Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

Chương 3: Thoát ly (1)



Một cuộc chiến tranh dài
Tập I
Chương 3: Thoát ly
(1)

Tân mở mắt ra thì trời đã sáng tỏ. Xuyên qua trần mùng, nó nhìn thấy mái lá ám khói đen thui. Nó nhắm mắt lại, cho trí nhớ lướt qua nhanh chóng những chuyện vừa rồi để định lại vị trí hiện tại.
Chỉ mới mười ngày thôi mà cuộc đời đã đổi thay quá nhiều. Cảm giác tiếc nuối những ngày còn sống tại Sài gòn giờ đây xâm chiếm cõi lòng thằng nhỏ. Nó cố gắng hình dung như đang thức dậy trong căn nhà ấm cúng của dì Năm; anh Vinh đã thức trước và đang sửa soạn để đến sở làm. Nó sắp vùng dậy, ăn uống qua loa rồi cắp sách đến trường. Trong khu xóm nhỏ tiếng trẻ con bắt đầu nô đùa, tiếng gà gáy thong thả và tiếng hót vui tai của con chim khướu nuôi trong chiếc lồng ở nhà kế bên.
Không, bây giờ chẳng còn những tiếng động quen thuộc đó mà chỉ có tiếng chèo khua nước của chiếc xuồng ai đó vừa đi ngang qua con kinh ngay sát hông nhà. Đời học sinh đã vĩnh viễn trôi qua rồi và những ngày yên ấm trong thành phố thân yêu cũng sẽ không trở lại. Nó đã vào đến chiến khu, bỏ rơi tuổi trẻ êm đềm để thực sự lao vào con đường cách mạng.
Ngay sáng hôm đó, nó được dẫn đến trình diện công an xã. Người ta bảo nó ngồi trước một cái bàn ọp ẹp, mặt làm bằng một lớp cây sậy ghép vào nhau. Người đàn ông đối diện có cái nhìn xoi mói và nụ cười lạnh lùng. Sau ba ngày phải trả lời vô số những câu hỏi lặp đi lặp lại của người trưởng công an, nó được một thanh niên có nét mặt dễ thương đưa về tỉnh đoàn Thanh niên Cứu quốc. Anh ta tự giới thiệu tên mình là Quang.
Văn phòng tỉnh đoàn cũng chỉ là một căn nhà tranh trên bờ kinh nhưng cao ráo hơn căn nhà của ông Tư mà nó vừa từ giã. Nó bước vào văn phòng, ngạc nhiên thấy chẳng có cái bàn nào cả. Dọc theo hai bên vách là những chiếc giường cá nhân, bên trên ngổn ngang giấy tờ. Ở cuối văn phòng có một chái nhỏ thấp lè tè. Trên nền đất của chái, trong một lò đầy tro bụi lửa cháy liu riu làm cho nước bên trong một cái nồi khá to sôi ùng ục, hơi nước trắng xóa cuồn cuộn bốc lên, mang theo mùi thơm dìu dịu của lá sậy được nấu chín.
Anh Quang thân mật đẩy nhẹ vào vai nó đến giữa phòng, giọng vui vẻ:
- Lính mới về tới đây rồi. Chuyên gia rải truyền đơn, quăng lựu đạn, gài mìn vào xe tăng địch ở Sài gòn.
Mọi người ngước lên nhìn nó, cười ồ. Nó cũng cười theo một cách vui vẻ, cảm thấy không khí nơi đây thân mật và dễ chịu hơn ở nhà ông trưởng công an xã mà nó phải chịu đựng suốt ba ngày qua.
Với giọng ồm ồm, anh Quang tiếp tục giới thiệu:
- Đây là anh Thanh, anh Hùng, anh Việt, anh Sĩ.
Anh Quang quay lại vỗ vai nó:
- Còn đây là chú Tài.
Nó không ngạc nhiên về lời giới thiệu nầy vì trên đường đi, anh Quang đã dặn nó phải bỏ tên cũ đi và dùng bí danh trong thời gian ở lại chiến khu.
Sau khi giới thiệu xong, mọi người trở lại với công việc của mình. Nó được anh Quang dẫn đến cuối phòng, chỉ vào một chiếc giường thô sơ còn để trống:
- Chỗ ngủ của chú đây. Chỉ tạm thời thôi. Trong khi chờ đợi anh em bàn bạc phân công, chú lo phần bếp núc.
Nó ngẩng lên nhìn anh một cách ngạc nhiên. Hiểu ý, anh vỗ vai nó một cách thân mật:
- Ở đây, mỗi ngày anh em luân phiên lo ẩm thực. Có chú lo thì anh em có nhiều thì giờ hơn dành cho công tác. Ở đây, làm công việc gì thì cũng là phục vụ cho cách mạng cả.
Anh quay lại cười, nói to với những người khác:
- Bắt đầu hôm nay, có đầu bếp chuyên nghiệp rồi. Anh em muốn ăn cơm sống, cơm nhão hay cơm khê thì báo trước cho đầu bếp biết.
Mọi người lại cười ồ.
Anh Sĩ ngồi gần cửa phụ họa theo:
- Cả ba thứ, trên sống, giữa nhão, dưới khê, đầu bếp Sài gòn làm được không? Đầu bếp nhớ đừng cho truyền đơn và lựu đạn vào nồi cơm, nghe chưa?
Nó ngồi xuống giường, lòng vui thích vì những câu đùa của các anh thanh niên của tỉnh đoàn.
Qua một ngày đầu bỡ ngỡ, nó làm quen với công việc một cách nhanh chóng. Thực ra, bữa ăn hết sức giản dị. Nấu nồi cơm to thì nó đã được anh Quang chỉ vẽ cho phân lượng gạo và nước phải cho vào, nhúm lửa, bắc lên bếp, đun củi cho đến khi cơm cạn nước thì rút củi. Thức ăn có cá sẵn dưới kinh. Mỗi buổi sáng, nó đi bắt một nắm châu chấu trong đám cỏ sậy ở bờ kinh để làm mồi câu. Thả câu xuống là giựt lên ngay, thoáng một chốc đã được lưng rổ cá, mang vào nấu lên với một ít muối và một bó rau hoang dại hái ngoài đồng. Có hôm nó không câu được vì anh Thanh nhờ nó chép một bản báo cáo hay một tài liệu học tập, thì sau đó hai anh khác phải lo phần kiếm cá.
Hai anh cởi phăng áo, nhảy xuống kênh, chầm chậm nâng chiếc xuồng đã bị nhận chìm ngày hôm trước xuống đáy kinh. Chiếc xuồng từ từ nổi lên đến mặt nước, được lắc qua lắc lại cho nước bị hất ra ngoài. Nước cạn dần và cuối cùng chỉ còn một lớp cá, con trắng, con đen đồng loạt giãy đành đạch trên đáy xuồng.

Hơn một tuần trôi qua, một buổi chiều, sau bữa cơm, anh Quang rủ nó ra ngồi trên bờ kinh, lúc trời vừa tắt nắng. Bầu trời ở đây rộng mênh mông, rải rác có nhiều dải mây bạc gắn trên nền xanh lơ. Từng đàn cò trắng thong thả đập cánh bay qua. Gió đồng bằng lồng lộng thổi qua, tạo nên những làn sóng nhấp nhô trên cánh đồng phẳng phiu phủ đầy cỏ sậy ẻo lả kéo dài đến tận hàng cây xanh rì trên bờ kinh lớn.
Sau một lúc yên lặng, anh Quang hỏi nó:
- Một tuần vừa qua, chú có cảm tưởng thế nào với đời sống trong bưng biền nầy.
Nó trả lời không cần suy nghĩ:
- Em chẳng có cảm tưởng gì đặc biệt. Vào đây là thoát ly gia đình theo kháng chiến nên em chờ đợi được phân công rõ rệt.
- Xong rồi. Ngày mai em về nhận việc tại nông trường tự túc của tỉnh đoàn.
- Các anh đã phân công em về đó?
Anh Quang gật đầu:
- Văn phòng đã bàn bạc với nhau và quyết định đưa em về nông trường. Việc làm nào cũng là công tác của cách mạng, nhưng với công tác nầy, anh cần phải đả thông tư tưởng cho em trước đã.
Tân tỏ ra sốt ruột:
- Em sẽ công tác gì ở nông trường tự túc đó?
- Hiện giờ thì giữ cái bồ lúa cho tỉnh đoàn.
- Hả? Giữ bồ lúa?
Anh Quang quay người lại, đặt một bàn tay lên vai nó:
- Tài, em nên hiểu rằng bất cứ công tác nào mà cách mạng giao phó đều đáng quý cả. Em có nghe chuyện một đồng chí chỉ giữ kho lương thực mà được Trung ương khen thưởng không?
- Không, em không biết.
- Chuyện thế nầy. Ở đâu đó trong vùng rừng núi miền Tây Bắc, có một đồng chí hậu cần của một tiểu đoàn, được phân công giữ kho gạo tiếp tế. Tiểu đoàn hành quân xa và hi sinh gần hết, một số đồng chí sống sót thì bị thất lạc. Kho gạo cùng đồng chí hậu cần bị bỏ quên. Đồng chí đó cũng không biết tiểu đoàn mình bị xóa sổ, hằng ngày vẫn giữ gìn cẩn thận kho lương thực. Hai năm sau, tình cờ một đơn vị hành quân đi ngang qua bắt gặp và báo cáo lên cấp trên. Trung ương cho người đến kiểm tra thì thấy kho gạo còn nguyên vẹn. Đồng chí hậu cần đã trồng những rẫy hoa màu chung quanh để làm lương thực cho chính mình. Hằng ngày đồng chí đó xúc một phần gạo ra phơi rồi đổ vào một kho thứ hai do tự mình làm lấy. Cứ lần lượt mỗi ngày như thế, gạo được sang qua sang lại giữa hai kho nên sau hai năm mà số gạo vẫn còn nguyên vẹn, không hao hụt hay mục nát chút nào.
Anh Quang kết luận:
- Em có thấy rằng tinh thần công tác đó là đáng biểu dương không?
Tân gật đầu và nói:
- Em hiểu ý nghĩa câu chuyện của anh rồi. Nhưng tại sao các anh không cho em ở lại văn phòng nầy làm việc với các anh. Mấy hôm rồi em chép lại mấy bản báo cáo lên tỉnh ủy và tài liệu học tập cho các xã đoàn, em thấy….
- Em thấy thế nào?
- Em nói thật, anh đừng rầy em nhé.
- Ừ, cứ nói đi.
- Em thấy hành văn còn lôi thôi, tối nghĩa lắm.
Quang quay lại vỗ vai nó ngắt lời:
- Anh biết rồi. Em đã học nhiều năm ở trung học, còn các anh ở đây, cao lắm là chỉ hết bậc tiểu học mà thôi.
- Xin lỗi anh, em không có ý so sánh đó.
- Không sao. Thành thực là tốt. Cách mạng quý sức học của em nhưng điều cần thiết hơn nữa, chính là lập trường giai cấp.
- Nghĩa là sao? Lập trường giai cấp của em không tốt à?
- Không phải vậy. Em là học sinh nên thuộc về giai cấp tiểu tư sản. Giai cấp nầy cũng tốt nhưng không bằng giai cấp công nông. Phải có lập trường của giai cấp công nông thì mới đẩy cuộc cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng. Em hãy về nông trường một thời gian, cày cuốc như nông dân để dần dần được đồng hóa vào giai cấp chủ lực đó. Sau đó, nếu em muốn, các anh sẽ rút em về đây để công tác, hoặc gởi trả em về làm công tác dân vận trong hàng ngũ sinh viên học sinh tại Sài gòn. Nhưng thôi, đó là chuyện về sau. Còn ngay bây giờ, em phải khẳng định tư tưởng là tuyệt đối chấp hành sự phân công của cách mạng. Về nông trường, em sẽ được rảnh rỗi để học tập thêm về chính trị.
- Ở đó có lớp dạy chính trị hay sao?
Quang lắc đầu cười khì:
- Chẳng có lớp nào cả trong chỗ khỉ ho cò gáy đó. Em tự học lấy. Anh sẽ cho em một số tài liệu để mang theo. Đọc cho kỹ những tài liệu đó, có gì thắc mắc thì ghi lại, lâu lâu về đây, các anh giải đáp cho.
- Nông trường lớn lắm không, có tất cả bao nhiêu nhân viên dưới đó?
Quang lại cười to:
- Lớn hay không, ngày mai em đến đó thì biết. Còn nhân viên thì hiện nay chỉ có một người duy nhất là đồng chí Thiện mà thôi. Em về đó thay thế để anh rút đồng chí Thiện về đây đi công tác tổ chức ở các huyện. Vào ngày mùa, sẽ có nhiều anh về đó để làm ruộng, còn bây giờ thì đang vào mùa nắng, lúa đã gặt xong vô kho cả rồi. Em về đó giữ kho lúa nầy đừng để bị mất trộm. Thỉnh thoảng có người mang giấy của tỉnh đoàn về lãnh lương thực thì em ghi vào sổ và cân đủ cho họ. À, còn điều nầy nữa. Mỗi tháng em cân riêng cho mình hai mươi ký lúa. Đó là khẩu phần của em. Muối đã dự trữ sẵn, dùng không hạn chế. Thức ăn thì có cá dưới ao, dưới kinh như em đã thấy tại đây. Em có thể trồng thêm khoai sắn chung quanh nhà để cải thiện bữa ăn. Em nên làm điều đó để sớm hội nhập vào giai cấp nông dân.
Anh Quang nhìn thẳng vào mắt nó và hỏi:
- Em thông suốt chưa, còn gì thắc mắc nữa không?
Nó buồn bã trả lời:
- Dạ không.

