Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Con chim gãy cánh (7)


Tôi kéo áo lên lau nước mắt và trở vào nhà. Thu Hồng cũng vừa thức dậy. Nàng nhìn tôi, nhoẻn miệng cười, nụ cười trẻ thơ tươi mát như không khí bình minh. Nụ cười trẻ thơ đó nhanh chóng xua tan mọi phiền não, tôi bỗng thấy lòng trở nên nhẹ nhàng; nàng là tất cả lý do để tôi tiếp tục cuộc đời trên trần thế. Tôi ngồi xuống mép giường, nắm lấy tay nàng. Tôi phải nói cho nàng biết phần nào giây phút lịch sử vô cùng trọng đại mà nàng đang trải qua, dù điều đó có thể bất lợi cho tâm trí nàng. Do đó, tôi cố lấy giọng bình thản giải thích cho nàng hiểu chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình đang trở lại, không còn tiếng súng, không còn thù hận, không còn giết chóc nữa. Nàng mỉm cười nhưng trong cái nhìn vẫn đầy ắp lo âu.
Một lúc sau, tôi mở máy thu thanh. Sau những tin tức và những lời bình luận lộn xộn, tiếng ông tổng thống cuối cùng của miền Nam chậm rãi đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, rồi tới thông cáo của ông tướng nào đó yêu cầu mọi quân nhân buông vũ khí. Tôi nghĩ rằng, sau khi tuyên bố xong, hai ông ấy sẽ tự tử chết để đỡ tủi cho linh hồn của đồng đội đã hi sinh ngoài chiến địa.

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Con chim gãy cánh (6)

Bác tài cho xe chạy càn lên cỏ và dừng lại bên thềm nhà. Bác bước xuống xe, chạy vội ra sau, nhanh nhẹn mở cửa để tôi bế Thu Hồng ra. Thanh đã xuống trước, mở rộng cửa gian nhà. Tôi bước vào, thấy dễ chịu vì nhà đã sắp đặt gọn gàng nhờ một ngày làm việc cật lực của Thanh và chị Thịnh.
Căn nhà gồm một phòng duy nhất, ngang ba thước, sâu năm thước, phía sau có một chái nhỏ dùng làm bếp. Một chiếc giường nhỏ đặt phía trước, gần cửa ra vào. Kế bên là chiếc bàn trước đây Thu Hồng dùng để làm việc. Cuối phòng, chiếc giường khá lớn đặt cạnh một cái rương chứa tất cả quần áo của hai chị em.
Tôi đặt Thu Hồng lên giường lớn và quay ra trả tiền xe. Bác tài nhận tiền, nói cám ơn với nét mặt đầy thương cảm.

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

Con chim gãy cánh (5)



Tôi cố tìm một lý do để tự trấn an mình. Tôi nhớ lại cánh tay khét nắng dịu dàng nâng đầu tôi dậy và ân cần đưa bát cháo vào miệng tôi. Cử chỉ đó là bằng chứng quá thuyết phục về lòng nhân hậu của người dân tộc thiểu số chất phác nầy. Tôi tự trấn an mình bằng cách nghĩ rằng, lòng nhân hậu bẩm sinh của người Thượng, được nếp sống đơn sơ và chân thật làm thành trì bảo vệ, chủ nghĩa cộng sản xây dựng trên sự căm thù giai cấp không thể nào xuyên thủng được. Chủ nghĩa nầy chỉ thành công đối với những người có nhiều tham vọng, khôn lanh và biết tự hủy diệt bản chất nhân từ và chân thật tự nhiên của con người.
Ý nghĩ đó làm cho tôi an tâm. Tôi nhìn sang bên chỗ tiếng ngáy khi nãy phát ra. Tiếng ồ ồ chấm dứt rồi, chỉ còn tiếng thở đều đều trong đêm thực thanh vắng. Tôi thầm nghĩ họ đang cứu sống tôi. Kể từ hôm nay, tôi bước sang cuộc sống thứ hai, nhờ họ mà có. Họ thực sự là ân nhân của tôi, lòng tôi tràn ngập một niềm cảm khái mênh mang.
Tôi sực nghĩ đến Thu Hồng. Nàng thường nhắc đi nhắc lại tôi là ân nhân của nàng. Không, nếu số phận không dẫn tôi đến thì hai chị em nàng cũng tiếp tục sống trên đời nầy. Nơi đó, nàng đang ở giữa quần thể loài người văn minh. Chiến tranh dù có tàn ác nhưng khi lửa đạn đã đi qua thì cuộc sống vẫn còn nhiều đảm bảo. Còn ở đây, người dân thiểu số nhân hậu nầy mới thực sự là ân nhân của tôi. Trong chốn núi rừng thâm u nầy, ông ta là người duy nhất cứu mạng tôi, không còn ai khác nữa. Không có ông thì nhất định tôi phải bỏ lại nắm xương tàn tại đây.

Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

Con chim gãy cánh (4)


Máy bay quân sự đưa tôi về Quảng trị. Tiểu khu báo cho tôi biết hai ngày sau mới có xe đưa lên tiền cứ của tiểu đoàn. Trễ phép mất hai ngày nhưng không sao, người ta cho hay tiểu đoàn vẫn còn đóng yên tại chỗ. Trong khi chờ đợi, tôi ở nhờ tại tiểu khu vì nơi đây có phòng vãng lai khá đầy đủ tiện nghi. Trong phòng đã có một anh sĩ quan cũng đi phép về và chờ đợi như tôi. Chúng tôi đi ăn cơm chung với nhau rồi trở về tiểu khu vì ở cái tỉnh địa đầu nầy, không có nhiều thú vui ăn chơi như các tỉnh khác của miền Nam. Chúng tôi có nguyên hai ngày để trò chuyện. Anh ta tự giới thiệu mình là trung úy Trần Hy, sĩ quan chiến tranh chính trị của Sư đoàn Một bộ binh. Không phải là sĩ quan tác chiến nhưng Trần Hy tham gia đều đặn các cuộc hành quân, mục đích là tìm tin tức và đề tài chiến trường để viết bài cho một tờ báo lớn ở Sài gòn. Quả thực, nói chuyện với anh, tôi tấy rõ sự hiểu biết sâu và rộng của anh về cuộc chiến tranh nầy. Tôi chăm chỉ nghe những nhận định của Hy vì một ý riêng.
Tôi đã hứa với Thu Hồng là sẽ xúc tiến thủ tục kết hôn với nàng. Lời hứa đó thốt lên trong lúc bồng bột khi hai chúng tôi đang quấn quít bên nhau. Sau khi rời xa nàng để trở về chốn địa đầu nầy, mùi hương của da thịt, của hơi thở người trinh nữ vẫn phảng phất quanh tôi, làm cho lời hứa dần dần trở thành một quyết định dứt khoát. Tôi muồn gần gũi bên nàng để “khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”. Tuy nhiên, trong tình cảnh hiện tại của tôi, điều đó không dễ dàng thực hiện được. Tôi đang ở cách nàng quá xa, may lắm mỗi năm cũng chỉ được vài ngày gần gũi bên nhau.

Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Con chim gãy cánh (3)



KỲ trước tôi đã nói cho anh nghe tất cả bạn bè trong đại đội đã vui lòng để cho tôi “trấn lột” tất cả tiền bạc và mang đến tặng Thu Hồng. Ngay hôm sau, đơn vị tôi di chuyển ra Quảng trị. Chúng tôi phối hợp với sư đoàn Một Bộ binh cùng một số đơn vị của Mỹ phá vỡ các đường tiếp tế của cộng quân ngang qua thượng nguồn sông Bến hải.
Anh cũng biết, qua cuộc “tổng tấn công và nổi dậy”, phe cách mạng bị tiêu hao quá nhiều nhân lực và vũ khí. Họ cần miền Bắc bổ sung gấp rút, nên miền Nam phải chận yết hầu tiếp tế của họ. Họ chết quá nhiều trong cuộc tổng tấn công điên rồ vừa qua nên chúng tôi chiếm lấy trận địa không mấy khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi phải ở lại khá lâu cho mấy ông địa phương quân xây đồn đắp lũy để phòng thủ.
Một hôm tôi nhận được thư Thu Hồng. Bức thư khá dài, lời lẽ thực dễ thương, chữ viết đẹp và uyển chuyển, nhìn vào là thích ngay. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần đến thuộc lòng.

Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Con chim gãy cánh (2)


Buổi chiều, tất cả những lá thư được gom lại và bếp trưởng ôm lên văn phòng nộp cho quản giáo. Bắt đầu những ngày khắc khoải chờ đợi thư hồi âm. Chúng tôi đều biết, trong mấy tháng mình sống biệt lập và bó rọ trong không gian nhỏ bé và bưng bít nầy thì ngoài kia đang trải qua sự biến đổi kinh hoàng. Trong cơn lốc xoáy của cuộc đổi đời nầy, gia đình của mỗi người trong chúng tôi ra sao? Vợ con có sống đầy đủ không, có được ngày ba bữa hay không? Chúng tôi nóng lòng chờ mong tin tức biết bao.
Hai tuần sau, đợt thư hồi âm đầu tiên đã được kiểm duyệt xong, đưa xuống phát cho một số anh em. Chỉ độ một phần ba tù nhân nhận được thư trong ngày đầu. Ôi những lá thư! Ôi những dòng chữ từ bàn tay những người thân yêu, ôi những lời nói thầm lặng đầu tiên kể từ khi chúng tôi xa rời cuộc sống ngoài kia sau ngày miền Nam sụp đổ hoàn toàn!
Không khí trại sôi nổi hẳn lên. Người nhận được thư thì đọc ngấu nghiến, có người cười toe, có người nước mắt lưng tròng. Người chưa có thư thì bồn chồn chạy lui chạy tới, hỏi thăm tin tức bên ngoài qua những lá thư đã nhận được.
Những ngày kế tiếp, các lá thư lai rai đến với chúng tôi. Sau một tuần, quản giáo tuyên bố chấm dứt. Tất cả đều nhận được thư nhà, ngoại trừ một người. Đó là Hưng. Trông anh suy sụp như một cái cây mục nát đã đến lúc sụm xuống, không còn gắng gượng đứng thẳng được nữa.

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Con chim gãy cánh (1)



TRẠI cải tạo nầy tập trung khoảng một ngàn người, chia thành năm khối gọi là bếp. Mỗi bếp lại chia thành đội, đội chia thành tổ, mỗi tổ gồm mười người. Tuy nhiên, tổ của tôi chỉ có chín người, với anh Nguyễn văn Tứ làm tổ trưởng. Chúng tôi gọi anh là Tứ tổ trưởng để phân biệt với anh Tứ ở phòng kế bên, không phải là tổ trưởng. Chín người trong tổ chúng tôi cùng sống chung trong một gian nhà nho nhỏ. Một sạp bằng tre chạy suốt bề dọc và chiếm hai phần bề ngang gian nhà, một phần ba còn lại dành cho đường đi. Sạp tre là chỗ ngủ, chỗ ăn, chỗ chơi, chỗ họp tổ để kiểm điểm và thảo luận bài học chính trị.
Tổ là đơn vị nhỏ nhất trong “biên chế” của trại, gồm những người liên hệ mật thiết với nhau trong ăn uống, lao động và học tập. Tuy nhiên, trong sinh hoạt riêng tư, tổ lại chia thành từng nhóm nhỏ, thường gồm hai người ghép thành một cặp cùng sở thích, cùng tâm tình. Tổ của tôi cũng có những cặp như thế.
Ồn ào nhất là cặp Quý-Thế. Quý hát còn Thế thì đánh nhịp theo. Khi Quý bắt đầu hát, Thế đánh nhịp vào bất cứ nơi nào thuận tay. Thế vỗ một cách nhiệt tình vào cái sạp tre, vào cánh cửa tôn, vào thùng đựng nước, vào cả lưng và bụng của người nào không may đứng gần khi ca sĩ cất tiếng hát. Tiếng hát của Quý thì ôi thôi! Nếu Quý lên biểu diễn trên sân khấu ca nhạc thì chắc chắn toàn thể khán giả đều vui lòng bỏ tiền mua vé để ra khỏi rạp. Giọng của Quý thì ồm ồm như giọng đùa giỡn của bầy heo nuôi trong chuồng. Quý chỉ hát một bài duy nhất và thường khởi đầu một cách bất ngờ. Đang ngồi im lặng lim dim như một triết gia mê mãi suy tư hay một vị chân tu tham thiền nhập định, bỗng Quý nhảy dựng lên la:
- Trường sơn đông (ự), Trường sơn tây (ự), hai đứa ở hai đầu xa thẳm…. Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến….
Có hôm anh em chịu không nổi, chửi mắng và bảo Quý im đi thì Quý cười khì khì:
- Trước kia tao là sĩ quan chiến tranh chính trị mà. Bây giờ tao phải ca hát giúp tụi bây vui vẻ chịu đựng để có được ngày về với vợ con.

Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2017

Kẻ chiến bại (5)


Ba tháng nghỉ hè trôi qua một cách bình yên đối với tình yêu của đôi trẻ nhưng không bình yên chút nào đối với cuộc sống trên mọi miền đất nước. Riêng với Sinh thì cậu đã bớt quan tâm đến tính hình chiến sự đang sôi động khắp nơi. Những chiến thắng giòn giã của quân giải phóng không còn gây được nơi cậu sự hân hoan của những ngày đầu mới nghe đài Giải phóng và đài Hà nội. Hằng đêm, cậu thường quên nghe hai đài nầy nên không theo dõi sức tiến quân của Mặt trận. Tờ nhật báo Tin sáng vẫn được cậu mua đều đặn nhưng không còn được đọc một cách chăm chỉ như trước. Có tờ cậu đưa về, liếc sơ qua các chữ lớn ở trang nhất rồi vứt vào xó nhà.
Các buổi sinh hoạt chi đoàn cũng thưa dần vì thầy Văn thường hoãn lại. Nếu có thì cũng không kéo dài. Trong những buổi sinh hoạt đó, gần như chỉ có lời độc thoại của thầy Văn. Giọng thầy vẫn còn đầy nhiệt huyết nhưng không còn gây cho Sinh sự phấn khởi và sôi nổi như lúc đầu. Cậu cũng bỏ luôn cái thói quen bịa ra công tác theo sát người nầy người kia. Cậu thường im lặng trong suốt buổi sinh hoạt. Trước đây, cậu thường chê thầy Bá ít phát biểu. Bây giờ, cậu còn ít phát biểu hơn thầy ấy nữa. Thầy Văn hình như không quan tâm đến điều nầy. Có lẽ thầy quá bận rộn với công việc trọng đại hơn trong cái thời gian mà thầy gọi là giai đoạn cận kề sự kết thúc cuộc đấu tranh vũ trang của cách mạng Việt Nam.

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Kẻ chiến bại (4)



Chưa bao giờ Sinh thấy cuộc đời đáng yêu như hôm nay. Suốt buổi chiều, cậu thấy tâm hồn mình bồng bềnh như mây bay gió thoảng. Ngồi vào bàn lấy sách ra học, nhưng Sinh thấy khó tập trung suy nghĩ nên lấy bài tập điện tử ra làm. Đó là thói quen xưa nay của cậu. Lao vào các bài toán là cậu tự tách mình ra khỏi thế giới chung quanh. Cậu phải thi đậu kỳ nầy và đậu hạng cao. Sinh tưởng tượng đến ngày xem kết quả thi, cậu sẽ sánh vai người yêu, đến trước bảng của bộ môn vật lý. Nàng sẽ dò danh sách còn chàng đứng lặng lẽ chờ bên cạnh. Nàng không phải dò lâu, tên cậu hiện ra rõ ràng ở phần đầu danh sách thi đỗ. Nàng sẽ reo lên mừng rỡ. Sinh sẽ không reo lên nhưng lặng lẽ nắm lấy tay nàng bảo nhỏ:
- Kết quả nầy là anh dành tặng cho nàng tiên bé nhỏ của anh đó. Em có nhận không?
Nàng sẽ không trả lời mà sẽ ngước mặt lên, làn môi mọng đỏ khẽ rung rinh. Sinh sẽ cúi mặt xuống….
Cậu ngồi thẳng dậy, lấy tay đập mạnh vào đầu để cắt ngang dòng tưởng tượng. Cậu biết rằng cứ thả lỏng cho đầu óc mình, thì chắc chắn cậu sẽ không có tên trong danh sách thi đậu mà suy nghĩ tầm thường của cậu còn xúc phạm vào tấm thân ngà ngọc của nàng. Không thể được, tấm thân đó là một khối ngọc lưu ly. Nó gần giống như khối ngọc vô giá mà một vài tôn giáo dùng làm biểu tượng thiêng liêng để tôn thờ. Người ta chỉ được phép nhìn thánh vật đó để chiêm ngưỡng chứ không được mó tay vào.

Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Kẻ chiến bại (3)


