Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Chương 1: Miền Trung khói lửa



Một cuộc chiến tranh dài
Tập I
Chương 1: Miền Trung khói lửa

Nơi giáp ranh hai tỉnh Quảng trị và Thừa thiên, có một ngôi làng bé nhỏ tên là Mỹ chánh, nằm trên dòng sông Ô lâu thơ mộng. Ngang qua đầu làng, con đường thiên lý, quốc lộ số Một, chạy suốt từ Bắc vào Nam như cột xương sống của nước Việt Nam dài ngoằn. Song hành với quốc lộ là đường sắt xuyên Việt. Từ trong Nam ra Bắc, những con tàu dừng lại tại một nhà ga be bé trước khi vượt qua chiếc cầu sắt bắt ngang dòng Ô lâu. Chính vì vị trí chiến lược quan trọng nầy nên khi trở lại chiếm đóng thuộc địa cũ, quân Pháp lập một cái đồn to tướng ngay đầu cầu để giữ trục lộ giao thông huyết mạch và khống chế một vùng gồm nhiều làng mạc từ chân dãy Trường sơn đến tận bờ biển Đông.
Ban ngày, những toán lính quốc gia người Việt, do một viên chỉ huy người Pháp, trang bị đến tận răng thường ra khỏi đồn, đi sùng sục khắp làng. Họ xông vào bất cứ nhà nào để lục soát mà không cần lý do. Họ không ăn cướp vì chẳng còn gì đáng giá để cướp, chẳng hãm hiếp vì chẳng còn ai đáng giá để hiếp. Cũng có tin nói rằng thỉnh thoảng, lính bắt được một người con gái hay đàn bà còn trẻ, vu cáo là Việt Minh để bắt về đồn và tại đó, mọi chuyện tồi tệ đã diễn ra. Tuy nhiên, chuyện khủng khiếp đó chỉ được người ta thuật lại nơi một làng nào khác chứ làng nầy thì chưa có. Nơi đây, chỉ xảy ra vài việc xấu xa lặt vặt như đôi khi, đi lục soát, thấy một con gà nằm ấp trứng trên ổ, một tên lính thuận tay bắt lấy bẻ cổ cho nó đừng kêu, rồi nhét vội vào túi quần và đi ra một cách rất thản nhiên.
Dân quê đã quen với những cuộc lục soát bất thần nầy. Họ lo lắng nhìn theo toán lính dỡ tung đồ đạc, giường chiếu, có khi đào cả nền nhà, vườn tược, những nơi nghi có chôn dấu tài liệu hay vũ khí. Thông thường, lục lọi một lúc, toán lính đi ra, người nào người nấy mồ hôi nhễ nhại.
Lính đi rồi, người dân sắp xếp lại nhà cửa, lấp những lỗ mà lính vừa đào lên, thu dọn mọi thứ bừa bãi trên nền nhà.

Dân làng, hầu hết chỉ còn người già và trẻ em, đàn ông thanh niên đã biến mất. Họ đi đâu? Phần lớn ra chiến khu để theo kháng chiến, một số ít hơn về thành phố hoặc đăng vào lính quốc gia. Trong làng cũng còn sót lại một vài người phụ nữ khá trẻ phải nuôi con sơ sinh và không có điều kiện về thành phố sinh sống. Họ tránh chải chuốt, cố tình ăn mặc lôi thôi để tẩy sạch nét xuân sắc còn sót lại trên gương mặt và thân thể mình. Mỗi khi lính xông vào lục soát, những bà mẹ nầy vơ vội con nhỏ, ôm vào lòng và ngồi co ro trên thềm. Giữ chặt con bên mình trở thành phương cách tự bảo vệ duy nhất của họ lúc bấy giờ. Lúc xong việc, ra khỏi nhà, đôi khi viên chỉ huy người Pháp dừng lại nhìn đứa hé thu lu trong lòng mẹ. Ông ta móc túi lấy một viên kẹo nhét vào tay bé và thuận tay vuốt má bà mẹ rồi quay lui, vừa đi vừa cười hô hố.
Ban đêm, lính rút cả vào đồn. Bóng tối trùm lên ngôi làng như một tấm vải liệm rợn người. Không gian hoàn toàn tĩnh mịch, nghe rõ tiếng dế gáy ngoài vườn, tiếng con giạt sành nhại mãi điệp khúc nhàm chán, tiếng vạc ăn đêm rên rỉ trên không trung.
Khác với những làng quê bình thường ở Việt Nam, nơi đây không bao giờ có tiếng chó sủa trong đêm. Tất cả chó trong làng đều bị giết sạch do lệnh của cả hai bên, lệnh của ủy ban kháng chiến hành chánh thuộc mặt trận Việt minh để đảm bảo an toàn cho dân quân du kích về làng, cùng với lệnh của trưởng đồn người Pháp để giữ bí mật cho các toán tuần tiểu và phục kích ban đêm. Mạng sống của những con chó bị loại bỏ, mạng sống những con người cũng thường xuyên bị đe dọa cũng từ cả hai phía đối đầu nhau.
Vì vậy, cái yên lặng của màn đêm trong làng hoàn toàn không phải là sự tĩnh mịch bình yên để lương dân được nghỉ ngơi sau một ngày lao động vất vả mà thực sự chứa bên trong những cơn sóng ngầm đáng sợ. Trong không gian yên lặng rùng rợn đó, đôi khi người ta nghe nhiều tiếng bước chân xào xạc trên nền sỏi đất của con đường làng, cùng với tiếng sột soạt của áo quần và có cả tiếng lách cách khe khẽ của vũ khí va chạm vào một vật kim loại khác. Những tiếng động nầy trong đêm khuya làm cho người nghe hồi hộp. Họ hít vào một hơi dài, ém không khí trong lồng ngực và từ từ cho thoát ra thực nhẹ như sợ người bên ngoài đường nghe được tiếng thở của mình.
Có nhiều đêm, cái không gian yên tĩnh bị xé toạc bởi những loạt súng xa xa, xen lẫn với những tiếng nổ ì ầm làm cho những người lớn giật mình thức giấc lo lắng, trong khi trẻ con vẫn bình thản chìm sâu trong giấc ngủ thơ ngây.

*
* *

Giữa làng có một gia đình nho nhỏ gồm ba mẹ con. Người mẹ là chị Hằng còn khá trẻ, nét đẹp của thời còn con gái chưa hoàn toàn biến mất trên khuôn mặt dãi dầu mưa nắng. Chị có hai đứa con trai, đứa lớn được mười bốn tuổi, đứa nhỏ vừa lên mười.
Một đêm, có tiếng chân ngoài đường như tiếng bước của ma quỷ hay của tử thần đi tìm bắt hồn của những người tới số. Trong nhà, đứa bé bật thét lên. Chị Hằng hoảng hốt vùng dậy phóng sang giường bên. Dưới ánh sáng lờ mờ của ánh trăng hạ tuần bên ngoài chiếu qua cửa sổ, chị thấy hai con vẫn chủ yên. Có lẽ thằng bé vừa thét lên vì một cơn ác mộng.
Chị ngồi xuống cạnh giường, hồi hộp lắng tai nghe. Tiếng buớc chân bên ngoài ngừng lại. Chị nhìn ra cửa và tưởng tượng có ai đó lao vào, súng hoặc mã tấu lăm lăm trong tay.
Nhưng chẳng có gì cả, không gian hoàn toàn yên tĩnh. Ngoài sân, dưới ánh trăng, cây bưởi in xuống đất một vùng đen lốm đốm trắng. Khi ngọn gió thoảng qua, những đốm trắng nhúc nhích, thay hình đổi dạng một cách dị kỳ. Không gian về đêm trở nên thực mênh mông, làm chị sợ hãi. Chị muốn có một cái gì đó ngăn cách nơi bệ cửa để có sự phân đôi rõ rệt, bên ngoài là vùng của ma quỷ, của những oan hồn người chết vì chiến tranh, bên trong là nơi ở riêng của chị và hai con trai. Nhưng lấy gì mà ngăn? Trong làng, không nhà nào có cửa. Nếu có, người ta cũng đã gỡ ra làm phản để nằm hay làm kệ chứa đồ đạc. Nhà nào cũng trống hoác suốt ngày đêm, những người cầm súng hay cầm dao có thể xông vào bất cứ lúc nào. Đóng kín cửa là điều nguy hiểm vì có thể bị nghi ngờ cho kẻ địch ẩn núp bên trong và một trong hai bên sẽ có thể sẵn sàng xả súng bắn vào. Tuy mọi nhà đều để ngõ nhưng chưa có một vụ trộm nào xảy ra. Chẳng còn gì đáng giá để bị mất trộm. Nhà nào có chút của cải thì đã đưa về thành phố từ lâu. Vả lại, chẳng có kẻ trộm nào dám đi ra đường ban đêm vì không chóng thì chầy, kẻ liều lĩnh nào đó sẽ làm bia hứng đạn của bên nầy hoặc bên kia.
Chị Hằng tiếp tục ngồi yên nhìn ra ngoài. Ánh trăng lạnh lẽo và rờn rờn vẫn đổ xuống lấp lánh trên những lá cây. Chị vừa sợ, lại vừa mong đợi. Chị mong đợi một bóng người cao gầy xuất hiện và lặng lẽ bước vào. Người đó là anh Kha, chồng chị. Chị sẽ ôm chầm lấy anh và gục đầu vào vai. Nước mắt chị sẽ thấm ướt lớp áo khét nghẹt mùi mồ hôi của anh.
Lần trở về sau cùng của anh cách nay vừa đúng hai tháng. Đêm đó, giữa khuya, đang ngủ, chị giật mình khi có hơi thở phả trên mặt. Chị hoảng hốt ngồi bật dậy, lùi nhanh xuống cuối giường, trố mắt nhìn xuyên qua bóng tối, miệng mở to mà chẳng dám la một tiếng nào. Rồi chị nghe giọng đàn ông thì thào:
- Hằng, anh đây, Kha đây mà.
Nhận ra tiếng chồng mình, chị mừng rỡ, nhào tới và nằm gọn trong vòng tay anh.
Sau một lúc ân ái, lửa yêu đương còn hừng hực cháy thì anh lại ra đi; các đồng chí của anh đang đợi ngoài đầu đường.
Bây giờ chị nhớ tới anh. Chị nằm xuống nhắm mắt lại để cho hai giọt nước lăn dài xuống gối. Chị xót xa nhớ lại ngày xưa đó, cách đây hơn mười lăm năm, có một thanh niên mỗi buổi sáng đứng bên vệ đường đón chờ chị gánh hàng ra chợ bán. Chị biết đó là người của làng kế bên, nhờ giọng nói có những âm sắc đặc trưng của làng nầy.
Lúc đó, chị chỉ mới mười tám tuổi đầu. Cứ mỗi lần đi qua khúc quanh, lòng chị lại xao xuyến khi thấy anh đứng đó, lưng quay về phía sông, tay cầm cọng cỏ đưa lên miệng khẽ nhâm nhi. Chị cảm thấy đôi chân run rẩy và không còn ngoan ngoãn tuân theo ý muốn của mình nữa. Chúng quờ quạng như muốn đá vào nhau; chị phải cố kềm chúng lại để bước nhanh qua trước mặt anh. Dưới bến sông có tiếng gọi vọng lên:
- Cô Hằng, cô Hằng, dừng lại, có người muốn gặp cô tề.
Nhiều tiếng cười nổi lên. Hằng biết đó là tiếng cười chọc ghẹo đầy cảm tình của đám bạn bè cùng trang lứa. Giọng nói của người bạn gái lại vút lên như đuổi theo chị:
- Người chi mà vô tình. Người ta thức dậy từ ba giờ khuya để ra đứng đợi mà mình không cho người ta nói được tiếng nào. Tệ bạc rứa là cùng.
Những tiếng cười lại vang lên. Chị càng cố đi nhanh và biết rằng đôi mắt của người ấy vẫn bám theo sau lưng chị.
Ngày nào đi qua nơi đó, chị cũng khổ sở. Nhưng thỉnh thoảng, có hôm, đi qua mà không thấy anh ta đứng đó thì chị lại cảm thấy thiếu thốn và thẩn thờ suốt buổi chợ.
Dần dần, qua những lời trêu chọc của bạn bè, chị biết anh ta là một công chức của chính phủ bảo hộ, một nhân viên của sở Hỏa xa, có nhiệm vụ bẻ ghi cho những chuyến tàu qua lại và bảo vệ chiếc cầu sắt bắt ngang qua dòng Ô lâu.
Mối tình câm lặng kéo dài hai năm. Chị chưa nói với anh một lời nào. Nhưng mỗi khi nằm lắng nghe còi tàu xé rách màn đêm, chị lại nghĩ đến anh và tự thấy xấu hổ trong lòng.
Một buổi sáng mùa xuân đẹp trời, một đoàn người quần áo chỉnh tề mang trầu cau đến nhà chị. Hai tháng sau, chị thành vợ của anh. Đêm tân hôn chị đã run rẩy trong vòng tay lực lưỡng của anh và được hưởng những giây phút tuyệt vời đầu tiên của tình nghĩa vợ chồng.
Chị thở dài. Những kỷ niệm của thời hoa bướm lại làm cho ngọn lửa yêu đương rạo rực trong lòng chị. Chị chép miệng và nói thầm trong đêm tối:
- Mới đó mà đã mười lăm năm rồi.
Chị nhớ rất rõ, hai năm sau ngày cưới của vợ chồng chị, một đứa con trai ra đời. Chồng chị đặt tên cho nó là Vinh, Phạm Bá Vinh. Bốn năm sau, em nó, Phạm Bá Tân góp mặt cùng gia đình. Cha mẹ chồng còn sống nhưng chị chẳng phải làm dâu. Từ khi lấy nhau, hai vợ chồng ở luôn với mẹ chị cho gần nhiệm sở của anh. Mỗi tháng một đôi lần, họ đưa con qua thăm quê nội, ở chơi vài một ngày rồi lại trở về. Vài tháng sau khi sinh con lần thứ hai, mẹ chị qua đời. Trong những ngày tang khó, chị vô cùng đau đớn, nhưng sau đó, có chồng, có con bên cạnh, nỗi buồn khổ của chị dần dần trôi qua.
Anh luôn luôn là người chồng tốt, còn chị bao giờ cũng là người vợ hiền. Họ hưởng hạnh phúc bên nhau trong một nếp sống giản dị và bình yên cho đến năm 1944, sau khi Nhật hất cẳng Pháp khỏi Đông dương.
Máy bay Đồng minh thường xuyên quần thảo trên bầu trời Việt Nam. Một ngày kia, một đoàn oanh tạc cơ đến thả bom đánh sập cầu Mỹ chánh. Những chuyến tàu thôi qua lại, anh buồn bã từ giã nhà ga và cây cầu thân yêu. Đêm đêm, anh không còn thức giấc, một mình đứng bên cần ghi đưa đèn làm hiệu và nhìn đoàn tàu rầm rập đi qua, ánh đèn đỏ ở sau toa cuối cùng nhỏ dần rồi biến mất trong màn đêm. Xa ga, xa đường sắt, xa những đoàn tàu, anh buồn ngẩn ngơ nhưng anh không còn thì giờ ngồi nuối tiếc mãi vì phải lao vào công việc một cách cật lực để nuôi vợ nuôi con khi trận đói năm Ất dậu bò dần từ ngoài Bắc vào và nhanh chóng lan đến làng anh.
Rồi cách mạng Mùa Thu bùng nổ, anh choáng ngợp trong khí thế sục sôi của cả một dân tộc đứng lên giành độc lập. Ở tuổi gần bốn mươi, anh sống lại với tuổi đôi mươi, say sưa làm công tác mà cách mạng giao phó.
Không bao lâu sau, chiếc cầu được sửa chữa, những đoàn tàu lại lăn bánh, anh không trở về công việc cũ mà nhận lãnh một nhiệm vụ khác, nhiệm vụ quan trọng của một công dân Việt Nam đang làm chủ vận mệnh đất nước của mình.
Cuộc sống tự chủ chưa được bao lâu thì người Pháp trở lại. Nam bộ kháng chiến rồi toàn quốc kháng chiến được Việt minh phát động và được hưởng ứng một cách sôi nổi, cả một dân tộc đồng loạt đứng lên để gìn giữ quê hương. Tuy ý chí có thừa mà vũ khí lại quá thô sơ nên dân quân du kích phải rút lui dần trước những vũ khí tối tân của quân thù. Tại Mỹ chánh, các toán quân Lê dương từ Huế đổ ra, chiếm lại nhà ga và cây cầu thân yêu. Đồng nghiệp và bạn bè của Kha, nhiều người rút dần ra phía Bắc. Một số khác, trong đó có anh, ở lại tổ chức công cuộc kháng chiến để đánh đuổi thực dân ra khỏi đất nước.
Anh tham gia vào lực lượng dân quân du kích và rút vào chiến khu trong khi vợ và con vẫn phải ở lại trong làng. Vì nhiệm vụ của một công dân khi Tổ quốc cần đến, anh nhất định ra đi nhưng không khỏi ngậm ngùi và lo lắng khi trao hết gánh nặng nuôi con trên đôi vai gầy guộc của người bạn đời trong cảnh dầu sôi lửa bỏng…
Đang miên man nhớ về quá khứ, Hằng giật mình vì một loạt súng nổ dòn phía bờ sông. Lại thêm vài loạt nữa vang lên. Chị vội vàng nhỏm dậy lôi hai con xuống đất. Ba mẹ con nằm im, lắng tai nghe. Màn đêm bị xé rách rồi liền trở lại như mặt nước hồ vừa xao động vì một cái quẩy đuôi của cá và nhanh chóng trở lại phẳng phiu.

