Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Chương 8: Chiến trường đồng bằng (2)



Một cuộc chiến tranh dài
Tập 3
Chương 8: Chiến trường đồng bằng
(2)

Sáng hôm sau, Tân lên chuyến xe đầu tiên về Kiên lương. Cậu xuống xe và nhìn qua bên kia bờ kinh, ngạc nhiên thấy doanh trại trống trơn. Chiếc xuồng ba lá mà nhà máy cấp cho đại đội đang cột dựa bờ. Tân mở dây bước xuống và chống xuồng qua kinh.
- Chuẩn úy mới về hả?
Tân ngẩng lên. Một binh sĩ đang ôm súng ngồi thu lu trong một cái chòi cao cẳng. Cậu hỏi to:
- Đại đội đi hành quân rồi phải không?
- Dạ phải, đi từ sáng sớm, chiều về. Nghe nói khi hôm, có Việt cộng về trong kia nên tiểu đoàn tổ chức đi ruồng.
- Có mấy người ở lại gác doanh trại.
- Dạ có ba binh sĩ thuộc ba trung đội chia giờ cho nhau. Em gác phiên đầu, hai đứa kia đi chợ rồi. Chuẩn úy về thăm nhà vui không? Nghe nói Sài gòn chộn rộn lắm vì các tin đảo chánh phải không?
- Ừ, có vẻ căng thẳng lắm nên tao phải về gấp, không dám ở lâu.
- Gần trưa rồi, chuẩn úy qua chợ kiếm cơm ăn đỡ đi. Tụi nó đi cả rồi, chẳng còn ai lo cơm cho chuẩn úy đâu. Tụi em cũng lười nấu. Hai thằng kia đi ăn và mua cơm về cho em.
- Ừ, thôi gác đi, tao qua chợ đây.

Tân cất túi hành trang, thay quân phục có gắn lon chuẩn úy rồi chống xuồng qua sông. Cậu vào một quán ăn sạch sẽ nhất trong các quán, gọi một đĩa cơm và một ly nước uống, thong thả ngồi ăn. Trong quán chỉ một mình cậu. Ở đây, khách hàng ban ngày chỉ có lính, buổi chiều có thêm công nhân của nhà máy. Lính bận đi hành quân nên hàng quán vắng teo. Vì vậy, ăn uống xong rồi, Tân vẫn ngồi yên, không buồn đứng dậy.
- Chuẩn úy!
Tân giật mình quay lại thấy người chủ quán đang ngồi sau lưng. Đó là một người đàn ông ốm yếu, khoảng năm mươi tuổi, có gương mặt hiền lành. Tân mỉm cười:
- Chào bác. Bác tính tiền phải không?
- Không, chuẩn úy cứ ngồi chơi, lúc nào trả cũng được. Tôi muốn nói với chuẩn úy một chuyện.
Tân ngạc nhiên:
- Vâng, bác cứ nói đi.
Người chủ quán kéo ghế lại gần hơn, nói nho nhỏ:
- Ở đây có nhiều gái điếm, chuẩn úy có biết không?
- Biết.
- Chúng nó nguy hiểm.
- Vâng tôi có nghe bác sĩ bên công trường bảo rằng điếm ở đây mang vi trùng giang mai khó trị lắm vì đã lờn thuốc.
Người chủ quán lắc đầu:
- Không, tôi không nói đến bệnh. Tôi muốn nói đến chuyện khác.
- Vâng, xin bác cứ cho biết.
- Điếm có thể làm gián điệp cho Việt cộng, chuẩn úy biết không?
Tân hơi biến sắc:
- Tôi có nghe nói.
Người chủ quán kéo ghế lại gần, thì thào:
- Ở đây, đáng nghi nhất là con Hồng, ở cái nhà thứ tư kể từ phía nhà máy đếm lại. Đại đội của chuẩn úy đóng bên kia sông, có một binh nhì tên là Bí.
- Đúng, thằng Bí trung đội Ba. Thằng Bí thế nào?
- Nó hay ngồi rù rì rủ rỉ với con Hồng như hai vợ chồng. Nó khoe con Hồng cho nó chơi khỏi tốn tiền.
- Thế à? Hai đứa nó nói gì với nhau?
- Tôi không nghe. Trong số gái điếm ở đây thì con Hồng có vài hành động rất khả nghi. Thôi, thôi, tôi chỉ có thể nói bao nhiêu đó để chuẩn úy đề phòng và điều tra thêm.
Tân ngập ngừng:
- Cám ơn bác. Chúng tôi để ý điều bác vừa nói. Nhưng tôi không hiểu tại sao bác chú ý đến việc nầy.
Người đàn ông im lặng một chút rồi mỉm cười:
- Chuẩn úy không nên tìm hiểu làm chi. Bên quân sự của chuẩn úy lo giữ gìn an ninh thì bên dân sự cũng có trách nhiệm. Nhưng thôi, chuẩn úy cứ xem tôi là một người dân bình thường có cảm tình nhiều với đơn vị đồn trú của chuẩn úy là được rồi.
Trả tiền xong, Tân trở về doanh trại. Cậu đi một vòng, quan sát kỹ lưỡng và nghĩ thầm:
- Phòng thủ thế nầy thì quá sơ sài. Nếu Việt cộng dùng một tiểu đoàn trở lên tấn công vào đây thì phòng tuyến có thể bị vỡ và đại đội bị xóa sổ. Còn nếu có nội tuyến thì chỉ cần một trung đội thôi là chúng có thể gây thiệt hại rất nặng, khó lường nổi.
Tân nhìn ra xa, cố tìm bóng dáng những đồng đội đang hành quân lục soát nhưng cậu chẳng thấy gì cả trên cánh đồng bao la bát ngát, xanh rì màu cỏ dại. Tân quay lui trở về chòi nằm dài trên sạp tre. Vừa nhắm mắt lại là hiện ra ngay thân mình yểu điệu của người yêu, nụ hôn dài bất tận, hương thơm ngào ngạt của từng hơi thở dồn dập. Cậu cảm thấy một nỗi khao khát cuồng nhiệt bừng dậy trong lòng.
Tân vùng dậy, lấy bàn tay vỗ mạnh vào trán, lẩm bẩm:
- Không được. Nhất thiết phải để yên cho nàng làm lại cuộc đời.
Cậu rút cần câu trên vách, bước ra khỏi chòi và đến bờ kinh. Thằng binh nhì tên Sĩ đang ôm súng ngồi gác trên chòi gần đó nói to:
- Chuẩn úy câu cá hả? Có mồi chưa? Khi sáng em đi chợ, mua một ít tép để bên hiên nhà. Chuẩn úy đến đó lấy mà câu. Chuẩn úy đi lên phía nhà máy có nhiều cá lắm, nhất là nơi những cái vũng mà người ta đào làm móng cầu. Chiều nào mấy ông bác sĩ và kỹ sư người Pháp làm trong nhà máy cũng ra ngồi câu ở đó.
Tân lầu bầu:
- Chẳng cần đi đâu, ngồi đây được rồi. Câu cá lên rồi thả xuống, làm cho qua ngày giờ thì cần gì chọn chỗ.
- Chuẩn úy câu được cá thì để dành đó cho em, thả xuống sông làm chi cho uổng.
- Được rồi, đi lấy mồi lại đây.
Tân thả câu và thỉnh thoảng giựt lên một chú cá nho nhỏ vẩy bạc lóng lánh, nhảy tưng tưng trên mặt đất của bờ kinh. Cậu cảm thấy thoải mái, không còn nghĩ đến Mai nữa nhưng đầu óc bỗng quay sang chuyện phòng thủ từ câu chuyện mà người chủ quán nói với cậu khi nãy.
Có tiếng Sĩ, chú lính gác, đang ngồi ca vọng cổ trên chòi canh. Tân gọi:
- Sĩ, xuống đây ngồi chơi và nói chuyện cho vui. Ban ngày ngồi đây gác cũng được, chẳng có gì phải lo.
Nó vác súng bước đến, nhìn vào rổ cá, cười hềnh hệch:
- Khá quá, cũng đến hai mươi con, chiều nay, kho một nồi cho tiểu đội ăn cơm được rồi, đỡ phải nước mắm rau luộc.
- Tại sao nước mắm rau luộc? Bên chợ người ta bán đồ ăn suốt ngày mà.
- Họ bán đủ thứ nhưng không có tiền thì đành chịu thôi.
- Tụi bây mới lãnh lương cách nay hai tuần mà.
- Lãnh ra ba ngày sau là sạch sành sanh. Lúc ở ngoài Trung, tụi em còn dư chút đỉnh vì hành quân chui rúc trong rừng trong núi. Vô Nam, đi đâu cũng gặp làng xóm, chỗ nào cũng có hàng quán, đồng tiền cho vào túi không chịu nằm yên mà cứ bò ra chui vào túi người khác. Về đây, tiêu tiền còn bạo hơn nơi khác nữa. Lãnh lương ra vài ngày là đứa nào cũng cháy túi.
- Mua sắm gì mà cháy túi?
Thằng Sĩ cười hô hố:
- Mua sắm gì đâu. Gái điếm ăn gần hết. Tụi ở đây, ngón nghề khá lắm, lính mình mê tít.
- Bệnh cũng khiếp lắm phải không?
Sĩ le lưỡi:
- Khiếp lắm, chuẩn úy ơi. Đại đội mình mấy thằng bị rồi, phải gởi mua thuốc ở Rạch giá về, thằng nầy chích cho thằng kia.
- Ngoài nguy cơ bị bệnh ra còn có nguy cơ bị gián điệp dụ dỗ nữa phải không?
Như được đánh trúng vào ý nghĩ, Sĩ hăng hái:
- Đúng rồi đó, chuẩn úy. Ở đâu có điếm là ở đó Việt cộng gài gián điệp vào. Em có một thằng em cô cậu chết cũng vì chuyện đó, mới cách đây một năm thôi.
Tân chú ý:
- Chuyện thế nào?
- Nó là lính của hai tiểu đội bảo an gác một cây cầu ở Phú yên. Cầu ở gần một cái chợ có ổ điếm hoạt động. Một con điếm làm gián điệp đã dụ dỗ được nó.
- Dụ dỗ thế nào?
- Con điếm tâm sự với nó, bảo rằng yêu thương nó. Nó ngu quá nên tin thực. Rồi con điếm giải thích rằng đi lính quốc gia là có tội với Tổ quốc, rằng lập công với cách mạng thì được trọng thưởng. Rồi một đêm nó cho con điếm biết là nó gác phiên từ một giờ sáng đến ba giờ sáng. Con điếm bảo nó để yên cho Việt cộng bò vào. Thế là cả hai tiểu đội không kịp trở tay, bị mã tấu chém chết hết, đứa thì mất đầu, đứa thì đứt ngang mình; có một đứa nhảy ra vớ cây súng nhưng không bắn kịp, hôm sau người ta tìm thấy xác nó dưới rãnh bị chém vỡ đầu nhưng trên tay còn nắm chặt cây súng đã lên đạn và số đạn trong băng vẫn còn nguyên. Việt cộng đã tràn vào phòng tuyến rồi thì lính phòng thủ còn bắn sao được nữa. Lúc đó, súng không sao địch lại mã tấu sắc bén. Có một vọng gác bắn được mấy phát giết được một tên rồi bị tung lựu đạn vào im luôn. Thế là tiêu hết hai tiểu đội, chiếc cầu cũng bị giựt sập.
- Còn thằng nội tuyến?
- Việt cộng vừa bò vào là nó trốn ra ngoài nên không chết. Nó theo Việt cộng được ba tháng thì về đầu thú. Nó khai rằng theo Việt cộng, nó chịu cực không nổi. Con điếm bảo rằng nó sẽ được trọng thưởng nhưng chẳng có thưởng gì cả, nó bị con điếm gạt. Con điếm bảo với nó con đường cách mạng là con đường vinh quang. Nó đi theo con đường đó ba tháng mà chẳng thấy vinh quang gì cả nên trở về. Nhưng những điều đó chỉ là lý do phụ thôi.
- Còn lý do chính?
- Nó trở về vì hối hận. Nó khai đêm nào cũng nằm chiêm bao thấy đồng đội nó về đòi đền mạng. Nó xin được ra tòa càng sớm càng tốt. Sau khi bản án của nó được đọc xong, nó xin tòa cho nó được lãnh án tử hình. Đó vẫn là sự khoan hồng vì án tử hình vẫn chưa đủ cho nó đền tội.
- Theo mày thì điếm ở đây có nguy hiểm không?
- Ở đâu thì cũng nên đề phòng bọn nó.
- Mày biết con Hồng không?
Thằng Sĩ nhìn Tân, ngạc nhiên một cách lý thú:
- Có, em nghe đồn con Hồng ngon lành nhất ở đây. Chuẩn úy cũng biết nó sao? Chuẩn úy có chơi nó rồi à? Nó ngon lành nhưng em chưa dám vào vì nó kiêu căng và giá đắt gấp đôi đứa khác. Chuẩn úy chơi có thấy nó đáng đồng tiền bát gạo không?
Tân cười:
- Không, tao chưa hề vào mấy chỗ đó, tao cũng chỉ nghe đồn thôi. À, mày có thân với thằng Bí không?
- Thằng Bí cùng trung đội Ba với em nhưng khác tiểu đội. Em không thân lắm nhưng biết nó khá rõ. Nó ở cùng một xã với em, đi quân dịch cùng một khóa. Tụi em đi được hai năm bốn tháng rồi. Còn tám tháng nữa là giải ngũ.
- Tánh tình nó thế nào?
- Nó hiền lành nhưng ham chơi lắm.
- Gia đình nó ra sao , có vợ con chưa?
- Chưa, mới đi hỏi vợ thì bị bắt quân dịch. Cha mẹ nó làm ruộng. Nó là con trai đầu, còn một bầy em lúc nhúc ở nhà nữa.
- Gia đình nó có khá không, có hay gởi tiền cho nó không?
- Chắc là không. Ba má nó làm ruộng, con đông, may lắm là đủ ăn, tiền đâu mà gởi cho nó. Nó chỉ xài vào lương lính của nó thôi. Nhưng tại sao chuẩn úy hỏi nó kỹ vậy?
- Chẳng có gì. Ngồi không kiếm chuyện hỏi cho qua thì giờ đó thôi.
Thằng Sĩ đứng lên, nói:
- Kìa, hai thằng kia về đổi gác cho em. Em đi ngủ để tối lên phiên. Tối nay tới phiên em gác từ chín giờ tới mười một giờ đêm. Chuẩn úy cứ tiếp tục ngồi câu và để dành cá cho tiểu đội em nghe chuẩn úy.
- Ừ được rồi. Đổi gác và đi ngủ đi.
Tân đứng dậy bước đến bóng im của một cây rậm rạp. Cậu ngồi duỗi chân, lưng tựa vào gốc cây. Cậu thả câu xuống nước và lim dim đôi mắt nên cá ăn hết mồi mà không hay. Cậu ngồi yên, lúc thức, lúc ngủ cho đến chiều mà không câu được một con cá nào nữa.
Có tiếng nói lao xao ở mặt sau của phòng tuyến. Tân quay lui và vụt đứng lên, vui mừng thấy đại đội vừa mới hành quân về. Trung đội Ba vào trước hết. Bính chạy đến, hai anh em nắm tay nhau.
- Anh Tân, anh về lúc nào vậy?
- Anh đi từ sáng sớm hôm qua, đêm rồi ngủ ở Rạch giá, gần trưa hôm nay mới về đến đây, thấy doanh trại trống trơn.
- Mới có lệnh hành quân lục soát sáng nay. Có lẽ tiểu đoàn tiếp tục lục soát vài ngày nữa, cứ sáng đi rồi chiều về.
- Hôm nay, đi có gặp gì không?
Bính cười:
- Gặp gì? Gặp mấy con chuột ngoài đồng. Anh nhìn xem, cánh đồng cỏ rộng mênh mông, trông phẳng lỳ như tấm thảm, không cây cối, không nhà cửa, đăt ống nhòm trông xa đến hơn hai mươi cây số. Ở đây, mình mới ra khỏi trại thì Việt cộng đã trông thấy và có đủ thì giờ chạy trốn sang tận bên Mạc tư khoa! Hành quân thế nầy chẳng thu được lợi ích quân sự nào cả. Có lẽ người ta không muốn lính mình nhàn rỗi lâu ngày nên bày ra hành quân để mình có dịp hoạt động giãn gân, giãn cốt. À, anh Tân, ba em có khỏe không?
- Khỏe.
- Chị Mai, cháu Bình?
- Khỏe cả.
- Anh có thì giờ nói chuyện với chị Mai không?
- Có, đầy đủ đúng với sự sắp đặt của em.
Bính bẽn lẽn:
- Anh Tân em xin lỗi anh.
- Xin lỗi về chuyện gì?
- Em đã nói dối anh. Chính chị Mai muốn anh về để gặp mặt chứ không phải ba em.
Tân cười, vỗ nhẹ vào vai bạn:
- Em không phải xin lỗi. Chính anh cũng muốn về thăm bác và bác cũng vui mừng khi gặp anh. Thôi em đi tắm rửa rồi mình sẽ nói chuyện nhiều. Để anh đi trình diện trung úy Bá rồi nhận lại trung đội của anh.
Cơm nước xong xuôi, trời chưa tối hẳn, Tân rủ Bính ra ngồi ngoài bờ kinh. Mặt trăng thực to vừa ló ra khỏi chân trời. Gió chiều nhè nhẹ thổi qua làm cho những ngọn cỏ nghiêng ngả và làm cho mặt nước lăn tăn gợn sóng.
Bính hỏi bạn:
- Anh về Sài gòn chỉ được một đêm thôi?
- Chỉ một đêm. Xuống xe đến nhà em lúc bảy giờ tối, sáng sáu giờ lại lên xe. Anh tính ở lại một ngày để đi chơi chỗ nầy chỗ kia nhưng ngại có đảo chánh, giới nghiêm ngưng lưu thông, không có xe về đây.
- Không khí ở Sài gòn căng thẳng lắm phải không?
- Thỉnh thoảng các nhà sư xách động xuống đường gây xáo trộn. Ngoài những cuộc biểu tình ra thì dân chúng vẫn sinh hoạt rộn ràng, nhưng ai cũng chờ đợi một sự biến chuyển quan trọng. Bác trai bảo có quá nhiều tin đồn. Tin đồn đảo chánh, tin đồn chính phủ tìm cách liên lạc với Việt cộng để tìm một giải pháp chấm dứt chiến tranh, vân vân. Chẳng biết tin theo ai. Mà cũng chẳng cần tin ai hay chống lại ai. Mình là dân nhà binh, cứ tuân theo lệnh cấp trên của mình là đúng nhất.
Thấy Bính ngồi im dáng trầm tư, Tân hỏi:
- Em đang nghĩ gì vậy?
Bính ngẩng lên, không đáp mà hỏi lại:
- Anh có nói chuyện với chị Mai không?
Tân cười:
- Khi nãy em đã hỏi câu nầy và anh cũng đã trả lời là có rồi.
Bính ngập ngừng:
- Chị Mai muốn hỏi anh một điều và chị ấy đã hỏi hay chưa?
Tân đáp nhanh:
- Có, Mai muốn nghe anh nói ra là anh có yêu Mai không. Anh đã trả lời là anh đã yêu Mai từ lúc còn ngồi trên ghế trung học, và cho đến bây giờ đó vẫn là tình yêu duy nhất trong tim anh.
- Có lẽ chị Mai rất bằng lòng.
Tân gật đầu:
- Mai bằng lòng và yên tâm đi lấy chồng.
Bính nhìn bạn một cách ái ngại:
- Anh Tân, anh buồn lắm phải không? Em không biết làm thế nào chia sẻ bớt nỗi buồn của anh.
Tân siết chặt tay bạn trong tay mình:
- Không sao, em đừng ái ngại. Có một tình yêu để nhớ thương, có một nỗi buồn để thẫn thờ thì cuộc đời càng thêm đậm đà. Thôi chuyện đó xong rồi. Anh cũng hài lòng vì chuyến về Sài gòn của anh thực sự có ích cho cuộc sống của Mai và của cháu Bình. Anh thực lòng cầu mong hạnh phúc của Mai và đại úy Thế.
Bính cảm động:
- Anh Tân, anh thực là cao thượng.
- Cám ơn em đã khen anh một cách quá đáng. Bây giờ, anh em mình phải bàn vấn đề nầy quan trọng lắm.
- Chuyện gì vậy?
Tân thuật lại lại lời của ông chủ quán và của thằng Sĩ lúc ban trưa. Nghe xong, Bính nói:
- Thằng Bí ở trung đội em, tiểu đội Một. Đúng như thằng Sĩ nói, nó hiền lành nhưng thích ăn chơi lắm. Rất có thể, nó đang sa vào bẫy của gián điệp Việt cộng. Biết đâu điều đó có liên quan đến việc tiểu đoàn được lệnh hành quân lục soát vì tin tức tình báo cho hay có Việt cộng tập trung về vùng nầy. Nhà máy nầy là cơ sở sản xuất xi măng đầu tiên của chúng ta, Việt cộng muốn phá tan nhà máy, giết chết các chuyên viên ngoại quốc để không có nước nào dám vào đây giúp mình nữa. Họ phải ra sức triệt hạ để phá hoại kinh tế miền Nam, vì chủ trương là làm cho nhân dân bần cùng để dễ bề lôi cuốn. Muốn phá nhà máy nầy Việt cộng phải tràn ngập căn cứ phòng thủ của chúng ta và tổ chức nội tuyến là giải pháp mà chúng chọn lựa trước nhất. Đây là một vấn đề vô cùng trầm trọng, sơ sẩy là chết hết và hậu quả sẽ ghê gớm. Chúng ta nên báo cáo ngay cho an ninh chi khu bắt nhốt ngay thằng Bí và con điếm tên Hồng đó, đập cho hai đứa phải khai ra mới được.
Tân lắc đầu:
- Theo anh, mình nên thận trọng và suy nghĩ cho kỹ. Chưa có bằng chứng phạm tội của hai đứa đó mà mới chỉ là sự nghi ngờ thôi. Nếu mình nghi oan mà vội cho tra tấn chúng nó thì mang tội.
- Nhưng nếu đúng thì thực là ghê gớm, đại đội mình có thể bị xóa sổ luôn.
Tân an ủi:
- Em đừng quá lo. Mình có thể phòng bị để ngăn chận chuyện ghê gớm đó xảy ra. Nhưng phải làm một cách kín đáo để đừng gây hoang mang và nghi ngờ lẫn nhau giữa các binh sĩ trong đại đội. Sau đó phải gấp rút điều tra, cũng nên thật kín đáo. Trước tiên, phải lo phòng bị ngay từ đêm nay.
- Phòng bị cách nào?
- Có hai chuyện phải làm; thứ nhất là việc canh gác, thứ hai là củng cố tuyến phòng thủ. Điều chắc chắn là Việt cộng chỉ tấn công ban đêm mà thôi nên sinh mạng của toàn thể đại đội nằm trong tay những binh sĩ canh gác. Nội tuyến của Việt cộng cũng nhằm vào các phiên gác. Từ trước đến nay, các trung đội trưởng luôn luôn phổ biến lịch canh gác ngay vào buổi chiều để suốt đêm, các binh sĩ gọi nhau dậy thay phiên. Đó là một thói quen rất có hại. Nếu đã tổ chức được nội tuyến thì Việt cộng sẽ vào đúng giờ và đúng vọng gác của người mà chúng mua chuộc được. Vì vậy, ngay từ đêm nay, lịch gác đêm phải được giữ kín, chỉ trung đội trưởng và trung đội phó biết mà thôi, mỗi người thức phân nửa đêm để đổi phiên cho lính gác. Như thế, dù có nội tuyến đi nữa, Việt cộng cũng không thể nào lợi dụng để tràn vào được.
- Anh có ý kiến hay lắm về canh gác, còn củng cố tuyến phòng thủ là làm gì?
- Sáng nay anh có đi quan sát và thấy mình phòng thủ còn sơ hở lắm. Em cũng biết cây đại liên là linh hồn của đại đội, cây trung liên là linh hồn của trung đội. Khi lâm trận, các cây liên thanh đó còn nhả đạn là đơn vị còn vững. Vì vậy, khi tấn công vào một vị trí nào, chắc chắn Việt cộng tìm diệt các cây liên thanh đó trước hết. Nếu tổ chức được nội tuyến thì Việt cộng phải lấy cho được sơ đồ phòng thủ của chúng ta, quan trọng nhất là vị trí các hố đặt đại liên và trung liên. Chúng ta sẽ đào thêm nhiều hố làm cho Việt cộng không thể biết được chúng ta sẽ sử dụng hố nào khi bị tấn công.
Bính gật gù:
- Hay lắm, anh đúng là chuyên viên phòng thủ. Dù Việt cộng có tổ chức được nội tuyến cũng chẳng thắng được chúng ta.
- Chốc nữa, anh sẽ gặp trung úy Bá để đề nghị ra lệnh cho các trung đội sửa đổi cách thức canh gác. Về việc đào thêm các hố đặt liên thanh thì ngày mai đi hành quân, cắt lại một tiểu đội làm việc đó.
- Mình có nên báo cáo cho trung úy Bá biết chuyện thằng Bí với con Hồng hay không?
- Khoan, nếu cho trung úy biết thì buộc lòng anh ấy phải báo lên an ninh tiểu đoàn thì khổ cho tụi nó. Theo anh thì em vừa khuyên nhủ, vừa hăm dọa cho thằng Bí đừng gặp con Hồng nữa. Điều cốt yếu là ngăn chận không cho Việt cộng tấn công giết chết mình chứ mình có muốn bắt bớ, làm khổ người khác làm gì.
- Em hiểu tấm lòng nhân từ của anh. Thằng Bí là lính của em, chắc chắn nó sẽ nghe lời em. Ngày mai đi hành quân, em xin trung úy cho em ở nhà cùng với tiểu đội Một để nào hố liên thanh. Nhân dịp gần nó suốt ngày, em sẽ giải thích cho thằng Bí rõ.

