Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Chương 4: Lao tù (3)



Một cuộc chiến tranh dài
Tập I
Chương 4: Lao tù
(3)

Tân được anh em khiêng đến phòng y tế. Sau khi khám cẩn thận, vị y sĩ già bảo rằng cậu chẳng bị bệnh gì quan trọng mà chỉ bị suy nhược sau một tháng bị giam cấm cố trong phòng. Ông chích thuốc và cho thêm mấy viên về phòng và căn dặn cậu phải nghỉ ngơi để dưỡng sức.
Đó là lần đầu tiên cậu đến phòng y tế. Trước đây, thỉnh thoảng, cậu có nghe anh em nói về vị y sĩ già làm việc ở đây. Ông ta là người Hà nội. Sau hiệp định Genève, ông và vợ di cư vào Nam. Ông tỏ ra rất căm ghét cộng sản. Nhiều anh em đến khám bệnh xong được nghe ông chửi rủa cách mạng, vạch những tội ác của cộng sản mà gia đình ông phải gánh chịu khi còn ở miền Bắc. Ông gọi những người tù là những kẻ u mê, tin theo lời dụ dỗ của cộng sản, làm hại Tổ quốc và đồng bào. Tuy vậy, ông rất tận tâm với công việc săn sóc bệnh nhân. Thỉnh thoảng, ông còn đi quan sát nơi ăn chốn ở và đề nghị với giám đốc nhà tù nhiều biện pháp có lợi cho sức khỏe của tù nhân. Anh em đồn rằng giám đốc rất nể ông vì tuy giữ chức vụ tầm thường, chỉ là một y sĩ khám bệnh cho tù nhân, nhưng ông có vị trí quan trọng trong đảng chính trị đang cầm quyền ở miền Nam.
Sau vài ngày, sức khỏe của Tân gần như hoàn toàn bình phục, cậu xuống nhà bếp làm việc như cũ. Trong các phòng, sinh hoạt trở lại bình thường; càng ngày, anh em càng ít nhắc nhở đến vụ vượt ngục tập thể. Biến cố nầy đã dần dà đi vào quá khứ.
Một hôm đang giờ làm việc, Tân được gọi lên văn phòng. Viên giám thị bảo với cậu:
- Kể từ hôm nay, chú mày không phải làm việc ở nhà bếp nữa. Chú mày lên phòng y tế làm việc với y sĩ Thái.
Tân rụt rè hỏi lại:
- Nhưng tôi có biết gì về việc săn sóc bệnh nhân đâu.
Viên giám thị khoát tay:
- Không cần hỏi. Cứ đến đó nhận việc. Không biết săn sóc bệnh nhân thì quét dọn phòng y tế và làm những việc lặt vặt khác, hiểu chưa? Thôi, đến trình diện y sĩ nhanh lên. Nhớ sau đó về báo cho nhà bếp cắt đặt người khác thay thế.
Tân bước vào phòng y tế và cảm thấy dễ chịu và khá quen thuộc vì tại đây cậu đã đến chữa bệnh và ông y sĩ đã gây cho cậu nhiều cảm tình.
Y sĩ Thái ngước lên nhìn cậu, vẫn với nét mặt nghiêm trang và hiền hậu mà cậu đã thấy trước đây. Cậu hồi hộp muốn biết ngay công việc phải đảm nhiệm. Tuy nhiên, ông lấy tay chỉ một chiếc ghế ở cuối phòng, ngầm bảo cậu đến đó ngồi đợi vì ông còn bận khám cho ba bệnh nhân, hai nam và một nữ đang chờ trong phòng.
Sau khi hoàn tất công việc, ông thu xếp dụng cụ rồi quay sang cậu và nói:
- Tôi đã xem hồ sơ, thấy em là học sinh trung học đệ nhị cấp trước khi bị bắt vào đây. Vì vậy, tôi đã xin trung úy giám đốc cho em về đây giúp tôi.
- Thưa thầy, nhưng mà…
Ông y sĩ khoát tay nói với nó như lời viên giám thị một giờ trước đây:
- Em muốn nói không có chuyên môn? Không sao. Công việc mà tôi giao cho em chẳng cần chuyên môn đâu. Nhiệm vụ của em là thế nầy. Mỗi lần khám bệnh xong thì tôi kê toa, em vào sổ rồi phát thuốc cho bệnh nhân. Mỗi cuối tháng, em cộng số thuốc đã phát ra, đếm số thuốc còn lại trong tủ, đối chiếu với số tồn lại tháng trước và số mới được cấp thêm trong tháng. Nếu có điều gì không đúng thì báo cho tôi biết ngay.
Ông bước đến gần, nhìn thẳng vào mắt cậu và nói tiếp:
- Tôi tin ở sự ngay thẳng của em, vì vậy tôi quyết định xin em về làm việc với tôi. Trước đây cũng có một phạm nhân làm công việc nầy giúp tôi nhưng anh ta đi rồi.
Tân buộc miệng:
- Dạ, có lẽ đi trong đợt vượt ngục vừa qua?
- Không, đi trước đó khá lâu, trong một đợt đưa tù ra hải đảo, cách nay khoảng một năm. Ngoài đời, anh ta là một tư chức chuyên về kế toán, nên làm việc rành rẽ, có phương pháp. Không ngờ sau khi anh ta đi rồi, tôi mới khám phá ra là mất một số thuốc khá lớn, hầu hết là thuốc trụ sinh đắt tiền mà tôi rất quý và chỉ dùng vào những trường hợp tối cần. Tôi biết chắc chính anh ta đã đánh cắp số thuốc đó, chứ không ai khác.
Tân ngạc nhiên, trố mắt nhìn:
- Ăn cắp đem đi bán?
- Không, bán thế nào được ở nơi bị giam giữ nầy. Tôi đoán anh ta ăn cắp không để cho riêng mình vì số lượng thuốc bị mất khá lớn. Anh ta làm việc xấu xa đó, có thể do sự xúi dục hay đúng hơn, do chỉ thị của mấy tay tổ cộng sản ngoan cố dưới các phòng, muốn đưa ra hải đảo mà dùng.
Ông ta dừng lại cười khì:
- Mấy tay cộng sản ngoan cố đó đâu có biết rằng ở miền Nam hiện nay, nhà tù nào cũng có phòng y tế với đầy đủ thuốc men, còn dồi dào hơn số thuốc ở phòng y tế của một vài vùng nông thôn nữa. Có thể em không tin, nhưng đó là sự thực. Các nhà tù ở miền Nam phải lo cung cấp đầy đủ lương thực và thuốc men cho tù nhân đúng theo quy chế của Liên hiệp quốc. Em ở trong tù nên có lẽ chưa biết nền Đệ nhất Cộng hòa vừa mới được thành lập nên không muốn mang bất cứ tiếng xấu nào đối với quốc tế. Cái điều mà mấy tên ngoan cố tính toán đó, nếu áp dụng cho lao tù cộng sản ở miền Bắc thì đúng hơn. Tôi biết rõ điều đó vì em ruột tôi đã từng nếm mùi lao tù cộng sản và may mắn đã trốn được vào Nam.
Tân hỏi một cách tò mò:
- Về sau thầy có lấy lại được số thuốc bị mất cắp không?
- Không. Tôi đã suy nghĩ mấy đêm ròng rã. Nếu tố cáo anh ta thì nhất định chính quyền sẽ tin tôi và sẽ trừng trị anh ta rất nặng. Tôi không nỡ làm như thế. Tôi là người công giáo nên không quen tố cáo người khác. Hơn nữa, nếu câu chuyện bị đổ bể thì chính tôi cũng bị khiển trách và phải bồi thường vì lỗi bất cẩn. Số thuốc mất cắp khó mà thu hồi lại được vì chắc chắn đã bị phân tán cho nhiều tù nhân và có khi bị vứt bỏ để phi tang một khi sự việc bị bại lộ. Thế cho nên, tôi đành cắn răng bỏ qua và vợ chồng tôi mất gần một tháng lương để đi mua cho đủ số thuốc bị mất cắp trả lại cho phòng y tế. Từ đó, tôi không dám nhờ ai giúp việc nữa. Tuy nhiên, phạm nhân mỗi ngày một đông, số người đến khám bệnh cũng tăng thêm, tôi không thể làm hết mọi việc nên cuối cùng phải quyết định nhờ đến em. Tôi phải nói rõ như thế để em thương tôi mà tận tình giúp tôi. Tôi nhắc lại, tôi kêu gọi lòng ngay thẳng của em. Tôi tin rằng em đáp ứng với lời kêu gọi đó. Tôi biết em là người tốt.
Tân hơi ngạc nhiên về lời khen đó của ông y sĩ nhưng cậu không tiện hỏi lý do.
Kể từ hôm đó, ngày hai buổi, cậu đến làm việc tại phòng y tế. Công việc nhẹ nhàng và dễ dàng chứ không khó khăn như cậu lo lắng lúc đầu. Cậu ưa thích công việc nên tỏ ra cần mẫn và cẩn thận. Buổi sáng, phòng y tế rất bận rộn vì có nhiều bệnh nhân. Vị y sĩ già khám bệnh không nghỉ còn cậu thì ghi chép, gói thuốc và dặn dò người bệnh. Buổi chiều rảnh rỗi hơn, cậu vẫn loay hoay với sổ sách, sắp xếp tủ thuốc, quét dọn nhà cửa, lau chùi bàn ghế. Ông Thái tỏ vẻ rất hài lòng. Ngày lại ngày, mối cảm tình giữa hai người tăng lên.
Một buổi chiều, anh Minh rủ cậu ra sân vận động dạo chơi. Anh hỏi thăm những công việc trên phòng y tế rồi bảo:
- Làm việc trên đó, em phải cẩn thận lời ăn tiếng nói. Tôi biết y sĩ Thái là một tên phản động hạng nặng, một tên gián điệp nguy hiểm. Nói chuyện với nó, em coi chừng nó khai thác những tin tức về anh em mình.
Cậu miễn cưỡng gật đầu và nói sang chuyện khác.
Sau hơn hai tuần lễ làm việc chung, Tân cảm thấy ông Thái chẳng có vẻ gì là nguy hiểm như lời anh Minh nói. Ngoài cái vẻ nhân từ và tận tâm của một thầy thuốc, ông có cái nhìn thẳng thắng và thân mật, lời nói rắn rỏi nhưng chân thành. Vì thế, cậu rất thích thú khi ngồi nói chuyện với ông lúc rảnh rỗi. Ông tỏ ra là người từng trải, hiểu biết rộng, có cách đối xử tế nhị và chín chắn của một người trí thức, tuy nhiên thỉnh thoảng ông cũng bộc lộ sự sôi nổi của thời trai trẻ. Trong những câu chuyện, ông thường lên án chủ nghĩa cộng sản một cách nặng nề, nhưng bằng lời lẽ thật nghiêm túc. Có lần ông nói với Tân một cách thân mật:
- Hằng ngày, tôi phải tiếp xúc với các cán bộ cộng sản sống chung với em ở trong những phòng giam dưới đó. Tôi rất buồn vì luôn luôn đọc được sự giả dối trong cái nhìn không ngay thẳng và trong lời nói dè dặt của họ. Từ khi tôi di cư vào đây, tôi rất mến đồng bào miền Nam của chúng ta. Họ hiền như những xóm làng mộc mạc của đồng bằng miền Tây mà tôi đã sống trước khi về đây. Hầu hết phạm nhân ở đây đều là dân miền Nam. Tôi muốn gần gũi, săn sóc, giúp đỡ họ. Nhưng cái hố ngăn cách giữa quốc gia và cộng sản, nghĩa là giữa tôi và họ hiện nay quá sâu rộng, không thể nào vượt qua được. Chủ nghĩa cộng sản đã tạo nên sự chia rẽ và nghi kỵ giữa những con người với nhau, giữa những đồng bào với nhau và có khi giữa những người thân trong cùng gia tộc với nhau.
Ông thở dài và bỗng đổi giọng hỏi Tân:
- Em có theo đạo nào không?
Tân lắc đầu:
- Không, nhưng cha mẹ cháu theo đạo Phật.
- Tôi thì theo đạo Thiên chúa. Tôi tin rằng nhân loại đang bị trừng phạt vì tội lỗi của tổ tiên mình. Chủ nghĩa cộng sản là một cách trừng phạt của Thiên chúa. Tôi mong sự trừng phạt sớm chấm dứt để mọi người lại sống hòa thuận với nhau, không còn chia rẽ và hận thù như ngày nay nữa.
Tân im lặng ngồi nghe. Cậu không dám phản đối nhưng trong thâm tâm không đồng ý với những lời đã kích chủ nghĩa cộng sản quá nặng nề của ông Thái. Cậu chưa hiểu gì nhiều về chủ nghĩa nầy nhưng cậu có quá nhiều kỷ niệm đối với những người cộng sản. Từ hai năm trước, cậu quyết định không đi theo con đường của họ nữa vì lý do tình cảm riêng tư chứ cậu chưa bao giờ lên án chủ nghĩa cộng sản. Đối với những người cộng sản, cậu vẫn còn giữ gìn rất nhiều cảm tình sâu đậm. Cậu đã có gan chịu đựng sự tra tấn để bảo vệ cho những đồng chí cũ. Sau những ngày chịu đựng một cách can đảm, cậu tự hài lòng với cảm tưởng nhẹ nhàng vì vừa rút chân ra khỏi một cuộc chơi mà không di hại cho ai, cũng không chê trách hay nguyền rủa những người bày ra cuộc chơi đó. Cậu vẫy tay chào, không hẹn ngày tái ngộ nhưng cũng không đánh mất cảm tình và sự kính phục đối với họ.


*
* *

Sáng thứ hai, ông y sĩ Thái trở vào phòng khám bệnh sau một ngày chúa nhật nghỉ ngơi. Như thường lệ, Tân đã đến từ sáng sớm, lo quét dọn sạch sẽ và chuẩn bị mọi dụng cụ khám bệnh. Thấy ông y sĩ bước vào phòng, cậu đứng dậy chào một cách lễ phép. Mọi ngày, ông chỉ mỉm cười và gật đầu đáp lễ, nhưng hôm nay, ông tươi cười vỗ vai cậu một cách thân mật:
- Tôi mới được một tin quan trọng. Có thể là tin vui cho em. Buổi trưa rảnh rỗi tôi sẽ nói cho em nghe. Sổ khám bệnh của các phòng đưa lên chưa?