Sáng hôm sau, cơm nước xong xuôi, nó lên đường với một người hướng dẫn là một đoàn viên trong xã. Sau hơn nửa ngày đi bộ, lúc thì dài theo bờ kinh, lúc thì băng các đồng cỏ dại, vượt qua rất nhiều cầu khỉ chông chênh, nó đến nông trường. Người hướng dẫn vào uống nước rồi quày quả trở về.
Gọi là nông trường, thực ra chỉ là một mái lá, vách làm bằng những thân sậy đan vào nhau một cách thô sơ. Trong nhà có ba chiếc giường nhỏ làm bằng thân cây tràm, vỏ tróc ra từng mảng. Nền nhà bằng đất nện, trên bề mặt gồ ghề chi chít những mô đất nho nhỏ, trông như vô số những con cóc ngồi cạnh nhau. Kế bên nhà là một ao dài thông ra kinh bằng một con mương hẹp. Nước dưới ao đục ngừ, vừa để nuôi cá, vừa là nơi tắm rửa, giặt giũ hằng ngày. Bên kia ao là một khu nho nhỏ trồng rau với vài cây cà, cây ớt, đậu bắp và một giàn mướp lá xanh mơn mởn. Phía sau nhà, cách non một trăm mét, sâu vào đám cỏ sậy um tùm là một cái chòi nho nhỏ nép mình dưới đám cây cao. Đó là bồ lúa dự trữ của văn phòng tỉnh đoàn.
Anh Thiện giải thích với nó rằng bồ lúa phải để xa nhà vì máy bay bắn phá dọc bờ kinh thường gây những đám cháy. Anh Thiện là một thanh niên vạm vỡ, vui tính. Anh tỏ vẻ mừng rỡ khi đọc giấy giới thiệu nó đến đây thay để anh trở về văn phòng nhận công tác. Anh bảo:
- Mấy hôm trước, anh nghe tin chú về đây thay anh nên ngày nào cũng mong. Mùa nầy không phải làm gì nặng nhọc nhưng ở không suốt ngày một mình thì buồn lắm. Anh thoát được chỗ nầy rồi, còn chú thì rán chịu đựng một thời gian. Kháng chiến trường kỳ gian khổ mà. Sống cô độc cả ngày, cả tháng cũng là một cách gian khổ vậy. Chú là học sinh Sài gòn mới vô bưng biền phải không? Anh chưa đi Sài gòn lần nào nhưng nghe nói trên đó vui lắm, nhà cửa san sát, người ta nối đuôi nhau mà đi, xe cộ nối đuôi nhau mà chạy.
Anh chép miệng nói tiếp:
- Khi nào hết giặc rồi, anh sẽ lên đó chơi một chuyến.
Mới gặp lần đầu nhưng qua lời nói thật thà của anh, Tân có cảm tình ngay với người thanh niên nông dân chất phác nầy. Nó dò hỏi:
- Chung quanh đây có nhà dân không?
- Có, nhưng hơi xa.
Anh nhón chân, chỉ về một phía dọc theo bờ kinh:
- Nhà đó gần nhất cũng cách đây hơn ba trăm thước.
- Anh có thường qua đó chơi không?
- Không. Mỗi tháng, chỉ đến đó một lần để mượn cối xay lúa cho có gạo mà ăn. Chơi với ai ở đó. Ban ngày, hai vợ chồng và hai đứa con ra đồng hết, nhà trống trơn, vắng teo.
- Còn ban đêm?
- Ban đêm thì chơi thế nào được. Ở đây chẳng có nhà nào có đèn. Ban đêm tối thui, vừa tắt mặt trời là lo chui vô mùng để trốn muỗi. Chú chưa sợ muỗi Đồng Tháp mười à?
- Sợ lắm rồi. Ở văn phòng, buổi chiều em phải mắc mùng để sẵn, nhá nhem tối là chui vô liền. Có khi vô trễ, vừa mới vén mùng là cả bầy tranh nhau vô trước mình. Phải nằm yên, để ý chúng nó đậu chỗ nào trên cơ thể thì đưa tay đập chết. Có hôm mãi cho đến khuya mới ngủ được.
Thiện cười ha hả:
- Quà tặng đầu tiên của Đồng Tháp mười đó. Chưa hết đâu, còn nhiều thứ đáng sợ hơn nữa.
- Thứ gì vậy anh?
- Rắn.
Tân trợn mắt, sợ hãi:
- Rắn gì?
- Đủ thứ. Hổ đất, hổ hành, hổ mang, cạp nong, cạp nia, choàm quạp, vân vân.
- Nhiều không?
- Nhiều lắm, nhất là vào mùa nước nổi. Hang bị ngập, rắn bò lên nằm trên bờ kinh, ban đêm đi dẫm phải là toi mạng. Năm nào nước lớn ngập cả bờ kinh, rắn bò cả vào nhà, leo lên giường ngủ chung với người. Có lần, con rắn hổ chui dưới chiếc đệm của anh. Sáng cuốn đệm, anh thấy nó nằm chết trên giường. Thì ra ban đêm, anh đã lăn qua đè nó bẹp dí dưới lưng.
Nhìn vẻ mặt kinh hãi của Tân, anh Thiện cười khoái trá:
- Nhưng rắn chưa đáng sợ bằng phi cơ của giặc. Chúng nó có hai loại máy bay. Loại thứ nhất chỉ có một chong chóng, mang hai quả bom thả rất chính xác. Nguy hiểm hơn nữa là hai cây đại liên, nhắm vào vật gì trên mặt đất thì ít khi nào bắn trật. Loại thứ hai là pháo đài bay bốn chong chóng, rải một lúc hàng chục quả bom xuống đất. Cả hai loại thường bay dọc theo các con kinh để oanh tạc. Vì vậy, khi nghe tiếng ù ù, em cố chạy ra đồng, càng xa bờ kinh càng tốt.
Anh ngừng nói, nhìn bóng mái nhà đã dài ra che gần hết mặt ao, rồi tiếp:
- Thôi trễ rồi. Lo cơm nước cho xong để kịp chui vô mùng. Những thứ đáng sợ trong bưng biền nầy, kể luôn mấy ngày cũng không hết. Tuy nhiên, chú đừng lo, dần dần sẽ quen cách đối phó.

