Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

Chương 9: Giã từ vũ khí (1)



Một cuộc chiến tranh dài
Tập III
Chương 9: Giã từ vũ khí
(1)

Sáng hôm sau, Tân lên xe đò về Tân an và đến trường trung học.
Trường đang nghỉ hè nên vắng tanh. Cậu bước qua cổng vào trong sân trường rộng rãi. Các phòng học ở tầng lầu và tầng trệt đóng im ỉm. May quá, dãy văn phòng còn mở cửa, trong đó có phòng hiệu trưởng. Tân gõ cửa, bên trong có tiếng nói vọng ra:
- Xin mời vào.
Tân đẩy cửa chớp bước vào. Căn phòng khá rộng và thoáng mát. Một người đàn ông ngồi sau một chiếc bàn to tướng đang cắm cúi viết. Tân nhìn đăm đăm cố nhớ lại vị hiệu trưởng mà cậu đã gặp một lần trước đây bốn năm lúc mới ra trường về trình diện nhiệm sở, nhưng không còn nhớ chút nào gương mặt xa xưa đó nữa. Người đàn ông ngưng viết và ngước lên:
- Chào ông, ông muốn tìm ai?
- Thưa ông, tôi muốn tìm ông hiệu trưởng.
- Vâng, chính tôi đây.
- Thưa ông, tôi là thiếu úy Tân, tôi….
- A!
Ông hiệu trưởng đứng bật dậy, reo lên mừng rỡ:
- Tôi đang chờ thiếu úy đây. À mà bây giờ là giáo sư Tân chứ đâu còn là thiếu úy nữa. Anh vừa mới được giải ngũ phải không?
- Vâng, thưa ông hiệu trưởng, tôi vừa được giải ngũ và ở đơn vị về thẳng đây để trình diện lại nhiệm sở cũ. Tôi xin trình ông hiệu trưởng quyết định cho giải ngũ của bộ quốc phòng.
Tân cho tay vào túi nhưng ông hiệu trưởng đã khoát tay:
- Khỏi, khỏi, anh không cần trình giấy, tôi biết rồi. Tôi vẫn theo dõi hồ sơ của anh và biết anh đã sắp hết thời hạn quân dịch pháp định. Chốc nữa hoặc ngày mai anh hãy nạp bản sao giải ngũ và chứng chỉ ngưng lương cho văn phòng. Nhà trường cũng có vài giáo sư nhập ngũ sau anh nên chưa đến thời hạn giải ngũ. Trong thời gian trong quân đội, anh có được làm công việc thuộc về chuyên môn không?
Tân lắc đầu:
- Gần hết thời gian đi lính, tôi ở đơn vị tác chiến.
Ông hiệu trưởng có vẻ thán phục:
- Vậy à, thế thì rất đáng nể. Trong trường, thỉnh thoảng các giáo sư vẫn nhắc đến anh. Nhiều người còn nhớ cả tên anh nữa.
Tân ngạc nhiên:
- Họ còn nhớ tôi sao? Ngày trước, khi tôi về đây trình diện thì trường cũng đang nghỉ hè, tôi đâu có gặp ai, ngoài ông hiệu trưởng, ông giám học và vài nhân viên văn phòng.
- Vào năm học, mọi người đều biết có anh về trình diện nhưng lên đường nhập ngũ ngay. Ai cũng tỏ ý xót xa và cầu mong anh được bình an để trở về với các em học sinh.
Tân cảm động:
- Anh em vẫn nhớ đến người không may mắn à?
Ông hiệu trưởng sôi nổi:
- Có chứ. Tôi còn nhớ có một lần, lâu lắm rồi, anh Thân đang dạy sử địa trong một lớp mười hai, nổi hứng nói với các em, đại khái như thế nầy: “Các em có biết không? Đáng lẽ hôm nay, các em đang ngồi nghe thầy Tân giảng bài nhưng tôi phải thay thế vì thầy Tân đã nhập ngũ và sẽ trở thành một chiến sĩ tung hoành ngoài trận mạc để cho các em được ngồi yên ổn trong lớp học nầy….”. Các em vỗ tay hoan hô, nhiều em đập bàn đập ghế om sòm. Học sinh là thế đó, hễ có dịp là chúng làm ồn khiếp lắm. Lúc đó, nhiều giáo sư không biết chuyện gì, ngưng giảng bài, ló đầu ra nhìn. Từ trên văn phòng, tôi vội đi xuống. Thầy Thân lặp lại câu nói để giải thích, tôi đành cười trừ và rầy la các em một cách qua loa cho xong chuyện. Đó, anh thấy chưa, các anh ra chiến trường, ở hậu phương, chúng tôi vẫn không quên các anh đâu.
- Được nghe ông hiệu trưởng nói như thế, tôi thực thỏa lòng sau bốn năm vào lính.
Ông hiệu trưởng hào hứng:
- Phải vậy chứ, các anh chịu biết bao khổ cực, người hậu phương phải nhớ ơn các anh. À, có tin vui cho anh. Anh có biết sau hai năm nhập ngũ, anh bắt đầu được hưởng lương sai biệt giữa chức vụ giáo sư và cấp bậc trong quân đội không?
- Dạ biết nhưng lâu quá tôi quên mất chuyện đó đi rồi.
- Cách đây hai năm, tôi không biết anh ở đâu để liên lạc. Anh không hề nhắn một tin tức vào về trường. Tôi đánh điện đi hỏi nhiều nơi mà không nhận được phúc đáp. Tôi chẳng biết anh sống chết ra sao. Bây giờ, anh về đây rồi, tôi sẽ đốc thúc văn phòng làm hồ sơ cho anh truy lãnh luôn hai mươi bốn tháng một lượt. Món tiền cũng khá to để anh dùng thu xếp cuộc sống của mình. Bây giờ, anh cứ nghỉ ngơi trong suốt mấy tháng hè, mỗi tháng đến trường lãnh lương. Gần đến ngày nhập học, anh đến đây nhận giờ dạy của anh.
- Thưa ông hiệu trưởng, tôi có việc muốn trình bày.
- Vâng, anh cứ nói.
- Tôi mốn xin thuyên chuyển về Sài gòn để dạy.
Ông hiệu trưởng ngạc nhiên:
- Sao thế, chúng tôi mong anh trở về đây cùng làm việc mà. Anh suy nghĩ lại xem.
Tân im lặng, nhớ đến câu nói của Thùy Liên chiều hôm qua ở bến Ninh kiều: “Em thích Sài gòn vì ở Cần thơ, em đã chứng kiến quá nhiều đau thương…”.
Cậu ngẩng lên nhìn ông hiệu trưởng, giọng vừa cương quyết, vừa khẩn khoản:
- Tôi cần về dạy học tại Sài gòn nên tôi tha thiết xin ông hiệu trưởng đừng giữ tôi lại và cầu mong ông chỉ cho tôi cách thức nào xin về Sài gòn hữu hiệu nhất.
Ông hiệu trưởng có vẻ xiêu lòng:
- Anh muốn về Sài gòn để có thể gần gũi và săn sóc hai cụ phải không? Thôi được, tôi không giữ anh đâu. Anh cứ xin thuyên chuyển. Anh có ưu tiên vì là quân nhân xuất ngũ, xã hội cần đền bù phần nào công sức của anh. Nếu anh xin được giấy chứng minh đã từng ở đơn vị tác chiến thì càng tốt hơn nữa. Trong thời gian ở quân ngũ, anh có huy chương gì không?
- Có, tôi có một anh dũng bội tinh và một chiến thương bội tinh.
Ông hiệu trưởng ngạc nhiên một cách lý thú. Giọng ông đầy vẻ thán phục:
- Anh có bị thương à? Bị thương ở chiến trường chứ?
Tân cười:
- Nếu không bị ở chiến trường thì làm sao có chiến thương bội tinh?
- Anh bị thương ở đâu? Có bị tật gì không?
- Tôi bị một viên đạn vào vai, bay mất một chút xương. Chẳng bị tật gì cả nhưng phải mang vĩnh viễn một miếng kim loại để làm kỷ niệm chiến trường.
- Thế thì tốt lắm, anh làm đơn, kèm theo các bản sao cần thiết. Hai hôm nữa, anh mang đến nha trung học. Hôm đó, tôi đến làm việc với nha khảo thí về hội đồng thi tú tài. Tôi sẽ cầm đơn của anh trao thẳng ông giám đốc nha trung học. Xong kỳ thi nầy thì nha trung học sẽ triệu tập hội đồng xét duyệt thuyên chuyển, rất hi vọng đơn của anh sẽ được chấp thuận. Anh có ý định về trường nào ở Sài gòn?
- Trường nào cũng được.
- Thế thì càng dễ cho hội đồng xét duyệt. Xong rồi nhé. Xin anh thông cảm, tôi có quá nhiều công việc phải giải quyết nội trong ngày hôm nay. Anh giám học vừa về Đà nẵng sáng nay vì phụ trách hội đồng thi ngoài đó, để lại rất nhiều việc mà tôi phải làm cho xong thì mới kết thúc được năm học vừa rồi.
Tân đứng dậy:
- Tôi xin lỗi đã làm mất thì giờ quí báu của ông hiệu trưởng. Tôi cũng xin hết lòng cám ơn ông hiệu trưởng. Ngày đầu tiên trở về với đời sống dân sự, tôi đã gặp điều may mắn to lớn mà ông hiệu trưởng đem đến cho tôi.
Ông hiệu trưởng siết chặt tay cậu, giọng chan chứa cảm tình:
- Anh không phải quan tâm về điều đó. Anh vừa trải qua bốn năm gian khổ trong quân ngũ, chúng tôi ai cũng phải cố gắng giúp đỡ anh, gọi là chút đền ơn đối với chiến sĩ. Thôi, chúng ta hẹn gặp lại trong hai hôm nữa.
Hai người buông tay nhau. Tân ghé xuống văn phòng rồi ra khỏi trường với tấm lòng phơi phới.

Cậu lên xe đò và một giờ sau xe đỗ bến Chợ lớn. Cậu xuống xe đứng yên một lúc trong cái cảm xúc nhè nhẹ khi trở về thành phố thân yêu mà cậu đã cách xa bao nhiêu năm tháng rồi.
“Về đâu bây giờ đây?”. Cậu lẩm bẩm một mình và chợt một hình ảnh rất xa xưa trở về trong trí óc. Đó là hình ảnh của một buổi chiều khi hoàng hôn đang về trong ánh đèn đường vừa bật sáng, một cậu bé vừa ra khỏi chiến khu Đồng tháp mười và trở về Sài gòn để tiếp tục con đường hoạt động cách mạng của mình. Bây giờ đứa bé đó đã là một thanh niên trưởng thành, cũng từ một vùng đất của Đồng tháp mười trở về Sài gòn để bắt đầu gầy dựng cuộc sống bình thường của một công dân trong chế độ tự do. Tân cảm thấy cuộc đời mình như một con thuyền, chưa đầy ba mươi tuổi đầu mà đã trải qua biết bao nhiêu sóng gió. Cách mạng, nỗi đam mê một lý tưởng cao cả, rồi chiến tranh, nỗi kinh tởm một chủ nghĩa bạo tàn. Mọi thứ trái ngược nhau trộn lẫn vào nhau một cách lạ lùng, lôi cuốn những con người yêu nước vào một cơn lốc, khi thì sát cánh bên nhau để nhìn về một hướng, khi thì quay lại chĩa súng vào nhau trong một cuộc chiến tranh không khoan nhượng.
Cậu buồn bã thở dài.
Một chiếc taxi trờ tới. Cậu mở cửa và thờ ơ bước lên băng sau. Người tài xế bẻ cờ của máy tính tiền nhưng vẫn đứng yên chờ đợi. Cậu khẽ bảo:
- Sài gòn.
Xe rú máy và vọt tới. Tân nhìn đồng hồ trong xe, đúng ba giờ chiều. Cậu ngồi vào giữa để tránh ánh nắng rọi vào khung cửa kính. Sài gòn đã vào mùa mưa mà trời trong xanh không gợn chút mây, mặt trời ra sức trút hơi nóng xuống trần gian. Cậu ngồi lim dim mắt nhìn ra bên ngoài; phố xá, người qua lại vùn vụt lùi về phía sau.
Một lúc sau, người tài xế cho xe chậm lại, nghiêng mặt hỏi:
- Thưa ông, về đường nào?
Tân thoáng giật mình:
- Tới đâu rồi?
- Thưa ông, chúng ta đang đi trên đường Hồng thập tự, vừa qua khỏi Tao đàn, sắp đến dinh Độc lập.
- Thế à, nhanh nhỉ.
Xe tiếp tục giảm tốc độ, bác tài quay hẳn đầu về phía sau:
- Có lẽ ông mới đến Sài gòn lần đầu?
- Không, tôi lớn lên tại thành phố nầy. Tôi đã đi qua mọi con đường ở đây.
Bác tài mỉm cười:
- Thế, bây giờ tôi chở ông đến đâu?
Tân lưỡng lự:
- À, à. Thôi cho tôi đến đường Vườn chuối cũng được!
Bác tài càu nhàu:
- Nếu ông cho biết sớm hơn thì chúng ta đã đến nơi rồi. Chúng ta đã đi quá, phải tiếp tục đi tới để tìm chỗ quay đầu xe lại, tốn thêm tiền cho ông.
Tân im lặng nhìn ra bên ngoài. Đầu óc cậu tập trung lại, cậu bắt đầu nhận ra khung cảnh quen thuộc trên đường. Một chốc sau, cậu nói:
- Bác tài cho tôi xuống đây.
Xe dừng lại bên vệ đường. Cậu trả tiền, ôm bao hành trang bước xuống. Xéo bên kia đường là một căn phố lầu khá đồ sộ, tầng dưới là cửa tiệm sang trọng với tấm bảng hiệu to và đẹp: “Tạp hóa Bạch Mai”
Cậu đứng tần ngần một chút rồi băng qua đường, đứng trước cửa tiệm và nhìn vào. Một người đàn ông, có lẽ là khách hàng đang đứng đợi giữa phòng. Dưới nền gạch bông, một người đàn bà ngồi quay lưng ra ngoài, đang loay hoay cột dây quanh một gói hàng khá to, một đứa bé gái đứng cạnh chăm chỉ nhìn. Tân khẽ gọi:
- Bạch Mai!
Người đàn bà ngẩng lên, vụt đứng dậy:
- Anh Tân, trời ơi, anh Tân. Anh Tân đó à? Anh về lúc nào vậy?
Tân đứng im lặng mỉm cười. Mai nói tiếp:
- Anh Tân, vào đi. Anh đợi em một chút. Em gói hàng xong cho khách đã.
Tân đứng yên, hết nhìn nàng lại nhìn sang đứa bé gái bên cạnh. Con bé thực xinh, đôi mắt mở to trông giống đôi mắt Bạch Mai lạ lùng. Bé nhìn sững Tân, miệng méo lại như sắp khóc.
Người khách đã ra khỏi tiệm. Mai đứng dậy, bế con lên tay và nói nhỏ:
- Anh Tân, vào nhà đi. Sao anh cứ đứng im nhìn em vậy. Chắc bây giờ, em xấu xí lắm làm anh lạ lùng nên đứng nhìn mãi phải không?
Tân mỉm cười:
- Không, Mai vẫn đẹp nhưng trông lạ hẳn ra. Mới hơn hai năm mà có thực nhiều thay đổi.
Tân nhìn quanh, những tủ kính đầy ắp hàng hóa sang trọng. Bạch Mai kéo ghế đưa cho Tân và ngồi đối diện; đứa bé ôm chặt lấy mẹ. Nàng nhìn Tân một cách thân mật, lăp lại câu hỏi ban đầu:
- Anh Tân, anh về lúc nào vậy?
- Anh vừa xuống xe và đến đây ngay.
- Tại sao hai năm rồi, anh không về thăm, cũng chẳng có một lá thư hay lời nhắn gởi nào. Bộ anh không biết ba và vợ chồng em lo lắng cho anh hay sao?
Tân mỉm cười khi nghe giọng nói trách móc và đầy hờn dỗi của người bạn gái. Mai vẫn tiếp tục nói như để trút hết nỗi giận hờn:
- Anh vô tình lắm, đi biền biệt ngoài chiến trường mà không quan tâm đến sự lo lắng hằng ngày, hằng giờ của người khác. Có một lần, chồng em nghe tin có một thiếu úy tên Tân của sư đoàn Chín tử trận. Anh Thế về kể lại, em khóc oà làm cho ba và anh Thế cũng khóc theo. Sau hỏi lại thì ra người tử trận là Nguyễn thành Tân chứ không phải anh. Anh Tân, lúc nào em cũng sợ anh đi luôn không về như Bính vậy.
Mai nghẹn ngào không nói tiếp được. Nàng đưa tay áo chặm vào mắt, nuốt mạnh nước bọt để dằn cơn xúc động rồi nói tiếp:
- Em và anh Thế sửa sang nhà cửa lại, phần lớn cũng nhờ có số tiền tử tuất của Bính. Ngày xưa, công khó nhọc của Bính giúp em mở tiệm tạp hóa, cứu vớt mạng sống của mẹ con em. Bây giờ, chính món tiền tử trận của Bính mà ba em lãnh được, giúp nhà cửa khang trang và việc buôn bán phát đạt hơn. Sửa nhà xong, em dành một chỗ đẹp nhất trên lầu để đặt bàn thờ Bính. Bây giờ, em dẫn anh đi xem chỗ thờ và đốt nén nhang cho Bính. Nó thấy anh về, chắc chắn nó mừng lắm.
Tân lại mỉm cười:
- Anh xuống xe rồi đến đây ngay; áo quần, đầu cổ, tay chân đều đầy bụi bặm. Dơ bẩn thế nầy mà đi viếng linh hồn tinh khiết của Bính thì khó coi lắm.
Bạch Mai bật cười:
- Trời đất, em lẩm cẩm quá đi mất. Thấy anh về, em mừng quá, không kịp suy nghĩ gì cả. Thôi thôi, anh theo em vào sau nhà rửa ráy, uống nước.
- Khoan, cho anh hỏi thăm trước đã. Bác trai có mạnh không, anh Thế hôm nay đi làm hay ở nhà? Bé Bình đi học chưa về? Bé gái nầy có phải con anh Thế không?
- Trời đất, em như lú lẫn rồi. Những chuyện nầy, đáng lẽ em phải nói cho anh rõ trước khi nói sang chuyện khác mới đúng. Anh đừng cười em. Em mừng quá đâm ra lú lẫn. Nầy nhé, ba em vẫn khỏe nhưng sau khi Bính chết thì ba em già đi nhanh chóng.
Nàng quay mặt vào trong gọi to:
- Ba ơi ba, anh Tân về đây nè.
Nàng quay trở lại, nói tiếp:
- Ba em ở trên đó suốt ngày đọc kinh kệ và triết lý của đạo Phật. Anh Thế, chồng em vẫn mạnh khỏe. Anh ấy lên thiếu tá từ năm ngoái, vẫn còn ở tổng tham mưu, ngày nào cũng đi làm, không kể chúa nhật hay ngày thường. Bé Bình đang học lớp hai, sáng anh Thế chở đi, chiều đón về. Còn đây là bé Thảo, con của em và anh Thế.
Có tiếng chân bước ở cầu thang. Bạch Mai nói nhanh:
- Ba em đi xuống đó.
Tân đứng ngay dậy, bước vào phía trong, nơi chân cầu thang.
- Bác Tư.
Ông già nắm chặt hai bàn tay của cậu, giọng run run:
- Tân, cháu về thăm bác đây à. A di đà Phật. Đêm nào bác cũng cầu xin Phật bà Quan âm cho cháu được tai qua nạn khỏi nơi chiến trường. Bây giờ thì bác thấy tận mắt cháu về đây rồi. Đội ơn Phật Bà.
Tân cảm động:
- Cháu xúc động lắm. Cháu không ngờ tấm thân côi cút của cháu lại được nhiều người quan tâm đến thế. Cháu không biết làm thế nào để đền đáp tấm lòng thương yêu của bác và của Bạch Mai đối với cháu.
Bạch Mai chen vào:
- Anh Tân đừng nói lời khách sáo như thế, em không thích đâu. Từ lâu rồi, cả nhà em đều coi anh là người thân thiết, anh không biết sao? Thôi bây giờ thế nầy nhé. Anh Tân đi tắm rửa đi. Ba ra ngoài trước ngồi trông hàng và con cháu ngoại giúp con.
Tân ngạc nhiên.
- Mai đi đâu?
- Em đi chợ mua thức ăn về để cả nhà mừng gặp lại anh. Anh Thế và bé Bình cũng sắp về rồi. Ba giúp con một tí nhé.
- Ừ, con đi đi, để cửa hàng và con bé đó cho ba.

