Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Chương 10: Những ngày đen tối (2)




Một cuộc chiến tranh dài
Tập IV
Chương 10: Những ngày đen tối
(2)

Đầu năm 1975, miền Nam yếu thế một cách rõ rệt. Trong khi Bắc Việt ồ ạt chuyển quân và vô số trang bị và vũ khí tối tân vào Nam thì ở bên Mỹ, quốc hội ra sức ngăn cản chính phủ viện trợ cho Miền Nam. Các bộ phận thay thế của phi cơ, của chiến xa, chiến thuyền dần dần thiếu hụt; đạn dược cũng không còn dồi dào như trước. Ưu thế quân sự thuộc hẳn về đối phương.
Những đơn vị tinh nhuệ nhất của Việt Nam Cộng hòa được dồn về phòng vệ thủ đô và chiến tuyến phía Bắc gồm hai tỉnh Quảng trị và Thừa thiên. Ở những vùng khác lực lượng bảo vệ rất mỏng. Biết được điều nầy, cộng sản điều động một quân số rất lớn và tấn công vào thành phố Ban mê thuột. Dù đã chiến đấu vô cùng anh dũng nhưng các đơn vị phòng thủ không thể ngăn chận nổi cuộc tấn công biển người của cộng sản, cộng thêm với sự yểm trợ rất hữu hiệu của vô số xe tăng, trọng pháo và súng phòng không.
Ban mê thuột thất thủ, quả tim của cao nguyên bị Việt cộng chiếm đóng! Dân chúng hoảng hốt bỏ chạy. Một số nhanh chân đã về được Nha trang và Sài gòn, một số khác chạy theo những toán quân bại trận của Việt Nam Cộng hòa và số sau cùng đành ở lại với cái thành phố vừa được cộng sản “giải phóng” xong.
Sau khi chiếm được Ban mê thuột rồi, cộng sản quay sang tấn công vào các thành phố khác. Không chịu nổi áp lực quá nặng nề nên các lực lượng phòng thủ đành rút khỏi vùng cao nguyên rộng mênh mông để về cố thủ vùng đồng bằng. Lập tức dân chúng bỏ cả nhà cửa, của cải để chạy trốn cộng sản, tạo nên một cuộc di tản khổng lồ đầy máu và nước mắt.
Tin tức thảm bại ở Cao nguyên gây nên sự xúc động rất lớn cho dân chúng thủ đô. Chính phủ cố gắng trấn an để duy trì các hoạt động dân sự của một thành phố thuộc loại văn minh nhất của vùng Viễn đông. Sự cố gắng của chính phủ chỉ tạo được dáng vẻ bình yên ở bề ngoài thôi, mọi hoạt động dân sự không còn hiệu quả như trước nữa.
Trong các trường học, nét mặt các thầy cô đầy vẻ đăm chiêu. Họ không còn hứng thú để giảng bài trong lớp mà thích tụm năm tụm ba để bàn bạc với hi vọng nhẹ bớt niềm ưu tư trong lòng.
Tân cũng cùng tâm trạng với các đồng nghiệp của mình. Trong các năm vừa rồi, lúc nào Tân cũng tỏ ra ưa thích công việc dạy học, nhưng bây giờ, đứng trên bục giảng, anh cảm thấy thực chán chường. Dạy học có mục đích tạo cho bọn trẻ một tương lai tươi sáng. Nhưng tương lai của những đứa trẻ trước mặt anh sẽ ra sao đây? Tình hình đã quá đen tối, cộng sản có thể chiếm được cả miền Nam thì tương lai của các em không còn là của các em nữa.
Sau hồi chuông tan học, Tân cho sách vở vào cặp và đứng dậy một cách nghiêm trang. Cả lớp lập tức đứng dậy theo. Tân đảo mắt nhìn từ đầu đến cuối lớp. Tất cả im lặng nhìn về phía trước, những gương mặt thơ ngây vẫn tiếp tục nhìn cuộc đời bằng cặp mắt hồn nhiên, không cần biết những gì đang chờ đợi các em trong những ngày sắp tới. Lạ lùng thay, trong suốt cuộc chiến tranh dai dẳng, miền Nam vẫn giữ được cho giới trẻ của mình tâm hồn trong sáng, lạc quan yêu đời.
Tân cố mỉm cười với các em và bước ra khỏi lớp. Trời đã về chiều, buổi chiều mùa nắng ở miền Nam rất đẹp. Không khí đã dịu hẳn sau một ngày nóng nực. Bên trên, bầu trời xanh cao thăm thẳm, rải rác có những cụm mây trắng lững lờ. Một ngọn gió nhẹ thổi qua, những chiếc lá của hàng cây bên vệ đường lả lơi đùa giỡn với với tia nắng vàng còn lưu luyến sau một ngày dạo chơi trên trần gian.
Tân đưa xe ra đường cho nổ máy và phóng nhanh về tổng y viện Cộng hòa. Anh dừng xe, đẩy lên lề. Người lính trong nhà gác nhìn ra mỉm cười:
- Chào thầy. Thầy vào đây ngồi nghỉ một chút. Hết giờ rồi nhưng có lẽ cô sẽ ra trễ.
Tân gật đầu chào và cười đáp lễ. Người lính gác cổng nầy đã quá quen thuộc đối với anh. Đó là một binh nhì còn trẻ tuổi có gương mặt sáng sủa và dễ thương. Tân dựng xe, bước đến gần. Anh đứng một lát rồi hỏi người lính:
- Hôm nay chắc bận họp bất thường nên vợ tôi ra trễ phải không?
- Không, chẳng họp hành gì đâu nhưng công việc nhiều lắm vì từ sáng đến giờ, trực thăng rồi xe cứu thương chở thương binh về quá nhiều. Đánh lớn khắp nơi, nhất là trong cuộc di tản từ Pleiku về Tuy hòa, quân đội và dân chúng chết và bị thương nhiều lắm. Bệnh viện quân sự và dân sự ở Tuy hòa chứa không hết phải chuyển bớt vào Nha trang và tuốt về đây. Mọi người việc tất bật suốt ngày đêm. Nhiều bác sĩ và y tá trong phòng giải phẫu làm việc liên tục, bỏ cả cơm trưa, có người mệt quá gần ngất xỉu phải ra bên ngoài ngồi thở vài phút rồi trở vào làm việc tiếp.
Người lính dừng lại nhìn vào trong và nói như reo lên:
- Kìa, cô ra rồi kìa.
Tân bước qua cổng, nhìn vào trong. Trên con đường tráng nhựa, giữa hai hàng cây cao, Thùy Liên đang bước đi vội vã, nét mặt nàng bơ phờ vì mệt nhọc nhưng cũng cố nở nụ cười với chồng. Tân cầm tay vợ, âu yếm:
- Em mệt lắm phải không?
Nàng gật đầu và hỏi lại:
- Anh đến lâu chưa?
- Gần nửa giờ. Nghe người lính gác nói hôm nay có rất nhiều việc, anh nghĩ rằng phải đợi em lâu hơn nữa.
- Nhiều lắm, mọi người làm việc suốt ngày và ở lại đêm, nhưng vì em có con nhỏ nên nhiều người hối thúc em về trước để lo cơm nước cho con.
- Thương binh về nhiều lắm phải không?
Thùy Liên gật đầu, nét hãi hùng thoáng qua đôi mắt:
- Nhiều lắm, khiếp lắm.
- Nhưng, em làm ở kho thuốc đâu có tiếp xúc với thương binh.
- Hôm nay tổng y viện điều động tất cả nhân viên đến săn sóc thương binh.
Nàng lắc đầu rồi nói tiếp:
- Không phải chỉ có thương binh mà có cả dân thường nữa. Bị thương trên đường số Bảy khi di tản từ Cao nguyên về Tuy hòa. Trực thăng tải thương bốc hết tất cả người bị thương không kể lính hay dân, đông quá, chẳng còn có thể phân biệt được nữa. Mà lính hay dân cũng đều là nạn nhân của chiến tranh, nạn nhân của cộng sản cả. Trưa nay có một đứa bé gái năm tuổi chết trên tay em. Ba ngày rồi, nó chịu đựng vết thương do đạn pháo của Việt cộng, đến trưa nay thì nó không còn sức chịu đựng nữa. Khi nó chết, không có cha mẹ hay anh chị em nào bên nó. Nó nắm chặt tay em rồi buông ra và trút hơi thở cuối cùng.
Thùy Liên ngưng nói, nghẹn ngào. Tân quay sang nhìn đôi mắt ướt của nàng:
- Thôi, chúng mình về.
Hai người lẳng lặng đi qua cổng, cúi chào người lính gác và lên xe. Họ ghé chợ chiều ở Phú nhuận mua một ít thức ăn rồi đến đón hai đứa con về nhà.
Trong khi Tân lo tắm rửa cho hai đứa bé thì Thùy Liên vào bếp nấu nướng cho bữa ăn tối. Không khí đầm ấm của gia đình làm cho tâm tư của hai vợ chồng dịu lại. Tiếng cười trong trẻo, giọng nói dễ thương của hai đứa trẻ có mãnh lực đẩy lùi nỗi ưu tư của cha mẹ chúng. Trẻ em là thiên thần hiện ra trên trần thế để làm vơi đi sự đau buồn của con người. Tuy nhiên, ở mảnh đất miền Nam nầy, các thiên thần nhiều khi cũng không thoát khỏi viên đạn của những kẻ nhân danh là người đi giải phóng cho đồng bào mình.
Bữa cơm đã dọn lên, cả nhà quây quần vui vẻ. Như thường lệ, sau bữa cơm, mọi người ngồi sau màn hình máy vô truyến và một lát sau, ba mẹ con vào phòng ngủ trong khi Tân ngồi làm việc một mình ở phòng ngoài đến khuya.
Đêm nay, Tân dự định chấm cho xong mấy xấp bài làm để kịp có điểm hàng tháng cho các lớp. Tuy nhiên anh không tập trung được tư tưởng nên không hiểu được học sinh viết gì trong bài làm của chúng. Tân đứng dậy, ra ngồi ngoài hàng hiên, khép cửa lại và móc thuốc ra hút trong bóng tối lờ mờ. Dạo nầy thành phố đi ngủ sớm vì giờ giới nghiêm tăng lên, các vũ trường, các nơi giải trí về đêm đều đóng cửa. Tình hình chiến sự bi đát làm đầu óc mọi người căng thẳng hoặc lo buồn nên những trò giải trí và trụy lạc không còn thích hợp nữa.
Mới mười giờ mà ngoài đường đã vắng tiếng xe cộ, trong xóm hoàn toàn im lặng, hầu hết mọi nhà đều đóng cửa tắt đèn. Tân ngồi yên, hút xong điếu thuốc thứ hai và vứt mẩu thuốc thừa vào góc hàng hiên thì nghe có tiếng bước nhè nhẹ trong nhà.
Cánh cửa mở ra, Tân không quay lại vì biết Thùy Liên sau lưng mình. Nàng mang ra một chiếc ghế nhỏ, khe khẽ đặt xuống và ngồi cạnh chồng. Tân nắm lấy bàn tay mềm mại của vợ siết nhè nhẹ trong hai tay của mình:
- Em còn thức à? Các con ngủ chưa?
- Em không ngủ được. Các con đang ngủ say. Sao anh không làm việc mà ra ngồi đây?
- Anh mang mấy xấp bài của học trò ra chấm nhưng đọc lui đọc tới có một đoạn ngắn mà không hiểu đúng hay sai nên đành thôi. Để đó, sáng mai anh dậy sớm giải quyết cho xong. Với tình hình chiến sự thế nầy, không biết còn dạy được đến khi nào.
Thùy Liên không trả lời, ngồi im lặng vài phút rồi bỗng nói:
- Anh Tân, hôm nay, em gặp một chuyện muốn nói cho anh nghe nhưng ngại anh buồn.
- Em cứ nói đi. Em không nói thì anh cũng buồn sẵn rồi. Chuyện gì vậy?
- Chuyện liên quan đến cuộc di tản từ Pleiku về Tuy hòa.
- Anh biết rồi và khi chiều em đã kể cho anh nghe về cái chết của đứa bé gái năm tuổi. Có phải chuyện đó không?
- Không, chuyện em muốn nói có liên quan đến anh Thảo.
Tân giật mình quay lại, nắm lấy vai Thùy Liên:
- Anh Thảo? Trung tá Thảo biệt động quân?
- Anh Thảo, bạn thân của anh chớ còn ai nữa.
Tân hỏi đồn dập:
- Anh Thảo thế nào? Bị thương hay là….
Thùy Liên lắc đầu:
- Không, anh Thảo chẳng bị sao cả.
- Nhưng tại sao em gặp anh Thảo trong tổng y viện Cộng hòa?
Thùy Liên phì cười:
- Em nói gặp anh Thảo trong tổng y viện hồi nào?
- Thế thì anh Thảo đang ở đâu?
- Em đâu có biết hiện giờ anh ấy đang ở đâu. Nhưng em biết anh ấy đã tham gia đoàn di tản khỏi cao nguyên và đã đến Tuy hòa bình yên. Thế thôi.
- Nhưng sao em biết?
- Trong số thương binh đưa về tổng y viện có một thiếu úy biệt động quân bị đạn pháo mất cả hai chân. Thiếu úy đó cũng tên là Thảo thuộc liên đoàn biệt động quân do anh Thảo chỉ huy.
- Nhưng tại sao em biết?
- Anh đừng nóng, để thủng thẳng em kể cho anh nghe. Sau khi em thay băng cho thiếu úy Thảo xong định sang giường khác thì chợt thấy thiếu úy nhìn xuống hai chân mình và hai giọt nước mắt lăn ra khỏi khoé mắt. Em sững sờ vài giây rồi bước đến đầu giường gỡ tấm bảng ra đọc: “Thiếu úy Trần Hiếu Thảo, sinh ngày 28 tháng 2, năm 1954”. Nghĩa là vừa tròn hai muơi mốt tuổi và ngày mai là ngày sinh nhật của Thảo. Đúng vào trước ngày sinh nhật, Thảo nằm ứa nước mắt khi biết đã vĩnh viễn hi sinh hai chân mình cho nền tự do của miền Nam. Em cảm động suýt khóc nên không vội bỏ đi. Em kéo ghế ngồi lại để hi vọng an ủi được chút nào nỗi đau buồn của người sĩ quan trẻ tuổi đáng thương nầy. Em hỏi Thảo về cha mẹ, anh chị em, Thảo lắc đầu không chịu nói. Có lẽ Thảo không muốn nhắc đến những người thân vì e sợ không cầm lòng được mà bật khóc thì không xứng đáng với tư cách của người chiến sĩ được mang từ mặt trận về. Nhưng khi em hỏi về đơn vị, đồng đội và những trận đánh thì Thảo vui vẻ trả lời. Em bảo rằng mình có một người bạn thân là sĩ quan biệt động quân và cũng tên là Thảo, cấp bậc trung tá thì thiếu úy Thảo bỗng ngẩng đầu như muốn bật dậy. Cậu ta nằm xuống rên rỉ vì động tới vết thương nơi hai chân bị cưa cụt tới gối. Cậu nhắm mắt lại, mặt nhăn nhúm, mồ hôi rịn ra trên trán, hơi thở dồn đập. Em hoảng quá định chích cho cậu một mũi thuốc giảm đau thì Thảo mở mắt ngăn em lại, miệng méo xệch vì một nụ cười cố gắng. Em vẫn ngồi yên nhìn gương mặt người bệnh nhân để theo dõi và yên tâm khi nét mặt, hơi thở và nhịp tim trở lại bình thường. Cuối cùng rồi cậu mở mắt ra và mỉm cười. Nụ cười bây giờ khá tươi. Cậu hỏi tên em, hỏi thăm anh và hai con rồi nói: “Trung tá Thảo là sếp của em. Trung tá là một sĩ quan tuyệt vời, một người anh cả hết sức xứng đáng của liên đoàn. Em chỉ được gặp trung tá vài lần thôi nhưng em rất kính mến qua cách đối xử của trung tá với cấp dưới của mình”. Cậu ấy cũng kể thêm rằng, dưới sự chỉ huy của anh Thảo, liên đoàn đã góp công rất lớn để bảo vệ cho đoàn di tản về tới Tuy hòa.
Tân không còn kiên nhẫn để nghe Thùy Liên kể dài dòng nữa. Anh ngắt lời:
- Em ạ, cái cậu thiếu úy đó có nói hiện nay anh Thảo ở đâu không?
- Em có hỏi nhưng cậu ấy bảo rằng không biết. Cậu ấy kể rằng, khi ra khỏi Cung sơn và về còn cách Tuy hòa lối một hai chục cây số, liên đoàn được lệnh nằm lại để chận một sư đoàn quân cộng sản Bắc Việt, mấy hôm rồi đuổi theo đoàn và có thể nhân dịp tràn xuống thị xã Tuy hòa. Sư đoàn cộng sản bị liên đoàn biệt động quân chận đứng không tiến quân được nên chúng cho đại pháo bắn vào phòng tuyến biệt động quân một cách dữ dội. Chính lúc đó thiếu úy Thảo bị trúng đạn và được trực thăng bốc đi. Cậu ấy quả quyết với em rằng trung tá Thảo vẫn bình yên. Em vặn hỏi tại sao lại quả quyết như thế thì cậu ấy không trả lời được. Thấy cậu có vẻ mệt, em bảo nằm nghỉ, rồi từ giã để sang săn sóc người khác.
Thùy Liên thở dài chép miệng:
- Không biết cha mẹ anh chị em cậu ấy ở đâu để báo tin.
Tân ngồi im, chìm đắm trong nỗi buồn cùng cực. Hồi lâu, anh khẽ nói:
- Thùy Liên!
- Dạ.
- Sáng mai, trên đường đi, anh ghé mua một món quà sinh nhật.
Thùy Liên ngạc nhiên:
- Quà sinh nhật cho ai?
Nhưng nàng chợt hiểu, vội nói tiếp:
- Quà sinh nhật cho thiếu úy Thảo phải không anh? Anh Tân, anh làm như thế là phải. Cậu ấy là sĩ quan của anh Thảo, bạn thân của chúng mình mà.
Giọng nàng bỗng trở nên nghẹn ngào:
- Cậu ta chỉ mới hai mươi mốt tuổi thôi. Sau nầy khi vết thương lành, cậu ta sẽ không còn ra chiến trường, không còn được tung tăng, đi đây đi đó nữa. Không biết anh Thảo có được bình yên như cậu ấy nói hay không. Sao anh không nói với anh Thế tìm cách hỏi xem sao. Ở tổng tham mưu, có lẽ người ta biết nhiều tin tức của các đơn vị đang tham chiến.
- Lâu lắm rồi, anh không gặp anh Thế. Tình hình quá nguy hiểm nên anh ấy phải ở luôn trong tổng tham mưu.
- Chị Mai bảo rằng, một vài ngày, anh ấy về thăm nhà độ năm mười phút rồi lại đi. Anh ấy không kịp nói gì cả nhưng cứ trông nét mặt lo lắng của chồng là chị Mai đoán biết tình hình nguy ngập lắm rồi.
Thùy Liên ngưng một chút để suy nghĩ rồi nói tiếp:
- Sáng mai trên đường đưa con đi học, mình ghé qua gặp chị Mai một chút để nhờ chị nhắn vào tổng tham mưu nói với anh Thế hỏi thăm tin tức liên đoàn của anh Thảo.
- Phải rồi chỉ còn cách đó thôi.
Tân nói xong đứng dậy, hai vợ chồng vào nhà đi ngủ.

