Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Chương 5: Trở về (2)



Một cuộc chiến tranh dài
Tập II
Chương 5: Trở về
(2)

Sáng hôm sau, Tân trở về Sài gòn để thu xếp công việc như đã bàn với anh Long. Ông Lương sửng sốt khi cậu ngỏ lời xin nghỉ việc để đi làm ăn xa. Ông hỏi đi hỏi lại rằng ông và những người trong tiệm có làm cậu buồn lòng hay không. Tân phải thanh minh nhiều lần ông mới yên tâm. Cuối cùng ông nói với cậu:
- Mấy hôm nay, ngộ đợi nị về báo tin thi đậu để đi mua một phần thưởng cho nị. Bây giờ nị đi gấp quá, làm sao ngộ tính cho kịp. Thôi, ngộ tặng cho nị cái nầy.
Ông thò tay sâu vào trong hộc của quầy lấy ra một chiếc đồng hồ trao cho Tân và nói:
- Nị cất cái đồng hồ nầy đi mà dùng. Ngộ tặng cho nị làm kỷ niệm. Đồng hồ Wyler của Thụy sĩ đó. Ngộ mua nó lúc mới vô Sài gòn. Nó chạy tốt lắm, chưa hư lần nào. Ngộ cũng tặng cho nị một ít tiền để đi đường. Làm ăn ở đâu cũng phải nhớ lâu lâu về thăm ngộ.
Tân nhận lấy chiếc đồng hồ và món tiền, cảm động đến rưng rưng nước mắt. Những người trong tiệm cũng lần lượt chia tay Tân, ai cũng tỏ vẻ lưu luyến.
Tân trở lại Biên hoà vào buổi trưa. Giấc này anh Long ở trong sở làm, nhưng sáng nay anh đã cẩn thận giao cho Tân chìa khóa nhà. Buổi trưa dài thong dong, Tân ăn hết ổ bánh mì mua ở đầu ngõ, bắt sang chuyện dọn dẹp nhà cửa, quét mạng nhện trên trần, lau chùi nền nhà, bếp và buồng vệ sinh.
Cái kệ sách lớn chiếm nguyên cả tấm vách ngăn phòng khách với buồng trong là nơi Tân dành nhiều thời gian để phủi bụi, lau chùi. Sách được anh Long phân loại một cách kỹ lưỡng. Sách khảo cứu, văn học, triết lý, tiểu thuyết, vân vân, mỗi thứ vào một ô riêng. Tân tần ngần cầm từng quyển sách trên tay, hiểu rằng, chính cái kệ sách dồi dào nầy đã trang bị cho anh Long nhiều kiến thức và sự nhận xét tinh tế trong những câu chuyện giữa hai người.
Buổi chiều, anh Long về, ngạc nhiên một cách thích thú khi bước vào thấy căn nhà sạch sẽ và tươm tất trông lạ mắt hẳn ra. Hai anh em dẫn nhau ra tiệm dùng bữa ăn chiều. Kể từ ngày hôm sau trở đi, mỗi ngày Tân đi chợ và nấu ăn cho hai người tại nhà. Công việc nầy bớt được phần nào nỗi chán ngán vì nhàn rỗi.
Một tuần lễ sau, cậu đi Bảo lộc để thăm ông bà Thái. Nhờ được chỉ rõ địa điểm trong một lá thư nên cậu tìm ra chỗ ở của ông bà không mấy khó khăn. Đó là một nơi nằm không xa quốc lộ, nhưng trong vùng khá vắng vẻ. Khu đất rộng khoảng ba ngàn thước vuông, trên một sườn đồi trông xuống thung lũng, dưới đó có một dòng suối nhỏ chảy qua.
Đất mới được vỡ hoang vài tháng nên còn trơ nền đỏ au khắp nơi. Một số cây con đã được trồng xuống, những cành khẳng khiu mang vài chiếc lá bé tí, phất phơ trong gió lạnh. Giữa khu đất trơ trọi, ông bà Thái ở trong một gian nhà nhỏ vách ván mái tôn, phía sau là một chuồng gà thô sơ.
Hai người già hết sức mừng rỡ khi thấy Tân đi vào, ngang qua chiếc cổng tre xiêu vẹo. Cậu bước nhanh đến nắm tay hai vị ân nhân của mình. Không khí mát lạnh mà mồ hôi vẫn lấm tấm trên mặt ông bà. Hai người vừa làm xong công việc buổi sáng và mới nghỉ tay để chuẩn bị cơm trưa. Ba người vào nhà. Bên trong đồ đạc đơn sơ nhưng xếp đặt gọn gàng. Cậu báo với ông bà mình đã đậu tú tài và có ý định lên đại học. Ông thì cho biết đã xin nghỉ hưu để dành hết thì giờ cho khu vườn.
Trong khi ông bà xuống bếp nhúm lửa nấu cơm, Tân bước ra bên ngoài đứng ngắm nhìn những quả đồi trùng điệp nối đuôi nhau chạy mãi đến tận dãy núi cao màu xanh nhạt che khuất mất chân trời. Một số ngọn đồi chưa được khai phá còn um tùm cây dại. Một số khác ven đường đã trở thành những đồi chè xinh đẹp.
Tân cảm thấy một niềm vui thích rộn ràng trong lòng. Cậu cảm nhận một nỗi xúc động sâu xa trước khung cảnh xinh đẹp và hùng vĩ của Tổ quốc mình. Cậu định bụng sẽ ở lại đây trong nhiều ngày để giúp đỡ cho hai ông bà hoàn chỉnh khu đất nầy. Ngay buổi chiều hôm đó, cậu đã mang cuốc cùng ông bà ra vườn chăm chỉ làm việc. Đã từng quen với công việc đồng áng trước đây trong nông trường tự túc của tỉnh đoàn Mỹ tho ở Đồng tháp mười nên tay cậu đào cuốc rất thành thục và nhanh chóng làm cho ông bà ngạc nhiên, tấm tắc khen ngợi. Cậu dẹp những lùm cây dại còn sót lại trong khu vườn, đào lỗ trồng cây mới. Có hôm, theo lời chỉ dẫn của ông Thái, cậu mang rựa vào rừng đốn cây vác về nới rộng gian nhà và tiếp tục làm thêm hàng rào quanh vườn. Nhiều hôm đang làm việc, cậu thoáng thấy hai ông bà dừng tay nhìn cậu với đôi mắt chan chứa yêu thương làm cho cậu cảm thấy dậy lên trong lòng, một nỗi ấm áp lạ thường.

Mười ngày sau, cậu nhận được thư của anh Long bảo phải về gấp. Kèm theo thư là một mảnh giấy cắt trong một tờ báo hàng ngày đăng thông cáo dự thi vào các trường đại học. Ngay sáng hôm sau, cậu từ giã ông bà và ra xe trở về Biên hòa.
Tối hôm đó, cậu và anh Long dành hết thì giờ bàn bạc việc chọn trường đại học. Tiêu chuẩn đầu tiên là học bổng vì trước hết cần phải có tiền để sống. Anh Long nói với cậu:
- Một người bạn của anh đang làm việc trong viện đại học Sài gòn cho biết rằng chính phủ đang chủ trương đầu tư nhiều cho nền giáo dục để đào tạo nhân tài cho việc kiến thiết xứ sở. Vì vậy chính phủ muốn thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, nên cấp học bổng cho sinh viên cao hơn tất cả các ngành đào tạo khác và sau khi ra trường, nhà giáo cũng có nhiều ưu đãi. Em nên thi vào trường đại học sư phạm, tương lai gần và xa đều tốt.
Hôm sau, cậu dành nguyên một ngày dạo qua nhiều trường đại học để hỏi cho biết những thông tin cần thiết và cuối cùng Tân chọn thi vào trường Sư phạm như lời khuyên của anh Long, và cũng là ý muốn từ lâu của cậu.
Sau một tháng chăm chỉ học hành, Tân vượt qua kỳ thi tuyển không mấy khó khăn. Cậu thực sự đạt được ước mơ được vào đại học, một con đường cực kỳ tươi sáng trải rộng trước mắt mình.
Trước ngày khai giảng vài hôm, cậu từ giã anh Long, về ở trọ tại một ngôi nhà ở đường Trần Hưng Đạo. Đó là một biệt thự lầu khá to, nên số người ở trọ lên đến gần bốn mươi người, gồm đa số là sinh viên và học sinh ở tỉnh xa, một số ít là công tư chức còn độc thân. Tất cả mọi người đều chỉ chăm lo học hành và làm việc, không ai tỏ ra quan tâm đến tình hình xã hội và đất nước. Tân lấy làm lạ về điều đó và cảm thấy hài lòng về không gian nầy để cậu dành hết thì giờ và sức lực cho con đường đại học mà cậu ao ước bấy lâu.
Lớp học của cậu chỉ có ba mươi người nên sinh viên nhanh chóng thân mật với nhau. Người thân nhất với cậu là Quy, quê ở Gò đen. Nhà của Quy ở cách quốc lộ khoảng hơn một cây số, trong một xóm nhỏ gồm độ ba mươi nhà quây quần bên nhau, chung quanh có lũy tre bao bọc, bên ngoài là đồng ruộng, cò bay thẳng cánh. Trong thời chống Pháp, gần như cả làng từ già đến trẻ đều tham gia kháng chiến, nhiều người đã hi sinh trong đó có người anh cả của Quy. Từ khi hòa bình được lặp lại, một số người đã tập kết ra Bắc, số còn lại cùng với dân làng lo cày cấy, mức sống càng ngày càng tăng lên. Gần đây, thỉnh thoảng, có người ở làng bên sang rỉ tai tuyên truyền chống chính phủ, vận động đám thanh niên mới lớn lên tham gia lực lượng vũ trang. Quy bảo rằng, trước hiệp định Genève, trong các tháng nghỉ hè, cậu thường tham gia vào công cuộc kháng chiến do Việt minh lãnh đạo, như đi vận động đồng bào đóng góp lương thực rồi theo cán bộ chống xuống, lén chở lúa gạo vào chiến khu. Bây giờ, thấy bà con xóm làng an hưởng hòa bình, miền Nam đã độc lập không còn lệ thuộc ngoại bang, nên Quy không ưa những người chủ trương gây xáo trộn trở lại trong xã hội dù là họ cố rêu rao mục đích cao cả để biện minh cho cuộc vận động của họ.
Lời tâm sự nay của Quy càng làm cho Tân yên tâm hơn về quyết định từ bỏ con đường cách mạng
Trong lớp, Tân học rất chăm chỉ, nên được bạn bè quý mến và giáo sư thương yêu. Tiền học bổng lãnh hàng tháng đủ trang trải mọi chi tiêu tằn tiện nên cậu dành hết thì giờ của mình vào việc học và nghiên cứu sách vở ở thư viện. Mỗi tháng một lần, cậu về thăm anh Long, có khi ở lại một đêm để hai anh em hàn huyên với nhau.
Vào giữa năm học thứ nhất, Tân về Biên hòa dự đám cưới của anh Long. Vợ của anh là một phụ nữ dễ mến. Sau khi thi đậu tú tài, chị ở nhà săn sóc cha mẹ già. Nay có chồng, chị có ý xin làm công chức ở một ty sở nào đó. Kể từ sau đám cưới, cứ mỗi lần Tân về chơi thì chị Long lại đãi ăn ngon miệng. Nhiều lúc Tân có cảm tưởng như anh chị là người thân ruột thịt của mình.
Năm học đầu tiên chấm dứt, Tân được xếp hạng thứ nhất trong lớp, qua kỳ thi cuối năm. Trong ba tháng nghỉ hè, cậu về Bảo lộc, giúp đỡ ông bà Thái. Toàn bộ khu vườn đã được trồng xong. Phía trước, trà lên cao và đã bắt đầu hái lá. Suốt ngày, Tân cặm cụi với công việc, nhổ cỏ, bắt sâu, sửa lại một khoảng hàng rào, làm thêm chái bếp. Hai ông bà già tỏ ra vô cùng yêu thích.
Hết ba tháng nghỉ hè, cậu lại trở về Sài gòn, tiếp tục cuộc sống sinh viên êm đềm và vui thú. Gần hết năm thứ hai, cậu nhận được thư của anh Long báo tin sinh con trai đầu lòng, cậu vội vàng về Biên hòa chúc mừng anh chị. Chị vẫn còn trong nhà bảo sinh, nên Tân ở lại nhà với anh Long. Lâu lắm rồi, hôm nay hai anh em mới lại có dịp nói chuyện với nhau. Anh Long bảo rằng nền hòa bình có vẻ rất mong manh. Nhiều nơi, cán bộ cộng sản đã bắt đầu hoạt động mạnh trở lại. Nghe anh nói, Tân lo lắng:
- Theo anh thì cuộc sống thanh bình ở miền Nam có thể còn tiếp tục kéo dài hay không?
Anh Long lắc đầu:
- Chúng ta không còn hòa bình nữa. Súng đã bắt đầu nổ nhiều nơi trên khắp bốn vùng chiến thuật.
- Người ta không còn kể tới hiệp định Genève nữa à?
- Hiệp định đó chẳng còn nghĩa lý gì nữa, kể từ khi ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến bị giải tán.
- Thế là nhân dân Việt Nam lại chịu đựng chiến tranh?
Anh Long nhún vai:
- Biết làm sao được. Tuy nhiên, lần nầy, chiến tranh chỉ xảy ra ở miền Nam thôi. Miền Bắc vẫn tiếp tục có hòa bình vì ở Việt Nam, ngoài những người cộng sản ra thì chẳng ai muốn có chiến tranh. Tuy có hòa bình nhưng dân miền Bắc có cũng chẳng sung sướng gì đâu.
- Tại sao vậy?
- Vì miền Bắc phải chi viện cho trong nầy thì mới tiến hành được cuộc chiến tranh chứ. Đồng bào mình ngoài đó phải làm việc gấp đôi gấp ba để có thể vừa sống vừa trang trải cuộc chiến trong Nam.
- Em có nghe nói cộng sản vừa thành lập một tổ chức gì đó để điều hành cuộc chiến phải không?
Anh Long gật đầu:
- Đúng vậy. Nhưng em nghe ai nói vậy?
- Bạn trong lớp của em bắt đài phát thanh ngoại quốc và đài Hà nội. Cái tổ chức gì đó có tên dài thậm thượt nên em không nhớ nổi.
- Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, gọi tắt là Mặt trận Giải phóng, mới được tuyên bố ra mắt cách đây vài tháng. Mặt trận đang tích cực lôi kéo trở lại những người đã từng hoạt động cho cách mạng và tuyên truyền vận động thanh niên mới lớn lên.
- Theo anh thì chuyến nầy người cộng sản có thành công như trong cuộc kháng chiến chống Pháp trước đây không?
- Thành công hoàn toàn hay không thì chưa thể biết được nhưng với quyết tâm của họ thế nầy, miền Nam không thể có hòa bình lâu dài được. Khi nào họ chiếm được miền Nam thì may ra mới có hòa bình.
- Nhưng lúc đó thì sẽ thế nào?
- Thế nào cũng được. Hòa bình, dù tệ thế nào đi nữa thì cũng còn hơn chiến tranh.
- Vâng, chiến tranh là điều tồi tệ nhất trong những điều tồi tệ.
Anh Long mím chặt môi nói tiếp:
- Anh nghĩ rằng miền Nam không chịu đựng nổi cuộc chiến tranh trường kỳ mà những người cộng sản đang phát động trở lại. Thôi thà để họ chiếm hết miền Nam nầy cho nhanh chóng để không còn chiến tranh nữa. Điều khôn ngoan cho mỗi người là chọn đúng cho mình một vị trí sao cho đừng bị thiệt thòi khi mãn cuộc.
- Khi nãy anh bảo rằng, sau khi Mặt trận được thành lập, người ta đi tìm lại những người cũ?
- Đúng vậy. Người ta đang tích cực làm công việc đó.
- Có nghĩa là người ta vẫn chưa quên anh em mình?
Anh Long gật đầu:
- Không quên đâu, sớm hay muộn, người ta cũng sẽ đến tìm lại anh em mình.
Tân ngồi nhíu mày suy nghĩ với vẻ lo lắng:
- Hai năm rồi, em thực sự thảnh thơi và vui sướng với cuộc sống trầm lặng.
Anh Long ngước lên nhìn cậu:
- Sắp chấm dứt cuộc sống trầm lặng đó rồi, không phải chỉ riêng em mà cho tất cả mọi người. Anh hỏi thực em điều nầy. Trong tình hình mới, người ta hạ quyết tâm đánh đổ miền Nam, em có nên xét lại thái độ của mình hay không?
Tân ngạc nhiên:
- Xét thái độ là sao? Là trở lại hoạt động cho cách mạng?
Anh Long nhìn thẳng mắt cậu và gật đầu.
Tân mím môi, nói một cách dứt khoát:
- Không, em không nghĩ đến việc đó đâu. Em muốn dấn thân thân hoàn toàn cho sự học và nghiên cứu. Sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm rồi, em sẽ vừa đi dạy vừa học tiếp để thi lấy cao học rồi sau đó lấy bằng thạc sĩ hay tiến sĩ. Nguyện vọng duy nhất của em là trở thành người có ích của một đất nước hòa bình.
- Nhưng nếu đất nước không hòa bình thì sao?
- Thì em cam chịu số phận đau khổ của nhân dân chứ nhất định không tiếp tay với những kẻ chủ chiến.
