Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2016

Chương 4: Lao tù (1)



Một cuộc chiến tranh dài
Tập I
Chương 4: Lao tù
(1)

Tân bị đưa về nhà khám xét chỗ ở nhưng chẳng có gì đáng lấy. Người ta giam cậu một đêm ở tổng nha cảnh sát và sáng hôm đẩy lên xe bít bùng chở đi nơi khác.
Chiếc xe lướt nhanh qua khoảng trống giữa hai trụ cổng cao nghều nghệu. Qua ô tròn nho nhỏ ở cửa sau của xe, Tân thoáng thấy mặt trước của nhà thờ Đức Bà với gác chuông vút lên trời cao. Hàng ngàn, hàng chục ngàn lần, cái gác chuông đó đã thờ ơ chứng kiến những chiếc xe bít bùng chở những con người đam mê cách mạng, từ giã cuộc sống bình thường để vào nơi địa ngục của trần gian nầy.
Chiếc xe bỗng dừng lại. Tân nghe tiếng cửa phía trước mở ra, tiếng người bước xuống xe, tiếng chìa khóa khua lách cách phía sau. Cửa xe vụt mở, ánh sáng mùa hè chói lọi tràn vào.
- Xuống đi!
Sau tiếng nói to như tiếng thét, mọi người trên xe vội vàng bước xuống, từng hai người một mang chung một chiếc còng. Họ lầm lũi theo sau người công an vào trong một phòng nhỏ. Người ta mở còng, trao cho mỗi người một thùng giấy và ra lệnh:
- Moi sạch túi, cho tất cả đồ đạc, giấy tờ, tiền bạc, đồng hồ, đồ trang sức quí giá vào thùng. Nhanh lên.
Mọi người làm theo lệnh. Những chiếc thùng được đưa đến đặt trên một bàn khá lớn. Một nhân viên ghi tất cả đồ đạc và tiền bạc trong mỗi thùng vào một tờ giấy. Lần lượt từng người ký tên vào sau khi đọc qua và xác nhận đủ của cải mà mình phải gửi lại.
Họ được dẫn ra khỏi phòng, đi dài theo một con đường tráng xi măng sạch sẽ đến một nơi có những song sắt kiên cố như một chiếc chuồng dùng để nhốt thú dữ . Phía trước hàng song sắt là một chiếc bàn rộng, bên trên có một quyển sổ to. Một nhân viên ngồi sau chiếc bàn, tay chống cằm, cùi tay tựa trên quyển sổ.
Thấy có người bước đến, ông ta nhìn một cách lơ đãng và nhận một mảnh giấy từ tay người công an dắt đi. Ông ta lật quyển sổ, lui cui ghi vào rồi ngẩng lên lẩm nhẩm đếm số người. Ông vẫn ngồi tại chỗ, dùng tay đẩy nhẹ vào lưng từng người. Bấy giờ, Tân mới để ý, qua những song sắt, hàng trăm chiếc đầu lố nhố bên trong.
Sau khi ghi chép xong, người nhân viên ngước lên, giọng lạnh lùng:
- Nguyễn văn Thành
- Dạ có.
- Vào.
Ông lại cúi xuống quyển sổ:
- Phạm bá Tân
- Dạ có.
- Vào.
Tân chui qua khung sắt hẹp và khựng lại trước một sạp gỗ cao ngang đầu gối, trên đó có rất đông người ngồi.
- Leo lên nhanh. Bỏ dép ra.
Tân nghe tiếng thét to rồi một bàn tay đập bốp vào lưng, đẩy mạnh làm cậu ngã nhào về phía trước đè lên một người ngồi ở mé sạp. Hoảng hốt, cậu gượng dậy nhìn người bị đè, miệng nói rối rít:
- Xin lỗi, xin lỗi.
Cậu ngạc nhiên thấy người đó đã ngồi thẳng dậy, nét mặt lạnh lùng và bình thản, nhìn đăm đăm ra ngoài cửa, mắt mở trừng trừng, đôi môi mím chặt. Hình như ông chẳng buồn để ý đến gì xảy ra chung quanh.
- Chui vào trong kia, nhanh.
Sau tiếng nói, một bàn tay đập mạnh vào lưng. Tân vội vàng len giữa những người ngồi, tiến sâu vào. Cậu bước xuống sạp gỗ, hai bàn chân chạm vào nền xi măng nham nháp. Trước mặt cậu là một hành lang hẹp tối lờ mờ, bên trái có hai cánh cửa đóng im ỉm, bên phải là một phòng không có cửa.
Không khí nóng hâm hấp, Tân cảm thấy ngột ngạt khó thở. Mùi mồ hôi chua lè, hòa lẫn với mùi phân và nước tiểu từ một góc phòng bốc lên. Cậu ngồi thụp xuống nền hành lang, lưng tựa vào vách, hai tay quàng lấy gối và gục đầu xuống.
- Học sinh phải không? Bị bắt ở đây hay dưới tỉnh đưa lên?
Tân giật mình vì câu hỏi của ai đó sát bên tai. Cậu ngẩng lên bắt gặp một khuôn mặt đàn ông lớn tuổi. Cậu trả lời:
- Dạ em ở tại Sài gòn, mới bị bắt ngày hôm qua.
- Vào phòng khám xét rồi phải không?
- Dạ phải, nhưng họ có khám gì đâu. Ngày hôm qua họ đã khám chỗ ở của em rồi.
- Đúng rồi. Gọi là phòng khám xét thực ra chỉ là phòng gửi đồ đạc cho đến khi được trả tự do, không mất mát gì cả.
Anh ta thở dài rồi nói tiếp:
- Vào đây rồi thì mấy ai còn nghĩ đến những đồ đạc đó nữa.
Tân ngao ngán nhìn căn phòng đầy người. Trước đây, cậu chưa bao giờ hình dung một nhà tù chật chội như thế nầy. Cậu nói với người đối diện:
- Ở đây đông đúc, chật hẹp như vầy làm sao sống lâu dài được hả anh?
- Chẳng ai phải ở lâu dài tại đây. Thời gian ở đây chỉ là giai đoạn điều tra khai thác thôi. Khoảng một tháng là xong. Gần đây, giai đoạn nầy rút ngắn đi vì người bị bắt quá đông. Có người chỉ mười ngày là hồ sơ được kết thúc và bị đưa đi an trí hay đi đày ngoài hải đảo.
- Anh ở đây lâu chưa?
- Hơn hai tháng rồi.
- Sao lâu vậy?
- Trường hợp của tôi rất đặc biệt. Hồ sơ của tôi đã kết thúc từ lâu. Tôi đã được đưa sang khám Gia định để chuẩn bị đi an trí thì cơ sở tiếp tục vỡ, đồng chí bị bắt lại khai tôi ra nên tôi bị gọi về điều tra tiếp, đến nay vẫn chưa xong.
Anh liếc quanh thì thầm:
- Mình lùi vô phía trong một chút.
Phía cuối hành lang tối mù, mặt đất nhớp nhám ẩm ướt. Ở đây không khí ngột ngạt gần như không thở nổi, bởi vậy mà mọi người dồn ra cả ra bên ngoài tìm dưỡng khí. Người đàn ông ngồi sát bên Tân, nói khẽ:
- Ở đây chán lắm nên tôi thường tìm ai đó nói chuyện cho qua thì giờ. Khổ nỗi, ai vào đây cũng thủ thế, chẳng muốn chuyện trò gì cả. Họ cố thu mình lại càng nhỏ càng tốt để che giấu những điều thầm kín trong lòng mình.
Dưới ánh sáng lờ mờ từ những lỗ thông tuốt trên cao tít phía bên ngoài rọi vào, anh cố nhìn khuôn mặt Tân:
- Em còn nhỏ lắm, mới bị bắt lần đầu phải không?
- Dạ phải.
- Vậy thì cần phải được hướng dẫn để có thể qua được một cách suôn sẻ giai đoạn điều tra nầy. Em có biết nơi nầy là chỗ nào không?
Thấy Tân lắc đầu, anh ta nói tiếp:
- Nơi đây được các nhà cách mạng gọi là địa ngục của trần gian, vì có những đòn tra tấn cực kỳ hiểm độc. Đây là lãnh địa của một tổ chức rất nổi danh do thực dân Pháp thành lập gọi là PSE, viết tắt của chữ Police spéciale de l’Est tức là ty Cảnh sát đặc biệt Miền đông. Vào tới đây rồi thì cần phải chịu đựng và biết cách tránh né. Càng khai nhiều thì càng ở tù lâu. Bản án của mỗi người được quyết định một cách bí mật dựa vào bản điều tra tại đây.
Tân tỏ ra rất chú ý về những lời nói đầy kinh nghiệm của anh ta. Cậu thấy cần phải tham khảo thêm ý kiến của những người sống lâu ở đây.
- Thế thì mình cố gắng im lặng và chịu đựng có phải không?
- Không được đâu. Vào đây im lặng là chết. Chúng nó sẽ tra tấn cho đến khi nào phải mở miệng ra mới thôi. Ít ai qua nổi một lượt tất cả các ngón đòn ở đây.
Anh ngừng một chút rồi chép miệng nói tiếp:
- Thực ra, những nhân viên điều tra không phải là những tên đao phủ như người ta thường gọi. Họ cũng chỉ là những công chức mà thôi. Hằng ngày họ phải làm sao cho mỗi người bị bắt vào đây có một bản điều tra hợp lý để cho cấp trên của họ đọc qua mà không thấy có gì mâu thuẩn và thiếu sót là được rồi. Họ chỉ cần bao nhiêu đó; mỗi tháng kết thúc vài chục hồ sơ và lãnh lương nuôi vợ nuôi con. Vậy thôi.
- Làm sao cho bản điều tra có tính hợp lý?
- Tùy trường hợp. Nếu bị bắt có tài liệu thì phải chứng minh sao cho nghe được là tài liệu lấy ở đâu ra. Nếu bị bắt không có tài liệu thì dễ hơn nhiều.
Anh quay sang nhìn thẳng vào mắt Tân:
- Em bị bắt có tài liệu gì không?
- Không có gì cả.
- Vậy thì dễ. Nhưng lý do nào em bị bắt. Ờ, ờ, anh muốn nói lý do bề ngoài thôi, còn chuyện kín đáo riêng thì chú mày giữ lấy đừng nói cho ai biết kể cả những người đồng cảnh ngộ trong nầy.
Tân im lặng chưa biết giải thích thế nào thì anh nói tiếp:
- Nếu là do một đồng chí bị bắt trước khai ra thì điều cần thiết là phải biết đồng chí đó khai thế nào rồi nương theo đó mà trả lời. Điều nầy thường rất khó khăn vì chúng nó giam riêng biệt để cô lập những người bị bắt chung một vụ.
- Vậy làm sao biết được?
- Anh đã nói điều nầy rất khó khăn. Nếu là một vụ quan trọng thì có thể liên lạc thông qua những người tù được phân công làm vệ sinh hay đem thức ăn thức uống.
Tân ngạc nhiên:
- Trong nầy mà cũng liên lạc với nơi khác được sao?
- Được chứ. Có thể liên lạc cả với bên ngoài nữa nhưng chỉ khi nào thực cần thiết, thí dụ có liên can đến một cấp lãnh đạo quan trọng, còn như thứ nhỏ bé như mình đây thì không thể liên lạc đi đâu được, chỉ biết đoán ý nhân viên điều tra mà khai thôi. Thế còn chú, bị bắt trong vụ gì?
- Em tham gia phong trào chống tăng học phí ở trường tư.
Tiếng cười vang lên khẽ khàng:
- Hiểu rồi, hiểu rồi. Anh là giáo sư tư thục đây.
Tân giật mình:
- Thưa thầy. Thầy cũng bị bắt vì chuyện chống tăng học phí phải không?
- Vào tới đây thì mọi người đều là anh em, chẳng cần gọi nhau là thầy trò nữa. Anh bị bắt hơn hai tháng rồi. Lúc đó chưa có chủ trương chống tăng học phí.
- Phải rồi, thành đoàn vừa mới phát động đây thôi.
Anh ta liếc ra bên ngoài rồi gằn giọng:
- Vào đây, em không được ăn nói như thế. Nên nhớ tránh tiết lộ tổ chức của mình ở ngoài đời. Hở ra, địch chớp lấy thời cơ khai thác riết tới thì nguy. Vào đây, càng ít nói chừng nào thì càng tốt chừng nấy.
Tân nhìn đăm đăm người đàn ông trung niên, cố tìm hiểu nhũng biểu hiện trên khuôn mặt lẩn trong bóng tối của anh ta. Lời khuyên vừa rồi có vẻ quá mâu thuẩn với thái độ gần như ba hoa. Hiểu ý, anh vỗ vai Tân:
- Em đừng ngạc nhiên. Những điều anh nói với em là thuộc về bổn phận của một người đồng chí. Khi còn hoạt động trong các tổ chức ngoài đời, không có đồng chí nào được chuẩn bị tinh thần và được giáo dục cách đối phó khi bị bắt. Trong công tác, hình như người ta tránh đề cập vấn đề bị bắt, sợ có thể làm lung lạc tinh thần cán bộ. Nhưng đã dấn thân vào con đường cách mạng thì không mấy ai tránh khỏi bị bắt cầm tù. Cho đến khi vào đây rồi, anh mới thấy được huấn luyện hay ít nhất được biết trước cách đối phó khi bị điều tra là vô cùng cần thiết. Địch có trăm mưu ngàn kế khai thác người bị bắt để tiếp tục phá vỡ tổ chức cách mạng ngoài đời. Trong khi đó, anh em mình chẳng biết chi cả về cách đối phó nên chỉ biết nai lưng ra mà chịu đựng cho đến chết. Nhưng đâu phải ai cũng đủ sức chịu đựng cho đến chết.
Tân hơi cảm động:
- Có phải anh đang dạy em cách đối phó phải không?
Cái đầu gật trong bóng tối:
- Lúc nãy thấy em bước vào, thái độ ngây thơ, ngơ ngác như con nai tơ, anh bỗng thấy xót xa và nảy ra ý muốn giúp em một vài điều nào đó. Em có hình dung được những điều khủng khiếp mà em sắp phải hứng chịu hay không?