Mấy loạt súng nổ ở bờ sông làm cho bác Lành lo ngại. Nhà bác cũng ở giữa làng, cách nhà Hằng mấy dậu cây xanh. Bác lo ngại vì sáng nay, bác phải xuống bến thực sớm để đi gặt lúa mãi dưới cánh đồng cách xa làng hơn mười cây số đường sông. Công gặt đã sẵn sàng, ghe cũng đã neo dưới bến. Bác dự trù bốn giờ sáng phải ra đi để đến nơi thì trời vừa rựng sáng. Mọi người sẽ phải làm việc cật lực mới có thể trở về đến làng trước khi trời tối.
Trong góc nhà, mấy cây đuốc làm bằng cành khô độn rơm đã sẵn sàng. Bốn giờ sáng, trời còn tối đen, đi ra đường mà không có đuốc, ắt khó tránh được những viên đạn vô tình. Cẩn thận như thế vẫn chưa đủ. Mấy ngày hôm trước, bác cũng đã xin phép xong xuôi. Xin phép cả hai bên, đương nhiên như thế, vì cả hai bên đều có vũ khí giết người.
Bác đã đến đồn gặp ông hạ sĩ quan phụ trách việc liên hệ với dân thường để khai rõ lý do đi sớm, ngày giờ, lộ trình, số người đi và dụng cụ mang theo. Trước đó hai ngày, bác cũng đã xin phép quân kháng chiến thông qua cậu giao liên là thằng Nậm, con ông Cửu Điền. Cái phép nầy khá lạ đời. Không phải xin phép đi gặt lúa mà xin được vào đồn gặp kẻ thù để xin đi gặt lúa. Nếu không làm như thế thì ngay khi bác vừa bước chân ra khỏi đồn, đã có người báo ngay cho dân quân du kích và ngay tối hôm đó, mạng sống của bác sẽ như chỉ mành treo chuông.
Bác phải rất thận trọng dù thằng con lớn của bác cũng thoát ly theo cách mạng vào chiến khu rồi. Trong thời buổi nầy, lắm chuyện bi thảm lẫn rùng rợn đã xảy ra. Đầu làng có ông Bát Đại cũng có con theo kháng chiến, thế mà vào đồn một lát không biết để làm gì, hôm sau người ta thấy xác ông sau vườn, đầu gần lìa khỏi cổ vì một lát mã tấu bén ngót.
Cuối làng có ông Thông Lý, trước cách mạng Tháng Tám làm việc ở sở Bưu điện thành phố Huế nên có thể nói được tiếng Tây. Hôm đó, viên trưởng đồn người Pháp dẫn lính qua nhà. Trời xui đất khiến thế nào mà chúng lại quặt vào nhà ông để lục soát. Ông Thông Lý bủn rủn thay chân khi sực nhớ có mấy tờ bạc cụ Hồ giấu dưới lư nhang. Nếu bị bắt gặp thì ông có thể bị bắn chết ngay tại chỗ. Kia kìa, viên sĩ quan đang bước tới bàn thờ. Ông đi nhanh đến trước mặt nó và tuôn ra một tràng tiếng Pháp. Sau vài giây ngạc nhiên, nó mừng rỡ khi nghe có người nói được tiếng của Tổ quốc mình nên niềm nỡ bắt tay ông. Ông mời nó ngồi xuống ghế để uống nước. Bọn lính đi theo thấy vậy có ý nể nang, thôi không lục soát nữa. Chúng ra vườn ngồi đợi vị chỉ huy của mình. Mười phút sau, bọn chúng rút đi, cả nhà vẫn chưa hết bàng hoàng vì vừa thoát qua được một tai nạn có thể vô cùng thảm khốc.
Sáng hôm sau, một chị đàn bà đi ngang qua, ghé vào xin nước uống. Chị lấm la lấm lét nhìn ra đường rồi kề tai ông nói nhỏ:
- Chú vô Huế ngay đi. Hồi hôm, anh em đã họp và đã quyết định xử tử chú rồi đó.
Nói xong, chị cám ơn ông Lý đã cho uống nước rồi bỏ đi không nói thêm một lời nào nữa.
Trời đang lạnh mà mồ hôi trên lưng ông rịn ra. Ông suy nghĩ và dần dần hiểu lý do mà ông bị lên án tử hình. Thực ra rất giản dị. Đó là vì ông đã nói chuyện với thằng Tây trưởng đồn. Ông đã nói chuyện gì với nó, ai mà hiểu được, vì vậy khử ông đi là phải. Nhưng chị nọ là ai mà đến báo tin để cứu mạng ông? Đây là một việc cực kỳ nguy hiểm. Nếu việc báo tin nầy không may bị đổ bể thì rõ ràng chị đã đem mạng sống của chị thế cho mạng của ông.
Ông ngồi thừ ra suy nghĩ một lát và sực nhớ ra rằng ông có đứa cháu gọi bằng chú đã thoát ly theo kháng chiến ngay từ lúc cách mạng vừa thành công. Vợ chồng ông không có con nên trước đây đã hết lòng chăm lo đứa cháu nầy. Ông đã nuôi nấng nó, dạy dỗ cho nó nên người và xin cho nó vào làm việc trong sở Bưu điện của ông. Có lẽ nó có tham dự cuộc họp lên án ông và đã đền ơn bằng cách nhờ người báo tin để cứu mạng ông.
Ông phải đi, dứt khoát phải đi. Nếu còn nấn ná ở lại thì mạng sống của ông chỉ còn kéo dài từ bây giờ cho đến đêm mà thôi. Ông biết rất rõ vì ông là người có học và đã chứng kiến biết bao việc từ những phút đầu tiên sau khi cách mạng thành công. Trong số bạn bè và bà con của ông đã có nhiều người chết vì bị nghi ngờ một cách thực là phi lý. Như trường hợp của thằng cháu Tánh đáng thương của ông chẳng hạn. Mới tháng trước đây, nó đưa vợ con qua đò để về thăm quê nội. Rủi cho nó hôm đó lại mặc chiếc quần xanh, vợ nó áo trắng, đứa con chưa đầy năm đội cái mũ có một cái giải đỏ. Thế là đủ ba màu “xanh, trắng, đỏ”, màu cờ tam tài của Pháp; bao nhiêu đó bằng chứng đủ để kết tội nó làm gián điệp cho Tây vì ba màu nầy chính là ám hiệu vậy. Thằng Tánh bị bắt đem đi và vợ nó ghi nhớ ngày hôm đó để hàng năm làm giỗ cho chồng.
Kinh nghiệm sống cho ông thấy rằng bị nghi ngờ thì hầu hết phải chịu tội chết. Lý do nghi ngờ càng mơ hồ thì chết càng nhanh. Những tên Việt gian thực sự theo giặc để phản lại Tổ quốc, phản lại đồng bào thì có thể chậm chết hơn. Bị bắt, bị khai thác rồi đưa ra tòa án nhân dân xét xử. Có khi, nhằm đáp ứng mục đích tuyên truyền, phạm nhân được tòa án nhân dân khoan hồng để đi theo kháng chiến lập công chuộc tội. Đến kẻ thù chính thức là thằng lính Pháp, nếu bị bắt thì còn khó chết hơn nữa. Người ta bảo vệ tính mạng thằng lính đó một cách cẩn thận, cho ăn uống rất tử tế vì nó là vật trình diễn rất sáng giá và nó có thể gởi tiếng nói về tận bên trời Tây.
Ông Thông Lý biết mình chỉ thuộc diện bị nghi ngờ mà thôi nên rất dễ chết. Vì vậy cần phải ra đi ngay chiều hôm nay. Tuy nhiên, phải đi một cách bình thản, đừng để người của cách mạng nghĩ rằng ông đã nhận được tin tức đêm rồi của dân quân du kích. Ông đi thoát nhưng để lại hiểm nguy cho cháu ông và người đàn bà đến báo tin thì ông không đành lòng. Ông bóp trán suy nghĩ hồi lâu để cố tìm cho ra giải pháp. Ông gọi bà vợ đang cuốc đất ngoài vườn vào. Ông thì thầm nói cho vợ biết hoàn cảnh hiểm nguy hiện nay rồi chạy sang nhà người chị kế bên. Ba người bàn bạc và đồng ý đóng một vở kịch để ông bà Lý thoát thân. Vở kịch tương đối giản dị và dễ thực hiện, ba người bắt đầu làm ngay.
Bà Lý giả vờ đau bụng dữ dội, rên la thảm thiết. Ông Lý quýnh quáng cho vài món cần thiết vào bao rồi hai chị em ông dìu bà lên đồn để xin thuốc. Viên trưởng đồn đã quen mặt ông Thông nên tiếp họ một cách niềm nở và giữ hai ông bà lại. Bà chị trở về phao lên rằng bà Lý bệnh rất nặng cần mang vào Huế để chữa trị. Ít lâu sau ông bà Lý vào Nam và không bao giờ trở về làng nữa.
Vài tháng sau, bác Lành biết được việc đóng kịch ngộ nghĩnh nầy qua lời kể thì thầm của bà chị ông Thông Lý. Câu chuyện làm cho bác đã sẵn tính thận trọng lại càng thêm thận trọng. Vì vậy việc đi gặt lúa sáng sớm mai, bác đã chú tâm xin phép cẩn thận và đã được cả hai bên chấp thuận.
Tối hôm đó, như mọi ngày, bác cùng gia đình đi ngủ sớm. Đang ngủ say, bác choàng thức giấc vì một loạt súng nổ khá gần. Lại mấy loạt nổ vang lên trong đêm vắng. Tiếng súng từ hướng sông vọng lại. Bác ngồi dậy hồi hộp lắng nghe. Nếu súng tiếp tục nổ thì mặt trận đang diễn ra ở đó và sáng sớm người ta sẽ không cho bác đến để lấy ghe đi đến ruộng. Thế là hỏng việc. Lúa đã chín, những bầy chim chung quanh sẽ bay đến và hai ngày sau sẽ không có hạt lúa nào còn dính trên thân. Trong hơn một tháng nữa, nhà bác sẽ hết gạo, cả nhà bác lấy gì để sống?
Bác đứng một hồi lâu, không nghe gì khác, đêm lại chìm sâu trong tĩnh mịch. Bác thở dài nhẹ nhõm và nghĩ rằng đó chỉ là vài loạt súng bắn một cách vu vơ. Chuyện đó cũng rất thường xảy ra. Lính đi tuần ban đêm, thấy có gì nghi ngờ thì vội bắn một hai loạt đạn để thị uy và lấy thêm can đảm. Bác trở lại giường, nằm xuống cố dỗ giấc ngủ.
Khi sao lưỡi cày chổng ngược đuôi lên trời, bác gái từ trong buồng bước ra gọi bác dậy. Hai ông bà lục đục nhóm bếp thổi cơm.
Ăn uống xong xuôi, hai bác cùng ba ông già khác mang dụng cụ ra khỏi nhà. Bác đi đầu, cầm cây đuốc cháy đưa lên cao. Con đường quen thuộc hiện ra khá rõ ràng dưới ánh trăng hạ tuần đang đứng đỉnh đầu. Dưới ánh đuốc chập chờn, năm người lầm lũi đi, chân dẫm trên những ngọn cỏ đẫm sương đêm. Gió khuya lành lạnh, những mái tranh bé nhỏ xác xơ nằm im lìm trong màn đêm tĩnh mịch. Qua bãi cỏ thâm thấp mọi người nhận ra từ xa một dải trắng bạc, đó là dòng sông Ô lâu. Họ sắp đến đó và sẽ lên chiếc thuyền cột ngay bên mép nước.
Dòng sông hiện ra mỗi lúc một gần. Chợt bác Lành dừng bước, thảng thốt nhìn về phía trước. Trăng vừa lẫn vào một đám mây sáng bạc. Dưới ánh sáng lờ mờ, bác nhận thấy một vật màu đen như một khúc thân cây nằm ngang giữa đường. Bác nhìn sững rồi quay lại. Bác gái cũng vừa đến nơi đứng gần bên bác. Giọng bác thì thầm:
- Bà nhìn kìa. Có vật gì đằng kia, ở sát bờ sông đó.
Bác gái nheo mắt:
- Hình như là khúc củi ai quăng ở đó. Không lẽ mùa nầy mà có củi rều từ trên núi trôi về?
Bác đưa cao ngọn đuốc:
- Cứ tới gần xem vật gì.
Bác gái có vẻ sợ hãi:
- Khoan đi ông ơi, chờ mấy người đi sau tới rồi cùng đi một lượt.
Bà quay lui, to giọng:
- Nhanh lên mấy bác ơi. Đến xem vật gì đằng kia kìa.
Ông Cảnh, người đàn ông khỏe nhất trong đoàn, bước tới, hỏi vội:
- Gì vậy?
Bác Lành lấy tay chỉ về phía trước:
- Nhìn xem, có phải khúc củi không?
Mặt trăng vừa ra khỏi đám mây. Ông Cảnh chăm chú nhìn rồi quay lại, giọng run run:
- Không phải củi. Hình như thây người.
Ông lấy bó đuốc trong tay bác Lành. Hai người cùng đi tới. Bác gái vội vã níu tay chồng lại:
- Ông đừng đi, đứng đây với tôi. Tôi sợ lắm.
Bác đành dừng lại nhìn theo ông Cảnh bước tới trước. Bỗng bác giật mình nghe tiếng thét to:
- Trời đất ơi!
Từ xa, bác thấy cây đuốc sút khỏi tay người cầm và rơi xuống đất. Ông Cảnh cúi xuống lượm đuốc lên quơ vội hai bên vệ đường rồi tất tả chạy lui. Giọng ông đứt khoảng trong hơi thở:
- Chính họ đó, anh em mình. Họ chết cả rồi. Ba người. Mà hình như bốn người. Trời đất hỡi, làm gì bây giờ đây?
Bác Lành nhẹ gỡ tay bác gái đang nắm chặt cánh tay mình. Bác nhìn thấy vợ mình nhắm nghiền mắt còn miệng thì lẩm nhẩm:
- A di đà Phật. Nam mô A di đà Phật. Cứu khổ, cứu nạn.
Ông Lành nói như ra lệnh:
- Yên nào. Để tôi tính. Anh Cảnh trở lại đằng đó với tôi một lần nữa để nhìn cho kỹ.
Ông Cảnh lắc đầu:
- Không cần nhìn nữa. Tôi thấy rõ lắm rồi. Tất cả có bốn xác người. Không có xác nào mặc đồ lính, toàn là người của cách mạng. Anh em mình cả đó. Tội nghiệp quá anh ơi.
- Thôi được rồi, mình trở về nhà ngồi đợi sáng. Bỏ công ngày hôm nay.
Mọi người nhanh chóng bình tĩnh trở lại vì đây không phải là lần đầu tiên có xác chết trong làng.
Những cuộc đụng độ giữa du kích và lính trong đồn vẫn thường xảy ra. Sau mỗi trận đánh, người bị thương luôn luôn được đồng đội đem đi ngay còn xác chết thường bị để lại. Đến sáng sớm, xác lính được xe mang về đồn giữa hai hàng lính bồng súng chào, còn xác du kích thì nằm yên tại chỗ cho đến lúc ánh nắng lên soi rõ đàn ruồi nhặng mãi mê bu đen trên vũng máu. Những người hảo tâm trong làng sẽ họp lại, cùng nhau lo chôn cất trong khu nghĩa địa của làng.
Bác Lành luôn luôn là một trong những người hảo tâm đó. Thế là đám ruộng dưới đồng An thơ của bác phải gặt trễ mất một ngày. Chim chóc sẽ đến ăn mất một phần những hạt lúa vàng quý giá của bác vì thằng bé được thuê giữ chim đã được bác cho nghỉ theo kế hoạch đã định của bác. Suốt ngày hôm đó bác bỏ cả ăn uống để cùng với các bô lão lo việc chôn cất những người du kích đã bị lính phục kích giết chết vào giữa khuya đêm rồi.
