Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

Chương 6: Quân trường (2)



Một cuộc chiến tranh dài
Tập II
Chương 6: Quân trường
(2)

Giai đoạn một kết thúc bằng một kỳ thi khá đơn giản. Một buổi lễ ngắn gọn nhưng trang nghiêm được tổ chức tại vũ đình trường như cách đây vài tháng và mọi người được thay huy hiệu alpha của mình bằng huy hiệu mới, alpha và một gạch.
Hôm sau, toàn thể sinh viên sĩ quan được nghỉ ngơi tại phòng. Xe của các trường huấn luyện binh chủng chuyên môn lần lượt đến nhận các sinh viên có tên trong các danh sách được phân đi. Suốt ngày, diễn ra cảnh chia tay thực rộn ràng và cảm động. Kẻ ở và người đi đã từng có hơn năm tháng sống chung với nhau, đã cùng đổ mồ hôi trên các bãi tập, các thềm sân bắn và trên các mảnh đất, các con đường bên trong khu vực quân trường.
Những người còn ở lại bước vào giai đoạn hai với chương trình học nặng hơn để đào tạo họ thành những cấp chỉ huy trung đội và đại đội. Mọi người đều ra công học tập vì ai cũng hiểu đó là những bài học rất bổ ích sau nầy khi họ bị quăng vào chiến địa.
Tuy nhiên, tình hình của xã hội bên ngoài làm cho sinh viên không còn hoàn toàn an tâm học tập. Đã bắt đầu có những cuộc xuống đường của các phật tử để phản đối sự đàn áp tôn giáo của chính phủ.
Một buổi chiều thứ bảy, trong khi sinh viên đã thay quần áo chỉnh tề và đang nô nức chờ nhận giấy phép về thăm nhà sau một tuần lễ mệt nhọc thì lệnh cấm trại một trăm phần trăm được ban ra. Tất cả giấy phép đều bị hủy bỏ. Mọi người buồn bã, cởi bỏ quân phục đi phép, xếp lại cho thẳng nếp và cho vào ngăn tủ.
Đối với sinh viên, nguồn vui lớn nhất trong thời gian thụ huấn là được về phép hàng tuần để được gần gũi gia đình, để được đi chơi với người yêu hay tệ lắm cũng một mình dạo phố trước những cặp mắt ngưỡng mộ và chan chứa cảm tình của người dân thủ đô. Vì vậy, cúp phép gây nên nỗi buồn cho mọi sinh viên. Trong các phòng ngủ, trong các câu lạc bộ, đâu đâu người ta cũng nghe những lời than thở cùng những lời bán tán xôn xao về tình hình bất ổn bên ngoài, nguyên nhân của việc cúp phép của quân trường.
Bính có vẻ bồn chồn lo lắng hơn ai cả. Cậu rủ hai bạn mình xuống quán nước cho khuây khỏa. Cậu nói với Tân:
- Với tình hình lộn xộn nầy, em sợ bị cúp phép dài lâu. Tuần vừa rồi, thằng Bình, con chị Mai bị bệnh. Suốt ngày chúa nhật, em không đi đâu cả vì nó đòi em phải ở bên nó. Buổi chiều, khi em phải từ giã gia đình để vào trường, nó vẫn còn sốt và nằm khóc rưng rức. Hôm nay, em mong về thăm nó thì lại bị cúp phép. Khi sáng nay, em nghe chuẩn úy trung đội trưởng của mình nói rằng bên ngoài căng thẳng lắm, sợ sinh viên về, một là mất an ninh, hai là nhập với những người biểu tình thì nguy.
Thảo than phiền:
- Đang lúc mọi người phải lo đối phó với sự xâm lăng của cộng sản thì mấy ông sư lại sách động xuống đường làm mình bị hại lây.
Tân cãi lại:
- Nhưng lỗi chính yếu là của chính quyền. Đạo Phật là đạo truyền thống của dân mình. Chính quyền đụng vào mới sinh chuyện. Tôi nghe nói chính phủ cũng có một vài hành động gần như là đàn áp Phật giáo vậy.
Bính lắc đầu:
- Em cho rằng chính phủ không chủ trương đàn áp Phật giáo. Có thể một vài người ở các cấp địa phương muốn nịnh bợ tổng thống nên đã có hành động sai trái và các nhà sư cố ý thổi phồng lên.
Thảo cũng góp ý:
- Tôi cùng quan điểm với anh Bính. Chuyện chẳng có gì quan trọng lắm đâu nhưng không hiểu tại sao các nhà sư làm ầm ỉ lên như thế?
Bính đáp lời:
- Theo tôi, các nhà sư đã xưng mình là đại đức thượng tọa rồi mà còn tham sân si lắm. Cứ nhìn thấy mấy ông đó vác loa mà sách động thì khó có thể nghĩ rằng các ông ấy là đại diện của đức Phật được.
Tân nói với giọng trách móc:
- Bính, em ở trong quân trường, có chứng kiến gì đâu mà em kết tội các sư tham sân si.
Bính trả lời:
- Mấy hôm về phép, em có dịp nói chuyện với vài người bạn của em. Họ có đi tham dự những buổi thuyết giảng của các sư, họ đều có nhận định các sư tham ra mắt dân chúng, tham được thiện nam tín nữ xúm quanh mình và nhìn mình bằng những đôi mắt ngưỡng mộ. Thái độ các sư thì hung hăng, lời lẽ thì chẳng có từ bi hỉ xả chút nào cả. Phật giáo chủ trương nhẫn nhục và khoan dung, khác hẳn với thái độ của các nhà sư hiện giờ.
Thảo góp ý thêm:
- Tôi nghi các sư hành động không phải vì mục tiêu thuần túy tôn giáo đâu. Các sư đã bị cán bộ nằm vùng của cộng sản xúi giục. Trong số các sư đang tu trong chùa, chắc chắn không thiếu gì cán bộ nằm vùng. Miệng thì a di đà Phật nhưng đầu thì lại nghĩ đến các nghị quyết của đảng.
Tân im lặng chú ý nghe. Cậu sực nhớ trước đây, anh Long cũng có nhận định y như thế. Trong đầu của cậu, hình ảnh nhà chùa bỗng trở nên rất xấu xí.
Thảo nói tiếp:
- Hành động của các sư rất tai hại cho chúng ta. Nó gây nên bất ổn trong xã hội miền Nam đúng với chủ trương phá hoại của Việt cộng. Các nhà sư đã làm được cái điều mà trước đây Việt cộng tốn nhiều công sức mà không thành công. Càng nguy hại hơn nữa, hành động của các sư sẽ có thể làm suy giảm tinh thần chiến đấu của quân đội mình, làm lợi rất nhiều cho kẻ thù của chúng ta.
Bính được Thảo có cùng quan điểm nên tỏ vẻ thỏa mãn, thôi không tranh luận nữa. Ba người im lặng, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng tư của mình.
Một lát sau, Bính nói với Tân:
- Em lo cho thằng Bình quá. Khuya nay em phải về nhà thăm nó mới được.
Thảo quay lại:
- Anh định trốn về? Coi chừng bị bắt là lãnh trọng cấm đó. Anh nên nhớ, vi phạm kỷ luật kéo điểm hạnh kiểm xuống và có thể ra trường với cấp bậc trung sĩ.
- Không sợ. Tôi sẽ theo bạn tôi là thằng Thăng ở đại đội bốn, chuyên viên trốn về thăm nhà. Sáng nay tôi có gặp nó. Nó bảo sáng mai sẽ trốn về. Tôi sẽ đi với nó. Ngày thường, nó còn dám trốn về dẫn người yêu đi chơi, huống chi ngày mai chúa nhật, nó đâu có thể nằm yên trong trại được.
- Nó trốn ra cách nào?
- Qua vọng gác số Chín hoặc số Mười. Nó có quen với trung đội lính cơ hữu của trường. Chỉ tốn hai gói thuốc hút là xong. Đó là đi ban ngày, còn đi ban đêm thì càng dễ nữa vì các vọng gác đều do sinh viên sĩ quan, phe ta cả mà.
Tân vẫn tỏ ra lo lắng:
- Tuy nhiên, em cũng phải cẩn thận, đừng quá cẩu thả.
- Các anh đừng lo. Nhiệm vụ chính yếu của lính gác là ngăn chận Việt cộng tấn công quân trường. Mình trốn về thăm nhà thì họ cũng không quá nghiêm khắc. Thôi chúng ta về. Em còn đi gặp thằng bạn để hỏi nó giờ giấc qua trạm gác.
Ba người bạn ra khỏi quán, trở về phòng thì cũng vừa đúng lúc có hiệu lệnh ăn cơm chiều.
Đêm đó, Tân để ý, ở giường dưới, Bính lăn qua trở lại nhiều lần. Cậu biết bạn mình không ngủ được vì chuyện trốn về thăm nhà. Khi cậu thức dậy thì trời đã sáng hẳn. Cậu vén mùng, nhón cổ nhìn xuống giường dưới, thấy trống trơn. Ở giường kế bên, Thảo cũng vừa tỉnh giấc, ngẩng lên, nói nhỏ:
- Bính đi rồi.
Tân hỏi:
- Nó đi lúc nào, anh có biết không?
- Có. Lúc hơn bốn giờ một chút. Nó có chào tạm biệt tôi. Nó đi đến hết ngày nay và sẽ về lúc trời đã tối để cho sĩ quan cán bộ không trông thấy.
Sau bữa ăn sáng, hai bạn dẫn nhau thơ thẩn đi một vòng quanh các phòng của các đại đội, ngang qua vũ đình trường và đến ngồi trên băng đá bên hông thánh đường. Thánh lễ buổi sáng đã kết thúc, khu vực nầy trở nên yên tĩnh. Lúc nầy cuối mùa nắng nên cây cỏ úa héo xác xơ. Mỗi lần ngọn gió thổi qua, bụi tung lên thành một đám mờ mờ, lướt nhanh trên mặt đường.
Tân lên tiếng:
- Bây giờ là đầu tháng tư, qua tám tháng quân truờng rồi. Chỉ còn hai tháng nữa thôi là từ giã để lên đường.
Thảo nói tiếp theo:
- Cách đây bốn năm tôi cũng bắt đầu rời miền Bắc vào mùa nắng, nên cứ đến tháng khô hạn là tôi lại nhớ những ngày đấy vô cùng. Cũng may, trúng vào mùa khô nên dễ đi hơn mùa mưa, lại ít bị vắt và muỗi mòng.
- Vượt Trường sơn thì gian nguy lắm anh nhỉ?
- Rất gian nguy. Rừng rậm, núi cao, vực sâu, thác đổ, rắn rết cùng thú dữ, cái chết cứ rình rập quanh mình.
- Anh có gặp các đơn vị Bắc Việt xâm nhập vào Nam không?
- Không gặp. Lúc đấy, có lẽ chúng chưa đưa những binh đoàn ồ ạt xâm nhập vào. Nếu có thì chỉ lẻ tẻ một số cán bộ hồi kết trở về để xây dựng cơ sở đã bị mình phá tan tành trong những năm sau hiệp định Genève.
Tân thích nghe những chuyện phiêu lưu mạo hiểm như việc vượt núi băng rừng của Thảo. Cậu hỏi:
- Có lẽ anh đi theo đường mòn Hồ chí Minh phải không?
- Không, con đường đấy vài năm sau mới được thành lập và sử dụng. Chúng tôi đi len lỏi theo những con đường mòn nhỏ xíu mà người dân tộc thiểu số tạo ra để du canh, du cư. Rất nhiều khi, đang đi thì con đường mòn biến mất trong vùng cây cỏ um tùm hay bên cạnh một vực sâu thăm thẳm. Lúc đấy phải nhìn theo mặt trời để gióng hướng rồi tuông bờ lướt bụi mà đi.
- Anh xuất phát từ tỉnh nào?
- Khởi đi từ Thanh hóa, nhưng đến Quảng bình mới nhắm hướng Tây tiến vào dãy Trường sơn, rồi theo hướng Nam vượt qua vĩ tuyến Mười bảy.
- Từ Thanh hóa vào Quảng bình, anh đi bằng cách nào?
- Mấy anh em chúng tôi có lúc đi bộ, có lúc đi xe hàng từng chặn đường. Có ai hỏi thì chúng tôi nói là về quê thăm nhà để chuẩn bị ra Hà nội học tiếp.
- Đi như thế mà không gặp khó khăn gì à?
- Không. Chẳng ai thèm để ý đến mấy đứa học sinh chúng tôi.