- Dạ, em chỉ biết sơ qua thôi nhưng em đã định sẵn thái độ rồi. Em nhất định chịu đựng cho đến chết. Em đã suy nghĩ nhiều ngày và chấp nhận bị bắt vào đây như đánh một canh bạc, trong đó em đặt cả sinh mạng mình lên chiếu.
Sau một thoáng ngạc nhiên, giọng anh vang lên dịu dàng:
- Hay thực, đúng là câu nói của tuổi mười tám đôi mươi. Tuy nhiên, em chưa thể ý thức được đúng mức những đòn tra tấn ở đây. Trong sự tưởng tượng, em quá tin vào sức mạnh ý chí nhưng khi đụng thực tế thì sự việc có thể khác đi. Anh không định làm nhụt chí khí của em nhưng anh muốn em khôn ngoan và thực tế hơn.
Tân tỏ vẻ chịu sự thuyết phục của anh nên hỏi:
- Trong trường hợp của em thì khai thế nào là hợp lý nhất?
- Đó là điều anh muốn giúp ý kiến cho em. Nhưng trước hết em hãy cho anh biết bị bắt trong trường hợp nào thì anh mới có thể góp ý với em được.
- Em bị bắt chỉ vì chống tăng học phí mà thôi. Em đã trình bày với anh rồi. Em sẽ nói với họ là em không có tội gì cả. Học phí tăng, em không đóng nổi thì em phải chống.
Anh cười:
- Em quá ngây thơ. Em phải hiểu rằng đây là bót Catinat, lãnh địa của PSE, danh trấn giang hồ. Cơ quan nầy chuyên phá vỡ những tổ chức chính trị chống đối chứ không thèm để ý đến cái chuyện tăng học phí vớ vẩn của em đâu. Em bị đưa vào đây có nghĩa là người ta đã dựa vào một yếu tố nào đó để ghép em vào tội phản loạn rồi. Thế ai tố cáo em?
- Nhà trường.
- Họ có tóm được tài liệu nào không?
- Không có gì cả. Tuy nhiên, sau khi phong trào cứu tế chấm dứt, em nghĩ rằng nhà trường nghi em nằm trong tổ chức bí mật.
Anh cười khì :
- Đó là điều chắc chắn. Thời gian đó anh cũng đang đi dạy ở một tư thục. Mấy cô, mấy cậu hăng hái thái quá, lộ mặt gần hết. Chính trong nhiều phiên họp kiểm điểm, nhiều vị trong thành đoàn đã lưu ý điều nầy và tiên đoán tổ chức sinh viên học sinh sẽ bị đập tan nát. Có người còn đưa nghi vấn rằng địch thả lỏng cho các em tổ chức một cách rầm rộ để theo dõi phát hiện nồng cốt bên trong nữa.
Anh thở dài rồi nói tiếp:
- Tuy thế, thành đoàn vẫn để cho các cô cậu múa may. Thành đoàn cần có những hoạt động của các em để báo cáo thành tích với thành uỷ; thành ủy báo cáo với trung ương rồi trung ương công bố cho thế giới biết hoạt động có tính chống đối của giới trẻ Sài gòn.
Tân nhíu mày:
- Nghĩa là cấp trên không quan tâm đối với việc bị bắt bớ và bị tra tấn của các đồng chí mình?
- Có quan tâm nhưng chỉ quan tâm về việc bảo toàn lực lượng để đẩy mạnh phong trào chứ không quan tâm cho sự sống hay sức khoẻ của mỗi người. Mỗi người chẳng có ý nghĩa gì cả đối với tập thể. Đó là một sự thực mà đảng chẳng cần giấu giếm.
Tân bỗng cảm thấy hứng khởi:
- Đúng rồi. Khi em nhận được chỉ thị phát động phong trào chống tăng học phí, em thấy ngay rằng đó là một chủ trương sai lầm của cấp trên.
- Tại sao sai lầm?
- Khi nãy, anh có nói, trong phong trào cứu tế, hầu hết các cơ sở của thành đoàn bị lộ mặt. Trước hơn ai hết, ban giám đốc nhà trường nghi ngờ chúng em hoạt động cho cách mạng nhưng họ không tố cáo mà ngược lại còn có ý che giấu cho chúng em nữa vì chúng em được sự hậu thuẫn của cả một tập thể đông đảo đóng học phí để nuôi sống nhà trường. Vì vậy, họ thả lỏng cho chúng em tự do hoạt động trong trường mà còn cung cấp phương tiện cho sự hoạt động nữa. Nay thành đoàn đưa xuống chỉ thị bảo chúng em chống tăng học phí, có nghĩa là biến chúng em thành đối lập và hơn nữa, thành kẻ thù của nhà trường. Kết quả là, vì quyền lợi, nhà trường không còn muốn che giấu chúng em nữa mà trái lại báo cho công an mật vụ để dẹp phong trào chống đối tăng học phí. Cách mạng thường dạy cán bộ thêm bạn bớt thù, nhưng trong việc nầy, rõ ràng thành đoàn đã thêm thù bớt bạn.
Ngưới đàn ông tỏ ra rất thích thú với cách phân tích của người bạn tù trẻ tuổi. Anh hỏi:
- Thế em có ý kiến gì không?
- Chẳng có ý kiến gì cả. Bổn phận của chúng em là nhận chỉ thị để thi hành chứ đâu có được phép phê bình chủ trương của cấp trên.
Anh gật đầu, tiếp lời:
- Đúng vậy. Cấp dưới không được phê bình chỉ thị cấp trên. Đảng tuyệt đối sáng suốt mà. Cấp dưới cũng phải biết tuyệt đối tin tưởng ở sự lãnh đạo của đảng.
Tân tỏ vẻ ấm ức vì lối tâm sự nước đôi nầy:
- Vậy, theo anh, phát động phong trào chống tăng học phí không phải là sai lầm sao?
Anh đặt tay lên vai Tân:
- Nói là sai lầm cũng không đúng lắm; nói là bất hợp lý thì đúng hơn. Vật giá leo thang, bên công chức người ta đã điều chỉnh mức lương thì bên giáo chức tư thục cũng cần tăng lương mới sống được chứ. Mà muốn tăng lương thì phải tăng học phí. Chỉ thị của thành đoàn bất hợp ý là ở chỗ đó nhưng sai lầm thì không vì chủ trương của cách mạng là gây bất ổn định chính trị cho miền Nam, không cho nhà cầm quyền miền Nam rảnh tay để củng cố chính quyền và kiến thiết sau chiến tranh. Đời sống nhân dân miền Nam được ổn định và sung túc, đồng nghĩa với sự thất bại của cách mạng vì lúc đó nhân dân chẳng cần theo cách mạng làm gì nữa. Do đó, cần phải phát động liên tục những cuộc chống đối với bất cứ lý do nào có thể lôi cuốn được quần chúng mà chẳng cần để ý đến lý do có hữu lý hay không.
Anh ngừng một chút nhìn quanh, rồi nói tiếp:
- Nhưng thôi, chuyện đó dài dòng và rắc rối lắm, chúng ta không thể tranh luận nhì nhằng ở đây. Anh muốn trở lại vấn đề của em vì anh tự nhận thấy có bổn phận giúp em trong lời khai để có thể bảo vệ cơ sở của em bên ngoài.
- Dạ, em cũng mong được nghe điều đó.
- Anh góp ý với em thế nầy, cũng chưa chắc thành công nhưng cứ hi vọng. Em hãy dùng lời lẽ tình cảm một chút để nói với nhân viên điều tra rằng nhà trường tố cáo em là do quyền lợi của họ bị xâm phạm, rằng họ đã lợi dụng cơ quan an ninh để bảo vệ quyền lợi của họ.
- Nhưng liệu nhân viên điều tra có tin lập luận đó hay không?
- Có lẽ họ sẽ không tin đâu nhưng họ cần kết thúc hồ sơ cho hợp lý để còn về hú hí với vợ con nữa chứ. Họ chỉ là công chức, anh đã nói với em rồi. Họ làm việc vì nhiệm vụ của một người lãnh lương hàng tháng chứ thực tình chẳng thù ghét ai đâu.
Anh ngừng một chút rồi nói tiếp:
- Em hãy tin anh. Đêm nay, em hãy rán suy nghĩ và chuẩn bị trước những câu nói. Có lẽ từ sáng mai, em sẽ bị gọi lên để điều tra. Chắc chắn sẽ có màn tra tấn. Đó là thủ tục. Ai vào đây cũng phải chịu vài trận thì hồ sơ mới kết thúc được. Em tên là gì?
- Dạ tên Tân.
- Còn tôi là Hiệp

*
* *

- Phạm bá Tân.
- Dạ có.
- Trần văn Ri.
- Có.
- Nguyễn văn Phước tự Tám Tài.
- Có mặt.
- Đi ra.
Tân lách giữa nhiều người, bước xuống sạp ván và ra cửa. Bầu trời sáng rực rỡ trong ánh nắng ban mai. Tiếng máy, tiếng còi xe vọng vào làm cho Tân cảm thấy bồn chồn khó tả. Ngoài kia là cuộc đời tự do của người khác, trong nầy là không gian chật hẹp của cậu và của những người bất hạnh.
Người nhân viên ghi tên cậu vào sổ như ghi một món hàng được xuất kho. Chốc nữa đây, món hàng lại được trả về, ghi vào sổ để nhập kho. Cậu lầm lũi theo sau người công an và bước vào một phòng khá trống trải. Ở bức vách tận cùng có kê ba chiếc bàn nhỏ. Trước mỗi bàn có một người ngồi cắm cúi đọc giấy tờ, có lẽ là hồ sơ của người sắp bị điều tra. Cả ba nhân viên cùng ngẩng lên khi thấy có người bước vào. Nghe gọi tên mình, Tân bước vào bàn chính giữa. Người nhân viên ngước nhìn bằng cặp mắt sắc lạnh. Hắn đứng dậy bước ra khỏi bàn và quát to:
- Mày là Tân phải không?
- Dạ phải.
- Mày ở trong tổ chức nào?
Không đợi Tân trả lời, hắn đưa thẳng tay tát bốp vào mặt làm cậu loạng choạng, phải chụp vội vào cạnh bàn để khỏi ngã.
- Tổ chức nào, nói nhanh.
Hắn vừa thét vừa đưa tay lên cao. Tân vội vàng đáp:
- Dạ hiệu đoàn học sinh.
- À tốt, khai đi. Không khai thì bị đòn nhừ xương. Tướng học sinh của mày, tao nện cho một trận là đi chầu ông bà. Ở trong tổ chức nào, nói lại nghe coi.
- Dạ hiệu đoàn học sinh.
- Ai đứng đầu tổ chức?
- Dạ hiệu trưởng.
- Cái gì? Mày nói hiệu trưởng hả? Hiệu trưởng mà đứng đầu một tổ chức của cộng sản sao?
- Dạ hiệu đoàn không phải là tổ chức của cộng sản mà là một tổ chức của chính phủ, của bộ quốc gia giáo dục.
- Thằng khỉ, mày muốn giỡn với tao hả? Tao hỏi mày ở tổ chức nào của cộng sản chứ tao đâu có hỏi tổ chức nào của quốc gia.
Nói xong, hắn bước tới, túm lấy tóc Tân, kéo về phía góc phòng, ở đó có ngổn ngang nhiều dụng cụ tra tấn. Hắn với tay lấy một chiếc chày vồ. Đó là một khúc gỗ to cỡ bắp đùi, dài khoảng ba tấc, một đầu cắm vào một cái cán để làm tay cầm. Hắn đè đầu Tân, kẹp chặt giữa hai gối.
Tân nhắm mắt lại và hiểu rằng mình đang thực sự bước vào cơn thử thách đầu tiên. Cậu cũng biết rằng đây mới là món khai vị để khơi mào cho những món đặc sắc hơn sẽ tiếp theo sau. Cậu tự nhắc nhở mình phải giữ vững ý chí, phải liều bỏ cả sinh mạng mình để theo cuộc chơi đến cùng. Với món khai vị nầy, cậu phải vượt qua nhẹ nhàng thì mới hòng có đủ ý chí chịu đựng những món kế tiếp chắc chắn kinh khủng hơn nhiều. Cậu cắn chặt răng, quyết không rên la một tiếng nào.
Bỗng nhiên, cậu nghe một tiếng động dữ dội, một âm thanh nhọn và the thé như tiếng heo kêu từ miệng cậu thoát ra, đồng thời cậu cảm thấy hơi thở như ngừng lại, lồng ngực nóng ran như lửa đốt. Cậu cố hít vào để dập tắt ngọn lửa đó nhưng hình như có cái gì đó chận ngang yết hầu làm cho không khí không chui vào được. Cậu chới với hai tay, chụp vào hai ống chân của tên đao phủ. Như bản năng của một con thú bị thương, cậu cố kéo hai chân hắn dang rộng để lôi đầu mình ra nhưng hai đầu gối của hắn càng siết mạnh hơn.
Ầm, ầm ,ầm, mấy phát nổ liên tiếp làm cho ngực cậu như vỡ vụn ra. Tay cậu không còn một tí sức lực nào; cậu buông thỏng, hai bàn tay áp trên nền đất lạnh.
Đúng lúc đó, hai đầu gối của tên đao phủ mở rộng ra. Cậu lảo đảo ngồi thụp xuống, hai tay chống đất, đầu gục sát mặt nền gạch. Cậu cố hít vào, mừng rỡ vì thấy hơi thở được thông, luồng không khí tràn vào phổi. Lồng ngực không còn bị ngọn lửa đốt cháy nữa nhưng đau đớn dữ dội. Cậu có cảm tưởng như hai lá phổi nát bét ra, nhầy nhụa bên trong lồng ngực.
Tân mơ hồ nghe có tiếng la hét, tiếng rên rỉ, tiếng nện ầm ầm. Cậu sực nhớ trong phòng nầy không phải chỉ một mình cậu bị tra tấn mà còn hai người nữa cùng vào một lượt.