Một đêm yên tĩnh trôi qua. Sáng hôm sau, đại đội theo tiểu đoàn đi hành quân lục soát về hướng bờ biển, Bính ở nhà cùng một tiểu đội. Buổi chiều về nhà, mọi người mệt bơ phờ. Toán lính ở nhà cũng vừa xong công việc và đang tắm trong dòng kinh. Tân đi một vòng xem những cái hố mới đào. Cậu lấy que đo bề rộng, bề sâu, gật đầu hài lòng.
Cậu quay lui thì thấy Bính đang đứng sau lưng:
- Anh thấy thế nào?
Tân cười:
- Tốt lắm. Tuyến phòng thủ thế nầy, đại đội mình có thể chống cự với hai tiểu đoàn địch. Còn việc kia thì giải quyết xong chưa?
- Xong rồi. Sau khi nghe em giải thích, thằng Bí hoảng sợ. Nó im lặng một lát rồi thừa nhận rằng con Hồng có thể là gián điệp của Việt cộng. Nó thương con đó thực sự nhưng hứa với em sẽ không lui tới nữa. Nó nói tình cảm riêng tư của nó không quí bằng tình đồng đội. Nghe nó nói em cũng cảm động. Em có đề nghị với nó cứ tiếp tục gần gũi con đó để phá vỡ một tổ chức nguy hiểm của Việt cộng.
Tân cười:
- Em định tổ chức gián điệp hai mang phải không? Nó có chịu không?
- Không, nó phản đối một cách quyết liệt. Nó nói vì vấn đề an ninh của quốc gia, ai muốn làm gì thì làm chứ nó không tham gia vào việc đó; nó không muốn làm hại con Hồng trong bất cứ trường hợp nào. Nó xin em đi thăm con Hồng lần cuối cùng để từ biệt.
Tân gật gù:
- Nó là thằng có tình có nghĩa. Em có cho nó đi không?
- Có, em cho phép, vì nhận thấy nó thành thật mà cũng đáng thương. Nó đi độ nửa giờ rồi trở về, mặt buồn hiu. Nó nói rằng nó hỏi thẳng con Hồng có phải là gián điệp của Việt cộng không. Con đó im lặng không trả lời. Cuối cùng con điếm hứa nội trong ngày mai sẽ rời khỏi nơi nầy, không bao giờ trở lại nữa.
Bính im lặng một chút rồi nói tiếp:
- Em nghĩ rằng đúng con Hồng là người của Việt cộng nhưng nó vẫn còn một chút lương tâm của con người. Chuyến nầy, sự giải quyết đầy tình người của anh em mình có thể đã khêu gợi cái lương tâm đó trong lòng nó. Biết đâu, từ nay nó từ giã luôn việc làm thất đức của nó.
Tân gật đầu:
- Mình cứ hi vọng như thế đi. Chiến tranh vốn tàn ác, hình dung được một điều lành nào trong đó để cho bớt u ám đi thì cũng là một việc hay.

Tờ mờ sáng hôm sau, đại đội chuẩn bị xong xuôi và chờ lệnh lên đường đi hành quân thì tiểu đoàn ra lệnh cấm trại một trăm phần trăm. Toàn thể đại đội tập họp và đích thân trung úy Bá điểm danh. Sau đó, lính được lệnh ở tại chỗ, trong tình trạng ứng chiến.
Đến trưa, Tân đang ngủ thì Bính nhảy vào lay dậy:
- Anh Tân, đảo chánh rồi.
- Sao em biết?
- Em vừa nghe trong máy thu thanh của trung úy Bá.
- Ai làm đảo chánh vậy?
- Mấy ông tướng, ông tá, danh sách dài dằng dặc.
Tân thở dài:
- Chuyện gì phải đến, đã đến. Không biết đảo chánh xong, tình hình có khá hơn không?
- Khá hơn hay không thì chưa biết nhưng cứ thay đổi trước đã. Để tình hình căng thẳng kéo dài, em thấy ngột ngạt lắm. Trung úy Bá đang nằm trong chòi ôm cái máy thu thanh không chịu rời ra. Trung úy nhờ em thông báo với tất cả sĩ quan và hạ sĩ quan trong đại đội mình cố gắng kiểm soát cho được tinh thần của binh sĩ đừng để họ hoang mang. Nói với lính rằng đảo chánh là việc của mấy vị cao cấp ở Sài gòn, còn đối với mình ở đây thì nhiệm vụ vẫn là bảo vệ nhà máy và tiểu trừ cộng sản, không có gì thay đổi. Trung úy cũng nhắc nhở toàn thể đại đội đề phòng Việt cộng, nhân lúc Sài gòn lộn xộn sẽ tấn công mạnh làm cho tinh thần quân đội suy sụp để đẩy nhanh âm mưu xâm chiếm miền Nam.
Tân bước xuống giường, nói:
- Anh đi tập họp trung đội để phổ biến tin tức và lệnh của đại đội trưởng, không nên chậm trễ.
- Xong việc rồi, anh đến chòi của trung úy nghe máy thu thanh để theo dõi tình hình.
- Anh không thích đâu. Nghe những chuyện nội bộ xào xáo, tranh giành quyền lực, anh buồn và nản lắm.

Cuộc đảo chánh hoàn tất sau vài ngày. Cái chóp bu cai trị miền Nam hoàn toàn thay đổi. Đài phát thanh Sài gòn trước đây ca tụng tổng thống bao nhiêu, thì nay đổi giọng nguyền rủa tổng thống bấy nhiêu. Tiếc rằng tổng thống không còn nữa để nghe những lời nguyền rủa đó. Trước và sau cuộc đảo chánh, cuộc sống của người lính không có gì thay đổi.
Ngày lại ngày trôi qua. Nhẩm lại, tiểu đoàn đã đồn trú ở đây được hơn hai tháng rồi. Đối với một đơn vị chính qui, thời gian đồn trú như thế cũng đã quá dài. Tiểu đoàn nhận được lệnh chuẩn bị rời khỏi nơi nầy.
Buổi sáng, trung úy Bá cho tập họp đại đội lại. Anh ăn mặc chỉnh tề hơn thường ngày, ra đứng trước các hàng quân. Anh nói:
- Các anh em thân mến, chúng ta vừa hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn an ninh cho nhà máy trong thời gian được chỉ định. Kể từ ngày mai, một đơn vị khác sẽ đến thay thế chúng ta làm công việc nầy. Chúng ta trở lại với những cuộc hành quân để truy lùng quân địch. Ở đâu có kẻ thù thì ở đó chúng ta phải đến.
Trung úy ngừng một chút, nhìn khắp một lượt đại đội mình rồi nói tiếp:
- Hôm nay là ngày hai mươi bốn tháng chạp dương lịch. Đối với các anh em có đạo Thiên Chúa thì đây là ngày trọng đại, ngày lễ giáng sinh của Chúa Hài đồng. Giờ nầy trong lúc cả thế giới đang nô nức chuẩn bị đón mừng sự kiện thiêng liêng đó thì miền Nam ngập chìm trong khói lửa và những người lính chiến chúng ta vẫn không rời súng đạn của mình. Trong đại đội, có nhiều con chiên của Chúa. Nhân danh đại đội trưởng, tôi kính chúc anh em một mùa Giáng sinh tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa. Tôi và những người anh em khác, tuy không phải là người Công giáo cũng xin hướng về Thiên Chúa để cầu ơn trên ban phước lành cho tất cả mọi người, kể cả những người Việt Nam bên kia chiến tuyến.
Cả đại đội vỗ tay hoan hô bài diễn văn bất ngờ và cảm động của trung úy Bá.
Chiều hôm đó, gần hai mươi con chiên trong đại đội tụ tập lại để đọc kinh và hát vài bài thánh ca. Buổi lễ mừng Chúa Hài đồng đã diễn ra hết sức đơn sơ, không có linh mục để giảng Thánh kinh, không có bàn thờ Chúa để trang hoàng, cũng không có tượng Chúa để làm dấu thánh giá, nhưng chắc chắn, nơi chốn cao sang kia, Chúa đã nhìn thấy và đã phái sứ giả của Người mang hồng ân đến gắn vào quả tim của từng người lính chiến.
Vào lúc sắp tối, bên kia bờ kinh, một đoàn quân xa rầm rộ kéo đến và đậu sẵn trên đường. Ba giờ khuya, lính thức dậy nổi lửa nấu cơm. Tờ mờ sáng, mọi người lần lượt qua sông.
Đoàn xe chầm chậm bò trên con lộ đầy hang lỗ, xuyên qua thị xã Rạch giá, qua phà Cần thơ và cuối cùng dừng lại tại Long hồ, kế cận thành phố Vĩnh long. Kể từ hôm nay, nơi đây là tiền cứ của tiểu đoàn. Từ nơi đồn trú tạm thời nầy, tiểu đoàn sẽ tăng cường cho vài tiểu khu trong vùng để hành quân càn quét cùng với những đơn vị địa phương.
Cuộc hành quân đầu tiên diễn ra ở quận Cầu ngang, thuộc tỉnh Trà vinh. Đó là quận ven biển, một trong những địa điểm mà Việt cộng chọn làm nơi cặp bến trong đêm của những chuyến tàu chở vũ khí từ miền Bắc đổ vào miền Nam.
Địa diện vùng nầy thực là đặc biệt. Trên cánh đồng mênh mông, gần như quanh năm ngập nước, có những dải đất nhô cao song song với bờ biển. Mỗi dải đất là một thôn làng trù phú, với những vườn cây um tùm sai quả, những ngôi nhà khang trang và rải rác có những ngôi chùa khmer với lối kiến trúc đặc trưng; quanh chùa, thường có những nhà sư áo vàng quanh quẩn dưới bóng mát của những cây dầu cao vút.
Tin tình báo cho biết thường xuyên có một đơn vị Việt cộng khá lớn bám trụ trong vùng để tiếp nhận các tàu vũ khí rồi phân phối đi các tỉnh của đồng bằng. Đơn vị Việt cộng nầy luôn luôn di chuyển từ làng nầy sang làng khác. Họ rất lợi hại, chiến đấu rất hăng, nhờ có đầy đủ lương thực lấy nơi dân và nhờ được trang bị với mọi loại vũ khí tối tân mang nhãn hiệu Liên xô và Trung cộng. Các trung đội dân vệ và ngay cả tiểu đoàn bảo an của tỉnh không phải là đối thủ của họ. Thỉnh thoảng, quân đoàn Bốn cũng phái quân chính qui đến nhưng không tiêu diệt được đơn vị Việt cộng nầy. Họ lánh đi một cách tài tình từ làng nầy qua làng khác, rồi chờ sơ hở để tấn công gây tổn thất nặng nề cho quân đội quốc gia. Thỉnh thoảng quân đội chính qui cũng bao vây được họ nhưng không thể tiêu diệt vì họ lẩn vào dân chúng, dùng nhà của dân để ẩn núp, dùng chùa chiền của sư sãi để làm phòng tuyến.