Tân tắm xong thì Bạch Mai cũng vừa về. Nàng đặt túi thức ăn lên kệ bếp, vừa cười, vừa nói:
- Em đi khắp chợ chiều, suy nghĩ mãi, không biết anh thích món ăn gì?
- Cuối cùng Bạch Mai mua thứ gì để đãi anh?
Mai, đưa một ngón tay lên môi:
- Bí mật. Tí nữa, vào bàn ăn, anh mới có quyền biết món gì. Bây giờ thì anh lên lầu đốt nhang cho Bính đi. Anh lên hết cầu thang là gặp ngay bàn thờ nó.
Tân làm theo lời nàng. Chiếc bàn thờ xinh xinh và trang hoàng đẹp mắt. Phía sau lư nhang là khung ảnh của Bính, mặc quân phục đi phép của sinh viên sĩ quan, cầu vai có mang huy hiệu alpha và một gạch, đôi mắt sáng quắc, nhìn thẳng về phía trước, miệng hơi mỉm cười. Bên dưới tấm ảnh là một bông mai vàng và huy chương anh dũng bội tinh.
Tân đốt ba cây nhang cắm vào lư và đứng im nhìn khung ảnh. Cậu bỗng cảm thấy trong lòng mình dâng lên một mối xúc cảm vô cùng mãnh liệt. Cậu quỳ xuống gục mặt vào cạnh bàn thờ. Những ngày lang thang ngoài chiến địa lần lượt hiện ra: núi rừng Bình định trùng trùng điệp điệp, cánh đồng Kiên lương mênh mông bát ngát, vườn dừa Bến tre một màu xanh thẳm, bãi dừa nước như vô tận của Vĩnh bình và cuối cùng, những ngọn núi Thất sơn chơi vơi trên cánh đồng bao la. Ôi, Thất sơn, một buổi chiều oan nghiệt! Bính đã nằm xuống với quả tim chứa đầy tình nhân ái đã bị vỡ toang!
Tân rùng mình vì một bàn tay chạm nhẹ vào vai. Cậu quay đầu lại, bắt gặp cái nhìn buồn bã của bác Tư. Bác nói với giọng nhỏ nhẹ:
- Cháu Tân, đứng dậy đi. Nhớ đến em nó như thế là tốt, nhưng đừng nên buồn khổ. Sống chết là lẽ đương nhiên của một kiếp luân hồi. Sống là để chuẩn bị cho sự chết; chết là để cho một sự sống khác bắt đầu. Chẳng có gì đáng vui mà chẳng có gì phải khổ.
Tân đứng dậy, nhìn ảnh một lần nữa rồi theo bác xuống tầng dưới.
Có tiếng xe gắn máy dừng phía trước, bác Tư nhìn ra và bảo:
- Chồng con Mai chở con về rồi đó.
Thiếu tá Thế dựng xe, bước xuống, đi vào nhà. Giọng anh oang oang:
- À, anh Tân!
- Chào thiếu tá.
Thế xua tay:
- Thiếu tá gì. Tôi là Thế, chồng của Mai.
Tân mỉm cười:
- Vâng, chào anh Thế.
Hai người bắt tay nhau. Thế hỏi:
- Anh về hồi nào vậy? Đi phép giải ngũ phải không?
- Vâng, tôi bắt đầu đi phép giải ngũ, nhưng sao anh biết?
Thế cười to:
- Sao lại không biết? Anh quên tôi là sĩ quan của tổng tham mưu à? Phòng tôi cũng có hai thiếu úy khóa Mười bốn như anh và cũng vừa hoàn tất thủ tục giải ngũ, ngày mai là tiệc chia tay.
Mai dưới bếp tất tả chạy lên, níu chặt cánh tay của chồng:
- Trời ơi, anh Tân được giải ngũ à? Tại sao từ chiều đến giờ, anh không nói cho em biết?
Tân cười:
- Từ lúc tôi về nhà đến giờ, Mai giành nói hết, tôi có dịp nào để trình bày đâu.
Bác Tư chen vào, giọng trầm trầm:
- Cháu Tân được ra khỏi quân đội rồi à? Tại sao vậy?
Tân đáp:
- Cháu đã nhập ngũ được bốn năm, hết thời hạn quân dịch pháp định nên được xuất ngũ và trở thành một phần tử trừ bị cho quốc gia.
- Vậy hả, đủ bốn năm rồi sao?
Bác chép miệng và nói tiếp:
- Nếu thằng Bính còn sống thì bây giờ cũng được giải ngũ để về đi học và đi dạy lại rồi.
Bác dứt lời, gian nhà bỗng rơi vào một sự im lặng nặng nề. Thiếu tá Thế nói to với vợ để phá tan sự im lặng đó:
- Bé Thảo đâu rồi em?
Mai cũng cố lấy giọng vui vẻ để trả lời:
- Em gởi nó cho ông ngoại để đi chợ. Nó ngồi với ông một lát chán quá nên ngủ gục trên tay ông. Em bế nó vào giường rồi. Thôi, anh tắm đi rồi ăn cơm. Bình, sao con đứng yên vậy? Con chào bác Tân đi. Lúc nhỏ, con gọi bác Tân là đại tướng đó, con không nhớ sao?
- Bây giờ, đại tướng bị lột lon rồi.
Tân vừa nói vừa cười và cúi xuống ôm chặt thằng bé vào lòng. Thiếu tá Thế nhìn đứa bé một cách âu yếm và nói với Tân:
- Cháu Bình ngoan lắm, bác Tân ạ. Cháu học giỏi nhất lớp. Tháng nào cô cũng ghi lời khen vào vở của cháu. Từ khi được nó gọi là ba, tôi càng ngày càng nghĩ đến tương lai của bọn trẻ nhiều hơn. Tôi thường cầu mong cho chiến tranh chấm dứt để cho thế hệ thằng Bình lớn lên trong khung cảnh thái bình và không phải chịu đựng sự điêu đứng triền miên như thế hệ mình.
Mai tiếp lời với giọng sôi nổi:
- Anh Tân, hai cha con thương yêu và quyến luyến nhau, làm cho cả xóm nầy, ai cũng phải ngạc nhiên và thán phục. Anh Thế thường bàn bạc với em là phải dạy dỗ nó thế nào cho tốt, sau nầy cho nó học ở đại học nào hay đi du học ở đâu để trở thành nhân tài của đất nước.
Thiếu tá Thế quay sang nhìn vợ một cách âu yếm còn Tân nhìn sững thiếu tá. Cậu thấy trên gương mặt cương nghị của vị sĩ quan Việt Nam Cộng hòa nầy, ngời lên một nét cao thượng và nhân từ đáng yêu, đáng quý vô cùng. Cậu nghĩ thầm; “Thằng Bình có hiểu nó là một đứa trẻ vô cùng may mắn hay không? Cha ruột nó, bây giờ có lẽ không còn nhớ nó có mặt trên cõi đời nầy nữa. Một người đàn ông khác không có tí liên hệ máu huyết nào với nó lại thương yêu, đùm bọc nó nhiều hơn biết bao người khác đối với những đứa con ruột thịt của mình”.
Bạch Mai vỗ vào vai chồng:
- Em đã bảo anh đi tắm và thay áo quần để cho em soạn bàn ghế ra dọn cơm. Chốc nữa vào bữa ăn, tha hồ anh em nói chuyện. Hôm nay mừng anh Tân được giải ngũ trở về, em đãi hai anh một món ngon tuyệt. Em cũng cho phép anh say sưa với anh Tân một bữa.
Thế lườm vợ:
- Cho phép, cho phép. Lúc nào em cũng ra giọng cấp trên ra lệnh cho cấp dưới. Em không coi cái lon thiếu tá quân lực Việt Nam Cộng hòa của anh ra gì cả.
Tân cười ha hả:
- Cái lon thiếu tá của anh Thế mà Mai coi không ra gì thì cái lon thiếu úy của tôi đáng để Mai vứt vào sọt rác không thương tiếc.
Bạch Mai cũng không vừa:
- Các anh là cấp chỉ huy ở trong quân đội, còn ở nhà nầy, chuyện bếp núc, ăn uống là của em. Em nói gì, các anh phải nghe theo. Nếu các anh còn phàn nàn nữa thì em sẽ cúp phần rượu chiều nay như người ta cúp phép của các anh trong quân đội vậy.
Cả nhà cười vui ồn ào. Nét mặt bác Tư cũng rạng rỡ. Bác cố nói thực to:
- Nhìn thấy các con vui vẻ thế nầy, ba thấy tuổi già của ba cũng đáng kéo dài thêm vài năm nữa.
Bữa ăn gia đình được dọn ra với những thức ăn thơm phức, ngon lành. Quanh chiếc bàn tròn, cả nhà ngồi quây quần, hai đứa bé cũng ngồi bên cha nó. Mai luôn tay gắp thức ăn và rót rượu bia cho Tân và cho chồng mình. Nàng không thiết gì ăn uống mà chỉ thích ngồi nhìn hai người đàn ông chén chú, chén anh, với đôi mắt ngập tràn hạnh phúc.
Tân cảm thấy hơi nóng bừng bừng bắt đầu xông lên mặt. Cậu bắt đầu chếnh choáng say nên lòng tràn đầy hứng khởi. Cậu quay sang ông Tư:
- Thưa bác Tư, con không nhớ cuộc đời con, cho đến nay, có bữa cơm gia đình nào vui vẻ như bữa hôm nay không. Chắc chắn là không có đâu bác Tư ạ. Biết bao năm rồi, con cứ lang thang nơi nầy sang nơi nọ, không có những bữa cơm gia đình mà chỉ có những bữa ăn tập thể vội vã trong rừng núi, trên những cánh đồng hay những bữa ăn đơn độc và nhạt nhẽo trên đường phố. Hôm nay, con vui quá, thức ăn ngon lành, rượu thì Bạch Mai cứ rót đầy ly. Con sợ đến lúc quá chén, không kiểm soát được lời nói của mình, rồi phải hối hận.
Thiếu tá Thế đứng bật dậy:
- Anh Tân đừng ngại. Tôi có nhận xét khá chính xác về tính tình của mỗi người trong cuộc nhậu. Nhìn thấy nét mặt, nhất là đôi mắt của anh lúc hơi men bắt đầu bốc lên là tôi biết anh thuộc về típ người không khi nào buông rời lý trí kể cả lúc không còn đủ sức ngồi hay đứng vững nữa. Trong quân đội, chắc chắn, anh phải trải qua nhiều cuộc nhậu đến cái độ không còn biết trên đầu mình còn có bầu trời nữa. Tuy nhiên, tôi tin rằng anh chưa bao giời nói điều gì xúc phạm đến người khác, có đúng không?
Tân không trả lời mà cười một cách rất thoải mái. Thế ngồi xuống nhưng cao hứng nói tiếp:
- Có những người, khi say thì ăn nói quàng xiên vì không làm chủ được mình. Lại có người khi say lại trở nên cởi mở và thành thực hơn, không quá kín đáo và dè dặt như lúc chưa say. Anh Tân có đồng ý vậy không?
Tân trả lời người cách vui vẻ:
- Rất đồng ý. Anh có nhận xét về tâm lý rất đáng khen.
- Chẳng có gì đáng khen. Sống chung lâu ngày với đồng đội cho tôi nhận xét như thế. Tôi rất thích sự thành thật và cởi mở. Vì vậy tôi yêu cuộc sống trong quân ngũ; ở đó người ta sống chân thật, không ngại bộc lộ những tính chất riêng tư của mình.
Tân gật gù:
- Anh Thế, tôi rất cảm phục anh. Bạch Mai thực có phước mới được làm vợ anh.
Ông Tư gật gù, có vẻ hài lòng về câu nói đó, còn Bạch Mai mặt ửng hồng, dù chưa uống một giọt rượu nào. Nàng thỏ thẻ:
- Cám ơn anh Tân. Chúng em rất hạnh phúc khi sống chung với nhau. Nhớ lại khi anh Thế ngõ lời cưới em, em không ngờ được như hôm nay. Về tình duyên của quá khứ, anh Thế và em đều là những người bất hạnh. Chúng em đã góp hai số phận bất hạnh đó để làm nên hạnh phúc hôm nay.
Ông Tư cũng tỏ ra cao hứng. Ông nói:
- Trong trời đất, luôn luôn có luật bù trừ và luật nhân quả các con ạ. Lúc gặp bất hạnh mà vẫn giữ được lòng nhân thì thế nào cũng có lúc được ông Trời ban thưởng.
Bạch Mai nhìn Tân, giọng nghiêm trang:
- Anh Tân, anh nghe ba em nói chưa. Bất hạnh mà giữ được lòng nhân thì thế nào cũng được ông trời ban thưởng. Quá khứ anh có nhiều bất hạnh. Bất hạnh hơn biết bao người khác. Lòng nhân của anh cũng quá dư thừa. Em chắc chắn anh sắp được đền bù, đúng như lời ba vừa nói. Nhưng anh đã tìm được người nào để đền bù hạnh phúc cho anh chưa?
Tân ngẩng lên nhìn vào đôi mắt Bạch Mai và gật đầu:
- Có rồi!
Một nét hoảng hốt vụt thoáng qua trên gương mặt của Bạch Mai rồi biến mất nhanh như tia chớp. Giọng nàng tiếp tục tự nhiên và vui vẻ:
- Em xin chúc mừng anh. Ba em, anh Thế và hai cháu bé cũng chúc mừng anh. Anh định chừng nào rước nàng tiên của anh về?
Tân lắc đầu:
- Chưa định được. Mới giải ngũ ra, phải lo ổn định cuộc sống trước đã.
Ông Tư tỏ vẻ quan tâm:
- Cô ấy ở đâu, làm nghề gì?
- Thưa bác, Thùy Liên ở Cần thơ, làm y tá trong quân y viện. Con gặp Liên cách nay hơn một năm, lúc đang dưỡng thương ở đó.
Bạch Mai nhỏm dậy, giọng hốt hoảng:
- Sao, anh bị thương hả? Bị thương thế nào, ở đâu?
- Bị bắn vỡ xương vai ở mặt trận Vĩnh bình. Vết thương lành hẳn rồi, cánh tay hoạt động bình thường. Vả lại, trở về dạy học chỉ phải cầm viên phấn thôi thì không có gì đáng ngại.
Thiếu tá Thế hỏi:
- Có được chiến thương bội tinh không?
- Có.
- Thế là anh được liệt vào hàng ngũ những đứa con cưng của Tổ quốc rồi.
Bác Tư muốn quay trở về câu chuyện:
- Thế hai đứa đã hẹn hò nhau, dứt khoát tiến tới hôn nhân chưa?
- Dạ, gần như dứt khoát rồi.
- Cô ấy còn cha mẹ không?
- Dạ còn.
- Cháu đã gặp ông bà và thưa chuyện chưa?
- Dạ chưa, nhưng cháu sẽ đến gặp. Điều cần kíp bây giờ là cháu phải lo chuyện sinh sống, chuyện nghề nghiệp, chuyện chỗ ở rồi mới tính toán chuyện hôn nhân được. Sáng nay, cháu vừa gặp ông hiệu trưởng trường trung học Long an và xin ông ấy giúp cháu thuyên chuyển về Sài gòn. Ông hiệu trưởng hứa hết lòng giúp cháu. Theo lời ông ấy thì gần như chắc chắn hội đồng xét duyệt thuyên chuyển sẽ chấp thuận nguyện vọng của cháu vì cháu có bốn năm thâm niên quân vụ, có anh dũng bội tinh và chiến thương bội tinh.
Thiếu tá Thế gật đầu:
- Chiến thương bội tinh là quan trọng nhất. Nếu bộ giáo dục không chấp thuận đơn của anh thì bộ tổng tham mưu sẽ can thiệp cho anh.