Tân phì cười:
- Có lẽ người ta đang để hết tâm trí vào việc đấu tố. Mấy chú học sinh thì không thể nào là địa chủ được. Phải vậy không?
- Lúc đấy, chuyện đấu tố xẹp rồi nhưng tình hình vẫn còn căng thẳng lắm. Ở miền Bắc, lúc nào không khí cũng căng thẳng, lúc nào cũng lo sợ người khác dòm ngó và tố cáo mình. Hàng xóm láng giềng, trước đây thân thiết, bây giờ cũng phải đề phòng. Ngay trong gia đình, vợ chồng, cha con, anh em, nhiều lúc cũng phải thủ thế với nhau, đầu óc luôn luôn bận rộn, lo sợ, không lúc nào yên ổn. Chính nhờ như thế mà chúng tôi đi trót lọt đến Đồng hới.
- Cả bốn người đều là học sinh cùng lớp với nhau?
- Không phải. Ba đứa kia là em ruột và bà con với chồng dì Lan của tôi. Hai đứa còn đi học, một đứa ở nhà làm ruộng.
- Các anh đó đều có gia đình bị đấu tố như anh?
- Chỉ có thằng Đính cùng hoàn cảnh như tôi. Thằng Quốc Anh thì gia đình bị trù dập vì ông bố liên can đến vụ Nhân văn giai phẩm. Thằng Sĩ thì không có gì nhưng muốn vào Nam để biết thế nào là chế độ tự do.
- À, cách đây vài năm, tôi có nghe nói đến vụ Nhân văn giai phẩm, nhưng không rõ lắm. Anh có biết rành vụ đó không?
- Lúc đó tôi còn là học sinh, tin tức lại bị bưng bít hoàn toàn nên chẳng biết gì cả. Sau đấy, trên đường đi, thằng Quốc Anh mới kể cho nghe một cách rời rạc. Đại khái câu chuyện thế nầy. Bố Quốc Anh là một thi sĩ, cùng với nhiều trí thức khác đang viết cho một giai phẩm mùa xuân của đảng gọi là Nhân văn giai phẩm. Các ông trí thức đấy rất xót xa khi thấy đời sống nhân dân càng ngày càng lầm than, sau nhiều năm theo đảng, chịu biết bao gian khổ trong cuộc trường kỳ kháng chiến mới giành được phân nửa đất nước. Rồi cuộc đấu tố, với những cuộc xử tử dã man diễn ra hàng ngày. Các ông trí thức đấy mới nhân danh là những người đã đóng góp công sức cho cách mạng, đề nghị đảng và nhà nước hãy thương dân, bớt hà khắc với dân và ban cho một chút dân chủ. Thế là trung ương ra tay. Người đi tù, người bị trù dập cho đến thân tàn ma dại. Bố thằng Quốc Anh bị quản thúc tại địa phương và bị công an quấy nhiễu ngày đêm. Ông phải làm nhiều bản tự kiểm điểm, hết bản nầy đến bản khác, làm sao nặn cho ra tội đối với nhân dân. Đối với người trí thức thì tình trạng nầy tệ hơn chết đi và bị đày xuống chín tầng địa ngục, vì ở địa ngục thì chỉ có hình phạt về thể xác chứ không có hình phạt về tinh thần như ở miền Bắc.
Tân chép miệng:
- Tội nghiệp, rồi ông ấy có chịu đựng nổi không?
- Thằng Quốc Anh bảo rằng bố nó cắn răng cố gắng chịu đựng, mong có ngày đảng xét lại, thay đổi chút đỉnh đường lối chính sách để ông và bạn bè được phục hồi danh dự và nhất là con cái ông ta được sống trong xã hội khá hơn. Không ngờ, nổ ra cuộc nổi dậy của nhân dân Hung gia lợi để đòi hỏi tự do. Cuộc nổi dậy bị đàn áp cực kỳ dã man, xe tăng của Hồng quân Liên Xô nghiền nát thi thể của người dân không có vũ khí trên các đường phố thủ đô Budapest. Lúc đấy, ở Hà nội, tin tức nay bị ém nhẹm một cách gắt gao nhưng không ngăn chận được sự truyền miệng nhau trong giới trí thức. Bố của Quốc Anh ngao ngán khi biết được ở một nước xã hội chủ nghĩa anh em, người ta đối xử với nhân dân vô tội như thế. Ông không còn hi vọng gì nữa mới quyết định cho thằng Quốc Anh vượt biên vào Nam. Trên đường vào Nam nó thường tỏ ý lo sợ rằng sau khi nó đi rồi thì bố mẹ nó sẽ tự tử chết.
- Có phải nó cùng với anh ở lại Huế để học trong khi hai bạn khác vào Nam tìm bà con?
- Đúng vậy, nó đậu tú tài cùng một lượt với tôi tại hội đồng thi ở Huế. Tôi vào Nam học Văn khoa thì nó ở lại ngoài đó học PCB tức là dự bị y khoa. Bây giờ, nó đang học năm thứ nhất trường Y thuộc viện Đại học Huế. Nó nhất định trở thành bác sĩ để sau nầy thống nhất đất nước, nó sẽ trở về Bắc bỏ cả đời ra để chữa bệnh cho đồng bào ruột thịt của mình. Nó nói rằng đấy là nguyện vọng của bố nó và là lời cuối cùng ông nói với nó lúc chia tay.
Tân thở dài:
- Buồn quá. Người cộng sản thường hay dùng từ phấn khởi nhưng những gì mà họ gây cho đồng bào thì toàn là bi đát cả. À, anh Thảo, tôi thắc mắc là tại sao cả bốn anh đều còn nhỏ mà có thể tự mình băng rừng vượt núi vào đến miền Nam?
- Dĩ nhiên là phải có người lớn xếp đặt và dẫn đường chứ. Như thế nầy. Chồng của dì Lan quê ở Quảng Bình, một làng gần chân núi. Thằng Sĩ ở đấy từ trước rồi. Ba chúng tôi vào ở chung đến hơn một tháng, ngày nào cũng vác cuốc đi khẩn đất hoang để tránh sự nghi ngờ. Lúc đấy, ở miền Bắc, nạn đói thường xuyên rình rập nên cảnh dân miền xuôi lên khẩn hoang miền núi là rất thường tình. Ở đấy cũng có một đoàn người chuyên vượt biên giới để buôn lậu sang Lào.
Tân hết sức ngạc nhiên:
- Buôn lậu? Miền Bắc cũng có buôn lậu nữa sao?
- Có chứ, nhiều lắm.
- Buôn thứ gì?
- Tùy vùng, tùy người và tùy chuyến. Ở chỗ tôi đang nói thì người ta thường mang lên vùng núi những sản phẩm của biển và của đồng bằng như muối, đường, cá khô, vân vân. Mang những thứ đấy lên, ít khi bán lấy tiền mà đổi những món khác sản xuất tại chỗ như gạo, đậu, hoặc đồ dùng sản xuất tại Thái lan và cả tại miền Nam nữa. Quý nhất là thau đồng. Thứ nầy mang được về miền xuôi hay thành phố thì cao giá lắm.
Tân càng ngạc nhiên hơn:
- Thau đồng? Để làm gì thứ đó?
- Quý lắm anh ơi. Để làm đường và làm kẹo.
- Thế nào? Làm đường và làm kẹo?
- Vâng. Ngoài đấy, nhiều nơi người nông dân tận dụng đất đai chung quanh nhà để trồng mía rồi lén lút ép tay, cho vào nồi đồng đun cho bốc hơi thành đường. Nồi đồng rất quý vì truyền nhiệt tốt, đỡ tốn củi, mau thành đường. Làm lén thì yếu tố thời gian rất quan trọng. Sau đấy, mang đường đi bán hay đổi gạo, vải tiêu chuẩn của cán bộ, hoặc dùng chính cái nồi đấy để làm kẹo. Dân Bắc mê kẹo lạc lắm. Kẹo quốc doanh do cơ sở nhà nước cũng có nhưng dở và đâu phải ai cũng mua được.
- Nhưng tại sao phải lén lút. Nấu đường, làm kẹo thì có phải là phản động đâu. Đảng vẫn khuyến khích sản xuất mà.
- Ôi chao, anh tin theo những lời tuyên truyền à? Làm đường, làm kẹo phải giấu gắt lắm. Nếu đổ bể là bị tịch thu ngay và đưa ra kiểm điểm trước nhân dân.
- Lấy lý do gì mà đưa ra kiểm điểm?
- Cái nồi đồng là tư liệu sản xuất. Hơn nữa, sản xuất không phải để dùng trong nhà mà đem đi bán thì đúng là đang đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, là trở thành tư sản rồi! Ở miền Bắc, bị kết tội tư sản là rất nguy khốn. Nhưng vì quá nghèo khổ nên người ta vẫn liều mạng để tìm ra lợi tức. Vì vậy, cấm thì cấm, người ta vẫn cứ làm.
Tân lại thở dài:
- Tôi không ngờ, ở miền Bắc nhân dân mình khổ đến thế. Không biết mấy năm vừa rồi tình hình có khá hơn không.
- Có lẽ chẳng khá mà còn tệ hơn nữa.
- Anh hãy kể cho tôi nghe chuyến vượt biên của các anh đi. Bính bảo còn hay hơn các chuyện phiêu lưu mạo hiểm trong sách nữa phải không?
Thảo cười:
- Tôi chẳng biết là hay hoặc dở nhưng cứ nhớ lại là tôi rùng mình. Tôi đã nói với anh, ở vùng mà tôi đang sống có một đoàn chuyên đi buôn lậu sang Lào. Bốn anh em chúng tôi đi theo đoàn đấy. Họ có tất cả năm người. Họ tài lắm, nghĩ mà phục. Bọn chúng tôi là trai mới lớn lên thế mà sau vài ngày băng rừng vượt núi thì kiệt sức, cứ lo sợ phải vĩnh viễn nằm lại trong rừng già. Trong khi đấy, năm người kia cứ đi băng băng như trên đồng bằng. Họ lớn tuổi hơn chúng tôi nhiều, có người đến năm mươi, da mặt đã bắt đầu nhăn nheo, lại phải vác hàng khá nặng trên lưng. Họ bảo đi quen rồi, trung bình mỗi tháng họ đi một chuyến. Cực nhọc như thế mà lúc nào họ cũng hòa nhã, cũng có vẻ hài lòng với cuộc sống dưới trần thế nầy. Mỗi lần mình nhìn họ là được ban cho một nụ cười bằng miệng và cả bằng mắt nữa. Anh không thể hiểu được, trong khung cảnh thâm u của núi rừng, trên con đường gian nguy cùng cực, nụ cười của họ đối với chúng tôi quý giá biết chừng nào. Chính những nụ cười đó thêm sức mạnh và sự cố gắng cho chúng tôi.
Tân hỏi:
- Họ lên Lào để buôn lậu, còn các anh vào Nam. Thế thì các anh đâu có đi mãi với họ được.
- Đúng vậy. Chúng tôi đi chung với nhau độ năm hay sáu ngày gì đấy, tôi không còn nhớ rõ. Một buổi trưa, chúng tôi leo lên một ngọn đồi phủ đầy cỏ tranh. Đứng trên đỉnh đồi nhìn bốn phía, tôi thấy rất nhiều ngọn đồi khác, cái thì cây cối xanh um, cái thì trọc, cái thì loang lỗ. Xa hơn nữa là những ngọn núi cao vút, một số có mây trắng chờn vờn trên đỉnh. Dưới chân một trái núi, tôi trông thấy một dòng thác từ trên cao đổ xuống, màu trắng xóa rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời.
- Đẹp quá anh nhỉ?
