Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Chương 4: Lao tù (2)



Một cuộc chiến tranh dài
Tập I
Chương 4: Lao tù
(2)

Cậu bé học sinh vừa mới ở trại kỷ luật ra được đưa vào nhà riêng của giám đốc. Tin tức nầy được lan truyền nhanh chóng. Nhiều người lo sợ cậu được giám đốc nhà tù giao nhiệm vụ làm điềm chỉ viên trong trại. Lo sợ nhiều nhất chính là những đồng chí trong ban lãnh đạo bí mật, chi bộ đảng của nhà tù. Những đồng chí nầy phải luôn luôn đề cao cảnh giác, để tâm theo dõi tất cả anh em nào có dịp tiếp xúc với bất cứ nhân viên nào của nhà tù. Người được chi bộ giao trách nhiệm dò xét để tìm ra kẻ chỉ điểm chính là anh Thanh. Trong cương vị đại diện, anh có nhiều dịp lui tới văn phòng nên có nhiều khả năng hơn ai cả, thấy được anh em nào lén lút lên đây để báo cáo. Sáng hôm đó, Thanh đang kiểm tra thức ăn mà nhà thầu mang vào cho nhà bếp thì được tin Tân bị lính dẫn vào nhà giám đốc và sau đó đã trở lại vườn rau làm việc bình thường. Nghe tin, anh cảm thấy lo lắng. Nếu Tân bị tên giám đốc buộc làm điềm chỉ viên thì đó thực là điều tai hại cho cậu bé đáng thương nầy.

Sau bữa cơm trưa, mọi người về chỗ ngủ, Thanh mon men lại gần Tân và buộc cậu phải cho biết rõ đến nhà giám đốc gặp ai và để làm gì. Tân thành thực bảo rằng bà đại uý biết cậu là học sinh trung học nên nhờ cậu mỗi buổi tối kèm cho con trai bà ấy học thêm. Nghe xong, Thanh thở ra một hơi dài nhẹ nhõm:
- Em nhận lời chứ?
- Dạ, em đâu có dám từ chối. Nhưng mà….
- Nhưng mà thế nào? Em không thích việc đó à? Em nên làm đi. Các anh cũng muốn em làm công việc đó.
- Vâng, em sẽ kèm cho thằng bé con ông bà ấy học. Em đã từng tự nuôi sống mình bằng công việc kèm trẻ nầy. Tuy nhiên, em rất xúc động khi nghe bà đại úy đề nghị với em công việc nầy. Em có quá nhiều kỷ niệm êm đềm của những năm còn cắp sách đến trường và những tháng đi dạy thêm để kiếm sống.
Thanh cũng cảm động khi nghe câu nói dễ thương nầy của cậu bé, tuy nhiên do thói quen của người cộng sản, anh chưa dứt hẳn sự nghi ngờ:
- Lúc em nói chuyện, còn ai khác trong nhà nữa không?
- Không. Trong nhà chỉ có bà đại úy và đứa con gái nhỏ mà thôi. Ông đại úy có lẽ đang làm việc ở văn phòng còn cậu con trai thì đi học ở Biên hòa từ sáng cho đến chiều.
- Ngoài việc dạy học ra, bà đại úy còn nói gì khác với em nữa không?
Tân lẳng lặng lắc đầu. Thanh cố nhìn sâu vào đôi mắt của cậu và yên tâm vì không khám phá ra nét gian xảo nào trong đôi mắt ấy.
Buổi chiều, sau bữa cơm, người lính lại xuống dẫn Tân lên nhà ông giám đốc. Độ nửa giờ sau, cậu trở về, tay ôm một chồng sách. Thanh đón cậu tại cửa phòng, giọng ân cần:
- Em chưa bắt đầu công việc à?
- Chưa, bà đại úy đưa cho em số sách nầy về đọc một vài ngày để biết chương trình và các bài học của cậu Dũng, con ông giám đốc.
Thanh mỉm cười tiếp lời:
- Vậy là từ ngày mai, em được miễn công tác chăm sóc vườn rau.
- Không, em vẫn đi làm hằng ngày với các anh cho vui. Chiều về cơm nước xong em mới phải đi kèm cậu bé đó.
Hai ngày sau, công việc dạy học thực sự bắt đầu. Ngay từ buổi học đầu tiên, cậu đã tạo được sự kính nể nơi đứa học trò nhỏ. Về phần mình, cậu cũng rất hài lòng vì được sống lại những giờ phút êm đềm của cái thời còn được tự do trong thành phố.
Cuộc sống bình lặng đều đều trôi qua. Mỗi buổi chiều, từ nhà ăn trở về, Tân đến thẳng nhà ông giám đốc để dạy học. Công việc tiến triển thực tốt vì cậu đã quen từ trước; do đó, cậu nhanh chóng chinh phục được cảm tình của mọi người trong gia đình kể cả ông đại úy giám đốc. Ông là một quân nhân, phải đảm nhiệm cai quản trại tù với mấy trăm cán bộ cộng sản, những cái đầu đã chai lỳ với lý thuyết Mác Lê. Tuy thế ông là người có tâm tính hiền lành, là một người chồng, người cha tốt trong gia đình. Ông sống trong một gia đình hạnh phúc. Bà đại úy là một phụ nữ phúc hậu và đảm đang, thằng Dũng, tuy sức học tầm thường nhưng ngoan ngoãn lễ phép và con bé Loan, em nó mới lên bốn thì mũm mĩm thực dễ thương. Đôi khi, cậu có cảm tưởng như đang được chia sẻ hạnh phúc với gia đình bé nhỏ nầy và quên đi trong chốc lát thân phận tù đày của mình. Hạnh phúc gia đình bao giờ cũng là một ước mơ sâu xa và thầm kín nhất trong lòng Tân.
Mỗi ngày cậu dạy học sau buổi cơm chiều và trở về trại trong ánh đèn điện chiếu sáng khắp nơi. Cửa phòng giam đã đóng từ lâu, người giám thị tra chìa vào hai ổ khóa to tướng, mở cửa ra cho cậu vào. Nhiều anh em ngước lên nhìn. Cậu lầm lũi về chỗ ngủ của mình.
Anh đại diện Thanh càng ngày càng tỏ ra thân thiết với cậu. Anh sẵn sàng chia sẻ với cậu những món gia đình tiếp tế, khi thì món ăn, khi thì đồ dùng. Tân rất cảm động về sự ưu ái ấy. Một hôm vào ngày chủ nhật được nghỉ ngơi, anh mang cái bếp nhỏ ra hiên nhà pha cà phê cùng thưởng thức với Tân. Cà phê là món quý nhất trong tù. Khi uống xong hớp cuối cùng, anh nhích lại ngồi sát bên Tân. Bằng một giọng nửa ân cần, nửa cứng rắn, vừa đề nghị, lại vừa như ra lệnh, anh giao nhiệm vụ cho Tân để ý dò xét tình hình ở nhà ông giám đốc và báo cho anh ngay mọi việc gì đặc biệt mà cậu nghe hay thấy.
Tân không ngạc nhiên chút nào. Từ lâu cậu đã tiên đoán có ngày cậu bị giao cho trách nhiệm nầy. Dĩ nhiên, cậu không thể nào từ chối. Cuộc sống chung đụng ngày đêm ở đây đã kết mọi người thành một khối duy nhất. Không ai có thể tự tách rời ra để sống theo ý riêng của mình. Cái khối duy nhất đó đang được một nhóm người điều khiển. Cậu hiểu rằng không nên chống lại ý muốn của nhóm người nầy.
Anh Thanh tỏ ra vui vẻ khi thấy cậu bằng lòng chấp nhận cái công tác dò xét mà anh bảo là một nhiệm vụ cách mạng đầy vinh quang. Riêng cậu thì chẳng vui vẻ tí nào. Cậu vẫn không quên rằng đi tù là cái giá mà cậu phải trả để xa rời con đường cách mạng, để được sống yên ổn không bị ràng buộc bởi một lý tưởng nào cả. Nhưng bây giờ thì rõ ràng cách mạng như một cái lưới vô hình một khi đã vướng vào rồi thì khó lòng thoát ra được.


*
* *

Người tù nằm kế bên Tân tên là Quý, chưa đến ba mươi tuổi. Quý và Tân cùng chung tổ trồng rau lại nằm gần nên hai người thường hay tâm sự với nhau. Quý kể rằng, lúc chưa vào tù, anh là thợ hồ, công nhân của một nhà thầu xây dựng tư nhân. Anh đã có vợ và một đứa con trai vừa được hai tuổi. Cách nay trên ba năm, vợ anh là một cô gái xinh xắn hàng ngày gánh cơm vào bán trong công trường nơi anh đang làm việc. Hai người gặp nhau hàng ngày, yêu nhau và trở thành chồng vợ. Tình yêu của hai người không có tính thơ mộng nhưng thật là đằm thắm. Trong những ngày sống hạnh phúc với vợ con thì anh được một cán bộ nằm vùng trong công trường rỉ tai tuyên truyền để anh “giác ngộ cách mạng” và đề nghị đưa anh vào hoạt động trong một cơ sở của liên hiệp công đoàn. Anh cán bộ đã mô tả cảnh huy hoàng cho cuộc sống của người lao động như anh khi cách mạng thành công. Anh nghe mà thấy náo nức trong lòng. Tuy nhiên anh chưa muốn tham gia hoạt động bí mật mà chỉ muốn sống hạnh phúc với vợ con. Nhưng tính anh hay cả nể nên không từ chối thẳng thừng, vì vậy người bạn đồng nghiệp kia cứ tìm cách tới lui, gián tiếp coi anh như là người của cách mạng. Ít lâu sau, anh cán bộ bị bắt, cơ sở cách mạng bị phá vỡ, anh cùng nhiều người khác cũng bị bắt theo và cuối cùng bị đưa lên giam cầm tại đây. Thực là đau đớn và oan uổng cho anh, vì anh chưa hề làm một việc gì cho cách mạng.
Tân nghe anh Quý kể bỗng giật mình. Anh cán bộ nằm vùng kia có lẽ vì không chịu nổi đòn tra tấn mà phải khai ra một số người vô tội nào đó để giữ an toàn cho tổ chức.
Tính tình Quý hiền lành và chân thật nên anh không hề giấu giếm nỗi đau đớn của anh khi buộc phải xa vợ xa con. Lắm lúc anh còn buông lời oán trách người cán bộ đã tuyên truyền rủ rê anh đi vào con đường cách mạng để bây giờ anh phải chịu cảnh tù đày.
Trong hoàn cảnh bị giam cầm nầy, những lời oán trách đó làm cho mọi người xa lánh anh vì hầu hết anh em ở đây đều là cán bộ nằm vùng, ít nhất đã một lần dụ dỗ kẻ khác vào hoạt động bí mật. Nếu không phải vì lý do đó thì anh em cũng ngại tỏ tình thân mật với Quý. Ai cũng phải hiểu rằng ban lãnh đạo bí mật ở đây cũng để ý và có thể đã liệt Quý vào loại lập trường đã bị chao đảo, dễ làm tay sai cho địch để được về sớm với vợ con. Tỏ ra thân mật với một người bị để ý như thế thì thực là bất lợi. Một hôm anh Thanh đã nói với Tân:
- Thằng Quý quá nặng tình cảm với vợ con nên nó có thể bị địch lợi dụng. Đã theo cách mạng mà không sẵn sàng hi sinh tất cả thì dễ trở thành một kẻ phản bội. Em nằm gần nó thì hãy chú ý dò xét, nếu thấy có gì khả nghi thì phải báo ngay cho anh em biết.
Một lần nữa, cậu buộc phải nhận lời, có nghĩa là nhận thêm một công tác nữa mà cách mạng giao phó. Đó là công tác theo dõi, dò xét một người bạn tù đáng thương mà đêm đêm cậu thường nghe tiếng thở dài não ruột.

