Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

Chương 7: Chiến trường rừng núi (1)



Một cuộc chiến tranh dài
Tập II
Chương 7: Chiến trường rừng núi
(1)

Chiếc máy bay hai chong chóng lướt nhanh trên phi đạo rồi cất cánh lên không trung. Nó lượn một vòng, thẳng đường về hướng Bắc và gần hai giờ sau, đáp xuống phi trường Qui nhơn. Đó là một phi trường nhỏ, phi đạo được lát tạm với những tấm vĩ sắt ghép vào nhau. Chúng rung và gào thét lên một cách dễ sợ khi bánh máy bay chạm vào và lăn dài lên đó. Cuối cùng, phi cơ chạy vào sân đậu và dừng lại.
Mười bốn sĩ quan ra khỏi phi cơ, bước lên một xe Dodge đang đậu kế đó để về bộ tư lệnh sư đoàn. Doanh trại của bộ tư lệnh là một khu đất rộng, kế bên quốc lộ, gồm nhiều dãy nhà thâm thấp trên nền đất cát trắng xóa. Không khí nóng hừng hực dưới cái nắng thiêu đốt của mặt trời mùa hạ.
Xe dừng lại trước cửa phòng Một của bộ tư lệnh. Các chuẩn úy bước vào, chào đại úy trưởng phòng một cách nghiêm trang rồi trình giấy tờ bổ nhiệm. Viên đại úy ngồi sau một chiếc bàn to, chăm chỉ đọc các tờ giấy rồi ngước lên, giọng nghiêm nghị:
- Xin chào mừng tất cả các sĩ quan vể bổ sung cho sư đoàn Chín. Rất tiếc hôm nay, thiếu tướng tư lệnh và đại tá tham mưu trưởng đều bận đi họp ở quân đoàn. Mấy anh em về ở tạm tại phòng vãng lai. Phòng nầy không sang trọng bằng khách sạn đâu nhưng có đủ tiện nghi tối thiểu. Ăn uống thì anh em ra ngoài, bên kia đường có nhiều quán ăn và quán giải khát. Có thể xuống thành phố Qui nhơn chơi nhưng nhớ đừng ngủ đêm dưới đó, không ai bảo đảm an ninh cho mình. Thôi, mấy anh em theo trung sĩ Đông về nhận chỗ ở đi. Khi nào đại tá về, tôi sẽ đến báo anh em lên trình diện.
Tất cả chào và ra khỏi phòng, theo trung sĩ Đông về nhà vãng lai. Nhận xong chỗ ngủ, mọi người đi ra ngoài ăn cơm. Đúng như lời nói của đại úy trưởng phòng nhân viên, đối diện với cổng bộ tư lệnh là một dãy nhà dân lụp xụp phần nhiều là quán tạp hóa hay quán ăn uống. Hầu hết khách là lính của sư đoàn.
Nhóm sĩ quan chia làm nhiều tốp nhỏ. Tân và Bính đi riêng hai người. Cơm nước xong, đôi bạn trở về phòng, ngủ một giấc ngon lành vì mệt nhọc sau một cuộc hành trình dài.

Khi thức dậy, hai anh em rủ nhau về Qui nhơn. Thành phố không lớn lắm nhưng buôn bán sầm uất. Đường phố có rất nhiều quân nhân. Hai người đi bộ ra bờ vịnh, ngồi trên ghế đá dưới bóng cây, ngắm ghe thuyền qua lại trên mặt nước lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời.
Bính nhìn ra xa, nói với bạn:
- Khung cảnh miền Trung khác trong Nam là đi đâu cũng gặp núi non của dãy Trường sơn.
Tân gật đầu:
- Về đến đây, anh chợt nhớ quay quắt làng quê của anh. Anh đã xa cách nó mười lăm năm rồi, lúc mới lên mười tuổi. Từ đó đến nay, chắc chắn có biết bao đổi thay ở làng quê nhỏ bé đó. Không biết hai ngôi mộ của cha mẹ anh có còn hay đã bị san phẳng vì không được ai săn sóc.
- Trong những năm hòa bình sau hiệp định Genève, sao anh không về thăm làng để tìm lại mồ mả của hai bác?
- Anh thường xót xa về điều đó. Sau khi hiệp định được ký kết, anh từ chiến khu Đồng tháp trở ra và lập tức lao vào cuộc tranh đấu chính trị do Việt cộng khởi xướng. Sau đó đi tù. Ra tù lo kiếm sống để đi học. Học xong vào quân trường, còn chút thì giờ rỗi rảnh nào nữa đâu. Tội nghiệp, có lẽ mười mấy năm nay, linh hồn của cha mẹ anh vẫn mong hai đứa con trai của mình về thăm lại hai nấm mồ, hai chỗ ở cuối cùng và vĩnh cửu của ông bà.
Bính ngạc nhiên:
- Hai đứa con trai? Anh và ai nữa?
Tân cười:
- Phải, hai anh em. Từ trước tới nay, anh chưa bao giờ cho em biết anh ruột của anh, anh Vinh, đang sống ở ngoài miền Bắc.
Bính càng ngạc nhiên hơn:
- Tại sao anh ấy ra ngoài đó? Anh ấy lớn chưa?
- Chỉ hơn anh bốn tuổi. Anh ấy đi tập kết, sau khi được trao trả tù chiến tranh theo một điều khoản của hiệp định Genève. Trước đó, anh Vinh là một cán bộ Việt cộng hoạt động nội thành, bị bắt năm 1953 và bị đày ra Côn đảo.
- Có lẽ, bây giờ anh ấy đang làm lớn ở ngoài miền Bắc.
- Anh cũng nghĩ như thế.
- Nhưng tại sao lúc đó anh không cùng đi tập kết với anh Vinh?
- Anh đâu có gặp anh Vinh. Anh ấy được trao trả tù binh và từ Côn đảo được đưa thẳng ra Bắc. Còn anh thì đâu có được đi. Anh được cài lại để hoạt động trong miền Nam. Chỉ có những cán bộ bị lộ diện mới phải tập kết mà thôi.
- Anh có tiếc là không được đi tập kết hay không?
- Không. Lúc đầu thì anh được giải thích rằng ở lại để chiến đấu trong lòng địch, để hoàn thành sự nghiệp cách mạng mới thực là vinh quang. Lúc đó anh còn nhỏ quá, nghe người ta đề cao như thế thì mê tít ngay.
- Còn bây giờ?
- Bây giờ, anh mừng được ở lại miền Nam. Em không nhớ những câu chuyện anh Thảo kể nỗi khổ cùng cực của đồng bào miền Bắc do cộng sản gây ra hay sao? Ra ngoài đó mà chứng kiến tận mắt cảnh đó thì có lẽ anh cũng phải vượt biên trở vào Nam như anh Thảo vậy.
- Còn anh Vinh? Anh có nghĩ rằng anh Vinh cũng đau khổ và cũng muốn trở vào miền Nam hay không?
Tân im lặng một chút rồi lắc đầu, nét mặt buồn bã:
- Không đâu. Ý chí cách mạng của anh Vinh ghê gớm hơn anh nhiều. Anh biết anh Vinh còn nặng lòng căm thù. Cha anh bị Tây bắn chết năm 1947 và sau đó mẹ anh buồn rầu cũng chết theo. Anh Vinh không bao giờ quên mối thù đó. Anh nghĩ rằng, anh Vinh sẽ theo cộng sản đến suốt đời.
- Còn anh, anh không căm thù à?
- Cũng có nhưng không sâu bằng anh Vinh đâu. Lúc tai họa giáng xuống gia đình anh thì anh còn quá nhỏ nên nỗi đau đớn lấn át lòng căm thù.
- Bây giờ em mới hiểu.
Tân ngạc nhiên:
- Em hiểu gì?
Bính giải thích:
- Lúc còn học ở quân trường, em để ý thấy anh không có tâm lý thoải mái và cởi mở như em và anh Thảo. Đôi khi, anh tỏ ra băn khoăn và bứt rứt. Có phải anh cảm thấy đau đớn vì phải cầm súng đứng trong hàng ngũ của kẻ thù đã giết chết cha mẹ anh không?
- Bứt rứt thì có nhưng không phải vì lý do đó. Kẻ thù trực tiếp và gián tiếp giết cha mẹ anh là thực dân Pháp. Trong suốt bao nhiêu năm trời, anh đã góp công vào cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp. Anh coi như mình đã trả xong mối thù rồi. Còn bây giờ đây là cuộc chiến khác, cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam Bắc, hay đúng hơn là cuộc chiến mà miền Nam bắt buộc tham gia vì không muốn sống dưới chế độ cộng sản như miền Bắc. Anh đứng trong hàng ngũ những người chiến đấu để tự vệ, trong đó có em và anh Thảo; những đồng đội đó của anh sao gọi là kẻ thù được?
Bính cảm động:
- Cám ơn anh. Được chiến đấu với những đồng đội như em và anh Thảo là điều chính đáng, tại sao anh vẫn cứ bứt rứt khi nhập ngũ và lúc thụ huấn trong quân trường?
Tân thở dài:
- Kể từ khi ở tù ra, khi nghe ai bàn đến chính trị, đến chế độ nầy, chế độ kia thì anh cảm thấy vô cùng ngao ngán. Tinh thần anh hoàn toàn rã rời sau những năm đi làm cách mạng. Sống với cộng sản hay chống lại cộng sản? Anh chẳng tha thiết gì đối với sự chọn lựa. Anh tuân lệnh nhập ngũ với tâm trạng gần giống như em là không muốn đứng ngoài cái số phận của dân tộc mình. Chiến tranh là điều tồi tệ nhất. Dân tộc mình đang phải gánh chịu điều tồi tệ đó thì mình cũng phải đưa lưng ra nhận lãnh như bao người khác. Có người muốn giúp anh thoát được lệnh nhập ngũ nhưng anh đã từ chối. Vì vậy anh đã gặp em và anh Thảo trong quân trường.
Tân dừng lại, móc thuốc ra hút rồi nói tiếp:
- Cái điều làm cho anh xốn xang bứt rứt là anh nghe nói cộng sản đã đưa một số ngưòi tập kết trở về chiến đấu ở miền Nam. Những người nầy đã từng hoạt động ở miền Nam, đưa họ về thì rất có lợi cho công việc mà họ gọi là “giải phóng”. Anh Vinh của anh cũng là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc nên có thể được cộng sản cho hồi kết. Nếu đúng như thế, anh lo sợ anh em chạm mặt nhau ngoài chiến trường.
Bính quay sang nắm tay bạn:
- Anh Tân, bây giờ em mới thực sự hiểu anh. Tội nghiệp anh. Phải chi anh được đi học truyền tin để khỏi phải cầm súng ra chiến trường.
- Anh có hai lá thư giới thiệu gởi cho ông tướng và ông tá của bộ tư lệnh sư đoàn xin cho anh ở lại làm việc tại văn phòng để khỏi phải ra chiến đấu ở mặt trận.
- Thế thì hay quá. Hôm nào trình diện bộ tư lệnh, anh đưa hai lá thư đó thì có thể được giữ lại làm việc tại văn phòng, không phải cầm súng ra chiến trường. Anh có mang theo bằng tốt nghiệp đại học sư phạm không? Anh nên cho vào hồ sơ luôn để người ta mạnh dạn sử dụng anh trong việc soạn thảo văn thư.
Tân làm thinh không trả lời. Cậu dõi mắt nhìn về những chiếc tàu nhỏ đang thoát ra cửa vịnh để vào lòng đại dương bao la. Mặt trời đã lặn xuống dưới những chỏm núi của dãy Trường sơn. Bính khẽ bảo:
- Thôi mình về. Đêm nay là đêm đầu tiên, em nằm ở đất miền Trung. Có lẽ em sẽ mất ngủ vì nhớ nhà. Anh đã cảm thấy nhớ nhà chưa?
Tân cười buồn:
- Anh làm gì có nhà để mà nhớ.
Bính cười theo:
- Ừ nhỉ. Tội nghiệp anh.


*
* *


Ba hôm sau, lúc mọi người đã vào giường, trung sĩ Đông đến gọi to:
- Các chuẩn úy mới về trình diện, xin nghe đây. Sáng mai, tám giờ, tập họp tại hội trường để gặp đại tá tham mưu trưởng.
Mọi người nhốn nháo, bàn tán xôn xao đến hơn một giờ sau mới thôi.
Sáng hôm sau, anh em ăn mặc chỉnh tề và kéo lên hội trường. Đó là một gian phòng rộng, trang hoàng khá đẹp. Giữa phòng trống trơn vì bàn ghế được xếp gọn vào cuối phòng. Các tân sĩ quan đang đứng quan sát thì đại tá bước vào, phía sau là đại úy trưởng phòng nhân viên cầm theo sổ sách. Một tiếng hô nghiêm dõng dạc, các sĩ quan đứng thẳng người, đưa tay chào. Đại tá chào đáp lễ rồi tươi cười:
- Sư đoàn Chín Bộ binh hân hạnh đón tiếp các chuẩn úy về đây bổ sung đội ngũ sĩ quan. Tôi là tham mưu trưởng, thay mặt bộ tư lệnh đến đây, trước hết chào mừng rồi sau đó phân công cho các anh em. Tôi muốn anh em sẽ được phân công theo đúng nguyện vọng của mình. Hiện nay, các trung đoàn của sư đoàn đang thiếu nhiều sĩ quan trung đội trưởng và bộ tư lệnh thì cần vài sĩ quan giúp việc cho các phòng. Vì vậy anh em nào muốn về trung đoàn thì được thỏa mãn ngay còn anh em nào muốn ở lại làm việc văn phòng thì cũng cứ thẳng thắng trình bày, chúng tôi sẽ căn cứ vào hồ sơ và khả năng để xét sau. Bây giờ, bắt đầu đi.
Một chuẩn úy bước ra, đứng nghiêm và nói lớn:
- Chuẩn úy Đặng văn Thi trình diện đại tá.
- Được, chuẩn úy trình bày nguyện vọng đi.
- Thưa đại tá, tôi xin về trung đoàn.
Đại tá tươi cười quay sang đại úy trưởng phòng:
- Tốt lắm. Cho về trung đoàn Mười ba. Người khác.
- Chuẩn úy Huỳnh Hà, xin về trung đoàn.
- Được, trung đoàn Mười bốn.
Bính bước ra. Tân hồi hộp theo dõi. Giọng Bính dõng dạc:
- Chuẩn úy Nguyễn văn Bính, xin về trung đoàn
- Được, trung đoàn Mười lăm.
Tân cảm thấy mạch máu trong đầu mình giựt bong bong. “Bính trung đoàn Mười lăm, Bính trung đoàn Mười lăm!” Hình như tiếng réo nổi lên không dứt trong đầu cậu. Cậu bước ra khỏi hàng, nói to:
- Tôi là chuẩn úy Phạm bá Tân xin về trung đoàn Mười lăm với chuẩn úy Bính.