Cơm nước xong, mặt trời vừa lặn, anh Thiện và Tân vội giăng mùng và chui vào. Anh Thiện vẫn còn háo hức kể chuyện với Tân. Anh có tính vui vẻ, từ cả tháng nay sống cô đơn nên rất thèm chuyện trò. Tân là đứa bé lớn lên trong đô thị nên rất ưa thích nghe những câu chuyện lạ về Đồng Tháp có liên can đến cuộc sống của nó ở nơi nầy. Vì thế, câu chuyện giữa hai người mãi tận đến khuya chưa chấm dứt. Nó cũng lo âu về công việc đồng áng mà từ nhỏ đến giờ nó chưa hề bắt tay vào lần nào. Anh Thiện bảo rằng chẳng có gì khó khăn, cốt yếu là biết chịu cực, sẵn sàng dầm mưa dãi nắng. Khi nó hỏi nông trường có bao nhiêu ruộng tất cả thì anh trả lời:
- Chẳng có ruộng nào là của nông trường cả. Dân cũng không ai có đất riêng. Đồng mênh mông, ai muốn cất nhà ở đâu thì cất, muốn canh tác thì cứ dọn sạch cỏ sậy mà cấy lúa, làm bao nhiêu cũng được, tùy theo sức mình. Mỗi mùa lúa, văn phòng tỉnh đoàn cử về từ ba đến năm anh em, làm được từ hai đến ba mẫu. Gọi là nông trường tự túc nghe to lắm chứ thực ra chỉ có thế thôi.
- Các anh làm ruộng có máy móc hay trâu bò hay không?
- Chẳng có gì cả ngoài tay chân. Máy thì dĩ nhiên không có rồi. Xăng dầu đâu mà chạy máy. Trâu bò cũng không còn vì sợ máy bay của Tây giết chết. Hai năm trước, nông trường có ba con trâu gồm hai con cái và một đực nên có thể làm số ruộng gấp nhiều lần ngày nay. Lúa ăn không hết nên bán để mua vật dụng cho văn phòng, mua áo quần và bồi dưỡng cho anh em nữa. Về sau, tỉnh đoàn phải nhờ dân lùa trâu ra khỏi bưng biền bán hết vì mỗi lần máy bay tới phải đưa chúng đi trốn khó khăn lắm. Người trốn thì dễ chứ con trâu to tướng lại chẳng chịu nằm yên.
Anh Thiện bỗng nhỏm dậy cười hí hí và nói:
- Nhắc đến ba con trâu, anh nhớ đến câu chuyện thực tức cười. Đối với tỉnh đoàn thì ba con trâu là tài sản rất lớn nên thường xuyên phải có hai người lo săn sóc, ngoài công việc đồng áng của mình. Mỗi người đều lo cho trâu ăn, tắm rửa cẩn thận, còn hơn lo cho vợ con mình nữa vì điểm thi đua của người dựa vào sức khỏe của trâu. Các anh đặt cho trâu những cái tên thực đẹp. Con trâu đực có tên là Minh Quang, hai con trâu cái là Ngọc Lan và Bạch Tuyết. Chiều chiều, nghe các anh gọi nhau: “Mày đem con Ngọc Lan đi tắm, kỳ cọ cho kỹ nghe chưa. Riêng con Bạch Tuyết thì phải rửa vú cho sạch, nó sắp có con với thằng Minh Quang rồi đó.” Những câu nói như thế nghe thực là buồn cười trong cái xứ sở mà đàn bà con gái thường có những cái tên như Thúng, Mủng, Rổ, Rá, vân vân. Một hôm phái đoàn của cấp ủy về thanh tra nông trường. Chàng Minh Quang và hai nàng Ngọc Lan, Bạch Tuyết được cho ăn no nê và tắm rửa sạch sẽ để mang ra trình diện với cán bộ lãnh đạo. Các đồng chí đó gật đầu hài lòng nhưng trong buổi họp cuối cùng để đúc kết, tất cả anh em trong văn phòng tỉnh đoàn bị phê bình đến méo mặt.
- Tại sao vậy?
- Một đồng chí trong tỉnh ủy bảo rằng tỉnh đoàn còn nặng tính chất tiểu tư sản nên đã đặt cho trâu những cái tên rặc mùi tiểu tư sản. Trâu là người bạn chí thiết của giai cấp nông dân thì không thể nhận những cái tên tiểu tư sản như thế được.
Thiện ngừng nói ôm bụng cười ngặt nghẽo. Tân có vẻ sốt ruột:
- Rồi tỉnh đoàn có bỏ mấy cái tên đẹp đẽ đó hay không?
- Sao lại không? Đang là cao trào đấu tranh giai cấp, lời phê bình đó của phía đảng đâu phải là chuyện đùa. Đồng chí bí thư tỉnh đoàn đứng dậy thay mặt anh em nhận khuyết điểm và tuyên bố ngay ba cái tên tiểu tư sản đó. Thằng Minh Quang trở thành thằng Đực, con Ngọc Lan trở thành con Xoáy vì có cái xoáy trên lưng, còn con Bạch Tuyết trở thành con Tẹt vì cái mõm nó hơi ngắn một tí. Về sau, anh em trong văn phòng tỉnh đoàn rỉ tai với nhau rằng đồng chí tỉnh ủy phê bình gay gắt hôm đó có bà vợ, cũng là cán bộ tỉnh, lấy bí danh là Ngọc Lan.
- Trời đất!
Hai anh em cùng cười vui vẻ và thôi nói chuyện để dỗ giấc ngủ.

Sáng hôm sau, anh Thiện chia tay, nó bắt đầu sống những ngày cô độc. Trước khi lên đường, anh Thiện còn dặn nó:
- Em nhớ coi sóc bồ lúa cho kỹ lưỡng. Đó là lương thực để dùng cả năm cho các đồng chí ở văn phòng và các đồng chí về công tác tại các huyện đoàn và xã đoàn. Vào giữa mùa nắng, người ta thường đốt đồng, coi chừng lửa cháy lan sang bồ lúa. Khi có máy bay đến, em chạy ra đồng để tránh xa bờ kinh, nhưng nhớ đừng trốn vào lùm cây che bồ lúa, đề phòng máy bay trông thấy bắn theo đốt cháy.
Anh suy nghĩ một chút rồi nói tiếp:
- Còn điều nầy nữa. Duới mé kinh, ngay nơi miệng mương thông với ao cá của mình, có một chiếc xuồng nhận chìm dưới đó. Em có thể đưa lên, tát cạn nước và tập chèo dọc theo kinh. Em hãy cố gắng tập cho rành. Xứ nầy, đến mùa nước nổi, chỉ còn phương tiện giao thông duy nhất là chiếc xuồng mà thôi. Nhưng nhớ kỹ, lúc nào cũng sẵn sàng nhận chìm xuồng nếu nghe có tiếng máy bay đến. Thấy xuồng nổi trên mặt nước là bọn giặc quay lui bắn cho thủng nát mới thôi.
Nói xong điều cuối cùng nầy, anh khoác ba lô lên vai và ra khỏi nhà. Nó đứng trên bờ kinh trông theo cho đến khi anh khuất dạng. Nó quay lui, buồn bã nhìn căn nhà vắng lặng.
Nó bước ra bờ ao, ngồi xuống trên thềm đất, thẩn thờ nhìn mặt nước một màu nâu pha xám. Cá trong ao liên tục nổi lên đớp khí, vẽ trên mặt nước những gợn sóng lăn tăn tạo thành những vòng tròn đồng tâm lan dần ra đến thành ao loang lỗ.
Một lúc sau, nó đứng dậy vào bếp, nhúm lửa nấu cơm. Cơm vừa chín, nó bắc nồi xuống, gác một con cá khô nhỏ lên chỗ than còn đỏ. Nó bỗng giật mình vì nghe tiếng la í ới xa xa. Nó nhỏm dậy, cố lắng tai nghe. Có tiếng ù ù của phi cơ mỗi lúc một rõ dần. Nó hoảng hốt chạy ra sau nhà, lướt qua khoảng sân hẹp và phóng vào đám cỏ sậy rậm rì. Nó ngã sấp người, những thân sậy gãy rôm rộp dưới sức nặng của nó. Nó nằm yên nhắm nghiền mắt, choáng váng vì tiếng gầm thét của nhiều phi cơ vút ngang qua. Tiếng rú nhỏ dần và kết thúc bằng những tiếng nổ lớn kèm theo nhiều loạt súng giòn giã.
Nó nằm bất động một lúc lâu cho đến khi không gian trở lại hoàn toàn vắng lặng, nghe rõ tiếng gió nhẹ rì rào trên đầu cỏ sậy. Nó nhỏm dậy, vào nhà, tim chưa hết đập thình thịch trong lồng ngực. Nó nhìn vào bếp thấy con cá khô đã cháy đen thành than. Nó lắc đầu ngao ngán, vói tay lấy một nhúm muối trong hũ rồi ngồi xuống dỡ cơm ra ăn.
Buổi chiều, có hai người đàn bà đi ngang qua, ghé vào xin nước uống, kể cho nó nghe cuộc oanh tạc khi trưa làm cho một người chết và hai người bị thương. Họ đi rồi, nó nằm vật xuống giường, nghĩ ngợi miên man. Nó cảm thấy bây giờ nó mới thực sự dấn thân vào con đường cách mạng cũng như vào cuôc chiến tranh đang dày xéo quê hương. Trong những năm dài vừa qua, nó sống trong thành phố an lành, không có tiếng súng và bom đạn như ở nơi đây.
Những ngày đơn độc lặng lẽ trôi qua, nó quen dần với nếp sống trong chiến khu. Cứ vài ba ngày, phi cơ lại xuất hiện một lần. Nó không còn hoảng hốt như lần đầu mà bình tĩnh chui vào ẩn núp trong đám cỏ sậy sau nhà, nằm ngửa mặt lên nhìn những chiếc phi cơ đen thui vút qua sát rạt như gần chạm đến những cây sậy trên cánh đồng.
Ngày Tết Nguyên đán lặng lẽ trôi qua với một ít đường và bánh kẹo từ văn phòng tỉnh đoàn gởi về cho nó. Sau ngày Tết, người ta bắt đầu đốt đồng. Ngọn lửa nhóm lên từ nhiều nơi lan rộng dần làm cho nhiều khoảng rộng trên cánh đồng trở nên phẳng phiu và chân trời biến mất sau bức tường khói xám.
Gần ba tháng sau, trận mưa đầu mùa đổ xuống trên lớp tro xám đen của cánh đồng, báo hiệu mùa sản xuất của nông trường sắp đến. Cuộc sống cô độc và buồn bã của nó chấm dứt và nó sắp bắt đầu lao vào công việc đồng áng nặng nhọc cùng với những cán bộ sẽ được văn phòng luân phiên cử về.
Một hôm, nó được lệnh nhắn về là phải đi xay một số lúa khá lớn dùng làm lương thực trong suốt những ngày mùa. Nó vui vẻ thực hiện và nóng lòng chờ đợi.
Hai hôm sau, khi mọi người đã đến đông đủ, công việc đồng áng bắt đầu. Trên vùng đất sau nhà, anh em dọn sạch những lùm bụi còn sót lại sau vụ đốt đồng. Một cái bờ đất thấp dược đắp lên chung quanh miếng đất để giữ nước. Mặt đất bằng phẳng, đen thui, mầu mỡ được xom lỗ thành hàng lối để sẵn sàng nhận những hạt lúa giống đầu tiên.