- Dạ rồi.
- Có nhiều bệnh nhân không?
- Khá nhiều. Có lẽ do thức ăn ngày hôm qua nên đêm rồi nhiều người bị đau bụng đi chảy, có người bị ói mửa.
Ông Thái hoảng hốt:
- Vậy sao? Bảo các phòng đem bệnh nhân lên ngay. Những người ói và đau bụng mang lên trước. Các bệnh khác khám sau.
Ông bước đến tủ, vừa mở lấy dụng cụ, vừa càu nhàu:
- Không khéo tin nầy lọt ra ngoài, người ta lại phao lên rằng tù nhân bị đầu độc. Bọn cộng sản luôn luôn tìm dịp xuyên tạc và thổi phồng bất cứ sự việc nào để kích động dân chúng.
Người bệnh lần lượt được đưa lên. Hai thầy trò làm việc tất bật đến trưa mới xong. Sau bữa cơm, Tân về phòng nằm nghỉ nhưng không ngủ được. Cậu chờ đợi tiếng kẻng báo giờ làm việc để lên phòng y tế chờ xem ông Thái nói tin tức gì mà có thể là tin vui cho cậu.
Khi cậu bước vào, ông Thái đang đứng quan sát tủ thuốc. Ông bảo cậu ngồi vào ghế đối diện và nói ngay:
- Ngày hôm qua, tôi đi họp ở Sài gòn, được biết bộ nội vụ báo cáo tình hình an ninh đã khả quan nên chính phủ dự định trả tự do cho một số lớn tù chính trị.
Tân ngẩng lên, hồi hộp, chăm chú nghe ông nói tiếp:
- Tôi cho đó là một tin vui cho em. Chắc chắn trung tâm nầy có một số người được cứu xét. Theo kế hoạch, chính phủ sẽ trả tự do đợt đầu tiên cho những người có tội nhẹ nhất. Em hãy thành thực nói cho tôi biết, lúc bị điều tra ở Catinat, em có khai gì nhiều lắm không? Có nghĩa là trong bảng cung khai mà em ký tên, có hành động nào của em có tính chất nghiêm trọng cho nền an ninh quốc gia hay không?
Tân lắc đầu:
- Không có gì nghiêm trọng. Em chỉ khai rằng em cùng các bạn khác yêu cầu nhà trường nơi em đang học đừng tăng học phí, thế thôi.
- Em cũng không khai gì về một tổ chức của cộng sản như đảng Lao động hay đoàn Thanh niên gì đó của đảng?
Tân hơi chột dạ khi nghe nhắc đến đoàn Thanh niên Lao động. Cậu cố giữ vẻ tự nhiên bằng một nụ cười:
- Không, em không khai điều gì liên can đến những tổ chức đó.
Ông Thái tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Tôi tin rằng em thành thực với tôi. Nhưng tôi cũng lấy làm lạ là tại sao người ta kết thúc hồ sơ khi chưa khai thác gì được nơi em. Tôi có nghe bảo rằng ở cái bót Catinat lừng danh đó, người ta thi hành hiệu lệnh: không có thì tra tấn cho có, vô tội thì tra tấn cho thành có tội. Thế em có bị tra tấn không?
- Dạ có, nhưng không nhiều lắm so với những người khác.
Ông Thái gật gù:
- Có lẽ người ta thấy em còn nhỏ tuổi lại là học sinh nên khinh thường, coi em là con nít bị bọn cán bộ cộng sản đứng sau lưng xúi dục chứ chẳng phải là một thành phần quan trọng đáng khai thác. Vả lại, người ta chẳng có nhiều thì giờ.
- Dạ cháu cũng đoán như thế. Lúc đó, cháu nghe mấy ông điều tra gọi cháu là oắt con và bảo nhau kết thúc hồ sơ cho sớm để còn lo cho những người không phải là oắt con.
Ông Thái cười to:
- Thế thì em có thể được trả tự do ngay trong đợt đầu tiên. Bây giờ em không còn là oắt con nữa mà đã trở thành một thanh niên, một thanh niên tốt, thông minh và chân thật. Em đã làm việc với tôi được ba tháng rồi phải không? Thời gian đó đủ cho tôi có một nhận xét về em. Tôi rất tiếc là em bị đưa đẩy vào con đường xấu xa và ngu dại để phải dang dở việc học hành.
Ông quay lui, đến ngồi vào ghế sau chiếc bàn làm việc của mình, lắc đầu tỏ vẻ thương hại:
- Em còn quá nhỏ để có thể hiểu tường tận bản chất của cộng sản. Tôi thì hiểu họ rất rõ, vì đã cùng hoạt động với họ trong thời gian tôi đã đủ trí khôn để có thể nhận ra điều sai lẽ đúng. Mười một năm trước đây, nghĩa là sau khi cách mạng thành công, tôi là một thành phần nồng cốt của Thanh niên Tiền phong trong huyện nơi tôi sinh ra và lớn lên. Nếu tôi tiếp tục theo họ thì giờ nầy có thể tôi đang ngồi trên một chiếc ghế của một chức vụ quan trọng để tiếp tục gây đau khổ cho đồng bào miền Bắc của chúng ta. Tôi đã từ bỏ họ vì tôi lỡ là người có học. Tôi đã đậu tú tài ban triết học từ trước cách mạng Tháng Tám khá xa. Tôi ghét thực dân Pháp nhưng không thể nào hợp tác với cộng sản được.
Ông bật cười to:
- Lúc tôi “dinh tê”, tức là bỏ chiến khu trở về Hà nội để tiếp tục đi học lại thì một hôm, tôi nhận được một lá thư của một người bạn từ trong vùng “giải phóng” lén gửi ra cho tôi. Lời lẽ trong thư mạt sát tôi một cách thậm tệ. Nào là thiếu trung kiên, mất lập trường giai cấp, thiếu ý thức trường kỳ gian khổ, đầu hàng tư sản, đầu hàng địch, vân vân. Cộng sản đổ tất cả rác rưởi tanh hôi vào bất cứ ai không theo họ đồng thời gắn vào cho tay sai của họ đủ thứ danh từ hào nhoáng, nào là yêu nước thương nòi, nào là anh hùng bất khuất, vân vân, làm cho người ta sung sướng mê ly cho đến khi nhận ra đó là giả dối thì cũng không có can đảm từ bỏ. Cũng như người con gái tầm thường, rủi đã được mang vào những món trang sức rực rỡ thì dễ gì từ bỏ những món đó được.
Ông chậc lưỡi:
- Người gửi thư là bạn cùng lớp với tôi. Anh ta cũng là người có học nên tôi tin rằng ít nhiều cũng thấy được cái sai lầm của cộng sản nhưng anh không thể từ bỏ con đường đang đi vì tiếc công lao bấy lâu nay đã đóng góp cho cách mạng. Cộng sản đã chiếm hết công lao của cách mạng rồi nên từ bỏ cộng sản là ra đi với hai bàn tay trắng. Cũng như tôi, anh ấy đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng. Tuổi thanh xuân là tuổi tươi đẹp nhất của đời người. Không lẽ phí cả tuổi thanh xuân quý giá đó mà không được hưởng một chút lợi lộc gì sao? Anh ta tiếc công lao nên ở lại với cộng sản còn tôi chẳng cần tiếc rẻ gì nên tôi về với quốc gia. Em nên lấy trường hợp của tôi và của bạn tôi để suy nghĩ và định cho mình một thái độ đúng đắn.
Ông ngừng nói vì có vài bệnh nhân bước vào, người đi đầu cầm cuốn sổ khám bệnh trong tay. Buổi khám bệnh bắt đầu. Tân vừa làm việc vừa suy nghĩ vẩn vơ về tin tức trả tự do cho tù nhân mà ông Thái vừa mới nói xong.
Từ ít lâu nay, cậu đã chán ngán những ngày bị giam cầm. Cái khu đất nhỏ hẹp nầy đã giữ chân cậu đến hai năm rồi. Lúc đầu, cậu khá yên tâm vì cậu nghĩ rằng bị giam cầm tại đây cũng khá dễ chịu. Đó là cái giá quá thấp so với cái giá cao hơn nhiều mà cậu chấp nhận để có thể từ bỏ con đường cách mạng. Tuy nhiên, kể từ vụ vượt ngục tập thể dẫn đến sự trừng phạt ba mươi ngày cấm cố, cậu bắt đầu ước muốn đi khỏi nơi đây để xa rời mảnh sân đã có nhiều xác chết nằm co quắp, xa rời gian phòng chật chội chứa cả trăm người hôi hám, mình mẩy đầy ghẻ lở. Nơi đây trở thành nơi mà cậu phải chịu đựng mỗi lúc một nặng nề thêm.
Cậu tha thiết muốn đi khỏi chỗ nầy. Nhưng đi khỏi bằng cách nào? Vượt ngục ư? Không thể được. Chắc chắn, sau biến cố kinh khủng vừa qua, sự canh gác và đề phòng đã được tăng cường hơn rất nhiều. Vả lại, từ trước đến nay, cậu chưa từng có ý nghĩ vượt ngục. Người ta vượt ngục ra ngoài để tiếp tục phụng sự cho cách mạng còn cậu thì đã quyết từ bỏ từ hơn hai năm trước và chưa bao giờ có ý nghĩ quay trở lại.
Cuộc sống lao tù như một con đường hầm tối đen. Ông Thái vừa chỉ cho cậu thấy ánh sáng đang lóe lên ở cuối đường hầm kia rồi. Phải chăng, cậu sắp được hưởng những ngày sống tự do, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì tùy ý. Ôi, đó thực là một điều kỳ diệu. Bao giờ cậu được hưởng điều kỳ diệu đó?
Người bệnh cuối cùng bước ra khỏi phòng y tế. Cậu vội vàng cộng số thuốc phát ra trong ngày rồi ngước nhìn lên. Ông Thái đang thu xếp dụng cụ vào một cái khay tráng men để trên bàn rồi loay hoay sửa cái núm nghe của ống thính chẩn mà ông dùng khám bệnh hàng ngày. Cậu bước sang ngồi vào chiếc ghế trước bàn. Ông ngước nhìn lên và mỉm cười:
- Em muốn biết thêm tin tức về việc trả tự do cho phạm nhân, phải không?
Tân gật đầu. Ông nói tiếp với giọng vui vẻ:
- Tin đó rất chính xác vì do một giới chức có thẩm quyền nói ra. Em có nhiều hi vọng nếu hồ sơ của em quả là nhẹ như em đã nói với tôi trưa nay.
Giọng ông trở nên thân mật:
- Ra tù rồi, em tính làm gì?
Tân lắc đầu:
- Con chưa biết phải làm gì. Cứ ra khỏi nơi đây trước đã, mọi việc khác sẽ tính sau.
- Năm nay, em bao nhiêu tuổi?
- Dạ, vừa đúng hai mươi.
- Còn quá trẻ. Em sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ phải không?
Tân ngạc nhiên:
- Dạ phải. Nhưng sao thầy biết?
- Tôi có xem lý lịch của em trong hồ sơ của văn phòng trước khi xin em đến đây giúp tôi. Ra tù rồi, em có tính đi học lại hay không?
- Con chưa biết được vì con không còn ai là bà con thân thuộc để sống nhờ.
Ông Thái nhìn cậu với đôi mắt cảm động:
- Vậy cũng khó cho em. Tuy nhiên em cố gắng hết sức để đi học trở lại. Em còn rất trẻ và thông minh, nếu không học tiếp thì rất đáng tiếc.
Ông mím môi và nói tiếp:
- Sự học rất cần thiết để có một vị trí xứng đáng trong xã hội, ai cũng hiểu như thế. Riêng đối với em thì còn cần thiết hơn nữa. Tôi rất hi vọng sự học giúp em suy nghĩ, nhận ra bản chất của chủ nghĩa cộng sản để không bị biến thành công cụ của chủ nghĩa độc hại đó.
Ông ngừng một chút, bưng ly nước uống một hớp rồi nói tiếp:
- Em mới hai mươi tuổi, còn quá trẻ, tôi lặp lại. Tôi không tin rằng em vô tội mà bị bắt vào đây. Các cơ quan an ninh không bắt người vô cớ mà dựa vào một bằng chứng cụ thể và khá xác đáng. Vì vậy, những trường hợp oan uổng thì rất ít. Tuy nhiên, tôi không trách em, cũng không thù ghét em chút nào. Có lẽ em nhận ra điều đó qua thời gian làm việc với tôi. Bọn trẻ các em thực đáng thương vì còn quá ngây thơ mà miệng lưỡi tuyên truyền của những cán bộ cộng sản thì quá sức hấp dẫn và đầy hoa mỹ. Ra tù rồi, em nên đi học trở lại, tôi nhắc lại lời khuyên đó và mong em nghe theo. Em hãy xa lánh các cán bộ cộng sản trong một thời gian. Sau nầy, khi đã học xong thành tài rồi, nếu em thấy chủ nghĩa cộng sản vẫn còn xứng đáng là lý tưởng thì em sẽ theo cũng chưa muộn. Điều cần thiết là phải có đủ kiến thức để suy xét, trước khi nhận lấy một lý tưởng cho cuộc đời mình. Em có đồng ý về những điều tôi vừa nói với em không?
Tân ngập ngừng:
- Dạ, con mong muốn được ra khỏi tù để đi học trở lại.
Nói xong, cậu ngước nhìn lên, bắt gặp ánh mắt trìu mến của vị y sĩ già. Cậu nói nhanh một hơi không nghỉ:
- Nhiều đêm con chiêm bao thấy sống lại những ngày thơ ấu, hàng ngày vui với thầy, với bạn….Con mong được sống lại những ngày như thế.
Ông Thái bật người dựa ngửa vào lưng ghế một cách thoải mái và hài lòng:
- Rồi em sẽ được toại nguyện. Tôi đã nói với em rồi. Chính phủ đang cứu xét để trả tự do cho một số người.
Tân lo lắng:
- Chỉ một số người thôi sao? Số người đó là những ai?
- Những người xét thấy không còn trung thành với cộng sản nữa.
- Làm cách nào để xét được? Trung thành hay không làm sao thấy được?
Ông Thái gật đầu:
- Đúng vậy. Trung thành hay không trung thành là chuyện sâu kín trong lòng, khó có thể xác định được. Người ta đành phải dựa vào một cái gì đó cụ thể để đánh giá.