Công việc trong trại không nhiều. Mấy trăm con người sống trên một mảnh đất rộng chỉ khoảng hai mẫu nên tù nhân có quá nhiều thì giờ nhàn rỗi. Sự nhàn rỗi chính là sự trừng phạt khó chịu nhất đối với người ở tù. Người ta phải tìm cách nào đó có thể tập trung sự chú ý vào bất cứ việc gì để khỏi phải nhìn bánh xe thời gian quay chậm chạp và đáng sợ. Có nhiều cách giải quyết thì giờ nhàn rỗi đó: rủ nhau ngồi hàng giờ bên bàn cờ tướng, đọc báo chí tới hàng chữ cuối cùng của trang quảng cáo, miệt mài với kim chỉ để thêu thùa những bông hoa sặc sỡ trên khung vải trắng, vân vân.
Riêng Quý thì thường mỗi ngày hai buổi, anh cố tìm vui trong việc săn sóc vườn rau. Vườn rau không lớn lắm lại có đến hơn năm mươi người chăm sóc nên công viêc chỉ cần một đến hai giờ buổi sáng để tưới, nhổ cỏ, bắt sâu là xong. Sau đó mọi người rút về phòng, tắm rửa hoặc làm công việc riêng tư. Trong khi đó, Quý vẫn ở lại vườn rau, tẩn mẩn làm một số việc không cần thiết lắm. Tuy nhiên, gần một tuần lễ nay, Quý không ở lại vườn rau nữa. Trong khi tưới rau buổi sáng, anh lượm được một mảnh xương bò. Anh mang về, cặm cụi mài mảnh xương trên phiến đá nhám gần bên giếng nước. Sau ba ngày, có lẽ công việc với mảnh xương đã xong. Quý gói kỹ trong một mảnh vải bông và cất vào túi áo. Thấy anh trở vào chỗ của mình với vẻ hài lòng, Tân hỏi đùa:
- Anh Quý vừa làm xong một tác phẩm nghệ thuật để gởi đi triển lãm ở hội chợ quốc tế phải không?
Quý lắc đầu, tay sờ vào túi áo và mỉm cười:
- Một món đồ chơi làm quà cho thằng Hiển, con trai tôi.
Tân thân thiện hỏi, cốt làm vui lòng người bạn tù:
- Cháu dễ thương lắm, có đúng không nào?
Nét mặt Quý dường như bừng sáng lên:
- Vâng, dễ thương lắm, hết sức dễ thương. Cháu là cục vàng, cục ngọc, là tất cả nguồn vui sống và hi vọng của vợ chồng tôi.
Nói xong, anh vui vẻ ngồi xuống bên Tân. Sau vài phút im lặng anh lại kể cho Tân nghe một lần nữa tuổi thơ lắm long đong của anh ở làng quê mãi tận Long xuyên. Khi chiến tranh tràn tới, anh bỏ nhà, phiêu bạt lên tận Sài gòn để kiếm sống. Rồi anh cưới vợ, có con, sống hạnh phúc chẳng được bao lâu thì phải vào tù. Anh nắm lấy tay Tân, giọng nghe ngậm ngùi:
- Tôi biết ở đây, anh em không muốn gần gũi, nên tôi chỉ có thể chuyện trò với chú mà thôi. Thuở nhỏ, tôi chưa bao giờ được hưởng hạnh phúc gia đình nên tôi yêu quý vợ con tôi vô cùng. Đáng lẽ tôi phải dành trọn cuộc sống của tôi cho vợ con thì tôi lại nghe theo lời người khác xúi giục tin theo những thứ mơ hồ viễn vông để cho gia đình mình tan vỡ. Tôi đau đớn và hối hận vô cùng.
Anh ngừng lại, chép miệng thở dài và nói tiếp:
- Mới đó mà hơn một năm xa vợ, xa con rồi. Không ngày nào tôi không nghĩ đến hai người thân yêu nhất đời của tôi, không lúc nào mà tôi không mơ ước được trở về sống cùng gia đình. Đời sống bên ngoài mỗi ngày một đắt đỏ hơn, tôi lo lắng lắm. Càng nghĩ, tôi càng thấm thía cho sự sai lầm và nông nổi của mình. Lúc đó, tôi cứ tưởng người ta có lòng tốt dẫn mình vào con đường vinh quang, không ngờ….
Quý ngừng bặt một phút rồi mới nói tiếp:
- Đáng lẽ tôi không nên nói điều đó với chú nhưng tôi cần phải có ai đó để nói lên sự hối hận và buồn phiền của mình. Chú có cho rằng tôi là một tên hèn nhát, mất lập trường, sẵn sàng đầu hàng quân địch hay không? Ở đây tôi biết nhiều người đánh giá tôi như thế, vì vậy, tôi thực sự cô đơn ở nơi đông đúc ồn ào nầy. Anh em thường nhắc nhở nhau giữ vững chí khí để sẵn sàng tiếp tục hi sinh cho cách mạng. Vì vậy tôi phải câm nín, cố bịt kín tấm lòng mình lại. Nói ra có thể nguy hại cho thân mình.
Tân cảm động khi nghe lời tâm sự của anh nhưng cậu im lặng vì không biết an ủi anh thế nào cho phải lẽ.
Hai hôm sau là đến ngày thăm nuôi hàng tuần. Từ lâu lắm rồi, Tân không còn cùng với những người khác ngồi chầu chực để đợi chiếc loa gọi tên mình nữa. Cậu tình nguyện xuống bếp làm việc suốt ngày. Trước khi đi, cậu còn bắt tay anh Quý, chúc anh hôm nay vui vẻ với vợ con. Anh cười rất tươi và chỉ vào túi áo nơi có món đồ chơi bằng xương mà anh bỏ ra nhiều ngày để làm nên.
Buổi chiều, nắng sắp tắt, chiếc loa phóng thanh báo hiệu đợt thăm nuôi cuối cùng chấm dứt, Tân ngạc nhiên thấy Quý cùng một số người không được thăm nuôi uể oải đến nhà ăn để dùng bữa. Thấy vẻ mặt anh buồn rầu nên Tân không muốn đến trò chuyện.
Tối đến, sau cuộc liên hoan thường lệ, Quý nằm yên bất động trên nền xi măng, mắt mở thao láo, nhìn ánh đèn treo lơ lửng dưới mái nhà, thỉnh thoảng thở dài.
Suốt tuần lễ sau đó, vẻ mặt Quý lúc nào cũng buồn dàu dàu và lo lắng. Đêm cuối cùng trước ngày thăm nuôi, Quý tỏ ra hết sức bồn chồn, có lẽ anh thức suốt đêm để chờ đợi ánh bình minh đến. Buổi sáng, khi Tân đi đến bếp để làm việc thì đã thấy Quý áo quần tươm tất, ra dành một chỗ ngồi chờ đợi ở đầu hông dãy văn phòng.
Trưa và chiều, như thường lệ, chỉ một số ít người xuống ăn, trong đó không có Quý. Tân thầm vui vì biết anh đã gặp vợ con. Bữa ăn chấm dứt, Tân nhanh tay dọn dẹp và trở về phòng giam. Con đường đi cũng như khoảng trống bên hông văn phòng vắng vẻ hơn thường ngày, mọi người đang ở trong phòng để soạn những món tiếp tế của gia đình. Cậu nghĩ đến anh Quý và hình dung nét mặt rạng rỡ của anh sau khi đã gặp được người thân và đã trao món đồ chơi cho con trai mình.
Cậu bước vào, nhìn thấy mọi người lao xao, tiếng cười tiếng nói ồn ào. Nhìn sâu bên trong, Tân ngạc nhiên thấy Quý nằm co quắp như con tôm, hai tay đưa lên ôm đầu. Cậu dừng lại ở cửa phòng, thấy anh đại diện Thanh trên thềm nên ngồi xuống kế bên và hỏi ngay:
- Anh Quý hôm nay cũng không được thăm nuôi phải không?
Anh Thanh quay lại, thản nhiên:
- Có, vợ nó có lên thăm. Tội nghiệp hai vợ chồng.
Tân ngạc nhiên, hỏi dồn:
- Tại sao tội nghiệp? Chuyện gì vậy?
- Thằng con trai nó bị bệnh chết cách nay mấy hôm rồi.
Tân sửng sốt:
- Trời đất ơi! Thiệt vậy sao anh Thanh?
- Sao lại không thiệt? Vợ nó ngồi khóc suốt giờ thăm nuôi. Nó cũng khóc theo làm cho mọi người ở đó ai cũng xúc động.
Tân cảm thấy như nước mắt mình sắp trào ra:
- Thằng bé bị bệnh thế nào, không chữa trị được sao? Anh có hỏi thăm anh ấy không?
Anh Thanh gật đầu:
- Từ nhà thăm nuôi, nó chạy thẳng về phòng, nằm im như chết, không nói với ai tiếng nào. Tôi đến dỗ dành hồi lâu, nó mới chịu nói. Thực là một nỗi bất hạnh hết sức to lớn cho vợ chồng nó. Nó bảo rằng thằng bé bệnh nhiều ngày rồi, nhưng cứ phải theo mẹ đi bán hàng, dầm mưa dãi nắng, nên bệnh mỗi ngày một nặng hơn, đến lúc đưa vào nhà thương thì thằng bé không còn sống được nữa.
- Tuần rồi, chị Quý không lên thăm nuôi được, có lẽ vì đứa con mới mất.
- Không. Lúc đó, thằng bé đang hấp hối trong nhà thương. Sau khi thằng bé mất, việc tống táng nhờ nhà thương lo liệu, mẹ nó không có đủ tiền bạc để đem xác con về nhà lo chôn cất.
Anh Thanh chép miệng thở dài rồi nói tiếp:
- Tội nghiệp. Đời sống bên ngoài bây giờ không dễ dàng gì. Vợ nó phải tảo tần để nuôi con, chẳng có bà con nào giúp đỡ. Nó kể rằng, sau khi nó bị bắt ít lâu, bao nhiêu tiền dành dụm bấy lâu của hai vợ chồng tiêu tan hết vì vợ nó bỏ cả công việc làm ăn, mấy tháng trời chạy khắp nơi để hỏi han và thăm nuôi nó. Ở đây, ai cũng khổ, nhưng nỗi khổ của nó thì lớn hơn mọi nỗi khổ của anh em mình.
Anh nằm xuống, lẩm bẩm như để tự nhắn nhủ mình:
- Làm cách mạng là phải khổ và phải can đảm chịu đựng.
Tân đứng dậy, trở về chỗ nằm. Cậu đứng dưới đường đi, tần ngần nhìn thân mình co quắp và bất động của Quý. Cậu nghểnh cổ dòm túi áo trước ngực của anh. Chiếc túi hơi phồng lên, cậu hiểu rằng món đồ chơi bằng xương bò của bé Hiển đang nằm trong đó.
Những ngày tiếp theo, Quý luôn luôn giữ im lặng. Có lẽ, nỗi đau quá lớn vượt quá sự mong muốn được tâm sự với người khác. Nó như một nhát dao khủng khiếp chém thẳng vào tâm hồn Quý gây nên sự thương tổn vô cùng trầm trọng. Thấy anh muốn tránh xa mọi người, Tân cũng ngại ngùng không muốn gợi chuyện với anh.
Một tuần trôi qua, ngày thăm nuôi lại đến. Từ sáng sớm, khi cửa phòng giam vừa mở, Quý đã ra ngoài hông nhà để chờ đợi còn Tân vẫn xuống nhà bếp làm việc thay cho anh em. Thỉnh thoảng cậu về phòng để xem chừng chị Quý đã đến chưa. Lần nào cũng vậy, cậu cũng bắt gặp anh Quý ngồi im lặng, hướng tầm mắt về phía nhà thăm nuôi cho đến khi mọi người đều ra về, Quý lẳng lặng vào xếp hàng để đến nhà ăn.
Tân sực nhớ, cách đây hai hôm, anh Thanh có kể thêm với cậu rằng trong ngày thăm nuôi tuần trước, Quý đã nặng lời trách móc vợ về cái chết của con. Chị khóc lóc rồi ra về trước khi đợt thăm nuôi chấm dứt. Tân nghĩ rằng, có lẽ vì lý do đó mà chị giận, không đi thăm anh tuần nầy. Nỗi bất hạnh của anh Quý làm cho Tân thật xúc động nên cậu thành tâm cầu mong chị Quý trở lên thăm chồng vào tuần tới.
Thế nhưng, tuần sau và những tuần lễ kế tiếp, tiếng nói trên loa không hề gọi đến tên anh. Nét mặt Quý thường xuyên ủ dột. Anh hay ra ngồi một mình nơi một góc vắng vẻ, phía sau phòng giam.


*
* *


Đã gần hết tháng tư dương lịch mà bầu trời vẫn còn trong xanh, suốt ngày mặt trời đổ lửa xuống trần gian. Mùa nắng đã kéo dài gần sáu tháng nên các giếng nước đã cạn đi rất nhiều. Để có đủ nước tưới rau, người ta phải đào thêm vào lớp đất sét pha cát trắng phau để giếng sâu hơn. Ngoài ra, ở đáy giếng, người ta khoét sâu vào chung quanh để giếng trữ được một khối nước lớn hơn. Có tất cả năm giếng nằm rải rác khắp vườn rau, và một cái thứ sáu đào sát vòng rào kẽm gai, giữa hai vọng gác. Tân không múc nước ở giếng nầy vì những luống rau chung quanh đó được giao cho Quý săn sóc. Thỉnh thoảng, cậu cũng có đến đây, ngồi trên bờ đất, nhìn qua hàng rào kẽm gai, ngắm xóm làng xa xa bên ngoài. Hàng rào gồm hai lớp kẽm gai thẳng đứng cao hai thước và cách nhau một thước, ở giữa chằng chịt những vòng kẽm gai đan vào nhau. Bên ngoài hàng rào, cỏ mọc um tùm, có nơi cao quá đầu người. Theo lời các giám thị, không ai dám bước vào các đám cỏ um tùm đó vì có thể dẫm phải những quả mìn mà người ta gài để ngăn ngừa tù vượt ngục từ trong ra hoặc quân cách mạng tấn công từ ngoài vào.
Cũng như những giếng khác, cái giếng thứ sáu nầy sâu hơn hai mét, đáy được khoét rộng nên không trông thấy thành bên dưới, nhìn xuống chỉ thấy một khung trời hình tròn phản chiếu trên mặt nước. Tân cố nghiêng mình quan sát và tưởng tượng đáy giếng đã được khoét sâu vào bên dưới rào kẽm gai. Cậu nghĩ rằng, chỉ cần một vài giờ trong đêm, tù có thể khoét thêm vào, qua khỏi bề dày của hàng rào rồi moi lên để thoát được ra ngoài.
Đó chỉ là sự tưởng tượng của tuổi trẻ hay mơ mộng, trong một buổi chiều rảnh rỗi, không ngờ lại chính là phương cách mà anh Quý dùng để vượt ngục, một tháng sau ngày đứa con thân yêu của anh qua đời.
Buổi sáng hôm đó, như thường lệ, đèn chớp ba lần báo hiệu giờ thức dậy, tiếp theo là tiếng hô lớn của anh Thanh đại diện:
- Tới giờ rồi, thức dậy anh em ơi.
Tân vùng dậy cùng lúc với những người khác. Cậu thấy kế bên cậu trống trơn, không có Quý ở đó. Tân không quan tâm lắm vì khá lâu trước khi đèn báo thức, nhiều người đã dậy, ngồi nối đuôi nhau chờ đợi ở cuối phòng để lần lượt vào nhà vệ sinh.
Người ta đi lui, đi tới trong phòng, tiếng nói chuyện ồn ào mỗi lúc một to dần cho đến khi có tiếng khóa khua rổn rảng bên ngoài và tiếng hô to của anh đại diện:
- Tập họp điểm danh, anh em ơi.
Hai cánh cửa bật mở, viên giám thị bước vào, một người lính vác súng đứng bên ngoài. Mọi người nhanh chóng ngồi vào bốn hàng. Viên giám thị ra lệnh:
- Đếm đi!
Người đầu tiên ở hàng bìa đưa một cánh tay lên cao và la to:
- Một.
Anh hạ tay xuống thì người thứ hai tiếp tục:
- Hai.
Cứ như thế đến người dưới cùng:
- Hai mươi ba, hết.
Người đầu tiên của hàng thứ nhì tiếp theo. Việc điểm danh tiếp tục gọn gàng và nhanh chóng vì đây là công việc quá quen thuộc, lặp đi lặp lại mỗi ngày hai lần. Người cuối cùng của phòng hô to:
- Chín mươi bốn, hết
Mọi người đều giật mình vì ai cũng biết phòng giam có tất cả chín mươi lăm người.
Viên giám thị hét to:
- Thiếu một người, điểm danh lại.
Chấm dứt lần điểm danh thứ nhì, vẫn cứ “chín mươi bốn, hết”. Giọng viên giám thị trở nên hoảng hốt:
- Đúng lá thiếu một người. Vào buồng vệ sinh xem có ai còn trong đó không.
Anh Thanh vội đứng dậy, chạy về cuối phòng, xô cửa buồng vệ sinh nhìn vào và quay trở lui ngay:
- Không có ai cả!
Viên giám thị ra lệnh:
- Các anh để ý người nằm kế mình và báo ngay người vắng mặt, nhanh lên.
Tân theo lệnh nhóng cao đầu, nhìn quanh, không thấy Quý đâu cả. Cậu la to:
- Anh Quý có đây không?
Mọi người nhốn nháo. Có nhiều tiếng hỏi và trả lời trong các hàng:
- Quý đâu, Quý đâu rồi?
- Nó đi mất rồi.
Anh Thanh nhảy lên chỗ ngủ của Quý, đưa chân đá vào tấm ván của bức vách ở đầu nằm. Tấm ván bật ra tức thì, mọi người trông thấy ngay một lỗ hổng rất rõ ràng trong ánh sáng ban mai.
Viên giám thị hét to:
- Tất cả ngồi im trong hàng.
Ông ta quay lại người lính đang lấp ló ngoài cửa:
- Chú về báo với văn phòng có tù vượt ngục, đánh kẻng báo động và tập họp đại đội đi lục soát, nhanh lên.
Không bao lâu sau, người ta tìm được nơi vượt ngục của Quý. Chính là cái lỗ thông ở đáy giếng xuyên qua bên dưới rào kẽm gai.
Tân và một số người nằm gần Quý được gọi lên văn phòng để lấy lời khai và cuối cùng người ta kết luận rằng Quý đã một mình toan tính vượt ngục từ nhiều ngày trước và không có người nào đáng nghi là có tham gia vào âm mưu đó. Tuy nhiên, cả trại bị phạt giam trong phòng suốt ngày, chỉ được ra ngoài ba bữa ăn rồi trở về phòng điểm danh ngay.
Nội trong buổi sáng, người ta lấp kín cái giếng kế cận hàng rào. Nhóm tù làm ở trại mộc, ngưng công việc thường ngày để đi đóng lại tất cả các tấm vách của các phòng. Tiếng đóng đinh ầm ầm vang lên từ phòng nọ sang phòng kia, đến xế chiều mới chấm dứt.
Câu chuyện Quý vượt ngục được bàn tán xôn xao trong các trại trong vài ngày rồi dần dần không ai nhắc đến nữa. Tuy nhiên sự xúc động trong lòng Tân vẫn kéo dài khá lâu. Chỗ nằm của Quý vẫn để trống vì những người kế cận chẳng buồn xê dịch. Do đó, mỗi khi nhìn sang bên cạnh, không thấy dáng nằm co quắp của Quý, cậu lại thấy bùi ngùi. Cậu thường tự hỏi: “Anh Quý vượt ngục để làm gì?”. Chắc chắn không phải tìm về với cách mạng để tiếp tục con đường tranh đấu như những cán bộ cộng sản đã làm. Tân biết Quý không còn tha thiết với cách mạng nữa, trái lại anh còn tỏ ra hối hận vì đã nghe theo lời vận động của cán bộ cộng sản để đến nỗi đánh mất hạnh phúc gia đình.
Thế thì Quý vượt ngục để làm gì? Để tìm lại người vợ mà anh đã nặng lời trách móc trong khi chị cũng đang gánh chịu nỗi đau vô cùng vô tận? Để trở về chốn cũ, hỏi thăm ngôi mộ của đứa con thân yêu rồi đặt lên đó món đồ chơi làm bằng xương bò mà người cha đau khổ chưa kịp trao cho con mình? Tân suýt bật khóc với ý nghĩ nầy.