Sáng hôm sau, như dự tính, Tân chở vợ con đến nhà Bạch Mai rất sớm, đưa bé Hòa Bình đến nhà giữ trẻ, bé Thùy Dung đến trường tiểu học, chở Thùy Liên đến tổng y viện rồi mới đến trường. Không khí học đường vẫn tiếp tục uể oải, thầy cô chểnh mảng trong việc dạy, học sinh thích thú vì được ngồi chơi nhiều hơn là học hành căng thẳng.
Buổi chiều, Tân thở phào khi trống tan trường đổ liên hồi. Anh ra khỏi trường, chạy xe ngay đến tổng y viện Cộng hòa. Thùy Liên đã ngồi sẵn ở nhà gác cổng để đợi chồng.
Về đến nhà Tân ngạc nhiên thấy một mảnh giấy trắng cuộn tròn nhét vào ổ khóa. Anh rút giấy ra, đọc vội vã:
“Anh Tân và Thùy Liên sang nhà ngay, có anh Thảo về. Bạch Mai.”
Tân trao mảnh giấy cho vợ và vội vàng trở đầu xe ra đường, chở cả vợ và hai con sang nhà Bạch Mai. Anh vừa dừng xe thì từ trong nhà vang ra tiếng reo to của Bạch Mai:
- Anh Tân và Thùy Liên đến rồi kìa.
Thảo bước ra, oai vệ trong bộ quân phục biệt động quân, hai bông mai bạc lấp lánh trên ngực. Hai người bạn siết chặt tay nhau. Tân vội hỏi:
- Anh về đây từ lúc nào?
- Tôi về đến Sài gòn trưa nay. Thu xếp xong việc là vào tổng tham mưu tìm anh Thế ngay. Tôi biết các bạn mong tin tôi lắm phải không?
Tân gật đầu, Thùy Liên đáp lời thay cho chồng:
- Anh Tân quay quắt khi biết liên đoàn của anh tham dự cuộc di tản từ cao nguyên về đồng bằng.
Thảo ngạc nhiên:
- Sao các bạn biết?
Thùy Liên không trả lời ngay mà hỏi lại:
- Trong liên đoàn anh, có một cậu thiếu úy cùng tên Thảo phải không?
Thảo nhíu mày:
- Phải, thiếu úy Thảo, trung đội trưởng, còn trẻ lắm, bị thương trên một ngọn đồi dẫn vào thị xã Tuy hoà. Chị có bà con với thiếu úy Thảo à?
- Không, thiếu úy ấy được đưa về tổng y viện Cộng hòa, và mất cả hai chân.
Thảo tái mặt:
- Trời hỡi!
Thảo thở dài và nói tiếp:
- Lúc nó bị thương thì tôi đang ở trên một cao điểm khác và đang nhìn mấy chiếc xe tăng của Việt cộng bị lính của tôi bắn cháy, khói lên nghi ngút. Tội nghiệp, nó còn trẻ quá. Tôi để ý đến nó nhiều hơn các sĩ quan khác vì lúc nó về trình diện tôi cách nay khoảng một năm rưỡi, nhìn cái mặt non choẹt của nó mang lon chuẩn úy ai cũng tức cười. Không ngờ, sau đó ai cũng phải nể vì sự gan dạ và tài chỉ huy trung đội của nó. Tôi mới gắn lon thiếu úy cho nó tháng trước đây. Nó đã cho chị Liên biết tôi là cấp chỉ huy của nó phải không?
Thùy Liên cười:
- Thiếu úy đã khen anh cũng như vừa rồi anh khen thiếu úy đó vậy. Hôm nay là sinh nhật của cậu ấy nên sáng nay anh Tân có gởi một hộp bánh vào làm quà. Anh ấy cảm động đến rưng rưng nước mắt.
Trung tá Thảo cũng tỏ ra xúc động:
- Cám ơn anh chị đã có lòng tốt đối với một sĩ quan bất hạnh của liên đoàn chúng tôi.
Bạch Mai bước ra nói to:
- Xin mời tất cả vào nhà nói chuyện, cơm dọn sẵn rồi. Vừa ăn vừa chuyện trò cũng được.
Mọi người vội đi vào và ngồi chung quanh bàn ăn. Thiếu tá Thế nói một cách trịnh trọng như một lời khai mạc:
- Hơn hai tháng rồi, chúng ta không có dịp dùng cơm chung với nhau vào chiều thứ bảy như trước kia.
Bạch Mai cướp lời chồng, giọng có vẻ hờn dỗi:
- Em cũng nhớ những bữa cơm thân mật như thế nầy lắm nhưng anh cứ phải trực trong bộ tổng tham mưu, chẳng mấy khi về nhà cho được lâu. Bây giờ, trại lính là nơi ở chính thức của anh rồi, ngày làm việc trong đó, đêm cũng ngủ lại luôn.
Thế nhìn vợ:
- Anh đâu có muốn như thế. Nằm chèo queo một mình trên cái giường sắt nhà binh thì có sung sướng gì. Có hôm mơ màng đưa tay sờ trúng một cái gì đó, tưởng là cánh tay của vợ vội hôn một cái, giật mình vì cánh tay sao mà lạnh toát và cứng đờ. Định thần lại mới biết là đang ôm chặt cây súng M16 chứ không phải là tay của vợ.
- Anh quỉ nầy, ăn nói bậy ba, không sợ bạn bè cười cho sao?
Bạch Mai vừa nói, vừa đấm vào vai chồng trong khi mọi người cười ha hả.
Thảo quay sang hỏi:
- Lệnh cấm trại có từ lúc nào, có phải từ lúc mất Ban mê thuột hay không?
- Không, trước nữa, từ khi Việt cộng chiếm được tỉnh lỵ Phước long, ngay sau Tết. Hơn hai tháng rồi, từ đó đến nay, tình hình càng này càng tồi tệ hơn.
Thùy Liên đột ngột lên tiếng hỏi Thảo:
- Khoan nói đến tình hình đã. Chúng em muốn biết tại sao hôm nay chúng em được gặp anh ở đây. Rồi chừng nào anh phải lên đường và đi về đâu?
- Sáng mai tôi phải ra phi trường rất sớm để về Nha trang. Liên đoàn tôi đang đóng tạm ở gần đèo Rù rì.
Bạch Mai nói:
- Nghe nói chuyến di tản khỏi cao nguyên khủng khiếp lắm và được một đài phát thanh ngoại quốc gọi là cuộc rút lui đầy máu và nước mắt. Anh tham dự từ đầu đến cuối, kể lại cho chúng tôi nghe đi.
- Dạ, khiếp đảm và đau đớn lắm. Tôi chỉ có thể kể sơ lược thôi vì không có nhiều thì giờ. Trước đó liên đoàn biệt động quân của tôi đang trấn giữ phía bắc Pleiku để bảo vệ cho bộ tư lệnh quân đoàn Hai, thì nhận được tin Ban mê thuột bị tấn công dữ dội. Chúng tôi được quân đoàn cho lệnh chuẩn bị đi tiếp viện cho sư đoàn Hai mươi ba ở Ban mê thuột nhưng chưa kịp xuất phát thì Ban mê thuột thất thủ. Rồi sau đó ít lâu, chúng tôi nhận được lệnh di chuyển về đồng bằng. Lúc đầu, tôi cứ tưởng đó là lệnh chuyển quân bình thường. Biệt động quân là lực lượng cơ động có nhiệm vụ tăng viện cho các sư đoàn bộ binh ở những điểm nóng của chiến trường nên chúng tôi nhận lệnh di chuyển một cách bình thản. Không ngờ, ở Pleiku và các quận lỵ, dân chúng bỗng náo loạn, tình hình đột nhiên sôi lên sùng sục. Tôi hỏi thăm các đơn vị bạn thì tất cả có lệnh di chuyển. Lúc đó chúng tôi mới biết là chính phủ quyết định rút bỏ Cao nguyên để về cố thủ ở đồng bằng. Từ vài tháng nay, có tin đồn, chúng ta đề nghị nhượng cho Việt cộng một vài vùng để đổi lấy hòa bình cho dân hết đau khổ, nhưng cộng sản Bắc Việt không chịu, nhất định đòi chiếm hết miền Nam. Sau đó thì lại có tin đồn chính phủ buộc phải bỏ phần lớn vùng Một và vùng Hai Chiến thuật, để về cố thủ vùng Ba và Vùng Bốn. Nay lệnh rút quân đi khỏi cao nguyên rất phù hợp với tin đồn. Thế là dân chúng trở nên hoảng loạn vì họ biết rằng không bao lâu nữa, mảnh đất mà họ đang sinh sống sẽ rơi vào tay cộng sản. Thực là đáng thương! Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng mới thấy được lòng người. Bình thường, dân chúng chẳng tỏ dấu hiệu gì chứng tỏ họ sợ hãi và thù ghét cộng sản, nhưng đến khi đứng trước nguy cơ phải sống chung với cộng sản thì họ hoảng hốt và tìm cách bỏ chạy với bất cứ giá nào.
Thảo ngừng nói, gắp thức ăn nhai một cách ngon lành. Mọi người im lặng chờ đợi, anh kể tiếp:
- Sau khi Ban mê thuột thất thủ, tôi có bắt đài phát thanh Hà nội, nghe chúng nó bảo rằng toàn thể nhân dân Ban mê thuột đã tự động đứng lên hân hoan đón tiếp quân giải phóng để hợp đồng tác chiến. Nghe chúng nó tuyên truyền kiểu đó, tôi tức đến cái độ muốn kéo hết quân ra Hà nội để đánh một trận cho đã nư. Bây giờ, nhìn thấy cảnh đồng bào mình hớt hơ hớt hải vì lo sợ cộng sản sắp vào đây rồi nghĩ đến vài hôm nữa, đài Hà nội và đài Giải phóng lại bảo rằng nhân dân hồ hởi đón tiếp bộ đội, tôi gần như phát điên lên và muốn chống lại lệnh di chuyển của quân đoàn, ở lại đây liều chết với cộng sản một phen. Tuy nhiên, đó chỉ là ý nghĩ thầm kín và riêng tư mà thôi, chứ làm sao dám hành động ngược với mệnh lệnh được. Mình là sĩ quan quân đội, lại phải chịu trách nhiệm với một khối sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ trong liên đoàn. Sau đó, tôi được lệnh về họp với bộ tư lệnh quân đoàn và được giao nhiệm vụ bảo vệ đoàn di tản nếu bị Việt cộng tấn công và truy kích. Tôi đinh ninh là chúng ta sẽ rút đi bằng quốc lộ Mười chín là con đường gần nhất từ Pleiku đến Qui nhơn. Con đường nầy thì tôi đã quen đi lắm rồi. Đường khá tốt, trong chiến tranh vẫn thường xuyên được tu bổ vì đó là đường bộ huyết mạch mà quân đoàn Hai dùng liên lạc với các tỉnh vùng đồng bằng. Giữa quãng đường lại có thị trấn An khê, một vị trí đồn trú khá vững chắc của quân đội chính qui và địa phương quân. Tuy nhiên, khi ông tướng tư lệnh chỉ lên bản đồ thì mới biết rằng chúng ta không rút quân bằng đường Mười chín mà rút bằng đường số Bảy để về Tuy hòa.
Tự nãy giờ, Tân lắng tai nghe. Đến đây, anh ngạc nhiên phải lên tiếng:
- Tại sao lại chọn đường số Bảy? Theo tôi biết, đường nầy rất xấu, hình như từ lâu không dùng nữa.
Thảo ngạc nhiên:
- Anh biết đường số Bảy à?
- Có, tôi có biết vì đã từng đi từ Tuy hòa đến Cung sơn.
- Đúng rồi, lúc sư đoàn Chín còn ở vùng Hai chiến thuật thì con đường đó vẫn còn sử dụng để liên lạc với Cung sơn, Phú túc và Phú bổn. Tuy nhiên, sau đó thì con đường nầy bị bỏ phế luôn. Hơn mười năm rồi mặt đường và tất cả cầu cống đã bị lũ cuốn trôi hết.
- Thế tại sao lại rút bằng đường nầy?
- Con đường đó hư hỏng hoàn toàn. Chúng ta sử dụng nó vì đó là yếu tố bất ngờ đối với Việt cộng. Chúng ta cần tránh đụng độ trực tiếp với lực lượng của chúng. Lúc bây giờ cộng sản đang tập trung tại đó đến ba sư đoàn đầy đủ quân số và trang bị toàn vũ khí tối tân lại được sự yểm trợ của rất nhiều xe tăng và đại pháo.
- Nhưng quân đoàn Hai cũng có hai sư đoàn và nhiều liên đoàn biệt động quân.
- Đúng, quân đoàn Hai có hai sư đoàn nhưng đóng rải rác ở các tỉnh, trong đó sư đoàn Hai mươi ba gần như tan rã sau khi Ban mê thuột thất thủ. Vì vậy, lực lượng Việt cộng tập trung trong vùng, đông và mạnh gấp năm đến sáu lần chúng ta. Mặt đối mặt, chúng ta không thể chống cự lại được. Vì vậy chúng ta phải lánh mặt được lúc nào thì hay lúc đó.
Tân thở ra một hơi dài, có vẻ bất mãn:
- Mang danh là một quân đoàn của một quân đội có tiếng thiện chiến mà rút lui như một cuộc trốn chạy nhục nhã thế sao? Đã vậy thì còn chọn đường số Bảy làm chi nữa. Cứ tuôn vào trong rừng mà chạy. Rừng núi cao nguyên bạt ngàn, ta lủi vào trong đó thì địch biết đâu mà tìm.
Nghe chồng nói, Thùy Liên sửng sốt, quay sang nhìn rồi nói to:
- Anh Tân, sao anh lại nói như thế? Anh Thảo vừa thoát khỏi cái chết để về đây thăm mình mà anh lại phê phán nặng nề như thế. Anh không sợ làm anh Thảo buồn và giận sao?
Trung tá Thảo mỉm cười một cách độ lượng:
- Không sao đâu chị Thùy Liên. Anh Tân nói như thế là còn nghĩ đến cái danh dự của một quân đội đang chiến đấu cho nền tự do của miền Nam. Anh Tân nói đúng, cuộc di tản vừa rồi đúng là một cuộc trốn chạy nhục nhã. Mãi mãi về sau nầy, khi nhắc đến cuộc di tản đó, chắc chắn những người có tâm huyết vẫn còn thấy đau lòng. Tuy nhiên sự nhục nhã đó có lý do để biện minh được.
Bạch Mai bỗng lên tiếng:
- Đó là hộ tống khối đồng bào vô tội cùng tham gia vào cuộc di tản phải không?
Thảo mừng rỡ:
- Đúng vậy, chị Thế nói đúng. Chúng ta trốn tránh cộng sản chỉ vì phải cưu mang cả hai trăm ngàn thường dân sợ sống chung với cộng sản và quyết tâm đi theo chúng ta. Họ bỏ tất cả tài sản dành dụm trong suốt cả cuộc đời cần lao và mang cả sinh mạng ra đổi lấy một cuộc sống trong vùng tự do. Dù phải chịu một vạn lần nhục nhã để bảo vệ được họ thì quân đội chúng ta cũng phải cam tâm.
Giọng của Thảo như rít lên rồi bỗng trầm xuống và nín bặt trong cảm xúc. Tân quay sang nhìn bạn:
- Anh Thảo, tôi thành thật xin lỗi anh.
Thảo lấy lại nét mặt bình thản:
- Không, anh chẳng có lỗi gì cả. Anh và Bính là hai người bạn thân nhất và đáng quí nhất của tôi trên đời nầy. Anh là người có tâm hồn ngay thẳng và chân thật. Tôi rất thích những lời nói thẳng của anh. Trước đây anh đã hoạt động cho cộng sản vì lòng yêu nước của tuổi trẻ, có đúng không nào? Và cũng chính vì sự ngay thẳng của tâm hồn mà anh nhận ra bản chất của người cộng sản để từ bỏ, có đúng vậy không? Những con người như anh, một khi đã suy nghĩ chín chắn và dứt khoát theo con đường nào thì đó phải là con đường của chính nghĩa. Tôi rất mến anh và hãnh diện là bạn thân của anh. Anh là người dứt khoát từ bỏ chủ nghĩa cộng sản vì đã hiểu chủ nghĩa nầy. Tôi là người vượt biên để xa lánh vùng đất của cộng sản sau khi đã chứng kiến tận mắt hành vi của chúng. Chúng ta đã gặp nhau ở miền Nam nầy, đã cùng đổ mồ hôi trong quân trường và đã cầm súng để gìn giữ nền tự do cho nửa phần còn lại của Tổ quốc. Vì vậy, hiện nay và mãi mãi sau nầy, anh vẫn là người bạn quí nhất của tôi.
Thiếu tá Thế ngắt lời:
- Tôi rất hoan nghênh tình bạn của hai anh. Bây giờ, anh Thảo hãy tiếp tục nói cho tôi nghe về cuộc di tản đi. Ở tổng tham mưu, tôi có dịp đọc các công điện và bản tin để biết được toàn bộ sự việc nhưng không thích bằng nghe chính người trong cuộc kể lại.
Thảo cười, cố lấy giọng khôi hài để làm cho không khí nhẹ nhàng hơn:
- Xin tuân lệnh thiếu tá. Tôi đang nói gì nhỉ? À, nói về việc theo đường số Bảy để trốn chạy vì phải mang theo đồng bào. Nếu chỉ có quân đội mà thôi thì, đúng như lời anh Tân, chúng tôi có thể băng rừng vượt núi mà đi. Mà cũng chẳng cần băng rừng vượt núi. Cứ đi theo đường nào thuận tiện nhất. Địch có chận lại thì đánh, đánh xong thì đi tiếp, thế thôi. Còn có đồng bào đi theo thì không thể được.
Thùy Liên ngắt lời:
- Nhưng nếu trong đoàn di tản có thường dân thì cộng sản cũng phải nương tay để tránh đổ máu cho người vô tội chứ.
Thảo cười khẩy:
- Chị Liên nhầm rồi. Cộng sản không hề nương tay chút nào cả đối với những người không chịu sống chung với chúng dù đó là những người không có một tấc sắt trong tay. Lập trường “ta, bạn, thù” của cộng sản thì rất rõ. Theo họ là bạn còn không theo họ là thù, không còn nghi ngờ gì nữa. Chị Liên không tin à? Đây nầy bằng chứng rõ ràng. Khi dân chúng ở Pleiku nghe tin quân đội mình bỏ cao nguyên thì họ nhốn nháo, nhà nào cũng tháo gỡ đồ đạc ầm ầm nhưng rốt cuộc quăng lại hết, chỉ mang một ít áo quần, tiền bạc nữ trang cùng lương thực. Ai có xe hai, bốn bánh thì đi xe, ai không có xe thì đi bộ. Nhưng chạy đi đâu? Loanh quanh trong thành phố. Lên phi trường thì phi trường ngưng hoạt động lại lộn về. Đến khi có tin theo quốc lộ Bảy về Phú bổn thì người ta ùn ùn chạy về phía đó. Một đoàn xe hai bánh của dân thường vọt đi trước được một đoạn đường thì gặp một toán du kích Việt cộng chận lại và xả súng bắn làm nhiều người ngã gục.
Giọng Thùy Liên run run vì sợ hãi:
- Di chuyển cả quân đoàn mà không có kế hoạch mở đường để cho một nhóm du kích đánh chận hay sao?
- Có chứ. Theo kế hoạch thì liên đoàn của tôi cùng hai tiểu đoàn công binh chiến đấu đi mở đường, vừa đảm bảo an ninh, vừa bắt cầu tạm cho đoàn đi sau nhưng chưa kịp xuất phát thì một số đồng bào chạy trước và lâm nạn. Khi nghe tin, chúng tôi vội đến tiếp cứu, đánh đuổi ngay bọn du kích dã man, gọi trực thăng chở những người bị thương về Tuy hòa, còn những người chết thì đành vùi xuống bên vệ đường. Cuộc hành quân quân rút lui dự trù hoàn tất trong hai đến ba ngày nhưng không ngờ đoàn người chạy theo quá đông, ước lượng phải đến hai trăm ngàn. Số xe có thể lên đến mười ngàn chiếc kể cả quân xa. Đoàn người lại là dân thường trong cơn hoảng loạn nên chẳng thế nào chỉ huy được họ. Họ chen lấn xô đẩy nhau, giành lên bất cứ xe nào có thể lên được. Rồi nhiều người bị đẩy xuống, ngã lăn trên đường cùng gạo cơm mắm muối làm cản trở và tắt nghẽn giao thông. Thực là một thảm cảnh cùng cực. Nhưng thảm cảnh không dừng tại đó.
Thảo dừng lại uống nước và nói tiếp:
- Như tôi đã nói khi nãy, trong vùng chung quanh Pleiku, cộng quân đang tập trung ba hay bốn sư đoàn nhưng chúng không ngờ chúng ta rút lui theo đường số Bảy nên không có phản ứng gì trong hai ngày đầu tiên. Nhưng đến ngày thứ ba thì bộ đội cộng sản rượt kịp. Từng đợt một, chúng bắn xối xả vào đoàn di tản. Những loạt đạn đại pháo chế tạo từ Liên xô và Trung cộng rót một cách chính xác vào đoàn người. Tiếng bom đạn hòa lẫn với tiếng khóc, tiếng gào thét của đàn bà con nít. Máu chảy ngập cả đường đi, thây người ngã xuống chồng chất lên nhau. Người chết, gần như toàn bộ là dân thường, đa số là đàn bà, ông già bà cả và trẻ con vì họ không hề biết tránh đạn như bọn quân nhân chúng mình. Liên đoàn chúng tôi đang đi mở đường thì được lệnh trở lui để tiếp cứu. Nhìn thấy những xác chết của đồng bào, đa số là ông bà già và trẻ em trên đường, máu trong huyết quản biệt động quân của chúng tôi sôi lên. Chúng tôi xông vào rừng đánh bọc vào cạnh sườn một cánh quân của Việt cộng. Chúng tôi lao vào tàn sát để trả thù cho đồng bào, làm cho bọn chúng đông hơn gấp bội mà đành phải rút lui. Sau đó, chúng tôi được lệnh nằm lại để bảo vệ cho đoàn cuối cùng đi qua. Các bạn thấy chưa, cộng sản đi “giải phóng” miền Nam như thế đó!
Thùy Liên lấy khăn lau mồ hôi trên trán còn Bạch Mai cúi đầu thở dài. Thiếu tá Thế hỏi:
- Nghe nói đã có xảy ra một số vụ cướp bóc và hãm hiếp do lính biệt động quân phải không?
- Khi về đến Tuy hòa, tôi có nghe chuyện đó. Tôi hỏi bên quân cảnh thì họ nói có cướp bóc chứ không có hãm hiếp. Quân cảnh bắt được vài tên là biệt động quân biên phòng, thứ lính bậy bạ mới sát nhập vào binh chủng chúng tôi, và số đông hơn là bọn tù ở Pleiku, tự phá khám ra và lấy được áo quần biệt động quân trong kho mà chúng ta chưa kịp phá hủy. Quân cảnh bắn chết mấy tên ngay tại chỗ thì mới ngăn chận được hành vi cướp bóc của chúng nó.
Thảo thở dài và nói tiếp:
- Tôi đã từng chứng kiến biết bao cái chết nhưng chưa có cảnh nào thê thảm bằng cuộc di tản vừa qua. Tại sao dân tộc mình phải chịu một số phận oan nghiệt thế nầy nhỉ?
Bạch Mai hỏi:
- Cuối cùng, cuộc di tản kết thúc thế nào?
- Sau mười ngày kể từ khi xuất phát thì mọi người về đến Tuy hòa. Từ đó quân đội và dân thường tiếp tục vào Nam theo đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Liên đoàn tôi được đưa vào tỉnh Khánh hòa để dưỡng quân và bổ sung quân số. Tôi vào đây để nhận lệnh. Sáng mai tôi phải ra Nha trang để trở lại với liên đoàn rồi lại lao vào chiến đấu. Với tình hình nầy, không một đơn vị nào có thể nghỉ ngơi nhiều ngày được.
Thiếu tá Thế đứng dậy:
- Thôi chúng ta hãy kết thúc bữa ăn tối và cuộc hàn huyên. Hẹn khi khác. Bây giờ tôi và anh Thảo phải trở vào doanh trại.
Tân đứng dây theo:
- Tối nay anh Thảo ngủ trong khối chiến tranh chính trị của anh Thế phải không?
- Không, tôi ở tại phòng liên lạc của biệt động quân. Ở đó có mấy sĩ quan cấp úy đi theo tôi nữa.
- Ngày mai anh lên đường sớm à?
- Vâng, sáng tinh mơ phải có mặt ở Tân sơn nhất rồi.
- Thế là anh không có thì giờ vào tổng y viện Cộng hòa thăm thiếu úy Thảo?
Trung tá sa sầm nét mặt:
- Rất tiếc!
Anh đứng ngẩn người ra một chút rồi tiếp:
- Nếu không thăm được thì phải có chút quà tặng chứ. Tội nghiệp, mới hai mươi mốt tuổi đầu mà đã thành người tàn phế.
Anh cho hai tay vào túi quần rồi rút ra. Anh nhìn chiếc đồng hồ trên tay mình, định cởi ra nhưng chợt ngưng lại, lẩm bẩm:
- Không được, không được!
Rồi anh nói to với Thùy Liên đang chăm chỉ nhìn mình:
- Chiếc đồng hồ nầy là của em gái tôi tặng tôi khi còn ở ngoài Bắc. Kỷ vật duy nhất của Hải Đường mà tôi còn giữ đến ngày hôm nay và cho đến hết cuộc đời tôi. Thôi, tôi còn một ít tiền đây, nhờ chị mua cho Anh ấy thứ gì đó cũng được.
Anh móc bóp đưa cho Thùy Liên hai tờ giấy bạc. Thùy Liên nhận và nói với giọng cảm động:
- Anh còn nhắn với thiếu úy Thảo điều gì nữa không?
Trung tá nhíu mày:
- Chẳng còn gì để nói nữa. À, nhờ chị nói với nó rằng tôi và toàn thể anh em rất đau đớn vì nỗi bất hạnh của nó. Mọi người đều nhớ đến nó. Bảo nó hãy cố sống một cách vui vẻ. Tổ quốc không bao giờ quên sự hi sinh to lớn của nó.
Thùy Liên đưa tay áo chặm vào mắt mình. Thảo quay sang Tân, nói với giọng rầu rĩ:
- Anh vẫn chưa quên tên con Hải Đường, em gái tôi, phải không?
- Vâng, tôi vẫn còn nhớ tai họa xảy ra cho gia đình mà anh đã kể cho tôi và Bính nghe trong quân trường. Tôi nhớ em gái anh nhờ có cái tên rất đẹp. Hải Đường, một trong những đóa hoa đẹp nhất trong các loài hoa.
- Không biết bây giờ, nó ra sao ở miền Bắc. Đêm rồi tôi chiêm bao thấy nó trong một khung cảnh rùng rợn.
Mọi người quay lại lắng tai nghe. Thảo tiếp tục nói:
- Tôi chiêm bao thấy mình đang hành quân ở vùng Một. Sau một trận đánh ác liệt, tôi dẫn một toán lính đi thu dọn chiến trường. Xác quân thù ngổn ngang. Tôi thấy một cái xác nằm úp nên lật ngửa ra. Chính là con Hải Đường, em gái tôi! Nó vùng dậy nhìn tôi mỉm cười rồi đột nhiên biến mất. Tôi giật mình thức dậy, trán ướt đẫm mồ hôi.
Giọng anh nhỏ lại và trở nên ngập ngừng:
- Có hai điều mà tôi lo lắng cho em gái tôi. Điều thứ nhất là nó đã chết rồi vì làm sao sống nổi với cộng sản khi mang một lý lịch cha mẹ là địa chủ và anh trai vượt biên vào Nam theo quân thù. Điều thứ hai là nó còn sống và bị đưa vào Nam để chiến đấu và hai anh em chúng tôi ở hai bên chiến tuyến của cuộc huynh đệ tương tàn nầy. Giấc mơ khi đêm ứng với cả hai điều lo lắng đó.
Thiếu tá Thế cười, vỗ vai Thảo một cách thân mật:
- Chiêm bao thì chẳng có gì quan trọng. Thường thường, những gì chúng ta lo sợ thì lại hay hiện ra trong chiêm bao. Hơn nữa, lòng anh vẫn chưa tan sự xúc động vì cuộc di tản đầy máu và nước mắt vừa rồi. Thôi, đừng nghĩ đến cơn ác mộng vừa rồi nữa. Rồi thế nào hòa bình cũng trở lại và anh em gặp nhau.
Thảo thở dài, nỗi buồn tràn ngập trên gương mặt sạm đen của người sĩ quan biệt động quân.