- Cực kỳ xinh đẹp. Lúc tôi còn đi học, tôi đã từng nghe nói Tổ quốc mình là giang sơn cẩm tú, bây giờ, đứng trước cảnh hoang vu trong những ngày vượt biên, tôi thực sự rung động và choáng ngợp bởi lòng yêu nước tràn ngập trong lòng mình. Rất tiếc, tôi không có nhiều thì giờ để ngắm nhìn khung cảnh tuyệt vời của đất nước chúng ta. Bác lớn tuổi nhất trong đoàn vỗ vai từng đứa và nói với chúng tôi: “Nơi đây còn cách biên giới Việt Lào khoảng nửa ngày đường. Bây giờ chúng ta chia tay. Vì có các cháu đi theo nên mấy ngày nay chúng tôi phải đi chếch về hướng Nam. Có lẽ chúng ta đang ở khoảng giữa hai tỉnh Quảng bình và Quảng trị”. Ông già đưa tay chỉ về hướng Tây, nói tiếp: “Bọn chúng tôi đi phía nầy để sang Lào. Các cháu đi theo hướng nầy để vào Nam”. Ông già xoay người lại chỉ vào hướng Nam. Tôi nhìn thấy hướng nào cũng như nhau, đều là những đỉnh đồi, nối tiếp với những dãy núi xa xa. Ông già nói tiếp với giọng thực ôn tồn: “Nếu đi giỏi, chỉ dừng lại nghỉ đêm thôi thì nội trong hai đến ba ngày nữa, các cháu sẽ vượt qua được vĩ tuyến. Đừng sợ, tại vùng giới tuyến, người ta chỉ đóng đồn biên phòng sát nhau ở dưới xuôi thôi, còn trên mạn ngược nầy chẳng có ai đâu. Đến đấy rồi, các cháu nên đi thêm về hướng Nam thêm một ngày đường nữa cho chắc. Không quen đi rừng, có khi tưởng đã đi được xa, hóa ra đi chưa được bao nhiêu, tưởng đã vượt qua biên giới, hóa ra còn ở bên nầy. Nếu rơi vào trường hợp đấy mà các cháu vội vã quay xuống hướng Nam để tìm về đồng bằng thì sẽ lọt vào tay bộ đội biên phòng thì mạng sống của mấy cháu đi đứt, không có dịp để làm lại chuyến đi thứ hai nữa đâu. Tôi phải dặn kỹ các cháu như thế vì qua mấy ngày rồi tôi thấy các cháu đã đuối sức, muốn sớm rời bỏ núi rừng. Đừng nản chí, phải khuyến khích nâng đỡ nhau mà đi cho đến nơi đến chốn. Thôi chia tay. Hãy can đảm lên các bạn trẻ”.
Tân ngắt lời:
- Thế là các anh chia tay với những con người đáng kính đó?
- Chưa, ông già còn có vẻ lo lắng cho chúng tôi nên ông dặn thêm: “Nhớ giữ gìn lương khô, ăn dè sẻn thôi. Trong rừng phải dự trữ thức ăn đủ cho thời gian gấp hai lần số ngày mà mình dự tính. Không nên ăn những trái lạ để đề phòng bị trúng trái độc. Thôi chúc các em đi đến được vùng đất tự do”. Mọi người ôm chặt chúng tôi. Có người hôn vào mặt chúng tôi rồi mới buông ra. Bốn anh em xuống đồi và đi theo hướng chính Nam, đi ròng rã ba ngày mới chuyển sang đông. Rất may, ba ngày đi đường tuy vất vả nhưng không trở ngại gì.
Tân bị lôi cuốn vào câu chuyện đường rừng lý thú. Cậu hỏi:
- Trên đường đi, các anh có gặp thú dữ hay rắn độc không?
- Không gặp thú dữ. Vài lần gặp thú hoang loại hiền như nai, mển, thỏ rừng. Rắn độc thì chắc chắn là có nhưng không gặp vì đường đi đầy bụi rậm và hang hốc để cho chúng ẩn núp ban ngày. Có một lần, tôi thấy một con trăn khá to, khoanh tròn ngủ trên một cành cây. Chúng tôi im lặng đi qua ngay phía dưới, nó vẫn ngủ say, chẳng thèm thức dậy chào hỏi khách lạ.
- Các anh có mang vũ khí đi theo chứ?
- Có. Mỗi người mang theo một con dao ngắn, giấu trong bao đựng lương thực, thêm một cây gậy bằng cây rừng. Khi chia tay với đoàn buôn lậu, chúng tôi đều lấy dao ra khỏi bao. Tôi dùng dây rừng rất chắc cột con dao ngắn vào đầu cây gậy. Cầm nó trong tay, lòng can đảm tăng thêm ít nhiều.
- Mấy ngày đi, anh không gặp quân Bắc Việt xâm nhập vào Nam à?
- Thì tôi đã nói với anh rồi, lúc đấy cộng sản chưa xâm nhập vào một cách ồ ạt. Gần đây, báo chí có đăng máy bay trinh sát của Mỹ nhận thấy Việt cộng bắt đầu mở đường dọc theo biên giới nước mình với Lào và Cao miên. Hình như điểm bắt đầu của con đường xâm nhập nầy cũng chính là nơi chúng tôi xuất phát ở tỉnh Quảng bình để vào Nam. Bây giờ thì nơi xuất phát đó chắc là rộn rịp lắm chứ không còn hoang vu như xưa.
- Rộn rịp như thế, không biết đoàn buôn lậu còn đi được nữa hay không?
Thảo lắc đầu:
- Làm sao biết được. Bốn năm rồi. Đã có biết bao đổi thay nhưng những hình ảnh của chuyến vượt biên vẫn còn rõ ràng trong trí não của tôi. Đấy là kỷ niệm sâu nhất trong đời chúng tôi. Lúc còn ở Huế, có khi chúng tôi thức gần trắng đêm để nhắc lại kỷ niệm đó. Thằng Quốc Anh là tình cảm nhất trong bọn. Mỗi lần nhắc đến ông già dẫn đường nó lại rưng rưng nước mắt. Nó mong có ngày trở lại miền Bắc, đi tìm ông già đấy để đền ơn. Thằng ấy có nhiều ước mơ thực đẹp về tương lai, nhưng không biết bao giờ nó mới trở về miền Bắc để thực hiện những ước mơ. Không riêng nó, cả bốn anh em chúng tôi, ai cũng muốn gắn tương lai mình với miền Bắc. Không bao giờ chúng tôi quên được những người thân yêu đang sống ngoài đấy.
- Trước khi đi, anh có gặp được cô Hải Đường, em của anh lần nào không?
- Tôi không hề gặp nó nhưng biết nó đang trốn ở nhà dì Huệ ngoài Hà nội. Lúc nào tôi cũng mong nó được yên ổn, nhưng tôi biết rằng gay go lắm. Lý lịch nó quá nặng; cha mẹ thì bị đấu tố, anh ruột thì trốn vào Nam. Không biết đời sống của nó bây giờ ra sao.
Thảo ngồi dựa ngửa ra ghế đá, mặt buồn hiu. Tân nói:
- Tôi không ngờ đồng bào mình ngoài Bắc phải chịu nhiều đau khổ như vậy. Nếu không được nghe chính người đã từng sống ngoài đó kể lại thì làm sao dân trong nầy hiểu được.
Thảo nói với giọng chán nản:
- Anh không ngờ, mọi người không ngờ. Đấy là nỗi bất hạnh vô cùng to lớn cho Tổ quốc mình. Miền Nam không nhận ra tình hình thực sự ở miền Bắc nên miền Nam không chịu công nhận nỗi khổ mà đồng bào ruột thịt của mình ngoài đó đang phải gánh chịu. Tôi đã kể lại cho nhiều người miền Nam nghe nhưng đa số chỉ chịu tin một phần nhỏ thôi. Thậm chi có người không tin và bảo rằng tôi đặt điều nói xấu. Ngay trong giới trí thức miền Nam cũng vậy; ngày nay có người vẫn tin rằng xã hội xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là một xã hội ưu việt của loài người. Thật không còn gì để nói. Chính điều nầy sẽ làm cho cuộc chiến đấu tự vệ của miền Nam thêm khó khăn.
Tân gật đầu:
- Anh nói đúng. Nếu người ta không biết rằng chế độ cộng sản đáng sợ thì người ta không hết lòng chiến đấu để giữ gìn miền Nam.
Thảo cười gằn:
- Thậm chí có người còn muốn cho miền Bắc thôn tính được miền Nam để chấm dứt chiến tranh. Ừ, cứ để chiến tranh chấm dứt và sống trong xã hội theo kiểu miền Bắc bây giờ thì người ta mới thấy rằng thà sống trong chiến tranh triền miên còn đỡ đau khổ hơn.
Cả hai ngồi im lặng. Có hiệu lệnh báo cho sinh viên xuống dùng bữa cơm trưa. Tân đứng dậy:
- Thôi, chúng ta đi ăn cơm. Không biết Bính chừng nào mới trở về. Tôi lo nó khó thoát tay quân cảnh.
Thảo trở lại với nụ cười vui vẻ dễ thương:
- Lo gì. Nó đi theo thằng Thăng ở đại đội Bốn thì chẳng sao đâu. Sáng sớm nay, tôi nghe nói có rất nhiều sinh viên trốn về thăm nhà và xem tình hình bên ngoài ra sao cho thỏa tính hiếu kỳ. Có lẽ đợi tối mấy ngài ấy mới chịu vô trại.
Hai bạn trở về phòng, xếp hàng và cùng trung đội xuống nhà ăn rồi trở về phòng nghỉ ngơi suốt buổi chiều.
Trời vừa sẫm tối, có tiếng la hét ngoài hướng cổng làm cho các đại đội đều nhốn nháo. Anh em ra sân, ra đường hướng về phía có tiếng la, thấy có nhiều sinh viên mặt quân phục màu vàng chạy túa vào và lần lượt biến mất trong các nhà ở. Bính cùng Yên trong trung đội phóng vào phòng. Vài anh em chận lại hỏi:
- Chuyện gì vậy?
Bính cười to:
- Xung phong hàng ngang theo đúng chiến thuật.
- Mày nói gì thế?
- Thôi để tao thay đồ trận trước đã. Sĩ quan cán bộ xuống đây thấy tao còn mặc đồ vàng thì nguy.
Bính chạy đến chỗ nằm, nhanh chóng thay áo quần. Tân đứng nhìn, bây giờ mới hỏi:
- Bính vào bằng lối nào?
- Bằng lối cổng.
- Tại sao không đi ở vọng gác số Chín, số Mười như đã dự trù? Vào cổng làm sao thoát được quân cảnh 301?
- Chúng em đến các vọng gác như đã định, có mang treo quà để hối lộ cho lính gác, không ngờ chỉ gặp tụi sinh viên đại đội gương mẫu, không cho vào. Quân trường biết hôm nay có rất đông sinh viên trốn về nhà nên đã thay tất cả lính cơ hữu bằng sinh viên của đại đội gương mẫu và ra lệnh canh phòng gắt gao không cho ai vào hết. Tụi sinh viên trên vọng gác bảo phải ra cổng trình diện quân cảnh. Năn nỉ cách mấy chúng nó cũng không chịu. Chúng bảo không nghe lời cứ chui vào là chúng bắn què giò. Chúng đã nhận được lệnh như thế rồi. Vậy là đành chịu thua trở ra cổng. Đứa nào cũng nghĩ rằng lãnh ít nhất là mười ngày trọng cấm. Trên con đường giữa chợ Nhỏ và quân trường, có đến hàng trăm sinh viên. Đứa nào mặt cũng ỉu xìu. Bỗng nhiên, sư phụ xuất hiện.
Tân ngạc nhiên:
- Sư phụ nào vậy.
Bính cười:
- Thằng Thăng đại đội Bốn đó mà. Nó la to: “Anh em có nhớ bài học chiến thuật xung phong hàng ngang không? Bây giờ chúng ta thực hành bài đó để vào cổng”. Thế là chúng em nhích dần đến cổng rồi dàn hàng ngang đồng loạt chạy ào vào.
- Quân cảnh không ngăn lại à?
- Ngăn sao nổi. Ở đó thường xuyên chỉ có hai người thì làm gì được với hàng trăm sinh viên nhào vào một lượt. Quân cảnh chỉ có thể bắt những đứa đi lẻ tẻ để nhốt vào phòng kỷ luật; đông như vừa rồi thì hai anh gác cổng cũng chỉ đứng nhìn rồi cười thôi.
Bính nói xong, cười một cách khoái chí. Tân hỏi:
- Hôm nay về, em có đi chơi đâu không?
- Về nhà cả ngày không dám đi đâu cả, sợ vướng nhằm biểu tình. Trốn về thăm nhà, rủi bị quân cảnh bắt thì chỉ bị phạt hạnh kiểm chứ dính vào biểu tình thì bị kết tội về chính trị thì khốn. Vì vậy, em nằm nhà chơi với thằng Bình.
- Nó hết bệnh chưa?
- Khoẻ rồi, chỉ bị viêm họng và sưng cuống phổi xoàng thôi.
- Bác trai và Bạch Mai thế nào?
- Khỏe cả.
Bính im lặng một lúc rồi nói:
- Anh Tân, có chuyện nầy, em phân vân mãi, không biết có nên nói với anh hay không.
- Chuyện gì vậy, em cứ nói đi.
- Thôi mình ra phía trước, em nói riêng với anh thôi.