Sự vượt ngục của Quý không làm gián đoạn việc dạy học của Tân. Hàng đêm cậu tiếp tục giải thích bài học, bài làm cho Dũng. Việc học của cậu bé tiến bộ rõ rệt Tình cảm của cả gia đình ông giám đốc đối với cậu không có gì thay đổi. Vẫn cái nhìn thân mật của ông đại úy, vẫn thái độ ân cần và ly nước mát trong tay bà đại úy, vẫn nụ cười thân yêu và kính phục của Dũng và vẫn nét mặt thơ ngây và trìu mến của bé Loan đối với cậu. Gia đình ông Giám đốc cho cậu một phần nào hương vị ngọt ngào của hạnh phúc gia đình mà cậu thiếu thốn. Nhưng tiếc thay, hương vị ngọt ngào nầy sớm chấm dứt.
Khoảng mười ngày sau khi Quý vượt ngục, chấm dứt buổi học, Tân định trở về phòng giam thì bà đại úy bảo cậu ngồi lại trong phòng khách. Bà nói với cậu:
- Ngày mai, em không còn đến đây dạy cho Dũng học nữa.
Tân sửng sốt. Bà mỉm cười nói tiếp:
- Chúng tôi rất tiếc. Dũng thích học với em. Em đã có công dạy Dũng nên việc học của nó tiến bộ rõ rệt. Vợ chồng chúng tôi cám ơn em rất nhiều. Nhà tôi mới vừa được lệnh thuyên chuyển đi nơi khác.
Tân hỏi với giọng rụt rè:
- Có phải vì việc anh Quý vượt ngục hay không?
Bà đại úy lắc đầu:
- Không phải vì lý do đó. Theo thông lệ, nhân viên nhà giam từ giám đốc đến lính gác chỉ làm việc một thời gian rồi thay đổi. Vài hôm nữa, chúng tôi phải rời khỏi nơi đây để nhường chỗ cho gia đình giám đốc mới.
Bà đứng dậy, đến bàn, lấy một gói giấy và trở lại chỗ ngồi. Bà nói:
- Cách đây mấy hôm, tôi có hỏi giám thị thì biết rằng em chưa hề được thăm nuôi vì không còn bà con thân thuộc ở đây. Thực là tội nghiệp cho em. Vợ chồng chúng tôi muốn tặng em món quà nhỏ, một bộ quần áo và một ít tiền. Em hãy nhận lấy.
Bà gập người về phía trước, trao gói giấy cho Tân. Cậu rất cảm động khi đưa cả hai tay ra đỡ lấy gói quà. Cậu đứng dậy bước ra cửa để trở về phòng giam, bỗng cảm thấy xót xa như vừa đánh mất một cái gì đó thực là︠ quý giá.


*
* *

Cái tin thay đổi giám đốc nhà tù mà Tân mang về cho anh Thanh lập tức được truyền đến cho mọi người khắp tất cả các phòng, gây nên sự bàn tán xôn xao. Hầu hết mọi người đều phỏng đoán vị giám đốc đến thay thế sẽ khó khăn hơn vị giám đốc sắp ra đi.
Anh em đã đoán đúng. Người giám đốc mới là một trung úy lớn tuổi, có lẽ đã trên năm mươi. Ông ta to con, ăn nói cộc cằn, mỗi lời nói thường kèm theo tiếng chửi thề. Anh em đồn với nhau rằng ông là người ít học, đi lính cho Pháp lâu năm rồi được lên trung úy. Tin đồn nầy cũng có lý vì chính phủ quốc gia mới được thành lập ở miền Nam sử dụng lại tất cả mọi người không phân biệt quá khứ và cho họ cơ hội đồng đều để thăng tiến trong xã hội. Vì vậy, người đã từng làm việc cho Pháp trước đây, hay người từ chiến khu trở về sau hiệp định Genève đều được làm việc trong tất cả các ngành nghề tùy theo khả năng của mình.
Mới về nhậm chức, trung úy giám đốc đã muốn ra oai với tù nhân bằng một số hạn chế trong sinh hoạt. Trước tiên, số giờ bị nhốt trong phòng tăng lên, buổi sáng mở cửa trễ, buổi chiều đóng cửa sớm, buổi trưa khóa cửa phòng từ lúc ăn cơm trưa xong đến hai giờ xế chiều. Thời gian thăm nuôi cũng giảm bớt phân nửa so với trước.
Những biện pháp hạn chế nầy bắt đầu gây bất mãn trong tập thể tù nhân. Đã có nhiều lời ta thán và chửi rủa. Đối với ban lãnh đạo bí mật của tù nhân thì thời cơ đang đến. Từ bấy lâu nay, các đồng chí nầy không tìm được lý do để phát động tranh đấu, chỉ vì giám đốc cũ tỏ ra là người nhân từ, thái độ đối xử với tù nhân cũng có phần hòa nhã. Trong hàng ngũ nhân viên của chính quyền địch, bất cứ ai có lòng nhân từ cũng bị cách mạng xem là kẻ thù nguy hiểm vì họ triệt tiêu những cơ hội mà cán bộ cộng sản có thể lợi dụng để sách động quần chúng đấu tranh. Với vị giám đốc mới, cơ hội phát động đấu tranh đã sẵn sàng.
Vào tháng bảy, nước mưa rơi xuống gần như hàng ngày, công việc tưới rau giảm bớt, Tân được anh Thanh phân công vào nhà ăn, chuyên trách phần xúc cơm ra thau và mang đến các bàn ăn.
Một buổi tối, anh Thanh, đến chỗ nằm của Tân nhét vào tay cậu một cái bao và nói nhỏ vào tai:
- Bắt đầu ngày mai, lúc chia cơm, em bớt lại một ít cho vào bao nầy.
Tân ngạc nhiên:
- Để làm gì vậy. Nuôi heo phải không? Bầy heo có phần riêng của nó không cần phải cho thêm cơm của anh em mình đâu.
Thanh lấm lét nhìn quanh. Đó là thói quen của anh và của tất cả các cán bộ khác, khi sắp nói ra một điều quan trọng. Tân biết thế nên chú ý lắng nghe lời thì thầm của anh:
- Em hãy chú ý nghe anh nói cho rõ đây. Chúng ta sắp phát động tranh đấu vào ngày hai mươi tháng bảy sắp tới. Đó là một ngày quan trọng, em nhớ rồi chứ?
- Dạ nhớ, ngày ký kết hiệp định Genève.
- Phải rồi, hiệp định được ký sắp tròn hai năm. Đáng lẽ giờ nầy nhân dân hai miền chuẩn bị tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, nhưng nhà cầm quyền miền Nam ngoan cố chống lại sự thống nhất. Bên ngoài, chúng ta đang tích cực chuẩn bị đấu tranh trong ngày đó và có thể bị nhà cầm quyền thẳng tay đàn áp. Trong nầy chúng ta cũng phát động đấu tranh để hưởng ứng với bên ngoài. Em nghe rõ chưa?
- Dạ, em nghe rõ rồi. Tuy nhiên, em không hiểu tại sao em lại phải bớt phần cơm của anh em. Việc nầy có liên can gì đến cuộc đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử.
- Có chứ. Các anh dự trù đẩy cuộc tranh đấu đến hình thức cao độ là tuyệt thực. Cuộc tuyệt thực có thể kéo dài nhiều ngày cho đến khi có người ngã gục.
Tân sốt ruột:
- Thế thì để dành cơm làm gì?
- Những người ngã gục đầu tiên không thể là ban lãnh đạo được. Lãnh đạo cần sáng suốt cho đến cùng nên cần phải giữ gìn sức khỏe trong suốt thời gian đấu tranh?
Tân quay lại, không giấu được sự khó chịu:
- Nghĩa là quần chúng nhịn ăn thực sự cho đến chết. Còn ban lãnh đạo thì làm bộ tuyệt thực vì họ có cơm khô dằn bụng.
Anh Thanh trừng mắt nhìn Tân một cách hung dữ làm cậu nín bặt:
- Tân, chú im đi, nghe tôi nói. Đây là chỉ thị, không được cãi, nghe cho rõ để thi hành, không được phê phán, cũng như không được tiết lộ cho ai biết. Em phải tuyệt đối giữ kỷ luật. Nguyên tắc hoạt động cho cách mạng thì em đã hiểu rồi. Trong điều kiện bị giam cầm nầy, tình hình hết sức nguy hiểm, mỗi người trong chúng ta cần giữ gìn hơn nữa. Việc gì phân cho em làm thì em phải thi hành đúng đắn và hết sức kín đáo. Phần cơm lấy được mỗi ngày chỉ ít thôi để khỏi bị người khác chú ý. Em tìm chỗ kín trên mái tôn phơi cho khô. Khi trời mưa và buổi chiều, em đem vào giấu ở đâu đó cho thực kín đáo. Anh thấy, trong nhà bếp, có một cái lò không dùng đến, có thể cho cơm phơi rồi vào đó được, vừa kín đáo lại vừa khô ráo.
Nhìn vẻ mặt không phấn khởi của Tân, anh Thanh đoán biết cậu chưa thông, nghĩa là chưa hoàn toàn đồng ý với chủ trương của chi bộ nhà tù, nên anh vỗ vai cậu, cố lấy giọng vừa thân mật, vừa nghiêm trang:
- Em nên nhớ, làm tròn nhiệm vụ mà cách mạng giao phó là điều hết sức vinh quang cho bất cứ thanh niên nào. Cách mạng tín nhiệm em từ trước nên đã bố trí em vào công việc phát cơm để hôm nay đề cử em làm công tác chuẩn bị tranh đấu nầy.
Tân ngạc nhiên:
- Em được đưa từ vườn rau vào nhà bếp là có dự định trước?
Anh Thanh cười nho nhỏ đáp lời:
- Em nghĩ rằng việc phân công ấy là do tình cờ sao? Tổ chức phải lo xa và tiên liệu có ngày cần đến em trong công việc mà anh vừa mới giao. Em phải hãnh diện vì được tổ chức quan tâm và tín nhiệm hơn biết bao nhiêu người khác ở đây. Em có biết tại sao em nhận được sự tín nhiệm đó hay không?
Tân lắc đầu. Anh Thanh giải thích:
- Tổ chức tín nhiệm em không phải là không có lý do. Sau khi em có thành tích tốt trong cuộc tranh đấu trên đường bị giải lên đây và bị chúng nó nhốt trong trại kỷ luật thì các anh đã chú ý xây dựng cho em. Các anh đã liên lạc ra ngoài và được xác nhận em đúng là cán bộ của thành đoàn, thực sự bị địch bắt và giữ được sự trung kiên trong lúc bị điều tra, nghĩa là không khai báo gì nên cơ sở bên ngoài còn nguyên vẹn. Đại khái các anh nhận được báo cáo như thế, có đúng không?
- Dạ đúng.
- Thế em bị bắt trong trường hợp nào?
- Buổi sáng hôm đó em làm trưởng phái đoàn học sinh đến văn phòng để thảo luận với ban quản trị và hiệu trưởng nhà trường về việc tăng học phí, thì rất đông học sinh đã tự phát đến bao vây văn phòng, la lối ồn ào để phản đối nhà trường và ủng hộ chúng em. Thế là nhà trường vừa hoảng sợ, vừa có cớ để tố cáo chúng em hoạt động cho cộng sản.
Anh Thanh cười:
- Họ tố cáo đâu có sai. Em khai thế nào ở Catinat?
- Em nhất định bảo rằng chúng em chỉ muốn nhà trường đừng tăng học phí mà thôi và không có liên hệ gì với bất cứ một tổ chức nào?
Thanh nhìn thẳng vào mắt cậu:
- Em khai như thế mà họ tin được à?
- Có lẽ họ không tin nhưng khi bắt em, họ không tịch thu được một tài liệu nào cả để có thể khai thác thêm. Lúc đó có quá nhiều người bị bắt và giải đến Catinat, nhân viên không làm kịp công việc điều tra, phòng giam không còn đủ chỗ nằm cho tù nữa. Người ta sẵn sàng liệt em vào thành phần ít quan trọng.
Thanh gật gù:
- Có lẽ là như vậy.
- Chắc chắn đúng là như thế. Lúc em sắp sửa bị tra khảo tiếp theo thì chính em nghe một người trong bọn họ, có lẽ là cấp trên, bước vào nói như ra lệnh cho nhân viên đang điều tra kết thúc hồ sơ cho em để giải quyết những vụ khác quan trong hơn.
Thanh vỗ vai Tân một cách thân mật:
- Được rồi, tốt. Các anh muốn biết thêm điều đó về em. Anh sẽ báo cáo lại cho các anh rõ. Các anh cũng nhắc rằng, em còn trẻ, chưa vướng bận gia đình, tương lai còn dài. Em hãy tích cực tham gia vào cuộc tranh đấu sắp tới. Anh cũng báo riêng cho em biết một điều đáng phấn khởi. Em được các anh dự trù đưa vào diện xây dựng đảng. Có lẽ em cũng biết rằng được vào hàng ngũ của đảng tiền phong ngay trong tù là niềm vinh quanh lớn nhất của một đời người. Thôi, em chuẩn bị chỗ ngủ đi; dần dà, anh sẽ nói chuyện thêm với em.
Thanh đứng dậy về chỗ của mình. Vài phút sau, đèn chớp ba lần báo hiệu giờ ngủ bắt đầu.