Các xác chết được quấn trong những manh chiếu cũ và được đặt vào những cái huyệt đào vội vàng trong nền đất đầy sỏi đá. Bác Lành đốt một que nhang, lâm râm khấn vái:
- Mấy em đã hi sinh cho Tổ quốc. Sống khôn, thác thiêng, linh hồn các em hãy phù hộ cho cách mạng chóng thành công, đem hòa bình về cho đất nước.
Đến xế chiều, mọi việc đều xong xuôi. Đáng lẽ thở ra nhẹ nhõm vì đã hoàn tất công việc nặng nề thì bác cũng như mọi người đều thấy lòng nặng trĩu. Sáng nay, khi quấn chiếu cho mấy xác chết, bác nhận ra ngay một người làng của bác. Nó là thằng Kha, chồng con Hằng, cháu gái của bác. Chân bác sụm xuống khi nhìn thấy đôi mắt người chết còn mở trừng trừng, một tay buông xuôi, một tay gác lên chiếc ngực đẫm máu. Bác đưa tay vuốt mắt nhưng mắt vẫn không nhắm lại được vì chúng đã trở nên bất động nhiều giờ trước đây. Bác ngồi chết lặng cho đến khi ai đó đá vào chân bác với giọng nói thì thầm:
- Dậy làm đi, đừng để chúng nó biết có người làng mình. Nếu không mình sẽ bị gọi lên, gọi xuống để điều tra thêm khổ tấm thân.
Bác sực tỉnh nhìn quanh, nuốt vội nỗi đau đớn để tiếp tục làm cho xong công việc. Bác dặn mọi người tham gia công việc nầy giữ kín không để cho Hằng, cháu bác hay tin. Bản chất Hằng yếu đuối lại phải lam lũ làm việc nuôi con nên thường hay bệnh hoạn. Hiện giờ phải giữ kín rồi thủng thẳng lựa dịp thuận tiện mới nói cho nó hay. Tốt nhất là đợi lúc đất nước thanh bình, mọi người đều vui vẻ thì nó có thể vượt qua được nỗi đau đớn mất chồng.
Thế nhưng, không biết do đâu, ba ngày sau, Hằng biết được chồng mình đã hi sinh. Lập tức chị ngã ra bất tỉnh. Mọi người phải vất vả lắm mới làm cho chị hồi sinh. Tỉnh rồi chị lại muốn chết đi để gặp lại chồng bên kia thế giới nhưng cuối cùng chị cũng nghe lời khuyên nhủ của bà con xóm làng cố gắng vượt qua nỗi đau để tiếp tục làm lụng nuôi con.
Mấy hôm sau, người trong làng, nhất là vợ chồng bác Lành cảm thấy hơi yên tâm khi trông thấy Hằng lại ra vườn cuốc đất và ngày ngày ra chợ bán buôn. Từ ngày đó, chị không hề nhắc đến nỗi bất hạnh của mình nữa. Tuy nhiên khi nhìn đôi mắt chị, ai cũng nhận ra được cả một nỗi đau đớn vô cùng to lớn không lúc nào nguôi.
Hai đứa con của chị cũng thay đổi hẳn tính tình. Thằng Vinh, thằng anh lớn lầm lì, suốt ngày im lặng không rời cái cào cái cuốc trong vườn, dù nó chỉ mới được mười bốn tuổi đầu. Thằng Tân thôi không còn chạy chơi rong với đám trẻ nít trong làng mà thường lẽo đẽo theo mẹ. Mẹ làm vườn thì nó ngồi nhổ cỏ, mẹ vào bếp thì nó ngồi kế bên đun củi, mẹ gánh hàng ra chợ thì nó theo sau như một con chó con.
Chị Hằng vẫn chưa vượt qua được nỗi đau, nhưng vì con, chị cố đứng dậy bằng một cố gắng cực kỳ to lớn của cái cơ thể mỗi ngày một yếu đuối hơn. Tuy nhiên, sự cố gắng nào cũng có giới hạn. Vượt quá giới hạn đó thì mọi sự đều phải rã rời.
Một buổi sáng, như thường lệ chị dậy thực sớm ra vườn cắt rau, đào khoai cho vào đầy hai cái thúng. Sau khi bắc nồi khoai trên bếp xuống, chị đặt đòn gánh lên vai để đi ra chợ. Vừa bước ra sân, chị bỗng thấy trời đất tối đen. Đôi chân như rời bỏ chị trong khi chiếc đòn gánh trên vai nặng như cả một tảng đá khổng lồ. Tảng đá đó đè chị lún sâu, lún sâu mãi trong một chiếc hố đen ngòm. Chị chới với trong một không gian mềm nhũn rồi mọi sự chung quanh trở nên lung linh như mây như khói, chúng vờn qua vờn lại, vút lên rồi hạ thấp xuống liên tục.
Chị nghe văng vẳng có tiếng gào thét của trẻ thơ thực quen thuộc, thực thân yêu. Chị nhận ra đó là tiếng khóc của hai đứa con trai của chị. Chị cố gắng thoát ra khỏi cái vùng bồng bềnh và nhầy nhớt để về với con chị nhưng chị cảm thấy bất lực. Chị cố vùng vẫy nhưng vô ích, chị buông thả để cơ thể vật vờ giữa những vật lung linh chập chờn.
Đòn gánh tuột khỏi vai chị, hai cái thúng văng ra ngoài đôi gióng. Mấy củ khoai lăn long lóc, có củ văng đến tận cuối sân, có củ nằm gọn bên mấy bó rau và mấy cành hoa huệ sáng nay vừa cắt trong vườn.
Chị được hai con khiêng vào nhà, nằm thiêm thiếp trong hai hôm thì qua đời.
Mọi người hay tin vội vã chạy đến. Không bao lâu, ngôi nhà nhỏ bé chật đầy người, tiếng khóc, tiếng than thở, tiếng bàn tán xôn xao. Chính bác Lành đứng ra lo việc chôn cất cho cháu mình. Người ta xé chiếc áo trắng duy nhất còn mới của chị Hằng để làm hai vành khăn tang quấn trên đầu hai đứa bé. Nhìn hai đứa con trai xì xụp lạy trươc linh cữu mẹ, mọi người đứng chung quanh đều bật khóc.
Quá trưa, khi mọi người đã lần lượt ra về, bác Lành nói với thằng anh:
- Mẹ con đi sau cha con đúng một tháng mười lăm ngày.
Ông móc trong túi ra một tờ giấy nho nhỏ, nhét vào tay Vinh và nói:
- Con giữ kỹ giấy nầy. Hôm cha con mất, ông về ghi ngay ngày tháng, định bụng khi nào mẹ con nguôi ngoai thì ông sẽ đưa để mẹ con nhớ mà cúng hàng năm cho cha con. Nhưng mẹ con không sống để làm giỗ đầu tiên cho chồng. Bây giờ ông giao lại cho con. Nhớ ngày ghi trong giấy là giỗ cha, một tháng rưởi sau là giỗ mẹ. Đi tới đâu, làm việc gì cũng đừng quên hai ngày đó nghe con.
Thằng Vinh nhận tờ giấy, nắm chặt trong tay, cố ngăn nước mắt. Nó ngăn được còn bác Lành thì không. Bác đặt tay lên vai nó, thút thít:
- Mẹ con qua đời dù sao cũng đỡ cay cực hơn cha con. Cha con chỉ được bó chiếu đem chôn. Xác Việt minh không được để lâu, phải chôn nội trong ngày nên không kịp đóng hòm cho nó. Mẹ con chết vì bệnh được để lâu hơn một chút nên có hòm tử tế.
Nó muốn nói một lời cám ơn với ông bác nhân từ nhưng không nói được. Nó quay qua nhìn chiếc hòm thô sơ ngăn cách nó với người thân yêu nhất đời. Nó biết rằng ông Lành đã tháo bộ ván đang dùng trong nhà để đóng chiếc hòm nầy. Bộ ván thực xưa, lên nước đen thui, đã thấm mồ hôi của nhiều thế hệ.
Trong căn nhà nghèo nàn của ông, có hai món quý giá, của gia bảo đời trước để lại cho ông. Đó là bộ ván gỗ và bộ lư đồng cùng hai chân đèn bằng gỗ quý tiện rất công phu. Trong đợt tản cư lần thứ nhất, để tránh bom đạn của đồng minh đánh phá quân Nhật, ông đem cả hai món gia bảo dìm xuống sông đề phòng cháy nhà do bom từ phi cơ rót xuống. Nhưng qua đợt đánh phá đó, không nhà nào của dân bị cháy; máy bay chỉ đánh sập cầu, nhà ga và trường học mà thôi. Ông lặn xuống sông, mò vớt hai món gia bảo lên và khó nhọc mang về nhà. Nhiều người thấy vậy đã cười chế nhạo ông. Đến đợt tản cư lần thứ hai, lúc người Pháp trở lại Huế và từ đó đánh tràn ra, ông lại mang hai vật gia bảo quăng xuống sông. Lần đó, nhà ông bị cháy cùng rất nhiều nhà khác. Tuy nhiên ông rất hài lòng vì còn giữ lại được hai món gia bảo. Từ đó, ông càng quý chúng hơn.
Bây giờ trong hai món, chỉ còn lại bộ lư đồng. Ông tặng món kia cho cháu gái ông làm vật che thân để về thế giới khác. Ông không tiếc, trái lại còn hài lòng về điều đó. Nhìn thấy thằng Vinh đang đứng gần bên, ông kéo nó lại gần sửa vành khăn trắng trên đầu nó cho ngay ngắn rồi bước ra thềm móc túi lấy gói thuốc rê, chậm rãi quấn một điếu to, châm lửa và đưa lên môi.
Thằng Vinh vẫn đứng yên nhìn quan tài mẹ. Một lúc sau, nó sực nhận thấy không có em nó ở đây. Không biết thằng bé đi đâu rồi. Vinh định lên tiếng gọi, nhưng vẫn đứng im lặng, thẫn thờ nhớ lại cuộc sống trong những ngày qua của hai anh em.
Hai năm trước đây, sau khi cách mạng Mùa Thu thành công, nó được đưa vào đội thiếu nhi của xã. Nó rất hăng hái tham gia vào các hoạt động của đội. Lúc đó, bạn bè tỏ vẻ nể phục lắm vì cha nó là một ủy viên của ủy ban kháng chiến hành chánh. Khi cầu Mỹ chánh, bị bom Đồng minh đã đánh sập năm ngoái, được sửa chữa lại, đường sắt được thông thương từ Huế ra Bắc thì cha nó không trở lại với nhiệm vụ tầm thường trước kia mà trở thành một nhân vật quan trọng của cách mạng. Nó rất hãnh diện về cha. Có lẽ nhờ uy tín của cha, nó thường được anh phụ trách đội đề cao trong các buổi sinh hoạt của đội thiếu nhi.
Vào một ngày đầu tháng chín năm 1945, nó được đề cử tham gia vào đoàn biểu tình đi dự cuộc mít tinh tại thị xã Quảng trị để chào mừng tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ sáng sớm, đoàn người đã khởi hành. Chính nó được phân công cầm dùi đánh vào cái trống trường mang theo để dẫn đầu đoàn biểu tình. Qua khỏi cầu Mỹ chánh một đoạn, cái trống được đưa lên xe của lãnh đạo và nó cũng được leo lên ngồi gần bên trống trong khi mọi người vẫn phải tiếp tục đi bộ trên con đường dài hai mươi cây số.
Đến chiều, buổi mít tinh bắt đầu. Trong sân vận động của thị xã, lô nhố những người là người, thế mà không gian hoàn toàn vắng lặng khi loa phóng thanh phát ra lời nói của vị “cha già dân tộc”. Cuối cùng, khi tiếng loa kết thúc bản tuyên ngôn độc lập và hô to những khẩu hiệu thì lập tức tiếng hoan hô, tiếng vỗ tay vang lên như sấm dậy. Nó thẳng tay đập liên hồi vào mặt trống.
Ôi chao, giây phút đó vui nhộn và hào hùng biết bao! Có lẽ suốt đời nó không quên được.
Khi hoàng hôn xuống, cuộc mít tinh chấm dứt. Người ta lần lượt ra về theo nhiều ngã khác nhau, đoàn về hướng Bắc, đoàn vô phía Nam, đoàn xuôi hướng Đông về các xã miền biển, đoàn nhắm hướng Tây đến các xã miền núi. Hầu hết đều đi bộ như lúc đến đây. Tuy nhiên, thằng Vinh vẫn được ngồi trên xe của ban lãnh đạo để trở về làng. Lúc mọi người đã rời sân vận động thì xe mới lăn bánh. Nó cầm chặt cái dùi trống trong tay, nhìn ra phía trước, thấy đoàn người dài dằng dặc lầm lũi đi dưới ánh đuốc lập loè. Chiếc xe chạy chầm chậm giữa hai hàng người.
Bỗng nó giật thót người. Phía trước mặt có duy nhất một đứa bé lại giống hệt thằng Tân, em nó, đang thất thểu lê bước giữa hàng người. Nó vội nhoài người ra ngoài và khi đi ngang qua, vội gọi lớn:
- Tân, Tân!
Thằng bé quay lại. Dưới ánh đuốc lập lòe, nhận ra đúng là đứa em, nó càng hét to: “Tân, Tân” và phóng ra sau định nhảy xuống đường. Những người trên xe vội giữ nó lại, vừa dậm chân thình thịch vào sàn xe vừa la lên:
- Dừng lại, dừng lại.
Tài xế đạp thắng, xe dừng lại sau một tiếng két.
Vinh nhảy xuống, chạy lại. Thằng Tân mệt lã, ngã vào vòng tay của anh. Nhìn thấy khuôn mặt nhợt nhạt của em, Vinh rối rít:
- Em đi đâu đây?
- Em đi biểu tình.
- Em đi với ai?
Thằng bé không trả lời, đưa tay chỉ đoàn người đi qua. Vinh vẫn rối rít:
- Ai cho em đi? Người ta cấm con nít đi theo mà.
- Em trốn đi. Em biết có anh ra ngoài nầy nên em trốn đi. Người đông quá, em tìm anh không ra.
- Mẹ có biết em đi không?
- Không, em trốn mẹ.
- Trời hỡi, bữa trưa và bữa chiều nay em ăn ở đâu?
- Em không ăn, em đói lắm.
Thằng bé nói xong gục đầu vào vai anh. Có ai đó vỗ nhẹ vào lưng, Vinh ngẩng lên thì thấy chú trưởng đoàn lôi nó dậy. Chú bảo:
- Hai anh em lên xe nhanh đi.
Nó dìu em bước tới. Nhiều cánh tay đưa xuống kéo cả hai đứa lên.
Đến gần chín giờ đêm xe mới về đến làng. Từ xa, dưới ánh trăng nghiêng nghiêng, nó thấy mẹ đang đứng trước ủy ban, ngóng cổ nhìn về phía ánh đèn xe. Thằng Tân vẫn còn ngủ say trong lòng anh. Xe từ từ lăn bánh vào sân trụ sở và ngừng lại. Nó lay em dậy, bước xuống và gọi to:
- Mẹ, mẹ, hai đứa con đây nè.
Mẹ nó phóng tới, ôm chầm lấy thằng Tân, khóc nức nở.
Ba mẹ con cùng nhau trở về ngôi nhà nghèo nàn mà ấm cúng.