Cậu ngẩng đầu dậy để nhìn nhưng cái đầu nặng chình chịch, không theo sự điều khiển của ý muốn. Vị mặn dâng lên trong miệng, thấm ra ngoài môi. Hình như có chất nước gì đó đang nhiễu xuống đầu gối. Cậu hít một hơi dài thấy đau nhói trong lồng ngực. Cơn đau như chiếc vòng lửa cuộn thắt ngang ngực xoáy ngược lên cổ. Đôi mắt đẫm nước của Tân khó nhọc mở ra. Trước mặt cậu là những đốm nước đỏ, vương vải trên nền nhà. Cậu thảng thốt hiểu rằng máu của mình đã đổ. Dòng máu đỏ tươi đã từ trong cơ thể của cậu tuôn ra ngoài. Trong lòng Tân bỗng dâng lên một niềm cảm khái lạ lùng, nước mắt cậu lại ứa ra, nhưng đó không còn là nước mắt của sự đau đớn. Những giọt máu kia là chứng cớ của sự thử thách đầu tiên mà cậu vừa trải qua.
Bỗng cậu nghe nhiều tiếng ực ực lạ lùng. Cậu mở to mắt và nhận ra ngay cảnh tra tấn hai người cùng vào một lượt với mình. Một người nằm ngửa trên ghế dài, hai tay buông thỏng xuống, choàng qua mặt ghế và bị cột chặt vào nhau. Một nùi giẻ dơ bẩn trùm kín mặt anh ta. Tên đao phủ cầm một lon đựng nước khá to rót từ từ xuống nùi giẻ đó. Nạn nhân bị ngạt thở, cố sức vùng vẫy và phát ra những tiếng ừng ực lạ tai.
Ở cuối phòng, một người khác đang đứng lom khom, hai bàn tay bị trói quặt ra sau lưng. Từ chỗ mối cột, một sợi dây chạy thẳng lên, xuyên qua một ròng rọc gắn trên sà nhà. Tân nghe giọng hét to:
- Có chịu khai không? Tổ chức nào nói nhanh.
Tiếng trả lời mếu máo:
- Dạ dạ, không có, em bị bắt oan.
- Đm. mày, lỳ hả.
Một tiếng thét đau đớn vang lên. Tiếng thét tiếp tục lẫn với tiếng khóc tồ tồ, cùng lúc thân người bị rút lên. Tân nhắm mắt lại, cảm thấy hơi thở mình bị ngắt quãng.
Binh, binh. Tiếng la hét lại vang lên từng chặp.
- Đm., có chịu khai không?
- Dạ khai, dạ khai.
- Được rồi. Lỳ là chết nghe con.


*
* *


Ba người được dẫn trở lại phòng giam vì người ta vừa đưa ba người khác vào thay thế. Ba thân xác rũ rượi được đẩy vào khung cửa sắt sau khi người nhân viên ghi tên họ vào trang “nhập” của quyển sổ. Nhiều bàn tay đưa ra kéo họ lên sàn ván và dìu vào tận phòng nhỏ bên trong. Người ta cởi áo họ ra, đặt nằm dài trên nền nhà, dùng nước muối thoa nhẹ trên những vết bầm trên lưng, trên ngực, trên tay chân của họ.
Tân nhắm mắt lại và cảm tấy dễ chịu khi có hai bàn tay nắn nhè nhẹ êm êm trên lưng. Cậu nghe tiếng nói quen thuộc của anh Hiệp:
- Em bị chày vồ phải không?
Tân cố gắng gật đầu. Anh Hiệp hỏi tiếp:
- Bị đánh nhiều không?
- Em không nhớ. Khoảng mười cái.
- Chày vồ là cái món nhẹ nhất và dễ chịu nhất ở phòng điều tra. Em được cho ăn món nhẹ, có lẽ vì em là học sinh và khi bị bắt không có tài liệu gì quan trọng. Em có khai gì không?
- Không, em chẳng khai gì cả. Trong lúc bị đánh em cũng cố gắng không rên la.
Anh vuốt tóc Tân một cách âu yếm:
- Em cứ rên la cho to đi. Càng rên la to thì càng bớt đau và có thể chịu đựng được khá hơn. Vả lại, theo kinh nghiệm của nhiều người, rên la to thì chúng nó nhẹ tay cho mình phần nào.
Tân gật đầu, giọng lo lắng:
- Không biết chừng nào họ lại điều tra tiếp anh nhỉ? Và chừng nào mới chấm dứt?
- Ai cũng phải bị điều tra liên tiếp trong nhiều ngày. Nhanh nhất cũng phải bốn lần bị gọi lên và bốn lần bị ăn đòn.
Tân thở dài rồi nhắm mắt lại nằm yên, cố thở một cách đều đặn.
Ngày hôm sau, ngay khi giờ làm việc bắt đầu. Tân lại bị gọi tên cùng hai người khác. Cậu bước ra khỏi chỗ giam, lòng tràn ngập lo lắng. Suốt đêm rồi, cậu gần như thức trắng vì đau đớn. Tuy nhiên cậu vẫn cắn răng chịu dựng và lòng nhủ lòng phải cương quyết giữ vững chí khí để chịu đựng những cuộc tra tấn tiếp theo. Mọi việc xảy ra cũng gần giống như ngày hôm qua. Người nhân viên hỏi Tân vài ba câu rồi rồi kẹp đầu nện vài chày vồ cho đến khi cậu phun máu ra. Hắn cho Tân ngồi trên ghế và tiếp tục hỏi cung. Tân vẫn cương quyết nhận rằng mình chỉ tham gia vào việc chống tăng học phí thôi, ngoài ra không tham gia vào một tổ chức nào khác. Hắn đứng dậy. Tân cố tự kềm chế nhưng tay chân vẫn cứ run lên; cậu biết mình sắp bị một đòn tra tấn khác, không biết lần nầy sẽ là đòn gì và có qua được một cách suôn sẻ như hai trận đòn vừa rồi hay không.
Vừa lúc đó, một người bước vào phòng. Ông ta ăn mặc khá tươm tất. Ông nhìn quanh một lượt rồi bước lại bàn cầm xấp giấy nhìn qua một tí và bảo với tên đao phủ đang nắm lấy tay Tân:
- Các tỉnh mới đưa thêm lên một xe đầy nữa. Kết thúc hồ sơ của thằng nhóc nầy đi để giải quyết những vụ khác. Công việc ứ đọng lại quá nhiều rồi.
Người nhân viên điều tra im lặng gật đầu.
Tân được đưa về phòng và ngay buổi chiều lại bị gọi lên. Tên nhân viên điều tra, với cái nhìn hiền lành hơn hai hôm trước, đưa bản điều tra cho cậu đọc và ký tên. Xong rồi, cậu được đưa trả về phòng. Cậu kể mọi chuyện cho anh Hiệp nghe. Anh vui vẻ bảo:
- Mừng cho em. Thế là xong, em thoát nạn rồi. Em may mắn lắm đó. Ít có vụ nào được kết thúc nhanh như thế, có lẽ vì lúc nầy người ta bị bắt vào quá đông, đủ mọi thành phần: Việt cộng, Cao đài, Hòa hỏa, Đại Việt, Quốc dân đảng, vân vân. Thôi nghỉ ngơi vài hôm rồi qua khám Gia định, sau đó đi an trí ở một chỗ nào đó trong ít lâu và ra về tiếp tục công tác.
Đêm hôm đó, mặc dầu đau đớn dữ dội nhưng Tân ngủ một giấc thực ngon, trong lòng hết sức thanh thản. Cậu tin lời anh Hiệp và sung sướng thấy rằng cậu không phải chịu đựng nhiều mà vẫn hoàn thành được ý nguyện bảo vệ được cơ sở bên ngoài. Chỉ mới mấy ngày trước đây cậu còn nghĩ phải đem cả sinh mạng của mình ra đặt vào cuộc chơi; nay sinh mạng vẫn còn nguyên vẹn, cuộc chơi coi như kết thúc và cậu đã thắng rõ ràng.
Ba hôm sau, Tân được gọi ra xe cùng với hai mươi người khác. Cậu bị còng chung với một người đứng tuổi và bị đẩy vào một xe bít bùng. Xe ra khỏi cổng, cậu lại được nhìn Nhà thờ Đức Bà qua lỗ thông nhỏ phía sau và nghe tiếng xe quen thuộc trên đường phố.
Mươi phút sau, xe chạy chậm lại và dừng hẳn. Cửa xe mở ra cùng lúc với tiếng ra lệnh:
- Xuống xe.
Từng hai người một bị còng chung bước xuống một cách khó nhọc. Tất cả xếp thành hàng hai. Người ta đếm đi đếm lại một cách cẩn thận rồi dẫn nhóm tù qua một khung cửa tò vò nhỏ hẹp, đi xuyên qua một hành lang dài và đến một sân lộ thiên, bao bọc trong bốn bức tường cao nghều nghệu. Những người tù lần lượt được mở còng và chia thành từng tốp nhỏ để về nhiều phòng giam.
Tân cùng một người nữa được đưa vào một phòng cuối dãy. Phòng đã chật đầy người, nóng hầm hập, tối lờ mờ, tương phản với sự chói chang bên ngoài. Trong ánh sáng yếu ớt qua một khung cửa sổ tuốt trên cao và một đèn tròn cháy sáng ngày đêm từ trên trần nhà rọi xuống, Tân nhận ra những cái đầu lố nhố đồng loạt ngước lên, những đôi mắt châm bẩm nhìn hai người tù mới. Mùi mồ hôi lẫn với mùi phân và nước tiểu xộc vào mũi. Tân đã quá quen với cái mùi kinh tởm nầy qua những ngày ở bót Catinat. Cậu cố mở to mắt quan sát phòng giam với tâm trạng vừa ngao ngán vừa tò mò. Căn phòng khá rộng nhưng chứa đầy người nên trông rất chật hẹp. Mặt sau và hai mặt bên là những tấm vách liền lạc, loang lỗ những vết bẩn, những chữ viết nguệch ngoạc bằng gạch hay bằng vật cứng, những vết máu do những con muỗi hay những con rệp mà tù giết chết và quẹt lên tường thành những vệt đen vằn vện. Mặt trước có cửa ra vào khá hẹp so với căn phòng. Trên cao khỏi đầu là một khung cửa sổ nhỏ với những chấn song sắt kiên cố. Ngay bên dưới cửa sổ là phân nửa cái thùng phuy, trên miệng lót hai miếng ván. Đó là chiếc thùng duy nhất đựng phân và nước tiểu của tất cả những người tù bị nhốt trong phòng.
Đám đông ngồi bệt trên nền xi măng, im lặng và gần như bất động; nếu không có những đôi mắt biểu hiện sự sống thì ta có thể lầm tưởng đó là những đồ vật trong nhà kho.
- Đại diện đâu, nhận thêm hai người.
Sau câu nói của người giám thị, một bóng xám trong phòng vụt đứng lên. Người giám thị quay lui, bước ra và cánh cửa đóng sầm lại, cùng với tiếng khóa lách cách tiếp theo sau.
Anh đại diện bước tới. Đó là một người trung niên, cao và gầy, hai mắt hấp háy sau đôi kính trắng. Anh nhìn người cùng đi với Tân. Hai người thoáng sửng sốt khi đối mặt với nhau. Tân đoán hai người đã quen biết nhau từ trước.
Anh đại diện lên tiếng, giọng ôn tồn:
- Đây là phòng D của khám Gia định. Tôi là Thái, đại diện phòng nầy.
Người đi chung với Tân lên tiếng:
- Tôi tên là Cự.
Thái gật đầu quay sang Tân.
- Em tên là Tân.
Thái lại gật đầu và nói:
- Anh Cự theo tôi, còn chú nhỏ nầy thì nằm chỗ kia.
Anh đưa tay chỉ một chỗ trống sát thùng phân và nước tiểu rồi nói tiếp với giọng lạnh lùng:
- Chú chịu khó ngủ ở đó, khi nào có người được chuyển đi thì tôi sẽ sắp xếp cho chú một chỗ sạch sẽ hơn.
Anh nói xong, dẫn anh Cự bước về hướng cuối phòng. Vài người xê dịch để có một chỗ cho họ đi. Tân ngao ngán nhìn chỗ ngủ được chỉ định cho mình. Bất giác cậu nhìn về cuối phòng và thấy anh Cự, người đi chung với cậu đang ngồi thoải mái bên anh đại diện. Bỗng dưng, cậu thấy tủi thân. Sự phân biệt đối xử ngay trong hoàn cảnh cùng cực nầy thực là cay đắng. Tuy nhiên, dần dà sau đó, cậu cũng quen với khoảng không gian nhỏ hẹp và mùi hôi thối nồng nực của phân và nước tiểu.
Chỉ có một thùng đựng chất thải duy nhất cho cả một phòng giam gồm hơn bảy chục tù nhân nên người ta thay nhau trèo lên bước xuống không lúc nào ngưng. Mỗi ngày ba lần, vào sáng sớm, buổi trưa và buổi tối, chiếc thùng được khiêng ra ngoài đổ bỏ, chùi rửa qua loa và mang vào trở lại. Công việc thực nặng nhọc và dơ bẩn nhưng không ít anh em trong phòng giành nhau làm. Người ta thèm muốn được bước qua khung cửa hẹp, được hít thở một chút không khí bên ngoài, được nhìn một khoảng trời màu xanh có mây trắng, được xa rời trong giây phút cái không gian tù túng, mà tầm mắt luôn luôn bị chận đứng trong bốn bức tường sừng sững lạnh lùng.


*
* *

Sáng nay, anh em tù nhân thức dậy sớm hơn thường ngày, ngồi túm tụm với nhau rì rầm nói chuyện. Ai cũng có vẻ bồn chồn vì hôm nay là ngày thăm nuôi; một số người sẽ được thân nhân gởi thức ăn để bồi dưỡng, thuốc men để trị bệnh. Mãi một lúc sau, những tia sáng đầu tiên của buổi bình minh mới bắt đầu rọi vào phòng qua khung cửa sổ trên cao. Thành phố đang thức dậy với những tiếng động quen thuộc nghe khi gần khi xa như những âm thanh của dương gian vọng đến chốn địa ngục nầy.
