Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Chương 10: Những ngày đen tối (1)



Một cuộc chiến tranh dài
TậpIV
Chương 10: Những ngày đen tối
(1)

Chiến trường càng ngày càng sôi động nhưng cuộc sống ở Thủ đô vẫn tiếp tục phẳng lặng và thoải mái. Tin tức về những trận đánh ở bốn vùng chiến thuật đầy ắp trên trang nhất của các nhật báo. Người ta theo dõi một cách thản nhiên chứ không xúc động, ngoại trừ một số ít người, trong đó có Tân. Anh luôn luôn tỏ ra buồn phiền khi đọc thấy có nhiều người chết trong những trận đánh lớn.
Thùy Liên biết tính của chồng nên thường tránh bàn về chiến sự với chồng. Ở tổng y viện Cộng hòa, nàng tiếp tục giữ kho thuốc, nghĩa là không trực tiếp săn sóc thương binh, nhưng nghe những chiếc trực thăng tải thương cứ lên xuống hằng ngày thường xuyên hơn ở bãi đáp, nàng biết chiến trường đang rất ác liệt. Nàng cũng biết rằng phòng lạnh của nhà xác luôn luôn đầy ắp, xe quân táng của bên quân nhu ngày nào cũng sang chở xác về giao cho gia đình hay đưa lên đồi nghĩa trang quân đội. Người ta kể rằng, ban đêm có người nghe pho tượng “Thương tiếc” ở trước nghĩa trang thở dài áo não, và sáng ra người ta thấy hai giọt sương đọng trên đôi mắt của pho tượng.
Mỗi buổi chiều, Thùy Liên cố thu xếp công việc nhanh chóng, trang điểm lại trước khi ra cổng. Tân luôn luôn đến sớm hơn vài phút và đợi nàng ở đó. Nàng cố giữ vẻ thản nhiên và tươi tắn để làm vui lòng chồng. Trên đường, hai vợ chồng ghé chợ Phú nhuận mua thức ăn rồi thẳng đến nhà giữ trẻ đón con về nhà.
Trong khi Thùy Liên bận rộn lo bữa cơm trong bếp thì Tân đùa giỡn với con. Có hôm, anh dẫn con dạo ngoài đường hay đến nhà Bạch Mai chơi đến sập tối mới về. Gương mặt của bé, cái nhìn, cái cười của bé có tác động lạ lùng xóa tan hết mọi ưu tư trong lòng và tất cả mệt nhọc nơi thể xác của Tân.
Khi bé Thùy Dung hơn hai tuổi, vào một buổi chiếu bảy, Thùy Liên báo cho Anh biết là đang có mang lần thứ nhì. Điều nầy làm cho Tân vừa vui sướng, vừa lo lắng.
Thùy Liên an ủi chồng:
- Có con sớm, về già đỡ cực anh ạ.
Tân âu yếm hôn vợ:
- Anh thích có thêm con nhưng ngại em mang nặng, đẻ đau.
- Không, em yêu anh. Mình sẽ có thêm một đứa bé dễ thương như Thùy Dung vậy.
- Anh cũng muốn có thêm con để Thùy Dung có chị có em. Tuy nhiên, thấy chiến tranh càng ngày càng ác liệt nên anh cũng ngại. Sự xâm nhập người và vũ khí từ Bắc vào Nam, mỗi ngày một nhiều thêm. Anh sợ, tới một lúc nào đó, rồi chính Sài gòn nầy cũng không còn yên ổn nữa.
- Em không quá lo như anh. Việt cộng có vẻ mỗi ngày một mạnh hơn nhưng rốt cuộc họ cũng chỉ đủ sức quấy phá nông thôn mình thôi. Người dân quê hầu hết ít học, không phân biệt được xâm lăng với giải phóng nên dễ bị họ lừa gạt. Nơi nào dân chúng còn ngu dốt thì nơi đó là mảnh đất hoạt động của cộng sản.
Tân thở dài:
- Em nói vậy chứ ở thành phố cũng có lắm người có học cũng ngả theo cộng sản, em không thấy sao?
Thùy Liên cúi đầu, nói nhỏ:
- Dạ, em thấy và em cũng thắc mắc về điều đó. Họ là những người có học, được liệt vào hàng ngũ trí thức mà cũng sẵn sàng chạy theo đuôi cộng sản. Phong trào phản chiến của họ trong các thành phố làm nản lòng các chiến sĩ ngoài mặt trận. Rồi ký giả mang bị gậy xuống đường để giả làm ăn mày là cốt bôi nhọ chế độ. Những hoạt động đó đều có lợi cho công sản và chắc chắn do cán bộ cộng sản chỉ vẽ cho đám người đó.
Tân lắc đầu chán nản:
- Thôi em ạ, nói tới những chuyện đó càng buồn thêm. Hôm nay là thứ bảy; chiều nay, Bạch Mai mời chúng mình sang ăn cơm, phải không?
- Dạ phải.
Tân thở dài nhè nhẹ:
- Bạch Mai đã có quá nhiều lần mời cơm vợ chồng mình. Chúng ta phải tìm dịp mời anh Thế và Bạch Mai mới được.
- Em cũng nói ý đó với chị Mai nhưng chị bác bỏ thẳng thừng. Chị ấy bảo vợ chồng mình đi làm túi bụi suốt cả tuần lễ thì đâu còn thì giờ. Hai gia đình phải có dịp hàn huyên tâm sự vào cuối tuần. Chị Mai thường xuyên ở nhà nên để chị ấy lo việc đó.
Tân im lặng, cảm động lẫn áy náy.
Hai vợ chồng khóa cửa và ra đường. Bé Thùy Dung lớn rồi, đi đứng rất chững chạc nhưng hễ cứ ra khỏi nhà là Tân bế trên tay hay cho ngồi trên vai mình.
Vừa bước vào nhà Bạch Mai, Tân dừng lại sửng sốt:
- Trời đất, anh Thảo, anh lại được về Sài gòn à?
Thiếu tá Thế ngồi yên mỉm cười trong khi Thảo đứng dậy bước vội đến nắm chặt hai tay Tân:
- Anh Tân, tôi mới về Sài gòn sáng nay, vội vàng lo cho xong công việc ở phòng liên lạc của sư đoàn và ở tổng tham mưu rồi cùng với anh Thế về đây.
Thảo quay sang Thùy Liên:
- Chào chị Tân. Trông chị càng ngày càng trẻ và đẹp hơn.
Thùy Liên mỉm cười e thẹn:
- Anh Thảo nói cốt để cho em vui thôi. Không ngờ hôm nay chúng em hân hạnh được dùng cơm chung với hai ông thiếu tá.
Thế la to:
- Thùy Liên nói sai rồi. Một thiếu tá và một trung tá.
Thùy Liên ngạc nhiên:
- Hai anh đều mặc thuờng phục thì làm sao em biết ai là trung tá. Anh Thế hay anh Thảo?
Thế cười to:
- Dạ thưa bà, chính anh bạn Thảo của chúng ta là trung tá. Thằng Thế nầy ru rú ở tổng tham mưu thì lên trung tá thế nào được. Phải thực sự là chiến sĩ tung hoành trên chiến trường mới xứng đáng được lên lon chứ. Anh Thảo là một trong những sĩ quan lên lon nhanh nhất. Anh ấy hiện nay là trong số trung tá trẻ tuổi nhất của quân đội mình. Như thế là đúng. Tham dự hàng trăm trận đánh, rồi hai lần bị thương. Bạn của chúng ta là đứa con cưng của Tổ quốc, người anh hùng của quân đội.
Thảo mỉm cười, có vẻ e thẹn thực dễ thương:
- Anh Thế giới thiệu quá đáng. Tôi chỉ là một quân nhân bình thường thôi.
Tân siết chặt tay bạn:
- Xin chúc mừng anh. Lên trung tá rồi, anh giữ chức vụ gì?
- Tạm thời là liên đoàn phó biệt động quân và đang chờ đợi sự phân công mới. Mình là chiến sĩ, quân đội sai đâu đánh đó.
Thế ngắt lời:
- Liên đoàn phó biệt động quân, dưới tay có hàng ngàn đệ tử kiêu hùng.
Tân hỏi tiếp:
- Anh được lên lon lâu chưa?
- Mới tháng trước, sau khi hành quân ở Cam bốt về.
Tân ngạc nhiên:
- Thế nào? Anh sang đánh tận Cam bốt à? Mình đem quân sang nước người ta không sợ vi phạm luật quốc tế sao?
Thế cười to:
- Anh Tân thực là đứng đắn, đúng là tư cách của một ông giáo sư sử địa. Trong cuộc chiến tranh nầy, áp dụng luật lệ sao được với bọn rừng rú. Chúng nó ngang nhiên sử dụng đất Cam bốt làm tiền cứ để tập kết người và vũ khí rồi chui sang đánh mình. Nếu thắng thì chiếm đất lập mật khu còn thua thì rút về Cam bốt để dưỡng quân. Nguyên cả cái bộ tư lệnh của quân đội xâm lược cũng đóng bên đó mà.
- Anh muốn nói đến cục “R” phải không?
Thế gật đầu:
- Đúng rồi, đó là mật danh của bộ tổng tư lệnh quân đội giải phóng của Việt cộng.
Tân hỏi tiếp:
- Anh Thảo hành quân bên đó thế nào?
- Kỳ rồi chúng tôi đổ quân sang với mục đích truy lùng cái cục “R” đó để tiêu diệt. Đập rắn độc thì phải đập cho trúng cái đầu mới trị dứt được.
Thùy Liên chen vào:
- Rồi anh có đập trúng đầu rắn không?
Thảo lắc đầu:
- Không tìm ra, chúng trốn quá kỹ. Vả lại….
Bạch Mai bước ra giữa phòng, xua tay rối rít:
- Mời vào, mời vào. Cơm canh dọn sẵn rồi. Cứ bàn đến đánh nhau là quí vị sa đà quên cả ăn uống. Tôi ra lệnh cho quí vị vào bàn ngay.
Thế lắc đầu:
- Cô ra lệnh cho thiếu tá quen rồi. Bây giờ đến trung tá, cô cũng không nể mặt.
Thảo cười hiền lành:
- Trung tá thì nghĩa lý gì; tới đại tướng nghe quí bà ra lệnh thì cũng phải tuân theo răm rắp thôi.
Mọi người cười vui vẻ. Khi tất cả đều đã cầm đũa. Bạch Mai quay sang nói với Thảo:
- Xin lỗi anh Thảo nhé. Khi nãy anh đang nói “Vả lại”, thì Mai ngắt lời anh. Bây giờ anh vừa ăn vừa nói tiếp đi.
Thảo mỉm cười:
- Tôi định nói Việt cộng biết trước kế hoạch hành quân của mình.
Tân ngạc nhiên:
- Lệnh hành quân là tuyệt mật, làm sao họ biết được?
- Chắc chắn chúng đã cài người vào tổ chức của chúng ta, kể cả các bộ chỉ huy và bộ tư lệnh hành quân nữa. Xét về trình độ tác chiến thì Việt cộng thua xa chúng ta nhưng xét về tình báo thì chúng ta quá yếu kém. Kế hoạch hành quân của Việt cộng mình không hề biết đã đành, đến sự di chuyển quân của cả sư đoàn của chúng nó, mình cũng không rõ. Anh có nhớ vụ Tết Mậu thân không? Họ di chuyển cả trăm ngàn quân áp sát tất cả các thành phố trong phạm vi cả nước mà mình cũng chẳng hay biết gì cả.
Thảo thở dài, nhắc lại ý nghĩ ban đầu của mình:
- Tình báo của chúng ta hỏng bét. Sau nầy, nếu chúng ta bại trận thì bại vì tình báo chứ không phải vì khả năng hay tinh thần chiến đấu.
Tân có vẻ chú ý đến vấn đề:
- Có lẽ các tướng lãnh và các cấp lãnh đạo của chúng ta biết điểm yếu đó chứ?
- Biết nhưng không có biện pháp nào để sửa đổi.
- Tại sao vậy, chúng ta cũng có thể nghiên cứu các biện pháp của cộng sản và bắt chước họ. Trong chiến tranh, học tập cái hay của kẻ thù, đâu có phải là điều xấu.
Thảo lắc đầu:
- Không, chuyện gì khác thì chúng ta có thể học cộng sản, còn chuyện nầy thì không thể được.
- Tại sao vậy?
- Tình báo có hai mặt: mặt thụ động và mặt chủ động. Mặt thụ động là không cho tin tức bị đánh cắp hay rò rỉ ra ngoài. Chủ động là tìm cách lấy những thông tin của địch. Về mặt thụ động, Việt cộng rất cẩn thận và rất thành công, nhờ việc xét lý lịch ba đời của mỗi người dân sống trong chế độ của họ. Cộng sản coi con người như một công cụ. Công cụ nào có tì vết là họ loại ngay không thương tiếc. Chính lãnh tụ của họ cũng đã từng nói: “Dụng nhân như dụng mộc”. Quả thực vậy, họ xem con người như khúc gỗ; nếu có chút nghi ngờ gì là quăng ngay vào bếp làm củi. Vì vậy họ xem xét lý lịch người dân rất kỹ, có một chút nghi ngờ trong bà con là phân biệt đối xử ngay. Chế độ chúng ta tôn trọng nhân vị của con người nên chúng ta không thể bắt mỗi người phải chịu trách nhiệm về hành vi của ông cha, chú bác, cô dì hay anh chị em được. Chúng ta cũng không thể vin vào quá khứ của một người để tước bỏ quyền công dân, quyền làm việc và quyền tham gia vào mọi sinh hoạt xã hôi. Chế độ của chúng ta bị ràng buộc vào lòng nhân đạo mà chúng ta không thể nào từ chối. Tôi nói như vậy, chắc anh Tân phải đồng ý vì chính anh cũng rơi vào trường hợp đó phải không?
Tân gật đầu:
- Đúng vậy. Tôi có một quá khứ theo cộng sản, nhưng sau khi tôi đã “đền tội” với ba năm tù và long trọng tuyên bố trở về với hàng ngũ quốc gia thì tôi đã được quyền đi học, được quyền làm sĩ quan và nay được quyền làm giáo sư nữa.
- Vì vậy anh yêu chế độ nầy chứ?
- Vâng, tôi thực sự yêu chế độ nầy.
Thảo thở dài:
- Chính cái sự đáng yêu đó trở thành nhược điểm quá lớn của chúng ta trong cuộc chiến tranh tự vệ nầy. Với cộng sản thì lòng nhân đạo là điều cần phải diệt trừ tận gốc. Trong nội bộ của đảng, họ gọi lòng nhân là đạo đức tư sản. Ở miền Bắc, một người đã từng đi tù như anh thì đừng mong có được cuộc sống của một người lao động hạng bét chứ đừng nói được học đại học, được làm sĩ quan và được làm giáo sư. Họ xét người quá kỹ nên chúng ta không thể nào cài được người vào trong bộ máy chính quyền và quân đội cộng sản được. Ngược lại, bộ máy của chúng ta có quá nhiều sơ hở để họ đưa gián điệp vào.
Tân ngắt lời:
- Vì vậy, kế hoạch hành quân sang Cam bốt của chúng ta đã bị lộ và cục “R” của họ lủi mất.
Thảo gật đầu:
- Đúng vậy.
- Thế là tổ chức hành quân qua đó mà chúng ta chẳng hề gặp Việt cộng, phí công một cách vô ích?
- Không vô ích. Chúng tôi đã đụng nhiều trận lớn bên đó và đã tiêu diệt cùng bắt sống cả ngàn tên. Đó là những đơn vị Việt cộng không kịp trốn chạy, những đơn vị buộc phải ở lại để bảo vệ những kho vũ khí, quân trang và lương thực chưa kịp cất giấu; cũng có những đơn vị trụ lại để thí thân, cầm chân quân ta cho cái đám cán bộ to đầu kịp chạy trốn.
Thảo lại thở dài:
- Tôi đã gặp những cảnh thực thương tâm. Một lần, tiểu đoàn của tôi được xe tăng yểm trợ đánh vào một căn cứ của Việt cộng. Những người lính biệt động quân chúng tôi đi phía sau những xe bọc thép tiến thẳng vào tuyến phòng thủ của chúng. Cả trăm đứa núp dưới giao thông hào để cự lại. Anh không thể tưởng tượng nổi. Chúng nó chỉ có toàn là súng trường, tiểu liên và trung liên mà cứ nằm bắn vải vào những cổ xe tăng thì khác nào đi lấy cát ném vào lưng trâu. Biệt động quân chúng tôi chẳng thèm bắn mà cứ từ từ theo sau các xe thiết giáp tiến tới. Tuy nhiên, chúng tôi đã sẵn sàng, ai cũng nghĩ rằng một khi xe tăng đến gần thì tất nhiên chúng phải phóng lên khỏi giao thông hào để chạy trốn, lúc đó chúng tôi tha hồ mà bóp cò súng. Không ngờ, chúng nó nhất định nằm dưới giao thông hào để gãi ngứa các cổ xe tăng. Thỉnh thoảng, cậu xạ thủ trên xe khạt một quả đạn đại bác làm cho đất đá và xác người văng lên tung tóe.
Tân nghe hơi thở mình dồn dập. Anh nhìn Thảo chăm bẳm và hỏi:
- Cuối cùng thế nào?
Thảo trả lời ngay:
- Chúng chết hết! Một số chết vì đạn đại bác và đại liên của xe tăng; một số khác, kinh khủng hơn, bị bánh xe tăng đè bẹp dí dưới đáy giao thông hào. Ở đó đất khá cứng nên giao thông hào cạn. Mấy chiếc xe tăng chạy dọc theo hào, nghiêng hẳn qua một bên vì bánh xích lọt xuống rảnh. Tiếng máy xe gầm thét át hẳn những tiếng rú bên dưới bánh xe. Tôi đã từng xông pha biết bao chiến trường, đã từng chứng kiến biết bao cảnh rùng rợn lẫn thương tâm, thế mà lần nầy, tôi cứ chạy lúp xúp sau xe tăng không dám nhìn xuống bên dưới. Mấy thằng lính của tôi cũng vậy. Tôi thét bảo chúng thu lượm súng của Việt cộng thì chúng cũng lờ đi như không nghe thấy lệnh của tôi. Chẳng đứa nào dám dừng lại và cúi xuống.
Thảo thở dài buồn bã:
- Trận đó Việt cộng chết gần hai trăm. Lính mình chỉ có hai đứa bị thương. Tôi không hiểu những người lính Việt cộng đó thấy chết trước mắt mà không bỏ chạy thì có đáng được gọi là anh dũng hi sinh được không.
Thảo bỗng lắc mạnh đầu:
- Ngoài chiến trường, hai từ: “hi sinh một cách anh dũng” và “liều chết một cách ngu xuẩn” thực khó mà phân biệt được.
Tân hỏi với giọng hơi run:
- Đơn vị anh hành quân bên Cam bốt, có gặp lính Miên hay không?
- Không, có lẽ họ về đóng tại các thành phố, nhường tất cả nông thôn cho quân đội của hai miền Nam Bắc Việt Nam làm chiến trường để bắn giết nhau. Anh em ruột thịt, đánh nhau trong nhà chưa đã nên qua nhà hàng xóm bày trò thanh toán nhau. Thực là đau lòng.
Tân như không nghe lời than thở não ruột đó. Anh tiếp tục hỏi:
- Hai bên đánh xong thì rút về, để xác chết lại cho dân Miên chôn?
Trung tá Thảo lắc đầu:
- Dân Miên chỉ chôn xác lính Việt cộng thôi còn tất cả xác của lính mình đều được trực thăng chở về nghĩa trang quân đội. Còn chuyện rút về thì chỉ có lính Việt Nam Cộng hòa rút về. Bộ đội cộng sản vẫn bám trụ lại đất Chùa Tháp. Chúng đã xem đất nước người ta như là chiến khu của chúng. Chúng không bao giờ rút khỏi Cam bốt đâu vì khúc phía Nam của đường mòn Hồ chí Minh nằm trên lãnh thổ Cam bốt, trước khi chấm dứt trong những khu rừng già của tỉnh Tây ninh.
- Tôi nghe nói đường mòn Hồ chí Minh là con đường xâm nhập của Việt cộng, dọc theo dãy Trường sơn và thuộc về lãnh thổ Việt Nam mà. Chính tôi thường giải thích cho học sinh như thế.
- Đúng, con đường đó chạy dọc theo dãy Trường sơn suốt các tỉnh của miền Trung. Tuy nhiên nó không phải là một con đường duy nhất mà là một hệ thống gồm nhiều đường mòn trên cả ba lãnh thổ: Việt Nam, Lào và Cam bốt. Nếu bị tấn công mạnh ở phần thuộc Việt Nam thì chúng dạt sang Lào và Cam bốt. Vì vậy, sau cuộc hành quân ở Cam bốt, tôi nghe nói, chúng ta sắp mở cuộc hành quân sang Nam Lào để cắt đứt đường xâm nhập của Bắc Việt. Anh Thế có nghe tin đó không?
Thế gật đầu:
- Có, hình như các ông tướng ở tổng tham mưu đang bàn kế hoạch đó nhưng chưa thống nhất. Có ông chủ trương đánh sang Lào nhưng cũng có ông phản đối vì cho rằng địa thế bên đó xa lạ lại quá hiểm trở, rất khó cho việc tiếp vận. Nghe nói các ông ấy đang cãi nhau hăng lắm, chưa biết ngã ngũ thế nào.
Thảo hỏi:
- Nếu quyết định tiến quân thì chúng ta sẽ cắt đường mòn Hồ chí Minh ở khoảng nào?
- Vùng tiếp giáp của Lào với miền Nam được gọi là Hạ Lào, biên giới dài đến hơn ba trăm cây số, địa thế chỗ nào cũng hiểm trở, núi non trùng trùng điệp điệp. Theo tôi, nếu đánh sang thì chúng ta sẽ chọn một trong hai địa điểm: hoặc ở đường số Chín thuộc tỉnh quãng trị, xuất phát từ Khe sanh, hoặc đánh vào vùng Ba biên giới, thuộc tỉnh Kon tum. Cuộc hành quân nầy, nếu được thực hiện, sẽ có qui mô rất lớn, phối hợp nhiều binh chủng.
Tân cười:
- Có lẽ binh chủng biệt động quân của anh Thảo không thoát khỏi.
Thảo cười theo:
- Thoát sao nổi. Chỗ nào có rừng núi sình lầy là chỗ đó có biệt động quân.
Thế quay sang Bạch Mai:
- Cơm xong rồi, em cho thức tráng miệng và nước uống đi.
Bạch Mai đứng dậy, càu nhàu:
- Bữa cơm cuối tuần mà mấy ông nói chuyện đánh nhau, thiệt mất vui.
Thế cười, đáp lời vợ:
- Trong thời buổi chiến tranh, ngoài chuyện đánh nhau ra, các chuyện khác đều nhạt nhẽo. Nhưng thôi, lần sau, anh Thảo có đi Hạ Lào về thì đừng kể chuyện đánh nhau nữa mà nói những chuyện thơ mộng mà anh gặp trên đường hành quân nhé.
Thảo cười gượng:
- Trên đường hành quân thì có gì là thơ mộng đâu. Kể từ khi xuất hiện mấy anh bộ đội với chiếc nón cối trên đầu thì núi rừng miền Nam không còn chút thơ mộng nào nữa.