Bác Tư tỏ vẻ hài lòng:
- Ừ, hai con lo được gì cho cậu Tân thì ráng hết sức đi. Lo cho cậu Tân thì cũng như lo cho thằng Bính vậy.
Bạch Mai chớp chớp mắt như muốn khóc:
- Anh Tân, anh có chấp nhận sự góp sức của chúng em hay không?
Tân trả lời ngay:
- Sao lại không? Đó là điều may mắn rất lớn trong cuộc đời tôi mà.
Thiếu tá Thế chen vào:
- Tốt lắm. Bây giờ, chúng ta tính toán, việc nào cần làm trước, việc nào cần làm sau. Ngày mai, anh Tân định làm việc gì?
- Tôi sẽ dành trọn ngày mai đi bộ khắp các đường phố Sài gòn để ôn lại những kỷ niệm sau bốn năm dài xa cách. Ngày mốt tôi đến nha trung học, gặp anh hiệu trưởng để nhờ nạp đơn xin thuyên chuyển.
- Sau đó đi thăm những nơi quen biết?
Tân lắc đầu:
- Ở Sài gòn nầy, tôi quen rất nhiều người nhưng rốt cuộc chẳng còn nơi nào quen biết trừ nhà nầy. Nhưng tôi sẽ đi Bảo lộc để thăm ông bà Thái, ân nhân của tôi trước đây, đi Biên hòa thăm anh Long, người bạn tù khá thân thiết của tôi.
- Rồi sau đó?
- Nằm đợi cho hết mấy tháng hè để đi dạy.
Thiếu tá Thế tặc lưỡi:
- Nằm không thì phí thì giờ lắm. Trường tư đang bắt đầu khai giảng. Anh có thích đi dạy ở đó không?
- Thích lắm chứ, nhưng tôi chẳng biết làm thế nào. Không quen biết, đến xin dạy thì ai mà cho.
- Đúng rồi, không có người giới thiệu thì chẳng có trường nào nhận đâu. Tôi có một người bạn hiện đang làm hiệu trưởng một trường trung học tư thục ở đường Trần quí Cáp. Chúng tôi là bạn học từ thở nhỏ và khá thân nhau. Lớn lên, tôi theo nghiệp nhà binh, anh ấy theo nghề dạy học. Tôi sẽ đến xin cho anh một chân giáo sư tại đó.
Giọng Tân bộc lộ niềm hân hoan cùng cực:
- Cám ơn anh. Anh giúp tôi như thế là mở ra con đường tươi sáng cho sự trở về đời sống dân sự của tôi.
- Được rồi, tôi sẽ làm được việc đó cho anh. Tôi tin rằng, với khả năng của anh, một khi đã bám rễ được vào một trường tư rồi thì bộ rễ đó sẽ phát triển mạnh mẽ, đảm bảo được cuộc sống vật chất của anh và gia đình tương lai sau nầy. Chuyện dạy dỗ coi như xong rồi, đến vấn đề gì nữa?
Tân ngập ngừng:
- Vấn đề chỗ ở.
Bạch Mai vội chen vào:
- Thì anh ở đây cũng được chớ có sao. Em sẽ thu xếp chỗ ở của anh vào cái phòng trống trên lầu, kế cận phòng của ông ngoại hai cháu.
Tân lắc đầu:
- Cám ơn lòng tốt của Bạch Mai. Nhưng tôi chỉ xin trú tạm ở đây vài hôm thôi. Đây là nơi thân duy nhất của tôi hiện nay. Tuy nhiên tôi muốn giữ nguyên sinh hoạt riêng tư của gia đình Bạch Mai và anh Thế.
Bạch Mai xua tay:
- Thôi thôi, em biết rồi. Anh đang nôn nóng lập một tổ ấm, một túp lều tranh cho hai quả tim vàng, đúng không?
Nàng quay sang nói với chồng:
- Gần đây, trong hẽm 175, có một căn phố của bà Ba Tí. Ông Ba đạp xích lô mới bị bệnh mất cách nay nửa tháng. Hôm đi đám ma, em có nghe bà Ba than thở là hai ông bà không có con; nay ông mất rồi thì bà không thể sống một mình nên phải về nhà quê, đâu ở miệt Vĩnh long để sống gần gũi với bà con. Bà muốn bán rẻ căn phố đó.
Thiếu tá Thế tỏ vẻ băn khoăn:
- Rẻ thì rẻ, nhưng anh Tân vừa mới chân ướt chân ráo về với đời sống dân sự thì làm gì có tiền.
Tân mỉm cười:
- Tôi sắp truy lãnh tiền lương sai biệt trọn hai năm. Nghe anh hiệu trưởng nói món tiền khá lớn.
Bạch Mai mừng rỡ:
- Thế là được rồi. Anh Tân sẽ dùng món tiền đó để mua nhà. Nếu thiếu vợ chồng chúng em cho anh mượn thêm rồi anh rán đi dạy để trả cho chúng em. Em nghe nói trí thức bị động viên vào quân đội nên các trường tư thiếu giáo sư nhiều lắm, anh tha hồ dạy kiếm tiền.
- Cám ơn Bạch Mai.
- Thế thì, ngày mai, anh đi chơi về sớm rồi cùng vợ chồng chúng em đến coi nhà. Nếu anh bằng lòng thì chúng em đặt cọc giùm cho anh.
Nàng quay sang chồng:
- Chiều mai, anh về sớm một chút được không?
Thiếu tá Thế gật đầu:
- Được, em ra lệnh thì đương nhiên anh phải thu xếp về sớm, bởi vì nhất vợ….
Bạch Mai xua tay:
- Thôi thôi, không nói chơi nói giỡn nữa. Chuyện nầy phải gấp rút, nếu không người khác họ mua mất. Sáng mai em sẽ chạy sang đó ngay. Anh Tân lập gia đình mà sống gần mình thì thích quá phải không ba?
Bác Tư gật đầu:
- Ba đã nói rồi, hai con nên cố gắng giúp đỡ cậu Tân.
Thiếu tá Thế cười tuơi:
- Xong thêm một chuyện nữa. Bây giờ mới đến chuyện hấp dẫn nhất phải không anh Tân?
Bạch Mai ngạc nhiên :
- Chuyện gì mà hấp dẫn?
- Rước người đẹp Hậu giang về, chuyện đó không hấp dẫn sao? Có phải vậy không ba?
Bác Tư cười ha hả:
- Chuyện đó thì quả nhiên hấp dẫn đối bọn thanh niên. Tao nhớ ngày xưa, mấy ngày trước khi rước bả về, tao lo lắng mất ngủ đến ốm rộc cả người. Thiệt hấp dẫn mà cũng đáng sợ nữa. Ha, ha. À, khi nãy, cháu Tân nói con nhỏ đó ở Cần thơ mà tên gì, bác quên rồi.
- Dạ Thùy Liên, Đặng thị Thùy Liên.
- Tại sao hai đứa thương nhau rồi mà cháu không đến trình diện ba má cô Liên để cho hai ông bà coi giò coi cẳng?
Tân cười:
- Thưa bác, giò cẳng cháu thì không có gì đáng lo. Nhưng Thùy Liên dặn cháu để cô ấy thông báo với ông bà trước đã.
- Sợ ông bà phản đối à?
- Dạ, không phải vậy. Chắc chắn ông bà đồng ý. Thùy Liên lớn rồi, năm nay đã hai mươi bốn tuổi, chứ đâu còn nhỏ nữa. Nhưng vì một lý do riêng, Thùy Liên bắt cháu phải đợi một thời gian ngắn.
Bác Tư gật đầu:
- Ừ, coi vừa ý rồi thì phải lo tính toán đi. Thương nhau mà đã quyết định đi đến hôn nhân thì nên có một hình thức lễ nghi nào đó để tạo lòng tin cho nhau.
Thiếu tá Thế xen vào:
- Cũng như muốn mua được nhà thì sau khi nhìn qua một cái là phải đặt cọc ngay, nếu không thì người khác phỏng tay trên mất.
Bạch Mai lườm chồng:
- Anh ăn nói vậy sao? Cưới vợ mà bảo như đi mua nhà! Nhà, không bằng lòng cái nầy thì đổi sang cái khác; vợ thì đâu có được như vậy.
Thiếu tá Thế làm bộ thở dài:
- Vì vậy, khi nãy ba nói, rước vợ về là điều hấp dẫn nhưng cũng đáng sợ lắm phải không ba?
Bác Tư vuốt râu cười khà khà. Ông quay sang hỏi Tân:
- Chừng nào thì cháu sẽ về Cần thơ ra mắt ông bà thân sinh của cô Liên.
- Cháu chưa biết. Cháu và Liên sẽ thường xuyên liên lạc bằng thư từ. Cháu xin địa chỉ nhà nầy để nhận thư của Liên có được không?
Bạch Mai giành câu trả lời:
- Sao không được? Anh cứ bảo chị Liên gửi thư về đây đi, không ai xem lén đâu mà sợ. Anh cứ xem nơi nầy là nhà của anh, đưa địa chỉ nầy cho tất cả những người quen biết mà anh cần liên lạc. Sau nầy, khi anh có chỗ ở riêng rồi thì anh cũng cứ xem nhà nầy là nơi rất thân thiết của anh. Em và tất cả người khác trong gia đình đều thích như thế.
Bác Tư và thiếu tá Thế mỉm cười gật đầu.
Tân tỏ vẻ xúc động:
- Cám ơn Bạch Mai. Tôi sẽ viết thư cho Liên để kể cho cô ấy nghe rằng, từ chiến trường về thủ đô, tôi bước vào nhà nầy như một lãng tử lạc vào thiên đàng.
Bạch Mai nguýt dài:
- Thôi anh đừng ví von nữa. Khi nãy ba hỏi khi nào anh về Cần thơ trình diện bố mẹ vợ mà anh chưa trả lời.
Tân quay sang bác Tư:
- Dạ chừng nào Liên gởi thơ lên và bật đèn xanh là con xuống liền.
Bác Tư trầm ngâm một chút rồi ngẩng lên nhìn Tân:
- Cháu Tân!
- Dạ
- Bác nói điều nầy cháu nghe. Nếu cháu không đồng ý thì bỏ qua nhé.
Tân ngạc nhiên:
- Chuyện gì vậy bác?
- Chuyện nầy không phải chuyện tức thì bây giờ, nhưng bác nghĩ cũng không còn xa lắm đâu.
- Chuyện gì vậy bác? Bác nhập đề dài quá, cháu hồi hộp lắm.
Bác Tư vuốt râu mỉm cười:
- Chuyện thế nầy nè. Cháu mồ côi từ thuở nhỏ. Bác biết ở miền Nam nầy cháu chẳng còn bà con thân thiết nào nữa để lo việc lễ nghi trong hôn nhân sắp tới của cháu. Nếu cháu đề nghị thì bác sẵn sàng đứng ra thay mặt ba má cháu.
Tân vụt đứng dậy:
- Bác Tư, cháu….
Bác Tư đưa tay ra dấu cho cậu ngồi im và nói tiếp:
- Cháu không có anh em ruột thịt gì ở đây cả. Vậy thì vợ chồng Thế và Mai sẽ thay thế anh chị em của cháu. Bác biết phong tục của nhà quê miền Nam mà. Đến giai đoạn tiến hành lễ nghi mà cháu cứ đơn thân độc mã thì không thể tiến hành được. Còn nếu cứ tiến hành bừa đi thì vợ cháu cũng sẽ tủi thân với bà con hàng xóm, tội nghiệp nó. Cháu có đồng ý lời đề nghị của bác không?
Tân trịnh trọng nắm lấy bàn tay ông cụ nâng lên, nghẹn ngào:
- Bác Tư, cháu cảm ơn bác vô cùng vô tận. Chắc chắn, ba má cháu trên tiên cảnh cũng rất cảm kích về ân huệ nầy của bác đối với cháu.
Cậu quay sang hai bạn:
- Anh Thế, Bạch Mai, tôi phải nói thế nào để cảm ơn lòng tốt của các bạn đây?
Thiếu tá Thế cười vui vẻ:
- Anh khỏi nói gì cả, để tâm xúc tiến nhanh công việc, thế là anh đáp lại lòng mong muốn của vợ chồng chúng tôi rồi đó.
Tân ngồi xuống, ngửa đầu ra sau, nhắm mắt lại, nói nho nhỏ:
- Đúng là hôm nay, gã lãng tử đã lạc vào một thiên đường.
Chiếc đồng hồ trên tường thong thả ngân nga mười tiếng. Bác Tư bảo:
- Thôi khuya rồi, lo thu xếp và đi ngủ.
Bạch Mai nói với Tân:
- Thường ngày mới hơn tám giờ, ba đã vào giường rồi. Hôm nay, ông cụ ngồi đến giờ nầy mà còn tươi tỉnh.
Bác Tư cười:
- Hôm nay vui nên không thấy mệt. Thôi ngừng lại, dành cuộc vui nầy để tiếp tục trong những ngày sau.
Bạch Mai nói với Tân:
- Cái phòng trống trên lầu đầy bụi bặm. Ngày mai rảnh rỗi em mới quét dọn được. Đêm nay, anh ngủ đỡ trên chiếc ghế bố trong phòng của ba, được không?
- Sao lại không được? Chỉ cần một chiếc võng treo giữa hai thân cây là tôi yên giấc đến sáng.
Mọi người đứng dậy. Mươi phút sau, Tân theo bác Tư lên phòng ngủ. Cậu chui vào mùng, nằm mở mắt nhìn trần nhà trong ánh sáng lờ mờ của đèn đêm. Cậu ôn lại những sự việc xảy ra hai ngày qua. Tất cả đều là những điều may mắn cùng dồn dập đến một cách lạ kỳ. Cảm thấy choáng ngợp trong niềm hạnh phúc to lớn, cậu khoan khoái mỉm cuời một mình và duỗi thẳng chân ra.
Tiếng bác Tư nổi lên rõ ràng trong đêm vắng:
- Cháu Tân chưa ngủ à?
- Dạ chưa, bác cũng còn thức sao?
- Tôi lớn tuổi rồi, ngủ ít lắm. Đêm nào cũng nằm thao thức, nhớ lại chuyện nầy, chuyện kia trong quá khứ. Cậu đang nghĩ đến chuyện gì mà chưa ngủ?
- Cháu đang nghĩ đến những việc may mắn vừa gặp trong hai ngày đầu tiên trở về đời sống dân sự. Cháu đang sống trong hạnh phúc. Nếu không có cuộc chiến tranh tàn ác nầy thì hạnh phúc tràn lan trên khắp miền Nam nầy phải không bác?
- Đúng vậy, bác cũng thường nghĩ như thế. Ngày xưa mình theo cộng sản cũng vì lầm lạc không thấy điều đó. Lúc đầu, ai theo cộng sản cũng chỉ vì mục đích cao nhất là đem hạnh phúc lại cho mọi người. Nhưng người cộng sản gây ra cuộc chiến tranh nầy đến cuộc chiến tranh khác thì làm sao có được hạnh phúc.
- Nhưng rồi chiến tranh cũng có lúc chấm dứt chứ. Trong lịch sử nhân loại, có cuộc chiến nào mà không đi đến hồi kết thúc đâu.
Bác Tư thở dài:
- Bác e rằng cuộc chiến tranh nầy chỉ chấm dứt một khi cộng sản chiếm được toàn thể Đông dương. Lúc đó, tạm thời có hòa bình nhưng không hề có hạnh phúc.
- Tại sao vậy?
- Rất nhiều tin tức cho biết ở các nước cộng sản trong đó có miền Bắc của chúng ta, dân chúng phải sống theo một khuôn mẫu, suy nghĩ theo một cách do đảng áp đặt, người nầy nghi kỵ người kia. Cuộc sống như thế thì còn gì là hạnh phúc.
Tân hỏi:
- Nhưng tại sao có người vẫn còn tin theo họ?
- Chúng sinh cứ mãi lẩn quẩn trong vòng mê muội. Không mê muội cách nầy thì cũng mê muội cách khác.
Ông cụ ngưng nói. Tân cũng im lặng và từ từ đi vào giấc ngủ.


