Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Chương 2: Miền Nam (1)



Một cuộc chiến tranh dài
Tập I
Chương 2: Miền Nam
(1)

Mỹ tho là một thành phố có ít xe cộ, không rộn ràng như thành phố Sài gòn mà hai anh em vừa trải qua gần một ngày đêm sau khi tàu cặp bến. Nhà của cậu Danh nằm trên một con đường rợp bóng mát. Đứng trên tầng lầu của ngôi biệt thự, thằng Vinh có thể nhìn thấy thấp thoáng mặt nước sông Cửu long. Bờ bên nầy xôn xao ghe tàu, bờ bên kia thì có vẻ hoang vu. Một hôm, cậu Danh chỉ về phía bên đó và bảo rằng đó không phải là bờ sông mà chỉ là một cù lao; phải vượt qua vài cù lao mới qua hết mặt sông. Nó nghe và lấy làm lạ. Biết bao nhiêu thứ khác cũng đều lạ lùng đối với nó.
Cái cảm giác choáng ngợp vẫn đeo theo nó trong nhiều tuần lễ làm cho nó muốn thu mình lại càng nhỏ càng tốt. Đôi khi nó cảm thấy luyến tiếc mái nhà tranh nghèo nàn trong ngôi làng tuổi thơ của nó. Nhiều đêm khi mọi người ngủ yên, nó thao thức và âm thầm khóc trong bóng tối.
Nó cũng đủ tuổi để hiểu rằng ngôi làng tuổi thơ đó, từ nay cho đến mãi mãi chỉ còn là kỷ niệm mà thôi. Bây giờ, nó phải tập để quen dần với cuộc sống ở đây, với gia đình cậu Danh.
Cậu Danh là một người hiền lành, giọng nói nhỏ nhẹ và thân mật, gây cho nó nhiều cảm tình ngay trong những ngày đầu tiên mới gặp. Mợ Danh là một người đàn bà đẹp và sang trọng, tuy nhiên cái nhìn của bà đối với anh em nó không có cái nét dịu dàng và âu yếm như cái nhìn của mẹ nó xưa kia. Cậu mợ Danh có tất cả ba người con; người con trai đầu, lớn tuổi hơn nó đang học ở Sài gòn; một bé gái xinh đẹp mà cậu bảo nó gọi là chị Hiền, dù bé chỉ bằng tuổi em Tân của nó mà thôi; sau cùng là một “bà chị” tên Hạnh còn nằm khóc oe oe trong nôi.
Trong nhà có hai người giúp việc. Bác Tư Thọ độ bốn mươi tuổi, người ra mở cổng cho cậu cháu nó ra vào, giữ việc canh gác, săn sóc nhà cửa, vườn hoa và có khi phụ giúp việc bếp núc với mợ Danh. Chị Hương, một người đàn bà còn trẻ, lo việc giặt giũ và chăm sóc bé Hạnh.
Ngay buổi chiều mới đến, hai đứa đã được chị Hương dẫn đi chỉ chỗ tắm rửa, được mặc áo quần mới toanh còn thơm mùi hồ và được dẫn vào một phòng nhỏ ở dãy nhà ngang thâm thấp phía sau. Trong phòng, có một chiếc giường, một bàn nhỏ và vài chiếc ghế ngồi. Đó là chỗ ở của anh em nó. Nó thích gian phòng nầy vì ở sát bên phòng bác Tư Thọ và cách ngôi nhà lớn một khoảng sân hẹp.
Chiếc giường trong phòng được trải một chiếc chiếu mới có nhiều màu thực đẹp làm nó nhớ đến chiếc chiếu rách trên giường mẹ nó mà nó định mang theo hôm bị lính dẫn về đồn. Nó ngồi xuống giường và cảm thấy vững vàng chắc chắn, khác với chiếc giường tre ọp ẹp ở nhà quê, lúc nào cũng lung lay như sắp sụm mỗi khi có ai nằm trên đó và trở mình.
Thấy chiếc giường đẹp, thằng Tân phóng lên nằm sải tay một cách khoan khoái, nụ cười rạng rỡ trên cả môi lẫn mắt. Đang nằm, nó chợt vùng dậy bò khắp giường, đến chỗ thằng Vinh, ôm cổ vật xuống và ngồi đè lên bụng anh. Niềm vui thơ ngây của em làm Vinh vui theo.
Có bóng người xuất hiện nơi cửa. Hai đứa vội vùng dậy. Mợ Danh bước vào, mỉm cười:
- Hai con ở trong phòng nầy, có bằng lòng không?
Vinh đáp lại với giọng thực lễ phép:
- Thưa mợ, chúng con được ở đây thì tốt lắm rồi.
Bà Danh tỏ vẻ hài lòng, nhắc lại:
- Phòng nầy của hai con, kế bên là phòng của bác Tư Thọ. Nhà vệ sinh sát bên nầy. Hai con ngủ trên giường và học trên bàn nầy.
Thằng Vinh thoáng sửng sốt vì câu nói cuối cùng của bà. Hai anh em nó lại được đi học? Chuyện học xa lắc xa lơ, nay lại trở về với chúng nó hay sao?
Nó chợt nhớ tới ngôi trường xa xưa của nó, trong đó, suốt bao năm liền nó học giỏi làm cho bạn bè thán phục và thầy cô khen ngợi hết lời. Gần xong bậc tiểu học, cha mẹ nó đang tính tìm nơi gởi nó vào Huế tiếp tục bậc trung học thì nổ ra cuộc cách mạng Mùa Thu. Dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, việc học được tổ chức lại nhưng ngôi trường thân yêu của nó không còn nữa, vì trước đó một quả bom của Đồng minh đã rơi trúng và phá hủy tan tành. Người ta phải mở các lớp học trong ngôi đình làng nằm trên bờ sông Ô lâu. Nó vừa kết thúc bậc tiểu học thì quân Pháp tràn đến. Toàn vùng quê của nó lao vào cuộc kháng chiến toàn quốc, không còn ai nghĩ đến việc học cho con trẻ nữa. Cái học xa dần và tắt lịm trong nỗi luyến tiếc không nguôi của nó. Ngay cả lúc theo cậu Danh xuống tàu vào Nam, nó cũng chỉ nghĩ rằng được cậu lôi ra khỏi vùng quê đang bị chiến tranh vò nát, đang bị cái đói đe dọa hằng ngày và sự sống sự chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Nó chưa hề nghĩ đến chuyện vào miền Nam để được học hành, đúng với nỗi luyến tiếc của nó.
Nó nhìn mợ Danh với cặp mắt cảm xúc và biết ơn, giọng run run:
- Cậu mợ cho anh em con đi học lại hay sao?
Mợ cười to:
- Chứ sao nữa? Hai con vào đây là cốt nối tiếp lại chuyẹn học đã dở dang ngoài đó. Con không thích đi học mà thích đi làm phải không? Còn nhỏ lắm, chưa đi làm được đâu. Phải học thêm vài năm nữa.
Nó chưa kịp cải chính sự hiểu lầm của mợ thì bà đã quay lui ra khỏi phòng. Một lúc sau, chị Hương đến gọi hai anh em lên nhà dùng cơm tối với gia đình.
Trên chiếc bàn bầu dục đặt giữa phòng, bữa cơm sang trọng đã được dọn ra. Hai đứa rón rén ngồi vào hai chiếc ghế; đối diện là mợ Danh và chị Hiền bé tí của nó. Con bé ngồi khép nép bên mẹ, thỉnh thoảng len lén nhìn hai đứa con trai vừa ở quê mới vào. Trong bữa cơm, mợ Danh trở lại chuyện học của anh em nó. Cậu Danh ngồi ở đầu bàn chăm chú nghe và cuối cùng nói một cách chậm rãi:
- Thế là hai cháu bị mất đi hơn một năm học. Không sao, thời buổi chiến tranh này, học trễ là chuyện bình thường. Ngày mai, cậu sẽ gọi điện qua bên ty giáo dục để hỏi chỗ học. Phần hai cháu phải cố gắng thực nhiều để bù lại thời gian bỏ học vì chiến tranh. Hai cháu nghe chưa?
- Dạ nghe.
Thằng Vinh đáp lời cậu với lòng hân hoan khôn tả. Mợ Danh tiếp lời chồng:
- Phải đó hai con ạ. Nên tiếp tục học hành, đừng có ý nghĩ đi làm sớm. Học tới nơi tới chốn rồi đi làm thì sung sướng hơn, lại được người đời kính nể. Trong xã hội nầy, ai học nhiều thì có địa vị cao. Như cậu con đó. Học tới nơi tới chốn rồi đi làm, tới ông tỉnh trưởng người Pháp cũng phải nể nang và tín nhiệm hơn mọi người khác trong tòa tỉnh. Cả ông thủ hiến về đây làm việc cũng thích cậu và có đến nhà mình chơi. Tụi Việt minh nghe đến tên cậu thì khiếp vía.
Mợ chấm dứt câu nói bằng tiếng cười đầy hãnh diện.
Đang hân hoan vì sắp được đi học, câu nói và tiếng cười của mợ làm cho cổ nó nghẹn lại, trong tai như vo vo lặp đi lặp lại mấy từ mà trước đây nó thường nghe dân làng nhắc đến: Việt gian, Việt gian, Việt gian. Nó cố nén tiếng thở dài, ăn vội cho hết chén cơm và gác đũa.
Vài hôm sau, hai đứa cắp sách đến trường. Nhà trường là một tư thục không to lắm nhưng gồm cả hai bậc trung và tiểu học. Cậu Danh bảo rằng đã liên lạc với ty giáo dục và người ta đã giới thiệu trường nầy. Ở đây, nếu học sinh thông minh và chăm học thì có thể học dồn lớp, nghĩa là học liên tiếp hai lớp trong một năm. Nhờ thế, có thể rút lại thời gian bỏ học vì chiến tranh. Nghe cậu nói, Vinh mừng rỡ vô cùng.
Hai anh em học buổi sáng tại trường. Buổi chiều, một mình nó đi học thêm môn Pháp văn tại nhà ông thầy giáo đang dạy ở lớp nó. Nó muốn đáp lại lòng mong muốn của cậu Danh là học cho nhiều để bù lại thời gian đã bỏ phí.
Cuộc sống của hai anh em khá êm ả, chỉ có việc chăm chú học hành, mọi việc khác đều được cậu mợ Danh lo cho một cách chu đáo. Đến trường, nó cũng cảm thấy thực dễ chịu. Trong phòng học, nó được sắp ngồi ở cuối lớp với những đứa lớn xác như nó. Lúc đầu, nó học kém lắm, gần như không làm được bài nào. Nó lo lắng và đau khổ nhưng không nản chí. Việc học làm cho nó vui thích, đó là tính bẩm sinh của nó. Dần dần, nó khá lên rõ rệt, làm cho thầy cô cũng phải chú ý.
Trong trường, ai cũng biết nó sống trong một ngôi biệt thự nguy nga và chưa bao giờ bị nhà trường nhắc nhở đóng học phí hằng tháng như phần đông bạn cùng lớp của nó. Chính vì thế, mọi người nhìn nó như con nhà giàu có. Nó biết điều đó và cũng chưa bao giờ xác nhận hay phủ nhận. Riêng đối với chính mình, nó không bao giờ tự xem là thuộc giai tầng trên của xã hội. Hằng ngày, nó ra vào ngang qua cái cổng đồ sộ của ngôi biệt thự nguy nga nhưng chỗ ở thực sự của nó chỉ là căn phòng nhỏ bé của dãy nhà thấp lè tè dành cho bồi bếp. Có một khoảng cách rõ rệt giữa căn phòng khiêm nhường của nó với cái nhà sang trọng kia. Khoảng cách đó không chỉ là một mảnh sân hẹp mà là một cái gì đó to hơn, vô hình nhưng rất vững chắc. Nó không bao giờ tự tiện đặt chân lên bậc thềm sạch bóng của ngôi nhà, ngoại trừ những lần nó được mợ Danh hay chị Hương gọi lên sai bảo một việc gì.
Vì thế, trong một thời gian dài, ngôi nhà vẫn giữ vẻ xa lạ đối với nó và những người sống trong đó cũng không hoàn toàn thân thiết như người ruột thịt. Nó biết rằng cậu Danh không phải là anh ruột của mẹ nó mà chỉ là anh họ mà thôi, nghĩa là đối với anh em nó, mối liên hệ về huyết thống chẳng được bao lăm. Tuy nhiên cậu là người rất tốt nhưng không có nhiều dịp gần gũi nó. Ngày hai buổi, cậu đi về không đúng với giờ giấc. Nó biết điều đó nhờ nghe tiếng máy xe quen thuộc dừng lại ngoài cổng và tiếng bánh xe lăn lạo xạo trên con đường rải sỏi ngang qua phòng nó ở. Có hôm, mãi đến khuya, khi nó học xong, tắt đèn đi ngủ thì mới có tiếng xe về. Đó là những lúc chiến cuộc dậy lên ở đâu đó quanh cái thành phố an lành giả tạo nầy. Nó biết cậu là người quan trọng và có thế lực vì ở thành phố nầy, giờ giới nghiêm từ mười giờ tối mà cậu nó cứ thường đi về lúc nửa đêm.