- Thầy có biết ở đây, người ta dựa vào cái gì cụ thể để trả tự do không?
- Có, tôi nghe nói người ta sẽ tổ chức những buổi lễ chào cờ mỗi ngày, cùng những lớp học tố cộng mở liên tiếp trong các trại cải huấn. Ai chịu chào cờ và chịu theo học lớp tố cộng thì được xem như đủ tiêu chuẩn để xét trả tự do. Ngược lại, ai cứng đầu, không chịu chào cờ và học chính trị thì tiếp tục bị giam cầm và có thể bị trừng phạt nữa.
Có tiếng kẻng từ dưới bếp vọng lên gọi tù nhân đi ăn cơm chiều. Ông Thái nói với giọng vui vẻ:
- Thôi, hết giờ làm việc rồi. Em đi ăn cơm đi. Tôi cũng chuẩn bị về nhà. Hẹn ngày mai gặp lại.
Tân đứng dậy lễ phép chào rồi bước ra ngoài.
Buổi chiều thực đẹp. Đang vào mùa mưa; mấy hôm rồi, chiều nào mây đen cũng vần vũ, thế mà hôm nay trời thực quang đãng. Mặt trời chìm xuống hướng Tây, ẩn sau cụm mây trắng làm cho nơi đó sáng lên rực rỡ.
Tân đi thẳng xuống phòng. Mọi người lục tục xếp thành hàng ngũ. Cậu đứng vào đám đông và chầm chậm đi đến nhà ăn với bao nhiêu ý nghĩ xáo động dữ dội trong đầu, lòng nôn nao vì hai chữ tự do. Theo lời ông Thái, cậu sắp được tự do, với điều kiện phải ra sân chào cờ và tham dự một vài lớp tố cộng. Đó có phải là sự đầu hàng nhục nhã, đáng bị phỉ nhổ hay không?
Ở nhà cơm về, cậu vội vàng kéo tay anh Minh ra hiên nhà, kể với anh tin quan trọng đó. Nghe xong, anh nhíu mày suy nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Tốt. Cái tin mà em nhận được đó rất hệ trọng. Các anh sẽ bàn bạc cách đối phó. Chủ trương nầy của địch rất thâm độc, em không nên nói cho người khác biết vì có thể làm cho tinh thần anh em dao động. Anh sẽ cùng với các anh khác tìm cách giữ vững tinh thần cho anh em mình.

Hai tuần lễ trôi qua một cách êm ả. Ông Thái chỉ trao đổi với cậu những công việc hàng ngày và không còn nhắc đến việc chào cờ và học chính trị để được trả tự do.
Một buổi chiều của một ngày thăm nuôi, anh Minh kéo Tân ra góc sân vận động, thì thầm:
- Anh đã liên lạc với bên ngoài. Quả thực, địch đang sắp thực hiện cái điều đúng như tin mà em đã nói với anh.
- Họ sắp trả tự do cho anh em mình?
- Đúng vậy nhưng không dễ dàng cho mình đâu. Địch dùng biện pháp chào cờ và lớp học tố cộng để chia rẽ hàng ngũ trong tù của chúng ta đồng thời dùng hai biện pháp đó như là công cụ gạn lọc anh em mình. Thành phần nào yếu đuối lọt sàng thì chúng cho về sống với vợ con, thành phần nào trung kiên còn sót lại thì chúng sẽ đưa đi nơi khác và tìm cách thủ tiêu.
Anh buông một tiếng chửi thề và hằn học:
- Bọn khốn nạn, chúng nó không thắng được ta đâu.
Anh vỗ vai Tân và nói tiếp:
- Các anh đã nhận được chỉ thị đối phó với âm mưu thâm độc nầy.
Tân cảm thấy lo lắng:
- Đối phó cách nào? Vận động anh em không chào cờ và tham gia lớp học?
Minh gật đầu:
- Chúng ta sẽ làm điều đó.
- Nhưng em thấy phần lớn anh em mình mong muốn được ra khỏi nơi nầy để về với gia đình. Hầu hết đều là cột trụ của gia đình nên ngày nào anh em còn ở lại đây thì gia đình họ còn khốn khổ. Chúng ta nỡ nào ngăn cản con đường trở về của họ và liệu chúng ta có thể ngăn cản được mãi hay không?
- Phải rồi, chúng ta không thể bắt anh em ở lại đây vĩnh viễn. Chúng ta sẽ phát động mạnh cuộc đòi hỏi trả tự do nhưng không qua chào cờ và học tố cộng.
- Tuy nhiên, em nghĩ rằng, biện pháp chào cờ và tổ chức lớp học vẫn cứ xúc tiến và sẽ có người cam chịu để được tự do.
- Em nói đúng. Không có cuộc vận động nào có kết quả hoàn toàn đâu. Sẽ có một số anh em ngã lòng chịu đầu hàng địch. Chúng ta sẽ lợi dụng điều nầy đưa một số cán bộ trung kiên của mình ra ngoài để hoạt động trở lại. Hiện nay các cơ sở bên ngoài của chúng ta đang bị thiệt hại rất nặng. Sau khi đánh bại và tiêu diệt xong lực lượng vũ trang của các đảng phái và giáo phái, nhà cầm quyền quay sang đập các tổ chức của chúng ta tơi tả. Phải gấp rút tìm cách đưa cán bộ ra để xây dựng và củng cố cơ sở trở lại.
- Thế là chúng ta sẽ cho một số anh em mình giả bộ đầu hàng để được ra về.
Anh Minh gật đầu:
- Đúng vậy. Đó là cách phá vỡ âm mưu sàng lọc của địch, làm cho âm mưu nầy có tác dụng ngược lại, biến sự sàng lọc của địch thành con đường đưa cán bộ của chúng ta ra khỏi tù. Chúng ta phấn đấu làm sao cho những lớp học tố cộng mà địch sắp mở ra sẽ gồm càng nhiều cán bộ và càng ít những người thực sự đầu hàng.
- Có nghĩa là theo học hay không là do sự chỉ đạo của …
- Của chi bộ trong tù. Các anh đang phân loại anh em trong các phòng và cố gắng vận động anh em theo đúng sự chỉ đạo của chi bộ.
- Việc sàng lọc của các anh đã bắt đầu chưa?
- Đã làm được một phần rồi.
- Với riêng em, các anh có ý kiến gì chưa?
- Có rồi. Các anh nhận xét em là người tốt, đã kiên định và chịu đựng trong giai đoạn điều tra nên đã bảo toàn được cơ sở của mình bên ngoài. Vào tù, em tỏ ra là người có lập trường, chưa bao giờ than thở hay bi quan chán nản. Em là nhân tố tích cực trong các cuộc đấu tranh. Đảng ta rất chú ý đến những thành phần trẻ như em, vì giới trẻ có tâm hồn trong sáng, có lý tưởng và sẵn sàng hi sinh cho lý tưởng. Các anh quyết định cho phép em ra tù, trở lại đi học để công tác. Hiện nay, các cơ sở trí vận phần lớn bị tê liệt vì hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là địch đàn áp mạnh tay. Nguyên nhân thứ hai là nhà cầm quyền chú trọng về giáo dục, dành nhiều ưu đãi cho thành phần giảng dạy nên trí thức có khuynh hướng ngã theo địch. Trong giới sinh viên học sinh, ảnh hưởng của đoàn Thanh niên Lao động cũng giảm sút nhiều vì sự lấn áp quyết liệt của hội Hướng đạo, một tổ chức phản động của thế giới tư bản đang lôi cuốn mạnh mẽ giới trẻ ở miền Nam. Trong tình hình bất lợi như thế, việc củng cố đội ngũ cán bộ của chúng ta cho thực vững vàng là điều cần thiết hơn bao giờ cả. Vì vậy, anh nhắc lại, các anh quyết định để em ra ngoài ngay trong đợt đầu.
Anh ngừng lại để đốt điếu thuốc rồi nói tiếp:
- Em bị bắt hơn hai năm rồi phải không? Chắc chắn các cơ sở bên ngoài thay đổi nhiều, em khó liên lạc lại được cơ sở cũ của em. Nhưng em đừng lo, đảng và đoàn vẫn còn đó. Các anh sẽ báo cáo cho tổ chức của chúng ta biết là em ra tù do chủ trương của chi bộ trong nầy và không lâu đâu, sẽ có người đến liên lạc sau khi em được trả tự do. Các anh cũng sẽ báo cáo rằng trong nầy vẫn giữ thâm niên cán bộ đoàn và đã có chủ trương xây dựng đảng cho em. Anh nghĩ rằng không bao lâu nữa em sẽ đứng vào hàng ngũ của đảng Tiền phong. Đó là điều rất đáng hãnh diện cho một thanh niên còn rất trẻ như em.
Vừa lúc đó, đèn trong phòng và chung quanh hàng rào cũng vừa bật lên, kẻng vào trại cũng khua vang inh ỏi. Hai người vội vã đứng dậy. Trong khi anh Minh tỏ ra rất phấn khởi thì Tân bước sau anh, lòng nặng trĩu ưu tư.
Cậu đã vào tù với lòng mong muốn giã từ con đường cách mạng bây giờ ra tù để tiếp tục lại con đường đó hay sao? Rồi lại mai phục, nghĩa là trốn chui trốn nhủi trong bóng tối và thúc đẩy bạn bè đáng thương của mình ra trước họng súng của quân thù? Cậu nhớ lại cái cảm giác vừa sợ hãi, vừa chán nản của hơn hai năm về trước. Cậu nhớ đến những người con gái đáng thương như Bạch Mai và nhiều người khác mà cậu đã xúi giục đến phải bỏ bê việc học để bị lôi cuốn theo con đường có quá nhiều hiểm nguy. Cậu đang khao khát tự do, khao khát ra khỏi chốn giam cầm để sống theo ý mình chứ không phải để trở lại con đường mà cậu đã xa lánh. Theo lời anh Minh, khi ra khỏi nhà tù, cậu lại sẽ phải gặp cán bộ cách mạng đến giao công tác bí mật. Nếu như thế thì công sức và sự chịu đựng trong hơn hai năm rồi hóa ra vô ích. Không, cậu không muốn điều nầy xảy ra.
Vài ngày sau, mọi người trong tất cả các phòng đều nhận được tin quan trọng đó và bàn tán xôn xao. Một buổi sáng, giám đốc nhà tù ra lệnh tập họp tất cả tù nhân xuống nhà ăn, nay biến thành hội trường. Đích thân ông giám đốc giải thích việc tổ chức chào cờ và lớp học. Lời nói của ông thực ôn tồn chứ không gay gắt như thường ngày. Ông khuyên mọi người hãy hưởng ứng để được chính phủ khoan hồng, sớm trở về với gia đình. Ông dứt lời, tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên trong căn phòng chật hẹp đầy người. Ông đưa cả hai tay lên cao, vừa biểu lộ nỗi hân hoan, vừa là một cử chỉ thân thiện đầu tiên đối với tù nhân kể từ ngày ông đến làm giám đốc ở đây.
Mọi người trở về phòng tiếp tục bàn tán xôn xao. Ai cũng có vẻ phấn khích đến tột độ. Không có gì có thể so sánh được với sự phấn khởi của tù nhân trước cái tin sắp được về với gia đình. Ngày hôm đó, anh em được nghỉ ngơi, tắm rửa, giặt giũ sạch sẽ để chuẩn bị bước vào đợt học tập đầu tiên.
Sáng hôm sau, kẻng gọi đi ăn sáng sớm hơn thường lệ. Vẫn là cháo trắng được nhóm nhà bếp nấu từ khuya, nhưng hôm nay, trên mỗi ô dành cho sáu người có một tô đường cát trắng thay cho chén muối hàng ngày.
Sau bữa ăn sáng, khi mọi người trở về phòng, tiếng loa ong óng gọi những người tình nguyện ra chào cờ. Khoảng hai phần ba lầm lũi bước ra sân xếp hàng hướng về cột cờ. Giám thị lùa những người còn lại vào phòng và khóa cửa lại. Tân cũng ở trong số nầy.
Lúc cậu bước vào phòng thì thấy anh Minh đang đứng áp mặt vào cửa sổ, chăm chú nhìn ra sân cờ. Cậu lẳng lặng về chỗ của mình nằm nhắm mắt lại. Cậu nghe rõ tiếng hô chào cờ của ai đó rất dõng dạc, tiếng quốc thiều nổi lên thực rôm rả. Sau đó là tiếng nói xôn xao và tiếng bước chân lào xào về hướng nhà ăn. Cậu biết nơi đó bây giờ trở thành lớp học chính trị của nhà tù.
Tân nghe có tiếng chân người bước lên bục nằm. Cậu khẽ mở mắt ra thì thấy anh Minh đang se sẽ ngồi xuống bên cậu. Anh nhìn cậu bằng đôi mắt ngạc nhiên:
- Tại sao em nằm đây? Anh tưởng em sáng nay ra chào cờ và theo lớp học rồi chứ.
Tân lắc đầu:
- Không, em không muốn chào cờ và tham dự lớp học.
- Tại sao vậy?
Tân lại lắc đầu và im lặng. Cậu quay mặt sang chỗ khác để tránh cái nhìn của anh Minh. Cậu không rõ anh đang bất mãn vì cậu không theo sự sắp đặt của anh hay đang thán phục vì cậu thuộc về nhóm anh em có lập trường kiên định chống lại việc chào cờ và lớp học. Mặc kệ, cậu không cần biết điều gì đang diễn ra trong đầu anh ấy, cũng chẳng cần để ý những gì diễn ra chung quanh trong cái thế giới đầy phiền toái nầy.
Có tiếng động khe khẽ, Tân biết anh Minh đang đứng dậy để về chỗ của mình. Cậu nhắm mắt lại, đưa tay gác lên trán để che bớt ánh sáng rực rỡ của buổi sáng đẹp trời xuyên qua hai hàng cửa sổ rọi vào phòng. Cậu nằm lắng tai nghe tiếng ồn từ dưới bếp vọng lên. Tiếng ồn bỗng nín bặt như đột ngột tan biến, nhường không gian lại cho tiếng loa phát ra một giọng nói thực rõ ràng và trôi chảy. Tân lẩm bẩm một mình:
- Lớp học bắt đầu rồi đó.