*
* *


Tân thức giấc, mở mắt ra, nhận thấy ánh sáng từ dưới rọi lên qua lỗ thông ở cầu thang. Cậu thấy tỉnh táo và khỏe khoắn thì biết rằng mình đã ngủ một giấc dài và có lẽ trời sắp sáng. Từ bên dưới, có tiếng nói chuyện rì rầm vọng lên. Tân vén mùng, bước đến đầu cầu thang nhìn xuống. Bác Tư, thiếu tá Thế và Bạch Mai đang ngồi quanh chiếc bàn nhỏ cạnh bếp. Trên bàn, có bình trà và mấy chén tách. Bạch Mai ngẩng mặt lên, gọi:
- Anh Tân dậy rồi. Xuống đây uống nước đi anh.
- Tôi ngủ ngon quá, cả nhà thức dậy hồi nào không hay.
- Gia đình em ngủ sớm và dậy sớm quen rồi.
Tân bước xuống các bậc thang, vào phòng vệ sinh rồi ra, ngồi vào chiếc ghế trống. Thiếu tá Thế rót một tách nước đẩy đến trước mặt cậu:
- Mời anh.
- Cám ơn anh.
Bác Tư mỉm cười một cách hiền lành:
- Lúc bác thức dậy thì cháu còn ngủ say. Bác nhìn gương mặt cháu lúc ngủ thì thấy ngay cháu có sự bình an trong tâm hồn.
Bác tặc lưỡi rồi nói tiếp:
- Người có lòng nhân thì thường đau khổ nhưng tâm hồn thì luôn luôn được bình an.
Tân mỉm cười:
- Có lẽ ai lọt vào trong không gian của gia đình nầy thì tâm hồn cũng được bình an. À, cháu đã quyết định thay đổi chương trình. Chốc nữa, cháu về thăm anh chị Long ở Biên hòa vì hôm nay, chúa nhật, anh chị ấy có ở nhà. Dự định đi lang thang ở các đường phố Sài gòn thì gác lại hôm khác.
Bạch Mai hỏi:
- Anh định đi Biên hoà vào lúc nào?
- Sáng ra là tôi đi ngay. Tôi ở chơi cả ngày trên đó và chiều tối trở về.
Bác tư nói:
- Ừ, cháu đi chơi đi và chiều tối nhớ về ăn cơm.
Mai vội cướp lời:
- Không được, anh Tân phải về sớm. Anh không nhớ chiều nay mình đi xem căn phố của bà Ba Tí sao?
Tân cười:
- Vâng, tôi nhớ rồi. Chiều nay tôi sẽ trở về sớm và có mặt tại nhà trước năm giờ. Trời sáng rồi, tôi sửa soạn đi ngay bây giờ.
Mai đứng dậy:
- Khoan, anh ngồi đó, đợi em pha cà phê và đi mua thức ăn điểm tâm cho anh.
Tân khoát tay:
- Cám ơn Mai. Tôi sẽ ghé một tiệm ăn trên đường đi đến bến xe đò.
Nói xong, Tân bước vội lên lầu. Hai phút sau, cậu trở xuống, y phục chỉnh tề, chào tạm biệt mọi người.
Mai đứng dậy ra mở cửa rồi trở vào lo bữa ăn sáng cho gia đình. Khi thiếu tá Thế dẫn xe ra khỏi nhà thì Mai cũng mở toang cửa và chuẩn bị đón tiếp người khách hàng đầu tiên trong ngày.
Buổi sáng sớm, có nhiều khách hàng, Mai phải làm việc tất bật. Hai đứa bé thức dậy, quanh quẩn bên chân mẹ rồi dẫn nhau lên lầu chơi với ông.
Đôi khi vắng khách, Mai ngồi trên ghế nhìn ra đường, nét mặt bỗng nhiên đờ đẫn. Nàng nhớ lại câu chuyện trong bữa ăn đêm vừa rồi, lẩm bẩm một mình:
- Có lẽ Thùy Liên đẹp lắm. Hai người đã yêu nhau ghê gớm, có phải vậy không?
Nàng bỗng nghe trong lòng mình dậy lên một nỗi xót xa. Nàng vụt đứng dậy, cảm thấy tự xấu hổ lấy mình. Nàng cố xua đuổi mọi ý nghĩ, nhưng nỗi niềm tự xấu hổ cứ đeo bám, lớn lên và gần như trở thành một mặc cảm tội lỗi.
Nàng bước đến chân cầu thang và gọi to:
- Thảo à, xuống má biểu.
Có tiếng dạ thực dễ thương rồi con bé xuất hiện ở đầu cầu thang, anh nó đứng liền sau lưng.
Hai đứa bé bước xuống, chậm chạp từng bậc một. Mai dang hai tay ra ôm cả hai con vào lòng. Nàng hỏi con gái:
- Thảo à, con có thương ba không?
- Có, con thương ba.
- Thương nhiều không?
- Nhiều.
Mai nói to như hét:
- Mẹ cũng vậy. Mẹ thương ba con lắm, thương yêu vô cùng. Ba con là người tốt nhất thế gian nầy, phải không các con?
Hai đứa bé nhìn nàng một cách ngạc nhiên. Nàng vuốt tóc Bình và ôm bé Thảo lên hôn tới tấp vào đôi má phinh phính của nó. Đứa bé cười sằng sặc, nàng cũng cười theo và cảm thấy tấm thân bé bỏng của con tựa vào lòng nàng, gây cho nàng một sự bình an lạ lùng. Tâm hồn nàng thanh thản trở lại. Nàng đặt con xuống và gọi to:
- Ba ơi ba. Ba xuống trông coi hai cháu và cửa tiệm giúp con để con đi hỏi căn nhà cho anh Tân.
Nàng lặp lại to hơn:
- Căn nhà mà anh Tân muốn mua để sống cùng chị Thùy Liên đó ba.
Nói xong, nàng cười khúc khích như sắp làm một điều thú vị.
Có tiếng Bác Tư từ trên lầu:
- Ừ, tao xuống ngay bây giờ. Con đi coi và cố thương lượng giá cả cho xong đi. Có nó ở gần, ba cũng vui lắm.
Mai giao hai đứa bé cho cha và vội vã đến nhà bà Ba Tí. May mắn, bà đang ở nhà. Nàng vào đề ngay. Hai người nhanh chóng đạt được thỏa thuận về giá cả. Mai đi xem trước sau một lượt rồi ra về.
Vừa bước vào cửa nhà mình, nàng đứng sững lại. Trong tiệm có hai người khách đang chọn hàng. Người thứ ba đứng trước quầy, bác Tư đang ngồi phía sau để tính tiền. Ngay ở cửa xuống bếp, Tân ngồi trên chiếc ghế, bế bé Thảo trên đùi, Bình đứng kế bên. Hai đứa bé đang há hốc mồm say sưa nghe Tân kể chuyện gì đó. Nàng bước vào nhà nhìn Tân, hỏi dồn:
- Sao giờ nầy, anh ngồi ở đây? Anh không đi Biên hòa à?
- Có, tôi vừa trên đó về đây.
- Sao anh về sớm vậy?
- Ừ, ừ…. Mai lo bán hàng đi, tôi sẽ nói chuyện sau.
Mai quay sang khách hàng trong khi Tân tiếp tục kể chuyện “cô bé quàng khăn đỏ” cho hai đứa bé nghe.
Khi cửa tiệm đã vắng khách, Mai hỏi Tân:
- Anh không gặp anh chị Long trên đó sao?
- Có, anh chị Long đều có nhà nhưng anh chỉ ngồi một lát rồi về.
- Tại sao vậy?
Giọng Tân trầm xuống:
- Chuyện khá dài, nói ở đây hơi bất tiện.
- Vào nhà trong được không?
- Được, nhưng Bạch Mai phải trông cửa tiệm chứ.
- Em nhờ ba tiếp tục giúp em, giờ nầy trưa rồi, không có nhiều khách đâu.
Nàng quay sang nhờ bác Tư rồi cùng Tân xuống nhà bếp. Nàng lên tiếng trước:
- Em vừa bên nhà bà Ba Tí về. Căn phố tuy nhỏ nhưng còn tốt lắm. Gồm một phòng khách, một phòng ngủ, một sân lộ thiên, một nhà bếp, một nhà vệ sinh. Hai vợ chồng với một vài đứa con ở cũng vừa chán. Các nhà chung quanh rất dễ chịu, bà Ba Tí bảo như thế. Giá cả thì rẻ một cách bất ngờ. Bà Ba nói chỉ cần một món tiền không lớn lắm, đủ để về quê ở Vĩnh long cất một cái nhà lá nho nhỏ, còn lại chút đỉnh để dành khi hữu sự thôi. Ở dưới quê, bà ấy còn ruộng vườn khá lắm. Chiều nay anh và vợ chồng em qua bên đó, nếu anh vừa ý thì chồng tiền nhận nhà luôn, không cần đặt cọc nữa. Nhà rẻ như thế, đề phòng người khác chịu trả cao hơn, người ta trả tiền cọc lại cho mình cộng thêm với tiền bồi thường họ vẫn còn lời. Vì vậy, em muốn trả tiền một lượt cho xong.
Tân sửng sốt:
- Nhưng tôi đâu có tiền; sớm nhất là tháng sau mới nhận được tiền truy lãnh lương sai biệt.
Bạch Mai xua tay:
- Anh khỏi lo. Vợ chồng chúng em có một số tiền dành dụm. Ba cũng còn giữ mấy lượng vàng, một phần trợ cấp tử trận của em Bính trước đây. Gom lại, có thể đủ trả tiền căn nhà. Khi nào anh lãnh được tiền thì trả lại cho chúng em. Nếu còn thiếu thì ráng đi dạy thêm mà trả từ từ, chúng em không tính tiền lời đâu mà sợ.
- Tôi mang ơn Bạch Mai quá nhiều.
- Anh không nên khách sáo như thế. Có được dịp giúp anh là em vui lắm. Hơn nữa, anh về sống gần đây thì ba được an ủi trong tuổi già.
Giọng nàng nhỏ lại đầy xúc cảm:
- Em mong sớm lo được chỗ ở cho anh để anh cưới chị Thùy Liên về. Em ngại anh cứ sống cô độc, một mình lang thang trong cuộc đời. Em có mặc cảm rằng anh cô độc, một phần do lỗi của em. Không biết có đúng hay không nhưng từ lâu, em vẫn mang mặc cảm đó.
Nàng đổi giọng, trở nên vui hơn:
- Em mong được sống gần chị Thùy Liên. Chắc chắn chị ấy là người rất tốt.
- Tại sao em biết?
- Em tin chắc như thế. Người nào được anh yêu thương thì ắt hẳn phải là người tốt.
“Cũng như Bạch Mai vậy!”. Tân định nói như thế nhưng cậu kịp tự ngăn lại được. Bạch Mai bây giờ đâu còn là người yêu của cậu nữa. Nàng đang là người vợ hiền của thiếu tá Thế, một con người rất đáng quí mà Tân mong muốn mãi mãi là bạn thân của mình.
Bạch Mai cao giọng:
- Chuyện nhà cửa thế là xong, rất thuận lợi, không có gì trắc trở nữa đâu. Bây giờ tới chuyện đi Biên hòa sáng nay của anh. Tại sao anh không ở lại chơi với anh chị Long đến chiều như đã dự định? Hay là anh định hôm khác trở lại lâu hơn.
Tân lắc đầu:
- Có lẽ anh không bao giờ trở lại đó nữa.
Mai trố mắt ngạc nhiên:
- Tại sao vậy, em chẳng hiểu gì cả. Anh Long là người quen thân thiết nhất của anh trên cõi đời nầy. Em nhớ anh đã có nói với em câu đó một lần kia mà.
- Đó là chuyện của nhiều năm trước đây. Mai có biết anh Long là bạn thế nào của anh không?
- Là bạn tù của anh ở khám Tân hiệp.
Tân gật đầu:
- Khi ra tù, anh tình cờ gặp lại anh ấy. Lúc đó anh không còn muốn trở lại hoạt động cho cộng sản nữa, nhưng vào thời điểm đó, dứt khoát với cộng sản không phải là chuyện dễ.
Bạch Mai chen lời:
- Em hiểu. Có lần, anh Đảnh đến gặp anh và vẫn xem anh là một đồng chí còn trong tổ chức. Có phải không?
Tân lại gật đầu:
- Đúng vậy. Sao chuyện của anh mà em nhớ kỹ vậy?
Mặt Bạch Mai thoáng ửng hồng:
- Chuyện gì có liên quan đến anh thì em giữ mãi trong lòng.
Tân nói to như muốn lẫn tránh một điều gì đó:
- Lúc gặp anh Long khi mới ra tù, chính là lúc anh đang rất dao động. Anh Long cũng có tâm trạng gần giống như anh. Lúc đó, anh cương quyết từ bỏ con đường cộng sản và chính điều đó làm cho anh dứt khoát trở thành một công dân chính thức của miền Nam tự do, của nước Việt Nam Cộng hòa. Anh yên tâm, sống thanh thản trong gần năm năm cho đến khi tốt nghiệp Đại học sư phạm, anh bị gọi nhập ngũ thì anh lại bị cú sốc mãnh liệt.
- Vì đã trở thành giáo sư mà không được đi dạy?
Tân lắc đầu:
- Đó chỉ là lý do phụ. Lý do chính là thế nầy. Khi anh quyết định từ bỏ cộng sản thì nghĩ rằng mình chỉ trở thành một công dân “trung lập”, nghĩa là không theo bên nào mà đứng kẽ giữa trong cuộc chiến tranh mà cộng sản mới phát động với chiêu bài giải phóng. Lệnh gọi nhập ngũ làm cho cái loại công dân “trung lập” của anh không còn nữa. Anh gần như hoảng loạn và đến hỏi ý kiến của anh Long. Anh Long có ý khuyên anh chống lệnh nhập ngũ, và bày cho anh nhiều biện pháp trốn tránh, kể cả cách trốn vào chiến khu, có nghĩa là trở lại làm Việt cộng, chắc chắn như thế rồi. Lúc đầu, anh tự giải thích rằng vì quá thương anh nên anh Long không muốn anh nhập ngũ, sợ nguy hiểm cho tính mạng.
- Nhưng, thương anh, tại sao lại xúi anh vô chiến khu? Ở trong đó, tánh mạng còn bị đe dọa nhiều hơn đi nhập ngũ gấp bội phần.
- Em nói đúng; bây giờ thì anh hiểu rồi.
- Anh hiểu thế nào?
- Từ dạo đó, có thể anh Long đã trở lại hoạt động cho Việt cộng
- Trời đất, thật vậy sao?
- Điều đó cũng dễ xảy ra chớ chẳng có gì lạ lùng. À, trước khi nói tiếp, anh phải xin lỗi em đã.
Bạch Mai ngạc nhiên:
- Anh xin lỗi em điều gì?
- Tôi quen miệng và không để ý nên tự nãy giờ đã xưng hô quá thân mật với Bạch Mai.
Mai cười, giọng thực dịu dàng:
- Anh đừng xin lỗi. Em vẫn thích anh xưng hô với em như thế.
- Nhưng….
- Phải rồi, bây giờ chúng mình không còn như xưa nữa, tuy nhiên, em vẫn thích giữ cách xưng hô như cũ. Lúc nào em cũng thích là đứa em bé nhỏ của anh. Nhưng thôi, chuyện đó không đáng kể. Anh nói tiếp cho em nghe tại sao anh biết anh Long trở lại hoạt động cho Việt cộng. Anh Long nói thật với anh à?
- Không hẳn như thế, nhưng qua cách nói chuyện thì anh hiểu. Hơn nữa, vì quá thân mật nên đối với anh, anh Long không cần giữ gìn lời ăn tiếng nói nên cái luận điệu của Việt cộng bộc lộ quá rõ ràng. Anh suy đoán không sai đâu. Em không nhớ rằng anh cũng đã từng là Việt cộng rồi à? Vì vậy, chỉ cần nghe qua là anh nhận ra ngay. Ma quỉ thì người khó thấy nhưng ma quỉ với ma quỉ thì rất dễ nhận ra nhau.
Bạch Mai cười:
- Anh nói làm em sợ quá. Ngày xưa, anh là ma, em cũng là ma, đúng không nào? Vì là ma cho nên cứ đợi đêm đến thì đi rải truyền đơn.
Nàng thôi cười và nói tiếp:
- Có lẽ vì ma nhận ra ma nên cơ quan an ninh của mình luôn luôn tìm cách thu dụng những người chiêu hồi.
- Đúng vậy, nhưng không có hiệu quả nhiều. Chế độ mình bây giờ trưởng thành rồi. Đây là một chế độ tôn trọng tự do cá nhân nên muốn bắt ai phải có bằng chứng hẳn hòi. Việt cộng dại gì mà mang bằng chứng trong người.
- Theo anh thì tại sao anh Long trở lại hoạt động cho Việt cộng?
- Có thể anh Long gặp lại một chuyện gì đó trong cuộc sống làm cho anh ấy lại bất mãn với chế độ nấy. Cũng có thể là Việt cộng, tức là các đồng chí cũ đã gài được anh ấy vào cái thế không thể từ chối được. Việt cộng thì có trăm mưu ngàn kế, không thể lường hết được. Anh đã biết có nhiều người buộc phải hoạt động cho Việt cộng dù thâm tâm họ không muốn.
- Thôi được rồi, em hiểu rồi. Nhưng tại sao anh quyết định không lui tới với anh Long nữa. Có phải anh sợ bị liên lụy hay không?
- Người ta thường nghĩ như thế, nhưng với anh thì đó không phải là lý do. Lúc đệ nhất Cộng hòa mới thành lập, sau khi người Pháp trao trả độc lập, thời thế còn nhiễu nhương, chính quyền còn ấu trỉ nên cơ quan an ninh bắt bớ có phần bừa bãi, không cần bằng chứng, nhiều người bị oan. Còn bây giờ, anh đã nói rồi, nền Cộng hòa đã có căn bản pháp lý rõ ràng, nên ai làm nấy chịu, ngay như vợ chồng, anh em ruột thịt còn không sợ bị liên lụy nữa cơ mà.
- Thế thì vì lý do chính yếu nào làm cho anh cắt đứt liên hệ với anh Long?
- Không phải một mà nhiều lý do.
- Lý do thứ nhất?
Tân không trả lời ngay mà ngồi yên, mặt buồn xo. Một lúc sau, cậu thở dài:
- Bây giờ anh đã đứng hẳn về phía miền Nam để chống lại sự xâm lăng của miền Bắc rồi. Tuy vậy, anh không có một mảy may toan tính tố cáo hay làm hại những người quen biết cũ của anh, nhưng anh không muốn gần gũi họ giây phút nào nữa.
- Người ta có thể là bạn với nhau dù chính kiến có khác nhau; anh không chấp nhận điều đó à?
- Ở đây không phải chỉ là vấn đề khác nhau về chính kiến mà là một vấn đề vô cùng trọng đại, vấn đề đối đầu với nhau bằng cả sinh mạng của con người.
- Đó là lý do thứ nhất phải không?
- Phải.
- Còn lý do thứ hai?
- Anh lấy làm lạ là người có hiểu biết rất đáng nể như anh Long mà cũng trở lại với Việt cộng. Theo anh, đó là một sự sa ngã tai hại dù là tự nguyện hay bị bắt buộc. Thấy anh Long sa ngã, anh cũng ngại cho bản thân mình. Trở lại hoạt động địch hậu, chắc chắn anh Long có công tác chính yếu là vận động quần chúng. Trước sau gì thì anh cũng là đối tượng để anh Long vận động. Nghĩ tới điều đó là anh muốn ra khỏi nhà anh Long ngay tức khắc và không bao giờ trở lại nữa. Tuyệt giao với anh chị Long là điều làm anh đau lòng. Nhớ những ngày mới ra tù, thân anh thực thảm thương, tâm hồn anh thực tơi tả, ông bà Thái là ân nhân còn anh Long vừa là ân nhân, vừa là nguồn an ủi vô cùng quí giá. Những người đó đã giúp anh vượt qua hoàn cảnh để được như ngày nay.
Tân ngừng nói, ngồi yên, nét mặt thẫn thờ. Cậu nghe giọng nói của Mai đầy xúc động:
- Anh buồn lắm phải không? Anh thực đáng thương. Cuộc chiến tranh nầy không chỉ tàn phá xóm làng mà còn tàn phá lòng người nữa. Thôi, anh đừng buồn nữa. Anh đã chọn đúng con đường đi của mình. Nhờ như vậy mà anh đang có một địa vị trong xã hội mà biết bao người khác thèm muốn.
- Cám ơn em đã an ủi anh. Mà quả thực em nói đúng. Kể từ khi anh bước vào quân ngũ đến nay, anh cảm thấy mình đứng ở một vị trí xứng đáng của công dân một chế độ lành mạnh, tranh đấu cho tự do. Xã hội chúng ta vẫn còn có một số điều đáng chê trách do ảnh hưởng tai hại của chiến tranh, nhưng đây là một xã hội đầy tính nhân bản. Nhất định con cháu chúng ta sẽ được sống trong một chế độ tốt đẹp một khi chiến tranh chấm dứt. Tuy nhiên, điều đau đớn là cuộc chiến nầy đang dẫn cả một dân tộc hiền lành vào một đường hầm tối đen mà chưa thấy một tia sáng nhỏ nhoi nào ở cuối đường hầm.
Tân dừng một chút rồi nói tiếp:
- Sáng nay, trên đường về, anh buồn ghê gớm. Anh Long đã trở lại với cộng sản, rất nhiều người khác còn tin theo cộng sản, thế thì cuộc chiến tranh nầy đến bao giờ mới chấm dứt? Phải chi anh Long dứt khoát với cộng sản để anh còn lui tới thăm viếng.
- Lúc anh từ giã, anh chị Long không giữ anh lại chơi à?
- Chị Long dẫn con đi chợ, còn anh Long có mời anh ở lại nhưng lời mời có vẻ gượng gạo và chiếu lệ. Khi nghe anh nói trong thời gian ở quân ngũ có nhận được anh dũng bội tinh và chiến thương bội tinh thì anh Long không giấu được vẻ khó chịu. Ngồi nói chuyện với anh mà anh ấy có vẻ sốt ruột, nhưng không nói ra. Có lẽ sáng nay anh ấy có hẹn họp với cán bộ bí mật cũng nên. Vì vậy, anh dứt khoát chia tay. Anh lên xe tốc hành về đây gấp để gặp em. Anh cần nguồn an ủi và anh vừa tìm đúng nguồn an ủi đó.
Đôi mắt Bạch Mai ngời lên niềm hãnh diện và yêu thương:
- Em rất vui lòng được nghe anh nói như thế. Nhưng em chưa phải là nguồn an ủi đích thực của anh đâu. Nguồn an ủi đó đang ở dưới Cần thơ. Anh cố gắng thu xếp để sớm đưa nguồn an ủi đó về thì cuộc đời anh chẳng còn buồn khổ nữa. Thôi bây giờ, anh đi tắm và ra trước coi hàng giùm em để ba đi nghỉ. Nhờ ông cụ từ sáng đến giờ rồi. Còn em thì lo bữa cơm trưa.
- Buổi trưa anh Thế có về không?
- Không, anh ấy ăn cơm ở tổng tham mưu, chiều mới về.
Tắm xong, Tân ra nhà trước trông hàng. Có hai bà vào mua vài món lặt vặt. Cậu trả lời những câu hỏi của khách thực nhã nhặn, làm cho khách tỏ ra hài lòng. Một bà hỏi cậu:
- Có lẽ ông mới về thăm nhà. Ông có phải là anh ruột cô Bạch Mai không?
Tân mỉm cười gật đầu. Bà khách quay sang nói với bà bên cạnh:
- Anh em nhà nầy trông giống nhau lắm. Ai trông cũng lịch sự, trai thì đẹp trai, gái thì đẹp gái.
Họ nói xong, nhận hàng bước ra. Tân nhìn theo, thấy lòng rộn vui. Cậu quay lại thì thấy Mai từ dưới nhà bếp đi lên, mặt hồng hào vì sức nóng của lò lửa. Cậu kể lại cho Mai nghe lời nói của bà khách hàng. Hai người nhìn nhau rồi phá lên cười vui vẻ.
Bữa cơm trưa diễn ra thực ấm cúng, Tân ăn rất ngon miệng. Cậu khen:
- Bạch Mai nấu ăn ngon lắm, anh Thế thực có phước.
- Má em dạy em nấu đó.
Bác Tư gật đầu:
- Ừ, lúc sinh tiền, mẹ con Mai giỏi nội trợ lắm. Con Mai chỉ mới học được tài nấu ăn thôi, chưa học được những thứ khác thì bả đã mất rồi.
Bạch Mai hỏi cha:
- Những thứ khác là thứ gì ba?
Ông cụ gật gù:
- Nhiều thứ lắm, tao không nhớ hết. Gần ba mươi năm sống với tao, bả đã làm biết bao nhiêu điều hay.
Thực tình, ông cụ không thể kể ra được tức thì những điều hay đó, nhưng ông cụ vẫn đinh ninh như thế. Chẳng qua đó là sự vọng tưởng của người già không quên được người bạn đường đã ra đi trước mình.

Buổi chiều, thiếu tá Thế vừa về đến nhà chưa kịp tắm rửa thì Mai đã đốc thúc đi xem nhà.
Bà Ba Tí đã đợi sẵn, dẫn cả ba người đi xem từ trước lui sau. Tân tỏ ra rất hài lòng nhưng khi Mai hỏi thì cậu cứ ậm ừ, không nói tiếng nào. Bạch Mai ăn nói rất hoạt bát, nàng đã quen với việc mua bán quá rồi. Hai người đàn ông bước theo sau nàng như hai cái bóng. Giá cả được hai người đàn bà nhắc lại một lần nữa. Mai hẹn với chủ nhà một hoặc hai hôm nữa, ra chính quyền làm giấy mua bán, chồng tiền tại đó và sau đó giao nhận nhà ngay.
Ba người trở về. Vừa bước vào cửa, Mai quay lại nhíu mày nhìn Tân:
- Anh không thích căn nhà đó lắm phải không?
Tân sửng sốt:
- Tại sao Bạch Mai hỏi tôi như thế?
- Vì em chỉ thấy anh ậm ừ một cách lơ đãng, chứ chẳng tỏ vẻ vui thích gì cả.
Tân thở ra một hơi dài:
- Bạch Mai, tôi không thể nào tưởng tượng căn nhà đó sắp sửa thành tài sản của riêng tôi. Vì vậy, lúc nãy đi xem nhà mà tôi không thể nào tập trung được ý nghĩ để định xem sau nầy mình sử dụng căn nhà đó thế nào, chỗ nầy dùng làm việc gì, chỗ kia dùng để làm gì, tiện lợi hay bất tiện. Tóm lại, đầu óc tôi không thể đón nhận nổi ý niệm rằng mình sắp sở hữu một căn nhà! Tôi không thể tin rằng mình có được một tài sản to và quý giá như thế nên không thể tiếp thu niềm hân hoan mà lẽ ra mình phải có.
Bạch Mai nhìn cậu với đôi mắt thương hại:
- Em biết cuộc đời anh rất khổ nhưng em không hình dung được rằng nỗi khổ triền miên từ thuở bé đã làm cho anh trở thành một con người đáng thương thế nầy.
Thiếu tá Thế chen lời:
- Đó là tâm tình của một kẻ vô sản thuần túy mà có lẽ ông tổ cộng sản là Karl Marx cũng phải ngã nón chào.
Câu nói khôi hài của Thế làm cho mọi người cười vui một cách thoải mái.

