì biết tin tức rõ hơn. Anh đi qua đây thấy ngoài đường thế nào?
- Bình thường, hình như đến giờ nầy chưa ai biết gì cả. Tôi và Thùy Liên lên trên lầu chúc Tết bác Tư.
- Vâng, anh và Thùy Liên lên chơi với ba em một chút, Mai dọn cơm, hai người ăn để đợi anh Thế về.
Ăn cơm xong, đợi khá lâu nhưng anh Thế vẫn chưa về nên hai vợ chồng từ giã Bạch Mai.
Họ về nhà, ngồi nói chuyện vớ vẩn với nhau. Tân tránh không đề cập chuyện Việt cộng tấn công trong ngày Tết sợ Thùy Liên lo lắng. Tân ngồi vào bàn lấy giấy ra viết tiếp trong khi Thùy Liên đọc mấy tờ báo xuân một cách chăm chỉ. Đến khuya, hai người vào giường và không bao lâu ngủ say.


*
* *