Cuộc tranh đấu được khởi động sau hơn một tuần lễ. Như bất cứ cuộc tranh đấu nào, giai đoạn thứ nhất là vận động quần chúng. Ở đây, điều nầy được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng vì tất cả anh em đều đã là cán bộ hoặc đã từng tham gia tranh đấu ở ngoài đời. Mọi người đều đồng ý đứng lên phản đối các hạn chế có tính khắt khe của giám đốc mới và đòi hỏi trở lại các điều kiện sinh hoạt trước đây.
Nhà tù gồm năm trại trong đó có bốn trại Việt Cộng, ba trại nam và một trại nữ. Cả bốn trại đều chịu một hệ thống lãnh đạo bí mật chung và sẽ cùng tham gia vào cuộc tranh đấu.
Hôm nay là ngày thăm nuôi thường lệ hàng tuần. Buổi liên hoan buổi tối biến thành cuộc họp để khởi đầu cuộc tranh đấu. Ngay từ đầu, cuộc họp đã sôi nổi, không khí nhanh chóng được đốt nóng lên với nhiều ý kiến mỗi lúc một gay gắt hơn. Hầu hết mọi người đều bị kích động. Với sự lèo lái khôn khéo của ban lãnh đạo, những ý kiến phát biểu không còn giới hạn trong phạm vi đòi hỏi cho sinh hoạt trong trại nữa mà lan sang lĩnh vực chính trị. Sau cùng, mọi người biểu quyết và tất cả đồng ý cử đại diện đến gặp giám đốc nhà tù để trình bày hai điều đòi hỏi.
Điều thứ nhất là nới lỏng giờ giấc sinh hoạt như cũ. Điều thứ hai là đưa tù nhân ra tòa để xét xử hay ít nhất cho mỗi người biết thời hạn giam giữ ở đây.
Trại cử hai đại diện. Ngoài anh Thanh ra, anh em cử thêm anh Năm Tiến, theo lời giới thiệu đầy nhiệt tình của chính anh Thanh. Năm Tiến là một thanh niên còn trẻ, ăn nói thô lỗ và cộc cằn. Anh ta nguyên là bộ đội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, không có tài ăn nói nhưng rất gan lỳ. Tân ngạc nhiên về sự đề cử nầy vì cậu nghĩ rằng người đại diện mang nguyện vọng của anh em đến cho giám đốc phải là người ăn nói hoạt bác, nhanh trí để có thể xoay chuyển tình thế khi cần. Năm Tiến thì rõ ràng không thích hợp với vai trò đó. Tuy nhiên, cậu đã nhầm, hay đúng hơn, cậu chưa hiểu được dự định của ban lãnh đạo khi đưa Năm Tiến ra làm đại diện.
Quả thực vậy, qua ngày hôm sau, ăn cơm chiều xong, tám đại diện gồm sáu nam và hai nữ đột ngột kéo lên văn phòng xin gặp giám đốc. Ngay tức thì, nổ ra cuộc đấu khẩu giữa viên giám thị trực và đại diện tù nhân. Chính Năm Tiến khơi mào cho cuộc khẩu chiến nầy.
Ông trung úy giám đốc không có mặt nên sự việc được báo ngay cho giám thị trưởng giải quyết. Ông nầy tính tình hung dữ, thường hay đánh đập tù nhân. Với kinh nghiệm của nhiều năm giữ tù, ông hiểu ngay tình hình trầm trọng và tù đang phát động tranh đấu. Một mặt, ông ra lệnh báo động để trấn áp tinh thần tù nhân, mặt khác cho còng tay cả tám đại diện và đưa xuống biệt giam trong trại kỷ luật. Ông nghĩ rằng đây là những người cầm đầu nên cần phải nhốt ngay để cho số tù nhân trong các phòng như rắn mất đầu.
Tuy nhiên, ông ta đã lầm. Cái đầu không phải nơi đoàn đại diện mà ẩn sâu trong khối tù nhân. Lập tức, tất cả tù ùn ùn kéo đến sân truớc văn phòng và ngồi xuống. Kẻng trên văn phòng, kẻng trên các vọng gác đánh lên liên hồi, lính rần rần chạy đến bố trí trước cổng và dọc theo hàng rào kẽm gai. Viên giám thị trưởng hét vào máy phóng thanh:
- Tới giờ điểm danh rồi, tôi ra lệnh cho các anh, trại nào về trại đó, không còn ai được ngồi tại đây.
Đáp lại lệnh nầy là tiếng la to của một người trong hàng:
- Yêu cầu thả ngay đại diện tù nhân.
Hàng trăm tiếng cùng thét lên hưởng ứng:
- Yêu cầu, yêu cầu, yêu cầu.
Ngoài đường, xe cộ và bộ hành dừng lại nhìn vào. Tình hình rất căng thẳng và rất bất lợi cho những người cai quản nhà tù. Loa phóng thanh tiếp tục ban lệnh và dọa nạt, tù tiếp tục la hét, số người hiếu kỳ ngoài đường mỗi lúc một đông.
Đột nhiên, có tiếng còi xe hụ vang từ xa. Số đông dân chúng bên ngoài nhốn nháo và vội tản mát đi nơi khác. Hai cánh cổng mở toang, một xe Jeep chạy vào, tiếp theo là hai xe vận tải quân sự chở đầy binh sĩ, súng ống đầy đủ. Theo lệnh viên sĩ quan chỉ huy, toán lính nhanh chóng nhảy xuống xe dàn hàng ngang ngay trước mặt tù nhân.
Bấy giờ, viên giám thị trưởng từ văn phòng bước ra, nói vào máy phóng thanh cầm tay:
- Lần cuối cùng, tôi ra lệnh cho các anh trở vào phòng. Các anh có tuân lệnh tôi hay không?
Tất cả tù nhân đồng thanh:
- Không, không, yêu cầu thả ngay đại diện của chúng tôi.
Tiếng la to như sấm dậy làm cho viên sĩ quan chỉ huy toán lính giật mình. Ông khoát tay ra lệnh, những người lính đồng loạt quỳ xuống, lên đạn rôm rốp rồi nâng súng lên, báng súng tì vào vai, họng súng đen ngòm chĩa thẳng vào đám tù đang trở nên bất động.
Không gian bỗng nhiên im lặng một cách ghê rợn. Những tù nhân phía trước nhắm mắt lại. Họ sẽ là những người sẽ ngã gục đầu tiên nếu có tiếng súng vang lên.
Một phút, hai phút rồi mười phút trôi qua. Đã bắt đầu có dấu hiệu sợ hãi ở vài người. Có tiếng quát khẽ của ai đó giữa đám đông:
- Ngồi yên, không được nhúc nhích. Phải tiếp tục tranh đấu đến cùng.
Một chiếc xe Jeep chạy đến và dừng lại ngoài cổng. Hai cánh cửa mở rộng ra, chiếc xe chạy vào. Một người bước xuống. Đó chính là trung úy giám đốc. Ông ta bước nhanh đến yêu cầu vị sĩ quan chỉ huy cho lính đứng dậy chĩa súng lên trời. Ông quay sang đám tù, trừng mắt quát lớn:
- Tôi là trung úy Khâm, giám đốc trung tâm nầy. Chỉ có tôi mới đủ tư cách trả lời các đòi hỏi của các anh. Bây giờ, các anh muốn gì, nói đi.
Tiếng ồn ào nổi lên đồng loạt trong đám tù. Viên giám đốc đưa cả hai tay về trước ra lệnh im lặng và nói tiếp:
- Một người thay mặt cho toàn thể các anh nói thì mới có thể nghe được. Nào, ai đại diện đâu?
Sau một phút im lặng, có tiếng la lớn ở gần cuối đám đông.
- Đại diện bị các ông bắt nhốt vào trại kỷ luật cả rồi. Ở đây không còn ai đại diện nữa.
Viên giám đốc quay vội lại người vừa nói. Đó là một người trung niên, mang kiếng trắng có vẻ trí thức. Tân biết anh ta tên là Thìn cùng làm việc ở nhà bếp. Viên giám đốc chỉ thẳng vào mặt anh, nói to:
- Được rồi, tôi chỉ định anh đại diện cho anh em phạm nhân, nói rõ cho tôi biết các anh muốn gì?
Thìn đứng thẳng dây. Mọi người quay lại nhìn. Có tiếng thì thào nho nhỏ:
- Được, nó có thể đại diện cho anh em mình. Nó có lập trường vững và ăn nói khá lắm.
Thìn tằng hắng rồi cất tiếng chậm rãi, rõ ràng:
- Chúng tôi đòi hỏi ba điều. Thứ nhất là đưa ngay các đại diện của chúng tôi ra khỏi trại kỷ luật. Thứ hai là nới lỏng giờ sinh hoạt của chúng tôi như trước đây.
Thìn ngừng lại để lựa lời vì đòi hỏi thứ ba là một đòi hỏi có tính cách chính trị và có tầm quan trọng to lớn. Viên giám đốc gằng giọng:
- Hết chưa?
- Chưa, còn một điều nữa.
- Điều gì, nói đi.
- Các ông hãy đưa chúng tôi ra tòa nếu xét thấy có tội. Nếu không đủ yếu tố buộc tội thì trả tự do cho chúng tôi.
Lời nói rõ ràng và khúc chiết của Thìn làm mọi người hân hoan. Niềm phấn khởi chợt đến, quét đi nỗi sợ hãi trước đó vài phút. Nhiều người bị kích động, la to:
- Đúng, đúng, yêu cầu thi hành ngay những điều đó.
Viên giám đốc quắc mắt nhìn đám tù, nỗi giận vì những tiếng la ó. Tiếng nói của ông gần như là tiếng rống:
- Các anh phải giữ trật tự. Bây giờ các anh phải vào phòng ngay. Đã quá giờ quy định lâu lắm rồi. Khi các anh vào phòng rồi, tôi sẽ giải quyết nguyện vọng của các anh.
Đám đông đồng thanh hét lớn:
- Không vào, không vào. Giải quyết trước, vào phòng sau.
Viên giám đốc quay lui, ra lệnh cho đám lính:
- Tư thế tác chiến.
Cả toán đồng loạt quỳ xuống, nâng súng lên, nòng súng đen ngòm lại chĩa thẳng vào đám tù. Viên giám đốc bước xéo về một bên, ngang hàng với toán lính, hô to:
- Trung đội sẵn sàng.
Tiếng ồn ào biến mất đột ngột. Sự im lặng chợt đến một cách dễ sợ. Không khí như cô đặc lại. Những người tù ở các hàng đầu chăm chăm nhìn họng súng với cặp mắt thất thần.
Viên giám đốc hét to:
- Lần cuối cùng, tôi ra lệnh cho các anh, phòng nào về phòng nấy. Đã quá giờ giới nghiêm. Nếu không tuân lệnh tôi sẽ cho binh sĩ nổ súng.
Có tiếng nói nhỏ nghe như tiếng rít trong cổ họng:
- Đừng vào. Vào là đầu hàng, hèn nhát. Phải cương quyết đấu tranh đến cùng. Thề hy sinh cho Tổ quốc!
Không khí đang cực kỳ căn thẳng thì đột nhiên, nét mặt viên giám đốc dịu lại. Ông ra lệnh cho binh sĩ đứng dậy, quay họng súng lên trời. Ông bước đến trước đám tù, cố lấy giọng ôn tồn:
- Thôi được, tôi giải quyết ngay những điều các anh đòi hỏi. Đại diện các anh được trả về phòng ngay bây giờ. Kể từ ngày mai, giờ giấc sinh hoạt của các anh trở lại như cũ.
Ông ta ngừng một chút, nuốt nước bọt hai lần rồi nói tiếp:
- Còn điều đòi hỏi cuối cùng, việc phải đưa các anh ra tòa thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của tôi. Tôi sẽ đưa điều nây lên cấp trên. Đó, tôi đã giải quyết như thế, các anh đã thỏa mãn chưa?
- Thỏa mãn!
Một người ở hàng đầu reo lên như một nỗi vui mừng bật tung ra sau khi cái chết cận kề vừa rút lui một cách đột ngột.
- Thỏa mãn, thỏa mãn.
Tiếng reo mừng từ hàng đầu lan xuống phía dưới một cách nhanh chóng. Mọi người đứng dậy quay lui, bước nhanh đến các cửa phòng và vội vã chui vào.
Cuộc tranh đấu chấm dứt, gần như thắng lợi hoàn toàn. Cuộc tranh đấu chấm dứt, có nghĩa là không còn phải tuyệt thực nữa. Thế thì gói cơm khô mà Tân đang cất dấu bây giờ dùng để làm gì? Ngay ngày hôm sau, cậu hỏi anh Thanh điều nầy. Thanh trả lời:
- Em cứ cất dấu ở đâu đó. Các anh đang bàn bạc để phát động cuộc tranh đấu khác. Cuộc tranh đấu vừa qua hỏng rồi.
Tân ngạc nhiên:
- Tại sao vậy? Hầu hết các điều đòi hỏi của mình đã được giám đốc nhà tù chấp nhận, đó không phải là thắng lợi hay sao?
Thanh cười:
- Chúng ta tranh đấu đâu phải chỉ cần được thỏa mãn những điều đòi hỏi. Sự nhượng bộ của đối phương không phải là mục đích của cuộc tranh đấu của chúng ta.
- Thế thì mục tiêu tranh đấu là gì?
- Là gây tiếng vang ra bên ngoài. Địch càng ngoan cố, càng đàn áp mạnh thì tiếng vang càng lớn.
Tân trố mắt, bực bội hỏi:
- Nếu đêm rồi, địch nổ súng làm cho một số anh em mình ngã gục thì cảnh máu đổ thịt rơi đó sẽ gây một tiếng vang rất lớn, có thể vượt quá biên giới miền Nam nầy, và đến tận bên Mỹ, có phải không?
- Đúng vậy. Rất tiếc, tên trung úy giám đốc không dám đối đầu với anh em mình. Từ khi nó về nhậm chức ở đây, anh em đã điều nghiên và biết nó là một tên lính Pháp xưa kia, tính tình cộc cằn thô lỗ, tàn ác; không ngờ nó khôn ngoan biết nhượng bộ làm cho cuộc đấu tranh của chúng ta tàn lụi nhanh chóng.
- Thế tại sao các anh không dự trù phương cách nào đó làm cho nó nổi nóng quên cả nhượng bộ.
Thanh cười:
- Có nghĩa là chúng ta khiêu khích nó, em muốn nói thế, phải không?
Tân gật đầu. Thanh nói tiếp:
- Có chứ. Các anh có tính chuyện đó nên đã cử Năm Tiến làm đại diện, bất ngờ tên giám thị trưởng nhốt ngay anh chàng nầy cùng với những đại diện khác thành ra hỏng việc.
Tân chạnh lòng nhớ đến ánh mắt sáng rực tự hào của Năm Tiến, khi được đề cử vào đoàn đại diện.
- Vậy anh Tiến là con tốt thí mạng?
Thanh ngập ngừng một chút rồi nói lảng đi:
- Chắc tên trung úy giám đốc đã nhận được chỉ thị phải dập tắt ngay cuộc tranh đấu của chúng ta vì thế giới đang hướng tầm nhìn về miền Nam khi ngày hai mươi tháng bảy gần kề. Chẳng những nó dập tắt ngay được cuộc tranh đấu mà nó còn thúc đẩy cho tâm trạng hữu khuynh phát triển trong anh em mình.
Tân hỏi lại một cách thờ ơ:
- Anh nói tâm trạng hữu khuynh là thế nào?
- Là nghiêng về sự thỏa hiệp với địch, mất sự kiên trì tranh đấu, về lâu về dài xa rời lập trường giai cấp và có thể dẫn đến sự đầu hàng địch.
Bỗng dưng, Thanh nhìn thẳng vào mắt cậu, giọng nói vẫn nhỏ nhưng như gằn từng tiếng:
- Em nên nhớ rằng, trong giai đoạn quyết liệt nầy, phải đề phòng xu hướng hữu khuynh trong anh em và trong chính bản thân mình. Nên nhớ, con đường cách mạng còn dài và còn lắm gian nguy nên luôn luôn phải củng cố lòng kiên trì của mình, đừng để cho ý muốn thỏa hiệp với địch có dịp bám rễ trong tư tuởng mình.
Dứt câu nói nầy, Thanh đứng dậy vỗ vai cậu và bỏ đi vào phòng. Tân ngồi thừ nhìn ánh nắng xuyên qua tàn lá của hàng cây cao, rơi lỗ chỗ trên mặt đất. Sau gần một tháng, hôm nay là buổi trưa đầu tiên, các cửa phòng giam vẫn mở.
Tháng bảy, trời oi nồng dù đã bước vào mùa mưa. Trong phòng, cái nóng từ mái tôn đổ xuống hừng hực nên một số lớn tù nhân ra ngoài ngồi dưới gốc cây hoặc trên hè nhà. Họ lim dim ngủ gà ngủ gật hay tán chuyện gẫu với nhau.
Anh Thanh đi rồi, Tân còn ngồi lại suy nghĩ mông lung. Có lẽ anh Thanh đã nhìn thấy tâm trạng của Tân qua đợt tranh đấu vừa rồi và lời lên án hữu khuynh cũng là lời nhắn nhủ trực tiếp đến cho Tân. Cậu uể oải đứng dậy và lắc đầu một cách chán nản. Cái điều mà cậu muốn rứt đi quăng vào quá khứ lại cứ bám theo mãi không rời.
Đêm đó, lần đầu tiên cậu muốn ra khỏi nhà tù, xa rời những con người cách mạng đang sống chung với cậu. Nhưng cậu biết rằng, ra tù bây giờ, cậu sẽ đối mặt ngay với các đồng chí cùng cơ sở với cậu trước đây. Cậu mới xa họ chưa đầy một năm. Thời gian đó chưa đủ để họ quên cậu. Cậu biết lòng mình. Nếu bây giờ cậu được trả tự do và họ tìm đến thì cậu khó lòng từ chối, có nghĩa là cái giá mà cậu phải trả từ gần một năm nay qua ba nhà tù hóa ra vô ích.
Tân buồn bã lững thững xuống bếp quét dọn phòng ăn và sắp chén bát lên bốn dãy bàn. Xong việc vẫn còn quá sớm, lửa mới bắt đầu nhúm lên trong lò để nấu cơm chiều.
Cậu đứng tần ngần trong phòng ăn rộng thênh thang, lắng nghe tiếng ca vọng cổ nghêu ngao từ phía sau nhà ăn vọng vào. Cậu biết tại đó có một vọng gác, lính thay nhau ôm súng nhìn vào canh gác ngày đêm. Cậu lân la đi ra phía đó. Giọng ca nín bặt. Cậu nhìn lên vọng gác và mỉm cười với người lính. Anh ta cũng cười đáp lễ. Hai người vẫy tay chào thân mật. Tân lại lững thững đi vào, thấy trong lòng một mối xúc cảm nhẹ nhàng. Tại sao con người vẫn cứ phải xem nhau như kẻ thù?