Hai anh em ra ngồi trước bậc thềm. Tân hỏi:
- Chuyện gì mà có vẻ bí mật vậy?
- Chuyện chị Mai.
Tân thấy mình nghẹn thở một giây:
- Chị Mai ra sao?
- Có một ông đại úy thường lui tới làm quen với chị Mai, mấy tháng nay rồi.
Bỗng dưng, Tân nghe nhói trong tim. Cậu cố giữ giọng nói thản nhiên:
- Vậy à. Ông đại úy già hay trẻ?
- Còn trẻ. Chỉ khoảng ba mươi. Ông ta có một đời vợ rồi, chưa kịp có con thì hai người li dị.
- Ông đại úy làm ở đâu?
- Ở tổng tham mưu, phòng chiến tranh chính trị. Trước ở đơn vị tác chiến, bị thương và về đó hơn một năm nay.
- Đại úy thì có lẽ học trước anh em mình cả chục khóa.
- Không, đại úy hiện dịch chứ không phải trừ bị như anh em mình. Ông ta xuất thân từ trường Võ bị Đà lạt, hình như khóa Mười lăm. Ông ấy có người bà con ở cùng xóm với gia đình em. Chính người bà con nầy dẫn đến gặp chị Mai. Thấy chị Mai là ông ấy chịu liền.
- Em thấy ông đại úy thế nào?
- Em có thấy ông ta hồi nào đâu. Chỉ nghe chị Mai và ba em nói lại thôi. Nghe nói tướng trông cũng được lắm.
- Xuất thân Võ bị Đà lạt thì không thể xấu xí được. Hình dáng bề ngoài cũng là một tiêu chuẩn để được nhận vào học. Ý chị Mai thế nào?
- Em có hỏi nhưng chị ấy chỉ lắc đầu. Tuy nhiên, em thấy chị ấy tỏ ra có ít nhiều thiện cảm với ông đại úy.
Tân lại phải cố giữ bình tĩnh:
- Vậy à? Ông đại úy có biết chị Mai có con rồi không?
- Biết chứ vì người bà con của ông ấy khá thân và biết rõ gia đình em. Thằng Bình thì thích ông ấy lắm. Nó khoe với em là ông ấy cho nó nhiều quà. Tuy nhiên, em biết chị Mai chưa muốn tiến xa hơn về tình cảm đối với ông ấy. Em biết chị ấy vẫn chưa rứt bỏ được tình cảm xưa cũ của mình.
Tân lại nghe nhói trong tim:
- Bác trai có tỏ ý gì không?
- Sáng nay, em có hỏi thẳng ba em. Từ khi về hưu tới nay, ba em không được khỏe. Ông thường nghĩ đến cái chết. Ông bảo rằng muốn thấy hai chị em đều nên gia thất thì ông mới yên lòng nhắm mắt. Với ông đại úy nầy thì ba em có vẻ bằng lòng, nhưng ông bảo rằng còn có thằng Bình đó nữa. Cha nó là anh Đảnh không biết đang ở nơi nào. Dù anh ấy với chị Mai chưa chính thức thành hôn, chưa được pháp luật và xã hội công nhận là vợ chồng nhưng chị đã có con với anh ấy. Rõ ràng, trong giấy khai sinh của thằng Bình, cha là anh Đảnh. Thằng Bình là chứng cớ của tình nghĩa vợ chồng giữa hai người. Cho đến nay hai người cũng chưa chính thức chia tay thì chị Mai có đủ tư cách để tiến tới hôn nhân với đại úy Thế hay không? Theo anh thì thế nào?
Tân lắc đầu:
- Anh không biết. Chuyện nhà của em, anh được nghe là quá lắm rồi, nói chi đến việc đưa ý kiến riêng của mình.
- Đây là riêng em muốn tham khảo ý kiến anh để có một thái độ không sai lầm trong việc nầy. Em biết chị Mai rất tôn trọng ý kiến của em. Cho nên trong việc nầy, em cảm thấy mình có trách nhiệm. Em hỏi anh vì lý do đó.
Tân đáp một cách dứt khoát:
- Không, anh không muốn có ý kiến gì về việc nầy.
- Thôi cũng được. Sáng nay em có cãi với ba em và đến bây giờ em vẫn còn áy náy. Vì vậy em cần tham khảo ý kiến khách quan để được yên tâm hơn. Nhưng rõ ràng, anh đâu có hoàn toàn khách quan trong việc nầy. Đối với chuyện của chị Mai, anh không hẳn là người ngoài cuộc. Có phải thế không?
Tân làm thinh không trả lời. Một lát sau, cậu hỏi:
- Em cãi với ông cụ thế nào?
- Ba em bảo giữa chị Mai và anh Đảnh dù sao cũng có tình nghĩa vợ chồng mà bằng chứng cụ thể là thằng Bình đó. Em không đồng ý với ông. Em nói giữa hai người chẳng có tình nghĩa gì cả. Về tình thì rõ ràng chị Mai không yêu anh Đảnh mà yêu một người khác, em biết chắc chắn như thế. Anh Đảnh cũng không tỏ ra tha thiết với chị Mai chút nào. Chuyện gần gũi trai gái giữa hai người chẳng qua là sự lợi dụng tình thế và sự ra đời của thằng Bình cũng chỉ là một tai nạn mà chị Mai phải dại dột gánh chịu một mình. Tình vợ chồng gì đâu? Không tình mà nghĩa cũng chẳng có. Chị Mai sinh nở thế nào, mẹ con sinh sống ra sao, anh Đảnh chẳng hề chứng tỏ có trách nhiệm gì cả. Anh ấy chỉ biết có cái nghĩa đối với cách mạng mà thôi. Hai lần về thăm là hai lần đòi chị Mai tiếp tế để đi làm cách mạng. Vậy thì nghĩa vợ chồng ở chỗ nào?
- Em cãi thế có làm cho bác nổi giận không?
- Không, ông cụ chỉ ngồi im lặng, mặt buồn bã. Ngày xưa ba em nổi tiếng là người sắc sảo trong lời nói và phản ứng. Nhưng kể từ khi mẹ em mất và chị Mai sinh con, ông cụ lờ đờ, trông thực tội nghiệp.
- Chị Mai có nghe hai người bàn cãi hay không?
- Không. Em nói chuyện với ba em trong buồng đóng kín cửa. Chi Mai lo trông hàng bên ngoài. Đường phố luôn luôn ồn ào với xe cộ qua lại, chắc chắn chị Mai không nghe được. Nhưng thế nào em cũng nói với chị Mai như đã nói với ba em.
Bính thở dài rồi nói tiếp:
- Em chỉ nói chuyện với chị ấy về việc anh Đảnh thôi còn chuyện Đại úy Thế thì em sẽ không bao giờ đả động đến, để mặc chị ấy quyết định.


*
* *


Càng gần tới ngày mãn khóa, chương trình học càng nặng thêm. Suốt ngày, sinh viên phải phơi nắng ngoài bãi tập.
“Thao trường đổ mồ hôi, sa trường bớt đổ máu”. Đó là khẩu hiệu do quân trường nêu ra hàng ngày để khuyến khích sinh viên tập luyện.
Buổi chiều, cơm nước xong, một số lớn mang bài vở ra để học. Ai cũng biết rằng, kỳ thi tốt nghiệp sắp tới không gay go lắm nhưng nếu chểnh mảng thái quá để không đủ điểm trong các bài làm thì có thể bị đánh rớt và phải ra trường với cấp bậc hạ sĩ quan, vừa thiệt thòi quyền lợi trong quân đội vừa xấu hổ với thân nhân và bạn bè.
Sinh viên cố gắng học vì thứ hạng ở kỳ thi tốt nghiệp cũng là điều hệ trọng. Bộ tổng tham mưu sẽ gởi về trường bảng nhu cầu bổ sung sĩ quan của tất cả các đơn vị quân đội trên toàn miền Nam. Sau khi có kết quả tốt nghiệp, bảng nhu cầu nầy được niêm yết lên một cách công khai và các tân sĩ quan sẽ được chọn lựa theo ưu tiên của thứ tự xếp hạng nói trên.
Kỳ thi tốt nghiệp diễn ra một cách suôn sẻ. Hầu hết sinh viên đều được chấm đậu. Tân, Thảo và Bính thuộc về nhóm thứ hạng khá cao, có nghĩa là sẽ được chọn lựa nơi phục vụ theo ý thích mình.
Hôm nay là ngày sinh viên tốt nghiệp chọn đơn vị, ngày mà mọi người chờ đợi với biết bao hồi hộp. Buổi sáng, sinh viên tập họp lên hội trường được trang hoàng với nhiều cờ và biểu ngữ chúc mừng kết quả huấn luyện và kêu gọi các tân sĩ quan hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Sinh viên sĩ quan lần lượt đi vào. Nét mặt ai cũng rạng rỡ và bồn chồn trước giờ phút quyết định cho vận mạng của mình trong quân ngũ. Tiếng nói chuyện huyên náo bỗng im bặt khi có tiếng động lụp bụp trên những chiếc loa gắn trên tường.
Một tiếng hô nghiêm dõng dạc vang lên, mọi người đứng bật dậy. Từ ngoài cửa, một toán sĩ quan bước vào, bông mai vàng, bông mai bạc lấp lánh trên cổ áo, huy chương đủ màu lủng lẳng trên ngực. Họ đưa tay chào rồi ngồi vào dãy bàn dài trải khăn trắng, đối diện với toàn thể sinh viên sĩ quan.
Một đại úy mang huy hiệu của binh chủng Dù bước đến máy vi âm. Tiếng nói trong loa tràn ngập hội trường:
- Tôi là đại úy Đỗ, thay mặt cho sư đoàn Dù đến đây gặp các bạn để giới thiệu binh chủng của chúng tôi và kêu gọi các bạn tình nguyện gia nhập binh chủng nầy.
Ông đại úy kể vắn tắt tiểu sử của sư đoàn Dù cùng chiến công của các chiến sĩ trong sư đoàn trên khắp các chiến trường. Sau cùng ông kết luận:
- Đó là nơi tốt nhất để cho các bạn thỏa chí làm trai trong thời loạn. Ở đó các bạn sẽ có dịp chiến đấu một cách hữu hiệu nhất để bảo vệ phân nửa Tổ quốc còn lại của chúng ta, đánh tan quân xâm lược để cho đồng bào ruột thịt yên ổn làm ăn sinh sống. Nào, những đứa con thân yêu và anh dũng của Tổ quốc, hãy chứng tỏ lòng yêu nước, lòng can đảm kiên cường của tuổi trẻ miền Nam. Mời các bạn lên đây để ghi tên vào bảng tình nguyện nầy.
Ông vừa dứt lời thì nhiều người đứng bật dậy giữa tiếng hoan hô vang dội của cả hội trường.
Sau đó, đến lượt sư đoàn Thủy quân lục chiến và binh chủng Biệt động quân cũng với những lời giới thiệu thực rôm rả, kích thích lòng hăng hái của tuổi trẻ. Mỗi lời giới thiệu đều được mọi người hoan hô nhiệt liệt.
Thảo đứng bật dậy, nghiêm trang bước lên ghi tên mình vào sổ của binh chủng Biệt động quân.
Những người tình nguyện trở về chỗ ngồi trong khi một thiếu tá bước đến máy vi âm và tiếng nói trong loa vang lên:
- Chúng tôi hết lòng hoan nghênh các bạn đã tình nguyện vào các binh chủng vừa rồi. Sau đây, do nhu cầu của quân đội, bộ tổng tham mưu đề cử một số tân sĩ quan về các đơn vị như sau.
Ông thiếu tá đọc tên từng người với đơn vị được chỉ định.
Thảo và Bính vụt quay sang nhìn Tân. Bính nói nhỏ:
- Anh Tân, anh có tên về sư đoàn Chín Bộ binh. Tại sao người ta chỉ định như vậy? Tại sao người ta không cho anh chọn đơn vị? Anh đậu hạng cao mà.
Tân mỉm cười, vỗ nhẹ bàn tay bạn:
- Anh nghe rồi và cũng đã đoán được điều nầy. Thôi, mình nên im lặng. Bây giờ đến phần chọn lựa đơn vị theo thứ tự ưu tiên của thứ hạng. Anh và Thảo xong rồi, bây giờ đến lượt Bính đây.