Đại tá cười:
- Ra chiến trường cho có anh có em phải không? Được, chấp thuận, trung đoàn Mười lăm.
Tân thở ra nhẹ nhõm, bước lui để nhường chỗ cho người khác.
Mười phút sau, buổi trình diện và phân công chấm dứt. Trong số mười bốn tân sĩ quan, có mười hai người tình nguyện ra trung đoàn. Chỉ có hai người xin ở lại bộ tư lệnh sư đoàn. Đại tá tham mưu trưởng bước ra khỏi phòng với nụ cười hài lòng. Bính kéo vội Tân ra sân và nói:
- Anh Tân, tại sao anh không xin ở lại bộ tư lệnh? Anh có bằng tốt nghiệp đại học lại thêm thơ giới thiệu nữa thì rất có thể được nhận vào làm ở văn phòng. Tại sao anh lại xin ra trung đoàn?
- Thế tại sao em cũng xin đi trung đoàn? Có phải em muốn tham gia thân phận bi đát của con người trong chiến tranh hay không? Anh cũng hành động như em vậy.
Bính siết chặt tay bạn:
- Em hỏi thế thôi chứ khi nghe anh xin theo em về trung đoàn Mười lăm, em vừa ngạc nhiên vừa cảm động lắm. Nếu khi nãy anh xin ở lại bộ tư lệnh và được chấp thuận thì em sẽ mừng cho anh nhưng em sẽ rất buồn vì ra chiến trường mà không có anh.
Tân cười thật tươi:
- Bây giờ thì vui rồi nhé. Anh đi lấy những lá thư giới thiệu để hủy đi. Anh ghi nhận lòng tốt của những người đã lo lắng cho anh nhưng anh không muốn hưởng lợi từ những tấm lòng đó. Hơn nữa, anh không muốn xa em. Về trung đoàn Mười lăm, chúng mình cố xin cho được về chung một tiểu đoàn rồi chung một đại đội. Nhưng trung đoàn Mười lăm ở đâu nhỉ?
- Vào phòng nhân viên lấy giấy bổ nhiệm là biết ngay. Thôi anh em mình đi.
Mọi người kéo đến phòng nhân viên. Đại úy trưởng phòng tươi cười:
- Mấy anh em ở chơi ngày hôm nay nữa, sáng mai lên đường.
Tân hỏi:
- Trung đoàn Mười lăm đóng tại đâu?
- Bộ chỉ huy đóng tại thung lũng Cung sơn, cách Tuy hòa khoảng ba mươi cây số trên đường lên cao nguyên.
- Chúng tôi đi bằng cách nào?
Đại úy cười:
- Sư đoàn lo. Kể từ lúc các anh về trình diện, chúng tôi chịu trách nhiệm về sinh mạng của các anh nên chúng tôi buộc phải cung cấp mọi phương tiện di chuyển an toàn cho các anh. Từ đây vào Tuy hoà hơn một trăm cây số nhưng đường an ninh lắm. Trên trời có trực thăng bay rà theo quốc lộ, bên dưới có thiết giáp thường xuyên đi tuần. Nhưng từ Tuy hòa đến Cung sơn, chỉ có mấy chục cấy số thôi mà nguy hiểm lắm. Đường đèo thực hiểm trở. Nhiều đoạn, xe phải men theo sườn núi, một bên là vách đá một bên là vực sâu. Việt Cộng chẳng cần có vũ khí tối tân, chỉ cần ở trên đỉnh núi lăn gỗ đá xuống là đủ tiêu diệt chúng ta rồi. Vì vậy, đến Tuy hòa các anh phải nằm đợi. Vài ba ngày tiểu khu mới mở đường một lần. Phải mở đường xong xuôi mới có thể đi được.
Bính nhìn đại úy với vẻ ngây thơ:
- Phải mở đường mới đi được à?
Đại úy cười to:
- Đúng là lính mới. Tôi nói rồi, đường xuyên qua núi hết sức hiểm trở, chỗ nào Việt cộng cũng có thể đặt ổ phục kích chứ đâu phải là những con đường láng ô và đẹp đẽ như các con đường của thành phố Sài gòn đâu. Mở đường là hành quân dọc theo con đường bằng cách kết hợp bộ binh với thiết giáp để dẹp bỏ các ổ phục kích của Việt cộng đi. Có khi còn phải đưa công binh đến rà mìn nữa. Thôi các anh về Quy nhơn dạo phố một bữa nữa đi. Chiều nhớ về sớm đến đây lãnh giấy tờ để ngày mai lên đường.
Mười mấy anh em không đi dạo phố mà rủ nhau ra quán, cùng ăn uống với nhau bữa cuối cùng. Ngày mai họ sẽ phân thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm về một trung đoàn. Trung đoàn Mười lăm sẽ nhận Tân, Bính và hai sĩ quan khác.
Sáng hôm sau, khi nắng vừa lên là anh em khởi hành. Chiếc xe Dodge 4 băng băng trên quốc lộ vừa mới được sửa chữa xong. Hai bên đường, cây cối um tùm, cảnh vật nhiều nơi thật hoang vu. Rải rác có những nhóm nhà khá đông đúc chen chúc nhau trong ấp chiến lược, bao quanh bằng một bờ đất chạy dài theo con hào khá sâu; trên đỉnh bờ đất là một hàng rào khá cao bằng cây rừng và những thanh tre vót nhọn.
Xe đến Tuy hòa vào buổi trưa và dừng lại trong sân của tiểu khu. Ở đây, người ta cho biết sáng mai có chuyến mở đường lên cao nguyên. Tiểu khu có phòng vãng lai để nghỉ ngơi nhưng bốn anh em rủ nhau ra phố dạo chơi và tìm nhà trọ ngủ qua đêm để được hưởng khung cảnh thị tứ một đêm cuối cùng trước khi dấn thân vào chốn núi rừng âm u.
Bốn người ra phố, thong thả đi dạo trên vài ba con đường là hết cái thành phố nhỏ bé của dải đất miền trung nầy. Họ men theo con đường ra khỏi thành phố để đến bờ biển. Họ đứng trên vệ đường nhìn bãi cát trắng phau chạy dài và biến mất sau hàng phi lao. Mặt biển rộng mênh mông, chân trời vạch một đường thẳng tắp liên tục chia đôi mặt đại dương sáng bạc với bầu trời xanh thăm thẳm.
Gió chiều từ biển cả thổi vào mang theo từng con sóng nhỏ vỗ vào bờ, cố sức trườn được một đoạn trên bờ cát rồi tan ra thành một dãy bọt trắng xoá.
Khi hoàng hôn xuống, anh em trở về thành phố, tìm khách sạn để nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, họ trở vào tiểu khu. Phía trước đường, một đoàn xe gồm mươi chiếc đã nổ máy, chuẩn bị khởi hành.
Sau một hồi còi hiệu lệnh, đoàn xe lên đường. Có hai xe bọc thép hộ tống, một đi đầu và một đi cuối. Đoàn gồm một số xe quân sự đi tiếp tế cho các tiền đồn dọc theo con đường dẫn đến Hậu bổn và Ban mê thuột, cùng một số xe dân sự chở người và hàng hoá.
Quả thực, con đường thực hiểm trở, đúng như lời mô tả của đại úy trưởng phòng nhân viên của bộ tư lệnh sư đoàn. Đuờng đá gồ ghề, với vô số lỗ cạn lỗ sâu, lỗ to, lỗ nhỏ kế tiếp nhau. Đoàn xe lắc lư nhọc mệt bò lên những con dốc cao, cẩn thận men theo bờ vực thẳm. Sát bên đường, con mương của đập Đồng cam, chạy dài không dứt như lúc nào cũng kiên nhẫn bám theo đoàn. Trong lòng mương, dòng nước trong veo, mát lạnh, ngày đêm dẫn nước về xuôi tưới cho cánh đồng lúa Tuy hòa.
Sau ba giờ lắc lư trên con đường xuyên qua vùng rừng núi mà mỗi bụi cây, mỗi hốc đá đều có thể là nơi ẩn núp của kẻ thù, đoàn xe đến Cung sơn an toàn. Không khí nóng bức ngột ngạt vì đây là một thung lũng nằm giữa những dãy núi cao ngất nghểu.
Bốn anh em nhảy xuống xe và nhìn quanh. Vài mươi gian nhà lá đơn sơ, hầu hết là nhà sàn của người thiểu số. Ở đầu xóm có một dãy nhà cũng lợp lá nhưng khá dài, dựng ngay trên nền đất nên trông vững chắc không như những nhà sàn lêu nghêu trên những cột cây rừng khẳng khiu. Đó chính là doanh trại của bộ chỉ huy trung đoàn Mười lăm Bộ binh.
Từ trong dãy nhà, một ông thượng sĩ bước vội đến. Ông ta nói với bốn anh em:
- Chào các chuẩn úy. Hôm qua chúng tôi nhận được điện của sư đoàn cho biết hôm nay có bốn chuẩn úy về bổ sung cho trung đoàn. Trong bộ chỉ huy ai cũng mừng, nhất là trung tá chỉ huy trưởng. Trung tá đang đợi các chuẩn úy trong văn phòng ở đầu dãy nhà, chỗ có cái cửa lớn. Các chuẩn úy vào trình diện trung tá đi. Đồ đạc cứ để đây, tôi cho lính mang vào chỗ nghỉ.
Bốn anh em bước vào văn phòng của bộ chỉ huy trung đoàn. Gian phòng hẹp, đồ đạc đơn sơ. Giữa phòng là một chiếc bàn khá to, kế cận một tủ sắt màu xám. Vách nhà làm bằng những thanh nứa chẻ nhỏ và đan khít vào nhau.
Phòng vắng lặng, chỉ có một người đàn ông nằm thoải mái trên một chiếc ghế xếp. Ông ta ở trần, phơi ra ngoài bộ ngực đẩy đà và chiếc bụng no tròn, với cái rốn lõm sâu ngay bên trên chiếc quần đùi màu xám. Miệng ông ta phì phèo một ống vố, nhả ra từng đám khói trắng. Ông thản nhiên nằm hút thuốc trong khi bốn sĩ quan bước vào, ngơ ngác vì chẳng thấy ông trung tá nào ở đây.
Người đàn ông im lặng nhìn các sĩ quan một chút rồi thong thả lấy tẩu thuốc ra khỏi miệng, mỉm cười:
- Các chuẩn úy muốn tìm ông trung tá chỉ huy trưởng trung đoàn để trình diện phải không? Lão già đáng ghét đó chính là tôi đây.
Nói xong, ông ta cười vui vẻ.
Cả bốn anh em giật mình, vội vã quay lại đứng nghiêm. Một anh đưa tay chào. Ba anh còn lại vẫn đứng trố mắt nhìn. Họ không biết, nếu chào cái ông bụng phệ nằm phơi rốn nầy thì có đúng với quân kỷ mà họ đã học trong quân trường hay không?
Ông trung tá bụng phệ nhỏm dậy xua tay:
- Khỏi chào. Ở đây nên dẹp bỏ cái trò lẩm cẩm đó đi. Ra tới tiền cứ nầy thì cốt yếu là đánh đấm. Đánh cho hăng, cho thắng là đủ, cái gì khác không cần.
Trung tá đứng dậy ngồi vào chiếc ghế sau cái bàn to, tiếp tục cười và nói một cách vui vẻ:
- Mấy chú chịu khó đứng để nói chuyện. Ở đây không được như phòng tiếp khách của tổng thống ở thủ đô Sài gòn nên chẳng có cái ghế nào dành cho khách. À tôi hỏi thực điều nầy nghe. Mấy anh em chẳng có bà con nào làm lớn trong quân đội hay chính quyền nên mới trôi dạt về đây phải không?
Hỏi xong ông ta khoái chí, không đợi câu trả lời, cười ha hả. Cả bốn người đứng yên, ngẩn người ngạc nhiên. Ở quân trường họ chỉ gặp những sĩ quan luôn luôn nghiêm nghị, ăn nói chững chàng. Thế mà đây là một ông sĩ quan cao cấp, lại là chỉ huy trưởng của một đơn vị lớn của quân đội…
Ông trung tá chỉ ngay Bính và hỏi:
- Chuẩn úy, cho tôi biết tại sao chú về chốn khỉ ho cò gáy nầy?
Bính đứng thẳng người, trả lời một cách nghiêm nghị:
- Thưa trung tá, tôi tuân lệnh bổ nhiệm của thượng cấp trong quân đội.
- Thế thì, khi bị đưa về đây, chuẩn úy có bất mãn hay ít nhất buồn bực trong lòng không?
- Không, tôi chẳng bất mãn hay buồn bực gì cả. Tôi đã vào quân đội thì cấp trên có quyền sử dụng theo nhu cầu của quân đội. Vả lại, nếu tôi bất mãn và tìm cách tránh né nơi đây thì người khác cũng có thể làm như tôi, lấy ai đến đây để phục vụ cho chiến trường nữa.
Trung tá bật đứng dậy, bước ra vỗ mạnh vào vai Bính:
- Tốt, tốt. Thế mới xứng đáng là sĩ quan của quân đội Cộng hòa. Tôi hỏi mấy anh em như thế vì tôi không muốn dùng cái loại sĩ quan về đây với tâm trạng bất mãn. Giao cho họ chỉ huy đơn vị thì nguy cơ thất trận rất lớn lại nguy cho sinh mạng của bao nhiêu người. Nếu bất mãn, thà tôi trả về cho sư đoàn hoặc tổng tham mưu rồi lấy hạ sĩ quan lên thay thế còn hơn giữ họ lại đây. Chuẩn úy nầy nói rồi còn ba anh em kia, cứ nói thực đi, ai không bằng lòng chiến trường nầy thì tôi làm giấy trả về ngay.
Cả ba người cùng xin ở lại nhận nhiệm vụ của trung đoàn. Trung tá cười vui vẻ:
- Tốt lắm. Bây giờ tôi phân các chú về các tiểu đoàn.
Ông bước ra cửa, nói to:
- Gọi thiếu úy Ánh lên đây, mang theo hồ sơ của các chuẩn úy mới về mà sư đoàn đã gởi theo xe.
Một thiếu úy bước vào, tay cầm một xấp giấy tờ đặt lên bàn, tính lui ra thì trung tá giữ lại:
- Thiếu úy ở lại nghe tôi phân công cho các chuẩn úy rồi về làm lệnh bổ nhiệm ngay. Từ ngày mai có chuyến liên lạc nào thì gởi các chuẩn úy đi luôn.
Ông quay lại nói với các chuẩn úy:
- Trung đoàn có ba tiểu đoàn. Tiểu đoàn một và hai đang chuẩn bị hành quân với trung đoàn. Tiểu đoàn ba được biệt phái cho bộ tư lệnh sư đoàn giữ phi trường Kannack ở gần An khê. Tôi muốn các chuẩn úy được chia về cả ba tiểu đoàn.
Bỗng Bính lên tiếng:
- Thưa trung tá, tôi xin nói.