Buổi lễ kết nạp vừa qua gây trong lòng Sinh sự xúc động to lớn. Phần học tập nghị quyết cũng làm cho Sinh rất thích thú. Cậu thấy chủ trương của cách mạng thực là khó lường đối với trình độ nhận thức của cậu từ trước cho đến nay. Qua các buổi phát thanh của đài Hà nội và đài Giải phóng, cậu cứ ngỡ rằng cách mạng thực sự chủ trương hòa bình, nhưng bây giờ cậu mới hiểu rằng cách mạng đang tích cực chuẩn bị chiến tranh để giải phóng miền Nam, vì đó là mục đích cuối cùng của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn nầy. Lòng yêu chuộng hòa bình mà cách mạng luôn luôn đề cao chỉ là một cách tuyên truyền mà thôi chứ không phải là chủ trương thực sự của đảng. Chỉ những người trong cuộc mới hiểu điều đó. Và cậu hãnh diện là người trong cuộc.
Phần tình hình thì rõ ràng như vậy. Nhưng phần nhiệm vụ mới thì có vẻ mơ hồ, không liên can đến bản thân cậu. Thúc đẩy sinh viên xuống đường? Thúc đẩy bằng cách nào? Chắc hẳn không phải đến sau lưng mỗi người và xô họ ra ngoài đường để đi biểu tình. Thế thì làm gì đây? Thôi cứ chờ đợi sự chỉ đạo của thầy Văn, như lời kết luận của thầy, khi học xong nghị quyết.
Sinh cũng nhớ rõ lời nhắn nhủ của thầy cho riêng mình. Đoàn là đội hậu bị của đảng. Đảng là của giai cấp vô sản. Kể từ hôm nay, cậu phải hướng về giai cấp vô sản, dứt khoát xem giai cấp đối nghịch là kẻ thù. Một lần nữa, vấn đề đấu tranh giai cấp lại nổi cộm lên trong trí óc cậu. Cậu đang phấn khởi nhưng trong lòng không được nhẹ nhàng thơ thới.
Tạm thời, chưa có nhiệm vụ gì cấp bách nên cậu lao vào học tập vì chỉ còn hai tháng nữa là đến kỳ thi lấy chứng chỉ đầu tiên.

Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

Kẻ chiến bại (2)



Thằng bé bị xe tông chỉ tét da đầu, xương sọ còn nguyên vẹn nên bình phục sau một tuần nằm bệnh viện. Mấy ngày sau, khi đi học về, Sinh lại thấy sạp báo bày ra như cũ. Thằng bé đứng sát bên mẹ. Tai nạn vừa qua làm nó sợ hãi nên chỉ ở gần mẹ hoặc đi quanh sạp báo chứ không dám chơi đất cát như trước. Trông nó sạch sẽ hơn trước. Trên đầu, một miếng băng to tướng che kín vết thương.
Sinh mừng rỡ dừng xe chạy lại ôm thằng bé hỏi thăm rối rít. Một tuần lễ nay, Sinh lấy báo ở sạp trước chợ. Nay cậu trở lại lấy báo của mẹ thằng bé như trước.
Nhờ đọc báo và nghe đài phát thanh, Sinh bắt đầu biết rõ được cuộc chiến đang xảy ra rất quyết liệt trên nhiều mặt trận gần xa. Cậu làm quen với những địa danh như Khe sanh, Hạ Lào, Dak tô, Dak xút, Đồng xoài, Bình giả, vân vân. Người ta cũng nói đến một hội nghị hòa bình sắp được triệu tập bên trời Âu. Qua đài Hà nội và đài Giải phóng, ta thắng nhiều trận trên cả hai mặt trận quân sự lẫn ngoại giao. Cùng với toàn thể nhân dân tiến bộ trên thế giới, Sinh rất phấn khởi vì những tin tức nầy.

Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Kẻ chiến bại (1)



SINH dừng xe tắt máy, nhưng không buồn bước xuống. Cậu buồn bã nhìn vào căn nhà nhỏ giữa khu vườn rộng. Trước đây, mỗi lần về tới, bao giờ Sinh cũng thấy lòng rộn vui, cậu nhanh chóng mở cổng, cho xe chạy quanh đến sau nhà và đi tìm mẹ, nếu mẹ có nhà. Còn nếu vào giờ mẹ đi vắng, cậu vẫn vui vẻ bước qua bục cửa, miệng hát to một bài ca ưa thích.
Đó là lúc mẹ còn sống. Bây giờ mẹ đã vĩnh viễn ra đi, sau một tháng trở bệnh trầm trọng. Mẹ qua đời vừa được một tuần. Sáng nay ra thăm mộ, cậu quên mang theo cây chổi nhỏ. Ngày hôm qua, cậu thấy những vành hoa phủ trên núm đất đã khô héo sau mấy ngày nắng như thiêu đốt. Những chiếc lá cong queo, những đóa hoa tàn úa xấu xí rụng ra khỏi cành, nằm rải rác trên mộ, sau khi cậu gom những tràng hoa chất vào chỗ đất trống. Cậu nhớ tính mẹ gọn gàng sạch sẽ, nên tự nhủ lòng rằng, mỗi khi đi thăm mộ, nhớ đem theo chổi để làm sạch ngôi nhà cuối cùng của mẹ.