Anh Long thở dài:
- Vâng, tùy theo em. Anh muốn em suy nghĩ lại để đừng bị thiệt thòi về sau nầy, nhưng nếu em đã nhất định thì thôi.
Sau lần đi thăm đó trở về, Tân cảm thấy rất buồn phiền. Từ những ngày đầu mới bước chân vào trường sư phạm, cậu vẫn lo lắng anh Đảnh trở về tìm cậu. Vì vậy đôi khi cậu rất muốn trở lại thăm ông Lương Ký mà không dám, cậu cần phải cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ với những người còn hoạt động cho cách mạng. Càng ngày, mối lo đó càng phai nhạt đi và cậu yên tâm với việc học của mình. Bây giờ, sau khi nói chuyện với anh Long trở về, cậu nghĩ rằng anh ấy đang toan tính trở lại hoạt động cho cách mạng, lần nầy không phải do lý tưởng của người cộng sản hay của người yêu nước thuần túy như trước đây mà là một sự toan tính có tính cách trưởng thành và ít nhiều vụ lợi. Hiện giờ, cái gia đình nho nhỏ của anh Long là nơi thân thiết nhất của cậu. Cậu buồn phiền khi hình dung không bao lâu nữa cậu sẽ phải từ bỏ căn nhà thân yêu đó.
Cậu lao vào học tập và nghiên cứu để quên đi nỗi buồn phiền và sau cùng kết thúc những năm dài trên chiếc ghế của trường đại học sư phạm Sài gòn. Cậu và đa số các bạn cùng lớp đã qua được kỳ thi tốt nghiệp và chờ đợi bộ giáo dục công bố nhiệm sở của mỗi người.
Một buổi lễ nho nhỏ diễn ra trong hội trường nha trung học. Tất cả các tân giáo sư đến dự với bộ áo quần đẹp nhất của họ. Cái ngày quan trọng nầy sẽ để lại trong lòng họ một kỷ niệm không bao giờ phai. Mọi người đứng dậy khi ông giám đốc nha trung học bước vào. Sau những nghi thức đơn sơ nhưng cảm động, ông giám đốc đọc lời chúc mừng và lần lượt công bố nhiệm sở cho từng người. Tân được bổ về trường trung học Long an. Cậu hết sức vui mừng. Long an ở gần Sài gòn, cậu về dạy ở đó thì có thể tiếp tục việc học và nghiên cứu.
Sau khi lãnh xong các giấy tờ cần thiết, cậu đi dạo quanh thành phố Sài gòn, thăm lại những nơi đã từng ghi dấu tuổi thơ của mình. Từ một đứa bé mồ côi cho tới ngày nay là một giáo sư trung học, cuộc đời cậu đã được các con đường của thành phố thân yêu nầy chứng kiến. Mỗi nơi, mỗi chốn ở đây đều làm cho cậu bùi ngùi vì biết bao kỷ niệm của những thời đã qua.
Buổi chiều, cậu về ngủ tại nhà anh Long và sáng hôm sau, ra phố mua một ít quà rồi ra đón xe thẳng đường về Bảo lộc. Chuyến xe bị trễ nên khi cậu đến nơi thì trời đã về chiều. Nhà vắng tanh. Cậu quăng hành lý lên bàn rồi chạy ra vườn để tìm gặp ông bà. Nghe cậu báo tin tốt nghiệp, hai ông bà mừng đến rưng rưng nước mắt. Ông đưa bàn tay chai sần vỗ nhẹ lên đầu cậu và nói với giọng xúc động:
- Năm năm rồi phải không nhỉ? Lúc đó bác muốn cứu giúp một đứa trẻ đáng thương ra khỏi ngục tù. Bây giờ đứa bé đó đã trở thành một giáo sư rồi. Bàn tay của Chúa thật nhiệm mầu.
Bà nói chen vào:
- Chúa sẽ thưởng công cho ông.
Ông nói tiếp:
- Và cho bà nữa chứ.
Cả hai ông bà cười to, với vẻ mặt vô cùng hạnh phúc. Ông quay sang nói với cậu:
- Có lẽ bây giờ con đã hiểu tính chất nhân đạo và khoan hồng của chế độ miền Nam chúng ta. Cứ từ bỏ cộng sản, từ bỏ hành động phản lại Tổ quốc thì được công nhận ngay là công dân của một nước tự do với đầy đủ quyền lợi và giá trị làm người. Ở miền Bắc, nếu đã đi tù vì tội chống đối chế độ thì chỉ còn được sống kiếp con trâu con chó mà thôi, làm sao có thể hình dung có ngày được làm giáo sư đứng trên bục giảng để đào tạo con người.
Tân vui vẻ gật đầu:
- Dạ con hiểu.
Ông Thái siết mạnh hai vai của cậu:
- Bác rất vui mừng. Giúp con ra khỏi nhà tù để rồi con được như ngày hôm nay có lẽ là hành vi xứng đáng nhất mà Chúa truyền lệnh cho bác phải làm. Thôi, con vào tắm rửa đi để dùng cơm.

Hôm sau, từ tờ mờ sáng, cậu đã ra vườn làm việc. Cậu biết rằng các trường trung học đã bắt đầu nghỉ hè và tất cả thầy cô đang chuẩn bị tham dự kỳ thi tú tài, nên cậu dự trù ở lại giúp đở ông bà trong nửa tháng rồi mới trở về trình diện nhiệm sở mới. Khu vườn của ông bà đã tươi tốt, những cây trà xanh um ngay hàng thẳng lối trông thực xinh đẹp. Trà trong vườn đã sinh huê lợi, đời sống ông bà được bảo đảm. Điều đó làm cho Tân hết sức vui mừng. Vì vậy, cậu làm việc suốt ngày mà không biết mệt.
Một tuần lễ sau khi cậu đến đây, vào sáng sớm, có một người lạ đến tìm cậu. Anh ta là bạn của anh Long, nhà ở ngoài thị xã. Anh trao cho cậu một mảnh giấy của anh Long nhắn cậu về Biên hòa ngay nhưng không cho biết việc gì. Cậu vội vàng từ giã ông bà Thái để lên đường. Ông bà cũng hối thúc cậu ra đón xe về ngay vì đường đi bây giờ không còn an ninh như trước nữa.
Tân về đến Biên hòa thì trời sắp tối. Cậu vừa bước vào cửa thì anh Long bật dậy reo to:
- Chú Tân về đây rồi. Hay quá.
Chị Long nghe tiếng, từ dưới bếp bế con tất tả chạy lên. Đứa bé trong tay mẹ, nhoẻn miệng cười làm cho khung cảnh trong nhà như sáng bừng lên. Tân vội hỏi:
- Có chuyện gì mà anh nhắn em về gấp vậy?
- Có chứ, nhưng chú đi tắm rửa cho sạch sẽ trước đã. Chú chưa ăn tối phải không?
- Chưa. Được tin anh nhắn, em vội vàng lên xe về đây ngay.
Anh quay sang nói với vợ:
- Em lo bữa ăn tối cho chú Tân đi. Đưa con cho anh.
Tân đến đưa tay béo nhẹ vào cái má phinh phính của đứa bé. Anh Long bế con lên và bảo:
- Chú Tân đi đường bụi bặm lắm. Chú tắm xong rồi mới được bế cháu.
Tân xuống nhà dưới tắm rửa và thay áo quần xong rồi trở lên:
- Nào, bây giờ thì anh có thể nói cho em biết chuyện gì đã xảy ra.
Anh Long chỉ tô mì nóng bốc hơi mà chị Long vừa bưng lên đặt trên bàn:
- Khoan, chú hãy dùng bữa tối đi đã. Anh em mình còn có cả đêm nay để bàn bạc với nhau.
Tân ngồi xuống bàn, cầm đũa ăn một cách ngon lành. Thấy Tân ăn xong, anh Long bắt đầu câu chuyện:
- Chiều hôm kia, có cậu Quy đến tìm anh.
- Quy bạn cùng lớp với em phải không?
Long gật đầu:
- Phải rồi. Quy quê ở Gò đen. Nó đến báo cho biết, em và Quy đều có tên trong danh sách bị động viên đi học khóa sĩ quan sắp tới.
Tân bật dậy, sửng sốt:
- Anh nói sao? Em bị gọi đi lính à?
- Ừ, đúng vậy. Em bị gọi nhập ngũ khóa Mười bốn Sĩ quan trừ bị Thủ đức.
Tân ngồi phịch xuống ghế, im lặng nhìn lên trần nhà. Cậu có cảm tưởng mình rơi vào một khoảng trống không. Tiếng nói của anh Long đột ngột vang lên bên tai Tân:
- Bây giờ em tính thế nào?
Tân lắc đầu, cười gượng gạo:
- Em có suy nghĩ gì được đâu mà tính toán. Không biết chừng nào mới phải đi trình diện.
- Thời hạn trình diện là mười lăm ngày kể từ ngày ra thông cáo tức là ngày hôm qua. Báo có đăng liên tiếp mấy hôm rồi.
- Vậy là chỉ còn đúng hai tuần nữa thôi. Báo có đăng tên em à?
- Không, báo chỉ đăng thông cáo thôi. Cậu Quy bảo có dò được tên em trong danh sách nhập ngũ, niêm yết tại tòa đô chánh. Em nên về đó xem lại cho rõ ràng.
- Anh hi vọng một người nào khác trùng tên với em?
- Không đâu. Cậu Quy biết tên và địa chỉ của em nơi phòng trọ. Đúng là em bị gọi rồi đó. Bây giờ cần phải tính toán gấp đi. Quá thời hạn quy định có thể bị bắt và bị đưa đi làm lao công đào binh, nghĩa là làm binh nhì và phải ra mặt trận để tải đạn và những công việc khó nhọc và nguy hiểm khác. Chú có biết không?
- Em biết. Đó là một loại khổ sai ngoài mặt trận, một hình thức trừng phạt của pháp luật.
- Thực là tàn nhẫn vô nhân đạo.
Tân lắc đầu:
- Không. Đó là luật lệ của thời chiến tranh mà nước nào lâm chiến cũng phải áp dụng, nếu không thì lấy ai ra mặt trận, mình không thể trách chính phủ được.
- Thế thì em định thế nào? Không lẽ cứ ngồi yên chờ cho hết thời hạn rồi đi làm lao công đào binh sao?
Tân đáp lời với giọng đầy chán nản:
- Em chẳng biết tính thế nào, em rối trí lắm. Anh giúp ý kiến cho em đi.
- Em có sợ đi lính không?
- Không, em không sợ chết cũng chẳng sợ cực khổ ngoài chiến trường. Chết thì đã một lần chịu chết lúc bị đưa vào phòng tra tấn của Catinat. Còn cực khổ thì em đã quá quen với trường kỳ gian khổ rồi.
- Thế thì em cứ tuân lệnh nhập ngũ đi.
Tân ngạc nhiên nghe giọng nói của anh có vẻ bất mãn. Cậu vội vàng đáp lại:
- Không, anh hiểu em mà. Em đã từng theo cách mạng rồi từ giã nhưng trong lòng em chưa hề có một chút nào thù ghét cách mạng. Em chỉ muốn thoát ra khỏi sự tranh chấp, muốn làm người dân bình thường, không theo ai mà cũng chẳng chống đối ai.
Long lắc đầu:
- Anh hiểu tâm trạng của em. Nhưng điều đó không thể thực hiện ở mảnh đất đau thương nầy được. Em cũng biết mặt trận Giải phóng miền Nam đã được thành lập từ gần hai năm rồi. Đảng Lao động đã nhất quyết dùng giải pháp quân sự để thống nhất hai miền. Lực lượng vũ trang còn ở lại miền Nam đã được lệnh tập họp trở lại. Một số cán bộ và chiến sĩ đi tập kết cũng đã bí mật trở vào cùng với những đơn vị bộ đội được huấn luyện ở miền Bắc. Chiến tranh đã bùng nổ trở lại và có vẻ càng ngày càng quyết liệt hơn.
Tân hỏi lại như rên rỉ:
- Chiến tranh bùng nổ trở lại rồi sao?
Anh Long gật đầu:
- Thực ra, kể từ cách mạng Mùa Thu đến nay, cuộc chiến ở Việt Nam chưa hoàn toàn chấm dứt. Nó chỉ lắng dịu một thời gian sau hiệp định Genève mà thôi. Cuộc chiến đã ngốn hết tuổi trẻ của anh em mình, bây giờ tiếp tục nuốt luôn tuổi trẻ của đàn em mới lớn lên. Cuộc chiến chỉ có thể chấm dứt khi hai miền đều quy về một mối. Em vẫn còn trẻ, chưa thể đứng ngoài cuộc chiến nầy được đâu. Em phải dứt khoát ngã hẳn về bên nầy hoặc bên kia, không thể có vị trí lưng chừng chính giữa.
- Không, em không đi nhập ngũ đâu. Em không thể cầm súng bắn lại những người đã từng là đồng chí của em. Biết đâu trong những người đó, có cả anh Vinh của em đã hồi kết trở về Nam để chiến đấu.
- Được rồi, anh tôn trọng ý kiến của em nhưng anh cũng nhắc thêm cho em rõ điều nầy. Nếu không tuân theo lệnh gọi nhập ngũ thì đối với nhà cầm quyền, em có tội như người đào ngũ và sẽ bị truy nã ngày đêm. Chuyện dạy dỗ, học hành của em chấm dứt, bằng cấp của em kể như là tấm giấy lộn vứt bỏ đi. Lúc đó, trước mắt em chỉ có hai con đường. Con đường thứ nhất là ở lại vùng quốc gia nầy thì phải trốn chui, trốn nhủi, lúc nào cũng bị rình rập, ngày đêm phải đương đầu với nguy cơ bị bắt và bị truy tố ra tòa án quân sự.
- Còn con đường thứ hai?
- Em trở lại với cách mạng.
Tân ngạc nhiên:
- Sao? Anh bảo em trở lại công tác cho cách mạng à? Em đã nhất định từ bỏ rồi mà.
- Từ bỏ cách mạng để trở thành một người trung lập? Anh đã chứng minh rằng ý nghĩ đó hoàn toàn sai lầm. Em không thể là một công dân trung lập được. Nếu không muốn đi lính thì em phải trở lại với cách mạng.
- Nghĩa là em đi trở lại con đường của bảy tám năm trước đây, tiếp tục xúi bọn trẻ lao vào nguy hiểm. Em ghê tởm công việc đó lắm rồi.
Anh Long cười:
- Không phải như thế đâu. Người chống lại lệnh nhập ngũ như em thì đâu còn cái thế hợp pháp để làm công tác dân vận trong vùng địch hậu nữa.
- Thế thì sao?
- Nếu trở lại với cách mạng, em phải ra công tác ở chiến khu.
- Làm thế nào ra đó được? Từ quá lâu rồi em đâu còn liên lạc với người của cách mạng nữa.
- Việc đó, anh sẽ lo cho em.
- Thực à? Anh có liên lạc với chiến khu sao?
Anh Long im lặng, mím môi một chút rồi trả lời:
- Làng anh ở Tân uyên. Nơi ba má anh sống bình yên mấy năm nay, đã bắt đầu trở thành vùng xôi đậu, ngày thì bên nầy cai trị, đêm thì bên kia kiểm soát. Nơi đó là rìa của chiến khu D nên ban đêm, cán bộ và lực lượng vũ trang thường kéo về. Dĩ nhiên là có sẵn người trong làng hướng dẫn và canh gác bảo vệ. Nếu cần, anh có thể về đó tìm liên lạc cho em.
- Ra chiến khu thì em sẽ làm việc gì ngoài đó?
- Tùy theo sự phân công của các đồng chí ngoài đó. Theo anh hiểu thì bây giờ cách mạng đang chuyển qua giai đoạn đấu tranh quân sự cho nên ra đó, em có thể được bổ sung vào lực lượng vũ trang.
- Nhưng em muốn tránh việc cầm súng kia mà.
- Làm sao tránh được. Chiến tranh đã bùng nổ trở lại. Giả tỉ em được bố trí làm cán bộ chính trị đi nữa thì em cũng phải được cấp phát súng để tự vệ và chiến đấu.
- Lúc đó, nòng súng của em sẽ quay ngược lại, chĩa vào những thành phố, những xóm làng đã cho em cuộc sống thanh bình yên vui trong bao nhiêu năm nay. Rồi khi súng em nhả đạn thì trong số những người ngã gục có thể có cả những bạn bè đã cùng chia sẻ vui buồn với em trong những năm còn ngồi trên ghế học đường. Không, em không làm việc đó đâu. Em không muốn bắn vào bất cứ ai trên quê hương đã chịu quá nhiều đau khổ nầy.
Nói xong, Tân gục mặt xuống bàn. Chị Long tự nãy giờ ngồi im lặng theo dõi câu chuyện của hai anh em. Nghe Tân nói xong và ngồi gục mặt, chị cảm động rơm rớm nước mắt. Chị cúi xuống thấy con đang ngủ nên đứng dậy bế con vào buồng trong.
Anh Long cũng rất xúc động. Tuy nhiên anh cố giữ giọng nói tự nhiên. Anh hiểu rằng sự bình tĩnh của anh rất cần thiết để tìm một lối thoát cho người thanh niên đáng thương nầy. Anh nói:
- Tân nầy, em không muốn cầm súng thì thôi. Anh hiểu em là một con người có lòng nhân hậu không thể bắn giết ai được. Hơn nữa, hiện nay ở cả hai bên đều có bạn cũ của em. Anh thông hiểu nỗi đau đớn trong lòng em.