Trung tá quay lại, thoáng ngạc n﹨iên:
- Được, chuẩn úy cứ nói.
- Xin trung tá bổ nhiệm tôi và chuẩn úy Tân về cùng tiểu đoàn.
Trung tá suy nghĩ vài giây rồi trả lời:
- Được, tôi chấp nhận. Cho hai chuẩn úy về tiểu đoàn Ba. Hai chuẩn úy kia về tiểu đoàn Một và Hai. Bằng lòng rồi chứ?
- Cám ơn trung tá. Thế là chúng tôi phải trở lại bộ tư lệnh trung đoàn ở Qui nhơn?
- Đúng vậy. Sáng mai đoàn xe sẽ trở lại Tuy hòa. Sau đó các chú sẽ trở về Qui nhơn và được đưa đến tiểu đoàn Ba tại Kannack. Hai chú về tiểu đoàn Ba thì cho tôi gởi lời về thăm tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ của tiểu đoàn. Nhắn với tiểu đoàn trưởng là tôi đã xin sư đoàn trả tiểu đoàn trở về cho trung đoàn. Thiếu tướng tư lệnh đã chấp thuận rồi nhưng phải đợi có đơn vị đến thay thế.
Ông chỉ tay ra bên ngoài và nói tiếp:
- Thôi bây giờ, các chú về chỗ nghỉ ngơi là cái nhà sàn trước mặt đây. Các chú có thể đi chơi vòng quanh cho biết cái thung lũng đèo heo hút gió nầy. Nếu không có chiến tranh thì không bao giờ các chú đến đây. Bốn bề đều có núi non và suối mát. Cứ cởi hết quần áo nhảy xuống suối mà tắm, vắng vẻ lắm, chỉ có đàn khỉ trên những nhánh cây cao nhìn xuống và tưởng mình là đồng loại của chúng. Nhớ đừng đi xa vào trong rừng có thể dẫm phải mìn. Trên một số các đỉnh dồi chung quanh, có các tiểu đội làm tiền đồn, đến gần mà không biết mật khẩu là họ nổ súng chết oan mạng.

Đêm trong thung lũng hoàn toàn vắng lặng nên hai anh em ngủ thực ngon giấc.
Hôm sau, Tân và Bính trở lại Tuy hòa rồi thẳng đường về Qui nhơn. Hai anh em trở lại nhà vãng lai của sư đoàn, cảm thấy buồn. Mấy hôm trước đây, trong phòng nầy có đến mười bốn người với tiếng cười đùa rộn rã, nay chỉ có hai người trở lại trong gian nhà rộng thênh thang và vắng vẻ.
Hai ngày sau, hai cậu lên đường, theo xe tiếp tế cho tiền đồn. Xe bon bon chạy trên quốc lộ từ Qui nhơn qua khỏi đèo An khê, rồi chậm chạp bò vào một con đường đất vòng vèo xuyên qua những cánh rừng rậm rạp xen lẫn với những khu đồi trọc, nơi những người Thượng đã canh rẫy và đã bỏ đi. Xe đến căn cứ vào giữa trưa.
Trên một ngọn đồi khá to và cao, ban chỉ huy tiểu đoàn đóng với đại đội trọng pháo. Hai đại đội Hai và Ba lập doanh trại ở lưng chừng núi để bảo vệ cho ban chỉ huy. Xa hơn một chút về phía Nam, có một ngọn đồi nhỏ hơn dành cho đại đội Một.
Hai chiếc xe chở lính và đồ tiếp tế rú máy chầm chậm bò lên ngọn đồi to và dừng lại trên đỉnh giữa hai dãy nhà tranh lụp xụp. Hai chuẩn úy được mời vào một căn nhà nhỏ làm phòng ăn cho sĩ quan của bộ chỉ huy. Trong phòng chỉ có một bàn dài đóng đơn sơ bằng cây đẵn trong rừng. Vách của gian phòng làm bằng tre đan. Hai anh em ngạc nhiên thấy trên ba bức vách, treo ba ảnh to, bản sao nhiếp ảnh ba tác phẩm danh tiếng của phương Tây.
Một đại úy bước vào thấy hai anh em đứng ngắm ba bức ảnh một cách thích thú. Ông lên tiếng:
- Chào hai chuẩn úy.
Hai bạn giật mình quay lại, đứng nghiêm đưa tay chào. Đại úy chào lại và nói tiếp:
- Tôi là đại úy An, tiểu đoàn trưởng. Tôi đã được công điện của trung đoàn báo tin hai chuẩn úy về bổ sung cho tiểu đoàn. Hai chuẩn úy đang thưởng thức các họa phẩm?
Bính đáp:
- Vâng, thưa đại úy. Nơi chốn núi rừng heo hút và hoang sơ nầy, ba danh tác nầy tạo nên một sự tương phản kỳ lạ và lý thú.
Đại úy An mỉm cười:
- Các bức ảnh nầy do chuẩn úy Kỵ, sĩ quan tâm lý chiến đưa từ Sài gòn ra. Tiểu đoàn di chuyển đi đâu, cậu ta cũng giữ lấy khư khư không cho người khác cầm giúp sợ làm hư mất. Cậu ta bảo trong chiến tranh phải có cái gì đó để giữ cho tâm hồn người ta không bị khô héo, cằn cỗi.
Đại úy nói xong thì cười thực cởi mở, đầy thiện cảm và nói tiếp:
- Trước khi về đây, hai chuẩn úy có gặp trung tá trung đoàn trưởng không?
Tân bật cười:
- Có, chúng tôi có gặp trung tá ở Cung sơn. Lúc đầu anh em chúng tôi không ngờ rằng ông già bụng phệ đó là trung tá.
Đại úy cười theo:
- Cách ăn mặc cũng như tính tình của ông ấy rất xuề xòa, nhưng khi đụng việc thì trung tá nghiêm khắc lắm. Trong các cuộc hành quân, đó là một cấp chỉ huy tài giỏi.
Tân nói tiếp:
- Thưa đại úy, trung tá gởi lời thăm tất cả tiểu đoàn và nhắn riêng với đại úy rằng trung tá đang xin điều tiểu đoàn về lại với trung đoàn, không biệt phái cho sư đoàn nữa.
- Hay lắm, về lại trung đoàn gặp lại anh em bè bạn thì vui hơn. Biệt phái cho sư đoàn để trấn giữ nơi hoang vu nầy buồn chán lắm. Đi hành quân cực nhọc nhưng đỡ buồn chán.
- Thưa đại úy, tiểu đoàn mình có đầy đủ quân số không?
- Còn thiếu khá nhiều, nhất là sĩ quan trung đội trưởng, hầu hết các trung đội đều do hạ sĩ quan chỉ huy. Họ có kinh nghiệm chiến đấu nhưng không đủ năng lực và uy tín để làm trung đội trưởng. Vì vậy kỷ luật trong các trung đội khá lỏng lẻo. Đó là điều đáng lo. Hai chuẩn úy về đây, chúng tôi rất mừng.
Bính lên tiếng:
- Chúng tôi sẵn sàng về đây để làm trung đội trưởng. Tuy nhiên chúng tôi có một nguyện vọng, nếu được đại úy chấp nhận thì rất hay cho chúng tôi.
- Chuẩn úy cứ nói đi.
- Hai anh em chúng tôi xin về chung một đại đội để luôn luôn gần gũi nhau trên chiến trường.
Đại úy nhíu mày suy nghĩ một chốc rồi đáp:
- Như thế cũng được. Hai chuẩn úy cùng về đại đội Một. Đại đội nầy hiện thiếu đến ba sĩ quan trung đội trưởng. Thế nào hai đại đội kia cũng than phiền. Nhưng không sao, đại đội Một là chủ lực của tiểu đoàn, luôn luôn phải đảm nhiệm công việc khó khăn nhất, bổ sung cho đầy đủ sĩ quan cũng là điều hữu lý. Đại đội Một đang đóng quân riêng ở đồi bên kia. Tôi sẽ gọi máy báo cho trung úy Bá đại đội trưởng biết rồi cho xe chở thực phẩm và đưa hai chuẩn úy về bên đó. Chiều nay, tôi cho nhà bếp chi thêm thức ăn, làm tiệc đãi tất cả sĩ quan trong tiểu đoàn để giới thiệu hai chuẩn úy. Hai chuẩn úy ngồi chơi, đợi tôi một tí.
Nói xong ông bỏ ra ngoài. Tân nói với Bính:
- Bính quen sống ở thành phố, về xứ hoang vu nầy, có lẽ buồn lắm nhỉ?
Bính lắc đầu:
- Sống lâu thì chưa biết thế nào chứ mới tới đây, khung cảnh núi rừng trùng điệp, hùng vĩ thế nầy làm cho em xúc động và say mê. Nước non của mình thực đẹp, đáng cho mình hi sinh tính mạng để bảo vệ.
- Với ý nghĩ như thế, Bính làm sĩ quan tâm lý chiến phải hơn là làm trung đội trưởng tác chiến.
- Theo em thì chẳng cần phải là sĩ quan tâm lý chiến. Mọi quân nhân đều phải có lòng yêu nước đậm đà thì mới làm tròn được nhiệm vụ của mình.
Bính ngừng lại khi một ông trung sĩ bước vào nói với hai người:
- Mời hai chuẩn úy ra xe.
Chiếc xe Jeep chở hai bạn xuống đồi rồi rú máy trườn lên ngọn đồi bên kia. Trung úy đại đội trưởng siết tay hai người thực chặt. Trung úy còn rất trẻ, da ngâm đen, nét mặt cương nghị nhưng nụ cười thì rất cởi mở. Trung úy nói:
- Tôi rất mừng được hai chuẩn úy về đây. Tôi là trung úy Bá.
Tân tiếp lời:
- Tôi là Tân, còn đây là chuẩn úy Bính. Chúng tôi rất hân hạnh được cử về làm việc với trung úy.
- Hai anh tốt nghiệp khóa Mười bốn Thủ đức phải không?
- Phải. Còn trung úy?
- Tôi là sĩ quan hiện dịch, xuất thân Võ bị Đà lạt, làm lính suốt đời. Bây giờ tôi giới thiệu đại đội của mình cho hai anh rõ. Đại đội có ba trung đội tác chiến và một trung đội vũ khí nặng với hai đại liên và hai súng cối. Đại đội chỉ có hai sĩ quan, tôi coi cả đại đội và chuẩn úy Tám ở trung đội 1. Hai trung đội tác chiến kia do hai trung sĩ nhất chỉ huy, còn trung đội vũ khí nặng thì do một thượng sĩ làm trung đội trưởng. Tôi đề nghị các anh về làm trung đôi trưởng tác chiến và hai trung sĩ nhất sẽ là trung đội phó. Anh Tân về trung đội Hai và anh Bính, trung đội Ba.
Tân hỏi:
- Thế còn đại đội phó?
Bá lắc đầu cười:
- Không có đại đội phó. Có lẽ vì thiếu sĩ quan nên người ta bỏ chức vụ đó đi. Khi cần thì sẽ cử một trung đội trưởng lên thay đại đội trưởng. Thu xếp công việc nội bộ trong đại đội thì do một thượng sĩ thường vụ đại đội. Đại đội mình có thượng sĩ Lập khá lắm. Anh ấy và chuẩn úy Tám đang coi lính làm tuyến phòng thủ dưới kia.
Bính hỏi:
- Thưa trung úy, hiện giờ nhiệm vụ chính yếu của đại đội mình là gì?
- Phòng thủ một mặt cho tiểu đoàn. Còn nhiệm vụ của tiểu đoàn là bảo vệ phi trường?
- Nhưng phi trường ở đâu không thấy?
- Phi trường dã chiến, cách đây hơn một cây số. Trước đây, tiểu đoàn mình giữ phi trường đó cùng bảo đảm an ninh cho con đường từ phi trường ra ngã ba An khê. Nay phi trường không còn dùng nữa. Máy bay quân sự chỉ còn lên xuống ở phi trường An khê mà thôi.
- Thế thì bây giờ chúng ta có nhiệm vụ gì trong vùng rừng núi âm u nầy? Có lẽ mình ở đây để chặn đường chuyển quân của lính Bắc Việt từ đường Hồ chí Minh về vùng duyên hải, phải không trung úy?
Trung úy Bá không trả lời. Anh đứng im nhìn xuống đồi nơi lính của đại đội đang căng dây kẽm gai và đào giao thông hào. Đột nhiên, anh quay lại:
- Tôi nghĩ rằng tốt hơn hết là phải nói thực với hai chuẩn úy điều nầy, nhưng nhớ chỉ có sĩ quan chúng mình biết thôi, không được tiết lộ cho lính, kể cả hạ sĩ quan lẫn binh sĩ.
Hai chuẩn úy lắng nghe. Tiếng nói của trung úy Bá nhỏ lại, dù trên đỉnh đồi nầy chỉ có ba người mà thôi:
- Tháng rồi, tôi về Qui nhơn để liên lạc với sư đoàn. Tôi có một người bạn thân cùng khóa đang là sĩ quan hành quân của bộ tư lệnh. Anh ta bảo với tôi rằng tiểu đoàn mình đóng ở đây không phải là đễ giữ phi trường nữa. Phi trường đã bỏ phế từ hơn một năm rồi. Phi đạo thì bằng đất chỉ ủi cho bằng phẳng thôi, qua một mùa mưa ở xứ nầy là hư hết. Ở đây cũng chẳng có dân cư để mình bảo vệ. Cũng không có chuyện chận đường xâm nhập của lính Bắc Việt. Rừng già thế nầy, mình ở đây, bọn nó đi dưới kia, cách mình một cây số là mình chẳng biết gì cả thì làm sao ngăn chận được.
Bính sốt ruột:
- Vậy thì chúng ta ở đây làm gì? Theo như những gì mà chúng tôi đã học trong quân trường thì sư đoàn là lực lượng chính quy có nhiệm vụ hành quân truy lùng để tiêu diệt hay đánh đuổi địch ra khỏi vùng lãnh thổ mà mình đang chịu trách nhiệm, chứ đâu có nằm yên như thế nầy.
Trung úy cười và nói tiếp:
- Cũng như anh, tôi thắc mắc không hiểu tại sao sư đoàn lấy tiểu đoàn mình về đây rồi để yên từ ngày nầy qua tháng nọ tại đây. Tôi theo căn vặn anh bạn của tôi rồi dẫn anh ta đi uống một chầu, anh ấy mới chịu nói thực. Anh bạn của tôi bảo rằng theo tin tình báo thì có một đơn vị bộ đội, có lẽ là lính Bắc Việt đang lởn vởn trong vùng nầy. Nhiều toán biệt kích mà quân đội thả vào rừng xác nhận tin nầy. Tuy nhiên bộ đội Việt cộng phân tán và di chuyển luôn nên khó lần ra dấu vết để cho máy bay oanh tạc. Vì vậy bộ tư lệnh sư đoàn mượn một đứa con của trung đoàn Mười lăm, tức là tiểu đoàn︠ của chúng ta đây làm mồi nhử cái đại đơn vị nào đó của cộng sản.