Một vài người lách qua những người khác để được ngồi gần cửa. Đó là những người đã bị giam khá lâu tại đây và đều đều nhận phần tiếp tế của gia đình gởi vào hàng tuần. Họ ngồi thẳng lưng, mắt dán vào cánh cửa, trong tư thế sẵn sàng đứng dậy khi giám thị gọi đến tên. Nhiều người khác trái lại vẫn nằm dài trên nền xi măng, mắt nhắm nghiền hay nhìn một cách xa xăm lên trần nhà. Họ là những người không bao giờ nhận được hàng thăm nuôi vì không có thân quyến tại thủ đô nầy.
Tân biết rằng mình thuộc về nhóm những người đó. Cậu đâu còn ai là thân thích tại thành phố khổng lồ và đông đúc nầy. Cha mẹ đã gởi nắm xương tàn tại quê nhà ở miền Trung cằn cỗi; anh Vinh, người thân thiết nhất còn sống thì đang ở ngoài miền Bắc xa xôi. Còn ai nữa đâu.
Tân chợt nhớ tới cậu Danh của nó và bỗng cảm thấy lòng quặn thắt khi nhớ đến bé Hiền, người bạn thân thiết của những năm thơ ấu của mình.
Ôi, cái thời thơ ấu đầy gian nan và sóng gió! Bé Hiền là hình ảnh dịu dàng duy nhất, là niềm an ủi hiếm hoi đối với cậu. Bé Hiền đã vĩnh viễn từ giã cõi đời rồi. Những người đã đoạt mạng sống của chị Hiền mà cậu hết lòng yêu thương lại chính là những đồng chí của cậu. Cậu hiểu rằng, trong cương vị một kẻ đang tự nguyện đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản thì cậu không có quyền thương tiếc bất cứ con người nào mà đảng ra lệnh giết chết. Người cộng sản không được thắc mắc về bất cứ chủ trương, đường lối nào của đảng, dù lớn dù nhỏ, không được để bất cứ tình cảm ủy mị nào chen vào làm cho hành động của mình kém phần dứt khoát.
Không, bây giờ cậu không còn muốn bị lệ thuộc vào sự khắc khe như thế nữa. Cậu muốn sống ung dung hơn, muốn được quyền thương yêu, giận ghét theo tình cảm riêng tư của mình.
Tân nằm xuống nền nhà còn ấm hơi người và lần đầu tiên trong nhiều tháng nay cậu có được cảm giác bình yên trong tâm hồn.
Có tiếng khóa cửa khua lách cách làm không khí trong phòng chợt khuấy động, mọi người đồng loạt nhìn về phía cửa.
- Nguyễn văn Tịnh.
Tiếng người giám thị hét to khi cánh cửa vừa mở ra. Tiếng trả lời cũng to không kém:
- Dạ có mặt.
- Vợ tên gì?
- Dạ Đào. Trần thị Anh Đào.
Viên giám thị cúi xuống nhìn mảnh giấy đeo nơi miệng chiếc giỏ mà ông đang xách:
- Đúng rồi, ra nhận đồ thăm nuôi.
Viên giám thị đọc tiếp. Thêm hai người nữa nhận hàng tiếp tế, một người do mẹ, một người do vợ gởi vào. Rồi cánh cửa đóng sầm trở lại cùng với tiếng khóa khua cách cách. Tân tò mò nhìn về cuối phòng nơi ba người được tiếp tế xách giỏ đi vào nhưng chỉ nhìn thấy những chiếc lưng trần của nhiều người bu chung quanh.
Hơn nửa giờ sau, lại có tiếng khóa khua và cửa mở ra.
- Phạm bá Tân.
Tân giật nẩy mình, nhìn ra cửa, miệng há hốc. “Tại sao gọi Phạm bá Tân? Chắc chắn không phải là mình. Thế thì ai? Hay là ai đó trong phòng có cùng tên. Không, hằng ngày điểm danh cậu có nghe Phạm bá Tân nào khác đâu”.
Người giám thị quát to một cách gắt gỏng:
- Phạm bá Tân. Ai là Phạm bá Tân? Không có mặt phải không? Vậy thì có lẽ nhầm phòng rồi.
Tân đứng bật dậy, giọng lạc hẳn đi:
- Dạ có.
- Tại sao bây giờ mới lên tiếng? Quên cả tên mình rồi à?
Tân cố nén xúc động:
- Dạ, dạ….
- Em gái tên gì?
Đầu óc cậu như rơi vào một khoảng trống không làm cậu chới với. Cậu đứng im nhìn một cách sửng sốt, không biết việc gì đang xảy ra. Viên giám thị quát to:
- Em gái tên gì, nói nhanh.
Tân vẫn đứng im. Có giọng ai đó trong đám đông nói to một cách bỡn cợt:
- Chắc có đến mấy chục em gái nên không biết em nào thăm nuôi.
Nhiều tiếng cười ồ vui vẻ. Giọng bỡn cợt tiếp tục:
- Thì cứ kể ra hết đi. Em gái ruột, em gái bà con, em gái không bà con, kể ra tất tần tật đi.
Những tiếng cười to hơn làm cả phòng ồn ào. Viên giám thị cũng cười theo. Ông ta cúi xuống đọc cái nhãn đeo trên miệng giỏ và hỏi:
- Có bà con hay quen biết với ai trên là Nguyễn thị Bạch Mai không?
Giọng Tân nghẹn lại:
- Dạ có, dạ có.
- Có phải em gái không?
- Dạ phải, dạ phải.
- Nhà ở đâu?
- Dạ, dạ, ở đường Vườn chuối.
- Đúng rồi, nhưng tại sao bây giờ mới trả lời?
Tiếng bỡn cợt lại vang lên:
- Nó bị đòn nhiều quá nên quean cả tên em gái rồi. Thôi ông cho nó lãnh đi.
Viên giám thị gật đầu:
- Được rồi, ra nhận hàng.
Tân lách qua đám đông đến nhận chiếc giỏ từ tay viên giám thị rồi quay về chỗ ngủ của mình. Chiếc giỏ đan bằng dây màu xanh bên trong dựng một ổ bánh mì, một hộp nhựa đựng thịt kho khô, một gói bánh ngọt, một bàn chải với kem đánh răng, một cục xà phòng, một quần ngắn và một áo sơ mi mới toanh. Tân run tay lật từng món ra, lòng tràn đầy xúc động. Cậu xếp các món vào giỏ, nằm xuống nhắm mắt lại và gọi thầm:
- Bạch Mai, Bạch Mai, em Mai!
Cậu cảm thấy một nỗi yêu thương dâng lên, tràn ngập trong lòng, đầu óc cậu trôi bồng bềnh trong một mớ tình cảm hỗn độn vừa hạnh phúc lại vừa đau khổ.
Đến hết ngày, có gần phân nửa số người trong phòng được nhận đồ tiếp tế. Những người nầy góp chung bánh kẹo dồn thành một đống ở giữa phòng. Khi ánh sáng ban ngày bên ngoài tắt hẳn, buổi liên hoan hàng tuần trong phòng bắt đầu. Bánh kẹo được chia đều cho tất cả mọi người. Anh em thay nhau đơn ca hoặc song ca. Ban giám đốc nhà giam cấm hát tập thể vì sợ tiếng hát vọng đến các nhà dân chúng chung quanh.
Đối với tù nhân thì tiếng hát tập thể không được dùng để liên hoan mà được dành cho mục đích khác quan trọng hơn nhiều. Ở đây, rất thường nổ ra những cuộc tranh đấu có tính chất chính trị. Lúc đó, các phòng hoàn toàn bị cô lập một cách gắt gao. Tù nhân sẽ dùng tiếng hát tập thể để liên lạc hay thông báo tin tức cho nhau. Mỗi một bài hát có một ý nghĩa riêng biệt đã được định trước giữa các phòng. Có bài hát cho biết cuộc tranh đấu tiếp tục hay chấm dứt, có bài hát cho biết nhà tù đàn áp mạnh tay, có bài hát cho biết cuộc tranh đấu chuyển qua giai đoạn cao hơn, đến mức tuyệt thực hay bạo loạn chẳng hạn.
Đêm nay, cuộc liên hoan diễn ra bình thường nên chỉ có đơn ca, song ca và kể chuyện khôi hài. Không khí trong phòng trở nên thực vui nhộn khác hẳn với nỗi u buồn hằng ngày.
Tân nhẩm tính đã được hai mươi ngày kể từ khi bị bắt, những ngày dài đăng đẳng đầy lo âu, thiếu thốn, đau đớn thể xác lẫn tâm hồn. Vì thế đêm nay thực là một đêm hoàn toàn vui thích. Nhớ đến những món quà mà Bạch Mai gởi vào, nhớ đến khuôn mặt yêu kiều của người bạn gái, cậu thấy nguồn vui nở rộ trong lòng. Cậu tình nguyện hát từ bài nọ đến bài kia. Giọng ca của cậu bình thường đã khá hay, hôm nay lại thêm chất truyền cảm làm cho mọi người ưa thích, ngồi nghe một cách say sưa. Với cậu thì tiếng ca đêm nay gây cho cậu nhiều xúc động. Nó gợi lại những tháng ngày hoạt động trong hàng ngũ thành đoàn, những đêm lửa trại tưng bừng, những buổi ca hát rộn ràng vào giờ phút học sinh xuất phát đi làm cứu tế. Những ngày tháng vui tươi và sôi nổi đó, nay đã chấm dứt và không bao giờ còn trở lại với cậu nữa. Bỗng dưng, cậu thấy một nỗi nuối tiếc dậy lên trong lòng.
Buổi liên hoan chấm dứt, mọi người về chỗ ngủ của mình. Tiếng động bên ngoài của thành phố dần dần tắt lịm, không gian trở nên tĩnh mịch. Tân nằm yên nhìn bóng đèn hắt ánh sáng vàng vọt xuống những thân người nằm san sát bên nhau. Trí óc cậu lần lượt lướt qua quảng đời thơ ấu đầy sóng gió, những ngày tháng theo cách mạng trong chiến khu Đồng Tháp mười mênh mông và tại thành phố đông đúc nầy. Sau cùng, trí tưởng tượng của cậu dừng lại nơi hình ảnh dịu dàng của một người con gái. Tân đưa tay sờ vào gói quà tiếp tế để sát bên đầu, lòng bồi hồi xúc động.


*
* *

Một tháng sau khi Tân về khám Gia định, có tin cho hay ngày mai người ta sẽ chuyển một số lớn tù đi an trí ở một nhà giam khác. Tin tức nầy do hai người khiêng thùng phân nhận được và thông báo ngay cho mọi người trong phòng. Anh em rì rầm bàn tán là sẽ có tranh đấu trên đường đi.
Buổi tối, khoảng nửa giờ trước khi đèn tắt mở ba lần báo hiệu giờ ngủ, có tiếng ai đó hô to: “Chiến sĩ Việt Nam. Bao chiến sĩ anh hùng, hai … ba”. Mọi người vùng dậy, kẻ đứng người ngồi, cố sức rống thực to bài hát vừa được bắt nhịp. Căn phòng đầy người như muốn nổ tung. Tân cũng bị lôi cuốn vào cơn kích động đó, cậu gào to như mọi người. Khi tiếng hát trong phòng vừa dứt, Tân nghe bài hát đó vang lên đều khắp các phòng trong cả khám, đồng thời cậu cũng nghe rõ cả tiếng chạy, tiếng la í ới của lính tráng và nhân viên bên ngoài phòng.
Một lát sau, sự im lặng trở lại bao trùm cả trại. Trong phòng, mọi người đã về chỗ ngủ nhưng tiếng rì rầm bàn tán chưa dứt.
Tân nằm yên nhắm mắt để cố tìm giấc ngủ. Bỗng một bàn tay ai đó chạm nhẹ vào vai cậu. Tân mở mắt thì bắt gặp cái mỉm cười của anh Cự, người bị còng chung với cậu từ bót Catinat về đây. Cự nói với cậu bằng giọng thì thào:
- Ngày mai, có chuyến chuyển tù đi, em biết rồi chứ?
- Dạ em biết rồi. Nhưng đi đâu thì em chưa biết.
- Trong nầy, mình chưa nhận được tin chính xác là sẽ đi đâu. Có thể đi đảo Côn nôn hay đảo Phú quốc, hoặc một trại trong đất liền.
Cự im lặng một chút như đắn đo một việc gì quan trọng. Đột nhiên, anh cúi thấp xuống, nhìn thẳng vào mặt Tân và nói nhỏ:
- Ngày mai trên đường đi, chúng ta tổ chức tranh đấu. Em biết chưa?
- Dạ biết rồi. Suốt buổi chiều nay, anh em đều bàn về chuyện đó. Vừa rồi, tất cả các phòng đều hát lên bài chiến sĩ Việt Nam, em đoán cả trại đều thống nhất phát động tranh đấu trong ngày mai, có phải vậy không?
- Phải rồi.
- Nhưng em không biết tranh đấu thế nào. Họ đưa mình đi thì chắc chắn sẽ còng tay kỹ lưỡng và canh gác cẩn thận.
Cự mỉm cười:
- Em tưởng tranh đấu là bỏ chạy hay đánh lại họ hay sao. Mình làm như thế thì chúng nó sẽ bắn mình chết. Chúng ta không chủ trương bạo động kiểu đó đâu, chẳng ích lợi bao nhiêu mà sẽ bị tổn thất nặng. Cuộc tranh đấu ngày mai là chỉ hô hào, đòi hỏi hòa bình, tự do dân chủ. Em hiểu chưa?
- Em hiểu, một năm vừa qua, trong phong trào sinh viên học sinh thì chúng em cũng hô hào những điều đó.
Cự lại mỉm cười một cách hiền lành:
- Không phải riêng các em. Kể từ sau hiệp định Genève, chúng ta hoàn toàn chuyển sang đấu tranh chính trị, mọi ngành mọi giới đều có chung phương thức vận động đấu tranh, cùng chung khẩu hiệu là đòi địch thi hành hiệp định Genève, thực thi tự do dân chủ, tiến tới hiệp thương tổng tuyển cử. Ở đây, cuộc tranh đấu của chúng ta cũng trong quỹ đạo đó.
Tân thắc mắc:
- Nhưng ở đây, mọi người đều là đồng chí thì còn hô hào gì nữa.