*
* *


Một tháng sau, cũng vào chiều thứ bảy. Bạch Mai lại mời hai vợ chồng Tân sang dùng cơm. Suốt bữa ăn, thiếu tá Thế ít nói và có vẻ đăm chiêu. Tân và bác Tư giữ im lặng. Chỉ có hai người đàn bà chuyện trò vui vẻ về những chuyện vặt vãnh trong nếp sinh hoạt của đô thành. Khi bữa cơm chấm dứt, Thế quay sang Tân:
- Anh có theo dõi tình hình chiến sự hay không?
- Có, tôi có đọc trên các báo nên biết tin chúng ta đang hành quân ở Hạ Lào để cắt ngang đường tiếp tế của cộng sản, nhưng chưa biết chúng ta có đạt được mục tiêu đó hay không?
Thiếu tá Thế lắc đầu:
- Gần như thất bại hoàn toàn!
Tân đang cầm tách nước trà vội bỏ xuống bàn, sửng sốt nhìn Thế. Anh hỏi:
- Sao? Anh bảo sao? Thất bại à? Nhưng theo bản tin của bộ quốc phòng, chúng ta đang chủ động trên chiến trường mà.
- Thì phải nói như thế để giữ vững tinh thần cho binh sĩ chứ. Từ xưa đến nay, trên khắp hành tinh nầy, lúc đang đánh nhau thì cả hai bên đều rêu rao là mình chiến thắng chứ có ai dại gì thú nhận rằng mình bại trận. Chỉ có người trong cuộc mới biết được sự thực mà thôi.
- Cuộc hành quân thất bại thế nào?
- Gần như chúng nó biết trước được toàn bộ kế hoạch hành quân của mình. Pháo binh của chúng nó đã được bố trí và điều chỉnh tác xạ đúng vào những địa điểm đổ quân của chúng ta. Vì vậy, sau khi trực thăng hạ xuống là lập tức bị pháo dập tơi bời. Có nơi chưa kịp đổ quân thì trực thăng đã vội bốc lên để tránh đạn. Trở về điểm xuất phát ở căn cứ Khe sanh, nhiều trực thăng vẫn còn chở trở lại một số binh sĩ. Có chiếc, ngay dưới hai càng cũng có người bám vào; đó là những Anh binh sĩ đã nhảy xuống rồi và bị pháo nổ dữ quá, lại thấy trực thăng bốc lên vội chụp lấy càng phi cơ, đu vào để bay về.
Giọng Tân buồn rầu:
- Chúng ta lại chịu thua Việt cộng trên mặt trận tình báo.
- Đúng vậy, đây nhất định là chiến công của gián điệp Việt cộng. Chúng biết được đến những chi tiết của kế hoạch hành quân. Hơn nữa, chúng biết khá sớm nên đã có thì giờ bố trí những khẩu đội pháo binh và nhả đạn trúng ngay địa điểm trực thăng vận của chúng ta.
- Thế sao chúng ta không diệt ngay những ổ pháo của họ? Mình không có những căn cứ pháo binh để yểm trợ và phản pháo sao?
- Chỉ gần biên giới thì mới có những căn cứ pháo binh đã lập sẵn từ trước. Xa hơn thì không, chỉ trông chờ phi cơ mà thôi.
- Ừ, vậy phi cơ của mình đâu?
- Không quân hoạt động rất tích cực. Máy bay trinh sát L19 quần lui, quần tới suốt ngày. Tuy nhiên, Hạ Lào có địa thế quá hiểm trở với những ngọn núi cao vút, những khe sâu thăm thẳm, rừng già mịt mùng, họ dấu súng cối, hỏa tiễn và đại bác thì L19 khó phát hiện để báo cho oanh tạc cơ xạ kích.
- Cuối cùng thế nào?
- Bộ chỉ huy hành quân ra lệnh cho các đơn vị lục soát một vùng nho nhỏ rồi tìm cách rút về.
- Bên mình rút về có an toàn không?
- Không, bộ binh cộng sản đã phục kích sẵn nhiều điểm trên đường rút lui của mình. Tuy đã bị thiệt hại do trúng đạn pháo kích của đối phương nhưng các đơn vị của mình đã chiến đấu vô cùng anh dũng, gây nhiều tổn thất cho Việt cộng nhưng bên mình cũng tiếp tục bị thiệt hại thêm.
Thế thở dài và nói tiếp:
- Tội nghiệp cho anh em. Rừng núi là chiến trường quen thuộc của chúng, còn mình thì đa số từ dưới đồng bằng lên, rõ ràng là bị thất thế rồi. Nhưng tôi nhắc lại, anh em mình đã chiến đấu hết sức anh dũng. Một số đơn vị đã vượt được biên giới về căn cứ an toàn, một số khác đến được nơi trống trải và được trực thăng đưa về, và còn một số đơn vị….
Thế bỗng im lặng, nhíu mày nhìn tách nước trước mặt. Tân hồi hộp hỏi nhỏ:
- Còn một số đơn vị thế nào?
- Mất liên lạc!
- Nghĩa là….
- Hoặc bị tiêu diệt hoàn toàn, hoặc phải phân tán mỏng, mạnh ai nấy chạy.
Thế quay lại nhìn Tân,với cặp mắt rơm rớm:
- Tiểu đoàn của trung tá Thảo cũng trong số nầy.
Tân hoảng hốt:
- Trời hỡi, anh Thảo là liên đoàn phó mà.
- Đúng vậy, anh Thảo là liên đoàn phó, nhưng tạm thời xuống nắm lại tiểu đoàn cũ của mình. Câu chuyện thế nầy. Liên đoàn biệt động quân của anh Thảo được tung vào trận địa ngay từ đầu. Một tiểu đoàn được trực thăng thả xuống, rơi vào ổ phục kích và đã quần nhau với địch nhiều ngày. Thoát được ổ phục kích lại rơi vào trận địa pháo của Việt cộng. Tiểu đoàn lại thoát ra được, nhưng không kịp mang theo những đồng đội đã ngã xuống, trong đó, rủi thay có cả tiểu đoàn trưởng và tiểu đoàn phó. Có lẽ, do sự nài nỉ của anh Thảo nên Liên đoàn trưởng điều anh xuống chỉ huy cho tiểu đoàn cũ của anh ấy rút về. Bộ tư lệnh hành quân không có cách gì khác hơn là phải chấp thuận đề nghị này của liên đoàn. Một chiếc trực thăng liều chết chở Thảo xuống mặt trận. Không có bãi đáp nên trực thăng dừng ngang với ngọn cây và Thảo dùng dây đu xuống.
- Sao anh biết rõ vậy, đã có người về kể cho anh nghe à?
- Đâu đã có ai về. Hiện giờ, cuộc hành quân còn đang tiếp diễn. Tuy nhiên cả hơn nửa tháng rồi, toàn thể bộ tổng tham mưu đều chú ý mặt trận Hạ Lào, mọi sinh hoạt khác gần như ngưng trệ. Phòng chiến tranh chính trị của tôi, ai cũng theo dõi từng giờ từng phút các trận đánh bên đó. Sở dĩ tôi biết rõ nhiều chi tiết về anh Thảo là vì đại úy Bá, sĩ quan truyền tin giữ phần liên lạc trực tiếp giữa bộ tổng tham mưu với bộ tư lệnh hành quân là bạn thân của tôi. Trước đây tôi có giúp anh ấy một việc khá quan trọng nên tôi nhờ điều gì anh ấy cũng rất sốt sắng. Lần nầy thì tôi nhờ anh Bá hỏi thăm riết tin tức của anh Thảo nên mới rõ như thế.
Tân tỏ ra sốt ruột:
- Rồi sao nữa?
- Sau khi xuống nắm được tiểu đoàn rồi thì Thảo được lệnh đưa anh em về biên giới nhưng Thảo xin ở lại cứu giúp một vài đơn vị bộ binh đang lâm nguy. Tiểu đoàn của anh Thảo đã đánh tan một số ổ phục kích của Việt cộng, đã gọi phi cơ oanh tạc những địa điểm mà Việt cộng đặt pháo. Hoạt động của tiểu đoàn làm cho bộ tư lệnh hành quân vui mừng. Cuối cùng Thảo gọi máy truyền tin về cho hay đang trở lại điạ điểm cũ để tìm cách đưa xác tiểu đoàn trưởng và tiểu đoàn phó về. Đó là lời yêu cầu của toàn thể tiểu đoàn chứ không phải riêng của Thảo. Trên đường trở lại, tiểu đoàn của Thảo bị pháo kích dữ dội. Người giữ máy truyền tin của bộ tư lệnh hành quân chỉ nghe tiếng Thảo hét to: “Chúng tôi rơi vào trận địa pháo rồi”. Vài giây sau, một tiếng nổ to và đứt liên lạc, gọi mãi không có tiếng trả lời.
Giọng Thế ngừng lại trong nghẹn ngào. Tân cố ngăn nước mắt:
- Chuyện đó xảy ra cách nay mấy hôm rồi?
- Ba ngày rồi. Chiều hôm qua, đại úy Bá mới hỏi được tin tức. Bộ tư lệnh hành quân có báo cáo chính thức về việc nầy vì anh Thảo đang là ngôi sao sáng trong cuộc hành quân.
Có tiếng khóc thút thít. Mọi người quay lại thấy Bạch Mai đang dùng tay áo lau nước mắt. Nàng rên rỉ:
- Lạy trời đừng bắt anh Thảo đi theo Bính.
Thùy Liên cũng nước mắt lưng tròng, kéo ghế đến gần Bạch Mai. Hai người đàn bà im lặng nắm tay nhau.
Tân rầu rĩ hỏi Thế:
- Từ hôm đó đến nay, có tin tức gì thêm về anh Thảo hoặc về tiểu đoàn của anh ấy không?
Thế lắc đầu. Tiếng của Tân nghe thực áo não:
- Không lẽ ba anh em trong quân trường, hôm nay chỉ còn một mình tôi hay sao?
Câu nói của Tân như một khối băng giá khổng lồ chụp xuống làm tê liệt tâm hồn mọi người. Nhiều phút sau, Tân ngẩng lên nhìn đồng hồ và nói:
- Tám giờ rồi. Thôi chúng tôi về. Ngày mai chúa nhật, anh Thế ở nhà phải không?
- Vâng tôi ở nhà vì khối chiến tranh chính trị chẳng còn gì để giải quyết.
- Thế thì thứ hai vào làm việc, anh nhớ hỏi thăm tin tức về anh Thảo nhé.
- Vâng, chiều mai tôi sẽ đến tổng tham mưu một chút để gặp sĩ quan trực nhưng không biết có hỏi thăm được hay không?
Tân đứng dậy, Thùy Liên đứng dậy theo. Bé Thùy Dung đang chơi vui vẻ với đứa con nhỏ của Bạch Mai. Bé cự nự chưa muốn về. Tân gằn giọng quát to:
- Đứng dậy, về ngay.
Tiếng quát của anh làm mọi người ngạc nhiên vì chưa bao giờ người ta thấy anh lớn tiếng với con. Với Thùy Dung, bao giờ anh cũng có những lời dỗ dành ngọt ngào và cử chỉ nâng niu chiều chuộng. Thùy Liên đến ôm con vào lòng. Con bé vùng vằng khóc to để phản đối. Tân nghiêm trang chào cả nhà rồi bước ra, Thùy Liên ôm con theo sau.
Về đến nhà, Tân lẳng lặng mở khóa cửa bước vào, bật đèn sáng lên. Anh ngồi phịch xuống ghế thở dài và nhắm mắt lại. Hình ảnh Hạ Lào diễn ra trong trí não với những đơn vị tơi tả vì pháo của quân địch và cuối cùng là hình ảnh trung tá Thảo...
Ở phòng trong, có tiếng khóc của bé Thùy Dung vang ra mỗi lúc một to cùng với giọng dỗ dành của Thùy Liên:
- Nín đi con, mặc áo vào rồi ngày mai mẹ sẽ cho con qua nhà hai bác để chơi.
- Con không chịu đâu.
Con bé vừa hét, vừa khóc to hơn.
Bỗng dưng, Tân cảm thấy một cơn giận ở đâu tràn đến làm cho đầu óc nóng bừng. Anh vớ cây thước kẻ trên bàn, bước vào buồng. Con bé trần truồng, ngồi dưới đất, hai chân đạp lia lịa về phía trước, miệng vẫn khóc to. Thùy Liên cầm bộ áo quần ngồi kế bên dỗ dành.
Mắt Tân nhìn bé như nảy lửa. Anh hét:
- Im, đứng dậy mặc áo quần vào ngay.
Con bé vẫn tiếp tục đạp chân và khóc to. Tân bước tới hai bước, nắm một tay con bé lôi lên, tay cầm thước đưa cao, đánh hai cái thực mạnh vào mông đứa bé.
- Trời ơi, anh Tân!
Thùy Liên la xong, nhào tới, ôm lấy bé chạy xuống bếp. Bé Dung nín khóc và gần như ngất xỉu trong tay mẹ.
Tân đứng ngẩn ngơ một phút, nhìn xuống bếp rồi quay ra nhà trước. Anh quăng mạnh cây thước lên bàn. Hơi thở đang ào ạt trào lên bỗng bị chận lại trong lồng ngực làm anh thấy đau đớn nghẹn ngào. Anh muốn hét một tiếng thật to. Nhưng rồi, anh lẳng lặng bước ra cửa, không thèm quay lại nhìn.
Bầu không khí mát mẻ về đêm bên ngoài vẫn không làm giảm bớt nhiệt độ đang nung nấu trong đầu Tân. Anh cúi đầu lầm lũi bước đi trên hè phố. Đi hết đường Vườn chuối, chân Tân tự động rẽ trái, bước dọc theo đường Phan Thanh Giản tấp nập xe cộ. Tiếng máy, tiếng còi xe, tiếng người nói ồn ào làm cho anh cực kỳ khó chịu, chỉ muốn phóng chạy thực nhanh, muốn phóng mình bay lên không, muốn đâm đầu chui xuống đất. Anh không muốn nghe, không muốn thấy gì nữa cả. Chung quanh anh, người ta vẫn thản nhiên cười nói, thản nhiên buôn bán, thản nhiên qua lại trên đường. Những ánh đèn đủ màu từ các cửa tiệm rọi ra. Những bộ quần áo lượt là sang trọng đong đưa múa may. Anh cắm đầu băng qua vài giao lộ, dừng lại và ngồi xuống một ghế dựa bằng xi măng ngay dưới chân tượng An Dương Vương.
Dòng xe cộ vẫn tấp nập qua lại thảy những lằn sáng ngang dọc lên vệ đường. Tân mệt mỏi nhắm mắt thì lập tức trí óc rơi vào khung cảnh chiến tranh khốc liệt. Trí nhớ của anh lướt qua vùng Thất sơn, nơi Bính đã vĩnh viễn ra. Sự tưởng tượng của anh quay lại chốn rừng núi âm u và núi non trùng điệp. Đây là vùng An lão của Bình định mà Anh đã từng hành quân qua. Hay đây là vùng Hạ Lào nơi đang xảy ra những trận đánh ác liệt để cắt đứt con đường xâm nhập của cộng sản từ Bắc vào Nam? Tại đó, bom đạn đang cày xới, nhiều thân người đã ngã xuống, trong số đó, phải chăng có cả Thảo, người bạn thân thiết trong quân trường của anh? Thảo chết đi mang theo ước mơ duy nhất là gặp lại đứa em gái đang sống trong ngục tù của miền Bắc xa xôi! Ba anh em thân thiết nhau như ruột thịt, bây giờ chỉ còn lại một mình anh hay sao?
Anh đứng vụt dậy, tiếp tục bước về trước. Cổng nhà thương Chợ rẫy buồn bã dưới ánh đèn vàng vọt. Dãy nhà phố dọc theo đại lộ Tổng đốc Phương đã bắt đầu dọn hàng đóng cửa. Anh qua cái nhà kho nơi đã sống nhiều năm khi còn đi học. Bây giờ, nhà kho đó đã biến thành một cửa hàng đồ sộ. Quán ăn của ông Lương Ký cũng đã được sửa đổi lại từ cái bảng hiệu đến cách sắp đặt bên trong. Anh cố nhận ra một gương mặt quen thuộc nhưng mọi người đều xa lạ. Một nhân viên bước ra, đon đả mời. Anh lẳng lặng bước vào, ngồi xuống bàn, gọi một chai bia và một đĩa thức ăn. Khi cô hầu bàn bưng ra, Tân hỏi:
- Ông chủ tiệm nầy tên là ông Lương Ký phải không?
- Không, ông Lương Ký là chủ cũ đã sang lại cho chú tôi được hơn một năm rồi. Ông có bà con với ông Lương Ký à? Ông muốn tìm ông ấy phải không?
Tân gật đầu, hỏi tiếp:
- Cô có biết tại sao ông chủ cũ sang lại và hiện nay ở đâu không?
- Tôi nghe chú tôi nói ông Lương đã bỏ Việt Nam để sang lập nghiệp ở Tân gia ba.
- Cô có biết tại sao ông ấy đi hay không?
- Chú tôi nói rằng ông Lương trước đây sống bên Tàu, trốn cộng sản qua Hà nội, rồi lại trốn cộng sản vào Sài gòn, bây giờ lại sợ cộng sản chiếm miền Nam nên chạy trước qua Tân gia ba mà sinh sống. Nhờ như vậy mà chú tôi có dịp sang lại tiệm ăn nầy với giá khá rẻ.
Thấy Tân thẫn thờ nhìn quanh, cô hầu bàn đon đả nói tiếp:
- Nghĩ cái số phận của ông ấy cũng lạ lùng. Bị cộng sản đuổi chạy từ nơi nầy đến nơi khác.
Cô ta nói xong thì cười khúc khích rồi bỏ đi. Tân rót bia ra ly nhìn đám bọt tan dần, lòng buồn rười rượi. Anh uống hết chai bia rồi gọi thêm một chai nữa. Trong tiệm chỉ còn một mình anh mà thôi. Anh cảm thấy hơi choáng váng. Cô hầu bàn trở ra đứng trước mặt anh, nói với giọng ngập ngừng:
- Thưa ông!
Tân ngẩng lên nhìn. Cô ta nói tiếp:
- Thưa ông, đến giờ giới nghiêm rồi, chúng tôi phải đóng cửa tiệm. Lính tuần tiểu đi ngang thấy còn mở cửa thì phiền phức lắm.
Tân hoảng hốt nhìn lên đồng hồ treo tường:
- Sao? Giờ nầy giới nghiêm rồi à? Tôi cứ tưởng còn một giờ nữa.
- Thưa ông, giờ giới nghiêm tăng thêm một giờ sớm hơn từ hai tháng nay rồi, có lẽ vì tình hình bất an. Bộ nội vụ có ra thông cáo trên báo chí mà.
Anh vội vã trả tiền rồi bước ra khỏi tiệm. Phố xá đã trở nên vắng vẻ. Các cửa tiệm đều đã đóng cửa, con đường chỉ còn sáng lờ mờ dưới ánh đèn đường vàng vọt. Tân đứng trên lề đường, nhìn về hai phía, hi vọng có một chiếc taxi hay một chiếc xích lô còn trống chạy đến. Tuy nhiên chỉ có vài xe hai bánh phóng qua vội vã mà thôi. Anh chợt nhớ đến Thùy Dung và nghe lòng đau nhói. Thái độ hung hăng và tàn ác ban chiều đối với con giờ làm anh khiếp hãi. Một nỗi hối hận ghê gớm làm cho tim anh như muốn vỡ ra. Anh thấy kinh tởm chính mình. Anh muốn gặp ngay con mình để ôm nó vào lòng và làm một cử chỉ gì đó để nó biết rằng cha nó đang ân hận vô cùng. Giờ nầy Thùy Dung đã ngủ hay chưa? Chắc chắn mông nó vẫn còn đau lắm vì hai roi mà anh đã đánh xuống hết sức mạnh và hết sức tàn nhẫn. Tại sao anh đã đánh con? Tại sao anh đã hành xử như một kẻ điên cuồng? Đôi mắt vừa khiếp hãi, vừa đau đớn của đứa con gái thân yêu hiện ra rõ mồn một trong bóng đêm. Tân nghe nhức nhối trong tận quả tim của mình.