*
* *

Bây giờ, ngôi nhà không còn ấm cúng nữa. Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của cha chúng nó và kéo mẹ đi theo cùng. Hai anh em bỗng chốc trở thành hai đứa trẻ mồ côi. Thằng Vinh đau đớn vô ngần. Trong nỗi đau đứt ruột, nó thấy lòng mình sôi lên một mối căm hờn.
Lòng căm hờn đã được các anh thanh niên dạy nó từ lâu, trong các buổi sinh hoạt đội thiếu nhi trước kia. Nó được giải thích rằng sở dĩ cách mạng thành công là do lòng căm thù cao độ của nhân dân. Nó hiểu được điều đó và nghĩ rằng lòng căm thù là một cái gì đó đầy vinh quang và xán lạn vì đó là nguyên nhân làm cho cuộc cách mạng thành công.
Buổi tối, sau khi sinh hoạt đội xong, các anh thanh niên thường tổ chức cho toán thiếu nhi chơi trò đánh du kích. Một vài đứa bị chỉ định làm quân địch đóng đồn trong lớp học. Những đứa khác, làm dân quân du kích, được các anh chỉ cho cách thức vào công đồn. Các anh dạy rằng khi xung phong vào chiếm đồn phải có lòng căm thù thực sâu sắc thì trò chơi mới có ý nghĩa. Nó và các bạn vâng dạ và hứa sẽ chơi với lòng căm thù sâu sắc. Sau khi hứa xong, nó cùng các bạn la hét và xông vào lớp học. Với lòng căm thù sâu sắc, nó nhào tới ôm thằng bạn giả địch, vật xuống và ôm chặt, không cho nhúc nhích. Cho đến khi bạn nó cù vào hông, nó đành buông bạn ra, hai đứa đứng dậy cười sằng sặc và quên béng đi lòng căm thù sâu sắc vừa qua.
Bây giờ, nó căm thù thực sự chứ không phải căm thù để vui chơi như trước kia. Lòng căm thù dâng lên mạnh mẽ trong lòng từ khi nó biết cha đã gục ngã vì những viên đạn của quân thù, và hiện tại, đứng trước linh cữu của mẹ, nó bỗng quyết tâm phải trả cho được mối thù nầy. Nó cảm thấy, trong cuộc đời nó từ nay về sau, không còn gì có ý nghĩa nữa ngoài mối thù đối với những người đã giết chết cha mẹ mình.