Tân ngẩng lên nhìn anh và hỏi:
- Em có thể trốn đi đâu đó một vài năm có được không?
Anh Long lắc đầu;
- Điều đó không thể nào thực hiện đựợc. Toàn bộ lãnh thổ nầy, không thuộc bên nầy thì cũng thuộc bên kia, trốn ở đâu cho ổn. Vả lại, trốn đến bao giờ?
- Cho đến khi chiến tranh kết thúc.
- Chiến tranh sẽ kéo dài đến vô tận nếu không có một biến cố nào làm thay đổi tình hình hay cán cân lực lượng. Hiện nay hai bên đang mạnh ngang nhau. Miền Nam có Mỹ, miền Bắc có Liên xô và Trung Cộng sẵn sàng đổ mọi thứ giết người vào đây. Mỗi miền có phân nửa đất nước, có hàng triệu người để xua ra chiến trận. Chiến tranh không thể chấm dứt trong một tương lai gần được.
- Dù chiến tranh không chấm dứt nhưng trốn vài năm cho qua hết tuổi quân dịch thì thôi.
- Không được đâu. Theo luật động viên, nếu không trình diện nhập ngũ theo lệnh gọi thì cũng coi như có tội đào ngũ, dù hết tuổi động viên cũng bị truy tố ra tòa. Em hãy suy nghĩ cho kỹ và chính em phải quyết định cho mình, người khác chỉ góp ý cho em suy nghĩ mà thôi.
Long đứng dậy cầm bình nước trà đi vào buồng trong, ngắm nhìn vợ con đang ngủ trong mùng, rồi đi thẳng xuống bếp. Anh chế nước nóng vào bình trà rồi trở lên.
Tân vẫn ngồi bất động nhìn ra cửa với nét mặt buồn bã. Anh Long bảo:
- Thôi khuya rồi, em uống miếng nước rồi đi nghỉ. Em còn đúng hai tuần lễ nữa để suy nghĩ và có quyết định sau cùng.
- Dạ em sẽ suy nghĩ và thường xuyên tham khảo ý kiến anh.
- Anh luôn luôn sẵn sàng và vui lòng góp ý cho em. Trong những ngày sắp tới, em có thể trở về nhà trọ hay ở lại đây với anh cũng được. Ban ngày, chỉ có hai mẹ con ở nhà. Em đọc sách trong phòng nầy rồi thỉnh thoảng ra bờ sông ngắm ghe thuyền qua lại cho đầu óc thoải mái thì mới có quyết định sáng suốt được.
- Không. Ngày mai em sẽ về Sài gòn rồi đi Tân an.
Anh Long ngạc nhiên:
- Em đến trường trung học Tân an, nhiệm sở của em à? Em đi trình diện nhiệm sở để làm gì? Lệnh nhập ngũ của em chắc chắn đã tống đạt tới dưới đó rồi. Không ai dám nhận em về dạy đâu.
Tân cười một cách buồn bã:
- Không, em có tính dạy dỗ gì nữa đâu. Nhưng em muốn nhìn tận mắt cái đích đến của nhiều năm cố gắng học hành. Hôm làm lễ ở nha trung học, khi em nghe gọi tên để bước đến bàn chủ tọa nhận bằng tốt nghiệp và sự vụ lệnh về nhiệm sở từ tay ông giám đốc nha trung học, em bỗng thấy nguồn vui nổ tung trong lòng em, còn cuộc đời bừng sáng trước mặt em. Em thầm nghĩ trong bụng: “Thế là cuối cùng, đứa bé mồ côi, sau bao năm lận đận cũng thành đạt rồi. Bây giờ đứa bé mồ côi đó đã thành giáo sư trung học, ngày ngày bước lên bục giảng để đào tạo nhân tài cho đất nước”.
Cậu ngừng một chút rồi nói tiếp với giọng đầy xúc động:
- Em dự định khi về Long an, em sẽ kiếm một chỗ ở, một chỗ ở do em tạo ra và có quyền sắp xếp theo ý mình. Anh biết em dự trù điều gì về nơi ở của riêng em hay không?
- Không, làm sao anh biết được.
- Thì anh thử đoán xem.
Anh Long nghiêng đầu nhìn Tân, vừa cười vừa nói:
- Em muốn tạo một tổ ấm đễ lập gia đình phải không? Nếu anh không nhớ sai thì năm nay em hai mươi lăm tuổi rồi. Anh đoán em đã có người yêu, cô ấy là bạn học cùng lớp và hai người đã hẹn hò về sống chung sau khi ra trường phải không?
- Hoàn toàn sai. Em chưa có người yêu mà cũng chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình. Em muốn có một chỗ ở riêng để lập nơi thờ phụng ba má em. Từ khi ba má em nằm xuống đến giờ, em chưa hề đốt được một cây nhang nào cho linh hồn ông bà đỡ tủi. Cho đến bây giờ, cuộc sống của em cứ lang thang mãi từ chỗ nọ đến chỗ kia, chưa hề có một chỗ trú ngụ nào của riêng mình. Em biết ông bà vẫn thương yêu em vô cùng vô tận nhưng linh hồn ông bà không thể lẽo đẽo theo em mãi được. Em muốn dừng chân lại, lập cho ông bà một bàn thờ. Em không có tấm hình nào của ba má em, nhưng em nghĩ rằng điều đó không cần thiết. Một khi đã có bàn thờ nơi chỗ ở riêng biệt, em tin rằng linh hồn ông bà sẽ về đó để ngày ngày nhìn thấy đứa con côi cút của mình đã trở thành một công dân xứng đáng của xã hội miền Nam.
Anh Long chăm chú lắng nghe trong khi Tân thở dài rồi nói tiếp với giọng thiểu não:
- Những thứ đó bây giờ trở thành ảo tưởng. Những ngày gần đây em thường có mặc cảm là kể từ khi lọt lòng mẹ, em đã bị lên án. Cái án đó là nỗi bất hạnh cột chặt vào số phận em, không thể nào gỡ ra được. Vì vậy ngay cái ước mong rất tầm thường cũng vượt quá tầm tay. Một đời sống lương thiện, một chỗ ở đơn sơ để thờ phụng cha mẹ, ước mong đó lại hóa ra xa vời, trong khi những ngày sống trốn chui trốn nhủi, không nhà, không cửa lại cận kề trước mắt. Có phải nỗi bất hạnh là cái án quyết mà số phận đã định trước cho cuộc đời em hay không?
Anh Long lắc đầu, nhìn cậu một cách thương cảm:
- Anh không biết. Vấn đề số phận thuộc lĩnh vực siêu hình. Nhưng chính vấn đề đó làm anh nghĩ đến tôn giáo trong sự trốn tránh pháp luật của em trong những ngày sắp tới.
- Tôn giáo thì có liên can gì đến chuyện của em?
- Có chứ. Anh vừa mới sực nhớ ra. Hiện nay có hai nơi an toàn nhất để trốn quân dịch, đó là nhà thờ của Công giáo và nhà chùa của Phật giáo. Nhà thờ thì có phần an toàn hơn nhà chùa. Tổng thống là con chiên của Chúa thì công an mật vụ đâu có dám đụng đến nơi sống và hành đạo của các linh mục. Vì vậy, không ít nhà thờ chứa chấp nhiều thanh niên trốn quân dịch.
Tân nhíu mày:
- Họ ở trong đó để làm gì?
- Làm việc lặt vặt cho nhà thờ hay chẳng làm gì cả.
- Nhà thờ lấy cơm đâu mà nuôi họ?
- Gia đình phải đóng góp chứ; dĩ nhiên số tiền đóng góp phải nhiều hơn chi phí mà nhà thờ phải bỏ ra. Cũng có lợi cho nhà thờ.
- Coi như trả công che chở của Chúa.
Anh Long cười:
- Đúng vậy. Trả công như thế còn rẻ hơn hối lộ cho nhân viên bộ Quốc phòng để được miễn hay hoãn dịch. Nhưng muốn được nhận thì phải quen biết với linh mục mới được. Anh nhớ ông bà Thái ở Bảo lộc, ân nhân của em, là dân công giáo chính gốc lại là người Bắc di cư, nên nhất định thân thiết với nhiều linh mục. Em hãy về đó xin theo đạo rồi nhờ ông bà xin cho em tá túc trong nhà thờ. Các xứ đạo đều có trường học. Nhân dịp nầy, em có thể hành nghề sư phạm của em được.
Tân lắc đầu một cách cương quyết:
- Không, em không làm như thế đâu. Trước đây, ông bà Thái muốn em vô đạo là do lòng tốt của ông bà muốn em chính thức làm con nuôi để sau nầy thừa hưởng tài sản khi ông bà qua đời. Nay nếu em chịu lễ rửa tội là phạm vào hai điều dối gạt. Một là dối gạt hai ân nhân của em để trốn tránh pháp luật chứ đâu phải thực tâm muốn làm con nuôi của ông bà. Hai là em dối gạt nhà thờ để tìm chốn an thân chứ đâu có thực tình theo Chúa. Không, em nhất định không làm như thế được.
- Sống mà quá thành thực như em thì chỉ thiệt thân. Nhưng thôi, nếu em không thể sống giả dối thì cũng không thể vào trốn tránh trong chùa được.
- Chùa làm sao che chở được cho người trốn quân dịch? Quân cảnh và công an có sợ ai mà chẳng dám xông vào chùa để khám xét?
- Đúng vậy, chùa không phải là nơi bất khả xâm phạm. Cách trốn quân dịch ở chùa khác với nhà thờ. Trốn ở chùa là lách vào một khe hở của pháp luật. Theo luật định, tu sĩ được hoãn dịch để hành đạo. Muốn thành tu sĩ thì quá dễ dàng. Xin vào tu ở một chùa mà mình quen biết. Nhà chùa sẽ gởi công văn để xin giấy chứng nhận hoãn dịch vì lý do tu hành.
Tân cười:
- Rồi phải mặc áo cà sa, cạo trọc đầu.
- Điều đó có gì là quan trọng.
- Nhưng phải học thuộc kinh nữa chứ.
- Cũng chẳng cần. Tới giờ đọc kinh, cứ chịu khó nhép miệng liên tục là được là được rồi.
- Hàng ngày phải ăn chay, cũng khổ. Mấy người đi trốn quân dịch thì đâu có ý chí tu hành, khó mà chịu cực được.
- Đúng vậy. Thường thì họ chỉ phải ăn chay vào bữa cơm chính thức thôi. Sau đó thì các nhà sư có thể trốn ra ngoài để ăn mặn. Có khi họ còn mua cả thịt chó và rượu đế mang về phía sau chùa mà “chén” với nhau một cách thoải mái.
- Nhưng trong chùa còn sư trụ trì là sư thứ thiệt. Ông ta không hay biết gì sao?
- Dĩ nhiên là phải biết chứ. Tuy nhiên, sư làm lơ; sư còn lo cứu độ chúng sinh chứ có dư công đâu mà dòm ngó những người mà sư biết là vào đây để trốn quân dịch chớ không phải là để tu hành.
- Sư không sợ dân chúng chê cười và mật vụ khám phá sao?
- Sư biết rằng dân chúng đang lo kiếm sống và lo chiến tranh thì chẳng hơi đâu mà chê cười. Mật vụ thì thường tránh vào khám xét các chùa để khỏi phải mang tiếng kỳ thị tôn giáo.
- Nếu như thế thì cách mạng cũng đưa người vào ẩn núp trong chùa chứ.
- Sao lại không? Chùa là nơi ẩn núp lý tưởng, cách mạng đâu có bỏ qua được. Rất nhiều ngôi chùa là cơ sở hoạt động của cách mạng. Có chùa còn có cả chi ủy để lãnh đạo một số chùa trong vùng. Dĩ nhiên, đảng ta không lãnh đạo việc tu hành đâu.
Long cười xòa, giọng trở nên châm biếm:
- Chùa là nơi trốn tránh lý tưởng như thế đó; nếu em đồng ý thì anh sẽ tìm cách giới thiệu.
Tân cũng cười theo:
- Vâng em sẽ vào đó và ngày ngày nhậu thịt chó với mấy nhà sư đảng viên cộng sản để bàn chuyện ám sát, rải truyền đơn và biểu tình chống chính phủ.
Cả hai anh em bưng miệng không dám cười to vì đồng hồ đang chỉ một giờ khuya.

Dù thức khuya nhưng sáng hôm sau, Tân cũng dậy sớm về nhà trọ ở Sài gòn. Cậu mặc bộ áo quần mới, mang giày và đến soi mình vào tấm gương lớn. Cậu hài lòng khi thấy trong gương, một thanh niên bảnh bao, có nụ cười dễ mến, có dáng điệu chững chạc của một giáo sư mới ra trường.
Cậu đến bến xe đò và thẳng về Tân an. Cậu vào trường Trung học và được cả hai ông giám học và hiệu trưởng đón tiếp một cách niềm nở trong văn phòng. Ông giám học cho hay đã nhận được giấy báo của nha trung học từ nhiều hôm rồi. Có hai giáo sư mới được bổ về trường, một nữ đã về trình diện ngày hôm qua và sẽ trở lại vào đầu năm học để nhận việc. Hôm nay đến lượt cậu là nam giáo sư. Cả trường từ thầy đến trò đều vui mừng.
Tân nói cho hai vị biết là mình đã có tên trong danh sách nhập ngũ nên chỉ đến đây trình diện và không thể trở lại dạy học tại trường. Cả hai ông đều sửng sốt, sau đó tỏ ý chia buồn và chúc cậu khoẻ mạnh và may mắn trong thời gian phục vụ trong quân ngũ. Ông hiệu trưởng ân cần nói với cậu:
- Kể từ hôm nay, anh chính thức là giáo sư của trường. Nội trong sáng nay, tôi sẽ gởi công văn về bộ giáo dục để thông báo anh đã đến nhận việc. Trong thời gian anh vào quân ngũ, tất cả quyền lợi giáo sư của anh, nhà trường sẽ lo đầy đủ, anh cứ yên tâm. Tôi muốn giới thiệu anh với tất cả đồng nghiệp của mình nhưng rất tiếc trường đang nghỉ hè nên chỉ có tôi và anh giám học ở đây thôi. Tôi thay mặt toàn thể giáo sư tỏ lòng cảm kích về việc anh vào quân đội để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh cho quê hương để những người còn ở lại có thể làm tròn nhiệm vụ của mình.
Sau khi siết chặt tay để từ giã, Tân ra đường đón xe về Sài gòn. Cậu bước lên xe đò, lòng nặng trĩu buồn phiền. Bên tai cậu còn văng vẳng lời nói cảm động của ông hiệu trưởng lúc từ giã: “Anh vào quân đội để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh cho quê hương…”.
Xe từ từ ra bến, vượt qua cây cầu dài bắt ngang dòng sông Vàm cỏ tây và rời khỏi thành phố. Cậu nhìn ra bên ngoài qua khung cửa sổ của xe. Những cánh đồng lúa xanh mơn mởn chạy giật lùi. Xa xa, xóm làng nằm im lìm sau hàng cây xanh. Cảnh thanh bình của quê hương trải rộng ngút ngàn. Cậu hiểu rằng, đó chỉ là cảnh thanh bình giả tạo, ngọn lửa chiến tranh đang âm ỉ và có thể bùng lên gây điêu tàn ở bất cứ nơi nào. Cậu cảm thấy xót xa cho quê hương cẩm tú nhưng đau khổ triền miên vì chiến tranh.
Tân trở về nhà trọ, vào phòng, để nguyên cả áo quần, nằm dài trên giường. Phòng trọ vắng vẻ vì mọi người đều đã đi làm hoặc đi học, chiều tối mới về đông đủ. Không gian yên tĩnh làm cho cậu dễ chịu. Tân đã sống ở đây ba năm rồi. Còn đúng năm ngày nữa, cậu phải rời khỏi nơi quen thuộc nầy. Cậu không thể ở thêm được nữa vì không còn tiền để trả cho chủ nhà trọ. Nếu không có cái lệnh gọi nhập ngũ quái ác đó thì giờ nầy cậu không phải lo gì cả. Kể từ ngày trình diện, cậu được công nhận là giáo sư của trường và được ứng trước một tháng lương để sống. Một tháng lương của giáo sư đủ cho cậu sống ba bốn tháng liền sau đó.
Bây giờ, mọi chuyện đều thay đổi; nói đúng hơn, mọi chuyện đều sụp đổ. Chỉ trong vài hôm nữa, tiền trong túi hết nhẵn, cậu lấy gì để sống? Rồi đến khi hết hạn trình diện theo lệnh gọi nhập ngũ, cậu lại phải trốn chui, trốn nhủi như đàn chuột dưới những đường cống hôi hám; cậu sẽ ngủ ở đâu, và lấy cái gì để nhét vào dạ dày, mỗi ngày ít nhất hai lần?
Nghĩ đến đó, cậu không thể nằm yên trong căn phòng trọ quen thuộc nầy. Cậu vùng dậy, ra khỏi nhà và cắm cúi bước trên vệ đường dưới cái nắng chói chang của buổi chiều hè. Cậu đi lang thang qua nhiều con đường và cuối cùng chui vào thảo cầm viên. Cậu sực nhớ, cách nay năm năm, lúc mới ra tù, cậu cũng đã lang thang trên đường phố và đã vào đây. Ngày đó, cậu đang sung sướng vì mới lấy lại tự do, còn bây giờ, cậu trở lại đây trong hoàn cảnh thực là bi đát.