Một tiểu đoàn bảo an của tỉnh đang hành quân trong vùng thì bị lọt vào ổ phục kích của Việt cộng và bị bao vây không tự giải thoát được. Nhờ có pháo binh yểm trợ ồ ạt nên tiểu đoàn bảo an tiếp tục cầm cự để chờ viện quân đến.
Lập tức, từ căn cứ Long hồ, tiểu đoàn Ba của đại úy An được trực thăng vận đổ xuống để tiếp cứu. Đại đội Một của trung úy Bá nhảy xuống chuyến thứ nhất. Tân biết đây là điểm nóng của chiến trường nên vừa nhảy xuống trực thăng thì cậu phóng ngay ra khỏi luồng gió từ cánh quạt thổi xuống, lom khom đảo mắt nhìn quanh, vui mừng thấy trung đội của mình đả nhảy cả xuống an toàn.
Các trực thăng nhanh chóng vút lên cao. Nơi đây còn cách bìa làng khoảng ba trăm mét. Cả đại đội đang phơi mình trên cánh đồng trống và khô ráo, làm mục tiêu tác xạ rất tốt cho quân địch. Cậu đứng thẳng dậy, nhìn thấy trung úy Bá ngồi bên máy truyền tin ra hiệu tiến vào làng. Cậu hét to lên một tiếng và khoát tay cho trung đội lao vào phía trước.
Một loạt đạn từ trong làng bắn ra. Mọi người chúi xuống, bò trên mặt đất đến cái bờ thâm thấp trước mặt. Tiểu đội Một đến trước kê súng trên bờ đồng loạt nhả đạn. Tiếng súng trong làng im bặt ngay. Tân nhìn sang hai bên thấy tất cả trung đội đều đã nằm vào vị trí khá an toàn. Cậu hét to:
- Có ai bị trúng đạn không?
- Không sao cả. Tụi nó bắn trật lất hết.
Tân quay về phía có tiếng nói thấy hạ sĩ nhất Học cười toe toét. Học là tiểu đội trưởng tiểu đội Hai, tiếp tục nói to:
- Cho lệnh xung phong vô làng đi chuẩn úy. Phải dập tụi nó ngay, mình nằm chỗ trống thế nầy, tụi nó bắn một lúc thế nào cũng trúng.
Tân trả lời:
- Được, phải chiếm lấy bìa làng, nhưng coi chừng tụi nó đang phục kích trong đó.
Cậu quỳ xuống đất ngẩng đầu lên, tìm đại đội trưởng nhưng không nhìn thấy, anh chưa di chuyển lên tới. Cậu hét to:
- Trung đội Hai nghe lệnh tôi. Mỗi người bắn vào một băng đạn. Bắn!
Tiếng súng nổ vang vừa chấm dứt, Tân hét to:
- Xung phong!
Mọi người lao tới. Đến bìa làng, Tân hét to:
- Dừng lại, bố trí cho kỹ.
Nằm ngay phía trước, hạ sĩ nhất Học quay lại:
- Cho xung phong tới đi chuẩn úy, để chậm tụi nó chạy mất hết.
Tân trả lời:
- Nằm im đợi lệnh. Phải cẩn thận, chúng nó thôi bắn, nhưng coi chừng có phục kích trong đó.
Học vẫn chưa hết ấm ức:
- Không vào thì gọi pháo rót vài trái rồi vô hốt xác tụi nó đi chuẩn úy.
- Bình tĩnh đi, đợi lệnh đại đội trưởng. Mình không có máy truyền tin để gọi pháo. Kìa trực thăng đổ quân tiếp đó. Nhìn kỹ phía trước, coi chừng tụi nó bắn vào trực thăng.
Tiếng động cơ máy bay vang lên át cả tiếng nói của Tân.
Ầm, ầm. Hai tiếng nổ rền vang ngay chỗ trực thăng vừa đáp xuống. Tất cả phi cơ vút lên cao. Có tiếng thét to từ phía sau:
- Chết rồi, Việt cộng pháo trúng bộ chỉ huy tiểu đoàn rồi.
Tân hét to:
- Anh em nằm im, nhìn kỹ vào làng, có lệnh mới được bắn, có thể lính bảo an bên mình còn kẹt trong đó.
Xa xa có tiếng la í ới và tiếng súng nổ không ngớt. Bỗng có tiếng gọi thực to:
- Chuẩn úy Tân!
Tân quay lui, thấy thượng sĩ Lập chạy tới. Cậu hỏi:
- Có chuyện gì đó anh Lập?
- Chuẩn úy đến gặp trung úy Bá ngay. Tiểu đoàn trưởng bị thương rồi.
- Bị pháo của Việt cộng phải không?
- Phải. Vừa nhảy xuống trực thăng thì bị đạn súng cối của chúng nó thụt trúng. Có hai binh sĩ nữa cùng bị thương với đại úy An.
- Bị thương nặng không?
- Tôi không biết rõ. Có lẽ đại úy An bị thương khá nặng, phải đưa về quân y viện. Tiểu đoàn phó được lệnh lên thay và trung úy Bá tạm thời lên làm tiểu đoàn phó và giao đại đội mình lại cho chuẩn úy. Chuẩn úy hãy giao trung đội Hai lại cho trung sĩ Hy và đi gặp ngay trung úy Bá đi.
- Được rồi, tôi sẽ đi ngay.
Hạ sĩ nhất Học nói to:
- Trung sĩ Hy đang ở bên phải của chuẩn úy đó. Hắn ló đầu lên kìa. Chuẩn úy lên đại đội trưởng nhớ xin lệnh chơi tụi nó ngay để trả thù cho đại úy An nghe chuẩn úy.
- Ừ, nằm yên đó đợi lệnh.
Nói xong, Tân phóng mình băng qua đám cỏ rậm, gặp trung sĩ Hy giao trung đội lại rồi quay ra phía sau. Trên bãi đáp trực thăng vừa rồi, người ta đang săn sóc những người bị thương. Tân thoáng thấy phía sau một mô đất, trung úy Bá đang ngồi với một người mang máy truyền tin. Cậu nhào tới; trung úy trao ống liên hợp của máy cho người lính, quay lại nhìn Tân:
- Đại úy An bị thương rồi. Tạm thời đại úy Châu là tiểu đoàn trưởng, tôi phó và anh là đại đội trưởng đại đội Một.
- Đại úy bị thương thế nào, có nguy hiểm không?
- Bị nhiều mảnh đạn nhưng theo sĩ quan trợ y thì không nguy hiểm lắm, cầm máu được rồi. Bọn nó đã điều chỉnh súng cối vào bãi đáp rồi, trực thăng không dám xuống nữa nên phải chuyển đại úy về bệnh viện bằng xe cứu thương.
Trung úy chỉ người lính truyền tin.
- Thằng Thiện mang máy theo anh. Bản đồ đây, anh cầm lấy. Bản đồ nầy tỉ lệ 1/100000 dùng để di chuyển. Bản đồ nầy 1/25000 có đủ chi tiết, đường sá, nhà cửa, đình chùa, dùng để gọi pháo binh rất tốt.
- Các chi tiết trên bản đồ còn chính xác không?
Trung úy lắc đầu:
- Bản đồ lập trước chiến tranh; vật thiên nhiên như sông ngòi thì còn chính xác, nhà cửa thì không vì chắc chắn dân đã thay đổi khá chiều. Nhưng thôi, chỉ cần biết chính xác tọa độ của mình ngay đây là được rồi.
Trung úy dùng một ngón tay chỉ trên bản đồ rồi nói tiếp:
- Mình đang ở chỗ nầy. Anh cầm lấy đi bản đồ đi, tôi phải đến bộ chỉ huy tiểu đoàn ngay lập tức. À, liên lạc truyền tin thì anh là Hoa hồng, tiểu đoàn là Hướng dương, anh nhớ nhé.
- Vâng nhớ rồi, có cậu truyền tin đây thì lo gì.
- Anh hãy lo cho đại đội cẩn thận. Tôi rất tín nhiệm anh. Đại úy Châu cũng thế, tôi vừa mới nói chuyện với đại úy xong. Anh có đề nghị gì thêm không?
- Tôi cần biết thêm tình hình cụ thể. Trước mắt kế hoạch hành quân của mình là thế nào? Hình như tiểu đoàn Bảo an còn kẹt trong đó phải không?
- Không, tiểu đoàn đoàn Bảo an đã rút ra được, nửa giờ trước khi mình đến đây. Tiểu đoàn đó bị thiệt hại khá nặng, nhiều xác chưa đem ra được. Tụi nó còn đông lắm. Dân bị chúng giữ lại trong đó không cho ra nên không thể gọi phi cơ làm cỏ cả làng được. Mình buộc phải tấn công vào bằng bộ binh để bớt thiệt hại cho dân. Đại đội Một của anh có nhiệm vụ bố trí tại chỗ, thỉnh thoảng cho bắn súng nhỏ và gọi pháo rót vào để chúng nó lầm tưởng mình sẽ tấn công vào hướng nầy. Tiểu đoàn sẽ cho hai đại đội Hai và Ba đi bọc đánh vào cạnh sườn. Nếu có lệnh gì khác tôi sẽ báo qua máy. Thôi tôi đi.
Trung úy Bá quay đi, Tân cùng cậu binh sĩ truyền tin cùng về phòng tuyến. Đi ngang qua trung đội Hai, cậu nghe Bính gọi:
- Anh Tân, lên đại đội trưởng rồi, đánh cho ngon lành nhé.
- Sao em biết?
- Thượng sĩ Lập đã đi thông báo khắp đại đội rồi.
- Em nhắn giúp cho chuẩn úy Tám biết anh cùng trung đội vũ khí nặng ở chung với trung đội Hai nhé.
Nói xong, Tân quày quả đi. Cậu đứng sau một gốc cây to cố nhìn vào trong làng. Những mái lá lặng im một cách dễ sợ trong những khu vườn rậm rạp. Người lính truyền tin gọi to:
- Chuẩn úy liên lạc với Hướng dương.
Tân áp máy vào tai chăm chỉ nghe.
- Hoa hồng, Hướng dương gọi đây. Hoa hồng chấm toạ độ, gọi pháo binh bắn vào làng mười quả. Nghe chưa, trả lời.
- Nghe rồi, thi hành. Hết.
Tân nghĩ thầm: “Có lẽ hai đại đội kia chưa tiến vào làng”. Cậu lật bản đồ ra, lựa những chỗ ký hiệu vườn cây khá rộng, đọc tọa độ vào máy. Chỉ một hai phút tiếp theo những tiếng nổ ầm ầm làm rung rinh mặt đất.
Sau khoảng hai mươi phút, Tân lại được lệnh gọi pháo binh rót vào làng lần thứ nhì. Những tiếng nổ kinh hồn lại xé toang bầu không khí êm đềm của đồng quê. Một lúc sau, bỗng có nhiều loạt súng trường và liên thanh nổ ran trong làng. Tân lẩm bẩm:
- Thế là chúng ta đã vào làng được rồi, không biết có bị thiệt hại gì không.
Cậu đứng lên, chạy lên phía trước mười bước, đến ngang tầm người lính đầu tiên, hét to:
- Anh em quan sát cẩn thận, đề phòng địch tháo chạy ra ngã nầy. Nhớ nhìn cho kỹ, có phe mình trong đó.
Người lính truyền tin gọi theo:
- Chuẩn úy, Hướng dương gọi.
Tân quay trở lui, lo lắng nghĩ thầm: “Chuyến nầy gọi pháo binh không khéo lại trúng vào lính tiểu đoàn mình”. Cậu vừa đi vừa lật bản đồ ra, chuẩn bị chấm tọa độ. Nhưng không, trong, máy tiếng trung úy Bá vui vẻ:
- Xong, chúng ta đã chiếm được làng. Việt cộng rút hết. Mình đang theo dõi để truy kích. Hai loạt pháo anh gọi khá lắm, có lẽ trúng đích làm cho chúng bị thiệt hại nặng. Thôi anh cho anh em nghỉ ăn trưa ngay đi, đề phòng có lệnh truy kích gấp, không kịp ăn. Nhớ cho canh gác cẩn thận. Hết.
Tân buông máy, báo tin cho các trung đội biết. Mọi người thở dài nhẹ nhõm, vui vẻ lấy cơm nắm ra ăn một cách ngon lành.
- Chuẩn úy ơi, có người trong làng đi ra.
Nghe tiếng la thất thanh của người lính gác, Tân đứng phắt dậy hét lớn:
- Báo động, báo động. Nhìn kỹ xem nó có mang súng không. Bảo nó đứng lại, không cho đi tới. Đàn ông hay đàn bà?
Người lính gác trả lời:
- Đàn ông, không có súng. Hắn ôm cái bọc gì đó. À, thấy rõ rồi, một đứa bé. Có lẽ đứa bé bị thương hay chết rồi.
Tân nhét gói cơm vào bọc, bước đến chỗ người lính gác. Người đàn ông cũng vừa đến nơi. Mặt anh ta bơ phờ, nét kinh hãi còn in rõ trong đôi mắt. Hai tay anh ôm chặt một đứa bé quấn trong chiếc mền vấy máu. Gương mặt đứa bé lộ ra ngoài, xanh xao nhợt nhạt, đôi mắt nhắm nghiền. Không biết bé đang ngủ say hay đã chết rồi. Người đàn ông gào lên:
- Trăm lạy các ông, ngàn lạy các ông, cho tôi đem con tôi đi nhà thương, nó bị thương nặng lắm.
Tân bước nhanh đến hỏi vội:
- Bé bị thương thế nào?
- Dạ, nó bị thương khắp mình mẫy, nạng nhất là ở đùi, mất máu nhiều lắm. Đạn pháo trúng ngay vào nhà tôi. Vợ tôi chết rồi, còn nằm ở nhà, còn con tôi bị thương nặng lắm, tôi bế ra đây. Trăm lạy các ông, ngàn lạy các ông.
Tân cảm thấy mặt mũi tối sầm. Cậu đứng chết lặng, nói thầm:
- Đạn pháo, trời ơi, đạn pháo mà mình gọi bắn vào?
Cậu nghe đau nhói, cảm thấy như có một viên đá to tướng đập thẳng vào tim làm cho nó nứt toạc ra. Trời ơi, hai loạt đạn pháo binh mà cậu đã cho rót vào làng! Đứa bé nầy đã bị thương trong loạt đạn nào, loạt trước hay loạt sau? Hai mươi quả pháo mà cậu đã cố tình chấm tọa độ vào vườn cây, tại sao lại rơi trúng nhà dân? Trời ơi, đứa bé nầy bị thương nặng và mẹ nó đã chết vì những quả đạn mà cậu đã ra lệnh cho bắn vào!
Đứa bé mấp máy môi và mở mắt ra. Đôi mắt trong xanh của trẻ thơ! Ôi, đôi mắt trong xanh nhưng nét hồn nhiên đã biến mất, chỉ còn vẻ kinh hoàng và đau đớn. Cậu nghe thượng sĩ Lập hỏi người đàn ông:
- Cháu bị thương lúc nào?
- Dạ lúc sáng sớm, nửa ngày rồi. Trăm lạy các ông, cho tôi ẵm con tôi đi.
Nghe lời người đàn ông nói, Tân gần như nhảy dựng lên:
- Bị lúc sáng sớm, có đúng vậy không?
- Dạ phải, lúc hơn bảy giờ một chút, hai bên bắt đầu đánh nhau.
Như một phản xạ, Tân vén tay áo lên xem đồng hồ, thở ra một hơi dài, lẩm bẩm:
- Bây giờ hơn mười hai giờ rồi. Bị thương lúc bảy giờ. Thế thì không phải do đạn mà mình kêu bắn.
Cậu đưa tay sờ trán đứa bé:
- Được rồi, ông yên tâm, chúng tôi cho ông đưa cháu đi bệnh viện. Nhưng tại sao bị thương từ sáng sớm mà đến giờ ông mới đưa cháu ra đây?
- Dạ mấy ông giải phóng trong đó không cho đi. Bây giờ mấy ông đó rút đi hết rồi tôi mới ra khỏi làng được.
Tân móc các túi quần và túi áo, lấy tất cả những tờ bạc trao cho người đàn ông:
- Ông cầm món tiền nầy lo cho cháu. Ông đợi một chút tôi kiếm xe đi cho nhanh. Càng đến bệnh viện sớm thì càng đỡ lo cho tính mạng của cháu.
Cậu chụp lấy ống liên hợp máy truyền tin. Người đàn ông và lính lắng tai nghe.
- Hướng dương, Hoa hồng gọi, trả lời.
- . . . . .
- Có một em bé bị thương nặng từ trong làng đi ra. Hướng dương cho mượn chiếc xe cho bé đi bệnh viện Trà vinh gấp mới cứu sống được. Trả lời.
- . . . . .
- Thế nào? Đang hành quân, không cho mượn được à? Tôi lạy đại úy. Đại úy cho mượn xe chở bé đi rồi sau đó đại úy cứ báo cáo là tôi trộm xe để quân đội lột lon của tôi cho làm binh nhì cũng được. Trăm ngàn lạy đại úy. Trả lời.
- . . . . .
- Cám ơn đại úy, cám ơn đại úy ngàn vạn lần.
Tân quay lại người đàn ông:
- Ông bế cháu theo tôi. Có xe đưa cháu đến ngay nhà thương Vĩnh bình.
Người đàn ông dợm bước đi thì Bính chạy đến dúi vào tay ông ta một nắm tiền:
- Tôi quyên góp cấp tốc nơi các anh em ở đây được món tiền nhỏ nầy để chú dùng lo cho cháu và làm đám tang cho mẹ cháu.
Người đàn ông khóc òa. Ông tấm tức nói:
- Cám ơn các ông, cầu Trời Phật phù hộ cho các ông.
Nói xong, ông bế đứa bé bước theo Tân. Ở bộ chỉ huy tiểu đoàn có hai chiếc xe đang đậu, một chiếc Jeep và một chiếc Dodge 4. Đại úy Châu đang đứng bàn bạc với trung úy Bá. Hai sĩ quan đều cầm bản đồ trong tay.
Tân đi đến, đưa tay chào một cách lễ phép. Hai sĩ quan tiểu đoàn mỉm cười chào đáp trả. Đại úy Châu bước đến nhìn mặt đứa bé, cảm động lắc đầu. Đại úy chỉ vào chiếc xe Jeep, nói với ông nông dân:
- Anh bế cháu lên xe kia. Tôi đã lệnh cho tài xế chở cháu thẳng vào quân y viện. Ở đó, các bác sĩ giải phẫu giỏi hơn bên dân y, lại khỏi tốn tiền.
Đại úy quay qua dặn tài xế:
- Cậu chở cha con ông nầy đến quân y viện Vĩnh bình và vào nói với phòng tiếp nhận rằng đây là cháu của đại úy Châu, quyền tiểu đoàn trưởng đang hành quân, nhờ họ chữa trị và săn sóc tận tình. Xong rồi về đây ngay, nghe chưa?
Đại úy úy thở dài, nói tiếp:
- Tội nghiệp, mọi người đều là nạn nhân chiến tranh, không kể già trẻ bé lớn.
Người đàn ông ôm chặt đứa bé bước lên xe. Chiếc xe rú máy phóng lên đường.
Đại úy Châu quay sang Tân, giọng vui vẻ:
- Chào chuẩn úy đại đội trưởng. Nghe chuẩn úy năn nỉ trong máy, chính cái máy cũng cảm động chảy nước mắt.
Tân có vẻ bẽn lẽn:
- Nhìn mặt thằng bé tội nghiệp quá tôi không thể nào chịu đựng được.
Đại úy đáp lời:
- Ai cũng vậy thôi. Điều đau đớn là chính bom đạn của mình gây nên vết thương đó. Việt cộng nhân đó tuyên truyền và thế giới nghe theo kết tội mình mà không chịu suy xét nguyên nhân đầu tiên nào gây ra thảm cảnh nầy. Nếu bọn họ không gây ra cuộc chiến tranh khốc liệt nầy thì làm gì có các thảm cảnh đó. Thôi, chúng ta phải có bổn phận chận bàn tay hiếu chiến của họ lại. Chuẩn úy cho lính ăn trưa chưa?
- Vâng, giờ nầy thì họ ăn xong rồi. Có lẽ sắp có lệnh tiến quân phải không đại úy?
- Sắp xế chiều rồi, chúng ta được lệnh dừng quân. Hai đại đội Hai và Ba tiến vào giữa làng, thắng được một trận, thu được một số súng. Chờ cho tiểu khu vào đưa xác lính bảo an và lính Việt cộng ra xong thì hai đại đội rút ra đây. Chúng ta được nghỉ lại chỗ nầy cho đến sáng mai.
- Tại sao khi Việt cộng bỏ chạy khỏi làng, mình không truy kích?
- Lúc nãy, tiểu đoàn không điều động kịp các đại đội. Đại đội của chú thì đang phải làm nút chận, không cho Việt cộng tràn qua khu dân cư đông đúc ở ven lộ sợ thiệt hại đến dân chúng. Còn hai đại đội kia thì báo cáo Việt cộng gài một số mìn và lựu đạn trên đường rút chạy nên phải nhờ công binh đến tháo gỡ.
- Làng nầy cách làng kia một cánh đồng, thế sao chúng ta không gọi máy bay đến oanh tạc?
- Có, máy bay trinh sát có lên nhưng thấy Việt cộng rút lui lùa dân theo, đi thành một hàng lưa thưa nên đành để họ đi. Đêm nay, trung tâm hành quân sẽ đưa thêm một tiểu đoàn làm lưới chặn. Tiểu đoàn chúng ta sẽ đuổi Việt cộng về cái lưới chặn đó. Anh về cho đại đội nghỉ ngơi và chuẩn bị tinh thần cho anh em, những ngày sắp tới sẽ vất vả lắm đó.
- Vâng chào đại úy, một lần nữa cám ơn đại úy.
Đại úy ngạc nhiên:
- Chuẩn úy cám ơn điều gì?
- Về việc đại úy cho mượn xe chở thằng bé đi nhà thương.
Đại úy vỗ vai Tân:
- Ồ, đó là tấm lòng chung của anh em mình đối với người dân mà.
Tân đưa tay chào rồi quay gót trở về đại đội, thấy Bính đứng thơ thẩn dưới bóng mát của một cây cao, đôi mắt mơ màng nhìn ra cánh động lúa mênh mông. Tân cười nói với bạn:
- Thi sĩ đang tìm vần thơ sau trận đánh đó hả?
Bính quay lại, tươi cười:
- Ở đây, vừa dứt tiếng súng là thấy cảnh thanh bình thơ mộng trở lại ngay.
- Anh đoán em sắp nói với anh rằng tan giặc rồi em sẽ về đây cất nhà để sống, đúng không nào?
Bính cười ha hả:
- Đất nước mình nơi nào cũng đáng yêu. Tan giặc rồi thì đầu núi cuối sông, ở chỗ nào cũng thích. Thế nào, anh xin được xe cho đứa bé đi nhà thương rồi phải không?
- Được rồi, về thẳng quân y viện. Bị thương mà đến được quân y viện thì yên tâm. Ở đó bác sĩ giải phẫu giỏi mà ngân hàng máu cũng dồi dào.
- Khi nãy anh đi rồi, tụi lính trong đại đội xúm nhau lại bàn tán.
- Chúng nó bàn tán gì?
- Chúng nó bảo anh làm tu sĩ thì đúng hơn làm đại đội trưởng.
- Chúng nó chê anh không làm được đại đội trưởng à?
- Không phải, chúng nó bảo anh nhân đức lắm. Em nói rằng sức mạnh của quân đội cần phải có nhân đức đi kèm. Nếu mọi sĩ quan trong quân đội đều như anh thì cộng sản nhất định thất bại trong cuộc chiến tranh nhân dân mà chúng phát động.
- Lính có hiểu chiến tranh nhân dân là gì không?
- Không, chúng không hiểu gì cả. Ngay sĩ quan trong quân đội mình cũng chẳng mấy người hiểu được điều đó. Quân đội mình không để ý tí nào đến công tác tư tưởng trong khi công sản rất chú trọng đến việc tuyên truyền giáo dục chính trị trong quân đội của chúng thành ra chính nghĩa và phi nghĩa của hai bên trong cuộc chiến nầy hoàn toàn bị đảo lộn trong quốc nội cũng như trên trường quốc tế.
- Cuộc chiến nầy có quá nhiều điều đáng buồn phiền, không phải chỉ riêng chuyện chết chóc. Thôi đừng suy nghĩ chi cho nhiều, thêm đau khổ. Cứ lo làm cho tròn nhiệm vụ người lính của mình là được rồi. Thỉnh thoảng, có dịp giúp ích cho dân được chút nào thì cứ giúp để xoa dịu nỗi đau khổ trong lòng mình.
- Em đồng ý với anh. À tiểu đoàn có cho lệnh gì cho mình không?
- Có. Cho anh em nghỉ ngơi chiều và đêm nay. Ngày mai bắt đầu truy lùng toán Việt cộng vừa mới rút khỏi làng sáng nay.
Tân quay sang thượng sĩ Lập đứng kế bên:
- Nhờ thượng sĩ đi mời hai vị trung đội trưởng kia đến gặp tôi để nhận lệnh của tiểu đoàn.
Khi các trung đội trưởng đến đông đủ, Tân ban lệnh cho đại đội nghỉ ngơi, căn dặn canh gác cẩn thận, lính không được vào làng, đề phòng du kích bắn tỉa.
Chiều xuống dần, không khí dịu hẳn lại. Ban đêm, ánh trăng vằng vặc lan tỏa trên cánh đồng rộng mênh mông.
Ngày hôm sau, tiểu đoàn lùng sục thêm được hai làng, chỉ gặp sự quấy rối nho nhỏ của du kích. Hai lần, tiểu đoàn bị bắn sẻ nhưng không trúng ai. Một lần, một người lính dẫm phải mìn cá nhân, bị thương ở chân, phải gọi trực thăng tải thương.
Ba ngày tiếp theo, cuộc hành quân cũng chẳng có kết quả gì, đơn vị chính qui của Việt cộng trốn biệt tăm. Suốt ngày, tiểu đoàn chỉ lo đối phó với mìn bẫy, với sự quấy rối cầm chân của du kích. Tiểu đoàn như một con thú mạnh mẽ nhưng kềnh càng bị vài con nhặng nhỏ bé tinh ma, đốt vào hông bên nầy rồi bay vù qua đốt hông bên kia, chích một phát trước mũi rồi lại một phát sau mông. Bốn ngày hành quân chưa đánh được trận nào mà phải gọi trực thăng tải thương đến năm lần. Lính tráng đã có dấu hiệu mệt mỏi và chán nản. Mấy ngày rồi, ai cũng vẫn mặc nguyên một bộ áo quần, dính đầy bùn sình, suốt ngày ướt đẫm mồ hôi và nước ruộng rồi khô đi vì bốc hơi dưới ánh mặt trời thiêu đốt. Ngày vừa qua là ngày khổ nhất. Bị du kích cầm chân suốt từ sáng đến tối mịt mới chiếm được mục tiêu để nghỉ qua đêm theo đúng lệnh hành quân. Hầu hết tiểu đoàn không tìm ra củi để nấu cơm, một số phải nhịn đói, một số khác đành nhai một nắm gạo để cầm hơi.
Sáng ngày lại phải lên đường. Hôm nay là ngày thứ sáu của cuộc hành quân. Mọi người, lính cũng như sĩ quan đã gần kiệt sức. Tất cả uể oải xốc ba lô lên lưng, súng choàng lên vai chứ không cầm tay đúng theo sự qui định bắt buộc cho người lính trên chiến địa. Tiểu đoàn di chuyển hàng một trên con đường khô ráo đến cuối làng. Trước mặt họ là vùng ruộng ngập nước dù mùa mưa đã chấm dứt từ hơn một tháng rồi. Trên cánh đồng, rải rác nổi lên những đám cây xanh, vài mái lá lấp ló trên vùng đất nổi cao hơn mặt ruộng. Đó là những ngôi làng mà tiểu đoàn phải lần lượt tiến chiếm để tìm một cách vô vọng dấu vết của đơn vị chính qui Việt cộng.
Tân đứng trên một bờ đất, mở bản đồ ra nhìn, lấy địa bàn ra ngắm rồi nói với Bính đang đứng bên cạnh:
- Đây, chúng ta đang đứng ở tọa độ nầy. Mục tiêu đầu tiên mà mình phải chiếm là cái làng trước mặt đó.
Cậu nhìn lại bản đồ để ước lượng khoảng cách và nói tiếp:
- Từ đây đền đó là hai cây số. Muốn vào làng phải vượt qua một con rạch nhỏ. Theo bản đồ thì rạch nầy cạn, có thể băng qua được mà không cần ghe hay phao nổi. Hôm nay trung đội em đi trước. Vào được làng rồi thì em cho tiến thêm độ ba trăm thước nữa, sau đó nằm đợi tiểu đoàn.
Tân thở dài, rồi nói tiếp:
- Không biết chừng nào cuộc hành quân mới chấm dứt để anh em được nghỉ ngơi. Thôi, chuẩn bị xuống ruộng đi. Ở đây ruộng hơi sâu. Nhớ dặn lính cẩn thận, đừng cho ướt súng đạn.
Vừa lúc đó, cậu lính truyền tin la to:
- Chuẩn úy Tân, khoan đi. Tiểu đoàn trưởng muốn gặp mặt. Ông ấy tới ngay bây giờ.
Tân ra hiệu cho trung đội của Bính dừng lại, quay lui và thấy một người tất tả đi đến. Đó là trung úy Bá, tiểu đoàn phó tạm thời. Cậu hỏi ngay:
- Thay đổi lệnh hành quân phải không?
- Không, lệnh hành quân vẫn như cũ nhưng tiểu đoàn trưởng và tôi quyết định thay đổi lộ trình một chút. Hôm nay, theo lệnh hành quân, chúng ta phải lần lượt chiếm đến ba ngôi làng, nghĩa là nhiều hơn những ngày trước, trong khi mọi người gần kiệt sức cả rồi. Nếu cứ bị du kích quấy rối và cầm chân thì khó hoàn tất nhiệm vụ trong ngày. Nhưng, nhất định hôm nay chúng ta phải đến điểm dừng quân sớm để lính có thì giờ tìm củi nấu cơm.
- Thế thì phải làm sao?
Trung úy không trả lời mà đưa tay chỉ trước mặt:
- Đó là mục tiêu thứ nhất, cách chỗ chúng ta đứng hai cây số, anh nhận ra rồi chứ.
- Nhận ra rồi. Tôi vừa cho lệnh đại đội tiến về đó, chưa kịp xuất phát thì có lệnh ngừng lại.
Trung úy nói tiếp:
- Mục tiêu thứ nhì bên phải, lệch đi một góc ba mươi độ. Kìa kìa, chỗ lùm cây rậm rạp. Đó đó, có cái nhà ngói nho nhỏ. Anh nhìn bằng ống nhòm đi. Thấy chưa?
- Thấy rồi. Đây đến đó khoảng sáu cây số.
- Đúng rồi, mục tiêu thứ nhất cách mục tiêu thứ nhì khoảng bốn ki lô mét. Khi nãy, tôi và đại úy Châu có hội ý và làm khác lệnh hành quân một chút. Chúng ta bỏ, không tấn công và lục soát mục tiêu thứ nhất, băng đồng trống, thẳng đến mục tiêu thứ nhì, dừng lại một chút rồi tiếp tục băng đồng tiến về mục tiêu cuối cùng để nghỉ ngơi. Mục tiêu thứ ba nằm phía sau mục tiêu thứ nhì nên ở đây chúng ta không nhìn thấy. Hai mục tiêu nầy chỉ cách nhau hơn một cây số thôi.
- Bỏ mục tiêu thứ nhất không tấn công vào là làm trái với lệnh hành quân, đại úy và trung úy không sợ ra tòa án quân sự à?
Trung úy cười:
- Bị truy tố ra tòa thì ai mà không sợ, nhưng lính mệt nhọc lắm rồi, không thể hoàn thành nhiệm vụ được. Có đứa đêm rồi nhịn đói vì không tìm ra củi. Sáng nay tôi phải cho dỡ cả nhà hoang của dân xuống làm củi mới có cơm ăn. Nhìn bọn lính, mình xót cả ruột. Mấy cha nội ngồi trong phòng hành quân có máy lạnh chạy ù ù, chỉ định mục tiêu trên bản đồ chứ có biết chút nào nỗi gian nan trên chiến trường. Tôi và đại úy Châu đồng ý bỏ mục tiêu thứ nhất. Mình ngưng liên lạc, đợi đến khi nào đến mục tiêu thứ hai rồi thì mình báo cáo đã lục soát xong mực tiêu thứ nhất và không tìm được gì cả.
- Nếu rủi có Việt cộng ẩn núp trong đó thì sao?
- Làm gì có. Mình đã hành quân đến ngày thứ sáu, bọn chúng chạy ra tới Hà nội rồi. Chỉ còn mấy thằng du kích thì không đáng kể. Anh cho đại đội tiến thẳng theo hướng nầy. Kìa, anh nhìn thấy không? Cặp theo ngôi làng mục tiêu thứ nhất có nhiều bờ ruộng dễ đi. Xa hơn nữa, ruộng có vẻ sâu hơn, băng qua thì sẽ vất vả lắm. Thôi, anh cho lệnh tiến quân đi.
Tân gọi Bính đến và dặn lội ruộng cặp theo ngôi làng trước mặt, cách bìa làng độ hai trăm mét. Bính khoát tay ra hiệu, lính lần lượt bước xuống ruộng và lội bì bõm trong nước. Tân theo sau trung đội của Bính. Cả đại đội rồi cả tiểu đoàn theo hàng một chậm chạp tiến tới. Ngôi làng trông xa thì nhỏ nhưng đến gần thì khá to và dài thậm thượt. Bề dài của tiểu đoàn đang di chuyển cũng chỉ bằng một phần ba bề dài của ngôi làng mà thôi.
Tân cắm cúi đi, hơi thở dồn dập. Thỉnh thoảng, cậu ngước mắt nhìn vào làng. Những mái lá đơn sơ nằm im lìm dưới những tàn cây rậm rạp. Trong làng không một bóng người, không gian hoàn hoàn tĩnh mịch. Nắng đã lên cao, mồ hôi trên trán bắt đầu rơi xuống mắt. Ánh nắng từ trên trời trực tiếp đổ xuống, từ mặt nước phản chiếu lên làm cho mọi người đều hoa mắt. Tân dừng lại, thò tay vào túi, lôi chiếc khăn tay ra một cách khó khăn.
Đột nhiên, từ trong làng, nhiều loạt súng nổ rền, những loạt liên thanh, những tiếng súng trường nghe đinh tai nhức óc. Nơi các bụi rậm ở bìa làng, nhiều ánh lửa loé lên, đạn rơi lõm bõm làm nước bắn lên trước mặt và chung quanh cậu. Tân dừng lại đứng chết sững vài giây. Cậu đứng yên, mặt nước cao khỏi đầu gối. Cậu ngồi thụp xuống nhưng không thể nằm mọp để tránh đạn vì nước ngập đến bụng.
Bỗng kế bên cậu có tiếng thét to:
- Chết tôi rồi!
Tiếng thét nghe thực khủng khiếp. Tân vùng đứng bật dậy, lên đạn, bóp cò, phóng tới, hét to:
- Xung phong, xung phong!
Lập tức, tiếng la “xung phong” vang lên khắp tiểu đoàn như một tia lửa lan ra tức thì trong một thùng thuốc súng. Cả mấy trăm người hét to, phóng về phía làng. Những người phía trước vừa chạy vừa nổ súng. Nước văng lên tung tóe trắng xóa cả một vùng. Tiếng súng trong làng im bặt không biết tự lúc nào vì tiếng hét “xung phong” như sấm dậy của cả tiểu đoàn. Những binh sĩ đầu tiên, trong đó có Tân. đã bám được bìa làng. Họ nằm xuống tiếp tục nổ súng về phía trước. Tân nhảy đến núp sau một gốc cây to, nhìn sâu vào trong làng. Cây cối rậm rạp ngăn tầm mắt trong một khoảng ngắn. Phía trước cậu, có một gian nhà nhỏ. Trên mặt đất, bên hiên nhà có vài vật sáng lóng lánh. Tân nhìn kỹ; đó là những vỏ đạn bằng đồng. Cậu hiểu rằng, chính tại nơi nầy, Việt cộng đã đặt súng bắn ra. Cậu quay nhìn phía sau. Toàn thể tiểu đoàn đã đến được bìa làng.
Bỗng cậu giật thót người vì nhiều tiếng nổ ầm ầm rung rinh mặt đất. Cậu đảo mắt tìm chú lính truyền tin của mình. May quá, nó vừa bò lên được chỗ khô ráo. Cậu bước tới bảo nó:
- Mày liên lạc với tiểu đoàn hỏi cái gì nổ ầm ầm đó. Hỏi tiểu đoàn cho lệnh đại đội mình làm gì đây.
Vài phút sau, nó nói với Tân:
- Chuẩn úy, tiểu đoàn đang gọi pháo binh bắn vào làng. Hình như Việt cộng đông lắm; chúng đang rút lui. Tiểu đoàn bảo mình nằm yên đợi lệnh. Không biết tại sao tiểu đoàn gọi được pháo nhanh thế chuẩn úy nhỉ.
Tân giải thích:
- Làng nầy là mục tiêu thứ nhất mà chúng ta phải chiếm theo lệnh hành quân nên các khẩu đại bác đã điều chỉnh sẵn vào tọa độ nầy rồi, hễ có lệnh là rót thôi.
- Kìa, có máy bay lên oanh tạc rồi đó.
- Không phải, đó tiếng máy bay trinh sát L19. Oanh tạc cơ chưa lên ngay đâu.
Tân quay lui, thấy trên bờ ruộng, cách bìa làng độ mươi bước, một binh sĩ nằm ngửa mặt lên trời, hai bên có hai đồng đội ngồi dưới nước băng bó. Tân chợt nhớ tiếng thét “Chết tôi rồi”, và chính tiếng thét nầy làm cho phản xạ của cậu bật tung ra thành tiếng hô xung phong lan truyền ra khắp tiểu đoàn.
Tân phóng xuống ruộng, về phía người bị thương, hỏi to:
- Đứa nào đó, thằng Tốt phải không? Bị thương thế nào?
Người lính đang ngồi săn sóc, ngẩng đầu lên:
- Bị đạn xuyên qua đùi; à không, đạn còn nằm trong đó vì em thấy chỉ một lỗ thủng duy nhất. Lúc nó bị đạn, may có em đứng gần chụp kịp, nên nó không té xuống nước. Hai đứa tụi em dìu nó vào đây mới có chỗ nằm để băng bó cho nó.
- Hai đứa tụi bây ráng khiêng nó lên chỗ khô ráo. Nhớ cẩn thận, nâng cái đùi bị thương lên cho nhẹ nhàng. Trung đội trưởng đâu rồi, biết nó bị thương chưa?
- Dạ biết rồi. Trung sĩ Hy mới ở đây, chạy đi tìm y tá của tiểu đoàn rồi.
Tân quay lại đi trước, hai binh sĩ khiêng người bị thương đi sau.
Một loạt đạn đại bác thứ hai nổ rền, xa hơn loạt thứ nhất. Tân hiểu rằng quân địch đã rút đi khá xa. Cậu trông thấy mấy binh sĩ đi trong sân của ngôi nhà lá. Cậu la to:
- Tụi bây đi đâu trong đó, coi chừng mìn bẫy của Việt cộng.
- Chẳng có gì đâu chuẩn úy. Tụi nó chạy gấp, thì giờ đâu mà gài mìn bẫy. Khi nãy, bọn chúng đặt súng trung liên tại đây bắn vải ra ngoài. Kể ra tụi nó bắn tệ thật. Cả mấy trăm mục tiêu ngoài đồng lồ lộ như thế mà chỉ làm bị thương một người thôi. Mình bắn bậy vô mà cũng trúng. Có một vũng máu bên hiên nhà kia kìa.
Tân ngồi phịch xuống gốc cây. Bây giờ cậu mới cảm thấy mệt rã rời. Cậu nhắm mắt lại cố giữ cho hơi thở dài và đều. Một lúc sau, cậu mở mắt ra, bảo chú lính truyền tin:
- Mày gọi đến tiểu đoàn báo cáo mình có một bị thương. Nhớ mở máy thường trực để nhận lệnh.
Nói xong, cậu nhắm lại. Đạn đại bác không còn nổ nữa. Không gian yên tĩnh trở lại, tiếng nói cười nho nhỏ của lính lẫn vào tiếng gió thổi vi vu qua tàn lá. Hơn nửa giờ sau, có tiếng gọi của chú lính truyền tin:
- Chuẩn úy ơi, tiểu đoàn gọi chuẩn úy đến họp.
Tân vùng dậy dụi mắt. Người lính truyền tin lặp lại lệnh gọi của tiểu đoàn. Tân gật đầu đứng dậy, vươn vai rồi bước đi dọc bìa làng. Được mười mấy bước, cậu nghe có tiếng la:
- Chuẩn úy đại đội trưởng tới kìa. Đại đội trưởng số một đó nghe tụi bây.
Trong đám đông, cậu thấy Bính vụt đứng lên, bước nhanh tới:
- Anh Tân, khi nãy em đến tìm anh mà thấy anh đang ngủ. Anh mệt lắm phải không?
- Ừ mệt thật. Ngủ được một chút cũng đỡ mệt.
- Nãy giờ, tụi lính khen anh quá chừng.
- Khen chuyện gì vậy?
- Tụi nó nói, khi nghe tiếng súng trung liên của Việt cộng bắn ra, mọi người không biết phản ứng thế nào. Thông thường, nếu bị phục kích là trước hết lăn ngay xuống đất để tránh đạn. Nhưng lúc đó cả tiểu đoàn đang đứng chỗ ngập nước, nên ai cũng đứng chết trân. Khi nghe anh la xung phong, cả tiểu đoàn mới bừng tỉnh. Nếu không xung phong, đứng ngoài trống chịu thêm vài phút nữa thì thiệt hại to rồi. Bây giờ, em mới hiểu một câu trong binh thư: “Lao vào chỗ chết để tìm cái sống”. Tụi lính phục anh lắm. Chúng nó đòi gắn anh dũng bội tinh với ngôi sao vàng cho anh đó.
Tân cười:
- Nhưng tại sao chúng nó biết anh la xung phong đầu tiên?
- Lúc đó anh đang đi kế trung đội em mà. Chính em cũng nhận ra ngay giọng của anh.
- Anh chẳng cần huy chương đâu, nhưng nếu vì tiếng hô “xung phong” của anh mà tiểu đoàn thoát khỏi nguy hiểm, đỡ bị thiệt hại về nhân mạng thì điều đó làm anh vui.
Bính nhìn Tân cảm động:
- Em hiểu anh, lòng anh thì bao giờ cũng thế.
- Thôi anh đi. Tiểu đoàn gọi anh lên họp để nhận lệnh.
Tân đến nơi, thấy đại úy Châu và trung úy Bá đang ngồi hút thuốc bên máy truyền tin. Cậu hỏi:
- Các đại đội trưởng khác chưa đến à?
Đại úy Châu trả lời:
- Không, chúng tôi chỉ gặp một mình cậu thôi. Hai đại đội kia đang đi lùng trong làng, có lẽ cũng sắp xong rồi.
- Họ có gặp gì không?
- Có chứ. Mới báo cáo sơ khởi về. Nhặt được một xác, hai súng và một số đạn.
- Ai chết? Dân hay Việt cộng?
- Lính Việt cộng, còn trẻ lắm, chưa tới hai mươi, có thể ngoài Bắc mới vào.
- Đại đội nào bắn chết?
- Không phải, nó chết vì loạt đạn pháo vừa rồi, chúng không kịp mang đi. Chắc chắn chúng mang theo nhiều đứa khác bị thương. Lần nầy kể như chúng ta thắng trận rồi đó.
Tân nhíu mày:
- Mục tiêu thứ nhất xong rồi, chừng nào chúng ta tiến chiếm mục tiêu thứ hai? Trưa rồi, tôi e không kịp đến mục tiêu thứ ba trong ngày hôm nay.
Đại úy Châu cười:
- Lệnh hành quân thay đổi rồi. Chúng ta dừng lại đây ít nhất đến sáng mai. Hôm nay, chúng ta được phúc lớn. Nếu không thì tang tóc rồi.
- Sao vậy?
- Đại đội Ba sục vào đầu làng gặp một tuyến phục kích, nhìn thấy phát khiếp. Rất nhiều hố cá nhân, hố trung liên, hố đại liên, cả hố dùng cho SKZ nữa. Nếu theo đúng lệnh hành quân vạch trên bản đồ thì sáng nay tiểu đoàn mình chui vào miệng cọp, đại đội của cậu đi đầu chắc chẳng còn được mấy mống.
- Tại sao Việt cộng biết được đường hành quân của mình mà chuẩn bị như thế? Các hố đó được đào từ lúc nào?
- Mình hành quân mấy hôm liên tiếp rồi, địch theo dõi và biết được công việc của mình là lùng sục các làng và đoán trúng được đường đi của mình.
- Tin tức có thể bị xì ra từ phòng hành quân không?
Đại úy Châu gật đầu:
- Có thể, nhưng tôi không dám nói điều đó.
- Họ lập tuyến phục kích lâu chưa?
- Hình như chúng nó chỉ mới đào các hố một ngày trước thôi, miệng hố đất còn mới toanh. Có thể chúng đào trong đêm. Hai đêm rồi trăng sáng tỏ suốt đêm. Có lẽ chúng bắt cả dân tham gia đào mới được nhiều như vậy. Sau đó chúng đuổi dân đi hết, trong làng không còn một bóng người nào. Nhờ như vậy mà hai loạt đạn pháo không làm chết dân.
- Họ rút đi đường nào mà nhanh vậy?
- Đại đội Ba vừa báo cáo bên kia làng có một khu dừa nước um tùm không ghi trong bản đồ. Việt cộng chui vào đó thì máy bay trinh sát không thể nào thấy được.
Tân gật gù:
- Thì ra thế. Nhưng tại sao khi thấy chúng ta không vào đầu làng mà đi men về một phía, Việt cộng không đồng loạt quay sang mà chỉ bắn một ít rồi bỏ chạy.
- Làm sao quay sang cho kịp. Cả một tuyến phục kích đã được định hướng chu đáo như thế thì làm sao thay đổi trong vài phút được. Nếu chúng chuyển thế trận, chắc chắn mình thấy ngay. Vả lại, tôi biết tính mấy anh chỉ huy đơn vị chính qui của cộng sản. Chắc ăn chúng mới đánh chứ không đánh liều. Thế trận chúng chuẩn bị rồi, nếu bị lộ hay bị thay đổi điều kiện bất ngờ thì chúng bỏ cuộc, rút lui để định kế hoạch khác. Còn mấy loạt súng bắn ra thì tôi đoán là của mấy tên vô kỷ luật nào đó, tức giận vì không phục kích được mình nên bắn bậy cho đỡ tức. Nhưng nếu chúng ta không xung phong kịp thời mà cứ nằm ngoài đồng trống chịu trận thì đại bộ phận của chúng có thể quay lui bắn sả vào chúng ta.
Đại úy Châu vỗ vai Tân:
- Tôi nghe lính trong đại đội cậu bảo rằng cậu là người đầu tiên hô xung phong và ôm súng lao vào làng trước tiên phải không?
Tân gật đầu:
- Tôi hành động theo bản năng.
- Không phải bản năng mà phải gọi là phản xạ tốt của một chiến binh, một cấp chỉ huy giỏi. Tôi muốn gặp cậu hỏi lại cho kỹ để chốc nữa đề nghị cho cậu huy chương anh dũng bội tinh và đặc cách thăng thiếu úy. Thăng cấp thì không chắc, nhưng anh dũng bội tinh với ngôi sao bạc thì chắc được. Cậu thích không?
- Không, đại úy nên đề nghị cho một sĩ quan hiện dịch trong tiểu đoàn. Họ đã hiến cả cuộc đời họ cho quân đội thì cần những thứ đó cho tương lai. Còn tôi là sĩ quan trừ bị, xong bốn năm quân dịch pháp định rồi, tôi về với đời sống dân sự thì huy chương dùng để làm gì?
- Để cho mọi người nể phục và để cho con cháu sau nầy hãnh diện có người cha, người ông là một sĩ quan anh dũng đã góp công giữ vững nền tự do cho miền Nam. Nên nhớ, trong quân đội, mọi quân nhân không có quyền đòi hỏi hoặc từ chối huy chương.
Tân không muốn bàn cãi việc nầy nữa nên cậu hỏi:
- Bây giờ tiểu đoàn mình làm gì ở đây?
- Chốc nữa, bộ chỉ huy hành quân đến đây quan sát trận địa và thăm tiểu đoàn mình. Giữa làng có đám đất trống, trực thăng sẽ đáp xuống đó. Đại đội Ba đang dọn dẹp bãi đáp.
- Bộ chỉ huy hành quân đến đây à?
- Phải, trung tá tiểu khu trưởng và phòng hành quân tiểu khu.
Tân lộ vẻ băn khoăn:
- Nhưng nếu các vị đó biết sáng nay chúng ta không theo đúng lệnh hành quân?
Đại úy Châu cười khành khạch:
- Nếu chúng ta theo đúng lệnh hành quân của các vị thì giờ nầy mình đang nằm trong nhà xác chứ có ở đây đâu mà đón các vị.
- Nhưng rồi đại úy có trình bày quyết định của tiểu đoàn sửa lệnh hành quân hay không?
- Có chứ, không trình bày sao được. Hầm hố phục kích của Việt cộng còn sờ sờ ra đó. Phải dẫn các vị đi xem để các vị lác mắt. Nhưng lý do sửa lệnh hành quân thì mình sẽ trình bày cách khác nghe cho hay chứ ngu gì thú thực mình dự định bỏ mục tiêu thứ nhất để sang mục tiêu thứ hai.
- Đại úy báo cáo thế nào?
- Thiếu gì cách báo cáo. Đầu óc cậu còn quá trong sáng, tôn trọng sự thật nên không biết tìm cách nói sao cho có lợi cho mình. Trong cuộc đời, sự thành thực nhiều khi bất lợi. Vì vậy tôi sẽ báo cáo láo với các vị rằng lúc sáng mình đã cho người đi thám sát và trông thấy phòng tuyến của địch nên quyết định không đi vào ngõ đầu làng mà vòng sang bên hông để đánh thốc vào cạnh sườn của nó.
- Nếu các vị bắt lỗi là không xin lệnh thay đổi lộ trình hành quân thì giải thích cách nào?
- Quá dễ. Dựa vào nguyên tắc bảo mật ngoài chiến trường. Liên lạc vô tuyến không thể nào bảo mật hoàn toàn được. Hơn nữa, ngoài chiến trường, đơn vị trưởng có thể thi hành lệnh hành quân theo cách nào đó phù hợp với điều kiện thực tế. “Tướng quân dã ngoại”, cậu không biết sao? Đó, tôi mời chuẩn úy đến để chúng ta thống nhất mấy ý kiến đó. Bộ chỉ huy hành quân đi thăm chiến trường thế nào cũng có phóng viên đi theo lấy tin tức và phỏng vấn tại chỗ. Cậu là đại đội trưởng thì không thể trả lời khác với tiểu đoàn trưởng được. OK?
- Vâng, thưa đại úy.
- Bây giờ, cậu về trải dài đại đội Một ra cho hết bìa làng. Cậu chịu trách nhiệm về mặt nầy để bảo đảm an ninh cho bãi đáp. Cắt đặt canh gác xong thì cho anh em nghỉ ngơi.
- Vâng, kính chào đại úy. À, xin đại úy báo cáo với các vị là lính mình mệt mỏi lắm rồi. Xin cho về nghỉ một vài ngày để dưỡng sức và giặt giũ áo quần.
- Được rồi, nói với anh em yên chí, tôi xin chấm dứt hành quân ngay từ ngày mai.
- Cám ơn đại úy.
Tân về truyền lại lệnh của tiểu đoàn trưởng cho các trung đội. Lính tráng rất mừng rỡ. Tân dẫn các trung đội trưởng đi phân vị trí đóng quân.
Không bao lâu sau, có tiếng phi cơ ù ù bay đến và một chiếc trực thăng đáp xuống giữa làng. Một đoàn sĩ quan bước xuống phi cơ, ai cũng áo quần sạch sẽ tươm tất, bông mai bạc, bông mai vàng lấp lánh trên cổ áo. Họ đi một vòng thăm những người lính bơ phờ mệt nhọc, quần áo lem luốc hôi hám, rồi trở lại trực thăng, mang theo một thương binh và hai cây súng Việt cộng bỏ lại.
Lính tráng bắt đầu chuyện trò, ca hát vui vẻ. Tất cả cởi áo quần ra tắm rửa giặt giũ. Những bếp củi lần lượt được nhóm lên, bên dưới lửa hồng reo vui, bên trên làn khói trắng ẻo lả bay lên, tan biến trong tàn lá xanh um.
Sáng hôm sau, tiểu đoàn được lệnh chấm dứt hành quân, nhưng phải mất nửa ngày băng đồng mới ra tới đường lộ và được một đoàn quân xa chờ sẵn chở về Long hồ. Ngay chiều hôm đó, trung úy Bá trở về với đại đội vì trung đoàn đã cử về một tiểu đoàn trưởng mới. Tối đến, tiểu đoàn đưa quân xa chở tất cả sĩ quan về thành phố Vĩnh long ăn chơi đến tận nửa đêm.
Tiểu đoàn được nghỉ ngơi suốt ba ngày sau đó rồi tiếp tục tham gia các cuộc hành quân khi gần, khi xa nội trong hai tỉnh Vĩnh long và Vĩnh bình.