Trong khi chờ đợi một trận mưa to để bắt đầu gieo hạt, Tân được phép đi dự một cuộc xử án công khai. Can phạm là những tên lính bảo an bị bắt trong một cuộc càn quét do Pháp chỉ huy vào vùng giải phóng. Tòa án nhân dân đuợc thiết lập trên một khoảng đất khô ráo, sát bờ kinh xáng Thiên hộ Dương, cách xa nông trường trên mười cây số. Tại đây, vì sợ máy bay tuần tiểu phát hiện nên đến chiều tối, người ta mới chở cây và ván đến, cấp tốc đóng một cái bục rộng và thấp như sân khấu diễn văn nghệ, trên đó có một số bàn ghế dành cho quan tòa và hội thẩm nhân dân.
Trước sân khấu, sẽ có hàng trăm đồng bào đến dự ngồi thành hai dãy dài cách nhau một khoảnh trống khá rộng. Phía trước khoảng trống đó, sát với sân khấu là một thanh ngang cột trên hai trụ. Đó chính là vành móng ngựa, nơi mà mỗi phạm nhân sẽ lần lượt đứng im, nghe quan tòa định đoạt số phận của mình.
Từ nông trường, Tân đi bộ gần ba giờ đồng hồ mới đến nơi. Trời đã sẫm tối. Từ xa, nó dễ dàng nhận ra nơi xử án nhờ ánh đèn điện lấp loáng, tiếng người lao xao hòa lẫn với tiếng nổ phành phạch của máy phát điện. Nó đi vội đến và ngồi lẫn vào với đám người đang vừa cười nói ồn ào, vừa luôn tay xua đàn muỗi đói.
Nó nhìn lên sân khấu. Trong bóng đêm dày đặc, những bóng người hiện rõ dưới ánh sáng của những bóng đèn điện từ trên cao tỏa xuống. Họ mặc áo quần đen, khăn rằn quấn vòng qua cổ. Họ ngồi yên, nét mặt nghiêm nghị và lạnh lùng, thỉnh thoảng đưa tay đập muỗi nơi những vùng cơ thể không được áo quần che chở.
Chợt có tiếng lao xao rồi nín bặt. Mọi người đồng loạt ngoái cổ nhìn ra sau. Từ bờ kinh lớn, có hai người cầm đuốc đi đầu, kế tiếp là một nhóm người tay bị trói sau lưng, ba người cầm súng theo sau và cuối cùng là hai cây đuốc. Tất cả đều im phăng phắc trong khi đoàn người lặng lẽ tiến vào. Những người cầm súng đẩy những người bị trói đến giữa chỗ trống. Các phạm nhân đứng yên, cúi gầm mặt xuống đất.
Tiếng loa rè rè cất lên đột ngột:
- Mời các đồng chí và đồng bào chuẩn bị chào cờ.
Mọi người vội đứng lên, lắng nghe bản quốc ca phát ra bằng tiếng hát lạc điệu và chói tai trong loa. Sau phút mặc niệm, mọi người ngồi xuống trong tiếng nói ồn ào. Tiếng nói trong loa ra lệnh cho các phạm nhân cùng ngồi xuống như những người tham dự.
Tân nhướng cổ nhìn vào đám phạm nhân. Nó lẩm nhẩm đếm đi đếm lại. Có mười người. Tất cả đều mặc quần ngắn, phân nửa trong số họ mặc áo, phân nửa ở trần. Tân thoáng rùng mình. Nó hình dung đó là những miếng mồi béo bở cho đàn muỗi đói đang bay dày đặc trong không gian. Quả thực, đám phạm nhân không thể ngồi yên. Hai tay bị trói quặt sau lưng, họ lắc bên nầy, lắc bên kia một cách tuyệt vọng, có người cúi xuống thổi phù phù vào hai đùi trần bên dưới. Tân bỗng cảm thấy một nỗi xót xa trong lòng.
Tiếng loa rè rè lại phát lên. Người ta tuyên bố lý do và gọi tên người bị xử đầu tiên. Lập tức hai bóng đen bước vào xóc một phạm nhân đứng lên, đẩy đứng sát vào thanh gỗ dùng làm vành móng ngựa. Hắn đứng yên nhìn lên sân khấu, miệng há hốc, đôi mắt thất thần. Có tiếng lộc cộc trong loa. Mọi người im phăng phắc, chỉ còn nghe tiếng máy phát điện từ xa và tiếng muỗi vo ve. Giọng nói trong loa phát ra, nghe thực khó chịu:
- Phạm nhân Nguyễn văn Tâm, hai mươi ba tuổi, ngụ tại Mỹ tho, con của Nguyễn văn Tý và Đặng thị Nhỏ, đi lính cho giặc Pháp từ tháng tám năm một ngàn chín trăm năm mươi.
Tiếng loa tiếp tục liệt kê những cuộc hành quân càn quét mà phạm nhân đã tham dự, cùng những tội giết người, cướp của, đốt nhà mà phạm nhân đã nhúng tay vào. Tiếng loa dừng lại. Trong đám đông có tiếng thét to:
- Quân ác ôn, tử hình.
Nhiều tiếng phụ họa theo:
- Tử hình, tử hình, tử hình.
Giọng nói trong loa cố thét to lên:
- Đồng bào căm thù tên Việt gian ác ôn nầy là đúng, nhưng bây giờ, xin đồng bào hãy bình tĩnh im lặng nghe tôi đọc tiếp bản án. Tổng cộng lại, tên Nguyễn văn Tâm đã trực tiếp hay gián tiếp giết chết tất cả bốn người trong đó có một phụ nữ, đốt ba căn nhà, cướp nhiều tài sản của nhân dân. Đây là tên khát máu, giết người không gớm tay.
Nhiều tiếng thét lại nổi lên:
- Tử hình, tử hình, tử hình.
Tân nhướng mắt nhìn vào tên ác ôn đang đứng tựa vào thanh gỗ, đầu cúi xuống, thân mình xiêu xiêu như sắp sụm xuống đất. Nó muốn nhìn mặt tên nầy nhưng không thể được vì hắn đang quay lưng về phía nó. Tân quay lại những phạm nhân kia. Chắc chắn đây cũng là những tên ác ôn không kém. Tân nhìn chăm chăm vào mặt chúng với chút tò mò muốn khám phá ra một nét nào đó chứng tỏ bản chất khát máu, giết người không gớm tay. Tuy nhiên, nó thất vọng, nét mặt chúng trông chất phác hiền lành, đôi mắt mở to, toát ra nỗi sợ hãi và cam chịu thân phận con người.
Giọng nói trong loa lại vang to:
- Đồng bào hãy bình tĩnh. Tên ác ôn sẽ bị trừng trị đích đáng. Tuy nhiên chúng ta phải để cho tòa án làm hết thủ tục. Bây giờ đến phần biện hộ của luật sư. Tôi xin giới thiệu đồng chí Ba Lài do văn phòng tỉnh hội phụ nữ cử làm luật sư biện hộ.
- Tử hình, tử hình, tử hình, không cần biện hộ.
Tiếng thét trong đám đông làm cho bầu không khí tiếp tục sôi động ồn ào.
Trên khán đài, một người đàn bà đứng dậy nhận chiếc loa cầm tay. Tân biết đó chính là luật sư biện hộ. Thấy phạm nhân sắp được biện hộ, tự nhiên nó cảm thấy một nỗi vui mừng thực vô lý. Nó chăm chú theo dõi từng cử động của ngưòi bàn bà. Chị nầy hướng loa vào đám đông và đọc từng chữ trên một mảnh giấy cầm tay:
- Thưa các đồng chí và đồng bào, tôi được tỉnh hội phụ nữ và toà án cử biện hộ trong phiên xử nầy. Tên Nguyễn vân Tâm là một tên Việt gian bán nước, làm tay sai cho giặc Pháp chống phá cách mạng, giết hại đồng bào. Theo cáo trạng đã được đọc thì nó đã nhiều lần hùa theo quân Pháp trong các cuộc hành quân càn quét, bắn giết chiến sĩ của ta, đốt nhà cướp của, hãm hiếp phụ nữ, tội ác ngày càng chồng chất, thực khó dung tha.
- Đúng, đúng, hoan hô đồng chí luật sư. Tử hình, tử hình!
Tân cảm thấy mệt mỏi và khó chịu vì tiếng la ồn ào cùng tiếng loa the thé của chị luật sư biện hộ. Nó không muốn nghe tiếp phần biện hộ của luật sư nữa nên đứng dậy, lom khom lách qua những người đang ngồi. Khi thoát qua được đám đông, nó đứng thẳng và hướng về hàng cây cao của bờ kinh lầm lũi bước tới. Trước mắt nó, con kinh xáng trông như một dải sáng bạc thẳng tắp. Nó đứng yên một chút cho mắt quen với bóng đêm. Con đường đi trên bờ kinh hiện ra lờ mờ dưới ánh sáng của trăm ngàn tinh tú trên bầu trời không gợn chút mây.
Nó vội vã bước tới. Sau lưng nó, tiếng loa the thé của người nữ luật sư, tiếng thét nổi lên từng chặp của đám đông, mỗi lúc một nhỏ dần. Nó tiếp tục bước tới, băng qua nhiều cây cầu khỉ và cuối cùng dừng lại trên một khoảng trống be bé bằng phẳng. Nó biết đó là cái nền của một ngôi nhà mà người ta đã dời sâu vào trong đồng trống kể từ khi máy bay tăng cường những cuộc oanh tạc dọc trên bờ kinh xáng nầy. Nó quay đầu nhìn lại. Những bóng đèn điện thấp thoáng như một chùm sao trên chân trời thăm thẳm. Dải ngân hà sáng bạc vắt ngang qua bầu trời lốm đốm sao. Nó cố lắng tai nghe, nếu còn tiếng loa thì nó sẽ tiếp tục đi xa hơn nữa. Tuy nhiên, không gian vắng lặng, chỉ còn nghe tiếng lá cây rung phần phật vì ngọn gió đồng bằng thổi đến từng cơn. Nó hít một hơi dài, lồng ngực căng đầy không khí trong lành. Nó thở mạnh và cảm thấy như vừa trút bỏ được một nỗi ưu phiền vô cớ.
Nó nghiêng mình cởi chiếc ba lô, kéo hai sợi dây cột, lôi ra chiếc nóp bằng đệm trải trên nền đất và cẩn thận chui vào. Nó lăn người nằm ngửa đè trên mép đệm làm cho chiếc nóp căn ra tạo một khoảng trống tối đen. Nó cảm thấy an toàn trong khoảng trống nho nhỏ bao quanh. Nó muốn bỏ rơi tất cả bên ngoài để tìm một giấc ngủ nhưng hình ảnh buổi xử án cứ đeo mãi nơi trí não nó. Trước mắt nó, lại hiện ra những phạm nhân cúi gập người cố thổi vào đùi cho bay những con muỗi đói hung dữ, tai nó cứ văng vẳng những tiếng “tử hình, tử hình” của đám đông và giọng the thé đầy căm phẩn của chị luật sư biện hộ. Cuối cùng giấc ngủ cũng đến, một giấc ngủ chập chờn, đầy mộng mị.
Nó tỉnh giấc ngay sau tiếng súng nổ đầu tiên. Nó vùng dậy, chui ra khỏi nóp, ngồi yên lắng tai nghe. Lại một tiếng nổ nữa. Nó lẩm bẩm:
- Hai.
Những tiếng súng nối tiếp nhau từng khoảng ngắn. Nó tiếp tục đếm theo:
- Ba, bốn…, mười một, mười hai, mười ba.
Nó chui ra khỏi nóp, ngồi ngây người nhìn về hướng những tiếng súng phát đi nghe rõ mồn một, không xa lắm. Nó lại lẩm bẩm:
- Mười ba, hết rồi. Mà tại sao lại mười ba? Chỉ có mười người thôi mà. Có thể mỗi người nhận hai viên, một viên xử tử và một viên ân huệ. Nhưng biết đâu mỗi người nhận một số đạn nhiều hơn, nghĩa là những án tử hình đêm nay bớt đi, nó hi vọng như thế. Nhưng nếu vậy thì làm sao chia đều số đạn cho mỗi người?
“Làm sao chia đều số đạn cho mỗi ngưòi?”
Nó cảm thấy những mạch máu trên đầu nó căng cứng, tạo nên những tiếng “bong bong” khó chịu trong hai tai. Nó nhìn sâu vào cánh đồng và sợ hãi khi hình dung những linh hồn vừa vụt bay lên khỏi thân xác lủng lỗ chỗ nằm sóng soài trên mặt đất. Nó rùng mình nhắm mắt lại, hai tay ôm đầu.
Trên không trung, có tiếng vạc ăn đêm kêu lên những tiếng buồn thảm. Nó mở mắt, chợt nhận ra mảnh trăng hạ tuần vừa ra khỏi đám mây, đang treo lơ lửng, mờ mờ in bóng hàng cây cao đổ dài trên mặt đất. Dưới kinh, cá quẩy mạnh trên mặt nước, xa xa vọng lại tiếng gà gáy hiệp đầu tiên. Nó chui vào nóp và nằm thao thức cho đến khi ánh bình minh đến xua đuổi bóng tối của một đêm dài nặng nhọc.