Trên một bục cao người ta giăng lên một bảng to tướng gồm danh sách nhiều đơn vị quân đội với nhu cầu sĩ quan cần bổ sung. Tất cả sinh viên chăm chú đọc. Các đơn vị gồm các sư đoàn bộ binh, các tiểu khu và một số các cơ quan không tác chiến, như các đơn vị quản trị địa phương. Các đơn vị không tác chiến nầy là đích ngắm của nhiều sinh viên và luôn luôn được chọn trước tiên.
Bính được gọi tên trong tốp đầu gồm hai mươi người, lên bàn thư ký ghi tên. Khi cậu về chỗ, Tân hỏi ngay:
- Bính chọn đơn vị nào?
- Sư đoàn Chín Bộ binh.
- Trời đất, sao lại chọn như thế? Có hàng trăm chỗ tốt hơn nhiều.
Bính cười:
- Em chọn xong rồi. Thôi im lặng để các bạn khác nghe tên mình.
Công việc xong xuôi trong buổi sáng. Tất cả lần lượt ra về. Ba bạn kéo nhau xuống quán nước. Vừa ngồi xuống ghế, Tân lặp lại ngay câu hỏi:
- Tại sao em chọn về sư đoàn Chín. Anh bị bắt buộc đã đành. Em có thể chọn lựa, tại sao lại cũng theo về đó.
- Mấy hôm nay, em cũng phân vân lắm không biết nên chọn ngành nào. Đến khi nghe anh bị chỉ định về sư đoàn tác chiến thì em có quyết định dứt khoát là phải đi cho biết chiến trường. Đã trót mang quân phục rồi mà không ngửi được mùi thuốc súng nơi chiến địa thì cũng phí tấm thân làm trai trong thời loạn.
Thảo ngắt lời:
- Hoan hô anh Bính. Nhưng tại sao anh không tình nguyện vào biệt động quân với tôi cho vui? Hay là anh thích đi chiến đấu chung với anh Tân hơn là với tôi.
- Không phải vậy đâu. Trong hai anh, được chiến đấu chung với ai thì tôi cũng thích. Lúc đầu, tôi cũng có ý định tình nguyện đi biệt động quân với anh nhưng thấy thiên hạ hoan nghênh hăng quá nên tôi đâm ngại.
- Tại sao lại ngại?
- Tôi muốn ra chiến trường là để chia sẻ thân phận bi đát với đồng bào và với chiến sĩ ngoài mặt trận. Tôi không thích người ta gọi mình là anh hùng. Tôi không bao giờ muốn dùng chiến tranh để bước lên đài vinh quang. Đối với tôi, chiến tranh bao giờ cũng là điều tồi bại, đáng nguyền rủa. Tôi muốn đi vào chiến tranh với tâm trạng xót xa chứ không phải bằng sự hăm hở tìm chiến thắng. Vì vậy, khi nãy, lúc nghe người ta hoan hô dữ quá, tôi bỏ ý định tình nguyện vào ba binh chủng ưu tú nhất của quân đội.
Tân quay sang vỗ vào vai Bính:
- Ý tưởng của em nghe hay lắm nhưng em nói như thế có thể làm buồn lòng anh Thảo.
Bính cãi lại:
- Không, em biết anh Thảo tình nguyện ra chiến trường, đâu phải với mục đích lợi dụng chiến tranh để xây đài vinh quang cho mình đâu. Anh Thảo đi đánh nhau để cho miền Nam được sống thanh bình và hi vọng gặp lại em gái anh ấy. Em luôn luôn kính phục tâm tình đó của anh Thảo mà.
Thảo gật đầu:
- Bính nói đúng. Cùng một công việc nhưng mỗi người có thể chọn cho mình một mục đích và một thái độ riêng. Bính còn nhỏ tuổi mà ý tưởng và lời nói y như của một triết gia. Nếu không có cuộc chiến nầy, Bính có khả năng trở thành một nhà tư tưởng. Thực là đáng tiếc.
Bính mỉm cười:
- Cuộc chiến nầy đang hủy hoại bao nhiêu là thứ quý giá của đồng bào, của Tổ quốc, sự thiệt thòi của tôi có nghĩa lý gì.
Cậu quay sang nói với Tân:
- Em và anh Thảo nhất định ra chiến trường. Còn anh Tân có tình nguyện đâu mà cũng phải về sư đoàn. Em vẫn thắc mắc là tại sao người ta lại không cho anh chọn lựa. Anh bảo đã đoán trước sự chỉ định à?
Tân gật đầu:
- Từ khi anh bị an ninh quân đội bác không cho đi học truyền tin thì anh nghĩ đến sự đề phòng cần thiết của quân đội. Anh nghĩ rằng, sau khi ra trường, anh sẽ bị đưa đi xa Sài gòn là nơi anh đã hoạt động cho Việt cộng. Một khi anh đã là sĩ quan của quân đội rồi thì tốt nhất là làm gì đó để cho anh tránh gần gũi những đồng chí cũ nếu họ còn sống. Người ta làm như thế là hữu lý, mình không thể trách được.
- Nhưng anh có buồn không?
- Không buồn mà còn thấy đó là điều hay cho anh.
- Tại sao lại hay?
- Anh Thảo vừa nói cùng làm một công việc nhưng mỗi người có một thái độ khác nhau. Anh giống em là sẵn sàng đi vào chiến tranh để chia sẻ nỗi thống khổ của đồng bào, nhưng khác với em, vì anh đã từng hoạt động cho Việt cộng nên anh không đành lòng nào tình nguyện chĩa súng về phía những người đồng chí cũ của mình được. Vào quân đội, anh vẫn cố gắng lần cuối cùng để tránh điều đó bằng bài làm trắc nghiệm để được đi học truyền tin. Cố gắng đó đã bị an ninh quân đội bác bỏ. Bây giờ thì anh hoàn toàn buông xuôi, phó mặc cho số phận sắp đặt cuộc đời cho anh. Cấp trên chỉ định, anh không phải chọn lựa, đó là điều hay cho anh. Hơn nữa, anh cũng muốn đi càng xa Sài gòn càng hay, hi vọng không gặp phải những đồng chí cũ của mình.
Tân nói xong, nhìn ra bầu trời qua khung cửa sổ. Đã bước vào mùa mưa mà nắng trưa còn gay gắt. Thảo lên tiếng để phá tan sự im lặng nặng nề:
- Tôi ngẫm nghĩ thấy cuộc đời cũng lạ. Chỉ có ba anh em mình thôi mà xông vào chiến tranh với ba tâm trạng khác nhau. Không biết hàng trăm ngàn cán binh Việt cộng bị xua vào Nam có đủ bấy nhiêu tâm trạng khác nhau hay không.



*
* *



Hôm nay là lễ mãn khóa. Trời vừa sẩm tối, tất cả sinh viên đã hàng ngũ chỉnh tề trên cái sân rộng có tên là vũ đình trường. Tất cả đều mặc quân phục đại lễ, trông rất uy nghi.
Trước mặt các hàng quân là một khán đài khổng lồ, cờ xí rực rỡ dưới ánh đèn pha công suất lớn. Quan khách lần lượt đến trong tiếng quân nhạc chào đón rộn ràng. Sau lễ chào cờ và diễn văn của chỉ huy trưởng, đèn điện bỗng tắt phụp. Khắp nơi chung quanh, những ngọn đuốc được đưa lên cao, cả vũ đình trường chìm trong ánh sáng lung linh huyền ảo.
Tiếng hô dõng dạc vang lên trong các loa:
- Quỳ xuống các sinh viên sĩ quan.
Khoảng trống rộng rãi của vũ đình trường như sụp xuống. Tất cả sinh viên đồng loạt quỳ một gối trên mặt đất, hai tay để ngay ngắn trên đầu gối thứ hai. Những sĩ quan xuất hiện, đi len lỏi trong các hàng quân, thay huy hiệu alpha của sinh viên bằng chiếc lon sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa. Cả vũ đình trường im phăng phắc, nghe rõ cả tiếng gió xào xạc trên những cây cao.
Bỗng tiếng thét trong loa vang lên:
- Đứng dậy, các tân sĩ quan.
Mọi người trong các hàng quân vụt đứng dậy, trong một động tác đồng loạt và gọn gàng. Tiếng nói trong loa tiếp tục:
- Người thủ khoa, đại diện cho toàn thể, sẽ bắn bốn mũi tên theo bốn phương trời để biểu hiện cho chí tang bồng hồ thỉ của các tân sĩ quan, nguyện đi đến bất cứ nơi nào của đất nước để bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.
Tất cả các đèn pha bật lên một lượt, cùng rọi vào một bục gỗ khá cao đặt ngay trước khán đài. Một tân sĩ quan trẻ tuổi từ hàng quân tiến lên, mang cung tên trên hai vai. Anh bước lên bục, đứng thẳng người, ưởng ngực. Trên nền đen thẩm của một đêm không trăng, ánh sáng mạnh của các ngọn đèn pha làm cho thân thể cường tráng của anh nổi bật lên, đẹp như một vị thần Hi lạp.
Một cách chậm rãi, anh lấy cung ra khỏi vai và rút lấy một mũi tên đặt vào dây cung. Anh dang hai chân ra, thân mình hơi khòm xuống, kéo dây cung về sau và buông ra. Mũi tên vụt lao đi trong ánh đèn rọi theo được một khoảng rồi biến mất trong đêm tối.
Người sĩ quan thủ khoa đứng thẳng dậy đổi hướng, đưa tay qua vai rút mũi tên thứ hai.
Khi mũi tên cuối cùng lao đi, tất cả đèn vụt bật sáng, tiếng quân nhạc nổi lên ầm ầm như sóng vỗ vào bờ làm mọi người giật mình chợt tỉnh sau một lúc đắm chìm trong khung cảnh huyền ảo mà hào hùng lạ thường.
Người sĩ quan thủ khoa bước xuống bục cao rồi tiến đến phía trước hàng quân. Anh dõng dạc hô to ba lần lời thề trung thành với Tổ quốc, sẵn sàng hi sinh tánh mạng để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Hơn hai ngàn tân sĩ quan đều đáp lại lời thề, tiếng hô vang to như sấm dậy. Mọi người đều cảm thấy các mạch máu trên đầu mình như căng ra và sắp vỡ tung.
Sau khi một vị tướng đọc to nhật lệnh của Tổng thống truyền gởi đến các tân sĩ quan, buổi lễ kết thúc.
Sau đó là một đêm không ngủ cho toàn thể quân trường. Không còn nữa không gian vắng lặng trong bóng đêm sau khi hiệu lệnh báo giờ ngủ bắt đầu. Các quán ăn đầy ắp người. Trên các con đường ngoằn ngoèo, trên các ghế đá ven bãi cỏ, trên các hành lang, đâu đâu cũng vang lên tiếng ca hát, tiếng đùa giỡn, tiếng chuyện trò vui vẻ. Ngày mai, tất cả đều lên đường. Đêm nay là đêm cuối cùng của anh em ở tại quân trường nầy. Mười tháng rưỡi đã trôi qua. Quãng thời gian nầy quá ngắn ngủi đối với một đời người nhưng lại đầy ý nghĩa trong quảng đời trai trẻ của họ. Ngày mai, họ sẽ lên đường đi khắp nơi, theo hướng những mũi tên mà người thủ khoa của họ đã bắn đi trong buổi lễ. Chiến tranh sẽ tỉa bớt dần một số bằng hữu đã cùng nhau hòa mồ hôi trên những bãi tập. Mai sau, khi chiến tranh chấm dứt, sẽ còn được bao nhiêu người trở về để nhìn lại cảnh cũ, để nhắc lại với nhau những chuyện vui buồn của những ngày tháng quân trường?
Những tia sáng đầu tiên của buổi bình minh xuất hiện báo hiệu cuộc chia tay đầy xúc động bắt đầu. Mỗi người được cấp phép mười ngày để đoàn tụ với gia đình rồi sẽ lên đường đi trình diện.

Sau khi chia tay hai bạn, Tân vác bao hành trang của mình lên xe về Biên hòa. Nhà anh Long đóng cửa kín mít, một ổ khóa to tướng lủng lẳng bên ngoài. Cậu đứng tần ngần nhìn vào một lúc. Con chó nhà kế bên sủa vang lên. Một người đàn bà ló đầu ra. Đó là chị Tám, nhà ở sát vách với anh Long. Trông thấy Tân, chị reo lên mừng rỡ:
- Cậu Tân đó hả. Chà mặc đồ nhà binh, mang lon sĩ quan trông lạ hẳn ra. Vô đây, vô đây, vô nhà tôi chơi chút đã. Thầy cô Long đi làm từ sáng tới chiều mới về, thằng bé gởi nhà trẻ. Cô Long mới xin được việc ở nhà in nào đó, đi làm được gần một tháng rồi. Vô đây, vô đây uống nước, cậu Tân, cậu sĩ quan mới ra trường.