Ba tháng trôi qua nhanh chóng. Một hôm, sau cuộc hành quân, ông trung sĩ quân bưu đến trao cho Bính một phong thư. Đọc xong thư, Bính đi tìm Tân và nói:
- Anh Tân, em vừa nhận được thư chị Mai.
Tim Tân đập mạnh:
- Mai báo tin đám cưới phải không?
Bính nhìn sang nơi khác gật đầu:
- Chị Mai mời cả anh và em về dự.
- Bao giờ?
- Ngày chúa nhật tuần sau. Còn đúng tám ngày nữa.
Tân cười gượng:
- Nhất định em phải về. Còn anh thì không về được. Trong đại đội không thể có hai sĩ quan cùng lúc vắng mặt. Lúc nầy, tiểu đoàn chỉ hành quân tuần tiểu quanh quẩn đây thôi, em nên xin nghỉ phép chính thức. Đi đường có giấy phép mang theo thì hay hơn trốn về.
Năm ngày sau, Bính nhận được giấy nghỉ phép mười ngày. Từ sáng sớm, chiếc xe Jeep của tiểu đoàn đưa cậu ra bến xe Vĩnh long. Cậu về Sài gòn, mang theo một món nữ trang nho nhỏ mà Tân đã rốc hết tháng lương để mua làm quà cưới cho Mai.
Trong thời gian Bính vắng mặt, Tân theo tiểu đoàn hành quân tuần tiểu. Cậu cảm thấy trống vắng, nét mặt rầu rầu.
Bính trở lại đơn vị sau mười ngày phép. Cậu vừa bước xuống xe Lam thì người lính gác hét to:
- Chuẩn úy Bính về.
Bính tươi cười:
- Có gì lạ không?
- Bình thường. Tiểu đoàn mới đi hành quân hôm qua, hôm nay được nghỉ.
Bính đi tìm Tân; hai anh em gặp nhau mừng rỡ. Đêm hôm đó và cả ngày hôm sau, Bính kể cho bạn nghe chuyện đám cưới của Mai và một số chuyện khác ở thủ đô.
Một tháng nữa trôi qua với những hành quân nho nhỏ nhàm chán nhưng cả tiểu đoàn đều hài lòng vì không quá vất vả và nhất là không đụng trận nên không mất thêm người nào.

Một buổi chiều, trung úy Bá cho mời tất cả các trung đội trưởng đến. Trung úy nói:
- Các anh về cho trung đội mình thu dọn tất cả, ngày mai rời hẳn chỗ nầy không trở lại nữa.
Bính hỏi ngay:
- Đi đâu vậy, trung úy biết không?
- Tiểu đoàn không nói rõ, chỉ cho biết chúng ta biệt phái cho tỉnh khác.
- Tỉnh nào?
- Không biết, có lẽ một tỉnh khá xa nên tiểu đoàn dặn sáng mai, tất cả dậy sớm nấu cơm mang theo ăn trưa trên xe.
Tân chép miệng:
- Rời khỏi chỗ nầy cũng tiếc. Ở đây, phong cảnh đẹp, dân chúng hiền lành, không có khuynh hướng ngả theo Việt cộng nên sống với họ thực dễ chịu.
Trung úy Bá cười:
- Chỗ nào an lành thì không phải là chỗ của lính chiến. Bổn phận của người lính chiến là đi giành đất lại cho dân và đi giành dân lại cho đất. Đồng ý không?
Mọi người đều cười xòa.