Trên đường trở về nhà, mắt Tân không thôi nhìn ngược nhìn xuôi. Con đường dài hun hút chỉ còn có anh lầm lũi đi mà thôi. Qua khỏi Ngã Sáu, Tân đi như chạy trên đường Minh Mạng. Từ phía sau, có tiếng xe hơi rõ dần. Anh quay lui nhìn thì đúng lúc một chiếc xe Jeep quân sự thắng kít rồi dừng lại sát lề đường. Anh hiểu ngay đó là xe tuần tiểu của quân đội, và cảm thấy sắp bị rắc rối to.
Có tiếng quát sắc gọn:
- Đứng lại!
Một người từ trên xe nhảy xuống. Ánh đèn đường đủ sáng, soi lên chiếc lon thiếu úy. Anh ta tiếp tục quát to như để trấn áp tinh thần người đối diện:
- Có giấy tờ không, đưa xem.
Tân sờ vào túi quần. May quá, cái bóp vẫn còn trong đó. Anh rút ra một thẻ bằng bìa cứng, trao cho anh ta. Viên thiếu úy nhận lấy, rọi đèn pin lướt qua rồi nói:
- Thẻ giáo sư. Anh là giáo sư thực à? Giáo sư mà đi đâu trong giờ giới nghiêm? Tất cả các lớp học đêm đều đã mãn từ lâu rồi. Đi liên lạc với Việt cộng phải không?
Tân đứng im không nói gì. Anh ta hỏi tiếp:
- Có căn cước không?
Tân móc bóp lôi ra luôn hai cái thẻ khác đưa ra. Thiếu úy rọi đèn vào thẻ và nói to, gần như reo lên:
- À há! Trung úy biệt phái bộ giáo dục. Đi nhậu vui quá quên cả giờ về phải không trung úy? Hèn chi thở ra nghe toàn mùi bia. Không ai đưa trung úy về à?
Tân mỉm cười lắc đầu. Anh ta nói tiếp:
- Chiến hữu say cả rồi phải không?
Tân gật đầu. Anh hỏi:
- Nhà trung úy ở đâu?
Tân đáp:
- Ở đường Vườn chuối.
- Gần đây mà. Thôi, trung úy lên đây tôi đưa về. Đi lang thang giờ nầy, rủi bị tụi nhân dân tự vệ bắt nhốt thì khổ. Tụi nhóc con đó thì chẳng biết nể ai đâu.
Tân leo lên xe. Tài xế sang số và đạp ga, chiếc xe lao tới. Đến đầu con hẻm, Tân la lên:
- Tới nhà rồi, cho tôi xuống.
Viên thiếu úy hỏi:
- Nhà trung úy ở đâu?
Tân chỉ vào con hẻm:
- Bên trong kia.
- Có xa không? Để tôi cho xe vào.
- Cám ơn thiếu úy, gần thôi, tôi đi bộ vào cũng được. Chào thiếu úy và mấy anh em.
- Chào trung úy.
Chiếc xe vụt chạy. Tân bước vào con hẻm sáng lờ mờ. Mọi nhà đều tắt đèn, có lẽ người ta đã ngủ say. Anh bước vào hàng hiên của nhà mình, nhìn qua khe cửa thấy bên trong tối om. Anh nghe tim mình đập thình thịch và có cảm như mình là một phạm nhân đang về thú tội. Chốc nữa anh sẽ phải nói với Thùy Liên thế nào? Liệu nàng có tha lỗi cho anh không? Rồi Thùy Dung, con bé có giận và ghét cha nó hay không? Tân muốn đánh mình thật đau; đau gấp mười lần hai cây thước mà anh đã đánh vào mông con.
Đêm hoàn toàn yên tĩnh. Có lẽ Thùy Liên và bé Dung đang ngủ say. Anh áp tai vào cửa lá sách. Vẫn yên tĩnh. Trong bóng tối, Anh nghe lòng mình quặn thắt khi nhớ đến hai thước đánh mạnh vào tấm thân trần truồng của con bé. Lúc đó tại sao nó không khóc? Rõ ràng mặt nó tái xanh, mắt nó tròn xoe kinh hãi, hai tay ôm chặt lấy cổ mẹ!
Tân vẫn đứng yên trong bóng tối, hai tay ôm lấy mặt trong vài phút. Anh gõ nhẹ vào cửa mấy tiếng rồi im lặng lắng nghe. Anh hồi hộp chờ đợi tiếng guốc và ánh đèn sáng lên. Nhưng không có tiếng động nào cả, hoàn toàn vắng lặng và tối om. Có lẽ Thùy Liên còn giận anh. Hay là Thùy Liên đang sợ hãi vì không nghĩ anh về trong giờ giới nghiêm nầy.
Anh tiếp tục gõ và kê miệng vào lá sách gọi:
- Thùy Liên, Thùy Liên, anh về đây, cho anh vào.
Vẫn im lặng. Tân sờ dọc theo cửa và chạm vào ổ khóa to tướng. Anh bủn rủn, than thầm:
- Hai mẹ con khóa cửa đi rồi. Thùy Liên bế con đi đâu trong đêm khuya khoắt thế nầy?
Anh lần tay vào túi. May quá, chùm chìa khóa vẫn còn đây. Anh mở cửa bước vào nhà, bật đèn lên, chạy vội vào phòng. Chiếc mùng đã treo lên trên giường. Bên trong lớp mùng mỏng là cái giường trống trơn. Tân hốt hoảng chạy xuống bếp, bật tất cả đèn lên. Gian nhà nhỏ trống vắng một cách đáng sợ. Anh trở lên buồng ngủ nhìn sững nền gạch bông cạnh mép giường, nơi bé Thùy Dung đã ngồi và nhận hai roi thực mạnh vào cơ thể tội nghiệp của bé.
Anh thở dài, cố kềm nước mắt, trở ra nhà trước và xuống bếp tắt đèn rồi trở lên chui vào mùng. Trần mùng trắng mờ mờ trong bóng đêm. Những câu hỏi cứ lẩn quẩn trong đầu: “Bé đã hết đau vì hai roi đòn hay chưa? Hai mẹ con giờ nầy đang ở đâu? Hai mẹ con có giận và ghét mình hay không?”.
Anh vùng dậy, chạy ra trước, cố hình dung hai mẹ con đã trở về và đứng đợi trước thềm. Anh vội vàng vặn chìa khóa và đẩy cửa ra. Vắng lặng, hoàn toàn vắng lặng, mọi người đã ngủ yên, thành phố đang chìm sâu vào giờ giới nghiêm. Trên bầu trời những ngôi sao mờ nhạt, nhấp nháy như muốn chứng minh sự hiện của mình bên trên cái thành phố được hàng ngàn đèn đêm chiếu sáng. Anh thụt vào, khóa cửa lại, lên giường nằm im. Cuối cùng giấc ngủ cũng đến, nhưng là một giấc ngủ chập chờn, nặng nề, đầy mộng mị.
Tiếng gà gáy làm Tân giật mình thức giấc. Như một phản xạ trong cơn hoảng hốt, Tân chồm dậy bật đèn. Ánh sáng đến đột ngột chói lòa cả gian phòng trống. Đồng hồ chỉ bốn giờ sáng. Tân ngơ ngẩn tắt đèn, nhắm mắt lại nhưng không tài nào ngủ tiếp được. Anh lần mò xuống bếp, nấu nước pha cà phê. Công việc thực đơn giản nhưng anh cảm thấy hơi vụng về vì từ nhiều năm rồi, chính Thùy Liên làm mỗi buổi sáng. Lúc anh rửa mặt xong là đã có ly cà phê nóng trên bàn. Chỉ mới một đêm vắng bóng hai mẹ con mà gian nhà quen thuộc thân yêu trở nên hoang vắng một cách lạ lùng.
Anh ngồi hút thuốc, hết điếu nầy đến điếu khác cho đến khi tiếng xe cộ vang lên cùng những tiếng động khác từ ngoài đường phố vọng vào. Bầu trời bắt đầu rựng sáng, soi lờ mờ con hẻm nhỏ với nhiều người qua lại. Tân ráng đợi cho trời thực sáng tỏ rồi thay áo quần, khóa cửa lại và bước ra đường. Anh dừng lại trước nhà Bạch Mai. Cửa sắt vẫn còn đóng kín nhưng có ánh đèn rọi ra xuyên qua những khe hở bên trên và bên dưới. Anh nắm tay, đấm nhẹ vào cửa sắt và khẽ gọi:
- Anh Thế, Bạch Mai. Anh Thế, Bạch Mai. Mở cửa.
Có tiếng chân bước trên nền nhà và có tiếng Bạch Mai từ bên trong:
- Anh Tân đó phải không?
- Phải rồi. Bạch Mai cho tôi vào hỏi thăm một chút.
Có tiếng chìa khóa tra vào ổ rồi sau một tiếng “kít”, cánh cửa sắt hé mở. Bạch Mai nói vội:
- Mời anh vào.
Anh bước vào nhà, nhìn sâu xuống bếp, chẳng thấy ai cả, Anh thấy nỗi lo lắng và đau đớn dâng lên trong lòng. Bạch Mai hỏi:
- Anh đi đâu sớm vậy?
Anh quay lại nhìn sững Bạch Mai, hỏi với giọng ngập ngừng:
- Bạch Mai, hai mẹ con, Thùy Liên và Thùy Dung có bên nầy hay không?
Bạch Mai lắc đầu:
- Không có!
Tân tái mặt. Bạch Mai nói tiếp với giọng gắt gỏng:
- Anh cho em biết đêm rồi anh đã làm gì con bé rồi bỏ đi ngủ ở đâu? Anh đi đâu giờ nầy mới về phải không?
Tân trố mắt nhìn bạn mình vừa ngạc nhiên vừa thất vọng:
- Hai mẹ con không có bên nầy sao? Tôi ngủ một mình bên nhà, đợi sáng mới qua đây để tìm hai mẹ con.
Bạch Mai tiếp tục sừng sộ:
- Mai hỏi anh, tại sao anh đánh con bé? Nó có tội gì? Anh nói cho em nghe.
Tân vẫn há hốc nhìn Bạch Mai như phạm nhân nhìn quan tòa. Vừa lúc đó thiếu tá Thế bước ra, vỗ nhẹ vào vai vợ:
- Thôi đi cô, đừng hành hạ người ta nữa. Cứ trông nét mặt bơ phờ thì đủ biết anh Tân đã tự hành hạ mình suốt đêm rồi.
Thế quay sang Tân:
- Hai mẹ con khi đêm ở đây, hiện đang ngủ trên lầu trong cái phòng trống dành cho khách. Thức khuya quá, chắc giờ nầy còn ngủ say.
Tân thở ra một hơi dài, mừng rỡ:
- Cám ơn anh Thế.
Bạch Mai ngắt lời:
- Cám ơn một mình anh Thế thôi sao? Chính em đưa hai mẹ con về đây mà. Anh bỏ đi để hai mẹ con nằm mà chịu đựng sự lo lắng trong cái nhà trống vắng đó được sao?
Thiếu tá Thế chen lời vào để giải thích:
- Hồi hôm, khoảng mười giờ, Thùy Liên bế con sang đây tìm anh không có nên trở về nhà. Đến gần giờ giới nghiêm, Bạch Mai sốt ruột nên rủ tôi sang nhà để xem anh về chưa. Cửa khép hờ, chúng tôi đẩy vào thì thấy hai mẹ con đang ngồi khóc thút thít. Lúc đó bắt đầu giới nghiêm, chúng tôi nghĩ rằng anh không thể về được nên hối thúc Thùy Liên khóa cửa và đưa cả hai mẹ con sang đây.
Thế ngừng nói, ra đóng cửa sắt rồi quay lại nói:
- Anh Tân xuống bếp ngồi uống nước để đợi hai mẹ con dậy.
Anh theo anh Thế bước vào phòng trong, ngước mặt lên nhìn và đứng sững lại. Trên đầu cầu thang, Thùy Liên đang bế con chuẩn bị bước xuống. Nàng vỗ vào lưng bé, giọng mừng rỡ:
- Kìa, ba về kìa con.
Con bé trố mắt nhìn với vẻ vừa ngạc nhiên vừa vui sướng. Nó gọi:
- Ba, ba!
Tân phóng lên cầu thang. Con bé đưa hai tay ra. Thùy Liên trao con sang cho chồng. Tân ôm chặt con vào lòng, từ từ bước xuống cầu thang. Con bé sung sướng úp mặt vào vai cha.
Mọi người ngồi quanh bàn ăn. Thùy Dung ngồi trên đùi của Tân, tựa đầu vào ngực cha. Tân cúi xuống hôn vào mái tóc của con, giọng đầy xúc cảm:
- Dung, con có giận ba không?
Con bé ngước lên nhìn cha:
- Ba nói gì?
- Con có thương ba không?
- Có, con thương ba.
- Nhiều không?
- Nhiều.
Tân quay sang vợ, thấy mắt Thùy Liên ươn ướt như sắp khóc. Nàng hỏi nho nhỏ:
- Anh ngủ bên nhà mình, sáng mới qua đây phải không?
Tân gật đầu, Thùy Liên hỏi tiếp:
- Anh về lúc nào? Khi bắt đầu giới nghiêm, mẹ con em theo anh chị Thế ra khỏi nhà và qua đây.
- Anh về sau giờ giới nghiêm một lúc. Đang đi lang thang trên đường Minh mạng thì bị xe tuần tiểu của quân đội bắt gặp. May mà anh có mang đủ giấy tờ nên họ cho anh lên xe và chở về nhà.
- Nhưng anh đi đâu đến quá giờ giới nghiêm vậy?
- Anh đi lang thang vào tận Chợ lớn, đến quán ông Lương Ký, ngồi uống bia một mình, thì giờ trôi qua mà không hay, giới nghiêm sớm hơn cũng không biết.
- Nhưng tại sao anh lại bỏ đi lang thang như vậy?
Tân cúi đầu thở dài nhè nhẹ:
- Vì anh hối hận đã đánh con; anh không hiểu tại sao anh có thể đánh con một cách tàn ác như vậy? Thùy Liên, em trách anh lắm phải không?
Thùy Liên lấy khăn chặm vào mắt mình:
- Không, em không trách anh đâu vì em hiểu anh.
Tân lắc đầu:
- Cám ơn em; nhưng anh thực đáng trách, đáng bị trừng phạt.
Thùy Liên nhìn chồng một cách dịu dàng:
- Không, em không trách anh đâu. Em biết đầu óc anh thường bị căng thẳng vì những tin tức chiến sự hàng ngày, Cứ mỗi lần có một trận đánh lớn ở đâu đó, với nhiều người chết của bất cứ bên nào, anh cũng tỏ ra đau đớn.
Bạch Mai chen vào:
- Thùy Liên nói đúng đó. Anh Tân có tâm hồn nhạy cảm. Ngay từ lúc còn hoạt động cho Việt cộng, tôi đã thấy được sự nhạy cảm đó, dù lúc bấy giờ tôi còn nhỏ và chỉ mới quen biết với anh Tân thôi. Trong khi những cán bộ khác thì luôn luôn tỏ ra cứng rắn và hừng hực khí thế căm thù thì trong đôi mắt của anh Tân, có một cái gì đó vừa dịu dàng, vừa xót xa. Với tính cách như thế, anh Tân làm thế nào mà theo cộng sản cho đến cùng được.
Thiếu tá Thế cười khà khà:
- Có tâm hồn nhạy cảm làm chi cho khổ. Cứ như anh em chúng tôi đây. Hô đánh thì đánh cho ra trò, hô nghỉ thì cho thỏa thích. Chiến tranh là một số phận đã an bài cho mình và cho dân tộc mình; phải chấp nhận một cách vui vẻ và tham gia một cách thản nhiên cho đến mãn cuộc. Đó là cái triết lý sống thích hợp nhất cho người đàn ông trong thời buổi loạn ly. Nhưng bây giờ anh Tân đã trở về với đời sống dân sự chứ đâu còn tham gia vào chiến tranh nữa.
Thùy Liên đáp lời:
- Em biết anh Tân không đau khổ vì mình phải tham gia vào chiến tranh mà đau khổ vì số phận của cả dân tộc mình phải chịu đựng cuộc chiến nầy. Vì vậy, khi chính mình phải trực tiếp chịu nỗi khổ của chiến tranh cùng với bao nhiêu người khác thì anh Tân lại cảm thấy ít đau xót hơn là khi từ giã vũ khí và đứng ở nơi bình yên để nhìn người khác chịu đựng. Em đã gặp anh Tân trong cả hai trạng thái khác nhau đó. Lúc anh đang là chiến sĩ và đang bị hành hạ vì vết thương mà kẻ thù gây ra, em thấy anh Tân bình thản và hồn nhiên hơn khi được giải ngũ và về sống bên lề cuộc chiến. Em đã chứng kiến đầy đủ hai giai đoạn sống đó của anh Tân nên em rất hiểu những gì xảy ra trong tâm hồn của anh.
Tân quay sang vỗ nhẹ vào bàn tay của vợ đặt trên bàn:
- Cám ơn em. Em nói như một nhà tâm lý học lành nghề.
Thùy Liên tỏ ý vui thích và phấn khởi vì lời khen của chồng. Nàng nói với Bạch Mai:
- Chiều hôm qua nghe anh Thế nói về cuộc hành quân khủng khiếp trong vùng rừng núi Hạ Lào, em để ý thấy anh Tân đã tỏ ra xúc động mãnh liệt; rồi tới khi nghe anh Thảo bị mất liên lạc thì em thấy ngay sự xúc động đã vượt quá mức chịu đựng trong lòng anh. Em cảm thấy tâm hồn anh như một quả bóng căng cứng, chưa biết làm cách nào để cho xẹp xuống.
Thùy Liên quay sang nhìn con, miệng mỉm cười mà mắt rơm rớm:
- Chính con bé nầy đã làm cho quả bóng đó xẹp xuống với cái giá phải trả là hai roi đau điếng vào cái mông phinh phính và tội nghiệp của nó.
Tân cúi xuống nhìn mái tóc của con nhưng nói với vợ:
- Thùy Liên. anh xin lỗi em. Anh hứa không bao giờ đánh đòn con mình nữa. Bắt một đứa bé làm nạn nhân cho một sự đau xót hay tức giận của mình là một điều bất nhân.
Thiếu tá Thế nói với giọng hòa giải:
- Thôi, thế là tốt rồi. Tôi xin làm chứng cho lời hứa của anh Tân. Bây giờ thì vợ chồng con cái vui vẻ đi nhé. Tôi khuyên anh Tân cứ xem cuộc chiến như là một cái cộng nghiệp mà nhân dân mình phải chung chịu. Có lẽ trước đây ông cha mình đã tạo nên một cái nhân xấu nên ngày nay con cháu phải nhận lấy cái quả tồi tệ nầy. Cộng sản chính là người nhận nhiệm vụ bưng cái quả tồi tệ đó trút lên đầu nhân dân Việt Nam. Cứ nghĩ như thế thì mình sẽ an lòng chấp nhận tất cả cho đến khi cái nghiệp chấm dứt và cái quả tiêu tan.
Tân gật đầu:
- Tôi xin nghe lời anh Thế. Đó có lẽ là thái độ tốt nhất để mỗi người đối phó với cuộc chiến tranh dai dẳng nầy.
Thế nói thêm:
- Còn đối với anh Thảo thì anh cũng chớ quá bi quan. Trong cuộc chiến tranh nầy cũng như bao nhiêu cuộc chiến khác, chuyện mất liên lạc là điều vẫn thường xảy ra. Tôi vẫn hi vọng rồi trung tá Thảo sẽ cùng đơn vị rút về một cách bình yên. Nhưng nếu….
Bạch Mai vội ngắt lời:
- Thôi anh ạ. Anh hi vọng sự bình an cho anh Thảo, thế là tốt rồi. Anh đừng nói thêm cái “nhưng nếu” của anh nữa, em sợ lắm.
Thế cười xuề xòa:
- Thế thì thôi, chúng ta hãy thành khẩn cầu chúc sự bình an cho anh Thảo. Bao nhiêu tấm lòng thành ở đây chắc đủ để đem lại sự may mắn cho con người đáng quí đó.