Bỗng nhiên, cậu cảm thấy tủi thân khi nghĩ rằng những người đang ngồi dưới lớp học đó nay mai sẽ trở về với gia đình, sẽ hít thở bầu không khí tự do ngoài kia, còn cậu sẽ tiếp tục ở lại đây, trong vòng rào kẽm gai, ngày ngày quanh quẩn trên một khuỷnh đất nhỏ hẹp, mỗi nơi đều đã quá quen thuộc đến độ nhàm chán, khó lòng chịu đựng. Cậu sẽ tiếp tục đánh mất tuổi thanh xuân của cậu ở đây hay ở một nhà giam nào khác có lẽ khắc nghiệt hơn nhiều mà người ta sẽ dùng nhốt những kẻ bị xem là cứng đầu.
Sáng hôm nay, người ta đã làm xong sự gạn lọc. Cậu và những người còn lại trong phòng sẽ bị thi hành kỷ luật. Cậu cố tưởng tượng hình thức trừng phạt mà cậu sắp phải nhận chịu. Chắc chắn không phải bị giam ở trại kỷ luật, vì ở đó chỉ có khoảng hai mươi xà lim biệt lập trong khi ước lượng có đến gần hai trăm người còn lại trong ba phòng phạm nhân cộng sản.
Có tiếng mở khóa rổn rảng bên ngoài và cửa phòng bật mở. Viên giám thị bước vào hô to:
- Tập họp hàng tư, nhanh lên.
Mọi người vùng dậy làm theo lệnh. Viên giám thị đi thong thả, vừa đi vừa đếm số người trong mỗi hàng. Ông rút cây viết, mở cuốn tập vở cầm trong tay và nói:
- Mỗi người lần lượt đứng lên nói tên của mình. Bắt đầu hàng thứ nhất.
Công việc kết thúc nhanh chóng. Viên giám thị xếp tập lại, nói to:
- Mấy anh nghe đây.
Mọi người im lặng và hồi hộp. Ai cũng nghĩ đến biện pháp trừng phạt ghê gớm sắp được công bố. Họ lắng nghe viên giám thị nói tiếp:
- Các anh sẽ được sắp xếp lại. Những người không chịu đi học được xếp chung vào phòng nầy. Trưa nay cơm nước xong sẽ dời phòng. Những người đang tham dự lớp học sẽ ở hai phòng bên kia. Lớp học sẽ kéo dài trong hai tuần, nghỉ ngày thứ sáu thăm nuôi. Trong hai tuần lễ nầy, tất cả các anh trong phòng nầy phải làm công việc thay cho những người đi học. Ai đã có công việc chuyên môn thì cứ tiếp tục, những người khác theo tôi đến nhà bếp để được phân công. Thôi, giải tán.
Mọi người đứng dậy, thở ra nhẹ nhõm. Họ không hề bị một hình thức kỷ luật nào cả. Đời sống của họ trong trại nầy vẫn bình thường như trước. Viên giám thị bước ra ngoài, cửa vẫn mở, mọi người vội vã bước theo sau ông. Bên ngoài, mặt trời đã lên cao, quanh cảnh trống vắng trông là lạ hơn thường ngày.
Tân tách khỏi số người đang đi theo ông giám thị, thẳng hướng về phòng y tế. Ông y sĩ ngước lên nhìn, suýt nhảy nhổm vì ngạc nhiên. Ông nhìn sững cậu như nhìn một con vật lạ lùng đột nhiên xuất hiện. Ông nói với giọng run run:
- Sao? Em không chịu đi học à? Em cho đó là điều đáng xấu hổ ư?
Ông chỉ hỏi thế thôi rồi ngồi yên, không đợi trả lời, mặt đầy vẻ thất vọng. Ông nhìn quanh như muốn tìm một việc làm gì đó để tự trấn an mình. Sáng nay, ông không phải khám cho bệnh nhân nào cả. Dưới các phòng không có ai khai bệnh vì mọi người mãi lo tuân theo hay chống đối lệnh chào cờ và học tập. Ông loay hoay sắp xếp lại mấy dụng cụ trên bàn. Ông đến kệ tủ lấy ra một quyển sách đọc vài trang rồi xếp lại trả lên kệ. Ông quay lại, nhìn cậu ngồi im lặng, hai tay khoanh trên bàn đè lên quyển sổ bìa đen ghi thuốc cấp phát hằng ngày. Đột nhiên, cơn giận trào lên, ông nói to với giọng hằn học:
- Tôi biết sẽ có nhiều người chống đối, nhưng không ngờ trong đó có em. Tại sao em không nắm lấy dịp may nầy để được khoan hồng? Tại sao em từ chối cuộc sống tự do ngoài kia và để cho tuổi trẻ của em trôi qua một cách hoang phí trong nhà tù? Tới bây giờ mà em chưa nhận ra rằng em bị cộng sản dụ dỗ và lợi dụng hay sao? Hơn hai năm bị giam cầm chưa đủ cho em nhận ra lẽ phải hay sao?
Ông dừng lại nuốt nước bọt, giọng nhỏ lại, không còn gay gắt mà có vẻ thương hại:
- Tôi hiểu rồi. Những điều tôi giải thích cho em nghe về cộng sản chẳng có tác dụng gì cả. Ở dưới đó, hằng đêm, em vẫn tiếp xúc với họ, những người cán bộ cộng sản chính cống. Họ thường nói một cách hãnh diện rằng nhà tù là nơi rèn luyện con người theo chủ nghĩa cộng sản. Em còn quá trẻ, làm sao thoát khỏi nanh vuốt của họ. Tôi tiếc cho em. Bản tính tôi rất yêu thương con trẻ, nhưng Chúa không cho vợ chồng tôi có con. Vì vậy, tôi không tránh được phẩn uất khi thấy bọn trẻ các em bị cộng sản dụ dỗ, bỏ cả học hành, có khi bỏ cả gia đình để theo họ, đánh hỏng cả cuộc đời tươi đẹp của mình.
Ông ngừng lại, bước đến góc phòng rót một ly nước uống ực rồi nói tiếp:
- Bây giờ, tôi nói cho em rõ một điều có liên quan đến em. Em còn nhớ bà vợ ông đại úy Thiện, giám đốc cũ ở trung tâm nầy không? Em đã gặp và nói chuyện nhiều lần với bà ấy vì em kèm cho thằng Dũng, con bà ấy học. Bà đại úy là bạn thân của vợ tôi từ hồi hai người từ giã Hà nội trên chuyến tàu di cư vào Nam tìm tự do. Tôi không biết hai bà nói chuyện thế nào mà vợ tôi đốc thúc tôi tìm cách cứu em ra khỏi chốn nầy. Vì vậy tôi đã yêu cầu Trung tâm cho em lên đây làm việc với tôi để tôi xét xem em có xứng đáng để tôi giúp đỡ hay không. Thú thực, tôi đã hài lòng về tính tình, về sự thông minh của em. Tôi có người bạn thân ở bộ nội vụ, tôi đã nhờ ông ta can thiệp cho em ra tù. Tuy nhiên, bây giờ, con đường duy nhất để ra khỏi nhà giam là qua những buổi chào cờ và lớp học tố cộng. Tôi không còn biết phương cách nào khác. Em đã từ chối con đường đó thì thôi, tôi không còn biết làm thế nào nữa. Tôi còn nhớ, có lần tôi đã giải thích cho em rõ, người cộng sản tự nguyện khóa mình vào một cái xiềng rồi vứt bỏ chìa khóa đi để mang mãi cái xiềng đó. Em còn trẻ, tương lai còn dài, đừng dại mang cái xiềng đó vào cổ, phá hư cả bản thân, cả tâm hồn em.
Ông ngừng nói, đứng dậy bước ra cửa hít một hơi dài. Ông lắng tai nghe tiếng loa của lớp học từ nhà ăn vọng lên rồi rảo bước về hướng đó.
Kể từ hôm đó, ông không còn trò chuyện thân mật với Tân nữa. Những lời ông nói với cậu chỉ là những câu sai bảo cần thiết cho công việc mà thôi. Ngoài ra, những giờ dài trong phòng y tế là những giờ im lặng nặng nề.
Đúng hai tuần lễ sau, lớp học tố cộng kết thúc bằng một buổi lễ khá long trọng, có nhiều khách bên ngoài vào dự. Chỉ hơn một tuần lễ sau, một số người được chở về Sài gòn để trả tự do, gây xôn xao trong tất cả các phòng. Sinh hoạt trong trại trở lại bình thường. Tuy nhiên, cứ cách khoảng một tuần lại có vài người từ giã lao tù để trở về với gia đình. Những người còn lại, đã qua lớp học chính trị vừa rồi, ngong ngóng đợi đến phiên mình.

Hôm nay là thứ sáu, anh em được nghỉ việc đề chờ người nhà đến thăm nuôi. Tân vẫn đến phòng y tế làm việc vì y sĩ cũng khám bệnh cho tù nhân như thường ngày. Trong ngày thăm nuôi, mọi người đều náo nức. Riêng Tân, cậu chẳng bận tâm vì từ ngày bị giam ở đây, hơn hai năm rồi, cậu chưa một lần được gọi tên. Cậu ngồi trong phòng một cách bình thản, lo ghi chép, gói thuốc và dặn dò bệnh nhân.
Bỗng cậu giật mình khi nghe tiếng gọi trong loa:
- Phạm bá Tân, phòng…, à không rõ phòng nào. Ai là Phạm bá Tân ra gặp thân nhân.
Tân vụt đứng lên, tim đập thình thịch, mặt nóng bừng. Vị y sĩ già cũng ngưng khám cho bệnh nhân, quay sang hỏi:
- Loa gọi tên em ra nhà thăm nuôi đó phải không?
Tân cố lấy giọng bình thản để trả lời:
- Có lẽ không phải. Người ta gọi nhầm tên rồi. Em chẳng còn bà con thân thuộc nào ở đây.
Nói xong, cậu ngồi xuống. Tiếng loa lại réo lên, giọng gay gắt:
- Phạm bá Tân, ai là Phạm bá Tân ra gặp người nhà ngay.
Có bóng người xuất hiện ở cửa phòng, nói to:
- Tân, mày có người thăm nuôi đó, ra ngay đi.
Tân quay ra nhìn, thấy đó là anh Định nằm cùng phòng. Cậu lắc đầu:
- Chắc không phải gọi em đâu.
- Không, chính mày được gọi đó. Ra nhanh đừng để mất bớt thì giờ thăm nuôi.
Anh ta nói xong, chụp lấy tay cậu kéo ra ngoài. Cậu bước ra sân, nhìn về hướng phòng thăm nuôi. Trong phòng đã đầy người. Trước cửa phòng, có một thanh niên đứng im nhìn vào. Tân nhướng mắt nhìn ra, bỗng nhiên hoảng hốt, miệng lẩm bẩm:
- Bính, trời ơi, đúng là Bính đến thăm mình kia kìa.
Cậu phóng nhanh đến, đưa cả hai tay về trước.
- Bính!
- Anh Tân.
Bốn bàn tay siết chặt lấy nhau. Có tiếng người giám thị nhắc nhở:
- Vào phòng nói chuyện, nhanh lên. Hết mười phút rồi đó.
Vừa vào phòng, Tân hỏi ngay:
- Tại sao Bính biết anh ở đây mà đi thăm?
- Do một sự tình cờ lạ lùng. Anh biết một người tên Thắng mới ở đây được về hay không?
- Biết. Đỗ Chiến Thắng, trước cùng phòng với anh, mới được về cách nay hơn một tuần. Bính có quen với anh ấy sao?
- Anh Thắng có bà con về phía bên ngoại với em.
- Sau khi được trả tự do, anh ấy đến thăm gia đình Bính?
Bính lắc đầu. Tân ngạc nhiên thấy mắt bạn rơm rớm. Bính nói nho nhỏ:
- Anh Thắng đến đưa đám mẹ em.
Tân sửng sốt. Cậu chồm tới trước, nắm lấy tay bạn:
- Bính nói sao?
- Mẹ em mất rồi, mới làm đám xong, đúng một tuần nay.
- Trời ơi, sao vậy?
- Mẹ em bị bệnh hơn một năm rồi. Bà bị ung thư.
Bính đưa tay chỉ vào ngực mình. Bấy giờ, Tân mới để ý miếng băng tang nho nhỏ đính vào áo. Cậu nói, giọng run run vì xúc động:
- Bính, anh xin chia buồn với em và với gia đình.
- Cám ơn anh.
- Bác trai có khỏe không?
- Ba em vẫn bình thường nhưng không được khoẻ lắm vì phải ngày đêm săn sóc mẹ em hai ba tháng cuối cùng trước khi mẹ em mất. Gần như chỉ một mình ba em chịu cực chịu khổ với mẹ em mà thôi.
- Thế còn….
Thấy Tân ngập ngừng, Bính tiếp lời:
- Em muốn thay ba em để săn sóc mẹ nhưng ba em không cho vì năm nay là năm thi của em.
- Em sắp thi tú tài rồi à? Nhanh nhỉ.
- Dạ phải, còn vài tháng nữa là em đi thi. Vì vậy ba muốn em dành tất cả thì giờ cho việc học.
- Còn chị Mai?
- Anh còn nhớ đến chị Mai à?
Tân ngạc nhiên thấy vẻ bối rối hiện trên mặt bạn. Bính mím môi nói tiếp:
- Chị Mai làm cho mẹ em đau khổ nhiều. Em nghĩ rằng chính vì vậy mà sức khỏe mẹ em suy sụp, khối u ác tính trong người mẹ em phát triển nhanh chóng. Thôi, mẹ em đi sớm cũng yên cho thân mẹ.
Tân sững sờ nhìn Bính, giọng như lạc hẳn đi:
- Bính, chị Mai thế nào mà mẹ đau khổ. Mai bị bắt rồi phải không?
Bính lắc đầu:
- Không, chị Mai không bị bắt.
- Thế thì sao?