Cự vỗ vai Tân một cách thân mật:
- Em hiểu sai rồi. Chúng ta không hô hào cho anh em mình mà hô hào để kích động quần chúng trên con đường mà xe chở chúng ta đi qua. Chúng ta sẽ gây tiếng vang cho đồng bào mình biết là có một đoàn tù chính trị đang bị đưa đi đày, tiếng vang kêu gọi đồng bào sẵn sàng đứng lên đòi hỏi hoà bình và tự do dân chủ. Chúng ta hi vọng những người chứng kiến sẽ kể lại cho nhiều người khác nghe và như thế là tiếng vang của chúng ta sẽ lan đi rất xa trên đất nước mình và có thể ra cả ngoại quốc nữa.
Tân gật đầu:
- Em hiểu rồi. Cụ thể là chúng ta làm gì để tạo ra tiếng vang đó?
- Rất giản dị. Chúng ta ca hát và hô khẩu hiệu. Ca hát trước để đồng bào chú ý và sau đó là hô khẩu hiệu. Chúng ta sẽ làm công việc nầy ở những chỗ đông người đặc biệt là ở các ngã tư mà xe buộc phải ngừng lại.
Tân ngắt lời:
- Vậy là có người hô khẩu hiệu trước rồi mọi người hô theo “ủng hộ” hay “đả đảo” phải không?
Cự cười khì:
- Đúng vậy. Nhưng ngoài việc hô to khẩu hiệu, còn bắt giọng bài hát nữa chứ.
Tân lại ngắt lời:
- Và mỗi xe phải có một người làm việc đó?
- Phải. Từ trước đến nay, anh em sống trong mỗi phòng ở đây được gọi đi thì thường ngồi chung trên một xe. Vì vậy, mỗi phòng phải đề cử một người. Chính người đó sẽ phát động cuộc tranh đấu. Chính người đó là linh hồn của cuộc tranh đấu.
Bỗng dưng, Tân thấy máu nóng chảy mạnh trong cơ thể, bầu máu nóng đã từng cuồn cuộn chảy trước đây khi cậu có dịp đứng trong đám đông và thúc đẩy mọi người tiến lên. Cậu lên giọng hỏi anh Cự:
- Phòng mình, ai làm chuyện đó?
Cự nhìn thẳng vào mắt cậu, giọng vừa thân mật, vừa cương quyết:
- Chính em sẽ làm việc đó. Các anh vừa mới họp xong và mọi người đều nhất trí đề cử em.
Tân cảm thấy một niềm hãnh diện của tuổi trẻ dâng lên. Tuy nhiên, cậu muốn đè nén sự hân hoan của mình:
- Nhưng tại sao các anh đề cử em? Em nhỏ nhất trong phòng mà. Ở đây em cũng chẳng có quen biết với ai cả.
Cự nắm hai vai của Tân bóp nhẹ:
- Vào tới đây thì ai cũng là đồng chí cả, chẳng cần phải quen biết trước. Còn việc đề cử chú thì cũng dễ hiểu. Chú có giọng to và tốt. Tiếng hát của chú nghe hay và hùng hồn lắm. Điều đó ai cũng thấy qua các buổi liên hoan hàng tuần. Hơn nữa, chú còn trẻ. Càng trẻ, chí khí càng cao. Đồng ý nhé?
Tân lặng lẽ gật đầu. Cự nhỏm dậy định về chỗ nhưng sực nghĩ ra điều gì đó, anh vội nói thêm:
- Em chú ý, khoảng một hay hai giờ khuya nay, chúng ta có thể biết là đi xa hay đi gần. Đi xa thì thường là ra đảo Côn nôn hay Phú quốc. Đi gần là đến một trại an trí ở Phú lâm, Biên hòa hay Thủ dầu một.
- Làm sao biết được?
- Nếu đi xa thì độ một giờ khuya, nhà bếp bắt đầu nấu cơm để đem theo ăn cả ngày mai. Đêm thanh vắng, nằm đây có thể nghe rõ tiếng động trong bếp và tiếng củi cháy trong lò. Nếu không có những tiếng động đó thì có nghĩa là đi gần. Biết trước đi xa hay đi gần thì mình chuẩn bị công việc tranh đấu của mình tốt hơn. Thôi, sắp đến giờ ngủ rồi. Chúc em ngủ ngon đêm nay để ngày mai có đầy đủ sức khoẻ và lòng hăng hái.
Sau khi Cự về cuối phòng, Tân nằm xuống nhưng không ngủ ngay được. Cậu suy nghĩ miên man. Càng về khuya, bầu máu nóng do anh Cự kích thích, dần dần nguội lạnh bớt đi. Cậu bắt đầu ăn năn đã nhận lời đề nghị của anh Cự làm “linh hồn” cho cuộc tranh đấu ngày mai. Tại sao cậu lại chấp nhận lời đề nghị nầy một cách dễ dàng như thế? Chính con đường lao tù này đã cho cậu cơ hội xa dần cái lý tưởng mà trước đây cậu cho là vô cùng cao đẹp. Tân thở dài, đã lỡ mang cái nghiệp vào thân rồi thì không dễ gì rứt bỏ một cách chóng vánh được. Cậu thấy ngao ngán cho hoàn cảnh, ngao ngán cho tính bốc đồng và nhẹ dạ của mình. Căn phòng chìm dần vào im lặng, chỉ còn vài người lục đục ngồi chờ leo lên thùng phuy. Mồi hôi thối tràn ngập trong căn phòng kín. Tân khao khát nghĩ đến ngày mai, đến những con đường thân thuộc trong thành phố, bầu trời xanh hiền hòa trên những hàng cây xanh. Cậu nhắm mắt lại và nhủ rằng ngày mai mình sẽ ngồi yên, không làm “linh hồn” cuộc tranh đấu như đã hứa với anh Cự vừa rồi. Sau đó, cậu sẽ nhận lỗi với anh Cự và tìm lý do nào đó để tự bào chữa.


*
* *

Tiếng kẻng đánh làm Tân giật mình thức giấc. Mọi người trong phòng đều bật dậy. Anh đại diện la to:
- Tới giờ rồi. Chuẩn bị nghe tên để lên đường, anh em ơi.
Chẳng có gì nhiều để mà chuẩn bị. Hầu hết, mỗi người chỉ có một bộ quần áo trên người và một ít vật dụng trong túi nhỏ. Hành trang của người tù chỉ là như thế.
Có tiếng khóa khua lách cách và cánh cửa mở ra. Viên giám thị xuất hiện với xấp giấy trên tay, phía sau là hai người lính ôm súng, mũi quay xuống đất. Mọi người nín bặt, chú ý nghe giọng nói to và dõng dạc của người giám thị:
- Các anh nghe đây. Ai được tôi gọi thì hô “có” và mang tất cả đồ dùng cá nhân của mình bước ra ngoài.
Ông ta lần lượt đọc tên. Gần phân nửa số người trong phòng đi ra, trong đó có Tân. Tất cả đều hớn hở. Họ biết rằng sắp bị đưa đi giam cầm nơi khác nên họ vui mừng. Bị giam hãm hằng tháng trường trong một căn phòng chật hẹp, họ rất mong một sự thay đổi chỗ ở, cần đi đến một nơi khác mà không cần biết sẽ sung sướng hay cực khổ hơn.
Vì vậy, những người có tên nghĩa là những người đi đày thì vui mừng ra mặt, những người chưa được gọi tên thì hồi hộp đến nín thở trong khi chờ đợi. Đến khi cuộc gọi tên chấm dứt, cánh cửa phòng đóng lại, những người còn lại ngồi im một cách buồn bã. Căn phòng chỉ vơi đi chưa đầy phân nửa nhưng có vẻ trống vắng và lặng lẽ một cách lạ lùng.
Bên ngoài, đoàn tù được điểm danh một lần nữa và lần lượt leo lên xe. Đó không phải là những xe bít bùng đặc chủng để chở tù mà là mười chiếc xe vận tải bình thường mà thôi. Trong mỗi xe, tù nhân ngồi sát bên nhau trên sàn xe, bị còng chung từng hai người với nhau. Hai người lính, súng mang vai đứng tựa vào thành xe.
Đoàn xe bắt đầu nổ máy, từ từ tiến ra khỏi cổng và lăn bánh trên đường.
Tân rướn mình, nghểnh cổ nhìn phố phường. Bỗng dưng một nỗi khát khao tự do mãnh liệt dâng lên trong lòng. Trước mặt cậu, con đường tráng nhựa đen sì, hai hàng cây thẳng vút, lá bị nhuộm vàng trong ánh sáng ban mai. Mọi cửa hàng đều đã mở cửa, người ta đi thong thả trên đường phố.
Bỗng có tiếng la í ới phía trước. Mọi người trong xe nhỏm lên như chực đứng dậy. Hai người lính vội vàng hạ súng trên vai xuống cầm tay và hét to:
- Ngồi xuống, không được đứng dậy. Ai không tuân lệnh thì bị bắn chết ngay.
Đoàn xe đang qua trước chợ Bà chiểu, nên chạy thật chậm vì có đông người qua lại. Hai bên đường, nhiều người đứng lố nhố hầu hết là đàn bà, người nào cũng có vẻ hốt hoảng. Có tiếng hét to:
- Anh Hai.
- Anh Thái.
Trong xe có tiếng la:
- Trời ơi, vợ tao kìa. Có cả chị thằng Tảo nữa.
Lại có tiếng ai đó hỏi:
- Tại sao vợ mày và những người khác biết mà đi đón tụi mình vậy?
- Có lẽ họ hỏi thăm mấy người lính trong tòa hành chánh Gia định.
Trên xe, nhiều cánh tay cố đưa lên để vẫy. Tân cũng bắt chước vẫy tay. Bỗng cậu lặng người. Trong đám đông đứng cạnh đường, có một tà áo trắng vội chen ra bước xuống đường nhựa, nhìn theo xe. Tân vùng đứng dậy hét to:
- Mai, Mai, Bạch Mai, Bạch Mai!
Người con gái hình như đã nghe tiếng, đứng yên mở to mắt rồi đưa cả hai tay lên ôm mặt. Có ai đó cầm tay cậu kéo mạnh xuống. Cậu quay lại thì vừa thấy họng súng đen ngòm của người lính chĩa thẳng vào mặt mình.
Tân cảm thấy quặn thắt nỗi đau trong lòng. Trong một tháng rồi, Tân chỉ có nỗi đau đớn về thể xác qua các trận đòn ở phòng điều tra và qua những ngày sống trong không khí hành hạ của khám Gia định. Tinh thần của cậu được khá bình yên vì cậu hài lòng khi đã có đủ can đảm chấm dứt hoạt động cách mạng bằng cái giá là tự do của mình và có thể cả sinh mạng của mình nữa. Giờ đây cậu hiểu rõ hơn, cái lý do mạnh mẽ duy nhất thúc đẩy cậu từ bỏ con đường mà cậu đã theo trong nhiều năm, chính là vì nghĩ đến sự an toàn của Bạch Mai và những bạn bè thơ ngây khác.
Bây giờ, rõ ràng Mai đứng đó nhìn theo cậu, nhìn vào cái giá mà cậu phải trả cho quyết định của mình. Nhưng cái giá mà cậu đang trả đây liệu có ích lợi gì không? Chắc chắn, Bạch Mai và nhiều bạn khác vẫn còn nằm trong tổ chức. Có cậu hay không có cậu thì sự hiểm nguy vẫn chực sẵn để cuốn hút nàng và những bạn gái đáng thương kia.
Tân thầm nghĩ như thế rồi bỗng nhiên, trong lòng Tân, một nỗi phẫn uất chợt dâng lên và tràn ngập. Cậu phẫn uất ai? Phẫn uất kẻ thù không nương tay với những người mà họ cho là tay sai của cộng sản? Hay phẫn uất đối với chính những người làm cách mạng sẵn sàng đẩy tuổi trẻ thơ ngây vào vòng hiểm nguy để làm lợi cho lý tưởng của họ?
Nhất thời, Tân không tự hiểu được rõ ràng lý do của sự phẫn uất. Mặt nóng bừng, cậu không thể ngồi yên trên xe được nữa. Cậu muốn phóng xuống đường, mặc cho chuyện gì xảy ra tiếp theo. Nhưng không thể được; tay cậu đang bị dính chặt với một người lớn tuổi có thân hình vạm vỡ. Cậu thấy mình như một quả bóng đang căn phồng, không thể ngồi im mà chịu đựng nữa. Cậu muốn hét lên những tiếng thực to để xả bớt nỗi uất ức trong lòng.
Bỗng nhiên, có tiếng thét từ xe trước vang lên:
- Yêu cầu trả tự do cho chúng tôi.
- Yêu cầu thi hành đúng đắn hiệp định Genève.
- Hòa bình muôn năm.
Tiếng thét dồn dập lan từ xe nầy đến xe khác. Tân chợt hiểu rằng giờ phút tranh đấu trên đường đi đã đến. Nó đến thực đúng lúc với sự thèm muốn la to của cậu. Cậu hít vào thực sâu cho không khí đầy buồng phổi và la lên với tất cả sức lực của mình:
- Yêu cầu trả tự do cho chúng tôi; ủng hộ hòa bình; đả đảo những người gây chiến, chia xẻ đất nước.
Mọi người la theo một cách hăng hái. Cậu bắt giọng bài hát, mọi người tồ tồ hát theo. Người đi đường dừng lại, ngạc nhiên nhìn theo. Có lẽ không mấy người hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra.
Tân tiếp tục la to. Cậu thấy họng súng đen ngòm của người lính chĩa thẳng vào ngực cậu. Mặc kệ, cậu không hề run sợ. Mạng sống nầy đã một lần bị mang ra đã trả giá rồi thì chẳng còn là một sản phẩm độc tôn nữa.
Tân la liên tục cho đến khi xe qua khỏi cầu Bình lợi thì cậu thấm mệt. Hơn một tháng trong tù làm cho sức khỏe của cậu suy giảm rõ rệt. Cậu thôi không nghĩ tới việc tranh đấu nữa. Cậu gục đầu xuống hai gối, cảm thấy bải hoải, chán chường.
Xe đã ra khỏi thành phố, hai bên đường là vườn tược và đất hoang, rải rác những căn nhà lá cùng những bóng người thưa thớt. Hơn nửa giờ sau, xe qua cầu Gành rồi tiến vào thành phố Biên hòa. Tiếng la trong các xe lại nổi lên nhưng Tân vẫn ngồi im lặng nhìn ra hai bên phố phường tấp nập đông vui.