*
* *


Sự sống trở lại bình thường trong căn nhà nhỏ của Tân và Thùy Liên. Cuộc hành quân Hạ Lào chấm dứt mà không đạt được kết quả nào rõ rệt, cả hai bên đều bị tổn thất rất nặng. Phía Việt Nam Cộng hòa bị tổn thất vì pháo binh của Việt cộng. Phía bên kia thì có nhiều người bỏ mạng vì những đợt oanh kích dữ dội của phi cơ. Trong những cánh rừng già, xác chết rải rác khắp nơi, cái thì được chôn vội vã trong những huyệt cạn và sơ sài, cái thì không kịp chôn nằm chơ vơ trên nền đất lạnh.
Thiếu tá Thế cố gắng liên lạc khắp nơi để hỏi thăm tin tức trung tá Thảo. Cuối cùng, bộ tư lệnh sư đoàn biệt động quân cho hay trung tá Thảo đã dẫn được tiểu đoàn băng rừng trở về căn cứ Khe sanh, mang theo một số người bị thương. Những đồng đội đã chết thì được chôn cất tử tế, mộ mỗi người được đánh dấu và được ghi vào sổ cẩn thận để sau nầy khi tan giặc rồi thì sẽ đi tìm. Trung tá Thảo đã trao lại cho bộ tư lệnh sư đoàn tất cả những điều ghi chép đó, cùng tiền bạc và kỷ vật của mỗi người để gửi về cho thân nhân của họ.
Nhận được tin nầy, thiếu tá Thế vô cùng mừng rỡ. Để cho có một bằng chứng thực cụ thể cho tin vui nầy, anh nài nỉ xin bộ tư lệnh sư đoàn thông báo cho trung tá Thảo gởi thư về ngay. Gần một tuần sau Thế nhận được thư của Thảo. Buổi chiều, Bạch Mai gọi Tân và Thùy Liên sang. Thiếu tá Thế đọc thư cho mọi người nghe.

