Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

Chương 8: Chiến trường đồng bằng (4)



Một cuộc chiến tranh dài
Tập III
Chương 8: Chiến trường đồng bằng
(4)

Ở Sài gòn, tình hình chính trị rất bất ổn. Phe nầy tìm cách lật đổ phe kia để nắm lấy quyền lực. Ở các thành phố miền Trung, các nhà sư, nhân danh Phật giáo, xúi dục những người mù quáng mang bàn thờ Phật ra đặt ngoài đường để cản trở lưu thông, gây trở ngại cho sinh hoạt bình thường của dân chúng. Hành động kỳ quái nầy ắt hẳn làm cho đức Phật tổ ngồi trên tòa sen buồn phiền không ít. Lợi dụng sự bất ổn ở các thành phố, các lực lượng vũ trang của Việt cộng tăng cường hoạt động. Họ gọi đó là hợp đồng tác chiến giữa thành phố và nông thôn. Nhiều trận đụng độ lớn nhỏ xảy ra trên khắp các tỉnh của vùng Bốn Chiến thuật. Xác của các cán binh Việt cộng vương vải trên mọi chiến trường, nhưng thiệt hại của các đơn vị Cộng hòa cũng không nhỏ. Trực thăng tải thương nườm nượp chở thương binh về quân y viện. Bác sĩ và y tá làm việc suốt ngày đêm, không còn kể đến giờ giấc. Họ ăn uống tại chỗ, thỉnh hoảng chui vào một xó tối nào đó để chợp mắt một lúc rồi thức dậy tiếp tục chiến đấu với tử thần để giành giật lấy mạng sống cho từng thương binh.
Các giường trong quân y viện Cần thơ không đủ chỗ cho thương binh. Người ta kê những băng ca, trải những tấm nệm, tấm chiếu trên những chỗ trống của nền nhà để làm chỗ nằm điều trị cho thương binh.
Hai hôm rồi, Tân và các bạn cùng phòng không còn được bác sĩ và y tá ngó ngàng đến nữa. Phòng cũng phải tiếp nhận nhiều thương binh mới đưa về.
Buổi chiều, khi nắng vừa tắt, lại thêm một thương binh nằm trên cáng vải được hai binh sĩ khiêng vào. Liên đi kế bên chiếc cáng, tay cầm một chai máu với một ống nhựa đang truyền vào cánh tay của một người đang nằm im thin thít. Chiếc cáng được nhẹ nhàng đặt xuống đất cạnh giường của Tân. Liên cúi xuống để hạ chai máu xuống ngang tầm của giường rồi ngẩng lên nhìn Tân mỉm cười. Nét mặt nàng bơ phờ, hai quần thâm hiện ra lờ mờ dưới đôi mắt hoe hoe đỏ, không hiểu vì Liên đã khóc hay vì mất ngủ.
Hai binh sĩ đứng thẳng dậy, khép nép bước qua khỏi chỗ chật hẹp và đi thẳng ra khỏi phòng.
Liên nói khe khẽ với Tân:
- Thiếu úy có khoẻ không?
- Cám ơn Liên, tôi khỏe lắm. Mấy hôm nay, Liên làm việc quá vất vả phải không?
Liên gật đầu:
- Chưa bao giời bệnh viện phải nhận nhiều thương binh như thế nầy. Nhà xác đầy cứng tử thi, máy lạnh chạy hết công suất. Phòng giải phẫu làm việc hai mươi bốn giờ mỗi ngày. Phòng hồi sinh không còn chỗ nằm nữa. Ông trung sĩ Dù nầy mổ xong là đem ngay xuống nằm nhờ phòng các anh, vẫn còn mê man vì bị đánh thuốc, chưa tỉnh dậy.
Nàng ngừng một chút, thở ra một hơi dài và hỏi:
- Thiếu úy thấy trong người thế nào? Mấy hôm nay, chẳng ai còn thì giờ săn sóc các anh. Liên lo lắng lắm.
Tân cảm động vì sự quan tâm của nàng:
- Tôi khỏe rồi, có thể tự săn sóc được. Có lẽ cả phòng đây cũng thế, Liên đừng lo.
- Thiếu úy cầm giúp em chai máu nầy. Em đi tìm sợi dây cột vào cạnh giường của thiếu úy.
Tân nằm nghiêng lại, nhận chai máu. Nàng mỉm cười:
- Bây giờ, thiếu úy vừa là thương binh, vừa là y tá đó nhé.
Tân cười theo:
- Vâng, tôi xin làm y tá nhưng phải thuộc quyền sai khiến của Liên mới được.
Nàng cười thật tươi, bỏ đi một lát rồi trở lại với một khúc băng vải trên tay. Nàng nhận lại chai máu và cẩn thận cột vào cạnh giường.
Nàng đứng thẳng dậy, nói với Tân:
- Thiếu úy trông chừng giùm em nhé. Khoảng một giờ nữa, chai máu nầy truyền hết, em sẽ trở lại.
Tân gọi theo:
- Cô Liên.
Liên quay mặt lại
- Dạ, có gì vậy thiếu úy?
- Liên ạ, tôi khoẻ rồi lại nằm trên giường trong khi có biết bao nhiêu người bị thương nặng phải nằm dưới đất, tôi không an tâm chút nào. Tôi muốn nhường giường nầy cho người khác và nằm tạm một chỗ nào đó như ngoài hiên chẳng hạn.
Liên nhíu mày:
- Không được đâu. Thiếu úy là sĩ quan mà. Bệnh viện phải đối xử với sĩ quan theo đúng qui chế của quân đội. Cho thiếu úy ra nằm ngoài hiên, e giám đốc sẽ bay chức.
Tân cố nài nỉ:
- Nhưng tôi ái ngại lắm. Cô cứ chuyển lời đề nghị của tôi đến ban giám đốc đi.
Liên gật đầu:
- Vâng, Liên sẽ trình đề nghị đó của thiếu úy đến ban giám đốc.
Tân đợi nàng ra khỏi cửa mới nằm xuống ngửa mặt nhìn chiếc quạt xoay tít trên trần nhà, nghe lòng buồn mênh mang.
Đêm xuống dần nhưng trong phòng vẫn sáng choang dưới ánh đèn huỳnh quang từ trên trần rọi xuống.
Chai máu đã truyền xong. Người đến gỡ và mang đi không phải là Liên mà là một anh y tá còn trẻ tuổi. Anh ta còn trở lại nhiều lần trong đêm để săn sóc các thương binh mới đưa vào nằm nhờ. Những tiếng rên, tiếng la ú ớ của những người nầy làm cho Tân trằn trọc không ngủ được. Đến quá nửa đêm, cậu mới ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ muộn màng và nặng nề, Tân nằm mơ thấy khuôn mặt xinh đẹp của Thùy Liên.
Sáng hôm sau, điểm tâm xong, mọi người trở về giường thì đến giờ bác sĩ vào phòng để khám cho từng người. Đi sau bác sĩ là dì Ba, y tá của phòng. Đến chỗ nằm của Tân, bác sĩ gỡ tấm bảng ở đầu giường ra xem cẩn thận rồi nói:
- À thiếu úy Tân đây.
Ông gắn tấm bảng vào chỗ cũ rối chăm chỉ khám cho Tân. Ông ngẩng lên nhìn dì Ba:
- Được rồi, cho xuất viện sớm theo nguyện vọng. Tĩnh dưỡng tại nhà một tháng rồi tái khám.
Ông lấy xấp giấy từ tay dì Ba ghi chép xong rồi trả lại và nói:
- Bà về làm thủ tục xuất viện cho thiếu úy và cấp giấy phép dưỡng bệnh tại nhà trong ba mươi ngày, kể từ ngày mai.
Ông quay sang Tân:
- Đáng lẽ thiếu úy còn ở lại đây điều trị ít lâu nữa nhưng vì thương binh quá nhiều nên tôi cho thiếu úy về nhà. Vết thương tốt, không lo biến chứng đâu. Về nhà cho cái tay hoạt động nhè nhẹ để quen dần đi. Thôi chào thiếu úy, chúc thiếu úy chóng bình phục để trở lại đơn vị.
- Cám ơn bác sĩ.
Khi bác sĩ đi qua giường khác, Tân khẽ nói:
- Dì Ba, cháu có nhà nào đâu mà về dưỡng bệnh?
Dì Ba cười và nói nho nhỏ:
- Thiếu úy hãy yên tâm, nằm nghỉ đi. Tôi sẽ trở lại giải thích cho thiếu úy rõ. Bây giờ tôi phải đi theo bác sĩ để khám bệnh.
Độ hơn một giờ sau, dì Ba trở lại, vui vẻ nói với cậu:
- Khi đêm, Liên có trình bày với ban giám đốc ý của thiếu úy muốn nhường giường cho thương binh mới về. Mọi người đều hoan nghênh vì có tin những trận đánh lớn tiếp tục xảy ra, số thương binh chắc chắn sẽ được đưa về nhiều hơn. Bác sĩ trưởng khoa ngoại đề nghị cho thiếu úy và vài người khác xuất viện sớm về điều trị tại nhà. Liên bảo rằng thiếu úy cô độc không có nhà cửa gì cả để về. Mọi người nghe nói đều ngạc nhiên và cảm động. Cuối cùng ban Giám đốc liên lạc thẳng với với trung đoàn của thiếu úy. Nơi đây chịu nhận thiếu úy về hậu cứ. Ở đó, có bác sĩ và y tá đầy đủ, rất tốt để tiếp tục điều trị cho thiếu úy. Hậu cứ của trung đoàn ở thị xã Cao lãnh, tỉnh Kiến phong. Chốc nữa, bệnh viện sẽ cho xe đưa thiếu úy về đó. Bây giờ lo sửa soạn và từ giã anh em đi là vừa.
Nói xong, dì ra khỏi phòng. Tân chống tay, ngồi dậy nhìn quanh, bỗng cảm thấy bùi ngùi. Cậu đã sống ở đây được hai tháng rồi. Gian phòng nầy đã trở nên quen thuộc, những người cùng phòng cũng trở nên thân thiết. Cậu bước xuống giường, đến bắt tay từ giã từng người và bâng khuâng không biết làm sao gặp được Thùy Liên, người con gái đã cho cậu biết bao cảm tưởng êm đềm trong những ngày điều trị trong quân y viện nầy.
Tân nằm đợi đến quá trưa, dì Ba bước vào phòng, tay cầm tập giấy, thẳng đến giường của Tân, nói:
- Có xe rồi. Bây giờ lên đường. Thiếu úy cho tất cả giấy tờ nầy vào túi xách để về trình cho bộ chỉ huy trung đoàn. Thiếu úy từ giã anh em rồi cả chứ?
- Xong cả rồi, nhưng còn một người khác con muốn gặp để chia tay.
- Ai? À tôi biết rồi. Cô Liên phải không? Rủi quá, sáng sớm hôm nay, cô Liên được phân công theo xe về tổng y viện Cộng hòa để nạp báo cáo và nhận thêm thuốc. Chiều tối hoặc ngày mai mới trở về đây. Chính nó cũng không biết hôm nay thiếu úy xuất viện.
Giọng Tân buồn bã:
- Nhờ dì nhắn lại với Thùy Liên rằng con xin từ giã và chúc Liên ở lại khoẻ mạnh và may mắn.
Dì Ba nhìn Tân bước xuống giường, có vẻ thương hại:
- Tôi biết con Liên cũng có cảm tình với thiếu úy. Sáng nay nó đi sớm lúc chưa có quyết định cho thiếu úy xuất viện. Nếu không, có lẽ nó đã ghé qua từ giã thiếu úy rồi. Thôi, đừng bịn rịn nữa, tháng sau về tái khám, có thể gặp lại nó.
Cậu im lặng lấy vòng dây băng tròng vào cổ và xỏ một bàn tay vào đó để giữ yên cánh tay đau. Cậu chợt ngẩn ngơ khi nhớ đến những ngón tay mềm mại của nàng đã nhẹ nhàng mở băng cho cậu và cẩn thận cắt một đoạn để làm nên vòng dây treo nầy. Cậu thở dài, với tay xách cái túi rồi lủi thủi theo sau dì Ba ra xe.


*
* *


Hậu cứ của trung đoàn Mười lăm Bộ binh nằm trong một khuôn viên ngay tại trung tâm thành phố Cao lãnh. Từ cổng đi thẳng vào, xuyên qua một sân rộng, người ta gặp ngay một dãy nhà khá dài dùng làm phòng hành quân và các phòng ban. Thẳng góc với dãy nầy là một dãy nhà thứ hai chia làm nhiều phòng nhỏ, làm chỗ ở cho sĩ quan của bộ chỉ huy trung đoàn. Thiếu tá trung đoàn trưởng cùng gia đình sống trong một ngôi biệt thự be bé phía sau. Xa hơn nữa là khu gia binh của một số gia đình binh sĩ.
Con đường từ Cần thơ đến Cao lãnh không xa lắm nhưng phải qua hai chuyến phà vượt sông Hậu và sông Tiền nên gần tối mới đến nơi. Tân xuống xe, vào trình diện trung đoàn trưởng và được dẫn xuống dãy nội trú của sĩ quan. Cậu được phân cho một phòng ở cuối dãy. Phòng tuy nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi. Khi các sĩ quan dùng cơm tối ngoài phố trở về, họ kéo nhau vào gặp Tân để thăm hỏi.
Một thiếu úy trẻ tuổi ngồi xuống giường, sát bên Tân, đưa tay nắn nhẹ bàn tay đang bị treo lên trong vòng dây băng quàng qua cổ. Anh hỏi Tân:
- Anh bị thương thế nào? Di chuyển xa từ Cần thơ về đây, có đau không?
Tân mô tả sơ vết thương của mình và nói:
- Hết đau rồi, chỉ thấy hơi ê thôi.
- Thế là tốt, về đây ở với anh em cho vui. Anh là thiếu úy Tân. Đúng không?
Tân gật đầu. Anh ta tự giới thiệu:
- Tôi là thiếu úy Hà, sĩ quan an ninh của trung đoàn.
Hà tiếp tục giới thiệu các sĩ quan khác và nói tiếp với Tân:
- Sáng hôm nay, vừa mới bắt đầu làm việc trong phòng hành quân, thì nhận được điện của quân y viện hỏi có chịu nhận anh về dưỡng thương tại hậu cứ không. Thiếu tá trung đoàn trưởng đang lưỡng lự thì đại úy Ý đây nài nỉ xin nhận anh về.
Hà vừa nói vừa đưa tay chỉ một đại úy to con, mập mạp đang ngồi trên một chiếc ghế duy nhất trong phòng. Tân quay sang đại úy khẽ gật đầu chào và nói nho nhỏ:
- Cám ơn đại úy.
Đại úy đáp lại bằng một nụ cười hiền lành, nói với một đại úy có mang dấu hiệu quân y:
- Bác sĩ Thiện có cần khám cho chú Tân bây giờ không?
Bác sĩ cười trả lời:
- Nếu thiếu úy Tân không đau thì chẳng cần khám ngay đâu. Ngày mai tôi sẽ xem hồ sơ rồi theo dõi là được rồi.
Đại úy Ý quay qua Tân:
- Chú Tân đi thẳng về đây chưa ăn cơm tối phải không? Thiếu úy Hà làm ơn dẫn chú Tân ra quán dùng bữa và đặt cơm hằng ngày luôn. Tất cả sĩ quan ở đây đều ăn ngoài đó. Ăn cũng được lắm mà giá lại rẻ.
Mọi người đứng dậy từ giã. Tân theo thiếu úy Hà ra quán.
Trong khi Tân ăn cơm, thiếu úy Hà gọi ly nước uống và tiếp tục nói chuyện vui vẻ. Anh nói:
- Các sĩ quan của bộ chỉ huy trung đoàn tính tình rất tốt, đặc biệt là đại úy Ý trưởng phòng hành quân. Trước đây đại úy là tiểu đoàn trưởng, đánh giặc cừ lắm, bị thương suýt chết ở Hồng ngự, sát biên giới. Sau đó không còn sức để hành quân nên giao tiểu đoàn lại cho người khác, về đây làm trưởng ban Ba kiêm trưởng phòng hành quân. Tuy là một chiến sĩ cừ khôi nhưng đại úy tình cảm lắm. Anh có biết tại sao đại úy nài nỉ xin anh về đây không?
Tân lắc đầu. Hà nói tiếp:
- Đại úy không nói ra nhưng mọi người đều biết lý do. Em trai đại úy tên là Tứ mới ra trường, mang lon chuẩn uý về sư đoàn Một ở Quảng trị. Ngay trong cuộc hành quân đầu tiên ở vùng hỏa tuyến đó, cậu ta bị thương ở chân. Vết thương không nặng lắm nhưng cùng với đại đội bị bao vây trong rừng suốt ba ngày. Ba ngày nhịn đói, nhịn khát, vượt suối băng rừng, quần nhau với một đơn vị khá lớn của cộng sản từ miền Bắc mới xâm nhập vào. Đại đội bị cắt đứt khỏi tiểu đoàn nên phải chiến đấu đơn độc. Một số anh em bị tử thương phải bỏ lại làm thức ăn cho thú rừng. Những người còn nguyên vẹn vừa cõng người bị thương nặng, vừa chiến đấu. Người bị thương không nặng lắm như chuẩn úy Tứ, em của đại úy Ý, thì phải tự săn sóc vết thương và tiếp tục cầm súng. Sau cùng đại đội cũng tìm về được Quảng trị với quân số chỉ còn một phần ba mà thôi. Vết thương của chuẩn úy Tứ bị nhiễm trùng quá nặng đành phải cưa bỏ một chân.
- Trời đất!
Tân suýt đánh rơi đũa trong tay. Thiếu úy Hà nói tiếp:
- Thế là chuẩn úy Tứ đã hiến dâng một phần cơ thể của mình cho Tổ quốc.
Tân nói với giọng xúc động:
- Tội nghiệp. Tôi mới bị thương xong nên rất hiểu nỗi đau đớn của người thương binh, khi tỉnh dậy trong phòng hồi sinh, biết cơ thể mình không còn toàn vẹn nữa. Không có gì đau đớn cho bằng. Đại úy Ý có về thăm em mình chưa?
- Chưa, sáu tháng rồi mà chưa xin được phép vì công việc của trưởng phòng hành quân dạo nầy bận rộn lắm và chẳng ai thay thế được.
- Đại úy úy chỉ nhận được tin thôi à?
- Vâng, hai ngày sau khi bị cưa chân, chuẩn úy Tứ viết thư cho anh. Lá thư dài và hay lắm. Không hay sao được, chuẩn úy đang học ở đại học văn khoa Huế thì tình nguyện nhập ngũ, theo học khóa Mười lăm Sĩ quan trừ bị. Đại úy Ý đọc xong lá thư thì ngồi khóc. Sau đó, ông đưa lá thư cho mọi người đọc, ai cũng cảm động, nhiều người trong đó có trung đoàn trưởng cũng khóc luôn. Tôi biết sáu tháng rồi, lúc nào đại úy cũng nghĩ đến em mình. Cho nên khi nghe nói anh bị thương mà không có gia đình để về dưỡng thương thì đại úy nhất định xin thiếu tá cho anh về đây. Trung úy Đệ tâm lý chiến còn nói một câu rất hay làm cho mọi người vỗ tay.
- Trung úy nói thế nào?
- Anh ấy nói: “Nếu thiếu úy thương binh đó không có gia đình để nương náu thì anh em mình đón thiếu úy đó về, nơi đây sẽ thay thế tổ ấm gia đình của cậu ta”. Thế là thiếu tá không còn lưỡng lự nữa.
Hà hỏi tiếp:
- Anh được giấy dưỡng thương trong bao lâu?
- Một tháng, sau đó trở về quân y viện Cần thơ tái khám.
- Có lẽ cũng chẳng cần phải về tái khám đâu. Bác sĩ của trung đoàn mình là đại úy Thiện giỏi lắm. Ở đây không có quân y viện nhưng có nhà thương dân y. Bác sĩ bên đó toàn là bạn bè của đại úy Thiện nên có thể qua bên đó nhờ chụp hình quang tuyến X cho anh được.
Tân chậc lưỡi:
- Nằm không cả tháng trời chán lắm anh nhỉ. Tôi cũng mong tái khám để được kết luận là hoàn toàn bình phục trở về đơn vị.
- Nếu buồn thì anh cứ lên phòng hành quân chơi. Muốn tham gia công việc cũng được. Trên đó có nhiều công việc nhẹ nhàng, thương binh có thể làm được. Hai tháng trước, khi có công điện của tiểu đoàn Ba đánh về báo tin anh bị thương nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng thì tôi có lật hồ sơ xem lại lý lịch của anh, tôi nhớ anh đã tốt nghiệp đại học sư phạm phải không?
Tân gật đầu. Hà nói tiếp:
- Trình độ học vấn như anh mà làm ở phòng hành quân thì tốt quá. Anh chưa về tới mà đại úy Ý đã có ý định giữ anh lại đó rồi, nhưng không biết có được không vì ở dưới tiểu đoàn đang thiếu trầm trọng sĩ quan trung đội trưởng. Thôi, chuyện đó rồi sẽ tính sau, còn cả tháng nữa mà. Bây giờ, chúng ta về nhà nghỉ. Giờ nầy, các sĩ quan đang tập họp trên phòng hành quân để đánh cờ tướng và domino. Phòng đó rộng rãi nên vừa là nơi làm việc rộn ràng, vừa là nơi vui chơi thích thú của sĩ quan.
Tân trả tiền ăn và hai anh em ra về.