Thảo cầm viên vắng lặng, mọi du khách đều đã về nhà, nhân viên của vườn đã nghỉ trưa.
Tân ngồi xuống một chiếc ghế đá dưới bóng mát của cây cao, nhắm mắt lại, cố xua đuổi những ý nghĩ đen tối cứ chực bám vào đầu óc. Cậu ngồi yên như thế một lúc khá lâu, thấy dễ chịu, nỗi buồn phiền trong lòng vơi đi ít nhiều.
- Xin lỗi ông.
Tân giật mình vì tiếng nói của ai đó kế sát bên. Cậu vội mở mắt ra. Giọng nói vừa rồi reo lên mừng rỡ:
- Anh Tân. Đúng là anh rồi.
Tân đứng bật dậy nhìn sững vài giây rồi nắm chặt lấy tay của người thanh niên trước mặt:
- Bính, trời đất, Bính đây mà.
Bình cười thật tươi:
- Vâng, đúng Bính, em của chị Mai đây. Em nhìn anh một lúc mà không dám gọi vì sợ không phải là anh.
- Em nhìn không ra anh à? Anh thay đổi nhiều lắm sao?
- Không, chẳng thay đổi nhiều, nhưng vì anh ngồi nhắm mắt nên em không dám chắc là anh. Vả lại em lấy làm lạ, không dám nghĩ rằng vào giờ nầy anh lại ngồi ngủ gà ngủ gật một mình ở đây. Tại sao anh có mặt ở đây vào giờ nầy?
- Anh cũng định hỏi em câu đó.
- Em đi lang thang hai ngày hôm nay. Trưa nay tình cờ đi ngang qua đây, không ngờ lại gặp anh.
- Tại sao đi lang thang vậy, thất tình phải không?
Bính cười:
- Thất tình thì cũng có nhưng chuyện đó giải quyết xong hơn một năm rồi. Còn bây giờ đi lang thang để nhìn lại những nẻo đường quen thuộc của thành phố thân yêu nầy.
- Em nói gì vậy, sắp đi đâu xa phải không?
Bính gật đầu:
- Em vừa nhận lệnh nhập ngũ khoá Mười bốn Sĩ quan trừ bị. Em định tuần sau sẽ lên đường. Em đi khắp nơi cho hết vài ngày cuối cùng của cuộc đời dân sự.
Tân sững sờ nhìn Bính một cách lạ lùng. Bính ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao anh nhìn em như vậy? Nhập ngũ bây giờ là chuyện hết sức bình thường. Bạn bè em, thanh niên trong xóm, nhiều đứa đã lên đường rồi. Đứa thì sĩ quan, đứa hạ sĩ quan, có đứa lại phải đi binh nhì vì chẳng có bằng cấp hay chứng chỉ nào. Em được gọi vào trường sĩ quan là may rồi.
- Nhưng tại sao em bị gọi nhập ngũ. Có phải em không còn đi học nữa hay đã tốt nghiệp một trường nào rồi?
- Em vẫn còn đi học, chưa tốt nghiệp.
- Thế tại sao em không được hoãn dịch vì lý do học vấn?
- Vì em thi rớt hai năm liên tiếp.
- Tại sao vậy? Anh còn nhớ em rất thông minh. Ngày xưa ở bậc trung học, em học giỏi nổi tiếng trong trường mà. Em học trường nào mà thi rớt.
- Em học Đại học Văn khoa. Rớt không phải vì học dốt mà vì không có thì giờ để học. Chuyện của em khá dài. Ở đây nắng chói, anh em mình đi ra một quán nước ngoài đường Nguyễn bỉnh Khiêm ngồi nói chuyện thì thích thú hơn. May quá, có anh để trút hết chuyện đời cho nhẹ. Ngày mai ra chiến trường, biết tâm sự với ai? Lính thì có lẽ chỉ biết nói chuyện đánh nhau còn Việt cộng thì mình chưa kịp nói, nó đã cho kẹo đồng vào miệng mình rồi.
Bính cười ha hả một cách sảng khoái rồi kéo Tân ra cổng. Tân lẳng lặng đi theo, hơi ngỡ ngàng vì thái độ vui vẻ hồn nhiên của người bạn nhỏ. Cùng chung một hoàn cảnh mà hai người có hai tâm trạng, hai thái độ đón nhận hoàn toàn khác nhau.
Bính chọn một quán nước mát mẻ bên vệ đường. Giờ nầy trong quán không có người khách nào. Bính vẫn giữ nụ cười thật tươi trên môi. Cậu gọi nước xong, quay sang nói với Tân:
- Chỗ nầy rất quen thuộc với em. Em thường ngồi đây với nàng. Anh cũng biết từ trường Văn khoa qua đây không xa.
Tân cười:
- Em nhắc đến người yêu phải không? Nàng đâu rồi mà để chàng đi một mình thế nầy?
- Chia tay khá lâu rồi. Nàng sắp có chồng. Thế mà hay, lên đường đỡ phải bận bịu.
- Tại sao chia tay vậy?
- Nàng khá đẹp, dễ thương nhưng trí óc nông cạn, suy nghĩ hời hợt. Lúc đầu, em yêu nàng ghê gớm lắm nhưng dần dần em khám phá ra rằng, ngoài chuyện cho em hôn ra, nàng chẳng có gì khác làm cho em thích thú. Rồi thêm cái tính vòi vĩnh, đòi mua thứ nầy sắm thứ nọ mà em thì còn phải lo nuôi gia đình thì làm sao chịu đựng nổi. Sau cùng đành phải chia tay. Lúc mới chia tay cũng đau lắm, nhưng đến bây giờ thì chẳng còn xót xa gì nữa.
- Bính có nghị lực khá lắm đó.
- Chẳng phải nghị lực gì. Chẳng qua là em quá bận rộn để lo cho gia đình nên không có nhiều thì giờ để buồn cho lâu.
- Em phải nuôi gia đình à? Gia đình nào?
Bính cười to:
- Gia đình của em chứ gia đình nào nữa. Không lẽ em phải bỏ công ra để đi nuôi gia đình của người khác sao?
Bính ngưng cười, nói tiếp với giọng nghiêm trang:
- Từ khi mẹ em mất đi, ba em buồn cứ đi uống rượu với bạn bè hoài, ăn uống thất thường nên sức khỏe sa sút, lại thêm tật ghiền rượu. Hai năm sau, ba em xin về hưu non. Tiền hưu non thì đâu có nhiều, chỉ vừa đủ tiền thuốc và tiền rượu cho ông thôi. Em phải chịu trọn gánh nặng gia đình. Chị Mai ở nhà chỉ biết nuôi con.
Tân nghe như có vật gì đụng mạnh trong lòng làm cho ruột đau thắt. Cậu cố lấy giọng thản nhiên:
- Con của Mai lớn chưa?
- Thằng Bình được năm tuổi rồi, sắp vào trường tiểu học. Dễ thương lắm. Em đặt tên Bình cho nó đó để cho tên nó gần giống tên em. Nhưng khoan, chuyện chị Mai và thằng cháu Bình còn khá dài, em sẽ nói sau; bây giờ, anh hãy nghe chuyện của em trước đã. Em phải nói cho anh rõ, anh biết tại sao không?
Rồi như không thể chờ đợi câu trả lời của Tân, cậu nói tiếp với giọng sôi nổi:
- Anh nhắc chuyện học giỏi làm em xót xa lắm. Trong suốt bậc trung học, em nuôi hi vọng học hành tới nơi tới chốn để mai sau trở thành giáo sư đại học. Anh có chế nhạo ước vọng ngông cuồng của em không?
- Không, trăm ngàn lần không. Sau khi chiến tranh chấm dứt hầu hết bọn trẻ chúng mình đều mơ ước trở thành nhân tài để góp được nhiều công sức cho sự kiến thiết xứ sở. Sự mơ ước của em thực đáng khen, ai có thể chế nhạo được. Hơn nữa, anh biết em là đứa trẻ thông minh lại có những ý nghĩ rất chín chắn thì điều ước mơ đó đâu phải xa vời. Em thích về sau nầy mình dạy ngành nào trên đại học?
- Cám ơn anh đã hiểu em. Đó là giấc mơ rất lớn và rất huy hoàng của em. Từ lớp cuối cùng bậc trung học, em đã bắt đầu đọc nhiều sách và say mê triết lý nên em mong muốn trở thành giáo sư triết học ở đại học Văn khoa. Sau khi có tú tài xong, em vào học ở trường Văn khoa. Ngay năm đầu, em dễ dàng vượt qua chứng chỉ dự bị và năm sau ghi hai chứng chỉ với hi vọng có thể hoàn tất nhanh chóng bằng cấp cử nhân, để lên cao học. Nhưng đúng vào lúc đó ba em về hưu, lâm bệnh phải vào nhà thương đến hai lần, kinh tế gia đình trở nên bi đát. Em tìm mọi cách để đi dạy kiếm tiền. Em nhờ bạn bè và vài thầy cũ của em. Cuối cùng gia đình cũng tạm sống được. Em mất khá nhiều thì giờ để kiếm tiền. Ngày phải đi học và đi dạy, tối về thức đến một hai giờ khuya để học bài, soạn bài, chấm bài cho học sinh. Sức khỏe em suy giảm rõ rệt. Nhiều lúc em bị bệnh, ho về đêm mà cố dằn vì sợ ba em và chị Mai nghe. Có khi dằn không nỗi thì trùm kín mền, cong mình như con tôm mà ho khe khẽ. Cũng có khi em chạy vội vào cầu tiêu, đứng úp mặt vào vách tường.
Tân nhìn Bính với đôi mắt vô cùng thương cảm:
- Em có đi khám bệnh hay không? Làm việc và thức khuya như thế thì dễ bị nhiễm lao lắm.
- Em cũng nghĩ như thế nên không dám đi khám bệnh. Nếu bác sĩ cấm không cho em đi dạy nữa thì gia đình em sụp đổ ngay. Nếu vào hoàn cảnh của em thì anh sẽ xử trí thế nào?
- Chắc anh phải bỏ học.
- Đúng vậy, em cũng đã phải làm như anh nói. Nhưng em còn tiếc chưa bỏ hẳn được. Hết năm dự bị, em ghi tên vào học hai chứng chỉ như em đã nói khi nãy. Cuối năm, em đậu được chứng chỉ Luận lý siêu hình. Đậu với hạng gì, anh đoán xem.
- Có lẽ hạng khá trở lên.
Bính cười to:
- Hạng IJ. Anh biết hạng đó rồi chứ gì?
Tân gật đầu:
- Biết, đậu vớt, nhờ sự khoan hồng của hội đồng, par indulgence du jury.
Bính vẫn tiếp tục cười vui vẻ:
- Chứng chỉ mà đậu hạng IJ thì sau cử nhân không thể ghi tên cao học được, mong gì đến tiến sĩ và giáo sư đại học.
- Còn chứng chỉ thứ hai là chứng chỉ gì, có đậu không?
- Chứng chỉ tâm lý đạo đức, bỏ thi vì chẳng học một chữ nào cả.
- Năm kế tiếp?
- Năm sau và năm sau nữa, em chẳng còn dành một chút thì giờ nào cho việc học. Tuy nhiên, năm nào em cũng tốn tiền ghi danh vào một chứng chỉ vì bỏ hẳn thì đau lòng lắm. Ghi danh để thỉnh thoảng trở vào đại học, đứng ngắm những tà áo thướt tha trên sân trường mà xót xa cho số phận của mình.
- Em nói hay lắm, chắc đi dạy cũng khá.
- Em dạy kể ra cũng thành công. Có điều là chưa đủ cử nhân, lại mới vào nghề nên chỉ được dạy ở các lớp thù lao ít ỏi. Do đó em phải nhận dạy rất nhiều nơi, ở trường tư và kèm trẻ tại tư gia. Ai giới thiệu chỗ nào em cũng cố thu xếp để nhận dạy.
- Như vậy, tổng thu nhập cũng khá?
Bính gật đầu:
- Vâng, khá; gia đình bắt đầu sống thong thả, hơn cả lúc ba em chưa về hưu nữa. Nhưng em vẫn tiếp tục nổ lực vì mục tiêu khác.
- Mục tiêu gì nữa?
- Lo cho chị Mai.
Tân giật mình hỏi dồn:
- Chị Mai thế nào?
Bính thở dài:
- Chị Mai càng ngày càng tỏ ra buồn bực vì mặc cảm cả mẹ lẫn con ăn bám vào gia đình. Ba em và em rất tế nhị vì hết lòng thương chị Mai và cháu Bình nhưng không ai có thể làm vơi được nỗi đau khổ vì mặc cảm của chị ấy. Một hôm, trong bữa cơm, chị Mai nói với em: “Phải chi nhà mình có thể mở một tiệm tạp hóa để chị vừa buôn bán, vừa săn sóc ba và thằng cháu Bình thì hay quá”. Em thấy ba cúi mặt thở dài. Ba biết rằng việc nầy cần một số vốn khá to để sửa sang nhà cửa thành một tiệm buôn bán và mua hàng về bày bán. Riêng em thì rất chú ý đến đề nghị nầy. Chỗ ở của gia đình em khá thuận lợi. Anh còn nhớ con đường Vườn chuối không?
Tân vội vã trả lời:
- Nhớ lắm chứ. Dạo đó, anh thường đến nhà em. Mỗi lần đến chơi thì mẹ em lại bắt ở lại dùng cơm với gia đình. Thời gian đó thực là đẹp.
- Tuyệt vời! Mọi thời điểm của tuổi thơ đều tuyệt đẹp. Em kể tiếp câu chuyện cho anh nghe. Hồi đó đường Vườn chuối chỉ là con đường đất gồ ghề, hai bên chỉ có nhà ở mà thôi. Bây giờ đường đó đã tráng nhựa, nhà cửa hầu hết được sửa lại hoặc làm mới khang trang, nhiều nhà mở rộng thành cửa hàng, người ta qua lại đông đúc; đúng là có thể mở tiệm tạp hóa được. Nó sẽ giải quyết kinh tế cho gia đình, ổn định tâm lý cho chị Mai và có thể rộng thì giờ cho em tiếp tục học hành. Đó là lý do để em dứt khoát tạm ngưng việc học và dành tất cả thì giờ, sáng, trưa, chiều, tối, đi dạy học để cho có đủ tiền cho chị Mai mở tiệm tạp hóa.
Tân thở dài:
- Tội nghiệp cho thân em.
- Cám ơn anh. Em biết trút bầu tâm sự với anh, thế nào cũng được an ủi ít nhiều. Ngày xưa, lúc còn sống, mẹ thường nói rằng cái nhìn và giọng nói của anh có cái gì đó làm cho người khác thương yêu và tín nhiệm. Thôi để em kể tiếp cho xong câu chuyện vì từ ngày mai trở đi khó có dịp gần anh để tâm sự nữa. Sau gần hai năm nổ lực, em đã gom đủ số tiền cho chị Mai sửa nhà và mở quán bán tạp hóa. Mới khai trương hai tháng trước đây. Tiệm mới mở ra là đắt khách ngay. Cả xóm Vườn chuối, hình như nhà nào cũng có ý đến mua hàng ở quán chị Mai. Anh biết tại sao không?
- Ư, không. Em nói tiếp đi, anh đang hồi hộp theo dõi đây.
- Phải rồi, cứ nhắc đến chị Mai là anh hồi hộp có đúng không nào?
Bính cười khúc khích trong khi Tân há hốc nhìn, chẳng biết trả lời thế nào. Bính thôi cười, tiếp tục câu chuyện:
- Ba má em ở đó mấy chục năm rồi, vì vậy quen biết với tất cả mọi người. Ai cũng mến má em và cả gia đình em. Lúc má mất, người ta đến viếng đông lắm, nhiều bà ôm quan tài má em khóc ngất.
- Phải rồi, bác gái là người đàn bà hết sức nhân đức. Bác mất thì ai mà không thương tiếc.
Bính mỉm cười:
- Nỗi thương tiếc đó đã nuôi sống gia đình em. Mọi người đều muốn đến tiệm tạp hóa của chị Mai là vì nhớ đến má em.
- Thôi thế cũng mừng cho gia đình em.
- Đúng là mừng cho gia đình em chứ không mừng cho em tí nào cả.
- Tại sao vậy?
- Vì chính cái việc kiếm tiền đó mà hai năm liền em bỏ thi. Điều nầy làm sao qua được mắt nha động viên của bộ quốc phòng. Thế là em nhận được lệnh nhập ngũ.
Tân nhìn thẳng vào mắt Bính:
- Em tính thế nào với cái lệnh nhập ngũ đó.
- Em đi trình diện chứ còn tính gì nữa. Em rong chơi cho khắp thành phố nầy trong một tuần lễ rồi lên đường. Bây giờ, em đã cất bỏ được gánh nặng gia đình nhờ đã lo xong cái tiệm tạp hóa cho chị Mai. Vợ con chưa có, lên đường một cách thảnh thơi.
- Còn việc học của em? Em không tiếc à?
- Tiếc thì có tiếc thực nhưng biết làm sao hơn được. Số phận mình gắn liền với số phận của đất nước. Đất nước chưa bình yên thì riêng tấm thân mình làm sao có được bình yên.
Tân dọ hỏi:
- Có cách nào trốn lệnh nhập ngũ hay không? Đâu phải tất cả mọi người đều ngoan ngoãn tuân lệnh như em.