* *
*


Trên cánh đồng mênh mông phẳng lỳ, nổi lên bảy ngọn núi hợp lại thành Thất sơn. Hằng năm nước sông Cửu long đổ về làm ngập cả cánh đồng trong nhiều tháng nên dân chúng sống tập trung khá đông nơi cao ráo chung quanh chân núi. Việt cộng thường về lập căn cứ trên các ngọn núi còn du kích và cán bộ nằm vùng thì trà trộn trong dân chúng để thu gom lương thực.
Tri tôn là một quận nằm trong vùng Thất sơn thường xuyên chịu áp lực nặng nề của các đơn vị Việt cộng ẩn núp bên đất Cambodge, lén lút kéo sang ngã Ba chúc và Nhà bàng. Tiểu đoàn được biệt phái cho chi khu Tri tôn để chận đánh những đơn vị Việt cộng đó.
Sau hai ngày nghỉ ngơi trong một ngôi làng sát quận lỵ, tiểu đoàn được lệnh lên đường. Đêm vừa đến, mặt trăng tròn vành vạnh lên khỏi chân trời, giờ xuất phát bắt đầu. Cả tiểu đoàn lặng lẽ đi bộ xuyên qua các xóm làng ven núi, xuyên qua các cánh đồng khô ráo còn trơ gốc rạ.
Đêm mênh mông, trời có nhiều mây, những ngọn Thất sơn hiện ra khi mờ khi tỏ dưới ánh trăng. Đoàn người lặng lẽ đi gần suốt đêm, đến khi gà gáy lần thứ nhất thì dừng lại gần bên chân núi Dài. Mọi người được lệnh ngồi xuống nghỉ ngơi, chờ đợi có lệnh thì đồng loạt tấn công lên núi. Ba đại đội sẽ tiến lên theo ba hướng khác nhau.
Khi trời rựng sáng, các đại đội vừa áp sát vào chân núi thì lập tức trận đánh nổ ra, súng lớn, súng nhỏ vang rền. Ngay trong loạt đạn đầu tiên đã có vài người ngã gục.
Các đại đội được lệnh dừng quân. Việt cộng núp trong các khe đá bắn ra, không thể nào tiến quân lên được. Vài phút sau, đạn pháo binh nổ rền từ chân đến lưng chừng núi. Nhiều cây cao bị ngã đổ, đá vụn văng xuống rào rào.
Loạt đạn pháo chấm dứt, không gian bỗng vắng lặng lạ lùng. Tuy nhiên, khi các mũi tiến công bắt đầu di chuyển thì súng trên núi lại nổ rền, từng loạt đạn bắn xuống làm mặt đất bên dưới tung bụi mịt mù.
Tân ngồi dán mình vào một gộp đá to, căng mắt nhìn lên núi. Nơi khe đá trên cao, lửa loé lên từng chặp. Cậu quay lại phía sau, thấy trong một cái hố nhỏ, trung úy Bá đang nói gì đó với chuẩn úy Bính. Cậu đưa tay lên xin lệnh. Trung úy Bá trông thấy dùng tay ra hiệu cho trung đội nằm yên. Một phút sau, Bính vụt chạy đến chỗ cậu ngồi nói nhỏ:
- Anh Tân, anh có nhìn thấy con đường mòn bên phải đó không?
- Có, con đường mòn chỉ hiện ra từng khúc ngắn, các đoạn khác bị che khuất sau những bụi cây, có đúng thế không?
- Đúng rồi. Trung úy Bá dùng ống nhòm quan sát và đoán rằng có nhiều tay súng đang bố trí để chận con đường đó. Nếu mình theo nó mà lên thì sẽ bị thiệt hại nặng.
- Thế trung úy quyết định thế nào?
- Trung úy ra lệnh cho anh đưa một tiểu đội đến núp ở chân con đường đó thỉnh thoảng bắn lên, giả bộ như mình sắp tiến lên núi theo con đường đó.
- Còn hai tiểu đội kia?
- Yểm trợ cho em. Em sẽ dẫn trung đội Ba theo cái khe bên tay trái để lên núi. Đó là cái khe dẫn nước bên trên xuống về mùa mưa, nhưng mùa nầy không có nước. Chúng em sẽ theo đường đó bò lên, hi vọng chúng nó không trông thấy vì không đề phòng. Anh để ý, nếu thấy Việt cộng bắn vào chúng em thì anh cho lính bắn trả hoặc báo cho trung úy gọi súng cối của tiểu đoàn nã vào. Trung úy Bá bảo rằng Việt cộng trên núi không nhiều lắm đâu, khoảng một trung đội mà thôi nhưng chúng nó từ trên cao bắn xuống thì gây khó khăn cho mình rất nhiều. Nếu trung đội em lên cao hơn chỗ chúng ẩn núp thì chúng phải chết hay bỏ chạy.
- Trung đội Một của chuẩn úy Tám có nhiệm vụ gì?
- Trừ bị, khi cần thì sẽ lên tiếp cứu trung đội em.
- Được rồi, em cứ dẫn trung đội bò lên đi. Đích thân anh chỉ huy hai tiểu đội để yểm trợ cho em. Nhớ cẩn thận.
Bính cười và chạy vụt đi. Tân ra lệnh cho tiểu đội Một của trung đội mình bò về phía đường mòn và khoát tay cho hai tiểu đội còn lại theo cậu lom khom đi về phía trái. Cậu hồi hộp nhìn Bính và trung đội Ba xếp thành một hàng dọc, trườn theo khe đá. Cậu hơi yên tâm vì hai bên khe có nhiều bụi cây lúp xúp che khuất.
Tiểu đội Một núp ở cuối con đường mòn bắt đầu nổ súng. Bên trên nhiều loạt đạn bắn trả, ánh lửa loé lên ở lưng chừng núi, những viên đạn làm tung đất dọc theo đường mòn. Tân nghĩ thầm:
- Trung úy Bá khá thật, anh ấy nhìn và biết địch tập trung hỏa lực vào con đường mòn. Tân nhìn kỹ bên trái; cả trung đội của Bính không còn thấy đâu nữa. Ở trên cao, một cái đầu đội mũ sắt hiện ra trong một giây rồi biến mất ngay sau lùm cây. Tân lẩm bẩm:
- Thế là trung đội của Bính đã đến ngang với tuyến phòng thủ của Việt cộng. Trong vài phút nữa trung đội sẽ từ trên đánh xuống nhất định sẽ thắng.
Độ mười phút sau, súng bên trên nổ rền rồi ngưng lại. Sau một hai phút lại nổ rền rồi ngưng. Văng vẳng trên cao vọng xuống những tiếng la hét nghe thực rùng rợn.
Tân cảm thấy lòng nóng như lửa đốt. Cậu nhỏm dậy, căng mắt nhìn thì bỗng giật mình vì một bàn tay chạm vào vai. Cậu vụt quay lại. Trung úy Bá đang quỳ sau lưng cậu không biết tự lúc nào. Trung úy cũng nhìn sững lên phía trên. Tân cố nén hơi thở dồn dập:
- Trung úy cho cả đại đội tấn ngay lên đi. Phải tiếp cứu trung đội Ba của Bính. Ngồi đây chờ, chịu sao nổi.
Trung úy ấn vào vai Tân:
- Anh hãy bình tĩnh. Có lẽ ta thắng rồi. Tôi nghe tiếng thét là của anh em mình. Đó là tiếng thét để xông vào quân địch. Tôi có dặn chuẩn úy Bính khi đụng trận rồi thì ra chỗ trống để làm hiệu. Anh nhìn kỹ cùng tôi. Nếu thấy trên đó làm hiệu bằng cách giăng tay ngang thì mình liệu mà tiếp cứu. Nếu trên đó đưa tay cao lên đầu thì thắng rồi. Rất tiếc quân đội mình chưa trang bị máy truyền tin cho trung đội. Kìa có người xuất hiện chỗ trống kìa.
Trung úy đưa ngang ống nhòm lên mắt quan sát rồi reo to:
- Chuẩn úy Bính, ta thắng rồi, anh em ơi.
Trung úy trao ống nhòm cho Tân:
- Thấy chưa, nhìn vào đây cho rõ.
Tân đưa ống nhòm lên mắt:
- Đúng rồi, Bính đó. Nhưng tại sao đưa hai tay lên trời và quay thành vòng tròn?
- À, tôi quên nói cho anh rõ. Đó là ám hiệu ta thắng hoàn toàn và không bị thiệt hại gì cả. Anh chuẩn bị đi, tôi báo cáo với tiểu đoàn rồi mình lên núi.
Trung úy Bá đến liên lạc trong máy truyền tin, vài phút sau trở lại nói với Tân:
- Anh đưa trung đội theo đường mòn lên núi cho nhanh. Khi gặp chuẩn úy Bính rồi thì dừng lại, chúng ta tiếp tục đánh lên đỉnh núi, tiến sang bên kia đánh xuống để giúp cho hai đại đội Hai và Ba tiến lên vì họ cũng đang bị chận lại bên đó. Thôi ta đi.
Tân chạy ra chỗ trống la to:
- Trung đội Hai theo tôi.
Cậu phóng lại con đường mòn và cố băng lên thực nhanh. Đến lưng chừng núi, cậu mệt nhọc thở hào hển. Trước mặt cậu là một gộp đá khá to che khuất tầm mắt. Cậu đưa tay bám vào mép đá, đạp chân vào khe bước mạnh lên.
Cậu giật thót cả người. Trên mặt gộp đá, một xác chết nằm sấp, mắt mở trừng trừng nhìn xuống bên dưới, cái lưng đẫm máu, dường như nát bấy, tay còn ôm chặt khẩu súng trường. Tân quay mặt chỗ khác nghĩ thầm:
- Chỉ cần một tay súng nầy nằm đây là có thể chận cả một, hai trung đội.
Có tiếng gọi từ bên trên. Cậu nhìn lên; cách đó khoảng hai mươi thước, Bính cùng vài người khác vẫy tay. Cậu cố sức leo lên nhanh. Cậu nhìn sang bên trái. Tại mép núi có một khối đá to và cao khoảng hơn một mét, đứng cheo leo. Dưới chân khối đá, một thây người mặc áo quần đen nằm co quắp. Cách xa xác chết khoảng ba mét, một người ngồi bệt trên mặt đất, mặt cúi gầm, hai tay bị trói sau lưng.
Tân im lặng, đứng sững nhìn hai người Việt cộng, một chết, một bị bắt trước mặt cậu. Kể từ khi mặc quân phục, đây là lần đầu tiên cậu đứng gần xác chết và tù binh Việt cộng. Tân cảm thấy khó chịu trong người. Cậu quay mặt nhìn sang những người lính của trung đội Một đang leo lên.
Bính bước đến nắm tay cậu, vui vẻ:
- Anh Tân, anh thấy chưa, trung đội em đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
Bính chỉ hai xác chết và nói tiếp:
- Anh xem, chúng nó bố trí ở các vị trí thế nầy thì làm sao mình lên được. Mỗi vị trí có đến ba tên nhưng chỉ hạ được có một mà thôi.
Cậu chỉ người bị bắt:
- Mấy thằng kia bị bỏ chạy hết, lính em bắn theo mà không trúng. Còn thằng nầy không chạy mà đứng lại đưa tay xin hàng. Có lẽ nó sợ quá chạy không nổi.
Cậu quay sang chỉ khe núi:
- Nếu không nhờ có cái khe sâu nầy thì làm sao đánh bật chúng nó được. Chúng em bò lên phía sau mà chúng nó không hay biết gì cả. Chúng không ngờ mình lên được nên không lo đề phòng mặt sau. Quả thực đường lên hết sức khó khăn, khi nãy em suýt sút tay rơi xuống, nếu không gượng lại được thì giờ nầy nằm trong poncho rồi. Bây giờ, bảo em leo lại lần thứ hai thì em đành chịu thôi.
Cậu chỉ xuống dưới đất:
- Anh nhìn xuống bên dưới kìa. Mình di chuyển đến chân núi là chúng nom thấy rõ mồn một. Cũng may, có bụi cây kia che khuất tầm mắt nên khi trung đội em tiến vào chân khe suối thì chúng không trông thấy, chúng cứ chăm chăm nhìn con đường mòn vì có một tiểu đội của anh núp dưới đó bắn lên. Tụi em bò lên còn cách mấy thằng nầy khoảng chưa đầy hai mươi thước, định nhảy lên bắt sống để khai thác nhưng không ngờ một viên đá dưới chân em bật ra lăn lông lốc xuống. Bọn nó nghe được quay lui thì em đành phải nổ súng, lính em cũng nổ theo. Chỗ đứng cheo leo khó nhắm nên chỉ hạ được hai tên và bắt được một tên. Bọn lính của mình định khử thằng bị bắt luôn, nhưng em cản lại, cho lịnh trói hắn ngồi đằng kia. Thằng nầy trông vẻ mặt cũng hiền lành, cứu nó sống cũng phải.
Đúng lúc đó, trung úy Bá cùng trung đội Một lên tới. Một lần nữa, Bính kể lại trận đánh vừa qua. Nét mặt trung úy hầm hầm tức giận:
- Chính mấy thằng nầy bắn trúng hai binh sĩ của mình. Anh lừ đừ bước tới tên bị bắt hét to:
- Mày làm chức vụ gì, ở cơ quan nào của cộng sản?
Hắn trả lời lắp bắp, ở xa không nghe rõ. Trung úy Bá co chân đạp một cái thực mạnh làm cho nó té nhào, lăn đi một vòng.
Tân quay mặt đi nơi khác. Cậu lảng tránh ra xa, leo lên một đoạn và đến ngồi trên một hòn đá dưới bóng cây mát rượi. Gió thổi vào khá mạnh, lá cây run bần bật, át cả tiếng người la hét, nói cười léo nhéo. Cậu nhìn xuống bên dưới. Xa xa, trên cánh đồng mênh mông, màu xanh thanh bình kéo dài đến tận chân trời. Tân nhắm mắt lại cố tìm vài phút thanh thản trong lòng.
- Chuẩn úy!
Tân giật mình mở mắt ra, thấy một binh sĩ đang đi lên. Tân hỏi:
- Chuyện gì vậy?
- Trung úy Bá nhờ chuẩn úy khai thác thằng Việt cộng.
- Sao trung úy không khai thác nó?
- Ông dần cho nó một trận tơi bời, hơn mười lăm phút mà nó lỳ quá không chịu khai. Nó cứ bảo nó là dân làm rẫy trên nầy. Làm rẫy gì mà ở chung với mấy thằng đang chận đánh đại đội mình. Nó bảo rằng thấy đánh nhau nên chạy đến coi cho vui. Ăn nói như thế thì đứa con nít cũng không tin được. Trung úy vừa la hét vừa đánh nó vì muốn biết ngay lực lượng Việt cộng còn nhiều hay ít để mình đối phó. Điều tra chẳng được gì, mệt quá trung úy đi tìm chỗ treo võng nằm và bảo em đi tìm chuẩn úy. Trung úy bảo rằng chuẩn úy ăn nói khéo, có thể dụ nó để khai thác tin tức được.
Tân uể oải đứng dậy, cảm thấy cực lòng. Cậu theo sau người lính đi xuống dốc. Đến nơi, cậu không thấy người bị bắt đâu cả. Một binh sĩ nói to:
- Chuẩn úy ơi, nó đằng kia kìa. Trung úy cho dẫn nó lại đằng đó cho kín đáo để may ra chuẩn úy dụ nó khai. Thằng nầy gan lỳ lắm, đánh nó không ăn thua gì.
Tân đi về hướng tay chỉ của người lính và thấy tên Việt cộng ngồi dựa vào một gốc cây, tay chân bị cột chặt, trên mặt có một vết bầm rất rõ dưới mắt trái. Tân đến ngồi trước mặt hắn, nhưng quay nhìn cánh đồng rộng. Cậu chưa biết phải làm gì đây. Cậu không ưa thích công việc nầy chút nào nhưng cậu cũng hiểu rằng mình là một quân nhân, không thể từ chối được mệnh lệnh của cấp trên. Khai thác cách nào đây? Cậu rùng mình nhớ lại xưa kia mình cũng đã từng bị khai thác ở Catinat và bị tra tấn đến ói máu. Tân cảm thấy hết sức buồn phiền trong lòng. Nhớ tới những ngày xưa khốn khổ đó, nhớ tới những năm tù tội, bỗng nhiên một mối cảm tình lạ lùng đối với người tù nầy nhú lên trong lòng cậu.
Tân im lặng, móc thuốc ra châm lửa hút. Cậu nghe sau lưng mình, tên tù binh hít mạnh nên quay lại hỏi:
- Thèm thuốc phải không?
Hắn lặng lẽ gật đầu. Tân móc một điếu thuốc trong bao, châm lửa và đưa vào miệng hắn. Hắn rít liền một hơi dài. Tân lại quay mặt về hướng cánh đồng, nhưng thỉnh thoảng quay lui lấy điếu thuốc ra gạt tàn cho hắn thở rồi đưa trở lại vào miệng hắn. Hút hết điếu thuốc, hắn phun cái tàn xuống đất rồi nói:
- Đã quá, cám ơn ông.
Giọng nói dịu dàng làm Tân quay lại. Hắn mỉm cười lặp lại lời cảm ơn. Tân thấy đôi mắt hắn hiền lành và đầy cảm tình. Cậu hỏi:
- Hút nữa không?
Hắn lắc đầu:
- Đã lắm rồi, cám ơn ông. Thèm thuốc từ sáng đến giờ. Hết thuốc từ khuya, định sáng sớm xuống núi mua thì mấy ông đến bao vây, phải ra đây trấn giữ không đi đâu được, nên thèm thuốc quá chừng.
Tân mở to mắt, nhìn thẳng vào mặt hắn:
- Anh ra trấn giữ chỗ nầy? Vậy đúng anh là Việt cộng rồi chứ đâu phải dân làm rẫy, đúng không?
Hắn gật đầu. Tân nhích lại gần, vỗ vai một cách thân mật:
- Anh nói đi, nói một cách thành thực. Tôi không đánh anh đâu mà còn có thể giúp đỡ anh, trong phạm vi khả năng của tôi. Anh hút thêm điếu thuốc nữa nhé. Khát nước không?
Tân mở bi đông nước đưa cho hắn, nhưng hắn vẫn ngồi im. Tân cười vỗ vào trán mình:
- Xin lỗi, tôi vô ý quá. Tay anh bị trói thì làm sao uống nước được. Để tôi mở trói tay cho anh. Tân bước lui sau gốc cây mở sợi dây. Hắn bóp hai tay vào nhau một cách sảng khoái rồi mở nắp bi đông nước, tu một hơi dài và nói:
- Đã quá. Ông lấy nước ở chân núi phải không? Tôi uống nghe mùi là biết ngay. Nước dưới đó ngon lắm. Đi công tác qua vùng khác lúc nào cũng nhớ mùi vị nước ở đây.
Tân hơi ngạc nhiên về cái giọng vui vẻ của hắn. Cậu trao gói thuốc Ruby quân tiếp vụ và cái bật lửa. Hắn nhanh nhẹn rút một điếu châm lửa và trao trở lại. Tân lắc đầu:
- Anh cứ giữ lấy mà hút, tôi mới được cung cấp nên còn nhiều trong bọc đây.
- Cám ơn ông.
Hắn đút gói thuốc và hộp quẹt vào túi áo bà ba. Đột nhiên, hắn hỏi:
- Ông là sĩ quan phải không?
- Sao anh biết? Mà hỏi để làm gì? Không lẽ anh còn ý định giết chết tôi sao?
Hắn cười:
- Không đâu. Tôi không bao giờ có ý đó. Tôi đang bị các ông bắt rồi mà. Tôi đoán ông là sĩ quan vì cách cư xử của ông đối với thằng tù như tôi. Còn tôi hỏi ông là sĩ quan để làm gì? Tôi muốn nói sự thực và chỉ nói với sĩ quan thôi.
- Vâng, tôi là sĩ quan đây. Nhưng người khai thác anh khi nãy cũng là sĩ quan, tại sao anh không khai?
- Tôi cũng đoán ông đó là sĩ quan vì thấy ông ta sai bảo những người khác. Nhưng khi tôi hỏi ông ấy có phải là sĩ quan không thì ông ấy nổi giận đấm đá tôi và nói: “Tao là binh nhì, mày muốn tìm sĩ quan để ra hiệu cho đồng bọn mày phải không?” Rồi ông ấy rút súng ra lên đạn kê vào tai tôi. Tôi nghĩ rằng nếu mình thừa nhận là người của cách mạng thì ông ta sẽ giết chết tức thì. Vả lại….
Hắn ngừng nói, cúi đầu nhìn dấu hằn trên hai cổ tay.
Tân nói một cách dịu dàng:
- Anh cứ nói tiếp đi, đừng ngại.
- Ngoài chiến trường, mình có quyền bắn giết nhau, nhưng phải tôn trọng nhau. Ông đó là sĩ quan thì tôi cũng là cán bộ chỉ huy, tôi bị các ông bắt nhưng cũng còn tự ái của con người chứ. Đến chết là cùng.
Qua một phút ngạc nhiên, Tân nói với giọng thực ôn tồn:
- Được, tôi hiểu lời anh và hoàn toàn công nhận ý kiến của anh. Bây giờ, anh có sự thực gì, nói cho tôi biết đi.
- Tôi là trung đội trưởng du kích ở xã nầy.
Tân ngạc nhiên lặp lại:
- Anh là trung đội trưởng du kích?
- Đúng, tôi là trung đội trưởng du kích từ hai năm trước nhưng cách đây không lâu tôi bị hạ tầng công tác xuống làm đội viên.
- Tại sao vậy?
- Vì cấp ủy có nhận xét là tôi bất mãn.
- Bất mãn về chuyện gì?
- Về việc mẹ tôi được chia miếng ruộng không được tốt và xa chân núi.
Tân ngạc nhiên:
- Ai chia ruộng? Ở đây có chính quyền quốc gia. Quốc gia chia ruộng, sao anh lại đi bất mãn cộng sản.
- Vùng nầy có cả hai chính quyền, vừa quốc gia vừa cách mạng. Dân nể chính quyền cách mạng hơn vì họ ở chung với dân, còn chính quyền quốc gia thì ở tuốt trên xã, trên huyện, không gần gũi dân chút nào. Ruộng đất thì chính quyền cách mạng chia cho dân rồi dân đưa ra cho chính quyền quốc gia làm giấy xác nhận chủ quyền.
- Có lẽ anh được chính quyền cách mạng chia cho miếng đất không tốt phải không? Nhưng anh là trung đội trưởng thì còn ai dám chèn ép anh?
- Bí thư xã. Với người đứng đầu cấp ủy thì trung đội trưởng chẳng có nghĩa lý gì. Miếng đất tốt đáng lẽ thuộc phần mẹ tôi vì bà đã sản xuất từ lâu, lại phải nhường cho gia đình ông bí thư để nhận một miếng đất xấu hơn, nằm dưới bưng, mùa lũ bị ngập sâu lắm.
Tân gật đầu:
- Vì vậy, anh bị hạ tầng công tác? Phải rồi, người ta phải bãi chức trung đội của anh để nếu anh có khiếu nại cũng bớt đi trọng lượng, phải không?
Hắn lắc đầu:
- Tôi không biết.
- Súng của anh để đâu?
- Giao nộp lại cho xã đội khi mất chức trung đội trưởng.
- Vậy rồi làm sao anh đánh nhau?
- Mỗi tổ tam tam gồm ba người chỉ có một cây súng. Đồng chí tổ trưởng giữ.
- Nhà anh ở đâu?
- Ở chung nhà với mẹ tôi dưới chân núi.
- Và làm ruộng dưới đó?
- Không, ruộng thì chỉ một mình mẹ tôi làm thôi. Bà làm cực lắm, tôi thương quá nhưng chẳng biết làm sao? Năm nay mẹ tôi hơn sáu mươi tuổi rồi.
- Tại sao anh không làm để cho bà được nghỉ ngơi?
- Ngày nào tôi cũng phải lên đây để sản xuất. Tất cả rẫy bắp, đậu, su su ở đây là do trung đội du kích của tôi canh tác.
- Thế thì đời sống vật chất của anh cũng khá, tại sao để cho mẹ chịu cực như thế?
- Không khá đâu. Tất cả sản phẩm trên nầy, tôi không được đụng đến. Ủy ban quản lý hết để tiếp tế cho các đơn vị chính qui.
Tân giật mình vội hỏi:
- Hiện tại có đơn vị nào ở đây không?
- Cách đây hai ngày, có một đại đội về đây lấy lương thực.
- Họ còn ở đây không?
- Lấy xong lương thực, đại đội ấy xuống núi đi về Ba chúc rồi.
Tân thở phào nhẹ nhõm. Cậu hỏi tiếp:
- Năm nay anh bao nhiêu tuổi?
- Ba mươi sáu.
- Tại sao lớn tuổi thế mà anh vẫn sống độc thân với mẹ?
- Trước đây, tôi có vợ và một đứa con gái. Khi tôi ở tù thì vợ và con tôi….
Tân ngắt lời:
- Anh đã từng ở tù à? Ai bắt? Quốc gia hay cộng sản?
- Quốc gia bắt. Tôi bị giam ở khám Tân hiệp.
Tân giật mình:
- Khám Tân hiệp ở Biên hòa?
- Dạ đúng. Khám đó ở ngoại ô thành phố Biên hòa.
Tân hỏi dồn:
- Anh được tha lúc nào?
Hắn lắc đầu:
- Không, chưa được tha, tôi ra khỏi khám trong kỳ vượt ngục tập thể cuối năm 1956. Quê tôi ở tại đây nhưng sau hiệp định Genève, tôi hoạt động ở Mỹ tho, bị bắt tại đó và bị giải về Sài gòn. Vợ tôi ở Sài gòn nuôi tôi được hơn một năm thì tôi vượt ngục trở lại quê huơng tôi ở đây. Vợ tôi không chịu về. Hai mẹ con ở luôn trên đó buôn bán kiếm sống.
- Anh cho tôi xin lại một điếu thuốc.
Tên Việt cộng móc gói thuốc và hộp quẹt ra. Tân lấy một điếu, phà khói, nhíu mày nhìn ra xa. Đột nhiên, cậu quay lại hỏi:
- Lúc ở khám Tân hiệp, anh ở trại nào?
- Trại C.
- Anh có biết ông già y sĩ trên phòng y tế không?
- Biết, ông y sĩ Thái. Ông ta hiền lành, tử tế với tù nhân nhưng chống cộng gắt lắm. Ông cũng biết ông ta à? Ông cũng biết khám Tân hiệp hả? À, có lẽ lúc ấy, ông thuộc về trung đội lính bảo vệ khám phải không?
Tân không trả lời mà hỏi tiếp:
- Anh tên gì?
- Đào Tẩu.
- Cái gì? Định trốn hả? Tôi hỏi anh tên gì?
Hắn mỉm cười:
- Tôi họ Đào, tên Tẩu. Có lẽ ông già tôi có tính khôi hài tai hại nên sinh tôi ra, cho tôi cái tên kỳ cục như thế. Bất cứ ở đâu, khi tôi khai tên cũng bị hỏi đi hỏi lại vài lần. Khổ nhất là lúc bị điều tra ở Catinat, vì cái tên Đào Tẩu nầy mà tôi bị thêm mấy trận đòn nữa. Không ngờ tôi lại ứng với tên đó. Năm 1956, tôi đào tẩu khỏi khám Tân hiệp.
Tân ngắt lời:
- Anh hút thuốc đi.
- Cám ơn ông, tôi hút đã thèm rồi, nên để dành gói nầy. Quí lắm, bây giờ, nó là cục vàng của tôi.
- Uống nước đi.
- Cám ơn ông, tôi hết khát rồi.
- Vậy thì đưa tay tôi cột lại rồi ngồi yên tại đây, ai có hỏi gì thì cũng im lặng nghe chưa?
Tân đứng dậy, cột tay hắn lại rồi quay lưng rảo bước. Trung úy Bá đang nằm đung đưa trên võng, thấy Tân đi ngang, vội gọi lại:
- Anh Tân, có khai thác được gì không?
Tân lắc đầu. Trung úy nói tiếp:
- Thằng đó cứng đầu lắm. Tôi đoan chắc nó là Việt cộng nhưng khó khai thác quá.
Tân nói:
- Tôi có khai thác được điều nầy. Nó bảo cách nay hai ngày nó thấy một đại đội Việt cộng về đây thu gom lương thực rồi đi về hướng Ba chúc.
Trung úy Bá tỏ vẻ mừng rỡ:
- Thế à? Được rồi, tôi sẽ báo cáo với tiểu đoàn. Nó có khai tên nó với anh không?
- Có, nó tên là Đào Tẩu.
Trung úy Bá cười khanh khách:
- Khi nó nói cái tên đó với tôi, tôi tức cười quá nên không điều tra tiếp được, phải gọi anh tiếp tay. Rốt cuộc cũng chẳng khai thác được gì về nó. À, nầy anh Tân.
- Dạ, chi đó trung úy?
- Tôi đã liên lạc với tiểu đoàn. Bộ chỉ huy cùng hai đại đội kia cũng đã lên núi được rồi và đang tiếp tục chiếm đỉnh cao nhất. Chúng ta nằm lại đây, khỏi phải qua yểm trợ bên đó nữa.
- Bên đó có bị thiệt hại gì không?
- Chỉ có một trung sĩ bị thương nặng khi mới áp sát vào chân núi.
- Trung úy có báo cáo đại đội mình đánh thắng không?
Trung úy đáp ngay một cách cao hứng:
- Có chứ. Hai cây súng thì lát nữa tiểu đoàn cho người đến mang đi. Hai xác chết thì dân sẽ lên khiêng xuống núi để chôn.
- Còn tên Việt cộng bị bắt?
- Tiểu đoàn đang lên đỉnh núi nên chưa có quyết định gì. Có lẽ mình phải giữ nó suốt đêm nay.
- Thôi, trung úy nằm nghỉ, tôi đi gặp thượng sĩ Lập.
- Thượng sĩ Lập đang ở chỗ trung đội Một bên dưới mình một chút.
Tân xuống được phân nửa dốc thì gặp Lập đi lên. Cậu nói:
- Anh Lập, tôi có chuyện cần bàn với anh.
Thượng sĩ dừng lại:
- Gì đó chuẩn úy?
- Thời gian mình còn ở khám Tân hiệp, anh có nhớ một người tên là Đào Tẩu không?
Lập nhíu mày:
- Có, có, thằng Tẩu ở chung với tôi một thời gian ngắn trong khám Gia định, lên Tân hiệp sau tôi khá lâu, ở trại C còn tôi ở trại A với chuẩn úy. Tên nó dễ nhớ lắm. Lúc còn ở chung, mỗi lần “thầy chú” gọi tên nó thì cả phòng cười ồ. Nhưng tại sao chuẩn úy nhắc đến nó? Nó có bà con với chuẩn úy à?
- Không tôi và nó không quen biết vì lúc đó tù quá đông. Chính nó là cái đứa bị trung đội Ba bắt, đang ngồi trên kia.
Lập sửng sốt:
- Trời đất, thằng Tẩu hả? Nhưng nó có phải là thằng Tẩu ở khám Tân hiệp với mình không?
- Đúng nó, tôi đã hỏi để kiểm tra rồi. Nó khai với tôi rằng ở đây nó là trung đội trưởng nhưng vừa mới bị mất chức.
Thượng sĩ Lập thở dài:
- Thực là một bi kịch. Xưa, mình với nó là những người đồng cảnh ngộ. Bây giờ gặp nhau là kẻ thù, sẵn sàng thanh toán nhau.
- Anh Lập có nhớ thời gian cực khổ của mình ở khám Tân hiệp không?
- Nhớ lắm chứ. Nhiều khi nhớ đến chảy nước mắt luôn. Ở đó mình có biết bao là kỷ niệm.
Tân nói qua hơi thở:
- Anh Lập, tôi muốn cứu Tẩu.
Lập trợn mắt:
- Chuẩn úy điên rồi à? Không sợ tòa án quân sự mặt trận sao? Thông đồng với địch khi đang đối đầu là tử hình đó.
- Không, tôi không thông đồng với địch để làm hại đơn vị, để phản bội quân đội. Tôi chỉ muốn cứu một người đã từng nếm mùi lao khổ với mình. Để mặc nó bị hành hạ, tôi không đành lòng. Mình có cái đầu để sợ pháp luật, nhưng mình cũng có quả tim để xúc động tình người nữa.
Lập lắc đầu:
- Không được đâu. Làm sao thả nó ra được vì cả đại đội đều biết rồi. Có thể trung úy cũng đã báo lên tiểu đoàn.
- Đúng, trung úy báo cáo rồi nhưng không thể xác nhận nó là Việt cộng. Chỉ một mình tôi biết nó là trung đội trưởng du kích thôi, và anh là người thứ hai. Nếu đêm nay nó trốn đi thì có lẽ an ninh của tiểu đoàn cũng chẳng thèm để ý đâu. Nếu tiểu đoàn có hỏi thì mình bảo nó là dân nên thả rồi. Có được không?
- Nhưng chuẩn úy nên nhớ rằng mình đang ra sức tiểu trừ cộng sản để bảo vệ miền Nam. Bắt được Việt cộng rồi thả ra thì vô lý quá.
- Nó là thằng Việt cộng tép riu, vừa mới bị hạ tầng công tác nghĩa là không còn được cấp trên trọng dụng. Có hay không có nó thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc chiến tranh nầy.
Lập tiếp tục lắc đầu. Tân nhìn thẳng vào mắt Lập, giọng cương quyết:
- Nhất định tôi phải tìm cách thả nó ra. Có một cái gì đó buộc tôi phải làm như thế. Nếu anh không giúp thì tôi tìm cách thực hiện một mình.
Lập thở dài:
- Thôi được rồi, tôi hiểu tấm lòng của chuẩn úy. Chuẩn úy để tôi lo việc nầy. Tôi sẽ nghĩ kế cho nó trốn nội trong đêm nay. Để một mình tôi lo, chuẩn úy giả bộ như không biết gì cả. Nếu rủi ro bị đổ bể, tôi là hạ sĩ quan, sự trừng phạt cũng nhẹ hơn là đối với sĩ quan.
- Anh nói như thế, tôi không đành lòng chút nào.
- Thôi, chuẩn úy dẹp cái tính đàn bà đó đi. Trước hết, tôi cần gặp thằng Tẩu để bàn bạc với nó. Nó là du kích thì rành địa hình ở đây như trong lòng bàn tay của nó. Bàn với nó sẽ có giải pháp ổn thỏa. Bây giờ, tôi đi xin trung úy Bá cho khai thác nó.
Tân gật đầu và trở về trung đội mình. Mặt trời chênh chếch trên đỉnh đầu. Tân lấy nắm cơm trong ba lô ra bẻ làm hai, một nửa đưa cho một binh sĩ và nói:
- Mày đem cục cơm nầy đến đút cho thằng Việt cộng ăn. Ăn xong, nhớ cho nó uống nước.
Nuốt xong phần cơm còn lại xong, Tân căng võng nằm giữa hai thân cây. Gió mát hiu hiu ru Tân vào giấc ngủ.