Sáng hôm sau, Tân điểm tâm bằng một gói xôi mà người ta mang vào tận trong sân trung đoàn để bán rồi theo anh em đến phòng hành quân. Tân bước vào và cảm thấy ái ngại. Phòng hành quân là nơi đầy rẫy những bí mật quân sự, liên quan đến mạng sống của biết bao nhiêu người và sự thành bại của nhiều hoạt động quân sự.
Trong quá khứ, cậu đã có nhiều năm hoạt động cho cộng sản và đã từng bị cầm tù. Cái vệt đen đó trong lý lịch vẫn thỉnh thoảng gây cho cậu ít nhiều mặc cảm. Ngoài chiến trường, mặc cảm đó không có ý nghĩa gì vì nơi đó có ranh giới rõ ràng, cậu cầm súng đứng bên nầy với đồng đội, tách biệt hẳn với các đồng chí cũ ở bên kia chiến tuyến. Nhưng bây giờ, mặc cảm bỗng nổi dậy khi cậu bước vào căn phòng rộng, với những bản đồ quân sự che phủ gần khắp các bức vách, trên đó ghi đầy đủ nơi đóng quân của các đơn vị và các căn cứ pháo binh cùng vòng tròn bao vùng chung quanh. Trên đầu bức vách sau cùng, nơi vị trí trang trọng nhất, có một biểu ngữ với hàng chữ to và đẹp: “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc”.
Tân ngồi im trên một chiếc ghế, thẫn thờ nhìn quanh. Mọi người chăm chỉ làm việc. Cậu muốn tham gia vào công việc nhưng có một cái gì đó cứ giữ cậu lại với chiếc ghế cô đơn nầy. Cậu cảm thấy buồn phiền cho cái lý lịch không được trong sạch của mình.
Ngồi được một chốc, cậu đứng lên, lẳng lặng bước ra và trở về phòng, nằm dài trên giường.
Đến trưa, có nhiều tiếng bước chân và tiếng nói chuyện lao xao ngoài hành lang. Tân nghe và biết đã mãn giờ làm việc buổi sáng. Từ bên ngoài, thiếu úy Hà ló đầu vào gọi to:
- Anh Tân, ngủ hả, dậy đi ăn trưa với anh em.
Nói xong, Hà bước vào phòng, ngồi trên ghế trong khi Tân vội vàng mặc quân phục vào. Khi hai người bước ra ngoài thì hành lang vắng vẻ, mọi người đều đi cả rồi. Hà hỏi:
- Anh nằm ngủ cả buổi sáng à?
- Không, tôi lên phòng hành quân ngồi chơi một lát rồi trở về.
- Tôi là sĩ quan an ninh, có phòng làm việc riêng nhưng hễ rảnh rỗi là tôi qua phòng hành quân phụ giúp công việc. Phòng đó đông anh em, tay nào cũng dễ thương. Anh nghỉ ngơi vài bữa rồi lên đó làm việc với anh em cho vui. Đại úy trưởng phòng cũng muốn như thế.
Tân cúi đầu nhìn xuống đất:
- Tôi cũng muốn như thế, nhưng….
Hà ngạc nhiên:
- Nhưng thế nào?
Tân đáp nhanh:
- Anh là sĩ quan an ninh, chắc anh biết lý lịch của tôi?
Hà đưa hai tay ra trước mặt như thói quen khi nhận ra một điều gì đó. Anh nói:
- À, tôi nhớ ra rồi. Trước đây anh có bị bắt giam một thời gian. Thôi để đó, tới quán ăn trước đã. Ăn xong, mình trở về phòng nói chuyện.
Quán ăn có đông khách nhưng không có vẻ xô bồ vì hầu hết khách là sĩ quan và công chức trong tỉnh. Sau khi ăn xong, các sĩ quan về phòng nghỉ ngơi. Hà đến phòng của Tân, hai người rút thuốc ra hút. Sau vài phút im lặng, Tân hỏi:
- Có lẽ, anh đã có tất cả hồ sơ thuộc về an ninh của tôi?
- Dĩ nhiên là có.
- Từ quân trường gởi về?
Hà gật đầu. Tân hỏi tiếp:
- Và từ Nha an ninh quân đội ở Sài gòn?
Hà lại gật đầu:
- Ở đó chỉ gởi bảng nhận xét về anh thôi.
- Nếu anh cho tôi biết chút đỉnh về bảng nhận xét đó thì có trái với nguyên tắc của ngành an ninh không?
Hà suy nghĩ một chút rồi đáp:
- Trường hợp của anh thì chẳng sao. An ninh quân đội đã có nhận xét tốt về anh. Anh đã làm cho họ tin và chịu xếp hồ sơ. Điều đó có nghĩa là anh không bị xếp vào thành phần bị an ninh theo dõi. Tình trạng của anh hoàn toàn giống các sĩ quan khác. Anh hài lòng rồi chứ?
- Vâng, cám ơn anh. Tôi đã hai lần gặp sĩ quan an ninh quân đội, lần thứ nhất với một trung úy ở Sài gòn, và lần thứ hai là với anh ngày hôm nay. Cả hai người đều rất dễ thương, khác hẳn với sự tưởng tượng của tôi trước đây về an ninh quân đội.
Hà cười to:
- Không phải riêng anh mà rất nhiều người, kể cả sĩ quan cao cấp đều cho an ninh quân đội là cái thứ đáng sợ. Nhân viên an ninh quân đội là người có bốn cái răng nanh rất dài, lúc nào cũng mặc đồ đen, núp trong bóng tối và sẵn sàng vồ vào ai đó để cắn vào cổ họ. Có phải vậy không?
Cả hai thiếu úy cười ngất.
Thiếu úy Hà nghiêm mặt lại và nói:
- Nỗi sợ hãi phi lý đó là một điều rất đáng tiếc, một phần do thành kiến sai lầm, phần khác, do sự tuyên truyền của địch làm cho cơ quan an ninh gần như bị cô lập, làm giảm rất nhiều hiệu quả của công tác an ninh.
Hà ngừng một chút như để suy nghĩ điều đáng nói rồi tiếp lời:
- Riêng đối với trường hợp của anh thì ngành an ninh của tôi có chủ trương rất rõ ràng. Chúng tôi khẳng định những người tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, trước hết là những người yêu nước. Ở thế hệ của anh em mình và lớn hơn chút nữa, ai mà không có cảm tình với cuộc kháng chiến thì không phải là người yêu nước.
- Nhưng tại sao, sau năm 1954, cơ quan an ninh bắt tất cả những người cựu kháng chiến bỏ tù hết?
- Ai nói với anh là tất cả những người đó bị bỏ tù? Cộng sản nói chứ gì? Chúng tuyên truyền láo toét đó. Hiệp định Genève qui định hai miền để tập kết quân đội và nhân viên. Chúng ta thi hành hiệp định một cách hết sức nghiêm túc và hoàn toàn rút hết ra khỏi miền Bắc. Cũng có một số ít quân nhân và công chức muốn ở lại ngoài ấy với gia đình và quê huơng xứ sở thì họ cứ ở lại và hoàn toàn không liên lạc gì với miền Nam sau đó. Ngược lại, tin tức tình báo cho thấy một cách chắc chắn, cộng sản cài các nhân viên quân sự và dân sự lại, giả làm thường dân với âm mưu phá hoại công cuộc xây dựng lại miền Nam và chuẩn bị nối tiếp chiến tranh. Để đảm bảo cho cuộc sống của nhân dân miền Nam, nhất thiết chúng ta phải thanh lọc, xem ai là người cộng sản cài lại để hoạt động, ai là người thực tâm trở về cuộc sống lương thiện. Lúc đó Ủy hội Quốc tế kiểm soát đình chiến chẳng làm được trò trống gì. Chính quyền quốc gia thì còn quá non nớt. Do đó, chúng ta đã giữ những người cựu kháng chiến một thời gian ngắn để tìm hiểu và giải thích cho họ thấy chánh nghĩa rồi thả họ ra và sau đó không hề có chút phân biệt đối xử nào.
Hà nhìn thẳng vào mắt Tân:
- Tôi xin anh cho tôi biết một cách thành thực điều nầy. Trong thời gian ở tù trước đây, anh có thấy ai bị bắt chỉ vì lý do đơn giản là cựu kháng chiến hay không?
Tân lắc đầu:
- Không, những người ở tù chung với tôi đều bị bắt vì lý do đang hoạt động cho cộng sản.
- Đó anh thấy chưa, thế mà cộng sản vẫn leo lẻo tuyên truyền láo khoét để bôi nhọ cơ quan an ninh chúng tôi. Người ta nghe theo sự tuyên truyền của chúng vì trên thực tế, những người đang hoạt động cho cộng sản đa số là người cựu kháng chiến do cộng sản cài lại.
Tân ngắt lời một cách sôi nổi:
- Đúng, anh nói đúng. Sau hiệp định Genève, đảng Lao động có chủ trương để lại rất nhiều cán bộ chính trị và quân sự trong miền Nam, những người đã từng tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, với mục đích gây bất ổn rồi tiến tới lật đổ chính thể tự do. Tôi hiểu rõ điều nầy vì tôi cũng thuộc về thành phần được cài lại đó.
Hà gật đầu thở dài:
- Cơ quan an ninh chúng tôi rõ điều đó. Đôi khi chúng tôi theo dõi và biết chắc một người nào đó do cộng sản cài lại nhưng không làm gì được vì không đủ bằng chứng mà pháp luật quy định, và hơn nữa, vì chế độ của chúng ta tôn trọng tiêu chuẩn nhân đạo, vì hiến pháp chúng ta bảo vệ quyền sống và quyền tự do của con người. Cộng sản rất biết lợi dụng điều đó cũng như họ đã lợi dụng chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Pháp để phục vụ cho sự thống trị của Đệ tam quốc tế. Đó là điều đau xót cho linh hồn của biết bao nhiêu người đã ngã gục trong chín năm chiến đấu chống thực dân. Chúng tôi rất tôn trọng cuộc kháng chiến chống Pháp. Chúng tôi không xem những người cựu kháng chiến là kẻ thù nếu họ không tiếp tục theo cộng sản để phá hoại miền Nam thân yêu của chúng ta.
Hà châm một điếu thuốc và nói tiếp:
- Đó, quan điểm của cơ quan an ninh chúng tôi rõ ràng như thế. Anh không nên mặc cảm về quá khứ của mình. Hiện tại, anh là một sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đã lăn lóc và đổ máu trên chiến trường. Mọi người phải kính trọng anh, không ai được nghi ngờ anh.
Tân cười vui vẻ:
- Cám ơn anh. Nghe anh nói, tôi có cảm tưởng anh là sĩ quan tâm lý chiến. Trước khi vào lính, anh làm nghề gì?
- Tôi học đại học Luật khoa, đậu năm thứ nhất rồi. Qua năm thứ hai, tôi gặp một cô nàng mà tôi yêu quá đi mất. Tôi theo tán gần một năm trời mà chẳng có kết quả gì vì nàng đã có người yêu rồi. Lúc nàng trao thiệp cưới của nàng cho tôi thì tôi vội vàng nhờ thằng bạn đi mua quà tặng, lang thang suốt mấy ngày trên đường phố và cuối cùng…
Tân cười ngất ngắt lời:
- Cuối cùng đâm đầu vào xe hơi nhưng xe chê không thèm cán chết?
Hà cười theo:
- Không phải đâu. Cuối cùng tôi đâm đơn vào học khoá Mười ba sĩ quan trừ bị Thủ đức. Ra trường, tôi học tiếp một khóa ở trường Cây mai rồi về đây.
Tân tiếp tục cười:
- Thế thì lý do anh vào quân đội cũng khá ly kỳ đó chứ?
- Chớ sao! Chỉ có quân đội mới giúp cho mình thoát được cái lưới tình cay đắng mà vẫn giữ được cái chất hồn nhiên và lạc quan của “một đấng nam nhi”.
Hai thiếu úy đồng cười thực to làm cho sĩ quan ở hai phòng kế bên giật mình tỉnh giấc ngủ trưa.