*
* *



Cuộc đại bại của Việt Nam Cộng hòa đến phải bỏ cả một vùng cao nguyên rộng lớn đầy tài nguyên, gây nên một ảnh hưởng rất tệ hại cho tinh thần chiến đấu của dân chúng lẫn quân nhân. Trong khi đó, cộng quân thừa thắng xông lên gây áp lực nặng nề khắp nơi đặc biệt là ở miền Đông và vùng hỏa tuyến tức là hai tỉnh phía Bắc của Việt Nam Cộng hòa. Ở Sài gòn, mọi hoạt động dân sự đều xảy ra bình thường, nhưng đó chỉ là bề ngoài mà thôi. Trong lòng mọi người đều chất đầy ưu tư.
Tình hình trên các chiến trường mỗi lúc thêm sôi động, nguy cơ bại trận hoàn toàn trở thành rõ rệt. Miền Nam chỉ có thể tránh được sự tan rã nếu mọi người đoàn kết một lòng. Giữa cảnh dầu sôi lửa bỏng đó thì bỗng dậy lên một phong trào tố cáo tổng thống tham nhũng, làm cho mọi người càng thêm hoang mang và bàn tán xôn xao. Trong hầu hết công sở và tư sở, kể cả các văn phòng của quân đội, người ta bỏ bê công việc để ngồi bàn tán với nhau về tin tức chiến sự và về phong trào chống tham nhũng.

Một buổi chiều về đến nhà, vừa mở cửa ra thì Tân bắt gặp ngay một phong thư. Cả ngày, nhà đóng cửa nên người bưu tá đã nhét phong thư vào khe hở. Tân nhặt lên đọc. Thùy Liên bước tới hỏi vội:
- Thư của ai vậy anh?
- Của chị Hai ở Cần thơ gởi lên. Đây em xem trước đi. Anh lo nấu nước tắm cho hai con rồi xem sau.
Tân xuống bếp nhóm lửa. Vừa bắc ấm nước lên thì Thùy Liên đi xuống. Nàng nói vội, giọng lo lắng:
- Ba đau nặng. Chị Hai bảo em nên về thăm ba, vì lúc nào ba cũng nói với mọi người là nhớ em và mong em về thăm. Em lo lắm. Tại sao ba cứ nằng nặc đòi gặp mặt em?
Tân an ủi vợ:
- Có lẽ không có gì đáng ngại đâu. Ba già rồi thì chuyện đau ốm là bình thường. Nằm cả ngày buồn thì mong gặp đứa con nào ở xa. Hơn nữa em là con gái cưng nhất của ba mà. Tuy nhiên, em cũng nên về thăm để ba vui lòng. Hôm nay là thứ năm. Ngày mai em đi làm, đưa đơn xin nghỉ một ngày. Thế là sáng thứ bảy lên xe đi và chiều chúa nhật trở về Sài gòn để thứ hai đi làm như thường.
- Em đem cả hai đứa con về thăm quê ngoại nữa nhé. Chị Hai bảo má cứ nhắc đến Thùy Dung và Hòa Bình mãi. Thư đây, anh xem đi.
Tân xem thư xong, đi pha nước tắm cho hai con trong khi Thùy Liên lo bữa ăn tối cho gia đình.
Đúng như dự tính, sáng thứ bảy, Tân chở cả ba mẹ con ra bến xe rồi đến trường.
Chiều về trong căn nhà vắng vẻ, thiếu tiếng nói bi bô, tiếng cười ròn rã của trẻ thơ, sự trống trải gần như hoang vu chiếm đóng các gian phòng. Tân tránh phòng khách, xuống bếp nấu ăn một mình, nhưng gian nhà bếp cũng vắng lạnh buồn tênh. Sau bữa cơm, anh cứ đi lên đi xuống, lòng xốn xang một nỗi nhớ nhung mãnh liệt. Anh ngồi vào bàn cố gắng làm việc nhưng không tập trung nổi ý nghĩ nên đành đứng dậy bước ra hiên nhìn người qua lại mỗi lúc một thưa thớt hơn. Khi tiếng xe ngoài đường lộ không còn vọng vào nữa, Tân biết đêm đã khuya, anh vào giường và cố dỗ giấc ngủ.
Ngày chúa nhật, Tân có giờ dạy cả hai buổi nên thì giờ qua nhanh. Buổi chiều, vừa qua khúc quanh của con hẻm, anh đã thấy cửa nhà mình mở toang. Anh dừng xe lại, nhìn vào và cảm thấy gian nhà như bừng bừng sinh khí với tiếng đùa giỡn của hai chị em từ dưới bếp vọng lên. Anh đưa xe vào nhà thì lập tức hai đứa bé vừa reo hò, vừa chạy đến ôm chặt lấy hai chân. Tân ngồi xuống siết con vào lòng, ngây ngất vì mùi thơm lạ kỳ của trẻ thơ.
Tân hôn tới tấp vào những chiếc má phinh phính của hai con rồi ngẩng lên. Thùy Liên đứng yên ở khung cửa bếp với cụ cười rạng rỡ. Tân đứng dậy, một tay dắt Hòa Bình, một tay dắt Thùy Dung đến gần vợ, hỏi:
- Ba mẹ con về lúc nào?
Thùy Liên đáp một cách vui vẻ:
- Được khoảng nửa giờ.
- Ba thế nào?
- Ba bị sưng phổi, sốt li bì suốt một tuần lễ, bây giờ khá lắm rồi. Chị Hai nói ba hết sốt ba bốn hôm rồi, nhưng cứ nằm hoài không chịu ăn nên khó bình phục được. Tới khi em về, ba mừng rỡ, ngồi dậy ngay, ôm chầm lấy em và hai đứa cháu ngoại. Một lúc sau, chị Hai ngoắt em xuống bếp, bảo mang cháo lên cho ba. Ông ngồi, vừa ăn, vừa nhìn hai đứa cháu ngoại, loáng một cái hết ngay tô cháo. Má và chị Hai ngạc nhiên hết sức. Hai ngày ở dưới đó, lúc nào em đưa sữa và cháo lên, ba cũng rán ăn uống hết nên sức khỏe hồi phục nhanh chóng.
Tân cười to:
- Đó, hôm nhận được thư của chị Hai, anh đã nói rồi mà. Ông cụ nhớ con gái quá nên đổ bệnh ra. Nếu em đi thêm vài bữa nữa thì anh cũng sẽ liệt giường như ba vậy.
Thùy Liên đưa ngón tay dí vào trán của chồng:
- Anh nói xạo. Em đi càng lâu, anh càng mừng vì được tự do.
- À, còn má thế nào?
Thùy Liên cúi mặt xuống có vẻ hơi buồn:
- Má không được khỏe lắm.
Tân hoảng hốt:
- Em nói sao? Má không khoẻ à?
- Không, hiện giờ thì chẳng có gì nghiêm trọng, nhưng bác sĩ dặn phải coi chừng má cho kỹ.
Tân nhìn sững vợ:
- Tại sao vậy?
- Má bị cao huyết áp, có triệu chứng khá rõ của bệnh tim mạch. Hai tuần rồi phải săn sóc ba nên má thường bị mệt. Bác sĩ dặn tránh những trường hợp có thể làm má xúc động.
- Tội nghiệp. Anh thương má quá. Hai lần em sinh con, má đều chịu cực quá nhiều.