*
* *


Sự canh tác ở Đồng Tháp mười không giống nơi khác. Ở đây, đồng rộng mênh mông, đất đai không thuộc quyền sở hữu của ai cả nên tha hồ chọn lựa nơi làm mùa. Người ta thường chọn nơi đất không quá cao hoặc quá thấp. Nơi quá cao, lúa không đủ nước lúc đầu. Nơi qua thấp thì khi nước đầy trong kinh tràn vào ruộng, lúa chưa kịp gặt đã ngập mất rồi. Do đó, nông dân thường tập trung vào một chỗ thuận lợi, những miếng đất sát bên nhau, ranh giới là những bờ đất đơn sơ.
Những con kinh, suốt mấy tháng nắng vắng lặng bỗng vui nhộn hẳn lên. Những căn chòi tạm bợ cất vội trên bờ và một xóm mới xuất hiện. Ban ngày mọi người đều ra đồng, chiều về khói ấm tỏa ra trên các mái tranh, bọn trẻ chơi đùa la hét trên bờ kinh, đàn ông tụm năm tụm ba khề khà chén rượu.
Việc canh tác thực là giản dị, người ta không phải đổ công cày xới. Mặt ruộng được phủ đầy một lớp mầu mỡ, bên dưới là lớp phù sa mà sông Cửu long mang về trong mùa lũ trước, bên trên là lớp tro xám đen do vụ đốt đồng trong mùa nắng vừa qua để lại. Người ta dùng một thanh gỗ tròn đầu nhọn, xom một lỗ xuống đất, rắc vào đó vài hạt lúa rồi lấp lại. Những cơn mưa dội đến làm những hạt lúa nẩy mầm và không bao lâu mặt đất khoác chiếc áo màu xanh mơn mởn.
Kể từ lúc những hạt lúa được vùi trong đất cho đến khi mùa màng hoàn tất, nông dân phải đổ nhiều công sức vào ban đêm để ngăn chuột cắn phá. Chuột trên cánh đồng hoang nhiều không kể xiết. Suốt mùa nắng, chúng núp kỹ dưới những hang sâu, sinh sôi nẩy nở, đợi lúc sa mưa là tràn lên cắn phá. Chung quanh miếng ruộng, người ta phải đặt rất nhiều bẫy và mỗi đêm phải thức dậy ít nhất ba lần đi quanh đám lúa, đưa những con chuột chết vì sập bẫy ra ngoài và dương bẫy lại.
Năm nay, mùa mưa đến khá sớm nên mới đầu tháng năm, hạt đã gieo gần khắp thửa ruộng của nông trường. Tân được các anh phân công đảm nhiệm công việc diệt chuột để bảo vệ cho những hạt lúa vừa được vùi trong đất. Hằng đêm, nó thức dậy ba lần, đốt đuốc ra đồng. Một hôm, sau lần thăm bẫy đầu tiên, nó chuẩn bị về ngủ thì bỗng nghe tiếng nói to từ xa vọng đến. Trong đêm thanh vắng triền miên của cánh đồng mênh mông nầy, tiếng nói nghe thực lạ lùng. Nó vội leo lên bờ ruộng, đứng thẳng, lắng nghe. Nó nhận ra đó là tiếng loa phát ra từ đầu kinh và từ từ tiến về phía nông trường, mỗi lúc một rõ dần:
- Đồng bào nghe đây. Điện biên phủ thất thủ, Điện biên phủ thất thủ, bộ đội ta toàn thắng đã chiếm được ngọn đồi chỉ huy của tướng Pháp. Toàn bộ quân đồn trú đã ra hàng.
Tân vứt giỏ chuột, đưa cao bó đuốc, bước vội về nhà. Nó phải gặp ngay các anh để cùng vui với tin chiến thắng nầy. Nó bước lên một mô đất trơn, trượt chân ngã chúi xuống, ngọn đuốc chắm vào vũng nước xèo một tiếng và tắt ngúm. Nó đứng dậy, vuốt chiếc áo lấm bùn đất, nhìn về hướng bờ kinh, dưới ánh trăng sáng tỏ, thấy bóng người lố nhố trên bờ, bóng họ in rõ trên nền trời trắng đục. Nó sải những bước dài trên mặt ruộng và leo lên bờ. Dưới kinh, một chiếc ghe cũng vừa chèo tới. Một người đứng thẳng giữa ghe, cầm loa quay sang hai bên bờ, lặp đi, lặp lại tin chiến thắng. Mọi người đứng trên bờ vỗ tay hoan hô, trẻ em reo hò, có đứa cầm một vật gì đó ném theo ghe.
Ghe đi xa rồi, tiếng loa chỉ còn nghe văng vẳng, mọi người trở vào nhà, tiếp tục bàn tán xôn xao. Anh Thanh mở vội ba lô, lôi ra một gói giấy khá to và nói:
- Ăn mừng, anh em ơi. Tôi đóng góp một gói đường. Ai có gì cứ đóng vào để liên hoan.
Giọng anh Thiện ồm ồm:
- Tao chẳng để dành món gì cả, nhưng có mấy đồng của bà già vừa gởi cho, tao sẽ mua trà và đậu về nấu chè với cục đường của mày. Đứa nào còn tiền thì góp vào, sáng mai tao đi mua.
Tối hôm sau, với một nồi chè to tướng, cuộc liên hoan mừng chiến thắng Điện biên phủ kéo dài đến quá nửa đêm. Sau đó mọi người chui vào mùng ngủ để lấy sức lo việc đồng áng ngày mai.
Năm nay, mưa gió thuận hòa, lúa nẩy mầm đều đặn, những cây lúa non vươn mình lên một cách mạnh mẽ. Công việc đồng áng tạm ngưng, các anh trở về văn phòng nhận công tác, nó lại thui thủi một mình giữ gìn miếng ruộng.
Lúa đã sắp trổ đòng đòng, người ta gọi đó là lúa con gái, trông thực là dễ thương. Thỉnh thoảng người nào đi ngang nhìn cũng tấm tắc khen ngợi. Điều đó báo hiệu một mùa thu hoạch tốt trong vòng một hai tháng nữa. Tân nhìn miếng ruộng thấy rất vui thích trong lòng. Công sức đầu tiên của nó đổ ra sắp biến thành những hạt lúa vàng quý báu.
Một buổi chiều, nó ra ngồi trên bờ ruộng ngắm những bông lúa non thì lại nghe tiếng loa phát ra từ phía đầu kinh. Cũng như lần trước, người ta dùng ghe để đi rao một tin quan trọng. Đó là tin hiệp định Genève vừa được ký kết, hoà bình vừa được lặp lại.
Nó không bị bất ngờ vì tin nầy, nhưng cũng nhảy cẫng lên mừng rỡ. Từ ít lâu nay, mỗi lần ở văn phòng về, các anh đều có mang theo những tài liệu và những bản tin về hòa hội đang diễn ra trên đất Thụy sĩ. Ai cũng tin rằng hiệp định hòa bình sẽ được ký kết trong nay mai.
Bây giờ thì điều đó đã đến rồi. Đất nước đã được thanh bình. Súng ngưng nổ, máy bay không còn vào đây để oanh tạc nữa. Nhưng số phận của nó sẽ ra sao khi hòa bình được lặp lại? Nó còn phải ở lại một cách cô độc để giữ bồ lúa cho tỉnh đoàn và đêm đêm đi bẫy chuột để bảo vệ cho đám lúa nữa hay không?
Những câu hỏi đó làm cho nó sống trong nỗi bất an, lúc nào cũng trông ngóng các anh về, đem theo chỉ thị cấp trên đến cho nó.
Bốn ngày sau, chỉ một mình anh Thiện trở về. Vừa bước vào nhà, anh ôm chầm lấy nó hét to:
- Hòa bình rồi, chú biết chưa?
Nó vội trả lời:
- Em biết rồi. Nghe loa phát thanh từ bốn hôm trước, em ngồi đợi các anh ngày nầy qua ngày khác.
- Tụi anh đang đi công tác thì được lệnh trở về ngay. Anh Quang đốc thúc anh về gấp nông trường để báo tin cho em.
Tân hỏi vội:
- Bây giờ thế nào? Mình còn tiếp tục sản xuất ở nông trường nầy hay không?
- Nông trường nầy bị dẹp bỏ, tình thế đã thay đổi hoàn toàn. Sáng mai, chúng ta rời nơi nầy. Chú về văn phòng sẽ được học tập để hiểu rõ tình hình chung của đất nước.
- Rồi số phận của em sau đó, anh có biết sẽ được định đoạt thế nào không?
- Anh không rõ lắm. Có lẽ cũng như những người khác. Một là tập kết ra Bắc, hai là ở lại miền Nam tiếp tục chiến đấu.
- Chiến đấu? Hòa bình rồi mà.
- À, chiến đấu bây giờ có nghĩa là đấu tranh chính trị, chứ không còn chiến đấu bằng súng đạn nữa.
Anh vụt quay lại hỏi nó:
- Chú còn nhớ lão Tư Cám không?
- Có. Ông lão đã đưa em từ Thiên hộ vào đây, em chưa có dịp trả ơn cũng như chưa có dịp về thăm.
- Ông Tư bị lính giết chết rồi.
Tân sửng sốt:
- Trời ơi, hòa bình rồi mà, sao còn bị lính giết chết?
- Không, ông Tư chết cách nay gần một tháng. Sáng nay đi qua nhà chú Tám công an xã, anh mới hay tin.
- Tại sao ông Tư chết vậy?
- Chú Tám chỉ kể qua loa vì anh đang trên đường về đây. Chuyến liên lạc cuối cùng đó, ông Tư chở một cán bộ trong nầy ra lúc trời chưa sáng. Lính trong đồn gọi lại. Anh cán bộ sợ quá vội phóng xuống sông. Lập tức, lính nổ súng rào rào xuống nước. Anh cán bộ lặn một hơi vào bờ, băng đồng trở lại. Ông Tư lẫn xuồng trúng đạn chìm xuống đáy kinh. Mấy hôm sau đồng bào ngoài đó vớt được xác ông, báo tin cho con gái về chôn cất. Xã có làm một lễ truy điệu đơn sơ cho ông Tư.
Tân sững sờ nhìn ra sân.
“Qua muốn nhận em làm con út của qua. Qua muốn có một đứa con trai…”. Trong thời gian vừa qua, thỉnh thoảng nó nghĩ đến ông và có ý định về thăm nhưng chưa thực hiện được.
“Qua cũng muốn ra ở với con gái cho yên ổn tuổi già…”. Bây giờ thì ông không còn tuổi già nữa để mà yên ổn. Ông cũng không kịp thấy nền hòa bình mà ông ao ước trong biết bao nhiêu năm rồi.
Thấy nó ngồi buồn bã, anh Thiện bảo:
- Tội nghiệp. Chú Tám công an bảo ông lão thiệt là hiền lành và tốt bụng. Già cả như vậy mà ai nhờ việc gì, dù là nguy hiểm cũng cố làm giúp. Nghe tin ông chết, cả xã đều thương tiếc. Nhưng thôi, chiến tranh mà, cả triệu người đã hi sinh. Bây giờ hòa bình rồi, không còn chết chóc nữa. Chú buồn một chút như thế đủ cho ông Tư rồi, dậy lo dọn dẹp đi, sáng mai lên đường sớm.
- Rồi có trở lại đây không anh?
- Chưa biết. Có lẽ đi luôn không trở lại.
- Nếu không trở lại thì nhà nầy, bồ lúa giao cho ai? Đám ruộng của mình tốt quá, lúa sắp đơm bông.
- Bỏ đó, chính quyền xã sẽ đến nhận. Sau đó họ chia cho ai mặc họ.
Tân vụt đứng dậy, bước ra cửa. Anh Thiện hỏi to:
- Chú đi đâu đó?
Nó quay lại:
- Em ra thăm ruộng, từ giã những cây lúa. Từ ngày mai, em không còn trông thấy chúng nó nữa.
Anh Thiện mỉm cười, nhìn theo cái bóng cao và gầy của nó lững thững bước qua cái sân hẹp, khuất sau đám cây che bồ lúa rồi hiện ra trên bờ ruộng. Gió chiều lồng lộng, thổi tung vạt áo trước của nó bay phần phật như một cánh buồm bé tí. Nó đưa tay kéo vạt áo đè chặt vào trước bụng. Cái áo chỉ còn hai hột nút. Đó là chiếc áo mà nó đã mặc gần một năm nay, chiếc áo màu xanh thẫm mà chị Chi đã mua cho nó trong đêm cuối cùng nó sống tại Sài gòn. Chiếc áo đã trở nên bạc thếch, vai sờn, lưng lốm đốm nhiều lỗ thủng.
Nó đứng yên nhìn đám ruộng moat lát rồi chậm rãi trở vào nhà, mặt buồn rười rượi.