Chạy thêm một đoạn đường nữa thì đoàn xe dừng lại trước một cánh cổng, bên trên có tấm bảng với hàng chữ to: “Trung tâm cải huấn Tân hiệp”
Có tiếng ai đó thì thào:
- Tới rồi, trại an trí Biên hòa.
Lai có tiếng hỏi khẽ tiếp theo:
- Anh biết trại nầy hả? Có dễ chịu không?
- Biết. Trước hiệp định Genève, tôi đã từng bị giam ở đây. Lúc đó, nơi đây khá dễ chịu, bây giờ chưa biết thế nào.
Hai cánh cửa mở ra, đoàn xe chạy vào sân rộng và dừng lại trước một dãy nhà dùng làm văn phòng. Người lính nhảy xuống mở bửng xe, ra lệnh:
- Tất cả xuống xe, xếp hàng đôi ngay ngắn.
Từ văn phòng, có tiếng thét to:
- Dẫn mấy thằng cộng sản kích động vào đây.
Tân được mở còng với người đồng hành và được đẩy vào căn nhà chính diện. Lần lượt, mười người khác cũng được dẫn vào. Tân đoán biết đó là những người đã la to khẩu hiệu và bắt giọng hát trên đường đi đến đây. Tất cả còn trẻ và Tân nhỏ nhất trong đám nầy.
Một người mặc thường phục, có lẽ là giám thị trại giam từ phòng bên bước ra, thân hình phốp pháp, sắc mặt đằng đằng sát khí. Ông ta nói lớn:
- Mấy thằng cộng sản kích động đây phải không? Trên đường đi, tụi bây la khẩu hiệu gì, bây giờ la lại tao nghe coi. Tụi bây nghe lời cộng sản phá rối trị an của xã hội thì chính phủ phải nhốt tụi bây lại. Tụi bây không biết tội mà còn la lối đòi hỏi. Đây, tao trả lời cho sự đòi hỏi của tụi bây đây.
Nói xong, hắn chụp áo một anh tù đứng gần nhất, cung tay đấm mạnh vào mặt làm anh tù loạng choạng cúi gập mình xuống. Sau cú đấm đó, cơn giận của hắn tiếp tục bùng lên dữ dội. Hắn vớ lấy người thứ hai, định đấm vào mặt thì cửa phòng đối diện bật mở, một viên đại úy bước ra, đảo mắt nhìn quanh và nói như ra lệnh:
- Thôi anh Vị, đừng đánh tụi nó gây thương tích phiền phức lắm. Đem nhốt tất cả vào xà lim rồi gọi Catinat lên nhận tụi nó về.
Ông ta quay sang đám tù, nhìn thẳng vào mặt vài người và nói:
- Mấy anh ngu dại lắm. Vô đây rồi mà chưa nhận ra lẽ phải, còn cứng đầu, cứng cổ thì chỉ bị thiệt thân thôi. Chính phủ không truy tố các anh ra tòa mà đưa về đây để các anh có thì giờ suy nghĩ, thay đổi nhận thức chính trị của mình. Đó là vạch cho các anh con đường đúng đắn để trở về sống bình yên với cha mẹ vợ con. Các anh không chịu hiểu điều đó mà tiếp tục gây rối thì khổ cho thân các anh đã đành rồi mà còn làm khổ cho bao nhiêu người khác.
Ông quay sang hai người lính đang vác súng đứng lấp ló ngoài cửa:
- Lấy danh sách bọn nầy và đưa vào nhốt cát sô, mỗi đứa một phòng. Nhớ bắt cởi hết áo quần ra đúng theo qui định.
Tất cả mười một người được dẫn ra khỏi văn phòng, đi ngang một sân vận động khá rộng, hai bên có năm dãy nhà dài, phía trước mỗi nhà có một đám tù đứng lố nhố, nhìn đoàn người đi qua một cách tò mò. Đoàn tù rời sân, đi qua một vườn rau xanh mượt, hướng về một dãy nhà ngói, vách tường, đứng lẻ loi một mình ở tận sát bờ rào.
Mọi người đến đầu hông của dãy nhà. Ở đó có lối vào duy nhất với một cánh cửa sắt thực kiên cố. Người lính tra chìa khóa vào ổ, cố gắng xoay nhiều lần mới mở được khóa. Anh đẩy mạnh, cánh cửa rít lên ken két và xoay vào bên trong. Có tiếng thì thầm của người đi kế bên vào tai Tân:
- Không có ai ở đây hết, đúng là một nhà bỏ hoang.
Tân nhìn vào con đường đầy bụi bặm, sáng lờ mờ giữa hai dãy phòng giam biệt lập, khẽ trả lời:
- Có lẽ lâu rồi không nhốt ai vào đây.
Ông bạn kia tiếp lời:
- Đây là nhà tù trong một nhà tù.
Tiếp theo câu nói là tiếng cười nho nhỏ làm cho người lính quay lại quát:
- Im lặng. Đây là xà lim để nhốt tù trọng tội bị thi hành kỷ luật. Vào đây không được nói chuyện với nhau. Tất cả xếp hàng đôi, ngồi xuống nghe cho rõ quy định của trại kỷ luật.
Mọi người lặng lẽ làm theo lệnh, hầu hết đều trông buồn bã, nhọc mệt và chán nản. Người lính tiếp tục nói oang oang:
- Mấy anh hãy nghe cho kỹ và thi hành nghiêm chỉnh mọi điều quy định của trại kỷ luật. Thứ nhất, mỗi người ở riêng một phòng, không được liên lạc với nhau bằng bất cứ cách nào. Thứ hai, trước khi vào phòng giam, phải cởi tất cả áo quần để ngoài cửa. Thứ ba, tiêu tiểu ngay trong phòng, mỗi ngày vào buổi sáng có người đến dội nước, không được nói điều gì với người đó. Thứ tư, hai bữa cơm trưa và chiều được ăn ngay trong phòng giam; mỗi tuần lễ được đi tắm hai lần. Đó là những quy định, các anh phải thi hành cho đúng thì mới mong được sớm ra khỏi trại kỷ luật nầy.
Nói xong, người lính dẫn mỗi người về một phòng, ra lệnh cởi bỏ áo quần rồi khóa cửa lại sau khi đẩy người tù vào bên trong.
Tân căng mắt nhìn phòng giam biệt lập của mình, dưới ánh sáng lờ mờ nhờ ba lỗ thông hơi bằng miệng chén ở tận trên cao. Mùi ẩm mốc xông lên nồng nực. Căn phòng vuông vức, mỗi bề khoảng hai thước, phân nửa là bệ xi măng để nằm, phân nửa còn lại là đường đi vào cầu tiêu trong cùng.
Tân buông mình nằm xuống nền xi măng mát lạnh với một lớp bụi nhớp nháp bên trên. Cậu duỗi thẳng tay chân, lăn qua lăn lại nhiều lần, khoan khoái khi nghĩ đến căn phòng giam đầy nghẹt người ở hai khám Catinat và Gia định.
Cậu thở dài vì nhớ lại lời nói của viên đại úy bảo rằng sẽ trả bọn cậu trở về Catinat. Điều đó có nghĩa là cậu cùng mười người khác sẽ trở lại điểm xuất phát với những buổi điều tra khiếp đảm, tiếp theo là những ngày sống ngột ngạt giữa một khối hình hài không còn có thể gọi là con người được nữa. Cậu lại phải nằm chung với những thây người san sát nhau, mồ hôi của những thây người kế cận hoà lẫn vào nhau, trong một không gian nồng nặc mùi phân va nước tiểu.
Cậu nhắm mắt lại, cố xua đi mọi hình ảnh của quá khứ, của hiện tại và mọi ý nghĩ về tương lai rồi từ từ đi vào giấc ngủ.
Tân giật mình tỉnh giấc vì tiếng đập mạnh vào cửa, tiếp theo là giọng nói ồm ồm:
- Nhận phần cơm trưa.
Có tiếng mở khóa lóc cóc và cánh cửa mở hé ra. Một tô đựng cơm và một ca đựng nước được đẩy vào và lập tức cửa đóng lại ngay. Tân nhỏm dậy, bưng tô cơm đưa lên sát mũi, mùi cơm và thịt kho thơm ngon. Sau khi ăn uống xong, Tân nằm dài ra một cách khoan khoái, lắng nghe tiếng động bên ngoài, tiếng người cười nói lao xao chui vào qua các lỗ nhỏ tít trên cao. Bỗng dưng, cậu ao ước được nhìn thấy khung cảnh sinh hoạt của những người tù ngoài kia. Cậu nhìn lên mấy cái lỗ thông và nghĩ cách trèo lên đưa mắt vào đó để trông ra ngoài. Tuy nhiên phòng giam trống trơn, mấy tấm vách tường thì phẳng phiu, người bị giam hoàn toàn bị cách ly khỏi thế giới chung quanh. Suốt buổi chiều, cậu nằm im trong phòng giam, từng mảng quá khứ lần lượt hiện ra trong đầu với tất cả những gương mặt đáng yêu đã đi qua trong những năm thơ ấu và bắt đầu trưởng thành.
Sau bữa cơm chiều không bao lâu thì đêm về. Qua những lỗ thông nhỏ trên cao, cậu nhìn thấy ánh sáng của một ngày tắt dần và nhường chỗ cho bóng tối.
Đêm đó, cậu ngủ một giấc thực ngon lành. Một lần thức giấc giữa khuya, cậu bỗng giật mình nhỏm dậy, ngạc nhiên thấy chung quanh tối đen như mực, không có ánh đèn vàng vọt từ trên trần nhà rọi xuống, không có những thây người trần trụi nằm xếp lớp, không còn hơi người ngột ngạt, không còn mùi hôi của phân và nước tiểu từ cái thùng vệ sinh to tướng kế bên chỗ nằm.
Dần dần, cậu sắp xếp lại được ký ức của mình và ý thức được cái phòng giam biệt lập mà cậu bị nhốt vào sáng nay. Cậu cảm thấy cô đơn và bỗng ước mong được gần gũi và sống chung với người đồng cảnh ngộ. Cậu cố lắng tai nghe một tiếng động nào đó chứng tỏ quanh đây vẫn có những đồng loại đang sống, nhưng bốn bề vẫn hoàn toàn lặng lẽ. Một lúc sau, cậu lại ngủ thiếp đi và khi thức dậy thì trời đã sáng.
Mười ngày trôi qua một cách lặng lẽ và đáng sợ. Một buổi sáng, người ta mở toang cửa, quăng áo quần vào, bảo cậu mặc rồi ra xếp hàng cùng những người khác. Cậu bước ra khỏi phòng giam biệt lập, lảo đảo vì ánh sáng chói chang bên ngoài. Nhìn thấy các cửa phòng giam khác đồng loạt mở ra, cậu lẩm bẩm:
- Giờ định mệnh điểm rồi.
Cậu đoan chắc mình sắp được đưa lên xe, trả về Catinat, khởi đầu một chu trình tù tội mới với những ngày chịu đựng tra tấn ở phòng điều tra.
Mười một người xếp thành hai hàng bước ra khỏi trại kỷ luật, đi xuyên qua vườn rau. Những người tù bên ngoài đang làm việc, dừng tay nhìn theo với những đôi mắt đầy ngưỡng mộ, kín đáo đưa tay vẫy chào. Tân chợt thấy lòng rộn vui. Cậu có cảm tưởng anh em đang nhìn cậu như một trong những anh hùng đã dám khuấy động thành phố bằng những khẩu hiệu và những bài ca hùng tráng. Cậu hãnh diện, ngẩng cao đầu.
Nhóm người đã lên đến văn phòng. Tân nhìn quanh để tìm chiếc xe sắp đưa cậu và những người khác về Sài gòn. Cậu ngạc nhiên thấy cái sân vắng vẻ, vài người tù đang nhổ cỏ ở cuối sân.
Nhóm người được đưa vào một phòng khá rộng, sạch sẽ và thoáng mát. Trên hai bức tường vôi trắng xóa có treo hai khuôn hình mô tả cảnh đồng quê thanh bình với một gian nhà lá be bé ẩn sau một rặng tre, một cánh đồng lúa xanh mơn mởn, xa xa có hai con trâu đang gặm cỏ.
Cánh cửa thông với phòng bên xịch mở, lão đại úy xuất hiện với bộ quân phục ủi thẳng nếp. Lão nghiêm nghị nhìn toán tù. Tân cố tìm nét hung ác trên gương mặt đầy đặn của lão. Lão khoát tay chỉ hàng ghế xếp dọc theo vách tường và bảo:
- Các anh ngồi xuống ghế đi rồi nghe tôi nói chuyện. Tôi là giám đốc trung tâm cải huấn nầy.
Qua giây phút ngạc nhiên về cử chỉ mời ngồi khá lịch sự của tên đầu sỏ cai tù ở đây, Tân và những người khác rụt rè ngồi xuống ghế, lòng đầy hoang mang và lo lắng. Lão đại úy kéo một chiếc ghế ngồi đối diện với nhóm tù. Lão nhìn qua một lượt rồi bắt đầu lên tiếng:
- Hôm nay, tôi muốn nói với các anh một vài điều, liên can đến cuộc sống của các anh, của gia đình các anh và của cả xã hội nữa.
Lão dừng lại một chút như để dò phản ứng của người nghe rồi nói tiếp:
- Trại nầy gọi là Trung tâm cải huấn Biên hòa. Vì các anh là những người trót nghe theo cộng sản nên chính phủ phải đưa các anh về đây để các anh có thì giờ suy nghĩ về hành động lỗi lầm của mình. Các anh tưởng lầm rằng mình theo cộng sản là làm cách mạng để giành độc lập, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Các anh lầm rồi. Các anh chẳng phải làm cách mạng đâu, các anh chỉ làm tay sai cho cộng sản mà thôi. Cộng sản luôn luôn khoe khoang có công đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước nầy. Nhưng đuổi Pháp đi để thay thế chế độ thực dân bằng chế độ cộng sản thì có ích lợi gì cho nhân dân đâu. Lật đổ nền đô hộ của Pháp để chịu sự lệ thuộc của Liên xô và Trung Cộng, thế mà gọi là cách mạng, là mưu cầu độc lập dân tộc hay sao? Các anh trả lời đi.