- Cám ơn chị. Chị cho em gởi bao quân trang. Em về Sài gòn chiều trở lại.
- Thôi cũng được. Đưa bao đồ cho tôi. Đi chơi đi. Về Sài gòn mới vui chớ Biên hòa nầy thì chán lắm. Nhưng cậu vô thay đồ rồi đi Sài gòn chớ. À, mà đừng thay. Mặc đồ chuẩu úy mới ra trường đi dạo phố mới ngon lành. Sĩ quan trẻ tuổi mà, con gái thấy là nó mê liền.
Chị nói liền một hơi rồi cười ha hả. Tân cảm thấy vui vui vì tính tình khoáng đạt của người đàn bà miền Nam hiền lành nầy. Cậu mang bao quân trang vào nhà rồi ra xe về Sàigòn.
Hôm nay, cậu muốn đi thực nhiều nơi, nhìn lại các chốn cũ để ôn lại những kỷ niệm trước khi từ giã thành phố thân yêu nầy. Trước hết, cậu trở lại nhà kho trong Chợ lớn, nơi cậu đã sống cô độc gần một năm tròn để học năm cuối cùng bậc trung học.
Nhà kho không còn để trống nữa. Cánh cửa mở toang, bên trong hàng hóa chất đầy gần đụng mái. Ngay phía trong cánh cửa, một người đàn ông còn trẻ ngồi hí hoáy viết sau một chiếc bàn nhỏ. Cậu bước vào, anh ta giật mình ngẩng lên và đứng dậy, nói với giọng lễ phép:
- Thiếu úy muốn tìm ai?
- Không, tôi không tìm ai cả. Tôi muốn về thăm chỗ cũ. Tôi đã sống trong nhà kho để trống nầy trong một năm để đi học.
Người thanh niên mừng rỡ:
- Thì ra thiếu úy là cậu học trò dạo nọ sống một mình ở đây hả? Tôi biết vì tôi là em của ông chủ nhà kho nầy.
Tân ngập ngừng:
- Tôi muốn vào nhìn lại chỗ cũ của mình, có được không?
- Xin mời vào, thiếu úy cứ tự nhiên. Mời thiếu úy qua văn phòng kế bên, có anh tôi ở đó. Chúng tôi rất hân hạnh tiếp thiếu úy.
- Tôi xin vào kho thôi. Tôi có khá nhiều kỷ niệm ở đây.
Tân cởi chiếc mũ képi cầm tay, thong thả bước vào nhìn quanh. Cậu xúc động nhớ lại những đêm vò võ một mình trong gian nhà kho mênh mông và vắng lặng nầy. Đã bốn năm rồi, kể từ ngày cậu còn là một học sinh trung học.
Cậu trở ra, đến trước chiếc bàn nhỏ. Người thanh niên nheo mắt nhìn:
- Thiếu úy mới ra trường phải không?
- Phải. Sao anh biết?
Anh ta cười một cách thân thiện:
- Nhìn là biết ngay. Cái lon chuẩn úy mới toanh, bộ quân phục thẳng nếp lại có huy hiệu quân trường Thủ đức trên vai rồi lại một huy hiệu nhỏ trên nắp túi áo, đi đứng thì ngay ngắn, vào nhà cởi nón cầm tay, nói chuyện nhỏ nhẹ dễ thương. Đúng là sĩ quan mới ra trường rồi. À, mà anh bị động viên hay tình nguyện? Dạo ở đây anh còn đi học, xong chưa?
Tân đáp một cách thành thực:
- Tôi học xong đại học sư phạm rồi thì bị động viên.
Anh ta lại reo lên:
- Ồ, ông thiếu úy giáo sư. Phải rồi, sĩ quan bây giờ toàn là người có học. Hôm nọ tôi đọc một bài bình luận trên tạp chí ngoại quốc bảo rằng đội ngũ sĩ quan xứ mình bây giờ là một tập thể có học vấn, có kiến thức thuộc hạng cao nhất thế giới, nhiều nước Âu Mỹ cũng không bằng. Vì vậy, bây giờ, nói tới sĩ quan, nhất là sĩ quan trẻ tuổi thì ai cũng có cảm tình và kính trọng. Thiếu úy đã ra đơn vị chưa?
- Tôi đang trong thời kỳ nghỉ phép cuối khóa. Thôi, cám ơn anh, tôi ghé thăm chỗ cũ một chút thế thôi.
- Vâng, chào thiếu úy. Có dịp về đây, thiếu úy ghé chơi. Tôi tên là Sĩ, có mặt thường xuyên ở kho nầy.
Tân ra đường thẳng đến tiệm cơm Lương Ký. Tiệm cơm đang vắng khách vì chưa đến giờ ăn trưa. Một người hầu bàn đon đã:
- Mời ông ngồi. Ông dùng cơm hay nước?
- Tôi muốn gặp ông chủ.
Từ sau quầy, ông Lương ngẩng lên, reo to:
- Cậu Tân đó phải không? Đi sĩ quan lúc nào vậy? Vào đây ngồi chơi một chút đi. Ngộ nhớ lúc trước nị có ý định học trường sư phạm mà. Sao lâu quá không ghé lại chơi?
- Chào ông chủ. Tôi học xong đại học sư phạm rồi và bị động viên, vừa mới ra khỏi quân trường và chuẩn bị ra đơn vị. Tôi đến thăm ông chủ lần nầy và không biết bao giờ mới trở lại.
- Vậy hả? Tội nghiệp nị. Học xong sư phạm rồi, không được đi dạy mà phải vào quân đội. Thời buổi loạn lạc phải như vậy thôi. Giữ cho nước khỏi mất thì mới làm gì khác được. Cũng như ngộ đây. Nước Tàu của ngộ bị cộng sản chiếm rồi thì ngộ phải bỏ chạy trốn sang đây mới làm ăn sinh sống được. Bây giờ ngộ là người Việt Nam rồi không còn là người Tàu nữa. Ngộ vừa nhập quốc tịch Việt Nam cách đây không lâu. Nị đi lính bảo vệ miền Nam thì cũng là bảo vệ đời sống của gia đình ngộ. Ngộ phải biết ơn nị.
Ông Lương đứng dậy bước ra khỏi quầy, chắp hai tay sau mông, hơi khom về phía trước, ngắm nghía Tân:
- Hầy, nị mặc đồ sĩ quan trông đẹp lắm; đẹp hơn lúc nị còn đi học nhiều. Trong thời chiến tranh, cái lon sĩ quan là cái vinh dự nhất của người thanh niên. À mà nị sẽ về đâu, đơn vị nào?
- Dạ, tôi về sư đoàn Chín Bộ binh đóng tại Qui nhơn.
- À, Qui nhơn, ngộ biết. Về sư đoàn phần nhiều phải ra tác chiến. Ngộ có người bạn thân là trung tá ở bộ tổng tham mưu. Ngộ sẽ nhờ ông bạn trung tá đó viết lá thơ giới thiệu, rồi nị đem ra đưa cho ông tư lệnh sư đoàn để ở lại văn phòng, khỏi ra mặt trận.
Tân cười:
- Ông chủ vừa mới nói làm trai phải lo giữ nước. Bây giờ ông chủ lại nhờ người can thiệp cho tôi khỏi ra chiến trường thế thì ai giữ nước cho mình?
- Hầy, hầy, nị đừng nói vậy. Vô quân đội là giữ nước rồi. Nhiệm vụ nào trong quân đội cũng cao quý nhưng lựa cái nào đỡ nguy hiểm thì tốt hơn. Nị phải nghe lời ngộ. Tối nay ngộ sẽ đi gặp ông bạn trung tá để nhờ viết cái thơ. Trước khi đi, nị nhớ trở lại thăm ngộ để lấy cái thơ đó. Bây giờ, ngộ phải có cái gì tặng cho nị để mừng nị được thành sĩ quan.
- Thôi ông chủ đừng tặng gì nữa. Mấy năm trước, ông chủ có thưởng cho tôi cái đồng hồ khi tôi đậu tú tài. Tôi còn giữ đây và sẽ giữ suốt đời. Nó rất quí vì nó là của tấm lòng đầy thiện cảm của ông chủ đối với tôi.
- Hảo hảo. Thôi ngộ tặng nị một số tiền để nị có mà đi đường về trình diện đơn vị.
- Nhưng vé máy bay đã có chính phủ lo cho rồi.
- Ậy, nị cứ nhận đi. Ngộ biết nị nghèo mà. Trong quân trường lãnh lương đâu có bao nhiêu. Con trai của bạn ngộ cũng đi học trường sĩ quan Thủ đức. Tháng nào nó cũng về xin tiền nhà. Ba nó hỏi lương nó để đâu. Nó nói người khác lãnh rồi. Hỏi ai lãnh, nó nói mấy quán ăn trong đó lãnh. Trong tháng, nó ăn xài ghi sổ nên tới tháng người ta đem sổ lên lãnh lương của nó mà không đủ, nó phải về nhà xin tiền để bù vào. Tới cuối khóa nó phải đóng tiền cho đủ, tài vụ trong trường đóng dấu công nhận hết nợ mới được lãnh giấy ra trường. Nị ra trường cũng phải có con dấu hết nợ phải không?
- Dạ phải. Có đến mười dấu hết nợ của khắp các phòng và các quán ăn.
- Đó, thấy chưa. Ngộ không đi lính mà ngộ biết hết. Rồi nị ra đơn vị, mấy tháng sau mới làm xong sổ lương. Đánh nhau, lãnh súng lãnh đạn thì nhanh chớ lãnh tiền thì không nhanh đâu. Nị phải có một số tiền để ăn xài mới sống được.
Nói xong ông bước vào quầy mở tủ lấy một số tiền dúi vào tay Tân. Ngoài cửa tiệm có vài người khách đi vào. Tân đứng dậy:
- Cám ơn ông chủ. Ông chủ tốt với tôi quá. Tôi không bao giờ quên ơn ông chủ.
- Không có chi, không có chi. Nị đi ra đơn vị cực khổ và nguy hiểm. Ngộ ở trong cái thành phố nầy thì sung sướng và bình an. Ngộ phải có bổn phận giúp đỡ và đền ơn chiến sĩ chớ.
Ông nói xong, cười khà khà một cách thoải mái. Khi bắt tay Tân từ giã, ông còn dặn dò:
- Nhớ ghé lại đây lấy cái thơ của bạn ngộ. Ông bạn ở tổng tham mưu thì nhất định phải quen biết với mấy ông tướng ở sư đoàn.
Tân bước ra khỏi tiệm ăn, nghe rộn ràng niềm vui trong lòng. Từ sáng đến giờ, cậu đã ghé qua ba nơi, và đều nhận được nhiều cảm tình và quí trọng. Cậu hiểu rằng con đường trước mặt cậu lắm chông gai nhưng cậu hài lòng vì đó là con đường của lẽ phải.
Cậu tiếp tục đi lang thang cho đến xế chiều mới lên xe trở lại Biên hòa. Vợ chồng anh Long mừng rỡ khi cậu bước vào nhà. Tân tắm rửa xong thì cả nhà quây quần bên mâm cơm. Tân rất vui thích; những bữa cơm gia đình như thế nầy thực quá hiếm hoi đối với cậu. Chị Long luôn tay gắp thức ăn cho cậu. Chị hỏi:
- Tại sao mấy tháng rồi em không về đây chơi? Hàng tuần em vẫn đi phép chứ?
- Dạ có, nhưng không thường xuyên. Mỗi khi ở Sài gòn người ta rục rịch xuống đường tranh đấu thì chúng em bị giữ lại tại quân trường. Còn nếu được cho ra thì em cùng vài bạn lang thang trên các đường phố, đêm thì về nhà một đứa bạn nào đó ngủ để sáng lại trở vào quân trường.
- Thế tại sao em không về đây?
Tân im lặng không trả lời. Chị Long hỏi tiếp:
- Bây giờ em ra trường về đơn vị nào?
- Dạ, sư đoàn Chín Bộ binh.
Anh Long nhíu mày:
- Về đó là đi tác chiến phải không?
- Dạ phải. Về sư đoàn thì khó tránh được nhiệm vụ tác chiến.
Anh Long suy nghĩ một chút rồi nói một cách cương quyết:
- Theo anh thì em không nên cầm súng ra chiến trường.
- Nếu ra sư đoàn, người ta đưa em về chỉ huy một trung đội tác chiến thì em đâu có thể từ chối được.