Sau khi cuộc tranh đấu chấm dứt, nhiều ngày trôi qua trong bình lặng. Bên ngoài cũng không nghe nói tới một cuộc tranh đấu nào nổ ra để kỷ niệm ngày ký hiệp định Genève.
Đúng nửa tháng sau, một buổi sáng, tù đột ngột bị gọi ra sân vận động xếp hàng. Người ta lần lượt gọi tên một số lớn tù để đày đi hải đảo. Ai cũng hiểu rằng đây là kết quả của cuộc tranh đấu vừa qua. Tân không được gọi tên, có nghĩa là cậu ở lại đây với một số ít những người khác.

Đoàn xe hơn mười chiếc nối đuôi nhau chạy ra khỏi trại. Những người ở lại bị nhốt trong phòng, chen chúc nhau sau khung cửa sổ để nhìn và cố vẫy tay từ biệt. Sau khi đoàn xe đi khuất, sân nhà tù trở lại vắng lặng, Tân buồn bã về chỗ của mình, nằm gác tay lên trán, lòng ngổn ngang với bao nhiêu là cảm xúc. Tân bùi ngùi nghĩ đến những anh em đang bị chở đi không biết đến tận hải đảo xa xôi nào. Ngày mai là đúng ngày thăm nuôi; những người vợ, những bà mẹ già, những đứa con thơ dại sẽ mang thức ăn tiếp tế lên đây và không được gặp người thân. Họ sẽ trở về trong nỗi buồn đau không sao tả xiết.
Phòng giam bây giờ còn lại gần ba mươi người mà sao có vẻ vắng lặng và ảm đạm. Tân ngồi dậy thẩn thờ nhìn suốt bề dọc gian nhà. Mọi người đều im lặng và buồn bã, người thì nằm nhắm mắt, người thì ngồi túm tụm chuyện trò nho nhỏ với nhau. Tân tự hỏi cái ban lãnh đạo bí mật còn lại được mấy người ở đây. Anh Thanh đi rồi, còn ai khác sẽ đến tiếp tục ràng buộc cậu vào nhiệm vụ của cách mạng hay không?
Tân sực nhớ đến gói cơm khô chuẩn bị cho cuộc tranh đấu tuyệt thực mà không thành. Tân đã gói tất cả vào một ống quần dài mà một người bạn tù cắt bỏ và cho cậu để biến nó thành cái gối kê đầu. Nửa tháng rồi, trời mưa ẩm ướt, cộng với mồ hôi đầu thấm vào mỗi đêm nên từ trong khối cơm khô đó bắt đầu có mùi mốc xông ra. Đêm rồi cậu nghĩ rằng nếu nay mai xảy ra tranh đấu dẫn đến tuyệt thực như anh Thanh dự trù thì cái số cơm nầy có thể làm cho các vị lãnh đạo đau bụng vì trúng độc và chết trước các anh em thực tình tuyệt thực. Cậu bật cười một mình vì ý nghĩ đó. Bây giờ, có lẽ cái thành phần lãnh đạo đó đã đi rồi; trưa nay, khi được phép ra ngoài để đi ăn cơm, cậu sẽ quăng bọc cơm nầy vào hố rác ở sau phòng.