- Để em kể đầu đuôi cho anh nghe. Sau ngày anh bị bắt ít lâu, các trường công và tư đều nhốn nháo vì nhiều người bị bắt, kể cả giáo sư và học sinh. Em nghe nói chính quyền cương quyết dập tắt cái Phong trào bảo vệ hòa bình, cương quyết bắt các trường phải vào khuôn khổ, trở lại nề nếp học tập, cấm mọi hoạt động nào không đo bộ quốc gia giáo dục cho phép. Ở vài trường, trong đó có trường của anh và chị Mai trước kia, công an mật vụ và cảnh sát xông vào khám xét nhiều lớp ngay trong giờ học. Ba mẹ rất lo lắng cho chị Mai. Cả nhà, ai cũng biết chị ấy có chân trong tổ chức Việt cộng. Ba thì buồn rầu, mẹ thì khóc vì những tin đồn dễ sợ về chuyện các nữ sinh bị bắt vào bót để điều tra. Tình hình mỗi ngày một căng thẳng và chị Mai bỏ trốn. Ba mẹ em đau đớn vô cùng. Hai người bỏ công đi tìm kiếm nhưng không dám hỏi ai vì sợ công an mật vụ đang truy lùng. Sau cùng, người ta đến đưa tin, chị Mai đã được đưa vào một nơi nào đó rất bí mật. Từ hôm đó, ba mẹ không đi tìm nữa. Ba vẫn đi làm nhưng nét mặt lúc nào cũng rầu rầu. Có một lần, em và mẹ nghe ba cười vui vẻ. Đó là một buổi chiều thứ bảy, có mấy người bạn cùng sở làm với ba em đến nhà chơi. Ba lấy chai rượu mạnh ra đãi khách. Rượu làm cho ba em quên mọi sự đời. Kể từ hôm đó, mẹ thường khuyên ba rủ bạn về nhà chơi, mẹ làm thức nhắm cho ba uống rượu với bạn bè. Mẹ muốn cho ba khuây khỏa, ít ra một lúc với bạn bè.
Bính dừng lại, cúi nhìn xuống đất để cho người đối diện không trông thấy đôi mắt cậu lại rơm rớm ướt. Giọng Tân khẩn thiết:
- Bính nói tiếp đi.
- Suốt đời mẹ hi sinh cho chồng, cho con. Anh là người ngoài thì không thể nào biết hết tất cả sự hi sinh của mẹ em được.
Tân hăng hái cãi lại:
- Biết chứ, dù không biết tất cả những gì bác gái làm cho gia đình thì anh cũng hiểu bác là người sẵn sàng hi sinh cho người khác. Anh chỉ mới đến chơi nhà Bính tròn tám tháng nhưng anh yêu quý bác vô ngần. Trông thấy bác là anh lại nhớ đến mẹ anh xưa kia.
- Cám ơn anh. Cứ mỗi lần nghe ai nói những điều tốt đẹp về mẹ, em vừa thấy đau đớn vừa thấy an ủi trong lòng. Em xin kể tiếp anh nghe. Về việc chị Mai đi trốn, mẹ cố tìm cách làm cho ba khuây khỏa để giảm bớt nỗi lo buồn trong khi mẹ không quản đến nỗi khổ của mẹ lớn hơn của mọi người khác. Chẳng ai làm gì được cho mẹ bớt đau khổ. Nó gậm nhấm mẹ, nó làm cho mẹ mỗi ngày một héo hon. Tới khi có bằng chứng y học rõ rệt về việc mẹ bị khối u ác tính đang sang thời kỳ phát triển mạnh mẽ và hết còn hi vọng cứu chữa, ba quyết định tìm mọi cách nhắn người ta đưa chị Mai về.
Tân mất hết kiên nhẫn nên cướp lời:
- Bác trai có tìm được đúng chỗ không?
- Được, chị Mai trở về một cách kín đáo sau một năm trời trốn tránh.
Bính bỗng ngưng nói cúi gầm mặt xuống rồi tiếp:
- Anh Tân, có một chuyện…. Một chuyện kín trong gia đình em. Em phân vân, không biết có nên nói cho anh nghe hay không.
Giọng vẫn Tân khẩn thiết:
- Điều đó tùy Bính. Anh không dám nài nỉ để được nghe chuyện riêng tư của người khác. Tuy nhiên, anh muốn nói với Bính rằng trước đây và sau nầy cũng vậy, anh luôn luôn mong muốn trở nên thân thiết với gia đình Bính. Anh rất quý mến gia đình Bính, nhất là đối với bác gái. Anh ân hận là không bao giờ còn gặp lại bác trên trần gian nữa. Anh sẽ nhớ đến bác suốt cả cuộc đời anh.
- Mẹ em cũng thương anh lắm. Thỉnh thoảng bà có nhắc đến anh và có ý đi thăm anh nhưng không biết hỏi ai. Mẹ cứ than thở rằng anh mồ côi cả cha lẫn mẹ, chẳng có anh em bà con nên không được ai thăm nuôi. Lúc anh mới bị bắt, hình như chị Mai có tìm cách hỏi thăm nơi anh bị giam giữ nhưng sau đó chị bỏ đi trốn nên gia đình chẳng biết anh ở đâu. Cho đến khi mất, hình như mẹ em vẫn còn ân hận về việc đó.
Tân nói với giọng đầy xúc động:
- Tội nghiệp bác, anh có lỗi thực nhiều đối với bác.
Bính kể tiếp:
- Vài ngày trước khi mất, mẹ thích ba và em ngồi bên mẹ, nhắc lại những chuyện quá khứ cho mẹ nghe. Mẹ muốn hình dung lại một lần cuối cùng những đoạn đường mà mẹ đã đi qua trên cõi trần gian nầy. Ba thì nói chuyện rất xưa từ thuở hai ông bà mới quen nhau. Lúc đó ba được chuyển về làm ở ty công chánh Huế, hai người gặp nhau lần đầu tiên ở cầu Gia hội. Sau đó hai người dẫn nhau đi chơi khắp nơi ở thành phố Huế rồi về nhà mẹ em ở tận thôn Vĩ dạ. Ba nhắc đến nhiều nơi, nào là bãi Thuận an, chùa Thiên mụ, cầu Tràng tiền, chợ Đông ba, Phú văn lâu, Đàn Nam giao, vân vân. Mẹ nằm nghe một cách say sưa và tỏ ra rất xúc động. Em thì kể cho mẹ nghe những chuyện gần, quanh quẩn ở Sài gòn, nên không gây cho mẹ cảm xúc như những kỷ niệm của ba. Tuy nhiên, khi em nhắc đến anh thì mẹ có vẻ chú ý. Em nghe mẹ thở dài. Em biết mẹ rất thương anh. Anh có biết tại sao không?
Tân lắc đầu:
- Anh không rõ lắm.
- Theo em thì có nhiều lý do. Thứ nhất là anh mồ côi, cô độc lại phải lo cho sự sống của mình. Thứ hai là lối sống và tính tình của anh dễ gây cảm tình nơi người khác. Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, anh là người đồng hương của mẹ. Cái tình cảm mà mẹ dành cho quê hương miền Trung của mẹ thì không có gì có thể so sánh nổi.
Tân xúc động lẫn ngạc nhiên:
- Tại sao Bính phân tích được rành rẽ tình cảm của mẹ đối với anh như thế?
- Em phải biết những điếu đó chứ. Theo em, đối với người sắp chết, mình phải biết họ đã rũ sạch những điều còn vướng mắc ở trần gian nầy hay chưa. Nếu rũ sạch rồi thì linh hồn họ thoát ra khỏi thể xác một cách thanh thản. Nếu chưa rũ sạch thì linh hồn họ không thể thanh thản được.
Tân vô cùng ngạc nhiên:
- Bính, em mới mười bảy tuổi, sao em biết rành những chuyện cao siêu như thế?
- Ba nói với em. Khi biết mẹ không thể nào sống lâu được nữa, ba bảo hai chị em chuẩn bị cho chuyến đi vĩnh viễn của mẹ. Hôm đó, lần đầu tiên, em thấy ba khóc. Lời nói của ba làm em xúc động vô cùng. Ba nói rằng cuộc đời của mẹ trên thế gian nầy, tuy không dài lắm nhưng là cuộc đời toàn thiện, toàn mỹ. Mẹ xứng đáng từ giã chốn hồng trần nầy để thanh thản trở về cõi Tiên, cõi Phật. Trong những ngày cuối cùng của mẹ, em luôn luôn nghĩ đến những chữ “thanh thản ra đi” mà ba nói với chúng em. Em tìm cách hỏi mẹ những điều mà mẹ chưa vừa ý và cố nói sao cho mẹ hài lòng để chuẩn bị cho chuyến đi thanh thản của mẹ.
Tân cố kềm nước mắt của mình. Cậu nói với bạn một cách âu yếm:
- Bính là một đứa con chí hiếu.
Bính nói tiếp:
- Một hôm, em hỏi mẹ: “Con sẽ tìm cách hỏi thăm anh Tân bị giam ở đâu rồi đi thăm nuôi, mẹ có đồng ý không?” Mẹ mỉm cười, có vẻ hài lòng.
Bính ngừng nói, nhìn Tân đưa tay áo lên lau nước mắt. Cậu cũng móc khăn ra lau mắt của mình rồi nói tiếp:
- Thực là lạ lùng, gần như là mầu nhiệm. Hôm làm đám cho mẹ, anh Thắng đến. Ba em hỏi ai đã đưa tin cho anh ấy biết là mẹ em mất. Anh ấy bảo chẳng ai đưa tin cả. Anh nằm chiêm bao thấy mẹ em gọi đến. Thật là lạ lùng. Nhưng chưa hết. Anh Thắng ngồi nói chuyện ở tù và kể rằng có ở chung với một cậu học sinh rất đáng thương tên là Tân. Ai xui anh Thắng nói ra điều nầy? Đó đâu phải là điều mà người ta mang ra kể giữa một đám tang có đông người phần lớn không quen biết nhau. Ở ngoài bây giờ cơ quan mật vụ đang hoạt động mạnh nên người ta tránh nói những chuyện liên quan đến Việt cộng, thế thì cái chuyện mới ra tù cần phải giấu kỹ trước đám đông mới phải chứ.
- Chính nhờ anh Thắng kể chuyện mà Bính biết anh ở đây và đi thăm anh hôm nay?
- Đúng vậy. Em phải đi thăm anh vì đó là ý muốn của mẹ em. Ba em và chị Mai cũng đốc thúc em. Suốt tuần rồi em quá bận rộn, hôm nay mọi việc mới xong xuôi. Thấy anh Thắng được về, em nghĩ rằng anh cũng sắp được ra khỏi nơi đây.
- Anh cũng mong được như thế. Ra tù rồi, anh sẽ đến nhà em lạy trước bàn thờ bác gái. Anh phải đến thăm ba em và thăm chị Mai nữa chứ. Anh mong ước gia đình em tiếp anh như người thân vừa thoát khỏi tai nạn và trở về.
Bính mím môi nhìn ra sân, suy nghĩ một phút rồi vụt quay lại:
- Anh Tân, khi ra tù, anh có ý định đến nhà em để thăm chị Mai phải không?
Tân gật đầu. Bính nói tiếp:
- Bây giờ em cần phải nói cái chuyện riêng tư của gia đình em cho anh rõ. Chị Mai sắp có một đứa con.
- Hả?
Mặt Tân tái đi rõ rệt. Cậu hi vọng mình nghe nhầm hay Bính vừa nói đùa. Tuy nhiên nét mặt Bính vẫn nghiêm trang. Tân cố gắng hỏi, giọng hơi run:
- Bạch Mai có chồng từ bao giờ?
Bính lắc đầu:
- Em không biết. Có lẽ chị Mai sẽ sinh con trong vòng một hai tháng nữa. Chị Mai mới từ chỗ trốn tránh, trở về tháng trước. Lúc chị bước vào nhà thì ba mẹ em nhận ra ngay là chị ấy đang có mang.
Tân nhìn sững Bính. Cậu cảm thấy người con trai trước mặt cậu không có thật, hình như mọi người chung quanh đều không có thật, tất cả đều là ảo ảnh, tất cả đều đang diễn ra trong một giấc chiêm bao. Cậu nghe chính tiếng mình rì rầm:
- Tại sao vậy? Bạch Mai có con với ai?
Rồi tiếng Bính trả lời:
- Em nghe chị Mai nói với ba em là cha đứa bé tên là Đảnh cùng đi trốn với chị ấy trong cái mật khu quỷ quái nào đó.
Tân lầu bầu:
- Đảnh sao? Chính đồng chí Đảnh à? Tại sao có thể như thế được?
Vừa lúc đó, có tiếng người giám thị oang oang:
- Hết giờ thăm nuôi cho đợt nầy rồi. Cô bác ra về cho đợt khác vào.
Nhiều người đứng dậy. Hai anh em đứng dậy theo. Bính trao cái giỏ xách cho Tân và nói nhanh:
- Anh mang giỏ nầy vào đi. Chị Mai sắm cho anh đó. Có thức ăn và các vật dụng như kem đánh răng, xà phòng, áo quần, thuốc cảm sốt và đau bụng. Thôi anh vào đi, em về. Vậy là em làm xong lời hứa với mẹ rồi. Em không đi thăm nuôi anh nữa đâu vì em phải lo học thi. Chị Mai cũng không đi thăm anh được. Bụng chị ấy đã to, đi đứng nặng nề. Thôi anh vào đi. Người ta ra về cả rồi.
Bị Bính đẩy vào lưng, Tân lững thững ra sân, hướng về phòng giam. Có tiếng quát to:
- Nầy cái anh kia, không được đi lối đó. Đem đồ thăm nuôi vào văn phòng khám xét rồi mới được đưa về phòng.
Tân vẫn chậm rãi bước đi. Hình như cậu không nghe tiếng quát hay có nghe nhưng không hiểu người ta nói gì. Một người lính, súng trên vai, vụt chạy ra, nắm vai níu cho cậu xoay lại, thẳng tay tát một cái bốp vào mặt cậu rồi đẩy về hướng văn phòng.
Cậu nghe có nhiều tiếng la phản đối từ hướng phòng giam. Mặc kệ, cậu lầm lũi bước đến cái cửa to trong đó có nhiều người đứng lố nhố.
Khi Tân về đến phòng giam, nhiều anh em đến hỏi han, vì cậu là người duy nhất ở đây không được thăm nuôi từ hai năm nay. Cậu trả lời qua loa. Thấy vẻ mặt dàu dàu của cậu, anh em nhanh chóng bỏ ra ngoài. Cậu mệt mỏi nằm xuống nhắm nghiền hai mắt. Cậu biết giờ nầy đang là giờ làm việc của phòng y tế nhưng cậu vẫn nằm yên. Không có gì trong cõi đời đáng quan tâm trong giờ phút nầy.