Sau buổi cơm chiều, hai vợ chồng kéo nhau vô phòng trong tâm sự. Tân ngắm nhìn vợ lui cui xếp đống áo quần, anh cũng cầm cái này lên bỏ cái kia xuống nhưng không biết xếp vô đâu. Liên cười:
- Thôi, ông thầy bỏ đó đi.
Tân cũng cười khì:
- Em về dưới đó có đi thăm bà con, bạn bè không?
- Em không đi nhưng nhiều bà con và hàng xóm nghe em về thì đến thăm. Chiều hôm qua, em có vào quân y viện Cần thơ gặp nhiều bạn cũ. Họ mừng rỡ và niềm nỡ làm em cảm động lắm.
- Tình hình dưới đó thế nào?
- Vẫn sinh hoạt bình thường. Cũng như trên nầy, mọi người đều có vẻ lo âu và bàn tán xôn xao.
- Có phải tình hình chiến sự dưới đó nặng nề phải không? Ở tỉnh nhỏ, người ta dễ bị ảnh hưởng vì chiến cuộc hơn ở thủ đô nầy.
- Không, người ta không lo lắng vì chiến sự chung quanh vùng mà lo lắng vì những tin tức bất lợi ở miền Đông và ở Cao nguyên. Người ta cũng biết rằng hai tỉnh địa đầu là Quảng trị và Thừa thiên khó đứng vững được trước những binh đoàn của cộng sản tràn qua sông Bến hải. Có người còn nói chúng ta sẽ mất cả ba vùng chiến thuật Một, Hai và Ba, chỉ còn giữ được vùng Bốn làm vùng tự do cũng như Đài loan của Trung hoa vậy. Lúc đó Cần thơ sẽ là Thủ đô của Việt Nam Cộng hòa. Có người còn bàn đến vị trí xây dinh tổng thống, trụ sở quốc hội nữa. Thực là buồn cười.
- Ý kiến của ba thế nào? Em có nói chuyện với ba không?
- Có, đêm rồi nói chuyện rất khuya. Em sợ ba mệt nên khuyên ba đi ngủ sớm nhưng nhất định ba không chịu, đòi em ngồi tiếp chuyện. Ba rất ưu tư về thời cuộc nhưng ở dưới nầy chẳng có ai để ba tâm sự.
- Ba có nhận định thế nào?
- Ba là người trí thức, thuộc về số ít ỏi những người có học đến nơi đến chốn thời Pháp thuộc nên ba có nhận định rất sâu sắc và chính xác. Từ lúc còn ở nhà, em thường phục nhận xét của ba.
- Ý kiến của ba thế nào? Em nhập đề dài dòng quá.
Thùy Liên đổi giọng đùa giỡn:
- Không, anh phải cho em cái gì đó thì em mới nói.
Tân ra vẻ dáo dác nhìn ra cửa, không thấy hai đứa trẻ đâu cả. Từ bên phòng ngoài vọng vào tiếng cười ha hả khoái chí của thằng Hòa Bình. Anh đột ngột ôm lấy đầu Thùy Liên, lật ngửa mặt lên, hôn mạnh vào đôi môi rồi buông ra:
- Đó, anh cho em rồi đó.
Mặt Thùy Liên ửng hồng:
- Anh khôn lắm, cho như thế thì anh có mất gì đâu. Anh Tân, khi đêm nằm ngủ một mình, anh có nhớ em không?
Tân nhìn vợ một cách đắm đuối:
- Nhớ gần phát điên lên.
- Em cũng vậy, mong cho đêm ngày qua nhanh để về với anh.
- Ba má không đòi giữ em và hai con lại à?
- Không, ba má biết em còn phải đi làm. Sáng nay, má còn bảo em phải về cho sớm; sợ về trễ, Việt cộng chận đường thì nguy. Còn ba thì khuyên em cố giữ gìn sức khỏe để làm việc. Ba bảo rằng chiến trận càng ác liệt thì thương binh càng nhiều, em phải hết lòng thoa dịu nỗi đau đớn do chiến tranh gây ra.
- Ba thực là người nhân đức.
- Còn hơn cả người nhân đức nữa. Bây giờ, ba ăn nói như một bậc chân tu. Ba bảo rằng những kẻ ác gây ra chiến tranh thì kiếp sau sẽ bị trừng phạt nặng nề, còn ai thoa dịu được vết thương chiến tranh thì kiếp sau sẽ được hưởng phước lớn.
- Đối với tình hình hiện tại thì ba có ý kiến thế nào?
- Về tình hình chiến sự thì ba rất bi quan. Ba bảo rằng miền Nam không thể đứng vững được trước sức tấn công của miền Bắc. Miền Nam vẫn còn đầy đủ tính người nên sức chịu đựng có giới hạn, không thể kiên trì mãi mãi được. Còn ở miền Bắc, người ta đã biến được con người thành những khối sắt với sức chịu đựng vô tận, đáp ứng được chủ trương trường kỳ kháng chiến của cộng sản Việt Nam. Trước tình hình đó, ba muốn vợ chồng mình phải sáng suốt để chuẩn bị một thái độ thích hợp.
- Có nghĩa là ba bảo rằng không bao lâu nữa, cộng sản sẽ chiếm được miền Nam nầy và chúng ta phải chuẩn bị tinh thần và thái độ để sống chung với cộng sản?
- Ba không nói thẳng nhưng em nghĩ rằng ba có ý đó.
Tân nhìn thẳng Thùy Liên bằng cặp mắt có vẻ khác thường, những gân máu trên trán hình như nổi rõ lên. Thùy Liên ngạc nhiên gần như hoảng hốt:
- Anh Tân, anh làm sao thế?
Tân quay nhìn đi nơi khác, mặt dịu lại:
- Không, không sao cả.
- Có, anh có vẻ xúc động một cách lạ lùng khi em nói mình phải chuẩn bị tinh thần để sống chung với cộng sản. Đúng vậy phải không?
Tân khẽ gật đầu. Thùy Liên hỏi tiếp:
- Anh sợ cộng sản lắm à?
- Không, anh không sợ lắm đâu. Từ hôm anh Thảo kể chuyện di tản khỏi Cao nguyên thì ý nghĩ miền Nam hoàn toàn sụp đổ luôn luôn xâm chiếm trí óc anh. Anh nghĩ đến lúc cuộc chiến tranh dai dẳng và đáng nguyền rủa nầy chấm dứt, hòa bình được lặp lại. Viễn cảnh của nền hòa bình nầy gây nên nhiều lo ngại cho hầu hết dân miền Nam nhưng dù sao đó cũng là hòa bình, nghĩa là không còn tiếng súng, không còn cảnh hãi hùng khi những người du kích vác súng về làng lúc màn đêm buông xuống. Riêng đối với anh ….
Tân đột nhiên dừng lại. Thùy Liên im lặng chờ đợi chồng nói tiếp ý nghĩ của mình nhưng Tân lại hỏi:
- Ba còn nói gì nữa không?
Thùy Liên hỏi trở lại:
- Anh thích tìm hiểu ý kiến của ba lắm à?
Tân gật đầu:
- Đúng vậy. Tình hình sắp biến chuyển mãnh liệt. Chúng ta sắp chứng kiến một khúc quanh lịch sử quan trọng. Trước tình hình đó, anh như một chiếc lá khô bị lôi cuốn một cách thụ động vào dòng thác của lịch sử. Anh không muốn và không thể cưỡng lại dòng thác đó nhưng phải có một cái nhìn sáng suốt cùng những ý nghĩ chín chắn để có một thái độ thích hợp với hoàn cảnh. Vì vậy, anh cần nghe ý kiến của những người trí thức và có nhiều kinh nghiệm sống như ba em. Anh hỏi thực em điều nầy. Ba có thích cộng sản chiếm được miền Nam nầy hay không?
- Không, chắc chắn là không. Suốt đời ba là công chức cho chánh phủ thuộc địa rồi cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Với cái lý lịch như thế thì ba phải hiểu rằng cộng sản sẽ liệt ba vào hàng ngũ những người bất hảo, có khi là kẻ thù cũng nên. Hơn nữa, hiện nay ba và má đang sống khá thong thả với món lương hưu do mấy chục năm làm công chức nên em không phải lo gì cho ông bà cả. Nếu cộng sản về đây thì chắc chắn chính quyền quốc gia hoàn toàn sụp đổ sợ món tiền hưu bổng do ba đóng góp trong mấy chục năm làm công chức cũng không còn nữa. Ruộng vườn dưới quê cũng không chắc còn là của mình nữa. Thế thì làm sao ba mong cộng sản vào cai trị miền Nam nầy được?
Thùy Liên suy nghĩ như nhớ lại chuyện cũ rồi nói tiếp:
-Thực ra, trong thời gian trước năm 1954, ba có cảm tình nhiều với Việt minh vì họ đang chống thực dân Pháp. Em biết ba còn giúp đỡ cho Việt minh nhiều lần nữa. Nhưng từ khi họ lộ rõ bộ mặt cộng sản và dùng chiến tranh để bành trướng chủ nghĩa vô thần thì ba không còn ưa họ nữa. Ba là tín đồ của đạo Khổng và đạo Phật, hai cái đạo đề cao nhân nghĩa và từ bi hỉ xả thì hoàn toàn trái ngược với đạo cộng sản. Ngay ở quê hương của Khổng tử, Trung cộng đã mạt sát vị vạn tuế sư biểu đó là tên phong kiến phản động. Em nhớ khi đọc tin đó trên báo, ba đã nổi giận đến đỏ mặt tía tai. Em thấy tâm trạng của ba có nhiều điểm giống tâm trạng của anh.
Tân tỏ vẻ sung sướng:
- Cám ơn em. Được giống ba là điều hãnh diện cho anh. À, ba có biết sự bất ổn trong đời sống dân Sài gòn không?
- Anh muốn nói tới sự bất ổn gì?
- Bất ổn chính trị do một nhóm người tố cáo tổng thống tham nhũng.
- Có, ba có nói đến điều đó. Ba có đưa cho em xem bảng cáo trạng chống tham nhũng của nhóm đó. Ba còn kể tên những người trong nhóm, đứng đầu là một linh mục của Thiên Chúa, rồi có cả các tu sĩ của Phật giáo nữa. Họ đòi lật đổ chính phủ và dựng nên một chính phủ hòa giải với Việt cộng.
- Ý kiến của ba thế nào? Có ủng hộ nhóm chống tham nhũng đó không?
- Ba là người rất thù ghét tham nhũng nên suốt đời ba trong sạch. Bao nhiêu năm làm trưởng ty công chánh mà về già sống cuộc đời thanh bần. Tuy nhiên, ba bảo rằng phát động phong trào lúc nầy để bêu riếu cấp lãnh đạo thì rõ ràng tạo thuận lợi rất nhiều cho Việt cộng. Phong trào nầy đã làm công việc thay cho nhiều binh đoàn của cộng sản. Nói chuyện hòa giải với cộng sản lúc họ đang thắng thế thì rõ ràng là ngây thơ đến nực cười. Hai năm trước đây, Việt cộng ở miền Nam chưa mạnh lắm thế mà hiệp định Paris chưa hòa giải được thì nhúm người hô hào chống tham nhũng ngày nay làm sao thuyết phục Việt cộng hòa giải được. Em bảo rằng trong nhóm đó có các tu sĩ của hai tôn giáo lớn thì ba cười. Ba cho rằng em cũng ngây thơ như những người trong cái phong trào chống tham nhũng đó. Cộng sản liệt tôn giáo vào hàng ngũ những kẻ thù mà họ phải triệt hạ khi có dịp thì tiếng nói của tôn giáo có nghĩa gì đối với họ.
- Thế thì theo ba, các ông tu sĩ đó là cán bộ nằm vùng của cộng sản à?
- Ba không nói điều đó nhưng theo em, họ không thể là tay sai của cộng sản được. Có thể họ đã để cho cộng sản lợi dụng.
Tân buồn bã gật đầu:
-Thiên Chúa giáo và Phật giáo là hai tôn giáo thực cao quí, nhưng một số tu sĩ của cả hai tôn giáo đã phạm những sai lầm làm hoen ố tôn giáo mà họ làm đại diện. Đối với lịch sử thì đây là lần thứ hai mà đạo Thiên Chúa đã gây hại cho nhân dân Việt Nam.
- Tại sao là lần thứ hai?
- Lần thứ nhất, vào thế kỷ trước, các tu sĩ của đạo nầy đã để cho thực dân Pháp lợi dụng nhảy vào xâm chiếm và đặt nền đô hộ lên đất nước mình. Lần nầy thì một số linh mục đã làm suy yếu tinh thần dân chúng và quân đội miền Nam, tăng thêm ưu thế cho Việt cộng. Phật giáo cũng hai lần có tội đối với lịch sử Việt Nam.
- Tội thế nào?
- Năm 1963, họ phát động phong trào chống đối lại chính phủ đương thời làm cho chính phủ bị sụp đổ, dẫn đến cái chết của một vị tổng thống có tài đức. Rồi bây giờ, mấy ông tu sĩ Phật giáo muốn tiếp tay làm sụp đổ luôn cả miền Nam nầy.
Liên thở dài, với tay lấy tờ báo quạt bớt bầu không khí nóng nực trong phòng:
- Em luôn luôn kính trọng đức Phật cũng như giáo lý nhà Phật mà ba đã giảng cho em nghe lúc em còn ở nhà. Em thấy nó khác hẳn với thái độ của mấy ông sư hiện nay. Mấy ông đó đã nhảy vào con đường chính trị với tất cả lòng tham sân si của con người trần tục. Giữa các ông đó với Phật giáo chẳng có mối liên quan gì cả hay nếu có thì chỉ là mối liên quan hoàn toàn giả tạo.
Tân đập tay lên đống áo quần, nghiêm mặt dọa:
- Anh thực bất ngờ vì những ý nghĩ nầy của em, những ý nghĩ làm cho em khó sống với cộng sản.
Thùy Liên cười vui vẻ:
- Khi cộng sản vào đây thì em phải suy nghĩ khác đi để có thể sống với họ chứ.


*
* *


Đúng như nhận định của nhiều người, việc rút khỏi cao nguyên khởi đầu cho những thất bại liên tiếp của quân đội Việt Nam Cộng hòa trên khắp các chiến trường. Tuy nhiên cuộc di tản nầy cũng gây bất lợi cho cộng sản. Số lượng dân chúng ồ ạt chạy theo quân đội Việt Nam Cộng hòa để lánh xa cộng sản làm cho mọi người thấy rõ được lòng dân và cái từ “giải phóng” của Việt cộng được mọi người nói tới với đầy vẻ mỉa mai. Máu và xác chết của thường dân vô tội bỏ lại trên đường số Bảy do sự truy kích của “bộ đội giải phóng” làm xúc động sâu xa lương tâm của nhiều dân tộc trên thế giới. Vì vậy Hà nội chỉ thị cho mặt trận Giải phóng Miền Nam liên tiếp ra nhiều thông cáo đầy vẻ nhân đạo để trấn an dân chúng miền Nam trong khi họ vẫn đẩy mạnh cuộc tổng tấn công. Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã chiến đấu rất anh dũng, nhiều nơi hai bên tranh giành từng tấc đất nhưng rồi các thành phố cứ lần lượt bị đánh chiếm và các tuyến phòng thủ vội vã được thiết lập rồi nhanh chóng bị phá vỡ, dần dần từ Trung vào Nam. Dân chúng bỏ các thành phố bị thất thủ và ùn ùn trốn chạy vào Sài gòn làm cho thủ đô vô cùng hỗn độn. Nhiều trường học ngưng hoạt động, dành các lớp cho những người tị nạn.
Tân chỉ còn dạy một số ít giờ nhưng gần như lúc nào cũng phải có mặt tại trường. Thùy Liên thì công việc vô cùng bận rộn vì thương binh được nườm nượp đưa về hàng ngày.
Giữa lúc đó, Thùy Liên nhận được điện tín từ Cần thơ đánh lên, cho hay mẹ đau nặng. Nàng hoảng hốt viết đơn xin nghỉ thì đơn bị bác tức thì. Lệnh cấm trại được ban hành và áp dụng cho tất cả quân nhân và nhân viên ở mọi cơ quan quân đội kể cả các quân y viện. Thùy Liên làm việc trong nỗi bồn chồn, lắm lúc đứng hay ngồi ngẩn ra như người mất hồn. Ba hôm sau, lại một điện tín đánh lên cho hay bà cụ đang hấp hối. Cả hai vợ chồng không cần làm đơn xin phép nữa mà chỉ viết giấy báo cho nhà trường và tổng y viện hay rồi ngay sáng hôm sau đưa cả hai con về Cần thơ.
Than ôi, trễ mất rồi, bà đã tắt thở từ rạng sáng vì chứng suy tim. Tân và Thùy Liên quì xuống gục đầu bên cái xác lạnh tanh của mẹ.
Trong suốt lễ tang, Thùy Liên ngất xỉu mấy lần nên phải nhờ cô y tá thường trực trong nhà để săn sóc. Tỉnh dậy, nàng cứ ngồi lẩm nhẩm những kỷ niệm của mẹ trong thời con gái và trong hai lần sinh nở của nàng. Trông dáng điệu đau đớn của nàng, ai cũng chảy nước mắt.
Ba của Thùy Liên thì cũng như người mất hồn. Suốt ngày, ông ngồi trên ghế thẫn thờ nhìn chiếc quan tài sặc sỡ chứa đựng thân xác của người đã cùng chung vui buồn với ông suốt gần bốn chục năm trời. Tân tìm cách gợi chuyện với ông nhưng không thành công. Trước mọi câu hỏi, ông chỉ gật hay lắc đầu mà không có một lời đối đáp nào cả.
Sau khi chôn cất bà xong, ông có vẻ vượt qua được cơn khủng hoảng và lấy lại nét mặt bình thường. Buổi sáng, khi từ giã để trở về Sài gòn, Thùy Liên ôm ông khóc nức nở. Ông vuốt tóc con gái như khi nàng còn thơ ấu, ôm hôn hai đứa cháu ngoại và bắt tay chàng con rể.
Vợ chồng và hai con ra bến xe để về Sài gòn. Trên suốt đoạn đường, Thùy Liên vẫn cứ khóc rấm rứt.
Mới có vài ngày mà quang cảnh trên đường đã thay đổi rõ rệt. Trên suốt đường đi, nơi nào cũng có vẻ chuẩn bị cho những trận đánh, những trận đánh quyết định cho chiến tranh Việt Nam. Màu áo chiến binh xuất hiện khắp nơi. Quân xa rầm rộ chuyển quân, những chiếc thiết giáp tuần tiểu chạy rầm rầm trên mặt lộ. Trên xe, lính đội mũ sắt, súng chĩa thẳng về những đám ruộng khô khốc hai bên đường.
Đến trưa, vợ chồng con cái về đến nhà. Bước vào tổ ấm đầy hạnh phúc của mình, Thùy Liên có vẻ bớt đau đớn vì cái tang mẹ. Nàng nói với chồng:
- Anh rửa ráy cho các con. Em đi mua thức ăn về cho bữa ăn trưa.
Tân dặn vợ:
- Em nhớ ghé thăm Bạch Mai và hỏi xem hôm nay tin tức thế nào. Thùy Liên vâng dạ rồi ra khỏi nhà. Một lát sau, nàng trở về, có cả Bạch Mai đi bên cạnh.
Vừa mới bước vào nhà Bạch Mai ôm chầm hai đứa bé, hôn tới tấp vào mặt chúng nó:
- Tụi bây đi mấy bữa làm dì nhớ tụi bây quá, chiều nào dì cũng qua đây nhìn xem tụi bây về chưa.
Tân vội hỏi:
- Bạch Mai, nhà bình thường cả chứ?
- Dạ, nhà thì bình thường nhưng tình hình thì chẳng bình thường chút nào. Biến chuyển mỗi ngày. Ở dưới đó anh không nghe tin tức gì cả sao?
- Có nhưng không rõ ràng lắm. Mấy hôm bận rộn với đám tang nên chẳng có thì giờ đọc báo, nghe truyền thanh hay xem truyền hình. Tình hình chiến sự ra sao?
- Tuyến phòng thủ Phan rang vỡ rồi, Phan thiết sắp mất; nghe nói bên mình đang lập phòng tuyến mới ở Long khánh để chận không cho Việt cộng tràn về Sài gòn.
- Anh Thế có thường về không?
- Chiều hôm qua, anh ấy có về được một chốc rồi đi ngay. Anh Thế mong anh trở về để bàn một chuyện quan trọng.
- Chuyện gì vậy?
- Chuyện quan trọng, em không nói đâu, đợi khi gặp anh Thế sẽ biết. Anh Thế dặn em là khi nào anh về thì đi nhờ điện thoại đâu đó gọi vào thì anh sẽ thu xếp để về ngay.
- Thôi được rồi, ăn xong, tôi sẽ vào trường một chút rồi trở về gặp anh Thế.
Bạch Mai nói to:
- Thôi anh khỏi vào trường. Các trường đều ngưng hoạt động. Thằng Bình nhà em nghỉ học ba hôm rồi. Hầu hết các trường đều đầy dân tị nạn từ Cao nguyên và các tỉnh miền Trung đổ về. Vô đó thấy dân tị nạn anh thêm đau lòng chứ chẳng ích lợi gì.
Thùy Liên hỏi:
- Thế còn quân y viện của em thì sao?
- Chắc chắn phải làm việc nhiều hơn vì thương binh đưa về mỗi lúc một đông. Nhưng thôi hôm nay nghỉ ngơi đi, ngày mai vào trình diện cũng được.
- Ngày mai vào trình diện, thế nào em cũng bị khiển trách hoặc bị phạt vì không được phép mà bỏ nhiệm sở để về quê.
Bạch Mai lắc đầu:
- Ối chà! Trong tình hình dầu sôi lửa bỏng nầy, ai mà còn để ý đến chuyện đó nữa. Thùy Liên trở lại làm việc là quí lắm rồi. Hơn nữa, ai cũng biết Thùy Liên về vì tang mẹ mà, phải không?
- Dạ phải, chắc chắn ban giám đốc biết như thế vì trước đó em có làm đơn xin phép.
- Thôi được rồi. Cả nhà ăn uống và nghỉ ngơi đi. Một lần nữa, tôi xin thành thực chia buồn với Thùy Liên. Tôi cũng mong Thùy Liên không quá ưu phiền. Bác gái ra đi lúc nầy cũng khỏe cho thân bác. Bây giờ, tôi phải về trông hàng để ông ngoại các cháu nghỉ trưa. Nếu anh Thế về thì Mai qua báo cho anh Tân biết ngay. Nhưng nếu có về cũng phải chờ chiều tối. Giờ hành chánh khó ra cổng tổng tham mưu lắm.
Nói xong Bạch Mai đứng dậy bước ra cửa.
Ăn trưa xong, cả nhà vào giường nằm. Hai đứa bé ngủ say một cách nhanh chóng còn Tân và Thùy Liên vẫn rì rầm nói chuyện. Một lúc sau, Tân vùng dậy nói với vợ:
- Em ở nhà với hai con. Anh vào trường một chốc xem tình hình thế nào. Anh cũng tạt qua các trường tư để hỏi thăm. May ra họ phát lương sớm cho mình.
- Hôm nay, mới mười chín thì làm gì có lương.
- Thì cũng đi cầu may thế mà. Các trường đều nghỉ dạy thì khó có lương tháng nầy, kể cũng tiếc.
Thùy Liên cười, an ủi chồng:
- Không có thì thôi, đừng tiếc anh ạ. Cả miền Nam nầy rồi sẽ không còn của mình nữa thì tiếc gì một tháng lương.
Tân cười theo:
- Em nói y như một triết gia vậy. Thôi em nghỉ, anh đi đây.