Kể từ hôm sau trở đi, hằng ngày, Tân đến phòng hành quân, làm vài công việc như thu xếp hồ sơ, nhận và tập đánh đi vài công điện, sao chép bản đồ trong các lệnh hành quân. Vết thương ở vai không còn đau đớn chút nào, sức khỏe dần dần bình phục như trước lúc bị thương. Công việc nhẹ nhàng và lý thú nên cậu chăm chỉ, cần mẫn, làm việc đúng giờ, y như một nhân viên thực thụ. Thiếu tá trung đoàn trưởng và đại úy trưởng phòng đều tỏ ra hài lòng. Tất cả các sĩ quan khác cũng vui thích với sự có mặt của cậu. Sau giờ làm việc, cậu cùng anh em dạo chơi ngoài phố, ai cũng tỏ ra có cảm tình với cậu.
Một tháng dưỡng thương của Tân trôi qua nhanh chóng.
Gần một tuần lễ rồi, toàn thể bộ chỉ huy trung đoàn di chuyển ra tiền cứ để điều khiển một cuộc hành quân. Tân buồn bã, hết đi ra lại đi vào. Buổi chiều cuối tuần, bộ chỉ huy trở về. Các sĩ quan tắm rửa xong, thay quần áo, rủ nhau ra phố. Tân định tháp tùng theo thì có lệnh trình diện trung đoàn trưởng ngay.
Thiếu tá thân mật bắt tay, mời cậu ngồi và nói:
- Đến hôm nay, thiếu úy về đây được đúng một tháng. Tôi muốn biết cảm tưởng của thiếu úy về nếp sống và công việc của các sĩ quan ở đây.
Tân ngạc nhiên về câu hỏi nầy. Cậu suy nghĩ cẩn thận và trả lời:
- Thưa thiếu tá, mọi người ở đây đều rất tốt, công việc cũng lý thú.
Thiếu tá gật đầu:
- Thế thì được. Tôi vừa nhân công điện của sư đoàn cho hay trung úy Anh được thuyên chuyển về tổng tham mưu. Vì vậy, tôi muốn giữ thiếu úy lại đây thay cho trung úy Anh. Tôi đã gởi công điện về bộ tư lệnh sư đoàn. Thiếu úy cũng vừa hết thời hạn dưỡng thương một tháng. Kể từ ngày mai, thiếu úy chính thức nhận việc với đại úy Ý ở phòng hành quân.
- Nhưng thưa thiếu tá, sau một tháng dưỡng thương, tôi phải về tái khám ở quân y viện Cần thơ.
- Không cần thiết nữa. Tôi vừa hỏi ý kiến bác sĩ Thiện. Bác sĩ bảo rằng vết thương của thiếu úy lành hẳn rồi. Vả lại, công việc ở đây khá nhẹ nhàng, điều đó thiếu úy đã biết rõ.
Tân cố nài nỉ:
- Nhưng thiếu tá cũng nên cho tôi về quân y viện tái khám cho đúng với thủ tục.
Thiếu tá lắc đầu:
- Không cần thiết. Bác sĩ của trung đoàn sẽ đánh công điện về báo cho quân y viện biết là thiếu úy đã bình phục, không cần tái khám để họ xếp hồ sơ điều trị của thiếu úy lại. Công điện của tổng tham mưu bảo trung đoàn phải cho trung úy Anh rời ngay nhiệm sở cũ để về trình diện nhiệm sở mới. Tôi không muốn để cho tổng tham mưu nhắc nhở. Nếu thiếu úy về quân y viện Cần thơ thì phải mất nhiều ngày. Con đường từ đây về Sa đéc không an ninh phải chờ chuyến liên lạc có xe mở đường mới đi được. Nếu thiếu úy đi thì phải dự trù vắng mặt cả một tuần lễ hay hơn nữa.
Thiếu tá lại lắc đầu và nói tiếp như cho một mệnh lệnh:
- Phòng hành quân luôn luôn phải có đầy đủ người túc trực. Lệnh hành quân của sư đoàn có thể gởi đến bất cứ lúc nào và mọi người đều phải luôn luôn sẵn sàng để lên xe ra tiền cứ. Vì vậy, ngay sáng mai trung úy Anh bàn giao công việc cho thiếu úy để về trình diện tổng tham mưu. Thiếu úy nghe rõ chưa?
- Tuân lệnh thiếu tá.
Cậu đứng nghiêm đưa tay chào rồi quay lui, thẳng ra phố. Quán cơm khá vắng vẻ, mọi người đều ăn xong. Sau bữa cơm, Tân trở về. Ngang qua cổng, cậu nghe tiếng người lính gác hỏi:
- Thiếu úy về sớm vậy?
Cậu dừng lại, không trả lời mà hỏi lại:
- Có sĩ quan nào về chưa?
- Chưa đâu. Vừa xong cuộc hành quân, các vị đi chơi khuya lắm, quá giờ giới nhiêm mới về. Sao thiếu úy không đi chơi với họ?
- Tôi hơi mệt, về ngủ sớm.
Trả lời xong, Tân bước nhanh về phòng. Cả dãy nhà vắng ngắt. Tân lặng lẽ mở cửa, để nguyên cả áo quần, nằm sải lên giường. Cậu lật sách ra đọc cả một trang mà không hiểu sách nói gì. Trong đầu óc cậu, lời nói của thiếu tá trung đoàn trưởng cứ trở đi trở lại. Cậu nghĩ đến công việc của phòng hành quân và cảm thấy thích thú vì cậu đã làm quen được một tháng nay rồi. Tuy nhiên khi nghĩ đến việc xa rời mãi mãi các anh em trong đại đội của mình trước đây, cậu lại thấy xót xa trong lòng. Cậu nằm ôn lại gần hai mươi tháng chiến đấu vừa qua, hình dung lại những chiến trường từ vùng núi non hiểm trở của miền Trung đến đồng bằng bát ngát của miền Nam. Chính trên chiến trường nầy, Bính đã ngã gục, kỷ niệm đau đớn nầy sẽ mãi mãi phủ một bóng đen sầu thảm trên ký ức của cậu. Cũng trên chiến trường nầy, cậu đã ngã xuống, dòng máu thắm từ cơ thể cậu đã thấm vào lớp đất thiêng liêng của miền Nam, tuy nhiên tử thần chưa vội nhặt linh hồn của cậu mang đi.
Anh em đã đưa cậu về quân y viện và tại nơi đây cậu đã gặp một hình bóng yêu kiều của một người con gái mà cậu đã hằng đêm mong mau đến ngày tái khám để gặp lại nàng. Bây giờ, cậu không còn được phép về đó nữa. Cậu thở dài, cảm thấy một nỗi buồn len lỏi chảy trong lòng.
Cậu vùng dậy, bước đi dài trên hành lang vắng lặng rồi trở vào, mò xuống đầu giường lấy tập giấy trắng ra và nhất định phải viết cho nàng một lá thư.

Cao lãnh ngày. . . . .
Thùy Liên,
Trước khi đặt viết vào trang giấy trắng nầy, tôi cầu mong lá thư sẽ đến tận tay người mà tôi muốn gởi đến và mong người nhận sẽ không phiền lòng.
Thấm thoát một tháng qua rồi, kể từ khi tôi rời quân y viện để về dưỡng thương tại bộ chỉ huy trung đoàn. Nhờ bác sĩ của trung đoàn tận tâm săn sóc hằng ngày nên vết thương ở vai của tôi đã hoàn toàn bình phục. Từ nửa tháng nay tôi chuyển qua phương pháp vật lý trị liệu để cho cánh tay cử động lại với biên độ mỗi ngày một lớn hơn. Chắc chắn không bao lâu nữa tôi có thể sử dụng nó một cách bình thường, tôi sẽ trở về đơn vị và tiếp tục lang thang trên các chiến trường cùng với những đồng đội thân yêu của mình. Có lẽ, vì nghĩ về điều đó quá nhiều nên từ khoảng một tuần nay, đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy mình cùng anh em băng đồng lội ruộng trên các chiến trường miền Nam, có khi vượt qua những ngọn núi cao nghều nghệu của chiến trường miền Trung nữa.
Một đêm, tôi chiêm bao thấy mình đang đi men một bờ vực, phía trên là ngọn núi cao ngất mà đỉnh khuất trong đám mây trắng bồng bềnh, còn bên dưới sâu thăm thẳm có một dòng nước cuồn cuộn chảy tung bọt trắng xóa. Một luồng gió mạnh thổi qua, tôi buông tay khỏi một cành cây từ một kẹt đá chui ra. Lạ lùng chưa, tôi không rơi thẳng vào đáy vực cho tan xương nát thịt mà bay là đà một cách êm ái. Tôi nhìn thấy một đôi mắt đẹp vô cùng đăm đăm nhìn tôi đang nhẹ nhàng đáp xuống một bãi cỏ xanh mượt mà. Tôi giật mình tỉnh giấc và sực nhận ra rằng đôi mắt trong giấc mơ chính là đôi mắt mà tôi nhìn thấy trong phòng hồi sinh của quân y viện Cần thơ ngay lúc trở lại với cuộc sống của trần gian. Ôi, đôi mắt xinh đẹp làm sao!
Càng gần đến ngày chấm dứt thời hạn dưỡng thương, tôi càng nghĩ nhiều đến tiểu đoàn và đại đội của tôi. Tôi sắp trở lại với đồng đội thân yêu để chia sẻ buồn vui, cùng chung chịu gian lao và nguy hiểm của cuộc đời lính chiến.
Tuy nhiên, bây giờ, tôi không còn có dịp sống chung với anh em đồng đội trên chiến trường nữa.
Chiều hôm nay, thiếu tá trung đoàn trưởng vừa bổ nhiệm tôi vào trung tâm hành quân để thay thế cho một trung úy được thuyên chuyển về tổng tham mưu. Đối với một quân nhân đã mang thương tích trên người thì đó là một điều rất may mắn vì không phải đối diện với cái chết hằng ngày, hằng giờ nữa. Nhưng tôi lại không hân hoan khi nghe sự bổ nhiệm nầy. Tôi mong ước trở về với đồng đội của mình.
Nhưng đây là một mệnh lệnh nhà binh nên tôi không từ chối được. Thế là tôi chính thức trở thành một sĩ quan của phòng hành quân trung đoàn. Đây là bộ phận đầu não của nhiều cuộc hành quân nên công việc bề bộn nhưng khá lý thú và dễ chịu đối với tôi. Tôi đã quen với công việc nơi đây vì trong tháng dưỡng thương tôi vẫn đến đây phụ giúp anh em.
Tuy nhiên, trước khi nhận việc, tôi muốn trở về quân y viện Cần thơ để tái khám. Tôi biết vết thương của tôi đã lành hẳn, việc tái khám chỉ là một thủ tục để hoàn tất hồ sơ của thương binh mà thôi. Tôi tha thiết muốn trở về quân y viện chỉ vì muốn gặp lại người con gái mà một buổi sáng tôi đã vội vã ra đi, không kịp nói lời từ giã. Tôi đã nài nỉ thiếu tá trung đoàn trưởng cho tôi trở về quân y viện nhưng ông đã từ chối. Thế thì phải chịu thôi. Thời chiến mà, một sĩ quan nhỏ bé như tôi làm sao dám cãi lệnh một trung đoàn trưởng, phải không Liên? Đành hủy bỏ sự chờ đợi cả tháng nay được về Cần thơ để thăm lại chốn cũ và để trông thấy người con gái mà tôi mong được gặp lại biết bao….
Tôi đang ngồi viết cho Liên trong căn phòng nhỏ của dãy nhà dành cho các sĩ quan cấp úy của trung đoàn. Dãy nhà chạy dọc theo một bờ tường thâm thấp, bên ngoài là con đường nhựa từ trung tâm thành phố chạy ra ngoại ô, ngang qua trường trung học Cao lãnh.
Mỗi buổi sáng tôi thường đứng ló đầu qua bức tường, nhìn các em học sinh trung học lũ lượt đến trường, nam sinh thì quần xanh áo trắng, nữ sinh thì áo dài tha thướt. Nhìn các em vui vẻ và hồn nhiên, tôi nghĩ đến ngày tan giặc, tôi sẽ trở lại ngôi trường của tôi, để cho tâm hồn cằn cỗi vì chiến tranh được sống với tâm hồn thơ ngây và trong sáng của các em.
Giờ nầy, đường phố đã vắng lặng, thành phố vừa vào giờ giới nghiêm. Tôi nghe tiếng giày lạo xạo trên sỏi, cùng tiếng rì rầm nói chuyện vọng lại từ phía cổng của trung đoàn. Các sĩ quan đang trở về. Từ tiền cứ trở về đây, đêm nào anh em cũng đi chơi đến quá giờ giới nghiêm. Thành phố Cao lãnh nhỏ bé và sạch sẽ chứ không xô bồ, ồn ào và đầy chốn ăn chơi như thành phố Quy nhơn mà tôi đã đi qua.
Tất cả sĩ quan đều đã về phòng, tiếng nói chuyện chấm dứt, đèn trong các phòng đều tắt, hành lang sáng lờ mờ do ánh đèn đường rọi vào. Mọi người đã ngủ say, nhưng tôi vẫn ngồi yên trước trang giấy, tôi biết đêm nay mình sẽ trằn trọc vì nhớ nhung. Nhớ quân y viện Cần thơ, nhớ mùi thuốc sát trùng lúc nào cũng quyện trong không khí, nhớ những thương binh ngồi xe lăn hay chống nạn trên những con đường rợp bóng mát, nhớ những dáng người áo trắng lúc nào cũng dịu dàng săn sóc và an ủi những thương binh từ chiến trường được mang về. Và hơn tất cả, nhớ về một cô y tá xinh đẹp dễ thương.
Lá thư viết tới đây đã có thể chấm dứt được rồi, nhưng không biết ngày mai tôi có can đảm gửi đi hay không. Tôi có nên viết lá thư thế nầy cho một người con gái mà nỗi đau chưa tắt hẳn sau khi người yêu đã hi sinh cho Tổ quốc? Tôi xin nghiêng mình trước anh linh của người chiến sĩ dũng cảm mà lúc còn sống đã có diễm phúc in hình bóng của mình vào con tim của một người con gái mỹ miều. Bây giờ, người chiến sĩ đó đã vĩnh viễn ra đi, liệu đến bao giờ lòng thương nhớ của người còn ở lại mới nguôi ngoai?
Nếu lá thư nầy được gửi đi thì tôi xin viết thêm vào đây lời cầu chúc Liên luôn luôn khỏe mạnh để dùng đôi tay dịu dàng của mình thoa dịu những vết thương mà cuộc chiến tranh tàn ác đang gây ra trên cơ thể những người con thân yêu của Tổ quốc.
Tôi cũng xin Liên cho tôi gởi lời kính thăm ba má của Liên cùng tất cả những người trong thân quyến. Nếu ngày nào đó, Liên cho phép tôi được đến thăm những người đáng quí đó và được thấy nơi Liên đang sống thì đó là ngày sung sướng của tôi.
Trong cái rủi cũng có cái may. Nhờ lãnh một viên đạn của Việt cộng vào vai mà tôi được gặp Liên để có dịp ghi lại một hình ảnh rất đẹp trong quãng đời lính chiến của mình.
Thương binh Phạm bá Tân

Tân xếp lá thư cho vào phong bì; bên ngoài, cậu đề tên Thùy Liên và địa chỉ là Quân y viện Cần thơ. Xong xuôi, cậu chui vào mùng và tắt đèn. Quả như đã nói trong thư, cậu cố gọi giấc ngủ đến mà nó cứ mãi lượn lờ ở đâu đó, đến gần sáng nó mới trở về. Cậu chợp mắt chưa được bao lâu thì trời rựng sáng.
Sau một đêm mất ngủ, Tân cảm thấy hơi uể oải. Tuy nhiên, cậu cũng cố gắng tỏ ra tươi tỉnh, vì hôm nay là ngày đầu tiên, cậu chính thức là sĩ quan của bộ chỉ huy trung đoàn.
Khi mọi người đã có mặt đầy đủ trong phòng hành quân, thiếu tá trung đoàn trưởng công bố quyết định thuyên chuyển trung úy Anh về bộ tổng tham mưu và bổ nhiệm thiếu úy Tân thay thế. Tất cả sĩ quan đều đứng dậy vỗ tay chúc mừng cho cả hai người. Công việc bàn giao giữa hai sĩ quan khá chóng vánh. Nhiệm vụ chính yếu của Tân bây giờ là nhận công văn đến và thảo công văn đi. Trong các cuộc hành quân, cậu sẽ theo bộ chỉ huy trung đoàn ra tiền cứ, ở đó cậu có thể nhận thêm một vài công việc tùy theo sự đòi hỏi của chiến trường.



*
* *



Sau cuộc đảo chánh lật đổ và giết chết tổng thống, tình hình chính trị ở Sài gòn tiếp tục bất ổn. Nhiều vị lãnh đạo lần lượt được thay thế, nhiều nội các lần lượt được thành lập nhưng tình thế hậu phương vẫn không thể nào ổn định. Ở các thành phố lớn, các nhà sư vẫn xúi giục phật tử xuống đường gây náo loạn. Trên chiến trường, máu chiến sĩ đổ nhiều hơn vì Việt cộng lợi dụng tình hình, tăng cường thêm nổ lực quân sự. Để chận bớt nổ lực nầy của quân thù, trung đoàn phải tổ chức và tham gia liên tiếp những cuộc hành quân. Bộ chỉ huy trung đoàn không mấy khi ở lâu tại hậu cứ mà thường phải trú đóng gần như liên tục, từ tiền cứ nầy sang tiền cứ khác.
Một hôm, Tân theo bộ chỉ huy trung đoàn ra tiền cứ đóng tại Tân châu, trên bờ Tiền giang, nơi khúc sông rộng mênh mông. Đây là cuộc hành quân phối hợp cả ba quân chủng, thủy lục không quân, mục đích là đánh tan lực lượng hùng hậu của Việt cộng đang giữ con đường tiếp tế và liên lạc từ căn cứ đầu não của họ đóng trong rừng rậm của Cambodge với các đơn vị đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Cuộc hành quân có kết quả mỹ mãn. Hơn một trăm lính Việt cộng chết, phần lớn do phi cơ oanh kích, xác bỏ lại trên chiến trường, cùng với rất nhiều vũ khí đạn dược. Bên phía Việt Nam Cộng hòa, chỉ có vài người chết và bị thương.
Buổi trưa cuối cùng, Tân đã tổng kết các báo cáo từ các mặt trận đưa về và thảo công điện để trung đoàn gửi đến bộ tư lệnh sư đoàn. Khi viết xong con số cán binh Việt cộng bỏ xác trên chiến trận, Tân ngẩng lên nhìn quanh không thấy ai để ý, vội đưa tay áo lên lau hai giọt nước vừa ứa ra từ hai khóe mắt.
Từ hôm đó cậu thường xuyên phải giấu kín nỗi buồn trong lòng. Cậu lại có ý nghĩ xin từ giã phòng hành quân trung đoàn để trở về với đại đội. Ở đó, cậu trực tiếp cọ xát với hiểm nguy nhưng trong gần hai năm, cậu chỉ chứng kiến một góc cạnh nho nhỏ của cuộc chiến. Còn ở đây, nơi bộ chỉ huy hành quân nầy, cậu phải chứng kiến cuộc chiến qua một tầm nhìn rộng rãi hơn với hàng trăm xác chết, dù không trông thấy tận mắt nhưng chính tay cậu phải ghi vào công điện.
Tuy chưa thố lộ cùng ai, nhưng ý nghĩ xin trở về trung đội tác chiến cũ cứ lớn dần trong đầu của Tân, cho đến một hôm….
Đó là một buổi chiều rất đẹp trời. Cuộc hành quân bình định trong ba ngày ở vùng Sa đéc chấm dứt, bộ chỉ huy trung đoàn rút về hậu cứ. Tân về phòng tắm rửa xong, anh em rủ nhau ra phố nhưng riêng cậu chưa đi được. Cậu còn phải sắp xếp các công điện vào hồ sơ lưu trữ. Cậu đến bàn làm việc của mình và thấy có một phong thư mà bưu tá quăng lên đó không biết tự lúc nào. Tân cảm thấy tim mình đập rộn rã khi đọc ở góc trên của bì thư, tên người gửi: Đặng thị Thùy Liên!
Cậu ngồi vào ghế và vội vã bóc thư ra đọc.