- Anh nói đúng. Cũng có người chống lại lệnh nhập ngũ và trốn chui, trốn nhủi một cách hèn nhát.
- Nhưng em phải công nhận rằng những người chống lệnh nhập ngũ cũng có hoàn cảnh riêng của họ chứ.
- Vâng, em không muốn phê phán người khác. Mỗi người có quyền suy nghĩ và hành động theo sự tính toán riêng tư của mình. Theo em, nghĩ thế nào, hành động thế nào cũng không thoát ra được cái thân phận bi đát của con người. Em đã nghiền ngẫm điều đó nhiều năm rồi thì có lý do gì em tìm cách thoát ra khỏi hoàn cảnh mà số phận đã định đặt cho mình. Tuy nhiên, ai muốn chống lại số phận thì mặc họ, em chẳng cần quan tâm đến. Vả lại…
- Vả lại thế nào?
- Em quen với thái độ đứng thẳng, ngẩng cao đầu nhìn về phía trước. Nếu trốn tránh nhập ngũ thì em buộc phải từ bỏ thái độ đó, nghĩa là từ bỏ bản thân mình. Em sẽ phải sống lén lút, ra đường luôn luôn nhìn trước nhìn sau coi có bóng quân cảnh hay cảnh sát hay không; về nhà thì lắng nghe từng tiếng ho, từng tiếng rì rầm trò chuyện của hàng xóm. Sống kiểu đó thì thà ra mặt trận nhận một viên đạn của quân thù cho xong.
Tân cố cãi:
- Nhưng vào quân đội đã chắc gì em phải ra mặt trận. Đâu phải tất cả mọi người quân nhân đều cầm súng ngoài chiến trường đâu.
- Dạ, em hiểu điều đó. Trong quân đội có những chiếc ghế ngồi hoàn toàn êm ái, mạng sống còn được bảo đảm hơn dân thường, nhưng em không quan tâm đến điều đó. Vào lính là đi chia sẻ với đồng bào nỗi đau khổ do cuộc chiến tranh xâm lược mà Bắc Việt gây ra. Thế thì phải chấp nhận ra chiến trường mới gọi là thực sự chia sẻ nỗi khổ đó chứ. Anh Tân, em muốn chứng kiến tận mắt nỗi khổ của đồng bào mình.
- Thôi được rồi, anh hiểu em, anh kính phục thái độ đầy tính triết lý của em. Về việc nhập ngũ, anh hỏi em điều cuối cùng nầy. Chính xác, ngày nào em đi nhập ngũ?
- Đúng một tuần nữa. Hôm nay là thứ sáu. Thứ sáu tuần sau là em bắt đầu khoác chiến y rồi.
Bính vừa nói vừa cười, nụ cười rất dễ thương. Tân hỏi tiếp:
- Em vào thẳng trường Bộ binh Thủ đức phải không?
- Hãy gọi tên cho đúng. Đó là Liên trường Võ khoa Thủ đức. Nhưng không vào thẳng đó đâu. Phải trình diện tại trại nhập ngũ Quang trung trước, làm một số thủ tục rồi mới vào trường Võ khoa. Em nghe nói vô tới trường là bắt đầu “một hai, một hai” ngay lập tức.
- Em có tính làm tiệc để từ giã mọi người trước khi lên đường hay không?
- Em không thích, vui sướng gì mà tiệc tùng, nhưng chị Mai nhất định phải làm để tiễn em.
- Về việc em nhập ngũ, chị Mai có buồn không?
- Chị ấy khóc luôn hai ngày, sưng cả mắt. Chị Mai bảo rằng mấy năm rồi, em hi sinh cho mẹ con chị; chị chỉ mong có ngày làm ra đồng tiền để tự tay chăm lo miếng cơm manh áo cho em. Ngày đó đang đến thì em lại lên đường. Chị cứ ngồi khóc rấm rứt mãi; em lại phải an ủi chị thay vì được chị an ủi để lên đường.
Hai người ngồi im lặng một lúc, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Đột nhiên Bính ngẩng lên hỏi:
- Anh Tân, em hỏi anh câu nầy. Anh hãy nói sự thực với em. Còn nếu anh không tiện nói thì thôi, cứ im lặng, em không hỏi tiếp đâu.
- Em hỏi đi, anh sẽ trả lời một cách thành thực không có gì phải ngại.
- Có phải hồi xưa, chính anh đưa chị Mai vào tổ chức Việt cộng?
Tân gật đầu và trả lời ngay:
- Phải, anh làm điều đó. Em và cả ba má nữa oán trách anh lắm phải không? Bao nhiêu năm rồi, anh không dám đến nhà đốt nén nhang cho bác gái cũng vì lo sợ sự oán trách đó.
Bính đưa tay qua nắm lấy bàn tay Tân:
- Anh Tân, sao anh lại nói thế? Dù em không ưa Việt cộng nhưng em không trách anh đâu. Em biết rằng lúc ấy anh đã làm vì một mục đích mà anh cho là đúng, là cao cả. Anh đã hành động một cách thành thực đúng theo nhận thức của anh và của nhiều người khác. Tiếc rằng vì điều đó mà chị Mai dang dở cả cuộc đời. Anh đâu có muốn và đâu có lường được hậu quả như thế, có phải không?
- Bính à, lúc còn trong tù, nghe em báo tin chị Mai có con, anh hối hận lắm.
- Hơn cả hối hận nữa; anh đau khổ ghê gớm, có phải không? Lúc đó em còn nhỏ nhưng nhìn thấy nét mặt thảng thốt của anh thì em hiểu.
Bính lấy chiếc muỗng khuấy vào ly nước đã cạn, khẽ thở dài:
- Thực là số phận cay nghiệt. Chị Mai đâu có yêu anh Đảnh, thế mà có con với anh ấy.
Tân cố nén sự thổn thức trong lòng:
- Tại sao em biết chị Mai không yêu anh Đảnh?
- Tại sao em biết à? Anh nên nhớ rằng em đã có hai chứng chỉ triết học ở Văn khoa. Chỉ cần nghe cái âm thanh của chị Mai khi nhắc đến tên anh và tên anh Đảnh là em biết chị Mai yêu ai và không yêu ai rồi.
- Anh Đảnh có thường trở về thăm vợ con hay không?
- Có, nhưng em không nhớ rõ. Cách đây đâu khoảng…
- Đúng ba năm.
- Phải rồi. Sao anh biết? Hay là…
- Thôi em cứ kể tiếp đi rồi anh sẽ giải thích sau.
Bính gật đầu, nói:
- Đó là lần thứ hai và là lần cuối cùng.
- Thái độ hai người thế nào khi gặp nhau?
- Em nhớ rõ. Trông nhạt nhẽo lắm. Anh ấy ngồi chơi một lát rồi bỏ đi, vài hôm sau trở lại ngồi một lát nữa rồi nhận đồ đi luôn.
- Đồ gì?
- Anh ấy có xin chị Mai một ít đồ dùng gồm áo quần để mặc trong thành phố, khăn mặt, thức ăn khô để mang ra chiến khu. Em biết rõ điều đó vì chị Mai không có tiền phải hỏi xin em. Em lấy tất cả tiền trong túi áo, túi quần đưa cho chị để mua các món, mắc tiền nhất là hai bộ áo quần.
- Trời đất!
Bính ngạc nhiên quay lại:
- Anh nói gì vậy?
- Không em cứ kể tiếp đi.
- Chị Mai mua áo quần, xà bông, kem đánh răng, lạp xưởng, một hũ chao to tướng. Vậy thôi.
- Anh Đảnh không nghỉ lại tại nhà em sao?
- Không, nhà em đâu có rộng rãi gì. Hơn nữa, ba em nằm trong buồng không thèm ra tiếp thì anh ấy đâu có dám ở lại. Anh ấy đang hoạt động bí mật thì cái gì cũng làm cho anh ấy phải đề phòng. Hình như anh ấy có rủ chị Mai đi chơi nhưng chị ấy từ chối.
- Còn thằng bé thì sao?
- Thằng cháu Bình lúc đó đã gần ba tuổi rồi mà cứ níu lấy mẹ, lấm lét nhìn cha nó. Chị Mai đẩy nó về phía anh Đảnh nhưng nó giẫy nẩy không chịu. Anh ấy chỉ biết ngồi nhìn và cười gượng. Em nghĩ rằng máu huyết chưa đủ để tạo nên tình cảm giữa những con người với nhau. Phải có cái gì khác nữa. Cái đó thì không hề có giữa cha con anh ấy.
- Sau đó, anh Đảnh còn trở lại không?
- Em đã nói đó là lần thứ hai và là lần cuối cùng. Cách nay khoảng một năm, chị Mai có nói với em là có người đưa tin về bảo rằng anh ấy đã được rút ra Bắc để đi học bên Đông Âu.
- Chị Mai có tỏ ý buồn không?
- Chị ấy vẫn thản nhiên và còn bảo rằng dứt khoát như thế càng tốt để chị ấy làm lại cuộc đời khi có dịp.
Bính ngồi trầm ngâm một chút rồi hỏi:
- Chuyện hoạt động của các anh chị dẫn đến việc chị Mai đi trốn và có con, thế mà đã bảy năm rồi. Mỗi khi nhắc lại chuyện đó, em vẫn lấy làm lạ là tại sao lúc bấy giờ, ba má em dễ dãi đến độ cho con gái mới lớn của mình theo hoạt động với các anh. Em còn nhớ, có khi đi đến nửa đêm để in hay rải truyền đơn gì đó, có phải không?
- Lúc đó em còn nhỏ, có lẽ chưa biết rằng sau trận Điện biên phủ và hiệp định Genève, uy tín của Việt minh lên cao tận mây xanh. Hầu hết dân chúng đều hướng về cách mạng và cho rằng tham gia công tác của cách mạng là vinh dự. Anh còn nhớ, chính Bạch Mai bảo rằng ba em cũng có chân trong một tổ chức của cách mạng ở nội thành còn mẹ em thì đã từng đi quyên góp mua đồ tiếp tế cho liên lạc chuyển vào chiến khu.
Bính cười:
- Còn một lý do nữa, đó là ba má em thương anh, tin anh. Ba má em rất bằng lòng cho chị Mai làm bạn với anh.
Câu nói nầy của Bính làm cho Tân vừa cảm động, vừa xót xa. Giọng cậu bùi ngùi:
- Không, anh không xứng đáng với lòng thương yêu và lòng tin của ba má em.
- Thôi, tại số phận cả. Anh đừng buồn và tự dằn vặt mình nữa. À khi nãy em đang kể chuyện chị Mai mua đồ tiếp tế cho anh Đảnh thì anh kêu trời. Tại sao vậy?
- Trong hai bộ áo quần mà Mai mua thì anh Đảnh có để lại cho anh một cái áo.
Bính sửng sốt:
- Thế anh có gặp anh Đảnh à? Lúc nào?
Ngay lúc anh ấy từ nhà em đi. Cái áo đó anh chưa hề mặc, về sau thất lạc đi đâu anh cũng không nhớ. Có lẽ anh để quên lại khi cấp tốc rời nhà kho trong Chợ lớn để lên Biên hòa sống một thời gian. Anh đâu có ngờ cái áo đó là do tiền mà em làm ra với biết bao cực nhọc.
Bính đưa tay nhìn đồng hồ:
- Nói chuyện vậy mà gần hai tiếng đồng hồ rồi. Toàn là chuyện của em. Bây giờ tới chuyện của anh. Mấy năm nay anh làm gì, bây giờ đời sống ra sao?
Tân suy nghĩ một chút rồi trả lời:
- Từ khi ra khỏi tù đến nay, anh đi học. Năm đầu tiên thì sống với một vị ân nhân. Năm thứ nhì, sống nhờ chân bồi bàn ở một tiệm ăn của người Tàu trong Chợ lớn, ba năm nay thì sống nhờ học bổng của trường đại học Sư phạm.
Bính tỏ vẻ mừng rỡ:
- Anh học đại học Sư phạm à? Tốt nghiệp chưa?
- Rồi, mới đi nhận nhiệm sở sáng nay ở Tân an.
- Vậy hả. Thích quá. Anh học ban gì?
- Ban sử địa.
Bính reo lên:
- À, ngành văn chương. Thế là anh với em đồng môn phái.
- Mấy năm vừa rồi, anh may mắn có được một quãng đường học vấn suôn sẻ và giản dị hơn em nhiều. Sắp tới chưa biết thế nào.
Bính có vẻ không chú tâm đến câu nói đầy ẩn ý của Tân. Giọng cậu vẫn tiếp tục vui vẻ hồn nhiên:
- Em xin chúc mừng anh vừa trở thành giáo sư chánh ngạch. À, nhân việc nầy, em xin hỏi anh câu cuối cùng. Anh cũng có thể im lặng nếu không muốn trả lời.
- Được, em hỏi đi.
- Anh còn hoạt động cho Việt cộng không?
Tân đáp một cách thản nhiên:
- Không, anh từ bỏ từ lúc ở tù ra. Từ đó đến nay anh không hề liên hệ với tổ chức của Việt cộng nữa.
- Nhưng anh nói vẫn còn gặp anh Đảnh kia mà.
- Vâng, có gặp hai lần cách nay hơn ba năm nhưng anh dứt khoát từ bỏ con đường mà anh Đảnh đang theo. Anh xem chuyện gặp gỡ đó như một dịp tình cờ gặp lại người quen cũ mà thôi.
Bỗng nhiên, Bính chồm sang nắm chặt tay Tân:
- Anh Tân, từ lúc gặp anh đến giờ, em vẫn mong chính tai mình nghe anh nói lên điều đó. Em chẳng cần biết nguyên nhân nào làm cho anh từ bỏ Việt cộng. Bao nhiêu đó đủ rồi.
- Tại sao em nói như vậy? Em thù cộng sản lắm sao?
- Nói thù thì hơi quá đáng, nhưng em ghét cộng sản vì họ gây chiến tranh, không để cho dân miền Nam sống yên ổn. Mấy năm nay, em vẫn nhớ đến anh, nhất là vào ngày giỗ má em. Em vẫn có ý đi tìm gặp lại anh nhưng ngại rằng anh vẫn còn theo Việt cộng nên thôi. Bây giờ thì em có thể thực sự làm bạn với anh được rồi. Chỉ tiếc là em phải nhập ngũ, khó có dịp cùng anh rong chơi trên các con đường của thủ đô nữa. Thôi bây giờ, anh về nhà em chơi. Chắc chắn chị Mai rất mừng khi gặp lại anh.
Tân im lặng một chút rồi lắc đầu:
- Cám ơn em. Để khi khác vậy. Bây giờ, anh còn phải giải quyết một việc rất quan trọng nữa.
- Thôi cũng được; em biết anh chưa sẵn sàng gặp lại chị Mai, có đúng không nào? Bây giờ mình chia tay. Nhà em vẫn ở chỗ cũ. Rất mong có ngày chúng mình lại gặp nhau.
Hai bạn bắt tay từ giã. Bính leo lên xe đạp đi, Tân đến trạm chờ xe buýt. Các chuyến xe đều đầy người đi làm về muộn. Mãi đến chuyến thứ ba, cậu mới leo lên được. Khi cậu về đến bên ngoài phòng trọ thì đã nghe tiếng ồn ào bên trong. Mọi người đã về đông đủ. Cơm nước xong, cậu rủ một người bạn cùng phòng đi xem phim ở rạp hát Vĩnh lợi. Đó là một phim hài vui nhộn làm cho cậu ra về rất thoải mái. Đêm đó cậu ngủ một giấc bình yên.


*
* *


Tân thức dậy thì trời đã sáng hẳn, cảm thấy trong người khoẻ khoắn, tinh thần phấn chấn. Sau khi làm vệ sinh buổi sáng, cậu thay áo quần và đạp xe ra phố, đạp đi chầm chậm qua nhiều con đường cho hết buổi sáng rồi trở về. Sau giấc ngủ trưa khá dài, cậu thức dậy gói ghém đồ đạc, từ giã mọi người, mang hành lý ra xe đi Biên hòa và đến ngay nhà anh Long. Anh đang bế con ngồi trên ghế, vội quay ra, ngạc nhiên:
- Ủa Tân, em lại trở lên à? Sài gòn chán lắm hay sao mà mới về có một ngày lại bỏ đi rồi?
Tân cười tươi:
- Không đâu. Em không bao giờ chán Sài gòn, nhưng em sắp phải xa nó rồi.
Anh Long đặt bé xuống đất, hỏi nhỏ:
- Em tính đi trốn phải không? Trốn ở đâu?
- Không. Em sắp đi trình diện nhập ngũ.
- Hả? Em nói lại anh nghe.
Tân nói to:
- Em chuẩn bị đi nhập ngũ đúng hạn khóa Mười bốn Sĩ quan trừ bị Thủ đức.
- Tại sao em quyết định như thế. Mới có hai ngày thôi mà em đã thay đổi quyết định. Có lẽ em đã gặp người nào đó ở Sài gòn phải không?
- Có, một người bạn, đúng hơn, một đứa em của thời xa xưa.
- Nó khuyên em đi nhập ngũ và em đã nghe theo lời nó?
Tân lắc đầu:
- Không, nó không khuyên em gì cả vì nó không biết em vừa bị gọi động viên. Em nói chuyện với nó suốt một buổi chiều rồi thấy trí óc mình như bừng sáng ra. Gặp lại nó là chuyện tình cờ nhưng thực đúng lúc, nhờ đó em đã đạt được quyết định cho mình. Em nghĩ rằng đây là một quyết định đúng đắn.