Đôi khi, nghe tiếng súng xa xa, tiếp theo là tiếng xe cậu về khuya, nó bỗng chợt nhớ đến mối thù hận xa xưa, bây giờ rất mờ nhạt nhưng chưa tắt hẳn. Nó nghe đau nhói trong lòng. Nó vội xua ý nghĩ căm hờn ra khỏi hình dáng của cậu. Nó hiểu rõ rằng cậu là người thân duy nhất còn sót lại trong cuộc đời của anh em nó, nó hiểu tình thương và công ơn to lớn của cậu. Nó cũng cảm thấy thương yêu cậu lắm nhưng có một cái gì đó ngăn cản không cho nó gần gũi thân thiết với cậu.
Mợ thì càng xa cách hơn nữa. Nơi người đàn bà đẹp đẽ và sang trọng đó, nó không tìm thấy một nét nào của mẹ nó xưa kia. Nó không thể nào quên được nét mặt đầy hãnh diện của mợ khi ca ngợi công việc của cậu nó hiện nay. Chắc chắn, đó là công việc rất đáng bị nguyền rủa vì phục vụ cho thực dân Pháp để chống lại cách mạng. Cái ấn tượng đầu tiên xấu xa đó in đậm nét trong lòng nó. Đôi khi, nó cũng áy náy và tự trách mình khi thấy mợ lo lắng nhiều cho đời sống anh em nó. Có lần, nó muốn làm thân với mợ với một hi vọng mong manh là tìm được một chút hơi hướng của người mẹ đã nằm lại nơi miền quê quá xa xôi. Tuy nhiên nó không đủ can đảm làm việc đó vì cái ấn tượng đầu tiên trong lòng nó.
Thằng Tân, em nó, thì đơn sơ hơn nhiều. Nét mặt thằng bé gần như luôn luôn vui tươi rạng rỡ. Tân nhanh chóng thân mật với con bé “chị Hiền” của nó. Hai đứa cùng tuổi, tính tình đều hiền lành và thơ ngây nên dễ thân nhau. Ngồi trong phòng, nhìn hai đứa bé đùa giỡn bên những luống hoa sặc sỡ, với tiếng cười trong như nước suối, Vinh thấy rộn lên trong lòng một niềm vui sướng và xúc động lạ thường. Cậu là người thù của cách mạng nhưng lại là người ơn vô cùng to lớn của anh em nó. Nó cần phải giữ gìn không bao giờ được để lộ ra mặt lòng căm thù của nó để cho em nó tiếp tục được hưởng cuộc sống sung sướng và để cho nó không phải là đứa cháu vô ơn của cậu.
Tính tình thằng Tân thực dễ mến, cả nhà đều tỏ ra thương yêu, kể cả người con trai lớn của cậu mợ đang trọ học ở Sài gòn. Mỗi tuần anh con trai về thăm nhà một lần. Cứ đến chiều thứ bảy, thằng Tân và bé Hiền ra trước cổng để đón và cùng reo lên khi anh xuất hiện ở ngã tư đường. Anh thường mang quà về, khi thì gói bánh, khi thì hộp kẹo. Hai đứa bé mang quà ra ngồi trên ghế đá để chia với nhau.
Một hôm, hai anh em đi học về. Vinh vói tay bấm chuông; một phút sau cánh cửa hé mở. Bác Tư Thọ tươi cười đứng sang một bên cho hai đứa bước vào. Giọng bác thân mật:
- Trưa nắng chang chang mà hai cháu chẳng có nón mũ gì cả. Cô mà thấy thì chắc chắn la rầy đó.
Thằng Vinh chống chế:
- Sáng đi vội quá, cháu quên mang theo. Mấy hôm trước, anh em cháu đều có đội mũ cả mà.
Hai đứa tiếp tục đi vào thì bác Tư gọi giật lại:
- Nầy, hai cháu đi cất sách, rửa mặt rồi vào ăn cơm với bác trong phòng của bác. Từ trưa nay trở đi, ba bác cháu mình ăn cơm với nhau. Cô bảo rằng dạo nầy thầy lắm việc đi về thất thường, cơm nước trễ nãi nguội lạnh. Cô và bé Hiền chờ đợi được, còn hai cháu phải ăn đúng bữa để còn học hành nữa.
Nói xong, bác nhìn chăm chăm vào mặt thằng anh như để dò phản ứng và bác hài lòng khi thấy nó cười có vẻ vui thích. Mà quả thực nó vui thích được dùng cơm với bác nơi cái bàn nho nhỏ trong phòng đơn sơ dành cho bác. Ở đấy, nó sẽ được tự nhiên và thoải mái, không phải dè dặt, giữ gìn khuôn phép như khi ngồi chung trong phòng ăn lộng lẫy với cậu mợ nó.
Vài hôm sau, thằng Tân rủ cả bé Hiền xuống ăn chung. Bốn bác cháu vừa ăn vừa đùa giỡn, chuyện trò vui vẻ.
Một hôm, trong bữa ăn chiều, nó hỏi bác:
- Bác Tư, bác làm việc ở đây lâu chưa?
- Hơn một năm rồi.
- Nhà bác ở đâu, sao không thấy về thăm nhà?
- Quê bác ở Bến tre. Bây giờ không còn nhà cửa, không còn ai thân thiết nữa cả.
Thằng Tân ngạc nhiên, buông đũa nhìn bác:
- Bác không có vợ hả? Đàn ông lớn rồi phải có vợ chứ.
Bác vò đầu thằng bé và cười ngất:
- Phải rồi, đàn ông phải có vợ. Khi nào cháu lớn lên cũng phải có vợ, đúng không nào?
- Vậy vợ bác đâu rồi?
- Chết rồi, bị pháo kích mà chết. Không biết đạn của bên nào. Bác không có con, hai vợ chồng sống với nhau, làm ruộng mà ăn. Bả chết rồi, bác buồn quá nên đốt nhà rồi bỏ đi.
- Rồi bác vào đại đây ở mà làm việc phải không?
Bác lại cười ngất:
- Vào đại sao được. Ai dám nhận người lạ vào nhà. Em của bác làm chung với thầy ở tòa tỉnh giới thiệu bác đến đây. Cũng may cho bác được giúp việc cho người tử tế.
Hai anh em càng ngày càng gần gũi thân mật với bác hơn. Thằng Vinh mến bác vì, cũng như nó, bác từ nhà quê đầy khói lửa ra đây, bỏ lại sau lưng một quê hương với nhiều kỷ niệm đau thương và với thân xác của người thân yêu nhất đời.
Một buổi chiều, bác sang phòng nó ngồi chơi và hỏi nó:
- Bác nghe nói quê cháu tận ngoài Trung xa lắm phải không?
- Dạ tận ngoài tỉnh Quảng trị.
- Có xa hơn Huế không?
- Dạ, xa hơn độ bốn mươi cây số.
Bác ầm ừ rồi hỏi tiếp:
- Ba má cháu chết cả rồi phải không?
- Dạ mới chết cách đây vài tháng.
- Tại sao chết vậy?
- Mẹ cháu bị bệnh.
- Còn ba cháu?
Nó im lặng không trả lời. Bác cũng im lặng nhìn ra sân theo dõi thằng Tân và bé Hiền chơi đùa. Thằng Vinh thấy bác ngồi yên thì nghĩ rằng bác đang chờ đợi câu trả lời của nó. Nó mím môi nói nhỏ:
- Cha cháu bị Tây bắn chết.
Bác trầm giọng hỏi tiếp:
- Sao vậy? Ba cháu theo cách mạng, phải không?
Nó lại im lặng. Nó không quen nói dối nhưng cảm thấy cái sự thực của đời nó, nói bao nhiêu đó cũng đã quá giới hạn cho phép trong ngôi nhà nầy. Vì vậy, nó lắc đầu và cúi nhìn xuống đất một cách buồn rầu. Bao nhiêu kỷ niệm đau thương vụt trở về. Nó đáp lời bác, giọng lí nhí:
- Cháu không biết.
Bác Tư đứng dậy vỗ vai nó:
- Thôi cháu đừng buồn nữa. Đời nầy có nhiều người khổ lắm chứ không riêng gì bác cháu mình. Cháu đi học bài đi.
Bác bước ra cửa. Nó đến bàn lật tập ra học bài cho ngày mai.
Tuy nhiên nó không thể tập trung trí óc vào những trang đầy chữ được. Hình ảnh quá khứ gợi ra từ câu chuyện với bác Tư vừa rồi vẫn còn đọng lại trong đầu nó. Nó thèm kể lại mọi việc cho bác Tư nghe để bác chia sẻ nỗi buồn đau của nó.
Mặc dầu vậy, nó cần phải giữ kín quá khứ của nó một khi nó còn sống trong ngôi nhà nầy. Nhưng, cái ý định giữ kín đó càng ngày càng nhạt đi khi tình thân mật giữa nó và bác Tư tăng dần. Cho đến một hôm, nó quyết định kể hết mọi việc đã xảy ra ở quê nhà cho bác Tư nghe. Nó kể tỉ mỉ cái chết của cha mẹ nó, nỗi căm hờn của nó đối với bọn người đã làm cho anh em nó trở thành hai đứa trẻ mồ côi và sau cùng ý định vào chiến khu để rửa hờn nhưng không thành.
Bác Tư chăm chú ngồi nghe. Khi nó nói xong, bác nắm lấy bàn tay nó bóp nhẹ trong tay bác. Giọng của bác thực thắm thiết:
- Tội nghiệp cháu, bác hiểu nỗi buồn của cháu. Thôi cháu hãy tự phấn đấu và cố gắng vui vẻ lên. Đừng để nỗi buồn gặm mòn tuổi trẻ của mình.
Vinh hơi ngạc nhiên vì câu an ủi của bác có vẻ văn hoa chứ không phải lời nói chất phác của một nông dân ít học. Nó cảm thấy nỗi buồn đau của nó cũng vơi bớt phần nào vì đã có người để trút bầu tâm sự u uất của nó tự bấy lâu nay. Nó cảm thấy nhẹ nhàng và thích thú hơn với việc học hàng ngày.
Năm học kết thúc. Cả hai anh em đều được lên lớp dù mới chỉ vào học vài tháng cuối cùng của niên khóa. Lớp học kế tiếp bắt đầu ngay vì trường tư dạy luôn trong lúc trường công nghỉ hè.
Một buổi chiều, trên con đường về nhà, nó chợt thấy một người đàn ông đi phía trước đánh rơi chiếc ví xuống vệ đường. Nó vội chạy đến nhặt lấy và đuổi theo để trả lại. Người đàn ông dừng lại khi nghe tiếng gọi của nó. Đó là một thanh niên còn trẻ, ăn mặc lịch sự. Anh nhìn nó và cám ơn rối rít. Anh nắm tay nó và hai người cùng tiếp tục đi trên vệ đường. Anh thân mật chuyện trò với nó, hỏi thăm nó về việc học hành và, may thay, không hỏi nó về gia đình và chỗ ở, điều mà nó không muốn nói thật với người mới quen biết. Cuối cùng, người thanh niên bảo nó:
- Em tốt lắm. Anh muốn làm bạn với em, em bằng lòng không?
Nó nhìn anh ngạc nhiên. Anh đã là người lớn, còn nó là một đứa trẻ đang cắp sách đến trường. Hiểu ý nó, anh mỉm cười nói tiếp:
- Anh đã đi làm và sống độc thân, chưa có vợ con chi cả. Em cứ làm bạn với anh đi. Bạn bè thì không cần phân biệt tuổi tác. Em đi theo anh một đoạn đường nữa, anh chỉ nhà cho em. Khi nào rảnh rỗi, em cứ lại chơi. Anh rất mến em. Anh sẽ rất vui nếu em đến nhà chơi với anh. Anh tên là Loan. Còn em tên là…
- Dạ em là Vinh.
Anh Loan vẫn cầm tay nó và dẫn nó qua một ngõ khác đến một con đường nhỏ. Anh chỉ một dãy nhà phố tầm thường gồm nhiều căn bên kia đường và nói:
- Nhà anh kia kìa, số mười tám. Nhà có cái cửa sơn màu xanh nhạt, khác với những nhà hai bên. Em nhớ chưa?
- Dạ nhớ.
- Thế thì lần sau em đến chơi với anh tại nhà nầy. Ừ, ừ, tuần sau nhé, cũng vào giờ nầy. Hôm nay là thứ tư. Hẹn thứ tư tuần sau. Nhớ nhé.
Anh buông tay nó ra, mỉm cười tiếp tục nói:
- Thôi em về đi kẻo cậu mợ mong.
Nó thoáng sửng sốt, không hiểu tại sao anh Loan lại biết nó sống với cậu mợ mà không sống với mẹ cha? Nó chưa kịp hỏi thì anh đã vẫy tay chào và băng qua đường. Nó quay lui, bước về nhà, lòng cảm thấy vui vui.