Đêm hôm đó, mới chui vào mùng được vài phút là Tân đã ngủ ngon lành. Gần sáng, cậu thức giấc, nhớ tới việc hôm nay đến nha trung học nộp đơn xin thuyên chuyển, cậu không thể ngủ tiếp được. Căn phố mua sắp xong rồi. Nếu người ta không cho cậu thuyên chuyển về Sài gòn thì mọi toan tính đều hỏng hết. Nằm thao thức một lúc, cậu nghe tiếng động bên giường của bác Tư. Trong ánh sáng lờ mờ, cậu thấy ông cụ ngồi dậy, thong thả ra khỏi giường và bước xuống cầu thang. Đèn bếp bật sáng, có tiếng nước trong vòi chảy vào ấm rồi tiếng bật lửa, tiếng khè khè của ngọn lửa trên bếp ga. Vài phút sau, thấy vợ chồng Thế thức dậy nên cậu cũng bước xuống cầu thang.
Nước sôi đã được chế vào bình trà cùng những chiếc lọc cà phê. Bốn người ngồi quanh chiếc bàn tròn rì rầm nói chuyện, không khí trong gian bếp nhỏ thực đầm ấm. Bạch Mai là người đầu tiên đứng dậy để lo bữa ăn sáng cho gia đình.
Ăn xong. Tân thay áo quần và ra khỏi nhà cùng lúc với Thế. Cậu ôm chặt cái cặp đựng hồ sơ, vẫy một chiếc taxi trống vừa trờ tới để đến nha trung học.
Giám đốc trung học là một ông giáo già phúc hậu, giọng nói nhỏ nhẹ, hiền từ. Ông đứng dậy siết tay Tân thật lâu và thực ân cần sau khi nghe ông hiệu trưởng giới thiệu cậu một cách đầy đủ, không quên hai cái huân chương anh dũng và chiến thương bội tinh. Ông giám đốc vui vẻ nhận đơn và nói:
- Được rồi, sau kỳ thi tú tài nầy thì hội đồng xét duyệt thuyên chuyển mới làm việc, nhưng anh cứ yên tâm vì anh có ưu tiên và tiếng nói của tôi trong hội đồng thường là tiếng nói quyết định. Vả lại, không ai nỡ từ chối nguyện vọng của một người đã chịu đổ máu ngoài chiến trường. Anh sẽ được về Sài gòn nhưng dạy ở trường nào thì tôi chưa nói trước được. Giáo sư bị động viên khá nhiều, tất cả các trường trung học trên toàn quốc đều thiếu thầy dạy, kể cả các trường ở Đô thành. Trong đơn, anh có xin đích danh trường nào không?
- Dạ không, trường nào ở Sài gòn cũng được.
- Thế thì dễ cho chúng tôi làm việc. Chúng tôi sẽ chọn cho anh một truờng nào đó, anh cứ yên tâm, lo thu xếp chỗ ăn chỗ ở đi. Trong vòng một tháng nữa, quyết định của hội đồng thuyên chuyển sẽ được gởi về các trường. Lúc đó anh trở về trường gốc là trung học Long an để nhận sự vụ lệnh, chứng chỉ ngưng lương đem về nạp ở nhiệm sở mới. Thôi tạm biệt hai anh nhé, ngoài kia có khách đang chờ gặp tôi.
Tân từ giã ra khỏi nha trung học với nỗi lòng phơi phới. Cậu gọi xe về nhà ngay tức thì. Nghe cậu báo tin, Bác Tư và Bạch Mai hết sức vui mừng. Ông cụ vuốt râu và nói với vẻ khoái trá:
- Họ đối xử như thế với người đã từng chịu hiểm nguy ngoài chiến trường thì thực là đáng khen. Chế độ nầy quả thực là dễ thương. Bác già từng nầy tuổi rồi, đã biết qua nhiều chế độ và bác hài lòng khi sống trong chế độ nầy.
Bạch Mai nhắc nhở:
- Anh viết thư báo tin cho chị Thùy Liên ngay đi.
- Khi nãy, tôi định về nhà thì viết thư ngay, nhưng bây giờ thì tôi nghĩ lại, không nên viết vội mà phải đợi Bạch Mai lo cái nhà cho xong đã. Mấy hôm nay, gặp rất nhiều tin mừng nhưng chỉ mới khởi đầu mà thôi. Phải có cái gì đó được hoàn tất một cách cụ thể để báo tin thì mới thực là hay. Việc thuyên chuyển thì ít nhất một tháng nữa mới có kết quả. Thôi, chờ cho xong chuyện cái nhà rồi báo tin cũng được.
- Em hẹn với bà Ba một hoặc hai hôm để có thì giờ gom tiền và bán mấy lượng vàng của ba. Có đủ tiền là em báo cho bà Ba biết ngay. Anh yên tâm, em sẽ lo đủ, đúng thời hạn đã hứa. Đến tòa hành chánh quận Ba làm thủ tục thì chẳng có gì khó khăn. Anh Thế quen biết nhiều người ở đó, hơn nữa, người mua vừa là sĩ quan giải ngũ, vừa là giáo sư thì quá thuận lợi. Thôi, anh đi nghỉ đi. Em dự định quét dọn cái phòng cho anh mà quá bận rộn chưa làm được. Anh nghỉ tạm cùng phòng với ba một vài hôm nữa đi.
- Ở nha trung học, tôi về đây ngay để báo tin mừng. Bây giờ còn quá sớm, tôi đi lang thang thăm lại những con đường của Sài gòn cho hết ngày hôm nay.
- Được rồi, hôm nay, anh cứ đi đâu cũng được nhưng ngày mai phải ở nhà để ra gặp chính quyền xúc tiến thủ tục mua nhà. Anh đừng quên việc đó.
- Quên sao được. Ngày mai, nếu xong rồi thì ngày mốt, tôi sẽ đi Bảo lộc để thăm ông bà Thái và có thể ở lại đó vài hôm. Tôi có nói chuyện về ông bà Thái cho Bạch Mai nghe chưa?
- Có rồi, ông bà đã ký tên bảo lãnh cho anh ra khỏi tù và nuôi anh nhiều tháng để đi học trở lại.
- Đúng rồi. Ông bà lên lập nghiệp ở Bảo lộc. Mảnh vườn trồng trà của ông bà có lẽ bây giờ tốt lắm rồi. Chắc chắn đời sống ông bà rất thong thả với huê lợi của khu vườn.
- Em có kể chuyện nầy với anh Thế, anh ấy mê lắm và ước ao chiến tranh mau chấm dứt để chúng em cũng sẽ lên lập vuờn trên đó. Em biết Bảo lộc có khí hậu rất tốt, mát mẻ và không quá lạnh như Đà lạt. Anh lên đó ở chơi nhiều ngày cho khỏe để bù lại phần nào những năm tháng nhọc nhằn vừa qua. Còn bây giờ, anh cứ đi dạo ở Sài gòn để ôn lại thời thơ ấu tội nghiệp của anh đi. Chuyện tiền bạc để em lo. Trưa nay, em sẽ nhờ ba trông coi nhà cửa và bé Thảo để em đi ngân hàng rút tiền và bán mấy lượng vàng của ba cho đủ số tiền mua nhà.
- Bạch Mai, cuộc sống sắp tới của anh được sáng sủa là nhờ hai bàn tay và tấm lòng của em đó.
Mai mỉm cười quay trở lại với việc sắp xếp hàng hoá trong cửa tiệm. Tân đi bộ ra đường Phan đình Phùng rồi theo đường Lê văn Duyệt về hướng trung tâm thành phố. Ngang qua rạp hát Nam Quang, cậu dừng chân và bỗng nhớ lại một hình ảnh ghê rợn từ thuở thực xa xưa. Một quả lựu đạn đã nổ tung trong rạp hát, cả một khối người hốt hoảng chen nhau, đè nhau ở cửa thông ra ngoài. Một thây người nằm vắt vẻo trên lưng dựa ở một chiếc ghế. Có lẽ, sau tiếng nổ, nạn nhân còn kịp phóng người lên rồi gục xuống để vĩnh viễn từ giã cuộc đời. Cậu chỉ thoáng thấy người đó thôi rồi vội vàng nhảy đến cửa thoát hiểm, lọt ra ngoài theo con hẻm nhỏ nầy. Tân còn nhớ rõ, lúc đó mình chạy một khoảng khá xa về phía Hòa hưng rồi dừng lại và đứng ngẩn ngơ nhớ lại cách đó hai hôm hình như mình đã trao cho ai đó một quả lựu đạn cùng một giỏ đầy truyền đơn của Việt Minh.
Tân thở dài, vội vã bước nhanh trên con đường rộn ràng xe cộ và người qua lại. Cậu vào một tiệm sách, rảo qua một lượt tất cả các quầy, lựa mua vài quyển giáo khoa cùng tiểu thuyết rồi trở ra đi giữa dòng người đông đúc. Một lát sau, cậu đến Thảo cầm viên, tìm đến chiếc ghế đá mà cách đây đúng bốn năm cậu ngồi nói chuyện với Bính rồi quyết định lên đường nhập ngũ. Cậu ngồi dựa ngửa, hai chân co lên, thiếp đi trong giấc ngủ gián đoạn vì tiếng hú của con vượn thỉnh thoảng cất lên một hồi nghe thảm thiết.
Mặt trời xế bóng, Tân ra về.
Sáng hôm sau, cậu cùng vợ chồng Bạch Mai và bà Ba Tí ra làm giấy mua bán và trao tiền trước mặt chính quyền. Công việc diễn ra trôi chảy và nhanh chóng. Bà Ba Tí hẹn hôm sau sẽ giao nhà để về quê sinh sống.
Về đến nhà, Bạch Mai nói với Tân:
- Ngày mai, anh cứ đi Bảo lộc và ở chơi vài bữa đi. Tháng sau bắt đầu đi dạy trường tư rồi đó, anh không còn thì giờ đi thăm ông bà ân nhân đâu. Em sẽ thay anh đi nhận nhà và thuê người quét dọn. Khi nào anh về, cần thứ gì thì sẽ mua sắm sau.
Tân đứng tần ngần một lát rồi nói:
- Bạch Mai, tôi thiếu nợ Mai quá nhiều làm sao trả nổi.
- Sao lại không nổi. Anh và chị Liên rán tằn tiện, đừng quá hoang phí thì trong vòng một hai năm là xong nợ ngay, có gì đâu mà lo.
- Nợ tiền bạc thì tôi trả được hết còn nợ tinh thần thì biết đến kiếp nào cho xong.
- Anh đừng nói như thế nữa, em không bằng lòng đâu. Em mong được làm bạn lâu dài với Thùy Liên. Nghĩ đến điều đó, em thấy vui trong bụng lắm, vui còn hơn cả khi buôn may, bán đắt nữa, không biết tại sao như thế.
- Khi làm xong điều thiện cho kẻ khác thì người ta được hưởng nguồn vui vô giá, không có gì sánh nổi.
Bạch Mai mỉm cười sung sướng:
- Có lẽ tâm trạng em hiện giờ đúng như anh nói vậy.

Sáng hôm sau, Tân lên đường khi trời chưa sáng. Một lát sau, thiếu tá Thế chở thằng Bình ra khỏi nhà, bé Thảo vẫn còn ngủ say, bác Tư uống nước và dùng điểm tâm xong thì trở lên phòng riêng.
Buổi sáng khách đông, Mai tất bật với công việc bán hàng. Khoảng chín giờ sáng, bà Ba Tí đến cửa gọi to:
- Cô Mai, thầy Tân đâu rồi, sao chưa thấy tới để nhận nhà.
- Anh ấy đi Bảo lộc, vài hôm nữa mới về.
- Trời đất ơi. Tôi lỡ kêu xe chở đồ đạc ra bến xe đò Vĩnh long rồi. Tôi đâu có đợi vài hôm nữa được.
Mai trao gói hàng cho khách rồi nói với bà Ba:
- Dì Ba đừng lo. Cháu nhận nhà giúp anh Tân.
- Vậy thì cô đến nhận ngay đi. Đằng đó, người ta chất đồ đạc lên xe sắp xong rồi.
Bạch Mai nói như năn nỉ:
- Cháu bận quá lại không có ai giúp để bán hàng. Thôi thì, dọn đồ đạc xong, dì khóa cửa lại, ghé qua đây cho cháu chìa khóa. Giao nhà như thế cũng được.
- Có mấy món đồ điện, tôi để lại cho cậu Tân dùng, vì ở nhà quê tôi không có điện, đem về đó cũng vô ích.
- Dì Ba tính bao nhiêu tiền để cháu trả giúp cho anh Tân.
Bà Ba Tí khoát tay:
- Không, tôi không lấy tiền đâu. Mấy món đó, tôi không dùng được ở quê, biếu cho cậu Tân mà cậu ấy chịu nhận là tôi mừng rồi. Quân nhân mới giải ngũ về chưa được đi làm, mình có khả năng giúp được thứ gì thì cứ giúp. Có phải không cô Mai?
- Dạ phải, cháu thay mặt anh Tân cám ơn dì. Dì về quê, thỉnh thoảng lên đây chơi nghe.
- Có chớ. Sống với hàng xóm đây mấy chục năm rồi, đi thì cũng nhớ lắm. Tôi sẽ lên đây thăm bà con, nhất là vợ chồng cô và anh Tư. Tôi cũng sẽ xin cậu Tân cho tôi vào nhìn lại căn nhà cũ. Hơn hai mươi năm, tôi với ổng chỉ có hai vợ chồng tối lửa tắt đèn có nhau. Bây giờ tôi về quê có một mình, không nhớ, không thương sao được.
Dì Ba vừa khóc thút thít vừa đưa tay áo lên lau nước mắt. Tính dì là như thế đó, hiền lành, tốt bụng và mau nước mắt. Mai cảm động, đến gần vỗ về:
- Thôi, dì Ba đừng buồn nữa, số phận mà ông trời đặt để thì ai mà cãi được. Dì về dưới đó có bà con thì cũng đỡ cô độc trong tuổi già. Cháu chúc dì đi đường bình an, về dưới đó vui vẻ, khỏe mạnh.
- Cám ơn cô Mai, tôi về dưới, không bao giờ quên cô đâu. Cô vừa đẹp người, vừa đẹp nết.
Mai tiễn bà ra cửa rồi quay vào, lại tất bật với công việc.
Buổi trưa, cơm nước xong xuôi, nàng gởi con và cửa hàng cho cha rồi sang mở cửa căn phố mới mua. Bên trong trống trơn, trông thực đìu hiu. Một số đồ đạc còn để lại, quạt máy, bàn ủi cùng vài thứ lặt vặt khác được xếp gọn gàng vào một góc nhà. Từ nhà trên đến nhà bếp, mọi nơi đều được quét dọn cẩn thận, dưới nền nhà không còn một cọng rác, trên trần nhà không còn một sợi tơ nhện giăng. Mai thầm khen:
- Dì Ba ít học mà có cách hành xử hơn biết bao nhiêu người có học.
Nàng xuống bếp, nhìn quanh, lẩm nhẩm:
- Mình sẽ tặng cho Thùy Liên một bộ son nồi, treo vào chỗ nầy. Bên cửa hàng của mình còn mấy bộ thực đẹp.
Lẩm nhẩm xong, Mai cảm thấy lòng vui rộn rã. Nàng bước lên, đứng giữa gian nhà dùng làm buồng ngủ. Vách tường đã cũ, nhiều vết đinh đóng lỗ chỗ, nước vôi sần sùi, bong ra từng mãng, lốm đốm nhiều ô với nhiều màu sắc lẫn lộn. Mai lại lẩm bẩm:
- Ngày mai, mình sẽ thuê người đến quét nước vôi và sơn phết lại toàn bộ căn nhà. Phòng ngủ nầy sẽ có màu xanh nhạt cho mát mắt. Mình sẽ mua tặng một chiếc giường nệm đặt vào chỗ nầy. Đôi vợ chồng trẻ sẽ nằm lên đó. Đêm tân hôn….!
Gương mặt trái xoan của Mai đỏ hồng lên vì e thẹn. Nàng vội bước ra ngoài khóa cửa lại và về nhà.
Sau giấc ngủ trưa ngắn ngủi, Mai lại nhờ cha trông hàng để đi tìm người đến sửa sang căn phố cho Tân. Nàng muốn hôm nào ở Bảo lộc về, Tân sẽ rất ngạc nhiên khi thấy căn phố xinh đẹp và mới toanh như vừa cất xong. Tuy nhiên, sau một giờ thăm hỏi mà chẳng tìm được ai, nàng buồn bực trở về nhà.
Ngày đi qua nhanh chóng, Mai đóng cửa tiệm và gia đình quây quần quanh bàn ăn trong không khí tràn đầy hạnh phúc.
Giữa bữa ăn, có tiếng gõ cửa phía trước. Mai buông đũa lắng tai nghe. Thiếu tá Thế nói:
- Ai mà đến giờ nầy?
Bác Tư trả lời:
- Có lẽ hàng xóm cần mua gấp một món gì đó. Mai, con ra mở cửa xem.
Thế cãi lại:
- Không phải đâu, mấy đứa trẻ nghịch phá đó. Em tiếp tục ăn cơm đi.
Lại có tiếng gõ tiếp theo. Mai đứng dậy bước đến xoay chìa khóa, vừa mở cửa, vừa hỏi:
- Ai đó?
- Tôi đây, Bạch Mai.
- Trời đất, anh Tân! Tại sao anh còn ở đây, anh không đi Bảo lộc à?
- Tôi vừa trên đó về đây tức thì.
- Thôi, anh vào đi, tắm rửa, ăn cơm rồi nói chuyện sau.
Tân bước ra gian bếp, mọi người đều buông đũa ngạc nhiên. Cậu tắm rửa nhanh chóng và ngồi vào bàn. Mai lên tiếng trước:
- Sao anh không ở lại trên đó vài ngày?
- Tôi không gặp ông bà Thái.
Thiếu tá Thế hỏi:
- Sao vậy? Ông bà Thái đi ở nơi khác rồi à?
Tân gật đầu. Thế hỏi tiếp:
- Sao vậy? Ông bà chán nương rẫy rồi sao?
Tân lắc đâu:
- Không phải chán đâu.
Mai quay sang vỗ nhẹ vào đùi của chồng:
- Anh đừng nói nữa, để anh Tân vừa ăn vừa kể đầu đuôi câu chuyện thì mới hiểu hết được
Tân gật đầu:
- Vâng, tôi nói từ đầu. Sáng nay tôi may mắn gặp chiếc xe tốc hành chạy ngay một mạch không ngừng nên mới hơn mười giờ đã tới Bảo lộc. Có nhiều thay đổi nhưng tôi vẫn nhớ đường đến khu vườn ông bà Thái. Khu vườn thực xinh tươi, cổng rào mới, nhà thì khang trang đẹp đẽ. Tôi gọi cửa và ngạc nhiên thấy một người đàn bà lạ hoắc đi ra. Tôi hỏi ông bà Thái, chị ta lắc đầu bảo ông bà không còn ở đây nữa. Thấy tôi đứng tần ngần buồn bã, chị ta hỏi tôi có phải là bà con với ông bà Thái không. Tôi gật đầu. Chị mở cửa mời tôi vào và kể tỉ mỉ câu chuyện cho tôi nghe. Cách nay đúng nửa năm, một đêm Việt cộng về thu thuế vùng nầy. Đông lắm, ông nào cũng mang súng và lựu đạn đầy mình. Nghe kêu cửa, nhà nào cũng ra ngay vì tưởng lính quốc gia đi xét nhà. Đến khi biết là Việt cộng thì ai cũng run. Họ nói rằng có nhiệm vụ đi giải phóng miền Nam khỏi sự đô hộ và bóc lột của đế quốc Mỹ và yêu cầu đồng bào đóng thuế bằng tiền bạc để nuôi bộ đội giải phóng. Nhà nào cũng bấm bụng móc tiền ra đóng cho họ. Rạng ngày, khi biết họ đã đi rồi, ông bắt đầu chửi rủa rất nặng lời, nói ra những điều cực kỳ thô bỉ trong đời sống riêng tư của các lãnh tụ miền Bắc, làm cả xóm ai cũng lo sợ cho sinh mạng của ông. Tai vách, mạch rừng, họ về tới đó để thu thuế thì chắc chắn phải có điềm chỉ viên rồi. Nếu tối nay hoặc sau nầy, họ trở lại thì nguy cho ông vô cùng mà còn liên lụy cho hàng xóm nữa. Họ phải thanh toán ông để dằn mặt người khác Ai cũng đang lo sợ thì bất ngờ, ngay chiều hôm đó, ông bà chở một ít đồ đạc ra ngủ nhờ một người bà con ngoài phố, còn trong nầy thì treo ngay tấm bảng bán nhà, bán vườn. Ông cho giá khá rẻ nên nhà kế bên mua liền. Vài ngày sau, làm thủ tục sang tên và nhận tiền xong, ông bà bỏ đi mất biệt, có lẽ sợ Việt cộng theo dõi trả thù nên không để lại địa chỉ cho ai biết. Có người bảo ông về Sài gòn, có người nói ông đi Đà lạt, Ban mê thuột, thậm chí có người nói ông qua Mỹ để tiếp tục lập vườn trà như ở Bảo lộc nầy.
Tân dừng lại thở dài rồi kể tiếp:
- Lúc đó, tôi thương ông bà quá. Nghĩ đến hai người già nua phải từ bỏ cái mảnh đất mà cả hai đã tưới biết bao mồ hôi lên đó rồi bây giờ lụm cụm đi tìm đất sống, tôi buồn suýt phát khóc. Tôi xin phép chị chủ nhà đi một vòng quanh vườn rồi nuốt nước mắt, lên xe trở về Sài gòn ngay.
Bạch Mai nghe, mặt lộ vẻ xúc động. Bỗng nàng phì cười, làm cho mọi người ngạc nhiên quay lại. Nàng nhìn Tân, cố lấy lại nét nghiêm trang:
- Xin lỗi anh Tân. Em thực sự cảm động vì câu chuyện anh kể về ông bà Thái. Rồi đột nhiên, một ý nghĩ vụt đến, làm em không nhịn cười được. Anh tha lỗi cho em.
Tân đáp lời một cách thân mật:
- Mai có lỗi gì đâu. Nhưng Mai có ý gì mà cười vui vậy?
Mai không trả lời ngay mà hỏi lại:
- Có lần, anh đã nói với em rằng ngoài gia đình em ra, hiện tại anh chỉ có hai người quen và thân thiết, phải không?
- Phải, chỉ có anh Long và ông Thái thôi.
- Thế mà chỉ trong có hai ngày liên tiếp, anh đánh mất cả hai người thân thiết đó vì hai lý do hoàn toàn trái ngược nhau. Một người thì chạy theo Việt cộng còn người kia thì chạy trốn Việt cộng.
Ý nghĩ ngộ nghĩnh của Mai làm mọi người phì cười. Tân thôi cười và nói tiếp:
- Trên đường về, tôi suy nghĩ mãi về cuộc chiến tranh trên đất nước mình. Khi cầm tờ giấy giải ngũ trong tay, tôi có ý nghĩ rằng mình thực sự từ giã vũ khí, thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của chiến tranh và không còn chứng kiến sự xung đột gay gắt giữa quốc gia và cộng sản nữa. Bây giờ thì rõ ràng ảnh hưởng của cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn không chỉ diễn ra trên chiến trường mà ở khắp nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau. Tôi không thể nào thoát ra ngoài cuộc chiến ý thức hệ nầy được.
Thiếu tá Thế gật đầu:
- Anh đang nhận diện đúng đắn cuộc chiến tranh nầy rồi đó. Đây không phải là cuộc chiến thuần túy bằng súng đạn, mà là cuộc chiến toàn diện với vô số khía cạnh: tư tưởng, đạo đức, kinh tế, vân vân, không thể nói hết được. Sau nầy, các sử gia ắt phải điên đầu khi lý giải cuộc chiến nầy.
Thế mỉm cười rồi nói tiếp:
- Tuy nhiên, với mấy ông cộng sản thì vấn đề rất giản dị. Ở tổng tham mưu, tôi có dịp đọc những tài liệu tuyên truyền của cộng sản mà biệt kích của mình thu lượm được ở miền Bắc và trong mật khu của họ ở miền Nam. Thực là buồn cười. Họ chẳng cần lý giải, chẳng cần đối chiếu thực tế chỉ nhắm mắt vơ hết những từ tốt đẹp cho họ và đùn đẩy tất cả xấu xa và sai trái cho Việt nam Cộng hòa. Có những chuyện rõ ràng là cái bậy của họ mà họ cứ trơ tráo đem gán cho mình. Thí dụ rõ ràng nhất là cuộc chiến tranh xâm lược mà họ đang xúc tiến. Làm nên một tội ác ghê gớm như thế mà miệng cứ rêu rao là họ yêu chuộng hòa bình còn người quốc gia chúng ta là hiếu chiến, là khát máu. Điều tồi tệ hết mức là bên dưới những tài liệu tuyên truyền láo khoét thường có ghi tên tác giả tự xưng là lý thuyết gia, là trí thức của cộng sản. Ăn nói như thế mà xưng là trí thức thì quả điều nhục nhã cho giới trí thức của nhân loại.
Thế dừng lại vài giây để dằn bớt cơn tức giận rồi thân mật vỗ vai Tân:
- Anh được giải ngũ thì đúng là từ giã vũ khí theo nghĩa đen nhưng không phải là từ giã chiến tranh. Anh về dạy học thì cũng vẫn tham gia vào cuộc chiến. Nhờ anh dạy, giới trẻ sẽ khôn ngoan để tự chúng sẽ nhận ra sự càn rỡ của những giáo điều cộng sản.
Bạch Mai đứng dậy:
- Thôi, bao nhiêu đó đủ rồi, mời các lý thuyết gia chuẩn bị đi ngủ để cho mụ đàn bà nầy dọn dẹp.
Thế cười khà khà:
- Ôi! mụ đàn bà xinh đẹp và dễ thương của tôi!
Bạch Mai quay lại:
- Ô hay, cái ông thiếu tá nầy dám nịnh đầm một cách lộ liễu trước mặt người khác sao?
Thế làm bộ càu nhàu:
- Đầm của tôi thì tôi nịnh. Nếu em không bằng lòng thì ngày mai anh sẽ đi nịnh đầm của người khác!
Bạch Mai nguýt chồng một cái thực dài rồi mang chén bát đi rửa.