Anh Tân thân mến,
Em nhận được một lá thư và rất ngạc nhiên khi thấy thư đề tên em mà không có tên người gởi. Trên thư lại có con dấu quân bưu. Nhìn con dấu nầy em suýt bật khóc khi nhớ đến nửa năm về trước, hằng tuần em đều nhận được một lá thư có đóng dấu quân bưu do anh Tạo từ quân trường và từ chiến tuyến gởi về. Từ sáu tháng nay, em không còn nhận được lá thư nào như thế nữa.
Anh Tân thân mến,
Mới đầu lá thư, em lại nhắc đến người yêu cũ của mình. Em xin lỗi anh về điều đó và mong anh đừng phiền lòng. Tính em thành thực, thích nói những gì đang xảy ra trong trí của mình. Trong sáu tháng rồi, tuy nỗi đau cũng đã vơi bớt khá nhiều, nhưng em chưa thể nào quên hẳn được mối tình đầu của em. Anh có thông cảm cho em không? Em nghĩ rằng có vì, tuy mới gặp anh vài lần trong quân y viện, em đã đọc được trong đôi mắt anh một cái gì đó thực trong sáng và khoan dung.
Em cảm ơn anh đã dành cho em nhiều cảm tình. Cảm tình đó làm cho em rất vui sướng và hãnh diện vì anh là một thành phần rất đáng quí trong hàng ngũ những chiến sĩ dũng cảm đang sẵn sàng hi sinh tất cả cho công cuộc bảo vệ miền Nam của chúng ta.
Vì vậy, khi nhận được thư anh, em đã đọc đi đọc lại đến ba lần và muốn trả lời ngay kẻo anh mong. Tuy nhiên, có một điều em muốn nói với anh một cách thành thực nhưng em phân vân mãi, sợ nói ra làm anh buồn lòng.
Bản tính em không thích làm cho người khác buồn lòng nhất là đối với anh, một con người cô đơn thực đáng thương. Anh có biết tại sao em biết anh là một người cô đơn hay không? Chính dì Ba nói với em đó. Trong thời gian anh nằm tại bệnh viện nầy và suốt những ngày anh về dưỡng thương tại trung đoàn của anh, dì Ba thường nhắc đến anh. Em cũng lấy làm lạ về điều đó. Dì Ba làm việc tại đây lâu lắm rồi. Dì đã và đang săn sóc biết bao thương binh, đã thoa dịu nỗi đau của biết bao chiến sĩ quằn quại vì vết thương trên cơ thể. Tuy nhiên, dì chưa lưu tâm đến người nào nhiều bằng anh. Người khác nghe dì nói về anh thì cứ ngỡ anh là con cháu ruột thịt của dì.
Dì Ba bảo rằng anh đã là một đứa trẻ mồ côi. Chiến tranh đã sớm cướp mất những người thân yêu nhất của anh và chính chiến tranh cũng đã đưa anh vào quân y viện để gặp dì Ba, gặp em và nhiều người khác ở đây.
Anh chưa từng có một mái ấm gia đình phải không? Tất cả mọi thương binh nằm điều trị trong quân y viện nầy, ai cũng có thân nhân đến thăm viếng, nuôi dưỡng một hoặc nhiều lần. Những người quê quán mãi tân ngoài miền Trung xa xôi cũng được cha mẹ, anh chị em vào thăm hay ít nhất nhận được những lá thư, những gói quà an ủi. Duy nhất chỉ có một mình anh ở đây, hoàn toàn sống nhờ cơm của bệnh viện. Vết thương trên cơ thể thì có sự săn sóc của tập thể y tá bác sĩ, nhưng nỗi buồn cô đơn trong lòng thì phải riêng mình chịu đựng mà thôi.
Lúc từ giã bệnh viện để về nhà dưỡng thương, mọi người đều được sự săn sóc vỗ về, do những bàn tay dịu dàng của người mẹ, người chị, người em gái thì anh lại được xe nhà binh đưa về nằm tại một cơ quan quân sự, nơi mà người ta phải lo đối phó với cuộc chiến tranh ác liệt chứ còn thì giờ đâu mà săn sóc thương binh. Em thực bùi ngùi khi nghĩ đến điều nầy.
Buổi sáng anh từ giã nơi nầy, em không hề hay biết vì từ sáng tinh mơ, em được gọi vào và lên xe đi Sài gòn ngay lập tức. Hôm sau, em trở về thì dì Ba nói với em rằng anh đã về trung đoàn và trước khi đi, anh muốn gặp em để từ giã. Em rất buồn khi nghe dì nói như thế. Em vội vã đến phòng anh và nhìn thấy trên giường anh có một thương binh đang nằm, mặt và đầu bịt băng kín hết, chỉ chừa hai lỗ nhỏ ở hai mắt mà thôi. Đó là một chuẩn úy của tiểu khu bị phải lựu đạn trong cuộc hành quân tại Ô môn.
Từ ít lâu nay, em bắt đầu cảm thấy ngao ngán vì khung cảnh đầy thương tật và chết chóc ở quân y viện nầy. Cứ mỗi lần nghe tiếng xè xè của trực thăng tải thương sà xuống bãi đáp của bệnh viện là em nghe tim mình nhói lên từng cơn. Em phải chứng kiến cảnh từ phi cơ, người ta vội vã mang xuống những thây người cứng đờ hoặc những con người vẫn còn thở nhưng cơ thể không còn toàn vẹn nữa. Mới trước đó vài giờ, họ là những con người với cơ thể cường tráng, với tâm hồn yêu đời, với tấm lòng đầy ắp tình thương đồng loại!
Em ghê tởm cuộc chiến nầy quá rồi. Giả dụ, cuối cùng, những người đang ngồi trong các dinh thự ở Hà nội thắng trận hoàn toàn thì em không hiểu họ sẽ đem đến cho nhân dân miền Nam được điều gì để bù đắp cho nỗi thống khổ vô cùng mà cuộc chiến tranh của họ đã gây ra cho chúng ta hiện nay.
Những điều em vừa viết ra trên đây vẫn hằng ngày vò xé tâm can em, nhưng em không nói được với ai vì mọi người đang quá bận rộn với công việc của mình. Hôm nay viết ra được như thế cho anh đọc, em cũng cảm thấy lòng nhẹ bớt phần nào. Nhưng thôi, em không nói thêm nữa đâu, vì đó chỉ là những ý tưởng có tính phản chiến của một người con gái yếu đuối, chẳng ích lợi gì cho ý chí chiến đấu của các anh.
Bây giờ. em xin trở lại cái điều mà em muốn nói với anh, cái điều mà em cứ mãi đắn đo, đến bây giờ vẫn chưa nói được thành lời. Ở phần trên, em đã nói đọc thư anh đến ba lần liên tiếp. Sự tha thiết trong những dòng chữ của anh làm em vừa cảm động, vừa băn khoăn và không ngớt suy nghĩ từ hơn một tuần nay.
Hiện tại, em có quyền nhận lấy sự tha thiết mà anh muốn gởi đến cho em không?
Chiến tranh cướp mất người chồng chưa cưới của em cách nay vừa tròn sáu tháng. Lúc nhỏ, chúng em cùng ở chung một xóm, cùng học tại một trường trung học, anh Tạo học trên em hai lớp. Chúng em đã bắt đầu yêu nhau trong những năm cuối cùng dưới mái trường trung học nầy. Sau khi đậu tú tài, anh Tạo về Sài gòn học ở đại học khoa học, còn em ở lại học xong tú tài rồi thi vào trường đào tạo y tá ở Cần thơ. Anh Tạo học xong cử nhân cùng lúc em ra trường làm y tá. Gia đình hai bên đã qua lại với nhau, mọi người thân đều chờ đợi lúc hai đứa chúng em có công ăn việc làm.
Đúng ngay vào lúc đó, anh ruột của anh Tạo, đại úy Minh, chi đội trưởng thiết giáp, tử trận tại mặt trận Tây ninh. Xác anh Minh được đưa về an táng tại quê nhà. Trong suốt những ngày ma chay, anh Tạo không khóc cũng không nói một tiếng nào. Cho đến khi hạ huyệt, ngôi mả vừa mới được đắp xong thì anh Tạo cầm nén nhang đang cháy quì trước mộ và hét lớn: “Anh Minh, anh Minh, em phải trả thù cho anh. Anh Minh, anh Minh, hồn anh hãy linh thiêng chứng giám cho lời thề của thằng Tạo nầy!”. Nói xong, anh Tạo quăng cả nắm nhang, phục xuống ôm mộ khóc rống lên. Mọi người chung quanh đều khóc theo. Sau đó, anh Tạo bỏ về Sài gòn và tình nguyện nhập ngũ tại trường sĩ quan Thủ đức. Ra trường, anh Tạo xin đi biệt động quân, chiến đấu được hơn một năm thì hi sinh như anh mình. Bây giờ, linh hồn hai anh em đang sống bên nhau ở một nơi nào đó không phải là cái thế gian đầy nước mắt nầy.
Em vừa khóc xong và trở lại viết cho xong lá thư đang dang dở. Em đã nói khá rõ với anh nỗi bất hạnh to lớn của em và chắc chắn anh cũng hiểu tâm trạng của em và cái nhìn của người khác đối với em lúc nầy. Em rất quí trọng tình cảm của anh dành cho em, em xin nhắc lại một lần nữa. Nhưng ít nhất trong lúc nầy, em mong muốn tình cảm đó không tiến xa hơn. Anh là một chiến sĩ kiêu hùng, em là một y tá góp phần làm lành vết thương của chiến sĩ. Tình cảm của chúng ta nên dừng lại ở đó, dừng lại trong phạm vi của những người đang tham gia vào cuộc chiến, những người “đồng đội”, mặc dầu em chưa bao giờ chiến đấu bên cạnh anh.
Em rất vui mừng khi biết được vết thương của anh đã lành hẳn. Càng vui mừng hơn nữa khi biết anh được giữ lại ở bộ chỉ huy trung đoàn, không phải cầm súng ra chiến trường. Em biết anh không bao giờ quên những đồng đội của anh ở trung đội tác chiến, nhưng anh hãy ở lại phòng hành quân của trung đoàn anh nhé. Anh hãy hứa với em đi, anh Tân.
Em cầu mong anh bình an, mạnh khỏe và luôn luôn gặp điều may mắn.
Bạn gái của anh
Đặng thị Thùy Liên.