Suốt tuần lễ sau đó, nó thường nghĩ đến anh Loan, một người đàn ông có gương mặt hiền lành, cởi mở và dễ mến. Nó muốn làm bạn như anh đã đề nghị. Tuy nhiên, nó vẫn thắc mắc về anh. Tại sao anh biết nó sống với cậu mợ? Tại sao anh muốn làm bạn với nó ngay lần đầu tiên mới tình cờ gặp nhau? Thôi cứ để những điều thắc mắc lại đó, tuần sau đến chơi với anh có nhiều thì giờ sẽ hỏi anh sau.
Nó vào Nam sống với cậu mợ được hơn nửa năm rồi. Trong thời gian nầy nó được sống yên ổn, được ăn ngon mặc đẹp, được cắp sách đến trường. Tuy nhiên nó không thấy hoàn toàn vui thích với nếp sống sung sướng đó. Nó có mặc cảm sống bám vào người khác.
Ngược lại, thằng Tân, em nó, hoàn toàn sống hồn nhiên với tuổi thơ ngây. Nhìn em chơi đùa thích thú với chị bé Hiền, nó vui sướng và hài lòng nhưng đồng thời cảm thấy một khoảng cách thầm kín cứ tăng dần trong tâm hồn của nó và đứa em. Trong quá khứ, hai anh em chưa bao giờ rời xa nhau. Khi tang tóc đổ ập xuống gia đình, tâm hồn cả hai đứa đều chìm đắm trong nỗi đau thương cùng cực.
Khi cuộc sống được ổn định trong ngôi nhà ấm cúng nầy, em nó đẩy dần cái tâm sự đau thương về phía nó để lấy lại cái bản năng hồn nhiên của tuổi thơ. Nó mừng cho em nó nhưng lại thấm thía nỗi buồn cô đơn.
Tình thương em vẫn còn đầy ắp trong lòng nó. Ngày ngày, nắm bàn tay em dắt đến trường, đêm đêm nằm sát bên em để nghe hơi thở đều đều, nó cảm nhận ra rằng không thể nào sống được nếu không có em nó sống cùng. Tuy nhiên, đó chỉ mới là cuộc sống thường nhật. Phía sau cuộc sống hằng ngày đó còn một cuộc sống khác của riêng nó, một cuộc sống nội tâm đầy u uất xuất phát từ cái chết của cả cha lẫn mẹ. Với em, nó không muốn nhắc đến cái quá khứ đau thương để em giữ được sự hồn nhiên vừa mới có trở lại. Với bác Tư Thọ, nó đã thố lộ một lần và không muốn tâm sự tiếp nữa một khi hai anh em còn sống trong gia đình của cậu mợ. Nó mong muốn có một người bạn thân sống ngoài cái nhà nầy. Trong số bạn học cùng lớp, nó không chọn được người nào. Hầu hết đều nhỏ tuổi, tất cả chỉ biết học hành và vui đùa theo lối trẻ con. Cuối cùng nó nghĩ đến anh Loan….
Một tuần trôi qua nhanh chóng, chiều thứ tư lại đến. Nó ra khỏi lớp học ở nhà thầy, bước nhanh trên con đường có ánh nắng nghiêng nghiêng rọi bóng hàng cây cao xuống mặt lộ.
Nhà số mười tám có cánh cửa màu xanh nhạt đây rồi. Anh Loan có vẻ đang chờ đợi. Anh thân mật nắm tay đưa nó vào nhà.
Nhà là một căn phố nhỏ đơn sơ, chỉ có một phòng duy nhất không có vách ngăn làm cho mọi người khi bước vào thì biết ngay là chỗ ở của một người độc thân. Cuối căn nhà, sát với tấm vách lửng là một giường chiếc lẻ loi, kế bên là một tủ nhỏ cũ kỹ, rồi một kệ sách với vài ba quyển thưa thớt. Sát với cửa sổ phía trước, một cái bàn được đặt giữa bốn chiếc ghế đẩu loại rẻ tiền. Trên bàn, có một đĩa bánh nhiều thứ, một bình trà và hai cái ly nhỏ.
Vinh nhìn và biết tất cả những thứ trên bàn là chuẩn bị để đón nó. Nó ngồi xuống ghế một cách sượng sùng vì đây là lần đầu tiên nó đến một nhà lạ với tư cách là một khách mời. Cho đến bây giờ, nó luôn đi đứng theo lệnh của người lớn hoặc lủi thủi chạy theo sau người khác như một con chó con. Bây giờ nó là khách mời thực sự, được đón tiếp có chuẩn bị, dù sự chuẩn bị nầy đơn sơ chứ không sang trọng và linh đình như những bữa tiệc đãi khách mà nó đã trông thấy ở nhà cậu mợ Danh của nó.
Anh Loan là người bặt thiệp, giọng nói nhẹ nhàng và có duyên nên dễ dàng lôi cuốn người đối diện. Anh kể cho nó nghe nhiều chuyện lý thú trong thành phố, những chuyện vui vui xảy ra trong cái văn phòng của một hãng tư nhân mà anh làm thư ký. Anh hỏi nó về việc học, về hoàn cảnh sống xưa kia trong làng quê hẻo lánh. Nó vui vẻ nhập cuộc và kết thúc buổi nói chuyện một cách hân hoan.
Nó ra về và hẹn gặp lại vào tuần sau.

Hôm nay lại là thứ tư. Từ lúc mới ngủ dậy, nó đã nghĩ đến cuộc hẹn với anh Loan. Buổi sáng, vì lý do nào đó, chị Hương dọn thức điểm tâm ra hơi trễ hơn thường ngày. Ăn xong, hai anh em vội vã dắt tay nhau đến trường.
Trường cách nhà khoảng hơn hai cây số, đi ngang qua một hồ nước rộng, nơi đó suốt ngày có người đến gánh nước về nhà. Từ hồ nước, có thể đến trường gần hơn nếu chịu khó đi trên một khúc đường lầy lội, hai bên đầy rác hôi thối, băng qua một xóm lao động, gồm những dãy nhà nghèo nàn chật chội, lúc nào cũng có tiếng la ó của trẻ con và tiếng chửi rủa của người lớn. Vì vậy, thỉnh thoảng hai anh em mới đi con đường nầy.
Hôm nay, đang giữa mùa mưa mà trời lại nắng ráo mấy hôm liền. Vinh quyết định dẫn em đi đường hồ nước, qua xóm lao động cho gần, để kịp giờ vào lớp.
Đường đi có vẻ là lạ. Mọi lần, giờ nầy, người ta lũ lượt kéo ra khỏi xóm để đến nơi làm việc, thế mà bây giờ đường vắng ngắt. Mặc kệ, hai anh em cứ việc tiến tới vì nếu trở lui đi đường cũ thì trễ mất giờ học.
Qua một khúc quanh, chúng khựng lại. Một người lính đứng chận ngay đầu ngõ, phía sau lố nhố một bầy con nít đứng quay lưng lại về phía nó. Thằng Vinh biết rằng mấy đứa trẻ đang nhìn vào khoảng đất trống bị mấy gian nhà lá cùng cây cối chung quanh che khuất. Trên khoảng đất trống nầy, nó thường thấy bọn trẻ trong xóm hay thả diều và đá banh vào mùa khô, còn mùa mưa thì cỏ mọc um tùm ít ai vào trong đó.
Thằng Tân giựt mạnh tay anh nó:
- Anh Vinh, có cái gì trong đó kìa, vô coi mau lên.
Chưa dứt câu nói, Tân vụt chạy tới. Người lính quay lại quát to:
- Hai thằng nhỏ, đi chỗ khác chơi.
Tân cãi lại:
- Tụi con đi học mà.
- Quay lại đi đường khác.
Bỗng nhiên thằng bé đổ lỳ:
- Không được, đi đường khác xa lắm, trễ giờ rồi.
Nó nói xong, nắm tay anh kéo đi.
Người lính đứng yên, nói vói theo:
- Vào được chứ ra không được đâu.
Mặc kệ, hai đứa cứ rảo bước. Lập tức, chúng trông thấy hai chiếc xe nhà binh đậu lù lù trên bãi cỏ. Xa hơn, có nhiều bóng người. Chưa kịp nhìn kỹ, thằng Vinh nghe tiếng la hốt hoảng của em nó:
- Anh Vinh, con ma, con ma kia kìa.
Thằng bé lấy tay chỉ vào đám đông đang ngồi túm tụm thành một vòng tròn khá rộng, ở giữa là một khoảng trống. Tất cả đều là người lớn, đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, đủ cả. Nhiều người lính đứng chung quanh, súng cầm tay, mũi súng chĩa xuống đất.
Bên trong vòng người là một vật kỳ dị mà thằng Tân vừa gọi là “con ma”. “Con ma” bị trùm trong một bao bố to mà người ta thường dùng để đựng gạo, miệng bao kéo dài tận đầu gối, phía dưới là cặp chân khẳng khiu với hai bàn chân trần dẫm trên nền cỏ ướt. Ngang tầm mắt, bao bố được khoét hai lỗ đen ngòm. Nó đoán “con ma” nhìn ra ngoài bằng hai lỗ đen đó.
“Con ma” đi chậm rãi từng bước một trước vòng người, hai người lính ghìm súng theo sau. Đám đông im phăng phắt, nghe rõ cả tiếng chim se sẻ đùa giỡn trên các mái nhà. Tất cả nhìn chầm chập vào “con ma”. Nó dừng lại đứng yên một chút, rồi gật đầu.
Lập tức, hai người lính nhảy bổ vào xốc nách một người đàn ông đứng lên, kéo hai tay anh ta ra phía sau và bập vào một chiếc còng số tám. Một người lính bên ngoài vạch lối đi vào, nắm lấy cổ áo lôi nạn nhân đến bên xe. Cửa mở ra, nạn nhân bước lên, người lính đẩy mạnh vào lưng làm anh ta lọt thỏm vào bên trong. Cửa xe đóng mạnh, nghe một tiếng rầm ngắn gọn.
Trong vòng người, “con ma” lại tiếp tục di chuyển, dừng lại, gật đầu. Một người nữa bị lôi dậy còng tay và bị đẩy lên xe. “Con ma” tiếp tục đi thêm hai vòng và không dừng lại để gật đầu nữa.
Đến đây, “trò chơi” chấm dứt, người ta dẫn “con ma” sang chiếc xe bít bùng thứ hai và đẩy vào bên trong.
Tiếng rì rào nổi lên cùng những tiếng thở dài khoan khoái. Vòng người đứng dậy. Toán lính lần lượt lên xe. Hai chiếc xe nổ máy từ từ lăn bánh trên mặt cỏ và leo lên con đường đất gồ ghề. Mọi người đi về, có người cười cười nói nói, có người khóc rưng rức, có người im lặng, trên nét mặt còn in nỗi kinh hoàng.
Hai anh em Vinh và Tân không kịp hỏi han gì, vội vã ra khỏi xóm để đến trường. Chúng bị mất nguyên một giờ học đầu tiên.
Buổi chiều, sau giờ học cuối cùng, Vinh đi nhanh đến nhà anh Loan. Nó vội kể cho anh nghe cái cảnh lạ lùng mà anh em nó vừa chứng kiến sáng nay. Anh Loan nghe xong, ngồi trầm ngâm một phút rồi hỏi:
- Có phải em gặp tại xóm lao động gần hồ nước không?
- Dạ phải.
Anh gật đầu:
- Sáng nay xóm đó bị bố.
Vinh ngạc nhiên:
- Bị bố. Phải rồi có cái bao bố biết đi. Ai ở trong cái bao đó?
- Người của Việt minh. Người đó có lẽ là Hai Cà, bị bắt cách nay hơn một tuần. Anh Hai ở ngoài Ngã ba Trung lương. Có lẽ anh ấy bị tra tấn mà không chịu khai các đồng chí của mình, mật thám Tây không phá vỡ được tổ chức Việt minh nên làm một cuộc bố ráp để cầu may.
- Nhưng tại sao lại bố ráp ở xóm đó. Anh vừa mới nói ông Hai Cà nào đó ở Ngã ba Trung lương kia mà.
Anh Loan im lặng suy nghĩ một chút rồi đáp:
- Anh cũng không thể biết rõ được. Tuy nhiên anh đoán thế nầy. Hai Cà bị tra tấn dữ quá, chịu không nổi mới khai là có nhận hay giao tài liệu cho một người nào đó không biết tên cư ngụ trong xóm ấy. Chắc chắn là từ khuya, lúc chưa hết giới nghiêm, mật thám và lính đã vây kín xóm nầy, không cho ai ra vô.
- Nhưng hai đứa em vô được mà.
- Hai em đến đó thì trời sáng lắm rồi phải không? Cuộc bố ráp sắp xong nên thằng lính mới dễ dãi với các em. Vã lại, đi ra bị cấm nghiêm nhặt hơn đi vào. Hai em lại là học sinh. Người mà chúng cần bắt đang ngồi trong cái vòng tròn người mà em vừa kể khi nãy.
- Chúng trùm ông Hai Cà trong bao bố, khoét hai cái lỗ đen thui làm hai con mắt để ông Hai có thể nhìn ra người cùng trong tổ chức Việt minh, có phải vậy không?
Anh Loan gật đầu:
- Đúng vậy. Chúng dẫn người bị trùm bao bố đi nhiều vòng để nhìn mặt, bao bố gật người nào thì bắt người đó đem đi tra khảo.
- Nhưng tại sao phải trùm Hai Cà trong bao bố để che dấu. Cứ để cho ông ấy tự nhiên như người thường, đến chỉ người nào thì bắt người đó không được sao?
Anh Loan mỉm cười:
- Cậu học trò nầy lắm thắc mắc quá.
Bỗng nhiên, anh thôi cười, mặt anh đanh lại một cách dễ sợ. Giọng anh trầm xuống:
- Lúc Hai Cà bị đem đến đó thì đã bị đánh nhừ tử mấy ngày rồi. Bọn “chó má” hiểu rằng đem cái mặt sưng vù và tím như mồng tơi của Hai Cà ra mà trình trước đám đông có thể gây phẩn nộ trong dân chúng. Hơn nữa, nếu có anh phóng viên nào đứng đó chụp hình thì rất bất lợi cho chúng đối với dư luận trong nước và thế giới.
Anh Loan dừng lại, ngồi trầm ngâm; Vinh im lặng chờ đợi. Một phút sau, anh nói tiếp:
- Một lý do khác nữa để trùm kín Hai Cà là thằng Tây cũng hiểu được chút tâm lý. Người bị bắt chịu đựng sự tra tấn mà không khai, một là vì họ là người anh hùng thà chết chứ không phản bội, hai là họ sợ bị thi hành kỷ luật về sau. Thằng Tây bắt người đi chỉ điểm phải giấu mặt vì lý do thứ hai nầy.
Tiếng nói anh nhỏ lại và buồn bã:
- Nhưng họ là những người anh hùng. Họ không bao giờ chịu chỉ điểm những đồng chí. Họ chỉ bậy bạ một ai đó để thằng Tây chấm dứt bố ráp, cho đồng bào trở về làm ăn.
- Nhưng chỉ bậy bạ như thế thì có người bị bắt oan, tội nghiệp lắm.
Anh Loan trở lại với nụ cười hiền lành:
- Thế nào là oan? Cuộc kháng chiến dành độc lập là của toàn dân, ai cũng có bổn phận phải tham gia. Nếu phải chịu đựng thay cho các đồng chí để họ được ở ngoài tiếp tục hoạt động thì đó cũng là một đóng góp xứng đáng cho Tổ quốc vậy.
Anh Loan ngừng nói, im lặng móc thuốc ra hút. Thằng Vinh nhìn ra sân một chốc rồi quay lại đột ngột hỏi:
- Anh Loan, anh có phải là người của cách mạng không?
Như đã có chuẩn bị trước, anh Loan vẫn thản nhiên, hỏi lại:
- Em hỏi điều đó để làm gì?
Vinh đáp giọng cương quyết:
- Nếu đúng anh là người của cách mạng thì anh hãy đưa em vào con đường mà anh đang đi.
Nó cố gắng ghìm hơi thở dồn dập để nói một hơi dài cho hết ý:
- Cha em là một anh hùng như anh đã nói. Em muốn noi theo gương của cha em. Ông đã hi sinh cho cách mạng. Em muốn trả thù cho ông. Hôm ngoài làng, em đã muốn trốn lên chiến khu mà chưa trốn được thì cậu em đã về mang em vào đây.
Anh Loan nhìn nó và hỏi nho nhỏ, thực dịu dàng:
- Bây giờ em còn ý định đó không?
- Còn, nhưng mà….
Nó ngập ngừng, không biết có nên thố lộ tất cả tâm sự cho người thanh niên đáng kính nầy hay không. Nó muốn nói với anh hiểu rằng nó sẵn sàng ra chiến khu để làm cách mạng bất cứ lúc nào nhưng không nỡ rời xa thằng em của nó. Nó nghĩ rằng đó là một tình cảm ủy mị đáng chê trách nhưng chưa thể nào từ bỏ được.
Anh Loan nhìn nó đăm đăm rồi khom mình tới trước, nắm lấy bàn tay nó đang đặt trên mặt bàn, giọng thân mật:
- Em có gì khó nghĩ, nói cho anh nghe đi.
- Em ra chiến khu thì được rồi, nhưng thằng Tân của em ở lại một mình thì tội lắm. Hay là cho nó đi theo em được không?
Anh Loan buông tay nó ra cười xòa:
- Chẳng︠ cần phải ra chiến khu. Em có thể làm cách mạng ngay trong thành phố nầy. Hai anh em vẫn ở gần nhau. Em đồng ý chứ?
Vinh gật đầu. Anh Loan nói tiếp:
- Được rồi. Anh sẽ đưa em vào tổ chức cách mạng và sẽ bố trí công tác cho em. Nhớ đừng nói chuyện nầy cho ai nghe cả. Phải tuyệt đối giữ bí mật. Thôi em về đi, hôm nay mình nói chuyện hơi lâu rồi đó. Em cứ tiếp tục học hành bình thường, đừng để cho ai nghi ngờ gì cả. Chiều thứ tư tuần sau em lại đến đây nói chuyện với anh.
Nó nghe lời đứng dậy ôm cặp ra về. Nắng chiều đã tắt. Nó đi trong không khí hoàng hôn oi nồng mà nghe lòng lâng lâng một niềm phấn khởi tột cùng. Nó sắp đi vào con đường cách mạng của cha nó.