Sáng hôm sau, hai anh em khởi hành lúc trời chưa sáng, trưa thì về đến văn phòng. Ngay lập tức, nó xin phép trở lại thăm nhà ông Tư Cám. Nó hối hả rảo bước trên bờ kinh trơn trợt vì trận mưa đêm qua. Nước trong kinh bắt đầu dâng cao, có nơi chảy róc rách vào đồng qua những con mương nhỏ cắt ngang bờ kinh. Rải rác trên đường đi, những hố cá nhân để tránh máy bay, miệng hố lở loét, nước lấp xấp lưng chừng bên dưới. Hai bên bờ kinh, trên những đám ruộng, lúa đã lên cao, phía sau là đồng cỏ sậy xanh um trải dài đến tận chân trời. Mặt trời đã quá đỉnh đầu, cái bóng đen cụt ngủn của nó lướt nhanh trên nền đất, theo những bước chân sải đều trên bờ con kinh Bằng lăng dài hun hút. Đến một cây cầu khỉ bắt ngang qua một dòng kinh chắn ngang trước mặt, nó vội vàng rẻ trái, bước thêm một đoạn nữa và dừng lại, đứng ngẩn ngơ.
Nhà ông Tư Cám biến mất, chỉ còn một cái nền gần như trơ trụi. Nó nhớ lại cái đêm đầu tiên vào đến chiến khu, nhớ lại giây phút run sợ nằm trốn dưới đáy xuồng, ngang qua đồn canh ở ngã ba kinh lớn, nhớ những bữa cơm gạo lứt đầy tình đầy nghĩa trong những ngày chờ đợi trong căn nhà bé nhỏ trên cái nền đất ướt nầy.
Có tiếng chèo khua nước phía sau. Nó quay lại và đưa tay vẫy. Một chị đàn bà ngồi trước mũi xuồng khuấy mạnh mái chèo cho chiếc xuồng dừng lại, tấp vào bờ. Chị hỏi nó:
- Chú quá giang đi đâu?
Nó đưa tay chỉ vào nền nhà trống và nói:
- Không, em muốn tìm nhà ông bà Tư Cám ở đây nầy.
- Ông Tư đã chết gần một tháng nay. Bà Tư đã dỡ nhà ra chợ ở với con gái rồi.
- Chị có biết bà Tư ra ở chỗ nào không?
Chị lắc đầu:
- Không biết. Ra Thiên hộ hay về tuốt Cai lậy thì không rõ. Chú cứ ra ngoài đó hỏi thì có thể tìm ra được. Bây giờ hòa bình rồi dễ đi lắm. Cái bót ở ngoài vàm Bằng lăng không còn xét hỏi nữa. Mấy ông lính ngồi trên bờ, thấy ghe xuồng đi ngang thì vẫy tay chứ không còn la hét dễ sợ như lúc cón đánh nhau. Hòa bình rồi mà, mình đâu còn thù ghét nhau nữa.
Chừng như nghĩ mình đã nói quá nhiều với người xa lạ, chị dừng lại đột ngột, chống mái chèo vào bờ, đẩy mũi xuồng ra giữa dòng kinh và vội vã bơi đi.
Tân quay lui và rảo bước trở về văn phòng. Mặt trời nghiêng về phía dòng kinh, mặt nước óng ánh hắt tia nắng lên làm cho nó khó chịu. Mồ hôi lấm tấm thấm vào hai mắt. Nó dừng lại dưới bóng mát của hàng cây điên điển, vén vạt áo lên lau mặt. Nó ngoái cổ lại nhìn về hướng ngã ba kinh lớn, tai còn như văng vẳng giọng người đàn bà: “Bây giờ hoà bình rồi, dễ đi lắm, mình không còn thù ghét nhau nữa…”
Nó thở dài. Phải rồi. Hòa bình, hòa bình, ai đi ngang qua cái bót đó cũng được, không cần sự đưa đón của ông già hiền lành phúc hậu nữa. Ông chẳng còn công việc gì trên thế gian nầy nên ông đả bỏ cõi trần để về bên kia thế giới.