- Có chắc đúng đắn không? Ai cũng tìm cách tránh vào quân đội còn em thì làm ngược lại. Em phải hiểu rằng vào lính thì rất có thể bị đưa ra chiến trường và phải chịu hiểm nguy. Trong quyết định nầy của em có phần lãng mạn hay không?
- Anh nói lãng mạn là thế nào?
- Nghĩa là xem ra trận như một cuộc dạo chơi, cố tình quên đi chiến tranh là khốc liệt, cố tình không chịu hiểu chiến trường là nơi dành cho chết chóc, cho rằng ra mặt trận là chỉ để cắm hoa đầu súng, gối đầu trên ba lô chờ trăng lên, vân vân…. Anh sợ rằng, nếu lãng mạn kiểu đó thì khi thực sự bước vào quân ngũ, chú sẽ không chịu đựng nổi thực tế tàn khốc.
Tân mỉm cười:
- Quả thực, em cũng có nghĩ rằng ra chiến trường, người ta vẫn có thể nhặt được chút gì đó thi vị, và tìm được nguồn cảm hứng để làm thơ. Tuy nhiên em không bao giờ quên chiến tranh là điều tồi tệ nhất trong những điều tồi tệ. Em hiểu, khi bước vào trại nhập ngũ là em bước vào tâm điểm của điều tồi tệ bậc nhất đó.
Anh Long xua tay:
- Thôi, hãy tính chuyện thực tế, không nên nói chuyện triết lý viễn vông nữa. Chỉ mới hai ngày trước đây, em còn có ý xa lánh chiến tranh kia mà. Vì vậy trong hai ngày vừa qua, anh chị đã nổ lực tìm giải pháp cho em. Em phải hiểu anh chị đang lo lắng cho em.
Tân quay lại nhìn anh, có vẻ cảm động:
- Vậy à? Anh chị đã có giải pháp nào cho em chưa?
- Có rồi. Ngay buổi sáng em về Sài gòn sớm, chị thức dậy hỏi hai anh em nói chuyện gì mà khuya vậy. Anh trả lời rằng mình bàn chuyện tránh đi lính cho em. Chị sực nhớ cách đây không lâu có người ở quê chị là Vĩnh Long lên Sài gòn tìm một người có đủ điều kiện về bằng cấp để làm hiệu trưởng một trường tư thục dưới đó. Ở chức vụ nầy thì được hoãn dịch, được sống và làm việc một cách đàng hoàng, không phải trốn tránh đâu cả. Đó là dịp may rất lớn.
Tân lắc đầu:
- Đó là dịp may lớn cho người khác chứ không phải cho em.
- Tại sao vậy?
- Hai lý do. Một là, đối với bộ giáo dục thì nhiệm sở của em là ở Tân an. Nay bỏ về Vĩnh long là đào nhiệm và có thể bị truy tố. Hai là, đối với bộ quốc phòng thì em đã bị động viên, không vào lính thì làm sao sống yên được.
Long cười:
- Em khỏi lo. Anh có bàn với chị rồi. Chị bảo trường nầy do các vị tai to mặt lớn dưới đó hùn hạp để kiếm lời và để cho những học sinh nào không đủ điểm vào trường công cũng vẫn tiếp tục được học hành. Người ta cần em thì phải bảo vệ em, đúng ra là bảo vệ cái chức hiệu trưởng của em. Anh nghĩ rằng họ đủ sức làm chuyện đó. Thời buổi nầy, truy tố hay không truy tố, thi hành luật hay không thi hành đều do họ cả.
Thấy Tân ngồi trầm ngâm, không có vẻ vui mừng phấn khởi chút nào, anh Long nói tiếp với giọng thuyết phục:
- Đây là dịp may rất lớn, em nên nắm bắt lấy, không nên lưỡng lự. Em nên nhớ rằng có biết bao người chịu tốn hàng trăm ngàn đồng để được hoãn dịch, còn em thì không phải tốn kém gì cả lại được nơi ăn chốn ở, được có công ăn việc làm với thù lao có thể lớn hơn cả lương giáo sư trường công nữa. Anh không hiểu tại sao em lại không vui vẻ bằng lòng ngay mà ngồi im lặng như vậy?
- Em cám ơn anh chị đã hết lòng lo cho em. Nhưng em phải suy nghĩ cho kỹ vấn đề nầy. Bây giờ, em muốn đi chơi một lát ngoài bờ sông.
- Ừ. Em nên nên ra đó đi. Ngoài bờ sông yên tĩnh, có thể giúp mình sáng suốt hơn. Mỗi lần có chuyện gì phải suy tính, anh cũng thường ra đó ngồi một mình. Nhưng em nhớ phải quyết định cho sớm, nội trong đêm nay thôi vì chị dự trù sáng sớm mai đi Vĩnh long để lo cho em. Gặp người ta càng sớm thì càng tốt. Hi vọng ở dưới đó chưa tìm được người làm hiệu trưởng.
- Vâng, em sẽ quyết định ngay trong đêm nay.
Tân đứng dậy ra đường và lững thững về hướng cầu Gành. Cậu thấy bên dưới gầm cầu có nhiều người đang sống. Họ che chỗ ở bằng những miếng vải nhựa rách nát. Cậu đến gần hỏi thăm vài câu rồi bước lên cầu, băng qua cù lao và đến ngồi trên bờ đá, nhìn mặt sông đang tối dần dưới ánh sáng còn sót lại của hoàng hôn. Không gian thực yên tĩnh, gió chiều phe phẩy làm cho bụi tre sau lưng cậu rung lên xào xạc. Bỗng Tân giật mình vì vài tiếng súng nổ từ bên kia sông vọng lại. Tiếng súng nghe cô đơn và buồn bã. Tân thở dài, đứng dậy ra về.
Cậu bước vào nhà thấy mâm cơm đã dọn sẵn trên bàn. Chị Long reo lên vui vẻ.
- Chú Tân về rồi kìa. Chú vào rửa mặt để dùng cơm, anh chị và cháu đang mong chú.
Vài phút sau, mọi người ngồi vào bàn. Chị Long hỏi :
- Chú Tân ra bờ sông chơi phải không? Chị thích ngoài đó lắm nhưng lâu quá rồi không ra được vì chẳng có thì giờ. Ngồi ngoài đó nhìn ghe thuyền qua lại, thấy cảnh thanh bình thực là vui sướng.
Tân mỉm cười một cách buồn bã:
- Bây giờ thì không còn thanh bình nữa chị ạ. Em thấy dưới gầm cầu có mấy gia đình đang sống rất khổ sở. Em hỏi thăm thì biết là họ trốn tránh chiến tranh, bỏ quê nhà lên đây tá túc. Một lát sau ngồi trên bờ sông, em nghe từ hướng núi Châu thới có mấy tiếng súng vọng đến. Bây giờ, chiến tranh đang bắt đầu.
Anh Long ngắt lời:
- Chiến tranh đã bắt đầu từ lâu chứ đâu phải bây giờ mới bắt đầu. Từ hai năm sau hiệp định Genève, súng đã nổ rải rác nhiều nơi và đã có nhiều người ngã gục. Rồi sau khi Mặt trận Giải phóng ra đời thì chiến tranh bùng nổ càng ngày càng dữ dội, bây giờ thì không còn mong gì hòa bình nữa.
- Dân miền Nam chẳng mấy người hoan nghênh cuộc chiến tranh gọi là giải phóng nầy. Họ đang hưởng cuộc sống thanh bình và họ bằng lòng cuộc sống đó thì có ai màng đến giải phóng đâu. Tại sao người ta không quan tâm đến nguyện vọng của người dân là mong muốn sống trong hòa bình chứ có mơ ước gì khác?
Anh Long cười:
- Muốn viết nên lịch sử thì không nên quan tâm đến lòng dân. Lòng dân bao giờ cũng muốn có cuộc sống phẳng lặng. Nếu làm đúng theo lòng dân thì mấy ngàn năm nay làm gì có xáo trộn, có chiến tranh, có đổ máu và các nhà viết sử chẳng có gì để kể lại cho hậu thế. Và vì vậy, trong rất nhiều trường hợp, dân chúng là nạn nhân của những người muốn ghi danh mình vào lịch sử.
- Điều đó có lẽ đúng trong tình hình hiện tại; nhân dân miền Nam đang là nạn nhân của những người đang dựng lên Mặt trận Giải phóng miền Nam?
Anh Long im lặng một lát rồi mới trả lời:
- Anh không muốn đổ lỗi cho ai cả. Anh cho rằng đó là số phận mà dân mình phải gánh chịu. Hết bị đô hộ rồi thì đến chiến tranh giành độc lập, vừa mới xong thì lại đến chiến tranh giải phóng. Thân phận người dân mình thực là bi đát.
Tân buông đũa, dựa ra ghế, nhìn anh Long, chẫm rãi nói:
- Anh Long, chính vì cái thân phận bi đát của người Việt Nam như anh vừa nói mà em quyết định phải đi nhập ngũ.
Anh Long ngồi thẳng dậy hỏi:
- Chú đã quyết định như thế rồi à? Chú muốn ra trận để chống lại những người gây ra cuộc chiến tranh nầy?
- Không, em không nhập ngũ với mục đích đó.
- Vậy thì em quyết định vào lính để làm gì?
- Chiến tranh là điều tồi tệ nhất. Em lặp lại điều đó không biết đến lần thứ mấy rồi. Nhân dân miền Nam đang quằn quại trong cái điều tồi tệ đó thì em không thể nào tìm sự an thân trong chức vụ hiệu trưởng để hưởng tuổi thọ trong cái thành phố đã được bảo vệ kỹ lưỡng. Đã nhận rằng dân miền Nam là nạn nhân của chiến tranh thì em là một người dân miền Nam, em phải chia sẻ số phận nạn nhân như những người khác; em không thể lợi dụng cái bằng cấp, sự quen biết để trốn tránh thân phận bi đát của người miền Nam được. Bây giờ thì có lẽ anh hiểu lý do em quyết định đi nhập ngũ.
Anh Long nhíu mày:
- Anh hiểu. Tuy nhiên, bàn đến thân phận bi đát của con người, anh chỉ hình dung nó trong sách vở, trong những tiểu thuyết mà tác giả hư cấu để chứng minh. Bây giờ, em đưa nó ra trước thực tế, anh cảm thấy thực ngỡ ngàng. Anh vẫn không thể nào chấp nhận được quyết định đi nhập ngũ của em vì lý do có tính lý thuyết như thế. Anh rất tiếc nếu em từ chối vị trí mà biết bao nhiêu người thèm muốn trong thời buổi nầy.
Anh nói tiếp với giọng bực tức:
- Em bảo rằng em muốn xông thẳng vào chiến tranh chỉ vì muốn chia sẻ thân phận của người miền Nam. Thế cách đây hai hôm, tại sao em từ chối ra chiến khu? Ở đó không phải là tâm điểm của chiến tranh hay sao?
Tân thở dài với vẻ ngao ngán:
- Anh Long, em đã trải qua nhiều sóng gió, nên tâm hồn em hết sức mệt mỏi. Em không muốn có một sự lựa chọn nào cả. Em muốn trở nên thụ động, hay tốt hơn hết là bất động, để mặc cho hoàn cảnh đưa đẩy, cũng như chiếc lá mặc cho dòng nước cuốn trôi. Anh nói đúng, vào quân ngũ hay vào chiến khu cũng đều là chui vào lò lửa chiến tranh để được nướng cho cong queo như bao người khác. Chiến khu hay quân ngũ, tuy là hai cánh cửa khác nhau nhưng cũng đều dẫn vào một địa điểm, đó là mặt trận.
Anh Long ngắt lời:
- Thế tại sao em quyết định vào quân ngũ mà từ chối ra chiến khu?
- Không ai bắt buộc em ra chiến khu cả. Thế thì chấp nhận ra đó rõ ràng là một sự chọn lựa, không khác chi một sự tình nguyện, còn vào quân ngũ là một sự cam chịu. Em không muốn chọn lựa, em chỉ muốn cam chịu mà thôi. Hơn nữa, vào chiến khu là tự nguyện đứng vào hàng ngũ những người quyết tâm đi tìm sự vinh quang bằng cách gây ra cuộc chiến tranh nầy.
Giọng Long có vẻ mỉa mai:
- Nhưng em nên biết rằng trong quân đội quốc gia, bây giờ gọi là quân đội cộng hòa, người ta cũng lớn tiếng hô hào chiến thắng, ca ngợi vinh quang kia mà. Em vào đó thì cũng phải hô hào chiến thắng, hô hào vinh quang y như đối phương mà thôi.
Tân đáp lại, giọng vẫn chậm rãi và bình tĩnh:
- Chiến thắng, vinh quang như anh nói chỉ là hình thức, chỉ là thủ tục cần thiết cho bất cứ quân đội nào. Ở đây, xét theo công tâm, cái quân đội quốc gia hay quân đội cộng hòa đâu có muốn cuộc chiến tranh nầy xảy ra để cho họ đi tìm chiến thắng hay vinh quang. Cũng có một số tướng lãnh hay sĩ quan lợi dụng chiến tranh để có dịp leo lên nấc thang cao trong xã hội. Đó chỉ là số ít còn hầu hết bị bó buộc tham gia vào chiến tranh như bó buộc nhận chịu thân phận con người mà thôi.
Anh Long có vẻ bực tức:
- Thôi được. Em muốn nhập ngũ thì cứ đi. Tự do hành động theo nhận thức của mình là điều quý nhất đối với mỗi người. Ngày mai chị không cần phải đi Vĩnh long nữa.
Tân quay sang chị Long:
- Em vẫn phải cảm ơn lòng tốt của chị và rất tiếc không thể nhận dịp may mà chị sắp đem đến cho em.
Chị Long cười một cách hiền lành:
- Không sao. Em đã không thích thì thôi. Em muốn đi nhập ngũ như bao nhiêu thanh niên khác ở miền Nam thì cũng phải. Thôi hai anh em nói chuyện với nhau, chị đi dọn dẹp và cho cháu ngủ. Chị hi vọng em vào quân đội sẽ được ở lại văn phòng, không phải ra chiến trường.
Nói xong chị đứng dậy dọn chén bát và bưng bình nước ra. Anh Long nói với Tân:
- Chị cầu chúc như thế nhưng em phải hiểu rằng, vào quân ngũ thì có thể bị đưa ra mặt trận. Em có nghĩ đến điều đó không?
- Dạ có. Em chấp nhận đi vào chiến tranh thì đâu phải để ngồi trong một chiếc ghế êm ái của bộ tư lệnh nầy hay bộ chỉ huy nọ. Vào quân ngũ thì phải chấp nhận ôm súng ra chiến trường.
- Nếu ra chiến trường, em buộc phải chĩa súng bắn vào kẻ thù. Em có nhớ kẻ thù đó là những người nào không?
- Em vẫn nhớ chứ. Lần trước em đã nói với anh rồi. Em không bao giờ em xem những người bên kia chiến tuyến là kẻ thù. Em vẫn coi họ là những người bạn, những người đồng chí hướng trong quá khứ. Ngày trước, em đi cùng đường với họ. Họ tiếp tục theo con đường cũ còn em thì dừng lại và bị số phận cuốn hút vào bánh xe tàn nhẫn của nó. Đối với họ, em vẫn giữ gìn tình bạn xưa cũ.
Long cười lạt:
- Em vẫn còn những ý nghĩ ngây thơ như thế à? Trong hoạt động địch hậu, hễ đồng chí nào tự ý ngưng sinh hoạt thì bị xem như tự ý rời bỏ hàng ngũ và trở thành quần chúng bình thường. Còn nếu chịu đi lính cầm súng cho phía quốc gia thì lập tức trở thành kẻ thù của cách mạng. Đó là một nguyên tắc rất nghiêm nhặt, em không nhớ sao? Làm sao còn có tình bạn xưa cũ được.
- Em nhớ điều đó và em biết rằng em sắp trở thành kẻ thù của họ nhưng họ không bao giờ là kẻ thù của em. Họ xem em là kẻ thù, em đành chịu, còn em vẫn xem họ là bạn cũ.
- Lý lẽ của em nghe có vẻ dị thường. Đối đầu với nhau trên chiến trường, bắn vào nhau mà bảo rằng không phải là kẻ thù của nhau.
- Đương nhiên họ sẽ nhắm bắn vào em vì em là kẻ thù của họ. Còn em thì không bao giờ bắn vào họ. Sau khi ra khỏi quân trường rồi nhất định không bao giờ em chạm ngón tay vào cò súng.
- Em có chắc giữ đúng lời nói đó không?
Tân gật đầu, giọng cương quyết:
- Nhất định em giữ đúng như thế.
- Kể cả khi phải ra đơn vị tác chiến và thường xuyên có mặt trên chiến trường?
- Vâng, trong bất cứ trường hợp nào.
- Em đừng quên cái quy luật của muôn đời là khi đối mặt nhau trên chiến địa thì phải giết chết quân địch để bảo vệ mạng sống của mình và của đồng đội. Em không giết họ thì họ sẽ giết em.
- Vâng em chẳng than phiền gì nếu bị họ giết.