Tân chạy xe đến trường công của mình, thấy cửa lớn đóng im ỉm nhưng cửa nhỏ vẫn mở. Anh chạy thẳng vào. Bác gác cổng vội nhỏm dậy reo lên mừng rỡ:
- A, thầy Tân, mấy hôm nay thầy đi đâu?
- Tôi về quê. Không có ai trong trường cả à?
- Có, sáng nay có các thầy hiệu trưởng, giám học, tổng giám thị và một số thầy cô đến ngồi trong phòng giáo sư bàn bạc một lát rồi ra về. Thầy vào đây ngồi uống nước chơi một chút đi. Tôi ở đây một mình buồn quá. Cũng may, trường mình không bị chỉ định làm địa điểm tiếp đón người tị nạn. Trường nào phải mở cửa cho họ thì tan hoang hết. Bàn ghế bị chẻ ra làm củi để nấu cơm. Thấy thiệt là xót ruột cho tài sản của nhà trường. Nhưng biết làm sao được. Hoàn cảnh của họ thực đáng thương. Bỏ tất cả nhà cửa, ruộng vườn, của cải, chỉ mang một bọc áo quần mà chạy. Gạo thì do đồng bào mình đóng góp cùng với các cơ quan từ thiện trong nước và ngoại quốc đem đến phân phát. Nếu ngăn cản không cho họ chẻ bàn ghế của học trò thì họ chết đói mất.
Tân thấy lòng mình quá đỗi nặng nề. Anh muốn ra về nhưng người gác cổng nài nỉ ở lại để nghe bác ta nói về nỗi thống khổ của đồng bào chạy loạn. Bác bảo rằng cần phải có ai nghe bác nói, nếu không thì bác không thể nào chịu đựng nổi những điều vừa mới tận mắt chứng kiến. Tân đành ngồi lại khá lâu mới từ giã. Anh ghé qua hai trường tư rồi về nhà lúc trời đã xế chiều.
Cửa nhà mở toang, bên trong có nhiều tiếng trẻ cười đùa vọng ra. Tân dựng xe nhìn vào. Thùy Dung và Hoà Bình đang đùa giỡn với mấy đứa trẻ hàng xóm. Bao giờ cũng thế, tiếng cười của trẻ con xua tan mọi ưu tư trong lòng Tân. Anh vừa kịp dựng xe thì Hoà Bình chạy ra hét to:
- Ba về, ba về!
Tân cúi xuống nhất bổng nó lên cao, dụi đầu vào bụng làm nó vừa cười, vừa cố sức vùng vẫy. Tân ngồi xuống đặt Hòa Bình lên nền nhà thì hai cánh tay tròn lũm của Thùy Dung đã ôm chặt lấy cổ của ba. Tân hôn vào đôi má mũm mĩm của con gái và hỏi:
- Má đâu con?
- Má dưới bếp.
Trả lời xong, nó quay trở lại chơi đùa với bạn bè. Tân vội vã đi qua buồng ngủ để xuống bếp. Thùy Liên đang ngồi giặt áo quần. Nàng ngẩng lên:
- Anh về rồi đó à? Tình hình ở các trường thế nào hả anh?
- Trường công thì hoàn toàn ngưng hoạt động. Trường tư còn vài lớp học thưa thớt. Số học sinh nầy đã đóng tiền rồi không đòi lại được nên tiếc vào ngồi đó với giáo sư chứ có học hành gì đâu. Lúc nầy thì chẳng ai còn đầu óc mà dạy với học.
Thùy Liên ngắt lời chồng:
- Chị Mai vừa mới ở đây về.
- Mai có nói gì quan trọng không?
- Có, anh đi thay áo quần rồi em sẽ nói anh nghe.
Tân lên buồng ngủ một tí rồi vội vã trở xuống. Thùy Liên đã giặt xong, hai vợ chồng ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn ăn. Tân hỏi ngay:
- Bạch Mai nói gì mà em nói là quan trọng?
- Chị Mai đã liên lạc điện thoại với anh Thế. Anh ấy bảo rằng chưa thể về nhà hôm nay được. Ngày mai cũng không biết có về được không. Anh Thế bảo chị Mai hỏi thẳng anh vấn đề mà anh Thế muốn nói với anh.
Tân hồi hộp:
- Vấn đề gì vậy?
- Anh Thế hỏi anh có ý định bỏ Việt Nam để đi lánh nạn cộng sản không?
Tân giật mình rồi ngẩn người ra nhìn vợ. Thùy Liên nhắc lại:
- Anh nghĩ thế nào về điều đó?
Tân lắc đầu:
- Anh chưa hề nghĩ đến việc đó. Mấy hôm ở Cần thơ, anh có nghe người ta bảo rằng Việt Nam Cộng hòa chỉ sẽ giữ lại miền Tây thôi. Có người còn bảo rằng bỏ luôn miền Tây và rút về cố thủ đảo Phú quốc.
- Rồi anh suy nghĩ thế nào?
- Anh chẳng muốn suy nghĩ gì cả. Anh mệt mỏi lắm rồi. Nếu em muốn rút về miền Tây để lánh cộng sản thì anh sẵn sàng đi với em. Đối với anh, khắp lãnh thổ nầy, đâu đâu cũng là quê hương của mình. Anh sinh ra ở miền Trung, lớn lên ở Sài gòn, rồi bây giờ về định cư ở miền Tây thì cũng được chứ có sao đâu. Hơn nữa, dưới đó, có sẵn ruộng vườn nhà cửa của ba má em, sống chung với bà con làng xóm ở quê em cũng tốt vậy. Anh đã đi và sống nhiều nơi ở đồng bằng Cửu long. Anh rất thích tính tình người dân quê miền Nam. Họ hiền lành, chất phác, có tình cảm đậm đà.
Thùy Liên lắc đầu:
- Chị Mai bảo rằng anh Thế cũng nghe lời đồn bỏ Sài gòn để về giữ miền Tây. Lời đồn đó hoàn toàn sai lạc. Chúng ta phải giữ cho được thủ đô Sài gòn. Thủ đô là biểu tượng của một quốc gia. Mất thủ đô thì kể như quốc gia đó bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Do đó, không có chuyện rút về miền Tây để duy trì quốc gia Việt Nam đâu.
- Thế thì sao?
- Chị Mai bảo rằng quân đội đang cố sức lập phòng tuyến Long khánh để chận đường tiến quân của cộng sản. Sau đó chúng ta sẽ củng cố lực lượng để chiếm lại các thành phố và các làng mạc đã bị mất. Còn nếu chận không nổi để cho Việt cộng tràn vào Sài gòn thì coi như chấm hết. Lúc đó chỉ còn hai con đường. Một là trốn ra ngoại quốc để sống đời tự do nhưng vô tổ quốc. Hai là ở lại để chung chịu số phận như đồng bào miền Bắc suốt hai mươi năm qua. Chị Mai bảo ngay bây giờ, phải chọn một trong hai con đường đó, nếu không, e trở tay không kịp.
Tân ngạc nhiên lớn tiếng nói:
- Sao vậy? Em vừa bảo quân đội mình đang lập phòng tuyến ở Long khánh để bảo vệ thủ đô Sài gòn. Chúng ta đã mất vùng Một, vùng Hai nhưng còn Vùng Ba, vùng Bốn. Hai vùng còn giữ được lại đông dân cư và giàu có hơn hai vùng kia. Việt Nam Cộng hòa vẫn còn sống mà, sao đã vội tính chuyện chạy trốn ra ngoại quốc. Không lẽ để cho con cái mình làm người mất tổ quốc sao?
Thấy chồng đột ngột lớn tiếng, Thùy Liên nói nhỏ nhẹ như vỗ về:
- Anh hãy bình tĩnh. Em không rõ lắm vấn đề nầy. Hay là anh qua hỏi trực tiếp chị Mai xem sao.
Tân lắc đầu:
- Anh không đi. Suốt buổi chiều nay anh phải chịu đựng với những chuyện đen tối và đau thương do chú Bảo gác cổng kể lại cùng những lời nói đầy bi quan của người khác. Anh mệt mỏi lắm rồi. Anh không đi đâu hết, chỉ muốn ở nhà đùa giỡn với hai con.
Thùy Liên nhìn chồng một cách thương hại:
- Thôi được, anh chơi với các con đi. Em qua nói chuyện cùng chị Mai một lát rồi về nấu cơm tối.
Nói xong, nàng đứng dậy thay quần áo và ra khỏi nhà.
Bạch Mai mừng rỡ khi thấy Thùy Liên bước vào. Nàng vội vàng lấy hàng bán cho bà khách rồi kéo Thùy Liên ngồi xuống ghế và hỏi ngay:
- Anh Tân về chưa?
- Dạ rồi.
- Liên đã hỏi ý kiến anh ấy chưa?
- Em hỏi rồi nhưng….
- Nhưng thế nào?
- Anh Tân bảo chúng ta còn khả năng chống cự tại sao đã tính việc bỏ quê hương xứ sở mà đi.
Bạch Mai kéo ghế lại gần Thùy Liên, giọng nhỏ hơn:
- Điều nầy anh Thế dặn chỉ nói khi cần thiết và chỉ nói trong chỗ riêng tư với nhau mà thôi, không được lộ ra ngoài. Nội trong một tháng vừa qua, chúng ta đã mất phân nửa lãnh thổ, hai quân đoàn, năm sư đoàn bộ binh, nhiều lữ đoàn và liên đoàn thiện chiến bị xóa sổ hoặc tự tan rã. Địch cũng bị thiệt hại rất nặng nhưng chúng kịp bổ sung với hàng hàng lớp lớp bộ đội từ ngoài Bắc đưa vào nên các binh đoàn của chúng nó vẫn còn đầy đủ mà còn được tăng cường hơn nữa. Bây giờ thì chúng đi ngang nhiên trên các trục lộ của miền Nam nên vận chuyển được rất nhiều vũ khí tối tân. Chúng ta khó có thể chịu đựng nổi sức tấn công càng ngày càng mãnh liệt của cộng sản. Các cấp chỉ huy cộng sản không tiếc sinh mạng của chiến sĩ nên cứ xua họ tràn vào phòng tuyến của chúng ta. Những người lính lái xe tăng thì bị xích và khóa vào ghế nên chỉ có một con đường tiến tới mà thôi. Trong hoàn cảnh nầy, miền Nam không có được bao nhiêu cơ may đứng vững. Tình hình đã hết sức bi đát và gần như tuyệt vọng. Có lẽ nội trong một hay hai ngày nữa, ông tổng thống sẽ phải từ chức, nhường chỗ cho một chính phủ khác để chuẩn bị đầu hàng.
Thùy Liên thắc mắc:
- Nhưng tại sao phải thay chính phủ rồi mới đầu hàng?
Bạch Mai giải thích:
- Ông tổng thống hiện nay là một người cứng rắn nên sẽ đánh tới cùng chứ không chịu đầu hàng. Và như thế thì máu sẽ đổ một cách ghê gớm khi cộng sản tiến chiếm Sài gòn. Dù sao ông ta cũng là một tổng thống do lá phiếu dân bầu lên nên chắc chắn ông ta không chịu nỗi nhục nhã khi đầu hàng quân cộng sản mà ông đã từng gọi là quân côn đồ cướp nước. Vì vậy phải có một người khác không do dân bầu lên thì sự đầu hàng sẽ đỡ nhục nhã hơn cho miền Nam.
Thùy Liên có vẻ sợ hãi:
- Tình hình bi đát đến như thế à?
- Rất bi đát, nhưng chính phủ chưa thể nói hết sự thực với dân chúng.
- Tại sao vậy?
- Vì trên khắp các mặt trận còn biết bao quân nhân đang chiến đấu rất anh dũng.
- Nhưng tại sao chính phủ vẫn để họ chiến đấu trong tình trạng tuyệt vọng thế nầy?
- Chưa hoàn toàn tuyệt vọng. Chúng ta vẫn còn một chút hi vọng mặc dù rất nhỏ nhoi. Vả lại, dù có tuyệt vọng đi nữa thì cũng không thể ngăn cản họ chiến đấu tới giọt máu cuối cùng vì họ đã thề như vậy với Tổ quốc. Chính họ làm nhẹ bớt nỗi tủi nhục của hàng triệu người đã ngã xuống vì nền tự do của miền Nam. Anh Thế ở tổng tham mưu nên biết được tình hình một cách chính xác. Anh ấy dặn nói rõ cho riêng anh Tân và Thùy Liên biết để lo liệu.
Thùy Liên thực sự lo lắng:
- Bây giờ chúng ta phải làm gì đây?
- Mai đã vừa nói xong, bây giờ mình chỉ còn hai đường để chọn lựa: ở lại với cộng sản hay ra đi. Thế thôi.
Thùy Liên hỏi:
- Anh chị định thế nào?
- Mai và mấy đứa nhỏ thì sao cũng được nhưng anh Thế thì nhất định phải đi. Anh ấy bảo rằng nếu không đi được thì anh ấy sẽ tự tử chết với một số anh em khác khi cộng sản vào đây. Anh ấy đã nhất định đi thì Mai và hai cháu cũng đi theo.
- Còn bác Tư?
- Có lẽ phải đưa ông cụ đi luôn. Nếu không thì ông ở lại đây với ai?
- Anh chị chừng nào lên đường và đi bằng cách nào?
- Ở tổng tham mưu, người ta quyết định điều đó. Anh Thế muốn hỏi ý anh Tân. Nếu anh Tân cùng Thùy Liên quyết định rời Việt Nam sang Mỹ lập nghiệp thì anh Thế có thể lo cho được.
- Khi nãy em có nói chuyện đó với anh Tân thì anh tỏ ra rất căng thẳng và đau khổ. Với tâm trạng đó, em nghĩ rằng anh Tân khó có một quyết định dứt khoát được.
Thùy Liên thở dài, giọng trở nên chán nản:
- Thôi, chúng em không muốn suy nghĩ gì nữa. Tới đâu hay đó. Số phận bi đát thì có cả chục triệu người cùng chịu chứ đâu phải riêng mình.
Bỗng nhiên, Bạch Mai đứng bật dậy vỗ hai tay vào nhau:
- Thôi, Mai hiểu rồi. Nhất định anh Tân phải ở lại Việt Nam sau khi cộng sản chiếm được miền Nam nầy.
Thùy Liên ngạc nhiên:
- Sao chị nói vậy?
- Thùy Liên không nhớ anh Tân có một người anh ruột duy nhất tập kết ra Bắc à?
- À, em nhớ rồi, anh Vinh.
- Có lẽ bây giờ anh ấy đang giữ một chức vụ quan trọng ngoài đó. Anh Vinh đã hoạt động cho cộng sản từ trước hiệp định Genève và đã từng ở tù ngoài Côn đảo. Cộng sản chiếm được miền Nam rồi thì anh Vinh có thể trở về đây, anh em gặp nhau và biết đâu nhờ có anh Vinh mà anh Tân được cộng sản trọng dụng trở lại. Biết đâu anh Tân lại có một vai trò quan trọng sau nầy. Anh Tân là người có tài. Trước đây, cộng sản mê anh ấy lắm mà.
Thùy Liên lắc đầu:
- Không, em không nghĩ anh Tân sẽ như thế. Mong gặp lại anh ruột mình, điều đó thì đúng nhưng trở thành một cái gì đó quan trọng đối với cộng sản thì không bao giờ có đâu. Có một lần, anh Tân nói với em là nếu phải sống trong chế độ cộng sản thì anh ấy sẽ cam chịu thân phận con giun, con dế mà thôi.
Bạch Mai tỏ vẻ giận dỗi:
- Anh Tân cam chịu phận giun dế cho riêng anh ấy thì được. Còn Thùy Liên và hai cháu Thùy Dung và Hòa Bình thì sao? Nghe anh Thế kể lại cuộc sống ở miền Bắc qua những điều khai thác được ở tù binh Bắc Việt, Mai ngao ngán lắm. Anh Tân đã là sĩ quan Việt Nam Cộng hòa thì Thùy Liên và hai cháu không thể nào chịu nổi đâu. Thùy Liên hãy về thuyết phục anh ấy chịu ra ngoại quốc sinh sống. Đi không phải riêng cho anh Tân mà cho đời sống của Thùy Liên và cho tương lai của hai cháu bé nữa. Liên cố thuyết phục anh ấy đi.
- Vâng, em sẽ nghe lời chị nhưng không hi vọng anh ấy chịu đi.
Thùy Liên về nhà và suốt buổi tối hôm đó hai vợ chồng bàn bạc mà chẳng đi tới đâu.
Trong lúc đó tình hình miền Nam tiếp tục suy sụp nhanh chóng. Ở một số nơi, quân lính Cộng hòa ngưng chiến đấu, nhưng trên nhiều mặt trận, các chiến sĩ quốc gia kháng cự một cách anh dũng, gây cho địch nhiều thiệt hại nhưng không thể nào ngăn chận nổi sức tiến quân như vũ bão của các binh đoàn Bắc Việt.
Mấy hôm nay, Tân không còn phải dạy học nữa. Tuy nhiên ngôi trường tiểu học be bé bán nội trú nơi Thùy Dung theo học vẫn còn hoạt động. Cả nhà trẻ tư nhân nơi gởi Hòa Bình cũng thế. Buổi sáng, anh chở con đến trường và đến nhà trẻ, chở vợ đến tổng y viện Cộng hòa rồi lang thang trên các phố hoặc về nhà đóng cửa nằm một mình bên chiếc radio. Đầu óc anh rối mù với trăm ngàn ý nghĩ hỗn độn, không có ý nghĩ nào thành hình rõ rệt. Buổi chiều, anh đi đón vợ con về nhà, tắm rửa và đùa giỡn với con hoặc phụ giúp Thùy Liên làm bữa cơm tối cho gia đình. Anh thường tránh bàn bạc về thời cuộc với Thùy Liên và cố gắng giữ nét mặt bình thản. Thùy Liên hiểu nét bình thản đó là mặt nước trông có vẻ phẳng lặng để che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội bên dưới.
Thùy Liên không thể có được sự thản nhiên như thế, ít nhất là ở bề ngoài. Nàng cảm thấy bồn chồn, luôn luôn sống trong tâm trạng ray rứt khó chịu. Chiều nào cũng vậy, sau bữa cơm, nàng dẫn con qua nhà Bạch Mai. Những đứa trẻ đùa giỡn với nhau một cách vô tư còn hai bà mẹ thì nhỏ to tâm sự hay bàn bạc với nhau. Từ nửa tháng nay Bạch Mai không đi lấy thêm hàng về nữa nhưng vẫn bán ra hằng ngày làm cho cửa tiệm trở nên trống trải, những dãy kệ gỗ trên các bức vách càng ngày càng lộ ra chứ không bị hàng hoá che khuất như trước đây. Câu chuyện giữa hai người vẫn xoay quanh vấn đề đi hay ở và không đi đến kết luận nào dứt khoát về phía gia đình Thùy Liên. Những lúc đó, Tân ở nhà một mình, đọc từ quyển sách nầy sang quyển sách khác hay ngồi tựa cửa sổ nhìn ra ngoài, suy nghĩ mông lung.
Phòng tuyến Long khánh bị Việt cộng tấn công dữ dội. Các đơn vị trấn giữ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng. Tuy nhiên, sau khi lấy được toàn bộ các tỉnh miền Trung, Việt cộng dồn một lực lượng hết sức mạnh hòng sang phẳng phòng tuyến nầy để tiến thẳng về Sài gòn, hoàn tất công cuộc xâm lăng của họ. Vì vậy phòng tuyến Long khánh không thể đứng vững lâu dài. Sau một cuộc tấn công dữ dội, xe tăng của cộng quân chọc thủng phòng tuyến, lực lượng phòng thủ rút về trấn giữ Long bình.
Cộng quân tiến về Sài gòn khắp cả bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Số phận của chính thể Việt Nam Cộng hòa chỉ còn tính bằng từng ngày, từng giờ.