Một bàn tay vỗ nhẹ vào vai làm cậu giật mình thức dậy, thấy thượng sĩ Lập đứng trước mặt. Tân nhỏm dậy hỏi ngay:
- Thế nào? Tẩu có nhận ra anh không?
- Nhận ra. Nó mừng lắm, tội nghiệp. Mình đi vào chỗ vắng nói chuyện thì hay hơn.
Lập nói xong bỏ đi. Tân lật đật tụt xuống võng đi theo. Hai người ngồi xuống một tảng đá khá kín đáo. Tân sốt ruột:
- Thế nào, anh và Tẩu bàn được gì chưa?
Lập lắc đầu:
- Không được. Thằng Tẩu không chịu trốn.
Tân sửng sốt:
- Sao vậy?
- Nó bảo bị bắt thế nầy là điều đáng mừng cho nó.
- Trời đất!
- Nó nói, sau khi bị bắt nó sẽ được đưa về tỉnh rồi có khi về Sài gòn nữa. Nó được vĩnh viễn từ giã cuộc đời làm du kích, được gặp lại vợ con nó. Nó nói con gái nó được mười tuổi rồi. Nó đặt tên cho con là Đào Mỹ Hiền. Nó muốn con nó lớn lên vừa đẹp, vừa hiền. Nó khoe con gái nó vừa đẹp vừa hiền, đúng như ý nguyện của nó. Nó chỉ được xem hình thôi chứ sáu năm rồi chưa gặp mặt. Vợ nó nhất định không chịu về đây, còn nó thì không thể về Sài gòn được, vì nó là thằng tù vượt ngục không có giấy tờ gì cả. Vả lại, nó không dám xin cấp trên cho về Sài gòn thăm vợ con. Mở miệng ra xin là bị nghi ngờ ngay.
Tân hỏi:
- Tại sao nó không trốn đi?
- Còn mẹ nó ở đây
- Đem bà đi luôn.
- Bà không chịu đi, nhất định ở lại đây để săn sóc mồ mả.
- Ở đây có chiêu hồi mạnh lắm, sao nó không ra đầu thú?
Lập lắc đầu:
- Đã nói rằng nó còn mẹ già ở đây mà. Ra chiêu hồi thì bà mẹ nguy mất. Vả lại, nó nói rằng, nó không muốn mang tiếng là đầu hàng. Bị bắt là cách tốt nhất cho nó. Nó nói quen với cơm tù rồi. Chuyến nầy, không dại dột vượt ngục nữa. Chịu đựng vài năm cho đến khi được trả tự do thì chính quyền cách mạng ở đây cũng quên nó rồi. Nó sẽ sống với vợ con nó ở vùng an ninh và nếu mẹ nó còn sống thì nó sẽ tìm cách thuyết phục bà ra sống với gia đình nó. Nghe nó ngồi vẻ cảnh tương lai của nó thực là cảm động.
- Thế thì thôi.
- À, nó cũng nói là nó thành thực khai với chuẩn úy là vì cảm kích thái độ đối xử rất có tình người của chuẩn úy. Nó bảo rằng trước sau gì thì nó cũng khai ra hết chẳng muốn giấu giếm gì cả.
Tân thở dài:
- Tẩu muốn dùng cách ở tù để từ bỏ cộng sản, sao mà giống tâm trạng của tôi tám năm về trước đến thế. Tôi nhỏ tuổi hơn nó nhưng tôi đi trước nó đến tám năm.
- Tôi thì không cố tình vào tù như chuẩn úy, nhưng ra tù rồi, tôi xa lánh cộng sản, đồng thời mất luôn vợ và con.
Nói xong, Lập mỉm cười một cách buồn bã.


*
* *


Buổi chiều đi qua, bóng tối dần dần đến. Đêm nay, trời đầy mây; trăng bị mây che khuất, nhưng cũng cố rán rải xuống trần gian thứ ánh sáng nhờn nhợt, ma quái. Trong cảnh thâm u tịch mịch, tiếng cú rúc lên như tiếng gọi hồn làm cho người lính gác rợn người. Anh ta rùng mình kéo cao cổ áo và ôm chặt cây súng vào lòng.
Cuối cùng, bình minh cũng xuất hiện. Xa xa, gà trong làng dưới chân núi đua nhau gáy sáng. Chim thức dậy hót líu lo và nhảy nhót trên cành cây.
Tân nằm trên võng, mở mắt nhìn lên. Bầu trời trong xanh hiện ra lốm đốm xuyên qua kẽ lá. Một con sóc be bé xinh xinh, ngập ngừng bò ra một cành cây, nhìn xuống với đôi mắt tròn xoe. Tân nhỏm dậy, nó hoảng hốt vẫy đuôi phóng đi mất dạng. Cậu nhìn quanh thấy nhiều bếp lửa đang reo vui.
Tiếng thượng sĩ Lập gọi to:
- Mời các trung đội trưởng đến gặp trung úy nhận lệnh.
Tân vội tụt xuống võng, xỏ chân vào giày, bước xuống con dốc. Lần lượt các trung đội trưởng tề tựu đông đủ.
Trung úy Bá lên tiếng:
- Hôm nay, chúng ta lùng trong núi, lục soát để tìm vũ khí mà Việt cộng cất giấu, nhưng không nên dừng lại lâu tại bất cứ nơi nào ngoại trừ khi gặp kho vũ khí và có lệnh. Trái núi nầy to lắm, tiểu đoàn mình lục soát, ít nhất ba ngày mới hết .
Tân hỏi:
- Chúng ta đi phải dắt theo người bị bắt hôm qua à?
- Tiểu đoàn đã cử thiếu úy ban Hai đến nhận và dẫn nó về bộ chỉ huy từ chiều tối hôm qua rồi, đợi khi xuống núi sẽ cho người giải nó về bộ chỉ huy hành quân. Ngọn núi Dài nầy là khu hậu cần của Việt cộng, vì vậy gặp kho lương thực dự trữ của chúng thì cho lính lấy một ít để dùng, còn lại đốt bỏ luôn. Trung đội Một đi đầu, kế đến trung đội Ba; trung đội của anh Tân bọc hậu. Các anh về cho lính ăn sáng, trong vòng một giờ nữa thì lên đường.
Đại đội theo đường mòn đi vòng vèo trong núi, không gặp sự kháng cự nào. Đến chiều, lúc bắt đầu dừng quân nghỉ đêm, lính chuẩn bị nấu cơm thì tiếng súng nổ ran. Mọi người lập tức vào vị trí phòng thủ.
Không bao lâu sau, nhiều tiếng nổ ầm ầm rung chuyển cả núi rừng.
- Chuẩn úy.
Tân quay lui, thấy trung sĩ Hy nằm sau lưng mình. Anh ta nói tiếp:
- Có lẽ cánh quân bên kia đụng lớn rồi, phải gọi pháo binh yểm trợ. Địa thế của trái núi nầy rất thuận lợi cho Việt cộng lẫn trốn và phục kích. Không biết lực lượng của chúng nó còn trên nầy nhiều hay ít.
- Một trung đội du kích. Có lẽ chúng bị phát hiện nên buộc phải lâm chiến với quân mình?
- Ở đây, chúng nó có một trung đội du kích à?
Tân biết mình lỡ lời. Cậu nói:
- Tôi đoán chừng như thế. Súng hết nổ rồi, có lẽ Việt cộng đã bị tiêu diệt hay chạy trốn. Không biết bên mình có bị thiệt hại gì không?
Mười phút sau, đại đột trưởng cho lệnh chấm đứt báo động, mọi người vui vẻ tìm củi nấu cơm.
Đêm trôi qua một cách yên tĩnh. Ngày hôm sau, tiểu đoàn lùng sục khắp núi mà không còn gặp sự kháng cự nào. Lại thêm một đêm yên tĩnh nữa.
Sáng sớm. cơm nước vừa xong, thượng sĩ Lập đi mời các trung đội trưởng đến gặp trung úy Bá để nhận lệnh. Khi mọi người đã tề tựu đông đủ, trung úy nói:
- Tin tình báo cho hay đêm rồi Việt cộng đã trốn khỏi nơi đây và có lẽ đi về hướng biên giới. Vì vậy sáng nay chúng ta xuống núi.
Chuẩn úy Tám hỏi:
- Chấm dứt hành quân?
Trung úy đáp:
- Chưa đâu. Cuộc hành quân vẫn tiếp tục, có lẽ nhiều ngày nữa. Xuống núi rồi, trung đội anh Tân sẽ đi đầu, theo hướng bắc đông bắc.
Tám hỏi:
- Về Tịnh biên hay Ba chúc?
- Giữa Tịnh biên và Ba chúc. Đến chân núi, tôi sẽ gióng hướng bằng địa bàn.
- Chúng ta có tiến quân chung với tiểu đoàn không?
- Có, nhưng tiểu đoàn và hai đại đội kia tiến theo một mũi khác song song với mình.
- Mình sẽ đi trên lộ hay băng đồng?
- Chắc chắn là băng đồng, làm gì có lộ ở đây. Mùa nầy đồng khô nhưng các con kinh thì còn nước, phải lội sang chứ không có ghe xuồng gì cả. Các anh hãy chuẩn bị tinh thần cho lính. Cuộc hành quân sẽ kéo dài nhiều ngày. Chúng ta sẽ phải truy lùng thêm ít nhất hai ngọn núi của Thất sơn nữa cùng nhiều xóm làng mà chúng ta đi qua. Một đơn vị chính qui của Việt cộng cấp đại đội trở lên đang lẩn quất đâu đây. Chúng có thể phục kích để tiêu hao chúng ta. Không nên thấy đồng trống mà khinh thường. Thôi, bây giờ, các anh về cho trung đội mình lên đường.
Cả đại đội xuống núi một cách nhanh chóng. Sau khi dóng hướng xong, đại đội băng đồng theo hàng một. Đường dễ đi nhưng đồng trống không một bóng cây, mặt trời không ngừng đổ lửa xuống làm cho mọi người bơ phờ. Đến chiều, đại đội dừng quân trong một xóm nhỏ trên bờ kinh.
Bỗng người lính gác la thất thanh:
- Chuẩn úy ơi, có một toán người đang di chuyển đằng kia. Không biết có phải Việt cộng không? Báo cho trung úy biết nhanh lên.
Tân đứng nhìn chăm chú rồi nói:
- Lính mình đó, không phải Việt cộng đâu. Tuy nhiên, tôi đi tìm trung úy Bá hỏi cho yên bụng.
Trung úy cũng vừa tới nơi. Nghe hỏi, trung úy cười:
- Đó là bộ chỉ huy tiểu đoàn cùng hai đại đội Hai và Ba. Đêm nay họ đóng quân, gần mình. Bây giờ, tôi cùng thượng sĩ Lập sang bên đó để nhận lệnh hành quân cho ngày mai. Lúc chúng tôi về thì trời tối, anh báo cho lính gác biết để đừng bắn nhầm.
Tân vừa cắt đặt xong các vọng gác thì thấy Bính đến. Tân hỏi:
- Em bố trí chỗ đóng quân cho trung đội xong chưa?
Bính cười:
- Em chẳng bao giờ phải làm chuyện đó. Đến nơi là em giao cho trung sĩ Mạnh lo hết mọi chuyện. Trong xóm có một quán cà phê. Đi anh, trên đường hành quân mà được ngồi nhâm nhi cà phê trong quán thì cũng thú vị.
Bính nói xong, kéo Tân đi.
Quán là một cái chái của gian nhà lá tồi tàn và vắng vẻ. Hai anh em vào ngồi hút thuốc, nhâm nhi hai ly cà phê và chuyện trò vui vẻ. Một lát sau, thượng sĩ Lập đi ngang qua trông thấy thì bước vào.
Tân hỏi:
- Thượng sĩ và trung úy đi họp về rồi đó à? Có gì lạ không?
- Vâng, tôi mới bên tiểu đoàn đoàn về. Sáng ngày mai, trung úy sẽ truyền lệnh hành quân trực tiếp cho các trung đội trưởng.
Lập quay sang Tân:
- Chuẩn úy, thằng Tẩu chết rồi!
Tân sửng sốt:
- Trời đất ơi, nó chết rồi à? Ai giết nó vậy? Tiểu đoàn xử tử nó phải không?
- Không. Nó là hàng binh thì tội gì mà xử tử. Anh em bên bộ chỉ huy tiểu đoàn kể cho tôi nghe khá rõ. Chuẩn úy có nhớ chiều hôm kia cánh quân bên kia đụng với Việt cộng hay không?
Bính cướp lời:
- Đúng, có gọi pháo binh yểm trợ. Tiểu đoàn có bị thiệt hại gì không?
- Đại đội trọng pháo có một binh sĩ tên là Nghiệp bị thương. Việt cộng nằm phục sẵn rồi. Cây cối um tùm và nhiều hốc đá nên đại đội Hai đi qua mà không thấy. Tới khi bộ chỉ huy tiểu đoàn và đại đội trọng pháo đến thì thằng Nghiệp trông thấy, nổ súng. Chúng nó bắn lại, thằng nầy trúng đạn ngã quỵ. Lập tức, lính mình phản công. Chúng nó chống trả quyết liệt nên tiểu đoàn phải gọi pháo binh rót vào chúng mới chịu rút lui, bỏ lại một xác chết.
Tân sốt ruột:
- Tại sao thằng Tẩu chết?
- Khi nghe súng nổ, thằng binh sĩ dẫn nó đi sợ nó nhân dịp chạy trốn nên vội vàng cột ngay nó vào gốc cây rồi mới nhảy xuống hố để chiến đấu. Thằng Tẩu ngồi chịu trận giữa hai lằn đạn, không biết chết vì đạn của bên nào.
Tân nhìn sững phía trước, đôi mắt rưng rưng. Cậu nói trong nghẹn ngào:
- Tội nghiệp cho anh ấy. Tẩu không còn bao giờ thấy mặt con gái là Đào thị Mỹ Hiền của mình nữa.
Nói xong, cậu đưa ống tay áo lên chặm vào hai mắt mình.
Bính ngạc nhiên:
- Tẩu là ai mà anh lại khóc?
Tân kể cho Bính nghe mọi việc đã xảy ra. Bính thở dài:
- Cuộc chiến nầy có quá nhiều điều bi đát. Thôi, anh cũng đừng quá buồn phiền, đó chỉ là một trong muôn triệu thân phận thảm thương trong cuộc kháng chiến trường kỳ nầy của Việt cộng.