“Chị Mai sắp có một đứa con”. Câu nói của Bính lặp đi lặp lại mãi trong đầu của Tân. Tại sao có thể xảy ra như thế? Cậu biết Bạch Mai không hề yêu Đảnh và đã than phiền khi phải đi rải truyền đơn trong đêm hôm với Đảnh.
“Chị Mai đã gây cho ba mẹ em nỗi buồn phiền to lớn; chính vì vậy mà sức khoẻ của mẹ suy sụp nhanh chóng”. Trời hỡi, chính cậu mới là thủ phạm đã gây nên thảm họa cho người con gái đáng yêu và cho người mẹ đáng thương đó. Đúng vậy, không thể chối cãi thế nào được nữa. Chính cậu đã bỏ ra nhiều ngày để cấy lý tưởng cách mạng vào đầu của Bạch Mai, để đưa nàng vào tổ chức Việt cộng và sau cùng kết nạp nàng vào đoàn. Tân nằm ôm đầu, cố chịu đựng nỗi ân hận và đau đớn cùng cực.


*
* *

Hàng tuần đều có một số người được gọi tên ra xe về Sài gòn và được trả tự do. Dĩ nhiên tất cả những người nầy đều đã qua lớp học chính trị. Mỗi lần có chiếc xe quen thuộc chạy vào sân và tiếng loa đọc tên những người được may mắn thì cả nhà tù đều xôn xao. Họ chạy lui chạy tới để từ giã, để tặng những món vật dụng hằng ngày cho những người còn ở lại. Khung cảnh nầy làm xao xuyến những người cứng đầu không chịu chào cờ và tham gia đợt học tập vừa qua. Tân và có lẽ cả thành phần lãnh đạo nồng cốt cũng không tránh được tâm trạng nầy.
Sau cái ngày gặp Bính trong phòng thăm nuôi, Tân đau đớn khổ sở trong nhiều ngày. Dần dần, nỗi buồn cũng vơi đi. Dù sao, cậu cũng mới vừa tròn hai mươi tuổi, cái tuổi hừng hực sức sống nên nỗi ưu phiền và mặc cảm tội lỗi không bám được lâu trong tâm hồn. Cậu vui vẻ và hồn nhiên trở lại, sự thèm muốn cuộc đời tự do bên ngoài mỗi ngày một mãnh liệt hơn trong lòng cậu. Hằng đêm, cậu mơ mộng sự sống tự do sắp tới. Cậu sẽ lại cắp sách đến trường, cậu sẽ cố học thực chăm chỉ để bù lại những năm học hành dang dở vì mãn lo chu toàn công tác mà cách mạng giao phó. Nhất định cậu dứt khoát từ bỏ mọi sự liên hệ với tổ chức cách mạng. Cậu sẽ ra tù để tự làm lại cuộc đời của mình chứ không phải ra tù theo sự sắp đặt mà anh Minh đã nói với cậu trước đây. Từ ít lâu nay, cậu tránh những cuộc chuyện trò tâm sự riêng với anh Minh. Có lẽ anh cũng thấy điều đó nên không tìm dịp gần gũi cậu như trước nữa. Tân cảm nhận nơi anh, không còn cái vẻ phấn khởi và tự hào, cái nét đặc trưng của người cán bộ cộng sản. Anh thường tỏ vẻ đăm chiêu. Có lẽ anh nhận ra rằng anh và những đồng chí trong ban lãnh đạo bí mật không còn đủ sức giữ vững lòng kiên định của quần chúng nữa. Anh tiên đoán rằng hầu hết anh em còn lại sẽ chịu chào cờ và ghi tên học tập chính trị trong đợt sắp tới. Nhóm nồng cốt của anh sẽ không còn khối quần chúng đông đảo để núp vào mà duy trì sự chống đối nữa.
Tân biết chắc chắn rằng anh Minh sẽ không dễ dàng bỏ cuộc. Anh không thể nào đứng nghiêm để chào lá cờ của quân thù, không thể nào ngồi yên hàng giờ trong lớp học để nghe tiếng loa ong óng vạch trần sự sai trái của chủ nghĩa mà anh đang tôn thờ, vạch trần tội lỗi của tổ chức mà anh nguyện cống hiến hết sức lực và toàn bộ cuộc đời mình.
Tân bỗng sực nhớ đến lời nói của ông y sĩ Thái: “Người đảng viên cộng sản tự nguyện xiềng mình lại trong một gông cùm mà họ gọi là cao cả và không thể tự thoát ra được. Cái xiềng nầy vô hình nhưng nó chắc hơn nhiều lần cái xiềng bằng kim loại của cảnh sát công an.” Nếu quả thực như thế thì anh Minh và nhiều người khác đã tự xiềng mình lại rồi, không còn thế nào tự thoát ra được. Còn cậu may mắn, chưa chui hẳn vào xiềng thì đã bị bắt cầm tù.
Cậu cảm thấy tâm hồn mình thoải mái nên một hôm, nhân lúc rảnh rỗi, cậu bày tỏ với ông Thái dự định của mình sẽ tham gia học tập chính trị vào khóa tới để được trả tự do. Ông y sĩ già hân hoan siết tay cậu. Kể từ đó, sự thân mật trở lại với hai người và cậu lại nhận nơi ông cái nhìn và nụ cười trìu mến.
Trong các phòng giam, tù nhân đồn đãi với nhau rằng đợt học tập thứ nhì sẽ bắt đầu trong vòng một tuần lễ nữa. Quả đúng như thế, toán thợ mộc ngưng công việc thường ngày để sửa lại nhà ăn cho rộng ra, đóng thêm một số ghế ngồi, vì mọi người đều dự định theo học.
Sau đợt học vừa qua, có nhiều người được ra về nhưng các phòng lại nhận thêm tù ở khám Gia định giải đến nên số người trong mỗi phòng tăng lên. Do đó lớp học sắp tới dự trù sẽ có rất đông người tham dự. Tân vui vẻ chờ đợi.
Một buổi sáng, vừa từ nhà ăn về sau bữa điểm tâm, Tân sửa soạn đến phòng y tế để làm việc. Hôm nay là ngày cuối tháng, cậu phải kiểm kê số thuốc tiêu thụ, đối chiếu với số thuốc còn tồn kho và mới được cấp phát trong tháng. Đó là một công việc tỉ mỉ và phức tạp, mất nhiều thì giờ.
Những tháng trước, công việc nầy đã được hoàn tất một cách gọn gàng và chính xác. Ông y sĩ già rất bằng lòng, nhiều lần ngợi khen cậu thông minh, cần mẫn và có tinh thần trách nhiệm. Mỗi lần khen cậu, ông không quên bảo rằng ông rất tiếc là cậu bỏ dở công việc học hành. Nếu tiếp tục học chắc chắn cậu sẽ thành công và trở thành một trí thức của xã hội. Ông bảo rằng xã hội bên ngoài hiện nay là một xã hội thanh bình, mọi người đang vui sướng sau những năm dài chiến tranh. Với hiệp định Genève, người Pháp đã trao hẳn chủ quyền cho chúng ta. Sau khi dẹp được nạn bè phái chia rẽ, nạn phá hoại của cộng sản, bây giờ chính phủ mới ra sức tập họp những người yêu nước, tạo điều kiện để họ thực hiện lòng ái quốc của mình. Điều kiện đầu tiên là phải trang bị kiến thức cho họ vì yêu nước mà ngu dốt thì chẳng ích lợi gì cho đất nước mà còn dễ bị lợi dụng để làm hại cho đất nước nữa.
Tân đã suy nghĩ nhiều sau những lần nói chuyện với ông y sĩ già, nhất là khi ông đề cập đến lòng yêu nước. Cậu nhớ lại những bài học yêu nước mà cậu đã được nghe nhiều lần ở nhiều nơi trước đây. Chính những bài học về lòng yêu nước đó đã khiến cậu bỏ tất cả, giã biệt cuộc sống yên vui và việc học hành để lao vào công tác cách mạng. Sau khi ở chiến khu về, cậu đã trở lại ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, trở lại lớp không phải để học hành, để trau dồi kiến thức mà chỉ coi đó là một phương tiện để phục vụ cách mạng. Cậu còn nhớ, trong một buổi học tập nghị quyết khi còn hoạt động cho thành đoàn, đồng chí bí thư đã có nói rõ: “Chúng ta phải xem tất cả các trường học ở miền Nam là những cơ sở hoạt động hợp pháp của đoàn. Các đồng chí nên nhớ rằng đảng cử các đồng chí về trường không phải để chăm lo học hành mà để hoàn thành công tác mà đảng giao phó”. Bây giờ, cậu đã quyết tâm từ bỏ cách mạng. Nếu may mắn được trở về trường, cậu sẽ là một học sinh thuần túy, chăm lo học hành. Lúc đó, nhà trường thực sự là nhà trường đối với cậu. Tân sung sướng vì những ý nghĩ trong lành nầy.
Tân vui vẻ quét sạch bàn ghế và nhà cửa rồi ngồi vào bàn, lật sổ ra.
Có tiếng rọt rẹt, lụp bụp ở hai chiếc loa bên hông văn phòng. Tân không quan tâm lắm nên vẫn chăm chỉ tiếp tục công việc của mình. Cậu biết rằng người ta đang mở máy phóng thanh. Tiếng loa đã quá quen thuộc đối với cậu. Ngày thăm nuôi, loa dùng để gọi tên những người ra gặp thân nhân. Ngày thường, buổi sáng, loa phát ra vài điều nhắc nhở của ban giám đốc, buổi chiều phát tin tức hay chương trình ca nhạc của đài phát thanh Sài gòn. Gần đây, vài ngày một lần, buổi sáng vào giờ nầy, tiếng loa gọi một số người ra xe về Sài gòn để được trả tự do. Vì vậy, tiếng loa buổi sáng lôi cuốn sự chú ý của nhiều người nhưng Tân không quan tâm vì cậu hiểu rõ những người được gọi tên phải là những người đã học xong khóa tố cộng vừa rồi. Cậu nghĩ rằng trong một vài tháng nữa, sau lớp học sắp tới, cậu cũng được gọi tên qua tiếng loa và cậu sẽ trở về với đời sống tự do, hít thở không khí của bầu trời lồng lộng bên ngoài. Nghĩ đến đó, cậu thấy phơi phới trong lòng.
Bỗng cậu giật thót người vì tiếng nói trên loa bắt đầu phát ra chát chúa:
- Phan văn Thi trại B, Nguyễn đình Thứ trại B, Phạm bá Tân trại A, lấy tất cả đồ dùng cá nhân lên văn phòng.
Tân vụt đứng dậy, nắm chặt cạnh bàn, hướng ra cửa, dõng tai nghe. Tiếng loa nhắc lại lần thứ hai tên ba người và lần nầy đốc thúc ra xe.
Mang theo đồ dùng cá nhân và ra xe. Đúng là rời khỏi nơi đây rồi. Đi đâu? Có lẽ không phải ra hải đảo vì chỉ gọi tên ba người mà thôi. Trước đây, mỗi chuyến đi hải đảo luôn luôn gồm hàng trăm người và ngay sáng tinh sương một đoàn xe vận tải đã đến đậu chật trước sân. Cậu nhớ kỹ, sáng nay đi đến phòng y tế, cậu có nhìn ra phía trước, cái sân rộng vắng tanh, thấy rõ hai cánh cổng đóng im lìm.
Tiếng loa nhắc lại lần thứ ba. Tân vội vã xếp quyển sổ to lại, phóng về phòng, nhảy lên chỗ nằm, lùa mọi vật vào trong chiếc túi. Nhiều anh em đến bu quanh cậu. Một người nói to:
- Ê Tân, mày được trả tự do rồi đó.
Một giọng khác cãi lại:
- Trả tự do sao được? Chưa chịu chào cờ, chưa học tập làm sao có thể về được. Chuyến nầy bị chuyển đi nhà tù khác rồi.
- Nhưng hai đứa kia học xong rồi mà.
- Biết đâu về lại Catinat. Có thể có người mới bị bắt khai ra nên người ta gọi mấy đứa nầy về đối chất hay điều tra lại.
- Phải rồi, rất nhiều trường hợp xảy ra như thế. Mấy người bị bắt sau luôn luôn khai cho những người bị bắt trước để bảo tồn cơ sở bên ngoài. Xui xẻo cho người bị khai lại, chịu đòn lần thứ hai.
Câu giải thích nầy làm cho những người đứng chung quanh ái ngại nhìn Tân với cặp mắt thương hại. Cậu đứng dậy, cố giữ vẻ bình tĩnh và can đảm bắt tay từ giã từng người. Từ ngoài cửa, anh Minh vụt chạy vào, siết chặt hai vai của cậu:
- Thôi từ biệt em. Cố gắng lên, đừng bi quan. Đi đâu thì cũng nên vui vẻ mà chịu đựng. Biết đâu chuyến đi nầy là điều may mắn cho em.
Một giọng khác phụ họa theo, cốt để an ủi:
- Biết đâu chuyến nầy được trả tự do. Nó còn quá trẻ nên có thể được miễn học chính trị. Mấy cái đầu chai sạn như mình thì mới cần gọt giũa lại.
Nhiều tiếng cười ồ vui vẻ làm cho bầu không khí bớt nặng nề. Cậu mỉm cười để chào mọi người một lần nữa rồi bước ra khỏi phòng, dừng lại một chút, ngoái cổ nhìn quang cảnh chung quanh lần cuối cùng.
Cái vườn rau xanh um, nơi cậu đã làm việc trong những tháng đầu tiên đến trại nầy. Kia kìa, những luống rau ở sát hàng rào mà cậu được phân công tưới hàng này, sau khi anh Quý vượt ngục bằng lối thoát ngầm đào xuyên qua hàng rào kẽm gai. Kia kìa, khu nhà bếp và nhà ăn với mấy dãy nhà tôn. Đây là sân vận động có con mương dài chạy dọc theo biên. Cậu đã nằm trong con muơng đó, khi những loạt đạn nổ vang trong cái ngày vượt ngục tập thể gần một năm trước đây.
Một người vỗ vào vai cậu:
- Thôi lên đường đi. Xe đang đợi trước văn phòng kìa. Nhìn hoài vậy, vẫn còn luyến tiếc cái nơi khốn nạn nầy hay sao?