Một buổi sáng, sau khi chở vợ con đi rồi, Tân lang thang trên phố một lúc, rồi lái xe đến trường.
Ba hôm rồi, Anh không đến đây vì cứ tưởng trường đóng cửa không còn ai ở đó. Tân ngạc nhiên thấy cửa trường mở toang. Anh chạy xe qua cổng, thấy trong phòng giáo sư có nhiều bóng người lố nhố. Anh dựng xe, bước vào. Có tiếng la to mừng rỡ:
- À, anh Tân đây rồi, vô đây.
Đó là tiếng của anh Định, giáo sư triết học, người thân nhất với Tân trong trường, một thầy nổi tiếng dạy giỏi và tận tâm.
Định thân mật nắm tay Tân lôi vào. Tân ngạc nhiên thấy trên chiếc bàn dài không phải là sách vở như thường lệ mà là những chai bia, chai rượu cùng những đĩa thức ăn. Hai bên bàn có khoảng mười giáo sư, tất cả đều là nam.
Tân hỏi:
- Thế nầy nghĩa là gì?
Nhiều tiếng cười to vang lên. Định giải thích:
- Mấy hôm nay anh không đến trường nên anh em tưởng anh đã xuống tàu đi khỏi Việt Nam rồi. Một số anh em mình đã đi hay sắp ra đi, nhưng cũng có nhiều người nhất định ở lại. Tôi và mấy anh em đây muốn chúng mình có một buổi ngồi chung với nhau để rồi vĩnh viễn chia tay. Ý kiến nầy rất hay nhưng đưa ra quá trễ nên hôm nay chỉ được một số rất ít giáo sư và nhân viên nhà trường. Anh hiệu trưởng và anh giám học cũng không có mặt. Thôi, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Đây là dịp cuối cùng, mình còn ngồi đây với tư cách là giáo sư. Ít lâu nữa, họ vào đây, chưa biết chúng ta sẽ là cái gì.
Một người la to:
- Là cái gì hả? Tất cả trở thành ma hết. Tôi bắt đài Hà nội và đài Giải phóng nghe họ gọi Sài gòn là hang ổ cuối cùng của bọn phản động. Họ vào đây thì sẽ ra tay tàn sát bọn phản động, trong đó có anh em chúng mình.
Đó là giọng nói của anh Quý, giáo sư toán học. Anh Định quay lại:
- Tại sao biết như vậy mà anh nói với tôi là nhất định ở lại Việt Nam?
Quý vẫn to tiếng:
- Dù trở thành ma cũng được nhưng tôi nhất định phải chứng kiến giai đoạn lịch sử cực kỳ quan trọng nầy.
Anh An, giám thị chen vào:
- Tôi nghĩ rằng không đến nổi bi quan như anh Quý nói đâu. Chính phủ lâm thời miền Nam của cộng sản công bố những thông cáo có tính nhân đạo lắm.
Quý cười mỉa:
- Anh có thể tin luận điệu của họ à? Anh không nhớ vụ thảm sát dịp Tết Mậu thân khi họ chiếm được Huế hay sao?
- Có, tôi nhớ chứ. Lần đó họ đã không kềm chế được nên sau đó đã bị nhân dân Việt Nam và toàn thế giới lên án. Rút kinh nghiệm vụ đó, lần nầy họ phải ráng kềm chế, tránh đổ máu cho thường dân vô tội. Tôi thấy những thành phố và làng mạc mà họ đã chiếm được trong mấy tháng vừa qua, kể cả Huế, chưa có tin tức nào cho thấy có sự tàn sát dã man cả.
Quý cố cãi lại:
- Anh bảo lần nầy thì họ tự kềm chế nhưng tự kềm chế được trong bao lâu sau khi chiếm được cả miền Nam nầy? Họ có bàn tay sắt, tạm thời bọc trong lớp nhung, nhưng phải có lúc họ xé bỏ lớp nhung đó chứ. Bao giờ thì họ sẽ trình diễn bàn tay thực sự bằng sắt của họ ra?
- Tôi không biết nhưng tôi hi vọng rằng, ở thời điểm chiếm Sài gòn thì họ vẫn còn tự kềm chế được nghĩa là chưa cởi bỏ lớp nhung như anh nói. Thế là chúng ta chưa phải làm ma ngay mà vẫn chứng kiến được giờ phút lịch sử cực kỳ quan trọng như anh vừa mới nói.
Định hòa giải:
- Thôi đừng cãi nữa. Chuyện gì phải đến thì sẽ đến. Tất cả chúng ta đây, sinh ra, lớn lên và làm việc trong cái xã hội tự do của miền Nam. Bây giờ, xã hội tự do nầy sắp sụp đổ, ai muốn tránh chế độ độc tài của cộng sản thì cứ đi, ai muốn ở lại để cam chịu thân phận kẻ bại trận thì cứ yên lòng chấp nhận mọi tình huống mà kẻ chiến thắng đem đến cho chúng ta, kể cả cái chết.
Nhiều người vỗ tay. Anh Định cao hứng nói tiếp:
- Trong lịch sử Việt Nam, ông cha ta cũng đã trải qua nhiều lần bại trận và đã để lại biết bao trang sử bi hùng. Chúng ta đang chứng kiến sự lặp lại trang sử bi hùng đó. Nói chuyện lịch sử, ở đây không ai hơn anh Tân, giáo sư sử địa được. Đâu, anh Tân có ý kiến thế nào nói cho anh em nghe.
Tân có vẻ bị bất ngờ. Anh ấp úng:
- Ý kiến về việc gì?
- Anh có nhận định thế nào khi cộng sản chiếm cả miền Nam nầy?
Tân đáp lời:
- Cũng như tất cả anh em, tôi không biết đích xác chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng có điều chắc chắn mà tôi biết là chiến tranh sắp chấm dứt và cộng sản sắp thắng trận. Chúng ta không nên phàn nàn về điều đó. Cộng sản thắng vì họ đã huy động được toàn bộ nhân lực, vật lực của miền Bắc lại được sự viện trợ hết mình của Liên xô lẫn Trung cộng. Chúng ta bại trận vì chúng ta không tạo được sự đoàn kết và quyết tâm chiến đấu của toàn thể khối nhân dân miền Nam và người Mỹ cũng không giúp đỡ chúng ta đến cùng.
Định ngắt lời:
- Không, chúng tôi không muốn phân tích lý do thắng trận và bại trận. Chuyện đó để dành cho các sử gia sau nầy. Tôi muốn anh hình dung chúng ta sẽ phải nhận chịu tới mức nào khi cộng sản vào đây. Có lẽ hôm nay là dịp cuối cùng mà mình ngồi chung với nhau để trao đổi điều đó. Tiếng nói chung của anh em cũng có ích vì nó giúp mỗi người định được cho mình một thái độ hữu lý nhất ngay từ bây giờ để đối phó với điều gì xảy ra trong những ngày sắp tới.
Tân gật đầu:
- Bây giờ thì tôi hiểu ý anh rồi. Nếu chúng ta nhận định rằng cộng sản vào đây thì nhất định chúng ta sẽ phải rơi vào chín tầng địa ngục, thì ngay bây giờ hãy mau mau về cuốn gói trốn đi. Còn nếu tin rằng cộng sản vào đây sẽ đối xử nhân đạo thì chúng ta cứ vui vẻ ở lại. Có đúng không nào? Tuy nhiên, tất cả anh em mình ngồi đây làm sao biết được điều gì sẽ xảy ra. Có lẽ chỉ những ông lãnh tụ ở Hà nội mới biết cộng sản sẽ có hành vi thế nào đối với nhân dân miền Nam mình.
Anh giám thị An nói tiếp:
- Đúng, tất cả chỉ là dự đoán thôi. Nhưng điều chắc chắn là nếu ở lại, chúng ta phải chịu đựng chế độ cộng sản. Chịu đựng thế nào, nhiều hay ít thì chưa thể xác định được. Vừa rồi, anh Tân phát biểu, có một điều đúng vào sự suy nghĩ từ lâu của tôi. Đó là chiến tranh sắp chấm dứt. Cuộc chiến nầy kéo dài đã quá lâu, đã làm đổ quá nhiều máu, đã gây ra quá nhiều tang tóc cho cả hai miền. Vì vậy hòa bình đối với đồng bào mình thì vô cùng quí giá. Nếu phải chịu đựng chế độ cộng sản mà được sống trong hòa bình thì chúng ta cũng cam lòng.
Quí ngắt lời An bằng giọng hậm hực:
- Bây giờ thì anh nói như thế nhưng biết đâu khi sống với cộng sản anh lại bảo thà cứ còn chiến tranh để hi vọng duy trì chế độ tự do còn hơn. Hòa bình và tự do, chưa biết thứ nào quí hơn thứ nào.
Một lần nữa, Định lại hòa giải:
- Thôi, không nên cãi cọ nhiều có thể mích lòng nhau. Hòa bình hay chiến tranh, tự do hay nô lệ, dân chủ hay độc tài, tất cả tuỳ thuộc vào bánh xe lịch sử, anh em mình chỉ còn biết chấp nhận thôi. Chắc chắn hôm nay là buổi gặp mặt cuối cùng của anh em mình trong cái bầu không khí mà từ lâu nay mình cùng hít thở với học sinh thân yêu của mình. Sau nầy có phiêu bạt về chân trời nào đi nữa, anh em hãy dành vài phút để nhớ nhau, nhớ những ngày vui dưới mái trường của miền Nam tự do. Tất cả những gì đẹp đẽ nơi đây sắp sửa rơi vào vùng kỷ niệm của chúng ta rồi.
Định ngưng nói, mọi người im lặng vì xúc động. Đột nhiên, anh đổi giọng vui vẻ:
- Thôi, anh em hãy nâng ly uống mừng ngày hội ngộ cuối cùng của chúng ta. Dù ngày mai hoàn cảnh có tồi tệ đến đâu đi nữa, chúng ta cũng cứ giữ những kỷ niệm đẹp đẽ và êm đềm của những ngày cầm phấn trong các lớp học của mái trường nầy.
Mọi người vỗ tay hoan hô. Định cao hứng:
- Anh em ở lại đây, tôi đi kiếm thêm rượu và thức ăn. Ai không phải bận việc gia đình thì tiếp tục ngồi đây chơi qua buổi trưa đến buổi chiều. Đồng ý không?
Tất cả mọi người đều ở lại.
Bữa tiệc đơn sơ để vĩnh biệt nhau kéo dài đến chiều. Trong cơn say chếnh choáng, anh em từ giã nhau, trên nét mặt mọi người ít nhiều đều có vẻ thê lương.
Tân đẩy xe ra đường, đạp cho nổ máy nhưng vẫn ngồi yên. Anh nhìn ngôi trường mà mình đã đến dạy gần mười năm rồi. Anh quay mặt lui nhìn những hàng cây cao vút của sở thú, chợt nhớ lại chiếc băng đá nơi xưa kia anh đã ngồi tâm sự với Bính, người bạn cực kỳ dễ thương đã ngã gục trên chiến trường miền Tây. Cái chết của Bính cũng như của hàng triệu lính và dân thường của miền Nam, bây giờ hóa ra vô ích. Miền đất tự do nầy đành chịu thua sự kiên trì của người cộng sản. Với chủ trương chiến tranh lâu dài, họ đã làm cho những người muốn bảo vệ tự do phải nản lòng, suy yếu dần và cuối cùng đành thúc thủ.
Tân vòng xe ra bờ sông, tìm một chiếc băng đá có bóng mát, ngồi xuống nhìn người ta đang rộn rịp trên bến cảng, một vài chiếc tàu có lẽ đang chuẩn bị lên đường.
Một lát sau, Tân đưa tay nhìn đồng hồ rồi uể oải đứng dậy. Anh lên xe và chạy thẳng về tổng y viện Cộng hòa. Khi hai vợ chồng và hai con về đến nhà, Tân để ý ngay một mảnh giấy trắng cuộn tròn cắm vào một ổ khóa. Linh tính báo cho anh biết có một điều gì đó quan trọng đã xảy ra. Anh dựng xe, đỡ hai con xuống và phóng đến cửa rút mảnh giấy ra đọc vội vã:
“Bây giờ là mười giờ sáng. Mai qua nhà thấy cửa đóng nên trở về lấy giấy viết vội mấy dòng trong nước mắt. Anh Thế vừa về và đốc thúc lấy ngay những thứ quí giá cùng một ít quần áo để vào tổng tham mưu. Chắc chắn là ra ngoại quốc rồi. Làm sao để gặp anh Tân, Thùy Liên và hai cháu đây? Mai vừa khóc vừa chạy lui, chạy tới làm cho anh Thế phát cáu phải nạt nộ, Mai mới bình tĩnh lại một chút để gói ghém đồ đạc. Thôi Mai xin từ biệt! Từ biệt Việt Nam và những người thân yêu nhất của Mai. Anh Tân ơi, Thùy Liên ơi, hai cháu ơi, Mai gởi lại tất cả yêu thương đầy nước mắt của Mai!”
Mảnh giấy chỉ viết có bao nhiêu đó thôi. Tân đọc xong đứng ngẩn ngơ thì Thùy Liên đã ôm chặt vai anh khóc nức nở. Nàng cũng vừa đọc xong lá thư vĩnh biệt đó. Tân mở cửa dìu vợ bước vào nhà, hai đứa bé mặt mày ngơ ngác theo sau.
Thùy Liên lau vội nước mắt:
- Anh Tân, mình qua nhà chị Bạch Mai đi.
Tân lắc đầu:
- Qua làm gì nữa, họ đi từ mười giờ sáng rồi.
- Hay là mình thẳng vào tổng tham mưu xin gặp mặt.
Tân vẫn tiếp tục lắc đầu:
- Không được đâu. Lúc nầy ai mà cho mình vào đó. Vả lại, giờ nầy họ không còn trong đó nữa đâu. Có lẽ họ lên Tân sơn nhất từ sáng hay trưa rồi.
- Em nghe nói đêm rồi Tân sơn nhất bị pháo kích, không biết máy bay có cất cánh được không?
Tân không trả lời, im lặng ngồi xuống ghế nhắm mắt lại.