Tân thấy ớn lạnh trong xương sống. Cậu nhìn sang Bính thì thấy nét mặt anh bạn trẻ nầy vẫn thản nhiên mà còn có vẻ hứng thú nữa. Tân hỏi:
- Thế là tiểu đoàn chúng ta được sư đoàn dùng làm mồi nhử cho Việt cộng tập trung lại đánh và bị lộ mặt phải không?
- Đúng vậy. Thông thường, muốn đánh một vị trí, phía tấn công phải có quân số và hỏa lực áp đảo, gấp ba bốn lần trở lên so với phía phòng thủ. Muốn đánh chúng ta, Việt cộng tập trung ít nhất là một trung đoàn. Có thể họ sẽ đưa vào đây đến hai trung đoàn cùng đơn vị pháo hạng nặng mới chắc ăn. Lúc đó sư đoàn hay quân đoàn sẽ hành quân trực thăng vận ngay tức thì để tiêu diệt địch.
Bính cười to:
- Chúng ta đúng là một củ khoai đáng thương được dùng nhử con chuột cống để cho con mèo khổng lồ nhảy ra vồ bắt. Giả dụ con mèo bắt được con chuột thì củ khoai cũng bị trầy trụa một cách thảm thương hay có thể bị gậm cho tan nát không còn hình thù gì nữa.
Trung úy cười ha hả và phụ họa thêm hình ảnh mà Bính vừa ví von:
- Cũng có thể con mèo chưa kịp đến thì con chuột đã tha củ khoai đi mất hoặc ăn hết rồi vội vã rút lui.
- Vậy là anh em mình có dịp về trình diện với diêm vương để xin với ông ta kiếp sau đừng bắt mình làm củ khoai mà làm cục sỏi, cục đất hay bất cứ thứ gì mà chuột và mèo không thèm ngó đến.
Cả ba sĩ quan cùng cười vui vẻ. Tân ngưng cười, hỏi bằng giọng nghiêm trang:
- Khi muốn bắt một con chuột, người ta đặt bẫy nơi nào mà chuột hay tìm đến. Nơi đây là vùng hoang vu lại không có vẻ án ngữ một trục giao thông nào cả. Thế thì Việt công đánh chúng ta chiếm hai ngọn đồi nầy có ích lợi gì? Nếu không nhử được Việt cộng đến đây, hóa ra sư đoàn đã làm một việc vô ích. Mấy trăm con người phải nuôi ăn bằng tiếp tế cũng tốn kém lắm chứ. Những chỗ khác lại đang cần lực lượng để giữ an ninh cho dân chúng.
- Đúng vậy. Hôm đó tôi có hỏi anh bạn tôi như thế. Anh ta giải thích như thế nầy. Ở đồng bằng, quốc sách ấp chiến lược của chính phủ đã đập tan nhiều cơ sở nằm vùng của Việt cộng; tinh thần cán binh Việt cộng đang sa sút nhiều, danh sách chiêu hồi dài ra mỗi ngày. Cộng sản Bắc Việt gấp rút đưa người và chiến cụ xâm nhập vào Nam, tìm cách nâng tinh thần Việt cộng trong nầy lên để giảm bớt số người về chiêu hồi. Nâng đỡ cách nào? Tốt nhất là một vài chiến thắng ngoạn mục ở tầm cỡ mà dân chúng phải bàn tán. Trên đồng bằng thì họ không thể tập trung được rồi. Vậy thì chiến thắng mà họ cần chỉ có thể thực hiện ở vùng rừng núi âm u như ở đây. Mặc khác, khi đưa quân vào đây, cộng sản cũng cần tập dượt bộ đội của họ, cho chiến sĩ của họ thử lửa để rút kinh nghiệm chiến truờng. Những năm cuối cùng của cuộc kháng Pháp, với chiến thắng Điện biên phủ, bộ đội Việt minh được công nhận là một quân đội rất thiện chiến. Nhưng từ hiệp định Genève đến nay, Bắc Việt được sống trong hòa bình. Gần mười năm rồi chứ đâu phải ít. Những người lính thiện chiến năm xưa đều đã lớn tuổi hay già nua cả rồi. Hầu hết đã lập gia đình và đang è cổ ra kéo cày thay trâu để nuôi sống vợ con. Trong số đó, chỉ một số ít vào Nam với cương vị lãnh đạo chỉ huy, còn lại là bọn trẻ mới lớn lên, chưa biết gì về chiến đấu. Cần phải cho chúng thử lửa, cho chúng ngửi mùi thuốc súng để chúng nó hăng lên, cho chúng thấy máu đổ để kích thích lòng hận thù và liều chết của chúng. Thế đó, phòng hành quân của sư đoàn đã suy luận như vậy cho nên mới quăng chúng ta vào đây.
Tân thở dài:
- Một tiểu đoàn đơn độc và trơ trọi giữa chốn rừng sâu núi thẳm nầy quả thực là một đối tượng rất hấp dẫn để cho cộng sản Bắc Việt tập dượt tân binh của họ. Một miếng mồi thơm phức cho chú chuột đang cần ăn!
Trung úy Bá cười:
- Đúng là một miếng mồi hấp dẫn, nhưng tôi chưa nói hết tất cả sự hấp dẫn của miếng mồi đó.
- Còn gì nữa?
- Thế nầy nè. Việt cộng rất sợ pháo binh của chúng ta. Trình độ pháo binh của mình khá lắm, nhanh và rất chính xác. Hiện nay trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa, pháo binh của chúng ta đã bao vùng gần hết với đại bác 105 và155 ly, có tầm tác xạ đến mười lăm cây số hay hơn nữa. Trên bản đồ quân sự, lấy một điểm đặt pháo làm tâm, dùng compas vạch một vòng tròn, trong đó là vùng yểm trợ của căn cứ pháo nói trên. Hiện nay các vòng tròn đó phủ gần khắp lãnh thổ, ngoại trừ các vùng rừng núi xa xôi. Tất cả các đơn vị hành quân hay đồn trú đều nằm trong vùng yểm trợ của pháo binh ngoại trừ chúng ta.
- Trời đất, thế thì hai ngọn đồi nầy không được pháo binh yểm trợ sao?
- Không. Thế mới gọi là miếng mồi ngon cho chú chuột Việt cộng chứ.
- Nhưng Việt cộng có biết điều nầy không?
- Sao lại không? Chúng ta lập căn cứ pháo binh chỗ nào thì chỗ đó ồn ào náo nhiệt, có khi pháo chưa kịp kéo đến thì Việt cộng đã biết rõ địa điểm đặt pháo rồi. Chắc chắn họ cũng có những bản đồ quân sự như chúng ta với đầy đủ những vòng tròn bao vùng của pháo binh mình.
- Và họ thấy ngay nơi nầy ngoài vùng yểm trợ?
- Đúng vậy. Căn cứ pháo gần nhất là ở thị trấn An khê, cách đây một quãng khá lớn theo đuờng chim bay, đại bác không bắn tới được. Nè, tôi nhắc lại, chuyện nầy phải giữ kín. Lính mà biết được thì chúng nó sẽ hoang mang, có thể đào ngũ. Các anh là sĩ quan thì tôi cho biết để chúng ta cùng chú tâm đề phòng cho cẩn mật. Nếu địch đánh vào đây thì chúng ta cố gắng thủ cho được càng lâu càng tốt để quân đoàn kịp tới tiếp cứu.
- Đại úy tiểu đoàn trưởng có biết chúng ta đang làm mồi nhử Việt cộng không?
- Có lẽ biết nhưng là bí mật quân sự nên đại úy không nói với ai cả. Thôi, mình vào nhà nói chuyện đi, ngoài nầy nắng lắm. Kìa cơm dọn ra rồi. Trưa nay hai anh dùng cơm với tôi. Chiều nay các anh nhận đơn vị xong thì lính trong trung đội sẽ lo cơm nước cho các anh.
Trong bữa cơm, Tân hỏi:
- Đại úy tiểu đoàn trưởng của mình là người thế nào?
- Rất tốt, hiền lành nhưng hơi nhát.
- Đại úy sợ chết à?
Trung úy Bá gật đầu:
- Ông ta sợ cho anh em nhiều hơn cho mình. Đại úy là người tốt, có trách nhiệm, biết lo cho cấp dưới của mình.
- Đại úy đánh giặc giỏi không?
- Khá lắm, sáng suốt và bình tĩnh khi lâm trận nhưng luôn luôn cầu mong sự bình an cho anh em hơn là chiến thắng.
- Nghĩa là đánh nhau, đại úy cốt thủ hòa?
Trung úy Bá cười ha hả:
- Đúng vậy đó. Chính đại úy cũng có lần bảo rằng đánh nhau rồi hòa và hai bên rút lui là tốt nhất. Chiến thắng hay chiến bại đều phải đưa xác đồng đội về chôn thì thực là đáng buồn. Năm ngoái có một chuyện làm cho đại úy An và cả tiểu đoàn đều xót thương.
- Chắc là chuyện hi sinh ngoài chiến trường.
- Ừ, một chuyện hi sinh rất bi thảm. Dạo đó tiểu đoàn có năm binh sĩ người Thượng ở địa phương nầy. Tất cả đều có vợ con sống trong khu gia binh ở hậu cứ của trung đoàn, còn họ thì cứ theo tiểu đoàn lang thang từ nơi nầy đến nơi khác.
Bính hỏi:
- Tính tình người Thượng thế nào?
- Rất hiền lành chất phác, cả tiểu đoàn ai cũng thương. Một hôm, lúc chạng vạng tối, tiểu đoàn nhận được lệnh hành quân. Đại úy họp các đại đội trưởng để truyền lệnh cho mọi người chuẩn bị vũ khí đạn dược cùng bảy ngày lương khô mang theo. Mọi việc chuẩn bị đã xong trong đêm. Trời mới rựng sáng, Đại úy tiểu đoàn trưởng đang nai nịt thì Y Dao, anh lớn tuổi nhất trong năm người binh sĩ người Thượng chạy xồng xộc vào, đứng chụm chân chào. Đại úy ngạc nhiên hỏi:
“- Có chuyện gì vậy Y Dao?
“- Xin đại úy cho tôi ở nhà.
“- Không được, lệnh hành quân bắt buộc phải đem theo tất cả quân số của tiểu đoàn không chừa một ai cả.
“Y Dao cúi mặt xuống nài nỉ:
“- Đại úy cho tôi ở nhà. Nếu tôi đi thì tôi chết, tội nghiệp vợ con tôi.
“Đại úy gắt lên:
“- Tôi bảo là không được. Y Dao không biết luật lệ nhà binh ở mặt trận à. Trốn tránh hành quân là ra tòa án quân sự. Nếu tôi cho phép anh nghỉ ở nhà thì người khác bắt chước, lấy ai đi hành quân cho đủ sĩ số.
“- Nhưng lần nầy, tôi đi tôi sẽ chết. Đêm rồi, hồn con ma nó về báo với tôi. Đại úy cho tôi ở nhà một lần nầy thôi. Lần khác tôi sẽ đi.
“Đại úy dịu giọng:
“- Thôi đừng nói nữa, về đại đội chuẩn bị đi với anh em. Đừng nghỉ vớ vẩn và đừng tin nhảm nhí. Mấy tháng nay, tiểu đoàn vẫn hành quân và mọi người đều bình an vô sự, Y Dao không thấy sao?
“Đại úy đến vỗ vai anh ta và cười:
“- Yên tâm đi Y Dao. Tiểu đoàn mình được ông Trời phù hộ mà.
“Anh ta nói như mếu:
“- Tôi biết cả tiểu đoàn được ông Trời phù hộ nhưng lần nầy, tôi và một người nữa không được phù hộ.
“Anh ta nói xong thì lủi thủi đi ra.
Tân có vẻ sốt ruột nên hỏi:
- Rồi anh ta trốn hay đi hành quân theo tiểu đoàn?
- Anh ta đi theo. Người Thượng rất thật thà, chất phác, xin không được thì anh ta đành chịu.
- Rồi sao nữa?
- Hôm sau, tiểu đoàn đụng trận. Có hai người ngã xuống, một hạ sĩ thuộc đại đội Hai bị thương nặng và một binh nhì tử trận.
- Ai tử trận?
- Chính Y Dao, anh người Thượng đáng thương đó. Khi nghe đại đội báo tin lên bằng máy vô tuyến, đại úy An đứng sững không nói được tiếng nào rồi ông khóc ngay trên mặt trận. Sau đó cả tiểu đoàn góp một số tiền khá lớn gởi theo xe chở xác Y Dao về hậu cứ của trung đoàn. Bốn người Thượng còn lại được phép đi theo về để mai táng.
- Rồi họ có trở lại không?
- Có, bốn người đều trở lại đúng ngày nhưng không phải trở lại để tiếp tục làm nhiệm vụ. Lúc đó cuộc hành quân đã chấm dứt, tiểu đoàn về đóng tại tiền cứ của trung đoàn. Bốn người đến trình diện đại úy tiểu đoàn trưởng và xin đại úy cho giải ngũ.
- Trời đất!
- Thực vậy, họ thản nhiên nói với đại úy cho giải ngũ vì họ không thích đánh nhau nữa. Họ bảo rằng họ ghét cộng sản đưa lính và súng ống ngoài Bắc vào mới có chuyện đánh nhau. Họ theo tiểu đoàn hơn hai năm rồi, thấy ai chết họ cũng buồn. Lính quốc gia chết, họ buồn; lính Việt cộng chết họ cũng buồn. Ai cũng có cha mẹ, anh em, vợ con, chết thì mọi người đều đau đớn lắm. Đại úy kể rằng nghe họ nói, thương đến chảy nước mắt. Nếu họ xin đi phép hay vắng mặt trong cuộc hành quân thì lập tức đại úy cho liền sau đó có bị khiển trách cũng chịu. Đằng nầy họ xin giải ngũ thì làm sao giải quyết được. Đại úy cố giải thích nhưng họ không nghe. Cuối cùng, họ nói:
“- Đại úy không cho giải ngũ thì chúng tôi cũng về nhà. Chúng tôi chào đại úy, bây giờ đại úy không bao giờ thấy chúng tôi nữa.
“Đại úy xua tay:
“- Không được đâu. Các anh bỏ về như vậy là đào ngũ. Rủi bị quân cảnh bắt được thì các anh sẽ bị đưa ra tòa án binh xét xử đi ở tù hay đi làm lao công đào binh.