*
* *


Gần hai năm sau, một hôm, ăn cơm trưa xong, hai đứa về phòng. Thằng Tân leo lên giường nằm, thằng Vinh ngồi vào bàn học. Nó im lặng nhắm mắt nhớ lại công việc sáng nay thì em nó bỗng vùng dậy nói:
- Anh Vinh, em có cái nầy cho anh xem. Em tính đưa cho anh lúc tan học nhưng em quên. Em cất vào trong cặp học đây nầy.
Thằng Vinh quay lui chụp tờ giấy trên tay em, giọng hốt hoảng:
- Em lấy ở đâu ra tờ truyền đơn nầy?
- Anh ấy đưa cho em?
- Anh nào?
- Em không biết tên. Anh ấy học ở dãy lớp trung học.
- Có phải cái anh cao cao da trắng, có nốt ruồi ở dưới cằm không?
Tân reo lên:
- Phải rồi, chính anh đó. Anh có quen với anh ấy sao? Hai anh học cùng lớp phải không?
Vinh lắc đầu, vò tờ truyền đơn thành một viên bi, ngó dáo dác quanh nhà để tìm chỗ quăng đi nhưng không biết quăng vào đâu. Nó bước ra khỏi phòng, nhìn ngôi nhà lớn và lắng tai nghe. Hoàn toàn im lặng, có lẽ mọi người đang ngủ trưa. Nó cho viên giấy vào túi áo, bước ra khỏi phòng, đi ngang qua bếp, đến phòng vệ sinh. Vài giây sau, có tiếng nước dội mạnh trong đó. Nó trở về phòng mình, ngồi vào ghế. Thằng Tân vẫn ngồi yên trên giường, nhìn anh với đôi mắt tiếc rẻ:
- Sao anh không đọc đi? Cái anh đó nhét tờ giấy vào tay em và bảo đưa cho nhiều bạn khác xem.
- Em có đưa cho ai không?
- Mấy đứa trong lớp em xúm lại đọc, thích lắm. Có đứa xin nhưng em không cho. Sao anh không đọc mà liệng bỏ đi ngay vậy?
- Khỏi đọc, anh biết trong đó nói gì rồi.
- Cái anh cao cao cũng có đưa cho anh một tờ phải không?
- Không, nhưng anh biết.
Nó nhìn thẳng vào mắt em, cố lấy giọng nghiêm trang:
- Tân, em có biết tờ giấy đó rất nguy hiểm không?
Thằng bé làm ra vẻ rành rẽ:
- Biết chớ sao không. Tờ truyền đơn của Việt minh kêu gọi toàn dân tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Pháp.
- Em giữ tờ giấy đó trong người không sợ mật thám bắt sao?
- Mật thám làm sao biết được. Em cất kỹ lắm để cho anh đọc. Anh không đọc mà bỏ đi, uổng công em cất giấu.
Vinh gằn giọng:
- Anh cấm từ rày em không được mang truyền đơn hay bất cứ thứ gì nguy hiểm khác về nhà. Nghe chưa?
Thằng bé vâng dạ với nét mặt không hài lòng. Nó luôn luôn thương yêu và kính phục anh nó nhưng ngay bây giờ nó bất mãn vì anh nó quá nhút nhát đến đỗi không dám đọc tờ truyền đơn mà công khó nó đã giữ gìn và lén mang về.
Thằng bé đâu có thể ngờ rằng tờ truyền đơn đó là một trong những tờ mà sáng sớm nay anh nó đã đem vào trường phát cho một số bạn học đã được anh nó đưa vào tổ chức được từ trước. Thực vậy, chiều hôm qua, như thường lệ, Vinh ghé qua nhà anh Loan sau lúc tan học. Anh trao cho nó một cái hộp giấy, dặn dò mấy câu rồi bảo nó về ngay. Những tờ truyền đơn được xếp gọn gàng và nằm trọn trong hộp giấy đó.
Nó nhẩm tính đã được gần hai năm kể từ khi nó đi vào con đường cách mạng với anh Loan. Nó cảm thấy không hài lòng vì hoạt động cách mạng của nó không có gì sôi nổi. Nó chưa hề gặp một người cách mạng nào khác ngoài anh Loan. Công việc nhanh chóng trở nên nhàm chán. Mỗi tuần một lần, nó đến ngồi nghe anh Loan kể tình hình đấu tranh chính trị và quân sự của quân dân ta. Lúc đầu nghe cũng lạ tai nên lý thú, dần dần câu chuyện trở nên nhạt nhẽo, nó không mấy chú tâm.
Thỉnh thoảng, một cuộc đấu tranh chính trị nổ ra ngay trong thành phố, gây xáo trộn hoặc làm tê liệt sinh hoạt hằng ngày, có khi các trường học phải đóng cửa cho học trò nghỉ mấy hôm. Những lần đó, giọng anh Loan sôi nổi hẳn lên, câu chuyện trở nên lôi cuốn.
Bình thường, công tác của nó không hào hứng chút nào. Lâu lâu, anh Loan trao cho nó một bó truyền đơn hay cờ đỏ sao vàng, chỉ cho nó cách dán, rải hoặc trao cho bạn bè. Anh dặn nó kết thân với vài đứa con nhà nghèo, đưa truyền đơn cho những đứa đó và dặn cho những đứa khác xem. Nó đã thực hiện được công tác đó. Nó đã thuyết phục được ba đứa theo nó, một ở cùng lớp và hai ở lớp khác. Anh Loan tỏ ý hài lòng, nhưng nó không hài lòng chút nào về công tác cách mạng theo kiểu nhàm chán đó.
Anh Loan thường nói với nó rằng cách mạng mỗi ngày mỗi lớn mạnh thêm. Nó cũng cảm thấy được điều đó qua những tiếng súng đại bác ban đêm nổ càng ngày càng gần thành phố hơn.
Nó đã được mười sáu tuổi rồi, không còn là một đứa trẻ con nữa. Cái thân phận sớm mồ côi, cái quá khứ đầy đau thương thúc đẩy nó trưởng thành nhanh hơn những đứa trẻ bình thường. Mối căm hờn xưa kia không còn sôi sục trong lòng nữa mà đã lắng vào bề sâu trong tâm hồn để trở thành nỗi khát khao được cống hiến nhiều cho cách mạng, được hy sinh nhiều hơn nữa trong công cuộc giành độc lập cho Tổ quốc.
Một hôm, cả thành phố rúng động vì một quả lựu đạn nổ trước chợ làm cho nhiều người chết và bị thương. Trong số người chết, có một người lính bảo an đang đứng gác. Việc nầy gây cho nó một sự xúc động mạnh mẽ và một lần nữa khuấy động lòng mong muốn thực sự dấn thân cho cách mạng.
Có lần, nó tỏ thực lòng nó với anh Loan thì anh ôn tồn nói với nó:
- Em nghĩ như thế là rất tốt. Đó là tính cách của người yêu nước thực sự. Nhưng em nhớ rằng yêu nước không nhất thiết phải ôm súng lao vào quân thù. Cuộc kháng chiến của chúng ta phải có tính toàn diện và trường kỳ. Toàn diện là đấu tranh quân sự lẫn chính trị, trong đó đấu tranh chính trị là cơ bản và khó khăn hơn. Trường kỳ là phải kiên nhẫn, không được nóng vội. Em đang tham gia vào công tác đấu tranh chính trị ngay trong lòng địch. Đó là một công tác rất vinh quang, em nên hãnh diện về công tác đó.
Anh ngừng một chút để dò phản ứng của nó rồi hói tiếp:
- Nhiệm vụ càng vinh quang thì càng phải rất cẩn thận, đặc biệt là trong hoàn cảnh của em, sống trong nhà của cậu em, một tay sai đắc lực của thực dân Pháp, một kẻ thù nguy hiểm của cách mạng. Em không được để lộ ra một chút nào để cậu em có thể nghi ngờ. Nếu biết em theo cách mạng, cậu em sẽ không còn kể tình ruột thịt với em đâu. Em hiểu chưa?
Nó gật đầu một cách buồn bã. Anh Loan như cảm thấy chưa đủ thuyết phục nó nên nói tiếp với giọng đầy khí thế cách mạng:
- Em hãy hoàn toàn tin tưởng ở sự lãnh đạo của cách mạng. Thắng lợi cuối cùng ắt phải về ta, kẻ thù ắt phải bị tiêu diệt. Em nghe rõ chưa, còn thắc mắc gì nữa không?
Nó lặng thinh cúi đầu. Tự nhiên, một nỗi buồn phiền chợt hiện ra và lan tràn nhanh chóng trong lòng nó. Từ đó cho đến lúc về, nó không nói một lời nào nữa.