Sau một ngày đi đường, Tân khoan khoái nằm xuống giường. Tuy nhiên, suốt đêm, cậu ngủ rất ít, cứ nằm thao thức nghĩ đến căn nhà, kể từ hôm nay trở thành vật sở hữu của cậu. Cậu dự định về ở đó càng sớm càng tốt, không phải vì nôn nóng được sống chung với Thùy Liên mà vì lý do khác.
Cậu với Thùy Liên đã tuyên bố yêu nhau nhưng chưa hề bàn đến hôn nhân. Ngay cả chuyện đến gặp những người thân trong gia đình nàng, cậu cũng chưa thực hiện được. Cậu tin rằng cậu và Thùy Liên sẽ thành vợ thành chồng nhưng đó không phải là chuyện trước mắt. Cậu trở lại đời sống dân sự, chỉ mới ba ngày, nghề nghiệp chưa bắt đầu, trong lưng chẳng có bao nhiêu tiền mà còn ôm một đống nợ to tướng để được sở hữu căn nhà. Cậu cần phải có nhiều thì giờ để xếp đặt và ổn định mọi việc thì mới có đủ điều kiện để cho “hai quả tim vàng” vào chung dưới một mái nhà được.
Thế thì tại sao, cậu lại nôn nóng về sống trong căn nhà của mình?
Cậu còn nhớ cách đây mấy hôm, cậu xuống xe đò ở bến Chợ lớn và vẫn chưa định về nhà nào, cho đến khi bác tài xế taxi hỏi dồn thì cậu mới chỉ đại về địa chỉ nầy. Từ cái quyết định bất ngờ và vội vã đó, cậu đã nhận được nhiều điều may mắn làm cho tương lai cậu mở rộng như bầu trời quang đãng. Cậu đã gặp lại Bạch Mai và lập tức nàng trở thành ân nhân của cậu.
Người ta thường bảo “gái một con, trông mòn con mắt”. Bạch Mai là gái hai con nhưng chắc chắn vẫn còn có thể làm mòn con mắt thiên hạ! Quả thực, Bạch Mai còn rất đẹp, không phải nét đẹp ẻo lả thơ ngây của thời con gái mà là nét đẹp của người trưởng thành hoàn toàn nẩy nở từ thể xác lẫn tâm hồn. Nàng đang sống hạnh phúc với chồng, với con. Hạnh phúc nầy phải được mọi người chung quanh tôn trọng và thiếu tá Thế xứng đáng nhận lãnh hạnh phúc đó.
Tuy nhiên, càng sống gần, cậu càng thấy Bạch Mai xinh đẹp, yêu kiều. Sự thân mật, sự săn sóc và sự lo lắng của Bạch Mai đã có lúc làm cậu phải xao xuyến. Đáng sợ nhất là có lần, cậu bước lên sân thượng, sực nhớ cái buổi sáng diệu kỳ hôm đó, dưới bầu trời đầy sao, cậu đã siết tâm thân mềm mại vào ngực mình và đặt lên đôi môi thơm ngát của nàng nụ hôn đầu tiên, nụ hôn vĩnh cửu.
Cậu thở dài khi nhận ra rằng mối tình đầu dù đã bị chôn chặt nhưng không bao giờ tắt hẳn trong lòng mình.
Cậu sực nhớ câu nói mà mình đã thốt ra: “Một kẻ lãng tử vừa lạc vào thiên đàng”. Đây quả là thiên đàng không ngờ tới của kẻ lãng tử bơ vơ. Điều đó có lẽ không sai lắm. Nhưng kẻ lãng tử kia cần rời khỏi thiên đàng càng sớm càng hay để tránh nguy cơ có một phút mềm lòng làm cho toàn bộ thiên đàng sụp đổ.

Buổi sáng, Bạch Mai luôn luôn bận rộn vì có nhiều khách hàng. Nàng trao chìa khóa và bảo Tân sang nhận nhà của cậu.
Tân mở cửa bước vào với cảm giác thực lạ lùng. Cậu đứng im nhìn gian phòng khách trống trơn đầy ánh sáng. Cậu thong thả đếm bước hết bề dọc rồi đến bề ngang. Cậu vào buồng trong quan sát từng góc nhà rồi xuống bếp. Cậu quanh quẩn một lúc rồi trở ra phòng trước. Cứ như thế, cậu đi lên đi xuống không biết bao nhiêu lần. Sau cùng, cậu thấy mỏi chân nên ngồi xuống chiếc ghế duy nhất kê sát bệ bếp.
Một bóng trắng thoắt hiện ra ở cửa buồng. Tân giật mình quay lại.
Bạch Mai!
Nàng nhìn cậu và cười, nét mặt đẹp rực rỡ dưới ánh sáng từ trên rọi xuống qua khoảng trống để thông gió. Nàng nói một cách dịu dàng:
- Hôm nay thì anh có đủ bình tĩnh để quan sát tổ ấm của anh rồi phải không? Có chỗ nào anh không bằng lòng nói cho em biết. Em đang đi tìm người sửa sang, sơn quét lại cho sạch sẽ.
Nàng bước hẳn xuống bếp đến chỗ vòi nước.
Em sẽ cho thợ tô lại cái sàn nước, xây thêm một hàng gạch lên để nước không văng vào ướt bếp. Cái kệ bếp nầy cũng cần sửa lại. Em sẽ sắm lò nấu cho anh. Anh thích nấu bằng than hay bằng khí đốt.
Nàng ngưng nói, ngẩng lên và thấy Tân đứng im nhìn nàng đăm đăm. Nàng hồi hộp, giọng nhỏ lại thoát ra theo hơi thở:
- Anh Tân, em hỏi sao anh không trả lời?
- Mai em!
- Anh Tân!
Tân chợt thấy một nét khờ dại hiện ra trong đôi mắt mở to của nàng trong đó lấp lánh một niềm đam mê, làm cho người đối diện phải mềm lòng. Tân cảm thấy hơi thở mình dồn dập. Cậu bước tới một bước định mở rộng vòng tay nhưng kịp dừng lại. Cậu vội quay lui, bước nhanh qua buồng ngủ rồi đứng ngay giữa phòng khách. Ánh nắng chói chang từ bên ngoài tràn vào mang theo tiếng người cười nói lao xao. Cậu như vừa bừng tỉnh một giấc mơ. Cậu quay mặt vào trong gọi to:
- Bạch Mai ơi.
- Dạ.
Nàng nhanh nhẹn bước lên, mặt ửng hồng nhưng trong cái nhìn vui tươi không còn nét khờ dại và đam mê vừa qua.
- Bạch Mai.
- Dạ.
- Ngay chiều nay anh dọn về ở bên nầy.
Nàng ngạc nhiên:
- Tại sao vậy? Nhà chưa sửa sang, chưa có đồ đạc gì cả. Anh ở tạm bên em vài hôm nữa đi.
- Không, anh phải qua đây ngay. Em không hiểu lý do à?
Mai cúi mặt, im lặng một chút rồi thở dài:
- Em hiểu, anh sớm qua sống ở đây là phải. Trong thương trường, em là một người biết tính toán hơn thiệt, nhưng trong tình cảm, em là một người đàn bà yếu đuối. Em biết rõ điều đó. Thỉnh thoảng, em cũng có ao ước viễn vông. Tuy nhiên, nhất thiết em phải giữ gìn cho toàn vẹn thiên chức làm vợ và làm mẹ của em. Anh cũng muốn em giữ được thiên chức đó phải không?
Tân gật đầu:
- Dĩ nhiên là anh muốn em giữ được điều đó và anh còn có bổn phận giúp đỡ em nữa. Bạch Mai!
- Dạ.
- Anh muốn nói điều nầy với em. Em cũng hiểu trong bao nhiêu năm, tình yêu của anh đối với em to lớn đến dường nào. Anh sợ tình yêu đó có thể trở lại bùng cháy lúc nào không biết. Vì vậy, chúng ta nên tránh gặp nhau trong khung cảnh riêng tư như thế nầy.
Mai mím môi như muốn ngăn nước mắt. Nàng nói với giọng buồn rầu:
- Em hiểu. Em sẽ không qua đây một mình cho đến khi chị Thùy Liên về sống với anh.
- Bạch Mai!
- Dạ.
- Anh có một điều thắc mắc trong lòng?
- Điều gì vậy, có liên quan đến em không?
- Có. Anh Thế là một người đàn ông đáng quí….
Mai ngắt lời:
- Có phải anh muốn hỏi em sống với anh ấy và có yêu anh ấy hay không?
Tân gật đầu:
- Em thực là một người đàn bà thông minh.
- Chính em cũng đã tự hỏi nhiều lần như thế và đến bây giờ em có thể khẳng định rằng em yêu anh ấy, thực tình em yêu anh ấy, một tình yêu trên nền tảng của một sự tương kính rất hài hòa. Anh Tân, mấy hôm nay, em có một ý nghĩ khá lạ.
- Ý nghĩ gì vậy?
- Trong mỗi người chúng ta có thể hiện diện cùng lúc hai tình yêu. Một tình yêu để sống mà làm tròn nghĩa vụ, và một tình yêu để giấu kín mà tôn thờ.
- Bạch Mai, điều đó đâu có gì là tội lỗi.
Bạch Mai có vẻ mừng rỡ:
- Anh Tân, anh nói như thế là thực lòng phải không? Vâng, em mãn nguyện, không còn phân vân gì nữa.
Nàng cười rất tươi, ánh mắt sắc sảo của nàng nhìn thực ngay thẳng. Nàng nói tiếp:
- Anh định chiều nay qua đây ở thực à? Nhà cửa chưa sửa sang gì cả.
- Không sao, anh sẽ đi mua vật liệu về sơn phết và sửa chữa những nơi cần thiết.
- Mỗi ngày hai bữa, anh sang nhà ăn cơm với gia đình em.
Tân im lặng suy nghĩ một chút rồi đáp:
- Mỗi ngày, anh chỉ qua dùng bữa tối với cả nhà đông đủ và nói chuyện với anh Thế cho vui. Buổi trưa anh ăn qua loa ở đâu đó. Vả lại, khi bắt đầu dạy học thì anh chẳng có thì giờ về nhà bữa trưa đâu.
Bạch Mai gật đầu:
- Anh muốn như thế cũng được. Riêng trưa nay thì anh phải về dùng bữa với ba em nhé.
- Đúng rồi, anh cần phải xin phép bác để về nhà mới chứ.
- Em về trước nấu cơm, anh nhớ qua.
- Được, anh qua ngay bây giờ.

Sau bữa cơm trưa, cậu bắt đầu dọn qua nhà mới. Nói dọn nhà cho to chuyện chứ thực ra cậu chỉ xách cái bao hành trang đi bộ một khoảng ngắn là xong. Khi cậu ra đến cửa thì nghe tiếng Bạch Mai gọi lại:
- Anh Tân, em quên mất là bên đó chưa có giường chiếu gì cả.
- Không sao, anh có cái võng nhà binh trải xuống nền gạch được rồi.
- Không được đâu, anh nằm lạnh, có thể bị bệnh.
Tân cười:
- Em quên rằng anh đã từng lăn lóc ngoài chiến trường rồi sao?
- Ngoài đó khác, trong nầy khác. Em nhớ lúc còn hoạt động cho Việt cộng, các anh có dặn em là nên tránh…., tránh cái từ gì đó mà em quên rồi.
- Gian khổ chủ nghĩa?
- Dạ, phải rồi, tránh gian khổ chủ nghĩa. Khi không cần thiết thì đừng bày ra cái chuyện gian khổ làm gì. Thôi được, anh qua trước mở cửa đi, em sẽ soạn cho một số đồ dùng cần thiết cùng giường bố mùng mền đưa sang cho anh.
Nàng đi mấy bước đến gần Tân và nói nho nhỏ để cho người khác không nghe được:
- Em soạn đồ xong thì sẽ thuê xích lô và chỉ nhà cho họ chở sang bên đó, anh đón lấy. Em không qua đâu, theo lời dặn của anh ban sáng.
Tân cảm động nhìn nàng:
- Bạch Mai, em ngoan lắm.
Nói xong, Tân ra đường và cắm cúi bước về nhà mình. Cậu mở khóa vào nhà, quăng bao hành trang xuống nền gạch bông sạch sẽ. Cậu ngồi xuống mở bao, lôi ra tấm vải màu xanh, trải rộng ra rồi nằm xuống một cách thoải mái.
Cậu nhắm mắt lại và lập tức khung cảnh sáng nay dưới bếp hiện ra, khuôn mặt xinh đẹp, đôi má mịn màng, cặp mắt mở to đầy nét khờ dại lẫn đam mê. Cậu thở ra một hơi dài, nghe lòng tràn ngập yêu thương.
Có tiếng động bên ngoài, Tân nhìn ra thấy một chiếc xích lô vừa đậu lại. Cậu vùng dậy chạy ra phụ với bác phu xe mang vào chiếc giường bố mà cậu nằm mấy đêm rồi, một giỏ cần xé thực to và đầy ắp. Cậu soạn các thứ trong giỏ ra rồi đứng ngẩn ngơ nhìn đủ thứ dụng cụ đủ dùng cho một tiểu gia đình. Cậu xếp các thứ lên kệ bếp, trải chiếc ghế bố ra ở buồng ngủ, cởi áo và quần dài, leo lên nằm một chốc rồi ngủ thiếp đi.
Khi cậu thức dậy thì đồng hồ đeo tay chỉ đúng ba giờ xế trưa. Cậu xuống bếp rửa mặt và nhìn thấy ở xó bếp có một chiếc bàn nho nhỏ. Cậu lôi bàn ra, lau sạch sẽ. Kéo ghế đến gần để ngồi vào. Cậu khoan khoái vì bề cao của bàn và ghế vừa tầm để viết. Cậu lấy giấy bút từ trong túi hành trang ra và nắn nót viết lên đầu trang giấy: “Thùy Liên yêu quí của anh”.
Cậu lầm thầm đọc lại dòng chữ đó một cách âu yếm như người yêu đang có mặt thực sự. Nguồn cảm hứng dâng lên lai láng, cậu cúi xuống cắm cúi viết, dòng nối tiếp dòng, trang nối tiếp trang. Cậu kể những nơi đã qua, những người đã gặp, những may mắn đã thu nhặt được trong những ngày vừa qua. Đến khi mô tả xong một cách tỉ mỉ căn phố mà cậu mua được với số tiền mà Bạch Mai cho mượn, cậu ngẩng lên nhìn ra ngoài thấy nắng vàng chỉ còn sót lại trên những đọt cây cao. Cậu nói thầm:
- Sắp đến giờ cơm rồi. Có lẽ thiếu tá Thế đã về và đang tắm rửa.
Cậu cúi xuống viết tiếp và kết thúc lá thư khá dài.
Tân xếp những tờ giấy viết xong, cho vào phong bì, vừa vặn đúng lúc thiếu tá Thế khoát tay Mai bước vào. Thế nắm chặt hai vai của Tân, giọng vui vẻ:
- Mừng anh có một ngôi nhà nhỏ và xinh.
Nói xong, anh nhìn quanh căn phòng khách trống trơn. Bạch Mai âu yếm níu lấy cánh tay của chồng:
- Vâng, căn phố nầy xinh xắn và lịch sự lắm nhưng tiếc là hơi hẹp.
Nàng cao giọng:
- Nhưng không sao. Anh Tân và chị Thùy Liên cùng ra sức làm việc và tằn tiện ít lâu thì cũng đủ sức cơi lầu lên.
Tân cười:
- Chỉ có hai người thôi thì cơi lầu làm gì?
Bạch Mai quay hẳn người lại:
- Sao lại hai người. Chị Thùy Liên về đây với anh rồi vài năm sau có năm bảy đứa con là phải cơi một lúc nhiều lầu mới đủ.
Thế cười to:
- Cô chỉ giỏi tài xúi người khác. Sao cô không làm như thế trước đi.
Bạch Mai đỏ mặt quay lại đấm vào lưng chồng:
- Nói bậy, với anh thì bao nhiêu đó đủ rồi.
Thế quay sang Tân, vừa cười vừa nói theo điệu phân trần:
- Đó anh xem, cứ nói chuyện đẻ thêm con là cô ấy dẫy nẩy lên. Mới có hai đứa mà đã sợ sắc đẹp tàn phai rồi. Thực có vợ đẹp cũng khổ vì bị hạn chế.
Bạch Mai tiếp tục đấm thùm thụp vào lưng chồng:
- Lại nói bậy nữa rồi, không biết xấu hổ. Ai hạn chế anh? Anh nói bậy làm cho anh Tân hiểu lầm rồi e ngại chị Thùy Liên vì chị Liên mới đích thị là vợ đẹp.
Tân cười vui vẻ:
- Sao Bạch Mai biết Thùy Liên đẹp. Tôi chưa hề mô tả Thùy Liên với Bạch Mai mà.
- Khỏi mô tả. Em biết tầm mắt anh hướng về người nào thì người đó ắt phải thuộc về loại “chim sa, cá lặn”.
- Không, Bạch Mai lầm rồi, chính anh Thế mới có khả năng hướng tầm mắt như thế.
Thiếu tá Thế cười rất phấn khởi:
- Anh Tân nói đúng, tôi mà hướng tầm mắt vào ai thì người đó hết chỗ chê. Xem đây.
Anh đột ngột cúi xuống nhìn mặt vợ rồi bất ngờ hôn đánh chụt một cái vào má. Bạch Mai đẩy chồng ra:
- Anh kỳ lắm, trước mặt người khác mà không nghiêm túc tí nào.
Thế cười:
- Thôi được rồi, trước mặt người khác thì phải nghiêm túc. Tối nay không có ai thì tôi chả phải nghiêm túc đâu nhé.
Mai đỏ mặt, vùng vằng:
- Đàn ông các anh cứ gặp nhau là nói bậy, nói bạ. Em không muốn nghe nữa đâu.
Nàng nói xong, bước vội ra cửa bỏ về một mình. Hai người đàn ông còn lại, đứng nhìn nhau cười. Tân vỗ nhẹ vào cánh tay của Thế:
- Tôi muốn nói với anh câu nầy, một câu xét ra đã quá trễ.
- Câu gì? Trễ cũng không sao, anh cứ nói đi.
- Tôi muốn chúc mừng hạnh phúc của anh với Bạch Mai. Lời chúc mừng “trễ” gởi đến vợ chồng anh.
Thế đáp lại:
- Cám ơn anh. Tôi cũng chúc mừng cho hạnh phúc của anh với Thùy Liên. Lời chúc mừng “sớm”, gởi đến vợ chồng anh.
Hai người bạn cười ha hả. Thế nói:
- Thôi chúng mình về nhà dùng cơm. Tôi đi trước, anh khóa cửa đi sau nhé.
Thế nói xong, ra khỏi nhà. Cậu đứng nhìn theo, lòng cảm thấy rộn vui vì sự đầm ấm của hai vợ chồng bạn. Cậu nghĩ đến Thùy Liên và thấy lòng ngây ngất vì nỗi mơ ước cho tương lai.
Tân khóa cửa và thong thả bước về hướng nhà Bạch Mai. Trên đường đi, cậu thấy tiệm bán vật liệu xây dựng còn mở cửa nên ghé vào. Cậu hỏi giá một vài dụng cụ và vật liệu mà cậu định sáng mai mua để tự tay sửa sang nhà cửa của mình.
Cậu ra khỏi tiệm và thẳng về nhà Bạch Mai. Cửa nhà đã đóng, chỉ chừa một khe hở. Tân nghiêng mình lách vào. Cậu nghe dưới bếp có tiếng cười nói vui vẻ nên đi thẳng xuống.
Bạch Mai đang đứng trong bếp, đôi đũa trong tay. Thế ngồi trên ghế cao, hai chân đong đưa một cách thoải mái. Tân đoán hai đứa bé đang chơi trên phòng ông ngoại. Trên đó có chiếc máy truyền hình.
Bạch Mai nói to:
- Anh Tân về tới rồi kìa. Anh Tân, anh mời dùm cái ông thiếu tá nầy ra phòng trước để nói chuyện đi. Không biết hôm nay ông ấy gặp cái gì trong sở làm mà về nhà cứ theo chọc ghẹo em hoài. Ông ấy nói chuyện bậy bạ quá làm em vừa bực mình vừa tức cười, suýt làm cháy cá đang chiên trên bếp. Đúng là kẻ phá hoại.
Thế cãi lại:
- Anh Tân, anh đừng nghe lời tố cáo xằng bậy của Bạch Mai. Anh ngồi xuống đây nghe chúng tôi nói chuyện với nhau để học cách làm vợ làm chồng. Vợ chồng mà không nói chuyện bậy bạ thì không thể nào tìm được hạnh phúc. Thánh nhân đã dạy như thế.
Bạch Mai vội quay lui, hai tay chống lên hông, nét mặt ửng hồng, sừng sộ, trông thực đáng yêu:
- Thánh nhân nào mà xúi người ta nói bậy tục tĩu. Quỉ sứ trong tổng tham mưu dạy anh thì có.
Thế cười hì hì, tiếp tục trêu chọc:
- Em đừng nói như vậy. Tổng tham mưu dẫy đầy tướng tá trong đó, quỉ sứ không dám vào đâu.
- Thế thì mấy ông tướng, ông tá trong đó có nói bậy như anh không?
- Ít thôi, chỉ vừa đủ để anh tôn làm sư phụ.
- Trời đất!
Có tiếng dép đi lẹp xẹp ở đầu cầu thang. Bác Tư dẫn hai cháu đi xuống. Mai nhìn chồng:
- Ba xuống đó. Anh có ngon thì tiếp tục ăn nói bậy bạ đi.
Bác Tư đã xuống lưng chừng cầu thang. Bác nhìn xuống hỏi:
- Các con bàn chuyện gì mà cười nói vui vẻ vậy?
Thế làm mặt nghiêm trả lời:
- Tụi con đang bàn chuyện hoàn toàn nghiêm túc ba ạ.
Bạch Mai lườm chồng rồi quay sang cha:
- Phải rồi, anh Thế nói chuyện rất nghiêm túc. Cả đời anh chưa hề biết nói một câu nào bậy bạ cả. Anh ấy hiền lành và đứng đắn hơn cả quỉ sa tăng nữa ba ạ.
Thế và Tân ôm bụng, gập người lại mà cuời.