Sau chuyến chuyển tù ra hải đảo, phòng giam được rộng rãi, mỗi người chiếm một khoảng rộng để lăn qua lăn về một cách thoải mái. Tuy vậy, Tân cảm thấy thực buồn bã. Những người kế cận, thường hay đùa giỡn với Tân đã ra đi tất cả, chỉ còn anh Minh ở lại mà thôi. Trước đây, Tân không thân thiết lắm với anh. Bây giờ Tân cần gần gũi một ai đó. Vì vậy, cậu thường đến chỗ anh Minh nằm để chuyện trò cho bớt cô đơn.
Không bao lâu sau, hàng tuần đều có một đợt tù từ nơi khác đưa đến, các trại liên tục nhận thêm người và dần dần trở nên đông đúc chật chội và ồn ào. Nhà tù rút lại tất cả những gì đã nhượng bộ sau vụ tranh đấu nửa tháng trước đây. Giờ sinh hoạt bị siết lại, buổi trưa lại bị nhốt trong phòng giam để phải chịu cái nóng hầm hập từ mái tôn dội xuống.
Vào cuối tháng chín, trời luôn luôn vần vũ, mưa rơi đều đặn hàng ngày. Một buổi sáng tinh sương, vào giờ điểm danh, tiếng kẻng báo động vang lên, tù nhân nhốn nháo. Không bao lâu người ta hay tin ở phòng B kế bên có hai người tù, lợi dụng mưa to gió lớn suốt đêm, đã vượt ngục và trốn thoát ra ngoài.
Thế là suốt ngày hôm đó, tù nhân bị giữ lại trong phòng để cho cơ quan an ninh ở Sài gòn về điều tra và để trừng phạt những người còn ở lại. Tân buồn bã đi thơ thẩn từ đầu đến cuối phòng. Ngang qua chỗ Minh, thấy anh đang ngồi uống nước trà một mình nên ghé lại. Anh vui vẻ trao chén nước cho cậu. Tân đỡ lấy chén nước hỏi anh:
- Anh có biết hai người bên trại B vượt ngục bằng cách nào không?
- Họ cạy ván chui ra khỏi phòng. Nhân lúc trời mưa to bò ra đến hàng rào. Lúc đó gió rất lớn nên điện bị cúp, hai anh leo qua hàng rào ra ngoài.
- Giỏi nhỉ?
- Sao lại không giỏi. Lính đặc công xưa của Trung đoàn Gia định mà.
Tân ngạc nhiên:
- Tại sao anh biết rõ như vậy? Chúng ta bị nhốt suốt từ sáng đến bây giờ mà.
- Anh có cách liên lạc với các trại khác. Ở đây, anh đảm nhiệm công việc nầy. Anh đã quá quen nhờ kinh nghiệm ở tù lần trước.
- Trước đây, anh cũng đã từng ở tù rồi à?
Minh gật đầu:
- Có, bị Tây bắt giam hơn một năm, kể từ giữa năm 1952 đến đầu năm 1954.
- Cũng bị nhốt tại đây à?
- Không, ở bót Phú lâm, khắc nghiệt hơn ở đây nhiều lắm. Dạo đó, giám đốc trại là một thằng Tây rất tàn ác vì vậy anh em và cả đồng bào bên ngoài gọi nó là “thằng Tây điên”. Sống trong khám “thằng Tây điên” đó thì khiếp lắm. So với nơi đó thì nhà tù nầy là thiên đàng.
Anh cười rồi nói tiếp, giọng có mùi triết lý:
- Mình theo cách mạng là chấp nhận một lằn ranh rõ rệt, bên nầy là ta, bên kia là thù. Tuy nhiên, thù cũng không hoàn toàn giống nhau. Ít nhất, có hai loại. Thù cùng màu da thì dễ chịu còn thù khác màu da thì kinh khủng lắm. Anh chịu đựng nỗi kinh khủng đó đến gần hai năm dài như hai thế kỷ.
- Nhưng cuối cùng bọn nó trả tự do cho anh?
- Làm gì có chuyện đó. Anh vượt ngục.
Tân tỏ vẻ thán phục:
- Anh ra bằng cách nào?
- Cắt kẽm gai, chui ra ngoài.
- Chỗ anh chui ra không có lính gác sao?
- Sao lại không? Ở đó, sự canh gác còn chặt chẽ hơn ở đây nhiều.
- Vậy sao anh ra được? Lấy cái gì để cắt cho đứt kẽm gai?
- Kềm cộng lực. Em biết loại kềm đó không?
- Biết, nhưng trong tù, làm thế nào anh có được thứ đó?
Minh cười thành tiếng:
- Thứ gì cũng có thể mang vào trong tù được, bằng cách nhét vào gói thức ăn và đưa vào trong ngày thăm nuôi. Cũng có thể thuê tiền cho lính đưa vào cũng được. Cái khó là làm sao, ban đêm, đến sát hàng rào và cắt dây kẽm để chui ra ngoài. Cũng như ở đây, một dãy bóng đèn điện chạy dọc theo hàng rào soi sáng suốt đêm.
- Thế làm sao anh ra được?
- Nhờ một nguyên nhân mà về sau mỗi khi nhớ đến anh vẫn không hết buồn.
- Chuyện bi thảm lắm à?
- Khá bi thảm. Câu chuyện thế nầy. Trong số lính gác của nhà giam, có thằng Định, em cô cậu của vợ anh. Anh bảo vợ anh thuyết phục thằng Định để đến phiên nó gác thì anh vượt ngục. Vợ anh năn nỉ nó nhiều lần mà nó không chịu, nên cô ấy nản chí. Lúc đó anh không thể nào chịu đựng cuộc sống trong tù được nữa nên bảo vợ anh phải tiếp tục năn nỉ thằng em vợ. Nếu không đuợc thì anh sẽ liều mình vượt ngục bằng cách nào đó và cam chịu sự rủi ro rất lớn, mạng sống như chỉ mành treo chuông. Nghe anh dọa như thế, vợ anh đâm hoảng. Cô ta về ngay Mỹ tho gặp mẹ thằng Định, tức là cô ruột của vợ anh, năn nỉ bà cô suốt một ngày. Cuối cùng bà đồng ý, về Sài gòn “ra lệnh” cho con trai mình phải chấp nhận. Là đứa con có hiếu với mẹ, Định phải tuân lời nhưng bắt vợ anh phải thắp nhang đứng trước bàn thờ ba nó là tuyệt đối giữ kín chuyện nầy, nghĩa là không bao giờ nói với một người nào khác, trong bất cứ trường hợp nào. Rồi nó bảo vợ anh trong ngày thăm nuôi phải bắt anh thề độc ba lần.
Tân phì cười:
- Anh có thề không?
- Có chứ, anh lặp lại theo lời vợ anh, thề giữ kín cho đứa em họ, nếu sai lời thì quỷ thần bắt anh xuống địa ngục.
Tân cười khì:
- Anh là người cộng sản mà cũng tin quỷ thần trừng phạt à?
- Chẳng tin gì cả nhưng cũng phải làm theo lời vợ anh cho được việc.
- Không tin quỷ thần nhưng anh có ý định giữ đúng lời thề không?
- Có chứ, anh nhất định giữ kín chuyện nầy cho đến chết, không phải vì sợ quỷ thần lôi xuống địa ngục mà vì danh dự của anh và của vợ anh đối với thằng em. Chính vì nhất định giữ đúng lời thề mà anh gặp chuyện vô cùng cay đắng.
- Tại sao vậy?
- Để anh kể câu chuyện một cách tuần tự thì em mới hiểu được. Thằng Định đồng ý rồi, anh bảo vợ anh sắp đặt công việc với nó và ấn định đêm hành động là một đêm tối trời vì không có trăng. Ra khỏi phòng giam thì không mấy khó khăn, vì trước đó nhiều ngày, anh đã kín đáo cưa đứt song sắt cửa sổ. Đợi anh em ngủ hết anh phóng nhanh ra khỏi phòng giam và bò đến gần hàng rào khoảng giữa hai chòi canh, một chòi thì hơi khuất, chòi kia thì quan sát dễ dàng. Anh yên tâm, cái chòi có thể thấy được thì do thằng Định đang gác. Từ khi chiều, nó đã tìm cách thông báo cho anh biết điều đó rồi. Lúc anh ra sát hàng rào thì trời chuyển mưa, gió thổi ù ù, mấy bóng đèn lắc lư. Ngay chỗ anh đứng, có một bóng đèn từ trên đầu trụ rào rọi xuống. Anh lượm một cây sắt ở chân hàng rào.
Tân chận lời:
- Tại sao có cây sắt để sẵn vậy?
- Chính thằng Định để đó. Nó nói với vợ anh là anh phải làm cho bóng đèn đó tắt đi để nó đỡ bị nghi ngờ sau khi anh vượt ngục. Cây sắt đầu có móc. Anh đứng thẳng người, thò cái móc vào bên trên bóng đèn giật mạnh. Dây dẫn điện đứt, bóng đèn đó tắt ngay.
- Rồi sau đó anh cắt kẽm gai và chui ra ngoài.
Minh cười:
- Đúng vậy.
- Anh có biết sau khi anh đi rồi thì cái ông em vợ của anh có bị lôi thôi gì không?
- Mãi sau khi hòa bình được lặp lại thì anh mới gặp vợ anh. Nhắc đến chuyện đó, cô ta khóc và kể lại rằng sáng hôm sau, người ta phát giác ra ngay nơi anh cắt kẽm gai nên nó bị an ninh quân đội điều tra. Nó không nhận tội nhưng vẫn bị đẩy ra chiến trường Hòa bình tận ngoài Bắc. Không bao lâu sau, nó bị tử trận ở ngoài đó. Thiệt là tội nghiệp.
Tân tặc lưỡi:
- Quả thực là tội nghiệp, chú em vợ của anh đã phải trả giá quá đắt cho sự tự do của anh.
Minh tiếp lời với giọng buồn buồn:
- Đúng là nó đã phải trả giá đắt cho chuyện vượt ngục chứ không phải cho sự tự do của anh.
Tân ngạc nhiên:
- Vượt ngục với tự do là mấy thứ?
- Hai thứ khác nhau. Để anh kể tiếp em nghe. Sau khi thoát khỏi trại tù, anh may mắn tìm được ngay giao liên và về tới đơn vị không mấy khó khăn. Đêm đó, anh em nấu chè liên hoan mừng anh trở về nhưng ngay ngày hôm sau, anh bị điều tra. Người ta bắt anh khai tỉ mỉ cách vượt ngục của anh. Trong toàn bộ diễn tiến thì cái điểm mà anh không thể làm cho họ xuôi tai được, chính là cái lý do tại sao anh đến sát hàng rào, bứt đứt dây đèn, cắt kẽm gai mà lính gác không hay biết.
- Nghĩa là anh không khai sự trợ giúp của ông em vợ phải không?
- Đúng vậy. Anh không muốn vi phạm lời thề. Vả lại, nếu anh nói ra sự giúp đỡ của cậu em vợ thì công an cũng không tin ngay đâu. Công an là chúa nghi ngờ mà. Bị công an nghi ngờ thì thực là điêu đứng. Thời gian đó, anh vô cùng đau khổ. Mình vô tội, muốn ra khỏi tù để phục vụ cho cách mạng mà bị đối xử như người có tội vậy.
- Về sau, anh có được minh oan không?
- Không, anh bị giam giữ, ngày thì đi cuốc đất, tối về bị cùm chân. Cho đến khi hiệp định Genève được ký kết, họ thả anh ra, tuyên bố anh vô tội và đề nghị anh tiếp tục phục vụ cho cách mạng.
- Rồi anh vẫn tiếp tục theo cách mạng? Việc người ta đối xử với anh như thế không làm cho anh phẫn uất hoặc bất mãn hay sao? Em nhớ ông đại úy giám đốc cũ của nhà tù nầy cũng rơi vào trường hợp bị nghi ngờ như anh sau khi vượt ngục và ông ta từ giã luôn con đường cách mạng của mình và nhảy qua hàng ngũ đối nghịch.
- Anh không ngạc nhiên về điều đó. Chắc chắn nhiều người cũng lâm vào hoàn cảnh đau khổ như anh. Đôi khi, nhớ lại, anh vẫn còn thấy buồn và xót xa cho thân phận mình lúc đó, nhưng anh không phẫn uất hay bất mãn. Anh hiểu rằng cơ sở cách mạng nằm ngay trong lòng địch và chiến khu ở không xa vùng địch chiếm đóng nên cần phải hết sức cảnh giác. Thà để cho mười người bị chết oan chứ nhất định không để cho một người của địch cài vào hàng ngũ mình. Anh đã rèn luyện tư tưởng đó trong bao nhiêu năm và anh đã nhìn người khác, nhìn cả cuộc đời qua tư tưởng đó thì người khác nhìn anh như thế cũng là hợp lý.
Anh dừng một chút rồi nói tiếp như giãi bày tâm sự:
- Vả lại, anh nhất quyết theo cách mạng cũng vì lý do tự ái.
- Tự ái thế nào?
Anh khoát tay:
- Để anh giải thích em nghe. Lúc điều tra anh, có lần đồng chí công an nặng lời mạt sát anh và bảo rằng anh ngoan cố không chịu khai sự thật. Đồng chí đó có ý nói rằng anh đã phản bội. Anh nổi nóng cự lại: “Tôi nói cho đồng chí rõ, tôi và đồng chí, chưa chắc ai trung kiên hơn ai”. Anh ta độp lại ngay: “Anh nói anh trung kiên hơn tôi hả. Ha, ha, tôi rán sống để xem anh trung kiên với cách mạng hay với quân thù”. Hôm đó anh giận đến uất người. Anh thề theo cách mạng đến cùng, sẽ cố gắng được đảm nhiệm một chức vụ cao và hi vọng gặp lại đồng chí công an đó.
Bỗng dưng, Minh ngồi thẳng dậy, hỏi Tân bằng giọng hơi đổi khác:
- Em có biết tại sao anh kể chuyện vượt ngục xưa cũ của anh cho em nghe không?
Tân lắc đầu:
- Không.
Anh nói tiếp:
- Anh theo cách mạng từ năm 1945, đến nay được mười một năm rồi, trải qua biết bao chặn đường gian khổ, nhưng riêng cái chuyện vượt ngục, gián tiếp làm liên lụy đến thằng em vợ làm cho anh mỗi lần nhớ tới là còn thấy xúc động như chuyện vừa xảy ra vài hôm trước. Đó có lẽ là kỷ niệm sâu nhất trong cuộc đời làm cách mạng của anh. Từ sáng đến giờ chính chuyẹn vượt ngục của hai đồng chí ở phòng B làm sống lại kỷ niệm đáng buồn đó. Anh biết họ dự định vượt ngục từ gần một tháng nay rồi. Anh đã ngăn mà không được.
Tân sửng sốt:
- Trời đất, anh biết trước à.
Minh gật đầu:
- Em hãy tuyệt đối giữ kín chuyện nầy. Hiện nay trong các phòng giam anh em mình, có hai khuynh hướng khác nhau. Khuynh hướng thứ nhất có tính chất bạo động như vượt ngục hay phá ngục. Khuynh hướng thứ hai thì bất bạo động, chủ trương đấu tranh chính trị, tuyệt thực để gây tiếng vang ra bên ngoài.
- Em chẳng thấy khuynh hướng gì cả trong anh em mình. Hầu hết cố gắng chịu đựng để chờ ngày được trả tự do.
- Em không thấy là phải vì hai khuynh hướng mà anh nói chỉ thuộc về nhóm nồng cốt, một số ít người trong anh em mình nhưng lại là những người quyết định đường lối đấu tranh trong trại và lôi cuốn đa số còn lại đi theo. Khuynh hướng bạo động còn được gọi là khuynh hướng quân sự vì những người chủ trương thuộc các lực lượng vũ trang trước đây. Họ không ngại đổ máu, thích hành động ồn ào hơn là ngồi rỉ rả vận động hay giải thích cho từng người. Khuynh hướng không bạo động còn được gọi là khuynh hướng chính trị là thuộc về các đồng chí trước đây là cán bộ chính quyền hay đoàn thể. Họ chủ trương tranh đấu không đổ máu.
- Hiện nay trong trại chúng ta, khuynh hướng nào mạnh hơn?
- Khuynh hướng chính trị mạnh hơn. Các đồng chí bí thư hiện nay và trước kia đều thuộc về khuynh hướng nầy. Tuy nhiên, các đồng chí cánh quân sự rất cứng đầu, nhất định đòi tổ chức vượt ngục hay phá ngục dù có bị tổn thất cũng chịu. Họ cho rằng bên ngoài, địch ráo riết hoạt động, có quá nhiều cán bộ bị bắt, quá nhiều cơ sở bị phá vỡ nên cần phải ra để tái lập hay củng cố lại lực lượng. Các đồng chí phe kia phản đối quyết liệt. Họ lý luận rằng những người đang bị giam cầm ở đây bị lộ mặt rồi, trong tình hình hiện nay, nếu có vượt ngục thành công đi nữa ra ngoài cũng trốn chui trốn nhủi một cách khó khăn, nói gì đến chuyện hoạt động trở lại. Trước đây, vượt ngục ra thì chui vào chiến khu là an toàn. Bây giờ, chiến khu đã bị giải tán theo hiệp định Genève thì ẩn núp vào đâu?
- Cánh quân sự có chịu bỏ ý định vượt ngục hay phá ngục không?
- Không, họ nhất định phải thoát ra ngoài trước đã, mọi việc tiếp theo sẽ tính sau. Anh biết trước họ sẽ làm theo ý họ mà không cần đến ý kiến của lãnh đạo.
- Và đêm vừa rồi họ đã hành động.
Minh mỉm cười:
- Đúng là hai đồng chí thuộc nhóm quân sự chứ không ai khác.
- Theo anh thì hai anh đó có thoát được không?
- Có lẽ thoát được nhưng thoát được trong bao lâu? Điều lợi hay bất lợi sau nầy thì chưa ai biết nhưng nội cái việc họ vượt ngục thành công chắc chắn sẽ khuyến khích những người khác hành động theo họ.
- Và thế là cánh chính trị các anh có việc để làm rồi.
Minh ngạc nhiên:
- Em muốn nói gì vậy?
- Anh bảo rằng sẽ có nhiều vụ vượt ngục tiếp tục, vậy là nhà tù có cớ để siết chặt sinh hoạt của anh em mình và lãnh đạo có lý do để phát động đấu tranh theo đường lối chính trị của các anh.
Minh cười:
- Đúng vậy. Chú mày lý luận khá lắm. Anh hỏi chú mày nói thiệt cho anh nghe. Chú mày có muốn đi không?
- Có, muốn đi lắm chứ nhưng không phải đi vượt ngục mà đi xuống nhà bếp làm việc. Bị nhốt trong phòng thế nầy tù túng, bực bội lắm.
Minh cười to:
- Thôi rán chịu đựng cho hết ngày hôm nay. Anh nghĩ rằng họ chỉ nhốt chúng ta một ngày để dằn mặt và gọi là có biện pháp trừng phạt để báo cáo lên cấp trên. Họ chẳng muốn nhốt chúng ta lâu đâu vì cũng ngại gây phẫn uất trong tập thể tù. Nổ ra đấu tranh thì cũng phiền phức cho họ lắm.
Câu chuyện chấm dứt. Ngay ngày hôm sau, sinh hoạt trở lại bình thường. Buổi sáng, cửa phòng mở toang. Sau khi điểm danh xong, mọi người đều được ra khỏi phòng, được thoải mái hít thở không khí trong lành của buổi bình minh. Một số ra sân tập thể dục, một số khác lân la đến phòng B để hỏi tin tức hai người vượt ngục. Quả đúng như lời anh Minh, hai người ra đi đều là lính trinh sát trong quân đội Việt minh trước đây. Trong cơn mưa to, họ đã chui ra khỏi phòng, làm vỡ được bóng đèn ở hàng rào và vạch kẽm gai bò ra ngoài đi mất.
Cũng quả như lời anh Minh tiên đoán, vụ vượt ngục thành công dễ dàng nầy kích thích lòng ham muốn tự do nơi nhiều người khác. Nửa tháng sau, hai người khác mưu vượt ngục nhưng không thành. Nhà tù đã đề phòng, tăng thêm các toán tuần tra. Hai người bò đến gần hàng rào thì bị phát giác. May cho họ là lính không bắn chết tại chỗ và chỉ bắn lên trời để báo động. Lập tức hai người bị bắt, còng tay nhốt vào xà lim, sáng hôm sau giải về Sài gòn. Từ đó anh em không biết tin tức về họ nữa.

Bước vào tháng mười hai, mùa mưa đã chấm dứt, không khí cuối thu mát mẻ dễ chịu, vườn rau xanh um phủ kín các luống đất trong khu canh tác. Trên sân vận động, trên đường đi, mặt đất khô ráo và sạch sẽ nên mỗi buổi chiều sau bữa cơm, rất ít người vội vào phòng. Hầu hết ở bên ngoài để tận hưởng khoảng không gian tương đối rộng rãi, trong những giờ phút cuối cùng của một ngày trước khi bị nhốt vào trong phòng giam đã có quá đông người.
Từ nhiều tháng nay, chỉ có một chuyến tù ra hải đảo còn tù ở khám Gia định thì được đều đều đưa lên hàng tháng. Số tù trong phòng trở nên quá đông, gấp bốn, gấp năm lần so với lúc Tân mới bị giải lên đây. Hai bệ xi măng dùng làm giường nằm không còn đủ chỗ, người ta xếp lớp nằm dưới đường đi, người ta ngủ trên những cái võng căn từ vách nầy sang vách kia. Không khí trong phòng trở nên ngột ngạt và vô cùng ồn ào làm cho tinh thần mọi người thường xuyên căng thẳng, khó giữ được sự hòa thuận với nhau. Thỉnh thoảng xảy ra xô xát giữa hai người. Lập tức cả phòng đều náo động. Người ta la hét, ngã đè lên nhau, đồ đạc đổ ngổn ngang. Cảnh hỗn loạn chỉ chấm dứt khi giám thị mở cửa vào, theo sau là hai người lính, súng cầm tay. Hai người đánh nhau bị còng tay đem biệt giam ở trại kỷ luật trong vài hôm và bị phạt ăn cơm với muối. Biện pháp khá cứng rắn nầy làm cho tù cố gắng tự kìm chế, nhờ đó trật tự trong phòng được duy trì một cách tương đối.
Có lẽ hoàn cảnh nầy đã thúc đẩy nhóm quân sự cương quyết hành động và nhóm chính trị cũng không màng phản đối nữa.