Cố nén một tiếng thở dài, Tân xếp lá thư lại, cẩn thận cho vào phong bì.
Phòng hành quân vắng lặng vì mọi sĩ quan đi ăn uống chưa về. Bên ngoài, trời đã tối hẳn. Ánh đèn đường rọi một thứ ánh sáng mờ mờ, vàng vọt và buồn bã vào những chiếc quân xa đậu im lìm ở một góc sân. Cậu vội vàng xếp các công điện vào tập hồ sơ lưu trữ rồi ra phố và bước vào quán ăn quen thuộc. Quán thực vắng vẻ. Bóng đèn dài duy nhất trên trần rọi ánh sáng trắng nhợt nhạt xuống những chiếc bàn trống trơn. Tận trong góc, sát với quầy, có một người đàn ông mặc thường phục đang ngồi trầm ngâm trước một ly bia sủi bọt. Tân ngồi vào một bàn ở giữa nhà và gọi cơm.
Ăn xong đĩa cơm, cậu ngẩng lên định gọi chủ quán cho nước uống thì người đàn ông bỗng dưng đứng dậy và bước lại gần, cầm trên tay ly bia cạn còn phân nửa. Anh ta mỉm cười, giọng nói miền Bắc:
- Chào thiếu úy, hôm nay thiếu úy dùng cơm trễ.
Tân ngạc nhiên, nhìn chăm chú nhưng không tìm được nét quen thuộc nào trên khuôn mặt xương xương trông có vẻ trí thức nhờ cặp mắt kiếng gọng vàng. Cậu chưa kịp trả lời thì anh ta tự giới thiệu:
- Tôi là Thành, ở tòa hành chánh tỉnh.
Tân đáp lời một cách lịch sự:
- Tôi là Tân.
- Thiếu úy Tân của bộ chỉ huy trung đoàn.
Tân ngạc nhiên:
- Anh biết tôi à?
Người đàn ông tên Thành cười:
- Tôi không quen với thiếu úy nhưng vài lần tôi thấy thiếu úy đi chung với nhóm sĩ quan trung đoàn. Tỉnh lỵ nầy nhỏ như bàn tay, mọi người đều biết mặt và để ý đến các sĩ quan chứ không riêng gì tôi.
Tân bỗng có ý tò mò nên dọ hỏi:
- Dân chúng ở đây có ý nghĩ gì đối với chúng tôi? Nhìn cái đám võ biền vẫn thường đi nghênh ngang ngoài phố sau một cuộc hành quân, có lẽ người dân không có mấy cảm tình, phải không?
Thành cãi lại một cách sốt sắng:
- Không phải vậy đâu. Ở đây, mọi người đều có cảm tình với các sĩ quan của trung đoàn. Tôi cũng vậy. Hôm nay tôi muốn làm quen với thiếu úy. Thiếu úy cho phép tôi mời một chai bia nhé.
Tân gật đầu. Thành quay lui gọi chủ quán mang ra hai chai bia và mấy lọn nem. Anh lặng lẽ rót bia ra ly rồi đẩy sang cho Tân:
- Mời thiếu úy.
Tân cầm ly lên nhưng chưa uống vội. Cậu vẫn tiếp tục ngạc nhiên về thái độ ân cần hơi có vẻ bất thường của người đàn ông chưa hề quen biết nầy. Tân nhìn anh ta và đột ngột hỏi:
- Anh Thành, tôi đoán rằng anh có một tâm sự gì đó cần nói ra với một người nào phải không?
Thành gật đầu:
- Thiếu úy đoán đúng. Tôi cần nói chuyện với một người. Người đó là sĩ quan thì càng tốt.
- Chuyện gì vậy, anh cứ nói đi, tôi sẵn sàng nghe đây.
Thành đưa ly bia lên hớp một miệng, đôi mày nhíu lại:
- Có lẽ thiếu úy đã nghe một tin quan trọng rồi chứ.
Tân ngạc nhiên:
- Tin gì vậy? Mấy hôm nay, tôi tham dự hành quân, vừa mới về tới đây.
- Tôi cũng vừa mới nghe tin đó lúc đi ăn cơm trưa. Báo chí xuất bản tại Sài gòn ra buổi sáng, đến mười một giờ mới đến đây. Trang nhất của tất cả các nhật báo đều đăng tin một chiếc tàu chiến của Mỹ vừa bị hải quân của Bắc Việt tấn công và Mỹ đã trả đũa. Chuyện đó xảy ra cách đây ít lâu rồi, đến hôm nay, người ta mới chính thức công bố.
Tân sửng sốt:
- Vậy sao? Mỹ trả đũa cách nào?
- Dùng tàu bắn phá và dùng phi cơ của hạm đội Bảy oanh tạc vào nhiều căn cứ quân sự của Bắc Việt dọc theo duyên hải của hai tỉnh Quảng trị và Quảng bình.
- Thế thôi à?
Thành trả lời:
- Tôi nghĩ điều đó khơi mào cho một chiến dịch qui mô tấn công miền Bắc.
- Sao anh nghĩ như vậy?
- Tôi biết Mỹ và chính phủ mình đã dự trù cho kế hoạch đó từ lâu rồi. Gần đây báo chí trong nước và ngoại quốc, càng ngày, càng nói nhiều đến kế hoạch tấn công nầy. Người ta đã chuẩn bị dư luận rồi đó. Không biết chuyện Bắc Việt tấn công tàu chiến của Mỹ là chuyện có thực hay chỉ là cái cớ để khởi đầu đánh ra miền Bắc. Theo anh thì chuyện hải quân cộng sản Việt Nam tấn công tàu Mỹ có thực hay không?
Tân lắc đầu:
- Tôi không biết vì chưa hề suy nghĩ điều đó. Bây giờ nghe anh nói tôi mới biết và rất xúc động.
- Theo tôi thì đó chỉ là một cái cớ của Mỹ mà thôi. Đem những chiếc tàu nhỏ xíu và mỏng manh của hải quân Bắc Việt đi tấn công tuần dương hạm của Mỹ thì có khác gì lấy trứng ném vào đá. Chỉ có những︠thằng điên mới làm như vậy. Người cộng sản Bắc Việt không phải là những thằng điên đâu. Bọn nó khôn ranh và quỹ quyệt lắm, không dại gì làm cái chuyện ngu xuẩn đó. Vì vậy, Mỹ ngụy tạo cớ để đánh ra miền Bắc hay ít nhất oanh tạc cho tơi bời. Đáng lẽ họ phải làm chuyện nầy trước đây vài năm chứ không phải đợi đến bây giờ.
Tân ngạc nhiên:
- Tại sao vậy?
- Anh có nhớ trong đệ nhị thế chiến, trước khi đổ bộ lên Normandie vào đầu tháng 6 năm 1944, Mỹ đã ném bom tan tành cả Berlin làm cho Đức quốc xã không còn đủ sức để đánh chận các toán quân Đồng minh trên đất Pháp. Ở miền Nam nầy thì chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã thỏa thuận cho Mỹ đưa quân vào từ lâu rồi nên phải đánh cho sụm miền Bắc để hi vọng bảo đảm được sự an toàn tương đối cho lính Mỹ và chiến thắng hoàn toàn cho quân đội miền Nam. Tôi nghe nói Việt cộng gọi miền Nam là tiền tuyến lớn và miền Bắc là hậu phương lớn. Hậu phương nuôi tiền truyến. Không diệt được hậu phương thì làm sao bình định được tiền tuyến. Bắc Việt như một tổ kiến khổng lồ không ngừng sản sinh ra những chú kiến hiếu chiến để liên tục thả vào cắn phá miền Nam, con nầy bị giết thì con khác vào thay, hàng thế kỷ nữa cũng không thể giải quyết xong nếu cái tổ kiến ngoài kia vẫn còn tồn tại và hoạt động.
Thành dừng một chút uống cạn ly bia rồi nói tiếp:
- Trước sau gì rồi chúng ta cũng phải tấn công ra Bắc. Tôi có người chú là sĩ quan cao cấp ở tổng tham mưu, có lần cho tôi biết rằng, lính biệt kích của mình vẫn thường xuyên được thả ra miền Bắc để thu nhận tin tình báo cùng vẽ bản đồ. Rõ ràng đó là bằng chứng của một cuộc tấn công của chúng ta trong tương lai. Thiếu úy còn nhớ cuộc chiến tranh Nam Bắc Triều tiên năm 1950 không? Cộng sản miền Bắc thình lình xâm lăng miền Nam. Miền Nam thua vì làm sao chống lại nổi một quân đội đã được chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc xâm lăng. May nhờ có liên quân Mỹ và nhiều nước khác nhảy vào, không những đuổi cộng sản ra khỏi miền Nam mà sẵn trớn chiếm luôn miền Bắc đến tận biên giới với Trung cộng. Sau khi phá tan tành miền Bắc, liên quân rút về vĩ tuyến Ba mươi tám là lằn ranh cũ. Miền Bắc hoàn toàn kiệt quệ không còn khả năng xâm lăng miền Nam nữa thì mới chịu ký thỏa thuận ngưng bắn để cho nhân dân hai miền được sống hòa bình cho đến ngày nay. Lịch sử là một bài học quí giá. Chúng ta cần phải noi theo bài học lịch sử của Triều tiên thì mới giải quyết tận gốc cuộc chiến tranh dai dẳng nầy được.
Nghe anh chàng mới quen biết nầy cứ nhất mực đòi tấn công ra Bắc, Tân cảm thấy càng lúc càng khó chịu, tựa như trong cổ họng vướng một cục gì đó, muốn nuốt mà không trôi. Cậu ngồi yên cố phân tích lòng mình và chợt hiểu.
Anh Vinh!
Lâu lắm rồi, cậu không có dịp để nhớ đến anh Vinh. Không biết giờ nầy, anh đang ở chốn nào ngoài miền Bắc đó. Anh có thường nhớ đến đứa em côi cút còn ở lại miền Nam nầy hay không? Theo lời anh chàng nầy, chiến tranh sắp xảy ra trên đất Bắc, cuộc sống của anh rồi sẽ ra sao?
Tiếng nói của Thành vẫn tiếp tục vang lên, trôi chảy và hùng hồn như một diễn giả:
- Từ ngày thành lập Mặt trận Giải phóng đến nay, Cộng sản Bắc Việt liên tục đưa biết bao nhiêu là quân lính và vũ khí vào Nam. Chúng ta đã cố gắng chận lại bằng một loạt các tiền đồn dọc theo vĩ tuyến Mười bảy, nhưng có chận được đâu. Đường mòn Hồ chí Minh là một con đường cực kỳ linh hoạt. Chận đánh trên lãnh thổ Việt Nam thì nó mọc sang bên Hạ Lào và Cam bốt. Các toán quân cộng sản đi xuyên qua rừng núi trùng trùng điệp điệp, như một đàn kiến kéo nhau đi trong đám cỏ rậm rì, làm sao tiêu diệt được. Chỉ còn một giải pháp đánh thẳng ra miền Bắc để tiêu diệt tận hang ổ mà thôi.
Tân nắm chặt ly bia và bóp mạnh như muốn cho nó vỡ tan ra. Cậu tiếp tục nhớ đến anh Vinh và tưởng tượng anh mình đang cùng mọi người ngoài đó chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh đang mở rộng ra khắp nước. Cậu cảm thấy bực mình. Đứng dậy ra về thì e bất nhã với người vừa quen biết, mà tiếp tục ngồi lại thì chịu đựng đến bao giờ!
Cậu cố giữ giọng thản nhiên để tìm cách chấm dứt câu chuyện:
- Cái tâm sự mà khi nãy anh bảo muốn thố lộ với tôi có lẽ là nỗi vui mừng và phấn khởi khi Mỹ và Việt Nam Cộng hòa sửa soạn tấn công ra chiếm miền Bắc. Tôi xin chia sẻ với anh nỗi vui mừng đó.
Tân định nói tiếp lời chia tay nhưng không kịp vì Thành đã cướp lời:
- Không, đó chưa phải là tâm sự của tôi và thú thực tôi rất đau đớn với cái tin đánh ra miền Bắc dù biết rằng đó là điều hữu lý để chấm dứt chiến tranh miền Nam.
Tân nhìn sững, hết sức ngạc nhiên:
- Tại sao anh đau đớn?
- Cả gia đình tôi vẫn còn ngoài đó, tôi di cư vào đây một mình.
Tân gật đầu:
- À, vậy là tôi hiểu rồi. Gia đình anh ngoài đó gồm những ai?
- Bố mẹ và hai đứa em gái. Mười năm rồi, không ngày nào mà tôi không nhớ đến bố mẹ và em tôi. Từ sau hiệp định Genève, cộng sản chiếm được miền Bắc và cố tình bưng bít, tin tức rất kiếm hoi nhưng tôi cũng hiểu rằng, đời sống của nhân dân trong đó có gia đình tôi, vô cùng cơ cực. Nay bom đạn lại sắp trút lên đầu họ nữa. Về lý trí, tôi hiểu rằng tấn công ra Bắc là điều cần thiết để chấm dứt chiến tranh Việt Nam, nhưng về tình cảm điều đó làm cho tôi vô cùng lo lắng và không mong chuyện đó xảy ra. Tôi biết ngay trong lòng tôi, có một sự mâu thuẩn thực to lớn. Thiếu úy có thấy bực mình vì sự mâu thuẫn đó không?
Tân vỗ nhẹ vào tay anh ta:
- Không, tôi không bực mình chút nào đâu. Tôi kính trọng cả lý trí lẫn tình cảm của anh. Cả hai đều rất chững chạc dù đang chống đối quyết liệt ngay trong tâm khảm của anh. Tôi nghĩ rằng điều đó không xảy ra riêng cho anh mà cho rất nhiều người khác.
- Cám ơn thiếu úy. Đêm nay tôi may mắn tìm được người thông hiểu tâm trạng của tôi. Chiến tranh là điều tồi tệ. Chế độ hà khắc của cộng sản cũng tồi tệ không kém. Mấy năm rồi, miền Nam chịu đựng chiến tranh nhưng được một xã hội nhân bản. Miền Bắc thì không có bom đạn nhưng phải chịu đựng chế độ cộng sản, nỗi khổ của hai miền có lẽ ngang nhau. Nay đem cả chiến tranh ra Bắc, gia đình tôi và toàn thể đồng bào ruột thịt của mình ngoài đó phải chịu cùng lúc hai tai ách kinh tởm nhất của loài người. Làm sao mà giữ cho lòng mình khỏi đau đớn được.
- Tôi đồng ý với anh về điều đó. Nếu phải ra đánh miền Bắc thì cũng là chuyện miễn cưỡng, rất miễn cưỡng chứ chẳng phải là chuyện đáng phấn khởi chút nào.
Thành thở ra một hơi dài, có vẻ rất hài lòng:
- Nói chuyện với thiếu úy rất dễ chịu. Còn nói với bọn kia thì thực là không thể chịu được.
- Bọn nào?
- Bọn công chức đồng nghiệp của tôi trong tòa hành chánh tỉnh. Nghe tin oanh tạc miền Bắc, bọn nó vui mừng hoan hô ầm ĩ rồi góp tiền làm tiệc liên hoan để ăn mừng nữa. Tôi không phản đối việc mở rộng chiến tranh ra miền Bắc nhưng tôi không đồng ý về sự vui mừng thái quá như thế. Thế là xảy ra cãi vã to tiếng. Có thằng còn dám bảo rằng tôi thân cộng nữa. Tôi suýt bợp tai nó nhưng mọi người đã kịp can ra. Mười năm trước, tôi đã bỏ cả quê hương, bỏ cả gia đình, bỏ cả người yêu, cũng chỉ vì muốn lánh xa cộng sản thế mà nó bảo rằng tôi bênh vực cho cộng sản thì làm sao chịu nổi. Bọn chúng chẳng có vẻ xúc động chút nào về nỗi khổ của đồng bào miền Bắc một khi chiến tranh lan ra ngoài đó.
Anh gật gù và tiếp tục nói như để cho chính mình nghe:
- Bọn đó có biết gì về chiến tranh, ngay ở trong miền Nam nầy. Lớn lên, đi học rồi ra làm công chức, ngồi trong tòa nhà mát mẻ, yên ổn, chỉ nghe nói tới chiến tranh chứ đâu đã chịu khổ vì chiến tranh nên chúng nó vui mừng khi thấy chiến tranh được mở rộng ra miền Bắc.
Tân lại bực mình vì cái lý luận lủng củng của anh chàng nầy. Cậu nói thẳng, không cần dè dặt nữa:
- Anh nên nhớ rằng hằng ngày anh cũng đang ngồi trong căn phòng mát mẻ như bọn họ, nghĩa là chiến tranh chưa hề đụng đến cái lông chân của anh. Khi nghe chiến tranh có thể mở rộng ra miền Bắc, anh đau đớn vì lo cho những người thân của anh. Thế thì, trong bao nhiêu năm nay chiến tranh ở miền Nam gây ra biết bao tan thương cho đồng bào mình, anh có thấy xót xa không?
Thành ngước lên nhìn sững vào mặt Tân rồi nói một cách sôi nổi:
- Thiếu úy nói đúng rồi. Đó chính là điều làm cho lòng tôi ray rứt trong suốt bao nhiêu năm trường. Tôi đã sống an lành với các tiện nghi vật chất trong khi miền Nam quằn quại vì cuộc chiến tranh xâm lăng và miền Bắc quằn quại vì gông cùm của cộng sản. Sống như thế thì làm sao lương tâm tôi yên ổn được. Bây giờ, chính là giai đoạn cuối trong cuộc khủng hoảng nội tâm của tôi. Trưa nay, sau khi lớn tiếng cãi vã với đồng nghiệp ngay trong phòng làm việc, tôi đùa hết hồ sơ sổ sách vào tủ, khóa lại và bỏ ra ngoài. Tôi đạp xe lang thang khắp thành phố, chạy xuống tận bến phà Cao lãnh rồi trở về ngồi uống rượu một mình. Ngày mai tôi sẽ về Sài gòn tình nguyện nhập ngũ. Đêm nay, đêm cuối cùng của cuộc đời dân sự, tôi cần gặp ai đó để tâm sự. Ai đó phải là người hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh, hiểu được sự phức tạp của lòng tôi. May quá, tôi đã tình cờ gặp thiếu úy. Tôi đã nói được tất cả những gì mình muốn nói. Ngày mai tôi sẽ an tâm lên đường nhập ngũ, từ giã cuộc sống mà biết bao nhiêu người đang mơ ước. Bạn bè cùng lứa tuổi với tôi đã nhập ngũ từ lâu rồi, riêng tôi thì tiếp tục được hoãn dịch từ khóa nầy đến khóa khác với lý do công vụ vì tôi được liệt vào số nhân viên cần thiết của tỉnh Kiến phong nầy. Ngày mai, khi biết tôi bỏ nhiệm sở để vào quân ngũ, người ta sẽ nghĩ rằng tôi là đứa không bình thường. Thiếu úy có cho rằng quyết định của tôi là điều điên rồ không?
Tân nắm lấy bàn tay của anh ta và siết mạnh:
- Không, tôi hoàn toàn thông hiểu tâm trạng của anh vì chính tôi cũng đã trải qua tâm trạng gần như thế. Kể ra thì cũng đáng tiếc khi anh từ bỏ chức vụ dân sự ở đây. Tuy nhiên nếu cứ duy trì công việc và nếp sống hiện nay thì nội tâm anh tiếp tục bị dày vò và cuộc sống an lành ở đây không thể gọi là tốt đẹp được. Lúc còn học ở quân trường, tôi có anh bạn Thảo cùng trung đội, có hoàn cảnh như anh. Từ miền Bắc, Thảo vượt biên vào Nam sau khi gia đình bị đấu tố trong đợt cải cách ruộng đất. Trên con đường băng rừng vượt suối, anh ấy đã đổ không biết bao nhiêu nước mắt khi nghĩ đến cha mẹ đã bị giết chết và đứa em gái tên Hải Đường không biết phiêu bạt phương nào. Vào tới miền Nam, Thảo được sống trong không khí tự do, nhận được tình yêu thương đùm bọc của đồng bào và một cuộc sống dễ chịu trong một xã hội văn minh. Nhưng lòng của Thảo thì không bao giờ yên ổn vì không thể quên được hình bóng những người thân đang bị khốn khổ ở ngoài miền Bắc. Thảo bảo rằng chỉ khi vào quân trường, nhận chịu cuộc sống lắm nhọc nhằn trong hiện tại và đầy hiểm nguy trong tương lai thì anh ấy mới thấy lương tâm mình yên ổn, xoá bỏ được mặc cảm thấp hèn là vào Nam để hưởng thụ, bỏ mặc người thân chịu đựng bao nhiêu điều bất hạnh ở miền Bắc. Tôi tin rằng, cũng như anh bạn Thảo của tôi, anh sẽ tìm được ở quân đội. một niềm an ủi quí giá. Quân đội sẽ giúp anh xóa được mặc cảm hưởng thụ và cho anh nguồn vui và hãnh diện xứng đáng làm trai thời loạn.
Thành mỉm cười, đôi mắt long lanh dưới ánh đèn đêm:
- Cám ơn thiếu úy. Đêm nay, tôi may mắn được gặp thiếu úy. Bây giờ thì tôi rất an tâm đi nhập ngũ. Chúng ta có thể chia tay được rồi, phải không thiếu úy?
- Khoan, còn hai điều tôi đề nghị anh giải quyết trước khi lên đường. Điều thứ nhất, anh đã có vợ con chưa?
- Chưa, còn độc thân.
- Tốt, vậy là xong điều thứ nhất. Điều thứ hai, anh nên trở về tòa hành chánh làm đơn xin nhập ngũ cho đúng thủ tục và bàn giao công việc cho đàng hoàng. Như thế, anh không gây phương hại cho sự điều hành công việc trong tòa hành chánh và sau khi nhập ngũ rồi, anh vẫn được hưởng lương như hiện nay. Đó là quyền lợi chính đáng của mình, không nên từ chối.
- Một lần nữa tôi thành thực cảm ơn thiếu úy.
Hai người đứng dậy siết chặt tay nhau. Trong thành phố, còi báo giờ giới nghiêm bắt đầu hụ vang.