Ngay buổi chiều hôm đó, chị Hằng được đưa ra nghĩa địa đầu làng. Người ta vòng hai sợi dây phía trước và phía sau quan tài và dùng hai cái đòn để khiêng đi. Trong làng không còn người trẻ nữa nên người già phải thay nhau. Phía sau có vài người đàn bà cùng hai đứa trẻ đi theo. Viên trưởng đồn không muốn có sự tụ tập đông đúc nên chỉ cho từng ấy người đi đưa tiễn kẻ quá cố mà thôi.
Đám ma lặng lẽ đi trên con đường làng buồn bã. Thỉnh thoảng có tiếng khóc thút thít của người đi đưa, hòa lẫn với tiếng thở phì phò của người khiêng linh cữu, cùng tiếng gió thổi vi vu vào tàn cây và tiếng xào xạc của những bước chân dẫm trên lá vàng khô.
Đoàn người dừng lại trên khu đất dùng làm nghĩa địa của dân làng. Đó là một vùng đồi hoang, lô nhô những ngôi mộ không theo hàng lối nào cả. Người lính trong đồn vác súng theo họ để canh chừng, dừng lại ngoài đường nhìn theo đoàn người buồn bã đi sâu vào bên trong, nơi có những bụi cây hoang lúp xúp.
Ông Lành bảo hai đứa trẻ quỳ xuống trước một cái huyệt mới đào. Người ta lặng lẽ hạ quan tài xuống và lấp đất lại. Thằng Tân quay sang cầm lấy tay anh, nức nở:
- Anh Vinh, mẹ không bao giờ về với mình nữa phải không anh?
Nghe thằng bé hỏi, mọi người bật khóc. Thằng Vinh cũng không tự kềm chế được nữa, ôm chặt lấy em khóc ngất.
Ông Lành nắm tay hai anh em lôi đứng dậy:
- Thôi hai con ra đi, lạy từ biệt mẹ rồi về vì trời sắp tối.
Hai đứa ngạc nhiên thấy ông lôi chúng nó thụt lùi xa mộ và bảo quỳ xuống. Ông ngồi thụp bên hai đứa, nói nho nhỏ:
- Mộ cha con bên mộ mẹ đó. Ông đã chỉ chỗ đào huyệt mẹ con để cho hai vợ chồng được ở gần nhau dưới đất. Hai đứa con quỳ đây lạy chung cho cả cha lẫn mẹ. Làm như vậy để cho ông lính ngoài kia và người khác khỏi nghi ngờ.
Thằng Vinh ngước mắt nhìn. Bây giờ, nó mới để ý bốn ngôi mộ còn trơ mô đất, loáng thoáng vài chùm cỏ mới mọc lên. Có lẽ do tình cờ chứ không phải do sự sắp đặt của ông Lành, cha nó được chôn ngoài cùng trong số bốn người du kích đã bị bắn chết cách nay gần hai tháng. Bây giờ mộ mẹ nó nằm sát kế bên, thế là cha mẹ nó được gần nhau mãi mãi, như lời ông Lành nói với chúng nó.
Hai anh em cúi sát đất lạy hai ngôi mộ rồi đứng dậy ra về cùng mọi người. Đoàn người vội vàng rảo bước về nhà vì màn đêm sắp buông xuống trùm lấy ngôi làng bé nhỏ.
Ngôi nhà tranh của hai đứa bé trở nên vô cùng thê lương. Thằng anh đi thẳng xuống bếp, thằng em lẽo đẽo theo sau. Bên ngoài sáng lờ mờ nhưng trong nhà tối om. Từ lâu, hai đứa đã quen với bóng tối, vì trong làng, không nhà nào dám thắp đèn ban đêm. Ánh đèn trong nhà có thể lôi kéo sự hiểm nguy đến không biết lúc nào.
Vinh mò mẫm lấy nồi cơm mà khi trưa bà Lành nấu sẵn cho hai đứa, mò lấy chén đũa, hũ cà muối đem ra hiên nhà. Hai anh em lặng lẽ ngồi ăn. Trời không có mây, mặt trăng thượng tuần hình lưỡi liềm đã ngã hẳn về hướng Tây, lấp ló trên ngọn cây trước vườn. Gió nhẹ làm lá cây rung rinh in những bóng đen mờ nhạt xê qua xích lại trên nền đất màu trắng nhờ nhờ. Một con đom đóm bay qua, phát ánh sáng màu xanh chớp tắt đều đặn, lượn một vòng quanh sân rồi chui vào vòm lá tối đen. Trên không có tiếng vạc ăn đêm kêu lên buồn thảm, bóng mấy cánh chim hiện lờ mờ trên nền trời bàng bạc. Xa xa, một tiếng súng vang lên thực cô đơn, tiếng vọng của nó như một cái đuôi dài lê thê gồm vô số những oan hồn tử sĩ của bao người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh rùng rợn nầy.
Thằng em đang ăn, bỗng buông đũa khóc thút thít. Thằng anh quay sang cầm lấy tay em. Nó nghe giọng em qua tiếng khóc:
- Anh Vinh, mẹ đi luôn không về nữa phải không?
Suốt ngày thằng bé chỉ có một câu hỏi đó để nói với anh. Nó không thể hình dung được một cuộc sống trên đời nầy mà không có mẹ. Rồi ai nấu cơm cho nó ăn, ai cởi áo quần nó ra để tắm rửa mỗi buổi chiều, ai xoa đầu nó một cách âu yếm khi nó đến gần? Mẹ không còn trở về đây với nó nữa hay sao? Đôi mắt ấy, hơi thở ấy, giọng nói ấy, bàn tay ấy bây giờ đâu rồi, nó vĩnh viễn không còn nghe, còn thấy nữa sao? Nó úp mặt vào hai tay, khóc nấc lên.
Thằng Vinh cố nuốt nước mắt, vỗ nhẹ vào đầu em nó, khẽ bảo:
- Thôi nín đi, ăn cơm cho xong rồi đi ngủ.
Vinh căng mắt nhìn vào nồi, tìm vét những hạt cơm cuối cùng vào chén của em nó.
Xong bữa ăn, Vinh đùa chén đũa và nồi cơm sang một bên, mò mẫm lấy nước uống rồi dắt em vào giường. Hai anh em buông mình trên chiếc giường tre ọp ẹp nơi mẹ đã ngủ trong bao ngày qua. Nó nghe tiếng khóc thút thít của thằng Tân nên biết rằng em nó cũng như nó, đang nhớ tới mẹ hằng đêm an giấc trên chiếc giường nầy. Tiếng khóc nhỏ dần rồi nín bặt. Nó biết đứa em đang đi vào giấc ngủ của trẻ thơ.
Nó ngẩng đầu cố nhìn. Trong bóng đêm lờ mờ, nó thấy em nằm nghiêng, hai chân co lên, mặt úp vào vai nó, tay trái duỗi thẳng, tay mặt ôm chặt cánh tay của nó. Nó đưa bàn tay đặt lên mái tóc rối bù của em, trong lòng chợt cồn cào một tình cảm mới lạ, vô cùng mãnh liệt làm cho hơi thở nó dồn dập.
Lúc mẹ còn sống, nó chưa hề có tình cảm nầy. Tấm thân mẹ bé nhỏ nhưng tình thương mẹ bao la nên nó cứ mặc nhiên dựa vào tình thương đó mà sống. Nó không bao giờ tự hỏi chỗ dựa ấy có bền vững hay không nên cứ sống một cách thản nhiên, ngày thì vui đùa hay làm những việc vừa sức để giúp đỡ mẹ, đêm thì ngủ yên với những giấc mộng lành. Mái nhà của nó tuy nghèo nàn nhưng trong đó chứa cả một không gian ấm cúng và bình an; nó sống thực thanh thản, cuộc chiến tranh kinh tởm không làm mất sự yên ổn trong tâm hồn vì nó có một chỗ dựa mà nó cho rằng rất vững chắc. Chỗ dựa đó chính là tấm lòng thương yêu vô bờ bến của mẹ.
Bây giờ, mẹ mất rồi, không còn hình bóng mẹ ra vào gian nhà nầy nữa, nó cảm thấy một sự sụp đổ ghê gớm vừa xảy ra. Vinh khẽ nghiêng đầu nhìn vào cuối gian nhà, nơi mới sáng nay mẹ còn nằm trong mấy tấm ván. Nó mở to mắt đăm đăm nhìn vào bóng tối, mặc cho hai dòng nước mắt tuôn ra, chảy dài xuống gối.
Bóng dáng mẹ trong những ngày qua hiện về rõ rệt trong đầu; nó sực nhớ ra rằng gần hai tháng cuối cùng của cuộc đời, kể từ khi hay tin cha nó bị tử thương, mẹ suy giảm sức khỏe từng ngày. Mẹ trở nên ốm yếu và xanh xao, về đêm thường ho nhiều tiếng. Tuy nhiên, mẹ vẫn không ngừng làm việc và chiếc đòn gánh không giảm chút nào trọng lượng trên đôi vai gầy gò. Đôi khi nó cũng có lo ngại, nhưng đó là nỗi lo có tính bâng quơ không kèm theo một ý thức trách nhiệm nào trong đầu óc thơ ngây. Nó thấy đau nhói trong lòng vì ý nghĩ đã không giúp ích gì cho mẹ để mẹ phải chết đi vì quá lao lực. Nó buộc miệng nói thầm:
- Phải chi cha còn sống!
Nếu cha còn sống và ở nhà cùng gia đình thì chắc chắn mẹ không qua đời quá sớm. Nó nhớ lại những năm trước cách mạng Mùa Thu. Đó là những năm hạnh phúc nhất trong quảng đời thơ ấu của nó. Hai anh em cùng đi học trường làng, ngày hai buổi. Mỗi chiều tan trường, chúng nó cắp sách về nhà. Bữa cơm chiều chỉ có ba mẹ con. Đến hơn tám giờ, nghe tiếng còi tàu rồi tiếng rầm rầm của đoàn xe lửa chạy ngang qua cầu Mỹ chánh là nó biết cha sắp về. Đó là chuyến tàu xuyên Việt cuối cùng trong ngày, cha sẽ khóa ghi và về nhà với vợ con. Nửa giờ sau, cha xuất hiện trên bục cửa với khuôn mặt vui tươi cùng nụ cười rạng rỡ.
Đó là những ngày thần tiên trong thời thơ ấu của anh em nó.
Rồi cách mạng Mùa Thu bùng nổ, nó hân hoan và nô nức tham gia công tác như nhiều người khác trong làng. Cha nhanh chóng trở thành một cán bộ quan trọng. Trong những buổi lễ tổ chức tại địa phương, nó thấy cha ngồi vào một trong những chiếc ghế dành cho đoàn chủ tọa. Nó hãnh diện về cha nó vô cùng.
Khi ông bị bắn chết, nó cảm thấy người ta đã đập vỡ một cái gì đó rất thiêng liêng đối với nó. Nghĩ đến đó, một lần nữa, mối căm hờn lại dâng lên cuồn cuộn trong lòng.
Nó tự nhủ phải trả thù, nhất quyết phải trả thù.
Nó tự hỏi trả thù cách nào với sức vóc của đứa trẻ như nó?
Sau khi suy nghĩ, nó cũng tìm ra được giải pháp. Đó là theo cách mạng, theo con đường mà cha nó đã đi. Mối thù của nó phải đặt vào trong mối thù chung của dân tộc. Trả thù được cho dân tộc đồng nghĩa với trà thù riêng cho cha nó. Các anh thanh niên đã từng dạy như thế trong các buổi sinh hoạt thiếu nhi mà bây giờ nó mới nhận ra được ý nghĩa.
Nhưng làm sao theo được cách mạng? Nó biết cách mạng đang ở gần đâu đây. Bên kia sông? Nơi bìa làng? Có khi đang ở sát bên hè nhà cũng nên. Nhưng làm sao biết đích xác họ ở chỗ nào để đến với họ, làm sao cho họ biết rằng nó đang mang mối căm hờn và quyết tâm theo cách mạng để trả thù?
Nó chợt vùng dậy, đập hai tay vào nhau:
- Đúng rồi!
Nó vừa nhớ tới anh Nậm, con ông Cửu Điền. Có một lần, nó tình cờ biết được anh Nậm là liên lạc viên bí mật, vẫn ở nhà cha mẹ, ngay trong làng. Nó đã nhiều lần đi chơi với anh Nậm. Lúc quân Pháp chưa tràn ra đây, nó còn học chung với anh Nậm ở trường làng nữa. Nậm lớn hơn nó hai tuổi nhưng nhỏ con, chỉ cao bằng nó mà thôi. Nậm hiền lành, học dốt nhưng ăn nói khôn ngoan. Lúc còn học chung, nó thường cho Nậm cóp bài làm, vì vậy nó biết chắc rằng Nậm có nhiều cảm tình với nó.
Nhà anh Nậm ở cuối làng gần với bến sông. Có vài lần xuống tắm, nó tạt vào nhà anh Nậm và được mẹ anh ấy đón tiếp vui vẻ. Bà thường dẫn nó ra vườn và hái cho nó một số trái cây mang về nhà.
Vậy thì nó có thể tìm được anh Nậm một cách dễ dàng để nói thực ý muốn của mình. Anh Nậm là người của cách mạng, chắc chắn sẽ hoan nghênh và đưa nó vào chiến khu.
Nó định bụng ngay sáng mai sẽ đến gặp anh Nậm. Nhưng rủi anh ấy đang ở chiến khu mà không có mặt ở nhà thì sao? Nhà ông Cửu Điền có đám ruộng ở đồng An thơ, rủi anh ta theo cha xuống ruộng ở lâu ngày thì sao? Nó lo lắng phải chờ đợi phải chờ đợi anh Nậm trở về
Không, nó không muốn chờ đợi. Nó muốn đi ngay vào chiến khu nội nhật ngày mai. Nó muốn trả thù cho cha mẹ càng sớm càng tốt, không thể chờ đợi được nhiều ngày khi ngọn lửa căm hờn đang bùng cháy trong lòng.
Không thể chờ đợi được; nó phải gặp anh Nậm ngay ngày mai. Nếu không gặp được anh Nậm thì nó sẽ chạy đại vào chiến khu để nói cho cách mạng biết nỗi lòng của nó. Nó sẽ nói tên cha nó ra, chắc chắn người ta sẽ tiếp đón nó một cách ân cần và cho nó vào hàng ngũ của cách mạng.
Nó tự hỏi chiến khu ở đâu để chạy đại vào? Nó nghĩ rằng chiến khu có thể ở các làng ven biển, cứ nhắm hướng Đông mà đi thì thế nào cũng tới. Chiến khu cũng có thể ở những làng ven núi, thế thì phải tiến về hướng Tây, hướng mặt trời lặn.
Sau một phút suy nghĩ, nó chọn chiến khu miền núi thay vì miền biển. Trước đây, nó từng theo cha lên đường sắt, đứng trên đầu cầu say sưa nhìn về hướng Trường sơn. Những ngọn núi xanh lơ lũ lượt từ phía bắc chạy vào và tiếp tục thẳng hướng về nam. Nó rất ưa thích dải núi dài dằng dặc, trong đó, nó tưởng tượng biết bao điều thú vị. Những cây cao cành lá tỏa bóng mát mọt vùng, những bãi cỏ xinh tươi đầy bướm lượn, những đàn nai hươu nhởn nhơ, những bầy chim ríu rít, những ngọn suối trong veo gom nước đổ vào dòng Ô lâu. Nước dưới chân cầu mà nó thường đứng trên nhìn xuống, chính là nước trên ngàn, trên vùng đất xinh tươi đó đổ xuống. Nó sẽ đến tận cội nguồn của dòng Ô lâu của nó, nơi mà mùa mưa thì nước tràn về cuồn cuộn còn mùa nắng nước lững lờ trôi giữa hai bờ có lũy tre xanh nghiêng mình soi bóng.
Trong trí tưởng tượng của nó, dòng sông thâu yêu hiện ra với nét vừa rực rỡ, vừa êm đềm.
Nó sẽ lên đến đỉnh Trường sơn, nơi xuất phát những ngọn suối đầu tiên. Nó sẽ bứt những lá cây rừng đề vào hai chữ “Cha, Mẹ” rồi thả trong dòng suối. Nước sẽ trịnh trọng mang những lá nầy xuôi theo dòng Ô lâu về làng nó, ngang qua nơi an nghỉ cuối cùng của hai bậc sinh thành đã bị kẻ thù giết chết.
Ngọn lửa căm hờn cùng lúc với sự hình dung lãng mạn sục sôi trong lòng nó, thúc đẩy nó phải nhanh chóng lên đường…
- Mẹ, mẹ, sao mẹ đi chợ lâu vậy, con đói bụng rồi.
Vinh giật mình vì tiếng mớ của em. Giòng tưởng tượng vụt tắt, nó cúi sát, nhìn vào mặt em. Trăng bên ngoài đang tỏ, mắt nó cũng quen với ánh sáng nhợt nhạt trong phòng nên nó nhìn thấy đôi mắt em nhắm nghiền trong giấc ngủ an lành, miệng mỉm cười. Nó đoán em nó đang đón mẹ về trong giấc mơ. Từ trong đôi mắt của nó, hai giọt nước trào ra lăn tròn trên má. Nó lấy tay áo lau nước mắt rồi ngồi nhìn ra các ngọn cây đen thui in hình trên nền trời sáng bạc.
Nó tiếp tục mở mắt nhìn vào bóng đêm và suy nghĩ miên man. Ngày mai, nó ra chiến khu rồi thì em nó sẽ ra sao? Cho đến bây giờ em nó chỉ là một đứa bé ngoan hiền, chỉ biết núp vào cái bóng che chở của mẹ. Mẹ mất rồi thì chính nó phải thay vào cái bóng đó để ấp ủ em đứa em. Nó ra đi thì được phần cho mình rồi, nhưng em nó sẽ ra sao? Thằng bé còn quá nhỏ và quá yếu đuối để có thể theo ra chiến khu. Em nó sẽ ở lại với ai trong cái ngôi làng buồn thảm, dẫy đầy chết chóc nầy? Ở lại đây, nó cũng chưa biết làm gì để nuôi sống hai đứa nhưng, ít ra, khi có nó, em nó cũng có người để trò chuyện, có người nấu cơm cho ăn và đêm ngủ có cánh tay để tựa đầu.
Nó thở dài, khẽ nắm bàn tay em đưa lên hôn. Nó nằm xuống, ngập chìm trong nỗi buồn mênh mông. Nó nhắm mắt lại, mơ đến mẹ và chìm dần trong giấc ngủ muộn màng.