Anh Long phì cười:
- Chết rồi thì than phiền gì được nữa. Tuy nhiên, như vậy chưa phải là hết chuyện đâu. Em ra trường sẽ là sĩ quan và chắc chắn sẽ là một đơn vị trưởng. Anh không biết rồi em sẽ chỉ huy đơn vị em thế nào nếu em cứ nhất quyết xem những người bên kia chiến tuyến không phải là kẻ thù.
- Em sẽ chỉ huy đơn vị theo lệnh trên truyền xuống. Nếu cần em sẽ ra lệnh cho lính của em bắn vào đối phương, nhưng riêng em thì không bao giờ trực tiếp giết những người đã từng là đồng chí của em.
- Anh vẫn chưa thể nào thừa nhận quan điểm khác thường của em. Tuy nhiên anh vẫn cầu chúc cho em không phải ra chiến trường để khỏi phải biến quan điểm khác thường đó thành hiện thực. Em tính bao giờ sẽ lên đường trình diện? Cho anh chị biết chính xác để anh chị còn sắm sửa chút ít cho em mang theo.
- Anh chị không cần phải tốn tiền mua sắm cho em gì cả. Em đã quen sống với nhu cầu vật chất tối thiểu rồi. Hơn nữa vào quân trường thì chắc chắn quân đội sẽ lo mọi thứ cho em, có lẽ còn đầy đủ hơn cuộc sống dân sự của em nữa. Em tính đi nhập ngũ vào thứ sáu tuần sau, nghĩa là còn đúng năm ngày nữa.
- Tại sao đi sớm như thế? Còn những hai tuần nữa mới hết hạn trình diện mà.
- Chẳng có gì làm em vấn vương với đời sống dân sự nên không cần phải đợi đến hạn chót. Vả lại, em muốn đi trình diện cùng ngày với một người quen để may ra được ở cùng một đơn vị trong quân trường.
- Từ nay đến ngày trình diện, em đi đâu?
- Em lên Bảo lộc ở chơi với ông bà Thái.
Anh Long cười, ngắt lời:
- Để cuốc đất trồng cây cho ông bà?
- Vâng, em muốn có một cử chỉ đền ơn tượng trưng đối với ân nhân của em. Vào quân đội rồi ra chiến trường, biết đâu em không bao giờ còn có dịp tỏ lòng biết ơn với ông bà nữa.
- Em đừng quá bi quan như thế.
- Thôi khuya rồi, chúng ta đi ngủ, ngày mai em lên đường sớm.
Đêm đó, Tân ngủ một giấc ngon lành trong khi anh Long thao thức mãi. Anh vẫn ấm ức vì quyết định dứt khoát và khá bất ngờ của người bạn trẻ mà anh coi như em của mình.
Sáng hôm sau, Tân đáp xe đò về Bảo lộc. Hai ông bà già vẫn tiếp đón cậu với sự mừng rỡ thực cảm động. Khi cậu cho biết tin mình sắp nhập ngũ, ông Thái cầm tay cậu, đôi mắt già nua đầy xót thương lẫn hân hoan. Ông nói với bà đang đứng rơm rớm nước mắt:
- Bà nầy, cháu Tân sắp đi làm nhiệm vụ của một đứa con thân yêu của Tổ quốc.
- Tội nghiệp cho cháu tôi. Từ thuở bé đã phải long đong. Tưởng đâu ra trường thì được sung sướng tấm thân, không ngờ lại tiếp tục long đong.
Ngay buổi chiều hôm đó, cậu đã ra vườn chăm chỉ làm việc.
Bốn ngày trôi qua nhanh chóng. Buổi sáng sớm cả hai ông bà đưa cậu ra bến xe. Cho đến khi xe lăn bánh hai người mới ra về.



*
* *


Trại nhập ngũ Số Ba nằm trong khu vực trại huấn luyện Quang trung. Tân đến đó vào buổi sáng và hơi ngạc nhiên thấy trại không đông đúc ồn ào như cậu hình dung trên suốt đoạn đường từ Biên hòa đến đây. Tân vào văn phòng và đến bàn tiếp nhận tân binh, làm thủ tục nhập trại và được dẫn đến một khu gồm nhiều dãy nhà dài mái tôn cũ kỹ, vách ván màu xám xịt. Những dãy nhà bỗng làm cậu nhớ lại khám Tân hiệp nơi cậu đã sống suốt gần ba năm trường.
Tân theo người lính bước vào dãy nhà đầu tiên. Cậu đứng nhìn gian phòng rộng lớn với hai dãy giường gỗ chạy dài hai bên con đường đi ở chính giữa. Các giường đều trống trơn. Lác đác vài giường có trải chiếu, chứng tỏ có người đang ở trong phòng. Người lính dẫn đường chỉ cho cậu một giuờng gỗ gần cửa ra vào, trao cho cậu chiếc chiếu mà anh ta cầm theo và nói:
- Anh nằm giường nầy hay bất cứ giường nào khác trong phòng mà anh thích. Trưa và chiều, nghe kẻng đánh, anh xuống dùng cơm ở nhà ăn, dãy cuối cùng.
Người lính đưa tay chỉ những chiếc giường có trải chiếu và nói tiếp:
- Mấy người nầy đã trình diện hôm qua, có lẽ đang xuống dưới quán uống cà phê cả rồi. Anh xuống câu lạc bộ thì gặp họ cả dưới đó.
Nói xong anh ta quay lưng bước ra khỏi phòng. Tân trải chiếu lên giường gỗ và đặt lưng nằm xuống. Cậu cảm thấy buồn ngủ, vì trằn trọc gần suốt đêm qua trên chiếc di văng nhỏ trong phòng khách nhà anh Long. Cậu nhắm mắt lại, nghe có tiếng chân đi và tiếng nói ồn ào bên ngoài. Tân hiểu rằng những người cùng hoàn cảnh với cậu đang vào trình diện tại đây. Cậu duỗi thẳng tay chân, thấy dễ chịu và chìm dần vào giấc ngủ. Bỗng cậu thức dậy ngay vì ngứa ngáy ở cánh tay bên trái. Cậu đưa tay gãi và cố tiếp tục giấc ngủ sảng khoái vừa mới bắt đầu. Nhưng nhiều cú chích liên tiếp làm cho cậu bật dậy và khiếp đảm khi trông thấy mấy chú rệp to tướng phóng chạy ra mép chiếu và chui vào khe ván.
Tân chán nản bước xuống giường, thấy trong phòng có nhiều người. Cậu nhìn kỹ để tìm Bính nhưng không thấy. Cậu ra hàng hiên. Bên ngoài có hàng cây bã đậu xanh tươi, bóng mát trùm khắp khoảng trống giữa hai gian nhà. Cậu ngồi lên một băng đá, ngửa đầu ra sau, nhắm mắt lại và nhanh chóng tìm lại được giấc ngủ vừa bị bầy rệp làm gián đoạn.
Một bàn tay khẽ vỗ vào vai làm Tân tỉnh giấc. Cậu mở mắt ra và trông thấy Bính đang đứng trước mặt nhìn cậu với đôi mắt đầy ngạc nhiên. Bính nói to như hét:
- Anh Tân, tại sao anh vào đây?
Tân mỉm cười:
- Cũng như em vậy. Nếu không nhập ngũ thì vào đây làm gì?
- Anh cũng bị động viên à? Khóa Mười bốn phải không?
Tân gật đầu, chưa kịp trả lời thì Bính đã hỏi dồn:
- Thế sao tuần trước gặp nhau ở sở thú, ngồi với nhau cả một buổi chiều ở quán nước mà anh không nói cho em biết?
- Có ai tra khảo gì đâu mà anh phải khai.
Bính cười khì:
- Anh vẫn còn giữ tác phong của Việt cộng, kín đáo lắm. Có tra khảo cũng cứ ngậm miệng không khai.
- Còn em thì tác phong quốc gia, không cần tra khảo cũng khai ra tất cả.
Bính cười ha hả:
- Đúng rồi. Cộng sản và quốc gia khác nhau chỗ đó. Vì vậy, cộng sản thì đáng nể phục và đáng sợ, còn quốc gia thì không đáng phục nhưng dễ thương.
Bính ngưng cười, nghiêm mặt lại nói:
- Em nghĩ rằng anh đi lính bác Hồ thì đúng hơn vào đây đi lính Cộng hòa.
Thấy Tân tỏ vẻ khó chịu, Bính vội vàng nói tiếp:
- Xin lỗi anh, em chỉ nói chơi thôi. Thấy anh vào đây cùng với em nên em mừng quá, không giữ gìn được lời nói, nên có thể làm cho anh phiền.
Tân mỉm cười:
- Em đừng ngại, bạn trai với nhau không cần phải giữ gìn lời ăn tiếng nói cho lắm. Còn chuyện anh nhập ngũ thì cũng là chuyện bình thường như bao nhiêu người khác trong đó có em. Từ khi anh ra tù đến nay, anh không còn liên hệ gì nữa với cộng sản, anh đã nói với em hôm nọ rồi. Em không nhớ sao?
- Vâng, em vẫn nhớ chứ. Và chính điều đó làm cho em khấp khởi vui mừng.
- Kể từ đó, anh là một công dân bình thường của miền Nam và phải có bổn phận chấp hành luật lệ của chính phủ như mọi người khác.
- Em hoan nghênh quyết định của anh. Anh có biết tại sao anh em mình kéo nhau vào gặp nhau ở đây không?
- Vào đây là tuân theo lệnh nhập ngũ.
- Không em muốn nói tới một khía cạnh khác. Theo em hiểu, kể từ khóa Mười hai Thủ đức, chính phủ muốn đưa nhiều trí thức vào quân đội để nâng cao trình độ của quân đội mình lên, đặc biệt là về tác phong đạo đức. Vì vậy anh cũng không nên buồn khi phải từ giã học đường để vào đây ăn cơm lính. Riêng đối với em thì em rất vui mừng vì anh em mình trở thành chiến hữu của nhau. Theo em thì chiến hữu còn có ý nghĩa đậm đà hơn cả bằng hữu nữa, vì chiến hữu thì phải sống chết với nhau.
Bính nhìn Tân, cười một cách khoái trá và nói tiếp:
- Bây giờ, anh em mình hãy xuống câu lạc bộ để ăn mừng ngày hội ngộ hôm nay. À, anh vào trình diện có một mình hay sao? Anh không có người bạn nào cùng bị động viên khóa nầy à?
- Có một anh bạn cùng lớp nữa nhưng không biết anh ta trình diện ngày nào. Còn em, cũng đi một mình?
- Còn một người nữa. Anh ấy ghiền thuốc hút nên xuống căng tin trước và đợi em dưới đó. Anh ấy rất dễ mến, tính tình chân thật, làm bạn được lắm.
- Bạn học của em phải không?
- Vâng, anh ấy cũng học Văn khoa với em. Chúng em quen nhau trong quán nước của nhà trường và nhanh chóng trở thành bạn của nhau. Anh ấy mới đậu chứng chỉ dự bị khóa vừa rồi .
- Mới đậu dự bị thôi à? Thế thì được hoãn dịch để học tiếp, tại sao lại nhập ngũ?
- Anh ấy tình nguyện đi. Chuyện anh ấy còn dài lắm. Chúng ta có cả một khóa học ở quân trường, anh sẽ có nhiều thì giờ để nghe chuyện của anh ấy. Thôi mình đi. Tiền bạc thì nhớ mang theo còn đồ dùng lặt vặt thì để lại chỗ ngủ. Trong nầy toàn lính tráng, chẳng có kẻ gian nào dám vào đây đâu. Chỗ nằm của anh ở đâu?
- Ngay cửa ra vào. Đêm rồi mất ngủ nhưng không thể nằm nghỉ trên giường được.
Bính cười to:
- Anh mới vừa bị rệp tấn công phải không?
Tân gật đầu:
- Bị tấn công dữ dội nên đành phải chạy ra ngồi trên ghế nầy ngủ gà ngủ gật. Có lẽ đêm nay phải kéo chiếu xuống đất mới ngủ được.
- Không, vẫn nằm trên giường và ngủ ngon lành. Trước khi vào đây, em may mắn có một người bạn cho biết những binh đoàn rệp ở đây rồi nên em đã chuẩn bị kỹ lưỡng.
- Chuẩn bị cách nào?
- Em có mang theo tấm ni lông để trải trên chiếu, bốn cạnh đều có thoa thuốc trừ rệp, mình nằm vào giữa, thế là chúng nó chỉ biết đứng ngoài nhìn vào một cách thèm thuồng. Kiểu phòng thủ đó làm em liên tưởng đến một quốc sách của chúng ta hiện nay.
- Em nói gì thế? Giết rệp mà là quốc sách à?
Bính cười sảng khoái:
- Không phải thế. Nói chuyện đề phòng rệp cắn làm em liên tưởng đến quốc sách ấp chiến lược của chính phủ để chống lại cuộc chiến tranh nhân dân của cộng sản. Rệp cũng như là những binh đoàn Việt cộng. Cơ thể mình như khối nhân dân đang tích trữ chất bổ dưỡng. Việt cộng cần lương thực của nhân dân cũng như rệp cần máu của mình để sống. Phải cách ly bọn rệp khỏi cơ thể bằng một lớp thuốc cũng như ngăn chận không cho Việt cộng đến gần dân bằng vòng rào phòng thủ của ấp chiến lược vậy.
- Hình như lúc nào em cũng có ý nghĩ khôi hài trong đầu, kể cả lúc sắp sửa xông vào chiến tranh?
- Mỗi người có một thái độ riêng khi đi vào chiến tranh. Có người giận dữ căm thù, có người chán nản âu sầu.
- Còn em thì cứ vẫn cười đùa?
- Vâng, em chẳng thấy buồn hay giận chút nào. Nếu ra ngoài chiến trường, gặp ông thần chết đưa lưỡi hái lên thì em bảo ông ấy cất vũ khí, đi uống một chầu bia với em rồi muốn làm gì thì làm.
- Lúc nào em cũng hồn nhiên y như trẻ thơ. Cái anh bạn cùng đi nhập ngũ với em có lẽ còn nhỏ và cũng hồn nhiên như em vậy phải không?
- Không, anh Thảo lớn tuổi rồi, có lẽ bằng anh. Anh ấy rất thông minh.
- Nhưng tại sao mới đậu dự bị. Lo mãi mê làm ăn phải không?
- Không phải. Anh Thảo học trễ vì mới vượt biên vào Nam cách nay khoảng bốn năm. Ở ngoài Bắc anh ấy bị đuổi khỏi trường trung học vì cha mẹ bị đấu tố trong đợt cải cách ruộng đất năm 1956. Chuyện vượt biên của anh Thảo thì hết sức ly kỳ, hay hơn bất cứ chuyện phiêu lưu mạo hiểm nào mà em đã đọc.
- Tính tình anh ấy thế nào?
- Rất dễ mến nhưng nghiêm nghị chứ không hay bông đùa như em. Trường hợp động viên và thái độ nhập ngũ của anh ấy cũng khác với em. Em thì bị gọi vào lính và không thể từ chối được. Anh Thảo được ưu tiên hoãn dịch vì lý do học vấn và lý do nạn nhân của cộng sản miền Bắc, nhưng anh ấy tình nguyện đi lính với một mối căm thù mãnh liệt trong lòng. Anh ta thề vào quân đội để tận diệt cộng sản ở miền Nam rồi tiến ra Bắc để cứu em gái còn kẹt lại ngoài đó. Rồi anh sẽ có dịp nghe anh ấy kể chuyện đấu tố ở miền Bắc. Vô cùng rùng rợn và dã man.
- Em cùng anh ấy rủ nhau đi trình diện hay tình cờ gặp nhau hôm nay?
- Chúng em hẹn nhau cùng trình diện một ngày để được ở chung đơn vị trong thời gian học tại quân trường. Em đã hỏi thăm kỹ lưỡng. Ở trại nhập ngũ nầy, chúng ta sẽ được đưa đi khám sức khoẻ, xong là chuyển ngay về quân trường để thành lập các đại đội, có bao nhiêu là thành lập ngay bấy nhiêu.
- Thế thì anh em mình cùng một đơn vị vì mình nhập ngũ cùng một ngày và hôm nay không có nhiều người trình diện
- Vâng, đúng vậy, hôm nay thứ sáu, rất nhiều người còn tiếc hai ngày cuối tuần của cuộc đời dân sự. Thôi, mình xuống quán đi.
Hai anh em kéo nhau đi, nửa đường gặp anh bạn của Bính quay lên để tìm. Bính nói với Tân:
- Đây là anh Đoàn thạch Thảo mà em vừa nói với anh lúc nãy.
Cậu quay sang Thảo:
- Đây là anh Phạm bá Tân, bạn thân của tôi và của gia đình tôi nữa.
Hai người mới được giới thiệu siết chặt tay nhau. Thảo nói với nụ cuời rạng rỡ:
- Chào anh Tân. Rất hân hạnh quen biết và làm bạn với anh.
Tân đáp lời:
- Rất hân hạnh. Kể từ nay, chúng ta là chiến hữu với nhau. Tình chiến hữu thì thiêng liêng hơn tình bằng hữu nữa. Bính vừa mới nói với tôi như thế.
Thảo vẫn giữ nụ cười dễ thương:
- Bính lúc nào ăn nói cũng khéo. Tôi biết Bính có nhiều tư tưởng sâu sắc, tôi phục lắm dù Bính nhỏ tuổi hơn tôi. Tiếc rằng Bính phải bỏ dở sự học nửa chừng; nếu không sau nầy cậu ấy có thể thành triết gia hay giáo sư đại học.