Tân về đến cổng thì người lính gác bước ra mở cánh cửa nhỏ. Giọng anh ta vồn vã:
- Thiếu úy đi chơi vui nên về trễ.
- Ừ, mãi ham nói chuyện quên cả giờ giới nghiêm.
- Thiếu úy nói chuyện Mỹ thả bom Bắc Việt phải không?
Tân ngạc nhiên:
- Cậu cũng biết chuyện đó nữa sao?
- Biết chứ. Dưới khu gia binh, chúng em bàn tán xôn xao từ chiều đến giờ.
- Ý kiến của cậu là thế nào?
- Khoái lắm. Muốn tiêu diệt thú dữ thì phải vào tận hang ổ. Để yên tụi nó ngoài đó, cả chục triệu mụ đàn bà cứ tì tì đẻ ra lính đưa vào Nam quấy phá thì có lúc mình chịu hết nổi đành phải thua thôi. Có phải vậy không thiếu úy?
Tân mỉm cười lặng lẽ gật đầu. Cậu hỏi sang chuyện khác:
- Các sĩ quan đã về chưa?
- Tất cả đã về khá lâu rồi, đang bàn tán xôn xao trong văn phòng kia kìa.
Tân nhìn vào. Khác với mọi hôm, phòng hành quân vẫn còn ánh đèn sáng trưng. Từ hướng đó, có nhiều tiếng nói vọng ra. Cậu lầm lũi đi trong bóng tối để về phòng. Cậu không bật đèn. Trong ánh sáng lờ mờ của đèn đường rọi vào, cậu lặng lẽ thay áo quần và nằm dài lên giường.
Cậu nhớ đến anh Vinh. Nỗi nhớ mỗi lúc một mãnh liệt hơn làm cho bụng cậu cồn cào khó chịu. Cả một quá khứ lắm đau buồn và dài dằng dặc hiện ra theo thứ tự thời gian, kể từ khi cha mẹ qua đời, hai anh em lê cái tuổi thơ khốn khổ vào Nam. Cậu đã lớn lên trong tình thương vô bờ bến của anh Vinh. Mười mấy năm rồi, cậu không còn thấy anh nữa và đêm đêm cậu không còn được hưởng cái cảm giác yên lành khi nằm bên anh và nghe hơi ấm từ cơ thể anh truyền sang. Mười mấy năm rồi, ước mơ lớn nhất của cậu là gặp lại anh Vinh. Cậu sẽ ôm chặt lấy anh, dúi đầu vào ngực anh để tìm lại hơi hướng thân yêu của tuổi thơ. Nhưng gặp trong hoàn cảnh nào thì cậu không hình dung nỗi khi mà cuộc chiến tương tàn nầy vẫn còn kéo dài một cách vô vọng ở miền Nam và nguy cơ lan rộng ra miền Bắc đã cận kề.
Anh Vinh của cậu đang sống ở miền Bắc và bom đạn vốn vô tình….
Tân trở mình, co chân lên, hai tay siết chặt chiếc mền, cố gắng ngắt ngang dòng tưởng tượng về một khung cảnh thịt nát xương tan ở một nơi nào đó ngoài miền Bắc nơi anh Vinh đang sinh sống.
Cậu nghe trên hành lang có tiếng chân đi, cùng với tiếng bàn tán xôn xao. Cậu biết các sĩ quan vừa rời phòng hành quân để trở về các phòng ngủ. Một người mở hé cửa phòng của cậu, ló đầu nhìn vào rồi quay lui nói với những người khác:
- Thiếu úy Tân về ngủ rồi. Có lẽ đang say rượu. Không biết đi nhậu với ai từ chặp tối.
Một giọng khác oang oang:
- Gọi nó dậy báo cho nó biết sắp tấn công ra Bắc rồi. Hỏi nó có bà con ngoài đó không thì nhắn về bảo chạy sang Trung cộng mà lánh nạn đi.
Có tiếng cười hô hố và tiếng đáp lại:
- Thôi để cho nó ngủ, sáng mai nói cho nó biết cũng được.
Tân nằm yên, không dám nhúc nhích, đợi cho mọi người về phòng.


*
* *



Sau sự kiện hải quân Cộng sản và Mỹ bắn nhau ở vịnh Bắc Việt, chiến tranh thực sự lan ra khỏi vĩ tuyến Mười bảy phân chia hai miền. Tuy nhiên, không phải là sự tràn ra của bộ binh để chiếm đất như nhiều người mong đợi mà chỉ là những đợt oanh kích của không quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, càng ngày càng sâu vào lãnh thổ Bắc Việt.
Cộng sản la hoảng nhưng không có vẻ gì là nao núng. Người và khí cụ tiếp tục ồ ạt đổ vào Nam theo đường rừng núi phía tây và đường biển phía đông. Mặt trận Giải phóng gia tăng hoạt động quân sự. Họ chịu nhiều thiệt hại nặng nề về người nhưng ngược lại cũng mở rộng được vùng kiểm soát.
Về phía Việt Nam Cộng hòa, các đơn vị chính qui cũng lao vào các cuộc hành quân bình định không ngơi nghỉ. Tân phải thường xuyên theo bộ chỉ huy trung đoàn tham gia hành quân, những đêm nằm vắt vẻo trên chiếc võng ở tiền cứ nhiều hơn những đêm an lành trên chiếc giường êm ái ở hậu cứ.
Một hôm, trung đoàn hành quân ở Kiên giang trên con đường quen thuộc từ Rạch giá đến Kiên lương. Bộ chỉ huy đóng trên một cánh đồng hoang, khoảng giữa đường lộ với núi Hòn Đất. Từ sáng đến chiều, khẩu đội 105 ly cứ từng chặp đì đùng rót đạn lên núi để yểm trợ cho ba tiểu đoàn đang lùng sục để tiêu diệt một đơn vị Việt cộng vừa bị thất trận ở Hà tiên và rút về đó để dưỡng quân.
Cuộc hành quân diễn ra trong ba ngày thì chấm dứt mà không đạt được kết quả mong muốn. Lợi dụng đêm tối, Việt cộng đã xuống núi và trốn đi về hướng Thất sơn. Trên chiến trường, lính Việt Nam Cộng hòa chỉ tìm thấy những vết máu mà thôi.
Buổi chiều cuối cùng của cuộc hành quân, cả ba tiểu đoàn đều đóng quân dưới đồng bằng để đợi sáng hôm sau trở về. Tiểu đoàn Ba đóng quân sát với bộ chỉ huy trung đoàn. Tân gặp lại các đồng đội cũ. Nhiều người trong đại đội bu quanh, nâng cậu lên cao rồi hạ xuống, Tân cảm động đến chảy nước mắt.
Trung úy Bá đại đội trưởng vừa được lên lon đại úy. Anh ôm lấy Tân hôn lên má và báo tin anh sắp rời đơn vị để theo học lớp tham mưu cao cấp ở Đà lạt. Chuẩn úy Tám vẫn còn chỉ huy trung đội Một. Hai chuẩn úy mới ra trường về làm trung đội trưởng hai trung đội của Tân và Bính truớc đây. Tân tìm gặp cả hai chuẩn úy và siết chặt tay một cách thân mật. Tân hơi ngạc nhiên thấy hai cậu còn quá trẻ; trên hai gương mặt thơ ngây, nước da đen sạm nắng vẫn chưa làm tan hết vẻ mơ mộng của tuổi học trò. Tân cảm thấy xót xa trong lòng.
Một trong hai người nói với Tân:
- Em là chuẩn úy Để. Một tháng sau khi thiếu úy bị thương ở mặt trận Vĩnh bình, em về nắm trung đội của thiếu úy. Vết thương của thiếu úy thế nào rồi? Nghe nói bị vỡ xương phải không?
- Cám ơn chuẩn úy, vết thương lành hẳn rồi. Chỗ vỡ của xương bả vai thì đã được thay thế bằng một miếng kim loại. Tôi phải giữ miếng kim loại đó suốt đời để làm vật kỷ niệm của một quãng đường đời trên chiến địa, tuy ngắn ngủi nhưng không bao giờ quên được đối với một chiến binh.
Chuẩn úy Để chậc lưỡi:
- Chà, chà, thiếu úy nói hay quá, hèn chi lính của trung đội luôn luôn nhắc đến thiếu úy. Anh em bảo thiếu úy rất gan dạ, nhưng đức độ, thương người. Họ tin rằng có người chỉ huy đức độ thì đơn vị đỡ bị thiệt hại. Em biết, đối với họ, em không bao giờ sánh được với thiếu úy.
Tân cười:
- Không phải vậy đâu. Anh em thương tôi vì tôi đã sống với họ gần hai năm trường. Rồi đây tình cảm của anh em đối với chuẩn úy cũng như đối với tôi vậy. Có phải vậy không anh Hy?
Tân quay sang hỏi trung sĩ Hy, trung đội phó, đứng kế bên. Hy vội trả lời:
- Dạ phải. Anh em cũng mến chuẩn úy Để lắm chứ. Tuy nhiên, vì chuẩn úy mới ra trường nên chưa có kinh nghiệm bằng thiếu úy Tân. Chuẩn úy cũng không có tính cương quyết như thiếu úy. Thiếu úy vừa có tình, vừa có uy đối với anh em. Anh em nhớ thiếu úy lắm nhưng không mong thiếu úy trở lại. Chiến trường có quá nhiều hiểm nguy. Thiếu úy còn trẻ lại học cao, có khả năng giúp ích cho xã hội nhiều hơn anh em. Thiếu úy không nên trở lại chiến trường. Mạng sống của thiếu úy quí hơn mạng sống của anh em.
Tân cảm động nắm chặt hai vai trung sĩ Hy:
- Hy, anh không được nói như thế. Mạng sống của mọi người đều quí như nhau. Càng quí hơn nữa khi mạng sống đó được mang ra chiến trường để bảo vệ nền tự do của miền Nam. Không phải vì mạng sống của tôi quí hơn của anh em mà tôi về nơi an lành để bảo vệ nó. Tôi vẫn nhớ anh em, nhớ những ngày lang thang trên các chiến trường, nhớ quay quắt, nhưng không thể trở lại với anh em. Chúng ta đâu có được phép làm trái với sự phân công của quân đội, anh có đồng ý không?
Trung sĩ Hy cười:
- Phải đồng ý thôi. Thiếu úy xuất thân là giáo sư, chúng tôi chưa đáng là học trò của thiếu úy thì cãi làm sao cho được. Xét cho kỹ, với khả năng của thiếu úy, về bộ chỉ huy thì có ích cho quân đội hơn là làm trung đội trưởng tác chiến.
- Thôi đừng bàn chuyện đó nữa. Ở cương vị nào mình cũng là chiến sĩ. Xa anh em nhưng tôi vẫn nhớ tới anh em và luôn luôn cầu nguyện anh em gặp toàn may mắn trên chiến trường.
Một tràng vỗ tay vang lên. Tân nhìn quanh, thấy cả trung đội đã đứng quanh không biết tự lúc nào
Tân chớp mắt cảm động.
Trời đã sâm sẩm tối. Mảnh trăng thượng tuần nhợt nhạt đang treo lơ lửng ở đỉnh đầu. Trên cánh đồng hoang phẳng phiu và mênh mông, ngọn núi Hòn Đất trở thành một khối đen khổng lồ in hình trên nền trời xam xám.

Sáng hôm sau, đoàn xe đưa bộ chỉ huy về hậu cứ. Đám sĩ quan vội vã thay quần áo sạch sẽ và dẫn nhau ra phố, tìm những phút thư giãn bên ly bia sủi bọt. Tân nhanh chóng xếp cho xong các công điện vào tập hồ sơ lưu rồi đứng dậy
Mọi người đã đi cả rồi. Tân thong thả ra cổng. Người lính gác đứng nghiêm chào. Cậu đưa tay chào lại rồi bước nhanh ra phố. Ngang qua khu chợ, cậu nghe có tiếng gọi:
- Thiếu úy Tân!
Cậu dừng lại nhìn vào một hàng bánh kẹo, thấy vài sĩ quan trung đoàn đưa tay vẫy. Đó là một gian hàng khá sang trọng, bên trên có tấm biển đề tên hiệu “Thanh Thanh”. Người bán hàng là một cô gái rất xinh. Vì vậy, một phần không nhỏ tiền lương hàng tháng của các sĩ quan trung đoàn đều đều chui vào hộc đựng tiền của cô chủ để đổi lại những bịch bánh kẹo mang về quăng ngổn ngang trên các bàn làm việc. Có tin đồn là người cha cô gái tuyên bố chỉ chấp nhận rể là sĩ quan mà thôi. Tin đó chưa rõ có xác thực hay không nhưng đã trở thành đề tài cho những cuộc bàn bạc khá lý thú giữa các sĩ quan của trung đoàn. Bàn qua, tán lại thế nào đó mà Tân được anh em nhất trí chọn làm rể của ông bà “Thanh Thanh”. Cậu vui vẻ và thản nhiên gật đầu. Từ đó, anh em gọi cô hàng là công chúa và Tân là phò mã.
- Ê phò mã, vào đây trình diện công chúa xem nào.
Tân bước vào cửa tiệm sáng choang với nhiều tủ kính đựng đầy bánh kẹo đủ màu trông rất đẹp mắt. Trong bộ áo quần màu xanh nhạt trông rất xinh, cô gái đứng tựa bên chiếc quầy bằng gỗ nâu đỏ, e lệ mỉm cười.
Giọng pha trò lại ré lên:
- Công chúa đang đợi phò mã mở lời. Nói đi phò mã.
Tân bước đến gần, nhìn cô nàng, giả bộ nghiêm trang, cúi đầu thực sâu:
- Thưa công chúa, phò mã nầy xin công chúa vui lòng bán cho một bịch bánh và một bịch kẹo.
Mọi người cười vang. Cô gái cũng bụm miệng và chạy ra sau quầy.
Tân nhận hàng, trả tiền rồi cùng anh em bước ra đường. Họ đến quán cơm quen thuộc, ngồi ăn uống cho đến giờ giới nghiêm mới về phòng ngủ.



*
* *





Một hôm, sau một cuộc hành quân kéo dài đến mười ngày, bộ chỉ huy trở về hậu cứ. Theo thông lệ, cứ sau một cuộc hành quân dài thì các sĩ quan được nghỉ ngơi vài ngày trước khi nhận lệnh hành quân kế tiếp. Vì vậy cậu muốn mang tất cả bao gối, tấm vải trải giường và những thứ khác ra tiệm giặt ngoài phố. Khi cậu đổ cái bao đựng quân trang thì một phong thư rơi ra giường. Tân lượm lên và tần ngần nhìn dòng chữ mềm mại ngoài bì. Đó là lá thư của Thùy Liên, lá thư duy nhất mà cậu nhận được kể từ khi bước chân vào quân ngũ. Tân đưa 1á thư lên môi hôn đắm đuối. Cậu nhẩm tính thư nầy đã viết cách nay hơn bảy tháng rồi. Thùy Liên đã bảo cậu đừng đưa tình cảm của mình đi xa hơn nữa. Cậu hiểu đó là một lời từ chối khéo léo tình yêu của cậu. Lúc đó, cậu đã xếp lá thư lại nhét vào trong bao và lòng nhủ lòng cố gắng quên đi bóng dáng người nữ y tá yêu kiều đã từng săn sóc vết thương cho mình.
Bây giờ hình bóng đó trở về đột ngột làm cho cả tâm hồn cậu xao xuyến. Cậu đọc lại lá thư, cảm thấy lòng mình tràn ngập yêu thương. Cậu vội vã lấy giấy bút ra và cắm cúi viết đầy hai trang giấy học trò, kể về chuyện gặp lại trung đội cũ mà nỗi cảm xúc còn in đậm trong lòng cậu. Viết xong, cậu vội vã cho vào bao thư và đưa ngay đến cho trung sĩ quân bưu, không dám chậm trễ vì sợ mình sẽ đắn đo và xé bỏ lá thư đi.
Cậu trở về phòng, mang gói đồ dơ ra phố.
Ba ngày nghỉ ngơi trôi qua êm ả. Một buổi chiều, có lệnh triệu tập tất cả sĩ quan đến phòng hành quân. Khi mọi người đã tề tựu đông đủ trên hai hàng ghế, thiếu tá trung đoàn trưởng cho biết từ ngày mai, trung đoàn sẽ phối hợp với tiểu khu Kiến tường mở cuộc hành quân bình định ở vùng Mỹ an, thuộc trung tâm Đồng tháp mười. Cuộc hành quân dự trù diễn ra trong bốn ngày. Tham dự, có hai tiểu đoàn Một và Hai của trung đoàn, một tiểu đoàn địa phương quân của tiểu khu. Khi cần, sư đoàn Chín có thể tăng viện thêm thiết vận xa M113 và quân đoàn Bốn cho không quân yểm trợ. Mọi người nghe xong vội chuẩn bị công việc theo nhiệm vụ của mình.
Buổi họp truyền lệnh hành quân bao giờ cũng kết thúc một cách chóng vánh. Khi mọi người sắp sửa đứng lên để ra khỏi phòng thì thiếu tá trung đoàn trưởng đưa tay ra dấu chận lại:
- Khoan, anh em hãy nán lại một chút.
Thiếu tá nhìn Tân và nói tiếp:
- Thiếu úy Tân, thiếu úy tham dự cuộc hành quân nầy là lần cuối cùng.
Mọi người ngạc nhiên ngồi thẳng dậy nhìn thiếu tá rồi quay sang Tân. Thiếu tá nói tiếp:
- Thiếu úy Tân có biết lý do không?
Tân gật đầu:
- Dạ, nghe thiếu tá nói, tôi nhớ ngay thời hạn quân dịch pháp định bốn năm của tôi, đến tháng tám nầy là chấm dứt, tôi sẽ được giải ngũ để trở về đời sống dân sự. Tôi ăn cơm lính, mới đó mà gần bốn năm rồi, nhanh thật.
Thiếu tá hỏi với nụ cười hiền lành:
- Thiếu úy không có ý định xin lưu ngũ phải không?
- Không, thưa thiếu tá. Quân đội trao cho tôi cây súng thì tôi cầm lấy, nay quân đội bảo tôi cởi quân phục ra trả lại thì tôi cũng phải chấp hành.
Mọi người đều mỉm cười. Đại úy Ý xô ghế đứng dậy, bước đến nắm chặt hai tay của Tân:
- Thiếu úy Tân. Thế là cậu sắp xa anh em rồi. Không có cậu thì anh em cũng sẽ làm việc bình thuờng thôi nhưng chắc chắn nguồn vui sẽ giảm đi chút ít trong một thời gian. Cậu được giải ngũ là phải. Quân đội cần cậu, chiến trường cần cậu, nhưng ngoài đời, trường học còn cần cậu hơn nữa. Cậu đã làm việc với tôi ở trung tâm hành quân nầy nên tôi hiểu cậu, tôi biết cậu sẽ là một ông thầy tốt, một giáo sư với đầy đủ tư cách. Cậu đã là một chiến sĩ dũng cảm, cậu đã hiểu quá rõ cuộc chiến tranh nầy nên cậu sẽ dạy cho học trò những điều thực bổ ích.
Thiếu úy Hà, sĩ quan an ninh, nói thực to:
- Hay quá, không ngờ đại úy Ý có bài diễn văn hay đến thế. Thiếu úy Tân sắp giải ngũ, công việc trong phòng hành quân nầy thì giao lại cho một anh nào đó nhưng còn công chúa “Thanh Thanh” ngoài phố thì phò mã Tân tính giao lại cho ai.
Tân cười:
- Giao lại cho thiếu úy Hà đó.
Có tiếng phản đối:
- Không được. Công chúa chứ có phải Việt cộng đâu mà giao cho sĩ quan an ninh. Bắt thăm đi, ai may thì trúng công chúa.
Mọi người tiếp tục đùa giỡn trong chốc lát rồi một số rút lui về phòng ngủ. Tân cùng vài sĩ quan khác ở lại để chuẩn bị cho cuộc hành quân vào sáng mai.
Từ sáng tinh mơ, bộ chỉ huy trung đoàn được vận chuyển đến tiền cứ đóng trên một bờ kinh lớn của Đồng tháp mười.
Nhìn khung cảnh nầy, Tân bùi ngùi nhớ lại một thời xa xưa, cậu đã bỏ học để vào chiến khu. Vẫn là cánh đồng bát ngát, với những đám ruộng nho nhỏ nằm rải rác trong một vùng cỏ sậy hoang vu. Vẫn là con kinh lớn thẳng tắp giữa hai bờ đất cao trên đó cây cối mọc xanh um phủ bóng mát xuống những mái lá lụp xụp nghèo nàn. Từ kinh lớn, đâm ra những kinh nhỏ hơn, xẻ ngang, xẻ dọc cánh đồng theo những đường thẳng góc như một bàn cờ vĩ đại. Dân chúng ở đây có đời sống vô cùng khốn khổ. Họ chịu đựng suốt chín năm trường cuộc chiến tranh chống Pháp, chưa kịp phục hồi trong vài năm hòa bình mỏng manh thì nay lại hứng chịu cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt mà người cộng sản gọi tên là chiến tranh “giải phóng”.
Cuộc hành quân diễn ra không mấy sôi nổi. Các đơn vị vũ trang của Việt cộng, quen với địa hình địa vật đã tránh né một cách tài tình những mũi tấn công của các tiểu đoàn quân đội Cộng hòa. Sau năm ngày, cuộc hành quân chấm dứt, bộ chỉ huy và các đơn vị tham chiến rút về hậu cứ, mà không mang theo một chiến lợi phẩm nào.
Về đến nhà,Tân cho tất cả hồ sơ vào tủ khóa lại, bước ra khỏi phòng thì nghe tiếng gọi già nua và quen thuộc của ông trung sĩ quân bưu:
- Thiếu úy Tân, có thư đây.
Tân chạy vội lại. Cầm lá thư trên tay, cậu vui sướng nhận ra ngay nét chữ mềm mại và nắn nót của Thùy Liên. Cậu về phòng, đóng cửa lại và bóc thư ra ngay.