*
* *


Sau tiếng gà gáy đầu tiên, ông Lành ngồi dậy. Ông đã thức giấc từ lâu nhưng vẫn nằm im lặng. Không lâu sau, ông nghe tiếng bà ho trong buồng nên lên tiếng:
- Bà cũng dậy rồi à?
- Ừ, thức dậy lâu rồi.
- Bà ra đây tôi bàn công chuyện một chút.
Trời còn khuya lắm. Ông Lành xuống giường mò mẫm đi tìm ấm nước chè, rót ra bát ực một hơi. Nước chè tươi để nguội có mùi ngai ngái khó uống. Ông muốn nhúm lửa hâm nóng nhưng không dám. Những hôm đi gặt lúa, ông phải xin phép trước cả hai phía mới dám đốt lò lửa trong đêm khuya.
Bà từ trong buồng bước ra. Hai ông bà ngồi im lặng một lát trong bóng tối. Hồi lâu, ông quay sang nắm tay bà:
- Bà nầy.
- Hử?
- Tội nghiệp con Hằng.
Bà gật đầu, đáp lời ông, giọng rầu rầu:
- Cả đêm nhớ tới nó tôi khóc hoài, ngủ nghê gì đâu.
- Tôi thì đầu hôm ngủ được một lúc vì cả ngày hôm qua lo đám cho nó, khiêng hòm mỏi nhừ mình mẩy. Nửa đêm giựt mình thức dậy, nhớ tới hai đứa nhỏ, tôi nằm trằn trọc hoài không ngủ lại được.
Ông dừng lại một chút rồi nói tiếp:
- Không biết nhà nó còn gạo, còn khoai gì không? Hôm qua đưa đám xong về tới nhà thì tối thui đâu có dám nổi lửa lên mà nấu cơm. Chắc hai đứa nhỏ nhịn đói cả đêm. Tội nghiệp!
- Không, trưa hôm qua tôi có nấu sẵn nồi cơm cho hai anh em rồi.
Giọng ông hơi ngạc nhiên và thán phục:
- Bà giỏi và chu đáo lắm, tôi không bằng bà.
Trong đêm tối, bà mỉm cười sung sướng vì lời khen của chồng. Giọng ông vẫn nhỏ nhẹ và đều đều:
- Tội nghiệp hai đứa còn nhỏ quá. Trong vòng chưa đầy hai tháng mất cả cha lẫn mẹ, trở thành hai trẻ mồ côi. Nầy bà, bà thấy hũ gạo của tụi nó còn không?
- Còn một ít, đủ ăn trong ba ngày là cùng. Ông có tính lo cho tụi nó thế nào không?
- Có chứ. Làng nầy, bà con bỏ đi gần hết, chỉ còn vợ chồng mình là thân thiết với chúng nó thôi. Mình không lo cho hai đứa thì ai lo?
- Ông tính làm sao? Hay là đem hai anh em tụi nó về đây ở với mình.
- Không được. Hôm qua, trước khi đưa mẹ nó đi, tôi có biểu thằng Vinh sau khi đưa đám xong thì hai anh em về nhà mình ở luôn. Nó không chịu, nói muốn ở nhà cha mẹ. Cha mẹ không còn nhưng nó không nỡ rời cái nơi hai người đã từng sống với anh em nó. Nó bảo rằng chắc chắn thỉnh thoảng linh hồn cha mẹ sẽ về với chúng nó.
Bà nghe nói thoáng rùng mình, ngắt lời ông:
- Cái thằng còn nhỏ mà ăn nói khôn ngoan và hiếu thảo thế đó. Con cái như vậy mà trời bắt xa cha lìa mẹ. Tội nghiệp! Nhưng không lẽ để tụi nó ở hoài như vậy sao? Lấy gì mà sống?
- Phải rồi. Không nên để chúng nó ở hoài trong cái làng nầy. Mình gần đất xa trời rồi, bám lại đây với ông bà, rủ ro có bề gì thì không tiếc cái thân già cho lắm. Tụi nó còn nhỏ dại, tương lai còn dài, bắt phải sống và chịu đựng cảnh nầy sao cho đành.
- Vậy thì làm sao? Hay là đem chúng về bên quê nội của chúng nó.
- Không được. Quê nội chúng nó là làng Phước tích thì cũng bất ổn như làng nầy vậy thôi. Ông bà nội chúng nó lại chết cả rồi. Chú bác, cô dì, người thì chết, người ra chiến khu, người đi vô Nam, chẳng còn ai thân thích nữa. Trước đây làng đó giàu hơn bên mình, nhà ngói nhiều hơn nhà tranh; nhà nào cũng rộn ràng, con cháu sum vầy. Bây giờ thì hoang tàn lắm, còn tệ hơn bên làng mình nữa.
Bà chép miệng, ngắt lời ông:
- Giá mà đừng có cách mạng thì đỡ khổ, ông hỉ?
Ông quay sang đập mạnh vào vai bà:
- Nè, bà bỏ cái giọng đó đi nghe chưa. Họ mà nghe được thì mười cái đầu của bà cũng rụng xuống đất.
Bà chống chế:
- Tôi nói riêng với ông chứ có ai ở đây đâu nào.
Bà trở lại vấn đề đang bàn bạc:
- Ông tính chuyện cho hai anh em nó đi khỏi làng hả?
- Ừ
- Đi đâu? Đi với ai?
- Con Hằng có người anh cô cậu đang ở trong Nam, bà có biết không?
Bà gật đầu:
- Có, tôi có nghe nói nhưng không rõ lắm.
- Người đó tên là Danh, từ nhỏ vào trong Sài gòn đi học rồi ở luôn trong đó làm việc. Bữa trước, tôi nghe chị Cửu Điền đi Huế về nói có gặp ông Đốc Tân trong đó, Đốc Tân là bạn với thằng Danh từ thuở nhỏ.
- Có phải ông Tân, trước cách mạng làm đốc học trường làng mình không?
- Đúng rồi đó. Đốc Tân kể chuyện thằng Danh vào trong Nam rồi qua Tây du học, đậu được bằng cấp gì đó, bây giờ làm to lắm.
- Làm việc trong Sài gòn hả?
- Ừ, nhưng xa hơn Sài gòn một chút. Chỗ đó gọi là Mỹ tho. Tôi muốn gởi tụi nó vô trong đó để sống nương nhờ cậu bà con của chúng nó. Tôi nghe nói trong đó cũng có chiến tranh nhưng không khổ cực như ngoài nầy. Người ta chỉ đánh nhau xa xa ở dưới miệt quê, còn trong thành phố vẫn có cơm ăn áo mặc, đêm được ngủ yên giấc không phải phập phồng lo sợ. Trong đó, người lớn làm việc còn con nít được đi học đàng hoàng. Trước đây, thằng Vinh nổi tiếng học giỏi nhất trường ai cũng biết, vì chiến tranh mà phải bỏ học thiệt là tiếc. Nay vào trong đó đi học trở lại thì hay vô cùng.
Bà Lành cướp lời, giọng phấn khởi:
- Nhưng ông làm sao gởi tụi nó vào được?
- Chính vì điều đó mà tôi muốn bà dậy sớm để bàn với bà.
Bà ngồi thẳng dậy để được chăm chú hơn:
- Ông nói ý ông cho tôi nghe đi.
- Đợi trời sáng bà đem rổ khoai mà tôi mới đào hôm qua cho anh em nó luộc ăn.
Bà Lành sốt ruột:
- Được rồi, đó là chuyện phụ. Ông hãy nói tôi nghe ý của ông về việc đưa anh em nó vào Nam.
- Suỵt, nói nhỏ vậy. Tôi đang nói kế hoạch đó mà. Đem khoai cho anh em nó xong, bà đi thong thả đến nhà mụ Cửu Điền, hỏi chỗ ở của Đốc Tân ở Huế rồi ra đón xe tuốt vào trong đó. Bà trình bày cho Đốc Tân biết việc ngoài nầy và nhờ ông ta đánh điện gấp vô cho thằng Danh biết. Rồi tùy thằng Danh định liệu cho hai đứa cháu họ của nó. Bà cố đi nội trong ngày rồi về. Đàn bà sáng đi chiều về thì khỏi phải xin phép tắc gì cả.
Bà Lành có vẻ mừng rỡ:
- Được rồi, sáng ngày, tôi đem khoai qua và nói kế hoạch của ông cho anh em chúng nó mừng, cũng khuây khỏa được nỗi buồn nhớ mẹ nhớ cha.
Ông quay sang bà, giọng hoảng hốt:
- Ấy chết, bà đừng nói chuyện nầy cho ai biết, kể cả hai đứa nhỏ và vợ chồng Cửu Điền. Bà nói với mụ Cửu Điền là vào Huế tìm Đốc Tân để vay tiền về mua lúa giống. Nếu chuyện nầy xì ra ngoài, họ có thể ghép mình vào tội liên lạc với quân thù mãi tận trong Sài gòn thì nguy. Nguy cho mình mà nguy cho hai đứa nhỏ nữa. Bà nên nhớ thằng Danh là Việt gian hạng nặng. Thứ đó Việt Minh tóm được là tiêu ngay. Liên lạc với nó cũng có thể bị ghép vào tội chết.
Bà Lành cướp lời ông, giọng mỉa mai cay đắng:
- Chỉ có Việt gian mới lo được cho trẻ con cơm ăn áo mặc, học hành tử tế!
Ông quay ngoắt lại, giọng bực tức:
- Nầy, bà bỏ cái giọng châm chọc phản động đó đi, nghe chưa? Thời buổi nầy mà bà ăn nói như vậy thì không thọ đâu. Bà nghe tôi dặn tiếp đây nầy. Đừng nói chuyện nầy cho hai đứa nhỏ biết. Con nít khó kín miệng lắm. Vả lại, chưa biết thằng Danh có chịu cưu mang cháu nó không. Nếu thằng Danh không muốn giúp, để cho hai đứa sớm hi vọng rồi thất vọng thì tội nghiệp lắm.
Thấy ông ngưng nói, bà lên tiếng một cách dịu dàng để làm hòa với ông:
- Hồi nãy, ông khen tôi chu đáo, chứ ông còn chu đáo hơn tôi nhiều.
Ông cười, tỏ vẻ hài lòng:
- Đàn ông, đàn bà, mỗi người chu đáo một cách khác nhau.
Bà sực quay sang hỏi ông:
- Nhưng rủi thằng Danh chịu mà hai đứa nhỏ không chịu thì tính sao? Ông bảo chúng nó sang ở nhà mình, cách nhà nó có vài chục bước mà chúng nó không chịu đi. Bây giờ bảo rời xa vĩnh viễn nơi cha mẹ nó đã sống thì chúng nó có chịu không?
Giọng ông cương quyết:
- Chuyện quan trọng. Người lớn đã sắp đặt, chúng phải nghe theo. À còn chuyện nầy nữa. Bà nhớ nói với Đốc Tân là nếu thằng Danh bằng lòng thì phải thu xếp cho kín đáo đừng để liên lụy đến tôi và bà. Nếu làm không khéo thì mình làm ơn lại phải mắc nạn.