“ Cậu của em là tên tay sai đắc lực của thực dân Pháp, là kẻ thù nguy hiểm của cách mạng…” Câu nói đó của anh Loan bám vào đầu nó trên suốt đoạn đường về nhà. Nó dừng lại trước cổng, nhìn ngôi nhà đồ sộ, quá tương phản với những nhà lá lụp xụp ở cái xóm lao động mà mỗi ngày hai lần nó trông thấy khi đi học và trở về nhà.
Nó thừa nhận lời lên án nặng nề của anh Loan là đúng. Nó không biết rõ cậu Danh của nó giữ chức vụ gì cho thực dân Pháp vì chưa ai nói cho nó rõ điều nầy. Tuy nhiên, nó biết một cách chắc chắn rằng cậu là một viên chức cao cấp trong tỉnh, một người làm việc thẳng với Tây và được Tây tín nhiệm. Nó hiểu rằng cậu nó đang tích cực đánh phá cách mạng, đi ngược lại với quyền lợi của nhân dân và lý tưởng của nó. Tuy nhiên, chưa bao giờ nó dám nghĩ cậu là kẻ thù của nó. Lời lên án, đúng hơn là lời mạt sát của anh Loan đối với cậu làm nó đau lòng.
Cậu Danh là người ơn lớn nhất của anh em nó, sau cha và mẹ nó. Khi nghe tin mẹ nó mất và anh em nó trở thành bơ vơ, cậu đã xin nghỉ việc, lặn lội từ Nam ra Trung để đưa chúng nó vào đây. Từ cuộc sống cùng quẫn của hai đứa trẻ mồ côi, anh em nó đã được về sống yên ổn trong ngôi nhà nầy, được học hành cùng với những đứa trẻ thành phố. Từ ngôi nhà sang trọng và tiện nghi trong cái thành phố tương đối bình an nầy, cậu đã đi hàng ngàn cây số đến làng quê điêu tàn và bất ổn để cứu vớt chúng nó thì làm sao nó có thể gọi cậu là kẻ thù cho được?
Trong chương trình mà nó đã học qua, thầy cô đã dạy nó đạo lý làm người trong những bài luân lý. Điều quan trọng đầu tiên trong đạo lý làm người là phải nhớ ơn những người đã cứu giúp mình, chứ không thể xem người ơn như kẻ thù được.
Nó đưa tay bấm chuông. Người ra mở cửa không phải là bác Tư mà là em nó. Thằng bé có vẻ chờ đợi anh nó về. Vinh hỏi:
- Bác Tư đi đâu rồi?
- Bác đang ở trong nhà nói chuyện với mợ. Anh vào đây em kể anh nghe.
Tân lôi anh về phòng, nói nhanh:
- Anh có nghe tin gì chưa?
Vinh ngạc nhiên:
- Chưa, chuyện gì vậy?
- Ông cảnh sát trưởng bị ám sát.
- Ai ám sát? Lúc nào?
- Việt minh bắn chớ ai nữa. Mới chiều nay. Hai người đi trên xe Vespa bắn ông cảnh sát trưởng ở trước đồn rồi bỏ chạy mất.
- Tại sao em biết?
- Bác Tư kể lại. Lúc nãy, mợ nhờ bác ấy đi mua thứ gì đó. Bác may mắn được chứng kiến tại chỗ. Bác bảo rằng hai anh Việt minh đó thiệt là giỏi. Xe ông cảnh sát trưởng bên trong rề ra, anh lái xe ngồi trước vừa ngừng lại là anh sau bắn liền mấy phát đạn rồi chạy mất, người lính gác lúc đó đang lo đóng cửa, không kịp phản ứng gì cả.
- Ông cảnh sát trưởng chết không?
- Bác Tư nói không biết vì lúc đó bác cũng bỏ chạy như những người khác nhưng bác thấy ông ta gục xuống tay lái. Bác khen Việt minh bắn giỏi và gan dạ. Bác hỏi em dám làm như vậy không. Em nói không. Bác chê em nhát. Anh có dám không?
Vinh nhìn em cười:
- Dám chứ.
Nói xong, nó gạt thằng em qua một bên, vào góc buồng cởi áo quần dài ra rồi rút chiếc khăn, đi vào buồng tắm. Nó đứng tần ngần một lúc trước vòi nước, suy nghĩ về câu chuyện mà em nó vừa kể.
Những cuộc ám sát táo bạo thỉnh thoảng vẫn xảy ra trong thành phố, gây xôn xao dư luận. Người ta đồn với nhau rằng những người đi ám sát thuộc về một nhóm quyết tử gồm những thanh niên tài ba, có võ nghệ rất giỏi, bắn súng thì trăm phát trăm trúng. Sau khi ám sát xong, họ còn để lại một bản án. Chưa ai đọc được bản án nầy vì cơ quan an ninh đến lấy đi tức thì. Do đó nội dung bản án được mỗi người suy đoán một cách khác nhau với tội trạng được bịa ra sao cho phù hợp với chức năng của nạn nhân trong chánh quyền. Chính điều đó đã hướng dẫn dư luận dành tất cả cảm tình cho kẻ giết người. Nạn nhân ngã xuống chỉ còn được sự xót thương của chính những người thân thích của họ mà thôi.
Đối với thằng Vinh, không những nó có cảm tình với người đi ám sát mà còn hết sức thán phục hành động của họ nữa. Nó cho đó là hành động hết sức anh dũng và ước mơ có ngày trở thành một nhân viên của toán quyết tử oai hùng đó.
Nhưng nếu nạn nhân là cậu Danh của nó?
Nó bỗng hốt hoảng vì ý nghĩ đó. Nó ngắt ngay luồng tư tưởng, vội vã múc nước dội ào ào, lau khô mình mẩy và chạy nhanh ra khỏi nhà tắm như bị ma đuổi.