“Họ thản nhiên đáp:
“- Chúng tôi không sợ. Chúng tôi về không ở khu gia binh nữa đâu. Chúng tôi dẫn vợ con vô rừng vô núi làm nương rẫy, nay ở chỗ nầy, mai đi chỗ khác. Trong đó chỉ có thú rừng chớ đâu có quân cảnh mà sợ. Sống với thú rừng trong đó dễ chịu hơn sống với người ngoài nầy. Thú rừng chỉ giết nhau khi đói bụng tìm thức ăn. Lúc no thì chúng hiền lắm. Con người ở đây, đói hay no, lúc nào cũng tìm con người để giết. Giết không phải để ăn như thú rừng mà để làm gì không thể hiểu được. Thôi chào đại úy, chào các sĩ quan, chào hết cả tiểu đoàn.
“Nói xong, cả bốn người đứng nghiêm đưa tay chào. Đó là cử chỉ nhà binh cuối cùng của đời họ. Đại úy đứng im há hốc mồm nhìn theo bóng họ bước ra cửa. Đại úy bỗng đập mạnh hai tay vào nhau rồi vội vã chạy sang phòng bên cạnh gọi anh trung sĩ truyền tin.
Tân hồi hộp:
- Chi vậy? Báo cho quân cảnh hay lính gác chận họ lại?
- Không phải vậy. Đại úy móc tất cả tiền trong các túi quần, túi áo đưa cho trung sĩ bảo chạy ra tặng cho bốn người. Đại úy dặn trung sĩ làm cho kín đáo để đại úy khỏi mang tội tán trợ đào ngũ. Đại úy An rất nghèo, có vợ và hai con đang sống tại Phan thiết. Vợ đại úy làm công chức, lương ít ỏi. Tháng nào lãnh lương xong đại úy cũng gởi phần lớn về cho vợ con. Hôm đó, mới lãnh lương xong, đại úy móc ra đưa hết, khỏi gởi về nhà tháng đó. Tội nghiệp!
Trung úy ngưng nói khi thấy có người bước vào. Tân ngước lên nhìn. Mắt của cậu và của người mới vào gặp nhau, cả hai đều sửng sốt. Người đó quay sang trung úy Bá:
- Thưa trung úy, hết giờ nghỉ trưa rồi. Hàng rào bên dưới làm chưa xong. Bây giờ có tập họp anh em ra làm tiếp hay không?
- Thôi, cho anh em nghỉ buổi chiều như thường lệ, tối còn phải thức canh gác. Nhờ anh mời tất cả các trung đội trưởng vào đây.
- Vâng, thưa trung úy.
Nói xong, anh ta vội vã đi ra.
Tân nghĩ thầm: “Hình dáng, khuôn mặt thì giống lắm. Thêm giọng nói nữa thì gần như chắc chắn rồi, không thể nhầm được. À, bao nhiêu năm rồi nhỉ? Hơn sáu năm rồi”.
Trung úy Bá không để ý đến nét mặt của hai người, vẫn thản nhiên nói với Tân:
- Đó là thượng sĩ Lập, thường vụ đại đội. Anh Lập làm việc giỏi lắm. Mọi chuyện trong nội bộ đều nhờ anh ấy lo liệu và thu xếp, từ chuyện tiếp tế lương thực, đạn dược, vũ khí, chỗ ăn, chỗ ở của đại đội, vân vân, anh ấy làm hết một cách chu đáo.
Tân hỏi:
- Thượng sĩ ấy tên thực là Lập à?
Trung úy Bá ngạc nhiên:
- Vâng, thượng sĩ Nguyễn thành Lập. Sao chuẩn úy hỏi thế?
- Không có gì. Tôi thấy có người, tên trong giấy tờ khác với tên gọi thông thường nên buộc miệng hỏi đó thôi. Thượng sĩ Lập về đại đội mình lâu chưa? Quê của anh ấy ở đâu?
- Tôi không nhớ rõ quê ở tỉnh nào nhưng khi đi phép thì ghi về Sài gòn. Lập xuất thân từ trường hạ sĩ quan Đồng đế, về tiểu đoàn Hai làm tiểu đội trưởng, lên trung sĩ nhất làm trung đội phó, lên thượng sĩ thì về đây làm thường vụ được hơn một năm rồi.
Tân hỏi tiếp:
- Thượng sĩ có gia đình chưa?
- Chưa, vẫn còn độc thân. Hơn ba mươi tuổi rồi đó nhưng trên giấy tờ thì chưa đầy ba mươi.
Tân im lặng nghĩ thầm: “Tại sao độc thân? Có vợ rồi mà, có cả thằng con bị bệnh chết. Hay là sau vụ đó anh không tìm ra được người vợ của mình?”
Có nhiều người bước vào phòng cắt đứt ý nghĩ của Tân. Trung úy Bá giới thiệu:
- Đây là chuẩn úy Tân, chuẩn úy Bính bổ sung cho đại đội mình. Đây là chuẩn úy Tám, trung đội trưởng trung đội Một, thượng sĩ Bảo trung đội trưởng trung đội vũ khí nặng, trung sĩ nhất Hy trung đội Hai, trung sĩ nhất Mạnh trung đội Ba. Hai trung sĩ nhất đang xử lý thường vụ trung đội trưởng. Bây giờ có hai sĩ quan về làm trung đội trưởng thì hai trung sĩ trở về chức vụ trung đội phó của mình. Tôi đề cử chuẩn úy Tân về trung đội Hai, chuẩn úy Bính, trung đội Ba.
Hai sĩ quan mới bắt tay hai trung sĩ trung đội phó của mình. Trung sĩ Mạnh nói:
- Chúng tôi mong các chuẩn úy quá chừng. Chúng tôi mang lon trung sĩ khó chỉ huy lắm. Các tiểu đọi trưởng cũng là hạ sĩ quan như mình. Trong nhà binh, cấp bậc phải hơn nhau rõ rệt thì mới chỉ huy được.
Tân đỡ lời:
- Chúng tôi tuy là sĩ quan, nhưng mới ra trường, chưa có kinh nghiệm chiến đấu, các trung sĩ phải hết lòng giúp đỡ chúng tôi mới được.
Trung úy Bá cười:
- Không sao đâu, ra tới đơn vị tác chiến rồi thì dễ tìm kinh nghiệm lắm. Đụng vài trận, hai buồng phổi chứa đầy khói súng thì kinh nghiệm sẽ đeo lủng lẳng ngay trên chiến y. Thôi anh em nghe đây. Chiều nay đúng bốn giờ tập họp đại đội để bàn giao chức vụ trung đội trưởng.
Chuẩn úy Tám bây giờ mới lên tiếng:
- Bàn giao chức vụ ở hai trung đội Hai và Ba. Thế thì trung đội Một có phải tập họp không?
- Có, tập họp cả đại đội để tôi giới thiệu sĩ quan mới về với toàn thể anh em. Xong rồi thì các trung đội về phân công trực gác đêm nay. Sau đó, tất cả bốn anh em sĩ quan sang dự tiệc do tiểu đoàn đãi để mừng hai sĩ quan mới về. Thôi giải tán.
Đúng bốn giờ chiều, đại đội tập họp xong. Trung úy Bá dẫn hai chuẩn úy mới bước ra. Chuẩn úy Tám hô to:
- Đại đội chú ý… nghiêm! Báo cáo trung úy, đại đội tập họp xong. Quân số 104, không vắng mặt. Tại hàng 104. Hết.
Trung úy đưa tay chào hàng quân, giới thiệu hai sĩ quan mới cùng chức vụ trung đội trưởng. Anh đưa hai chuẩn úy về với hai trung đội và thế là xong, mọi người giải tán.
Đúng lúc đó, anh binh sĩ truyền tin chạy ra gọi:
- Thưa trung úy, tiểu đoàn bảo các sĩ quan chuẩn bị, xe sắp qua đón.
- Được rồi, chúng tôi đã sẵn sàng.
Không bao lâu sau, bốn sĩ quan của đại đội được xe Jeep chở sang bộ chỉ huy tiểu đoàn và cùng với các sĩ quan khác vào phòng ăn. Hôm nay chiếc bàn dài phủ khăn trắng trông rất lịch sự. Thức ăn dọn ra đầy bàn nhưng toàn là thịt gà. Khi mọi người đã vào chỗ ngồi, đại úy An đứng lên nói:
- Hôm nay tiểu đoàn bày ra một tiệc đơn sơ và dã chiến để chào mừng hai sĩ quan vừa về với tiểu đoàn. Đây là chuẩn úy Tân và chuẩn úy Bính.
Mọi người vỗ tay. Đại úy nói tiếp:
- Cả hai sĩ quan đều về đại đội Một, thể theo nguyện vọng của các đương sự.
Đại úy cũng giới thiệu với hai chuẩn úy mới, mười hai sĩ quan của tiểu đoàn, trong đó một đại úy cố vấn Mỹ. Đại úy nói tiếp một cách vui vẻ:
- Rất tiếc, tiệc chào mừng sĩ quan mới về mà không có champagne, whisky hay martel. Bia, rượu đế cũng chẳng có. Sư đoàn căn dặn đừng đưa rượu lên đây, sợ chúng ta uống say, ngủ quên, Việt cộng vào khiêng ra Bắc, bộ tư lệnh không đủ tiền ra Hà nội chuộc chúng ta về. Thôi anh em uống nước lạnh thay rượu cũng được. Thức ăn thì khá dồi dào, nhưng anh em đừng ngạc nhiên, chỉ có gà, gà và gà. Trống có, mái có; đen vàng nâu trắng, đủ cả, nhưng chung qui cũng chỉ là gà thôi. Có ai đó mách với sư đoàn rằng chúng ta là một lũ chồn tu luyện lâu năm thành người. Sư đoàn tin thiệt nên đã chỉ thị cung cấp cho chúng ta toàn là gà thôi.
Mọi người ôm bụng cười ngất. Bữa cơm diễn ra trong tiếng cười nói ồn ào vui vẻ.
Sau bữa cơm bốn sĩ quan đại đội Một trở về ngọn đồi của mình. Trung úy Bá nói với Tân và Bính:
- Ở đây ban ngày thì tương đối thong thả. Khi mặt trời vừa khuất sau núi, công việc phòng thủ mới thực sự bắt đầu. Hai anh ra đây, tôi chỉ hệ thống phòng thủ của mình.
Ba người ra đứng trên đỉnh đồi. Trời lặng gió, cây rừng bất động. Sương núi trắng xóa bắt đầu xuất hiện dưới thung lũng, chầm chậm bò lên sườn núi. Khí núi lành lạnh tỏa ra làm cho Tân khẽ rùng mình. Cảnh núi rừng hoang sơ và xinh đẹp lúc ban ngày, bây giờ bỗng trở nên thâm u trong cảnh hoàng hôn đầy vẻ huyền bí rợn người.
Trong sự vắng lặng, tiếng trung úy Bá nghe thực rõ ràng:
- Ba trung đội đóng ba mặt ở lưng chừng đồi. Kìa, mỗi dãy nhà là của một trung đội. Chốc nữa hai anh về với trung đội mình. Chắc chắn trung đội phó đã sắp đặt chỗ ngủ cho các anh rồi. Việc canh gác đêm nay thì vẫn do các anh ấy đảm nhiệm, tôi đã dặn họ rồi. Mỗi anh nên bắt trung đội phó trình bày cặn kẽ tình hình của trung đội mình. Sáng mai các anh tập họp trung đội để biết tên, biết mặt từng đội viên rồi đi xem xét tuyến phòng thủ bên dưới chân đồi. Nhớ phải đi chung với trung đội phó để khỏi dẫm phải mìn và hầm chông do mình gài và đào dưới đó.
Tân hỏi:
- Ba trung đội đóng ở ba mặt, còn mặt thứ tư?
- Đó là mặt đối diện với tiểu đoàn, không cần lo. Việt cộng không bao giờ dám tấn công lên mặt nầy vì làm như thế, họ sẽ đưa lưng mà hứng hỏa lực đại liên của tiểu đoàn từ đồi kia bắn vãi sang. Ở mặt nầy chỉ có một vọng gác của trung đội vũ khí nặng, bên dưới chân đồi không có mìn và hầm chông, vì đó là mặt dự phòng để toàn thể đại đội có thể rút lui xuống đồi khi có lệnh.
Bóng đêm đã bao phủ khắp nơi. Ở chốn núi rừng nầy, màn đêm đến thực nhanh. Hoàng hôn chưa đi hẳn thì mọi vật đã chìm trong bóng tối. Mọi vật chung quanh biến mất trong một vùng đen ngòm, phía trên có những đỉnh núi nhọn lởm chởm in bóng lờ mờ trên nền trời không ánh trăng nhưng đầy sao lấp lánh.
Trung úy Bá nói:
- Ở đây, đêm nào cũng như thế nầy, buồn và chán lắm, một mình thơ thẩn trên đỉnh đồi, mỏi chân thì vào giường nằm lắng tai nghe, cố phân biệt những tiếng động khác nhau của đêm rừng núi.
Bính cười bảo:
- Đêm thanh vắng thế nầy, ngủ thì ngon giấc lắm.
Trung úy đáp lại ngay:
- Đâu có dám ngủ. Đêm nào cũng cố thức. Mỗi đêm phải xách súng đi kiểm tra vài lần quanh các vọng gác để xem lính gác có ngủ gục hay không.
Bính nhìn các dãy nhà tối đen không chút ánh sáng hỏi:
- Ban đêm cấm đốt đèn?
- Được đốt nhưng phải đóng cửa thực kín không cho ánh sáng lọt ra ngoài. Đốm sáng ban đêm là điểm nhắm rất tốt để Việt cộng rót đạn cối hay hỏa tiễn vào.
- Nếu được đốt đèn thì mấy anh em sĩ quan mình đánh cờ tướng hay chơi domino để cho đêm bớt dài đi.
Trung úy Bá cười:
- Tôi muốn họp các anh em sĩ quan và hạ sĩ quan lại để bày trò vui chơi lắm chứ. Cờ và bài là những thứ tuyệt vời để giết thì giờ của đêm vắng đáng sợ. Tuy nhiên không làm như thế được. Ban đêm, thành phần chỉ huy không được tập trung vào một chỗ, rủi địch pháo trúng thì đại đội trở thành rắn mất đầu. Anh em mình chỉ có thể gặp nhau nói chuyện chốc lát rồi ai về vị trí nấy. Thôi, bây giờ hai anh đứng đây quan sát cho quen mắt với cảnh vật về đêm ở vị trí đóng quân của mình. Tôi phải vào liên lạc với tiểu đoàn. Mỗi đêm, tới đúng giờ phải mở máy liên lạc ba lần vào đầu hôm, giữa khuya và lúc bình minh.
Trung úy nói xong, bước vào dãy nhà kế cận. Tân và Bính tiếp tục đứng trong bóng tối. Bính hỏi bạn:
- Anh Tân, ngày đầu tiên về đơn vị tác chiến, anh có cảm tưởng thế nào?
- Ấn tượng đầu tiên thực đẹp, do cảnh vật hùng vĩ của miền Trung và cử chỉ thân mật của những đồng đội của mình.