*
* *



Tân được học tập liên tiếp ba ngày. Học văn bản hiệp định Genève, học tình hình trong nước và thế giới, học nhiệm vụ mới của cách mạng, chuyển từ đấu tranh quân sự sang đấu tranh chính trị để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử hai năm sắp tới. Đất nước tạm thời bị chia cắt làm đôi ngang qua sông Bến hải ở vĩ tuyến Mười bảy. Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, đảng cùng nhân dân sẽ kiến thiết xứ sở bị chiến tranh tàn phá. Ở miền Nam, các cấp chính quyền cách mạng bị giải tán. Chiến khu cũng không còn nữa, cán bộ và bộ đội phải tập kết về miền Bắc. Tuy nhiên cuộc đấu tranh ở miền Nam không phải là chấm dứt mà chuyển sang giai đoạn gay go hơn; đó là đấu tranh ngay trong lòng địch, lôi kéo nhân dân miền Nam về với cách mạng, bảo đảm sự thắng lợi hoàn toàn trong kỳ tổng tuyển cử hai năm sắp tới.
Đợt học tập chấm dứt sau một ngày thảo luận sôi nổi. Buổi chiều, sau bữa cơm, anh Quang rủ Tân ra ngồi trên bờ kinh.
Anh mở lời:
- Đợt học tập vừa rồi rất quan trọng, nhưng anh thấy em rất ít phát biểu ý kiến mà có vẻ lo ra. Tại sao vậy?
- Vì em cứ lo nghĩ không biết số phận mình sẽ ra sao trong những ngày sắp tới?
Anh Quang gắt lời:
- Tương lai của mỗi cá nhân sẽ được giải quyết ổn thỏa cả thôi. Trước hết, anh muốn hỏi em có thắc mắc gì về tài liệu học tập hay không?
- Có, em còn mơ hồ về một điểm.
- Điểm gì vậy, em cứ nói đi.
- Theo hiệp định thì chúng ta phải rút hết toàn bộ chiến sĩ và cán bộ về miền Bắc, thế thì lấy ai ở trong Nam nầy mà đấu tranh chính trị.
- Nhân dân miền Nam.
- Nhân dân mà không có cán bộ vận động và lãnh đạo thì đấu tranh thế nào được.
Quang vỗ vai nó, cười bảo:
- Em thắc mắc như thế là rất có lý. Và thắc mắc đó cũng không thể giải quyết trong một cuộc học tập công khai được. Đúng như em nói, nhân dân, dù có nhiệt tình cách mạng thế mấy đi nữa mà không có cán bộ lãnh đạo thì cũng chẳng làm gì được. Chúng ta cần để cán bộ lại để thúc đẩy nhân dân tranh đấu. Tuy nhiên, theo hiệp định Genève, một ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến được thành lập và đang dòm ngó nên ta phải cẩn thận không để họ lên án là vi phạm hiệp định. Vì vậy các văn bản và tài liệu học tập trên giấy trắng mực đen của chúng ta vẫn phải nói lên kế hoạch rút toàn thể bộ đội cùng cán bộ ra Bắc nhưng trên thực tế mình chỉ đưa đi những người nào đã bị lộ diện quá rõ rệt, không thể ở lại tiếp tục hoạt động được. Còn những chiến sĩ và cán bộ khác vẫn ở lại trong Nam để tiếp tục hoạt động.
- Thế thì em phải ở lại hay đi tập kết?
- Chú phải ở lại.
- Nhưng trước đây, tổ chức mà em tham gia bị vỡ, nhà em bị lục soát và em phải chạy trốn vào đây.
Anh Quang đặt tay lên vai nó, cười bảo:
- Không sao đâu. Tình hình đã biến đổi quá nhiều. Chuyện của em đã xảy ra cách đây một năm, lại không phải là chuyện lớn nên địch không còn quan tâm đến nữa đâu.
- Nghĩa là em có thể về Sài gòn phải không?
- Em được phân công ở lại hoạt động tại miền Nam còn địa bàn hoạt động nơi nào thì tùy theo nguyện vọng của mỗi người. Nếu em muốn ở lại ngay trong Đồng Tháp mười nầy cũng được, em sẽ được bố trí chỗ ăn, ở và công tác….
Tân vội vã cướp lời:
- Không, em không ở lại đây, em muốn về Sài gòn.
Anh Quang nhìn nó, cười vui vẻ:
- Anh muốn thử em đó thôi. Gần một năm nay, em vào đây để cải tạo giai cấp, nhưng thời gian đó chưa đủ để em trở thành nông dân chính cống có thể tự sống được với cái cày cái cuốc. Nếu em muốn về Sai gòn, tỉnh đoàn chấp nhận nguyện vọng của em. Thèm trở lại với nếp sống học sinh tiểu tư sản lắm phải không?
- Không phải, em muốn về ngay Sài gòn để dò tìm tin tức anh Vinh.
- Anh Vinh nào?
- Anh ruột của em đã bị bắt và vì vậy em phải trốn vào đây.
Quang gật gù:
- Anh nhớ ra rồi. Em nên về để hỏi thăm đi. Theo bản hiệp định hòa bình thì cả hai bên đều phải trao trả những ngưòi bị giam giữ trong chiến tranh và được gọi là tù nhân chiến tranh, bất kể thuộc về cánh quân sự hay dân sự. Chắc chắn anh Vinh của em cũng được trao trả trong dịp nầy.
Tân mừng rỡ:
- Chừng nào em có thể trở về Sài gòn?
- Em nên nghỉ lại đây chơi với các anh vài hôm cho vui. Huyện đang chuẩn bị một cuộc mít tinh lớn để mừng ngày hòa bình, em nên ở lại tham dự.
Anh Quang nhìn nó có vẻ thương hại:
- Vả lại, anh cũng phải đi tìm cho em một bộ áo quần lành lặn. Về thành phố với bộ đồ nầy, người ta sẽ tưởng…
- Tưởng em là thằng ăn mày hay thằng móc túi phải không?
Hai anh em cùng cười xòa. Tân im lặng dõi mắt nhìn theo đàn cò trắng bay qua cho đến khi chỉ còn những đốm trắng nhỏ ở sát chân trời. Nó quay lại:
- Anh Quang, hướng đó là Sài gòn.
- Sao em biết?
- Ban đêm, lúc trời trong, em thường nhìn về hướng đó, thấy một vầng sáng ở chân trời. Em biết đó là ánh đèn điện của Sài gòn. Lúc đó em nhớ nhung thật nhiều những ngày còn thơ ấu. Nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn….
Anh Quang nghiêm giọng:
- Lại tiểu tư sản rồi. Tài, chú đừng bao giờ quên nhiệm vụ cách mạng vẫn đang còn trước mặt chúng ta. Sắp tới, chú về thành là để tiếp tục nhiệm vụ đó cho đến khi cách mạng hoàn toàn thành công. Chú về đó, cố gắng tìm một cơ sở để tham gia hoạt động. Tôi nghe nói thành đoàn đang cần nhiều cán bộ để làm công tác dân vận trong giới sinh viên học sinh.
Quang ngừng trong vài giây rồi nói tiếp:
- Hòa bình rồi, sự tranh đấu của chúng ta chuyển sang giai đoạn khác với cuộc đấu tranh nặng về quân sự vừa qua. Cuộc đấu tranh sắp tới gay go và nguy hiểm hơn nhiều vì cán bộ không còn được bảo vệ nữa.
- Nghĩa là một khi tổ chức bị địch phá vỡ thì không còn chiến khu để lẫn trốn như trường hợp của em, một năm trước đây?
- Đúng vậy. Do đó, trong giai đoạn nầy, em không được cẩu thả. Phải hết sức cảnh giác, hết sức bảo mật. Tự bảo vệ mình là bảo vệ cho thành quả của cách mạng.
- Em xin nhận lãnh lời khuyên của anh và hứa sẽ giữ mình cẩn thận trong công tác sắp tới ở Sài gòn. Chừng nào anh cấp cho em giấy giới thiệu của tỉnh đoàn để em về trình diện và nhận công tác với thành đoàn?
Anh Quang lắc đầu:
- Không có giấy giới thiệu nào cả. Cách mạng cài người ở lại mà còn giấy giới thiệu, rủi rơi vào tay địch, chúng trình cho ủy hội quốc tế rồi rêu rao khắp thế giới rằng mình vi phạm hiệp định thì nguy to. Vì vậy, không phải riêng em, mọi cán bộ không tập kết đều phải tự túc tìm cơ sở mà hoạt động. Em hiểu chưa?
- Dạ hiểu.
Tân trả lời một cách dứt khoát. Nó không còn thắc mắc mà cũng chẳng cần giấy giới thiệu nữa. Nó muốn về Sài gòn ngay bây giờ để tìm gặp anh Vinh của nó còn việc tìm cơ sở hoạt động thì sẽ tính sau.