*
* *


Ông Danh xuống xe vào nhà, mệt mỏi ngồi phịch xuống ghế. Bà Danh từ buồng ngủ bước ra, ngồi kế bên, nhìn ông một cách lo lắng. Ông lắc đầu ngao ngán:
- Tụi nó lại rải truyền đơn kêu gọi đình công bãi thị để đòi trả tự do cho mấy thằng cộng sản cầm đầu toán biểu tình ngày hôm qua.
Bà tiếp lời:
- Sáng nay đi chợ, em thấy không khí rất căng thẳng. Người ta không còn để hết tâm trí vào việc mua bán mà túm tụm bàn bạc với nhau.
- Em có nghe họ bàn về việc gì không?
- Không, ở cái thành phố nhỏ như bàn tay nầy, mọi người đều biết mặt em nên khi lộn xộn họ đều có vẻ muốn tránh em. Em cũng giữ ý không gần gũi nói chuyện với dân lao động đó. Ra chợ mua thức ăn xong là về ngay.
Bà cúi nhìn xuống đất rồi nói tiếp:
- Em lo lắm. Tình hình có vẻ bất ổn quá.
Ông Danh gật đầu:
- Bất ổn khắp mọi nơi, tình hình càng ngày càng nặng nề. Ngoài Bắc, Việt minh đang rêu rao chiến dịch biên giới.
Bà Danh ngẩng lên:
- Chiến dịch gì vậy?
- Trung cộng chiếm được cả Hoa lục rồi. Quốc dân đảng đang rút ra đảo Đài loan để cố thủ. Nhân dịp đó, Việt minh liều mạng tấn công vào các đồn bót của quân Pháp Việt trên các tỉnh giáp giới với Trung hoa. Họ gọi đó là chiến dịch biên giới.
Bà Danh tỏ vẻ am tường:
- Chắc họ muốn có một vùng đất riêng của họ để bắt tay với Trung cộng.
Ông Danh ngắt lời:
- Đúng vậy, họ tưởng bắt tay được với Trung cộng là sung sướng lắm. Họ ngây thơ đến độ khờ dại. Họ quên rằng cái tai ách triền miên không bao giờ chấm dứt của lịch sử Việt Nam chính là cái họa phương Bắc do nước Tàu khổng lồ gây ra. Bây giờ, với chiến dịch biên giới, họ mở rộng cửa cho Tàu tràn vào thì thực là nguy khốn cho đất nước mình. Đó là mối nguy thứ nhất. Mối nguy thứ hai là Việt minh chủ trương đuổi người Pháp đi để đem cả Đông dương sát nhập vào khối cộng sản. Lúc còn học bên Pháp, anh đã từng tìm hiểu lý thuyết cộng sản, phần lớn qua những ông thầy của anh. Anh cũng đã biết được phần nào cái gì xảy ra ở đất nước Nga dưới sự cai trị tàn bạo của đảng Cộng sản nên anh thấy, ở Việt Nam, cần tiêu diệt Việt minh để ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản trước đã. Anh cho rằng bị cộng sản cai trị, dân mình sẽ còn khổ hơn bị Pháp cai trị nữa. Anh dám nói điều đó vì đã so sánh đời sống của dân Nga hiện nay với đời sống dân Việt Nam trước thế chiến thứ hai. Ách thực dân thì mình còn hi vọng cởi được chứ ách cộng sản như ở Nga bây giờ thì không mong gì chấm dứt được. Vì vậy, điều cần thiết trước tiên là đừng để cộng sản chiếm được đất nước nầy, rồi mọi việc khác sẽ tính sau.
Ông Danh ngừng nói, nhìn xuống hai bàn tay xoè rộng trên hai gối. Một lát sau, ông nói tiếp, giọng thực buồn:
- Anh làm việc với người Pháp, hết lòng giúp họ tiểu trừ Việt minh cộng sản, nhưng anh đâu có hoàn toàn vui thích. Có hôm thấy toán lính lê dương xử bắn nhiều Việt minh rồi chôn chung vào một hố, anh thấy đau lòng nhưng cũng cố làm vẻ mặt hân hoan với mọi người.
Ông lại ngừng một chút lấy thuốc ra hút rồi nói tiếp:
- Anh còn nhớ trước đây, professeur de philo của anh có nói một câu rất thấm thía: “Thượng đế sinh ra con người và bắt phải chịu đựng một cách can đảm. Sự chịu đựng chỉ chấm dứt khi người ta nhắm mắt xuôi tay”. Học trò đều bảo rằng ông thầy đó là một triết gia thuộc phái bi quan. Nhưng anh tin rằng lời nói của ông thì đúng, rất đúng cho những người có thói hay suy tư.
Bà Danh là người có học nhưng bà thích việc bếp núc, săn sóc con cái hơn là thảo luận chính trị. Tuy nhiên những khi ông nói nhiều như hôm nay thì bà kiên nhẫn ngồi nghe. Bà hiểu rằng cần phải để ông giải tỏa bớt mối ưu tư thầm kín trong lòng ông. Đó phần nào cũng là mối ưu tư của bà khi bà bắt gặp cái nhìn không mấy thiện cảm của người chung quanh, nhất là những nguời buôn gánh bán bưng và những người lao động mà bà không thể luôn luôn tránh tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày. Ngôi nhà tráng lê, cuộc sống sung túc và nhất là vai trò của chồng trong guồng máy chính quyền của Pháp làm cho bà cảm thấy gia đình bà như sống trong một ốc đảo ngay trên quê hương của bà.
Thấy ông ngồi thẩn thờ im lặng hồi lâu, bà lôi ông về với thực tế:
- Nầy anh, khi nãy, em muốn nói với anh về sự lộn xộn đang xảy ra trong thành phố của mình. Họ kêu gọi đình công bãi thị. Em lo sợ nên đã dự trữ thức ăn. Em không muốn ra chợ nữa vì cảm thấy những người quen nhìn em với đôi mắt đầy ác cảm. Em sợ nên thường nhờ anh Tư Thọ đi mua những món cần thiết. Em nghe nói ở Sài gòn cũng lộn xộn lắm phải không anh?
- Tình hình ở trên đó còn căng thẳng hơn ở đây nhiều. Học sinh, sinh viên biểu tình liên miên mấy hôm nay. Tụi nhỏ bị xúi dục gây bạo động và lính nổ súng. Có một học sinh Lycée Pétrus-Ký tên là Ơn bị bắn chết. Bên anh nhận được từ Sécurité militaireDeuxième Bureau vô số bản sao truyền đơn, chỉ thị, tài liệu học tập của Việt minh thúc đẩy tất cả các thành phố xúi dục học sinh và mọi người tham gia biểu tình vì cái chết của cậu học sinh đó.
Ông hạ thấp giọng:
- Mình cố ngăn chận biểu tình nhưng chắc không nổi. Em dự trữ một ít thức ăn là phải.
Như sực nhớ ra một điều quan trọng, ông lên giọng nói với bà:
- Em bảo ba đứa bé, ngày mai đừng đến trường. Biểu tụi nó ở nhà không được ra đường, nhất là thằng Vinh và thằng Tân. Hai đứa đó mà bị bọn phiến loạn lôi cuốn thì khổ lắm. Bên cơ quan an ninh được lệnh tránh đổ máu nhưng nếu tụi phiến loạn hành động thái quá thì điều đó khó tránh khỏi. Em phải cố giữ ba đứa ở nhà. Dặn anh Tư Thọ khóa cửa cẩn thận.
Ông Danh dợm đứng lên thì bà kéo tay ông lại:
- Anh nầy, em có chuyện muốn nói với anh từ ít lâu nay nhưng em ngần ngại, sợ anh lo buồn.
Ông âu yếm nắm tay bà:
- Em cứ nói đi, chuyện hai đứa cháu của anh sống trong nhà nầy phải không?
- Dạ phải.
Ông tỏ vẻ lo lắng:
- Thế nào em cứ nói đi. Em không vừa lòng về tụi nó thế nào?
- Thằng Tân thì rất dễ thương. Nhìn nó và con Hiền vui đùa với nhau một cách hồn nhiên, em cũng thấy vui. Nhưng thằng Vinh thì tính khí kỳ kỳ làm sao ấy.
Ông sửng sốt nhìn vợ:
- Sao vậy, nó hỗn với em hả?
- Không, với em, nó ăn nói lễ phép, chững chạc lắm. Tuy nhiên, em thấy nơi nó có cái gì đó khó chịu và khó nói lắm. Nó có vẻ không thiện cảm với nhà nầy, nhất là với em. Nó lầm lỳ, ít nói, suốt ngày ngồi trước sách vở.
Ông ngắt lời vợ, giọng an ủi:
- Con nít tính tình mỗi đứa một khác nhau. Nó là thằng ham học nên ít nói. Nó là một học sinh giỏi của trường, em biết rồi đó. Năm rồi nó nhảy một lớp mà vẫn học giỏi, sang năm là thi diplôme rồi.
- Không, em không nói về chuyện học của nó. Em muốn nói tới cái thái độ, cái tình cảm của nó đối với gia đình mình. Có cái gì đó không ổn trong đầu nó với sự sống ở đây.
Bà quay ngang, tránh nhìn vào mắt ông:
- Anh ạ, em có học hành nên em hiểu việc đưa hai đứa trẻ mồ côi đáng thương vào đây là một vấn đề lương tâm của anh. Nuôi nấng và cho chúng ăn học cho nên người cũng là một vấn đề lương tâm của anh. Em hoàn toàn tán thành điều đó. Em nói vậy để anh hiểu rằng em không có ý gì xấu xa đối với việc nuôi hai đứa cháu của anh. Nhưng em muốn nói với anh là thằng Vinh có cái gì đó không giống với những đứa trẻ học sinh khác. Nhiều hôm, em thấy nó đi học về rất trễ. Em hỏi thì nó bảo ở lại đá banh cùng các bạn trong trường. Nếu nó là đứa cởi mở và ham chơi thì nói vậy em tin ngay. Đằng này….
Câu nói nửa chừng của vợ làm ông Danh cảm thấy lành lạnh trong xương sống. Ông bỗng nhớ đến lời một triết gia nào đó: “Đàn ông hơn đàn bà về suy luận logique, đàn bà hơn đàn ông về nhận xét sự vật qua linh cảm”. Ông hết sức lo lắng.