Lão đại úy ngừng nói, trừng trừng nhìn từ người nọ đến người kia. Mọi người đều im lặng, chẳng ai dám lên tiếng. Lão nuốt nước bọt rồi nói tiếp, giọng càng hùng hồn hơn:
- Người cộng sản tự vỗ ngực cho rằng chính họ đã đuổi được thực dân Pháp ra khỏi Việt Nam. Đó chỉ là một sự mạo nhận. Công đánh đuổi thực dân là công của toàn dân và cuối cùng hiệp định Genève được ký kết để chấm dứt nền đô hộ như các anh đã biết. Người ta bằng lòng trao cho cộng sản phân nửa đất nước để cộng sản tha hồ thực hiện cái chế độ độc tài của họ, phân nửa còn lại dành cho những người yêu chuộng tự do. Hơn một triệu đồng bào ruột thịt của chúng ta ở miền Bắc phải bỏ nhà cửa ruộng vườn chen nhau vào Nam để xa lánh cộng sản, các anh chưa nhận ra được sự thực hay sao? Nếu các anh còn thích chế độ cộng sản thì tại sao các anh không tập kết ra Bắc mà sống với họ? Chúng tôi không thích và không chịu nổi cộng sản nên chúng tôi chọn mảnh đất miền Nam để sống, tại sao các anh lại nghe theo lời xúi dục của cộng sản quấy rối đời sống của mười mấy triệu người ở miền Nam nầy? Chín năm chiến tranh chưa đủ gây điêu đứng cho toàn thể nhân dân Việt Nam hay sao? Đồng bào cả hai miền cần sự yên ổn làm ăn, cần có một cuộc sống thanh bình. Những người quốc gia trong nầy không ai có ý nghĩ ra quấy phá miền Bắc. Các anh nỡ nào nghe theo lời cộng sản xúi giục, đi phá hoại cuộc sống yên vui của nhân dân miền Nam ruột thịt.
Lão đại uý lại ngừng, tiếp tục quan sát nét mặt của đám tù hình như cố tìm hiểu những ý nghĩ ẩn sau những nét mặt lạnh lùng kia. Lão nói tiếp:
- Vừa rồi, giải các anh lên đây, các anh đòi cái gì? Đòi trả tự do? Được, các anh sẽ được trả tự do chừng nào các anh chứng minh được rằng mình không còn làm tay sai cho cộng sản nữa. Điều đó cần phải có thì giờ chứ không thể ngay bây giờ được. Các anh đòi thi hành hiệp định Genève? Thì hiệp định đã và đang được thi hành. Lằn ranh Bến hải chia đôi đất nước không phải là do hiệp định sao? Toàn bộ lực lượng quốc gia đều rút khỏi miền Bắc theo thỏa hiệp trong khi cộng sản còn cài người lại miền Nam. Bằng chứng là các anh ngồi đây và vô số cán bộ trong các trại cải huấn khác. Thế là cộng sản phá hoại hiệp định Genève còn đổ lỗi cho ai. Đúng là vừa ăn cướp vừa la làng.
Lão ngưng nói, móc thuốc ra hút. Tất cả anh em im lặng, trong phòng không một tiếng động. Lão đại úy hít một hơi thuốc dài, nhả khói lên cao và nói tiếp:
- Các anh đòi hiệp thương tổng tuyển cử theo hiệp định Genève. Tôi nói cho các anh biết, hiệp định Genève không chính thức quy định điều đó. Đây chỉ là một điều khoản khuyến cáo nằm trong phụ lục kèm theo hiệp định và chính phủ quốc gia không hề ký vào phụ lục đó nên không có trách nhiệm thi hành mục nầy. Tuy nhiên chúng tôi thành thực mong muốn đất nước được thống nhất trong hòa bình bằng biện pháp tổng tuyển cử, nhưng nếu không có tự do dân chủ thực sự ở cả hai miền thì làm sao thi hành tổng tuyển cử được. Tin tức tình báo cho biết kể từ khi cai trị được miền Bắc, cộng sản ra tay thiết lập chế độ độc tài. Đã là độc tài thì còn nói gì đến tổng tuyển cử tự do. Nếu không có tổng tuyển cử để thống nhất đất nước chính là do lỗi của cộng sản ở miền Bắc chứ đâu phải tại chính phủ quốc gia ở miền Nam nầy. Các anh muốn đòi hỏi tuyển cử thì hãy quay mặt lại mà đòi với cộng sản đi.
Viên đại úy gằn giọng:
- Những điều các anh đã la lối trên đường đi thì hoàn toàn phi lý và chỉ có công dụng gây chộn rộn để phá hoại cuộc trị an của xã hội mà thôi. Các anh phải suy nghĩ kỹ những điều tôi vừa nói với các anh. Nếu các anh muốn sống tại miền Nam nầy để vui hưởng hạnh phúc với gia đình thì phải từ bỏ cộng sản và lo làm ăn một cách chân chính. Còn anh nào muốn tiếp tục chạy theo cộng sản thì có thể chính phủ sẽ dùng máy bay thả dù các anh qua bên kia Bến hải để thưởng thức cái thiên đường vô sản.
Giọng lão bỗng dịu lại, có vẻ thân mật hơn:
- Tôi nói thực với các anh, ngày còn trẻ, tôi cũng lầm lạc như các anh. Tôi là đoàn viên Thanh niên tiền phong trong cách mạng Mùa Thu. Tôi đã vác tầm vông chống lại quân Pháp trở lại Việt Nam. Sau đó tôi bị Tây bắt và vượt ngục cùng hai người khác là cán bộ cao cấp của đảng. Cả hai người đều bị bắn chết, chỉ một mình tôi thoát được. Vì vậy tôi bị Việt minh nghi ngờ, bị giam cầm tra tấn, bắt tôi phải thừa nhận làm gián điệp của Pháp, giả bộ vượt ngục để làm hại đồng chí của họ. Tưởng đó là điều rủi, hóa ra là may vì nhờ đó, tôi hiểu được bản chất của Việt minh tức là cộng sản, để từ giã họ, chấm dứt con đường tội lỗi đối với đất nước và dân tộc. Đối với các anh, tôi khuyên các anh nên xem đây là dịp may để các anh nhận ra sự lầm lạc của mình. Chiến tranh chấm dứt rồi, miền Nam lo kiến thiết miền Nam, miền Bắc lo xây dựng miền Bắc, cả hai miền dành mọi nổ lực để hàn gắn những đổ vỡ của chín năm khói lửa. Đồng bào cả hai miền đều đã quá khổ rồi, hãy cho họ hưởng hoà bình và hạnh phúc. Việc thống nhất đất nước, hãy để dành cho sự tiến triển của lịch sử. Dù sao tôi cũng lớn tuổi hơn hầu hết các anh ở đây nên tôi thành thực khuyên các anh nên nghĩ đến sự yên ổn làm ăn của gia đình các anh và của toàn thể khối nhân dân miền Nam nầy. Tôi đã nói với các anh bằng tất cả sự chân thành của tôi. Bây giờ, tôi cho phép các anh phát biểu ý kiến. Các anh cứ nói. Tôi muốn chứng tỏ cho các anh thấy miền Nam đang xây dựng tự do dân chủ, dành quyền phát biểu ý kiến cho mọi người, kể cả các anh ở đây.
Lão đại uý ngừng nói. Một cánh tay người tù đưa lên làm cho những người còn lại giật thót người vì lo sợ. Giọng người nầy thực rắn rỏi:
- Thưa đại úy, tôi thắc mắc là chúng tôi bị giam cầm khá lâu rồi, hầu hết không có bằng chứng xác đáng, không giữ một tài liệu nào chứng tỏ là cộng sản. Rồi bây giờ bị đưa lên an trí tại đây, không biết cho đến lúc nào. Nếu xét chúng tôi có tội thì hãy đưa ra tòa để xét xử và chúng tôi biết được thời gian phải xa gia đình. Đằng nầy….
Lão đại úy đưa tay chận lời:
- Tôi hiểu ý anh. Quả thực, chính phủ không thể đưa các anh ra toà được vì không đủ chứng cớ để tuyên án. Tôi công nhận điều đó. Tuy nhiên, chúng tôi biết chắc rằng các anh đã được cộng sản cài lại và đang hoạt động để phá hoại công cuộc tái thiết miền Nam. Tôi đoan chắc điều đó dựa vào những bằng chứng có giá trị thực tiễn chứ không có giá trị pháp lý đối với toà án. Trong thâm tâm, chắc chắn các anh phải công nhận lời nói đó của tôi. Thế thì không thể đưa các anh ra toà để lãnh án, cũng không thể cho các anh tự do bên ngoài để thi hành chủ trương đuờng lối bí mật của cộng sản. Phải giữ các anh lại đây một thời gian để tách rời các anh khỏi đường dây cộng sản và giúp các anh suy nghĩ để đoạn tuyệt với cái điều mà các anh nhận lầm là lý tưởng.
Viên đại úy vừa ngừng lại thì người tù đưa tay lên, lần nầy giọng nói có phần dịu lại:
- Nhưng chúng tôi cũng muốn biết sẽ bị giam cầm ở đây trong bao lâu.
Lảo đại úy lắc đầu:
- Chính tôi cũng thể biết được một cách chính xác. Chiến tranh vừa mới chấm dứt, người Pháp mới thực sự trao quyền lại cho Việt Nam, tính hình chính trị khá rối ren. Ngoài sự phá hoại của cộng sản các anh, các đảng phái, các giáo phái nổi lên tranh dành quyền lực. Vì vậy, cần thiết phải giữ các anh lại, ít nhất cho đến khi xã hội được ổn định một cách tương đối. Chúng ta cần phải kiên nhẫn.
Lão đại úy bỗng cười xòa một cách vui vẻ:
- Tôi và cả gia đình không phải là cộng sản thế mà cũng phải sống trong cái không gian chật hẹp nầy với các anh. Có thể, khi các anh từ giã nơi đây để về sinh sống ở quê nhà thì chúng tôi vẫn phải tiếp tục ở lại đây không biết đến bao giờ.
Câu nói vui của viên giám đốc làm cho không khí trong phòng mất hết sự căng thẳng lúc đầu và có phần thân mật. Mọi người cảm thấy nhẹ nhàng nhưng vẫn lo âu về số phận của riêng họ, những người tù vừa mới được đưa ra khỏi trại kỷ luật và đang chờ đợi một hình thức kỷ luật tiếp theo. Dù lo âu nhưng không ai dám hỏi điều nầy, ngoài người tù duy nhất dám nói tự nãy giờ:
- Thưa đại úy, chúng tôi đã nghe rõ những điều đại úy nói và chúng tôi rất muốn biết số phận riêng của mười một anh em chúng tôi tại đây.
Lão đại úy cười thành tiếng:
- Tôi hiểu điều lo lắng đó của anh em và mục đích chính của việc gọi các anh lên đây cũng là để thông báo điều đó. Tôi đã báo về Sài gòn việc làm sai trái của các anh và đề nghị cho tôi quyền thi hành kỷ luật. Sài gòn đồng ý và tôi đã quyết định kỷ luật là mười ngày biệt giam. Tôi muốn kỷ luật là một hình thức giáo dục chứ không phải là trừng trị. Bây giờ, các anh được trả về trại sinh hoạt bình thường với những anh em khác.
Tân thở phào nhẹ nhõm. Cậu nhìn quanh và đọc được trên mặt những người cùng cảnh ngộ sự hân hoan đầu tiên kể từ khi bị tra tay vào còng.
Mười một người được chia thành ba tốp đưa về ba trại nằm bên trái sân vận động nhìn từ ngoài vào. Các trại nầy được gọi là trại Việt cộng vì dành cho những người bị bắt vì tội hoạt động cho cộng sản. Bên phải còn hai trại, một dành cho nữ phạm nhân và một dành cho tù nhân thuộc các giáo phái và các đảng phái chính trị khác phạm tội chống chính phủ.
Bốn người trong đó có Tân được dẫn vào trại đầu tiên và được sự đón tiếp rất vồn vã của những người trong trại.
Trại là một phòng chỉ rộng độ sáu thước nhưng dài đến gần năm mươi thước. Chính giữa là đường đi, hai bên là hai dãy bệ xi măng đắp cao dùng làm chỗ nằm; mặt bệ phẳng lỳ và bóng láng trông khô ráo sạch sẽ chứ không dơ dáy và nhớp nháp mồ hôi như ở các nơi mà Tân đã trải qua. Mái trại lợp tôn, vách bằng ván gỗ, với hai dãy cửa sổ nhìn ra hai hàng cây mát rượi bên ngoài, bầu trời xanh lấp loáng qua tàn lá lay động trong gió.
Một thanh niên tên Thanh tự giới thiệu mình là đại diện trại, phân cho cậu một chỗ ngủ và nói với cậu:
- Mấy hôm nay, mọi người đều lo lắng cho số phận của các anh em ở trại kỷ luật. Có người còn đề nghị phát động tranh đấu để đòi giám đốc ngưng hình phạt cho anh em. Bây giờ anh em được ra rồi thì không phải tranh đấu nữa. Cả ba trại đều hoan nghênh nhiệt liệt sự dũng cảm của các anh em và coi đó như một biểu hiện rất đáng khâm phục của khí tiết cách mạng. Em hãy cố gắng giữ vững tinh thần. Ở đây đời sống khá dễ chịu so với khám Catinat và nhà tù Gia định. Điều đó tốt cho sức khoẻ nhưng không tốt cho tinh thần của anh em mình. Hơn nữa, tên đại úy giám đốc ở đây ghê gớm lắm. Nó là một tên chống cộng có bản lĩnh, lý luận rất khá nên những cuộc nói chuyện của nó đã làm lung lạc tinh thần một số người. Tin tức của mình ở bên ngoài cho biết rằng trước đây nó đã đậu tú tài, làm nghề dạy học và bị gọi đi học sĩ quan. Vì đã là thầy giáo, nên nó ăn nói rất lưu loát. Có phải khi nãy mấy anh em bị nó thuyết cho một chặp phải không?