Ngày hôm sau, tiểu đoàn đến một ngọn núi khác, lùng sục trong hai ngày liên tiếp mà chẳng được kết quả gì. Tiếp theo là hai ngày băng đồng nữa thì ra đến bờ lộ. Cuộc hành quân chấm dứt, tiểu đoàn được xe chở về nghỉ ngơi tại Tri tôn.
Tri tôn là một quận lỵ nhỏ với một số hàng quán quanh một cái chợ dơ dáy, đầy bụi bặm. Nhưng bao nhiêu đó đã quá 1à đủ đối với người lính chiến mà cuộc sống rày đây mai đó, thường ở trong những nơi hẻo lánh mất an ninh. Những quán nước, những quán ăn, quán rượu không lúc nào vắng màu xanh của áo trận. Nhiều binh sĩ, rượu vào thì gây gỗ đánh nhau, nhọc công quân cảnh đi tuần, bắt về nhốt một đêm cho hết say rồi thả ra.
Nhìn bọn lính ăn uống nhậu nhẹt bê tha, Bính thường tỏ ý buồn vì thấy không đứa nào còn nghĩ đến ngày mai. Trước đây, hầu hết chúng nó là những đứa trẻ ngoan ngoãn, những công nhân siêng năng cần mẫn, những nông dân hiền lành chất phác. Chiến tranh đã biến chúng thành những kẻ bạt mạng, lúc hành quân chỉ thấy chết chóc, dừng quân thì lao vào ăn chơi cho đến đồng bạc cuối cùng.
Cậu thường hay rủ Tân về chỗ ở tạm của mình. Đó là một gian nhà khá rộng và xinh đẹp của một gia đình người Miên. Gia đình gồm hai vợ chồng còn trẻ và hai đứa con nhỏ. Hôm mới đến đây, các trung đội được chính quyền địa phương cho mượn lều vải và tự chọn lấy chỗ căng lều.
Trung đội của Bính đóng trên một khu đất trống cạnh nhà nói trên. Thấy ngôi nhà đẹp, Bính đứng nhìn, hai vợ chồng mời cậu vào nhà. Khi biết Bính là sĩ quan, sinh ra và lớn lên tại Sài gòn, hai vợ chồng tỏ ý mừng rỡ và kính nể. Họ nhất định mời Bính vào ở trong nhà. Họ nhường cho Bính nguyên phòng trước, vợ chồng con cái lui ở phòng sau.
Trước phòng, có một hàng hiên khá rộng và mát mẻ dưới bóng một cây cao. Bính ngồi đó lấy đàn ra vừa gảy vừa hát. Hai đứa trẻ lấp ló trong cửa nhìn ra. Vài người lính dừng lại bên dưới, lắng tai nghe một cách thích thú.
Dần dần, trẻ em trong xóm tụ lại trước sân. Bính bước xuống, đàn và hát cho các em nghe. Cậu dạy cho các em vài khúc ca dành cho thiếu nhi. Cậu nhanh chóng trở thành người bạn của đám trẻ đáng yêu đó.