*
* *


Tân đứng thẳng người đưa hai tay lui sau, nắm lại đấm mấy cái vào lưng. Tuy mỏi rừ nhưng cậu thấy khoan khoái khi nhìn ngắm kết quả của mấy ngày lao động cật lực. Mấy bức vách trông nõn nà dưới lớp nước vôi xanh phơn phớt, những cánh cửa gỗ sạch sẽ với màu sơn xanh đậm. Cả căn nhà trông mới hẳn ra. Hai ngày làm việc một mình đầy hứng thú, luôn với ý nghĩ Thùy Liên sẽ thích chỗ nầy chỗ nọ, nơi nầy nơi kia.
Cậu dọn dẹp mọi thứ cho gọn gàng, tắm rửa sạch sẽ rồi mặc áo quần sang nhà Bạch Mai. Bữa cơm tối đã chuẩn bị xong, mọi người quây quần chung quanh. Thiếu tá Thế nói với Tân:
- Khi chiều tôi ra sở sớm, ghé tìm anh Quảng, bạn tôi, tại trường của anh ấy.
Tân mừng rỡ:
- Anh có gặp bạn anh không?
- Có, công việc rất thuận lợi. Sau khi tôi trình bày hoàn cảnh của anh, anh Quảng tỏ ra sốt sắng nhưng bảo rằng rất đáng tiếc vì trường vừa khai giảng xong. Có lẽ thấy vẻ mặt tôi buồn nên anh Quảng cho biết trường đang thu nhận thêm học sinh để thành lập vài lớp nữa và số giáo sư cũng đã dự trù gần xong. Tôi cố trình bày hoàn cảnh rất đáng giúp đỡ của anh và chỉ sau khi tôi nói rõ anh đã từng chiến đấu và bị thương ngoài chiến trường thì anh Quảng đổi ý, muốn gặp anh càng sớm càng hay để bàn chuyện hợp tác lâu dài. Ngay sáng mai, anh nên đến gặp anh ấy đi.
- Vâng, cám ơn anh, sáng mai tôi sẽ đi.
Sau bữa cơm, Tân đùa giỡn với hai đứa bé một lúc rồi về nhà.
Sáng hôm sau, cậu dậy sớm, “diện” bộ áo quần tốt nhất và đến trường theo địa chỉ mà thiếu tá Thế đã cho.
Cậu hồi hộp bước vào văn phòng và được ông hiệu trưởng tiếp đón một cách ân cần. Sau khi cậu tự giới thiệu xong, ông hiệu trưởng nói:
- Tôi nghe anh thiếu tá Thế giới thiệu anh đã tốt nghiêp đại học sư phạm và đã thi hành xong quân dịch. Trước khi đi lính, anh dạy ở trường nào?
Tân lắc đầu:
- Vừa mới ra sư phạm là tôi được gọi nhập ngũ ngay, nên chưa đi dạy ở đâu cả.
Ông hiệu trưởng có vẻ hơi ngạc nhiên. Sau một phút im lặng, ông nói với giọng khá dè dặt
- Anh chưa hề đứng lớp thực à? Thế thì hơi khó. Ở trường tư, giáo sư cần có kinh nghiệm.
Tân cảm thấy tự ái mình bị xúc phạm:
- Nhưng tôi đã được đào tạo chính qui trong trường sư phạm, tôi đã được thực tập nhiều ở các trường trung học và được đánh giá tốt.
Ông hiệu trưởng nhỏ nhẹ:
- Xin lỗi anh, nếu tôi đã làm cho anh phật lòng. Tuy nhiên tôi cũng cần trình bày với anh vài điều cần thiết trong việc dạy trường tư để khi bắt đầu công việc anh không gặp khó khăn. Thành thực mà nói, tôi không hề nghi ngờ khả năng dạy dỗ của các giáo sư tốt nghiệp đại học sư phạm. Khả năng của các anh đã quá đầy đủ để dạy trường công nhưng chưa hoàn toàn đầy đủ để dạy trường tư.
Tân càng thấy khó chịu hơn:
- Thế thì trường công và trường tư có mục đích giáo dục khác nhau à?
Giọng ông hiệu trưởng vẫn ôn tồn:
- Không, tôi không bảo thế. Mục tiêu giáo dục, chương trình học vẫn là một. Đường hướng phát triển tư duy và kiến thức nơi các em cũng là một. Được đào tạo ở trường công hay trường tư, sau nầy các em cũng trở thành người công dân tuyệt đối bình đẳng trong xã hội.
- Thế thì tại sao giáo sư dạy ở hai trường phải có khả năng khác nhau?
- Điểm khác nhau là thế nầy. Trường công thì hoàn toàn miễn phí nên khi đến trường, các em có tâm trạng của những kẻ nhận được ân huệ của xã hội và sẵn sàng thu nhận một cách vô điều kiện tất cả những điều dạy dỗ của thầy cô. Trong khi đó học sinh trường tư thì phải đóng tiền hàng tháng để nhà trường thuê các thầy cô đến dạy. Vì vậy, các em đến trường và nhìn thầy cô với cặp mắt không hoàn toàn giống với học sinh trường công.
Tân gần như mất hết kiên nhẫn:
- Như vậy, chúng tôi đến dạy trường tư như những kẻ làm thuê mà bổn phận đầu tiên là phải làm vừa lòng các cậu ấm cô chiêu?
Ông hiệu trưởng khoát tay:
- Không phải thế. Anh hãy bình tĩnh nghe tôi trình bày. Trường công hay trường tư đều phải thực hiện đầy đủ mục tiêu giáo dục mà quốc hội và bộ giáo dục đề ra và đều đòi hỏi thành phần giảng dạy phải có đủ kiến thức và khả năng truyền đạt. Tuy nhiên, vì sự khác nhau về tâm lý của hai nhóm học sinh mà tôi vừa trình bày, khả năng truyền đạt đòi hỏi nơi giáo sư cũng khác nhau đôi chút. Đến trường công, người thầy chỉ cần là một nhà truyền giáo nghĩa là có đủ lời hay ý đẹp là đủ. Đến trường tư, người thầy vừa là nhà truyền giáo, vừa phải là một nghệ sĩ biết cách làm cho người khác chịu thu nhận lời hay ý đẹp của mình. Theo tôi, khả năng sư phạm của một giáo sư trường tư phải cao hơn một giáo sư trường công nếu muốn đạt cùng hiệu quả nơi học sinh.
Tân vẫn ngồi yên, nét mặt khá lạnh lùng. Ông hiệu trưởng nói tiếp:
- Tôi biết anh khó chấp nhận điều đó một cách thoải mái vì trường sư phạm không hề đề cập đến và hơn nữa, anh là một quân nhân, với bản tính cương trực và ngay thẳng, khó hình dung được những điều lắc léo trong các nghề nghiệp dân sự.
Ông hiệu trưởng ngưng lại, rót nước mời Tân rồi nói tiếp:
- Anh nên suy nghĩ những điều tôi nói. Hơn một tháng nay, tôi phải liên tục từ chối nhiều người đến xin dạy. Nhưng tôi muốn anh hợp tác với chúng tôi. Lý do thứ nhất là anh được thiếu tá Thế giới thiệu. Thế là người bạn cố tri mà tôi rất kính mến. Anh Thế mong muốn anh có giờ dạy trường tư để bắt đầu khai thông cuộc sống khi trở về đời dân sự. Ý muốn của anh ấy thì cũng là ý muốn của tôi vì tôi vẫn muốn tỏ lòng biết ơn các chiến sĩ. Lý do thứ hai, anh là một sĩ quan xuất ngũ, làm công tác giáo dục rất thuận lợi.
Tân ngạc nhiên:
- Người cầm phấn và người cầm súng thì có liên can gì với nhau?
- Có chứ. Anh không nhớ rằng chúng ta đang ở vào thời chiến sao? Trong xã hội nầy, có giới nào được nể trọng bằng sĩ quan. Anh bước vào lớp với tư cách là một cựu sĩ quan, đã từng lăn lóc ngoài chiến trường thì rất thuận lợi đối với tâm lý của các em. Ngoài ra, anh đã thi hành xong quân dịch thì nhà trường không phải lo mất giáo sư một cách đột ngột vì bị gọi nhập ngũ như những người khác. Bây giờ, có lẽ anh hiểu rõ vấn đề rồi. Xin anh cho biết ý kiến.
Tân ngập ngừng:
- Xin ông hiệu trưởng cho tôi suy nghĩ một ngày.
Ông hiệu trưởng tươi cười:
- Vâng, anh hãy suy nghĩ về những điều tôi nói đi. Nếu đồng ý hợp tác thì một hay hai hôm nữa, anh trở lại đây, mang theo bản sao bằng tốt nghiệp Sư phạm và chứng chỉ giải ngũ. Tôi cũng xin thưa cho anh rõ là nếu anh đồng ý hợp tác thì hãy gắn bó với trường. Tôi sẽ dần dần thu xếp cho anh một số giờ sao cho thù lao của anh ở đây tối thiểu cũng bằng lương trường công của anh. Bây giờ, xin tạm biệt, mong gặp lại.
Tân ra về, lòng cảm thấy không được hào hứng như lúc ra đi. Cậu đi bộ loanh quanh nhiều đường phố, ghé vào một quán cơm trưa rồi chui vào rạp xi nê thường trực Lê Lợi, vừa coi phim vừa ngủ những giấc ngắn và gián đoạn cho đến chiều. Cậu đi bộ xuống bến tàu rồi trở về nhà thì trời tối hẳn, đường phố lần lượt lên đèn. Trong nhà, cơm đã dọn sẵn, mọi người chờ đợi cậu về.
Vừa thấy cậu bước vào, Bạch Mai reo lên:
- Anh Tân về rồi kìa. Anh Tân, có thư của chị Thùy Liên.
Chưa kịp hết câu, nàng đã chạy vào buồng và lấy ra một phong thư trong tay:
- Nè, thơ dày cộm như một tập hồ sơ.
Thiếu tá Thế vừa cười vừa nói:
- Thư của cô Liên gởi cho anh Tân dĩ nhiên phải dày rồi. Em biết tại sao không?
- Tại sao?
- Vì có chứa một ngàn cái hôn trong đó, không dày sao được.
Bạch Mai lườm chồng:
- Chuyện đó thì thiếu tá rành hơn cả chuyện nhà binh của thiếu tá nữa. Đây, thư của người đẹp đây. Nhưng khoan, tí nữa, ăn cơm xong, anh Tân mới được bóc ra. Bây giờ, anh hãy cho biết sáng nay anh có gặp ông hiệu trưởng không? Nhận được bao nhiêu giờ dạy?
Tân im lặng một chút rồi thong thả trả lời:
- Tôi có gặp rồi. Ông ấy tỏ ra rất nhiệt tình vì tôi đã được anh Thế giới thiệu đến. Tuy nhiên, chuyện dạy dỗ thì chưa xong.
Bạch Mai tỏ vẻ lo lắng:
- Tại sao vậy? Trường không còn giờ cho anh dạy à.
- Không phải vậy, chính tôi không muốn nhận.
Thế ngẩng lên nhìn với đôi mắt ngạc nhiên:
- Sao vậy anh Tân?
Tân lưỡng lự:
- Hơi khó giải thích. Đại khái là thế nầy. Đối với học sinh trường tư, ông thầy không có vị thế đích thực của ông thầy mà gần như là một kẻ làm công cho những người chủ nhỏ thôi. Tôi không thích điều đó. Thà chịu nghèo khổ với đồng lương trường công cũng được.
Bạch Mai hốt hoảng:
- Anh Tân, anh không nên suy nghĩ như thế. Do chiến tranh phá hoại của Việt cộng, nền sản xuất của chúng ta bị đình đốn, đồng tiền cứ sụt giá đều đều, riêng cái lương công chức thì khó cầm cự được với cuộc sống. Hơn nữa, anh mới vừa được rời quân ngũ với hai bàn tay trắng. Anh cần có tiền để bắt đầu gầy dựng cuộc sống của anh.
Tân đáp với giọng chán nản:
- Cám ơn Bạch Mai. Tôi cũng hiểu đời sống rất khó khăn. Tuy nhiên, điều gay go cho tôi là kể từ khi bước chân vào trường sư phạm, tôi đã hết sức tôn trọng cái nghề dạy học của mình và tôi muốn ai cũng tôn trọng nó.
Bạch Mai thở dài:
- Em biết anh là người đam mê lý tưởng. Ngày xưa anh theo Việt cộng cũng vì sự đam mê đó. Những năm chinh chiến càng làm cho sự đam mê đó cứng nhắc hơn.
Tân mỉm cười:
- Ông hiệu trưởng cũng có nhận xét gần như thế.
Bạch Mai nói tiếp:
- Những người đam mê lý tưởng thì phải chịu khổ suốt đời. Em không muốn anh phải cam chịu số phận đó. Hơn nữa, anh là người có tài. Em chắc chắn anh sẽ là một giáo sư giỏi. Đất nước mình đang chiến tranh, chi phí quốc phòng quá lớn nên ngân sách không đủ để trang trải phí tổn cho chuyện học của tất cả con em mình. Vì vậy một số khá lớn trẻ em phải học trường tư. Nếu tất cả giáo sư có tài có đức như anh từ chối trường tư thì quả thực là một điều rất đáng phiền trách và đáng thương cho những em học sinh đó.
Thiếu tá Thế vỗ tay:
- Hoan hô, anh không ngờ cô vợ bán tạp hóa của anh lại lý luận về chuyện xã hội hay như một lý thuyết gia vậy.
Bạch Mai mỉm cười và rất hứng thú vì lời khen của chồng. Nàng nói tiếp:
- Có lẽ anh ghét dạy trường tư vì ở đó giáo sư phải lấy lòng học sinh thì mới được hiệu trưởng tin dùng. Có phải vậy không?
Tân gật đầu:
- Gần đúng như thế. Tôi sợ có lúc phải làm trò hề để cho học sinh vui lòng. Nếu như thế thì là một trò giả dối thực thô bỉ!
- Không phải vậy đâu. Muốn trụ được trong xã hội nầy thì nghề nào cũng cần sự khôn khéo. Khôn khéo đâu phải là điều giả dối đáng phỉ nhổ. Như nghề buôn bán của em đây chẳng hạn. Cần khôn khéo nhưng không dối gạt ai, nghĩa là vẫn giữ được đạo đức của mình. Hàng ngày em phải tiếp những người khách đáng ghét. Họ cầm món hàng rồi chê bai một cách cực kỳ phi lý nhưng em vẫn phải lịch sự và tươi cười với họ, nhờ đó em thành công trong thương trường. Anh có cho rằng tươi cười và lịch sự với những khách hàng đáng ghét đó là giả dối, vô đạo đức không?
Một lần nữa thiếu tá Thế vỗ tay đôm đốp:
- Ha ha, lý luận như thế thì nhất định ông giáo sư phải thua cô bán hàng rồi. À, nói chuyện bán hàng làm tôi nhớ lại câu chuyện chiều hôm qua ở tổng tham mưu.
Bạch Mai quay sang nhìn chồng:
- Ở tổng tham mưu cũng có chuyện bán hàng à? Hay là trong đó cũng có tiệm tạp hóa với một cô bán hàng xinh xắn?
- Thôi đi, người đẹp đừng có bày đặt ghen tương vớ vẩn. Câu chuyện ở tổng tham mưu thế nầy. Sư đoàn Một vừa mới bắt sống được một sĩ quan miền Bắc. Mới vượt qua sông Bến hải để xâm nhập vào Nam là cu cậu bị thộp cổ liền. Tổng tham mưu yêu cầu quân đoàn Một đưa vào để tình báo trung ương khai thác tin tức. Anh chàng nầy là một chính trị viên.
Mai hỏi:
- Chính trị viên là cái gì?
- Chính trị viên còn gọi là chính ủy. Đó là bí thư đảng bộ của đơn vị; đó là cha, là ông nội của cả đơn vị, kể cả đơn vị trưởng.
Mai le lưỡi:
- To nhỉ, chắc thuộc thành phần bần cố nông?
- Đúng vậy, anh ta là bần cố nông chính cống, đảng viên kỳ cựu và đã bị đảng ta khoét bỏ cả hai tai và hai mắt.
Bạch Mai xì một tiếng:
- Thôi đi, anh nói gì mà ghê vậy?
Tân cười và giải thích:
- Anh Thế nói theo nghĩa bóng đó. Anh bần cố nông đó bị đảng che dấu mọi sự thực.
Thế cũng cười theo và tiếp tục câu chuyện:
- Anh ta cứ đinh ninh rằng trong Nam nầy bị Mỹ bóc lột một cách tàn tệ, nghèo đói cho đến đỗi không có cơm mà ăn cho no bụng, không có áo mà mặc cho đủ ấm, nhiều gia đình hai vợ chồng phải dùng chung một cái quần.
Bạch Mai bụm miệng cuời:
- Có lẽ cái quần đó phải rộng lắm.
Thế cười to:
- Không phải hai người cùng lúc chui vào một cái quần đâu. Nếu được như vậy thì anh cũng tình nguyện sống như thế suốt đời.
Mai đỏ mặt:
- Anh cứ tìm dịp để nói bậy cho sướng miệng. Thôi anh kể tiếp đi.
- Dùng chung một cái quần, có nghĩa là chồng muốn đi ra ngoài thì vợ phải trốn trong buồng và ngược lại. Miền Nam nghèo đến như thế đó. Nghe tên sĩ quan Bắc Việt khai như vậy, đại tá Thạch ở phòng tình báo hỏi nó có tin không thì nó gật đầu. Lúc đó, đại tá mới nảy ra sáng kiến chở hắn đi một vòng cho biết đời sống của xã hội miền Nam. Từ khi bị bắt đến giờ nó luôn luôn bị giam kín. Đại tá sai lính đi tìm cho nó một bộ áo quần dân sự. Đại tá và một số sĩ quan cũng mặc thường phục rồi cùng đi với nó. Cả đoàn đến chợ Bến thành thì xuống xe. Nó cứ trố mắt ra nhìn. Đại tá cho nó đi dọc theo đường Lê Lợi, qua Nguyễn Huệ và Tự do, ghé vào một vài tiệm để xem người ta mua bán. Nó vừa đi vừa thở hào hển và trố mắt nhìn trông đến tội nghiệp. Sau cùng, đại tá dẫn nó vào một tiệm ăn ở Chợ Cũ đãi nó một bữa thịnh soạn. Trông thấy cái cách nó ăn, nghĩ mà xót xa cho cả mười mấy triệu đồng bào của mình ở miền Bắc. Khi trở về tổng tham mưu, nó thú thực không thể nào ngờ miền Nam là như thế được. Nó tưởng rằng chỉ có Mát cơ va của Liên xô mới được vậy. Nó bảo chưa đến Mát cơ va lần nào nhưng chỉ tưởng tượng theo sự mô tả của đảng mà thôi. Nó thắc mắc không hiểu hàng hóa nhiều như thế thì bán cho ai. Khi được nghe giải thích rằng ai cũng có thể mua và mua bao nhiêu cũng được, nó lắc đầu không thể nào tin nổi. Ở miền Bắc của nó, có tiền, muốn mua một cái vỏ xe đạp cũng gay go lắm. Tội nhất là nó nói cảm tưởng về cái tiệm ăn mà nó được dẫn vào. Nó nói tại sao trong Nam, người ta lễ phép với khách hàng đến thế. Ở miền Bắc Xả hội chủ nghĩa của nó thì cửa hàng nào cũng là của nhà nước, gọi là quốc doanh, và đâu đâu cũng có kẻ khẩu hiệu “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, nhưng khi tới cửa hàng khách bị đối xử chẳng hơn gì ăn mày. Mấy nhân viên bán cửa hàng quốc doanh thì xấc láo; chúng là đảng viên hay con cháu đảng viên mới chui vào được cửa hàng quốc doanh để tìm cách đục khoét. Nó thú thực là lúc còn ở ngoài Bắc, nó tin theo lời nói của đảng và tưởng rằng miền Nam nghèo khổ hơn miền Bắc nhiều lắm nên nó động lòng thương, quyết vào giải phóng miền Nam để đồng bào ruột thịt trong nầy cũng được như đồng bào miền Bắc!
Nói đến đây, Thế dừng lại thở dài. Bạch Mai nói:
- Anh kể chuyện nghe cảm động lắm, nhưng chuyện đó có liên can gì đến chuyện dạy học của anh Tân đâu.