Anh mím môi và nói nhanh:
- Em nên suy nghĩ lại. Nếu em đồng ý thì anh có thể thu xếp cho em. Anh rất lo cho em mới nói như thế, hiểu chưa?
Tân ngồi im lặng một chút rồi trả lời:
- Cám ơn anh. Em đã quyết định mặc cho số phận đưa đẩy, em không muốn có sự chọn lựa nào nữa.
Anh Long nhún vai:
- Thôi tùy em.
Từ đó cho đến hết bữa ăn, hai anh em không còn bàn bạc gì thêm nữa. Cuối bữa ăn, chị Long hỏi:
- Mấy ngày nghỉ phép em định ở đâu?
- Sáng mai em lên Bảo lộc, ở chơi mấy ngày. Em rất thích không khí mát mẻ và quang cảnh núi đồi trên đó. Em muốn có vài ngày thực thảnh thơi trước khi lên đường.
- Khi em về, nhớ trở lại đây nhé.
- Vâng em sẽ về để từ giã anh chị. Em sẽ nghỉ đêm lại đây. Máy bay sẽ cất cánh vào mười hai giờ trưa. Chuyến nầy đi chưa biết chừng nào trở lại.

Sáng hôm sau Tân lên xe, đến Bảo lộc vào buổi trưa. Cậu ở nhà ông bà Thái suốt một tuần. Ngày nào cậu cũng ra vườn làm việc. Khu đất của ông bà đã trở thành một khu vườn xanh tươi đẹp đẽ, những bụi trà mơn mởn phủ kín mặt đất thoai thoải, đến tận dòng suối óng ánh sắc bạc dưới chân đồi. Từ hơn hai năm nay, khu vườn mang lại cho hai ông bà lợi tức mỗi năm một tăng. Nguồn vui và hạnh phúc tràn ngập trên hai khuôn mặt đã nhăn nheo vì tuổi tác. Mỗi ngày, từ lúc ánh bình minh chưa xua tan hết làn sương lạnh trên cành lá, cậu đã ra vườn bắt đầu làm việc. Buổi chiều, cậu chỉ dừng tay khi mặt trời đã chìm sau dãy núi xanh lơ.
Tuần lễ trôi qua nhanh chóng. Đêm cuối cùng, bà Thái làm tiệc đãi, có mời vài nhà quen thân trong xóm để tiễn cậu lên đường ra đơn vị. Sau khi tiệc tan, ông Thái nói với Tân:
- Bác biết đại tá tham mưu trưởng sư đoàn Chín Bộ binh. Xưa ông ta có học chung với bác một thời gian ở Hà nội. Vào Nam ít gặp nhưng thỉnh thoảng có liên lạc với nhau. Khi ra ngoài đó trình diện thì cháu hãy đưa lá thư nầy cho ông ấy. Tham mưu trưởng mà ra lệnh thì nhất định phòng nhân viên phải giữ cháu lại làm việc ở bộ tư lệnh không phải ra chiến trường. Cháu nhớ đưa trực tiếp cho ông ấy, đừng đưa qua người khác không tiện.
Ông trao cho Tân một phong thư đã dán và dặn cất cho kỹ và còn nói thêm lá thư nầy là bùa hộ mệnh cho cậu khi về đơn vị. Buổi sáng, ông bà Thái cùng vài người khác tiễn cậu tận bến xe. Cuộc chia tay thật cảm động.



*
* *


Tân vào phi trường Tân sơn nhất, chưa tới mười giờ sáng. Một số người đã đến trước và đứng rải rác trong phòng chờ đợi. Đa số khách của chuyến bay sắp tới là các tân sĩ quan mới ra trường Võ khoa Thủ đức. Tân nhìn quanh, có độ mươi sĩ quan mang lon chuẩn úy như cậu, ai cũng có vài thân nhân đưa tiễn vây quanh. Cậu đến một góc khá kín đáo, đặt bao hành trang xuống đất và im lặng nhìn cảnh đưa tiễn của các bạn đồng khóa.
Thấy cậu đứng một mình, một sĩ quan đến hỏi:
- Sao anh đứng một mình vậy, không đi cùng thân nhân à?
- Không, tôi chẳng có ai là thân nhân cả.
Cậu cười và nói tiếp với giọng khôi hài:
- Tôi mãi mãi là cánh nhim cô đơn trong cõi đời nầy.
- Ôi chao, ăn nói nghe hay nhỉ. Thế, cánh chim cô đơn ở đại đội nào trong quân trường?
- Đại đội Năm. Còn anh?
- Đại đội Bảy. Khoá mình đông quá nên học chung với nhau cả hơn mười tháng mà không biết nhau. Anh về đơn vị nào?
- Sư đoàn Chín Bộ binh.
- Tôi cũng thế. Đa số anh em đây là lính của sư đoàn Chín, chỉ có vài người là của tiểu khu Bình định. Đại đội của anh có mấy người về sư đoàn Chín.
- Có hai người. Tôi và chuẩn úy Bính, bạn rất thân của tôi. Sao giờ nầy chưa thấy tới?
- Còn lâu mà. Phải hơn hai giờ đồng hồ nữa máy bay mới cất cánh. Mình đến đây giờ nầy là quá sớm.
Tân vội ngắt lời:
- Kìa, bạn tôi tới rồi.
Cậu chăm chú nhìn ra bên ngoài. Một chiếc taxi dừng lại. Bính mở cửa trước bước xuống. Cánh cửa sau bật mở. Tân trố mắt nhìn, tim đập loạn đả. Một thiếu phụ bước xuống, tà áo dài trắng phất phơ bay.
Bạch Mai!
Tân nghe giọng mình lẩm bẩm:
- Bạch Mai vẫn đẹp, có lẽ còn đẹp hơn xưa nữa.
Nàng cúi khom người, bế một đứa bé ra khỏi xe. Sau cùng, một người đàn ông bước xuống; đó là bác Tư, ba của Bính. Ông cụ trông già và ốm yếu hơn xưa nhiều. Bính trả tiền xe và quay lại.
- Anh Tân!
Bính hét to, chạy vội lại cầm tay Tân, vừa kéo đi vừa nói:
- Anh Tân, anh đến sớm vậy. Anh lại đây. Ba em kìa, chị Mai kìa, bé Bình kìa. Anh lại đây với gia đình em.
Tân bước vội theo. Ông Tư đưa cả hai tay lên trời, miệng cười rạng rỡ trong khi Bạch Mai đứng nhìn, mặt như tái đi vì xúc động. Ông Tư bước tới, nắm cả hai tay cậu, giọng ôn tồn:
- Cháu Tân. Chà, trông lớn và bảnh trai hơn xưa nhiều. Thằng Bính luôn luôn nhắc đến cậu. Nó nói ngoài tôi và chị nó ra thì cậu là người thân thiết nhất của nó. Mai, sao con đứng yên, không chào anh Tân đi.
Mai ngước lên nhìn, mỉm cười:
- Anh Tân, anh vẫn khoẻ luôn?
- Cô Mai, tôi vẫn khoẻ mạnh.
Thế rồi hai người đứng yên, chẳng ai nhìn ai. Tân quay sang ông Tư:
- Thưa bác, cháu nghe Bính nói mấy năm nay bác không được mạnh như xưa.
- Đúng rồi. Từ khi về hưu tới nay, sức khoẻ suy sụp. Mẹ nó mất, tôi bị một cú sốc quá nặng, không gượng lại nổi. Nhưng thôi, sinh lão bệnh tử, có ai thoát nổi bốn cái khổ đó của kiếp luân hồi. À đây là thằng cháu Bình, con của con Mai đây. Cháu biết chuyện rồi chứ.
Tân cố nén hơi thở, chỉ sợ giọng mình mất tự nhiên:
- Dạ cháu biết. Bính có kể cho cháu nghe.
Ông cụ vuốt tóc thằng bé và nói tiếp:
- Nó được gần sáu tuổi rồi đó. Thực là oan nghiệt, nhưng điều kỳ lạ, nó lại là nguồn vui, nguồn an ủi to lớn của tôi trong tuổi già. Đó cũng là một lẽ nhiệm mầu. Mỗi người đều được ấn định cho một số phận kể từ khi chấm dứt kiếp trước; thế thì cứ an tâm mà nhận lấy.
Bính cười, nói chen vào:
- Anh Tân thấy chưa; lời nói của ba em bây giờ đượm mùi triết lý nhà Phật. Ba em có ý định, sau khi em đi rồi thì quy y và tu tại gia. Cũng may, bây giờ ông mới có ý định đó chứ nếu ông qui y lúc còn trẻ thì làm sao giờ nầy có chị Mai và em đứng đây.
Mọi người đều cười vui, tâm tình trở nên cởi mở như một luồng không khí vừa thông qua được nơi bị bí. Bính chỉ về phía bên kia phòng đợi:
- Ba, hình như bác Tý, bạn cùng sở trước đây với ba kìa. Con nhớ bác ấy có đến chơi nhà mình rồi.
Ông Tư nheo mắt nhìn:
- Phải, anh Tý đó. Ba có nghe nói con anh ấy cũng nhập ngũ một khóa với con.
Bính nói tiếp theo một cách vui vẻ:
- Đúng rồi, bác Tý đưa con của bác ra đơn vị. Con bác ấy kia kìa. Con nhớ rồi, anh Hải ở Đại đội Bốn, trung đội Mười lăm. Có lẽ anh ấy cũng về sư đoàn Chín như con. Đi ba, lại đằng kia hỏi thăm bác Tý và anh Hải. Ở đây giao chị Mai cho anh Tân giữ. Đừng để chị Mai đi lạc mất nghe anh Tân. Còn Bình, cháu ở đây với mẹ hay theo ông ngoại?
- Con theo ông ngoại.
- Được rồi, đi.
Ba người bỏ đi. Hai người bạn từ thuở xa xưa ngước mắt nhìn nhau. Mai nói khe khẽ:
- Anh Tân, em biết hôm nay thế nào cũng gặp anh ở đây.
Tân cảm động im lặng nhìn Mai. Nàng nói tiếp:
- Lâu lắm rồi, bây giờ mình mới gặp nhau. Anh có nhớ lần cuối cùng mình trông thấy nhau ở đâu không, cách nay bao lâu rồi?
- Tám năm rồi. Lúc Mai đứng trên con đường trước khám Gia định.
Mai chớp mắt cảm động:
- Anh còn nhớ sao? Em đứng đó từ lúc tờ mờ sáng, đợi hơn hai tiếng đồng hồ để chỉ thoáng thấy anh ngồi chung với những người khác trên chuyến xe tù. Mỗi lần nhớ lại quang cảnh đó em lại buồn muốn khóc. Mới đó mà tám năm rồi. Bây giờ, anh đâu còn xem em là người bạn gái nhỏ bé ngày xưa nữa phải không?
- Khi nào tôi nghĩ đến Mai thì tôi vẫn thấy Mai như xưa vậy.
- Còn bây giờ?
- Cũng vậy thôi.
- Thế sao bây giờ, anh không gọi em như ngày xưa vậy?
Tân mỉm cười, trong lòng lâng lâng niềm cảm khoái. Mai nhìn ra bầu trời trong vắt bên ngoài, giọng nhỏ nhẹ, thực dễ thương:
- Anh Tân, anh có nhớ lúc mình còn đi học trung học không, những ngày in truyền đơn trong căn phố đóng kín cửa, nóng nực như trong lò lửa, những đêm lén lút rải truyền đơn trong khi thiên hạ ngủ say, đi rón rén, núp trong bóng tối, sợ bóng người, sợ cả những con chó chạy theo chực cắn?
Giọng Tân xúc động:
- Em còn luyến tiếc những ngày còn hoạt động cho cách mạng đó sao?
Mai vội đính chính:
- Không, em không luyến tiếc tí nào cả. Em coi đó là một thời vui chơi của tuổi trẻ, một cuộc chơi ngông nghênh và thái quá, ẩn dưới màu sắc chính trị. Nhiều năm nay, em không còn giữ lại một chút quan điểm chính trị nào của thời đó nữa.
Nàng ngừng lại vài giây, nhìn bộ quân phục của Tân rồi hỏi:
- Anh cũng vậy phải không?
Tân im lặng gật đầu. Gương mặt nàng chợt tươi lên, cái dáng ngây thơ bỗng hiện trở lại làm cho đôi mắt nàng đẹp lạ lùng. Nàng vừa cười, vừa nói:
- Em nhớ lúc đó bọn con gái chúng em hiểu chính trị một cách lờ mờ và có đứa nào quyết tâm theo cách mạng đâu. Nhưng tụi em thích làm việc với anh, đứa nào cũng muốn nghe lời anh.