Sau bốn ngày nghỉ ngơi, tiểu đoàn lại được lệnh lên đường. Xe chở cả tiểu đoàn đến Nhà bàng, một xã giáp biên giới Việt Miên rồi đổ quân xuống đầu làng nằm cạnh một trái núi. Theo kế hoạch bình định của chính phủ, từ điểm xuất phát nầy, tiểu đoàn sẽ tiến quân theo con đường duy nhất đi sâu vào xóm làng trù phú bên trong. Sau khi tiêu diệt hay đánh đuổi Việt cộng để thiết lập vùng an ninh xong, tiểu đoàn sẽ giao lãnh thổ lại cho chính quyền địa phương và đi bình định nơi khác.
Ngày đầu tiên, không gặp sự kháng cự nào. Xóm làng trầm lặng, dân chúng sống thản nhiên, không có dấu hiệu nào chứng tỏ sự hiện diện của quân địch trong vùng. Đại đội dừng lại nghỉ đêm trong một ngôi làng hiền hòa, dân chúng vui vẻ đón tiếp, sẵn lòng cho mượn nhiều dụng cụ để nấu ăn.
Sáng sớm, trung đội Ba của Bính dẫn đầu đại đội tiến sâu vào bên trong. Cảnh thanh bình vẫn tiếp tục diễn ra, hai bên đường nhà cửa mở toang, dân chúng bình thản làm việc. Đại đội cứ theo hàng một, thoải mái bước nhanh trên con đường bằng phẳng.
Một lúc sau, trung úy Bá dừng lại, quan sát chung quanh rồi nhìn vào bản đồ. Anh liếc nhìn đồng hồ rồi ngẩng lên, thấy Tân đi phía trước, gọi to:
- Anh Tân, nhắn về phía trước, bảo Bính dừng lại nghỉ trưa.
Tân quay lại, nhìn đồng hồ rồi đáp:
- Chưa đến giờ nghỉ trưa mà. Mới có mười giờ thôi.
- Tới địa điểm dừng quân rồi. Đại đội mình đi quá nhanh, vượt hơn mũi tiến quân bên kia đến gần hai cây số. Dừng lại, rủi trúng ổ phục kích thì nguy.
Lệnh được truyền miệng dần tới trước. Lính hân hoan cởi vội ba lô ra, kẻ ngồi tại chỗ, người chui vào nhà dân xin nước châm đầy bi đông.
Tân lôi chiếc võng ra căng vào hai gốc cây và nằm lên một cách thoải mái. Cậu nhắm mắt lại và không bao lâu chìm vào giấc ngủ.
Cách đó non hai trăm thước về phía trước, sau khi cho lệnh dừng quân và cắt gác xong, Bính bước vào một nhà dân, cởi ba lô quăng ở hiên nhà. Cậu nhìn vào trong, thấy trên bộ ván có một bà già đang nhai trầu bỏm bẻm. Bính mỉm cười, nói:
- Chào má. Má mạnh khoẻ không má?
Bà già nhìn ra, đáp lại với giọng vui vẻ:
- Ừ, khoẻ. Vô đây ngồi nghỉ cho mát đi cậu.
- Dạ, cám ơn má.
Bính bước vào, ngồi trên bộ ván trước mặt bà. Bà già nhổ bã trầu trong miệng vào một cái lon rồi cẩn thận khom mình đặt lon xuống đất. Bính nhìn bà:
- Má ăn trầu nữa không? Để con têm cho má.
Cậu nói xong, không đợi câu trả lời, kéo ô trầu đến gần mình, lấy con dao nhỏ ra để bổ cau. Cậu cắt ra một miếng cau, quẹt vôi vào lá trầu. Bà già ngồi yên, vẻ mặt thích thú, nhìn Bính làm việc một cách rành rẽ. Khi Bính têm xong, đưa miếng trầu, bà đón lấy cho vào miệng, vừa nhai, vừa nói:
- Cậu làm khéo tay lắm, vôi cho vào cũng vừa. Ở nhà, thường têm trầu cho mẹ ăn phải không?
Bính cười:
- Không, mẹ con mất rồi. Hồi còn sống, mẹ con cũng chẳng ăn trầu. Lúc còn nhỏ, con hay qua nhà hàng xóm chơi, têm trầu cho một bà cụ già bên đó.
- Cháu mồ côi mẹ hả, tội nghiệp không? Quê cháu ở đâu, vô lính hồi nào?
- Dạ con ở Sài gòn, đang đi học thì bị gọi lính.
Mắt bà già có vẻ sáng lên:
- Đi học lớp mấy mà bị bắt lính? Đậu tú tài chưa?
- Dạ rồi.
- À, vậy là đi sĩ quan phải không?
Bính gật đầu, nhìn quanh, lảng tránh sang chuyện khác:
- Má sống ở đây một mình?
- Ừ, sống một mình, ổng bị bệnh, mất mấy năm rồi.
- Má không có con à?
- Có một thằng con trai thôi, mà nó đi lính rồi.
Bính cảm thấy thích thú, nên vội hỏi:
- Anh ấy đi lính binh chủng nào, đơn vị đóng ở đâu hả má?
Bà già cười một cách thản nhiên:
- Không phải đi lính quốc gia đâu. Nó đi lính cho cách mạng.
Bính giật mình, nhưng vẫn cố giữ giọng tự nhiên:
- Sao má cho ảnh đi theo Việt cộng vậy?
- Ối, má có quyền gì mà cho hay không. Ở đây, thanh niên tới tuổi, không đi lính bên nầy thì phải đi lính cho bên kia, không sao tránh được. Nếu nó đi lính quốc gia thì má phải ra chợ sống với con gái chớ đâu có ở trong nhà nầy được. Vì ổng nằm sau vườn nên má muốn ở lại đây để ngày ngày nhang khói cho ổng.
- Con trai má có sống chung với má không?
- Không, nó thoát ly hơn nửa năm rồi. Đi miết, lâu lâu mới về thăm má một lát, xin chút lương thực rồi lại đi.
- Không có ảnh ở nhà má sống cách nào?
- Má làm một công ruộng sau nhà, đủ gạo ăn cả năm, con Hai ngoài chợ lâu lâu vô thăm đem cho má chút ít đường muối, nước tương.
- Vậy là má khỏi đi chợ. Tôm, cá, gà, vịt có sẵn trong vườn?
- Không, má chẳng nuôi con gì cả, má ăn chay trường.
Bà chỉ chiếc bàn thờ Phật treo trên vách:
- Má qui y hơn một chục năm nay rồi. Tu tại gia, một tháng lên chùa hai lần, nhằm ngày rằm và mồng một để lễ Phật thôi. Đêm nào má cũng xin Phật độ trì.
- Độ trì cho con má?
- Cho tất cả tụi bây, lính quốc gia cũng như lính cộng sản. Má cầu đức Phật ra tay ngăn cản, đừng cho người mình giết người mình nữa. Lính quốc gia hay lính cộng sản, lính nào má cũng thương như con. Nè, lại gần đây má biểu.
Bính hơi ngạc nhiên nhưng vẫn nghe lời bà xích lại gần và nghe tiếng bà thì thào:
- Từ đây, nếu con đi tới thêm một khoảng nữa là gặp cây cầu ván.
Bính gật đầu:
- Dạ phải, con nhìn thấy rồi, còn cách chừng một trăm thước nữa. Khi nãy, tụi con sắp qua cầu thì được lệnh dừng lại để nghỉ trưa.
Bà già nhắm mắt lại, đưa hai tay chắp lên ngực:
- À di đà Phật. Đức Phật từ bi cứu khổ, cứu nạn. Bàn tay của Đức Từ bi thiệt là nhiệm mầu.
Bính ngạc nhiên:
- Gì vậy má?
- Má nói điều nầy con nghe nhưng phải giữ thật kín. Đêm rồi má nằm chưa ngủ thì nghe nhiều tiếng động, rõ ràng là tiếng cuốc bổ xuống đất bên kia cầu. Má ra lén dòm thì thấy họ đốt đèn hột vịt và đèn pin, vừa soi vừa cuốc bên đó. Má biết họ đặt mìn. Chắc là nhiều lắm, gần sáng mới xong. Rồi họ đi đập cửa từng nhà, dặn ngày hôm nay, không được ra đường.
Nghe bà nói xong, Bính hoảng sợ:
- Đội ơn má. Má đã cứu sống chúng con.
Bà xua tay:
- Không, Phật độ trì dắt con vô đây gặp má. Nếu không, má cũng đành trơ mắt nhìn các con đi vô chỗ chết thôi.
- Má cho con đốt nhang bàn thờ Phật để tạ ơn.
- Được, được, con tạ ơn đi. Nhang trên bàn thờ đó. Làm như vậy phải lắm, rồi Phật sẽ tiếp tục độ trì cho các con.
Bính bước lên ghế đốt nhang xong, xuống nói với bà:
- Thôi má nghỉ, con về cho lệnh đơn vị con không tiến thêm nữa.
- Ừ, con đi đi. Nhớ giữ kín cho má nghe chưa. Nếu họ biết má làm lộ bí mật thì đêm nay về cắt cổ má liền không tha đâu.
- Má cứ yên tâm, má đã cứu mạng chúng con thì nhất định con không làm gì có hại cho má.
Bính bước ra khỏi nhà, ngoắt trung sĩ Mạnh lại bảo:
- Anh cho ngay một tiểu đội ra gác ở đây. Tuyệt đối không cho ai qua lại, lính cũng như dân. Dặn lính gác phải quan sát kỹ bên kia cầu.
Nói xong, cậu bước nhanh về phía sau. Ngang qua chỗ Tân đang ngủ, cậu đập dậy:
- Anh Tân, có chuyện rất quan trọng.
Tân vùng dậy, nheo mắt vì chói:
- Mấy giờ rồi, có lệnh tiến quân phải không?
- Mới mười một giờ. Lính đang ăn trưa. Em mới nhận được tin Việt cộng gài mìn trên đoạn đường mình sắp đi qua.
Tân hoảng hốt:
- Em nói gì? Việt cộng gài mìn trên đường? Mà sao em biết?
- Dân báo cho biết.
- Dân nào?
- Thôi, anh xuống đi ngay với em đến gặp đại đội trưởng. Nhanh lên, chuyện gấp lắm.
Tân nhảy xuống, cùng Bính hối hả đi đến gặp trung úy Bá. Bính kể lại câu chuyện của bà già. Nghe xong, trung úy nói :
- Mình đi tới đó xem sao. Chú Bính đem hai người lính đi theo. Bảo chúng nó cho đạn lên nòng. Nếu thấy Việt cộng là bắn hạ ngay, không cần hỏi.
Ba sĩ quan đi lên đường, chiếc cầu hiện ra phía trước không xa. Họ tiến tới chậm chậm từng bước một. Mặt đường phẳng lỳ, không có dấu đào nên họ tiến sát đến đầu cầu.
Chiếc cầu gỗ bắt ngang qua con kinh khá rộng chứa đầy nước đục ngừ. Dưới kinh không có bóng ghe xuồng nào cả. Mặt cầu lót ván đã cũ bày ra những lỗ hỗng khá to.
Trung úy Bá định bước qua cầu. Tân ngăn lại:
- Anh đừng bước lên ván. Việt cộng có thể gài mìn bên dưới.
- Nhưng phải quan sát cho được bên kia cầu chứ.
- Anh đứng bên nầy, điều chỉnh ống nhòm nhìn qua cũng được.
Bá nghe theo, tháo ống nhòm đang đeo trên vai xuống, chăm chú quan sát. Anh reo lên:
- Thấy rồi, có mìn bên đó. Kìa, đất bị xới lên rõ ràng. Vùng nầy gần biên giới nên mìn của Liên xô và của Trung cộng được đưa thẳng từ Cam bốt sang. Toàn là mìn chống chiến xa, gắn kíp nổ mìn chống người, chạm đến thì cả thân mình hơn nửa tạ chỉ hốt lại được một chục kí là cùng.
Trung úy tiếp tục điều chỉnh ống nhòm để nhìn xa hơn. Anh bỏ ống nhòm ra và nói:
- Có lẽ Việt cộng chôn nhiều mìn vì chỗ đất bị xới lên kéo dài đến hơn một trăm mét. Tuy nhiên chúng chỉ chôn mìn hai bên mép đường còn chính giữa mặt đất vẫn phẳng lỳ. Các anh có biết tại sao không?
Tân và Bính lắc đầu, trung úy giải thích:
- Nếu chúng nó chôn mìn trên mặt đường, điều đó có nghĩa là chúng muốn chận không cho mình đi trên con đường đó vì chỉ cần một người dẫm vào thì tất cả phải dừng lại. Còn ở đây, chúng để chúng ta đi trên mặt đường sâu vào trong bãi mìn rồi sẽ bắn một loạt súng hay giật nổ một quả mìn ở đâu đó. Lập tức chúng ta sẽ nhảy sang hai bên đường nằm mọp xuống, thế là tan xác cả đám.
- Như vậy, Việt cộng có thể đang bố trí ở một trong hai bên xóm nhà kia.
Bá gật đầu. Tân lo sợ:
- Nếu thế, chúng ta đứng đây quá nguy hiểm vì có thể lọt vào tầm ngắm của chúng.
- Có thể nguy hiểm, nhưng ít thôi. Nếu có bố trí trong đó, Việt cộng chỉ nổ súng khi một số lớn chúng ta đã lọt vào bãi mìn, đặt biệt là khi bộ chỉ huy tiểu đoàn lọt vào trong đó. Sau lưng tiểu đoàn trưởng, luôn luôn có hai máy truyền tin với ăng ten cao nghều nghệu rất dễ nhìn thấy, Việt cộng khai hỏa thì thắng to. Nhưng thôi, chúng ta cũng không nên đứng đây lâu. Báo ngay cho tiểu đoàn biết để giải quyết.
- Theo anh thì tiểu đoàn phải giải quyết thế nào?
- Chính mình phải đề nghị với tiểu đoàn biện pháp xử trí vì mình đang ở đây và chuyện nầy liên quan trước hết đến đại đội mình. Tôi sẽ đề nghị phái cho mình hai tiểu đội vượt qua con kinh bằng ghe ở một địa điểm cách xa cầu khoảng một trăm mét, lùng hai bên để đánh tan các ổ phục kích. Sau đó gọi công binh đến để tháo ngòi và thu lại mấy ông địa nằm dưới đất.
Tân thắc mắc:
- Tại sao không lấy hai tiểu đội của mình đi lùng mà lại phải xin phái từ đại đội khác.
Trung úy Bá cười:
- Lấy của thiên hạ xài cho đỡ hao của mình. Còn nếu tiểu đoàn không cho thì phải dùng hai tiểu đội của mình vậy.
Bính chen vào hỏi:
- Tại sao phải cho hai tiểu đội đi lùng cho khổ và nguy hiểm. Cứ gọi pháo rót dài theo hai bên đường, nhanh và tiện lợi hơn nhiều.
Trung úy Bá xua tay:
- Không được đâu, có dân sống trong đó. Khi nào quá cần thiết và không có biện pháp nào khác thì ta mới gọi tới pháo binh. Cố gắng tránh thiệt hại cho dân.
Tân hỏi:
- Thế là đêm nay chúng ta dừng quân tại đây để chờ công binh dọn bãi mìn. Công việc có thể kéo dài cả ngày mai, ngày mốt nữa; thế cũng thích.
- Đừng tưởng tượng chuyện sướng như thế. Tiểu đoàn có thể ra lệnh cho chúng ta ngay bây giờ qua sông, luồng vào trong xóm và tiếp tục tiến tới theo đúng kế hoạch hành quân rồi công binh sẽ chậm rãi làm việc phía sau. Vì thế, hai anh vẫn phải đôn đốc lính trong trung đội mình lo ăn uống cho xong và luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào.
Nói xong, trung úy quày quả trở lui. Tân và Bính thủng thẳng theo sau. Ngang qua một ngôi nhà, Bính bảo:
- Nhà của ân nhân mình đó.
- Có nên vào cám ơn lần nữa hay không?
- Không nên. Đừng để Việt cộng nghi ngờ bà ấy khi kế hoạch của chúng bị phá vỡ. Em phải ghi nhớ chuyện nầy để khi về Sài gòn, nếu có dịp ,em sẽ viết lại gởi đăng báo.
- Để làm gì?
- Để chứng minh rằng dân không mê cộng sản đâu. Ai tỏ ra tử tế thì dân theo và sẵn sàng giúp đỡ. Về điều nầy thì cán bộ cộng sản biết làm việc hơn hẳn nhân viên xã ấp của chúng ta. Về quân sự, chúng ta hơn địch rất nhiều. Nhưng như vậy chưa đủ. Chiếm được đất không quan trọng bằng chiếm được lòng dân. Em muốn chứng minh với mọi người, nhất là những người có trách nhiệm, rằng chúng ta có khả năng chiếm được lòng dân, nếu chúng ta hành động đúng đắn.
Tân gật đầu:
- Anh hoàn toàn đồng ý. Bàn về chiến tranh nhân dân thì em luôn luôn có ý tưởng rất hay.
- Vì em đã suy nghĩ về điều đó rất nhiều, ngay cả trước khi nhập ngũ.
Hai anh em đứng bên vệ đường một lúc thì Bính chỉ tay về phía trước, nói tiếp:
- Thượng sĩ Lập đến tìm kìa. Chắc có lệnh của tiểu đoàn rồi đó.
Đúng như sự tiên đoán của trung úy Bá, đại đội được lệnh lên đường nhưng đi ra phía cánh đồng rồi băng qua con kinh chứ không qua cầu. Đại đội tiếp tục băng đồng một khoảng khá xa mới trở lại con đường đất xuyên qua xóm làng. Đang đi, nghe nhiều loạt súng nổ phía sau, Tân nghĩ thầm:
- Đúng là có phục kích rồi. Nếu mình không được dân báo tin thì giờ nầy trong đại đội đã có nhiều người ngã gục. Có lẽ tiểu đoàn đang dẹp các ổ phục kích đó.
Cậu cho dừng quân lại, chờ đợi xem có lệnh mới không, nhưng kế hoạch hành quân không thay đổi. Mọi người tiếp tục đi tới và khi mặt trời đã nghiêng hẳn về phía Tây thì đại đội dừng lại nghỉ đêm.
Nơi dừng quân là cuối làng, cách làng tiếp theo một quảng đồng trống. Lính vui vẻ, vừa ca hát, vừa kiếm củi để nấu ăn. Tân vào nhà dân, leo lên nằm trên một chiếc võng treo sẵn, cảm thấy thực dễ chịu sau một ngày mệt nhọc.
Bỗng, một loạt súng nổ chát chúa, như xé rách màng nhĩ. Tiếng súng tiếp tục nổ vang rền.
Từ trên võng Tân lăn xuống đất, nghe tiếng rú thất thanh. Tân hiểu là có người bị trúng đạn rồi.
- Việt cộng tấn công, Việt cộng tấn công!
Nhiều tiếng hét vang lên một lượt. Súng bên ngoài tiếp tục bắn vào, bụi, đất, gỗ, lá văng tung tóe.
Tân định thần nghe cho kỹ, nhận ra ngay đơn vị mình bị tấn công từ mặt sau nhà. Cậu chụp cây súng, nón sắt và dây nịt có gắn nhiều băng đạn rồi trườn nhanh ra cửa trước, xuống sân, núp sau nền nhà để tránh đạn. Súng bên trong bắt đầu bắn trả, tiếng cây trung liên nổ nghe thực giòn làm mọi người lấy lại bình tĩnh. Tân nhìn quanh, thấy lính mình nằm rải rác sau những gốc cây to và sau những luống đất bên hè.
Cậu nghe tiếng trung sĩ Hy la to:
- Chuẩn úy ơi, bọn chúng đông lắm, hỏa lực rất mạnh. Coi chừng, chấm dứt loạt nầy, chúng sẽ đánh xáp lá cà.
Tân cố sức hét thực to:
- Anh em đừng bắn bừa. Nhìn kỹ mọi phía, trông thấy địch mới bắn. Lắp lưỡi lê vào súng, sẵn sàng cận chiến.
Súng bên ngoài vẫn tiếp tục nhả đạn vào. Tân hỏi to:
- Có ai bị trúng đạn không?
Có tiếng trả lời phía bên phải:
- Có ba đứa ngã ngay trong loạt đạn đầu tiên. Tụi nó đang nấu cơm thì bị trúng đạn. Hình như trong nhà cũng có người bị ngã.
Trung úy sĩ Hy hét lên:
- Chuẩn úy ơi, cả đại đội đều bị tấn công. Súng nổ rền trên kia kìa.
Tân phóng đến chỗ trung sĩ Hy nói:
- Cây trung liên của chúng đặt sau gò mối đó.
- Thấy rồi, tôi để ý nãy giờ mà chưa biết làm cách nào diệt được nó.
- Trung liên của mình đâu?
- Kia kìa.
Trung sĩ Hy chỉ về mấy luống khoai cách đó khoảng năm thước, nói tiếp:
- Trung liên mình bắn trả hai băng rồi nhưng không trúng. Nó núp sau cái gò đó kỹ quá. Phải diệt nó mới được. Nó nằm đó khống chế thì mình không ngóc đầu lên được.
“Am, ầm, ầm”.
Trung sĩ Hy la to:
- Pháo binh yểm trợ rồi đó. Đại đội liên lạc được với tiểu đoàn rồi. Nhưng pháo rót xa quá, đâu có hề hấn gì cây trung liên của chúng nó.
“Am, ầm, ầm”. Loạt đạn thứ hai tiếp tục làm rung chuyển mặt đất. Tuy nhiên đạn bên ngoài vẫn nã vào làm cho mái lá tung lên và lá cây rụng tơi tả.
Trung sĩ Hy nói một cách gấp gáp:
- Tức quá, tôi phải diệt cây trung liên nầy mới được. Chuẩn úy, tôi sẽ lấy cây trung liên của mình, chạy qua bên kia bắn vào bên hông nó.
Tân lật đật trả lời:
- Không được, từ đây qua đó trống trơn, anh sẽ bị tụi nó bắn chết. Anh chờ tôi dụ nó quay súng qua hướng khác trước đã. Bắt đầu, nghe chưa.
Tân ôm súng nhỏm lên phóng về bên trái, ngang qua hai cái xác nằm im trên mặt đất và nhảy xuống một cái hố cạn cúi đầu xuống. Cậu nghe súng nổ chát chúa, bụi đất văng lên cả đầu và lưng của mình. Hơn mười giây sau, cậu nghe một loạt đạn trung liên nổ giòn rồi tiếng trung sĩ Hy hét to:
- Được rồi, nó chạy đó. Bắn, bắn theo đi.
Tân ngẩng đầu và ngồi hẳn dậy, chỉ còn nghe tiếng súng bên trong bắn ra thôi. Một phút sau, tiếng súng im bặt. Có tiếng khóc to:
- Trời ơi, thằng Thịnh, thằng Đại chết rồi. Trời hỡi trời. Hu hu.
Một loạt đạn đại bác nổ ầm ầm, lần nầy xa hơn. Tân nghĩ thầm:
- Pháo bắn đuổi theo chúng nó.
Tân nhảy lên khỏi hố. Trung sĩ Hy rời khỏi chỗ ẩn núp, lảo đảo tiến vào, mặt đỏ bừng. Tân hoảng hốt la lên:
- Hy, anh sao vậy? Bị thương hả?
Hy lắc đầu:
- Không sao hết, mệt lắm, nghỉ một chút thì khỏe thôi. Tiên sư bọn nó, lợi dụng lúc mình dừng quân chưa kịp canh gác. Toi hết mấy mạng của mình rồi.
Tân hỏi:
- Bọn nó thế nào?
Anh chỉ tay về phía gò mối:
- Một thằng bị bắn gục, còn nằm trên đó với cây trung liên, thằng kia chạy mất rồi, bắn theo không kịp. Nói xong, anh hấp tấp đi về phía hai xác chết của đồng đội, cúi sát xuống, khóc nức nở.
Tân ứa nước mắt nhìn vài giây rồi đứng dậy đi một vòng chung quanh, thấy hầu hết lính của trung đội mình vẫn còn nằm tại chỗ, súng chĩa ra phía trước. Cậu yên tâm, nhưng vẫn dặn dò:
- Quan sát cho kỹ, coi chừng bọn chúng quay lui. Khi nào có lệnh mới được vào.
Trong sân, kế thềm nhà, có một người lính nằm ngửa, hai người khác đang băng bó. Tân bước tới cúi xuống nhìn, hỏi:
- Ai đây? Thằng Ba hả, bị thương thế nào?
Ba thều thào:
- Bị đạn vào tay.
Cậu lính đang băng tiếp lời:
- Có lẽ trúng xương. Vậy mà nó cũng rán lết được vào đây nên còn sống, hai đứa kia chết rồi. Trong nhà cũng có người bị thương. Hình như là bà chủ nhà. Lính mình đang săn sóc trong đó. Chuẩn úy vào xem bà ấy bị thương thế nào?
Tân vào nhà, thấy người đàn bà nằm trên giường, vài người xúm quanh. Cô con gái đứng dậy. Tân hỏi ngay:
- Bà bị thương thế nào?
Cô gái mếu máo:
- Má con bị đạn vào bụng.
- Băng bó xong chưa?
- Dạ rồi. Mấy chú nầy băng giúp con. Máu vẫn còn ra ri rỉ. Làm sao đây ông?
Cô gái khóc òa. Tân an ủi:
- Cô hãy bình tĩnh. Tí nữa, có máy bay đến, tôi cho má cô đi nhà thương luôn. Có ai đi theo bà không?
- Dạ con đi theo. Hai đứa em con ở nhà giữ nhà.
- Được rồi, cô chuẩn bị đi. Chút nữa tôi cho lính khiêng bà đi.
Tân bước ra khỏi nhà thì thấy Bính hớt hải chạy đến, hỏi :
- Anh Tân, anh có sao không?
- Không sao cả.
- Em lo quá. Trung đội anh thế nào?
- Hai người hi sinh và một bị thương ở tay không đáng ngại. Bà chủ nhà nầy bị thương ở bụng rất đáng ngại. Đại đội thế nào? Anh Bá có sao không?
- Trung úy Bá bình yên, thượng sĩ Lập bị thương ở đùi. Trung đội em có một đứa bị thương nhẹ. Trung úy bảo em đến lấy tin tức của trung đội anh để báo cáo lên tiểu đoàn. Trung úy đang xin trực thăng tải thương. Anh cho đưa người chết và bị thương về chỗ đại đội.
- Em có nghe trung úy nói về phía địch thế nào không?
- Chúng nó rút lui cả rồi, bị thương hay chết thế nào thì không rõ. Ở đây thì sao?
- Chúng bỏ lại một xác chết và một trung liên.
- Được rồi, em về báo cáo cho trung úy. Trung đội anh cũng rút về đó luôn. Cả đại đội sẽ ở chung một chỗ để phòng thủ trong đêm nay. Lính anh chưa ăn cơm phải không?
- Chưa, đang nấu thì bị tấn công.
- Anh cắt một số lính gác, còn bao nhiêu cho vào nấu cơm nhanh đi. Ăn gấp rồi di chuyển về với đại đội.
Bính nói xong, vội vã đi. Tân bước ra sau nhà. Hai xác chết đã được bó vào hai tấm vải nhựa và đặt vào hai chiếc võng. Tân nghẹn ngào:
- Thôi, anh em đưa hai đứa về đại đội đi.
Hai chiếc đòn được xỏ vào hai võng, bốn người cúi xuống đưa vai vào đòn và nâng lên.
Tân đứng nghiêm đưa tay chào. Mọi người có mặt đều làm theo. Hai chiếc võng vừa đi khuất thì có tiếng khóc rống lên. Tân bỏ tay xuống móc khăn ra chặm vào mắt. Cậu ra lệnh cho lính mang hai người bị thương đi luôn. Cô con gái khóc thút thít đi kế bên mẹ.
Lính trong trung đội lo bữa ăn tối trong không khí buồn bã nặng nề. Nửa giờ sau, cơm nước xong, mọi người chuẩn bị di chuyển thì có tiếng trực thăng bay đến một chút rồi bay đi.
Tân thở dài rồi ra lệnh cho trung đội mang ba lô và súng ống về ở địa điểm đóng quân của đại đội.
Đúng lúc đó Tân nhận được lệnh ở yên tại chỗ, cả đại đội sẽ về đây, có một mặt trống trải dễ phòng thủ hơn ở giữa làng.
Tân đón Bính vào nhà mà mình đang ở. Hai chiếc võng được căng song song nhau. Đây là lần đầu tiên, hai anh em nằm kế bên nhau để nói chuyện trong đêm tối. Bính hỏi:
- Anh Tân, theo anh, khi nãy Việt cộng có định tràn ngập đại đội mình hay không?
- Có thể họ có ý định đó nhưng không thực hiện được vì lính mình phản ứng khá nhanh và khu vực đóng quân hơi rộng.
- Em đoán có sự trục trặc trong sự chỉ huy của Việt cộng. Vì vậy, trung đội của anh bị tấn công trước khá lâu. Lúc chúng bắt đầu khai hỏa vào trung đội của em thì lính em đã bố trí sẵn rồi nên đã chống trả lại một cách hữu hiệu. Nếu chúng xung phong vào là lính em giết chết hết ngay.
- Thượng sĩ Lập và lính em bị thương lúc nào?
- Ngay trong loạt đạn đầu tiên của chúng nó. Hai người đứng lớ ngớ chưa kịp núp nên bị thương.
- Lính của anh chết và bị thương lúc nào?
- Ba đứa cũng ngã ngay ở loạt đạn đầu tiên. Chúng nó đang nấu cơm ở sau nhà, ngay tầm tác xạ của cây trung liên của địch. Tội nghiệp thằng Thịnh. Nó vừa mới tâm sự với anh đêm vừa rồi. Nó nói con chị nó hoạt động cho Việt cộng, bị công an săn đuổi trốn vô khu rồi. Ông bà già đau yếu chẳng làm gì được. Nó còn bốn đứa em. Con em gái kế nó phải lo hết mọi việc, chồng đi hỏi cũng không dám nhận lời. Nó mong sang năm, mãn hạn quân dịch, không còn đi lính nữa, nó trở về lo cho ông bà để em gái nó đi lấy chồng. Bây giờ, nó không còn có thể thay thế bổn phận của em nó được nữa. Nó nói với anh là thường trước khi ngủ, nó van vái ông bà cho nó ra trận đừng bắn nhầm vào chị nó bên phía Việt cộng. Bây giờ thì nó không bao giờ bắn nhầm vào chị nó nữa. Viên đạn của người đồng chí của chị nó đã giúp cho nó hoàn thành điều mong ước đó. Bính, anh thương thằng Thịnh quá chừng đi!
Bính chép miệng:
- Ở miền Nam nầy, có rất nhiều gia đình có con cái cùng lúc đứa theo bên nầy, đứa theo bên kia, anh em ruột thịt ôm súng bắn vào nhau. Quả thực, đây là cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đúng nghĩa. Thế mà người cộng sản gọi đây là cuộc chiến tranh “giải phóng thần thánh”! Thực là hết chỗ nói.
Bỗng Bính nhỏm dậy, nhảy xuống võng, giọng hốt hoảng:
- Anh Tân, báo động.
Bên ngoài có tiếng la thất thanh của lính gác.
- Chuẩn úy ơi, Việt cộng tới.
Tân và Bính vớ lấy súng, phóng ra khỏi nhà, chạy đến chỗ người lính gác. Cậu ta tiếp tục la to:
- Đó đó, chúng nó tới đó.
Phía trước, ở bìa làng bên kia miếng đất trống, có nhiều ngọn đuốc đang cháy, sáng rực cả một vùng, chung quanh tối đen như mực. Văng vẳng từ đó có tiếng la í ới.
Bính hỏi trong hơi thở dồn dập:
- Đúng là Việt cộng rồi, nhưng tại sao chúng đốt đuốc? Việt cộng phải lén xâm nhập trong đêm tối mới đúng chứ.
- Chúng nó sách động đồng bào đi đấu tranh với mình đó. Tôi đã gặp chuyện nầy một lần rồi.
Tân và Bính giật mình quay lại, thấy trung úy Bá và chuẩn úy Tám đứng phía sau. Câu nói vừa rồi là của chuẩn úy Tám. Cả bốn sĩ quan chăm chú nhìn về phía trước. Bính nói:
- Kìa, chúng nó đang đến gần đó, làm sao bây giờ?
Trung úy Bá nói nhanh:
- Im, im. Có tiếng loa của bọn chúng. Để tôi nghe chúng nói gì?
Trung úy bước tới trước một khoảng ngắn, đưa hai bàn tay khum lên hai vành tai. Một phút sau, anh bước về chỗ cũ, nói:
- Đạn đại bác của mình rót vào khi chiều làm trâu bò chết và người bị thương. Chúng yêu cầu cho đưa người bị thương đi qua đây.
Tân hỏi:
- Có nên cho họ đi qua không?
Trung úy trợn mắt:
- Bộ anh muốn chết hết sao? Việt cộng trà trộn trong đó. Vào được trong tuyến phòng thủ của mình rồi, chúng lia mã tấu thì đầu và mình chúng ta không còn dính với nhau nữa.
Tân vẫn băn khoăn:
- Nhưng nếu có người bị thương thực sự cần cứu chữa thì tội nghiệp lắm.
Giọng trung úy hằn học:
- Bị thương sao lại không đưa đi từ chiều, lúc trời còn sáng? Mùa nầy khô, băng đồng đi được dễ dàng, tại sao lại phải đi ngang qua chỗ đóng quân của chúng ta? Đưa người bị thương thì một hai cây đuốc đủ rồi, tại sao phải đưa cả làng ra đây? Nhìn xem, cũng đến năm bảy chục cây đuốc. Từ chiều đến giờ, có lẽ trong đó, cán bộ cộng sản đi huy động mới được bao nhiêu đó đuốc với hàng trăm người đi theo.
Ánh đuốc cứ tiến lại gần, bắt đầu trông thấy những người đi trước. Chuẩn úy Tám lên tiếng:
- Trông kìa, hình dạng và giọng la của đàn bà và con nít. Bọn nó xua đàn bà con nít đi đầu, và núp phía sau. Bắn chết hết tụi nó đi. Tôi đi gọi mang đại liên ra đây nghe trung úy?
- Ừ, cho mang đại liên ra ngay.
Chuẩn úy Tám chạy vụt đi và trở lại với hai người lính mang cây đại liên đã ráp sẵn. Khẩu súng được đăt xuống đất, nòng súng nằm ngang hướng thẳng về phía những cây đuốc.
Chuẩn úy Tám hỏi to:
- Cho tụi nó một loạt nghe trung úy.
Tân hoảng hốt:
- Không được đâu, chết dân. Đàn bà con nít đi đầu đó.
- Nhưng chúng đang đến gần. Để chúng đến gần hơn nữa là chúng có thể xung phong đó. Cho lệnh bắn đi trung úy.
Tân cố gào to:
- Không nên bắn, không nên bắn.
Trung úy quát:
- Im, tất cả nghe lệnh tôi. Xạ thủ nạp đạn. Xong chưa? Nghếch mũi súng lên ngọn cây, bắn khoảng một phần ba thùng đạn. Chuẩn bị. Bắn!
Tiếng súng nổ đinh tai nhức óc một hơi dài, vỏ đạn văng tung tóe làm cho các sĩ quan nhảy sang một bên để tránh.
Đằng kia, tiếng loa im bặt, đồng thời rất nhiều tiếng thét cùng lúc nổi lên. Những cây đuốc bị quăng xuống đất, một số tắt ngấm, một số còn cháy soi rõ các bóng người bỏ chạy tán loạn. Tiếng súng dứt, chưa đầy một phút sau, màn đêm trùm lên mọi vật; khắp vùng chìm trong sự im lặng rợn người.
Chuẩn úy Tám cười hềnh hệch:
- Coi vậy mà nhát. Mới bắn dọa thôi đã bỏ chạy về nhà lo giặt quần rồi.
Trung úy Bá vừa cười vừa nói:
- Đứng phía trước nòng súng nghe tiếng đại liên nổ thì khiếp lắm, ít ai chịu đựng nổi. Thôi, anh em về nghỉ đi, chúng nó không dám đấu tranh nữa đâu.
Mọi người lần mò đi trong đêm tối trở về chỗ ngủ. Bính và Tân leo lên võng. Bính hỏi:
- Mấy giờ rồi anh Tân?
Tân vén tay áo nhìn mặt đồng hồ dạ quang, trả lời:
- Mười một giờ. Ráng ngủ một chút đi. Khuya dậy đi tuần ít nhất hai lần.
Tuy nói thế chứ Tân không tài nào ngủ được. Muỗi kêu vo ve bên tai, muỗi bay chạm vào mặt. Cậu đưa tay vuốt nhẹ, không dám đập mạnh sợ gây tiếng động. Khoảng một giờ sau, bỗng có tiếng la thất thanh của lính gác:
- Chuẩn úy ơi, Việt cộng tới, Việt cộng tới!
Tân gọi:
- Bính, chúng lại đến nữa.
Hai người phóng ra chỗ cũ. Xa xa ánh đuốc chập chờn. Trung úy Bá và chuẩn úy Tám cũng vừa tới nơi. Chuẩn úy Tám càu nhàu:
- Tụi nầy không sợ sao mà còn trở lui quấy phá nữa. Đại liên đâu?
Hai người lính đặt đại liên vào vị trí khi nãy. Chuẩn úy Tám hăng hái:
- Trung úy cho bắn một loạt lên chọn cây như khi nãy để chúng về thay quần một lần nữa.
Trung úy Bá đưa tay chận lại:
- Không, chúng nó hết sợ đại liên rồi. Mấy anh em quên là trong băng đạn, cứ năm viên thì có một viên chiếu sáng để điều chỉnh tác xạ ban đêm. Tụi Việt cộng nầy khá lắm, nó nhìn là biết mình bắn lên ngọn cây nên lại sách động đồng bào lần nữa.
Chuẩn úy Tám bực tức:
- Vậy thì bắn thẳng vài viên cho chết mấy đứa là chúng nó không dám ra quấy phá mình nữa
- Không được. Bắn chết dân, Việt cộng lại có cớ sách động. Sáng mai, tụi nó lại bắt dân vác xác ra bêu riếu ngoài thành phố thì rất phiền với mấy ông phóng viên ngoại quốc. Hơn nữa, dân vẫn là những người vô tội bị Việt cộng bắt buộc ra đây, mình nỡ nào bắn chết.
Chuẩn úy Tám chán nản:
- Đánh nhau với tụi Việt cộng nầy khó quá trời, làm sao bây giờ?
- Được rồi để tôi lo. Chuẩn úy Tân và chuẩn úy Bính cho mang M79 ra đây.
Hai chuẩn úy chạy vụt đi và trở lại với hai binh sĩ mang súng phóng lựu M79. Trung úy hỏi:
- Tụi bây bắn khá không?
- Chắc ăn mà trung úy.
Tụi bây nhắm vào hai bên đám đuốc đó. Thằng nầy bên trái, thằng nầy bên phải. Nhắm làm sao đạn nổ cách mục tiêu khoảng hai mươi mét. Nghe rõ chưa? Bắn gần quá, gây thương tích cho đồng bào, bắn xa quá thì họ không sợ. Mỗi cây, bắn hai quả liên tiếp.
- Nếu tụi có không sợ mà cứ xông tới thì sao?
- Không sao đâu. Còn cây đại liên đây. Nếu họ nhất định tràn vào phòng tuyến mình thì đành bắn hạ. Nơi đây là chiến trường và trong giờ giới nghiêm nên không sợ trách nhiệm đối với pháp luật, chỉ sợ chạm đến lương tâm mà thôi. Cây đại liên nạp đạn đi nhưng nhớ khoá an toàn cẩn thận. M79 sẵn sàng chưa?
- Sẵn sàng rồi trung úy.
- Bắn!
“Am, ầm”. Những ngọn đuốc quăng nhanh xuống đất.
“Am, ầm”. Tiếng la hét om trời.
Dưới ánh sáng của những cây đuốc còn cháy trên mặt đất, Tân thấy rõ người ta bỏ chạy. Nhiều bóng đen ngã xuống, nhiều người đè lên, tiếng la vang động cả một vùng.
Chuẩn úy Tám vỗ tay đôm đốp, reo lên:
- Sướng nhé, chuyến nầy các con hết quần để thay rồi.
Trung úy Bá cười:
- Thôi đi ông, khoan vội mừng, nếu tụi nó tới lần nữa, tôi hết cách dọa rồi, tôi giao cho ông đối phó với chúng.
- Không sao đâu, chúng nó hết trở lại rồi.
- Ông có chắc không?
- Chắc chắn. Tụi nó hết quần để mặc rồi. Không lẽ ở truồng mà đi đấu tranh.
Mọi người cười ồ rồi trở vào nhà.
Quả thực, từ đó đến sáng yên tĩnh, chẳng có việc gì xảy ra.