Cần thơ ngày 10 tháng 7 năm 1966
Anh Tân thân mến,
Sáng nay, em vừa nhận được thư anh, em vui mừng lắm. Lá thư trước em gửi cho anh đến nay đã được hơn bảy tháng rồi và em vẫn mong nhận được thư anh.
Ở đây, công việc của em vẫn đều đặn. Em không còn làm ở phòng hồi sinh nữa mà xuống làm ở phòng điều trị của hạ sĩ quan. Đó chỉ là sự luân phiên công tác thường xuyên chứ không có ý nghĩa gì. Ở quân y viện nầy, nơi nào cũng như nơi nấy, vẫn những thân thể không lành lặn từ chiến trường đưa về, vẫn những tiếng rên la đau đớn, vẫn những giọt nước mắt của người mẹ, người chị rơi trên những dải băng trắng bó chặt một phần cơ thể của thương binh.
Thôi, chuyện về thương binh thì quá buồn rầu và bi thảm, em không nói tới nữa. Em phải tìm chuyện nào khác vui hơn để nói với anh.
Ở phòng hành chánh quản trị, có thiếu úy Định, sĩ quan trợ y sắp được giải ngũ. Thiếu úy Định là sĩ quan trừ bị khóa Mười bốn Thủ đức. Các sĩ quan quân y ở đây đang chuẩn bị tiệc chia tay với thiếu úy Định.
Dì Ba nhớ lại anh cũng học khóa Mười bốn Thủ đức và cũng sắp được giải ngũ, có phải không? Nếu đúng như vậy thì thực là điều đáng mừng cho anh. Lâu rồi, dì Ba không nhắc đến anh. Bỗng dưng mấy hôm trước, nghe tin thiếu úy Định sắp được giải ngũ, dì Ba sực nhớ đến anh. Dì đến gặp em và băn khoăn không biết đơn vị anh có nhận được công văn của tổng tham mưu để làm thủ tục giải ngũ cho anh hay không.
Kể từ hôm đó, em cứ phân vân mãi về việc báo tin cho anh. Lá thư em nhận được của anh đã được hơn bảy tháng rồi. Bảy tháng không phải là thời gian ngắn đối với cuộc sống của một chiến sĩ như anh. Em lo sợ anh đã rời bộ chỉ huy trung đoàn để trở về với đơn vị tác chiến của anh, lang thang trên những vùng đồng chua nước mặn thì cái công văn của bộ tổng tham mưu cho phép giải ngũ không đến được tay anh là chuyện thường.
Em có nên gửi thư cho anh về KBC mà anh đã cho em trong lá thư duy nhất của anh? Nếu anh có đi nơi khác thì em cũng hi vọng quân bưu sẽ chuyển thư đến đơn vị mới cho anh. Nghĩ như thế, em lấy giấy bút ra ngồi trước bàn một lát, không viết được chữ nào, rồi xếp giấy bút lại….
Anh Tân,
Tại sao từ hơn nửa năm nay, anh không viết thư cho em? Có phải anh không còn quan tâm đến em nữa? Có phải lá thư mà em gởi cho anh đã làm cho anh tự ái và buồn phiền đến độ tìm nguồn vui ngoài chiến trường để khỏi phải nghĩ ngợi về một người con gái mà anh đã gặp trong thời gian điều trị vết thương?
Những câu hỏi đó cứ lởn vởn trong đầu óc em, cho nên, sáng nay nhận được thư anh, em mừng rỡ vô cùng. Trong thư, anh chỉ nói chuyện gặp lại đồng đội cũ của anh mà không nói gì đến chuyện giải ngũ của mình. Thế là trung đoàn của anh không nhận được công lệnh nầy rồi. Anh hãy đề nghị trung đoàn đánh điện lên hỏi cấp trên. Em cầu chúc anh kịp làm thủ tục để được giải ngũ trong đợt nầy, được trở về đời sống dân sự với chức năng giáo dục của anh. Anh đã có bốn năm trong quân đội, đã từng lăn lóc ngoài chiến địa, đã phải nhận viên đạn của kẻ thù. Bao nhiêu đó đã quá đủ cho một người con trai thời loạn. Anh hãy trở về với trường học, dạy dỗ cho thế hệ đang lớn lên trở thành những con người có tri thức và dũng cảm như anh để tiếp tục hoàn thành công cuộc bảo vệ miền Nam tự do nầy.
Anh Tân thân mến,
Khi viết lá thư nầy cho anh, em còn hơi lo sợ. Anh có đoán biết em lo sợ điều gì không?
Lá thư vừa rồi anh viết cho em, anh đã nói tới đồng đội cũ của anh với một nỗi tha thiết lạ lùng làm cho em có cảm tưởng rằng anh đang sắp sửa trở về với họ để gắn cuộc đời anh với cuộc đời họ trong nhiều năm nữa trên chiến trường. Nếu điều đó quả thực xảy ra thì em cũng không làm sao ngăn cản được nên em ước mong rằng điều đó không bao giờ là sự thực.
Cách nay ít lâu, một đêm, em có một giấc chiêm bao khủng khiếp. Em ra đón trực thăng tải thương về và thấy người ta khiêng anh xuống trên một chiếc băng ca. Anh nằm nhắm mắt im lìm. Có lẽ em hét to lắm nên mẹ lay em dậy. Mẹ gặng hỏi em nhưng em không kể mẹ nghe cơn ác mộng. Em không ngủ lại được, nằm mở mắt nhìn đêm tối, đợi tiếng gà gáy báo bình minh.
Những cơn ác mộng như thế thỉnh thoảng lại xảy ra trong giấc ngủ của em; trong mơ em trông thấy cơ thể thuơng tích, khi thì của người nầy, khi thì của người kia; người của bên nầy cũng có mà người của bên kia cũng có.
Chiến tranh đang lay động mãnh liệt tâm hồn em. Mỗi ngày, em cứ phải chứng kiến những con người khỏe mạnh, những con người ưu tú của cả hai miền ngã xuống vì cuồng vọng của những lãnh tụ miền Bắc. Có lẽ, em không còn chịu đựng được lâu dài hơn nữa, anh Tân ạ.
Mấy năm trước đây, khi đưa em đến trường thi vào lớp trung cấp y tế, ba em bảo rằng em chọn đúng nghề vì tính em thương người, mong muốn thoa dịu nỗi đau của người khác. Ba em đã nói đúng, em đã yêu nghề và trong hiện tại em vẫn yêu nghề, vẫn quí trọng cái nghề điều dưỡng của em nhưng, anh ơi, yêu nghề và sức chịu đựng của một người con gái là hai điều khác nhau!
Em không còn muốn trực tiếp nhìn thấy sự tàn phá của cuộc chiến nữa. Em muốn xa lánh mọi ảnh hưởng của chiến tranh dù biết rằng cuộc chiến vẫn còn đó và người dân miền Nam vẫn tiếp tục đau khổ vì nó. Cũng như thế, em vui mừng khi thấy anh và nhiều người quen biết được giải ngũ, dù em biết rằng hằng triệu con người ưu tú khác vẫn phải đối mặt hằng ngày với cái chết.
Thôi thì em cứ vui mừng về chuyện giải ngũ của anh đi đã. Anh sẽ về Sài gòn và đi dạy học ở đó có phải không? Khi anh còn nằm tại đây, dì Ba có kể cho em nghe, trước khi nhập ngũ, anh là giáo sư trung học nhưng dì không biết anh dạy ở trường nào. Em biết, ở Sài gòn, cả thầy và trò đều giỏi nên em đoán anh dạy ở đó.
Em cầu chúc anh được giải ngũ đúng kỳ hạn và luôn luôn gặp may mắn trên quảng đường đời sắp tới của anh.
Em,
Đặng thị Thùy Liên.

Tân xếp lá thư lại, áp vào ngực và mỉm cười. Cậu mặc áo quần ra phố ăn cơm rồi trở về cặm cụi viết thư trả lời đến khuya lắc khuya lơ.