Bính cười một cách hồn nhiên:
- Anh Thảo đừng buồn cho tôi. Mài quần trên ghế đại học, xong rồi bước lên bục giáo sư trong một giảng đường với đầy đủ tiện nghi thì khó lòng trở thành triết gia được. Số phận buộc tôi phải xông vào chiến tranh để suy tư, để tìm ra ý nghĩa của cuộc đời. Biết đâu đó lại là điều may mắn cho tôi. Cuộc chiến tranh nầy là cả một khối rối rắm, khó nhận ra ở đâu là chính nghĩa, ở đâu là phi nghĩa, ai bạo tàn và ai nhân ái. Vì vậy, đó là môi trường tốt nhất để người ta xông vào mà suy tư. Thôi chuyện đó còn dài, chúng ta còn cả hơn mười tháng trong quân trường để bàn bạc với nhau. Bây giờ đi ăn trưa và chiều nay phải thực hiện cho xong tuyến phòng thủ cho đêm nay, đề phòng Việt cộng tấn công.
Thảo ngạc nhiên:
- Anh nói phòng thủ cái gì? Việt cộng làm sao vào được đến đây mà tấn công?
Tân cười ngất:
- Việt cộng mà Bính nói là bầy rệp lúc nhúc trong các giường ở phòng ngủ. Chúng ta phải có cách ngăn chận bầy rệp đó thì mới có thể ngủ được.
Ba người trở lại quán ăn và ngồi vào bàn. Tân nhìn kỹ người bạn mới. Thảo là một thanh niên dáng tầm thước, da ngâm đen, nét mặt hiền lành dễ mến, cái nhìn có ẩn chứa nét buồn. Tiếng nói của anh trong trẻo và rắn rỏi nhưng cái âm sắc của giọng Nghệ an hơi khó nghe, phải chú ý mới hiểu hết câu nói của anh. Nghe Bính giới thiệu anh vượt biên vào Nam nên Tân bỗng nhớ tới anh Vinh và tò mò muốn biết cuộc sống ngoài miền Bắc. Cậu hỏi:
- Anh Thảo, lúc anh bỏ trốn vào đây, cuộc sống ngoài miền Bắc thế nào?
- Nghèo khổ và căng thẳng lắm. Cuộc đấu tố trong cải cách ruộng đất chưa hoàn toàn chấm dứt nên mọi người, nhất là những ai có học thức đều nơm nớp lo sợ và đều muốn vào Nam để sống đời tự do. Nhưng không mấy người dám đi và thành công như chúng tôi.
- Có ai đi chung một chuyến với anh không?
- Chúng tôi gồm tất cả bốn anh em đều là học sinh miền Bắc. Chúng tôi vượt sông Bến hải bằng đường rừng, bị một trung đội của sư đoàn Một Bộ binh bên mình bắt gặp khi chúng tôi đang nhắm hướng về đồng bằng. Lúc đầu người ta bắt trói chúng tôi nhưng sau biết chúng tôi vừa trốn khỏi vùng cộng sản thì từ sĩ quan đến lính đối xử với chúng tôi thật tốt làm cho chúng tôi cảm động không cầm được nước mắt. Sau đó, chúng tôi được đưa về Huế, giao cho ty xã hội.
- Các anh có bị cơ quan an ninh điều tra không?
- Có. Trọn hai ngày đầu, chúng tôi bị đưa qua ty cảnh sát. Ở đó, chúng tôi phải khai tỉ mỉ chỗ ở và việc học trong thời gian từ khi Việt cộng tiếp thu miền Bắc theo hiệp định Genève đến khi chúng tôi vượt biên. Tiếp theo là mô tả chuyến vượt biên trên những con đường mòn xuyên qua rừng núi của Lào và của Việt Nam.
- Thế là xong?
- Vâng, thế là xong. Nói là điều tra chứ thực ra mấy anh cảnh sát hỏi chúng tôi với giọng hết sức tình cảm, với cung cách hỏi thăm người thân vừa mới tới sau một cuộc hành trình vô cùng gian nguy.
- Tại sao anh không di cư ngay sau hiệp định Genève?
- Vâng, vào Nam tìm tự do lúc đó thì quá dễ dàng và an toàn vì được chính phủ lo liệu và có quốc tế bảo đảm, nhưng bố mẹ tôi không chịu đi. Ông bà không nỡ rời bỏ mồ mả tổ tiên và nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tôi đã lớn và bằng lòng ở lại cùng bố mẹ. Chúng tôi nghĩ rằng cộng sản cũng là người Việt Nam, đồng bào ruột thịt của mình. Chúng tôi đâu có ngờ một khi đã nắm được quyền hành rồi thì họ không coi mình là đồng bào ruột thịt nữa. Sau cuộc đấu tố, chúng tôi bị tước mất quyền sống ngay trên chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Họ xem chúng tôi không bằng một con vật. Tôi không nói thái quá đâu. Với con vật, người ta chỉ khinh khi chứ không cố tình hành hạ một cách có hệ thống và có chủ trương như họ đã đối xử với chúng tôi. Chúng tôi chỉ mong một cuộc sống thực bình dị nhưng không được. Rồi chúng tôi mong được sống như một con vật bị bỏ quên, cũng không được nốt. Đã có người phải tự tử. Riêng tôi không dám tự tử nên tìm cách bỏ trốn.
Tân nói chen lời:
- Trong hoàn cảnh đó, anh ra đi là phải rồi.
- Lúc đó tôi không có một chút thông tin nào về tình hình miền Nam. Tôi không hề biết rằng trong nầy người ta vẫn sống trong yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Bị cộng sản hành hạ nên tôi không còn tin ở tình người ở bất cứ nơi nào trên hành tinh nầy.
Bính ngắt lời:
- Điều đó cũng dễ hiểu. Anh tình nguyện ở lại sống chung với cộng sản, nhưng qua cuộc đấu tố, cộng sản đã thay thế tình người bằng hận thù giai cấp, cả miền Bắc tràn lan nước mắt và máu của những người bị cộng sản gán ép cho cái quá khứ địa chủ ác ôn. Có lẽ vì vậy mà anh không còn tin sự hiện hữu của tình người nữa.
Thảo gật đầu:
- Đúng vậy. Lúc đấy đảng và nhà nước ngày đêm gây căm thù trong nhân dân, kích động cho thú tính con người nổi lên để sẵn sàng giết chết những người bị đưa ra làm vật hi sinh cho công cuộc cải cách ruộng đất, những người mà trước đấy họ không hề oán thù, có khi là người thân của họ nữa. Trong khung cảnh tệ hại như thế về đạo đức thì làm sao tôi còn có thể giữ được niềm tin nơi tình người? Tuy nhiên, không thể nào ở lại được. Phải đi, nhất định phải đi. Nhưng đi về hướng nào đây. Hướng Đông thì biển cả mênh mông. Hướng Tây và hướng Bắc là xứ lạ quê người, chắc chắn không tìm được chốn dung thân. Ở miền Bắc nầy, mình không sống nổi với đồng bào mình thì mong gì sống được với người nước khác. Chỉ còn phương Nam. Tôi không mong ở đấy người ta tha cho mình, nhưng cũng cố hy vọng được sống chui nhủi cho hết kiếp.
Bính ngắt lời:
- Tôi không ngờ, chỉ có vài năm cầm quyền mà những người cộng sản đã gây nên cho người miền Bắc tâm trạng bi thương đến như thế.
- Vâng, tâm trạng đấy hết sức não nề. Không có gì bi đát bằng một tâm hồn nhạy cảm mà mất hết niềm tin ở tình người. Ngay cả lúc bị lính sư đoàn Một Bộ binh bắt được trong rừng Quảng trị và bị bắt trói ngồi trên bờ suối vì tưởng chúng tôi là bộ đội xâm nhập vào Nam, thì tôi hối hận đã vượt biên vào đây và nghĩ rằng mình sẽ bị đối xử không khác gì ở miền Bắc. Nếu lúc đấy có thể chết được thì tôi cũng chết ngay để chấm dứt cuộc sống đầy đau khổ nầy.
Thảo ngưng nói, châm một điếu thuốc nhả khói lên trần nhà. Tân biết người bạn mới đáng thương của mình đang thả hồn về quá khứ. Thảo bỗng mỉm cười và nói tiếp:
- Tôi không ngờ sau đó khi biết chúng tôi là nạn nhân của cộng sản, miền Nam đã đón tiếp chúng tôi thực sự như những người ruột thịt. Tôi không thể diễn tả được nỗi xúc động trong lòng chúng tôi lúc ấy.
Thảo vừa nói vừa chớp đôi mắt rưng rưng. Anh kể tiếp:
- Lúc ở Huế, chúng tôi được dẫn đi thăm nhiều nơi, sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên mụ, chợ Đông ba và các nơi khác nữa. Đâu đâu, tôi cũng chứng kiến cuộc sống thanh bình tự do, khác hẳn ngoài Bắc. Về đến chỗ ở thì nhiều phái đoàn đến thăm và tặng quà cho chúng tôi. Nói ra thực là xấu hổ. Quen với nếp sống bần cùng ở miền Bắc nên thấy người ta tặng những món quà quá sang trọng đối với mình lúc đấy, chúng tôi không tin là sự thực. Những món nầy chúng tôi cất giữ thật lâu chứ không dám dùng. Cảm động nhất là những phái đoàn học sinh. Chẳng có ai tổ chức cả. Nghe tin chúng tôi là học sinh miền Bắc vượt biên vào Nam tìm tự do, học sinh và sinh viên Huế rủ nhau đến thăm và tặng quà. Ban ngày được các bạn miền Nam đến thăm hỏi ân cần, ban đêm có lúc tôi nằm khóc rấm rứt vì nhớ các bạn tôi còn ở ngoài Bắc nhất là nhớ con Hải Đường, em gái của tôi.
Câu nói sau cùng tắt trong nghẹn ngào. Anh mím môi cố ghìm cơn xúc động. Một phút sau, anh thở ra một hơi dài, giọng bình thản trở lại:
- Gian nan làm cho tâm hồn tôi gần như chai sạn thế mà cứ mỗi lần nhắc tới con Hải Đường tôi cứ muốn khóc cho vơi bớt nhớ thương.
Tân rất xúc động. Cậu nói với bạn:
- Cuộc đời của anh buồn và chịu đựng quá nhiều. Nếu có thể chia sẻ bớt nỗi buồn cho anh thì tôi cũng sẵn sàng.
- Cám ơn anh. Chúng tôi bốn anh em thoát được vào Nam là lấy lại được cuộc sống đích thực của con người. Chỉ tội cho bạn bè tôi còn ở lại ngoài đấy.
- Đoàn vượt biên của các anh đến bốn người, ba người kia ra sao rồi?
- Được đưa về Huế ít lâu, hai người xin vào Sài gòn để tìm bà con đã di cư từ trước, tôi và một người khác ở lại Huế. Chúng tôi nhận được trợ cấp của bộ xã hội và tặng phẩm của các cơ quan từ thiện nên sự sống cũng thong thả, chỉ còn lo chuyện học hành mà thôi.
- Trong thời gian ở Huế, anh học trường nào?
- Tôi học Quốc học. Ty Xã hội đánh văn thư giới thiệu tôi là học sinh miền Bắc vượt biên nên nhà trường nhận ngay dù lúc đấy đang giữa năm học.
- Anh theo học có khó khăn lắm không? Chương trình hai miền có giống nhau không?
- Không giống nhau, nhưng tôi cũng cố gắng theo học được, dù lúc đầu cũng khá gay go. Trình độ học sinh trong nầy cao hơn ngoài Bắc nhiều. Ngoài đó thiếu thầy cô một cách trầm trọng. Trong những năm chiến tranh ác liệt của thời kháng Pháp, hầu hết giáo sư trung học đều tập trung ở các thành phố lớn và sau đấy bỏ miền Bắc di cư vào Nam tìm tự do.
Bính ngắt lời:
- Họ đi là phải. Nhà giáo là trí thức, ở lại ngoài Bắc mà không biết cúi đầu theo bọn cán bộ ngu dốt trong rừng ra thì làm sao sống được.
Thảo tiếp lời:
- Anh Bính nói đúng. Trí thức mà không chạy theo bợ đỡ họ thì họ bảo rằng giá trị không bằng cục phân bón ruộng. Vì vậy nhiều giáo sư còn ở lại cũng phải bỏ nghề, vì bị sa thải do lý lịch, hoặc tìm cách sinh sống khác vì thấy xã hội không tôn trọng họ như trước nữa. Người ta không tôn trọng nhà giáo như trong Nam đâu. Giai cấp công nông mới là giai cấp cao quý trong xã hội cộng sản. Hơn nữa, mới chiếm được phân nửa đất nước rộng mênh mông, họ lo việc thiết lập và củng cố chính quyền, lo siết chặt an ninh, truy lùng những người trước đây có liên can đến bộ máy cai trị của thực dân Pháp, lo chuyện kiểm tra dân số để thiết lập hộ khẩu tức là đặt cái gông lên cổ của dân chúng. Sau khi tạm ổn những thứ đó rồi, họ quay sang xúc tiến công cuộc cải cách ruộng đất, phát động đấu tố. Công việc tràn ngập như thế thì còn thời gian và hơi sức đâu để lo việc giáo dục nữa. Các trường học mở ra với mục đích chính yếu, không phải để giáo dục mà để quản lý bọn trẻ khỏi phải chạy rong ngoài đường.
Bính xen vào:
- Nhưng khi cần thì người ta sẽ xua bọn trẻ ra khỏi trường học để chúng làm cách mạng?
Thảo gật đầu:
- Dĩ nhiên là như thế. Con người chỉ là công cụ của đảng mà thôi. Vào đây thấy trẻ em được chăm sóc dạy dỗ, được xã hội ưu đãi, tôi nghĩ mà thương cho trẻ em ở miền Bắc. Mình được vào đây là điều vô cùng may mắn. Tôi cố gắng học hành với hi vọng sau nầy trở về miền Bắc để dạy dỗ trẻ thơ ngoài đó khi cộng sản không còn nữa. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến miền Bắc của tôi và càng nổ lực học hành. Tôi nhất định phải lên được đại học. Tuy phải chuyển đổi chương trình từ Bắc vào Nam nhưng nhờ cố gắng thực nhiều, tôi qua được bậc trung học không mấy khó khăn và bước vào đại học đúng với nguyện vọng của mình.
Tân hỏi:
- Tại sao anh vào Sài gòn? Ở Huế cũng có đại học mà.
Bính trả lời thay:
- Sài gòn vừa là thủ đô, vừa là trung tâm văn hóa của cả miền Nam. Vì vậy, ai có cao vọng cũng đều bị cuốn hút về đây.
Thảo gật đầu:
- Lúc còn ở Huế, tôi cũng như nhiều người khác đếu mơ ước vào Sài gòn. Tôi may mắn được ông thầy dạy triết học ở lớp đệ nhất chuyển về Sài gòn dạy đại học Văn khoa thu xếp cho tôi đi theo, vào đây lại giúp đỡ tận tình, lo chỗ ăn, chỗ ở, kiếm chỗ cho tôi dạy thêm để sống. Tôi ghi tên vào học trường của thầy tôi và đậu chứng chỉ dự bị ngay năm đầu tiên.
Tân thắc mắc:
- Sao anh không tiếp tục học mà lại tình nguyện vào lính?
- Đối với tôi, cuộc đời riêng tư chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Tôi chỉ mong có ngày trở về quê hương miền Bắc của tôi, gặp lại em gái tôi. Bây giờ thì cộng sản thành lập Mặt trận Giải phóng, dùng sức mạnh quân sự để chiếm luôn cả miền Nam, mình đâu thể ngồi đấy học hành để mong trở về miền Bắc được. Hơn nữa….
Thảo bỗng dừng lại, cúi nhìn xuống mặt bàn một cách đờ đẫn. Tân và Bính im lặng chờ đợi một lát sau mới nghe Thảo nói tiếp:
- Liên tiếp trong nhiều đêm, tôi chiêm bao thấy con Hải Đường. Trong lòng tôi, cồn cào nỗi ước mong đứng trong hàng ngũ của đoàn quân tiến ra miền Bắc. Muốn thế thì trước hết phải giữ cho được miền Nam không để lọt vào tay cộng sản.
Thảo lại im lặng một lúc rồi thở dài:
- Ở miền Bắc, cộng sản hành hạ dân mình như thế, nhưng khi vào Nam tôi lại gặp nhiều người còn ưa thích cộng sản lắm.
Bính góp ý kiến để giải thích:
- Bởi vì cộng sản bưng bít kỹ quá, không để tin tức ngoài đó lọt vào được trong nầy. Chủ nghĩa cộng sản chỉ có thể phát triển nhờ sự bưng bít để dối gạt nhân dân. Ở miền Nam, cộng sản còn tiếp tục hoạt động, còn thành lập được mặt trận, chính là vì người dân chưa hiểu rõ được những gì đang xảy ra ở miền Bắc.
Câu chuyện của ba anh em chấm dứt tại đó. Họ ra khỏi câu lạc bộ và thong thả dạo chơi trên những con đường. Trong trại bây giờ đã có nhiều người, tiếng cười nói ồn ào khắp nơi.

Hai ngày kế tiếp, xe chở mọi người đi khám sức khoẻ tại tổng y viện Cộng hòa rồi chuyển thẳng vào Liên trường Võ khoa Thủ đức. Ba anh em được xếp chung vào một trung đội và ở cùng phòng.