- Em cũng vậy. Em rất cảm động, nhất là khi dự bữa ăn chiều mà tiểu đoàn tổ chức để mừng anh em mình. Lúc ở quân trường, cứ thấy sĩ quan là mình sợ sệt, vội vã tự quan sát, xem mình còn gì sơ sót để có thể bị bắt lỗi hay bị phạt hay không. Vì vậy giữa anh em mình với sĩ quan trong quân trường có một khoảng cách rõ rệt. Còn ở đây tình bằng hữu giữa các đồng đội ở tiền đồn heo hút nầy thực là cảm động. Giờ nầy, em còn nghe văng vẳng bên tai những lời nói đùa dễ thương của đại úy An khi mọi người bắt đầu cầm đũa. Lúc đó em nhìn gương mặt rạng rỡ và phúc hậu của đại úy rồi liên tưởng tới cảnh ông gục đầu xuống khóc khi nghe tin Y Dao tử trận như lời kể của trung úy Bá. Đại úy tiểu đoàn trưởng của mình là con người phúc hậu. Anh có đồng ý không?
- Chiều nay, anh thấy tất cả sĩ quan trong tiểu đoàn đều là những người phúc hậu.
Bính cười:
- Thế mà lúc trước, bắt đài phát thanh Hà nội hay đài Giải phóng, họ cứ gọi sĩ quan Việt Nam Cộng hòa là những tên khát máu. Thực là một luận điệu láo khoét. Cái từ thô bỉ đó phải để dùng cho bên kia thì có lẽ đúng hơn.
Tân cãi lại:
- Không phải vậy đâu. Bên kia chiến tuyến cũng là những con người nhân ái như chúng ta vậy thôi. Anh đoan chắc như vậy vì anh đã có thời sống và làm việc chung với họ. Em hãy tin lời anh nói đi.
- Vâng, em tin anh. Thực là xót xa khi cuộc chiến tranh trên đất nước miền Nam nầy đã đẩy những con người hiền lành ra tay tàn sát lẫn nhau, dù họ chẳng có mảy may lý do nào để thù ghét nhau.
- Đúng vậy, những người lính Bắc Việt có thù ghét chúng ta chút nào đâu, nhưng họ bị đưa vào đây và sẵn sàng tàn sát chúng ta.
Giọng Bính hằn học:
- Những người lính Bắc Việt đó quá yếu đuối không thể cưỡng lại ý muốn của một số người đầy tham vọng điên cuồng, gây ra thảm cảnh đổ máu trên toàn miền Nam. Càng đáng giận hơn nữa là số người đó đã phủ kín cái tham vọng điên cuồng của họ bằng những từ tốt đẹp làm cho rất nhiều người khác nhận lầm, nhất là những người không tận mắt chứng kiến thảm cảnh chiến tranh. Em hi vọng mai sau, lịch sử sẽ bóc trần cái tham vọng điên cuồng đó. Lịch sử sẽ phán xét tội lỗi của họ một cách thẳng thắn và công bình để đỡ tủi cho vong linh những nạn nhân của cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn nầy.
Tân thở dài, tiếng thở dài nghe rõ trong đêm thanh vắng:
- Nếu họ thua thì nhất định lịch sử sẽ phán xét họ. Nếu họ thắng, anh e rằng cái hi vọng đó của em khó lòng thực hiện được. Lúc đó, họ sẽ bỏ công ra tô điểm cho chiến thắng của họ và đó chính là những trang sử để lại cho đời sau.
- Anh không tin rằng nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng có những sử gia chân chính à?
- Anh tin chứ. Nhưng tiếng nói của những sử gia chân chính thì có bao nhiêu trọng lượng? Chính anh là giáo sư sử địa, nên anh biết rất rõ. Lịch sử luôn luôn có ý đề cao chiến công của kẻ chiến thắng. Viết sử như thế thì mới làm cho người đọc hào hứng. Em nhớ rằng lịch sử vẫn là một bộ môn văn chương, người viết cũng cần phải có độc giả chứ.
Thấy Bính đứng yên, lắng nghe, Tân nói tiếp:
- Người cộng sản rất chú ý đến lịch sử. Họ đã dùng lịch sử để dẫn chứng cho lý thuyết của họ. Với cuộc chiến nầy thì chắc chắn, người cộng sản Việt Nam cũng sẽ vo tròn bóp méo lịch sử để biện minh cho hành động gây chiến của họ. Họ sẽ che giấu sự thực và nói ra những điều mà họ muốn người khác nghe theo. Có những điều dối trá rõ rệt nhưng với một thái độ trông rất thành khẩn, họ nhắc đi, nhắc lại trăm, ngàn, vạn lần, tới cái độ người ta nghe quen tai và chấp nhận như một lẽ đương nhiên không cần bàn cãi nữa. Đó, nếu họ thắng thì lịch sử sau nầy để lại cho đời con, đời cháu chúng ta như thế.
- Có lẽ anh được đào tạo để dạy lịch sử nên anh chú ý nhiều đến vấn đề đó. Bao nhiêu người khác, khi bàn đến cuộc chiến nầy, chỉ chú ý đển nỗi khổ, sự phá hoại và chết chóc chứ chẳng mấy ai quan tâm đến khía cạnh lịch sử. Hình như lịch sử không có vai trò gì đối với đời sống.
- Không phải vậy đâu. Con người khác con vật là có đầy đủ quá khứ, hiện tại và tương lai. Lịch sử, tức là quá khứ là một phần ba ý nghĩa của cuộc sống của con người. Lịch sử mà sai lạc thì một phần ba cuộc sống đó cũng vứt đi.
Bính suy nghĩ một chút rồi đáp:
- Anh nói đúng. Nói chuyện với anh, em thu nhận thêm được nhiều điều bổ ích cho hệ tư tưởng của mình. Có anh về đây với em thực là may. Nếu hôm nọ, anh đưa hai lá thư giới thiệu ra và được giữ lại ở bộ tư lệnh sư đoàn thì em về đây một mình, buồn làm sao chịu nổi. À, hai lá thư anh để đâu rồi?
- Anh xé bỏ ngay sau lúc gặp đại tá tham mưu trưởng.
- Sao anh không để dành lại mà phòng thân?
- Anh không muốn giữ thứ đó lại trong túi mình, sợ có khi tinh thần sa sút thì anh sẽ bị nó cám dỗ. Anh muốn như em, như những người mà chúng ta cùng ngồi ăn chung chiều nay. Anh muốn thực sự dấn thân vào cuộc đời, vào cuộc chiến nầy cho đến khi số phận hất anh ra khỏi cuộc chiến, hay khỏi luôn cuộc đời nầy.
- Em cũng có ý nghĩ như anh vậy.
Hai anh em chia tay. Tân bước xuống con dốc thoai thoải đến dãy nhà của trung đội Hai. Cậu đẩy cửa bước vào. Trên giường có bóng người nhỏm dậy, lên tiếng:
- Chuẩn úy khép cửa lại để tôi đốt đèn lên.
Nghe tiếng nói, Tân nhận ra là trung sĩ Hy, trung đội phó của mình. Tân quay lui khép cửa. Hy bật quẹt, châm vào chiếc đèn dầu nhỏ trên bàn. Trong ánh sáng lờ mờ, cậu thấy một dãy sạp thô sơ, làm bằng cây rừng và tre chạy dài suốt dãy nhà. Rải rác có vài người đang nằm ngủ trong mùng. Tân lên tiếng:
- Anh Hy chưa ngủ à?
- Dạ, chưa đâu chuẩn úy. Vô nằm trong mùng cho đỡ muỗi. Ở đây có rất nhiều muỗi đòn xóc truyền bệnh sốt rét. Chưa ngủ cũng phải chui vô mùng. Riết rồi thành thói quen, ban đêm tôi ít ngủ lắm. Cứ mỗi hai hay ba giờ lại phải đi tuần tra một lần. Nếu không đi tuần, rủi lính gác ngủ quên, Việt cộng vác mã tấu lên tới trên nầy mà chém thì còn chi là đời. Mã tấu của Việt cộng gớm lắm. Có một lần lính của tôi lôi cổ một tên trốn dưới hầm bí mật, tịch thu một cây mã tấu dài gần một mét, bén ngót, cầm vừa tay lắm. Tưởng tượng, nếu bị chặt thì cơ thể mình thành hai khúc rời nhau ngay lập tức.
Hy chậc lưỡi và nói tiếp:
- Ra trận giết quân thù bằng cách bóp cò súng đã thấy ghê tay rồi. Đưa mã tấu lên mà chém vào người khác không có thù oán gì với mình thì tính tình phải dã man lắm mới làm được. Tôi không làm được như thế đâu chuẩn úy ạ. Kể ra cộng sản cũng hay. Họ tuyên truyền để biến con người trở thành dã man thì cũng tài thực.
Hy ngừng nói, móc trong túi ra một bao thuốc điếu:
- Mời chuẩn úy.
- Cám ơn, tôi vừa mới quyết định bỏ thuốc kể từ hôm nay.
- Vậy à, tôi cũng muốn bỏ nhưng không bỏ được. Ở đây khí núi lạnh lẽo, hít một hơi thuốc thấy ấm hẳn. Cả trung đội, cả đại đội, ai cũng hút thuốc. Tiếp tế mà quên đem thuốc lên là anh em đòi nổi loạn liền.
Hy rút một điếu thuốc châm vào đèn rít một hơi dài rồi ngửa mặt nhả ra một ngụm khói trắng. Anh vói tay lấy một cái ống làm bằng giấy cứng úp vào đèn. Ánh sáng bị chận lại trong ống chỉ còn một vòng sáng nho nhỏ in dưới mái tranh. Hy nói:
- Tới giờ đi tuần lần thứ nhất rồi. Mời chuẩn úy cùng đi với tôi. Đêm nay mình thức cả đêm đi chung để biết thể thức tuần tra và vị trí canh gác của trung đội và đại đội. Từ ngày mai, tôi và chuẩn úy chia nhau mỗi người phân nửa đêm thì có thể ngủ được vài giờ trong một đêm.
- Khi đi tuần thì có phải đi khắp ngọn đồi không?
- Chính yếu là đến các điểm gác của trung đội mình và thỉnh thoảng qua các trung đội khác. Trung úy đại đội trưởng đã dặn như thế để đề phòng trung đội trưởng nào đó ngủ quên không đi tuần.
- Đi tuần là làm công việc gì?
- Đến mỗi vọng gác xem lính có thức không? Kiểm tra lính có đội mũ sắt và có gắn lưỡi lê vào súng hay không? Nếu có trăng thì nhìn thấy được, nhưng vào đêm không trăng và trời đầy mây thì phải dùng tay sờ vào đầu lính gác và đầu súng của nó. Ngồi với nó một chút để hỗ trợ tinh thần, sau đó đi sang vọng gác khác. Trên đường đi giữa hai vọng gác phải nhìn kỹ. Nếu thấy có gì nghi ngờ thì dùng đèn pin rọi vào, vừa để quan sát, vừa để lưu ý hai vọng gác hai bên. À, chuẩn úy biết mật khẩu đêm nay chưa?
- Chưa.
- Thế là trung úy quên nói với chuẩn úy rồi. Mật khẩu đêm nay là: cộng lại thành chín.
- Nếu lính gác nói năm thì mình trả lời bốn, có phải không?
- Không, ở đây trung úy Bá bày ra hơi khác một tí. Lính gác hỏi: “Phải anh Ba đó không?”, thì mình phải trả lời “Không, tôi là Sáu đây.”
- Tại sao phải nói cho rắc rối thế.
- Đề phòng địch núp dưới kia có thể nghe được và biết mật khẩu của mình thì nguy vì đây là mật khẩu của cả tiểu đoàn. Nói anh Ba, anh Tư vân vân, chúng nó có nghe được cũng sẽ không ngờ đó là mật khẩu.
Trung sĩ Hy bỗng phì cười:
- Nói về mật khẩu, hôm nọ có một chuyện thực buồn cười. Đêm đó mật khẩu là sáu. Tôi vừa đi tới một vọng gác đi thằng Kiệt hô: ”Anh Sáu phải không?” Tôi cứ đứng ngẩn người ra không biết trả lời thế nào. Không lẽ bảo rằng tôi là anh zéro đây. Thế là phải nói tên thiệt của mình ra để có thể đến gần nó. Thôi bây giờ mình đi.
Hy bước xuống đất, lấy cây súng carbin dựng ở đầu giường mang vào vai. Anh hỏi:
- Chuẩn úy chưa lãnh súng à?
- Chưa.
- Kho súng bên tiểu đoàn. Chắc nội sáng mai trung úy đưa chuẩn úy sang lãnh và ký nhận. Chuẩn úy nên lãnh carbin, đừng lãnh colt. Mang colt trông oai thực nhưng nguy hiểm. Tụi Việt cộng chuyên bắn tỉa cứ nhắm mấy ông mang colt vì chúng biết đó chính là sĩ quan. Đi hành quân thì chẳng ai mang lon. Việt cộng nhận ra sĩ quan do cây súng colt đeo lủng lẳng bên hông.
Hy mở cửa đi ra, Tân đi sau người trung đội phó của mình vài bước. Có tiếng hô khe khẽ và rắn rỏi:
- Ai đó, anh Bảy phải không?
- Không, anh Hai của mày đây.
Tân nghe và mỉm cười trong bóng tối. Hai người tiến tới vọng gác đầu tiên. Dưới ánh sáng lờ mờ của bầu trời đầy sao, Tân nhận ra một chòi lá nhỏ và thấp. Trong chòi là một hố cá nhân, miệng đen ngòm, chung quanh có bờ khá cao. Người lính gác ngồi bệt trên bờ đất đó. Anh ta hỏi nhỏ:
- Trung sĩ đi với ai đó?
- Chuẩn úy Tân, trung đội trưởng của mình đó mà.
Người lính gác mừng rỡ:
- Chuẩn úy, em là binh nhì Tá đây. Khi chiều trong hàng, thấy chuẩn úy em thích lắm, định tan hàng tìm chuẩn úy nói chuyện chơi, không dè mấy sĩ quan đi ngay qua tiểu đoàn để dự tiệc.
Tân cảm động đến ngồi trên bờ đất, vỗ vai người lính gác:
- Chào anh Tá.
- Không, chuẩn úy đừng gọi em bằng anh. Gọi là mày và xưng là tao thì thích hơn. Tụi em đứa nào cũng coi trung đội trưởng như anh cả của mình vậy. Chuẩn úy có vợ con chưa?
- Chưa, còn chú mày thì sao?
- Cũng chưa. Em có con bồ. Nó bỏ theo thằng khác cùng xóm với em. Em buồn quá. Mỗi ngày, thấy hai đứa dẫn nhau đi ngang qua nhà trông ngứa mắt lắm nên em đăng đi lính được hơn một năm rồi.
Nó nói xong cười hí hí. Trung sĩ Hy bảo:
- Thôi đi, chuẩn úy ngồi với thằng nầy năm ngày năm đêm nghe nó nói cũng không hết chuyện.
Tân vỗ vai thằng Tá:
- Gác cẩn thận nghe.