*
* *

Bà Lành cắp rổ khoai bước vào nhà, thấy hai anh em còn ôm nhau ngủ say sưa. Bà lay chúng dậy, trao rổ khoai, hỏi thăm ba điều bốn chuyện rồi tất tả ra đường, thẳng đến nhà mụ Cửu Điền.
Thằng Vinh đứng lên, bước ra cửa nhìn bầu trời đã sáng tỏ. Nó quay lại thấy em nó đang ngồi trên giường, thẩn thờ nhìn nơi đã đặt quan tài của mẹ. Chỗ đó bây giờ trống trơn, chỉ còn một cái bát cắm nhang nằm chơ vơ trên nền đất. Nó muốn đốt cho mẹ một cây nhang nhưng không còn cây nào cả trong nhà. Trong đám tang mẹ nó, bà Lành đi lùng sục mấy nhà bà con và chỉ xin được khoảng một chục cây. Đó có lẽ là những cây nhang cuối cùng trong ngôi làng nầy.
Nó dẫn em ra sàn nước để rửa mặt rồi vào nhúm lửa để luộc khoai. Nó ngồi trước bếp, đun từng cây củi nhỏ vào lò. Nó quay lui nhìn thằng Tân im lặng ngồi sau lưng nó, nước mắt nó lại chực trào ra. Quả thực, thấy nét buồn dàu dàu trên khuôn mặt thơ ngây thì đến sỏi đá cũng phải rơi nước mắt.
Ăn xong, hai đứa trẻ dẫn nhau ra vườn, chăm chỉ xới đất bón phân. Trước đây, khi còn sống, giờ nầy mẹ đang sửa soạn quang gánh ra chợ. Hai đứa ở nhà cứ nhìn xem ánh nắng mà chờ đợi. Khi mặt trời lên quá ngọn cau hai cây sào thì mẹ về, nét mặt tươi cười, những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, trên má, trên môi. Hôm nay, cũng như mọi ngày, hai đứa theo thói quen, thỉnh thoảng nhìn lên bầu trời để xem mặt trời nhích dần lên thực cao mà ngoài ngõ vắng tanh không một bóng người.
Buổi trưa, cơm nước xong xuôi, Vinh nằm thao thức đợi cho em ngủ say. Nó sẽ một mình ra khỏi nhà và đến nhà ông Cửu Điền. Nó cần phải gặp anh Nậm. Nó biết rằng không thể nào bỏ rơi thằng em côi cút để một mình đi vào chiến khu. Tuy nhiên, suốt buổi sáng hôm nay, mỗi lát cuốc bổ xuống đất lại làm cho nó nhớ tới cái chết của mẹ, cái chết của cha, lòng căm hờn lại cuồn cuộn dâng lên. Nó thấy bứt rứt, muốn chạy ngay vào chiến khu, muốn cùng với các anh du kích, trở về xông vào đồn giặc. Nó chỉ nghĩ đến việc xông vào đồn giặc mà thôi. Óc tưởng tượng của trẻ thơ thường ngưng ngang nửa chừng chứ không tới nơi tới chốn, mọi việc tiếp theo để đi đến kết thúc, mặc nhiên dành cho người lớn lo liệu.
Thực ra anh Nậm chưa phải là người lớn vì chỉ hơn nó hai tưổi mà thôi nhưng anh ấy là người của cách mạng. Anh ấy có một cái gì đó rất đáng kính của một con người đã trưởng thành trước tuổi. Nó phải tìm đến anh Nậm để nhờ anh giải quyết cho nó nỗi băn khoăn giữa ở và đi. Nó sẽ nghe theo lời của anh Nậm. Đó không còn là một lời khuyên mà là một quyết định cho nó. Tuy anh Nậm chỉ là bạn học thôi nhưng nó cứ xem anh là chỗ dựa làm cho lòng bớt nặng nề.
Nó rón rén xuống giường, buớc ra cửa, quay lại nhìn thấy em đang ngủ say. Nó thẳng đường xuống bến và rẽ vào nhà ông Cửu Điền. Con chó Vện nhảy ra hực một tiếng rồi vẫy đuôi mừng khi nhận ra người quen. Mụ Cửu Điền nghe tiếng chó, vội thò đầu ra nhìn. Thấy nó, mụ cười đon đả:
- Thằng Vinh đó hả, vào đây con.
Giọng bà nhỏ lại đủ nghe, dường như sợ nó tủi thân:
- Tội nghiệp, mới có một ngày mà đã mồ côi.
Ý mụ muốn nói nó trở thành trẻ mô côi chỉ mới có một ngày mà thôi. Mụ kéo nó vào nhà, vuốt tóc nó. Mụ phải đưa tay lên cao mới sờ tới vì vóc dáng mụ nhỏ thó, đứng bên nó bà còn thấp hơn nó đến gần một cái đầu. Giọng mụ dịu dàng:
- Thằng Tân, em con đâu rồi? Sao con đi chơi một mình? Con định đi tắm dưới sông phải không?
Nó thủng thẳng đáp lại những câu hỏi của mụ:
- Dạ, em con còn ngủ, con đi một mình. Con không định xuống sông. Con đến đây tìm anh Nậm.
Nói xong, nó nhìn quanh. Mụ thoáng giật mình và gần như hốt hoảng. Tuy nhiên, đó chỉ là phản xạ thôi chứ đứa bé nầy thì có gì phải sợ khi nó hỏi đến thằng con Việt minh của mụ. Hai đứa vẫn thường rủ nhau đi tắm sông, câu cá hoặc thả diều trên cồn hoang kia mà. Vì vậy, mụ lấy lại bình tĩnh một cách nhanh chóng. Mụ nói:
- Thằng Nậm đi ruộng với cha nó rồi.
- Chừng mô anh Nậm về hả bác?
- Xong ruộng mới về. Chắc còn lâu.
Nhìn Vinh cúi đầu buồn bã, mụ cảm thấy thương hại:
- Con nhớ nó hả, không có đứa nào khác đi chơi với con sao?
- Dạ không, thôi thưa bác con về.
Mụ đứng dậy, vừa đi vô bếp, vừa nói:
- Khoan, chờ một chút. Bác có gói sẵn một ít gạo, con đem về nấu cơm để hai anh em ăn. Bác tính chút nữa đem lên cho tụi bây, nhưng thôi sẵn đây con đem về cũng được. Chiều nay, nếu mua được cá của kẻ chài, bác kho rồi mang lên cho.
- Dạ, chừng nào anh Nậm về, bác nói lên cho con gặp liền nghe bác.
- Ừ, bác sẽ biểu nó lên.
Tuy nói thế chứ mụ biết thằng Nậm, con mụ không bao giờ trở về lúc nầy. Hơn nửa tháng trước, chồng mụ nghe phong phanh rằng trên đồn nghi nó là liên lạc viên của Việt minh nên ông đã bảo nó xin với tổ chức rút hẳn về chiến khu. Nó đã thoát ly gia đình thì mong gì còn có ngày trở về với mụ. Mụ ứa nước mắt khi nghĩ đến con nhưng vội bình tĩnh giữ vẻ thản nhiên dù kẻ đứng trước mặt mụ chỉ là một đứa bé mới lớn lên.
Thằng Vinh buồn bã ra về. Mặt trời đang trên đỉnh đầu, nắng chang chang nhưng khí trời không nóng lắm vì mới bước vào mùa xuân. Đường làng vắng lặng không một bóng người. Những ngọn trúc bất động hai bên đường in rõ những bóng đen dài đan lên nhau trên mặt đất làm tăng thêm nỗi u tịch của ngôi làng hẻo lánh đang bị chiến tranh dày xéo.
Ngày lại ngày tiếp nối đi qua, thằng Vinh sống với tâm trạng bồn chồn khó chịu. Thỉnh thoảng có nhiều đứa bạn cùng trang lứa đến chơi. Đó là những đứa thuộc những gia đình vô cùng nghèo khổ, không biết đi đâu nên đành phải bám vào cái nơi chôn nhau cắt rốn tơi tả nầy mà sống.
Những lúc có bạn, thằng em dễ dàng quên đi thân phận mồ côi để chơi đùa la hét với bạn bè, trong khi đó, thằng Vinh vẫn ngồi im, lầm lì nhìn em nó và chúng bạn chơi đùa. Nỗi đau đớn cùng cực vừa qua, lòng mong muốn vào chiến khu theo cách mạng để trả thù đã đột ngột bứt nó ra khỏi tuổi thơ, đẩy nó vào một trạng thái lửng lơ, không còn thơ ấu để đùa giỡn vô tư, lại chưa phải là người lớn để tự quyết định lấy số phận của mình.
Nó ngồi bệt bên thềm, tay chống vào cằm, lẩm bẩm nói một mình:
- Gần nửa tháng rồi.
Đã gần nửa tháng kể từ khi nó tìm đến anh Nậm để nhờ anh quyết định giùm cho nó vào chiến khu hay ở lại cùng em nó. Nó đã mỏi mòn chờ đợi quá lâu, ngày nào cũng mong thấy anh bước vào cổng rồi đi qua sân nhà nó. Nó không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Trưa nay, đợi em nó ngủ say, nó sẽ trở lại mụ Cửu Điền. Biết đâu anh Nậm đã về và có mặt dưới đó và mẹ anh đã quên nói lại lời nó nhắn gởi. Nó hi vọng như thế vì nó biết người giàcó trí nhớ rất kém. Nếu anh Nậm vẫn chưa về thì nó sẽ xin mụ cho nó gởi thằng em ở đó một vài ngày để xuống ruộng tìm anh. Ruộng ở đồng An thơ cách làng độ mười cây số. Nó đã sống ở đó trong hai đợt tản cư, đợt đầu là trốn máy bay Đồng minh đến đánh Nhật, đợt thứ hai là trốn quân Pháp từ phía trong đánh ra. Nó biết đường đi về ruộng và nó sẽ hỏi người ta để đến cái chòi của ông Cửu Điền. Chắc chắn điều đó không khó khăn gì.
Nhìn ra sân, thấy em nó và bọn trẻ vẫn hăng hái chơi đùa, mồ hôi nhễ nhại, nó thở dài, vào bếp nhúm lửa nấu cơm. Khi ngọn lửa bắt đầu tí tách trong lò, nó giật mình nghe tiếng la to của một đứa trẻ:
- Lính tới tụi bây ơi.
Rồi tiếng thằng Tân thét to:
- Anh Vinh ơi, lính vô nhà mình.
Vinh quay lui. Từ ngoài cổng, một toán lính mang súng hùng hục đi vào. Mấy đứa trẻ ngừng chơi, đứng im há hốc nhìn. Một người trong bọn lính quát to:
- Mấy đứa bé, về nhà ngay đi.
Bọn trẻ chạy túa ra cổng còn thằng Tân phóng vào nắm lấy tay anh nó. Vinh đứng bất động như trời trồng, đầu óc căng thẳng.
Nó tự hỏi lính vào đây làm gì? Khám xét nhà để tìm tài liệu của Việt minh? Nó biết việc khám xét đã xảy ra nhiều lần trong làng. Nhưng tại sao lại khám xét nhà nó? Trên đồn, người ta đã biết mẹ nó vừa chết không lâu và nhà chỉ còn hai đứa trẻ mà thôi.
Nó bấn loạn với nhiều câu hỏi trong đầu. Trời ơi! Họ đã biết cha nó là một trong bốn người đã tử trận cách nay mấy tháng? Hay là họ đã biết nó tìm cách liên lạc với anh Nậm để ra chiến khu? Bây giờ họ đến bắt anh em nó vì một trong hai nguyên nhân đó phải không?
Nó run lên nắm chặt tay em nó. Nỗi lo sợ tràn ngập trong lòng làm nó quên phứt đi mối căm thù đã đốt cháy tâm can nó trong những ngày qua.
Toán lính dừng cả ngoài sân, chỉ một người vào nhà. Trông dáng điệu ông ta, nó đoán đó là người chỉ huy. Nó nghĩ rằng ông vào trước để quan sát; sau đó sẽ ra lệnh cho cả toán lính ùa vào lục tung đồ đạc, cuốc xới nền nhà để tìm tài liệu hay vũ khí rồi trói hai anh em nó dẫn về đồn đánh đập. Riêng nó có thể chịu đựng được còn em nó thì đáng thương quá chừng.
Nhưng không, Vinh ngạc nhiên thấy ông ta chẳng quan sát gì cả mà sầm sầm bước tới vỗ nhẹ vào vai nó, giọng rổn rảng:
- Mày là thằng Vinh, còn đây là em mày phải không?
Nó gật đầu. Ông tỏ vẻ hài lòng:
- Tốt, chỉ sợ tụi bây đi chơi, đến đây không gặp thì phiền. Hai anh em tụi bây lấy hết áo quần và đồ dùng cá nhân đi theo tao. Nhanh lên.
Ông ta buông vai nó, đẩy nhẹ về phía trước. Hai đứa chạy vội lại giường nằm, lôi ra một nùi vải nhăn nhó. Vinh ôm nùi vải, đứng im nhìn ông chỉ huy. Giọng ông có vẻ gay gắt:
- Sao đứng vậy? Lấy hết đồ đạc ra đây.
Vinh im lặng lắc đầu. Ông chỉ huy thoáng ngạc nhiên:
- Có bao nhiêu đó sao? Thôi cũng được, mặc áo vào.
Nó tung nùi vải ra lấy một cái áo đưa cho em nó, một cái nó mặc vào người. Mỗi đứa chỉ có một cái áo rách duy nhất để mặc vào mùa lạnh. Mùa nóng, chúng ở trần suốt ngày suốt đêm. Vinh cúi xuống lượm hai cái quần đùi rơi từ nùi vải ra. Nó định cuốn chiếc chiếu trên giường tre và chiếc mền rách mang đi nhưng viên chỉ huy ngăn lại và ra lệnh:
- Thôi bỏ mấy thứ đó lại. Đi!
Hai đứa lủi thủi ra khỏi nhà, lẽo đẽo theo sau viên chỉ huy băng qua sân. Bỗng thằng Tân vùng khỏi tay anh nó, quay lui phóng vào nhà, quì xuống úp mặt vào giường, gào to trong tiếng khóc:
- Mẹ ơi, mẹ!
Qua vài giây sửng sốt, nó chạy theo vào và đứng chết trân trước cái giường mà trong bao năm qua mẹ nó đã nghỉ lưng trên đó.
Một người lính dợm vào nhà lôi hai đứa ra; viên chỉ huy ngăn lại. Ông ta nhìn hai đứa bé rồi quay mặt ra đường theo dõi đám mây bạc đang lững lờ trôi trên bầu trời.
Vài phút sau, ông ta quay lui lấy tay ra hiệu cho một người lính vào dắt hai đứa bé ra. Vinh dìu em đứng dậy và ra khỏi nhà. Thằng bé ngoan ngoãn theo anh. Nó khóc thút thít, vừa đi vừa ngoảnh lại nhìn ngôi nhà lá nghèo nàn.

Cái tin hai đứa con cô Hằng bị lính bắt lập tức lan di khắp làng. Những đứa bé đã chứng kiến toán lính ùa vào, chạy ngay về nhà mách với cha mẹ chúng. Trong những căn nhà trên con đường dẫn đến đồn, người ta lấp ló nhìn hai đứa bé đáng thương lủi thủi theo sau viên chỉ huy mang súng ngắn, cuối cùng là bốn người lính bảo an, vai mang súng dài, thắt lưng đầy băng đạn và lựu đạn lòng thòng.
Nhiều người vội vàng chạy đến nhà ông Lành. Ai cũng biết ông là người thân thiết nhất của hai đứa bé. Một ông già hỏi ngay khi mới vào nhà:
- Anh Lành, anh hay tin hai đứa con cô Hằng bị bắt chưa?
Ông Lành trả lời một cách thản nhiên:
- Biết rồi. Bọn trẻ chơi ở đó về báo tin.
- Tại sao vậy? Hai thằng bé còn nhỏ quá đã biết làm gì đâu mà bị bắt?
- Ừ ừ, tôi đâu có biết. Có lẽ vì cha chúng nó bị bắn chết. Nghe nói trận đó lính trên đồn cũng có bị thiệt hại nhưng họ chở đi ngay nên mình không biết.
Giọng ông già trở nên hằn học:
- Nhưng đó là chuyện người lớn, có liên can gì đến trẻ con?
Ông Lành ngập ngừng, giọng vẫn thản nhiên, không tỏ một mảy may xúc động:
- Ừ, ừ. Chắc tụi lính muốn trả thù nhưng không biết trả thù vào đâu.
Ông già uất ức:
- Không biết trút cái thù vào đâu rồi trút lên đầu hai đứa bé à? Thiệt là đồ bất nhân!
Ông Lành không trả lời, im lặng ngồi xuống ghế móc bọc thuốc ra hút. Mọi người đều thấy cái vẻ thản nhiên đáng ghét của ông nên rủ nhau đi về.
Đợi cho mọi người ra khỏi cổng, ông Lành đứng dậy vào bếp nói nhỏ với vợ:
- Chuyện nầy ồn ào lắm đó; nhớ phải tuyệt đối kín miệng nghe chưa. Nếu không khéo, hở ra họ biết thì hai thân già mình có thể bị bắt ra tòa án nhân dân rồi bị đưa đi đắp mền đất như chơi.
Bà nguýt ông:
- Biết rồi. Bộ ông tưởng tôi không sợ chết hay sao?