Quảng trị ngày….
Các anh chị thân mến,
Sáng nay, tôi được anh liên đoàn trưởng gọi lên bảo rằng thân nhân của tôi yêu cầu tôi gửi thư gấp về báo cho gia đình biết đã bình yên trở về từ địa ngục Hạ Lào. Tôi nói rằng tôi chẳng có thân nhân nào ở miền Nam. Tôi chỉ còn một người em gái đang ở ngoài miền Bắc, không biết lưu lạc tỉnh nào. Không lẽ em tôi đã trốn được vào Nam. Mà nếu đúng thế thì làm sao cô ấy biết tôi là liên đoàn phó biệt động quân và vừa thoát chết trong trận Hạ Lào? Tôi vừa nói xong thì anh liên đoàn trưởng nhất định bảo rằng tôi có thân nhân ở Sài gòn và đang làm việc tại tổng tham mưu, khối chiến tranh chính trị.
Tôi chợt hiểu và rất xúc động. Anh Thế, chị Bạch Mai, anh Tân, chị Thùy Liên! Các anh chị chính là thân nhân của tôi chứ không còn ai khác nữa. Ở miền Nam tự do và đầy đau khổ nầy, tôi vẫn còn có những người thân yêu đang lo lắng cho cái sinh mạng mong manh của tôi ngoài chiến trường và chắc chắn sẽ nhỏ những giọt nước mắt cực kỳ quí báu khi nghe tin tôi ngã gục dưới lằn đạn của quân thù! Cám ơn các anh chị đã cho tôi niềm an ủi vô biên.
Anh Thế ở tổng tham mưu có lẽ đã theo dõi cuộc hành quân ở Hạ Lào. Đó là cuộc hành quân tồi tệ nhất trong những cuộc hành quân mà tôi đã từng tham dự. Cộng quân gần như nắm lấy trận địa, dồn chúng ta vào thế bị động. Ngay phút đầu tiên, một tiểu đoàn của tôi đã rơi vào ổ phục kích của quân thù rồi sau đó lại rơi vào vùng xạ kích chính xác của pháo binh Việt cộng, làm toàn thể bộ chỉ huy tiểu đoàn tan nát tức thì. Các đại đội trưởng tự động dắt các đại đội ra khỏi trận địa pháo và báo về liên đoàn. Lập tức, liên đoàn cử tôi vào đưa tiểu đoàn ra khỏi chỗ nguy hiểm.
Trực thăng đưa tôi vào chiến trận. Tôi tập họp được các đại đội thì có lệnh đi giải vây cho một tiểu đoàn bộ binh bị chúng nó bao vây ở một thung lũng bên kia dãy núi. Chúng tôi bò lên núi và từ trên đánh xuống, tiểu đoàn bị vây từ bên dưới đánh lên làm cho Việt cộng bỏ chạy tán loạn. Khi hai tiểu đoàn giáp mặt với nhau, mấy sĩ quan của tiểu đoàn bộ binh ôm chầm lấy chúng tôi, có người rơi nước mắt. Thực là cảm động.
Sau đó, tôi xin bộ tư lệnh hành quân cho trở lại nơi tiểu đoàn đã bị pháo để đưa xác các anh em còn nằm trong đó ra chỗ nào trống trải để trực thăng chở về. Trong số những người đã nằm xuống tại đó có thiếu tá tiểu đoàn trưởng và đại úy tiểu đoàn phó. Tôi nghĩ rằng bấy giờ đó là khu an toàn vì sau khi tiểu đoàn mình rút đi thì Việt cộng cũng quay mũi pháo của chúng về hướng khác. Nhưng tôi đã lầm. Khi chúng tôi trở lại lom khom cuộn các xác chết của đồng đội vào poncho, chưa kịp cột chặt thì những quả đạn pháo dội vào. Một trong những quả đạn rơi trúng ngay binh sĩ mang máy truyền tin. Anh ta chết ngay và cái máy bị tan tành. Tôi cố dùng máy vô tuyến của các đại đội để liên lạc về bộ chỉ huy mà không được nên đành phải tự lo liệu lấy.
Tôi cho tiểu đoàn rút nhanh ra khỏi mục tiêu tác xạ của địch và xuống ẩn núp dưới đáy thung lũng. Thế là, chẳng những không mang được xác anh em mà còn bỏ lại thêm vài anh em khác nữa. Tôi vừa buồn, vừa phẫn uất. Tôi gọi các đại đội trưởng đến để cho biết tình hình đơn độc của tiểu đoàn. Tất cả mọi người đều đồng ý nhắm hướng Đông để rút về lãnh thổ Việt Nam. Kể từ giờ phút đó, chúng tôi không còn được pháo binh và không quân của mình yểm trợ nữa, nhưng chúng tôi không sợ. Đạn dược vẫn còn đầy đủ vì chỉ mới đụng với Việt cộng vài lần và lần nào chúng cũng chạy dài. Cộng thêm với số đạn của các anh em đã ngã xuống thì mỗi người còn sống mang hơn một cấp số đạn qui định cho mỗi lần hành quân.
Chúng tôi không sợ đụng địch, trái lại còn mong gặp bộ binh của chúng để choảng nhau một trận cho đã cơn giận. Ngoài chiến trường, không có gì bực tức cho bằng phải nằm co rút hứng chịu những quả đạn pháo từ trên trời rơi xuống mà chẳng thấy quân địch ở đâu.
Tuy nhiên, mọi người đều muốn, trước khi rút lui về biên giới cần phải trở lại chôn cất anh em đã hi sinh cho tử tế, nếu không chúng tôi sẽ ân hận suốt đời. Nhưng cần đề phòng địch pháo kích khi ta vừa xuất hiện ở đó. Nhưng tại sao địch có thể pháo một cách chính xác đúng chỗ và đúng thời gian như thế? Không cần phải suy nghĩ nhiều, chúng tôi đoán là chung quanh đây địch đã đặt ít nhất một điểm quan sát bằng ống nhòm. Vì vậy chúng tôi không vội trở lại mà cho các đại đội phân tán đi lùng sục những chỗ nghi ngờ. Kết quả là đại đội Một bắn hạ được một trinh sát của Việt cộng. Chỉ cần một phát súng của trung sĩ Khải, thiện xạ viên của sư đoàn là thằng trinh sát từ trên đọt cây cao rớt xuống như một trái mít rụng. Chúng tôi tiếp tục lùng sục cho đến tối thì nghỉ đêm lại trong rừng già.
Hôm sau, tôi cùng một đại đội trở lại chỗ cũ. Mất trinh sát nên pháo của địch cũng ngưng hoạt động. Chúng tôi ra sức đào một dãy huyệt và chôn cất những tử sĩ theo thứ tự của cấp bậc. Đến trưa thì công việc hoàn tất. Khi tôi hô anh em đứng nghiêm bắt súng chào vĩnh biệt các đồng đội xấu số của mình thì trung úy Thành đại đội trưởng quăng súng xuống đất, bước đến ôm chầm lấy ngôi mộ của tiểu đoàn trưởng, úp mặt xuống khóc nức nở. Sau một vài giây bàng hoàng, cả đại đội cũng làm như trung úy Thành. Tôi lặng người đứng yên. Trước mắt tôi, tất cả mọi người, tất cả những nấm đất sơ sài, tất cả núi rừng hoang vu nhòe đi sau làn nước mắt.
Tôi tập họp tiểu đoàn lại và dùng la bàn, nhắm hướng Đông tiến tới. Trong ngày, nhiều lần, chúng tôi nghe tiếng phi cơ xuyên qua tàn lá của rừng già. Thỉnh thoảng, chúng tôi nhận ra các phản lực cơ vụt qua, tiếp theo những tiếng nổ đùng đùng của bom cứ dội từ vách núi nầy sang vách núi khác, hồi lâu mới chấm dứt.
Sau bốn ngày vượt suối trèo non, xuyên qua những đỉnh núi cao và những thung lũng sâu thì chúng tôi gặp một toán địa phương quân. Lúc đó chúng tôi mới biết rằng mình đã vượt qua biên giới khá xa và đang đứng trên quê hương yêu dấu của mình. Bốn ngày qua chúng tôi đã mò mẫm đi như những thằng mù. Chúng tôi có mang theo mình bản đồ tỉnh Sa van na khét của Lào và tỉnh quãng trị của ta. Tuy nhiên, những bản đồ nầy quá sơ sài và không chính xác vì đây là vùng rừng núi vô cùng hiểm trở. Bản đồ lại thiết lập từ thời Pháp thuộc, vùng hành quân nằm trên lãnh thổ Lào nên nha Địa dư của mình đâu có dịp để điều chỉnh. Vì vậy có bản đồ trong tay cũng như không có. Dù sao chúng tôi cũng trở về được an toàn. Nghĩ cũng đáng giận, đánh đấm chưa ra chi mà thiệt mất mười anh em, có cả bộ chỉ huy tiểu đoàn. Thực là tai hại.
Hiện nay chúng tôi đang đóng ở gần thị xã Quảng trị để dưỡng quân. Áp lực của cộng quân ở vùng hỏa tuyến đang rất nặng nề, vì vậy chắc chắn tôi vẫn phải ở lại đây cùng với liên đoàn. Nếu có dịp trở vào Sài gòn, tôi sẽ đến thăm các anh chị ngay. Ở miền Nam nầy, còn ai thân thiết với tôi hơn anh Thế, anh Tân, chị Bạch Mai, chị Thùy Liên và các cháu đáng yêu.
Xin kính chúc sức khỏe bác Tư và mọi người.
Bạn thân của các anh chị,
Trung tá Đoàn Thạch Thảo.

Thiếu tá Thế đặt lá thư xuống bàn, mọi người đều im lặng, vừa mừng rỡ, vừa xúc động. Thế đứng dậy, bước đến chiếc tủ gỗ ở góc phòng lôi ra một chai Martel. Anh trở lại đặt chai rượu xuống bàn và nói:
- Anh Tân có nhớ trong phim “Longest Day”, ông tướng Đức có một chai rượu quí để dành cho một dịp lớn là ngày toàn thắng. Tôi bắt chước ông ấy cũng để dành chai rượu nầy cho một dịp lớn. Hôm nay được thư của anh Thảo, tôi xem như dịp lớn vừa đến, anh em mình khui ra uống một phần, phần còn lại để dành cho anh Thảo.
Bạch Mai cười:
- Không biết khi anh Thảo có dịp về đây thì chai rượu nầy còn một giọt nào hay không.
Thiếu tá Thế trả lời ngay:
- Không sao. Cuối tháng nầy lãnh lương xong tôi mua một chai khác để vào tủ dành đón anh Thảo về thăm hay cho một dịp lớn khác cũng được.
Chai rượu được khui ra và Tân uống cho đến lúc chếnh choáng say mới ra về.



Bạch Mai bước vào nhà và đi thẳng xuống bếp, thấy Thùy Liên đang ngồi trên ghế, Thùy Dung đứng kế bên lấy tay xoa lên bụng mẹ.
- Thùy Liên mới đi làm về phải không?
Thùy Liên ngẩng lên, mừng rỡ:
- Chị Mai. Dạ, em mới đi làm về. Chị lên nhà ngồi chơi, em lấy nước chị uống.
Bạch Mai xua tay:
- Không, không. Chị phải về ngay để làm cơm, mấy cha con sắp về rồi. Sáng nay mua được con cá chim thực to và ngon quá, chị đem về chiên, cắt một phần mang sang đây.
Bạch Mai trao quà cho Thùy Liên rồi bế Thùy Dung lên, hôn đánh chụt một cái thực to vào cái má phinh phính của bé. Nàng hỏi Thùy Liên:
- Cháu đã đầy ba năm chưa nhỉ?
- Dạ, được ba năm rồi.
- Ừ tôi nhớ rồi, nó là tuổi con khỉ, sinh năm Mậu thân, ngay sau khi ba nó bị tái ngũ và được biệt phái về dạy lại.
Bạch Mai quay sang thấy Thùy Liên đứng dậy và nặng nề đến cũi để cất đĩa cá. Nàng hỏi:
- Chừng nào Thùy Dung có em?
Thùy Liên quay lại cười:
- Dạ, có lẽ còn đúng một tháng nữa.
- Bụng Liên to lắm rồi đó. Tại sao không xin nghỉ để chuẩn bị sinh.
- Dạ em tính cố đi làm thêm nửa tháng nữa để sau khi sinh được nghỉ lâu hơn. Công việc của em trong tổng y viện cũng nhẹ nhàng, các anh chị trong phòng lại dành làm hầu hết việc nên em vào đó thì cũng ngồi nghỉ trong phần lớn thời gian.
- Hai bác ở Cần thơ có khỏe không? Kỳ nầy Thùy Liên sinh, bác gái có lên để nuôi như kỳ trước không?
- Dạ, ba em yếu lắm nhưng má em còn khỏe. Má em dự định lên với em trong một tháng thôi rồi về săn sóc ba em. Chị Hai gửi thư bảo rằng đã tìm được một người giúp việc tin cậy được, vài hôm nữa thì đưa lên.
- Có người giúp việc thì tiện lắm nhưng thêm một món chi tiêu không phải là nhỏ.
- Không sao chị ạ, anh Tân vừa nhận thêm một số giờ trường tư nên việc chi tiêu của chúng em cũng khá thong thả. Có điều, thấy anh Tân phải dạy nhiều, em xót ruột lắm. Mấy năm rồi, tối nào sau bữa cơm, hai cha con cũng ngồi đùa giỡn với nhau làm cho nhà cửa rộn ràng vui vẻ. Bây giờ, anh Tân phải dạy thêm buổi tối. Đèn bắt đầu bật lên là con bé ra ngồi trên bệ cửa nhìn ra đường. Thỉnh thoảng, em bế nó vào chơi được một lát rồi nó lại ra ngóng ba nó. Nhìn nó ngồi im chờ đợi, trông thấy thương đến chảy nước mắt. Anh Tân về, mặt mày bơ phờ vì mệt nhọc, dựng xe ngay ngoài trước, con bé nhào ra, anh bế con chặt vào lòng, hôn hít một lúc mới trao con cho em để đưa xe vào nhà. Có lần thấy hai cha con như thế, em xót ruột quá, bảo anh ấy trả giờ lại để ở nhà chơi với con nhưng anh lắc đầu bảo rằng phải đi dạy để có thêm tiền lo cho đứa con thứ hai. Vả lại, đồng tiền mất giá liên tục, mức đắt đỏ không ngừng gia tăng. Đó là kết quả tất yếu của cuộc chiến tranh mỗi ngày thêm ác liệt. Nghe anh ấy nhắc đến chiến tranh, em không dám bàn thêm nữa. Từ cái hôm xảy ra sự việc liên quan đến cuộc hành quân ở Hạ Lào, em tránh nhắc đến cuộc chiến vì sợ anh ấy lại đau xót đến mất thăng bằng về tâm lý.
Bạch Mai gật đầu:
- Thùy Liên nghĩ như vậy là đúng. Anh Tân là loại người đa cảm. Số phận lại xô đẩy anh ấy vào những hoàn cảnh phải chứng kiến những cảnh đau lòng do cuộc chiến gây ra. Tâm hồn anh ấy bị thương tổn quá nhiều. Nhờ có Thùy Liên rồi đến bé Thùy Dung mà những vết thương đó được lành lặn.
Thùy Liên chớp mắt tỏ vẻ cảm động:
- Cám ơn chị đã khen em. Nhưng em biết những vết thương ấy chưa lành hẳn đâu. Chiến tranh vẫn còn đó thì những vết thương trong tâm hồn anh Tân vẫn chưa lành và chúng có thể sẽ rỉ máu ra lúc nào không biết.
- Thôi thì cứ để anh ấy lao vào dạy học kiếm tiền thì cũng tránh được phần nào những giây phút ray rứt vì chiến tranh. Thôi, chào em. Giờ nầy, có lẽ hai cha con đã về đến nhà rồi.
- Dạ, chị về. Một lần nữa, em cám ơn chị. Gia đình em thực may mắn được sống gần chị.
Bạch Mai cúi xuống hôn bé Thùy Dung rồi bước ra khỏi nhà. Thùy Liên nhìn theo và nghĩ thầm:
- Con người như thế nên anh Tân thầm yêu trong bao nhiêu năm cũng phải!