Cậu bước vào văn phòng. Hai người bạn tù đã đến từ trước đang ngồi xổm ở một góc phòng. Một ông giám thị hí hoáy viết vào một xấp giấy đặt trên bàn. Một người mặc quân phục ngồi trên chiếc ghế đặt trước bàn, chăm chú nhìn cây viết trên tay viên giám thị. Tân thầm đoán đó là người đi lãnh tù đang chờ đợi biên bản bàn giao.
Quả thực, anh ta là người lính đi giải tù. Anh nhận tờ giấy nơi ông giám thị, cẩn thận xấp lại cho vào túi áo nhà binh, chậm chạp đứng dậy, quay lại nhìn ba người tù rồi thủng thẳng cho tay vào túi quần. Có tiếng leng keng nho nhỏ do kim loại chạm vào nhau. Ba người tù trố mắt nhìn. Anh lính rút ra khỏi túi hai chiếc còng sáng bóng. Anh bước về phía góc phòng, nét mặt lạnh tanh. Anh bảo:
- Đứng dậy, đưa tay ra. Hai anh nầy còng chung, chú bé nhận riêng một cái. Chú bé, máng cái bị lên vai rồi đưa cả hai tay ra.
Thôi thế là xong. Cậu cúi xuống, buồn bã nhìn chiếc còng số tám treo lủng lẳng trên hai cổ tay. Chiếc còng dập tắt mọi hi vọng mong manh.
Từ hơn một tháng nay, nhiều lần xe đến đây chở tù về Sài gòn để trả tự do. Tất cả đều leo lên xe một cách thong thả, đưa cả hai tay lên vẫy chào khi xe chuyển bánh dần dần ra khỏi cổng. Lần nầy, cậu lên xe với cái còng trên tay, điều đó có nghĩa là số phận tù đày chưa chịu buông tha cậu. Cậu đang bị đưa đi nơi khác để tiếp tục sống những ngày có lẽ đen tối hơn cả những ngày mà cậu đã sống ở nhà tù nầy.
Người lính đi trước, ba người lầm lũi theo sau, hướng về một chiếc xe nhà binh đang đậu im lìm ở góc sân. Ba người leo lên xe một cách khó khăn. Người lính leo lên sau cùng, ngồi trên băng ghế, cây súng gác trên hai đùi.
Chiếc xe nổ máy, chầm chậm lăn bánh ra đường. Tân ngồi nghiêng mình nhìn về phía sau. Hai cánh cửa cổng bằng sắt nặng nề đóng lại. Cậu nhỏm dậy, cố giương mắt nhìn vào những dãy phòng giam, chỉ thấy được những mái tôn xám xịt, phần dưới bị che khuất sau hàng rào kẽm gai với những dây leo dày đặc. Xe bon bon trên đường nhựa xuyên qua thành phố Biên hòa. Cuộc sống sung sướng hiện ra với nhưng con người tự do tấp nập trên đường. Cậu cúi xuống nhìn chiếc còng trên tay mình và suýt bật khóc vì thương thân.
Xe ra khỏi thành phố và lướt nhanh trên con đường quen thuộc dẫn về Gia định. Chợ Bà chiểu đây rồi. Cảnh vật vẫn như xưa. Chính trên con phố nầy, cậu đã trông thấy Bạch Mai lần cuối cùng. Bỗng dưng những kỷ niệm xa xưa vụt trở lại với hình dáng mảnh mai của cô bạn gái thân yêu ngày nào. Trong những năm tháng dài bị giam cầm, cậu vẫn ấp ủ trong lòng mình cái hình bóng yêu kiều đó. Nụ cười thật tươi, đôi mắt đen lay láy trên khuôn mặt mỹ miều, tất cả vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức cậu.
Chiếc xe dừng lại một chút rồi quẹo vào một cổng sắt vừa mở ra. Phía bên kia là tòa nhà nguy nga của cơ quan đầu não tỉnh Gia định. Phía bên nầy, sau những bức tường cao bên trên có miễng chai lởm chởm, chính là khu vực của khám đường Gia định.
Sau khi xuống xe, ba người được tháo còng và đi theo người lính. Tân ngạc nhiên thấy mình được dẫn vào nơi không có những phòng giam chật đầy người mà cậu đã từng sống hơn hai năm trước đây. Ba người vào trong một gian nhà nho nhỏ nằm trong một sân lộ thiên, tuy có tường cao bao bọc chung quanh nhưng không có vẻ gì là một chốn dùng để giam cầm.
Tân ngồi xuống nền, quan sát gian nhà một cách thoải mái. Phía trước, nhà trống trơn, chẳng có cửa nẻo gì; phía sau, nhà tựa vào một bức tường cao. Tân nghĩ rằng phía bên kia bức tường cao đó mới là những phòng giam chính thức. Thế thì người ta đưa ba người về đây để làm gì?
Mặc kệ, cậu không muốn suy nghĩ nhiều hơn nữa. Kể từ khi người lính khóa hai tay cậu vào chiếc còng, cậu tự nhắn nhủ mình phải im lặng nhận chịu tất cả những cay đắng trên con đường mà cậu sẽ phải trải qua. Đây là đâu và người ta sắp sửa đày đọa cậu thế nào đi nữa cậu cũng chẳng cần quan tâm.
Buổi trưa, một người đàn bà mang cơm đến rồi bỏ đi ngay không nói một lời. Cơm vừa xong thì một nhân viên mặc thường phục bước vào với giấy và bút trên tay. Ông ta gọi to:
- Các anh lại đây.
Ba người vội vàng chạy đến. Ông ta nói tiếp:
- Ba anh được đưa về đây để lập thủ tục trả tự do. Bây giờ mỗi người lần lượt cho tôi biết hai người thân trong gia đình đến bảo lãnh cho các anh về. Các anh nói rõ tên họ và địa chỉ cho chính xác. Người bảo lãnh phải đủ hai mươi tuổi trở lên và phải có giấy căn cước. Các anh cũng phải cho biết rõ địa chỉ trở về. Trước hết, Phạm bá Tân.
Ông lật quyển sổ và rút cây viết ra cầm tay, sẵn sàng:
- Nói đi, tên người bảo lãnh thứ nhất?
Sau một phút chờ đợi, không nghe trả lời, ông ngẩng lên, thoáng ngạc nhiên:
- Phạm bá Tân. Không có Phạm bá Tân ở đây à?
- Dạ có. Tôi là Phạm bá Tân, nhưng tôi không có ai là thân nhân ở đây cả.
- Thế thì quê của chú ở tỉnh phải không? Cũng được. Nói đi. Chúng tôi sẽ đánh điện mời lên.
Tân ấp úng:
- Ở quê cũng chẳng có ai cả.
Người nhân viên tỏ vẻ tức giận:
- Không lẽ chú mày ở dưới đất chui lên. Cha mẹ ở đâu?
- Chết cả rồi.
- Anh chị em?
- Không có ai cả.
- Cô dì, chú bác, cậu mợ?
- Không có ai cả!
- Trời đất ơi. Đúng là hôm nay gặp Tề thiên Đại thánh trong cục đá chui ra rồi. Thôi để tao đi gọi yêu quái đến bảo lãnh cho Đại thánh về động.
Ông thôi nói đùa, cố lấy giọng nghiêm trang:
- Chú mày nhớ xem có còn người bà con nào hay không. Bà con xa một chút cũng được.
Tân lắc đầu một cách thiểu não, người nhân viên nói với giọng chán nản:
- Chú mày làm mất thì giờ của tao. Không có ai bảo lãnh thì đừng hòng được về. Ở lại đây mà ăn cơm tù cho tới già đầu. Còn hai người kia, Phan văn Thi và Nguyễn đình Thứ, có thân nhân không?
- Dạ có.
- Khai đi.
Hai người đến cạnh bàn, nhanh nhẹn đọc tên và địa chỉ người thân. Người nhân viên tỏ vẻ hài lòng. Ông đứng dậy thu dọn giấy bút và ra ngoài. Tân đến một góc phòng, gục đầu xuống giữa hai gối trong khi hai người bạn tù kia phấn khởi bàn bạc những việc mà họ sẽ làm khi trở về nhà.
Một ngày lặng lẽ trôi qua trong nỗi chờ đợi khắc khoải của ba người. Thi và Tứ chờ đợi ra về với người thân sắp đến ký tên bảo lãnh. Tân chờ đợi người ta đến quyết định số phận của mình. Những ngày sắp tới, cậu sẽ đi đâu? Đi về những phòng giam mà cậu đã ở cách nay hơn hai năm tại khám Gia định nầy hay trở lại khám Biên hòa để tham gia lớp học? Nhưng tham gia lớp học để làm gì? Cái cửa ải mà cậu phải vượt qua để trở về đời sống tự do không phải là lớp học và những buổi chào cờ nữa. Cái cửa ải bây giờ chính là sự bảo lãnh của người thân. Còn ai là người thân của cậu nữa đâu. Cha mẹ đã từ lâu rời bỏ anh em cậu để vĩnh viễn ra đi. Anh Vinh, người thân duy nhất của cậu trên cõi đời nầy thì đang ở mãi tận miền Bắc xa xôi. Biết có ngày nào anh trở lại miền Nam. Biết có ngày nào em lại được gặp anh, được ngồi bên anh trong những bữa cơm gia đình, được đi bên anh trên những đường phố đông vui và đêm đêm được nằm bên anh nghe hơi thở nhè nhẹ của anh trong thanh vắng. Phải chi đừng có sự hận thù giữa hai miền Nam Bắc. Phải chi đừng có cuộc chống đối dai dẳng. Phải chi đừng có cuộc cách mạng Mùa Thu, gia đình của cậu đã tiếp tục cuộc sống bình yên trong ngôi làng bé nhỏ hiền hòa, đêm đêm có tiếng còi tàu rúc lên xa xa. Ôi, tiếng còi tàu xa xưa, tiếng còi tàu của những ngày thanh bình trong quảng đời thơ ấu của cậu!
Ba ngày nữa lại trôi qua, ba ngày chờ đợi dài dằng dặc. Khoảng mười giờ sáng, cánh cửa bật mở, một người mặc quân phục bước vào, nói to:
- Phan văn Thi, Nguyễn đình Thứ, Phạm bá Tân. Ba người đi ra, mang theo tất cả đồ dùng cá nhân. Nhanh lên.
Anh ta quay lui bước ra ngoài, ba người theo sau. Tất cả leo lên chiếc xe đang nổ máy chờ đợi. Xe thoát ra cổng và lăn bánh trên đường phố đông vui. Người lính dẫn đi đã lên ngồi phía trước với tài xế, phía sau xe chỉ có ba người bạn tù. Họ ngồi với nhau một cách thoải mái, lần đầu tiên kể từ ngày bị bắt, tay không bị còng khi ngồi trên xe.
Xe tiến vào một con đường rợp bóng mát, giữa hai hàng cây cao vút và dừng lại trong sân của một tòa nhà bề thế. Tân biết rõ đây là con đường Tự đức quen thuộc. Ở đầu đường, có trường trung học tư thục tên là Đông Tây Học đường. Ba năm trước đây khi còn công tác trong thành đoàn, cậu vẫn thường đến trường nầy liên hệ công tác; ở đây có một cơ sở đoàn khá mạnh. Những chuyện đó bây giờ đối với cậu đã thuộc về quá khứ thực xa xăm.
Xe vừa dừng bánh, người ta ra lệnh cho ba người tù xuống xe và đi qua một hành lang hẹp. Vừa bước vào căn phòng cuối cùng của hành lang, Tân dừng sững lại. Trên chiếc băng dài đặt sát tường, nhiều người đang ngồi bật đứng dậy. Hai anh Thi và Tứ vội bước tới ôm chầm lấy người thân. Còn cậu thì vẫn đứng yên, trố mắt nhìn một cách vô cùng ngạc nhiên. Trước mắt cậu, ông y sĩ Thái của nhà tù Tân hiệp đang nhìn cậu và mỉm cười một cách hiền lành.
Tại sao ông Thái lại có mặt nơi đây? Có phải ông đến để đưa cậu trở lại trại giam Biên hòa hay không? Nhưng đó đâu phải là nhiệm vụ của người y sĩ. Tân suýt phì cười vì ý nghĩ lẩm cẩm đó của mình. Thế thì ông đến đây để làm gì? Có phải ông là trong số thân nhân của hai người bạn tù cùng đi chung với cậu hay không?
Ông Thái đứng dậy tiến về phía cậu, nhẹ nhàng nắm lấy tay cậu, nói một cách thân mật:
- Cháu ngạc nhiên lắm phải không? Tôi và vợ tôi đến đây bảo lãnh cho cháu được trả tự do. Vợ tôi đây nầy.
Bây giờ Tân mới để ý một người đàn bà lớn tuổi, mặc áo dài màu nâu, nét mặt phúc hậu. Tân ấp úng:
- Con biết ơn ông bà vô cùng. Tại sao ông bà biết con không có người thân mà đến bảo lãnh cho con?
Ông Thái mỉm cười:
- Chuyện đó còn dài dòng, tôi sẽ nói cho cháu nghe sau. Bây giờ, cháu phải làm cho xong thủ tục để ra về.
Ông đẩy nhẹ cậu về một chiếc bàn ở giữa phòng. Người ta đưa cho cậu một tờ cam kết không hoạt động cho Việt cộng, bắt cậu đọc kỹ và ký tên vào. Thế là xong thủ tục. Cậu nhận lại những đồ dùng trước đây đã gởi ở Catinat khi mới bị bắt vào rồi bước ra ngoài cùng ông bà y sĩ. Cậu bước ra cổng sắt mở rộng và ra đường.
Cậu hít mạnh không khí vào đầy trong lồng ngực và bước đi với một cảm giác bồng bềnh khó tả. Đây là sự thực hay giấc mơ? Đây là ánh sáng ban ngày hay khung cảnh huyền ảo của chiêm bao trong giấc ngủ về đêm?