- Yên chí đi chuẩn úy. Thằng Việt cộng cũng như con thú rừng; nó đánh hơi biết em ngồi đây thì không dám tới gần đâu.
Tân đứng dậy nhìn ra khoảng tối đen trước mặt, trong lòng bỗng dậy lên một niềm cảm khái mênh mang. Cậu cùng trung sĩ Hy đi khắp các vọng gác rồi trở về phòng nằm thao thức chờ phiên tuần tra kế tiếp. Quá nửa đêm, cậu ngủ thiếp đi. Trung sĩ Hy cứ để yên không gọi dậy. Anh ta tiếp tục tuần tra một mình đến sáng.

Sau bữa điểm tâm, Tân và Bính cùng nhau đi bộ sang tiểu đoàn nhận súng đạn và về. Gian nhà trống trơn, trung sĩ Hy đã dẫn cả trung đội xuống chân đồi để tiếp tục làm hàng rào phòng thủ. Tân ngồi xuống giường, lấy súng ra, mân mê từ đầu nòng đến cuối báng. Khi bàn tay lướt qua bộ máy cò, cậu nhớ lại, khi sắp bước chân vào quân ngũ, đã hứa lúc ra chiến trường, không bao giờ chạm tay vào cò súng. Cậu thì thầm nhắc lại lời tự hứa rồi đặt súng lên giường kéo chiếu đậy lại. Cậu định đứng lên đi xuống đồi thì có người bước vào cửa. Anh ta lên tiếng:
- Chào chuẩn úy.
Tân hơi sững lại vài giây rồi đáp lời:
- Chào…, chào thượng sĩ Lập.
Lập bước vào giữa phòng:
- Chuẩn úy mới đi lãnh súng về?
- Vâng, tôi mới qua tiểu đoàn lãnh về.
- Bây giờ chuẩn úy sửa soạn đi đâu vậy?
- Tôi định xuống coi anh em làm tuyến phòng thủ dưới chân đồi.
- Có trung sĩ Hy dưới đó được rồi. Hy khá lắm, rất rành việc, chuẩn úy đừng lo. Chuẩn úy cứ ở lại đây, tôi muốn nói chuyện với chuẩn úy một chốc.
Tân gật đầu:
- Vâng, tôi cũng muốn thế.
Thượng sĩ Lập nhìn thẳng vào mắt Tân vài giây rồi xuống giọng hỏi nhỏ:
- Chuẩn úy nhận ra tôi rồi phải không?
Tân gật đầu:
- Lúc mới gặp, tôi hơi ngờ ngợ vì hơn sáu năm rồi. Có vài thay đổi trên khuôn mặt của anh. Nhưng khi nghe giọng nói thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa, anh Quý ạ.
Giọng Lập trầm xuống, buồn buồn:
- Phải rồi, suốt gần hai năm trời trong khám, nằm kề bên nhau, mỗi đêm rì rầm nói chuyện, thì dù nhắm mắt lại cũng nhận ra nhau. Cậu bé học sinh đi tù ngày xưa bây giờ là một sĩ quan của quân đội Cộng hòa rồi.
- Tại sao anh đổi tên là Lập?
- Chuẩn úy không đoán được lý do hay sao? Tôi là thằng tù vượt ngục, phải đổi tên, đổi họ thì mới trốn được sự truy lùng của công an mật vụ.
- Bây giờ, anh có thể kể cho tôi nghe chuyện cũ của anh được không? Sau khi anh đi rồi, tôi vẫn nghĩ đến anh và lo lắng không biết từ ngày đó cuộc đời anh ra sao.
Lập gật đầu:
- Cám ơn chuẩn úy. Tôi biết dạo đó chuẩn úy có rất nhiều cảm tình đối với tôi; bây giờ cảm tình đó chắc vẫn còn, vì vậy tôi đâu có cần dấu chuyện cũ của tôi đối với chuẩn úy. Chuẩn úy còn nhớ cái đêm tôi vượt ngục ở khám Tân hiệp Biên hòa hay không?
- Còn nhớ. Đêm đó trời mưa to, anh cạy miếng ván của vách ở đầu nằm, tôi ngủ say quá không biết.
Lập cười:
- Không phải cạy trong đêm đó đâu. Tôi đã lén cạy trước đó nhiều ngày, vào những lúc anh em đi lao động, rồi đậy hờ lại, không ai để ý cả. Vào nửa đêm hôm đó, tôi chỉ lật tấm ván lên là ra khỏi phòng giam rồi nhẹ nhàng khép tấm ván lại.
- Sau đó anh chui vào cái giếng tưới rau, đào ngách thông qua hàng rào kẽm gai để ra ngoài. Trong vài giờ từ nửa đêm về sáng, tại sao anh có thể đào xong cái ngách đó rồi moi lên mặt đất được?
- Tôi đã đào mấy ngày liền trước đó.
Tân ngạc nhiên:
- Nhưng tại sao chẳng ai phát hiện ra? Lúc đó tôi cùng anh tưới rau khu đó, tại sao tôi không biết gì cả?
- Chuẩn úy có nhớ lúc đó cái dây gàu của tôi bị đứt, chuẩn úy bảo tôi nối lại nhưng tôi không nối?
- Không, lâu quá rồi, tôi không nhớ chi tiết đó.
- Tôi cố tình chặt đứt dây gàu để có cớ leo xuống múc nước tận bên dưới, tốn nhiều công hơn đứng trên miệng giếng dùng dây kéo nước lên. Cũng may, giếng sâu không quá ba mét. Cứ mỗi lần múc nước là tôi đào một chút vào ngách thông rồi múc cả đất và nước lên tưới.
- Phải, tôi nhớ rồi. Sau khi anh vượt ngục xong rồi thì cả vạt rau đó cằn cỗi vì bị đất sét bó quanh gốc cây rau và phủ đầy mặt đất. Anh em phải nhổ bỏ tất cả, cuốc lên, bón phân trồng lại.
Lập cười:
- Tôi đã làm khổ anh em. Tôi moi như thế một cách đều đặn cho đến khi nhắm chừng cái ngách đã xuyên qua các lớp kẽm gai bên trên thì tôi quyết định ra đi. Cũng may cho tôi, đêm đó mưa, trời tối lắm, tôi lần ra hàng rào. Ngang qua chỗ trống tôi phải bò, cuối cùng rồi cũng tới nơi. Tôi nhảy ngay xuống giếng, trườn qua cái ngách và bắt đầu moi lên với cái xẻng cụt cán để sẵn ở đáy. Tôi vừa moi vừa dùng chân đạp đất vụn ra giếng. Độ gần hai giờ đồng hồ, tôi thông lên được trên mặt đất. Tôi ló đầu lên, gió khuya mát lạnh làm tôi khỏe ra và phấn chấn vô cùng. Tôi hít mạnh vào một hơi dài cho lồng ngực căng đầy bầu không khí tự do. Chỗ đó có cỏ cao, nhìn lên chỉ thấy một khoảng trời nho nhỏ, lấp lánh sao. Trận mưa đêm vừa chấm dứt, tôi vừa mừng, vừa lo.
- Tại sao?
- Mừng là trời tạnh ráo thì đi dễ dàng và nhanh chóng hơn. Tôi ước lượng lúc đó khoảng hai giờ khuya, tôi còn chưa đầy bốn giờ để đi khỏi nơi đó, thoát sự truy đuổi trước khi trời sáng. Mừng là như thế, còn lo là, trời quang mây tạnh, lính trên hai vọng gác có thể nhìn thấy khi tôi nhỏm dậy để buớc tới. Tôi nhón cổ lên nhìn. Phía trước tối đen. Cuối khoảng đất trống độ non ba trăm mét là làng xóm đang ngủ say. Tôi nhìn lại phía sau. Xuyên qua những ngọn cỏ lưa thưa và mấy lớp kẽm gai, ánh đèn soi sáng các dãy trại tù, nơi tôi đã bị giam cầm suốt hai mươi tháng. Tôi hình dung, anh em đang nằm sắp lớp trên hai bục xi măng. Tôi hình dung chuẩn úy – à, chưa phải là chuẩn úy mà là cậu Tân non trẻ và dễ thương – nằm co quắp như con tôm, mắt nhắm nghiền, khuôn mặt chưa sạch nét thơ ngây mà đã làm thân một người tù chính trị. Tôi cảm thấy lòng bùi ngùi khi nghĩ rằng kể từ hôm nay tôi không còn chung sống với cậu bé ấy và tất cả anh em, không cùng sắp hàng xuống nhà cơm và về đêm không còn nghe tiếng mớ của vài người trong không gian thanh vắng. Tôi đưa tay vẫy chào và quay lại, bắt đầu vạch cỏ để trườn về phía trước.
Tân ngắt lời:
- Tôi nghe nói chung quanh hàng rào kẽm gai, người ta có gài mìn, anh có sợ không?
- Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến các họng súng từ hai trạm gác mà thôi. Tôi muốn nhanh chóng thoát khỏi tầm bắn của lính gác, nhưng không dám tiến nhanh sợ bị lộ. Tôi bò được một đoạn thì đứng dậy, lom khom bước tới. Cuối cùng, tôi cũng đến được nương rẫy của dân. Tôi dừng chân, đứng thẳng dậy, quay lại nhìn, thấy đã đi được một khoảng khá xa. Những bóng đèn của trại chỉ còn là những đốm sáng nho nhỏ, còn những dãy nhà nhốt tù thì gần như chìm hẳn trong bóng tối. Sau đó tôi rảo bước không ngừng vì đường đi khá dễ dàng. Chẳng bao lâu, tôi lọt vào một vườn cao su um tùm. Tôi cắm cúi bước về phía trước, không cần biết mình tới đâu, miễn là càng xa nhà tù càng tốt. Tôi ra khỏi vườn cao su, băng qua nhiều nương rẫy, nhiều con đường làng; tôi cố tránh những xóm nhà để khỏi bị đàn chó quỉ quái rượt theo sủa inh ỏi. Khi đến được một cái chòi để trống giữa những đám bắp, khoai sắn tươi tốt, tôi cảm thấy mệt rã rời. Tôi chui vào nằm ngửa trên nền đất, nghe văng vẳng có tiếng gà gáy. Tôi nhắm đôi mắt nặng trĩu và lập tức ngủ say, chỉ giật mình thức giấc thì trời đã sáng tỏ. Tôi ngồi dậy, nhìn xuống, bật cười thấy quần áo mình dính đầy bùn đất. Bên ngoài nương rẫy xanh tươi, mặt đất sạch không còn cỏ dại nên hi vọng hôm nay, người ta không ra đây làm việc. Tôi đến cái giếng bên cạnh chòi, nhìn quanh một lần nữa và cởi áo quần ra tắm giặt sạch sẽ, rồi mặc chiếc quần ngắn và phơi quần áo ướt lên cái sào gác ngang. Số tiền mang theo gói trong bao nhựa, còn nguyên vẹn trong túi áo.
- Anh ở trong chòi đó mấy ngày?
- Từ sáng đến trưa. Tôi nghĩ rằng, khi biết được tôi vượt ngục, người ta sẽ đổ xô đi tìm chỉ nội trong buổi sáng mà thôi, nên tôi ngồi trong chòi không dám ló ra. Khoảng ba giờ xế chiều, tôi mặc lại áo quần đã khô ráo sạch sẽ và thản nhiên đi vào làng. Tôi lên chiếc xe ngựa chở khách và về thành phố Biên hòa. Từ đó tôi đi xe đò và đến Sài gòn khi trời vừa tối. Đêm đó tôi ngủ tại nhà chị tôi ở khu Bàn cờ và ngay sáng hôm sau về Trà vinh tìm vợ tôi.
- Anh vượt ngục, không có giấy tờ gì thì sao dám đi?
- Có chứ. Điều may mắn là khi bị bắt, tôi không mang theo giấy căn cước. Vợ tôi kịp dấu trước khi lính đến xét nhà.
- Nhưng anh chưa trở lại nhà cũ thì làm sao có giấy căn cước?
- Chuẩn úy có nhớ thằng nhỏ con tôi bị sốt xuất huyết chết không?
- Có, và anh đau đớn quá nên nặng lời với chị.
- Phải rồi, lúc đó tôi bậy lắm. Tình cha con, sao bằng tình mẹ con. Hơn nữa, gần hai năm tôi ở tù, hai mẹ con sống với nhau. Vợ tôi vẫn đi bán, chịu trăm cay ngàn đắng để nuôi con. Đối với vợ tôi, thằng Tí còn hơn tất cả vàng ngọc trên thế gian nầy. Thế mà tôi không an ủi cô ta lại nặng lời mắng nhiếc. Từ nhà thăm nuôi của khám Tân hiệp, cô ấy trở về trả nhà trọ, mang tất cả đồ đạc đến gởi cho chị tôi. Lúc tôi trốn về, chị tôi lấy ra trao lại cho tôi. Tôi lục thấy áo quần, giày dép của tôi, một số áo quần của thằng Tí, giấy căn cước của tôi và xấp ảnh của vợ chồng và con tôi. Tôi cầm áo quần của thằng Tí, úp vào mặt và lặng lẽ khóc một hồi lâu. Sáng hôm sau, tôi mang theo căn cước của tôi và xấp hình của thằng bé, lên xe đò về Trà vinh để tìm vợ.
- Nhà chị có ở tại thị xã không?
- Không, còn đi vô sâu, gần tới bờ biển. Thời đánh Pháp, vùng đó là chiến khu. Sau hiệp định Genève, chính quyền quốc gia thành lập trở lại. Lúc tôi về thì chỗ đó lộn xộn lắm rồi và trở thành vùng xôi đậu, ban ngày là của quốc gia nhưng tắt mặt trời, chính quyền và dân vệ rút vô trụ sở và vô đồn thì vùng đó thuộc về Việt cộng.
- Anh có dám vô tới trong đó để gặp vợ anh không?
- Có chứ, tôi vào tới nơi. Vợ tôi có ở nhà. Thấy tôi vào, cô ấy ngạc nhiên, đứng yên như trời trồng và nhìn tôi sửng sốt, nước mắt quanh tròng.
- Chị còn giận anh không?
- Vẫn còn. Cô ta vẫn chưa nguôi ngoai về cái chết của thằng Tí. Tôi bảo cô ta chuẩn bị theo tôi về Sài gòn. Cô ấy lắc đầu bảo về đó, nhớ thằng Tí, cô lại muốn tự tử để gặp nó lại dưới suốt vàng. Về phần tôi, tôi cũng tự thấy khó có thể về sống tại thủ đô. Tôi quen biết nhiều người ở đó. Tôi là tù vượt ngục, về chốn cũ là có thể bị bắt không sớm thì muộn. Cô ta hỏi tôi có chịu ở lại dưới đó sống và làm ruộng được không? Tôi bảo để suy nghĩ lại. Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố. Tôi quen với công việc của người thợ, chứ đâu có biết gì về nghề nông và chưa hề sống ở vùng đồng quê hẻo lánh. Hơn nữa, ở đây bắt đầu mất an ninh rồi. Ban đêm, không khí rờn rợn, nhà nào cũng tắt đèn, tắt lửa tối thui, cần thiết lắm cũng chỉ đốt một ngọn đèn nho nhỏ leo lét mà thôi. Tôi nhớ ánh đèn điện của Sài gòn và cảm thấy chán nản khi nghĩ rằng phải sống quanh năm ở nơi nầy. Tuy nhiên, tôi thương vợ tôi quá và sau hai ngày suy nghĩ, tôi hơi nghiêng về giải pháp chấp thuận ở lại để nối tiếp tình nghĩa vợ chồng. Bỗng nhiên, có một việc xảy ra làm cho tôi bỏ ý định nầy.