*
* *

Mọi việc diễn ra đúng như dự tính. Nửa tháng sau khi xin phép nghỉ hộ sản thì Thùy Liên sinh được một bé trai. Vì đã dự định trước từ lâu nên Tân đặt ngay tên con là Hòa Bình. Anh nói với vợ:
- Thùy Dung là tất cả lẽ sống của anh, còn Hòa bình, em nó, là tất cả lòng mong ước của anh cho đất nước của mình.
Thùy Liên mỉm cười:
- Còn riêng em thì chẳng là cái gì của anh cả.
Tân đưa cả hai tay áp vào mặt vợ. Đó là cử chỉ yêu thương đậm đà của Anh. Anh nói một cách tha thiết:
- Không, em là tất cả nguồn an ủi của anh, là nơi dừng chân lý tưởng của cuộc đời đầy sóng gió của anh.
Sau khi Thùy Liên và em bé từ nhà bảo sanh về, gian nhà nhỏ trở nên quá chật hẹp. Vì vậy, chị Hai lên thăm vài bữa rồi trở về Cần thơ với chồng con. Mẹ Thùy Liên còn ở lại đến đầy tháng thằng cháu ngoại. Cuối cùng, chỉ còn chị Bảy giúp việc cùng với gia đình Tân.
Chị Bảy là một người đàn bà đã lớn tuổi, không chồng không con, quê mùa và vụng về, nhưng tính tình hiền lành, luôn luôn tỏ ra cố gắng làm theo ý muốn và sự chỉ bảo của Thùy Liên. Thùy Liên lại dễ tính nên không khí gia đình cũng vẫn vui vẻ và đầm ấm.
Thùy Dung tuy mới lên ba nhưng đã tỏ ra thương yêu em bé rất nhiều. Kể từ khi có bà ngoại ở quê lên, Thùy Dung được ở nhà không phải đi nhà trẻ. Đó thực sự là một hạnh phúc cho một đứa bé được sinh ra trong một gia đình tràn ngập yêu thương. Lúc Thùy Liên còn trong nhà bảo sanh, Thùy Dung được cha cho vào thăm một lần vào buổi chiều. Nó trân trân nhìn em bé một cách ngạc nhiên. Hồi lâu nó hỏi mẹ:
- Sao em bé nhỏ vậy hả mẹ?
Thùy Liên mỉm cười:
- Vì em bé mới được sinh ra.
- Rồi em bé có lớn như con không?
- Có chứ. Em bú mẹ thì lớn như con vậy.
Nó đưa tay nhè nhẹ nắm lấy tay em bé rồi hỏi tiếp:
- Em bé trong bụng mẹ chui ra phải không?
- Phải.
- Làm sao em chui ra được?
Thùy Liên ấp úng không biết trả lời thế nào. Tân sửng sốt nhìn con, còn cô y tá bụm miệng cười. Không thấy mẹ trả lời , bé nói tiếp:
- Em bé đưa tay cởi nút áo của mẹ rồi chui ra phải không mẹ?
Cô y tá vội bế Thùy Dung lên la to:
- Đúng rồi, bé nói đúng rồi, em bé thò tay cởi nút áo của mẹ và chui ra. Em bé tài thật và cháu cũng thông minh lắm. Lúc trước cháu cũng cởi nút áo và chui ra khỏi bụng mẹ, phải không nào?
Thùy Dung nhìn sững cô y tá một lúc rồi gật đầu. Cô quay lại nói với Thùy Liên:
- Con bé nầy mặt mày sáng rỡ và giàu tưởng tượng lắm, lớn lên học giỏi không một đứa bé nào bì kịp.
Cô đặt Thùy Dung xuống, dặn dò Thùy Liên đôi điều rồi bước ra ngoài. Thùy Liên ôm chặt con gái hôn tới tấp vào mặt nó trước khi bé từ giã để ra về với cha.
Sau ngày đầy tháng Hòa Bình, bà ngoại về quê nên Thùy Dung phải trở lại nhà giữ trẻ. Nó khóc thét để phản đối và nhất định ở nhà với mẹ và em bé. Nó khóc đến lạc giọng nên Tân đành phải để bé ở nhà và dặn chị Bảy trông nom cẩn thận. Thực ra Thùy Dung rất ngoan, chẳng phải trông nom gì nhiều. Gần như suốt cả ngày, bé quanh quẩn bên giường của mẹ.
Hết hạn nghỉ hộ sản, Thùy Liên phải trở lại tổng y viện để làm việc, Tân buộc phải gởi Thùy Dung vào nhà trẻ vì chị Bảy không thể trông nom cùng lúc hai đứa trẻ từ sáng đến chiều.
Trong ngày, nhân lúc vắng khách, Bạch Mai thường chạy sang thăm hỏi, nhắc nhủ, chỉ vẽ chị Bảy nhiều điều, nhờ thế vợ chồng Tân đi làm cũng được yên tâm.