Tân gật đầu. Anh Thanh nói tiếp:
- Rồi em sẽ thấy hắn đến phòng thuyết nhiều lần nữa. Phải cố gắng giữ vững lập trường, đừng để tâm đến những lời hắn chửi bới cách mạng.
Anh ngừng một chút rồi nói qua chuyện khác:
- Công việc ở đây chẳng có gì đáng kể. Việc thì ít mà người thì đông, làm cốt yếu là để giữ gìn sức khoẻ thôi. Hôm nay, em nghỉ ngơi, tắm rửa cho sạch sẽ, ngày mai bắt đầu làm việc. Anh phân cho em bổ sung vào toán trồng rau. Vườn rau mà em trông thấy ở gần trại kỷ luật là do anh em mình trồng để thêm vào bữa ăn hàng ngày. Sáng mai, em ra đó gặp anh Cảnh ở trại B là trưởng khu để nhận việc.
Nói xong, anh vỗ vai Tân một cách thân mật và bỏ đi. Cậu ngồi xuống nền xi măng, nhìn về hai phía. Gian phòng dài hun hút có vẻ vắng lặng. Đang giờ làm việc nên mọi người đều ở ngoài, ngoại trừ khoảng mười người già quá tuổi lao động được ở lại tại trại. Họ tập trung vào cuối phòng, người nằm, kẻ ngồi, vài cụ vây quanh một bàn cờ tướng với những đường ngang dọc kẻ ngay trên nền xi măng.
Buổi trưa, hết giờ làm việc, mọi người trở về trại, tiếng cười tiếng nói làm cho không khí trở nên ồn ào vui nhộn hẳn lên. Nhiều người đến hỏi thăm Tân về những ngày sống trong trại kỷ luật. Anh em tỏ rõ một cảm tình thật nồng nhiệt đối với người tù trẻ tuổi nhất trại nầy. Kẻng nhà bếp đánh lên một hồi dài, mọi người vội vã xếp hàng đi xuống. Bữa ăn đã được dọn sẵn trên bốn dãy bàn dài từ đầu đến cuối phòng. Sáu người ngồi vào một mâm trên đó có cơm, thức ăn và canh nóng sốt ngon lành. Bữa cơm bắt đầu. Từ lâu lắm rồi, Tân mới được ngồi vào bàn cơm, tay cầm đũa để đưa thức ăn vào miệng.
Cơm nước xong xuôi, mọi người lần lượt trở về trại. Buổi chiều êm ả trôi qua.
Sau bữa cơm chiều là một khoảng thời gian tự do vui chơi của tù nhân. Nhiều người tham gia những môn thể thao mà mình ưa thích, những người khác đi dạo trên những bờ đất thẳng tắp của khu vườn rau xanh mượt, một số chui vào trại bu quanh những bàn cờ tướng.
Tân cùng một số khá đông đến ngồi ở khoảng trống bên hông văn phòng nghe những bản nhạc vui tươi của đài phát thanh phát ra từ một chiếc loa sắt gắn trên cao. Xuyên qua hàng rào kẽm gai phía trước, cậu nhìn thấy xe cộ và những người dân qua lại, trong số đó có cả những học sinh mang cặp từ trường trở về nhà. Nhìn những đứa trẻ vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ, Tân bỗng cảm thấy xót xa cho thân phận của mình.
Một lúc sau, tiếng nhạc vụt tắt, tiếng kẻng chát chúa trong văn phòng vang lên. Tù nhân vội vã vào phòng, ngồi thành bốn hàng dọc ngay ngắn ở khoảng đường đi giữa phòng. Viên giám thị vào đếm số cẩn thận và ghi vào sổ rồi đi ra; hai cánh cửa đóng sầm, tiếp theo là tiếng khóa nghe lách cách. Giờ sinh hoạt tự do buổi tối bắt đầu với những tiếng cười đùa, tiếng ca hát, tiếng nói chuyện ồn ào. Đến chín giờ, đèn chớp ba lần, tiếng cười nói ngưng bặt, mọi người lo chuẩn bị chỗ ngủ của mình.
Tân nằm thao thức đến quá nửa đêm. Trong thời gian qua, sống trong trại kỷ luật, cậu quen ngủ yên trong bóng tối mịt mù của phòng giam biệt lập. Bây giờ, cậu cố nhắm nghiền mắt nhưng không ngăn được ánh sáng từ bốn bóng đèn bên trên rọi xuống. Cậu nằm yên lắng nghe hơi thở đều đều của những người chung quanh, tiếng giày nghiến vào sỏi đá của những người lính đi tuần bên ngoài, tiếng côn trùng rả rích, những tiếng kẻng thỉnh thoảng vang lên, chạy dài theo các vọng gác chung quanh nhà tù.
Sau cùng, cậu ngủ thiếp đi và giật mình thức giấc khi ánh đèn chớp tắt ba lần báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Mọi người lần lượt ngồi dậy vươn vai, tiếng ồn ào dần dần nổi lên. Xuyên qua các khung cửa sổ hình chữ nhật dài theo hai bên vách, ánh sáng bình minh rọi vào mỗi lúc một rõ hơn. Hai cánh cửa mở toang, giám thị vào điểm danh buổi sáng xong, mọi người tuôn ra sân vận động tập thể dục và hít thở không khí trong lành của buổi ban mai.
Sau bữa điểm tâm buổi sáng, giờ làm việc bắt đầu. Tân ra vườn rau và đến tìm gặp anh Cảnh như lời dặn ngày hôm qua của anh đại diện. Cậu được phân công tìm bắt sâu bám trên lá rau. Cậu ngồi im lặng vạch từng chiếc lá còn đọng những giọt sương sớm, suy nghĩ miên man. Cậu nhớ hình ảnh những đứa trẻ tan học trên đường về nhà mà cậu nhìn thấy chiều hôm qua trên con đường trước mặt trại tù, trong lòng rộn lên nỗi ước ao được sống lại cuộc đời học sinh vô tư mà cậu đánh mất không biết tự bao giờ rồi. Cậu đang chịu một thời gian tù tội như là một cái giá phải trả để được xa lánh con đường cách mạng và sống lại với tuổi học trò. Cuộc sống trong nhà tù nầy thật dễ chịu cho nên cái giá mà cậu phải trả không đến nỗi quá cam go.
Cậu cũng nhớ, trên con đường trước trại, những người dân thong thả ra về sau một ngày làm việc. Khung cảnh đó thực thanh bình, trong một buổi chiều êm ả. Lời viên đại úy giám đốc văng vẳng bên tai: “Nhân dân cả hai miền cần sự yên ổn làm ăn, cần có một cuộc sống thanh bình sau nhiều năm chiến tranh. Các anh nỡ nào nghe theo lời cộng sản phá hoại cuộc sống yên vui của nhân dân miền Nam ruột thịt…”.
Anh Thanh bảo rằng đó là luận điệu xảo quyệt. Cậu tin lời của anh và trước đây cậu cũng đã từng nói với các đoàn viên mình như thế. Tuy nhiên, bây giờ, ngồi đây một mình, cậu cứ nghe văng vẳng “cái luận điệu xảo quyệt” đó và hình ảnh cuộc sống bình yên của đồng bào mà ông đại úy nhắc đi nhắc lại thực sự gây nên trong lòng cậu một mối cảm xúc và một sự đồng tình.
Một ngày trôi qua êm đềm. Công việc nhẹ nhàng ngoài trời rộng làm cho tâm hồn Tân thực sự thơ thới. Buổi chiều, cơm nước xong, cậu lại ra ngồi bên hông văn phòng, vừa nghe nhạc vừa nhìn ra đường, đếm từng chiếc xe, từng người bộ hành qua lại.
Vài hôm sau, đến ngày thăm nuôi thường lệ hàng tuần của trại, tù nhân vừa được tiếp tế, vừa được gặp mặt thân nhân, chuyện trò hàn huyên trong khoảng một giờ đồng hồ trong nhà thăm nuôi kế cận cổng ra vào. Phòng dành cho tù tiếp thân nhân không to lắm nên buổi sáng có đông người, giờ tiếp xúc bị rút ngắn; trưa và chiều vắng người, giờ tiếp xúc được kéo dài hơn. Đây là một ngày rất chộn rộn trong trại; tù nhân được nghỉ lao động, ngoại trừ những người phụ trách các bữa ăn ở nhà bếp.
Từ sáng sớm, mọi người ăn mặc sạch sẽ, ngồi chực trước cửa trại để chờ đợi được gọi tên. Tiếng loa bên hông văn phòng réo lên từng đợt, những tiếng reo mừng rỡ, những bóng người sải bước trên sân về hướng cổng, không gian trong trại tù vui như ngày hội.
Tân ngồi lẫn trong đám người trước cửa phòng mình. Cậu hiểu rằng mình chẳng còn người thân nào bên ngoài nhưng cậu vẫn hi vọng. Hình dáng mảnh khảnh của Bạch Mai, khuôn mặt yêu kiều, đôi mắt đen láy, nụ cười duyên dáng của nàng vẫn xuất hiện trong lòng cậu bất cứ lúc nào. Cậu không thể nào quên được nỗi cảm xúc đến nghẹn ngào ở phòng giam khám Gia định khi nhận được chiếc giỏ tiếp tế của Mai trong đựng vài món đồ dùng và thức ăn tầm thường nhưng thực là quý giá. Cậu không thể nào quên được đôi mắt hoảng hốt trên khuôn mặt trắng bệch của Mai, trên con đường nhựa trước cửa chợ Bà chiểu, khi đoàn xe chở tù rời khỏi thành phố.
Hôm nay, cậu hi vọng gặp lại Mai, ngồi bên Mai, kể cho nàng nghe biết bao chuyện trong tù. Cậu sẽ thăm hỏi sức khoẻ của ba má nàng, việc học của nàng và của Bính, em trai nàng. Cậu sẽ không hỏi thăm về công tác cách mạng của nàng và cậu cầu mong sẽ nghe chính nàng nói với mình quyết tâm từ bỏ hoạt động bí mật của nàng. Chắc chắn, cậu không dám khuyên nàng điều đó nhưng cậu lại tha thiết ước ao điều đó xảy ra.
Ánh nắng lên cao dần, từng đợt người tiếp tục ra vào cho đến khi kẻng báo cơm trưa từ nhà bếp vọng lên. Tân uể oải xếp hàng đi xuống nhà ăn.
Các phần cơm vẫn dọn ra đầy đủ như thường ngày nhưng người ăn thì thưa thớt vì đa số ở lại tại phòng để dùng thức ăn tiếp tế của gia đình. Bữa cơm chiều càng có ít người hơn nữa, chỉ có Tân cùng hơn một chục người đến ăn cơm tù mà thôi.
Đêm đến, khi cửa phòng giam đóng lại cùng với tiếng ổ khóa rổn rảng bên ngoài, buổi liên hoan bắt đầu. Hình thức liên hoan không khác gì ở khám Gia định nhưng ở đây đống bánh kẹo giữa trại do mọi người đóng góp thì to hơn nhiều.
Bắt đầu buổi liên hoan, anh Thanh đại diện mời Tân cùng hai người nữa lên nhận phần quà đặc biệt vì là những người không được gia đình thăm viếng hôm nay. Cậu cảm động bước lên; mọi người nhìn cậu một cách ái ngại lẫn thương cảm. Cậu nhận quà và mỉm cười, một nụ cười buồn rười rượi.
Ngày hôm sau, sinh hoạt trong khám trở lại bình thường. Sau bữa ăn sáng, mọi người đến chỗ làm việc của mình. Trong vườn rau, Tân cùng những người khác hăng hái bắt tay vào việc, kẻ cuốc người cào, kẻ vạch lá bắt sâu, người xách thùng tưới nước.
Bỗng có tiếng gọi thực to và đột ngột:
- Phạm bá Tân, có đây không?
Tân đang nhổ cỏ, giật mình bật dậy, nhìn thấy một người lính đang đứng ở lối vào khu canh tác. Cậu ấp úng trả lời:
- Có, có tôi đây.
Người lính ngoắt tay:
- Trình diện văn phòng, nhanh lên.
Mọi người chung quanh đều dừng tay, ngước nhìn, tỏ vẻ sửng sốt. Một người nói thì thào:
- Chắc có chuyện gì rồi. Tội nghiệp thằng bé mới ra khỏi trại kỷ luật chưa tới một tuần lễ.
Người ta lo lắng cho Tân. Lo lắng là phải vì trong trại tù nầy, bị gọi lên văn phòng một cách bất thường trong giờ làm việc có thể là một tình huống rất xấu, đã từng xảy ra nhiều lần. Thông thường người có tên gọi bị giải lên xe với một chiếc còng vì có người tố cáo một điều gì đó, hoặc thường hơn, một đồng chí trong tổ chức vừa mới bị bắt khai thêm và anh ta phải trở về để chịu sự điều tra bổ túc và khó thoát khỏi sự tra tấn tiếp theo.
Hồi hộp và lo sợ, Tân ra khỏi khu canh tác. Cậu nghĩ rằng mình không còn cơ hội trở lại nơi đây, nên cậu quay người nhìn những luống rau xanh mượt một cách luyến tiếc rồi vội vã theo sau người lính .
Tân ngạc nhiên thấy người lính dẫn cậu không vào văn phòng mà đi thẳng qua sân trước, rẽ bên phải hướng về một ngôi nhà khá xinh lấp ló sau những tàn cây mát rượi mà kể từ lúc đến đây, Tân đã để ý và tấm tắt khen ngợi. Chung quanh nhà, có nhiều cây kiểng; trước nhà, một bãi cỏ be bé xanh mượt mà. Tất cả đều gọn gàng đẹp đẽ nhờ công săn sóc hàng ngày của vài người tù lấy từ các trại lên. Họ đang làm việc chăm chỉ và ngừng tay, ngước lên nhìn khi người lính và Tân bước vào.
Người lính quay lại ra lệnh cho Tân:
- Cởi dép ra. Đây là nhà của đại úy giám đốc, có biết không?
Tân lẳng lặng gật đầu. Cậu cúi xuống nhìn nền nhà gạch bông sạch sẽ bóng lưỡng, ái ngại đặt chân lên đó để bước vào phòng khách sang trọng.


*
* *