*
* *


Vài ngày sau, thủ tục giải ngũ của Tân hoàn tất. Cậu được nghỉ phép một tháng, nghĩa là được rời quân ngũ ba mươi ngày trước thời hạn giải ngũ chính thức. Bữa tiệc chia tay với các sĩ quan bộ chỉ huy trung đoàn kéo dài khá lâu. Anh em chuốc rượu cho Tân thực nhiều, nên lúc tàn tiệc, hai người phải dìu cậu về giường.
Sáng hôm sau, cậu đi đến từng phòng bắt tay từng anh em rồi ra xe. Cậu bùi ngùi rời thành phố bé nhỏ và quen thuộc. Chiếc xe bon bon trên con đường rợp bóng mát, chầm chậm qua phà, vượt ngang dòng Tiền giang để về Sa đéc. Cậu vào thẳng bộ tư lệnh sư đoàn lãnh giấy tờ, ra xe đi Vĩnh long, rồi sang xe để về Cần thơ.
Trời đã hơi ngã về chiều. Ánh nắng mùa hạ loang loáng hắt lên một cách gay gắt từ những vũng nước mưa còn đọng lại trên nền đường nhựa nhớp nháp của bến xe.
Cậu xuống xe, vào một quán trọ nhận chỗ ngủ đêm, gởi lại bao hành trang, vuốt lại áo quần cho ngay ngắn rồi thẳng đường về quân y viện. Gần một năm rồi, cậu mới trở lại đây nhưng cảnh vật không có gì thay đổi.
Cậu đến cổng nói với người lính gác:
- Tôi là thiếu úy Tân. Tôi muốn gặp cô Thùy Liên, y tá ở phòng điều trị hạ sĩ quan.
Người lính lễ phép mời cậu vào nhà gác và loay hoay gọi điẹn thoại. Được một chốc, anh ta gác máy và quay lại bảo:
- Thiếu úy đợi một tí, cô Liên đang ra.
Nói xong người lính lịch sự mời cậu ngồi ghế và bước ra ngoài. Tân không phải chờ đợi lâu. Cậu vụt đứng dậy khi trông thấy một tà áo trắng tinh bước vào:
- Anh Tân!
- Thùy Liên!
Nàng đứng ngay giữa phòng nụ cười thực rạng rỡ. Tân cảm thấy không gian như sáng bừng lên. Giọng nói của nàng nhỏ nhẹ thực dễ thương:
- Anh đến đây lâu chưa?
- Vừa xuống xe, anh gởi hành lý ở quán trọ nơi bến xe và lập tức đến đây tìm em. Em có nhận được thư của anh không?
- Có, em nhận được sáng hôm qua.
Tân cười:
- Anh viết thư xin được gặp em và mong em chấp thuận. Tuy nhiên anh không ngờ thủ tục giải ngũ xúc tiến quá nhanh chóng, làm cho anh không kịp nhận lời phúc đáp của em. Từ Sa đéc, anh quyết định qua đây, trước khi về Sài gòn. Trên đường đi, anh vẫn phân vân, không biết em có vui lòng cho anh gặp mặt hay không.
Nàng nhìn Tân, khẽ chớp mắt:
- Anh Tân, từ sáng hôm qua tới giờ, em vẫn mong anh đến đây.
Tân say đắm nhìn nét mặt mỹ miều của nàng:
- Cám ơn em. Anh vui sướng gặp lại em. Anh muốn nói với em một vài câu chuyện, được không Liên?
- Anh ngồi đợi em một chút, em vào thay áo quần rồi em đi với anh ra phố.
Tân mừng rỡ. Cậu hỏi:
- Liên, nhưng chưa hết giờ làm việc mà?
- Không sao. Em dự trù hôm nay anh tới nên từ sáng em đã xin phép trước với đại úy trưởng khu và đã thu xếp công việc với chị Lan cùng phòng với em. May mắn, hôm nay công việc không nhiều lắm nên em có thể về sớm được. Anh ngồi đây đợi em trong vòng mười phút nhé.
Nói xong, nàng quày quả bước ra khỏi trạm gác. Tân ra cửa nhìn theo dáng đi tha thướt cho đến khi nàng rẽ phải và khuất bóng sau dãy nhà ngang đầu tiên.
Vài phút sau, nàng trở ra, xe đạp dắt tay, đẹp rực rỡ trong chiếc áo màu vàng nhạt. Những đốm nắng chiều lung linh trong cơn gió nhẹ rơi lỗ chỗ trên mặt đường. Một vài đốm nắng rơi vào áo của nàng, di chuyển từ vạt dưới đến vai rồi nhẹ nhàng đáp xuống mặt đường.
Tân bước về phía nàng, đưa tay đỡ lấy xe đạp và cùng nàng song song đi ra cổng. Người binh sĩ đứng nghiêm mỉm cười gật đầu. Tân đang mặc thường phục nên anh ta không đưa tay chào theo quân cách.
Ra tới đường, Tân quay sang hỏi:
- Liên, chúng mình nên đến đâu?
Nàng trả lời nho nhỏ:
- Em không biết, tùy anh.
- Vậy thì mình đi ra bến Ninh kiều. Anh dùng xe đạp nầy chở em đi nhé?
Nàng dừng lại, lưỡng lự vài giây rồi lắc đầu:
- Không, mình nên đi bộ, rủi gặp người quen thì em đỡ ngại.
Hai người thong thả hướng về bờ sông. Mặt trời chui vào một đám mây to, làm cho đường phố mát dịu. Xe cộ thưa thớt, bộ hành thong thả trên vệ đường.
Họ đã ra đến bến Ninh kiều, ngồi vào một chiếc bàn khá kín đáo của một quán nhỏ bên sông. Trước mặt họ là mặt nước sáng long lanh của Hậu giang. Phía bên trái, mặt sông rộng mênh mông, rặng cây xa tít tắp ở bờ bên kia trông thực hoang vu. Về phía phải, tầm mắt bị chận lại vì một doi đất làm cho dòng sông như bị thu hẹp lại rất nhiều.
Hai ly nước được bưng ra. Tân đẩy một ly về phía bạn:
- Liên, em uống đi.
- Dạ.
Nàng ngước lên nhìn Tân mỉm cười, trông xinh đẹp vô cùng. Tân nhìn nàng một cách say đắm:
- Thùy Liên!
- Dạ.
Nàng cúi xuống, cầm chiếc muỗng nhỏ khuấy nhè nhẹ trong ly. Nàng chờ đợi và hơi ngạc nhiên không nghe Tân nói tiếp. Nàng ngẩng lên và bắt gặp cái nhìn đắm đuối của người con trai, cái nhìn làm cho nàng cảm thấy một luồng hơi ấm áp chảy trong cơ thể, vừa rờn rợn, vừa dịu êm.
Liên cố phá tan cảm giác đó bằng giọng nói làm ra vẻ tự nhiên:
- Anh Tân, uống nước đi. Hình như anh muốn nói với em điều gì phải không?
Tân gật đầu:
- Anh muốn nói với em một ngàn điều nhưng khi nhìn em thì cả một ngàn điều đó bay biến đâu mất.
Thùy Liên cười khúc khích:
- Em biết tại sao rồi.
- Tại sao?
- Vì khi nhìn em kỹ lưỡng, anh thấy em xấu xí như một mụ phù thủy nên anh phát hoảng không dám nói lời nào nữa. Có đúng không?
- Nếu quả thực em là bà phù thủy thì có khối kẻ tự nguyện dâng hiến linh hồn cho em. Đứng đầu danh sách tự nguyện đó, em biết là ai không?
Thùy Liên không trả lời. Nàng cúi mặt nhìn ly nước, cảm thấy như đang trôi nhè nhẹ trong một không gian tràn đầy hạnh phúc. Nhưng tại sao, bỗng nhiên đâu đó lại hiện lên một tia chớp làm nàng thoáng sợ hãi. Nàng nhắm mắt lại vì chợt nghĩ đến mối tình đầu của nàng, mối tình đầy thơ mộng của tuổi mới lớn lên mà nàng đã đánh mất cách nay hơn một năm rồi.
- Thùy Liên!
- Dạ.
Tân ngập ngừng:
- Liên, có phải em đang nhớ đến người yêu cũ của em hay không?
Thùy Liên giật mình, ngẩng đầu lên, sững sờ vì ngạc nhiên:
- Anh Tân, tại sao anh hỏi em câu đó?
- Anh nhắm mắt lại và nghe văng vẳng giọng em nói về điều đó.
Thùy Liên thở dài:
- Một đôi lần, em có nghe nói đến những người có khả năng đọc được tư tưởng của người khác. Thực là đáng nể và đáng sợ.
Tân dựa lưng ra ghế cho được thoải mái:
- Em đừng sợ, anh không phải là người có khả năng đó. Tuy nhiên, đôi khi, ở một trạng thái tâm hồn đặc biệt và nhạy cảm, người nầy có thể truyền tư tưởng cho người kia. Có người cho rằng tình cảm và tư tưởng được phát ra và truyền đi như làn sóng điện từ và sẽ thu nhận được nếu cả hai người có sự đồng cảm như máy phát và máy thu có cùng tần số vậy. Em có nghe nói điều đó không?
- Có, em nhớ một lần khi còn học ở trường trung cấp y tế, thầy dạy môn tâm lý học của em có nói về điều đó.
- Em có tin không?
- Em không biết vì trí óc em không đủ sức phán đoán về những điều như thế. Vả lại, em không thích người ta phân tách tâm lý con người theo kiểu mổ xẻ thây ma trong phòng thí nghiệm. Em cũng không thích người ta tìm cách đồng hóa tâm lý con người với những hiện tượng vật lý vô tri vô giác. Đồng hóa như thế thực là tàn nhẫn và xúc phạm đến một cái gì đó mà người ta không nên xúc phạm.
- Nhưng bây giờ, em còn cảm thấy sợ anh nữa không?
Nàng tươi cười với đôi mắt chứng tỏ ý muốn làm vui lòng bạn mình:
- Hết rồi, em không còn sợ anh chút nào nữa. Lúc đầu, nghe anh nói trúng ngay phóc ý nghĩ nên em đâm hoảng, nhưng bây giờ thì em hiểu rằng điều đó có nghĩa là anh đang quan tâm nhiều đến em, phải không? Anh Tân, em mong anh tha lỗi cho em.
Tân ngạc nhiên:
- Tha lỗi về điều gì?
Liên trả lời thực nhanh:
- Em có lỗi vì ngồi với anh mà em nghĩ về người khác.
Tân lắc đầu:
- Không, em không có lỗi gì cả. Em không thể quên được tình yêu đối với anh Tạo vì đó là mối tình đầu đẹp đẽ và nên thơ. Anh buồn vì cảm thấy khó có một chỗ đứng dù thực khiêm nhường trong tình cảm của em.
Thùy Liên cảm động vì giọng nói nho nhỏ của Tân buồn như một lời than vản. Nàng đột nhiên đặt bàn tay mình lên trên bàn tay của Tân đang úp trên mặt bàn:
- Anh Tân, anh đừng nói vậy. Em quí anh lắm chứ. Nhiều tháng nay, em thường nghĩ đến anh. Câu chuyện giữa em và anh Tạo đã trở thành dĩ vãng rồi. Thỉnh thoảng, em nhớ đến anh Tạo như nhớ lại một kỷ niệm trong bao nhiêu kỷ niệm của thời thơ ấu và thời con gái của em. Nhớ lại, em chỉ còn thấy bùi ngùi chứ không còn đau đớn như những ngày anh ấy vừa tử trận.
Liên dừng lại như thu góp can đảm và nói một cách vội vàng:
- Anh Tân, em đã suy nghĩ rất nhiều và nhận ra rằng tình cảm của em đối anh Tạo bây giờ không thể là tình yêu nữa mà nó đã đi vào lĩnh vực thiêng liêng, một cái gì đó để em mãi mãi tôn kính chứ không phải để yêu đương như khi anh ấy còn có mặt trên trần gian nầy. Em….
Nàng đột nhiên ngừng lại, mím chặt môi, mắt nhắm lại, hai giọt nước ứa ra trên khóe rồi lăn tròn xuống đôi má mịn màng.
Tân xoay lại nắm chặt lấy bàn tay trắng muốt của nàng, nói trong hơi thở dồn dập:
- Liên, Thùy Liên, em nghe anh nói đây. Anh yêu em, anh yêu em, một ngàn lần anh yêu em. Anh yêu em và anh tôn kính tình cảm thiêng liêng của em đôi với anh Tạo. Liên, anh muốn nói hoài mãi là anh yêu em, em có nghe không?
Liên mỉm cười mở mắt ra; qua làn nước còn đọng lại, cái nhìn của nàng như dại khờ hẳn đi. Giọng nàng nghe như hơi gió thoảng:
- Anh Tân, anh đừng nói nữa, em nghe rồi. Em yêu anh, em đang hạnh phúc. Anh hứa đi, anh đừng bỏ em nghe anh?
Tân nhìn sững đôi mắt của nàng, khẽ lắc đầu:
- Làm sao anh có thể bỏ em cho được. Cuộc đời anh chưa bao giờ có hạnh phúc. Bây giờ anh mới biết được thế nào là hạnh phúc của cuộc đời. Liên, ngay chiều nay anh sẽ đưa em về nhà để xin phép gặp mặt ba má em.
Tân thò tay vào túi quần rồi tiếp tục nói một cách hăng hái:
- Đây giấy giải ngũ của anh, bùa hộ mệnh của chúng mình đây. Anh chỉ bỏ em khi nào anh ngã gục trên chiến trường. Bây giờ anh không còn có dịp ngã gục nữa. Chiến tranh đã buông tha anh rồi. Anh sẽ về đi dạy học, anh sẽ tạo một chỗ ở để làm tổ ấm của chúng mình. Kể từ bây giờ, cuộc đời của anh chỉ có ý nghĩa khi có em bên cạnh mà thôi. Đi, chúng mình cùng về nhà em đi. Anh muốn ra mắt ba má em nội chiều hôm nay. Kìa xe đạp em kìa. Anh sẽ chở em về nhà bằng xe đạp đó. Anh sẽ đạp rất nhanh, vài phút là đến ngay. Em đồng ý không?
Liên lấy khăn ra lau khô nước mắt. Nàng mỉm cười, nét mặt trông tươi tỉnh hẳn ra:
- Anh có biết nhà em ở đâu không mà đòi chở em về trong vài phút là tới?
Tân ngẩn người ra:
- Ừ nhỉ, anh chưa hề biết em ở đâu. Anh chỉ mới gặp em ở quân y viện mà thôi. Thôi được, em ngồi sau và chỉ đường cho anh đạp xe về nhà em.
- Nhưng nhà em xa lắm, anh có đạp xe nổi không?
- Sao lại không nổi? Có em bên cạnh thì anh có thể đạp xe giáp một vòng trái đất. Theo đường xích đạo thì chỉ bốn chục ngàn ki lô mét, có là bao.
Liên cười thành tiếng:
- Không đến đỗi xa như thế đâu. Nhà em ở Bình thủy, cách đây độ hơn năm cây số mà thôi. Nhưng hôm nay, em phải về một mình, anh không đi theo em được.
Tân thất vọng:
- Tại sao vậy em?
Liên im lặng dõi mắt nhìn ra mặt sông rộng. Tân nhắc lại:
- Tại sao hôm nay anh không thể gặp mặt ba má em?
Liên vụt quay lại:
- Anh Tân, nếu em giải thích thì ắt lại phải nhắc lại chuyện cũ, em sợ anh buồn.
Tân lật ngửa bàn tay ra để tay nàng nằm gọn vào tay mình:
- Em cứ giải thích đi, anh không buồn đâu. Em đã nói yêu anh, niềm vui sướng và hạnh phúc đang nở rộ trong lòng anh, làm sao mà buồn được.
Giọng Liên nhỏ nhẹ, thực dễ thương:
- Em yêu anh và từ nay mãi mãi yêu anh. Sau nầy em sẽ về sống với anh. Anh hãy tin sự thành thực của em. Nhưng chuyện của chúng mình không thể gấp gáp được. Anh Tạo mất vừa được một năm bốn tháng. Cách đây mấy tháng là ngày giỗ đầu của anh ấy. Ba má anh ấy đã mời cả gia đình em sang và khẩn khoản nhờ em giúp trong việc nấu nướng. Đám giỗ ở nhà quê thì to lắm, nhất là đám giỗ đầu tiên. Gia đình anh Tạo lại là gia đình danh giá ở địa phương, anh Tạo tử trận nên có rất nhiều sĩ quan cấp tá và cấp úy đến dự. Vì vậy em không thể từ chối sự nhờ cậy của ba má anh Tạo được.
Tân nhíu mày:
- Lúc trước, giữa em và anh Tạo có lễ nghi gì thuộc về hôn nhân chưa?
- Chưa có gì cả. Chúng em chỉ mới yêu nhau, hai gia đình biết và tán đồng rồi tổ chức một bữa gặp mặt với vài bà con hàng xóm để công bố sự tán đồng đó, thế thôi. Hai nhà ở đối diện nhau qua một con đường làng nên rất thân nhau. Em và anh Tạo biết nhau từ thuở bé.
- Thế thì có gì đâu mà em ngại. Kể cả trước đây, em có thành hôn với anh Tạo đi nữa thì nay anh Tạo không còn, em vẫn có đầy đủ quyền tự do để tự định đoạt số phận của mình.
- Anh Tân, em hiểu điều đó. Hơn nữa giữa em và anh Tạo trước đây chẳng có một tí ràng buộc nào về pháp lý hay lễ nghi. Đúng như anh nói, em có toàn quyền tự do, nhưng em ái ngại về vấn đề tình cảm của ba má anh ấy và ba má em nữa. Hai nhà từ lâu đã quá thân nhau, gần như là sui gia với nhau. Sau khi anh Tạo mất đi thì tình thân ấy vẫn không suy giảm chút nào. Với em, ba má anh Tạo vẫn hết sức ngọt ngào. Em có cảm tưởng ông bà vẫn đinh ninh em là con dâu của ông bà vậy. Em ái ngại khi nghĩ đến cú sốc tình cảm chắc chắn phải xảy đến cho ông bà khi ông bà biết em yêu anh.
Giọng Tân có vẻ giận hờn:
- Không lẽ em cứ phải suốt đời giữ cho ông bà cái cảm tưởng em vẫn là nàng dâu của hai ông bà hay sao?
- Không phải vậy đâu. Nhưng khi đã quyết định yêu anh, em muốn tình yêu của mình không gây một chấn động đáng kể ở ông bà.
Nàng ngừng một chút, nhìn bàn tay mình trong bàn tay người yêu. Nàng thỏ thẻ:
- Anh Tân, em mong anh thông cảm cho em. Ba má anh anh Tạo chỉ có hai người con và cả hai đều bỏ mình vì Tổ quốc. Hai người già nua, yếu đuối và cô đơn đó đã phải chịu đựng nỗi đau to lớn không bút nào tả xiết. Nếu anh chứng kiến cảnh ông bà già, chiều nào cũng run rẩy đốt nhang trước bàn thờ hai đứa con trai thì anh mới hiểu sự an ủi của người khác là cần thiết biết bao.
Tân rất cảm động nhưng giọng nói chưa hết vẻ hờn dỗi:
- Thế em định thế nào?
Thùy Liên im lặng một lúc rồi trả lời một cách thong thả:
- Từ hôm nhận được thư anh, em nghĩ rằng có lúc phải thú thật tình yêu của em đối với anh. Em không hiểu tình yêu đó đến từ lúc nào nhưng em thấy mình sẽ hạnh phúc nếu chúng mình yêu nhau. Vì vậy em đã suy nghĩ nhiều và cố tìm một biện pháp ổn thoả.
Tân sốt ruột:
- Biện pháp thế nào, em nói cho anh nghe ngay đi.
- Anh Tân, em biết, thăm em xong anh sẽ về gấp tại Sài gòn để trình diện trường học của anh. Lúc đó, em sẽ nhân lúc thuận tiện thưa với ba má em về tình yêu của chúng mình. Em sẽ nhờ ba má em lựa lời từ từ nói với ông bà thân sinh của anh Tạo rõ. Em nghĩ rằng ba má em có khả năng vừa đưa tin, vừa an ủi ông bà. Nhưng chuyện nầy cũng cần thời gian chứ không gấp gáp được.
Tân buông bàn tay của Liên ra co người lại, móc thuốc ra hút và im lặng nhìn ra sông. Liên nhìn người yêu, khẽ gọi:
- Anh Tân!
Tân quay lại:
- Em!
- Em làm cho anh buồn phải không? Anh Tân, có điều nầy, đáng lẽ em không nên nói ra, nhưng em muốn nói, cốt làm cho anh vui mà không giận em nữa.
Tân mỉm cười:
- Chuyện gì vậy, em nói đi.
- Anh Tân, trong thời gian em và anh Tạo yêu nhau, chúng em đã giữ gìn cho nhau. Bây giờ, em mang đến cho anh một tình yêu với tấm thân hoàn toàn con gái của em.
Nàng ngừng nói, cúi đầu, mặt ửng hồng. Tân nhìn sững nàng, lòng cực kỳ xúc động:
- Thùy Liên, anh yêu em. Anh yêu em trong bất kỳ trạng huống nào.
Liên ngửng lên, nét mặt tươi cười:
- Anh hết giận em chưa?
Tân sốt sắng:
- Hết rồi!
- Bây giờ mình chia tay nhé. Vừa đến giờ tan sở, em đạp xe về cho đúng giờ kẻo ba má mong. Đêm nay anh nghỉ ở đâu?
- Ở nhà trọ, kế bến xe.
- Rồi ngày mai?
- Khi nãy trước khi gặp em, anh cũng chưa biết ngày mai, ngày mốt, vân vân, sẽ đi đâu cho hết một tháng nghỉ phép giải ngũ. Bây giờ thì anh quyết định ngày mai phải về trình diện nhiệm sở cũ ngay, hi vọng sớm ổn định đời sống dân sự để sau đó rước nàng tiên kiều diễm của anh về.
Liên cười khúc khích:
- Nàng tiên nào vậy, cho em xem được không?
- Được chứ. Em về nhà, đứng trước gương thì sẽ thấy nàng trong đó. Thùy Liên, anh thèm hôn một cái vào môi nàng tiên đó.
Mặt Liên lại hồng lên:
- Anh đừng nói bậy. Đây là bến Ninh kiều, có người đang nhìn mình đó. Anh ăn nói có vẻ nhà binh lắm. Nhớ là đã nhận giấy giải ngũ, hết nhà binh rồi nghe, thiếu úy Tân.
Tân ngồi im, nhìn nàng, miệng mỉm cười. Thùy Liên ngẩng lên, nói tiếp:
- À, nhiệm sở cũ của anh ở đâu?
- Trường Trung học Long an.
- Tân an à? Anh tính về đó dạy lại phải không?
- Trước khi nhập ngũ, anh được bổ về đó, bây giờ phải trở lại để trình diện. Em không thích anh về Tân an à?
Liên lại đỏ mặt:
- Nhiệm sở của anh sao anh lại hỏi em?
Tân tiếp tục hỏi một cách ân cần:
- Em thích sống ở đâu?
- Em chỉ thích một trong hai nơi, Cần thơ và Sài gòn. Nhưng bây giờ thì em không thích Cần thơ nữa vì ở đây em đã chứng kiến quá nhiều cảnh đau thương do cuộc chiến tranh tàn ác nầy gây nên.
Tân nói một cách dứt khoát:
- Thế là em chỉ còn thích Sài gòn nữa thôi. Được, anh sẽ tìm cách về Sài gòn với bất cứ giá nào.
Liên cười e thẹn:
- Anh Tân, em đã là cái gì của anh đâu mà anh chiều chuộng em thế.
- Em là cái gì của anh hả? Là cái chiều chuộng của anh!
Tân siết chặt tay người yêu. Đôi bạn đứng lên trả tiền và ra khỏi quán.
Tân dẫn xe đạp trao cho Thùy Liên. Nàng cẩn thận vén áo ngồi lên yên. Tân bỗng nói một cách vội vã:
- À, Thùy Liên, có chuyện nầy suýt nữa anh quên nói với em.
- Chuyện gì vậy anh?
- Anh gởi lời thăm dì Ba. Đáng lẽ ngày mai anh ở lại để đến gặp dì nhưng anh muốn về Long an càng sớm càng tốt. Em chuyển lời giúp anh và nói chuyến sau anh xuống sẽ ghé thăm dì.
Thùy Liên đáp lại với giọng không vui:
- Dì Ba không còn làm ở đây nữa.
Tân sửng sốt:
- Vậy sao, dì đi đâu?
- Chồng dì ấy được lên cấp bậc và đổi về tiểu khu An xuyên. Dì xin về theo chồng và làm việc ở quân y viện dưới đó. Dì mới rời quân y viện Cần thơ chiều hôm qua và sáng nay cả gia đình cùng đi Cà mau. Thôi em về. Nếu có dịp mình sẽ xuống dưới đó thăm dì.