Một buổi chiều, trời thực đẹp, Tân cùng mấy anh em khác dọn dẹp chén bát và rửa bàn ăn xong, nhưng cậu chưa vội về phòng. Như thói quen hàng ngày, cậu đến ngồi trên thành giếng ngắm nhìn bầu trời trong xanh với nhiều cánh cò trắng tha thướt bay về tổ. Từ hướng văn phòng, tiếng nhạc, tiếng ca hát vọng xuống nghe vui tai. Tân biết đó là tiếng hát do đài phát thanh Sài gòn phát ra qua hai chiếc loa đặt hai bên văn phòng. Mỗi buổi nhiều đều có chương trình ca nhạc và có rất nhiều tù nhân ngồi thưởng thức.
Bỗng Tân giật nẩy người khi nghe nổi lên tiếng la ó ồn ào. Tiếng la to cho đến đổi át cả tiếng ca nhạc trong loa. Cậu bật dậy, chạy ra đầu sân vận động trố mắt nhìn lên. Cậu thấy một đám đông đang chạy ào ra cổng. Cậu sửng sốt trong vài phút rồi chợt hiểu. Một làn sóng tù đang vượt ngục tập thể dưới ánh sáng buổi chiều khi màn đêm chưa xuống.
Tân phóng chạy về phía đó. Tiếng la bỗng nín bặt khi tiếng súng vang lên chát chúa. Tân dừng lại, nhào xuống nằm mọp, mặt úp trên đất khô ráo. Súng tiếp tục nổ một lúc rồi ngưng một cách đột ngột. Tân ngóc đầu dậy, căng mắt ra nhìn, thấy trước sân, người ta tiếp tục chạy ào ào ra cổng. Cậu bật đứng lên, phóng tới trước. Cậu cố chạy nhanh hơn, băng qua sân vận động, băng qua hai trại tù, định nhập vào làn sóng người đang phóng như điên như cuồng ra đường lộ.
Bỗng tai cậu bùng lên, màng nhĩ như rách tung vì tiếng nổ chát chúa. Tiếng súng liên hồi, tiếng súng từ hai vọng gác ở hai đầu sân cùng lúc gầm lên. Cậu thấy trước mặt, nhiều người ngã xuống giãy giụa. Hoảng kinh, cậu nhào xuống cái mương cạn dùng dẫn nước mưa, úp mặt xuống đáy mương vài giây rồi ngóc đầu lên. Súng vẫn nổ giòn, đạn xỉa xuống mặt đất tung bụi mịt mù. Trên sân, nhiều người ngã xuống quằn quại, tiếng la tiếng thét đau đớn hòa cùng tiếng súng. Xuyên qua làn bụi mỏng trắng đục, cậu nhìn thấy hai cánh cổng to đóng kín, phía trong một số người khá đông nằm mọp chồng chất lên nhau thành một đống.
Súng ngưng nổ. Cánh cổng hé mở, vài người vọt ra đường, nhưng súng lại nổ vang, những người vừa chạy ra gục xuống, số còn lại vội quay lui phóng về phía các phòng giam. Khi họ băng qua sân thì một loạt đạn rải xuống làm cho nhiều người ngã lăn, nằm chồng lên những xác có sẵn.
Tân bỏ ý định chạy ra cổng. Cậu nhìn về phía phòng giam của mình và nghĩ rằng bên trong là nơi an toàn nhất hiện giờ. Cửa phòng tuy còn mở nhưng bị một đống người bịt kín. Ai cũng muốn chui vào nhưng không được; cửa quá nhỏ mà người thì lại quá đông. Họ nằm mọp không dám ngóc đầu dậy khi súng vẫn nổ giòn và những viên đạn vẫn tung bụi mịt mù ngoài sân.
Súng ngưng nổ nhưng đống người trước cửa phòng giam vẫn nằm im không dám nhúc nhích.
Tân thu hết can đảm rời đường mương, lết qua con đường, tim đập thình thịch như trống làng. Cậu nhỏm dậy, lom khom chạy tới và nằm ẹp phía sau người ngoài cùng trong số những người đang bít cửa phòng giam. Cậu ngóc đầu dậy nhìn ra sân. Những xác người nằm rải rác im lìm. Cậu nhìn thấy rõ những vũng máu loang trên mặt đất. Có lẽ họ chết cả rồi.
Bỗng có tiếng thét rùng rợn vang lên:
- Bọn khốn nạn, bọn cộng sản khốn nạn, tao giết hết tụi bây.
Tân nhìn ra sân thấy viên giám thị trưởng như một hung thần. Mặt đỏ gay, hắn vừa chạy vừa rống như một con dã thú. Tay cầm cây súng lục, hắn lên đạn bắn vào mấy cái xác trên sân. Ba tiếng nổ khô khan vang lên, những cái xác vẫn nằm yên bất động. Hắn đưa súng lên trời, xoay một vòng, la hét như một kẻ điên cuồng. Hắn dừng lại, quay súng về phía cửa trại, tiếp tục hét như một thằng điên:
- Giết, tao phải giết cho tụi bây chết hết!
Tân nhìn thấy họng súng tròn vo, đen ngòm trên tay hắn chĩa thẳng về phía mình. Cậu bật lên như một cái lò xo, phóng bò nhanh qua đầu những người nằm phía trước, chui qua khung cửa và lọt vào phòng. Mọi người cũng vội vàng phóng vào theo.
Tân bình tĩnh lại dần dần. Cậu nghe những tiếng la to bên ngoài. Đó không phải là những tiếng thét của tù mà là những tiếng hô của lính, của giám thị lẫn với tiếng chân chạy rầm rập.
Cánh cửa phòng đóng sầm lại, liền theo là tiếng khóa lách cách. Tân lết về chỗ nằm của mình, mệt mỏi rã rời. Cậu nhắm nghiền mắt, trong đầu lại diễn ra khung cảnh mà cậu vừa chứng kiến, tiếng súng nổ giòn, thây người rải rác trên sân, họng súng đen ngòm của viên giám thị chĩa thẳng vào mặt cậu…. Sau đó tên hung thần có bóp cò hay không? Cậu không biết. Cậu chỉ nhớ rằng, trong nỗi hoảng hốt cùng cực, bản năng sinh tồn đã làm cho đôi chân nhanh lạ thường, giúp cho cậu phóng tuột vào phòng qua rất nhiều cái đầu của những người nằm bít lấy cửa.
Tân nằm yên, mắt nhắm nghiền, tinh thần kiệt quệ. Bên ngoài, lao xao tiếng nói, tiếng la hét, tiếng người gọi nhau, tiếng bước chân đi vội vã. Người ta đang làm gì ngoài đó? Có lẽ đang thu dọn chiến trường. Những người trúng đạn trên sân có ai còn sống sót không? Có bao nhiêu người đã thoát ra được bên ngoài? Có bao nhiêu người ngã gục trên con đường phía trước?
Đầu óc cậu quay cuồng trong nỗi đau đớn cùng cực. Cậu hình dung những người đã ra đi và không bao giờ trở lại và những người không may trúng đạn mãi mãi nằm xuống và không bao giờ còn thấy ánh mặt trời. Họ không phải là những người thân thiết với cậu nhưng họ đã sống chung với cậu trong bao nhiêu ngày, ra vào thấy nhau, cùng ngồi bên nhau trong những bữa cơm tù đạm bạc, cùng hít thở chung bầu không khí nồng nặc hơi người. Nỗi đau làm cho cơ thể cậu như trở nên tê liệt và bất động.
Một lúc sau, có tiếng xe hơi dừng lại trước cổng, tiếng rít quen thuộc của hai cánh cửa cổng. Tân mở mắt. Đèn trong phòng đã bật sáng có lẽ từ khá lâu rồi. Duới ánh sáng vành vọt, cậu thấy trong phòng có khá đông người nhưng hoàn toàn im lặng, kẻ nằm người ngồi không ai nói với ai một câu nào. Cậu nhìn dọc theo hai bên vách. Tất cả cửa sổ đều đóng kín không biết tự bao giờ. Ở hai cửa sổ đầu tiên nhìn ra sân, lố nhố nhiều cái đầu châu lại nhìn qua khe hở. Cậu nhận ra được anh Minh trong số đó. Cậu bò dậy, đi về chỗ anh Minh đang đứng, định tìm cách nhìn ra ngoài nhưng không còn một khe hở nào nữa. Cậu đứng sau lưng Minh, khẽ chạm vào vai, gọi nhỏ:
- Anh Minh.
Anh quay lại, mừng rỡ:
- Tân, em còn đây à? May quá, anh cứ lo cho em.
- Họ đang làm gì ngoài đó?
Miệng anh mếu lại, giọng thì thào rên rỉ:
- Họ quăng xác anh em mình lên xe, không biết có ai còn sống hay không.
Nói xong, anh quay lại tiếp tục nhìn qua khe. Tân cố nén hơi thở dồn dập để hỏi tiếp:
- Anh thấy nhiều hay ít?
Minh trả lời nhưng không quay lui:
- Trên sân có trên hai mươi người. Bên ngoài cũng có người bị trúng đạn. Họ đang khiêng xác vào để đưa lên xe.
Tân cảm thấy tai cậu ù đi. Cậu tiếp tục hỏi:
- Ngay cổng có xác anh em mình không? Khi súng nổ dữ dội, em thấy có rất nhiều anh em đứng túm tụm trong hai cánh cửa bị đóng kín.
Minh quay hẳn lại:
- Đúng, anh cũng thấy rõ như thế. Nhưng may mắn là nơi đó kín đáo vì nằm giữa hai dãy nhà, một bên là kho súng và phòng gác cổng, bên kia là nhà thăm nuôi, vì vậy, đạn chỉ bắn được vào khắp sân mà không bắn vào nơi đó được.
- Nhưng tại sao một số đông bị chận lại tại đó? Lúc ở dưới bếp mới chạy lên, em thấy hai cánh cổng đang mở rộng, anh em đang chạy tuôn ra thì bỗng cửa đóng ập lại? Có lẽ, người giám thị nào đó chạy ra phải không?
- Không phải. Lúc đó toàn bộ giám thị trốn hết, nếu đứng đó là chết ngay, dù anh em chỉ có ý định vượt ngục chứ không có ý định làm hại nhân viên nhà tù. Nhưng thôi, em về chỗ nằm đi để anh xem tiếp. Chốc nữa, anh sẽ kể cho em nghe, anh chứng kiến ngay từ đầu.
Nói xong, Minh quay lại chăm chú nhìn vào khe hở.
Tân ngồi xuống tại chỗ, thẫn thờ nhìn suốt bề dọc phòng giam. Cậu ước lượng số người còn khoảng phân nửa trước đây và đó vẫn là số khá lớn trong một gian phòng từ lâu đã trở nên quá chật chội. Sự im lặng lạ thường làm cho mọi người ngột ngạt, tuy nhiên không ai có can đảm gây nên một tiếng động để phá tan sự im lặng đó. Có chăng chỉ là tiếng rì rầm bàn tán, xen lẫn với những tiếng thở dài não ruột. Trong sự im lặng nặng nề, những tiếng động bên ngoài vọng vào nghe thực rõ ràng. Tiếng người nói, tiếng la hét, tiếng máy xe rú lên từng chặp.
Tân cố lấy lại bình tĩnh, quan sát những người chung quanh để mong biết được ai còn ở lại và ai đã vĩnh viễn ra đi. Cậu nhận ra nhiều người ở những phòng khác. Cậu hiểu rằng, khi súng nổ, những người nầy không kịp chạy về phòng mình.
Có tiếng rổn rảng của khoá phòng giam, và lập tức cửa mở toang. Hai người lính đồng loạt xông vào, súng cầm tay chĩa về phía trước. Đám tù hoảng hốt vùng dậy, kẻ đứng người ngồi, tất cả chết trân, miệng há hốc, mắt thất thần nhìn sững hai họng súng đen ngòm hướng thẳng về phía mình. Tất cả cùng chung ý nghĩ về một sự trừng trị ghê gớm bắt đầu. Những cây súng kia sắp nhả đạn và xác của họ sẽ được mang ra quẳng vào những chiếc xe đang đậu ngoài kia.
Nhưng không, một viên giám thị bước vào gọi những người thuộc các phòng khác đi ra và đưa vào số người của phòng nầy. Công việc sắp xếp cho tù nhân trở về đúng phòng mình diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng. Sau khi giám thị điểm danh xong, hai cánh cửa đóng sầm và khóa lại.
Trong phòng tiếng nói ồn ào bắt đầu trở lại. Mọi người hiểu rằng biến cố đến đây tạm chấm dứt. Anh em bắt đầu kiểm điểm lại bạn tù của mình xem ai ở, ai đi. Người ta bàn tán xôn xao cho đến khi đèn chớp ba lần báo hiệu giờ ngủ như thường lệ.
Suốt đêm, có nhiều tiếng thét to vì ác mộng đến với nhiều người trong phòng giam. Một lần, Tân thức giấc và không ngủ lại được. Cậu thao thức nhớ lại cảnh khủng khiếp vừa qua. Cậu nằm im, lắng tai nghe. Không có một tiếng động nào trong đêm đang lắng sâu.
Cậu ngồi dậy nhìn quanh. Tất cả đều ngủ say. Không khí trong phòng ngột ngạt vì tất cả cửa sổ đều đóng kín tự đầu hôm. Cậu rón rén đứng dậy đi về phía hai khung cửa sổ trông ra sân trước. Ở đó có một khoảng khá rộng vì mấy người nằm ở đây đều đã đào thoát cả rồi. Cậu cẩn thận bước lên, ghé mắt vào khe hở. Ánh đèn vàng từ bốn phía rọi gần khắp mặt sân. Nhiều vũng máu đen ngòm rải rác trên mặt đất nhạt màu. Một ngọn gió thổi qua, lá cây xào xạc rơi xuống, chạy dài trên sân rồi nằm yên bên những vũng máu.
Tân rùng mình, lòng tràn ngập nỗi sợ hãi lẫn bi thương. Cậu thở dài, lặng lẽ trở về chỗ nằm và tiếp tục thao thức cho đến khi có hiệu đèn báo thức và điểm danh.
Mọi người vội vàng ngồi dậy, xuống sắp hàng trên đường đi. Như thường lệ, giám thị mở cửa phòng đi vào. Điểm danh xong, ông nói lớn:
- Kể từ hôm nay, các anh bị phạt ở lại phòng không được ra ngoài. Ba bữa ăn có người đem đến tại phòng. Mỗi ngày, mỗi người được lãnh ba lon nước để uống và rửa ráy. Trong những ngày bị phạt, các anh phải giữ trật tự cho đàng hoàng, đồ đạc xếp đặt gọn gàng. Ai vi phạm sẽ bị nhốt trại kỷ luật, các anh nghe rõ chưa?
Một giọng nói dõng dạc vang lên ở cuối hàng:
- Tôi xin nói.
Mọi người đồng loạt quay lui nhìn. Đó là anh Ninh ở cuối phòng. Viên giám thị nhìn anh mày nhíu lại, tỏ vẻ khó chịu:
- Đại diện đâu? Chỉ có đại diện mới có quyền phát biểu ý kiến.
- Thưa giám thị, anh Ty đại diện đi mất chiều hôm qua rồi.
Nét giận dữ thoáng qua trên mặt viên giám thị. Ông ta cố kìm chế:
- Thôi được rồi, anh nói đi, ý kiến gì?
- Xin giám thị cho biết chúng tôi bị phạt giam bao nhiêu ngày. Trong những ngày bị phạt, xin cho mở cửa sổ vì đang là mùa nắng.
Viên giám thị gật gù:
- Phạt bao nhiêu ngày thì chưa biết được vì tùy thuộc cấp trên và tùy thuộc công việc điều tra chuyện bậy bạ mà các anh làm vừa rồi. Còn việc mở cửa sổ, tôi chấp thuận. Tôi sẽ xin lệnh giám đốc cho mở cửa sổ tất cả các phòng.
Nói xong, ông quay lui, ra khỏi phòng và khóa cửa lại.
Sau khi giải tán, Tân đến ngay chỗ nằm của anh Minh. Cậu nóng lòng muốn biết thêm những chi tiết của cuộc vượt ngục tập thể vừa qua. Chính anh Minh đã nói với cậu rằng anh chứng kiến từ đầu. Vì thế cậu vào đề ngay:
- Lúc anh em chạy tuôn ra cổng thì anh đang ở đâu?
- Anh đang ngồi trước phòng để nghe nhạc và chứng kiến từ đầu đến cuối. Có lẽ ở đây, anh là người duy nhất trông thấy ngay từ những giây phút đầu tiên; tất cả các người khác ngồi chung với anh đều đã phóng chạy và thoát cả rồi.
- Tại sao anh không chạy ra với họ?
Minh mỉm cười:
- Từ nhiều ngày trước, anh biết chuyện nầy sẽ xảy ra. Nhóm quân sự nhất định làm mà không cần thông qua tập thể lãnh đạo. Nhờ biết trước nên anh đủ bình tĩnh không bị lôi cuốn vào cơn lốc đó. Anh biết vượt ngục một số đông như thề nầy thì rất nguy hiểm, khó mà lẫn tránh cơ quan an ninh của địch được.
Thấy anh dừng lại và thở dài, Tân nói:
- Anh kể cho em nghe từ đầu đi.
Minh gật đầu:
- Chiều hôm qua, như thường lệ, có nhiều anh em ngồi hai bên hông văn phòng để nghe nhạc. Bỗng trong đám đông, có một anh đứng dậy. Rõ ràng là anh Định trong phòng mình, em có biết không?
- Biết, anh ấy nằm ở gần cuối phòng. Em nghe nói trước đây anh Định là đại đội trưởng của một tiểu đoàn chính quy phải không?
- Đúng rồi. Chính anh ấy. Định đứng dậy, cầm một cái áo màu nâu cuộn tròn trong tay, quăng thực mạnh ra giữa sân đến gần cột cờ. Nhiều người trông thấy phóng ra tức thì. Một số xông vào kho súng và chạy ra với khẩu súng trên tay. Anh thấy rõ lúc đó cửa kho súng đang khép hờ, có lẽ lính vừa lãnh xong về các vọng gác nên người thủ kho chưa kịp khóa cửa. Một số khác chạy đến kéo chốt cổng, mở toang hai cánh cửa vào trong.
- Họ có la hét gì không?
- Không, tuyệt đối không. Họ im lặng, hành động cực kỳ nhanh nhẹn và thuần thục như đã tập dượt trước nhiều lần. Chắc chắn trong số nầy có nhiều trinh sát chuyên công đồn trong thời kỳ đánh nhau với Pháp.
- Nhưng em có nghe nhiều tiếng la to lắm mà. Lúc đó em đang ở dưới bếp và nghe rõ mồn một.
- Đó là tiếng la của số đông anh em mấy phút sau đó, còn số chủ mưu thì hoàn toàn im lặng. Toán xông vào kho lấy được súng chạy ra và băng qua cổng.
- Không có ai ngăn cản cả à? Anh không thấy giám thị hay lính gác ở đó sao?
- Không ai ngăn cản cả. Nếu có thì chắc chắn đã xảy ra xô xát. Anh chẳng thấy xô xát gì cả. Có thể, lúc đó cũng có nhân viên của nhà tù tại cổng, nhưng vì anh em mình hành động quá đột ngột, họ không kịp phản ứng nên đã chui vào một góc nào đó để trốn. Đó cũng là điều may, vì nếu có giám thị hay lính bị sát hại thì chắc chắn sự trừng phạt nặng nề hơn sẽ trút lên đầu anh em mình còn ở lại đây.
- Thế còn hai vọng gác phía trước sát với đường lộ? Không lẽ lính trên đó cũng bỏ trốn sao?
- Không, lính vẫn còn trên đó vì hai vọng gác nầy là hai lô cốt khá kiên cố, lại ở xa cổng nên anh em lo băng qua đường, chứ không đến đó làm gì. Tuy nhiên, cánh quân sự của mình đã tính toán rồi. Họ vô hiệu hóa ngay hai vọng gác đó.
- Bằng cách nào?
- Anh thấy rõ, trong những người vào kho cướp súng chạy ra, có một người vác cây trung liên, người chạy sau ôm nhiều băng đạn. Vài phút sau, súng nổ giòn giã, những tiếng súng trường xen lẫn nhiều loạt đạn liên thanh. Anh nhận ra ngay tiếng súng ở ngoài bắn vào, khác xa với tiếng súng từ vọng gác bắn xuống về sau. Anh nhìn lên một lô cốt thấy rõ ràng đạn bắn vào khối bê tông làm bụi tung lên. Các anh mang những cây súng cướp được trong kho chạy qua bên kia đường đến bãi đất trống, bố trí lại bắn vào hai vọng gác để yểm trợ cho anh em mình chạy ra.
- Đúng rồi, ở dưới bếp, em có nghe những loạt súng đầu tiên chát chúa lắm. Đó là những loạt đạn của anh em mình từ ngoài bắn vào. Sau đó những tiếng súng nầy im bặt. Vài phút sau, tiếng súng lại vang lên nhưng khác với tiếng súng ban đầu.
- Em còn bình tĩnh để phân biệt được tiếng súng như thế là khá lắm. Quả thực, tiếng súng ban đầu là của anh em mình bắn vào hai vọng gác, khoảng mươi loạt đạn là ngưng. Có lẽ anh em chỉ tính bắn yểm trợ bao nhiêu đó thôi là đã đủ thì giờ cho những người thoát ra băng qua miếng đất hoang. Vào đến xóm bên trong là an toàn rồi, địch không dám bắn theo vì có nhiều nhà thường dân trong đó.
- Nhưng lúc đó vẫn còn nhiều người chạy ra, tại sao những tay súng không nằm lại yểm trợ tiếp?
- Không, những người thuộc cánh quân sự đã thoát cả rồi. Những người theo sau không thuộc về cánh nầy, họ không cần biết đến. Vả lại, họ làm sao có đủ đạn để nằm yểm trợ cho toàn thể tù trong trại chạy ra ngoài. Vài phút sau, khi tiếng súng bên ngoài ngưng thì lính trên hai vọng gác mới hoàn hồn, ngóc đầu dậy và xả súng bắn vào những người đang ở trên sân, những người đang băng qua đường đến khu đất hoang. Trên sân có người trúng đạn gục xuống. Đám đông la hét như điên cuồng, đồng loạt phóng đến cổng xô đẩy nhau làm hai cánh cổng đóng lại. Người ta cố mở cánh cổng hé ra, vài người thoát ra nhưng bị bắn gục trên đường nhựa. Đám đông bên trong cổng hoảng hốt quay trở vào và nhiều người ngã gục khi băng qua sân rộng.
Minh ngừng nói, buồn bã cúi đầu nhìn xuống nền xi măng:
- Anh biết trong số họ, nhiều người không có ý định vượt ngục và bị bắn chết một cách oan uổng. Như cậu Thí chẳng hạn. Em biết Thí chứ?
- Có phải anh Thí nằm kế bên anh, khoảng hai mươi lăm tuổi, có cái thẹo trên trán phải không?
- Đúng rồi. Thí hiền lành, ít nói và rất dễ thương. Nó làm thợ sửa máy ở Hải quân công xưởng, mới cưới vợ, đang mong đứa con đầu lòng thì bị bắt một cách oan uổng.
- Tại sao oan uổng. Bị bắt thì ai cũng kêu oan, thực ra có oan đâu.
- Phải rồi. Nhưng cái cậu nầy thì oan thực. Cậu ta bị bắt vì trong cái bao dùng để đựng cơm trưa mang đi theo ăn mỗi ngày có một tờ truyền đơn; đúng hơn, đó là một bản hiệu triệu của Phong trào bảo vệ hòa bình. Chắc em biết rõ phong trào nầy?
- Biết rõ lắm chứ. Lúc chưa bị bắt, còn hoạt động cho thành đoàn, tụi em cũng kín đáo vận động cho phong trào nầy vì đó là một tổ chức bán công khai.
- Ban đầu là một tổ chức công khai được thành lập sau hiệp định Genève. Nhưng sau địch dò biết đó là một tổ chức do ta dựng lên nên bắt ông trí thức mà ta cho đứng đầu phong trào đem đi an trí ở Tuy hoà. Từ đó phong trào bị xem là một tổ chức cộng sản và ai có dính dáng đến tổ chưc nầy đều có thể bị bắt giam
- Tại sao Thí có tờ hiệu triệu của Phong trào trong giỏ đựng cơm?
- Không rõ ai đã nhét vào đó. Mỗi buổi sáng, công nhân vào thì bị xét qua loa nhưng chiều về thì bị xét rất kỹ để đề phòng ăn cắp vật dụng đưa ra ngoài. Anh chàng Thí nầy quá lương thiện nên thảnh thơi ra về mà không cần để ý bên trong giỏ xách của mình. Nơi Thí làm việc hồi thời Tây gọi là Ba son, nay đổi thành một cơ xưởng của Hải quân. Đó là một nơi quan trọng của quân đội miền Nam, được giữ gìn rất cẩn thận nên tờ truyền đơn trong giỏ xách đủ đưa Thí vào Catinat, qua Gia định rồi đến đây như anh em mình. Thí thường than thở với anh rằng cậu ta bị oan, đôi khi tỏ ra oán trách cách mạng đã đưa cậu ta vào tù. Có lần cậu ấy gọi người nhét tờ truyền đơn vào giỏ xách để gây họa là một tên Việt cộng bẩn thỉu.
Tân cười khì. Minh cũng cười gượng và nói tiếp:
- Thí bảo rằng vợ nó đã có mang và đứa con đầu lòng là điều mơ ước rất tha thiết của hai vợ chồng. Nhưng đứa bé không ra đời được vì vợ Thí bị sẩy thai sau khi chồng bị bắt, có lẽ vì quá xúc động. Hôm kể chuyện đó với anh, cậu ta nước mắt lưng tròng. Cậu ta bảo rằng, mỗi kỳ thăm nuôi, vợ đều dặn cố gắng chịu đựng. Ở ngoài, cô ta vác đơn đi nhiều nơi để xin cho chồng được tự do; ngày về của cậu ấy đang đến rất gần. Thế mà cậu ấy đi mất rồi. Tội nghiệp.
Bỗng Minh ngửng lên hỏi:
- Em có để ý thấy Thí thường mặc cái áo xanh của công nhân hay không?
Tân lắc đầu:
- Em không để ý.
- Nó thường hay mặc áo đó. Trong những xác chết ở sân, có một cái mặc áo xanh. Anh cố nhìn mà đèn không đủ sáng nên nhận không rõ. Tội nghiệp! Chết vì vượt ngục trong khi ngày về với vợ đã gần kề.
Minh ngừng nói, gương mặt của người cán bộ cộng sản đầy xúc động.
Tân hỏi nhỏ:
- Trong hoàn cảnh đó tại sao anh Thí lại bỏ chạy.
Minh thở dài:
- Quần chúng đều như những con cừu của Panurge. Khi bị kích động rồi thì hành động theo số đông, không còn khả năng suy xét theo lý trí nữa. Em chưa gặp trường hợp như thế à?
Tân suy nghĩ một chút rồi đáp:
- Có, em có gặp vài lần, lúc còn hoạt động bên ngoài. Nhiều học sinh, khi em đến vận động đi biểu tình thì ngần ngại nhưng khi thấy đám đông kéo đi thì vội vàng nhảy vào và hô khẩu hiệu còn to hơn người khác nữa.
Minh cười:
- Mọi người làm chính trị đều biết điều đó và lợi dụng nó để kích động. Quần chúng chung quy chỉ là đàn cừu non mà thôi.
- Ngay như em, chiều hôm qua cũng có tâm lý đó. Từ dưới bếp chạy lên, thấy đông người ùa ra cổng nên em cũng phóng theo. Nếu súng chưa nổ và hai cánh cửa chưa đóng lại thì em cũng đã vọt ra ngoài rồi, giờ nầy chưa biết sống chết ra sao. Anh thì quá vững vàng, đâu thể nào hành động như cừu non được, phải không?
Minh gật đầu:
- Lúc đầu thì vững vàng lắm vì anh đã đoán trước sự việc có thể xảy ra. Anh đã có nói cho em nghe, cánh quân sự nhất định vượt ngục dù phải trả giá bằng máu. Anh nghĩ rằng họ sẽ trốn đi một cách lẻ tẻ vào ban đêm như đã làm. Không ngờ kế hoạch của họ lại táo bạo đến thế. Vượt ngục tập thể như thế rõ ràng là quá nguy hiểm và xem thường tính mạng của đồng chí. Anh cho đó là sự xuẩn động đáng bị phê bình. Về phần anh, nhờ biết trước ý định của cánh quân sự và luôn luôn phản đối bạo động nên khi sự việc xảy ra, anh hiểu ngay và không bị lôi cuốn vào cuộc. Thế mà, lúc có nhiều người ào ra và có nhiều tiếng la vang dậy, suýt nữa, anh mất bình tĩnh dợm chạy theo họ thì những loạt súng nổ vang làm anh bừng tỉnh.
- Theo anh, tình hình trong nhà tù những ngày sắp tới sẽ ra sao?
- Chắc chẳng có gì thay đổi. Người ta sẽ tổ chức canh gác cẩn thận hơn. Anh em mình sẽ bị nhốt một thời gian trong phòng rồi thôi. Họ cũng hiểu rằng mình chẳng có tội gì trong việc tổ chức vượt ngục vừa qua.