Nàng cười khúc khích:
- Và thế là chúng em trở thành những chiến sĩ của cuộc cách mạng vô sản!
Nàng thôi cười, mặt thoáng buồn:
- Đối với chúng em, giai đoạn đó cũng để lại trong lòng thực nhiều kỷ niệm khó quên, dù nhiều đứa trong bọn em đã phải trả giá cho cuộc chơi chính trị đó. Nhiều đứa đã bị bắt, bị tra tấn. Riêng em cũng phải trả một giá rất đắt, không biết anh có hiểu cho em không?
Tân nghe lòng mình rát như bị xát muối:
- Em và các bạn khác oán trách anh nhiều lắm phải không?
- Không, chúng em không oán trách anh tí nào cả. Khi bị lâm nạn, chúng em chỉ ngơ ngác rồi để cho số phận nó lôi tuồn tuột mình đi.
Tân vẫn còn xót xa:
- Anh thực đáng trách và phải chịu trách nhiệm về những đau khổ mà các em phải gánh chịu. Anh thực đáng tội.
- Không, anh không nên tự kết án mình như vậy. Chúng em vẫn quý mến và kính trọng anh. Chúng em hiểu rằng anh phải làm theo một mệnh lệnh nào đó. Hơn nữa, chính anh cũng phải trả giá kia mà. Mấy ngày sau khi anh bị bắt, có người nhắn cho em biết là anh bị tra tấn đến ói máu. Đêm đó em không ngủ được, nằm khóc ướt cả gối.
Nàng cúi xuống, mặt hồng lên vì hổ thẹn. Tân hỏi:
- Sau khi anh bị bắt rồi, tình hình hoạt động bên ngoài thế nào?
- Ai cũng nhốn nháo lo sợ. Hoạt động tê liệt. Công an mật vụ thường xuyên ngồi tại văn phòng, giám thị không lúc nào ngưng đi rảo qua các lớp học.
- Còn mấy anh trong tổ chức?
- Em chỉ biết anh Đảnh thôi. Anh ấy vẫn có mặt tại trường nhưng rất lo lắng. Anh ấy bảo vẫn bắt liên lạc thường xuyên để theo dõi việc anh bị tra khảo trong Catinat. Nếu được tin anh không chịu nổi tra tấn thì anh Đảnh sẽ đi trốn ngay.
- Lúc đó, anh Đảnh có nói gì về anh không?
Mai nhíu mày, cố gợi lại ký ức:
- Chuyện đó xảy ra lâu quá. À em nhớ lại rồi. Anh ấy nói rằng anh bị bắt vì mất cảnh giác. Lúc đó em phật lòng vì lời phê bình đó. Anh bị bắt và đang bị tra tấn thì đồng chí phải tỏ lòng thương xót chứ sao lại phê bình theo kiểu đổ lỗi như thế.
Tân cười:
- Đồng chí chứ có phải người ruột thịt đâu. Ruột thịt với nhau thì tình cảm là trên hết, còn đồng chí với nhau thì lợi ích cách mạng là trên hết. Vả lại, anh Đảnh đã phê bình đúng. Anh đã không cảnh giác. Nếu cảnh giác thì hôm đó anh đã không công khai cầm đầu phái đoàn học sinh để tranh đấu với nhà trường mà phải giao cho một quần chúng tốt hay cùng lắm là một đoàn viên mà thôi. Lúc đó, anh đang là bí thư chi đoàn, trên nguyên tắc, không được chường mặt ra như thế. Rồi hơn nữa, khi bị công an bao vây trong văn phòng, anh lại đứng ra nhận hết trách nhiệm về cho mình, bằng lòng cho công an bắt, để tất cả người khác được tha. Cử chỉ đó cách mạng gọi là quân tử Tàu, là anh hùng cá nhân, không thể chấp nhận được. Anh biết điều đó là sai trong cương vị một cán bộ nằm vùng nhưng anh vẫn làm, cố ý làm vì một lý do khác chứ không phải sơ suất mất cảnh giác như anh Đảnh phê bình đâu.
Mai ngạc nhiên. Nàng xích lại gần đến độ làm Tân thoáng ngây ngất vì mùi nước hoa trên tóc nàng. Nàng hỏi nho nhỏ:
- Vì lý do gì, anh cho em biết được chứ, chuyện cũ mà, tiết lộ có hại gì đâu.
Tân im lặng nhìn ra bên ngoài. Cậu đắn đo không biết có nên nói ra tất cả sự thực cho Mai hiểu hay không. Mai đưa bàn tay chạm nhẹ vào cánh tay làm cậu giật mình và có cảm tưởng như toàn thân rung động. Tân nghe giọng nàng hết sức êm dịu:
- Anh Tân, nói cho em nghe đi. Bao nhiêu năm rồi, em vẫn thường muốn biết tâm trạng của anh khi bị bắt, làm chúng ta xa nhau.
Tân quay lại nhìn nàng say đắm:
- Bạch Mai ạ, lúc đó, anh bị dằn vặt vì ý nghĩ xúi dục các em theo anh đi vào con đường nguy hiểm có hại cho cả cuộc đời các em. Anh quyết định chấm dứt việc nầy bằng một giải pháp mà anh phải suy nghĩ và cân nhắc trọn một tháng trời.
- Giải pháp vào tù?
- Đúng vậy. Ngoài cái chết và vào tù, không còn cách nào để từ bỏ công tác được. Anh không biết em có hiểu được điều nầy không?
- Em hiểu chứ. Chính em chỉ mới là đoàn viên thôi mà còn không thể tự ý bỏ công tác một cách đơn giản để phải mang hận suốt đời, huống chi anh lúc đó đang là…
- Là cán bộ dân vận nồng cốt, là bí thư chi đoàn, là đối tượng đảng rất sáng giá.
Mai thở dài, giọng nhỏ nhẹ thực dễ thương:
- Thế là vì chúng em mà anh tự nguyện vào tù, chịu biết bao nhiêu là đau khổ trong nhiều năm trường.
- Mai ạ, chúng ta nên giải thích cuộc đời nầy bằng triết lý nhà Phật như ba em vừa nói khi nãy. Đời sống của mọi người trong một kiếp luân hồi là cái quả do cái nhân của tiền kiếp, không ai có thể thoát ra được. Điều đáng nói là trên mọi nẻo đường định sẵn đó, mỗi người phải giữ cho được cái tâm trong sáng của mình.
- Anh Tân. Tuần tới, ba em chịu lễ qui y với một thượng tọa mà ba em gọi là bậc chân tu. Ba mới quyết định qui y từ hơn một tuần nay. Anh có biết tại sao ba qui y không?
- Có lẽ bác muốn sám hối một vài năm cuối đời để kiếp sau được thảnh thơi hơn kiếp nầy.
- Không. Cuộc đời của ba em chẳng có gì để phải nhọc công sám hối. Còn kiếp sau thì ba bảo thế nào cũng nhận chịu, chẳng có gì đáng quan tâm để chọn lựa.
- Thế thì, bác qui y để làm gì?
- Từ hôm Bính về báo tin, anh và nó, và cả anh bạn Thảo của nó nữa sẽ ra nhận nhiệm vụ tại đơn vị tác chiến thì ba muốn làm một cái gì đó thực có ý nghĩa để cầu mong đức Phật che chở cho ba người.
Tân ngắt lời:
- Trong cuộc chiến nầy, có cả triệu người lính, cả chục triệu người dân vô tội đối mặt hằng ngày với cái chết, tại sao ba em chỉ cầu chuyện cho ba người mà thôi.
- Hôm nọ Bính cũng hỏi ba em y như câu anh vừa nói. Ba bảo rằng đức của ba không đủ dày để có cao vọng cầu nguyện cho mọi người. Ba muốn tập trung lòng thành của ba vào lời cầu nguyện cho ít người mà thôi, hi vọng sẽ được ứng nghiệm hơn.
Bạch Mai ngừng nói. Hai người lắng tai nghe tiếng nói trên loa:
- “Xin quí khách đáp chuyến bay C47 đi Qui nhơn, chuẩn bị vào phòng lập thủ tục để khởi hành. Chúng tôi xin nhắc lại…”
Ông Tư và Bính vội dắt bé Bình trở lại. Mai rối rít:
- Người ta gọi đi làm thủ tục rồi đó.
Bính cười:
- Mới gọi lần đầu thôi, nửa giờ nửa vào trình vé thì vừa. Mỗi người chỉ có một bao quân trang mang theo người chứ đâu có thứ gì phải cân và đăng ký đâu. À à, nãy giờ Bình chưa chào bác Tân phải không?
Bính đẩy thằng bé về phía Tân. Nó vòng tay ấp úng:
- Con chào bác.
Tân cúi xuống bế thằng bé lên tay:
- Giỏi, Bình giỏi lắm.
Bạch Mai cười:
- Cục cưng của ông ngoại đó. Cục cưng của cậu Bính nữa. Từ hôm Bính đi nhập ngũ, mỗi lần về phép mặc quân phục là nó thích lắm, không chịu rời cậu. Nó bảo sau nầy, cậu nó sẽ làm đại tướng, nó đi theo đánh giặc với cậu nó. Phải không Bình?
Bình gật đầu một cách ngây thơ. Bính nói:
- Bình nầy, bác Tân sẽ còn lớn hơn đại tướng nữa. Bác Tân sẽ là thống chế. Con có thích không?
Bình đáp:
- Thống chế là cái gì? Con chỉ thích đại tướng thôi.
Mọi người cười ồ. Tân siết chặt thằng bé vào lòng một cách âu yếm:
- Thôi được, bác sẽ làm đại tướng chứ không làm thống chế đâu. Xem nào, bây giờ đại tướng tặng cái gì cho bé Bình làm kỷ niệm. Cái nầy nhé.
Tân chỉ vào cái huy hiệu nhỏ bằng kim loại của trường Võ khoa Thủ đức đính trên nắp túi áo. Thằng bé nhìn theo gật︠đầu một cách thích thú. Tân nhanh chóng cởi chiếc huy hiệu ra và trao cho nó:
- Đây, tặng cho cháu cái đại tướng nầy.
- Cho mẹ xem chút nào.
Mai gỡ tay thằng bé, lấy chiếc huy hiệu ngắm nghía và đọc dòng chữ nhỏ xíu trên viền quanh rồi hỏi:
- Cư an tư nguy, nghĩa là gì hả anh Tân?
- Sống an nhàn thì phải lo cho lúc nguy nan.
- Có phải giống cái câu gì đó bằng tiếng la tinh trong cuốn kỷ yếu mà hôm nọ Bính mang về hay không?
Bính trả lời:
- Cũng cùng một nghĩa đó. Câu tiếng La tinh là: Si vis pacem, para bellum. Nếu anh muốn hòa bình thì phải chuẩn bị chiến tranh.
Ông Tư gật đầu, chen lời:
- Đó là một ý tưởng rất thâm thúy. Càng đi xa càng thấy cảnh đẹp, càng học nhiều càng thấy điều hay.
Tiếng nói trong loa lại vang lên oang oang:
- Xin quí khách….
Tân trao bé Bình cho Mai, tay cậu khẽ chạm vào tay nàng, Tân nghe một cảm giác lạ lùng lan truyền khắp cơ thể. Cậu nhìn thẳng vào mặt nàng, bốn mắt gặp nhau, Tân cảm thấy ngây ngất trong lòng.
Ông Tư nói với giọng xúc động:
- Thôi hai anh em vào làm thủ tục lên máy bay đi. Hai con đi mạnh khỏe, hằng đêm, ta cầu nguyện cho hai con.
Bính nắm tay cha:
- Con đi, ba ở lại mạnh khỏe.
Cậu quay sang nắm tay chị:
- Chị Mai, chị ở nhà săn sóc ba và cháu Bình. Tan giặc về, em sẽ ở chung với chị và cháu.
Mai nhìn em trai mình, mím chặt môi, cố ngăn nước mắt nhưng không thể ngăn được. Nàng nghẹn ngào:
- Bính, em đi mạnh khỏe. Anh Tân, anh đi mạnh khỏe. Em….
Nàng ngưng nói, vội móc khăn tay ra và úp mặt vào đó khóc nức nở.
Thằng Bình ngước nhìn mẹ một cách sững sờ rồi cầm tay mẹ thút thít:
- Mẹ, mẹ, tại sao mẹ khóc? Cậu Bính đi chừng nào về hả mẹ?