- Chuyện gì vậy? Chuyện vượt ngục bị bại lộ?
Lập gật đầu:
- Đúng, nhưng không phải bại lộ với chính quyền xã ấp của quốc gia đâu. Tôi kể chuyện vượt ngục cho vợ tôi nghe, vợ tôi kể lại với mẹ cô ta, thế là nhiều người khác biết. Độ một tuần lễ sau khi tôi đến, một người đàn ông vào nhà. Ông ta tự giới thiệu là người của cách mạng, hết lời ca tụng chuyện vượt ngục của tôi và đề nghị tôi ở lại đây để làm du kích thoát ly, nghĩa là rời khỏi gia đình, sống lang thang nhà nầy qua nhà khác, ngủ bờ, ngủ bụi. Nghe nói tôi hoảng quá. Chuẩn úy có nhớ lý do tôi bị bắt lúc trước không?
- Có, anh bị dụ dỗ vào tổ chức bí mật của Việt cộng nhưng chưa hẳn là người của cách mạng.
- Đúng vậy, trí nhớ của chuẩn úy khá lắm. Thực ra tôi chưa chính thức vào tổ chức và chưa hoạt động ngày nào. Thế mà tụi nó bị bắt và khai cho tôi. Đau đớn cho tôi thực. Trước đây, tôi cũng có chút cảm tình với cộng sản, nhưng từ cái vụ đó, tôi chẳng còn chút thiện cảm nào nữa. Chính cái thằng Việt cộng khai cho tôi đã làm tan nát đời tôi, tan nát gia đình chúng tôi. Nếu tôi không bị bắt thì con tôi không chết. Một mình vợ tôi vừa lo cho sự sống của hai mẹ con, lo bới xách tiếp tế cho tôi hàng tuần thì còn sức đâu mà săn sóc cho con khi nó bệnh. Do đó, khi nghe cái ông đó bảo tôi ở lại làm du kích thì tôi muốn phát sốt rét lên luôn. Lúc đó đã hơi khuya. Tôi nhìn ra ngoài trời tối đen, có hai con đom đóm như hai oan hồn bay vật vờ, vờn nhau từ ngọn cây nầy sang ngọn cây khác. Ừ, nếu tôi từ chối đi du kích thì đời sống của tôi sẽ trở nên bất ổn, vật vờ như hai con đom đóm ngoài kia.
- Rồi anh từ chối?
- Không, tôi không dám từ chối thẳng thừng mà chỉ dám xin ông Việt cộng cho tôi suy nghĩ vài hôm. Gần như ra lệnh, ông ấy bảo rằng cho tôi suy nghĩ một ngày thôi. Tối mai ông ta sẽ trở lại. Nói xong, ông ta bước ra cửa.
- Hôm sau, ông ta trở lại?
- Đúng vậy. Thấy tôi vẫn chưa trả lời, ông ta nói thẳng rằng tôi muốn ở lại đây thì phải vào du kích. Nếu không thì thế nào cũng có người tố cáo tôi vượt ngục và bị bắt trở lại. Ông ta gằn giọng ở câu sau cùng, trong đôi mắt thoáng có hung quang xuất hiện. Tôi hiểu rằng nếu tôi tiếp tục ở đây mà không vào du kích thoát ly thì chính ông ta sẽ mượn tay nhà cầm quyền quốc gia trừng trị tôi. Tôi ngồi im chưa biết trả lời thế nào thì đúng lúc vợ tôi bưng nước ra mời, tôi thấy cái cách lão nhìn cô ấy thì tôi hiểu tất cả.
- Anh có để ý thái độ của vợ anh, à… của chị ấy đối với lão Việt cộng đó thế nào không?
- Khó nói lắm nhưng rõ ràng không có ác cảm đối với lão.
- Thế thì anh ở lại làm sao được. Nếu anh chịu vào du kích thì trước sau gì, lão cũng tìm cách giết anh hay đẩy đi nơi khác để đoạt vợ anh.
- Đúng vậy. Tôi suy nghĩ suốt đêm và thấy mình đang ở trong tình trạng hết sức nguy hiểm, dù có vào du kích hay không. Lão ta có thể giết tôi một cách dễ dàng. Ngay sáng hôm sau, tôi nói lời từ giã với vợ tôi và bà mẹ. Vợ tôi đứng im khóc không nói một lời nào.
- Còn bà mẹ?
- Bà mẹ cũng không cản trở. Tôi biết bà là người hiền lành phúc hậu và có lòng thương tôi. Thế mà khi tôi xin từ biệt, bà không hề có ý lưu tôi lại. Bao nhiêu đó đủ cho tôi thấy mình cần phải đi khỏi nơi đó càng sớm càng tốt. Thế là tôi lên đường, lòng đau như cắt.
- Đau lắm chứ. Tôi biết anh chịu nguy hiểm đến tính mạng, vượt ngục là cốt để tìm lại vợ mình.
- Cám ơn chuẩn úy, hiểu cho tôi như thế cũng là niềm an ủi cho tôi.
- Anh về lại Sài gòn?
- Vâng, tôi về nhà chị tôi ở Bàn cờ, nói cho chị tôi rõ mọi chuyện. Chị tôi về ngay quê chồng ở Nha trang thu xếp cho tôi đến đó sống với cha mẹ chồng của chị ấy. Tôi ở đó, đi làm thợ hồ, sống những ngày thực hồi hộp, nơm nớp lo sợ gặp người quen nào đó biết mình là tù vượt ngục. Dần dần, tôi nhận ra rằng chỉ có một chỗ giúp mình an toàn chấm dứt chuỗi ngày lo lắng.
- Ở đâu? Vào chiến khu?
Lập cười:
- Nếu là chiến khu thì tôi đã ở lại Trà vinh rồi. Chỗ an toàn mà tôi nói đó chính là quân đội. Để chắc ăn, tôi phải đổi tên họ.
- Và anh đã bỏ tên Quý để lấy lại tên Lập?
- Đúng vậy. Nguyễn thành Lập.
- Nhưng khai sanh thì sao?
Lập cười:
- Rất dễ. Trong số cả triệu người di cư vào đây, rất nhiều người không mang theo khai sanh nên chỉ cần hai người chứng là tòa tuyên án “thế vì khai sanh” hợp lệ.
- Vậy là anh làm khai sanh kiểu đó và đăng vào lính?
- Chưa. Trước đây, tôi đã học đến đệ ngũ rồi bỏ học đi làm. Nay tôi muốn đi học hạ sĩ quan chứ không muốn làm binh nhì. Muốn thế, cần phải có bằng trung học đệ nhất cấp. Thế là tôi nạp đơn đi thi và đậu.
Tân ngạc nhiên:
- Anh bỏ học từ lâu mà có đủ sức thi đậu ngay à?
Lập tiếp tục cười:
- Sức gì đâu. Tôi may mắn ngồi gần bên một thí sinh giỏi. Nó là học sinh nhưng không biết tại sao lại thi trong hội đồng thí sinh tự do với tôi. Tôi liếc qua thấy nó làm bài được lắm, nên bảo nó đưa giấy nháp qua cho tôi, nhưng nó không chịu. Tôi viết vào một mảnh giấy: “Anh cần bằng trung học đệ nhất cấp để đi học hạ sĩ quan, hiểu chưa?”. Tôi đưa giấy qua cho nó. Tôi làm cầu may thế mà nó chịu quăng giấy nháp qua cho tôi. Ngày thi thứ nhất êm xuôi, nhưng qua ngày thứ nhì thì giám thị để ý. Anh ta cứ đứng gần bên thằng học trò nên nó không dám đưa giấy qua cho tôi nữa.
- Rồi anh làm thế nào?
- Tôi làm như hôm qua nhưng bây giờ viết chữ khá to để ra đầu bàn cho giám thị đọc: “Thưa thầy, tôi cần bằng trung học xin đi hạ sĩ quan ra chiến trường đánh giặc giữ nước để các thầy cô yên tâm ở lại thành phố mà đào tạo nhân tài cho xã hội.” Người giám thị đọc xong thì mỉm cười, mang tờ giấy lên bàn giáo sư nói rì rầm với cô giám thị thứ hai. Cô nầy cũng mỉm cười gật đầu. Sau đó hai giám thị để yên cho thằng học sinh trao giấy nháp cho tôi. Thế là tôi thi đậu, đi học trường hạ sĩ quan Đồng đế rồi về sư đoàn Chín cho đến nay. Hôm qua, gặp chuẩn úy tôi mừng lắm nhưng không dám nhìn người quen.
- Anh sợ tôi tố cáo à?
- Không, nếu sợ thì tôi đã bỏ trốn rồi chứ sao còn tìm đến đây nói chuyện với chuẩn úy? Còn chuẩn úy ra tù hồi nào, tại sao lại mang lon sĩ quan và lưu lạc đến đây?
Tân kể cho Lập nghe quãng đời mình kể từ khi ra tù cho đến lúc bị động viên. Lập suy nghĩ một chút rồi bảo:
- Chuẩn úy nầy, tôi thấy an ninh ở miền Nam nầy quá lỏng lẻo. Chuẩn úy là cán bộ Việt cộng, ở tù ra và trở thành sĩ quan chỉ huy trong quân đội. Còn tôi là tù vượt ngục rồi cũng trở thành hạ sĩ quan. Đó là điều đáng lo. Chuẩn úy có thấy không?
Tân gật đầu:
- Quả thực là điều đáng lo. Và vì vậy, tôi nghĩ rằng, trong quân đội và trong bộ máy chính quyền miền Nam, chắc chắn không thiếu gì người do cộng sản cài vào để phá hoại hoặc nằm yên chờ cơ hội.
- Tôi nghe một tù binh kể lại thì ở ngoài Bắc, cộng sản kỹ lưỡng lắm. Họ đặt vấn đề nghi ngờ trên hết. Ngay trong nội bộ, họ cũng không tin nhau hoàn toàn. Với người ngoài và nhất là người có quá khứ chống lại họ thì sự nghi ngờ còn ghê gớm hơn nữa. Những người nầy bị trù dập, không bao giờ có được vị trí công dân tầm thường, nói chi đến chuyện chen chân vào quân đội hay chính quyền. Chuẩn úy có biết điều đó không?
- Có, tôi có nghe điều đó. Những người ở miền Bắc mà bị nghi ngờ thì khổ vô cùng.
- Tôi nghĩ lại thấy mình may mắn sống ở miền Nam nầy, chứ như ở miền Bắc thì cái thân của chúng mình hạ xuống làm trâu, làm chó cũng chưa chắc được yên.
Tân gật đầu:
- Không riêng gì miền Nam. Bất cứ xã hội nào theo chế độ tự do, có tôn chỉ nhân đạo, trọng nhân phẩm con người cũng đều có điểm yếu là khó ngăn chận kẻ thù xâm nhập vào guồng máy cai trị của mình.
- Thì đành vậy thôi. Nếu miền Nam cũng gắt gao như miền Bắc thì thôi để cho cộng sản vào đây thống trị cho rồi chứ đánh nhau làm chi nữa.
Lập đứng dậy và nói tiếp:
- Thôi, bây giờ, tôi phải về lo công việc của đại đội. Chuẩn úy nghỉ ngơi hay xuống coi trung đội làm việc cũng được. À, chuẩn úy nên chọn trong trung đội mình cậu binh sĩ nào dễ thương để làm tà lọt.
- Tà lọt là cái gì?
- Là đứa theo mình giúp đỡ những việc lặt vặt như lo chỗ ngủ, mang lương thực lúc đi hành quân chẳng hạn. Trung sĩ Hy biết tất cả trung đội. Chuẩn úy bảo Hy nó chọn cho.
- Cám ơn anh Lập.
Tân ra ngoài và xuống chân đồi nơi trung đội đang làm hàng rào với những trụ cây rừng và những cuộn kẽm gai. Trung sĩ Hy bước đến, vui vẻ:
- Chào chuẩn úy, anh em làm việc tốt lắm. Nội sáng nay là hàng rào nầy xong xuôi. Ngày mai bắt đầu gài một số mìn và lựu đạn bên trong hàng rào.
Tân ngạc nhiên:
- Tại sao mìn và lựu đạn lại gài bên trong mà không gài bên ngoài?
- Đó là lệnh của trung úy đại đội trưởng. Trung úy giải thích, gài bên ngoài e thú rừng dẫm phải nổ tung. Ở đây thỉnh thoảng voi về cả bầy đi ào ào dưới chân đồi. Cọp, nai, mển cũng thường về. Cái hàng rào cốt yếu ngăn thú rừng về phá phách.
- Ngăn cả Việt cộng nữa chứ.
- Với Việt cộng thì hàng rào chẳng ngăn được đâu, nhưng lớp mìn và lựu đạn bên trong là yếu tố bất ngờ. Ở tất cả các cứ điểm, mìn và lựu đạn được gài bên ngoài hàng rào phòng thủ. Ở đây, sau khi vượt qua được hàng rào rồi thì chúng sẽ mất cảnh giác thế là vướng vào dây gài mìn và lựu đạn của mình. Lúc đó hàng rào có tác dụng là không cho chúng rút lui nhanh chóng trước hỏa lực của chúng ta từ trên đồi bắn xuống. Mấy hôm rồi anh em làm việc cật lực cho xong vì bữa nay là mồng một âm lịch, sắp có trăng non rồi.
- Tại sao lại có chuyện trăng non, trăng già ở đây?
- Những ngày có trăng non là những ngày phải đề phòng gắt nhất. Đầu hôm có trăng, Việt cộng lợi dụng ánh trăng non để di chuyển áp sát vào chỗ chúng ta. Đến khoảng nửa đêm, trăng lặn, trời đất tối om là Việt cộng bắt đầu tấn công. Vì vậy, trung úy dặn, trong những đêm thượng tuần âm lịch, chúng ta phải canh gác tuần tra thực kỹ lưỡng. Thôi, chúng ta đi xem qua một vòng rồi cho anh em về nghỉ.
Tân theo trung sĩ Hy đi dài theo hàng rào. Đi tới đâu, Tân cũng được anh em chào hỏi một cách vui vẻ, tình đồng đội thực thắm thiết nơi chốn núi rừng hoang vu nầy.



*
* *