Tự do đến với cậu quá bất ngờ làm cho trí óc cậu không theo kịp với thực tại. Mới cách đây vài ngày, cậu đang ở khám Tân hiệp và mong đợt học tập thứ nhì khai giảng. Mới cách đây vài giờ, cậu đang ở khám Gia định và đang chờ đợi người ta đưa cậu đến một nơi nào đó để tiếp tục cuộc sống cá chậu chim lồng. Thế mà bây giờ, cậu đang đi trên con đường của thành phố nầy. Ôi thành phố thân yêu! Gần ba năm qua, cậu nhớ nó biết bao. Nhớ những dãy phố, nhớ những dòng người lũ lượt, nhớ bầu không khí se lạnh buổi sớm mai, nhớ hàng cây in bóng những buổi trưa hè, nhớ những trận mưa đêm làm đường phố sũng nước, loang loáng phản chiếu ánh đèn đường.
- Thôi đi cháu. Sao cứ đứng ngẩn ngơ như thế?
Tân giật mình vì câu nói của ông Thái. Bà Thái đăm đăm nhìn cậu:
- Bây giờ cậu về đâu?
Tân lắc đầu:
- Con không biết về đâu. Con không có nhà cửa gì cả.
- Tội nghiệp chưa. Thế trước khi bị bắt, cháu ở đâu?
- Cháu ở trọ cùng phòng với những học sinh khác. Họ là những người ở các tỉnh đến đây để học. Gần ba năm rồi, không biết chỗ đó còn cho học sinh trọ nữa hay không?
Cậu nhìn xuống đất, nói tiếp với giọng buồn rầu:
- Mà nếu còn thì họ sẽ không cho cháu ở trọ nữa. Cháu đâu còn có thể đóng tiền trọ cho người ta.
Ông Thái ngắt lời:
- Thôi trưa rồi. Mình đi kiếm một quán ăn. Vừa ăn vừa bàn bạc thì hay hơn đứng ngoài đường như thế nầy.
Một chiếc taxi trờ tới. Ba người bước lên. Họ đi về hướng Tân định, xuống xe và vào trong một tiệm ăn khá sang trọng.
Tân ngại ngùng ngồi lên chiếc ghế nệm êm ái trước chiếc bàn trải khăn trắng phau. Ông Thái gọi vài món thức ăn. Trong khi đợi bồi bàn mang lên, ông vui vẻ quay sang hỏi Tân:
- Cháu có biết hôm nay được trả tự do không?
Tân lắc đầu:
- Cho đến sáng nay, con cũng không ngờ được trả tự do. Ba hôm trước, được gọi về Sài gòn, con cứ nghĩ rằng mình bị đem đi đâu đó. Người ta còng tay, làm cho con càng đinh ninh về một tương lai vô cùng đen tối của mình. Con chưa qua khóa học nên không thể mơ ước được trả tự do. Bây giờ thì đã là chuyện thực. Có phải bác đã lo cho con hay không?
Ông Thái gật đầu:
- Thực ra không phải bác lo cho cháu mà nhờ một người bạn làm trong bộ nội vụ. Anh ta đã đưa tên cháu vào danh sách được trả tự do mà không cần biết đã học chính trị hay chưa. Buổi sáng hôm đó, bác vừa đến Trung tâm cải huấn thì nghe nói cháu vừa mới được chở về Sài gòn. Hôm sau, bác xin nghỉ việc về đây hỏi thăm thì mới biết người ta đưa cháu về đây để trả tự do nhưng không hoàn tất được thủ tục vì cháu không có người bảo lãnh và không khai được địa chỉ trở về để an ninh tiếp tục theo dõi một thời gian. Bác vội vàng ghi tên hai bác làm người bảo lãnh cho cháu và nhận cháu về địa chỉ nhà bác tại Biên hòa.
Tân thắc mắc:
- Nhưng con đã lỡ khai không có bất cứ người bà con thân thích nào cả mà.
Ông Thái phì cười:
- Người ta cần gì điều đó. Quyết định trả tự do cho cháu là từ trên đưa xuống, dưới nầy chỉ mong chóng hoàn tất những thủ tục đã được quy định để đưa cháu ra khỏi nhà giam. Người ta đang bực mình vì cháu không có người bảo lãnh nên gặp bác xin là họ cho ngay. Họ cũng nhận bác là người quen biết nên miễn luôn cho cháu việc trình diện hàng tháng sau khi được trả tự do về nhà.
- Công ơn của hai bác quá lớn không biết bao giờ con mới trả được.
- Cháu không cần phải khách sáo như thế.
- Nhưng con vẫn thắc mắc trong lòng là tại sao bác có lòng lo cho con đến thế. Trong khám Tân hiệp, bác tiếp xúc với biết bao nhiêu tù nhân chứ đâu phải riêng con. Vả lại, bác cũng biết bảo lãnh cho một tù nhân chính trị có thể đưa đến phiền phức, có khi nguy hiểm cho đời sống và công việc làm ăn của mình. Bác không sợ sau khi được trả tự do, con sẽ tiếp tục hoạt động cho Việt Cộng hay sao?
Ông Thái mỉm cười:
- Cháu đúng là một thanh niên ngay thẳng và thành thực. Bác có nghĩ đến điều cháu vừa nói nhưng bác vẫn tin rằng những câu chuyện giữa hai bác cháu mình trong những tháng vừa qua ở Trung tâm cải huấn tạm đủ để cháu nhận ra đâu là lẽ phải. Nhưng nếu không được như thế thì cũng đành chịu thôi. Hai bác già rồi còn sống bao lâu nữa mà lo. Cánh cửa nhà Chúa đã thấp thoáng xa xa, cuối cùng rồi cũng đến đó mà thôi.
Câu chuyện tạm dừng khi thức ăn được bưng đến đặt trên bàn. Thức ăn nóng sốt, thơm phưng phức, Tân không ngờ còn có ngày cậu được thưởng thức những món ăn ngon lành nầy. Đang ăn, bà Thái dừng đũa hỏi Tân:
- Ở đất Sài gòn nầy, cháu có quen thân với gia đình nào không?
- Quen thì có vài nhà nhưng thân thì chẳng có ai cả.
- Cháu có định về một nhà quen nào đó hay không?
Tân trả lời một cách dứt khoát:
- Không, con không có ý định gặp bất cứ một người quen nào.
- Tại sao vậy?
- Vì tất cả những người quen biết đều ít nhiều có liên quan đến công tác bí mật của con khi chưa ở tù. Gặp lại họ, con sợ khó từ bỏ được con đường mà trước đây con đã đi.
Tân nhớ lại lời anh Minh lúc khuyên cậu đi chào cờ và học chính trị để được trả tự do. Anh đã nói, làm như vậy không phải là đầu hàng một cách hèn nhát mà chính là ẩn mình trong số đông quần chúng để lọt qua sự sàng lọc của kẻ thù. Anh cũng bảo rằng anh đã báo cáo điều nầy với cơ sở bên ngoài và khi cậu ra rồi thì có người sẽ tìm đến liên lạc ngay. Cậu nhấn mạnh ý định của mình với ông bà Thái:
- Con nhất định từ bỏ con đường hoạt động cho Việt cộng. Kể từ khi vào tù, con đã có ý định đó rồi. Bây giờ, vì công ơn của hai bác, con càng phải xác quyết sự từ bỏ nầy để tránh liên lụy đến đời sống của hai bác. Vì vậy, con không còn muốn gặp lại những người quen biết, nói chi về sống với họ.
Sau câu nói đó của Tân, sự hài lòng hiện rõ trên khuôn mặt của ông Thái. Ông quay sang vỗ nhẹ vào cánh tay Tân:
- Bác rất vui lòng. Bác vẫn luôn luôn tin cháu là một đứa trẻ thông minh, nhận ra đâu là lẽ phải để đừng phí phạm cuộc đời của mình.
Bà Thái nhìn Tân với vẻ hơi bồn chồn. Hình như bà muốn nói với cậu điều gì đó nhưng ngại nên chưa thốt ra. Ông Thái đoán được như vậy nên quay sang bà:
- Hình như bà muốn nói với cậu Tân điều gì phải không?
Bà gật đầu rồi nói nhanh:
- Phải. Nếu cháu Tân không có nơi nào ở đây để về thì đến ở tạm nhà hai bác ở Biên hòa. Nhà hai bác trên cù lao Phố, cảnh nhà quê không được đông đúc vui vẻ như ở Sài gòn nhưng được cái là rất mát mẻ nhờ gió trên sông Đồng nai thổi lồng lộng vào suốt ngày đêm. Cháu có đồng ý không?
Tân đáp lại với giọng thực cảm động:
- Con đã mang ơn hai bác quá nhiều, bây giờ lại trở thành gánh nặng cho hai bác nữa sao?
Bà Thái cao hứng, khoát tay, miệng bô bô:
- Không sao, không sao, cháu đừng ngại.
Vì có vài người ở bàn kế bên quay sang nhìn nên bà hạ thấp giọng:
- Bây giờ, bác gặp cháu nhưng bác đã biết cháu từ lâu rồi. Cháu có nhớ con Hường không?
Tân ngạc nhiên:
- Con Hường nào, con không biết.
Bà cười xoà:
- À quên. Nói tên con Hường thì làm sao cháu biết được. Nó là vợ Đại úy Thiện, trước là giám đốc Trung tâm cải huấn Tân hiệp của cháu đó. Nó là bạn của bác dù nó nhỏ hơn bác đến mười tuổi. Hai bác quen với nó trên chuyến tàu di cư vào Nam. Chồng nó lúc đó là trung úy đã theo quân đội rút vào Nam trước rồi. Tội nghiệp, một tay nó bế con nhỏ mới sinh, một tay dắt thằng con trai mới sáu bảy tuổi, lê thê lếch thếch, lìa bỏ quê hương vào Nam để tìm chồng.
Ông Thái ngắt lời:
- Và để tìm tự do, xa lánh ngục tù cộng sản nữa chứ.
Bà lườm ông:
- Lúc nào ông cũng muốn chen chính trị vào bất cứ chuyện gì.
Bà quay sang Tân tiếp tục câu chuyện:
- Bác thấy tội nghiệp nên đã theo đỡ đần mẹ con nó cho đến khi vợ chồng được sum họp. Từ đó, hai nhà tuy không ở gần nhau nhưng rất thân nhau. Bác với con Hường rất hợp ý nhau. Thấy ai khổ thì thương không cầm lòng được. Cách nay mấy năm, chồng nó lên đại úy và được bổ về làm giám đốc Trung tâm cải huấn nên rủ bác trai xin chuyển từ nhà thương Biên hòa vô làm y sĩ trong Trung tâm.
Ông Thái lại ngắt lời:
- Bà dài dòng quá. Nói vắn tắt lại. Phải kết thúc bữa ăn để nhà hàng dọn dẹp cho khách đến sau nữa chứ.
Bà lại lườm ông:
- Gì mà hối dữ vậy. Ông nhìn xem. Khách khứa đâu, bàn trống trơn kìa. Ngoài đường nắng đổ lửa, ngồi đây mát nói chuyện một chốc không được sao?
Bà tiếp tục câu chuyện với Tân:
- Sáng chúa nhật nào vợ chồng nó cũng đến nhà bác, có khi ăn cơm trưa rồi ở lại chơi tới chiều. Bác trai có sắm một chiếc ghe, vợ chồng con cái tụi nó rất thích chèo trên sông, quanh cù lao. Con Hường nói cho hai bác nghe về cháu vì lúc đó cháu đang kèm cho thằng con trai nó học. Nó nói cháu rất dễ thương, hiền lành, lễ phép, dạy con nó một cách tận tâm. Nó nói cháu rất đáng thương, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không có anh em gì cả, ở Sài gòn mà tự lo lấy cái sống rồi bị cộng sản dụ dỗ mà phải vào tù. Nó bàn với bác làm sao cứu giúp cho cháu ra khỏi trại giam. Bác đồng ý nhưng đàn bà thì làm gì được vì có đi đến đâu. Còn đàn ông như bác trai và Đại úy Thiện, chồng con Hường thì ngại bị liên lụy. Họ bảo rằng Đệ nhất Cộng hòa vừa mới được thành lập, đang trong thời kỳ củng cố, cộng sản đang ra sức phá hoại, liên can đến người của cộng sản thì tàn đời. Chồng con Hường bảo đợi thủng thẳng có dịp tốt còn bác trai thì bảo rằng phải có dịp gần gũi nói chuyện giải thích cho cháu hiểu lẽ phải trước đã thì mới tính chuyện cứu cháu ra được. Chuyện chưa đi đến đâu thì chồng con Hường được bổ về làm tỉnh trưởng một tỉnh mới được thành lập ở miền Tây. Ông đại úy đi khỏi Trung tâm, bác trai buồn cũng muốn xin trở lại nhà thương Biên hòa. Bác phải năn nỉ ông ở lại để tìm dịp cứu cháu. Trước khi đi, con Hường cũng nhắn nhủ điều nầy với bác. Bây giờ cháu được ra rồi thì nay mai bác trai cũng từ giã Trung tâm thôi.
Thấy bác ngừng nói, Tân lên tiếng:
- Bây giờ cháu mới biết việc cháu ra khỏi tù là nhờ công sức lâu dài của bà đại úy và hai bác. Cháu không biết có ngày nào gặp lại bà đại úy để ít nhất nói một lời cám ơn. Cháu cũng mong gặp lại thằng Dũng và bé Loan. Cháu phải cám ơn hai đứa đó vì chúng đã thương yêu cháu dù cháu chỉ gần gũi được vài tháng mà thôi. Gia đình của đại úy giám đốc để lại rất nhiều kỷ niệm trong lòng cháu. Cháu đã mất gia đình từ khi còn quá nhỏ nên tình thương của người khác đối với cháu thực vô cùng quý giá.
Ông Thái lên tiếng để cắt đứt câu chuyện:
- Thôi, hãy ngưng chuyện tình cảm lại. Trước hết phải giải quyết vấn đề chính yếu là chỗ ở hiện tại của cháu Tân. Bác đề nghị, bây giờ cháu ra xe về nhà hai bác ở Biên hòa. Nhà chỉ có hai bác thôi. Mỗi ngày bác đi làm việc từ sáng đến chiều mới về. Chỉ một mình bác gái ở nhà coi sóc nhà cửa, nuôi gà, nuôi heo. Cháu hãy về đó, tạm một thời gian. Về sau cháu muốn tiếp tục ở nhà bác hay đi nơi khác cũng được. Cháu đồng ý chứ.
Tân gật đầu và nói cám ơn thêm một lần nữa. Ba người ra khỏi nhà hàng. Một chiếc taxi chở họ về bến xe Biên hòa.