*
* *

Sau mấy ngày náo loạn trên đường phố, cuộc sống trở lại bình thường. Chợ búa họp lại với người mua kẻ bán, trường học mở cửa, học sinh lũ lượt vào lớp. Tuy nhiên, tình hình không thực sự yên tĩnh. Cơ quan an ninh làm việc ngày đêm, quan sát cặn kẽ hình chụp các cuộc biểu tình, các nơi tụ họp đông đảo, tổng hợp tin tức các nơi gởi về. Toàn bộ lực lượng an ninh chìm được tung ra lùng sục suốt ngày suốt đêm trong thành phố và tới tấp gởi về các báo cáo tỉ mỉ. Kết quả là có rất nhiều vụ bắt bớ, nhiều cuộc bố ráp xảy ra.
Một chuyện động trời là trong số người bị cơ quan an ninh bắt giữ, có mấy người làm việc ngay trong tòa hành chánh tỉnh. Và càng động trời hơn nữa, những người bị bắt khai ông Tư Thọ là cán bộ nằm vùng được cài ngay vào nhà ông Danh, một viên chức cao cấp của tòa tỉnh trưởng. Người ta đến nhà còng tay ông Tư Thọ, lục tung phòng ở, lục sang cả phòng hai đứa bé.
Bà Danh không bị bất ngờ vì trước đó hơn một giờ đồng hồ, ông Danh ghé về cho bà hay một cách vội vàng rồi đi ngay. Tuy vậy bà cũng tối tăm mày mặt. Từ lúc ông Danh về báo tin cho đến khi mọi việc bắt bớ và khám xét phòng bác Tư Thọ xong xuôi, bà đóng cửa nằm bẹp trong phòng, trùm mền từ đầu đến chân.
Cửa phòng tuy đóng kín nhưng không ngăn được tiếng động từ bên ngoài vào, tiếng cửa bị giật mở toang, tiếng quát tháo, tiếng xô bàn ghế, tiếng rơi lịch kịch của đồ đạc bị quăng xuống đất….
Mãi đến lúc những tiếng động đó không còn nữa, bà nghe có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Bà biết đó là tiếng gõ của chị Hương. Bà tung mền bước ra mở cửa, bắt gặp ngay khuôn mặt đầm đìa nước mắt của người đầy tớ gái. Bé Hạnh ôm lấy chân bà. Bà cúi xuống bế con lên.
Bà bước lại cửa sổ, nhìn xuống phòng ông Tư Thọ. Căn phòng trống trơn, đồ đạc bừa bãi. Bà ứa nước mắt quay vào, lòng ngổn ngang trăm mối, vừa thương cảm người giúp việc hiền lành và siêng năng, vừa ghê sợ những ngày tháng sống chung với một cán bộ Việt minh. Bà lo lắng, không biết việc nầy sẽ ảnh hưởng xấu đến mức nào đối với cuộc sống của gia đình bà và vị trí của chồng bà trong chính quyền.
Trưa hôm đó, hai anh em đi học về, ngạc nhiên thấy người ra mở cửa là chị Hương chứ không phải là bác Tư Thọ như mọi ngày. Chị bảo nhỏ:
- Chú Tư bị bắt rồi.
Thằng Vinh sửng sốt:
- Chú Tư bị bắt? Hồi nào? Tại sao bị bắt?
- Sáng nay, công an đến bắt, còng tay đưa lên xe bít bùng. Họ lục tung đồ đạc phòng của chú Tư và phòng của hai cậu nữa. Vô dọn dẹp đi rồi ăn cơm.
Nói xong chị đóng cửa rồi theo sau hai đứa đi vào. Thằng Vinh đứng trước cửa phòng, tai lùng bùng nhức nhối. Thằng Tân sợ sệt kéo tay anh:
- Tại sao bác Tư bị bắt? Bác là Việt minh phải không?
Thằng Vinh bỗng dưng nổi giận, quát:
- Im đi, con nít đừng xía vô chuyện người lớn. Xếp mùng mền trên giường, rồi sắp sách vở cho gọn lại như cũ.
Tiếng rầy la của chính nó lại làm cho nó bình tĩnh trở lại. Nó vội để cặp xuống đất và cùng với em đi thu xếp đồ đạc. Trăm ngàn ý nghĩ và nỗi sợ hãi vùn vụt kéo qua đầu nó như những đám mây đen trên bầu trời trong cơn bão tố.
Nó bỗng dừng tay, nhìn sững sang hướng phòng bác Tư và nó chợt hiểu điều mà nó thắc mắc trong buổi đầu tiên gặp anh Loan, người thanh niên xa lạ. Tại sao anh Loan biết nó sống với cậu mợ, tại sao anh biết nó có mối thù với Tây trước khi nó thố lộ thân thế với anh? Những điều nầy chỉ có cậu mợ và bác Tư Thọ biết mà thôi. Thế thì chính bác đã liên lạc với anh Loan và sắp đặt cho anh Loan làm quen với nó. Rõ ràng chuyện làm rớt cái ví giữa đường để nó trông thấy là một màn kịch hết sức thô sơ nhưng rất thành công vì chỉ cần một lần đó thôi là đủ để anh tiếp xúc và đưa nó vào tổ chức. Nghĩ tới đó, nó cảm thấy nỗi lo tràn ngập trong lòng. Hai người có thể trong cùng một tổ chức. Bác bị bắt rồi thì anh Loan sẽ ra sao? Nếu anh Loan cũng bị bắt thì số phận nó sẽ ra sao?
“Đi trốn!”. Ý nghĩ nầy lóe lên đầu nó như một tia chớp. Nhưng mà trốn đâu? Nó đưa tay đập vào trán mình. Trong gần hai năm nhận công tác của cách mạng, anh Loan chưa hề đặt vấn đề nầy ra với nó. Nó cảm thấy cực kỳ bối rối.
Có tiếng chị Hương gọi hai anh em qua nhà bếp để ăn cơm, vì phòng của Bác Tư còn quá bừa bãi. Nó cố nuốt hết chén cơm như một cực hình, rồi trở về phòng nằm dài trên giường, lòng ngổn ngang trăm mối.
“Đi trốn”, hai tiếng đó cứ liên tục hiện ra trong trí nó. Nếu là hai năm trước, lúc còn ở miền Trung, việc nầy có thể đã được nó giải quyết dễ dàng: chạy thẳng lên núi hay xuống đồng ruộng rồi tìm đường vào chiến khu. Không, bây giờ nó không quá ngây thơ như thế nữa. Chiến khu không phải dễ dàng tìm được như một trường học hay một cái chợ trong thành phố.
Nó cảm thấy mệt nhọc rã rời. Nó muốn nằm ngủ suốt buổi chiều, không thiết đến lớp học nữa. Thường ngày, việc học là một niềm đam mê của nó. Bây giờ việc đó trở thành hết sức nhạt nhẽo. Tuy nhiên, hôm nay, nó vẫn phải đến trường vì chiều nay là đúng ngày hẹn thường lệ với anh Loan tại nhà.
Nó vội vùng dậy, nghe có tiếng sột soạt bên phòng bác Tư. Nó rón rén đến gần, ghé mắt nhìn sang thì thấy chị Hương đang thu dọn đồ đạc. Nó uể oải thay quần áo, lấy cặp bước ra khỏi phòng. Chị Hương dừng tay bước theo nó ra mở cổng rồi vội vàng khóa lại. Nó lầm lũi đến trường.
Lớp học buổi chiều là lớp học thêm cho một số đứa chuẩn bị kỳ thi cuối cấp trung học đệ nhất cấp. Mọi hôm nó chăm chỉ học hành nhưng chiều nay nó chẳng hiểu các thầy nói gì trong lớp. Sau giờ học cuối cùng, nó vội vàng ra khỏi trường và rảo bước trên vệ đường quen thuộc. Nó dừng lại ở ngã tư đường, lén lút nhìn về hướng nhà anh Loan. Nó định bụng, nếu thấy bóng người lạ, dù mặc sắc phục hay thường phục thì nó cũng sẽ quay lui bỏ đi lập tức.
Không có gì cả, dãy phố vẫn im lìm, vài người đàn bà thơ thẩn và vài trẻ em nô đùa như thường lệ. Nó bước sang bên kia đường và ngẩng mặt tiến tới một cách thản nhiên. Ngang qua nhà anh Loan, nó khẽ ngước mắt nhìn. Cửa đóng im ỉm chứ không mở toác ra để đón nó như mọi khi. Rõ ràng có chuyện đây rồi.
Nó có nên vào và kêu cửa hay không? Bọn mật thám có đang phục kích trong nhà anh Loan hay không? Nó bối rối tự hỏi trong khi chân vẫn rảo bước băng qua hết dãy phố. Nó cặp theo lề đường, rẽ sang bên trái rồi đi thẳng về nhà.
Nó bước qua cánh cổng của ngôi nhà vừa trải qua sóng gió sáng nay. Nó nghĩ rằng những đợt sóng khác sẽ tiếp tục tràn vào gây xáo động đời sống của mọi người trong nhà. Người ta bắt được Việt minh trong nhà nầy. Đó là một điều hết sức hệ trọng, làm sao có thể qua được một cách nhanh chóng để trả lại sự bình yên như trước.
Nhưng không, nếp sống vẫn bình yên. Những người lớn trong nhà dường như không ai muốn nhắc biến cố nầy trước mặt nó. Nó để ý thấy cậu Danh vẫn ngày hai buổi đi về, mợ nó và chị Hương có vẻ bận rộn hơn vì phải làm thêm công việc hàng ngày của bác Tư.
Độ một tuần sau biến cố, một buổi tối, chị Hương đến phòng bảo nó lên nhà trên gặp cậu nó. Nó không ngạc nhiên vì trước đây cậu vẫn thường gọi nó lên để hỏi việc học, sách vở giấy bút và cho nó tiền đóng học phí và tiền bỏ túi. Nhưng lần nầy thì nó linh cảm thấy câu chuyện của cậu quan trọng hơn nhiều.
Quả thực, nó vừa ngồi vào ghế thì cậu lên tiếng ngay:
- Vinh, cậu gọi con lên đây để nói một chuyện quan trọng.
Cậu ngưng nói như để tìm lời thích hợp hay để nó bắt đầu chú ý rồi mới tiếp lời:
- Năm nay con mười sáu tuổi rồi. Cậu nghĩ rằng con đã lớn, có thể lớn hơn những đứa bạn cùng lớp sống trong gia đình bình thường. Vì vậy, cậu muốn bàn thẳng công việc với con.
Ông nhìn vào mắt nó và nói tiếp:
- Cậu được lệnh chuyển về làm việc tại Rạch giá. Con lớn rồi, cậu không cần phải giấu giếm. Việc thuyên chuyển của cậu có liên quan đến chuyện anh Tư là Việt minh bị bắt trong nhà nầy. Nhưng đó là chuyện của ngưòi lớn, con không cần phải để tâm.
Cậu lại ngừng nói. Nó biết cậu đang lựa lời để vào thẳng vấn đề chính yếu. Nó ngồi im lặng chờ đợi. Cậu nói tiếp:
- Cậu và mợ vừa bàn về chuyện sống của hai anh em con mà chưa dứt khoát được. Vì vậy, cậu phải hỏi ý của con trước khi quyết định. Ngày mai, cậu đi nhận nhiệm sở mới. Ngôi biệt thự này là nhà chức vụ, mợ và các con có thể ở lại trong một thời gian tối đa là hai tháng rồi phải giao lại cho người khác. Tại Rạch giá, chưa biết có nhà chức vụ hay không nên chỗ trú ngụ của gia đình chưa biết trước được. Vì vậy, cậu mợ không đem theo hai con về Rạch giá được.
Ông trầm ngâm một lúc rồi tiếp lời với giọng buồn bã:
- Khi cậu về làng thì mẹ con đã mất. Tuy nhiên, cậu đã một lần hứa với linh hồn nó là sẽ lo cho hai con ăn học đến nơi đến chốn.
Vinh thấy mắt cay cay khi nghe cậu nhắc đến linh hồn của mẹ mình. Cậu đáng thương và đáng kính biết là dường nào! Lòng thương chân thành đó đã dằn vặt nó kể từ khi anh Loan dẫn nó vào con đường cách mạng. Nó thương cậu nó nên muốn xa rời cậu. Nó không muốn đối đầu trực tiếp với người họ hàng thân thiết duy nhất của anh em nó trong cuộc đời nầy. Nó cần phải xa cậu nó, không phải chỉ là chuyện tình cảm mà còn là ước mơ của nó trong công tác cách mạng nữa.
Thực vậy, sống với cậu mợ, nó bị ràng buộc chặt chẽ về giờ giấc, không được tự do thoải mái để nhận những công tác quan trọng hơn là thỉnh thoảng nhận một vài tờ truyền đơn đem rải trong trường. Không, nó muốn làm một công việc quan trọng hơn nhiều, để xứng đáng là một thành viên của cách mạng. Đã vài lần nó nói điều đó với anh Loan thì anh lại đem cái “trường kỳ” ra để trấn an nó và nhắc nhở nó phải cẩn thận hơn để bảo toàn bí mật. Nó rất muốn đi khỏi nơi nầy. Nhưng đi đâu? Về Sài gòn là tốt nhất. Thực ra, ở miền Nam nầy, ngoài Mỹ tho ra, nó chỉ còn biết Sài gòn mà thôi.
Nghĩ như thế, nó ngồi thẳng dậy, cố lấy giọng thực lễ phép:
- Thưa cậu, con muốn về Sài gòn học như anh con.
Cậu lắc đầu, buồn bã:
- Chi phí cho anh con học ở Sài gòn bấy lâu nay là một gánh nặng cho cậu mợ. Nay cậu bị thuyên chuyển về Rạch giá, lương bổng không bằng ở đây nên có lẽ phải tính lại việc học của nó. Ở Sài gòn đi học thì tốt lắm nhưng chi phí thì rất cao.
Cậu ngừng lại, xua tay rồi mới nói tiếp:
- Thôi, việc học của anh con, để cậu mợ lo. Hôm nay, cậu muốn bàn chuyện sống của hai anh em con. Cần phải bàn gấp để có ngay một giải pháp vì ngày mai cậu phải lên đường rồi. Cậu tính thế nầy, con nghe kỹ và cho cậu biết ý kiến. Cậu sẽ tìm một nhà quen gởi hai anh em ở lại tại Mỹ tho nầy, tiếp tục đi học. Vài tháng nữa, con học xong trung học đệ nhất cấp, cậu sẽ nhờ người quen tìm việc cho con đi làm. Lúc đó, con mới mười bảy tuổi, học hành chưa tới nơi tới chốn mà phải ngưng học đi kiếm ăn; điều đó làm cậu buồn lắm.
Cậu thở dài:
- Cậu không làm tròn lời hứa với linh hồn của mẹ con. Tình thế của cậu xoay theo một hướng xấu, biết làm thế nào hơn được. Đó, cậu tính cho hai con như thế, con nghĩ thế nào?
Vinh ngập ngừng:
- Dạ, cậu nói thì con nghe vậy chứ đâu có biết gì mà có ý kiến.
Cậu lại thở dài:
- Thôi con về phòng đi. Ngày mai cậu đi Rạch giá. Tình hình dưới đó cũng rối ren lắm, chưa biết lúc nào cậu về được. Mọi việc nhà và việc của hai anh em con, mợ sẽ thu xếp.
Cậu đứng dậy vỗ vai nó. Nó cũng đứng dậy theo.
Nó về phòng trông thấy em nó đã ngủ say, nét mặt thơ ngây thực là thanh thản. Nó bỗng thèm được vô tư như em nó.
Mấy ngày tiếp theo, không khí trong nhà như trĩu xuống trong một nỗi buồn da diết. Ngôi nhà đồ sộ thênh thang trở nên im lìm. Thằng Tân và con Hiền không còn chơi đùa với nhau nữa. Con bé đi học về là rúc vào phòng với mẹ và với em bé. Bà Danh thì dã dượi mệt nhọc, mọi việc bếp núc, săn sóc nhà cửa đều giao cả cho chị Hương. Vườn hoa ở sân trước bắt đầu đượm vẻ tiêu điều. Không có bàn tay chăm sóc của bác Tư, những lá cây rũ xuống vì nhớ thương. Những đóa hoa đã nở, màu sắc tàn phai, cố bám lấy chiếc cành khẳng khiu, gục đầu xuống dưới sức nặng của ưu phiền.
Ông Danh đi rồi, ngôi nhà càng thêm nét thê lương. Không còn tiếng xe lạo xạo lăn trên con đường trải sỏi, không còn bóng dáng người đàn ông cao gầy bước xuống xe khoan thai đi vào nhà. Ông đi rồi, mang theo hầu hết sinh khí của ngôi nhà.
Mỗi ngày, thằng Vinh vẫn cùng em đến trường, nhưng về đến nhà thì nó hết sức buồn rầu và xao xuyến trong lòng. Rồi đây, anh em nó sẽ ra sao? Ở lại Mỹ tho như sự sắp đặt của cậu Danh?
Không, nó không muốn sống tại nơi nầy nữa. Nó cảm thấy thành phố nầy trở nên chật hẹp và tù túng. Đó chỉ là một không gian nhỏ nhoi chứa ngôi nhà của cậu nó với những con đường mà ngày hai buổi nó đi về. Ngoài ra, Mỹ tho không còn gì nữa để tạo ra cho nó một tình cảm lưu luyến quê hương như khi nó còn sống ở làng quê của nó.
Nó mong được về sống tại Sài gòn. Sài gòn đã từng gây cho nó sự choáng ngợp trong buổi chiều nó từ tàu thủy bước lên bờ. Trong gần hai năm ở đây, nó có dịp theo cậu nó về Sài gòn vài lần. Cái thành phố mênh mông đó thực vô cùng hấp dẫn đối với nó.
Mấy hôm liên tiếp, nó sống trong trạng thái bồn chồn bất ổn. Nó cần gặp anh Loan, nhất thiết phải gặp anh Loan để tuôn hết mọi ý nghĩ trong đầu nó ra. Anh là người duy nhất trên đời nầy mà nó có thể tâm sự và cũng là người có thể cho nó lời khuyên đúng đắn nhất trong hoàn cảnh nầy. Nó đã trở lại con đường quen thuộc nhiều lần, nhưng căn nhà có cánh cửa sơn xanh vẫn đóng im ỉm, nó lại ra về với tấm lòng nặng trĩu.
Một buổi chiều trên đường về, nó chợt nghe giọng nói quen thuộc, nhỏ nhưng rõ ràng sau lưng nó:
- Vinh, anh Loan đây. Cứ tự nhiên đi tới cách sau anh một khoảng vừa đủ.
Bóng người thanh niên bước nhanh qua mặt, nó mừng rỡ cắm cúi theo sau, thẳng bước trên con đường quen thuộc. Đến gần nhà, anh đưa tay sau lưng, khoát bảo nó dừng lại. Anh đi thẳng đến căn nhà có cửa sơn xanh, mở khóa, hé cửa bước vào và đưa tay ngoắt nó. Nó vội đi tới, lách nhanh vào nhà. Anh đóng cửa lại ngay rồi gài chốt bên trong.
Căn nhà đủ sáng, nhờ những khe lá sách và lỗ thông gió bên trên. Hai người ngồi xuống ghế đối diện nhau. Nó định lên tiếng thì anh Loan ngăn nó lại:
- Anh hiểu những điều em thắc mắc. Nhưng để anh nói trước. Mình không có nhiều thì giờ đâu.
Tuy thế, anh cũng móc bao thuốc ra châm lửa rít một hơi dài, ngửa mặt phà khói lên trần nhà. Vinh im lặng theo dõi. Nó biết đó là thói quen của anh trước một câu chuyện quan trọng mà anh muốn trình bày. Cử chỉ nầy như đang dồn nén ý nghĩ thành lời để bắt đầu ào ạt tuôn ra, như một vận động viên chạy nhanh cần làm một động tác chuẩn bị trước khi phóng tới. Sau hơi thuốc, anh bắt đầu nói:
- Việc đồng chí Tư Thọ bị bắt tại nhà thì em đã biết rồi. Anh và đồng chí Thọ cùng trong chi bộ nên khi anh Thọ bị bắt thì anh phải lánh mặt. Thôi đó là chuyện cá nhân, anh nói sơ qua cho em đỡ thắc mắc thôi. Hôm nay anh phải gặp em vì hai điều cần thiết. Một là trình bày cho em rõ nghị quyết của cấp trên, hai là thảo luận để thu xếp công tác cho em.
Vinh biết hôm nay, mình sẽ giải quyết việc vô cùng quan trọng với anh Loan nên hết sức tập trung chú ý để lắng nghe. Anh Loan nói tiếp, giọng nhỏ nhưng rõ ràng:
- Vừa qua, cả nước sục sôi với khí thế đấu tranh. Ở Sài gòn, các giới đã cùng sinh viên học sinh xuống đường rầm rộ buộc địch phải nổ súng giết chết trò Trần văn Ơn. Cả nước đều phẫn uất và dư luận thế giới đồng loạt lên án hành vi dã man nầy. Ở tại địa phương mình, tỉnh ủy cũng đã phát động cao trào đấu tranh trong giới trí thức và các giới khác để hỗ trợ cho cuộc đấu tranh sôi nổi ở Sài gòn. Đó là thắng lợi vô cùng to lớn của nhân dân ta. Tuy nhiên thắng lợi nào cũng phải có cái giá phải trả. Cái giá đó là nhiều đồng chí bị lộ mặt và bị địch bắt. Địch hoảng hốt, tăng cường gắt gao sự dò xét theo dõi, canh tuần khủng bố nên nhiều cơ sở của ta bị lung lay. Do đó, anh tạm lánh mặt hai tuần nay mà không kịp báo cho em hay. Nay thì tình hình tạm lắng xuống đôi chút, tuy nhiên vẫn phải đề cao cảnh giác.
Nghe đến đây, Vinh bất giác hướng tầm mắt về phía cánh cửa đóng kín. Anh Loan hiểu ý nên tiếp lời:
- Không sao. Mấy ngày nay, anh đã đứng từ xa quan sát căn nhà nầy, thấy không có gì đáng nghi, nên anh mới dám trở lại. Tuy vậy, anh đã bỏ đi trong nửa tháng, nay đột nhiên mở toang cửa và hai anh em mình ngồi nói chuyện với nhau, ắt thế nào hàng xóm cũng chú ý. Đóng cửa im ỉm như mọi ngày vẫn tốt hơn. Bây giờ anh trình bày đến phần công tác của mình đây.
- Dạ, nhưng anh cho em hỏi thêm điều nầy nữa. Trong hai tuần lánh mặt thì anh có đi làm việc hay không?
- Đã gọi là lánh mặt thì sao còn dám đến sở làm. Tuy vậy, anh cũng đã nhờ một đồng nghiệp nộp đơn xin về quê ngay vì mẹ đau nặng và đang hấp hối. Tội nghiệp, bà già còn mạnh khỏe dưới đó chớ có đau ốm gì đâu. Thôi, đó là chuyện nhỏ. Em hãy nghe anh nói điều quan trọng đây. Vì cơ sở đã bị vỡ nên anh được lệnh chuyển công tác đi nơi khác, không còn ở thành phố nầy nữa nên hôm nay anh chấm dứt liên hệ với em. Sẽ có một người khác đến tiếp xúc và em sẽ tiếp tục công tác với người đó. Anh cho em biết mật khẩu để nhận diện người đó.
- Nhưng….
Anh Loan nhìn nó một cách nghiêm trang và ngắt lời:
- Không nhưng gì cả, đây là quyết định của lãnh đạo.
Giọng nó cương quyết:
- Anh hãy cho em nói. Em sắp rời khỏi ngôi nhà đang ở rồi. Đời sống của chúng em chưa biết định đoạt thế nào. Đời sống mà còn lửng lơ thì làm sao làm sao hoạt động được.
Anh Loan ngạc nhiên:
- Vậy hả, tại sao?
Nó kể cho anh Loan nghe việc cậu nó bị khẩn cấp thuyên chuyển về Rạch giá và nguyện vọng tha thiết của nó là về công tác tại Sài gòn. Nhưng nếu về đó thì anh em nó lấy gì để sống?
Anh Loan ngồi chú ý nghe và suy nghĩ. Sau cùng anh kết luận:
- Sau cao trào tranh đấu vừa qua, các cơ sở lãnh đạo sinh viên học sinh ở Sài gòn bị thiệt hại nhiều. Nếu đưa được em về đó thì cũng kể như một sự bổ sung đáng quý. Anh sẽ trình bày nguyện vọng của em với cấp lãnh đạo. Các đồng chí đó có lẽ sẽ chấp thuận và sẽ tạo điều kiện cho em sinh sống và công tác ở Sài gòn. Đáng lẽ hôm nay là buổi gặp gỡ cuối cùng của anh em mình, nhưng bây giờ kế hoạch có khác đi rồi. Tuần sau, em sẽ đến đây một lần nữa, cũng vào giờ nầy. Thôi, em về đi.
Anh Loan nói xong đứng dậy mở hé cửa. Vinh lách ra và trở về nhà, lòng khấp khởi mừng thầm. Nó không ngờ chiều nay lại gặp anh Loan và sự ước mong bấy lâu của nó nay trở thành quá cận kề gần như trước mắt, nó chỉ cần đưa tay ra là nắm bắt được. Nó rất tin tưởng lời hứa của anh Loan. Cách mạng có thừa khả năng để giải quyết cho anh em nó.