Thấm thoát, Hòa Bình được một năm. Ít bệnh hoạn nên bé khỏe mạnh và lớn nhanh. Mới đầy năm mà bé đi đứng thực vững vàng. Trong ngày kỷ niệm một năm của bé, vợ chồng Tân chỉ mời gia đình Bạch Mai mà thôi.
Mấy hôm rồi, Tân tỏ ra rất phấn khởi vì tin tức về hòa hội Paris. Anh nói với vợ:
- Thằng Hòa Bình ra đời được một năm thì có dấu hiệu hòa bình cho đất nước.
Thùy Liên góp ý để tăng thêm nỗi vui cho chồng:
- Miền Nam sắp hết đau khổ rồi. Nghe nói Mỹ cũng tuyên bố ngưng oanh tạc miền Bắc để tỏ thiện chí hòa giải. Thế là nhân dân miền Bắc được chấm dứt đau khổ.
Nghe vợ nói, Tân mỉm cười, nét mặt vô cùng rạng rỡ.
Trong bữa tiệc đầy năm của Hòa Bình, mọi người xoay quanh đề tài hòa hội Paris. Trái với nỗi vui mừng của Tân, thái độ của thiếu tá Thế không có vẻ gì phấn khởi. Anh nói:
- Hai phía chỉ mới đồng ý ngồi vào bàn để thảo luận thôi. Từ đây cho đến khi ngưng chiến thực sự cũng còn gay go lắm. Đến khi ngưng chiến rồi thì vấn đề tiếp theo sẽ ra sao? Tình hình sẽ hết sức bấp bênh, còn bấp bênh hơn cả sau hiệp định Genève năm 1954 nữa.
- Tại sao vậy?
- Tại sao à? Rất dễ hiểu. Trước khi ký hiệp định Genève, cộng sản Việt Nam còn yếu thế, dù mới thắng Pháp được một trận Điện biên phủ. Lúc đó chúng chưa có một lãnh thổ an toàn. Những vùng núi non và đồng bằng mà chúng chiếm được thực ra chưa được ai công nhận và luôn luôn bị sự đe dọa của quân đội Pháp và quân đội quốc gia. Bây giờ thì chúng mạnh hơn nhiều, có cả một quốc gia được nhiều nước công nhận, quân đội gồm đủ hải lục không quân với đầy đủ khí giới tối tân được Liên xô và Trung cộng chở sang một cách ồ ạt và tự do. Chúng có nguyên miền Bắc và một phần ba lãnh thổ miền Nam. Rõ ràng chúng đã mạnh hơn năm 1954 nhiều nên không thể nào từ bỏ mưu đồ thôn tính toàn thể Việt Nam được. Với mưu đồ đen tối đó của Việt cộng, chúng ta khó có thể yên ổn được với chúng.
Tân cố bám lấy hi vọng hoà bình của mình:
- Tôi nghe họ chủ trương hòa giải hòa hợp dân tộc. Họ muốn ngồi lại với chúng ta để thảo luận biện pháp đem lại hòa bình cho đất nước.
Thiếu tá Thế mỉm cười:
- Anh còn tin được miệng lưỡi của cộng sản hay sao? Những ý nghĩ của chúng trong đầu và những gì nói ra nơi miệng hoàn toàn không liên quan gì với nhau. Nếu chúng thành thực nói ra cái điều chúng suy nghĩ thì chúng không còn là người cộng sản nữa.
- Theo anh thì người cộng sản không có thực tâm hòa hợp hòa giải dân tộc?
- Không, trăm ngàn lần không. Đối với cộng sản, đảng là độc tôn; đó là điều không thể sai chạy được. Đảng nắm tất cả chân lý. Tất cả mọi thứ không do đảng đều là sai. Chỉ có một con đường duy nhất là theo mệnh lệnh của đảng thôi. Như thế, anh bảo có chỗ nào để mà hòa hợp những quan điểm khác nhau trong dân tộc?
- Nhưng tại sao họ lại chịu đưa người đến Paris để bàn việc xúc tiến một hội nghị hòa bình?
- Đó chỉ là một chiến thuật trong mưu đồ thôn tính miền Nam của chúng. Cái trở ngại to lớn mà chúng muốn phá bỏ, chính là sự hiện diện của lính Mỹ ở miền Nam nầy. Từ vài năm nay, cả nước Mỹ đều chán ngấy cuộc chiến tranh dai dẳng ở Việt Nam rồi. Người ta bảo Mỹ đã sa vào vũng lầy Việt Nam và mong muốn rút ra khỏi vũng lầy đó mà không mất mặt quá đáng. Một hiệp định đình chiến là dịp để Mỹ thực hiện điều mong muốn đó.
- Như vậy thì đây đâu phải là một hòa hội?
- Thực chất không phải là hòa hội nhưng tên đặt của nó vẫn là hội nghị hòa bình.
- Nhưng biết đâu nó sẽ kết thúc được chiến tranh Việt Nam.
Giọng Thế trở nên chua chát một cách bất thường:
- Anh nói nó kết thúc thế nào? Đây là cuộc chiến tranh xâm lược của cộng sản và cuộc chiến đấu tự vệ của miền Nam. Vậy thì chiến tranh chỉ có thể kết thúc bằng một trong hai trạng huống sau đây. Thứ nhất là cộng sản thua và buộc phải lui về bên kia bờ Bến hải. Thứ hai là chúng ta đại bại và cộng sản chiếm nốt miền Nam.
- Thế thì việc gì chúng ta phải đi dự cái hội nghị láo lếu đó.
- Chúng ta không thể từ chối được vì áp lực của dư luận thế giới. Cuộc chiến tranh dai dẳng và ác liệt nầy đã gây xúc động cho hầu hết các dân tộc trên hành tinh. Thế giới muốn nghe nói cuộc chiến chấm dứt mà không cần biết đến thân phận của người dân miền Nam sẽ thế nào sau đó. Nếu chúng ta không dự hòa hội có nghĩa là chúng ta từ chối tham gia thảo luận để chấm dứt chiến tranh. Và như thế chúng ta sẽ bị cô lập về chính trị ngay lập tức. Đó là lý do thứ nhất.
- Còn lý do thứ hai?
- Người Mỹ đã hi sinh cho chúng ta thực nhiều, kể cả tiền bạc lẫn sinh mạng. Chúng ta hết sức biết ơn nước Mỹ và nghiêng mình thành kính tri ân những quân nhân Mỹ đã bỏ mình vì nền tự do của nhân dân miền Nam Việt Nam. Đối với một đất nước cách chúng ta nửa vòng trái đất thì sự hi sinh đó quả thực là vô cùng to lớn. Chúng ta không có quyền đòi hỏi họ hơn nữa. Bây giờ người Mỹ muốn dùng hòa hội Paris để rút ra khỏi Việt Nam trong danh dự thì chúng ta phải hết sức giúp họ hoàn thành dự định nầy.
- Và sau đó mình phải tự bảo vệ mình?
- Đó là điều đương nhiên.
- Nếu Mỹ và Đồng minh rút đi thì chúng ta có khả năng tự bảo vệ mình hay không?
- Không thể nào khẳng định chuyện tương lai được. Mỹ rút đi, phía chúng ta bị bất lợi rất lớn là bị suy giảm lực lượng một cách trầm trọng, nhưng điều đó cũng gây một điểm bất lợi không nhỏ cho địch.
- Bất lợi chỗ nào?
- Từ trước đến nay, Việt cộng vẫn vu khống Mỹ đem quân vào đây là để xâm lăng Việt Nam và chúng rêu rao tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Nay, nếu Mỹ rút đi rồi thì chúng để lộ bộ mặt xâm lược nếu tiếp tục gây tang tóc cho miền Nam.
- Thế thì sau khi Mỹ rút đi, liệu họ có bỏ cuộc vì mất mục tiêu tuyên truyền hay không?
Thế cười to:
- Cộng sản gây chiến để thôn tính miền Nam chứ đâu phải để đánh đuổi Mỹ ra khỏi miền Nam đâu. Không có Mỹ thì chúng sẽ tìm cách thôn tính nhanh hơn. Chuyện đánh Mỹ để cứu nước chỉ là một luận điệu tuyên truyền xảo quyệt mà thôi. Luận điệu đó không dùng được nữa thì chúng sẽ bày ra luận điệu khác còn chuyện thôn tính miền Nam thì trước sau như một, chúng phải làm cho kỳ được, dù có Mỹ hay không có Mỹ.
Tân tỏ vẻ khó chịu:
- Hình như anh phản đối hòa hội Paris phải không? Cứ để cho cuộc chiến kéo dài mãi hay sao?
Thiếu tá Thế mím môi rồi nói:
- Tôi không phản đối mà cũng không ủng hộ. Hội nghị Paris thể hiện ý muốn của Mỹ và dư luận thế giới mà chúng ta không thể cưỡng lại được. Trên thực tế, nó sẽ có hiệu quả bất lợi cho chúng ta và có lợi nhiều cho cộng sản. Tuy nhiên vấn đề mấu chốt là sau khi Mỹ rút đi rồi chúng ta có đủ quyết tâm để đánh đuổi cộng sản cho đến cùng hay không?
Thế thở dài rồi nói tiếp:
- Theo tôi, cái điều đáng lo lắng là nhân dân miền Nam đã quá mỏi mệt vì chiến tranh trong khi cộng sản chưa có dấu hiệu gì tỏ ra bớt hiếu chiến.
Tân cố cãi lại:
- Nhưng nhân dân miền Bắc mấy năm rồi cũng phải chịu đựng ghê gớm lắm. Phần thì phải đưa lính vô Nam chết rất nhiều, phần thì phải chịu đựng bom đạn của không quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Họ cũng phải chán ngán chiến tranh lắm chứ.
- Đúng vậy. Đồng bào mình ngoài Bắc cũng chán ngán lắm rồi nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn vì chiến tranh không phải là ý muốn của đồng bào miền Bắc mà là chủ trương của cộng sản; mà cộng sản thì đâu có bao giờ chán ngán chiến tranh. Trong cuộc chiến nầy, đồng bào cả hai miền đều là nạn nhân của cộng sản.
Tân nói:
- Dù sao tôi cũng hi vọng hội nghị Paris là ánh sáng ở cuối đường hầm. Mỹ dùng hội nghị nầy để rút ra khỏi Việt Nam và biết đâu họ cũng có cách nào đó để đem lại hòa bình thực sự để cho sự rút lui nầy có ý nghĩa tốt đẹp hơn.
- Tôi cũng hi vọng như anh dù biết rằng đó là hi vọng hão huyền.
- Nầy anh Thế!
Thế hơi giật mình quay vội lại:
- Gì đó anh?
- Tôi theo dõi tin tức thì thấy có quá nhiều bất đồng về thủ tục làm cho hội nghị bị trì hoãn, chưa biết lúc nào mới bắt đầu được. Theo anh nói, cả Mỹ và Việt cộng đều hưởng lợi ở hội nghị nầy, thế thì việc trì hoãn là do Việt Nam Cộng hòa gây ra?
- Không, chúng ta không tạo khó khăn và không cản trở gì cả. Chúng ta không bao giờ làm việc gì để cho thế giới nghi ngờ thiện chí hòa bình của mình. Sự khó khăn là do cộng sản gây nên.
- Tại sao vậy? Anh nói nghe có vẻ mâu thuẫn quá.
- Vâng ,vần đề mới nghe qua thì có vẻ mâu thuẩn nhưng thực tế là vậy đó.
- Tại sao cộng sản gây khó khăn?
- Tôi xin giải thích vấn đề. Cộng sản đến Paris không phải là để mưu tìm hòa bình mà cốt dùng diễn đàn đó để đẩy cuộc xâm lăng đến cùng. Nếu quả thực mưu tìm hòa bình thì hai bên Bắc và Nam Việt Nam ngồi lại với nhau để bàn bạc là đủ. Ở đây họ nằng nặc đòi cho được bốn bên.
- Vâng, tôi biết, bốn bên là Mỹ, Bắc Việt, Việt Nam Cộng hòa và Mặt trận Giải phóng.
- Đúng vậy. Thực chất đây là cuộc xâm lăng của miền Bắc vào miền Nam nhưng cộng sản cứ nhất mực bảo rằng đây là cuộc xâm lăng của Mỹ, nên phải có Mỹ tham dự hội nghị. Sự có mặt chính thức của Mỹ trong hội nghị biện minh cho sự vu khống đó của chúng.
- Còn đòi cho được mặt trận Giải phóng tham dự để làm gì?
- Lá bài nầy còn độc hơn nữa. Mặt trận Giải phóng qui tụ được một số Việt gian gốc gác miền Nam, thực chất chỉ là công cụ của cộng sản Bắc Việt mà thôi. Bắc Việt dựng cái mặt trận nầy để rêu rao rằng chính nhân dân miền Nam nổi dậy, có nghĩa là miền Nam đánh với miền Nam. Chúng biết rằng, sau hội nghị, Mỹ sẽ rút lui, lá bài “chống Mỹ xâm lăng” mất tác dụng” nên đề cao lá bài “nhân dân miền Nam nổi dậy”. Mặt trận Giải phóng được tham dự hội nghị thì coi như chính thức ra mắt cái “nhân dân miền Nam nổi dậy đó”. Chúng đã chuẩn bị dư luận để sau khi ký hiệp định hòa bình xong thì chúng sẽ đẩy mạnh chiến tranh.
- Thế là cái mặt trận đó được ngồi ngang hàng với chính phủ mình.
- Đó là điều thực phi lý. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã được rất nhiều nước công nhận, nhiều hơn cả chính phủ cộng sản ở miền Bắc. Mặt trận Giải phóng là một công cụ chiến tranh của Bắc Việt lại đòi ngang hàng với chính phủ Việt Nam Cộng hòa thì còn chi là công pháp quốc tế. Thế mà chúng vẫn cứ nằng nặc đòi cho bằng được thành ra công cuộc thảo luận tiền hội nghị cứ dậm chân tại chỗ.
Tân hỏi:
- Theo anh, tình hình trong những ngày tới thế nào?
- Theo tôi thì ở Paris, người ta tiếp tục thảo luận về thủ tục trong ít lâu nữa rồi hội nghị mới bắt đầu. Rồi lại cãi nhau, mắng nhau, chửi nhau trong một vài tháng mới đi đến kết luận. Kết luận đó thế nào thì tôi chưa đoán được nhưng tôi nghĩ rằng trong những tháng tới, chiến trường sẽ rất sôi động. Bao giờ cũng vậy, khi bắt đầu hội nghị là cộng sản đánh thực mạnh để mặc cả. Trận Điện biên phủ trong khi họp hội nghị Genève trước đây là một thí dụ.
Tân thở dài;
- Thế là sắp có không biết bao nhiêu người phải bỏ mạng cho sự mặc cả của họ.
- Đúng vậy.
Thiếu tá Thế bỗng đổi giọng vui vẻ hơn:
- Thôi, chúng ta bàn về hòa hội Paris như thế cũng nhiều lắm rồi. Hôm nay chúng tôi đến đây để mừng Hòa Bình của anh Tân và Thùy Liên. Ước mong không lâu nữa chúng ta cũng sẽ mừng Hòa bình của toàn thể miền Nam.
Thế nói xong thì đứng dậy. Bạch Mai đứng dậy theo. Hai vợ chồng dẫn hai con ra về.
Bé Hòa Bình đã ngủ say sưa từ lâu trong tay mẹ. Nàng bế con vào phòng đặt lên giường. Thùy Dung leo lên nằm cạnh em và vài phút sau cũng ngủ vùi như em.
Ở phòng ngoài, chị Bảy lo dọn dẹp bàn ăn, mang chén bát xuống bếp. Tân đến ngồi ngoài hàng hiên, rút thuốc ra đốt, nét mặt tư lự. Thùy Liên thay áo quần xong, ra ngồi cạnh. Nàng nắm tay chồng, giọng nhỏ nhẹ:
- Anh Tân, em nghe anh Thế nói về hoà hội Paris, em lo lắm.
Tân dụi tắt điếu thuốc, quay sang vuốt tóc vợ:
- Em lo gì? Lo Việt cộng chiếm được miền Nam nầy à?
- Không, em không lo như thế vì việc đó khó có thể xảy ra, ít ra trong nhiều năm tới. Mỹ rút lui nhưng chắc chắn sẽ viện trợ đầy đủ cho chúng ta. Em nghe ở ngoại quốc người ta nhận định rằng quân đội Việt Nam Cộng hòa là một trong những quân đội thiện chiến nhất thế giới. Em nghĩ rằng, không có lính Mỹ thì quân đội mình cũng đủ sức tự vệ để chống lại cộng sản.
- Thế thì em lo điều gì?
- Em lo cho anh.
Tân ngạc nhiên:
- Em lo gì cho anh?
- Từ ít lâu nay, anh ít chú ý đến thời sự nên em thấy anh có vẻ thảnh thơi, đi dạy về thì vui chơi với vợ con. Tuy anh phải dạy nhiều nhưng trạng thái tâm hồn nầy làm cho sức khỏe anh khá hơn. Lúc nãy, khi anh Thế nói về hòa hội Paris một cách bi quan, em thấy anh xúc động và lo sợ anh lại rơi và một cuộc khủng hoảng tâm lý. Năm ngoái, tin tức về trận đánh Hạ Lào làm anh mất bình tĩnh, đi lang thang ngoài đường. Lâu lâu nhớ lại chuyện đó, em vẫn còn lo ngại trong lòng.
Tân nắm chặt tay nàng:
- Cám ơn em lo lắng cho anh. Vì hạnh phúc của em và của các con, anh cố gắng không để thời cuộc làm xúc động một cách tai hại.
Tân dựa ngửa ra ghế nhìn lên bầu trời đầy sao, tiếp tục nói như để tự nhắc nhủ mình:
- Lịch sử nào thì cũng phải trải qua những bước thăng trầm. Bánh xe lịch sử thì ai cản nổi. Không cản nổi thì đành phải chấp nhận.
Thùy Liên tựa đầu vào ngực chồng:
- Anh nói đúng đó. Phải chấp nhận lịch sử thôi. Em mong anh giữ được bình thản đối với cuộc chiến tranh nầy. Mỗi lần thấy anh buồn phiền thì em lại đau lòng.
Tân cúi xuống nhìn khuôn mặt xinh đẹp của Thùy Liên:
- Thùy Liên, em là nàng tiên của anh.


*
* *



Sau những nhượng bộ liên tiếp của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, hội nghị Paris cũng được xúc tiến và kết thúc sau nhiều tháng bàn cãi thực căng thẳng. Đầu năm 1973, cuộc đình chiến được chính thức áp dụng theo một kiểu cách khá mơ hồ. Quân đội hai bên ngưng tất cả mọi hoạt động và đóng quân tại chỗ. Bên nào có quân đội tại đâu thì nơi đó thuộc vùng kiểm soát của mình. Thế là những ngày trước khi hiệp định có hiệu lực, xảy ra những trận đánh dữ dội để giành vùng kiểm soát. Việt cộng xua quân tràn qua các làng mạc ở khắp bốn vùng chiến thuật, trong khi các đài phát thanh Hà nội và Giải phóng cứ liên tục tố cáo Việt Nam Cộng hòa giành dân lấn đất. Nhiều nơi, du kích và cán bộ nằm vùng, trước đây vẫn hoạt động bí mật, nay ra mặt xí phần cho mặt trận Giải phóng nhiều vùng đất ở ngay sát nách các đô thị của Việt Nam Cộng hòa. Do đó chính phủ phải đối phó bằng cách huy động một lực lượng khá lớn đi vẽ cờ quốc gia ở cửa, ở trụ cổng , ở vách tường và ngay cả trên mái nhà của dân chúng. Có nơi, ban ngày cờ quốc gia được vẽ lên thì ban đêm cán bộ Việt cộng đi xóa để vẽ lại cờ mặt trận, rồi sáng hôm sau có người đi xóa và vẽ lại như cũ. Cứ mỗi lần như thế thì bọn con nít chạy theo xem một cách thích thú. Có đứa còn chỉ cho nhân viên chỗ Việt cộng vẽ cờ và phụ giúp khiêng những thùng sơn đến đó. Cuộc chiến tranh ác liệt bỗng chốc trở thành một trò khôi hài kỳ lạ.
Nông thôn đã im tiếng súng, người dân bắt đầu lo làm lại nhà cửa, khai khẩn lại miếng ruộng, miếng vườn đã bỏ hoang từ nhiều năm nay. Vì thế, chị Bảy xin nghỉ việc để về quê quán mình. Tân và Thùy Liên buộc phải gởi cả hai con cho nhà giữ trẻ.