*
* *


Hai đứa trẻ theo toán lính đi qua trạm gác, bước vào cổng. Cái đồn lính nằm trên một khu đất khá rộng, cảnh quan khoảng khoát. Vinh đã biết đồn nầy từ lâu nhưng chưa bao giờ vào đây. Vài lần nó cùng bạn bè chơi trên quốc lộ, nhìn vào thấy một gian nhà to lợp ngói, chung quanh là những nhà nhỏ hơn, cái lợp ngói, cái lợp tranh, vài vọng gác cao lêu nghêu nổi lên trên hàng rào kẽm gai bao quanh.
Có lần nó nghe một đứa bạn bảo rằng bên trong đồn là một nơi rất ghê tởm và lính tráng là bọn quỷ sứ như bọn đầu trâu mặt ngựa dưới địa ngục. Thằng bạn đó còn kể rằng bọn quỷ trong đồn thường bắt người vào đánh đập đến thịt nát xương tan rồi giết chết và quăng xác xuống sông. Trước khi thủ tiêu, bọn quỷ thường lóc một miếng thịt ở đùi nạn nhân, nấu cháo ăn với nhau. Nó nghe say sưa những chuyện khiếp đảm và hấp dẫn đó rồi kể lại cho nhiều đứa khác nghe. Nó không tin lắm về việc người ăn thịt người nhưng nó tin việc lính giết người rồi thủ tiêu bằng việc ném xác xuống sông. Bây giờ đến phiên chúng nó bị bắt vào đây. Khuya nay hay ngày mai, hai anh em sẽ bị giết và xác cả hai sẽ trôi lềnh bềnh trên dòng Ô lâu thân yêu của nó.
Nó cảm thấy đôi chân bủn rủn nên dừng lại, hoảng sợ nhìn quanh. Bây giờ nó mới nhận thấy những người lính theo sau đã biến đi đâu cả, chỉ còn viên chỉ huy đi trước nó mà thôi. Ông ta bước lên bậc thềm của gian nhà to nhất và quay lại thấy hai đứa đứng tần ngần giữa sân. Ông vẫy tay gọi, miệng mỉm cười, một nụ cười thực hiền lành. Nó đứng sững nhìn nụ cười đó. Nó không hiểu gì cả. Tại sao ông ta cười với vẻ đầy thiện cảm như thế? Ông ta phải nhe răng, đưa những móng nhọn vồ nó mới phải chứ. Chúng nó đã bị bắt vào sào huyệt của ông ta rồi mà. Tuy nghĩ vậy, nó cũng ngoan ngoãn theo lệnh tiến đến gần, bước lên mấy bậc thềm gạch.
Ông chỉ huy đưa tay dẫn hai đứa đi xuyên qua một hành lang hẹp và dừng lại trước một cánh cửa khép hờ. Ông đưa tay gõ cửa. Một giọng nói ồm ồm từ bên trong phát ra, nhưng nó không hiểu giọng đó nói gì.
Viên chỉ huy đẩy cửa, kéo hai đứa vào. Căn phòng khá rộng, tường bằng gạch tô xi măng và sơn màu vàng. Đối với nó thì đó là căn phòng sang trọng, có đủ bàn ghế, giường tủ, giá súng….
Trước bàn có hai ông đang ngồi nói chuyện với nhau bằng cái thứ tiếng rất lạ tai. Nó đoán đó là tiếng Tây. Một ông là Tây thực sự, mặc quân phục, trên mỗi vai có hai gạch vàng choé. Ông kia người Việt, ăn bận rất sang trọng: áo trắng, quần xám, giày đen bóng, kính trắng gọng vàng. Ông người Việt đứng dậy bước đến nắm tay hai đứa, giọng xúc động:
- Hai con là Vinh và Tân đây phải không? Hai con chớ sợ. Cậu là cậu Danh của hai con đây. Mẹ hai con là em của cậu. Cậu hay tin mẹ con mất nên vội vàng về đây đưa hai con vào Nam sống với cậu.
Vinh đứng im nhìn trân trân cái người tự xưng là cậu Danh của nó. Nó nhớ có lần đã nghe mẹ nói về cậu Danh học giỏi, nhà giàu và đang làm việc cho Tây ở Sài gòn. Lúc nghe mẹ kể, nó hình dung cậu là một người hết sức xa lạ. Người xa lạ đó đang đứng trước mặt nó đây. Nó không mừng rỡ mà tỏ ra bối rối.
Thằng Tân thì không hiểu gì cả. Nó chưa từng nghe nói đến cậu Danh nhưng nay thấy một người đàn ông sang trọng vuốt ve nó và nói là anh của mẹ nó thì nó sung sướng nắm tay, miệng nở nụ cười. Nụ cười trên gương mặt thơ ngây của một đứa bé vừa trải qua nỗi bất hạnh vô cùng to lớn.
Người ta đem hai anh em ra nhà sau để tắm. Chúng được xát xà phòng khắp người. Lâu lắm rồi chúng mới thấy bọt xà phòng thế nầy. Người ta đưa cho hai đứa hai bộ áo quần cũ nhưng sạch sẽ tươm tất. Có lẽ đó là áo quần của những đứa bé sống cùng cha là lính trong đồn nầy.
Bữa cơm trưa và cơm chiều hôm đó, hai đứa được dùng thức ăn ngon chưa từng thấy. Đêm đến chúng ngủ trong một phòng của dãy nhà dành cho gia đình binh sĩ. Đặt lưng xuống là em nó ngủ say còn nó thì thao thức nhiều giờ sau đó. Nó nhớ lại những việc trong những ngày qua. Đã có biết bao nhiêu là đổi thay, và còn những đổi thay khác nữa trong những ngày sắp tới. Riêng ngày hôm nay, mọi việc đã xảy ra hoàn toàn khác hẳn với dự tính của nó. Nó không còn có dịp gặp anh Nậm nữa. Nó sực nhớ đến mối thù cha. Nửa tháng rồi nó bị dằn xé giữa mối thù này và tình thương em. Để trả thù nó phải lên chiến khu, phải xa em nó, còn ở lại với em thì nó sẽ bị dằn vặt vì mối thù canh cánh bên lòng. Nó khổ sở vì cái quyết định đi hay ở. Bây giờ thì nó không còn phải quyết định gì nữa cả. Cậu nó đã về đây và tước mất cái quyền quyết định của nó. Nó xuôi tay tuân theo sự sắp đặt của cậu nó. Nó cảm thấy nhẹ nhàng vì ý nghĩ không còn giải pháp ra đi một mình để em nó lại trong ngôi làng có quá nhiều hiểm nguy nầy nữa.

Trời vừa rựng sáng, hai anh em được gọi thức dậy và lập tức lên chiếc xe nhà binh mười bánh đang nổ máy rì rầm trước sân. Một chiếc xe nhỏ có bố trí súng đại liên chạy trước, xe chở chúng nó cùng vài người lính bám theo sau, bon bon hướng về Nam.
Vĩnh biệt ngôi làng bé nhỏ thân yêu! Vĩnh biệt nơi chốn đã chứng kiến biết bao hạnh phúc và biết bao khổ đau trong quãng đời thơ ấu của chúng nó! Vĩnh biệt ông bà Lành và các bạn nhỏ cùng trang lứa! Vĩnh biệt cha mẹ đang nằm yên trong lòng đất! Miền Nam quá xa xôi, biết có ngày nào anh em nó trở về quỳ lạy bên đôi mộ song thân.
Nó úp mặt vào hai bàn tay khóc nức nở.

*
* *

Đây là thành phố Huế. Hai anh em choáng ngợp trước cảnh phố phường.
Trước kia, lúc còn sống trong làng thuở bình yên, thỉnh thoảng mấy đứa trẻ lên chơi trên đầu làng. Khi nghe tiếng xe ô tô bắt đầu vọng lại từ xa, cả bọn vội vàng kéo nhau chạy đến gần quốc lộ để nhìn một chiếc xe đơn độc chạy ngang qua. Bây giờ đến đây, xe cộ rộn ràng đến hoa cả mắt.
Hai đứa nắm chặt tay cậu đi trên lề đường sạch sẽ, mắt hau háu nhìn đủ loại hàng hóa sặc sỡ hai bên phố xá. So với thời kỳ trước chiến tranh và về sau nầy, Huế lúc bấy giờ sa sút nhiều, nhưng đối với hai anh em chưa từng biết phố phường, lại vừa mới rời khỏi vùng đất tiêu điều thì Huế là một chốn cực kỳ hoa lệ.
Buổi chiều chúng được cậu dẫn đi sắm áo quần mới và đôi dép da đầu tiên trong đời. Đôi dép tạo nên một cảm giác lạ lùng nơi hai bàn chân, một cảm giác vừa khó chịu, vừa thích thú.
Sau một đêm ngủ nhờ ở nhà ông Đốc Tân, ba cậu cháu lên đường vào Đà nẵng trên một chiếc xe nhà binh trong một đoàn công voa. Cậu Danh ngồi phía trước với tài xế, hai đứa co ro trong một góc phía sau cùng với một số lính, Pháp có, Việt có.
Đoàn xe dài dằng dặc; trước tiên là hai xe bọc thép mở đường, kế đó hơn một chục xe quân sự chở lính và quân dụng, gần hai mươi xe dân sự chở hàng hóa và hành khách, và cuối cùng một xe đầy lính và một thiết giáp nữa. Đoàn xe rầm rập lên đường từ sáng tinh mơ. Đường rất xấu, đầy những chỗ lồi lõm, hai bên đường trống trơn, cây cối bị chặt bỏ cả vì an ninh của quốc lộ. Xa xa, sau màn sương mỏng, xóm làng êm ả trong dáng vẻ thanh bình giả tạo. Thỉnh thoảng, đoàn xe dừng lại, toán lính từ các xe nhảy xuống, dè dặt từng bước, đến quan sát một đống cây tươi chất đống bên vệ đường hay một mô đất mới vun lên trên mặt lộ. Sau đó xe lại rú máy tiếp tục cuộc hành trình.
Đến chân đèo Hải vân thì đã quá trưa, đoàn xe chậm chạp nhích dần lên trên con đường nguy hiểm, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm.
Bỗng vài tiếng súng vang lên từ trên cao, tiếng vọng dội vào những vách đá khá lâu mới dứt. Rồi một tiếng nổ lớn làm cho khu rừng già xao động. Xe dừng đột ngột, mọi người nhảy xuống mọp hai bên vệ đường. Một toán lính băng lên núp sau những tảng đá trong khi những tràng đạn đại liên từ các xe bọc sắt nổ chát chúa. Rồi sau đó im lặng, hoàn toàn im lặng. Mọi người thở phào nhẹ nhõm, lần lượt leo lên xe để tiếp tục cuộc hành trình. Đến xế chiều, xe vào thành phố Đà nẵng một cách bình yên.
Ba cậu cháu lưu lại hai ngày trong một khách sạn rồi xuống tàu thủy vào Nam. Đó là chiếc Docteur Roux, một chiếc tàu khổng lồ dưới mắt hai đứa bé, được quân đội Pháp thuê mướn để chở lính và quân dụng. Ba cậu cháu cùng một số hành khách dân sự được phép tháp tùng. Tàu hụ còi, máy tàu gầm rú. Mặt biển phẳng lặng đổi từ màu xanh sang màu tím khi tàu tiến dần ra khơi.
Vinh đứng trên bong, buồn bã nhìn vào bờ. Những ngôi nhà rồi cả thành phố xa dần, từ từ chìm xuống mặt nước, kéo theo cả một dải đất dài, chỉ còn sót lại những đỉnh Trường sơn cố ngoi lên trên chân trời, rải rác như những hòn đảo lẻ loi. Rồi đến lượt những đỉnh núi kia cũng bị nhận chìm dưới mặt nước. Không còn gì nữa cả ngoài mặt đại dương mênh mông, vẽ nên một đường sắc nét với bầu trời sáng rực bên trên.
Vinh chợt cảm thấy bàng hoàng. Tay nắm chặt thanh sắt tròn của bong tàu, nó cố tập trung tư tưởng để suy nghĩ về tương lai, nhưng đầu óc nó thoáng trống rổng, thoáng đầy ắp những kỷ niệm đã qua. Nó quay đầu về phía đuôi tàu, nhìn mặt nước nổi bọt trắng xóa. Trong trí tưởng tượng của nó, xuất hiện rõ ràng ngôi làng của tuổi thơ, mái nhà tranh nghèo nàn nhưng thân yêu, hai ngôi mộ cha mẹ trên vùng đất hoang vu…. Ôi chao, biết bao giờ nó mới quay trở lại?

Sau hai ngày lênh đênh trên biển cả buồn bã, tàu vào đến miền Nam. Từ sớm tinh mơ, mọi người đã thức dậy chỉ cho nhau xem ngọn hải đăng của Cap Saint Jacques, tắt chớp liên hồi trong bóng đêm sắp dứt. Đến trưa tàu cặp bến Saigon, rồi hôm sau ba cậu cháu về đến Mỹ tho.
Chiếc xe chở ba người dừng lại trước một biệt thự nguy nga. Cậu nhấn chuông. Một người đàn ông ra mở cổng, cúi chào cậu một cách lễ phép và quay lại hai đứa bé, mỉm cười. Bên trong, vang lên nhiều tiếng reo vui và có bóng người chạy ra.
Hai đứa nhìn sững ngôi nhà, nhìn sững mọi người một cách bối rối, choáng ngợp như khi đứng trước một khung cảnh to lớn và lạ lùng. Cậu nắm lấy bàn tay hai đứa dẫn vào một căn phòng sang trọng. Một tấm lịch đỏ chói treo trên tường vôi trắng xóa đập ngay vào mắt. Vinh lẩm nhẩm đọc và ghi nhớ ngày nó vào đến miền Nam.