Nó trở lại học hành chăm chỉ và mong cho chóng hết một tuần để gặp lại anh Loan. Thì giờ chầm chậm trôi qua rồi cũng đến ngày hẹn. Anh Loan nói vắn tắt rằng nó đã được chấp thuận cho về nhận công tác tại Sài gòn và anh Loan cũng tìm được người bảo bọc cho hai anh em nó ít nhất trong một thời gian nào đó.
Nó về nhà và liên tiếp trong hai ngày, nhiều lần năn nỉ mợ cho phép nó về Sài gòn đi học. Để thuyết phục mợ chấp nhận, nó đã bịa chuyện ra rằng thầy dạy học của nó thương nó nên có ý nhận hai anh em về sống với cha mẹ của thầy ở Sài gòn. Nó còn bảo người nhà của thầy sẽ đến bến xe để đưa nó đi.
Mợ là một người nội trợ đảm đang với những công việc lặt vặt hàng ngày và chưa mảy may chịu khổ với cuộc chiến tranh đang tàn phá đất nước. Sau khi đậu tú tài xong, bà từ giã cuộc đời học sinh để trở thành người vợ hiền của một công chức cao cấp. Thành phố nầy, ngôi nhà sang trọng nầy là một pháo đài vững chắc bảo vệ bà và các con. Bom đạn rơi đâu đó bên ngoài vòng đai phòng thủ của thành phố, bà không quan tâm mấy. Những cuộc biểu tình, đình công bãi thị, khủng bố, ám sát cũng có gây cho bà xúc động nhưng không lớn lắm nhất là khi bà bước qua cánh cổng để vào nhà. Bà cảm thấy thực sự an toàn bên trong bức tường rào cao nghệu có gắn miễng chai bén ngót bên trên.
Cho nên, việc ông Tư Thọ đột nhiên bị bắt ngay trong nhà, dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng nhiệm sở của chồng trở thành biến cố quan trọng đầu tiên trong đời bà. Tinh thần bà suy sụp rõ rệt, nhưng bà cố gượng dậy, vì bà hiểu rằng, không còn người đàn ông rường cột trong nhà thì chính bà phải đảm đương sự thu xếp sao cho đừng phải ân hận về sau. Việc nhà thì chẳng có gì khó lắm nhưng gay go là việc lo cho hai đứa cháu của chồng có chỗ ăn chỗ ở tại cái thành phố mà bà không có bạn bè thân thiết và luôn luôn nhận được cái nhìn không mấy thiện cảm của người chung quanh. Bà biết sự cưu mang hai đứa trẻ mồ côi là một đòi hỏi lương tâm của chồng nên đó là một vấn đề rất nhạy cảm đối với tình nghĩa vợ chồng. Vì vậy, bà rất lo âu.
Khi nghe thằng Vinh cương quyết xin về Sài gòn mà không cần sự trợ cấp, bà đã sửng sốt, đồng thời nghe gánh nặng trên vai bà nhẹ đi rất nhiều. Bà đã lưỡng lự suốt hai ngày và cuối cùng gật đầu ưng thuận dù bà biết rằng điều nầy sẽ tạo nên nỗi ray rứt khó nguôi trong tấm lòng nhân hậu của chồng bà. Bà đã trao cho thằng Vinh một số tiền khá lớn với nhiều lời ân cần dặn dò khuyên bảo nó.
Buổi sáng, khi bà chuẩn bị đưa hai cháu ra bến xe thì con bé Hiền đòi đi theo. Mấy hôm rồi, biết thằng Tân cùng anh sẽ rời khỏi nơi đây, con bé buồn bã ra mặt. Từ gần hai năm rồi, thằng Tân là bạn thân thiết của nó trong nhà nầy. Nay thằng Tân đi luôn, chẳng còn ai chơi đùa với nó nữa. Nó mang theo ra bến xe cây “bút nguyên tử”, món đồ vật quý nhất của nó. Đây là loại viết lần đầu tiên được nhập từ châu Âu, anh Hai nó đã mua ở Sài gòn đem về làm quà sinh nhật cho nó. Thằng Tân thích cây viết nầy vô cùng. Khi ra tới bến xe, bé Hiền trao cây viết cho thằng Tân mà mắt rưng rưng làm mọi người có mặt đều cảm động.
Thằng Vinh đứng nhìn quanh và mừng rỡ khi thấy một người bàn bà mặc áo trắng, quấn khăn rằn trên đầu đi đến. Bà nầy cúi chào mợ Danh và hỏi nó có phải là Vinh không. Nó gật đầu và nói với mợ rằng đây là người nhà của thầy nó và xin phép cho anh em nó theo người đàn bà nầy lên xe. Bà Danh yên tâm chia tay, ra khỏi bến xe. Bé Hiền vừa đi vừa quay lại nhìn rồi đưa tay áo lên lau nước mắt.
Bà Danh ra về, cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Tuy nhiên, khi bước qua cổng, bà bỗng đứng yên ngẩn ngơ nhìn gian phòng nho nhỏ trống trải, cửa mở toang, trong đó, hơn hai năm rồi, hằng ngày bà trông thấy hai đứa bé lúc thúc bên nhau và hằng đêm, trong ánh đèn vàng vọt, hai mái đầu thơ dại cắm cúi trên trang vở học trò. Bà Danh thở dài, rơm rớm nước mắt, quay lại bước nhanh lên thềm của ngôi biệt thự.


*
* *

Chiếc xe đò cũ kỹ rú máy từ từ ra khỏi bến. Khi xe ra khỏi Trung lương, người đàn bà lôi trong giỏ hai chiếc bánh trao cho hai đứa và nói:
- Ăn cho đỡ đói đi hai con. Xe chạy kiểu nầy thì đến trưa mới về đến nhà. Một hai giờ chiều mới có cơm ăn.
Hai đứa bóc bánh, vừa ăn vừa nhìn ra hai bên đường. Những đám ruộng xanh mơn mởn chạy giật lùi, xa xa hàng cây bao bọc xóm làng sáng rực dưới ánh nắng ban mai. Thằng Vinh cảm thấy phơi phới trong lòng. Nó quay mặt nhìn người đàn bà đi chung. Sáng nay vội lên xe, nó chưa kịp quan sát gương mặt của bà. Nó hài lòng vì cái nét chân thật hiện rõ trong đôi mắt hiền lành, trong cử chỉ chậm rãi và thân mật của bà. Đó là người đàn bà mà anh Loan đã cho nó biết trước trong lần gặp gỡ cuối cùng. Anh đã nói với nó:
- Sẽ có một người đàn bà quấn khăn rằn đợi hai em ở bến xe. Hai em sẽ theo bà nầy lên xe và về ở tại nhà bà ấy. Mọi việc sau đó sẽ do bà lo liệu.
Nó thầm cảm ơn tổ chức cách mạng thực là chu đáo đối với anh em nó. Điều đó làm tăng thêm lòng nhiệt thành của nó đối với cách mạng.


*
* *