- Vui miệng thì anh kể như thế. Vả lại chuyện đó cũng có liên can chút ít đến giáo dục. Cái trình độ văn hoá của bất cứ thành phần nào trong xã hội cũng đều là kết quả của nền giáo dục. Cứ so sánh riêng thái độ những người bán hàng của hai miền cũng rõ. Ở miền Nam, người bán hàng biết tôn trọng con người, khác hẳn với miền Bắc. Đó chính là một biểu hiện của nền văn hóa xã hội để có thế kết luận rằng nền giáo dục miền Nam tốt hơn miền Bắc không biết chừng nào mà kể. Thế mà nền giáo dục miền Nam phải gồm cả trường công và trường tư. Cả hai khối đó đều cần sự hợp tác của những người tốt như anh Tân.
Bạch Mai gật đầu hài lòng:
- Anh Tân nên theo ý kiến của vợ chồng chúng em nghe anh.
Tân mỉm cười cui vẻ:
- Vâng, anh Thế và Bạch Mai có lòng tốt với tôi đến thế thì tôi không thể nào làm khác ý kiến của hai bạn được.
Bữa cơm chấm dứt từ lâu rồi, Tân kiếu từ ra về với phong thư dày cộm trong tay. Cậu vào nhà, tắm rửa sạch sẽ và bóc thư ra đọc:
Anh yêu,
Anh về Sài gòn rồi thì ngay ngày hôm sau, em đã bắt đầu mong thư anh. Em mong ngày một ngày hai, em mong buổi sáng buổi chiều. Ngày lại qua ngày, em không phải buồn nữa mà bắt đầu giận anh. Mỗi ngày qua là em giận anh thêm một chút. Chúa nhật vừa rồi, quân y viện phân công em xuống trực ở phòng sĩ quan cấp úy, em tìm cách đổi cho người khác để khỏi bước vào cái phòng mà anh đã từng dưỡng bệnh, khỏi phải trông thấy cái giường mà anh đã nằm trên đó cho em săn sóc. Em giận anh ghê gớm như thế đó. Em nhất định nếu nhận được thư anh thì em không thèm đọc mà nhờ bưu điện trả lại cho người gởi. Em vừa quyết định như thế lại vừa lo sợ không bao giờ nhận được lá thư để mà trả lại cho người yêu.
Cuối cùng, bác quân bưu cũng đến nhét vào tay em một phong thư. Nhìn tên anh ở phía trên bì thư, em vội cám ơn bác bưu tá rồi chui ngay vào phòng thay áo quần. Em sợ không kềm được nỗi hờn dỗi mà bật khóc trước mặt mọi người thì sẽ ra sao? Em cầm phong thư trong tay và sực nghĩ ra rằng có lẽ anh không hề biết em chờ mong tin tức của anh. Cho đến nay, cuộc đời anh là một chuỗi dài những ngày tháng cô đơn, đi không ai đưa, về không ai đón, vắng mặt chẳng ai mong. Như vậy anh làm sao hiểu được tâm trạng của người mong tin anh. Anh chẳng có lỗi gì cả và thực đáng thương, em nỡ nào giận anh, oán trách anh. Em đưa lá thư của anh áp vào mặt và hai giọt nước mắt của em in lên đó. Em khóc, không phải vì giận nữa, mà vì thương anh. Em lau khô nước mắt rồi lẻn xuống quán, bóc thư ra, đọc một mạch từ đầu đến cuối.
Càng đọc em càng vui mừng. Hôm anh chia tay em để về Sài gòn, em biết mọi người sẽ tử tế với anh vì anh là người về từ tiền tuyến, nhưng em không ngờ người ta tốt với anh đến cái mức mà anh mô tả trong thư. Tấm lòng người hậu phương thực đẹp. Cả miền Nam của chúng mình đều thực đẹp phải không anh? Cảm động nhất là tấm lòng của chị Bạch Mai đối với anh. Bây giờ em mới hiểu rõ tại sao lúc ấy, trong phòng hồi sinh, vừa mới tỉnh dậy, anh đã thều thào gọi tên của chị ấy nhiều lần.
Anh Tân, tại sao anh dặn em đừng hiểu lầm mà có ý ghen với chị Bạch Mai sau khi anh kể lòng tốt của chị đối với anh? Không đâu, anh đừng lo, em hiểu anh; với chị Bạch Mai em chỉ có lòng kính phục chứ không thể chen vào sự ghen tuông nhỏ mọn được.
Thế là sau cùng, nhờ lòng tốt của chị Bạch Mai mà anh có được cái nhà, đích thực là cái nhà của riêng hai đứa chúng mình sau nầy. Anh bảo bao nhiêu năm rồi làm thân “gitan” lang thang nơi nầy đến nơi nọ nên khi cầm bút ký vào bản xác nhận quyền sở hữu, anh cứ tưởng là chuyện đùa. Rồi đến khi đứng trong căn nhà của anh, anh không thể nào nhét vào đầu cái cảm tưởng rằng đó thực sự là căn nhà của anh. Em nhắc lại đoạn thư trên đây mà anh đã viết vì em hết sức xúc động bởi tâm trạng đáng thương đó của anh và ngày hôm sau em cũng đã kể nguyên tâm trạng nầy cho chị Hai của em nghe. Em thương yêu anh vô ngần. Em phải ngưng đọc một lát để cố ngăn nước mắt vì em đang ngồi trong quán giải khát và có nhiều thương binh đang chăm chú nhìn em.
Sau cùng thì em cũng đã đọc hết lá thư của anh. Đọc đến câu cuối em quá ngượng khi anh bảo hôn em đến một ngàn cái. Anh yêu, đừng hôn em nhiều quá, em sợ bỏ chạy mất nghe anh.
Bây giờ thì em bắt đầu kể chuyện dưới nầy cho anh nghe nhé. Buổi chiều, chúng mình gặp nhau trên bến Ninh kiều, anh và em đã thú nhận yêu nhau, em đã trao bàn tay bé nhỏ của em để anh nắm trong bàn tay sạm nắng của anh, em đạp xe về nhà mà có cảm tưởng như đi trên mây. Suốt đêm đó, em không ngủ được vì cứ nghĩ đến bàn tay anh nắm chặt tay em, nghĩ đến những ngày sắp tới của tình yêu chúng mình. Sáng dậy, em lo sợ mắt bị quầng thâm vì mất ngủ nên vội nhìn vào gương soi và yên tâm thấy mặt em vẫn sáng sủa như mọi ngày.
Buổi chiều, đi làm về, em qua nhà chị Hai ngay.
À, em quên chưa giới thiệu với anh những người thân trong gia đình em. Em phải ngưng kể chuyện để làm công việc đó trước đã.
Ba của em năm nay sáu mươi mốt tuổi. Ông là công chức của ty công chánh, mới về hưu năm ngoái. Má em nhỏ hơn ba em năm tuổi, suốt đời làm nội trợ. Nhà có bốn chị em. Chị Hai lớn hơn em đến bảy tuổi, có chồng và hai con. Chị Hai là công chức ty thuế vụ còn anh Hai là trung sĩ Hải quân làm việc ở bộ chỉ huy giang thuyền tại Cần thơ. Nhà anh chị cũng ở Bình thủy, chỉ cách nhà ba má em độ nửa cây số thôi. Má kể rằng, khi sinh được hai đứa con gái là chị Hai và em thì má muốn ngưng vì thời buổi chiến tranh nuôi dạy con rất khó khăn, nhưng ba không chịu nhất định đòi cho có con trai. Ba dọa nếu má không chịu thì ba đi kiếm nơi khác. Má sợ nên phải chiều ý ba, không ngờ chiều hơi thái quá, sinh hai cậu con trai liền năm một, bây giờ mới học đến lớp đệ tứ và đệ ngũ mà thôi. Khổ chưa? Vì vậy về hưu rồi, ba vẫn phải tiếp tục bươn chải làm việc. Cũng may, ba là kỹ sư công chánh, có tay nghề khá nên hùn hạp với một người bạn mở xưởng thầu xây dựng, do đó đời sống vật chất của gia đình cũng dễ chịu.
Bây giờ, em trở lại chuyện em đến nhà chị Hai nhé.
Anh yêu, có lẽ anh đã biết lý do em đến nhà chị Hai rồi phải không? Em đến tìm chị để “thú tội” rằng đã yêu anh, và đã để cho anh nắm tay ngoài bến Ninh kiều. Em đã trưởng thành, có nghề nghiệp đàng hoàng, nhưng ở trong gia đình, em vẫn cảm thấy rằng mình còn rất bé bỏng. Từ nhỏ, ba thương em nhất nhà nhưng lại có vẻ nghiêm khắc nên em không bao giờ tâm sự với ba. Má thì không nghiêm khắc, thích chiều chuộng em nhưng mấy năm rồi, má tỏ ra thương anh Tạo lắm và cho đến bây giờ vẫn qua lại thân mật với ba má anh Tạo. Vì vậy, em ngại “thú tội” với má. Em tìm đến chị Hai nhưng cũng rất hồi hộp vì chị Hai cũng thương anh Tạo và cũng thân mật với gia đình anh ấy.
Chị Hai vừa về đến nhà chưa kịp thay quần áo thì đã thấy em đẩy xe vào cổng. Chị chạy ra nắm tay em lôi vào nhà. Chị nhìn em từ đầu đến chân rồi hỏi:
- Em từ sở ra, chưa về nhà phải không? Đến đây chơi hay có việc gì?
Em im lặng chưa tìm được câu nhập đề thích hợp thì chị nhìn thẳng vào mắt em và tiếp tục hỏi, nghe có vẻ sốt ruột:
- Có chuyện gì vậy Liên? Chuyện quan trọng phải không?
Có lẽ mặt em hơi biến đổi khác ngày thường, làm chị lo lắng. Em đành vào thẳng vấn đề. Em nói với chị rằng em có người yêu và em vừa tâm sự với người yêu chiều hôm qua ở bến Ninh kiều. Chị Hai chụp hai vai em bóp mạnh và trố mắt nhìn em làm em hoảng quá, nghĩ rằng, sau lời “thú tội” đó của em, chị sẽ la rầy em hay có thể bợp tai em nữa. Mặc, em đứng yên, nhắm mắt lại, chuẩn bị chịu đựng. Không ngờ chị Hai buông hai vai của em ra, ôm choàng lấy em, siết chặt em vào ngực. Rồi chị hôn tới tấp vào tóc, vào mặt em. Chị đưa miệng sát vào tai em, thủ thỉ:
- Liên, Liên, chị mừng lắm. Chị chưa biết cái thằng người yêu của em ra sao nhưng chị cứ mừng trước đã. Sau khi thằng Tạo tử trận, chị thấy em buồn rầu, từ chối sự làm quen của tất cả con trai trong xóm, chị lo lắm. Chị sợ em không còn thương ai được nữa và trở thành gái già mất. Bây giờ chị hết lo nửa phần rồi. Nửa phần còn lại là lo về cái gia thế, cái tư cách của thằng người yêu hiện tại của em.
Chị Hai buông em ra và nói tiếp:
- Đâu em nói rõ cho chị nghe nó là đứa thế nào, nhà ở đâu, học hành, nghề nghiệp ra sao.
Em nói cho chị biết anh là giáo sư trung học, là sĩ quan vừa mới giải ngũ và đang ở Sài gòn để lo thu xếp công việc và cuộc sống. Chị Hai tỏ vẻ mừng rỡ, vả nhẹ vào má em và nói:
- Tốt lắm. Học hành, nghề nghiệp, vị trí xã hội như thế là được rồi. Nhưng còn phải xét bản chất và sự thành thực nữa. Em nhắn nó xuống đây gấp để gặp chị. Chị cần phải hỏi thẳng nó có quyết tâm tiến tới hôn nhân với em không. Nếu có thì chị sẽ dẫn nó đến trình diện ba má. Nếu nó có vẻ lần khân thì chị sẽ thuê du đãng cạo đầu nó rồi chở nó ra thả bên kia bờ sông Bến hải để cho cộng sản trừng trị nó.
Anh Tân, em xin lỗi anh vì đã lặp lại nguyên văn những lời nói lỗ mãng của chị Hai. Chị Hai là người rất nhân hậu nhưng tính chị nhiều khi hơi giống đàn ông ở chỗ thích ăn nói to tiếng và chọc cười thiên hạ. Em lặp lời chị vì muốn anh hiểu cách ăn nói của chị để khi gặp chị thì anh không phải ngạc nhiên hoặc phật lòng. Vả lại, sau nầy em về sống với anh thì chị Hai là người thân của anh. Người thân thì hiểu rõ tính tình của nhau là điều cần thiết phải không anh?
Chị Hai thấy em im lặng thì suy nghĩ một chút rồi nói tiếp:
- Nhưng thôi, để cho nó lo công việc của nó, thủng thẳng xuống cũng được. Nó vừa là sĩ quan, lại vừa là giáo sư thì không nên nghi ngờ tư cách của nó. Hơn nữa, chị tin rằng em đã chấm ai thì người đó phải trên trung bình khá xa.
Em ôm hôn chị Hai vì lời khen của chị dành cho anh và cho em. Chị Hai nói tiếp:
- Được rồi, lát nữa, lo cơm nước cho ông chồng của chị và hai đứa nhỏ xong, chị sẽ qua nói cho ba má biết, rồi chị cũng sẽ qua nói với ba má cậu Tạo luôn.
Em lo lắng hỏi chị:
- Có nên nói cho ba má anh Tạo biết không?
Chị quả quyết:
- Có chứ sao lại không? Nói để ông bà hết băn khoăn. Thằng Tạo chết gần hai năm rồi, đi đầu thai kiếp khác từ lâu thì nỡ nào bắt em phải trung thành với nó. Em lớn rồi, phải có gia đình, có con cái để kịp nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng nên người.
Nói xong, chị bảo em về trước, một giờ nữa chị sẽ qua tới.
Em đạp xe về, cố giữ vẻ thản nhiên, tắm rửa, ăn cơm xong ngồi đợi chị Hai. Đúng một giờ sau, chị ấy đến. Buổi tối, chị Hai cũng thường qua thăm nên ba má em không ngạc nhiên gì cả. Chị Hai đuổi hai đứa em trai ra sân rồi mời ba má và cả em nữa vào nhà để nói chuyện.
Chị trình bày rất mạch lạc chuyện tình yêu của anh và em với những chi tiết mà em vừa nói với chị ấy lúc ban chiều. Em ngồi cúi mặt không dám ngẩng lên. Má nghe xong, quay sang vuốt tóc em. Ba thì ngồi im, nét mặt nghiêm trang làm em hơi sợ. Sau một phút, ba thủng thẳng nói:
- Con Liên lớn rồi thì nó có thể chọn nơi để gởi gắm tấm thân của nó. Ba cũng tin rằng nó không chọn lầm người.
Ông ngừng lại một chút, nhìn lên bàn thờ rồi nói với vẻ đầy kính cẩn;
- Có một chuyện rất lạ lùng và khó tin.
Ông lại ngừng nói, móc thuốc ra hút. Ông rít liền hai hơi, nhả khói trắng bay đầy nhà rồi mới nói tiếp:
- Hồi hôm, ba nằm chiêm bao thấy bà nội các con về nói với ba: “Thằng rể của mày là giáo sư”.
Nghe ba nói, cả nhà đều sững sờ và rợn người. Em không hiểu đó quả là sự linh thiêng hay là giác quan thứ sáu của ba đã mách bảo cho ông biết điều quan trọng vừa đến với đứa con gái mà ông nhất mực thương yêu.
Ngày hôm sau, chị Hai nhắc lại chuyện nầy với em và bảo rằng đó là điều rất tốt. Chị nói:
- Hôn nhân là điều hệ trọng và có tính thiêng liêng của đời người. Vì vậy trong hôn lễ, quan trọng nhất là lễ gia tiên để xin ông bà chứng giám cho cuộc sống lứa đôi. Giấc mộng của ba là điều rất tốt cho sự sống chung bền vững của em và chồng em sau nầy.
Cũng ngày hôm đó, chị Hai đến thăm ba má anh Tạo. Sau đó chị gọi em ra cuối sân và nói với em:
- Chị đã trình bày chuyện của em với ông bà. Bà thì khóc còn ông thì ngồi lặng thinh. Bà bảo rằng bà khóc vì nhớ cậu Tạo và vì mừng cho em. Từ ít lâu nay, bà mong có đám nào lại xin cưới em mà không thấy nên bà rất băn khoăn. Nay thì bà mong muốn hai em tiến tới cho sớm để bà có dịp dự đám cưới của em.
Chị còn nói tiếp:
- Bà nói rằng ông bà chỉ có hai đứa con trai đều tử trận, người cháu ruột thì ở đâu tận Cà mau, trong vùng của Việt cộng, lâu lắm rồi không liên lạc. Ông bà tính xin vô viện dưỡng lão để nhờ người của các cơ quan từ thiện săn sóc, vui với những bạn già trong đó và khi chết cũng được chôn cất tử tế. Cái vườn của ông bà đang ở rộng được năm công. Ông bà sẽ bán đi phân nửa để lấy tiền đóng góp cho viện dưỡng lão và dành chút ít xài vặt trong thời gian sống trong đó. Còn hai công rưỡi, ông bà muốn cho em để làm của hồi môn khi về sống với chồng.
Em nghe chị nói xong thì cắn môi để khỏi bật khóc. Nhìn lại thì thấy mắt chị Hai rơm rớm.
Than ôi, cuộc chiến tranh nầy của cộng sản đã tạo ra biết bao nhiêu là đau thương cho những người dân hiền lành, đôn hậu của miền Nam nầy!
Anh Tân yêu quí của em,
Em viết lá thư nầy trong hai đêm liên tiếp, đêm nào cũng quá hai giờ sáng. Khi nãy, lúc mười hai giờ, má thức dậy, thấy ở phòng em đèn còn sáng nên bước qua. Má nhẹ nhàng đến sau lưng đưa tay vuốt tóc làm em giật mình quay lại. Má hỏi khe khẽ:
- Con viết gì mà khuya vậy? Viết thơ cho cậu Tân phải không?
Em e thẹn gật đầu. Má nói tiếp:
- Con không nên thức khuya quá hại sức khỏe. À, con nhớ mời cậu ấy về đây chơi để má nhìn mặt càng sớm càng tốt.
Má nói xong thì bước ra khỏi phòng, vài phút sau trở vào, đưa cho em một ly sữa nóng. Em uống ly sữa ngọt ngào nhưng không ngọt bằng tình thương của má đối với em. Ở đây, em nhìn chung quanh, chỗ nào, lúc nào cũng thấy tình thương bao phủ kín. Anh mồ côi từ thuở nhỏ, thiếu tình thương. Sau nầy, em về với anh, em chia sẻ mọi tình thương mà em có cho anh.
Đó, anh thấy chưa, tình yêu của chúng ta đang diễn tiến tốt đẹp như thế, bảo sao em chẳng mong thư anh cho được. Ba má, chị Hai mong sớm gặp anh, điều đó càng làm em nóng ruột đến độ hờn giận anh. Nhưng thôi, bây giờ, em không giận anh nữa đâu, anh yêu của em!
Thư đã khá dài rồi, em xin dừng bút. Ngày mai trên đường đến quân viện, em sẽ ghé bến xe đò nhờ đưa về Sài gòn bỏ vào thùng thơ trên đó để anh sớm nhận được. Nếu gởi đi từ đây, con rùa bưu điện ngậm lá thơ nầy bò cho hết 170 cây số để đến tay anh thì mất quá nhiều thì giờ, sợ anh yêu của em mong đợi, tội nghiệp anh.
Em, Thùy Liên yêu quí của anh.

Tân cầm chặt những tờ giấy vừa đọc xong, nhắm mắt lại. Trong lòng cậu dậy lên một niềm khao khát mãnh liệt, khao khát gặp mặt nàng, khao khát siết chặt tấm thân ngà ngọc của nàng vào lòng.
Cậu bước đến cửa nhìn ra ngoài. Con hẻm nhỏ đã vắng người. Xa xa có tiếng xe chạy rì rầm và êm êm trên đường Vườn chuối và đường Phan đình Phùng. Nỗi ước ao được sống chung với Thùy Liên rộn rã trong lòng. Cậu tự nhủ:
- Ngày mai, nhất định đến nhận giờ ở trường tư để sớm có tiền tổ chức hôn lễ với nàng. Thu xếp công việc với nhà trường xong, mình sẽ đi ngay xuống Cần thơ để gặp nàng và gia đình nàng.
Ý nghĩ nầy làm cho lòng cậu phơi phới. Cậu đóng cửa tắt đèn, ngã lưng trên giường bố. Cậu hi vọng đêm nay mình sẽ có một giấc mơ tuyệt đẹp.


*
* *