*
* *


Hai ngày sau, Sài gòn thực sự lên cơn sốt. Mọi người đều nhốn nháo, số đông tìm cách trốn khỏi đất nước sắp được “giải phóng”. Người ta đổ xô đến phi trường, đến bến cảng, xe cộ vứt la liệt dọc đường. Chung quanh tòa đại sứ Mỹ, người bu đông nghẹt nhưng không thể nào vào được bên trong.
Khi màn đêm buông xuống, đa số đành trở về nhà và phải từ bỏ lòng mong muốn trốn ra ngoại quốc vì sáng sớm hôm sau, những toán quân tiên phong của Việt cộng từ nhiều ngã đã tiến vào thủ đô. Họ bị chận lại nhiều nơi. Nhưng những ổ kháng cự lẻ tẻ và vô tổ chức đó chỉ làm chậm bước tiến chứ không thể ngăn cản được cộng quân.
Đến giữa trưa, xe tăng do Trung cộng chế tạo, đè sập cửa dinh độc lập và từ giờ phút đó, nước Việt Nam Cộng hòa bị xóa tên khỏi bản đồ thế giới!
Sáng hôm ấy, vợ chồng Tân và hai con đều ở trong nhà. Thùy Liên hồi hộp lắng nghe những loạt súng lẻ tẻ từ xa vọng lại. Rồi tất cả yên lặng. Trong máy thu thanh vang lên rất rõ lời tuyên bố đầu hàng của chính phủ Việt Nam Cộng hòa.
Sau khi nghe lời tuyên bố trong máy thu thanh, Thùy Liên quay qua nhìn chồng và ngạc nhiên thấy trong đôi mắt của anh một vẻ cực kỳ bi thương hòa lẫn với một niềm vui kỳ lạ. Anh ngồi bất động, nhìn trân ra bên ngoài qua khung cửa sổ. Từ khóe mắt của anh hai giọt nước to và tròn ứa ra, lăn dài xuống má.
Thùy Liên nhích lại gần chồng, đặt tay lên vai anh;
- Anh Tân, hết chiến tranh rồi!
Tân quay lại:
- Hai con đâu rồi?
- Chúng ăn xong và ngủ rồi.
Nàng nói xong, buông người trong hai cánh tay siết chặt của chồng. Nàng nhắm mắt, miệng thì thào lặp lại:
- Anh Tân, hòa bình rồi, chấm dứt ba mươi năm chiến tranh! Dù sao đi nữa, con chúng ta cũng không phải điêu đứng vì bom đạn.
Tân gật đầu, hôn mạnh vào đôi môi của vợ rồi nâng nàng ngồi dậy.
Thùy Liên lắng tai nghe một lúc rồi nói với chồng:
- Anh Tân, có tiếng xe chạy rầm rầm ngoài đường. Có cả tiếng bánh xích sắt của xe tăng nữa. Không biết xe của bên nào vậy?
Tân trả lời:
- Xe của bộ đội Bắc Việt tiếp tục chuyển quân vào đó. Họ phải có ít nhất năm sư đoàn thì mới chiếm được hết các công sở và các trọng điểm của thủ đô rộng lớn nầy.
- Có cả tiếng người nói xôn xao nữa. Mình có nên đi xem quân cộng sản ra sao không anh?
Tân lắc đầu:
- Lúc nầy không nên ra khỏi nhà đâu. Lời đầu hàng đã được tuyên bố trên đài phát thanh rồi nhưng biết đâu cũng còn có những chiến sĩ tức giận bắn vào bộ đội thì nhất định sẽ bị bắn trả, những viên đạn đâu có mắt để phân biệt lính tráng với dân thường.
Thùy Liên nhìn ra ngoài với cặp mắt nghi ngờ:
- Không lẽ giờ nầy mà còn có người bắn vào bộ đội, có khác gì tự sát.
- Sau bất cứ cuộc bại trận nào cũng có người muốn tự sát vì uất ức. Vả lại, ra đường lúc nầy có thể gặp nguy cơ khác nữa.
- Nguy cơ gì?
- Chính quyền quốc gia sụp đổ quá nhanh chóng, bộ đội Việt cộng thì đang chuyển quân đến chiếm các công sở và truy tìm tàn quân Việt Nam Cộng hòa. Thành phố bây giờ đang rơi vào tình trạng vô chính phủ. Đây chính là cơ hội tốt nhất cho bọn lưu manh cướp bóc hoặc trả thù cá nhân. Tốt hơn hết là mình nên đóng cửa cho kỹ, ở trong nhà đừng ló mặt ra ngoài.
Thùy Liên tỏ vẻ sợ sệt. Nàng ra trước gài chốt cửa rồi trở vào ngồi bên chồng. Được một lúc hai vợ chồng vào buồng lên giường nằm cố dỗ giấc ngủ nhưng không thể nào ngủ được.
Buổi trưa và buổi chiều lặng lẽ trôi qua. Từ bên ngoài, tiếng người nói, tiếng xe cộ văng vẳng vọng vào. Hai đứa bé đã thức dậy từ lâu. Hình như chúng cũng ý thức được tình hình nghiêm trọng qua nét mặt tư lự và tiếng bàn bạc nho nhỏ của cha mẹ. Vì vậy, chúng cũng im lặng chứ không đùa giỡn ầm ỉ như mọi ngày.
Cơm nước xong thì trời vẫn chưa tối. Tân nhẹ nhàng mở cửa nhìn ra bên ngoài. Khung cảnh có vẻ rất bình thường. Mọi nhà đều mở cửa, trên con hẻm có vài người qua lại. Tân bước hẳn ra ngoài, giật mình vì tiếng la to từ nhà trước mặt:
- Ủa, thầy Tân còn đây hả? Từ sáng đến giờ, thấy nhà thầy đóng cửa im lặng, tôi tưởng thầy cô bỏ đi rồi.
Tân nhìn sang thấy bác Ba Tín đang ở trần, vội vã đáp lời:
- Không, chúng tôi chẳng đi đâu cả. Chúng tôi nhất định ở lại đây sống với bà con. Tình hình thế nào rồi hả bác?
Bác Ba mời, giọng đon đả:
- Thầy qua đây chơi đi. Mình vô nhà nói chuyện thì hay hơn. Đừng ngại, ngồi trong nhà tôi nhìn qua nhà thầy rõ lắm mà.
Tân bước qua đường, vào nhà bác Ba Tín. Bác nói ngay:
- Việt cộng chiếm toàn bộ Sài gòn rồi, chính phủ tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và kêu gọi mọi quân nhân buông súng trở về nhà.
- Dạ, chuyện đó cháu đã biết qua đài phát thanh rồi. Cháu muốn hỏi tình hình ngoài phố từ khi trưa đến giờ thế nào? Tụi cháu ở trong nhà không dám ra ngoài nên không biết ngoài đường có lộn xộn lắm không. Bác có hay biết gì không?
- Biết chứ. Thằng Nghĩa nhà tôi ăn cơm trưa xong thì đạp xe đi. Tôi không cho đi thì nó nói rằng nó phải đi để cho biết việc gì xảy ra trong giờ phút lịch sử nầy. Tôi nghe nói cũng phải nên không cản nữa.
- Anh Nghĩa đã về chưa bác?
- Rồi, nó về lúc nãy rồi. Nó về kể đủ chuyện nghe thực lạ tai. Tôi già rồi nhưng nghe chuyện lạ thì cũng háo hức nên đi một vòng với nó, mới về tới đây.
- Nhưng tình hình nguy hiểm, sao bác và em Nghĩa dám đi?
- Chẳng có gì nguy hiểm.
- Không có chuyện cuớp bóc hay trả thù hả bác?
- Không có đâu, mọi nơi đều yên tĩnh.
Tân giải thích:
- Trong chiến tranh, khi một thành phố lớn bị đổi chủ thì có một giai đoạn vô chính phủ, gần như luôn luôn xảy ra cướp bóc và trả thù.
- Tôi đọc sách cũng thấy điều đó. Nhưng ở thành phố mình thì không có như vậy.
- Có phải nhờ bộ đội giữ an ninh không?
Bác Ba lắc đầu:
- Không phải đâu. Bộ đội chỉ lo tràn vào các công sở, lục soát và bố trí trong đó chứ có để ý gì đến tình hình trong dân chúng.
Bác bỗng cười sằng sặc:
- Trước đây, nghe nói tới lính Việt cộng, mình hình dung những con người vạm vỡ lém lỉnh, nay gặp phần nhiều là bọn con nít mặt non choẹt. Súng ống đạn dược và lựu đạn mang đầy mình không che được cái vẻ khờ khạo của những đứa trẻ ở làng quê nghèo khổ lần đầu tiên được về thành phố.
Tân hỏi:
- Bác có nói chuyện với các chú bộ đội đó không?
Bác móc thuốc ra hút rồi trả lời:
- Tôi không nói chuyện nhưng thằng Nghĩa con tôi có nói. Lúc đầu hỏi gì mấy chú cũng không chịu trả lời. Thằng Nghĩa ngồi hồi lâu bắt chuyện, mời mấy chú hút thuốc, cuối cùng các chú mới chịu nói chuyện. Thật là đáng thương và đáng tức cười. Các chú thú thật rằng vào cái đất Sài gòn nầy mọi thứ làm cho các chú ngạc nhiên. Ở ngoài Bắc người ta nói với các chú rằng Sài gòn là một cái ổ chó bẩn thỉu, dân chúng miền Nam sống lúc nhúc trong cái ổ chó đó, phải vào nhanh để giải phóng. Vào đây thì thấy khác hẳn. Nhà cửa sao mà to lớn đồ sộ đến thế, đường phố sao mà phẳng phiu, người ta thì ăn mặc đẹp đẽ, mặt mày tươi tắn hồng hào. Đó là những điều thằng Nghĩa nhà tôi kể lại chứ tôi chỉ đi một vòng nhìn qua thôi rồi về chứ không muốn đến tiếp xúc với bộ đội làm gì?
- Đi một vòng và chứng kiến cảnh thay đổi, bác thấy vui hay buồn.
- Có buồn mà cũng có vui.
- Tại sao buồn và tại sao vui?
- Buồn là Sài gòn thất thủ quá nhanh, miền Nam sụp đổ quá chóng vánh. Mấy mươi năm nay, mình là công dân của một chế độ gọi là Việt Nam Cộng hòa. Trong phút chốc chế độ đó bỗng tiêu tan, cái quốc gia của mình bỗng biến mất trên bản đồ thế giới. Thiệt là buồn!
- Còn tại sao lại vui?
- Dễ hiểu quá. Mấy hôm nay, ai cũng lo sợ đường phố Sài gòn bị ngập trong máu và thây người khi Việt cộng đánh vào đây. Nhưng điều đó không xảy ra. Việc chết chóc nghe nói cũng có nhưng quá ít so với điều chúng ta lo sợ. Thay đổi hoàn toàn một chế độ mà thủ đô được yên ổn thế nầy là điều đáng mừng.
Tân mỉm cười:
- Thế là hết lo rồi phải không bác?
- Chưa đâu. Tôi vẫn còn lo nhưng cũng hi vọng.
- Bác lo điều gì?
- Lo không biết sống với cộng sản thì thế nào đây? Nghe nói đồng bào mình ngoài Bắc khổ lắm. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, quần quật làm việc để cung phụng cho cuộc chiến tranh ở miền Nam. Chiến tranh thì lúc nào cũng làm cho đất nước kiệt quệ, dân chúng lầm than.
- Nhưng bây giờ chiến tranh Việt Nam chấm dứt rồi thì còn lo gì nữa.
- Ừ, thôi, cuộc huynh đệ tương tàn thì đến đây kể như kết thúc. Trong hai anh em có một thằng lăn đùng ra chết thì xong rồi.
Tân gật đầu:
- Thôi lo thì bác có hi vọng điều gì không?
- Tôi hi vọng những người cộng sản ở Hà nội cũng biết mỏi mệt vì chiến tranh như chúng ta vậy. Từ đây mong hai miền chung tay xây dựng hòa bình.
Tân cố mỉm cười:
- Vậy cháu cũng cầu chúc hi vọng của bác được thành hình. Bác già rồi mà khi nào cũng vậy, nói chuyện với bác cháu cũng có thêm được vài ý nghĩ lạc quan.
Bác Ba vuốt râu, có vẻ hài lòng:
- Phải lạc quan mới sống được thầy ạ. Nhưng mà tôi vẫn lo lắm. Bao nhiêu năm nay, đồng bào mình ngoài Bắc vẫn sống được với cộng sản thì miền Nam mình cũng sẽ sống được, với điều kiện….
Thấy bác ngừng ngang, Tân hỏi:
- Điều kiện gì hở bác?
- Quên đi cái nếp sống cũ của mình.
Ông già nói xong cười như méo miệng. Tân lắc đầu đứng dậy, kiếu từ rồi về nhà.
Thùy Liên đang ngồi trên ghế đọc chuyện thiếu nhi cho hai đứa bé nghe. Thấy chồng vào, nàng ngưng đọc, ngẩng đầu lên:
- Anh nói chuyện gì với bác Ba mà lâu vậy?
- Bác Ba vừa đi phố về và kể những chuyện ngoài phố.
- Có cuớp bóc như anh lo ngại không?
- Không, nhiều người đổ xô ra đường nhưng không có cướp bóc gì cả. Đó là điều đáng mừng và đáng lấy làm lạ.
- Có phải nhờ bộ đội giữ gìn cho dân chúng không?
- Anh có hỏi bác ba như thế nhưng bác bảo bộ đội chẳng quan tâm gì đến sinh hoạt dân sự. Họ chỉ có nhiệm vụ đánh chiếm chứ không có nhiệm vụ duy trì an ninh trật tự.
- Thế thì tại sao?
- Anh đang suy nghĩ về điều đó. Có lẽ lý do chính yếu là dân Sài gòn bẩm tính hiền lành.
- Và cũng nhờ anh một phần nữa.
Tân mỉm cười:
- Em muốn ngạo anh điều gì vậy?
- Em nói thực chứ đâu có dám ngạo anh. Từ lâu nay, miền Nam, đặt biệt là Sài gòn được hưởng một nền giáo dục rất tốt trong đó có công sức của anh. Một nền giáo dục tốt bao giờ cũng tạo nên được sự thuần hậu và lương thiện trong dân chúng.
- Em nghĩ như thế thực sao?
- Thực chứ, em tin như thế vì em lớn lên trong nền giáo dục đó mà.
- Cám ơn em. Anh sung sướng vì ý nghĩ đó của em. Anh mong rằng đó là sự thực. Người cộng sản vào đây, nhất thiết sẽ xoá bỏ nền giáo dục đó để áp dụng nền giáo dục của giai cấp vô sản. Lúc đó không biết hậu quả sẽ thế nào.
- Ước chi nhà cầm quyền Hà nội từ bỏ chủ nghĩa cộng sản đi thì cả nước được thống nhất trong hạnh phúc anh nhỉ. Lúc đó toàn dân Việt Nam sẵn sàng tha thứ cho họ cái tội gây ra cuộc chiến tranh dài dằng dặc vừa qua.
Tân vội đưa tay bịt miệng Thùy Liên lại:
- Kể từ bây giờ, em nên cẩn thận trong lời ăn tiếng nói nghe em. Tốt hơn hết là tránh nói chuyện chính trị đi.
Tân thở dài, giọng nhỏ lại như nói với chính mình:
- Tránh đi là phải vì bây giờ khi nói tới chính trị thì buộc phải nói theo luận điệu của đảng. Thà câm miệng lại để giữ gìn cái liêm sỉ của mình.
Thùy Liên cười:
- Vâng, em nghe lời anh từ rày không bàn chuyện chính trị nữa. Em chỉ nói chuyện gia đình thôi.
Nét mặt nàng bỗng sa sầm:
- Anh Tân. Không biết tình hình dưới Cần thơ thế nào anh nhỉ. Em lo quá.
- Hình như ngày hôm nay, sau lời tuyên bố đầu hàng của chính phủ và lời kêu gọi buông vũ khí thì tất cả mọi nơi đều im tiếng súng. Khi nãy anh ngồi nói chuyện với bác Ba và nghe tiếng radio phát ra như thế.
- Làm sao liên lạc được để biết tin ba, hai đứa em, thằng Viên, thằng Mãn, và gia đình chị Hai anh nhỉ?
- Phải đợi vài hôm nữa xem sao.