Đúng như sự tiên đoán của anh Minh, tù bị nhốt trong phòng đến gần một tháng. Những ngày đầu, vài người bị gọi lên văn phòng để lấy lời khai một cách chiếu lệ, chẳng ai bị đánh đập gì cả. Hẳn người ta cũng hiểu rằng những người chủ mưu đã xa chạy cao bay, những người còn lại thì chẳng liên can gì.
Trong phòng giam, tù nhân trở lại cười đùa một cách vui vẻ, suốt ngày vùi đầu quanh những bàn cờ tướng hay ngồi tán gẫu với nhau. Đề tài của những câu chuyện gần luôn luôn là sự kiện vượt ngục tập thể vừa qua.
Ngày qua ngày, nỗi khổ bị nhốt trong phòng tăng lên. Khổ nhất là từ trưa đến chiều tối. Mái tôn hút nhiệt của ánh nắng mặt trời rồi dội xuống làm cho không khí trong phòng nóng hâm hấp. Nước đưa vào phòng không đủ để tắm nên cơ thể mọi người dơ dáy, mồ hôi nhớp nháp; trên lưng, trên bụng, trên đùi, những đốm đỏ li ti bắt đầu nổi lên, gây ngứa ngáy khó chịu. Bệnh ghẻ phát ra, tràn lan nhanh chóng. Ngày đêm, nằm ngồi hay đứng, hai tay đều bận rộn, lo gãi khắp nơi trên cơ thể. Tình trạng mỗi ngày một trầm trọng hơn, sức khỏe anh em suy giảm rõ rệt. Nhiều người trong đó có Tân đã kiệt lực. Nếu tình trạng giam cầm khắc nghiệt nầy kéo dài, họ khó lòng chịu đựng nổi.
May thay, một buổi sáng, giám thị vào phòng điểm danh và tuyên bố lệnh phạt chấm dứt. Mọi người reo hò sung sướng. Sau một tháng bị đóng kín, cửa phòng lại được mở toang sau khi giám thị đi ra.
Mọi người phóng ra bên ngoài. Tân cũng chen trong đám đông bước qua ngạch cửa, cảm thấy choáng váng vì ánh sáng chói chang nhưng cũng cố gắng đi nhanh thẳng xuống vườn rau, buồn bã nhìn khu vườn xơ xác, khắp nơi màu vàng úa trông thực thảm thương. Những vũng máu đen ngòm cách đây một tháng vẫn còn in đậm trong tâm trí Tân, giờ đây nó hiện lên rõ rệt hơn bao giờ hết. Cậu gần như phải chạy trở lui vào phòng, đổ vật xuống nền nhà. Tiếng cười đùa bên hè nhà cùng tiếng nước dội ào ào vọng qua cánh cửa mở. Cậu nghĩ đến cái giếng nơi đó, bỗng nhiên cảm thấy cơn ngứa ngáy nổi lên, thèm thuồng những lon nước mát dội lên cơ thể đầy ghẻ chóc của mình. Cậu mở mắt ra ngồi dậy nhưng mặt đất cùng căn phòng và mọi thứ khác quay vòng không dứt. Dường như một vật gì rất nặng đè trên ngực Tân làm cho sự hít thở rất khó khăn.
Cậu cố gắng ngồi dậy, thấy dễ chịu hơn chút ít. Trong phòng hình như không đủ không khí. Tân vịn vào bệ xi măng đứng dậy, đi lần ra cửa. Ánh sáng bên ngoài một lần nữa làm cậu hoa mắt, rồi bỗng ánh sáng vụt tắt, trời đất tối sầm. Hơi thở bị đứt đoạn, cậu té xuống nằm dài trên mặt đất….


*
* *