Tất cả các buổi chiều thứ bảy, Bạch Mai đều mời cả nhà Tân sang dùng cơm tại nhà. Trong bữa ăn, đề tài luôn luôn xoay quanh hiệp định đình chiến. Thiếu tá Thế ở tổng tham mưu nên nhìn thấy được tình hình một cách bao quát trên toàn lãnh thổ.
Trong một bữa ăn, anh nói với cả nhà:
- Người Mỹ gọi đùa cuộc đình chiến nầy là đình chiến da beo vì vùng kiểm soát của quốc gia và cộng sản nằm xen vào nhau như những đốm vàng đen trên da con beo.
Tân hỏi:
- Như vậy thì đâu có ranh giới đình chiến?
- Chẳng có ranh giới gì cả. Trên thực tế, các đơn vị quân đội của hai bên chỉ hiện diện ở một số địa điểm. Còn lại là những vùng rộng lớn trên lãnh thổ bao la của miền Nam, không có bóng dáng quân nhân thì chẳng biết thuộc về bên nào.
- Vậy thì giải quyết vấn đề đó ra sao?
- Chẳng có biện pháp nào để giải quyết cả. Lợi dụng sự mập mờ đó của hiệp định, Việt cộng mở những cuộc hành quân để chiếm đóng, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.
- Phía quốc gia không biết làm như thế sao?
- Không, dù có muốn làm như chúng nó thì mình cũng không thể làm được vì người Mỹ bắt buộc mình phải thi hành đúng đắn hiệp định Paris.
- Tại sao bạn mình lại ép mình như vậy?
Thiếu tá Thế thở dài:
- Có nhiều lý do. Như tôi đã có nói trước đây, người Mỹ muốn dùng hiệp định Paris để rút chân ra khỏi chiến tranh Việt Nam. Họ buộc chúng ta phải cố nhịn để họ rút quân và nhận lấy những tù binh từ các trại giam của Việt cộng ở cả hai miền. Việt cộng vi phạm hiệp định thì được, nhưng hễ miền Nam có hành động trả đũa thì lập tức chúng nó dọa không trao trả tù binh cho Mỹ nữa. Mỹ sợ và liên tiếp gây áp lực lên chúng ta.
- Thế thì chúng ta đành bị trói tay vì hiệp định Paris à?
- Chớ còn gì nữa. Tuy nhiên, ở vài nơi, một số cấp chỉ huy của quân đội mình tức quá chịu không nổi nên đã tự động tổ chức hành quân để chiếm lại vài vùng đã bị Việt cộng đánh chiếm sau hiệp định Paris. Chính phủ hay bộ tổng tham mưu không chủ trương điều đó nhưng cũng không ngăn cản. Vì vậy từ khi hiệp định Paris có hiệu lực cho đến nay, đã mấy tháng rồi mà chưa có ngày nào súng hoàn toàn không nổ trên lãnh thổ chúng ta.
Bạch Mai chen vào:
- Dù sao cũng còn đỡ hơn trước khi ký hiệp định. Em vẫn đọc báo hằng ngày và không thấy những trận đánh lớn với nhiều người chết nữa. Trong không gian có phảng phất mùi hương của hòa bình.
Thiếu tá Thế cười, nói với Bạch Mai:
- Em ăn nói nghe hay thực. Với hiệp định Paris, cuộc chiến đã lắng dịu rõ ràng, nhưng đó chỉ là tạm thời thôi. Cộng sản đang củng cố lực lượng và chắc chắn, sau khi Mỹ hoàn tất cuộc rút quân khỏi miền Nam thì chúng sẽ đánh lớn. Tin tình báo cho hay chúng bắt đầu vơ vét thanh thiếu niên ở vùng nông thôn để bổ sung các đơn vị địa phương. Ở miền Bắc thì Cộng sản rầm rộ chuyển quân vào hai tỉnh Quảng bình và Quảng trị gần với vĩ tuyến Mười bảy để chuẩn bị xâm nhập vào Nam. Trong số quân tập trung ở phía Bắc sông Bến hải, có nhiều đơn vị công binh. Có lẽ chúng nó sẽ mở rộng con đường mòn Hồ chí Minh, để có thể đưa vào các binh đoàn cùng những vũ khí nặng và tối tân như xe tăng, đại bác. Miền Nam đang đứng trước nguy cơ hứng chịu tai họa ghê gớm mà miền Bắc đang tích cực chuẩn bị ồ ạt đưa vào.
Bạch Mai nhìn chồng:
- Em thấy lúc nầy anh ăn nói đầy vẻ bi quan.
Thiếu tá Thế thở dài:
- Đúng, anh thực sự bi quan, nhưng bi quan đúng chứ không sai. Anh ở tổng tham mưu nên thấy rõ tình hình.
Bạch Mai hỏi :
- Thế là rốt cuộc chúng ta đành phải thua cộng sản sao?
- Không, anh không nghĩ như thế. Nhất định chúng ta phải bảo vệ cho được chế độ tự do của miền Nam nầy. Tự do hay là chết! Chưa bao giờ khẩu hiệu đó đúng như lúc nầy.
Thế quay sang Tân:
- Có phải vậy không anh Tân?
Tân không trả lời, nhìn xuống khăn bàn, mặt buồn bã. Hơn một phút sau, Anh chợt ngẩng lên, nói một chẫm rãi:
- Anh Thế, tôi chán ngán chiến tranh quá rồi. Chán ngán vô cùng. Nhiều khi tôi nghĩ rằng cứ chịu cho cộng sản chiếm hết miền Nam nầy để chấm dứt chiến tranh cho rồi. Tôi nhớ câu nói: “Chiến tranh là điều tồi tệ nhất trong những điều tồi tệ”. Vậy thì hòa bình với cộng sản có lẽ còn ít tồi tệ hơn chiến tranh. Dù sao cộng sản miền Bắc cũng là người Việt Nam, cùng một dòng máu với mình.
Thiếu tá Thế trừng mắt nhìn Tân, cơn giận cơ hồ ắp bùng nổ nhưng khi nhìn nét mặt buồn thảm của Tân, anh cố rán giữ vẻ thản nhiên. Giọng anh vẫn ôn tồn, anh đúng là một sĩ quan cao cấp của ngành chiến tranh chính trị:
- Anh Tân, tôi hiểu anh. Bẩm tính anh hiền lành lại có nhiều năm chứng kiến cảnh chết chóc trên chiến trường nên anh ghê sợ chiến tranh cũng phải. Anh bảo rằng, dù sao cộng sản Bắc Việt cũng là người Việt Nam cùng da vàng máu đỏ như mình thì đâu đến nỗi quá tàn ác với dân miền Nam một khi mình đã chịu thua chúng. Nhiều người ở miền Nam cũng hi vọng như thế. Nhưng anh không còn nhớ cảnh tàn sát dân thường vô tội ở Huế trong Tết Mậu thân hay sao? Chúng nó đã chiếm thành phố Huế mà không gặp sức kháng cự nào cả. Sau gần một tháng làm chủ thành phố chúng đã giết mấy ngàn người trong tay không có một vũ khí nào cả. Anh không nhớ, sau khi chúng bị đẩy ra khỏi thành phố Huế thì liên tiếp nhiều tháng sau, chúng ta đã khai quật nhiều mồ chôn tập thể ở sân trường trung học Gia hội, ở chùa Tăng quang, Chợ Thông, Khu Lăng tẩm, ở Thiện hàm, Đồng gi, Phú thứ, Vinh lộc, Xuân ổ và nhiếu nhất là ở Suối Đá mài. Tôi đã gặp nhiều người dân Huế sau Mậu thân. Họ bảo rằng thà sống trong chiến tranh còn hơn sống hòa bình với cộng sản. Điều đó hoàn toàn trái ngược với ý nghĩ vừa rồi của anh.
Thế ngừng nói. Mọi người im lặng, không khí trở nên nặng nề. Bữa cơm chấm dứt. Bạch Mai và Thùy Liên cùng đứng dậy dọn dẹp chén bát. Thế châm nước trà, rót ra các chén nhỏ. Anh làm với dáng điệu suy nghĩ. Đưa tách nước lên môi uống một ngụm nhỏ rồi để xuống và nói tiếp:
- Ngành chiến tranh chính trị của chúng tôi đã họp nhiều lần để phân tích tình hình nên thấy rõ những khó khăn ghê gớm trước mắt chúng ta. Việt cộng lợi dụng ngưng chiến để bổ sung và tăng cường sức mạnh quân sự. Hiện nay, về quân số cũng như về vũ khí, chúng ngang bằng với chúng ta. Trong ít lâu nữa, với sự xâm nhập từ miền Bắc, chắc chắn cán cân lực lượng sẽ nghiêng về phía chúng. Tuy nhiên đó không phải là nguy cơ duy nhất. Nguy cơ tiếp theo là cuộc chiến tranh kéo dài quá lâu làm tiêu mòn sự kiên trì của nhiều người trong chúng ta. Từ đó sinh ra phong trào phản chiến. Phản chiến có nghĩa là chống lại chiến tranh. Điều kỳ lạ là phong trào đó chỉ có ở miền Nam mà thôi. Chúng ta có chủ trương chiến tranh đâu. Chúng ta đang sống hòa bình thì cộng sản đem quân vào để gây ra cuộc chiến tranh. Đúng lý ra, phong trào phản chiến phải hoạt động ở miền Bắc để ngăn chận hành động của bọn chủ chiến thì mới hợp lý chứ.
Tân phì cười:
- Phong trào phản chiến làm sao mà hoạt động ở miền Bắc được. Mọi người ở ngoài đó đâu còn có quyền nói lên tiếng nói của mình nữa. Họ buộc phải tuân theo mệnh lệnh của đảng một cách tuyệt đối. Đảng chủ trương chiến tranh thì dân chỉ có một con đường duy nhất là hoan hô chiến tranh và tình nguyện lao vào chiến trường mà thôi.
Thiếu tá Thế cười một cách thoả mãn:
- Anh thấy rõ được vấn đề rồi đó. Với sự cai trị của cộng sản thì người dân không có quyền phát biểu ý kiến riêng của mình. Cho nên phong trào phản chiến chỉ có thể hoạt động ở miền Nam mà thôi. Điều kỳ lạ là phong trào nầy chống lại cuộc chiến đấu tự vệ của miền Nam chứ không chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của miền Bắc.
- Đây có phải là phong trào do cộng sản dựng nên không?
- Tôi không biết. Điều lạ lùng là phong trào nầy có cả những gương mặt trí thức, có cả các vị tu sĩ của Phật giáo và Thiên chúa giáo nữa. Tôi không tin rằng họ là tay sai của cộng sản nhưng chính hành động của họ làm suy yếu tinh thần chiến đấu của quân đội miền Nam. Nếu đất nước nầy rơi vào tay của cộng sản, thì lịch sử phải ghi tên những người trí thức phản chiến đó vào danh sách những kẻ có tội đối với Tổ quốc, sau danh sách những người cộng sản.
Tân muốn tìm hiểu thêm quan điểm của thiếu tá Thế. Anh hỏi:
- Ở miền Bắc không có hoạt động phản chiến nhưng theo anh người dân miền Bắc ủng hộ hay phản đối cuộc chiến tranh ở miền Nam?
- Chẳng ủng hộ mà chẳng phản đối. Qua gần hai mươi năm được cộng sản giáo dục, nghĩa là bị tuyên truyền, dụ dỗ cùng hăm dọa, đồng bào mình ngoài đó đã trở thành những con người ngoan ngoãn của đảng, nghĩa là trở thành những công cụ không có cảm tính, hoàn toàn tuân theo mệnh lệnh của đảng.
- Điều đó có nghĩa là người miền Bắc mất tính chất con người rồi sao? Đó là một điều khủng khiếp.
- Không mất hẳn đâu nhưng họ biết che dấu kỹ nhân tính của mình để có thể sống yên ổn dưới chế độ cộng sản. Khi có dịp thì nhân tính đó liền bộc lộ ra. Tôi có thể kể cho anh nghe hai sự việc có thực để chứng minh rằng nhân tính của họ vẫn còn và có thể bộc lộ ra nếu thoát được vòng kiềm tỏa của cộng sản.
Tân tỏ vẻ chú ý:
- Sự việc gì, anh kể đi.
- Sự việc thứ nhất là sau khi hiệp định Paris có hiệu lực, cả hai bên đều có lệnh ngưng bắn. Nhiều nơi ở Đông hà, phòng tuyến hai bên rất gần nhau cho đến đỗi bên nầy nói chuyện to, bên kia có thể nghe được. Sau khi ngưng bắn, binh sĩ của chúng ta ló đầu lên giao thông hào nhìn sang bên kia thấy mấy anh lính Bắc Việt. Binh sĩ mình vẫy tay chào. Sau một phút ngỡ ngàng, bên kia cũng vẫy tay chào lại. Bên nầy cười thân mật, bên kia cũng đáp lại bằng nụ cười. Thế là hai bên bắt đầu qua lại với nhau, lính thì nói chuyện với lính, sĩ quan nói chuyện với sĩ quan. Anh cũng biết sĩ quan của chúng ta toàn là người có học. Họ ăn nói, đối xử với đối phương một cách lịch sự và trí thức làm cho bên kia rất ngạc nhiên. Một anh trung úy còn rất trẻ bên kia đã tâm sự một cách rụt rè: “Ở ngoài Bắc, chúng tôi được học tập rằng sĩ quan các anh toàn là những tên khát máu, dã man còn hơn cả thú dữ. Bây giờ thì tôi rất ngạc nhiên khi tiếp xúc với các anh”. Và hai bên trao tặng với nhau những điếu thuốc cùng những miếng bánh trong khẩu phần lương khô của mỗi người. Thực là cảm động và đó là lúc mà nhân tính của người miền Bắc trổi dậy để bộc lộ ra ngoài. Tuy nhiên những cuộc tiếp xúc cảm động và đầy nhân tính đó phải sớm chấm dứt. Các vị lãnh đạo cộng sản thấy ngay rằng để cho sĩ quan của họ nói chuyện với sĩ quan Việt Nam Cộng hòa là điều rất tai hại cho sự tuyên truyền của họ. Đó là sự việc thứ nhất chứng minh nhân tính của đồng bào ta ngoài Bắc bị giấu kỹ chứ đâu có biến mất.
- Còn sự việc thứ hai?
- Đó là việc xảy ra khi trao trả tù binh. Theo một điều khoản của hiệp định Paris, hai bên trao trả tù binh theo từng đợt, mỗi đợt từ vài trăm đến vài ngàn người. Thường thường những đợt nầy xảy ra suôn sẻ dưới sự giám sát quốc tế. Tuy nhiên có một đợt, chúng ta lên danh sách trao trả cho bên kia đến năm ngàn người trong đó có rất nhiều lính Bắc Việt. Rất bất ngờ, tất cả năm ngàn người đều xin ở lại miền Nam. Vì danh sách đã trao cho bên kia và cho cả cơ quan giám sát quốc tế nữa nên bắt buộc chúng ta phải chở đủ các tù binh nầy đến địa điểm thỏa thuận trước. Tại đây, tất cả tù binh đều không chịu rời phi cơ nên đợt trao trả đó bị hủy bỏ.
Tân gật đầu:
- Việc đó báo chí trong nước và ngoài nước đều có đăng.
- Đó, anh thấy chưa, tự trong thâm tâm, đồng bào miền Bắc của chúng ta đâu có tán thành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam nhưng họ không dám nói ra, trong khi đó những người trong phong trào phản chiến ở miền Nam lợi dụng sự tự do, to miệng la lối làm hại tinh thần chiến đấu của quân đội mình.
Tân tỏ ra không bằng lòng:
- Theo tôi, lên án phong trào phản chiến hiện nay là quan điểm của riêng ngành chiến tranh chính trị của các anh và chưa hẳn là quan điểm của mọi người.
- Tôi đồng ý điều nầy. Miền Nam chúng ta đang lâm vào một tình trạng chia rẽ rất trầm trọng mà phải chống lại miền Bắc là một khối liền lạc, mọi người răm rắp tuân theo mệnh lệnh của một nhúm người lãnh đạo đảng. Miền Nam quyết tâm bảo vệ tự do nhưng lại có thể chết vì chính sự tự do đó. Những người phản chiến đã lợi dụng tự do để chia rẽ miền Nam.
Tân càng tỏ ra bất mãn:
- Anh nên biết rằng phong trào phản chiến không phải chỉ ở miền Nam nầy thôi mà đang phát triển rầm rộ ở cả bên nước Mỹ xa xôi nữa.
- Biết chứ, tuy nhiên cái phản chiến bên đó có tính chất khác và không có gì khó hiểu. Cộng sản đang xâm lăng miền Nam chứ có xâm lăng nước Mỹ đâu. Nếu miền Nam thất thủ thì nước Mỹ vẫn sống trong chế độ tự do. Thế thì tại sao thanh niên Mỹ phải qua đây tham gia chiến tranh và nhiều người đã phải hi sinh? Đó là xuất phát điểm phong trào phản chiến ở Mỹ. Phong trào nầy vận động sự từ bỏ nghĩa vụ quốc tế của Mỹ đối với Việt Nam. Nếu miền Nam nầy thất thủ thì phong trào phản chiến đó không có tội và chỉ đáng xấu hổ mà thôi. Nước Mỹ được cả thế giới tôn trọng như là thành trì bảo vệ tự do cho nhân loại thì cái việc từ chối nghĩa vụ quốc tế để cho miền Nam rơi vào tay cộng sản cũng là một vết nhơ nơi hình ảnh của nước Mỹ đối với cái nhìn của nhân loại.
Thiếu tá Thế ngừng nói. Tân cũng im lặng. Anh cảm thấy hết sức chán nản. Thùy Liên đứng dậy nói:
- Thôi khuya rồi, chúng em cám ơn anh chị. Bây giờ chúng em xin về để cho hai cháu ngủ.


*
* *

Đúng như nhận định của thiếu tá Thế, cộng sản lợi dụng đình chiến để đưa người và vũ khí vào Nam. Con đường mòn Hồ chí Minh trở nên rất rộn rịp. Quân lực Việt Nam Cộng hòa rất bực tức vì cứ phải khoanh tay đứng nhìn. Mỹ vẫn ra sức ngăn chận phản ứng của Việt Nam Cộng hòa để tránh sự đổ vỡ hoàn toàn của hiệp định Paris trước khi họ rút hết quân và nhận tất cả tù binh mà cộng sản hứa trao trả. Trước tình hình nầy, cộng sản càng mạnh dạn vi phạm hiệp định Paris và Việt Nam Cộng hòa không thể bị kìm chế mãi được.
Thế là chiến tranh có cơ thực sự bùng nổ trở lại. Mỹ vội vàng vận động các bên ngồi trở lại với nhau và một thông cáo chung gọi là hiệp định tái đình chiến được ký kết và công bố cho toàn thế giới. Tuy nhiên, thông cáo nầy cũng chẳng có hiệu lực gì và bước qua năm 1974, miền Nam đứng trên bờ vực của một cuộc chiến tranh ác liệt. Trong lúc hai bên liên tiếp tố cáo nhau vi phạm hiệp định Paris thì súng nổ rền khắp bốn vùng chiến thuật.
Máy bay Mỹ không còn hoạt động ở miền Bắc cũng như ở miền Nam. Không quân Việt Nam Cộng hòa thì bị hạn chế tầm hoạt động vì đạn dược và cơ phận thay thế không còn nhiều. Lợi dụng điều nầy, từng đoàn xe rầm rộ chạy dọc theo đường Trường sơn chuyển bộ đội cộng sản và vũ khí vào Nam. Quyết tâm của những người cộng sản Bắc Việt đánh chiếm miền Nam lộ rõ hơn bao giờ cả.
Trong suốt năm 1974, miền Bắc đã chuyển vào Nam một số lượng khổng lồ các phương tiện chiến tranh. Trong khi đó, Mỹ đã quay lưng lại với miền Nam và Việt Nam Cộng hòa cứ bị vướng víu trong những điều khoản của hiệp định Paris vì cứ muốn giữ tư cách và chứng minh sự lương thiện của mình cho dư luận thế giới. Vì vậy, cán cân lực lượng quân sự nghiêng hẳn về phía cộng sản và nỗi lo ngại miền Nam bại trận càng ngày càng lớn.



*
* *