*
* *


Trong những ngày đầu tiên, thành phố Sài gòn được cai trị bởi một tổ chức gọi là ủy ban quân quản. Ủy ban nầy ra thông cáo buộc mọi nhân viên của chế độ cũ phải trở vào trình diện ở nhiệm sở của mình.
Nhà trẻ không còn hoạt động nữa nên Tân và Thùy Liên phải gởi hai đứa bé cho hàng xóm. Tân đưa vợ đến tổng y viện rồi vào trường. Cửa trường mở toang, bên trên là một biểu ngữ bằng vải đỏ với hàng chữ chào mừng quân đội giải phóng. Cờ mặt trận Giải phóng treo la liệt khắp nơi. Trong sân trường và trong các lớp, nhiều học sinh lui tới lăng xăng.
Tân bước vào phòng giáo sư. Nhiều người ngẩng lên nhìn và mỉm cười với anh. Định ngồi trong góc phòng, đưa tay ngoắt. Tân vội bước đến. Định nói nhỏ vào tai anh:
- Tôi tưởng anh đi thoát rồi chứ?
Tân quay sang, cũng nói nho nhỏ:
- Còn anh, sao còn ngồi đây?
- Sau cái hôm mình chia tay tại trường, tôi quyết định đưa cả gia đình đi, cố hết sức nhưng không đi được. Chúng tôi chạy lên Tân sơn nhất thì phi trường đóng cửa vì bị pháo kích. Nghe đồn có tàu ở kho Năm Khánh hội, chạy đến đó thì không tài nào qua lọt, lộn về bến tàu định chui vào Hải quân công xưởng thì bị chận lại. Cuối cùng đành phải về nằm nhà để hôm sau chứng kiến cảnh tượng Sài gòn thất thủ.
Tân hỏi:
- Giáo sư trường mình có ai đi thoát không?
- Chắc chắn là có nhưng chưa biết là ai, đợi vài hôm nữa thì sẽ biết rõ. Còn kẹt lại đây, tôi lo lắm. Tôi với anh là sĩ quan biệt phái, không biết số phận mình sẽ ra sao đây. Trường có sáu anh em như mình, toàn là trung úy và đại úy cả.
Định thở dài rồi nói tiếp:
- Thôi, tới đâu hay đó, mình đành cam chịu cả. Đến chết là cùng.
Tân an ủi:
- Không đến đỗi chết đâu. Mình đừng tỏ ý chống lại họ thì họ cũng chẳng phí công giết mình.
- Vâng, tôi cũng nghĩ như anh. Mình cứ chịu cúi đầu, họ sai đâu mình làm đó. Họ bảo mình hốt rác hay chùi cầu tiêu thì mình cũng rán mà làm cho cẩn thận. Lãnh tụ của họ bảo trí thức không bằng cục phân. Mình là trí thức thì xin làm cục phân cũng được.
- Anh có biết họ định bắt chúng ta làm gì không?
- Nghe nói họ đang phát động các trường thu gom sản phẩm văn hoá đồi trụy để tiêu hủy.
- Sản phẩm văn hoá đồi trụy là cái gì?
Định mỉm cười:
- Chiều hôm qua, tôi có dự một buổi nói chuyện của cán bộ địa phương. Tất cả những gì của miền Nam đều là xấu. Vậy sản phẩm văn hoá đồi trụy là tất cả những băng đĩa nhạc rồi sách vở tạp chí mà chúng ta đã dùng bấy lâu nay. Đêm rồi, tôi bắt đài Hà nội nghe một bài bình luận bảo rằng nền giáo dục trong Nam nầy là vong bản, có mục tiêu đào tạo những tay sai cho thực dân đế quốc nên phải đạp đổ đi để thay bằng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Lý luận như thế thì tất cả những gì chúng ta đã dùng để giáo dục bấy lâu nay đều là sản phẩm văn hoá đồi trụy. Họ cố tình đạp đổ nền giáo dục của miền Nam thì dĩ nhiên giáo sư chúng ta cũng phải đổ theo. Đổ trước hết là số giáo sư biệt phái chúng mình. Chúng ta vừa có tội bắn phá cách mạng lại vừa có tội phổ biến văn hóa đồi trụy, đào tạo tay sai cho thực dân đế quốc.
Định bỗng cười thành tiếng:
- Tội to như thế mà để cho sống thì thực là phi lý.
Tân hỏi lại:
- Anh nghe họ nói nền giáo dục miền Nam là vong bản à?
- Đúng vậy. Là vong bản, là đồi trụy, là phục vụ chiến tranh, và gì gì nữa tôi không nhớ hết.
Tân im lặng, sực nhớ lời của Thùy Liên bảo rằng nền giáo dục mà anh góp sức trong gần mười năm đã đào tạo được cả một xã hội gồm hầu hết những con người nhân hậu và lương thiện. Tân lẩm bẩm:
- Lý lẽ của kẻ mạnh thì không cần chân lý.
Định quay sang:
- Anh nói gì thế?
- La raison du plus fort est toujours la meilleure!
- Đúng vậy. Họ là kẻ mạnh, kẻ chiến thắng thì họ có quyền tự đề cao, chúng ta là kẻ yếu và bại trận thì tốt hơn hết là cứ gật đầu.
Định xoay ngang người nắm lấy tay Tân:
- Anh Tân, trong số giáo sư trong trường, tôi mến anh nhất dù anh không thân với tôi bằng vài người khác. Với tình hình nầy, trong những ngày tới, số phận sĩ quan biệt phái chúng mình sẽ đầy bất trắc. Tôi muốn nói với anh điều nầy, không hẳn là một lời khuyên, nhưng rất cần thiết.
- Là một kinh nghiệm sống phải không?
Định lắc đầu:
- Không phải kinh nghiệm sống. Trước đây, tôi đã sống với cộng sản ngày nào đâu. Đây là điều tôi đọc được trong một tác phẩm có giá trị của một văn sĩ đã trốn khỏi lao tù cộng sản Liên xô. Anh có muốn nghe không?
- Có, tôi muốn nghe lắm chứ.
- Cộng sản là những người rất ghét lời nói thật và rất ham muốn sự phục tòng vô điều kiện của kẻ khác. Nếu cán bộ cộng sản chỉ một con bò và nói với anh là con trâu thì anh hãy vui vẻ gật đầu mà nói: “Thưa đồng chí, nó là con trâu, đúng như lời đồng chí nói”. Anh cứ nói như thế đi thì anh sẽ sống khỏe với cộng sản.
- Nhưng mà….
Định ngắt lời:
- Nhưng cái gì? Anh muốn nói rằng như thế thì mình mất sự chân thành phải không? Sự chân thành đâu phải lúc nào cũng tốt. Với lòng anh, với vợ con anh, với bạn bè anh, sự chân thành là cần thiết, nhưng với cộng sản thì sự chân thành chẳng tốt tí nào đâu.
Tân im lặng không cãi lại nữa. Anh biết Định là một người bạn tốt, hiểu biết rộng. Định đã đậu cao học triết và chuẩn bị thi tiến sĩ. Nhiều trường đại học ngỏ ý mời anh về giảng dạy nhưng anh từ chối. Có lần, anh đã tâm sự với Tân rằng sau khi đậu tiến sĩ rồi anh vẫn tiếp tục dạy trung học, dù cái chức giáo sư đại học là ước mơ rất lớn của người trí thức. Theo anh, bậc trung học là quan trọng nhất trong một hệ thống giáo dục. Ở bậc tiểu học thì ta chưa thể nói gì nhiều với các em. Ở bậc đại học, kiến thức cho sinh viên chỉ thuần túy là kiến thức. Còn ở bậc trung học, kiến thức đó sẽ được tiêu hóa và biến thành nhân cách của các em về sau nầy, cho đến hết cuộc đời. Anh Định bị động viên và nhập ngũ khoá Mười bốn sĩ quan trừ bị Thủ đức, được giải ngũ và được biệt phái về dạy học trở lại, y như trường hợp của Tân vậy. Lúc còn học ở quân trường, hai người chưa quen nhau.
Suốt ngày hôm đó, các giáo sư từng cặp ngồi rù rì nói chuyện với nhau. Đến xế chiều, họ chia tay nhau ra về và hẹn đến hôm sau thì gặp lại.
Tân ra khỏi trường, chạy xe qua nhiều con đường. Cờ xí và biểu ngữ khắp nơi, trông rất rực rỡ nhưng tất cả các cửa tiệm đều đóng cửa. Cờ bay phất phới và các cửa tiệm đóng kín tạo nên một vẻ tương phản lạ kỳ.
Khi Tân chạy đến tổng y viện thì thấy Thùy Liên đang đứng đợi trước cổng. Nét mặt nàng có vẻ bơ phờ. Tân dừng xe, nàng vội vàng bước đến và ngồi vào yên sau. Tân quay lại hỏi:
- Em đợi anh lâu chưa?
- Em vừa mới ra thì anh đến.
- Em làm việc nhiều lắm sao mà mặt mày bơ phờ thế?
- Em làm việc suốt cả ngày nay, không kịp ăn uống.
- Có nhân viên cũ đến làm với em không?
- Không, mấy hôm nay chẳng có ai vào phòng thuốc cả. Phòng mở cửa, có một chú bộ đội ngồi ôm súng gác. Em được người ta cho vào. Nhìn nơi mình đã từng làm việc, em rất xúc động, nhớ lại những ngày sống gần gũi với thương binh. Không biết còn thương binh nào bên dưới các dãy phòng điều trị hay không.
- Thế rồi em có làm việc không?
- Có chứ. Em vào phòng thuốc thấy vẫn còn nguyên vẹn. Em nhớ trong những ngày cuối cùng, thiếu tá trưởng phòng luôn luôn nhắc nhở nhân viên, giữ gìn cẩn thận thuốc men đừng làm thất thoát. Thiếu tá bảo rằng, trước khi rút lui, vũ khí đạn dược thì nên phá hủy còn thuốc men thì phải giữ nguyên để họ đến đây thì có mà dùng cho thương binh của họ. Thiếu tá bảo rằng đối với quân y thì không có kẻ thù, thương binh bên nào thì cũng là nạn nhân của chiến tranh, cần được an ủi và săn sóc. Đó là một con người đức độ, không biết bây giờ trôi nổi ở đâu rồi. Thôi anh lo chú ý chạy xe đi. Tí nữa về nhà, em kể tiếp anh nghe.
Tân vặn tay ga, xe vọt tới. Về đến nhà, anh dựng xe rồi mở cửa trong khi Thùy Liên qua nhà hàng xóm đưa hai đứa bé về. Công việc lại diễn ra như trước đây. Tân lo tắm rửa hai con trong khi Thùy Liên vào bếp nhúm lửa sửa soạn bữa ăn chiều.
Tân tắm cho con xong, đến ngồi trên chiếc ghế trước bàn ăn. Thùy Liên quay lui nhìn anh mỉm cười:
- Hôm nay anh vào trường làm gì?
- Chẳng làm gì cả. Có khoảng hai mươi giáo sư và nhân viên ngồi than thở với nhau.
- Còn học trò?
- Có một số vào trường đùa giỡn, ca hát và dán biểu ngữ, viết khẩu hiệu lên tường. À, khi nãy trên xe, em nói có chuyện gì hay lắm, kể cho anh nghe đi.
- Suốt ngày nay em làm việc với một ông bác sĩ Việt cộng.
- Thế à? Ông ta và những người khác đối xử với em thế nào?
- À khoan, để em kể cho anh nghe từ đầu. Chắc anh còn nhớ sáng nay, từ xa mình đã thấy có nhiều bộ đội đứng trước cổng tổng y viện Cộng hòa. Em đến thì bị chận lại ngay. Em bảo rằng em là nhân viên ở đây, đến trình diện theo lệnh của ủy ban quân quản. Một ông bộ đội nói giọng rất nặng và khó nghe bảo rằng chỉ những người thuộc các cơ quan dân sự mới trình diện thôi. Đây là doanh trại của quân đội nhân dân anh hùng thì không ai được vào. Em ngạc nhiên vì những từ “doanh trại quân đội nhân dân anh hùng” lần đầu tiên nghe nói tới. Trong đầu em, nơi đây vẫn là tổng y viện Cộng hòa, một nơi quá quen thuộc vì em đã sống và làm việc bao nhiêu năm rồi. Gần như tức thì sau đó, em chợt hiểu bây giờ không còn là tổng y viện Cộng hòa nữa, bao nhiêu thứ khác và cả miền Nam thân yêu của chúng ta cũng không còn nữa. Họ đã dùng sức mạnh chiếm được mọi thứ. Tất cả đã trở thành vật sở hữu của họ dù họ chưa hề đổ một giọt mồ hôi để xây dựng nên. Mấy hôm rồi, em đã theo dõi tình hình từng ngày, từng giờ, em biết rằng miền Bắc đã chiến thắng miền Nam và em lo lắng nhiều hơn xúc động. Bây giờ đứng đây, cảnh vật thì quen thuộc mà những con người thì hoàn toàn xa lạ từ áo quần, dáng điệu đi đứng, đến lời ăn tiếng nói. Em bỗng cảm thấy tâm hồn mình như nát vụn trong một nỗi xúc động dữ dội chưa từng có. Em cố gắng để đừng bật khóc trước người lạ. Em nhìn ra đường về phía Phú nhuận và hi vọng anh còn ở đó để em khỏi phải thuê xe về nhà. Nhưng anh đã đi rồi. Anh phải đi gấp về trình diện nhà trường chứ. Em biết như thế và nghĩ rằng anh cũng sẽ có tâm trạng não nề như em bây giờ khi trở về ngôi trường thân yêu của mình. Em bỗng cảm thấy xót thương vô cùng vô tận. Xót thương cho anh, xót thương cho em, xót thương cho tất cả những người miền Nam chúng mình.
Thùy Liên dừng lại, bưng nồi cơm trên bếp xuống và bắc cái chảo lên. Tân sốt ruột hỏi:
- Rồi sao nữa? Em không ra về chứ? Em bảo cả ngày em làm việc với cái lão bác sĩ nào đó mà.
- Dạ, em tính tìm xích lô để về thì bên trong cổng có người bước ra. Mọi người đều không mang lon, nhưng em đoán người mới ra là một sĩ quan vì những cái nhìn có vẻ nể phục của những người đang đứng quanh em. Ông ta nhìn em rồi hỏi trổng: “Chuyện gì vậy?”. Một người bộ đội trả lời: “Báo cáo anh, chị nầy phản ánh là nhân viên ở đây và đến trình diện theo lệnh của ủy ban quân quản nhưng chúng tôi bảo doanh trại quân đội không nhận người đến trình diện”. Người sĩ quan đến gần quan sát em từ đầu đến chân. Có lẽ ông ta ngạc nhiên vì bộ quần áo dân sự của em. Ông ta hỏi: “Trước đây chị làm gì trong nầy?” Em trả lời làm ở phòng cấp phát thuốc. Bỗng nhiên ông ta có vẻ mừng rỡ, nói to: “Vậy hả, chị làm ở kho thuốc à? Chị có giấy tờ chứng minh không?”. Em móc bóp. May quá, em có mang theo thẻ nhân viên nên vội trao cho ông ta. Ông chăm chú đọc rồi ngẩng lên nói với chú bộ đội gác cổng: “Cho chị nầy vào, thủ trưởng cần gặp”. Thế là em vào kho thuốc và một lần nữa lại xúc động khi ngồi vào cái bàn quen thuộc của mình. Khoảng mười phút sau, một ông bộ đội khác vào và tự giới thiệu là bác sĩ.
Tân hỏi một cách tò mò và hơi lo lắng:
- Em thấy lão ta thế nào?
- Dáng mảnh khảnh, hơi có vẻ trí thức, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng điều làm em lạ và khó chịu là cây súng trong một bao da khá to lủng lẳng bên hông ông ta.
- Tại sao em khó chịu? Ông ấy là một quân nhân mà.
- Vâng, ông ta mặc áo quần màu xanh của bộ đội, nhưng ông ta tự giới thiệu là bác sĩ. Em đã làm việc bao nhiêu năm với bác sĩ quân y kể cả những bác sĩ của đơn vị tác chiến và em chưa bao giờ thấy họ mang súng trong y viện. Trời sinh ra bác sĩ là để cứu người và súng là để giết người, hai thứ đó đi chung thì trông chướng mắt lắm.
Tân cười thành tiếng:
- Thời buổi chiến tranh mà lý luận như em thì cũng hơi lạ kỳ đó. Nhưng thôi, em là đàn bà, lại là y tá thì chuyện đó có thể bỏ qua được. Rồi em làm việc gì với lão bác sĩ đó?
- Làm việc gì hả? Em nói thì anh không thể tin được và cho là em nói láo. Ông ta bắt em nói công dụng mỗi loại thuốc và ghi ghi chép chép. Lúc đầu em tưởng ông ấy đi kiểm kê kho thuốc và em nghĩ rằng việc nầy chỉ nội nửa giờ thì xong. Ở đó thuốc đã được phân loại rõ ràng, mỗi tủ, mỗi kệ đều có đề tên và số lượng, việc sắp xếp rất khoa học nên nhìn qua là biết ngay số tồn kho. Hồ sơ sổ sách còn y nguyên trong hộc bàn của em. Trước đây vẫn có những cuộc kiểm kho định kỳ và bất thường nên công việc nầy rất quen thuộc đối với em. Ông bác sĩ đó có vẻ không quan tâm đến số lượng thuốc tồn kho. Ông ta đi theo em và tỏ ra lơ đễnh khi em đối chiếu từng loại thuốc với sổ sách. Khi công việc kiểm kê xong xuôi, em đưa bút, yêu cầu ông ta ký xác nhận để em chấm dứt trách nhiệm thì ông gật đầu nói: “Chị để đó, tôi ký sau”. Ông cầm mấy hộp thuốc trên tay và hỏi em những thứ đó dùng để trị bệnh gì. Em rất ngạc nhiên. Đành rằng hầu hết các loại thuốc của tổng y viện là do Mỹ cung cấp nên những hàng chữ chỉ dẫn đều là tiếng Anh, nhưng tên khoa học kèm theo thì nhất định bác sĩ nào cũng phải biết rành chứ. Hay là ông ta hỏi thử để tìm hiểu trình độ nhân viên của cái chế độ mà phía ông ta vừa đạp đổ. Nghĩ như thế, em nổi tự ái và cố trình bày thực mạch lạc tính chất và công dụng các hộp thuốc mà ông ta đưa. Ông ta tỏ ra rất vui thích và mở sổ ra ghi chép lia lịa. Hết loại thuốc nầy đến loại thuốc khác, em nói khan cả cổ. Ông ta bảo em ngồi nghỉ tại chỗ, bỏ đi ra một chút rồi trở vào với một ly nước. Em uống nước xong rồi tiếp tục “bài giảng”. Đến trưa, ống ấy mang cơm và nước vào. Em ăn xong, nghỉ một chút rồi tiếp tục “giảng bài”.
Thùy Liên cười khúc khích rồi nói:
- Thôi để em dọn cơm ăn rồi nói tiếp. Anh đi lau đũa, lau chén đi.
Nàng gọi to:
- Thùy Dung, Hòa Bình đâu, xuống ăn cơm.
Hai đứa bé dạ thực to rồi từ nhà trên hấp tấp chạy xuống. Bữa cơm đầm ấm của gia đình bắt đầu. Thùy Liên vừa ăn, vừa kể tiếp:
- Em nói đến chiều thì mệt ngất. Ông bác sĩ cũng tỏ vẻ thấm mệt vì phải nghe và ghi chép liên tục. Đến tủ thuốc trụ sinh là tủ cuối cùng thì em không còn sức giải thích; hơn nữa nhìn qua khung cửa sổ, em thấy trời đã xế chiều nên em nói chung chung đây là trụ sinh dùng để diệt vi khuẩn. Ông ta gật gù nói: “Những thứ nầy, chúng tôi gọi là kháng sinh. Nhưng kháng sinh thì chỉ một loại thôi, tại sao đây có mấy chục loại thế nầy?”. Dù sốt ruột sợ anh đợi nhưng em cũng phải giải thích với ông ta rằng nói chung trụ sinh nào cũng có tác dụng với hầu hết các loại vi khuẩn nhưng muốn có hiệu quả tốt nhất thì phải dùng nhiều loại trụ sinh cho nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Vi khuẩn đường ruột thì dùng thứ nầy, vi khuẩn đường hô hấp thì dùng thứ kia, vi khuẩn làm mũ trên các vết thương thì phải dùng thứ nọ. Hơn nữa, dùng một thời gian thì ở nhiều người vi khuẩn lờn thuốc phải dùng loại khác mới hơn thì mới diệt được. Vì vậy, bệnh viện nào cũng phải có nhiều loại trụ sinh khác nhau. Bấy giờ, ông bác sĩ mới chịu cho em chấm dứt công việc. Ông cám ơn em một cách lịch sự và dặn em không nên giải thích rõ cho những ông bác sĩ khác như đã giải thích cho ông ta. Rồi em ra về, đến cổng thì gặp ngay anh, em mừng quá như vừa thoát nạn.
Thùy Liên nhìn chồng và hỏi:
- Anh Tân, câu chuyện mà em vừa kể, anh có tin không?
Tân cười:
- Nếu người khác kể thì anh không tin còn em kể thì anh tin. Ngày mai, em có vào làm việc nữa không?
- Không, vào làm chi nữa?
Giọng nàng trầm xuống một cách buồn bã:
- Họ cho đó là doanh trại quân đội mà không cho trở vào làm việc là may cho em. Vào đó để nhớ lại những ngày qua càng thêm đau lòng.
- Có lẽ ở quân y viện Cần thơ, những nhân viên cũ cũng cùng tâm trạng như em.
- Em cũng nghĩ như thế. À, mấy hôm nay, em lo cho ba, gia đình chị Hai và thằng Viên, thằng Mãn quá. Anh Hai là thượng sĩ hải quân. Em lo ngại gia đình anh chị Hai đã đi rồi. Ba và hai đứa em trai dưới đó không biết ra sao. Em muốn về dưới đó một bữa. Nếu anh chị Hai đi rồi thì em đưa ba và hai thằng em lên đây. Kệ, chịu cực, chịu khổ với nhau. Sài gòn vẫn còn cả triệu người dân. Người ta sống được thì mình cũng sống được. Em tính như vậy không biết anh có đồng ý không?
- Rất đồng ý. Nhưng thủng thẳng hỏi thăm đường sá thế nào, xe đò còn chạy hay không?
- Anh Tân, hay là bỏ quách chốn nầy, đi về Cần thơ cuốc đất mà ăn thì hay hơn. Ở đây mình còn ai thân thích đâu. Chỉ có gia đình chị Bạch Mai mà nay bỏ đi rồi. Không biết bây giờ, bác Tư, anh Thế, chị Mai và hai cháu đang ở đâu?
Thùy Liên ngừng nói, buông đũa, đưa ống tay áo chặm vào khóe mắt.
Thằng Hòa Bình nhìn sững mẹ. Nó mếu máo:
- Mẹ, sao mẹ khóc?
Thùy Liên đưa tay xoa đầu con:
- Không sao cả. Mẹ nhớ ông ngoại, mẹ nhớ dì Hai, dì Bạch Mai, mẹ khóc đó thôi. Con lo ăn cho no đi.
Nàng quay sang chồng:
- Con mình sinh ra trong chiến tranh. Anh luôn luôn cầu mong chiến tranh chấm dứt để đời sống con mình được ổn định. Nay có hòa bình rồi thì đời sống con mình càng bất ổn hơn.
Tân an ủi vợ:
- Rồi mọi chuyện sẽ trôi qua. Chiến tranh vừa mới chấm dứt, trật tự cũ vừa mới bị xô ngã, trật tự mới chưa hình thành, thì cuộc sống làm sao ổn định được. Phải cần có thời gian.
Anh ngưng một chút để suy nghĩ rồi nói tiếp:
- Chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi rất cơ bản. Sáng nay, anh Định nói với anh rằng cộng sản vào đây sẽ thay thế nền giáo dục của miền Nam bằng nền giáo dục của miền Bắc. Hai nền giáo dục khác nhau xa. Miền Nam dạy nhân nghĩa còn miền Bắc thì dạy căm thù. Bọn thầy giáo chúng anh sẽ bị loại bỏ. Vừa rồi em bảo về Cần thơ cuốc đất mà ăn thực là đúng với ý anh. Tuy nhiên anh nghĩ rằng chưa thể đi ngay được.
- Tại sao vậy?
- Mấy anh em trong trường bảo rằng, nhiều ngày sau khi miền Nam đã đầu hàng mà vẫn còn có người tìm cách trốn khỏi Việt Nam. Có người đã bị bắt và bị bắn chết ở cửa sông. Tốt hơn hết là đâu ở đó, không nên bỏ nhà đi nơi khác. Hơn nữa, chúng ta không nên rời bỏ Sài gòn lúc nầy.
- Tại sao vậy?
- Sài gòn đã là thủ đô của một quốc gia thuộc vào loại văn minh và tiến bộ nhất Đông nam Á. Bắc Việt chiếm được miền Nam thì chắc chắn họ biết rằng cả thế giới đang chăm chú nhìn vào để theo dõi, trước hết là tình hình ở Sài gòn. Vì vậy họ phải đưa vào đây những người có trình độ khá và cố gắng bày tỏ thái độ có vẻ văn minh của họ. Ở các tỉnh thì họ chẳng cần và chẳng đủ người để khoác bộ mặt văn minh nên tốt hơn hết là cứ bám lấy Sài gòn mà sống trước đã. Khi tình hình ổn định thì mình về cuốc đất cũng được.
Sáng hôm sau, Tân lên xe chạy thẳng vào trường, không phải đưa con đi gởi và đưa vợ vào tổng y viện Cộng hòa nữa.
Khung cảnh trong trường có vẻ rộn rịp hơn hôm qua. Học sinh và vài thầy cô chuẩn bị ra phố thu gom “sản phẩm văn hóa đồi trụy”. Tân vào phòng giáo sư, nhìn quanh không thấy Định đâu cả. Số giáo sư tại phòng ít hơn hôm qua; một số đã ra sân làm việc cùng học sinh, một số khác không đến trường chẳng biết vì lý do gì.
Tân ngồi vào một góc phòng im lặng nhìn ra sân. Các toán đi thu gom “ sản phẩm văn hóa phẩm đồi trụy” đã ra khỏi trường từ lâu nên sân trường thực vắng vẻ. Vài người đứng dậy ra khỏi phòng. Tân nhìn đồng hồ thấy đã gần trưa nên lấy xe ra về.
Đến nhà, Anh vừa dừng xe thì hai đứa bé chạy ra hét to:
- Ba về, ba về!
Tân dựng xe, ngồi xuống ôm con vào lòng. Anh hỏi con:
- Mẹ đâu?
Thùy Dung nhanh nhảu trả lời:
- Mẹ nằm trong buồng, mẹ khóc.
Tân hoảng hốt:
- Sao vậy?
- Ông ngoại đi rồi, dì Hai đi rồi.
- Trời đất ơi!
Tân buông hai con ra, chạy vội vào nhà. Thùy Liên đang bước xuống giường, đầu tóc rũ rượi, cặp mắt đỏ hoe. Nàng ôm chầm lấy chồng một phút rồi buông ra. Nàng không khóc nữa, vẻ mặt có vẻ bình tĩnh:
- Cả nhà anh chị Hai xuống tàu đi thoát rồi mang cả ba và thằng Viên, thằng Mãn đi theo.
- Sao em biết?
- Bà Chín vừa ghé qua đây báo cho em biết.
- Bà Chín nào?
- Má của anh Tạo đó. Trước khi đi, chị Hai có nhờ bà báo tin và mang cho em một món tiền. Tất cả tiền anh chị ấy dành dụm, nếu mang ra ngoại quốc cũng thành giấy lộn hết.
- Ba và anh chị Hai đi hồi nào?
- Ngay buổi sáng quân Bắc Việt vào Sài gòn. Cả nhà bí mật xuống đợi ở sông Cái răng và tàu nhỏ vào rước đi.
- Tại sao phải bí mật? Theo anh biết thì Việt cộng tràn vào Cần thơ sau Sài gòn mà. Lúc đó chưa có Việt cộng thì cần gì phải bí mật?
- Bà Chín bảo dân chúng Cần thơ ùn ùn bỏ chạy cũng như ở Sài gòn vậy. Tàu nào cập bến là họ nhào xuống ngay. Vì vậy Hải quân dưới đó phải sắp đặt để gia đình quân nhân của họ bí mật xuống tàu. Họ không tránh Việt cộng mà tránh dân chúng quá hoảng sợ Việt cộng.
- Trời đất ơi!
Thấy chồng cứ đứng dậm chân than trời, Thùy Liên an ủi:
- Thôi thế cũng tốt cho gia đình chị Hai, cho ba và cho hai đứa em. Họ qua đến đất Mỹ thì chắc chắn đời sống sẽ được bảo đảm hơn mình ở đây. Nhưng không biết chừng nào mới lại thấy mặt nhau?
Nói đến đây, Thùy Liên ôm mặt khóc nức nở.