Hai hôm sau, Tân từ giã lên đường khi trời chưa sáng hẳn. Cuộc chia tay thực cảm động. Anh Quang, anh Thiện ôm nó thực chặt rồi buông nó ra. Hai người còn đứng im một lúc nhìn theo bóng nó buớc nhanh trên bờ kinh và khuất trong đám sương mù buổi sáng. Nó muốn trở lại con đường cũ, đi qua vàm Bằng lăng, nơi những viên đạn của quân thù đã kết liễu cuộc đời của ông Tư Cám đáng thương. Nó muốn nhìn tận mắt chiếc đồn canh của giặc vì lúc đi vào, nó bị chiếc đệm và những bó củi phủ kín trên người. Tuy nhiên ý muốn đơn sơ đó không thực hiện được. Món tiền trợ cấp của tỉnh đoàn quá ít ỏi, không đủ cho nó trả tiền tàu và xe hai chặn đường, từ Thiên hộ về Cái bè và từ Cái bè về đến Sài gòn. Vì vậy nó nghe theo lời khuyên của các anh trong văn phòng, đi bộ dọc theo kinh lớn Thiên hộ Dương rồi xuôi kinh Mười hai ra Cai lậy. Từ đó, nó chỉ tốn một chuyến xe đò là về tới Sài gòn.
Nó hăng hái sải bước trên bờ kinh dài hun hút; dưới kinh ghe thuyền qua lại mỗi lúc một đông, tiếng nói, tiếng cười rộn rã. Nó nghe lòng phơi phới trong cảnh thanh bình vừa mới trở về với quê hương.
Buổi trưa, nó ghé vào một mái tranh nhỏ xin nước uống, ăn vội nắm cơm mang theo và tất tả lên đường. Qua khỏi kinh Thiên hộ Dương, nó biết mình sắp rời khỏi vùng đất của chiến khu và có lẽ không bao giờ trở lại nữa. Nó dừng chân quay mặt nhìn lại cánh đồng hoang vu, lòng bùi ngùi nhớ lại bao kỷ niệm trong gần một năm qua.
Vài phút sau, nó quay lui và tiếp tục lên đường. Xóm làng trù phú bắt đầu xuất hiện với những khu vườn cây cối xanh tươi, những mái nhà lá khang trang, khác hẳn với vẻ u tịch của bưng biền mà nó vừa bỏ lại sau lưng.
Khi nó đến Cai lậy thì mặt trời đã xế bóng. May mắn, nó đáp được chuyến xe đò cuối cùng về thành phố thân yêu của nó.
Đến Sài gòn, nó bước xuống xe thì trời vừa dứt cơn mưa. Màn đêm đã buông xuống, ánh đèn đường quen thuộc loang loáng phản chiếu trên mặt đường sũng nước. Nó đứng im, nhìn xe cộ, nhìn bộ hành qua lại trên đường, nghe trong lòng dâng lên một niềm cảm xúc lạ thường.
Một chiếc xích lô trờ tới mời mọc. Nó lắc đầu rồi bước vội lên lề đường. Nó cho tay vào túi quần, mân mê ba đồng kim loại còn sót lại. Nó nhìn vào những quán ăn một cách thèm thuồng, cơn đói làm cho bụng nó cồn cào. Nó vội quay mặt đi nơi khác, tay vẫn trong túi quần, nắm chặt mấy đồng kim loại mà nó biết không đủ cho một bữa no nê trong một quán ăn hạng bét nơi đây. Nó bỗng cảm thấy lạc loài trong cái thành phố mà nó đã trải qua nhiều năm thơ ấu vô tư. Bây giờ đi về đâu? Câu hỏi nầy đã lẩn quẩn suốt ngày hôm nay trong đầu nó.
Về đâu? Về đâu? Nó vẫn đứng ngẩn ngơ nhìn phố phường nhộn nhịp về đêm. Bên kia đường là một dãy phố đèn đuốc sáng choang, căn nhà đối diện với nó cửa mở rộng, hai người lớn và ba trẻ em ngồi quanh một chiếc bàn. Họ đang dùng bữa cơm tối. Nó nuốt nước bọt và bước xuống đường.
Nó để cho đầu óc trống rổng, bước nhanh trên hè phố ẩm ướt. Nó dừng lại trước một rạp hát, tiếng cười nói ồn ào xen lẫn với tiếng nhạc dìu dặt, ánh đèn đủ màu sáng rực, chiếu vào những bảng vẽ sặc sỡ giăng kín bên trước rạp. Nó bỗng cảm thấy một nguồn vui kỳ lạ. Cánh đồng hoang vu, những dòng kinh nước đục, ruộng lúa đang đơm bông, cái bồ lúa ẩn dưới bóng cây… bỗng trở thành những hình ảnh hết sức mờ nhạt. Những ngày sống cô đơn trong nông trường, những buổi dầm mưa dãi nắng trên đồng ruộng, những lần đốt đuốc đi gài bẫy chuột trong đêm tối mịt mùng, tất cả những thứ đó chỉ còn chập chờn như một khúc phim diễn một cách thờ ơ trên màn bạc.
Nó đưa tay vỗ vào đầu để biết chắc mình đang thực sự đứng trong thành phố mà nó đã trải qua tuổi thơ hồn nhiên vô tư của nó. Tiếng động chung quanh thực là quen thuộc. Quá khứ như bị biến dạng, dòng thời gian co lại, một năm trong Đồng Tháp bị rút thành một khoảng ngắn ngủi như một giấc mơ. Nó bị chìm ngập trong một nguồn vui sôi nổi, nguồn vui của những ngày còn cắp sách đến trường, của những lần được gọi tên lên nhận phần thưởng ưu hạng vào mỗi cuối năm học.
Lòng lâng lâng cảm khoái, nó bước đi trên con đường Frères Louis, đến ngã Sáu Sài gòn và kia kìa, những tàn cây cao của công viên Bồ rô. Cánh cổng sắt của công viên đã đóng kín. Nó áp mặt vào hai thanh sắt mát lạnh, nhìn vào bên trong, cố nhận cho ra chiếc băng đá, phía trước đám cỏ mà nó đã nằm ngủ qua một đêm. Ôi, cái đêm buồn bã đó là dấu chấm hết cho quảng đời học sinh thơ ngây của nó! Trong khu vườn, không một ánh đèn. Những tia sáng yếu ớt của đèn đường không xuyên thủng được bóng đêm bao trùm lên những lùm cây rậm rạp.
Nó quay lui rồi men theo con đường quen thuộc lầm lũi đi, đi mãi một lúc khá lâu. Nó dừng lại ở đầu con hẻm. Đây rồi, xóm Hòa hưng của những ngày xa xăm. Nhà bà giáo Thanh đóng kín cửa, ánh đèn bên trong hắt ra qua hàng lỗ thông gió. Nó lưỡng lự một phút rồi nắm chặt hai tay, cương quyết đi sâu vào trong hẻm.
Cảnh vật vẫn như xưa. Những căn nhà nhỏ vẫn an phận nghèo nàn sau hàng rào tươi thâm thấp. Nhiều nhà còn mở cửa, ánh đèn bên trong hắt ra ngoài thành những vệt sáng rải rác trên đường đi. Cuối cùng, dãy phố gạch bốn căn hiện ra trước mặt nó, ba căn đầu đóng kín, căn cuối còn mở hé cửa. Đó là căn nhà của dì Năm mà anh em nó đã ở trong bao nhiêu năm. Tim nó đập thình thịch, tay nắm chặt vào quai chiếc túi đeo trên vai, hơi thở dồn dập.
Ai đang sống trong căn nhà đó. Có phải dì Năm và anh Vinh đã trở về vì được thả ra sau khi hòa bình trở lại bằng hiệp định Genève? Hay là….
Nó bỗng nghe một luồng hơi lạnh chạy dài theo cột xương sống. Từ khi tổ chức bị vỡ, căn nhà bị khám xét, mọi ngưới đã bị bắt giam, chỉ một mình nó trốn thoát vào chiến khu thì ai dám vào đây ở nếu không phải là công an mật vụ? Từ một năm nay, họ có còn tìm kiếm nó nữa hay không? Nếu bây giờ nó bước vào, họ có vồ nó như một con chó săn vồ lấy con mồi? Nó sực nhớ tới lời dặn của anh Quang trong ngày cuối cùng ở chiến khu: “Phải hết sức đề phòng; cán bộ phải tự bảo vệ mình vì không còn lực lượng quân sự che chở và không còn chiến khu để trốn tránh nữa”.
Có bóng người di chuyển trong nhà, làm cho ánh sáng bị che khuất trong một thoáng. Nó ngồi xuống ở chân hàng rào đối diện, căng mắt ra nhìn. Ai đó sắp đi ra. Nó vái trời cho đó là dì Năm hay anh Vinh của nó. Lúc đó nó sẽ phóng vào ôm chầm lấy và khóc lên rưng rức.
Cánh cửa bỗng mở rộng, ánh sáng lùa ra làm cho nó hốt hoảng co người lại. Một cái bóng to cao bước ra ngoài, một người đàn ông lớn tuổi và hoàn toàn xa lạ. Ông ta lững thững đến trước thềm, phun một bãi nước bọt ra sân rồi quay lui đóng cửa lại.
Tân nhỏm dậy bước nhanh ra đầu hẻm. Nó dừng lại dưới ánh đèn đường, đưa tay lên lau những giọt mồ hôi rịn ra trên trán. Niềm hân hoan và cảm khoái được trở lại thành phố tuổi thơ biến mất. Bụng cồn cào vì đói, miệng khô ran vì khát, tay chân rã rời vì mệt nhọc. Nó bỗng mơ ước giờ nầy được nằm trên chiếc giường thô sơ của chiến khu, lắng nghe tiếng côn trùng và ếch nhái hòa nhạc với tiếng muỗi vo ve bên ngoài để nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ bình yên. Nó nghe chính tiếng nó thì thầm: “Không biết mấy đêm rồi có ai đi gài bẫy chuột quanh miếng ruộng hay không? Nếu không thì chuột sẽ cắn những cây lúa xuống để ăn những bông lúa còn đang ngậm sữa…”.
Một tiếng còi ô tô ré lên làm nó giật mình trở về với thực tại. Bây giờ nó phải đi ngay về căn nhà nào đó vì đường phố đã bớt nhộn nhịp, giờ giới nghiêm không còn xa nữa. Hòa bình rồi, thành phố còn giới nghiêm hay không? Nó không biết; dù sao nó cũng phải đi tìm ngay một chỗ trú ngụ đêm nay. Nó chợt nhớ tới nhà chị Chi. Bây giờ, nó không còn nơi nào khác nữa để chọn lựa. Đó cũng là hi vọng cuối cùng của nó lúc nầy. Nó nhớ đến cái gác xép ở nhà chị, nơi đã sống hơn một tuần trước khi lên đường vào chiến khu. Cái gác đó, giờ nầy, đối với nó còn quý hơn cả thiên đường. Tuy nhiên nó hết sức lo lắng. Chị Chi là một cán bộ nằm vùng. Từ gần một năm nay, chị còn sống yên ổn với mẹ già trong căn phố nho nhỏ và ấm cúng đó nữa hay không? Nếu chị cũng đã bị bắt và ngôi nhà đó cũng đang bị an ninh mật vụ canh giữ thì sao?
Mặc kệ, nó không thể suy nghĩ toan tính gì được nữa. Cơn đói khát, sự mệt mỏi chán nản ê chề đang hành hạ thân xác nó. Nó thất thểu đi tới bằng những bước chân nặng nhọc, mắt đăm đăm nhìn cái bóng đen buồn bã của nó ngắn lại rồi dài ngoằng ra trên mặt đường một khi nó đi qua một cột điện bên trên có một bóng đèn đường rọi xuống.


*
* *